Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Im Lặng

Đăng lúc: Thứ ba - 22/04/2014 22:40 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Các vị thiền sư thường dạy rằng, trong giờ phút này nếu như ta biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận các hoạt động của thân, của những cảm giác, của trạng thái nào đang có mặt trong tâm... tức là ta đang sống trọn vẹn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.
Im Lặng

Im Lặng

Một ngày lất phất mưa tháng tám năm 1952, tại thành phố Woodstock ở tiểu bang NewYork có một buổi hòa nhạc giới thiệu những sáng tác của nhạc sĩ, cũng là một học giả về âm nhạc, John Cage. Trong chương trình có ghi một sáng tác mới của ông với tựa là 4’33”, bốn phút ba mươi ba giây, sẽ do nhạc sĩ David Tudor độc tấu bằng piano.

Bài nhạc 4’33” gồm có ba phần (three movements). Tudor bước lên sân khấu chào khán giả. Ông ngồi xuống bên chiếc piano, lấy chiếc đồng hồ ra điều chỉnh lại và đặt trước mặt. Tudor nhẹ nhàng đóng lại nắp đàn, cẩn trọng nhìn bản nhạc, ngồi yên bất động trong 30 giây. Ông mở nắp phím đàn lên dấu hiệu phần thứ nhất chấm dứt.

Phần thứ hai. Tudor nhẹ nhàng khép lại nắp phím đàn trên chiếc piano. Ông cẩn trọng theo dõi tờ nhạc và ngồi yên không cử động trong 2 phút và 23 giây. Bên ngoài tiếng gió lộng thổi luồn vào những cánh cửa mở rộng ở cuối khán phòng xen lẫn với tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà.

Phần thứ ba. Ông cẩn thận khép lại nắp đàn trên chiếc piano, chăm chú nhìn vào tờ nhạc và ngồi yên trong 1 phút và 40 giây. Thính giả bắt đầu thầm thì nói nhỏ với nhau, có người lộ vẻ khó chịu, có nhiều tiếng sột soạt vang lên trên những hàng ghế ngồi.
Tudor đứng dậy chào khán giả và bước xuống sân khấu. Bài độc tấu piano đã chấm dứt sau 4 phút và 33 giây. Không có một nốt nhạc nào được chơi.

Sau buổi trình diễn ấy, tác phẩm 4’33” của ông John Cage đã bị các nhà phê bình âm nhạc chỉ trích khá nặng nề, họ đặt tên cho nó là “Đoản khúc thinh lặng” - The silent piece. Nhưng thật ra bài nhạc ấy không phải để diễn tả sự thinh lặng, mà nội dung của nó là bao gồm hết tất cả những âm thanh nào đang có mặt chung quanh trong lúc bài nhạc được trình diễn. Trong bài 4’33” cả tác giả và người nhạc sĩ đều hoàn toàn không có một tác động nào đến bài nhạc. Những âm thanh nào thính giả sẽ lắng nghe khi bài nhạc được trình diễn hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của tác giả.

Vài năm trước khi qua đời, ông Cage có chia sẻ thêm về bản nhạc này trong một bài phỏng vấn:

Cage: Tôi biết là người ta sẽ xem bài nhạc ấy như là một trò đùa, nó không được xem như là một tác phẩm thật sự… Đến bây giờ tôi vẫn ngờ là nếu có ai thật sự hiểu được nó.

Hỏi: Theo cái hiểu của đa số quần chúng thì ý định của bài nhạc là mở rộng giới hạn nghe ra, tiếp xúc với tất cả những âm thanh đang có mặt chung quanh mình và…

Cage: Và chấp nhận hết tất cả…

Hỏi: Vâng…

Cage: Và cho dù là mình đang dựa trên một cái gì đó làm cơ sở, nền tảng. Cái hiểu lầm của đa số là ở chỗ ấy.

Hỏi: Thế thì chúng ta nên hiểu nó như thế nào?

Cage: Nó chỉ có thể mở rộng ta ra với bất cứ một tình trạng nào, nếu như ta không chấp vào một cơ sở hay nền tảng nào hết. Nhưng theo tôi thì ít ai có thể hiểu được điều ấy… Người ta thường có một kinh nghiệm tâm linh là đôi lúc họ cảm thấy rằng không có một cái gì chung quanh mà lại không có liên hệ đến mình. Và đó cũng là kinh nghiệm của sự yên lặng.

Hỏi: Thông điệp của bài nhạc thinh lặng này dường như là tất cả mọi sự kiện đều được cho phép.

Cage: Tất cả mọi việc đều được cho phép nếu như con số không (zero) được chọn làm nền tảng. Đó là điều mà chúng ta thường không hiểu rõ. Nếu như ta không có một ý định nào hết thì tất cả mọi việc đều có thể được. Và nếu như ta có một chủ tâm nào đó, thì sẽ không thành được...

... Đó là khi những ý định của ta trở thành con số không (zero). Và khi ấy mình sẽ đột nhiên khám phá ra rằng thế giới này kỳ diệu vô cùng.

Đó là câu chuyện về bài nhạc 4'33'' của John Cage.

Bạn biết không, trong cuộc sống muốn làm việc gì thì chắc chắn ta phải cần đến phương pháp và phải có một chương trình rõ ràng. Điều ấy cũng là một việc cần thiết và dĩ nhiên thôi. Nhưng trên con đường tu học, nếu như ta muốn thấy được thực tại như-nó-là, một cái thấy sâu sắc vượt ra ngoài những khái niệm, ta cần phải có một cái nhìn mới.

Cuộc sống trôi chảy tự nhiên với những bất ngờ, vì vậy mà sự tu học của ta khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào được. Những lập trình sẵn có thường chỉ với mục đích để giúp ta giải quyết một vấn đề nhất định và cần thiết nào đó. Nếu ta biết thận trọng chú ý quan sát những gì đang xảy ra tự nhiên, chúng sẽ mở rộng ta ra với một thực tại trong sáng và hoàn toàn mới lạ.

Có một câu chuyện vui như vầy. Trong ngôi làng nọ, mỗi sáng có một vị tu sĩ rời nhà và đi xuống phố để đến đền thờ của mình. Sáng nào ông cũng đều làm việc ấy. Một hôm, khi đi ngang trạm canh ông gặp một người lính gác, anh này biết việc làm hằng ngày của vị tu sĩ, nhưng muốn đùa cợt nên hỏi: “Sáng nay Thầy đi đâu đó?” Vị tu sĩ trả lời, “Tôi cũng không biết chắc nữa!” Anh lính gác hơi bực mình, hỏi lại: “Thầy đi đâu, đừng đùa với tôi nhé!” Vị tu sĩ vẫn đáp, “Thú thật, sáng nay tôi không biết mình sẽ đi đâu!” Anh lính nghĩ vị tu sĩ muốn châm chọc mình nên bực tức và bắt nhốt vị tu sĩ lại. Vị tu sĩ nhìn anh lính gác nói, “Anh thấy không, tôi có nói dối anh đâu, mỗi sáng thì tôi thường đi xuống đền thờ, nhưng hôm nay tôi đâu có biết là mình sẽ đi vào tù đâu!”
Câu chuyện vui thôi, nhưng mà đó cũng là một điều hay phải không bạn? Đâu ai biết được! Hôm qua ta có thể đang đối diện với những muộn phiền, khó khăn, nhưng hôm nay tất cả có thể sẽ hoàn toàn đổi mới… Vô thường có nghĩa là sự việc bao giờ cũng sẽ lại mới tinh khôi.

Các vị thiền sư thường dạy rằng, trong giờ phút này nếu như ta biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận các hoạt động của thân, của những cảm giác, của trạng thái nào đang có mặt trong tâm... tức là ta đang sống trọn vẹn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.

Mà bạn biết không, thật ra việc ấy không đòi hỏi một sự dụng công gì nhiều lắm như mình tưởng đâu. Vì khi chú tâm lắng nghe một bản nhạc nào đó thì ta cần một sự lao tác cố gắng, chứ như lắng nghe hết tất cả thì thật ra ta chỉ cần buông thả cho được tự nhiên và trong sáng mà thôi. Vô vi nhi vô bất vi, Lão tử và trong nhà thiền thường hay nói, tuy như không làm gì mà lại là đang làm hết tất cả.

Cái khó có lẽ là làm sao ta có thể buông bỏ được những bài bản mình đã biết rồi, để trở về được ngay nơi này, với con số không của ông Cage, để tiếp xúc được với thực tại, có thể là chỉ chừng bốn phút và ba mươi ba giây thôi. Và hiểu rằng, bây giờ và ở đây đang có đầy đủ hết tất cả, chỉ thiếu vắng mỗi sự có mặt của chính mình mà thôi...
 
Tác giả bài viết: Phong Đông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 47
  • Khách viếng thăm: 40
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 16279
  • Tháng hiện tại: 1709309
  • Tổng lượt truy cập: 59362242

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile