Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Mây Trong Cõi Mộng 6 - 10

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 14:25
Đường Mây Trong Cõi Mộng 6 - 10

Đường Mây Trong Cõi Mộng 6 - 10

Thiền nhân Hải Dương từ xa đến Lô Sơn, cầu thọ giới pháp, được pháp danh là Thâm Ngu, rồi dâng hoa cầu pháp : “Đệ tử phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Thế nên, cùng giao kết với cả ngàn pháp lữ, đồng hội tụ một nơi, chuyên tu tịnh nghiệp. Xin nguyện từ bi, dạy bảo pháp yếu”.......

Tiếp.........


Đường Mây Trong Cõi Mộng

(Bài 6 - 10)


 

BÀI 6 – PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ.


Thiền nhân Hải Dương từ xa đến Lô Sơn, cầu thọ giới pháp, được pháp danh là Thâm Ngu, rồi dâng hoa cầu pháp : “Đệ tử phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Thế nên, cùng giao kết với cả ngàn pháp lữ, đồng hội tụ một nơi, chuyên tu tịnh nghiệp. Xin nguyện từ bi, dạy bảo pháp yếu”. Lão nhân vì đó mà bảo rằng Phật thuyết pháp tu hành xuất sanh tử, phương tiện tuy có nhiều môn, mà chỉ có pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh là thẳng tắt. Hoa Nghiêm , Pháp Hoa, pháp môn viên diệu, Phổ Hiền diệu hạnh, rốt ráo chỉ quy Tịnh Độ. Mã Minh, Long Thọ, cùng chư đại tổ sư ở cõi này như Vĩnh Minh, Trung Phong, đều cực lực chủ trương pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này do Phật tự thuyết, vốn bao trùm ba căn, độ khắp bốn chúng, chẳng phải vì kẻ hạ căn mà quyền thiết.

Kinh nói : - Nếu muốn tịnh cõi Phật, thì phải thanh tịnh tự tâm. Ngày nay tu hành tịnh nghiệp, thì phải lấy việc thanh tịnh thân làm gốc. Muốn tịnh tự tâm, trước nhất là phải thanh tịnh giới căn. Vì mười việc ác của thân miệng ý vốn là nhân khổ của ba đường ác, nên nay phải cần trì giới, khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh, tức tâm tự tịnh. Nếu thân không giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo thì thân nghiệp thanh tịnh. Nếu miệng không nói láo, nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt thì khẩu nghiệp thanh tịnh. Nếu ý không tham lam, sân hận, si mê, thì ý nghiệp thanh tịnh. Mười việc ác này mãi đoạn dứt, ba nghiệp trong sạch, đó là điều thiết yếu của sự tịnh tâm. Trong lúc thanh tịnh thân tâm, phải dấy khởi tâm chán khổ nơi cõi Ta Bà, mà phát nguyện vãng sanh về miền an dưỡng ; lập chánh hạnh niệm Phật ; tâm niệm Phật phải thiết tha vì sanh tử. Đầu tiên, ngoài đoạn ngoại duyên. Kế đến, bên trong đơn độc đề khởi nhất niệm. Dùng một câu A Di Đà Phật làm mạng căn. Niệm niệm không quên, tâm tâm chẳng đoạn. Trong mười hai thời, đi đứng nằm ngồi, cử động gân cốt, xoay mình cúi ngửa, động tịnh đều quên. Trong mọi thời, không u mê không ngu muội, lại chẳng làm duyên khác. Dụng tâm như thế, lâu ngày thuần thục, cho đến trong mộng, cũng không quên mất ; thức ngủ như nhau, tức là công phu liên tục ; dệt thành một phiến, tức là lúc công phu đắc lực. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn, thì lúc lâm chung, cảnh giới Tịnh Độ hiện ra trước mắt ; tự nhiên không bị sanh tử trói giữ, bèn cảm Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn.

Đây là việc chứng nghiệm quyết định vãng sanh. Nhất tâm chuyên niệm đó là chánh hạnh, rồi phải dùng tư lương quán tưởng để xem xét rõ. Xưa kia, Phật vì hoàng hậu Vi Đề Hy mà thuyết ra mười sáu cách quán vi diệu, nên giải quyết xong một đời. Hiện nay Quán Kinh vẫn còn tồn tại. Lúc kết duyên với các tịnh lữ mà đồng tham học, thì dẫu ai có chí nguyện gì, nơi mười sáu cách quán, hãy tuỳ duyên mà chọn một : Hoặc chỉ quán Phật cùng diệu tướng của Bồ-tát, hoặc tuỳ ý mà quán tưởng cảnh giới cõi Tịnh Độ, giống như kinh Di Đà thuyết về liên hoa bảo địa. Nếu quán tưởng rõ ràng, tức trong mười hai thời, hiện tiền như sống tại cõi Tịnh Độ. Đi đứng nằm ngồi, nhắm mắt mở mắt, như tại trước mặt. Nếu quán tưởng thành tựu như thế, thì lúc lâm chung, nhất niệm bèn vãng sanh. Thế nên bảo rằng sanh tức quyết định sanh, mà đi thật chẳng phải đi. Đây là ý chỉ vi diệu về lý duy tâm Tịnh Độ. Dụng công như thế, cùng tinh nghiêm hành trì giới hạnh, thì sáu căn cùng tâm địa được thanh tịnh, và mãi đoạn trừ ác nghiệp phiền não. Quán niệm tương tục, thì diệu hạnh dễ dàng thành tựu. Hạt nhân chân chánh vãng sanh qua cõi Tịnh Độ không ngoài cách này. Nếu xưng niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh Độ, mà không trì tịnh giới, phiền não không thể đoạn trừ, tâm địa vẫn còn cấu uế, thì Phật bảo người này, mãi chẳng thành tựu.

Vì vậy hành nhân, việc thiết yếu bậc nhất là phải trì giới làm căn bổn ; phát nguyện làm nhân duyên phụ trợ ; niệm Phật và quán tưởng làm chánh hạnh. Tu hành như thế, nếu không được vãng sanh, thì Phật sẽ đoạ vọng ngữ ! .. 

Tự tâm niệm Phật,

 

BÀI 7 : KHAI THỊ CHO THỊ GIẢ ĐẲNG NGU.

 

Tự tâm niệm Phật, niệm Phật niệm tâm ; tâm và Phật không hai ; niệm niệm nếu không trụ, năng niệm không thể lập, và sở niệm tánh không ; tánh không vốn tịch tĩnh. Năng và sở đều mất, gọi là tức tâm thành tự tánh Phật. Một niệm quên mất, bèn đoạ vào nghiệp ma. 
 

BÀI 8 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN HUỆ CẢNH.
 

Đức Phật thuyết pháp dùng nhất tâm làm tông chỉ. Vô luận trăm ngàn pháp môn, chẳng ngoài hạnh liễu ngộ nhất tâm. Quan trọng nhất chỉ là tham thiền và niệm Phật. Nơi đây, chư tổ sáng lập pháp tham thiền liễu ngộ chân tâm. Pháp môn niệm Phật, do Phật khai thị chung cho chư Bồ-tát tam hiền thập địa, dùng niệm Phật làm hạnh thiết yếu thành Phật. Bồ-tát thập địa đã chứng chơn như, chẳng chưa ngộ sao ? Các ngài đều dạy rằng không rời niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.
 

Thiện Tài đồng tử tham vấn năm mươi ba vị thiện tri thức. Vị thứ nhất là Tỳ kheo Đức Vân. Ngài dạy Thiện Tài đồng tử môn niệm Phật giải thoát. Đến gần cuối, tham kiến Phổ Hiền bèn nhập vào biển diệu giác của thiện tri thức, rồi hồi hướng qua cõi Tây Phương Tịnh Độ ; Thiện Tài đồng tử bảo rằng tự thân trông thấy đức Như Lai vô lượng quang, hiện ra trước mắt, thọ ký cho đạo Bồ Đề. Do được thấy như thế, bèn thành nhất thừa tối thượng của kinh Hoa Nghiêm, mà xưng tu pháp giới hạnh, trước sau không rời niệm Phật. Thập địa thánh nhân đã chứng chân như, cũng chẳng bỏ niệm Phật, mà vọng nhân đời mạt pháp lại huỷ báng cho là hạnh thấp kém. Sao lại nghi rằng tham thiền cùng niệm Phật là khác nhau ? Đa văn khiếm khuyết, không biết ý Phật, vọng sanh phân biệt. Ước theo duy tâm tịnh độ, tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Lúc tham thiền chưa liễu ngộ, ngoài niệm Phật ra, chẳng có pháp nào để thanh tịnh tự tâm ; một khi tâm được thanh tịnh, thì sẽ liễu ngộ chân tâm. Bồ Tát đã ngộ, mà không xả bỏ sự niệm Phật. Thế nên, ngoài việc niệm Phật ra, không thể thành chánh giác. Phải biết chư tổ, không dùng niệm Phật mà liễu ngộ chân tâm. Nếu niệm Phật đến độ nhất tâm bất loạn, thì phiền não tiêu trừ, tự tâm sáng soi, tức gọi là ngộ. Niệm Phật như thế, tức là tham thiền. Từ xưa chư tổ đều không xả bỏ cõi Tịnh Độ như thế. Niệm Phật là tham thiền. Tham thiền cũng sanh cõi Tịnh Độ. Đây là việc của người xưa và nay, chớ có nghi ngờ. Lời này phá tận tiêu tan kiến chấp phân biệt Thiền và Tịnh. Chư Phật xuất thế cũng không thuyết khác những lời này. Nếu bỏ qua lời này mà sanh vọng nghị luận, tức là lời của ma, chứ chẳng phải Phật Pháp. 

 

Bài 9 : KHAI THỊ CHO NHAN TRUNG TIÊN TRÌ CHÚ CHUẨN ĐỀ.
 

Cư sĩ tại gia, thọ năm món dục lạc nồng hậu, cội rễ phiền não sâu dày. Nơi việc hằng ngày thường mê muội trước mắt, như nước sôi sùng sục. Vừa an được một niệm trong sạch, bèn phát tâm tu hành, nhưng khó bề hạ thủ công phu. Người thông minh xem kinh giáo ; bất quá chỉ học theo đường tri kiến, rồi đàm luận lăng xăng, chẳng có thật dụng. Họ lại xem việc niệm Phật rất ư tầm thường, nên chẳng quyết tâm tu ; hoặc tuy muốn nhưng lại không đắc lực, và chỉ khởi vọng niệm thô phù. Tập khí trong tạng thức ẩn tàng lưu chuyển, hoàn toàn không thể thấy được, nên dẫu có niệm Phật nhưng không thể được chánh niệm. Niệm Phật nếu đắc lực, sao còn cầu những việc huyền diệu khác nữa ! Nghe có pháp nhất đẳng thâm cao lạ lùng nên ngưỡng mộ. Nghe tham thiền đốn ngộ, tự phụ cho là bậc thượng căn, mà không màng tu hành, vì sợ lạc vào thứ lớp. Trên cơ duyên của các bậc cổ đức, ghi nhớ làm nơi hợp đầu ngữ ; mở miệng đàm luận lăng xăng ; chỉ vui thích vẻ vời, rồi cho đó là cơ phong thiền môn. Những kẻ này thật rất đáng thương !

Nếu chân thật phát tâm vì sợ sanh tử, mà chưa có thể nhập vào môn trì chú, thì trước tiên phải dùng tâm khẳng khái thiết thực, thì mới dễ dàng đắc được. Nhan tiên sanh có phước trì chú, lại vấn hỏi cách tu hành thiết yếu, nên tôi mới khai thị những lời này. Người xem chớ cho là đạo lý, vì đạo lý này làm lầm ngộ biết bao người !  
 

Bài 10 : KHAI THỊ CHO TỪ TỊNH CHI.
 

Phật dạy rằng pháp ở trên và dưới ba cõi, chỉ do một tâm tạo tác. Trên ba cõi, tức bốn thánh vị xuất thế gian, là Phật, Bồ-tát , Thanh Văn, Duyên Giác. Dưới ba cõi, tức sáu đường phàm phu, là trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và A Tu La. Ba đường ác cũng nằm trong mười pháp giới. Tất cả thánh phàm, nhân quả thiện ác, chánh báo y báo trang nghiêm, đều do một tâm tạo tác. Tâm này không khác với tâm liễu tri phân biệt thường ngày của chúng ta.

Thế nên, tất cả đều do tâm này, mà không có gì khác tạo ra. Hiện tiền, trong cuộc sống hằng ngày, niệm niệm tạo nghiệp, nên lưu chuyển trong mười pháp giới. Nếu một niệm do tham sân si mà tạo ra mười việc ác (thân ba : giết hại, ăn căp, tà dâm ; tâm ba : tham lam, sân hận, si mê ; miệng bốn : nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt) thì đó là tạo nhân khổ trong ba đường ác. Nếu trong một niệm mà chuyển mười việc ác thành mười điều lành, thì gieo nhân diệu lạc ở cõi trời người. Nếu nơi một niệm, thiện ác đều mất, trong không thấy có Ta, ngoài không thấy có người, nhất tâm tịch tĩnh, tức gieo nhân Thanh Văn vượt xuất khổ đau. Nếu quán thấy trước mắt những việc khổ vui, thuận nghịch đều do nhân duyên sanh diệt, hay lưu chuyển sanh diệt, tức là thành nhân của Duyên Giác. Nếu một niệm liễu ngộ nhân duyên của nhân pháp vô ngã, và hiểu rõ tánh vốn không, chẳng có kẻ làm người thọ, mà không ngại hiện hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, cùng những thiện hạnh trong sáu đường, để hoá độ chúng sanh, tức là nhân của Bồ-tát . Nếu một niệm đốn ngộ tự tâm, gốc vốn quang minh quảng đại, bao trùm muôn vật, cứu độ muôn loài, liễu ngộ không một pháp tình lự, chúng sanh và Phật đồng bình đẳng, tức là nhân thành Phật.
 

Tâm này quảng đại bao la, bổn lai thanh tịnh, tròn đầy trong sáng. Nếu thường ngày niệm niệm ngộ tâm này thì tuy cư nơi trần lao, mà làm người xuất thế. Thế nên, Duy Ma Cật xưng đây là pháp môn không hai. Cư sĩ nếu có thể hội được mà hành, thì tất cả oán ân, thị phi, nhân ngã, phiền não, căn tình, đều ứng theo niệm mà hoá thành tạng quang minh. Nơi mọi cảnh giới trong thường ngày, hãy dùng niệm giác sát, xem xét. Nếu vừa thấy mình không thể an nhẫn vì bị phiền não làm chướng ngại, phải đề khởi câu kệ “xưa nay vốn không một vật” của Lục Tổ, như dùng bảo kiếm Kim Cang chặt đứt mọi phiền não, thì băng giá liền tan, và thân tâm hoá thành hồ nước trong xanh. Dùng lực hành như thế, và năng tinh tấn bất thối, tức đốn ngộ chứng đắc nơi tràng đại giải thoát. Sao còn chạy bên ngoài mà cầu Phật Pháp ! 

 
Còn Tiếp....

Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 56
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 20525
  • Tháng hiện tại: 1713555
  • Tổng lượt truy cập: 59366488

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile