Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Là Phật Tử - Phần 2

Đăng lúc: Thứ hai - 26/12/2011 09:18 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Là Phật Tử - Phần 2

Là Phật Tử - Phần 2

Máy Đạo không xa xôi,Quay đầu lại thấy rồi;Thấy ra mau hay chậm,Là do sức tỉnh hồi. Thanh-Sĩ.

Là Phật Tử - Phần 2



Là Phật tử ở trong trần thế,
Vừa tu thân vừa tế độ người;
Tả xông hữu đột giữa đời,
560. Dễ xao xuyến dạ, dễ rơi bất ngờ.
Là Phật tử bao giờ cũng tỉnh,
Không để mê trước cảnh tình nào;
Biết rằng các nghiệp trần lao,
Bởi lòng không tỉnh mới đào tạo ra.
Là Phật tử đi qua tất cả,
Nhưng mà không bận dạ nơi đâu;
Ví như gió khắp hoàn cầu,
568. Không hề bị một chỗ nào cầm chân.
Là Phật tử biết trần như mộng,
Cho nên không tham vọng sự trần;
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Đối trần mà chẳng bị trần làm mê.
Là Phật tử lo bề giải thoát,
Quyết tu cho hết mắc nợ đời;
Niết Bàn chưa được đến nơi,
576. Con thuyền đại đạo không ngơi mái chèo.
Là Phật tử làm theo như Phật,
Nào đại hùng đại lực đại bi;
Những điều ngôn ngữ hành vi,
Lợi cho bá tánh chẳng vì lợi riêng.
Là Phật tử biết kiêng tội ác,
Theo giới răn nhà Phật dạy ra;
Dù ai cám dỗ đường tà,
584. Lòng mình cố giữ đúng nhà chơn tu.
Là Phật tử thấy lu đuốc Phật,
Cương quyết lo tìm cách khêu lên;
Không hề nín lặng ngồi yên,
Phật đài bụi đống, cửa thiền nhện giăng.
Là Phật tử lòng hằng nhớ Phật,
Như đứa con thất lạc mẹ cha;
Lúc nào cũng nhớ tưởng ra,
592. Muốn cho sớm gặp mới là ưng tâm.
Là Phật tử âm thầm tưởng Phật,
Không nói ra chẳng phút nào quên;
Mỗi khi ý quấy khởi lên,
Tự mình cảm thấy rất nên thẹn thùa.
Là Phật tử ở chùa hay chẳng,
Sự tu hành cũng vẫn như nhau;
Vô vi chớ chẳng sắc màu,
600. Phật đâu cũng có chỗ nào là không.
Là Phật tử biết lòng có Phật,
Cho nên không cố chấp bề ngoài;
Cố làm tâm Phật được khai,
Ấy là cần nhứt của bài qui y.
Là Phật tử nguyện ly thoát tục,
Lóng lặng tâm hết đục hóa trong;
Để cho đạo pháp viên thông,
608. Ngoài không quái ngại trong không não phiền.
Là Phật tử không điên đảo tánh,
Vững vàng như là đảnh núi to;
Đạo đời dù phải toan lo,
Nhưng mà không để làm cho rối lòng.
Là Phật tử chữ không là vốn,
Nhưng phải tùy tiện sống như người;
Sống đời mà chẳng mê đời,
616. Chỉ là phải sống để soi đuốc từ.
Là Phật tử phải trừ vọng chấp,
Ở trong tâm hay vật ở ngoài;
Để cho đúng pháp Như Lai,
Hoàn toàn không bị mảy may buộc ràng.
Là Phật tử thế gian chẳng mến,
Nhưng tình thương bá tánh vô cùng;
Dù người đối đãi dữ hung,
624. Cũng đem hiền đức cũng dung thứ người.
Là Phật tử trọn đời phụng Phật,
Dù cho thân còn mất không nao;
Xưa kia Phật đã dạy sao,
Bây giờ mình phải giồi trau như lời.
Là Phật tử khuyên đời bỏ dữ,
Chung nhau lo làm sự hiền lành;
Để cùng hưởng cảnh bình thanh,
632. Để cho đời sống no lành như nhau.
Là Phật tử chuyển giao lời Phật,
Cho người trên quả đất đều nghe;
Biết đường tội phước để dè,
Biết đời là khổ để mà thoát ly.
Là Phật tử mê si quyết giải,
Cho mình, cho cả thảy nhơn sanh;
Thế nên quyết chí tu hành,
640. Để cho đắc đạo hoàn thành từ bi.
Là Phật tử không vì ích kỷ,
Mà là vì ý chí đại đồng;
Giúp người chẳng có nệ công,
Độ người chẳng phải vì mong trả đền.
Là Phật tử làm nên thiện sự,
Vui thú hơn là thú vàng ròng;
Nhưng mà lặng lẽ bên trong,
648. Không bao giờ có tấm lòng khoe khoang.
Là Phật tử nhẹ nhàng thái độ,
Tượng trưng người dẫn lộ Tây phương;
Ngôn từ thay thế lửa hương,
Để cho bá tánh thập phương ấm lòng.
Là Phật tử cảm thông dân chúng,
Tùy mỗi người mà dụng mỗi phương;
Khiến cho đời đạo thích đương,
656. gõ hầu tránh việc buồm trương ngược chiều.
Là Phật tử dắt dìu bá tánh,
Dù phải đương đầu cảnh thế nào;
Tâm hồn trước cũng như sau,
Vẫn lo dìu dắt người vào đường tu.
Là Phật tử rõ phù sanh kiếp,
Khổ hay vui bởi nghiệp sanh ra;
Ấy là định mạng người ta,
664. Đều như thế cả há là riêng ai.
Là Phật tử biết ngày qua chóng,
Đời sống con người cũng rất mau;
Thế mà đầy sự khổ đau,
Nên lo cứu độ cách nào cho nhanh.
Là Phật tử ngôn hành như một,
Đã nguyện tu thì thật chí tu;
Lo làm phước đức công phu,
672. Như lời đã hứa, như câu đã truyền.
Là Phật tử tâm điền khai thác,
Gieo giống nhà Bồ Tát đại bi;
Ngõ hầu nuôi dưỡng Phật nhi,
Khỏi vòng khổ não khỏi si mê đời.
Là Phật tử biết nơi siêu đọa,
Lo mình siêu giúp cả người siêu;
Siêu là cảnh giới tiêu diêu,
680. Đọa là cảnh giới đủ điều tanh hôi.
Là Phật tử luân hồi lo dứt,
Không để cho bị rớt sáu đường;
Sáu đường đầy dẫy thê lương,
Cuối cùng ai cũng thịt xương rã rời.
Là Phật tử gọi đời thức tỉnh,
Chớ say mê nơi cảnh hồng trần;
Người không thể giữ được thân,
688. Huống là vật khác thì đừng hòng chi.
Là Phật tử khuyên đi về Phật,
Thật an vui và thật lâu bền;
Không còn bị kiếp xuống lên,
Tự do trên cái Tòa sen thanh bình.
Là Phật tử đinh ninh giải thoát,
Giải thoát ngay thân lúc sanh tiền;
Khứ lai đều được tự nhiên,
696. Ở trần nhưng đã ngồi trên Niết Bàn.
Là Phật tử lo ban bố đức,
Nhưng mà lòng đã dứt ngã nhân;
Cho nên mọi cảnh quanh thân,
Oán không thể buộc mà ân chẳng ràng.
Là Phật tử không màng danh vọng,
Sự đời không hề động lòng tham;
Tu là để giải nghiệp phàm,
704. Chớ không tu để mà làm giàu sang.
Là Phật tử không than tu khó,
Chỉ trách mình thiếu cố gắng tâm;
Muốn cho đắc đạo huyền thâm,
Tu hành dù khó cũng làm cho nên.
Là Phật tử đáp đền hiếu thảo,
Không những là cơm áo mà thôi;
Mà còn đem đạo siêu vời,
712. Độ cho cha mẹ được ngồi tòa sen.
Là Phật tử lo rèn đạo lý,
Phương tiện đền đáp tứ trọng ân;
Linh hồn với cả xác thân,
Vẹn tròn hơn nghĩa người trần hiểu ra.
Là Phật tử thấy xa hậu quả,
Biết đời người như đóa phù vân;
Hợp tan là cảnh hồng trần,
720. Nên lo giải thoát cho đừng hợp tan.
Là Phật tử lần tràng chuỗi hột,
Không phải là niệm Phật riêng mình;
Niệm gồm cho cả chúng sinh,
Nên trong khi niệm đầy tình thiết tha.
Là Phật tử gần xa độ hết,
Chẳng độ riêng thân thiết của mình;
Nhiều khi vì cả chúng sinh,
728. Vui hy sinh cả gia đình vợ con.
Là Phật tử chết còn nhớ nguyện,
Độ chúng sanh khỏi biển trầm luân;
Sẵn sàng chuyển kiếp hóa thân,
Để mà cứu khách hồng trần thoát ly.
Là Phật tử từ bi trước hết,
Đối với ai cũng quyết độ cho;
Phân minh thiện ác để lo,
736. Vạch đường tội phước để dò đi theo.
Là Phật tử thường gieo thiện cảm,
Hung trở hiền, hiền đặng hiền thêm;
Thấm nhuần bằng cách lặng êm,
Giúp cho người được trở nên tu hành.
Là Phật tử làm lành là gốc,
Lành cho mình lành hết mọi người;
Nghiệp thân, nghiệp ý, nghiệp lời,
744. Không cho tạo tác ra mười thứ hung.
Là Phật tử lòng trung với Phật,
Tu hành cho đến phút cuối cùng;
Từ bi hữu thỉ hữu chung,
Xâu bồ đề chẳng ném tung giữa đường.
Là Phật tử cúng dường cho Phật,
Chẳng phải riêng lễ vật hương hoa;
Đến như thân mạng cũng là,
752. Sẵn sàng hiến cả cho nhà Từ Bi.
Là Phật tử trong khi nghe pháp,
Vui mừng hơn là gặp vàng ròng;
Pháp mầu cứu khỏi long đong,
Vàng ròng chẳng giúp khỏi vòng trần ai.
Là Phật tử giồi mài kinh kệ,
Kinh kệ là chỉ vẽ đường đi;
Muốn đi đúng hướng từ bi,
760. Những lời kinh kệ thường ghi chạm lòng.
Là Phật tử cầu thông kinh nghĩa,
Kinh kệ không phải để đọc suông;
Đọc kinh mà nghĩa không tường,
Khác nào con két nhái luôn tiếng người.
Là Phật tử tin nơi Phật Thánh,
Nhưng mà không mê tín dị đoan;
Nếu không minh bạch con đàng,
768. Dù linh nghiệm mấy cũng dang ra ngoài.
Là Phật tử rất say sưa đạo,
Say sưa nơi chánh giáo mà thôi;
Không say sưa các sự đời,
Vì rằng đời chẳng giúp người thoát ly.
Là Phật tử thật vì giải thoát,
Giải thoát cho hồn xác hiện nay;
Và còn giải thoát tương lai,
776. Cho không bị nghiệp đầu thai sáu đường.
Là Phật tử chẳng vương ác nghiệp,
Vì thấy rằng nó rất hiểm nguy;
Nay người có trốn khỏi đi,
Sau nầy cũng bị nó trì lôi ra.
Là Phật tử thấy ta bà khổ,
Không một ai lọt sổ vô thường;
Do nơi nghiệp trước đã vương,
784. Nên nay chịu kiếp thịt xương tạm trần.
Là Phật tử biết thân trược giả,
Không vì thân tạo quả khổ sau;
Mà là mượn xác trần lao,
Tu cho hết bị sanh vào cõi mê.
Là Phật tử quyết kề bến giác,
Bằng cách tu thân xác tại trần;
Phàm thân quyết đổi Phật thân,
792. Như xưa Đức Thích Ca Tôn đã làm.
Là Phật tử cho kham chí nguyện,
Tất nhiên là toàn thiện đường tu;
Xác phàm mà chẳng phàm phu,
Tây Phương ký hiệu, Diêm Phù rút tên.
Là Phật tử muốn nên đạo cả,
Chịu khó tu chẳng dạ trách than;
Sự tu nếu để dở dang,
800. Cứu mình không được, khó toan cứu người.
Là Phật tử biết đời sống ngắn,
Biết Phật môn khó đặng bước vào;
Cho nên tu niệm cần lao,
Những điều công đức mau mau lo làm.
Là Phật tử không cam chịu đọa,
Nên mới đành chịu khổ hạnh tu;
Khổ mà được khỏi phàm phu,
808. Hơn vui mà chịu cảnh tù trần gian.
Là Phật tử khai đàng Tịnh độ,
Đưa người về tới chỗ thanh nhàn;
Không còn sống kiếp gian nan,
Không còn thấy cảnh khô khan cảm tình.
Là Phật tử hòa bình yêu nhứt,
Nên luôn luôn giục thúc người hiền;
Muốn ai ai lúc sanh tiền,
816. Cũng đều hạnh phúc bình yên vui vầy.
Là Phật tử lo gây thảo thuận,
Từ gia đình đến tận quốc dân;
Người đều tương trợ tương thân,
Không phân giai cấp chẳng phân nghèo giàu.
Là Phật tử nhìn vào sanh chúng,
Thấy ai ai đều cũng như mình;
Người nào cũng có tánh linh,
824. Nên ai cũng có thể thành Phật Tiên.
Là Phật tử Phật duyên thì rấm,
Còn ma duyên thì chẳng hề gieo;
Phật duyên sẽ khỏi hiểm nghèo,
Ma duyên tất bị đùm đeo tai nàn.
Là Phật tử rộng đàng nhân thiện,
Từ người gần cho đến kẻ xa;
Điều nhân lẽ thiện giúp ra,
832. Thương người cũng thể như là thương thân.
Là Phật tử lo hưng chánh đạo,
Phước huệ cho người tạo không ngừng;
Không riêng phước huệ xác thân,
Mà gồm cả phước huệ chân linh hồn.
Là Phật tử ngục môn dẹp gác,
Cửa Tây Phương Cực Lạc mở ra;
Ban vui cho khắp muôn nhà,
840. Cứu an cho cả người ta khổ sầu.
Là Phật tử nhớ câu Phật chỉ,
Quyết hành theo như ý Phật truyền;
Ba đời nghiệp báo tương liên,
Thiện duyên thì tạo ác duyên thì đừng.
Là Phật tử lửa sân vừa phát,
Nước Ma-ha liền tạt đến ngay;
Trông chừng không hở phút giây,
848. Rừng thiền chẳng để héo cây Bồ đề.
Là Phật tử theo lề luật đạo,
Không để cho xệu xạo đường tu;
Lo bề khai trí phá ngu,
Phước duyên lo tích, công phu lo bồi.
Là Phật tử không thôi việc Phật,
Phật là nhà cứu vớt chúng sanh;
Phật là trọn sáng trọn lành,
856. Phật đem hạnh phúc hòa bình thế gian.
Là Phật tử mở mang thiên hạ,
Ra khỏi vòng cương tỏa phàm phu;
Tâm hồn chẳng để mờ lu,
Lợi danh chẳng để làm ngu cuộc đời.
Là Phật tử cho người vui vẻ,
Chớ chẳng gây buồn tẻ cho ai;
Vui nay còn được vui mai,
864. Từ vui ngắn ngủi đến dài lâu vui.
Là Phật tử ngược xuôi đều tiến,
Khó dễ không thể biến đổi lòng,
Tu hành cố gắng lo xong,
Đạo mầu nhứt quyết cho thông tột cùng.
Là Phật tử thỉ chung Phật tử,
Đạo lo tu, Phật sự lo hành;
Trọn đời lánh trược tìm thanh,
872. Cứu mình độ thế là danh cửa thiền.
Là Phật tử sơn xuyên chẳng ngại,
Khách hữu tình thì lại tận nơi;
Dù người nghèo khổ tả tơi,
Cũng vui lấy đạo siêu vời chỉ cho.
Là Phật tử như đò đưa khách,
Muốn qua sông thì rước đưa ngay;
Mặc dù khách ấy là ai,
880. Đò mình cũng vẫn vui gây mái chèo.
Là Phật tử thấy bèo bọt kiếp,
Rất xót thương cho nghiệp đời người;
Chỉ cho cách sống an vui,
Bảo cho biết cảnh tốt tươi mà tìm.
Là Phật tử trang nghiêm đạo hạnh,
Nhưng không ngơ trước cảnh khổ đau;
Thấy đau khổ phải cứu mau,
888. Ấy là phận sự kẻ vào Phật môn.
Là Phật tử tâm hồn như Phật,
Vì chúng sanh mà dứt đời tư;
Tìm ra đạo pháp chơn như,
Cho sanh chúng biết cách trừ nghiệp mê.
Là Phật tử xứ quê tại Phật,
Ở thế gian là cuộc lữ hành;
Cảnh không quyến rũ được tình,
896. Lòng người du khách vẫn đinh ninh về.
Là Phật tử biết mê là khổ,
Mê vốn là cái ổ lạc lầm;
Cho nên chẳng để mê tâm,
Giữ cho tư tưởng việc làm tỉnh luôn.
Là Phật tử chẳng cuồng tin tưởng,
Tin tưởng sau khi lượng xét rành;
Thấy rằng chơn chánh cao thanh,
904. Hoàn toàn cứu vớt chúng sanh đắm chìm.
Là Phật tử trọn niềm với Phật,
Đem hết ra tài sức độ dân;
Quản chi mưa nắng tảo tần,
Miễn cho người được hưởng chân phước mầu.
Là Phật tử khẩn cầu Đức Phật,
Chẳng cầu riêng ban phúc cho mình;
Mà cầu phúc cả chúng sinh,
912. Chúng sinh không có thì mình cũng không.
Là Phật tử đầy lòng quảng ái,
Thương mọi người chẳng phải thương riêng;
Mình yên thì giúp người yên,
Mình thiềng Phật giúp người thiềng Phật theo.
Là Phật tử không keo cọ tánh,
Từ cảnh trần đến cảnh Tây phương;
Cảnh trần thì rộng tình thương,
920. Cảnh Tây phương mở rộng đường độ tha.
Là Phật tử gần xa thương hết,
Xem người như thân thiết ruột rà
Cho nên chẳng nghĩ riêng ta,
Mà là thường nghĩ suy ra đến người.
Là Phật tử đạo vui học hỏi,
Phước đức vui tìm tỏi lo làm;
Giàu sang danh vọng chẳng ham,
928. Chỉ ham nhập thánh siêu phàm mà thôi.
Là Phật tử luân hồi lo tránh,
Bởi luân hồi là cảnh tang thương;
Ví dù là bực đế vương,
Có ngày cũng chết không phương sống hoài.
Là Phật tử cõi nầy biết giả,
Giả sự đời, giả cả xác thân;
Cuối cùng vật tán người phân,
936. Như sương ngọn cỏ, như vừng mây bay.
Là Phật tử trần ai khó gạt,
Biết trần ai là giấc chiêm bao;
Thấy vui mà chẳng vui nào,
Người càng lưu luyến càng đau khổ nhiều.
Là Phật tử không ch.u dục vọng,
Chẳng để cho tâm động bất lành;
Ở nơi uế trược mà thanh,
944. Cảnh tuy hung dữ mà lành được tâm.
Là Phật tử đạo châm sâu gốc,
Gió mưa đời khó tróc khó nghiêng;
Đúng kỳ hoa quả nở liền,
Mặc dù trong cảnh đảo điên hồng trần.
Là Phật tử chí chân chí chánh,
Tuy thân phàm mà tánh chẳng phàm;
Cho nên những việc muốn ham,
952. Hoàn toàn khác hẳn lòng tham của người.
Là Phật tử nói cười điềm đạm,
Không bao giờ có dáng kiêu căng;
Giữ gìn phẩm hạnh nhà tăng,
Trau giồi tánh nết kẻ chân tu hành.
Là Phật tử phước sanh tội diệt,
Khác hơn đời phước tiệt tội sanh;
Phước sanh cho đến trọn lành,
960. Tội trừ cho đến một manh không còn.
Là Phật tử làm con có hiếu,
Làm mẹ cha tiêu biểu hiền nhân;
Vợ chồng thì vẹn ái ân,
Anh em thì vẹn cán cân nghĩa tình.
Là Phật tử cùng tin cậy lẫn,
Chẳng đem lòng bội phản giữa nhau;
Lòng tin cậy rất quí cao,
968. Được tin cậy tất được mau công thành.
Là Phật tử không ganh tài đức,
Người hơn mình thì rất kính yêu;
Mình hơn người chẳng hề kiêu,
Thấy ai còn kém thì dìu dắt lên.
Là Phật tử tiến trên công ích,
Thích việc chung hơn thích việc riêng;
Việc chung thường đặt ưu tiên,
976. Cho nên chẳng lấy việc riêng hiếp người.
Là Phật tử thân vui cho đạo,
Chớ không vui cho ảo mộng đời;
Việc đời chẳng muốn đua bơi,
Chỉ lo việc đạo cho người được siêu.
Là Phật tử độ chiều độ sớm,
Độ tại gia độ chốn am vân;
Độ thành thị, độ thôn lân,
984. Độ tâm hiền đức, độ thân no lành.
Là Phật tử tu hành sáng suốt,
Dân sáng ra, nước được thạnh ra;
Ai ai cũng được hiền hòa,
Người người no ấm nhà nhà bình yên.
Là Phật tử vừa chuyên tu luyện,
Vừa làm ra những chuyện người nhờ;
Nhờ cho thân sống hiện giờ,
992. Nhờ cho hồn thác được về Tây phương.
Là Phật tử vô lường cứu tế,
Tình yêu không hạn chế một nơi;
Tình yêu khắp cả bầu trời,
Muốn cho ai cũng hết đời trầm luân.
Là Phật tử muốn thân thiện khắp,
Muốn hòa bình được lập năm châu;
Nắm tay người khắp địa cầu,
1000. Nạn nghèo nạn đói nạn đau lo trừ.
Là Phật tử thì tư tưởng rộng,
Vì toàn dân mà động tác ra;
Lúc nào cũng rất vị tha,
Lợi mình mà hại người ta không làm.
Là Phật tử đời kham đạo vẹn,
Màn vô minh đã vén trống không;
Cảnh không mê hoặc được lòng,
1008. Tự do theo tánh đại đồng từ bi.
Là Phật tử hành vi cao thượng,
Cử động theo lý tưởng Phật gia;
Giải mê khai ngộ người ta,
Tâm hồn tự giác giác tha bao trùm.
Là Phật tử muốn sum họp mãi,
Cảnh ly tan đổi lại cảnh hòa;
Tây phương thay cõi Ta bà,
1016. Trường sanh thay cái khổ già chết thân.
Là Phật tử xa gần kêu gọi,
Làm hiền lành cho khỏi họa tai;
Rán tu cho thấy bổn lai,
Để không còn bị kéo dài kiếp mê.
Là Phật tử không hề thối chí,
Có khó khăn đạo lý mới cao;
Khó khăn càng lắm chừng nào,
1024. Tu hành càng được dồi dào nhiệt tâm.
Là Phật tử thật hâm mộ đạo,
Tu từ trong tim não tu ra;
Như là Phật Tổ Thích Ca,
Cho nên khổ hạnh coi là như không.
Là Phật tử chỉ mong giải thoát,
Ngoài ra không khao khát chi hơn;
Nếu chưa giải thoát hồng trần,
1032. Thì là Phật tử chưa ngừng sự tu.
Là Phật tử tâm thu kết lại,
Không để cho bừa b.i trong lòng;
Hồi quang phản chiếu cho thông,
Để cho ông Chủ Nhơn Ông hết buồn.
Là Phật tử trên đường về Phật,
Dìu người nầy lo dắt kẻ kia;
Vui cùng hưởng, khổ cùng chia,
1040. Làm cho cảnh Phật người về được đông.
Là Phật tử muốn không ai khổ,
Nên ra tay tế độ không ngừng;
Khổ thân lo tế độ thân,
Khổ hồn lo tế độ chơn linh hồn.
Là Phật tử ngục môn chận ngỏ,
Khai mở đường Tịnh độ siêu sanh;
Cho người trường cửu an lành,
1048. Xác thân hết khổ, hồn linh hết mờ.
Là Phật tử thấy cơ tạo chóng,
Lo cho đời người mỏng số căn;
Nếu không sớm biết ăn năn,
Tất là nghiệp khổ nặng oằn kiếp sau.
Là Phật tử nhìn vào ác thế,
Đau đớn lòng như thể kim châm;
Thấy đời tai họa càng thâm,
1056. Bởi tâm thiện ít còn tâm ác nhiều.
Là Phật tử đạo kêu gọi mạnh,
Kêu cho người được tỉnh thức ra;
Có người thì mới có ta,
Vì mình hại kẻ ấy là bất công.
Là Phật tử nặng lòng với thế,
Lo đỡ nưng bất kể ngày đêm;
Nhơn sanh đời sống chưa êm,
1064. Là người Phật tử càng thêm giúp giùm.
Là Phật tử sống đùm đậu tạm,
Sống tu hành sống cảm hóa dân;
Không hề sống bám chặt trần,
Sống hồn thanh tịnh, sống thân nhẹ nhàng.
Là Phật tử lấp bằng khổ hải,
Đem tử sanh đổi lấy Niết Bàn;
Ngoài vòng chi phối thế gian,
1072. Thân tâm thường được hoàn toàn tự do.
Là Phật tử tìm cho gặp Phật,
Phật tại trần, Phật đất Tây phương;
Tại trần có Phật không tường,
Thì Tây phương Phật xa đường khó mong.
Là Phật tử tấm lòng biết quí,
Sự vật không giá trị bằng lòng;
Có lòng thì mới thành công,
1080. Không lòng thì chẳng làm xong việc nào.
Là Phật tử thấp cao tại đức,
Không tại nơi tài sức nhỏ to;
Nhìn người lấy đức ra đo,
Không dùng lấy sức tài so với người.
Là Phật tử chịu đời thử thách,
Không trách người chẳng trách thiên công;
Mà thường căn dặn nơi lòng,
1088. Vàng thau muốn biết lửa hồng phải nung.
Là Phật tử thứ dung cho kẻ,
Nhưng lòng không có thể dung mình;
Trong tâm luôn có pháp đình,
Khi mình phạm lỗi đem mình xử ngay.
Là Phật tử dùng cây thước giới,
Đo lấy mình biết tội hay không;
Luôn luôn chủ định trong lòng,
1096. Không cho ngoại cảnh cuồng ngông tâm thần.
Là Phật tử nguyện vưng lời Phật,
Lũ tam bành lục tặc dẹp xong;
A Di Đà Phật nằm lòng,
Quấy không còn tưởng, ác không còn làm.
Là Phật tử tánh phàm lo sửa,
Sửa cách ăn thói ở thường ngày;
Sửa trong rồi sửa tới ngoài,
1104. Sửa cho đến chẳng còn sai chỗ nào.
Là Phật tử năng trau mau sáng,
Gi. nhanh thì gạo trắng cũng nhanh;
Muốn cho đạo quả mau thành,
Sự tu cần phải lo hành cho mau.
Là Phật tử không ngao ngán bước,
Lấy nhiệt tâm làm thước để đo;
Muốn hoa đạo nở thơm tho,
1112. Phải năng vun tưới phải chờ thời gian.
Là Phật tử mưu toan việc lớn,
Nhưng lòng không để bận sự đời;
Sự đời là bọt nước trôi,
Chỉ lo giải quyết cho rồi mới ưng.
Là Phật tử biết thân tạm giả,
Thân mình như thân cả người đời;
Sống trong ba cái tấc hơi,
1120. Biết hơi khi dứt thì đời cũng tan.
Là Phật tử cầu an thế giới,
Từ Bắc Nam cho tới Đông Tây;
Không còn ai giết hại ai,
Mà người nào cũng ra tay giúp người.
Là Phật tử khổ bươi tận gốc,
Khổ bao sâu cũng móc hết ra;
Tu không cứu khổ riêng ta,
1128. Mà tu cứu khổ ta bà thế gian.
Là Phật tử theo đàng siêu rỗi,
Nhứt quyết không theo lối đọa đày;
Đọa đày lo cởi mở ngay,
Đọa mình hoặc đọa đày ai trên đời.
Là Phật tử mọi người như một,
Không biệt phân dân tộc sắc màu;
Trần lao độ khỏi trần lao,
1136. Danh không cần biết, nghĩa nào cần ghi.
Là Phật tử thoát ly khuôn khổ,
Được hoàn toàn trình độ tự do;
Chỗ bùn mà vẫn thơm tho,
Gần nơi tội lỗi khỏi lo phạm vào.
Là Phật tử khác nào tòng bá,
Suốt bốn mùa màu lá vẫn xanh;
Nắng mưa ấm lạnh mặc tình,
1144. Màu xanh vẫn được trọn gìn màu xanh.
Là Phật tử tâm lành chẳng đổi,
Nghèo cũng lành, phú quới cũng lành;
Tâm lành trọn lúc bình sanh,
Bỏ thân thì chịu, bỏ lành thì không.
Là Phật tử thí công thí của,
Thí pháp môn, thí cả mạng căn;
Vì đời mà thí vô ngằn,
1152. Cho người mà chẳng tưởng rằng mình cho.
Là Phật tử tu do hối ngộ,
Không phải tu để có tiếng tu;
Cho nên đời khó nổi ru,
Mặc dù đời rất muốn thu hút vào.
Là Phật tử gặp câu Phật pháp,
Như kẻ chìm thuyền gặp được phao;
Mừng không còn biết ngần nào,
1160. Trong lòng nhứt quyết nắm vào không buông.
Là Phật tử luôn luôn tịnh niệm,
Lóng sạch lòng cho kiến bổn tâm;
A Di Đà Phật niệm thầm,
Trong khi đi đứng ngồi nằm niệm luôn.
Là Phật tử không buồn số phận,
Vì tin nhân quả chẳng hề sai;
Xưa trồng nên có trái nay,
1168. Nếu không thiếu nợ chẳng ai đến đòi.
Là Phật tử vàng thoi chẳng mến,
Chỉ mến tu cho đến đắc thành;
Mến vàng còn bị tử sanh,
Mến tu thì được nhẹ mình siêu thăng.
Là Phật tử đạo tăng chẳng thối,
Thối là phàm, tăng mới Thánh Tiên;
Thánh Tiên mới hết đảo điên,
1176. Phàm trần còn chịu truân chuyên đọa đày.
Là Phật tử trần ai quyết cứu,
Cho nên lo thành tựu đạo mầu;
Tu hành chẳng nệ mau lâu,
Muỗi mòng chẳng sợ, tương rau chẳng buồn.
Là Phật tử đoạn nguồn gốc khổ,
Khổ không cho nảy ngó đâm chồi;
Tu cho hết khổ mới thôi,
1184. Khổ đời mình hoặc khổ đời người ta.
Là Phật tử lánh xa tục lụy,
Không để cho mình bị nhiễm vào;
Nhiễm vào là chịu khổ đau,
Thần Tiên cũng chẳng tài nào gỡ ra.
Là Phật tử lội qua biển khổ,
Vạn sự đời phải bỏ chớ mang;
Mang thì bị đắm giữa đàng,
1192. Bến bờ giải thoát khó toan lội về.
Là Phật tử còn mê khó đắc,
Nên cố tu cho giác hết mê;
Giác thì cùng Phật đồng quê,
Mê thì cùng quỉ ma về một nơi.
Là Phật tử biết đời là giả,
Giả cảnh trần giả cả mạng căn;
Thế mà thống khổ vô ngằn,
1200. Nếu người nào để tâm thần mê theo.
Là Phật tử không gieo kiếp giả,
Cố gắng tu tạo cả kiếp chơn;
Chơn tâm chơn cảnh chơn thân,
Thật chơn bất hoại, thật chơn trường tồn.
Là Phật tử tâm hồn vũ trụ,
Lo tu hành làm chủ âm dương;
Khiến sai được quỉ vô thường,
1208. Không còn để nó dắt đường âm ty.
Là Phật tử tu vì sanh tử,
Sanh tử là đại sự trong đời;
Đời không ai được thảnh-thơi,
Nếu người chưa giải quyết rồi tử sanh.
Là Phật tử sầu thành quyết phá,
Giải vây cho tất cả người đời;
Cho ai cũng được vui cười,
1216. Cho ai cũng được hưởng nơi thanh nhàn.
Là Phật tử không màng danh lợi,
Lợi danh không buộc trói được lòng;
Cho nên đường đạo đi thông,
Việc tu hành sẽ làm xong bổn nguyền.
Là Phật tử dùng thuyền bát nh.,
Để đi qua biển cả hồng trần;
Thuyền không chỉ chở riêng thân,
1224. Mà thuyền còn chở khắp dân Ta bà.
Là Phật tử tu là tu mãi,
Tu đến chừng được toại chí tu;
Tu cho sáng suốt hết ngu,
Tu cho thoát tục như cù hóa long.
Là Phật tử hội lòng với Phật,
Cho cả hai cùng một tinh thần;
Nước trong trăng hiện sáng ngần,
1232. Tâm trong tức có Phật Thần cảm giao.
Là Phật tử tu sao tỏ ngộ,
Thì sự tu mới độ được mình;
Độ mình rồi độ chúng sinh,
Xưa nay Phật tử một tình như nhau.
Là Phật tử biết bao ý nguyện,
Ý nguyện không phải chuyện tầm thường;
Mà là nguyện độ thập phương,
1240. Nguyện đem giải thoát thay đường trầm luân.
Là Phật tử muốn dân tích đức,
Muốn cho ai cũng dứt tham sân;
Muốn ai cũng hết ngu đần,
Muốn ai cũng có tinh thần từ bi.
Là Phật tử khuyên đi đường chánh,
Bỏ tà dâm, bỏ tánh lưu manh;
Bỏ điều hại mạng sát sanh,
1248. Ở ăn trong sạch, tánh tình hiền lương.
Là Phật tử lời thường dè dặt,
Không nói sàm, nói ác, nói gian;
Những lời trái đạo không bàn,
Dù ai có bỏ tiền ngàn ra mua.
Là Phật tử không đua việc ác,
Mà chỉ đua tạo tác điều lành;
Đua cho thắng lũ tà tinh,
1256. Đua cho thắng được lòng mình bất lương.
Là Phật tử tai ương lo tránh,
Tránh cho mình tránh đến cho người;
Tai ương mình chẳng gieo rồi,
Cũng làm cho kẻ khác thôi như mình.
Là Phật tử tài khinh nghĩa trọng,
Trọng công bằng đời sống con người;
Tiền tài là vật phụ thôi,
1264. Không nên lấy nó mà bôi công bằng.
Là Phật tử lo tăng đạo đức,
Khắp thôn lân, khắp nước non nhà;
Trẻ cho chí những người già,
Đều là đạo đức đều là hiền lương.
Là Phật tử bạo cường tránh hẳn,
Chỉ dung hòa tránh chẳng dùng oai;
Muốn không ai áp bức ai,
1272. Mà là chỉ muốn người hay thương người.
Là Phật tử muốn đời trật tự,
Không muốn sanh ra sự hỗn loàn;
Muốn cho nước thạnh nhà an,
Muốn người nào cũng thanh nhàn âu ca.
Là Phật tử nghe hòa thì chuộng,
Nghe gây thì chẳng muốn chút nào;
Người gây nhau chỉ khổ đau,
1280. Người hòa nhau mới giúp nhau vui vầy.
Là Phật tử biết vay phải trả,
Nên khuyên người chớ có nên vay;
Trả vay là cảnh trần ai,
Vì vay trả khiến đầu thai sáu đường.
Là Phật tử nợ vương lo gỡ,
Không tạo gây thêm nợ hồng trần;
Tu cho toàn giác toàn chơn,
1288. Hết tâm mê muội, hết thân đọa đày.
Là Phật tử bổn lai quán tưởng,
Công đức đem hồi hướng Thế Tôn;
Cầu cho đạt máy càn khôn,
Cầu cho cảnh Phật Thế Tôn được kề.
Là Phật tử cõi mê quyết lánh,
Cố tu cho tâm tánh hết mê;
Hết mê cõi Phật được về,
1296. Còn mê còn mãi ủ ê cõi phàm.
Là Phật tử không giam thêm kiếp,
Nguyện đời nầy dứt nghiệp trầm luân;
Tận tâm hành đạo tu thân,
Gian nan cũng chịu tảo tần cũng cam.
Là Phật tử chỉ làm siêu rỗi,
Không làm điều tội lỗi cho mình;
Trong lòng thường muốn siêu sinh,
1304. Nên điều tội lỗi không rinh mó vào.
Là Phật tử lúc nào cũng Phật,
Lòng không cho lẫn lút yêu ma;
Nếu yêu ma có khởi ra,
Trừ ngay chẳng để gây ra tội tình.
Là Phật tử tin mình thành được,
Nếu mình làm đúng mức Phật khuyên;
Tu hành hết sức cần chuyên,
1312. Giới răn chẳng phạm, giáo truyền không sai.
Là Phật tử sanh nhai đơn giản,
Không cầu kỳ như hạng thường tình;
Nuôi thân để có tu hành,
Không nuôi thân để tạo tành bất lương.
Là Phật tử dọn đường gai góc,
Cho người đời được bước đi suông;
Từ phàm đến cõi Tây phương,
1320. Dây oan hết vướng, vô thường hết kêu.
Là Phật tử huệ nêu sáng tỏ,
Khiến thế gian biết rõ lối về;
Được ra khỏi cái rừng mê,
Thấy nhà Tịnh Độ, thấy quê Niết Bàn.
Là Phật tử xóm làng dạo khắp,
Kẻ quên tu thì nhắc cho tu;
Thế gian như thể cửa tù,
1328. Tu như chìa khóa để hầu mở ra.
Là Phật tử tu là tu tới,
Tu cho thành thì mới nên tu;
Sấu tu còn được thành cù,
Người tu sẽ đắc đạo mầu chẳng không.
Là Phật tử định lòng như núi,
Mưa không trôi, gió thổi không bay;
Đứng trong bốn phía trần ai,
1336. Trần ai không thể chuyển lay được lòng.
Là Phật tử tưởng không chưa đủ,
Tưởng rồi cần làm cụ thể ra;
Làm cho rõ nghĩa Phật Đà,
Làm cho thiết thật là nhà chơn tu.
Là Phật tử ở đâu cũng giúp,
Nhưng không đâu câu thúc được mình;
Nước đâu trăng cũng lộ hình,
1344. Nhưng mà nước chẳng buộc mình được trăng.
Là Phật tử biết ngăn khi giận,
Không để cho lửa hận đốt lòng,
Lửa lòng nếu chẳng tắt xong,
Ngàn năm tu luyện thiêu trong một giờ.
Là Phật tử tạo cơ hoằng hóa,
Vì người mà quên cả gian lao;
Không phiền không giận không nao,
1352. Dù người đối đãi cách nào cũng vui.
Là Phật tử lấy mùi đạo lý,
Đem thay cho mùi vị thế gian;
Mùi đời dù có cao sang,
Cũng không sánh kịp mùi nhang Phật đài.
Là Phật tử lo dày công đức,
Công đức là thang bắc lên mây;
Cầu xin Phật Tổ Như Lai,
1360. Ở luôn bên cạnh hầu Ngài nghe kinh.
Là Phật tử cúi mình lạy Phật,
Không cầu xin quyền tước sang giàu,
Chỉ cầu giải thoát trần lao,
Cầu cho được đắc đạo mầu độ dân.
Là Phật tử Phật Thần biết kính,
Kính Phật Thần đã tỉnh ngộ mau;
Cho nên khỏi kiếp khổ đau,
1368. Chớ xưa thì cũng thai bào như ai.
Là Phật tử xưa nay một lối,
Tu là vì muốn khỏi luân hồi;
Cảnh trần chỉ dối gạt thôi!
Sanh ra chịu khổ kế rồi chết đi.
Là Phật tử xét suy cạn lẽ,
Đời có ai là kẻ sống hoài;
Thì không nên giết hại ai,
1376. Nên vùa giúp để sống dài thêm ra.
Là Phật tử lo tha thứ trước,
Không hề lo chặt buộc trước đâu;
Biển còn đo được cạn sâu,
Tấm lòng quảng đại nhà tu khó lường.
Là Phật tử đủ phương cứu trợ,
Cứu nạn tai, cứu gỡ tội tình;
Cứu cho hết loạn được bình,
1384. Cứu cho bỏ dữ làm lành như nhau.
Là Phật tử tình bao phủ cả,
Người nơi đâu cũng dạ xót thương;
Muốn cho cùng được hiền lương,
Muốn cho cùng được biết đường tu thân.
Là Phật tử bụi trần đã giũ,
Nhưng mà không hưởng thú tiêu dao;
Lo đi vớt khách trần lao,
1392. Lo khuyên bá tánh cùng nhau nên hòa.
Là Phật tử là nhà tu niệm,
Việc thế gian chẳng nhiễm đành rồi;
Nhưng nhìn thấy kẻ đuối hơi,
Nhà tu niệm chẳng thể ngồi làm thinh.
Là Phật tử muốn nhìn cảnh sống,
Không muốn nhìn cảnh đống xương tàn;
Muốn cho thế giới bình an,
1400. Không hề muốn có tai nàn binh đao.
Là Phật tử nỡ nào riêng lợi,
Lợi riêng không khỏi hại cho người;
Muốn mình cùng kẻ đều vui,
Lợi mình lợi kẻ cho đôi bên đồng.
Là Phật tử ác không thể tạo,
Những hành vi trái đạo không làm;
Ví dù có thác cũng cam,
1408. Không làm các việc lỗi lầm dữ hung.
Là Phật tử chỉ tùng thiện sự,
Ác sự dù một chữ cũng không;
Làm hiền nghèo cũng thong dong,
Làm hung có của mà lòng bất an.
Là Phật tử sợ mang tội lỗi,
Suy xét rồi việc mới thi hành;
Những điều tổn hại nhơn sanh,
1416. Dù cho có lợi có danh cũng chừa.
Là Phật tử muối dưa lây lất,
Miễn tấm lòng cùng Phật đi đôi;
Thói đời đã hiểu rõ rồi,
Quyết không để nó làm mồi yêu ma.
Là Phật tử hiền nhà hiền nước,
Hiền toàn dân trên mặt địa cầu;
Không hiền riêng một mình đâu,
1424. Mà là muốn khắp nơi nao cũng hiền.
Là Phật tử kết liên đại chúng,
Muốn cho ai đều cũng thức tâm;
Chừa đi các việc lỗi lầm,
Lo làm chơn chánh lo tầm đường tu.
Là Phật tử quyết thu được đạo,
Đạo ở trong tâm não chúng sanh;
Tìm cho thấy mối đạo thành,
1432. Tìm không thấy mối đạo hành còn sai.
Là Phật tử tìm ngay then chốt,
Đạo tại tâm thì cốt tu tâm;
Tu cho tâm hết mê lầm,
Không còn vọng tưởng việc phàm như xưa.
Là Phật tử định chừa chừa hẳn,
Quyết làm thì làm chẳng lôi thôi;
Cái tâm quyết định có rồi,
1440. Đường tu sẽ được toại nơi ý nguyền.
Là Phật tử đầu tiên cải hối,
Kế đó là thọ giới qui y;
Lo làm các việc từ bi,
Lo tu cho đạt đến khi trọn lành.
Là Phật tử có hành mới hạnh,
Hạnh chơn là nhờ tánh trang nghiêm;
. lung như ngựa rán kềm,
1448. Tâm chuyền như vượn lo xiềng một nơi.
Là Phật tử sống đời thanh bạch,
Không theo người sống cách cầu kỳ;
Sống cho đúng đạo từ bi,
Sống không trái phép tu trì Phật môn.
Là Phật tử muốn hồn được nhẹ,
Nghiệp gỡ ra không để máng vào;
Máng vào tí nghiệp trần lao,
1456. Linh hồn cũng bị chìm vào biển mê.
Là Phật tử muốn về đến bến,
Chỉ nội trong một chuyến đò thôi;
Cho nên lo vững vàng người,
Cho nên lo nhẹ nhàng đời gánh mang.
Là Phật tử phải toan dứt khoát,
Trên đường tu giải thoát mới xong;
Lưng chừng đạo quả khó trông,
1464. Uổng công lạy lục, uổng lòng Nam Mô.
Là Phật tử tâm Bồ Đề phát,
Dứt não phiền, độ hết chúng sanh;
Nguyện rằng Phật quả được thành,
Nguyện rằng tất cả pháp lành đều thông.
Là Phật tử thì trông gương Phật,
Sửa lấy mình cho rất giống y;
Giống từ ngôn ngữ hành vi,
1472. Giống luôn đến việc tu trì trong tâm.
Là Phật tử rất chăm đạo hạnh,
Lo trau tâm sửa tánh ngày đêm;
Vạy tà lo giảm không thêm,
Chánh chơn lo tiến chẳng làm cho lui.
Là Phật tử rất vui vì đạo,
Nghe đạo mầu khổ não đều quên;
Bạc tiền thì dễ kiếm nên,
1480. Đạo mầu nếu chẳng có duyên khó tầm.
Là Phật tử có tâm tín ngưỡng,
Nhưng mà không tin bướng nghe càn;
Biển to khi muốn đi ngang,
Nếu tin bè chuối đưa sang thì lầm.
Là Phật tử tối tăm quyết lánh,
Không đưa mình vào cảnh hang sâu;
Ví dù lội lặn bao lâu,
1488. Cũng tìm cho gặp cảnh bầu trời thanh.
Là Phật tử tu hành khai trí,
Sự cũng thông và lý cũng thông;
Tu cho liễu nghĩa đại đồng,
Tu cho thấu suốt cõi lòng viên minh.
Là Phật tử tin mình tin Phật,
Không bao giờ để mất lòng tin;
Tin mình tu sẽ được minh,
1496. Tin nơi Đức Phật độ mình chẳng không.
Là Phật tử giữ lòng rất chắc,
Không để cho ai dắt sai đường;
Theo lời Phật chỉ hướng phương,
Cứ như thế đó mà bườn tới nơi.
Là Phật tử mặc người cười dại,
Chẳng những không buồn lại còn thương;
Thương người quá mến trần dương,
1504. Cho nên mới tưởng hiền lương là khờ.
Là Phật tử khi trơ như gỗ,
Khi như ôm con đỏ trong lòng;
Nhiễm đời thì nhứt thiết không,
Thương đời thì chẳng phụ lòng một ai.
Là Phật tử chẳng sai hẹn ước,
Làm theo lời hứa trước Phật đài;
Rửa cho sạch bụi trần ai,
1512. Tu cho hết kiếp đọa đày thế gian.
Là Phật tử bốn phang gieo đạo,
Cốt làm cho hòa hảo nhơn sanh;
Tạo nên thế giới bình thanh,
Cho ai cũng được no lành an cư.
Là Phật tử chuông từ dộng khắp,
Cho giấc mê kẻ ác tỉnh ra;
Bỏ đi tánh nết gian tà,
1520. Bỏ đi các việc làm ra hại người.
Là Phật tử vì đời mà gọi,
Không vì mình mà nói đạo mầu;
Thì lời đạo ấy mới sâu,
Thì tình ấy mới khác câu thường tình.
Là Phật tử phải minh ý Phật,
Phật thì không ngã chấp như đời;
Qua khi tế độ rồi thôi,
1528. Lòng không tự phụ là nơi ta làm.
Là Phật tử cho kham chánh đạo,
Tất là măng sẽ tạo nên tre;
Những lời Phật dạy cố nghe,
Chúng sanh tức thị Phật Đà chẳng sai.
Là Phật tử đi ngay tới Phật,
Mặc dù nhiều quái vật cản ngăn;
Cũng không thối bước Đường Tăng,
1536. Ngày kia chỗ Phật chắc rằng tới nơi.
Là Phật tử tình đời biết rõ,
Đường họ đi khác ngõ mình đi;
Mình thì muốn sớm thoát ly,
Họ thì muốn được ở lỳ thế gian.
Là Phật tử thấy rằng đời khổ,
Nhưng người đời cho đó là vui;
Muốn cho họ thấy khổ đời,
1544. Nhà tu cần phải đủ lời biện minh.
Là Phật tử muôn ngh.n cách độ,
Độ người qua biển khổ sông mê;
Tây phương dắt chúng sanh về,
Quyết không muốn một mình kề Tây phương.
Là Phật tử một đường với Phật,
Rất từ bi cứu giúp chúng sanh;
Rất là bình đẳng hiền lành,
1552. Chẳng coi sanh chúng với mình khác nhau.
Là Phật tử ở vào hiện tại,
Tu cứu cho thế giới hòa bình;
Không riêng tu cứu hồn linh,
Mà tu cứu cả thân sinh hiện tiền.
Là Phật tử ngồi yên bao nỡ,
Trong khi đời khổ sở chập chồng;
Khổ thân sống, khổ tấm lòng,
1560. Khổ không bình đẳng, khổ không an hòa.
Là Phật tử phải ra tay giúp,
Giúp cho người hạnh phúc tự do;
Giúp người được sống ấm no,
Giúp người khỏi cảnh sợ lo bất bình.
Là Phật tử rất tin tội phước,
Không muốn người bạo ngược với người;
Muốn người đối xử tốt tươi,
1568. Khỏi ngày tội báo, khỏi đời oan gia.
Là Phật tử thật là vì nghĩa,
Vì nghĩa không vì lẽ lợi riêng;
Công bằng bác ái trước tiên,
Ấy là Phật tử thường chuyên tâm làm.
Là Phật tử thà cam đói rách,
Không muốn ham tiền bạc bất lương;
Sanh nhai trong sạch một đường,
1576. Những điều trộm cướp gạt lường không ưa.
Là Phật tử ngăn ngừa tánh xấu,
Từ ngăn ngừa đến nạo gọt xong;
Cả thân khẩu ý sạch trong,
Các điều tệ hại khỏi lòng lo âu.
Là Phật tử lỗi đâu sửa đó,
Ví dù là lỗi nhỏ mảy may;
Xin người chỉ chỗ còn sai,
1584. Sửa cho đến chẳng còn ai thấy lầm.
Là Phật tử thấy tâm còn vọng,
Cố luyện tâm hết động mới thôi;
Vọng tâm có thể giấu người,
Nhưng mà không thể giấu nơi lòng mình.
Là Phật tử khi sanh ác niệm,
Tự nghe như có tiếng quở răn;
Rất là xấu hổ ăn năn,
1592. Tức thì quyết định chận ngăn diệt trừ.
Là Phật tử làm như ý định,
Trên đường tu chẳng tính đổi dời;
Mục tiêu cố gắng đến nơi,
Nếu nay chưa đạt thì mơi cũng thành.
Là Phật tử làm lành trọn vẹn,
Màn vô-minh quyết vén khỏi ra;
Để cho sáng suốt lòng ta,
1600. Đường về hết lộn, cửa ra hết lầm.
Là Phật tử xét tâm không hở,
Quyết làm cho thấy rõ bổn tâm;
Tâm là chủ các việc làm,
Làm Tiên làm Phật làm phàm do tâm.
Là Phật tử nếu cầm tâm được,
Huệ cũng nên mà phước cũng nên;
Phật đài chắc chắn được lên,
1608. Tử sanh khỏi bận, não phiền hết đeo.
Là Phật tử dựa theo Phật pháp,
Nhưng tu hành luyện tập nơi tâm;
Tâm không còn sự mê lầm,
Tất nhiên Phật pháp với tâm một nguồn.
Là Phật tử đạo luôn phấn tấn,
Nhưng tùy cơ khi ẩn khi bày;
Khiến đường đạo bớt cấn gay,
1616. Khiến người khác có thể quày đầu tu.
Là Phật tử đạo lu khêu tỏ,
Bằng lời lành bằng của bằng thân;
Cốt làm nền đạo chấn hưng,
Cửa thiền đông chẳng kém phần chợ mai.
Là Phật tử kêu hoài đạo đức,
Đánh thức đời vật chất đang mê;
Nếu lòng đạo đức bỏ bê,
1624. Tất gây lắm chuyện thảm thê trong đời.
Là Phật tử muốn người an ổn,
Không muốn gây cảnh hỗn loạn nhau;
Từ phong sớm tối thổi vào,
Khiến đời khói thảm mây sầu được tan.
Là Phật tử khổ càng thêm đạo,
Chớ khổ không thể đảo tâm tu;
Mặt mày như đã lờ lu,
1632. Nhưng lòng sáng tợ trăng thu đêm rằm.
Là Phật tử tu tâm làm cội,
Không riêng tu lời nói hình dung;
Cho nên tu được đến cùng,
Lợi danh khó dụ, oai hùng khó ngăn.
Là Phật tử nói năng làm tưởng,
Đều để tâm suy lượng kỹ càng,
Ngõ hầu tránh các tệ đoan,
1640. Cho đời hiện tại, cho đàng tương lai.
Là Phật tử thà nay chịu khổ,
Mà được sung sướng ở sau nầy;
Không ham sung sướng giờ đây;
Kế mai mốt chịu đọa đày gian truân.
Là Phật tử lòng nhân quảng đại,
Không vì mình nỡ hại thế gian;
Thường lo bá tánh thập phang,
1648. Muốn cùng sống lạc, thác an linh hồn.
Là Phật tử Phật môn trực chỉ,
Biết Phật môn huyền bí siêu nhiên;
Bước vào hết sự não phiền,
Từ nơi thống khổ sang miền an vui.
Là Phật tử đổi người ra Phật,
Thật hoàn toàn đi ngược phàm tình;
Nếu không có chí hy sinh,
1656. Thì người chẳng dễ g. thành Phật đâu.
Là Phật tử đạo mầu biết khó,
Nhưng tin ai cũng có thể làm;
Nếu như dám bỏ tánh phàm,
Tất nhiên người sẽ tu kham đạo mầu.
Là Phật tử rất sâu tin tưởng,
Ngày như đêm bồi dưỡng tâm linh;
Trở nên toàn thiện toàn minh,
1664. Để cho chư Phật với mình không xa.
Là Phật tử phải là thật giác,
Sự mê không tái phát nơi lòng;
Lỗi lầm khi đó thật không,
Hoàn toàn siêu thoát, viên thông đạo mầu.
Là Phật tử lo thâu chúng quỉ,
Chúng quỉ không thể trị được mình;
Chính mình có đủ oai linh,
1672. Để làm cho lũ tà tinh phục tùng.
Là Phật tử khéo dùng phương tiện,
Giúp cho người tu niệm được nên;
Việc lành giúp kẻ không quên,
Phật đài giúp kẻ muốn lên tột cùng.
Là Phật tử hiền hung độ cả,
Độ cho cùng đắc quả như nhau;
Chúng sanh ở cõi trần lao,
1680. Độ cho hết chẳng người nào bỏ rơi.
Là Phật tử ở thời mạt hạ,
Thấy người đời kém dạ tu hành;
Càng lo tế độ cho nhanh,
Khiến thiên hạ bớt hoành hành lẫn nhau.
Là Phật tử thời nào cũng độ,
Nhưng độ cơn tai khổ nhiều hơn;
Khổ nhiều càng độ không ngừng,
1688. Độ khi ách nước, nạn nhơn, tai trời.
Là Phật tử muốn đời hiền thảo,
Đời thương nhau, đời bảo vệ nhau;
Nhu cầu cần thiết đổi trao,
Không ai muốn đổ máu đào với ai.

Tác giả bài viết: Thanh sĩ Thích Huệ Duyên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 131
  • Khách viếng thăm: 130
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 12531
  • Tháng hiện tại: 1726115
  • Tổng lượt truy cập: 59379048

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile