Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Pháp Bảo Đàn - 8 - Phẩm Đốn Tiệm

Đăng lúc: Thứ tư - 16/05/2012 08:46 - Người đăng bài viết: minhdat
Kinh Pháp Bảo Đàn - 8 - Phẩm Đốn Tiệm

Kinh Pháp Bảo Đàn - 8 - Phẩm Đốn Tiệm


8. Phẩm Đốn Tiệm 

(Pháp tu chứng quả tức khắc và Pháp tu chứng quả từ bậc.)  

 

Lúc Tổ Sư ở chùa Bửu Lâm tại Tào Khê, thì Thần Tú Đại Sư ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam.  Bấy giờ, cả hai phái đều diễn hóa rất thạnh hành.  Người người đều xưng Nam Năng Bắc Tú, cho nên mới phân hai phái Đốn và Tiệm ở phương Nam và phương Bắc.  Nhưng các học giả chưa biết được cái tông thú. 

Tổ Sư mới gọi đại chúng mà bảo rằng: "Pháp vốn là một tông, còn người thì có Nam và Bắc.  Pháp tức là một giống, còn chỗ thấy thì có mau chậm.  Pháp không có mau chậm.  Bởi con người có tánh sáng tối, cho nên mới gọi là Mau Chậm." 

Nhưng các môn đồ của Sư Thần Tú thường chê Tổ Sư phái Nam Tông là dốt, không biết một chữ, có chỗ nào hay đâu ! 

Sư Thần Tú bảo chúng rằng: "Lục Tổ người đặng cái trí vô sư (Không thầy dạy mà sáng biết-nd), thâm ngộ Pháp Thượng Thừa, ta đây chẳng bằng người vậy.  Vã thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y pháp cho người, há phải là việc vô cớ sao?  Ta tiếc vì không đi xa được mà gần gủi với người, nên phải đành chịu ân huệ của vua.  Các ông chớ trì trệ ở đây, khá qua Tào Khê viếng Lục Tổ mà nghe lời khẩu quyết. 

  Một ngày kia, sư Thần Tú bảo môn nhơn là Chí Thành rằng: "Ông thông minh, đa trí, khá vì ta mà đến Tào Khê mà nghe pháp.  Nếu nghe đặng chỗ nào, hãy hết lòng nhớ lấy, rồi trở về nói lại cho ta rõ." 

Chí Thành vâng mạng đến Tào Khê, nhập theo đại chúng đến viếng và cầu dạy, nhưng chẳng nói ở đâu lại.  Khi ấy, Tổ Sư bảo chúng nhơn rằng: "Nay có kẻ trộm pháp ẩn tại hội này." 

Chí Thành liền bước ra làm lễ, và bày tỏ hết các việc của Sư Thần Tú dặn. 

Sư rằng: "Ông ở chùa Ngọc Tuyền đến, lẽ ưng là dọ thám." 

Đáp: "Chẳng phải vậy." 

Sư nói: "Sao đặng gọi là chẳng phải?" 

Đáp: "Chưa nói ra thì phải như thế, nói ra rồi thì chẳng phải vậy." 

Sư hỏi: "Thầy ông dạy chúng thế nào?" 

Đáp: "Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm." 

Sư nói: "Trụ tâm quán tịnh, ấy là bịnh, chẳng phải Thiền.  Thường ngồi là câu thúc cái thân, đối với đạo lý, có ích chi đâu ! 

  Hãy nghe ta kệ: 

Khi sống, ngồi không nằm 

Khi chết, nằm không ngồi 

Gốc thiệt đồ xương thúi 

Làm sao lập công, tội ?" 

  

Chí Thành lại làm lễ mà bạch rằng: "Kẻ đệ tử theo ở với Thần Tú Đại Sư, học Đạo chín năm, mà chẳng đặng tỏ sáng.  Nay nghe Hòa Thượng nói một lần, liền tỏ sáng Bổn tâm.  Việc sống thác là lớn, đệ tử xin Hòa Thượng mở lượng từ bi chỉ dạy." 

Sư rằng: "Ta nghe nói thầy của ông dạy pháp Giới Định Huệ cho các học giả, nhưng chưa rõ thầy ông nói cái hạnh tướng của Giới Định Huệ như thế nào.  Hãy nói lại cho ta nghe."   

Chí Thành bạch: "Tú Đại Sư nói: Các điều dữ chớ làm, gọi là giới.  Các điều lành vâng làm, gọi là Huệ.  Giữ ý mình trong sạch, gọi là Định.  Thầy tôi nói như vậy, chưa rõ Hòa Thượng dùng pháp nào mà dạy người?" 

Sư nói: "Nếu ta nói có pháp dạy người, tức là nói dối với ông.  Ta chỉ tùy phương tiện mà giải thoát cho người.  Phương tiện ấy giả gọi là Tam Muội.  Cứ như chỗ thầy ông nói về môn Giới Định Huệ thiệt không thể nghĩ bàn được.  Chỗ ta nói về Giới Định Huệ lại khác." 

Chí Thành bạch: "Giới Định Huệ chỉ hợp có một thứ, thế nào lại khác?" 

  Sư nói: "Pháp Giới Định Huệ của thầy ông để tiếp độ người đại thừa.  Còn pháp Giới Định Huệ của ta để tiếp độ người Tối Thượng Thừa.  Chỗ tỏ hiểu không đồng, chỗ thấy có mau chậm.  Ông nghe chỗ ta nói với chỗ thầy ông nói, có đồng nhau chăng?  Chỗ ta nói pháp không lìa tánh mình.  Lìa Bổn Thể mà nói pháp, là trước tướng mà nói, thế thì tánh mình thường mê.  Phải biết muôn pháp đều do tánh mình mà khởi dụng, thế mới thiệt là pháp Giới Định Huệ.  Hãy nghe ta kệ:   

Tâm Địa không quấy, thì tánh mình Giới 

Tâm Địa không si, thì tánh mình Huệ 

Tâm Địa không rối, thì tánh mình Định 

Không thêm, không bớt , thì tánh mình Kim Cang 

Không tới không lui, vốn là Tam Muội. 

 Chí Thành nghe kệ rồi, ăn năn cám ơn, và trình kệ rằng: 

Năm uẩn huyển thân này 

Huyễn nào mong cứu cánh? 

Trở thú tánh chơn như 

Pháp còn chưa thật tịnh 

  Sư khen phải, lại nói với Chí Thành rằng: " Pháp Giới Định Huệ của thầy ông để khuyên các người căn trí nhỏ, còn pháp Giới Định Huệ của ta để khuyên các người căn trí lớn.  Nếu mình tỏ sáng tánh mình, thì chẳng nên lập Bồ Đề Niết Bàn, cũng chẳng nên lập Giải Thoát Tri Kiến.  Không có một pháp nào tìm được ở trong tánh mình, và mới tạo lập được muôn pháp.  Nếu hiểu được cái ý chỉ ấy, thì gọi là Phật thân, cũng gọi là Bồ Đề Niết Bàn, là Giải Thoát Tri Kiến.  Người thấy tánh lập ra cũng đặng, chẳng lập ra cũng đặng.  Đi lại tự do, không ngừng, không ngại, phải chỗ dùng thì tùy cơ mà làm, phải chỗ nói thì tùy cơ mà đáp, hiện khắp hóa thân mà chẳng lìa tánh mình, tức là đặng Tự Tại Thần Thông Du Hí Tam Muội.  Ấy gọi là thấy tánh.   

Chí Thành lại bạch: "Cái nghĩa chẳng lập là sao?" 

Sư nói: "Tánh mình không quấy, không si mê, không tán loạn, niệm niệm trí huệ thường soi, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang đều ứng đối đặng cả, thì có pháp nào mà đặng lập?  Tánh mình tự tỏ sáng, tỏ liền tu liền, cũng không lần lượt theo thứ lớp.  Sở dĩ nên chẳng lập cả thảy các pháp.  Các pháp đều vắng lặng, thì có gì là thứ lớp. 

Chí Thành làm lễ, nguyện theo hầu hạ Tổ Sư, sớm tối không bê trễ. 

------------------------------- 

Thầy tăng Chí Triệt, người ở Giang Tây, họ Trương, tên Hạnh Xương, còn trẻ mà có tánh thành thật và can đảm. 

Từ khi Nam Bắc chia rẽ việc hóa độ, hai vị tông chủ tuy không phân nhơn ngã, nhưng các môn đồ cùng tăng tử của hai phái thường  cạnh tranh và sanh lòng yêu ghét nhau.  Lúc bấy giờ, môn nhơn phái Bắc tông tôn Sư Thần Tú làm Tổ thứ Sáu, nhưng còn hiềm Huệ Năng Tổ Sư vì được truyền y-bát  làm cho thiên hạ đều hay, nên sai Hạnh Xương đến thích khách Đại Sư.  Đại Sư có Tha Tâm Thông, biết trước việc ấy, nên bảo một vị đệ tử cư sĩ thân tín lấy mười lượng vàng, để sẵn nơi chỗ ngồi.  Lúc đêm khuya, Hạnh Xương vào phòng Tổ Sư và toan muốn làm hại.  Sư đưa ngay cổ cho chém ba lần, mà không phạm chỗ nào cả. 

Sư nói: "Gươm chánh không dùng vào việc tà, gươm tà không dùng vào việc chánh được.  Ta chỉ thiếu ông vàng, chớ không thiếu ông nợ mạng." 

  Hạnh Xương hoãng kinh ngã ngữa, một hồi lâu mới tỉnh lại, bèn cầu khẩn ăn năn tội lỗi, và liền nguyện xuất gia. 

  Sư lấy vàng cho và nói: "Ông đã phạm trọng tội.  Ông hãy đi, sợ e đồ chúng hại ông.  Một ngày kia, ông khá đổi hình dạng, rồi đến đây, ta sẽ nhận và độ ông."   

Hạnh Xương vâng theo ý Đại Sư, đêm ấy trốn đi.  Sau Hạnh Xương xuất gia làm tăng, thọ Cụ túc Giới, và tu hành rất tinh tấn.  Một ngày kia, nhớ lời Sư dạy, Hạnh Xương từ phương xa đến làm lễ ra mắt Ngài. 

Sư nói: "Ta có lòng nhớ ngươi đã lâu, sao ngươi  tới muộn?" 

Hạnh Xương bạch: "Ngày trước nhờ ơn Hòa Thượng tha tội, nay tuy xuất gia khổ hạnh, nhưng sau này đệ tử ắt khó trả được cái ân đức ấy, chỉ mong Tổ Sư truyền pháp để độ chúng sanh mà thôi. 

Đệ tử thường xem kinh Niết Bàn mà chưa hiểu cái nghĩa Thường và Vô Thường, xin Hòa Thượng từ bi lược giải cho." 

Sư nói: "Vô Thường tức là Phật Tánh.  Hữu Thường là cái tâm phân biệt cả thảy các pháp thiện ác vậy."   

Hạnh Xương bạch: " Chỗ Hòa Thượng nói rất trái với kinh văn." 

Sư nói: "Ta truyền cái tâm ấn Phật, đâu dám nói  trái với kinh Phật !" 

Hạnh Xương bạch: "Kinh nói Phật tánh là Thường, Hòa Thượng lại nói là Vô Thường.  Các pháp thiện ác cho đến cái tâm Bồ Đề là Vô Thường, Hòa Thượng lại nói là Thường.  Mấy lời ấy trái nghịch nhau, khiến kẻ học này thêm nghi hoặc." 

Sư nói: " Kinh Niết Bàn, xưa ta nghe Ni Cô Vô Tận Tạng tụng một biến, thì có giảng thuyết cho người nghe.  Chỗ ta nói không có một chữ một nghĩa nào mà chẳng hợp với kinh văn.  Nay ta giảng cho ông nghe, thì cũng toàn một nghĩa không hai." 

Hạnh Xương bạch: "Kẻ học này, sức hiểu biết còn cạn tối, xin Hòa Thượng chỉ dạy chu đáo." 

Sư nói: "Ông biết chăng, nếu Phật Tánh là Thường, thì nói làm chi các pháp Thiện Ác, lại sao đến cùng kiếp, không có một người phát Bồ Đề Tâm?  Cho nên ta nói là Vô Thường, mà chính Phật nói là Đạo Chơn Thường.  Lại nếu các Pháp là Vô Thường, tức vật vật đều có tự tánh, gồm chịu sự sống chết, mà cái tánh Chơn Thường có chỗ chẳng biến khắp.  Cho nên ta nói là Thường, mà đó Phật nói cái nghĩa Chơn Vô Thường vậy.  Vì các người phàm phu ngoại đạo chấp nơi Tà Thường, các người trong Nhị Thừa đối với Thường kể là Vô Thường, chỗ mê chấp của hai phái cộng lại thành tám điều trái ngược, cho nên trong bài Liễu Nghĩa Giáo ở Kinh Niết Bàn, Phật phá chỗ thiên kiến mà nói rõ chỗ Chơn Thường, Chơn Lạc, Chơn Ngã, Chơn Tịnh. 

Ông nay y theo lời nói mà lại hiểu trái nghĩa.  Ông nhận lấy chỗ Đoạn Diệt Vô Thường và định chắc cái Tử Thường, mà hiểu lầm huyền vi viên diệu của Phật nói lần sau cùng.  Như thế, dầu xem kinh ngàn biến, nào có ích gì?" 

Hạnh Xương hốt nhiên rất tỏ sáng, liền nói kệ rằng: 

Người chấp "Vô Thường Tánh" 

Phật nói: "Hữu Thường Tâm" 

Chẳng dè Phương Tiện Pháp 

Ao Xuân lượm sỏi, lầm 

Ta nay công chẳng dụng 

Phật Tánh, hiện rõ ràng 

Chẳng nhờ sự chỉ giáo 

Ta đâu biết rõ đường. 

  

Sư lại nói: "Ông nay đã thông triệt, nên đặt tên là Chí Triệt." 

Tăng Chí Triệt làm lễ tạ ơn, rồi lui ra. 

---------------------- 

Có một đồng tử tên là Thần Hội, con nhà họ Cao, ở huyện Tương Dương, mười ba tuổi, từ chùa Ngọc Tuyền đến làm lễ Đại Sư. 

Sư hỏi: "Trí thức ở phương xa đến, thiệt là khó nhọc, mà có phục đặng tánh Bổn Lai chăng?  Nếu có gốc, thì phải biết ngôi Chủ.  Hãy nói thử ta nghe." 

Thần Hội bạch: "Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ." 

Sư nói: "Gả Sa di này tranh chỗ đối chiếu mà nói bướng."   

Thần Hội liền hỏi: "Hòa Thượng ngồi Thiền, thấy hay chẳng thấy?" 

Sư lấy gậy đánh Thần Hội ba gậy mà hỏi rằng: "Ta đánh ông đau hay chẳng đau?" 

Đáp: "Cũng đau mà cũng chẳng đau." 

Sư nói: "Ta cũng thấy mà cũng chẳng thấy." 

Thần Hội hỏi: "Cũng thấy mà cũng chẳng thấy, nghĩa là sao?" 

Sư nói: "Ta thấy, là thường thấy các tội lỗi của tâm mình, mà chẳng thấy các điều phải quấy, tốt xấu của người.  Bởi vậy, cũng thấy mà cũng chẳng thấy.  Ông nói "Cũng đau mà cũng chẳng đau" nghĩa là sao?  Nếu ông chẳng biết đau, thì đồng với loài cây đá; Mà biết đau thì đồng với kẻ phàm phu, liền sanh giận hờn.  Cứ như chỗ ông hỏi trước: Thấy hay chẳng thấy? là còn chấp hai bên.  Chỗ ông nói: Cũng đau mà cũng chẳng đau, ấy là còn sanh diệt.  Cái Tự Tánh của ông mà ông chẳng thấy, sao dám khinh dễ người?" 

Thần Hội lạy và ăn năn xin lỗi. 

Sư nói: "Nếu ông vì tâm mê, chẳng thấy tánh mình, thì hỏi bực Thiện Tri Thức mà tìm đường Chánh Giác.  Còn nếu như ông tỏ sáng, tự thấy tánh mình, thì y theo pháp mà tu hành.  Ông tự mê, chẳng thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy.  Ta thấy, ta tự biết, há thế được cái mê của ông hay sao?  Còn nếu ông tự thấy, cũng chẳng thế cái mê của ta được.  Sao chẳng tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?"   

Thần Hội làm lễ một lần nữa, lạy Tổ Sư hơn một trăm lạy, xin tha tội lỗi, lại cần mẫn theo hầu hạ Ngài chẳng rời. 

Một ngày kia, Sư bảo đồ chúng rằng: "Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ, không mặt không trái, các ông biết chăng?" 

Thần Hội bước ra bạch rằng: "Ấy là cái Bổn Nguyên của Chư Phật, là cái Phật Tánh của Thần Hội." 

Sư nói: "Ta đã nói với ông "Vật không tên, không chữ", ông lại kêu là Bổn Nguyên, là Phật Tánh!  Ông dầu có bước tới đường chánh, thì cũng như người lấy tranh mà che đầu (không biết cái nào quý hơn cái nào, như người lấy bức tranh quý mà che đầu lúc trời mưa làm hỏng cả- ngạn ngữ Trung Hoa -ndm), chỉ trở thành người tông đồ hiểu biết (Phật Pháp-nd) mà thôi." 

Sau khi Tổ Sư tịch rồi, Thần Hội vào thành Lạc Dương, mở rộng môn Đốn Giáo Tào Khê, làm sách Hiển Tông Ký, truyền bá ở thế gian rất thạnh hành.  Người xưng là Hà Trạch Thiền Sư. 

---------------------------- 

Một khi Đại Sư thấy môn đồ các phái vấn nạn nhau, đều khởi lòng ác.  Có nhiều người tụ tập dưới ghế Sư ngồi. 

Sư động lòng thương mà bảo rằng: "Người học Đạo, thì cả thảy các niệm thiện niệm ác đều phải bỏ hết.  Không có tên nào mà gọi được, cái tên ở nơi tánh mình.  Cái tánh Không Hai (Không yêu, không ghét-nd), ấy gọi là Thật Tánh.  Do nơi Thật Tánh mà lập ra cả thảy giáo môn.  Vậy khi nghe nói pháp rồi, thì phải liền thấy tánh mình." 

Các người nghe nói, cả thảy đều làm lễ, xin thờ Đại Sư làm thầy. 


( Còn Tiếp )

 

Mục lục  |  Phẩm 1  |  Phẩm 2  |  Phẩm 3  |  Phẩm 4  |  Phẩm 5  |  Phẩm 6  |  Phẩm 7  |  Phẩm 8  |  Phẩm 9  |  Phẩm 10

 

Tác giả bài viết: Minh Trực Thiền Sư dịch Việt
Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 61
  • Khách viếng thăm: 60
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1391
  • Tháng hiện tại: 1714975
  • Tổng lượt truy cập: 59367908

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile