Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phật Ðạo

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/09/2012 09:08 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Duy ma cật

Duy ma cật

“Bồ Tát thực hành phi đạo là thông đạt Phật đạo.” (mạn bàn về Phẩm Phật Đạo trong kinh Duy Ma Cật)

Mỗi chúng sanh sinh ra là bước trên một cuộc hành trình, mà theo đạo Phật thì đó là sáu con đường luân hồi lục đạo mà chúng sanh cứ luẩn quẩn ở trong đó vì bị che lấp bởi màn vô minh dầy đặc, cho đến khi nào phát tâm Bồ Ðề quyết đi ngược lại dòng sinh tử, thì đó là bước trên con đường Phật đạo giải thoát khỏi đau khổ phiền não. Ðương nhiên là đi ngược lại dòng nước bao giờ cũng khó khăn, phải tận dụng rất nhiều công phu cũng như chí nguyện kiên cường mới qua được.

Bồ Tát là người đang đi trên con đường giác ngộ, là mẫu người lý tưởng của Phật giáo Ðại thừa, lấy sự hành trì sáu hạnh ba la mật và tâm nguyện rộng lớn tự độ, độ tha để tiến đến Phật quả. Vì thế người ta thường nghĩ đến Bồ Tát như một vị thánh nhân ở trong cảnh giới thanh tịnh, luôn làm tất cả những việc lành để cứu độ chúng sinh.

Nhưng trong kinh Duy Ma Cật khi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi thế nào là Bồ tát thông đạt Phật Ðạo, ngài Duy Ma Cật đã trả lời như sau:

“Bồ Tát thực hành phi đạo là thông đạt Phật đạo.”

Và ngài Duy Ma Cật đã giải nghĩa như sau về phi đạo:

“Gây năm tội vô gián mà không buồn giận, đến ở trong địa ngục mà không có tội cấu; đến trong loài súc sanh mà không có lỗi vô minh kiêu mạn; đến trong ngạ quỷ mà vẫn đầy đủ công đức; đến cảnh Sắc và Vô Sắc giới mà không cho là thù thắng; hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm; hiện làm giận dữ mà đối với chúng sanh không chướng giận; hiện làm bỏn xẻn mà luôn luôn xả bỏ; hiện cách ngu si mà dùng trí tuệ điều tâm; hiện phá giới cấm mà ở trong tịnh giới; hiện làm lười biếng mà vận siêng tu các công đức; hiện làm loạn ý mà thường niệm định; hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng sanh luôn luôn nhún nhường; hiện làm phiền não mà tâm thường thanh tịnh; hiện làm tàn tật mà vẫn đầy đủ tướng tốt; hiện làm giầu có mà xem là vô thường, không tham đắm; hiện vào tà tế mà dùng chánh tế độ sanh; hiện vào khắp các đạo để đoạn dứt nhân duyên; hiện vào Niết Bàn mà không bỏ sanh tử. “

Điều ấy có mâu thuẫn không?

Thông thường chúng ta hay có thói quen phán xét, phân biệt phải trái, đúng sai.Chúng ta đánh giá một người qua bề ngoài của người đó, ít khi biết đến thực chất bên trong như thế nào, và thường hay xếp loại con người theo một mẫu mực nào đó, đôi khi rất bất công và phi lý.Cái nhìn đúng thực của chánh kiến là cái nhìn thấu suốt bao trùm mọi mặt, không phân biệt đối đãi, vì tất cả vạn pháp đều khởi từ một nguồn mà ra.Thiện và Ác tuy đối lập với nhau nhưng đều phát xuất từ Không, nên bản chất là cùng một tánh Không như nhau.Thiện ác trong tâm, cũng như tất cả mọi sự trên thế gian này, đều là vô thường. Một người làm thiện bỗng có thể trở thành ác, cũng như người làm ác khi biết hối hận sẽ thay đổi hẳn để trở thành người thiện.Từ nguồn tâm địa của con người luôn luôn khởi lên một lúc biết bao nhiêu niệm Thiện và Ác, và tùy theo nhân duyên mà tạo ra những nghiệp khác nhau. Ðộng cơ tạo nghiệp chủ yếu là sự chấp kiến, chấp ngã, nhận ngũ uẩn làm thật, nên mọi việc làm, lời nói hay tư tưởng đều hướng về lợi ích cá nhân.

Bồ Tát là người không còn chấp tướng, chấp ngã, trong tâm không mưu tính mong cầu, cũng không cho mình là Bồ Tát, không thấy tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, nênmọi việcđềulàm với tâm không lặng, trong sáng, có độ người cũng không thấy mình là người đang độ, cũng không thấy có người đang được độ, vì không trụ theo cảnh nên dù ở trong cảnh nào vẫn không bị cảnh đó làm cho lung lạc.

Trong “Tuyệt Quán Luận”, Duyên Môn hỏi Nhập Lý như sau:

-Thế nào là Bồ Tát hành phi đạo, mà lại thông đạt được Phật đạo?

Nhập Lý trả lời:

- Không phân biệt thiện ác!

- Thế nào là không phân biệt?

- Ðối với mọi pháp đều không sinh tâm.

- Vậy không có người hành động hay sao?

- Chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không có người hành động.

- Vậy không có tri giác hay sao?

- Có tri giác nhưng không có cái ngã.

- Không có ngã, làm sao biết được?

- Cái biết bản chất nó là vô tánh rồi.

Như vậy, nếu làm mọi việc mà không nẩy sanh ý phân biệt, tuy ở trong cảnh mà không trụ nơi cảnh nên tâm rỗng rang, vô niệm, không thấy ngã, không thấy tướng, như thế là thông đạt được Phật đạo.

Trên bình diện tâm, trong tâm chúng sanh đã tiềm ẩn sẵn tâm Bồ Tát và khi có nhân duyên thích hợp sẽ hiển lộ ra. Ðiển hình là những hành động vị tha, quên mình cứu giúp người khi có những tai họa lớn xẩy ra. Ngay cả những người đã tạo ác nghiệp, khi biết cảnh tỉnh, sám hối lỗi lầm và dùng kinh nghiệm của mình ra để giúp chuyển hóa người khác , cũng là đang thể hiện tâm Bồ Tát ấy. Câu nói “ Ðồ tể khi buông dao, cũng có thể lập địa thành Phật” chỉ cho ta thấy tâm Phật, hay tánh Phật vốn luôn luôn có sẵn nơi tâm chúng sanh, và lúc nào cũng trong sáng thanh tịnh dù chúng sanh ấy có tạo ác nghiệp như thế nào chăng nữa.

Duy Ma Cật dịch ra tiếng Hán là “Tịnh Danh”, phải chăng muốn nói đến tánh thanh tịnh này, và kinh Duy Ma Cật chủ yếu là muốn khai thị cho chúng ta thấy trong thân phàm hoại diệt, vô thường này đã có sẵn thân thanh tịnh không hoại diệt, mà vì chấp kiến, chấp tướng nên ta không thể thấy được sự hiện hữu đồng thời ấy. Vì vậy, Duy Ma Cật tuy hiện thân như một cư sĩ mà bên trong đầy đủ giới hạnh như một vị sa môn, làm tất cả những việc thế gian mà không hề dính nhiễm thế gian, và thị hiện có bệnh tật để khai thị cho ta thấy thân tứ đại bệnh tật, vô thường huyễn ảo này là đáng nhàm chán, không nên chấp trước bám víu vào, mà nên phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì sẽ ngộ nhập được Pháp thân tiềm ẩn luôn luôn thanh tịnh không hoại diệt.

Trên phương diện cứu độ chúng sanh, chính ở nơi những con người đau khổ nhất mới cần đến sự hóa độ của Bồ Tát. Sự đau khổ cũng đi liền với ác nghiệp, nói cách khác là những hành động “phi đạo”. Bồ Tát với hùng lực của đại nguyện vào trong những cảnh giới phi đạo để cứu độ những chúng sanh đau khổ, và chỉ khi ở trong phi đạo, nói cùng một ngôn ngữ, chia xẻ cùng một tâm trạng với những chúng sanh đó, mà sự cứu độ của Bồ Tát mới có hiệu quả. “Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, sự thanh tịnh thuần khiết thường không hấp dẫn những tâm hồn uế trược, nên khi một con người hiện tướng như uế trược sẽ có được sự giao cảm đối với những người trong cảnh giới đó mà chuyển hóa cho họ. Ví như muốn đô các chúng sinh ở trong tù thì phải vào ở trong tù, muốn độ người say sưarượu chècờ bạc thì phải đến chốnrượu chècờ bạc mới tiếp cận được với họ. Ðức Bồ Tát Quan Thế Âm được cho là đã hóa thân thành muôn vàn chúng sanh trong mọi cõi giới từ người đến thú để tùy theo nhân duyên mà cứu độ cho họ.

Trong kinh Phàp Cú, Ðức Phật đã nói như sau:

“Như bông hoa tươi đẹp thơm ngát mọc lên từ bùn lầy rác rưởi, người giác ngộ chiếu sáng trí tuệ của mình giữa những cấu uế và vô minh. Hãy sống tươi vui, không hận thù giữa những hận thù. Sống hạnh phúc, không đau khổ giữa những đau khổ. Sống an lạc, không tham lam giữa những tham lam.”

Ðiều này cũng đưa đến câu hỏi thứ hai trong phẩm Phật Ðạo mà ngài Duy Ma Cật đã đặt ra cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát:

-Thế nào là hột giống Như Lai?

Văn Thù Sư Lợi trả lời:

Có thân là hột giống; vô minh có ái là giống; tham, sân, si là giống; bốn món điên đảo là giống (chấp thường, chấp lạc, chấp ngã, chấp tịnh); năm món ngăn che là giống (tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi pháp); sáu nhập là giống; bẩy chỗ thức là giống ( sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, vô biên xứ thiền, thức biên xứ thiền, vô sở hữu xứ thiền); tám pháp tà là giống (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định); chín món não là giống (phiền não khi bản thân, người thân bị quấy nhiễu, hay khi thấy kẻ thù được khen ngợi, trong quá khứ, hiện tại và tương lai); mười điều bất thiện là giống; nói tóm lại 62 món tà kiến và tất cả phiền não đều là giống Phật cả.

Ông Duy Ma Cật hỏi:

- Tại sao thế?

-Nếu người thấy vô vi mà vào chánh vị (Niết bàn) thời không thể còn phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nữa. Ví như chỗ gò cao không thể sinh hoa sen, mà nơi bùn lầy thấp ướt mới có hoa sen, Như thế, người thấy vô vi, vào chánh vị không còn sanh trong Phật pháp được, mà ở trong bùn lầy phiền não mới có chúng sinh nghĩ đến Phật pháp mà thôi. Lại như gieo hột giống trên hư không thì không sinh được, ở đất phân bùn mớt tốt tươi được. Như thế, người đã vào vô vi chánh vị không sanh được trong Phật pháp, kẻ khởi ngã kiến như núi Tu di còn có thể phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà sinh trong Phật pháp. Cho nên phải biết tất cả phiền não là giống Như Lai. Ví như không xuống bể cả, không thể đặng bảo châu vô giá, cũng như không vào biển cả phiền não thời làm sao mà có ngọc báu "nhứt thiết trí".

Như Lai là người đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là đã có tri kiến Phật thấu suốt khắp trong ngoài, đạt đến chỗ rốt ráo trên con đường Phật đạo. Có những người đã đạt đến cảnh giới vô vi, tâm lúc nào cũng không lặng không còn cảm xúc trước trần cảnh, hoặc đạt đến một mức độ an lạc nào đó cho là đủ, nên rốt cuộc là bị kẹt ở trong cảnh giới đó, không có chí nguyện kiên cường muốn tiến thêm để thành tựu đạo quả. Đó là những người đã đạt đến “đầu sào trăm thước” và tưởng đó là cứu cánh, nhưng thật ra phải “bước thêm một bước” thì mới thấy được “Thế giới hiện toàn chân”. Vì thế, chính những con người bình thường với đủ mọi vô minh, ái dục, tham sân si, những điều bất thiện, phiền não trong tâm lại có cơ may hơn để phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Nếu sinh ra may mắn có cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc, người ta thường bám víu lấy cuộc sống đó và ít khi muốn sự thay đổi. Tuy nhiên, vô thường là luật của cuộc sống, và sự đau khổ phiền não tất yếu do vô thường mang lại sẽ là một động cơ khiến con người muốn đi tìm con đường giải thoát. “Phiền não sanh Bồ Đề” - nếu không gặp những sự đau khổ phiền não, con người khó thức tỉnh mà phát tâm Bồ Đề, quyết đạt đến Chánh Đẳng Chánh Giác để chấm dứt phiền não, xa lìa sinh tử. Tổ Đạt Ma nói:

“Mọi phiền não đều là hạt giống của như lai, bởi vì sự đau khổ phiền não khiến cho con người đi tìm sự hiểu biết của trí huệ. Nhưng chỉ nói rằng phiền não sanh như lai, chứ không thể nói phiền não là như lai được. Tâm thân này là ruộng điền, phiền não là hạt giống, trí huệ là cái mầm nẩy lộc, và như lai là lúa thóc thu hoạch được.”

Biểu tượng của người giác ngộ trong đạo Phật là cành hoa sen vươn lên từ bùn lầy. Hoa sen chỉ mọc lên được từ bùn, và đã phải chôn vùi trong chốn bùn nhơ trước khi vươn lên cao để kết thành hoa rực rỡ thơm ngát. Như trong kinh nói: “Hột giống gieo trên hư không thì không thể sinh sôi nẩy nở, phải ở đất phân bùn mới tốt tươi được.”

Nhưng nếu không có sẵn “tánh sen” ở nơi cây sen, thì bùn cũng chẳng thể nào làm cho hoa sen nở được. Cũng vậy, nếu tánh Phật không có sẵn nơi chúng sinh, dù có tu bao nhiêu kiếp cũng không thể thành Phật. Tánh Phật chính là tánh chúng sinh, bởi vì Phật và chúng sinh là một, khi mê là chúng sinh,lúc ngộ rồilà Phật.Như đóa hoa sen dù đã nở ra tươi đẹp nhưng cây vẫn cắm sâu nơi vũng bùn, người giác ngộ Phật cũng chẳng hề thay hình đổi dạng, mà vẫn sống cuộc sống bình thường trong chốn trần lao. Và chính trong những cảnh đời khổ lụy tiếp cận hàng ngày, mà tâm Phật mới cơ duyên để phát huy rộng lớn,kiên cố thêm nguyệnlực để tự độ độ tha, tự giác giác tha.

Tác giả bài viết: Chân Thường
Nguồn tin: Ngọc Bảo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 173
  • Khách viếng thăm: 171
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 20326
  • Tháng hiện tại: 1733910
  • Tổng lượt truy cập: 59386843

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile