Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Khóa Hư Lục giảng giải (1996) - Phần mở đầu

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/01/2012 08:37 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Khóa Hư Lục giảng giải (1996) - Phần mở đầu

Khóa Hư Lục giảng giải (1996) - Phần mở đầu

Phần Lời đầu sách, trong Quyển Khóa Hư Lục giảng giải, trong phần này giới thiệu về TRẦN THÁI TÔNG
LỜI ĐẦU SÁCH
 

Quyển Khóa Hư Lục Giảng Giải này ra đời do lòng nhiệt tình, tâm tha thiết mong muốn có một “Pho Sách Phật Giáo Việt Nam” thật sự Việt Nam của chúng tôi. Bao nhiêu năm rồi, chúng tôi ao ước những tư liệu Phật giáo Việt Nam còn sót lại được dịch ra chữ quốc ngữ để cho người sau có phương tiện tham khảo học tập. Rất hân hạnh được các vị: Thiều Chửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Đăng Thục, Hòa thượng Thanh Kiểm, nhóm Khoa Học Xã Hội đã dịch bộ Khóa Hư Lục. Nương chú giải của quí vị trên, chúng tôi dễ dàng nhiều trong khi giảng giải tập sách này. Quí vị là ân nhân lớn giúp chúng tôi thực hiện được sở nguyện từ lâu.

Sách Phật giáo Việt Nam vốn dĩ nghèo nàn lại bị mất mát, cần bảo tồn và làm tăng trưởng thêm, chúng tôi cố gắng giảng giải và in ra, hầu mong thêm lớn phần nào cho pho sách Phật Giáo Việt Nam. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà không có một Pho Sách Phật Giáo Việt Nam, đây là một thiếu sót lớn. Trước kia Tổng Hội Phật Giáo Bắc Kỳ nhờ trường Viễn Đông Bác Cổ giúp đỡ đã in được Pho Sách Phật Giáo Việt Nam lấy tên là Việt Nam Phật Điển Tùng San để phát hành. Song pho sách này vẫn bằng chữ Hán, tài liệu còn hạn chế và ít người đọc được.

Theo quan niệm chúng tôi “Pho Sách Phật Giáo Việt Nam” là gom góp các quyển sách, văn thơ... của các bậc Tôn túc, các hàng đạt đạo người Việt Nam đã viết còn lưu lại, để thấy tinh thần người xưa tu hành đạt đạo và thâm hiểu Phật giáo như thế nào, cho chúng ta, hàng hậu học, có chút tự hào về Tổ tiên mình và học hỏi theo các ngài.
Quyển Khóa Hư Lục chúng tôi dùng giảng giải là bản in năm 1943 của Tổng Hội Phật Giáo Bắc Kỳ. Muốn người nghe và người đọc dễ lãnh hội, chúng tôi thay đổi thứ tự những đề mục trong sách chữ Hán, những phần dễ để trước, phần khó để sau, cốt hướng dẫn độc giả nhận được yếu chỉ Thiền tông. Mong thực hiện được bản hoài, chúng tôi không ngại tài đức cạn mỏng, mạnh bạo làm một việc có thể quá sức. Chắc rằng còn lắm điều sai sót, mong quí vị cao minh tha thứ và chỉ giáo cho.

Kính mong,
THÍCH THANH TỪ
Thiền viện Thường Chiếu,
ngày 23/4/96 (6/3 Bính Tý)
TRẦN THÁI TÔNG
Ông vua Thiền sư
(1218 - 1277)

Trần Thái Tông tên Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, sanh năm Mậu Dần niên hiệu Kiến Gia thứ tám (1218) triều Lý. Gia thế ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc huyện Mỹ Lộc tỉnh Hà Nam Ninh); ông cha làm nghề đánh cá. Nhờ có công dẹp loạn, họ Trần dần dần có thế lực từ đời Lý Cao Tông. Trần Cảnh mới có tám tuổi được Lý Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, lấy hiệu là Thái Tông.

Năm Thái Tông lên hai mươi tuổi, Lý Chiêu Hoàng mười chín tuổi đang là Hoàng hậu, bị Trần Thủ Độ ép Thái Tông giáng Chiêu Hoàng làm Công chúa, lấy chị bà là Thuận Thiên, vợ Trần Liễu (anh ruột Thái Tông) làm Hoàng hậu. Lý do vì Thủ Độ nôn nóng Thái Tông có con để kế thừa, mà Chiêu Hoàng chậm con, chị bà đang mang thai. Trần Liễu phẫn uất nổi loạn tháng giêng năm Bính Thân (1236).

Do nhiều nỗi khổ và lòng ray rứt bất an, lúc mười giờ đêm ngày mồng ba tháng tư năm 1236, vua Thái Tông bỏ ngai vàng, trốn lên núi Yên Tử đi tu. Vua đem theo một số tùy tùng, nói đi để nghe dư luận dân gian, biết rõ sự thật cho dễ bề trị nước. Sang sông, đoàn người đi về phía đông. Bấy giờ Vua mới nói rõ ý định đi tu với các người tùy tùng và bảo họ trở về. Mọi người đều ngạc nhiên và khóc lóc. Vào khoảng sáu giờ sáng hôm sau Vua đến bến đò Đại Than ở núi Phả Lại. Trời sáng, sợ người nhận ra, Vua lấy vạt áo che mặt mà qua đò, rồi theo đường tắt lên núi. Đến tối, Vua vào nghỉ trong chùa Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Khó khăn trèo núi hiểm, lội suối sâu, con ngựa đã yếu không thể lên núi được nữa, Vua phải bỏ ngựa vịn vào các tảng đá mà đi. Khoảng hai giờ trưa mới đến chân núi Yên Tử. Sáng hôm sau, Vua lên thẳng đỉnh núi và vào tham kiến Thiền sư Trúc Lâm (có lẽ Thiền sư Đạo Viên).

Thấy Trẫm, Quốc sư mừng rỡ. Người ung dung bảo Trẫm:

- Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay Bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không?

Trẫm nghe lời thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với thầy rằng:
- Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chớ chẳng muốn tìm gì khác.

Thầy đáp:

- Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.

(Bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam)

Hôm sau, Trần Thủ Độ đem các quan lên núi Yên Tử đón Vua về kinh. Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Thái Tông viết:

Thấy Trẫm, Trần Công thống thiết nói:

- Tôi chịu lời ủy thác của Tiên quân, phụng sự nhà vua trong việc làm chủ thần dân. Nhân dân đang mong đợi Bệ hạ như con đỏ trông đợi cha mẹ. Huống chi ngày nay các vị cố lão trong triều đều là họ hàng thân thích, sĩ thứ trong nước ai nấy đều vui vẻ phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết nhà vua là cha mẹ dân. Vả lại Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ chưa ráo, lời dặn dò bên tai còn văng vẳng, thế mà Bệ hạ đã lánh vào chốn núi rừng ẩn cư để cầu thỏa lấy ý chí riêng của mình. Tôi dám nói rằng Bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về.

Trẫm nghe Thái sư và các quần thần bô lão đều không chịu bỏ Trẫm, cho nên mới đem lời Thái sư mà bạch lại với Quốc sư, Quốc sư cầm tay Trẫm mà nói:

- Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin Bệ hạ đừng phút nào quên.

Bởi vậy Trẫm với mọi người trong triều mới trở về kinh, miễn cưỡng mà lên lại ngôi báu. Ròng rã trong mười năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm lại tụ họp các bậc kỳ đức để học hỏi đạo thiền. Các kinh điển của các hệ thống giáo lý chánh, không kinh nào là Trẫm không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang, một hôm đọc đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, buông kinh xuống chiêm nghiệm, bỗng hoát nhiên tự ngộ...

Thái Tông là ông vua chăm học, trong bài tựa Kinh Kim Cang Tam-muội ông viết:

Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, Trẫm cố học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi còn học kinh Phật.

Thái Tông quả là ông vua cần mẫn hiếu học, không buông mình theo dục lạc.

Chẳng những thế, Thái Tông lại là ông vua anh hùng. Năm 1257 giặc Mông Cổ xâm lăng đất nước. Thái Tông đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận, có mặt ở cả mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ đều nức lòng chiến đấu. Kết quả quân ta đã đánh tan quân xâm lược, giặc Mông Cổ tháo thân chạy về Vân Nam vào đầu năm 1258. Đây là ông vua vừa đạo đức vừa anh hùng, làm sáng rỡ những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Sau cuộc chiến, đất nước thái bình, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con năm 1258 lên làm Thái thượng hoàng. Từ đây Thái Tông vừa làm cố vấn cho con, vừa lo nghiên cứu tu thiền. Đến lúc vua Trần Thánh Tông đủ sức đảm đang việc nước, ông lui về lập am Thái Vi ở vùng rừng núi Vĩ Lâm cố đô Hoa Lư để an dân lập ấp và tu hành.

Thái Tông bệnh, nhân nuôi bệnh cha, Thánh Tông thưa: “Chân không và ngoan không là đồng hay khác?” Thái Tông bảo: “Hư không là một, chỉ vì tâm mình mê ngộ nên có chân và ngoan. Thí như phòng nhà mở cửa thì sáng, đóng cửa thì tối, sáng tối chẳng đồng mà phòng nhà là một.”

Hôm sau, Quốc sư Đại Đăng vào thăm thưa: “Bệ hạ bệnh chăng?” Thái Tông nói: “Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sanh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao?”
Khoảng mấy hôm sau, Thái Tông lặng thinh không nói, đuổi hết kẻ hầu hạ, đem việc nước dặn dò Thánh Tông. Thánh Tông muốn nhờ hai Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên), Đại Đăng nói pháp xuất thế cho Thái Tông nghe. Thái Tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây, bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thương, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thối thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này?”

Nói xong, Ngài lặng lẽ thị tịch, nhằm năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Phù thứ năm, thọ sáu mươi tuổi.

Ngài còn lưu lại những tác phẩm:
1.  Thiền Tông Chỉ Nam
2.  Kim Cang Tam-muội Kinh chú giải
3.  Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi
4.  Bình Đẳng Lễ Sám Văn
5.  Khóa Hư Lục
6.  Thi Tập.
Tựa
THIỀN TÔNG CHỈ NAM
Dịch
 

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có nam bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: “Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác.” Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay Trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.

Vả lại, thuở Trẫm còn niên thiếu có chút ít hiểu biết, vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh; nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý hồi hướng đã nảy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.

Năm mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi đời, Trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế cũng băng hà. Lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan thịt nát vẫn chưa đủ đáp đền trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo trên đã không còn cha mẹ để tựa nương, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại, chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí Trẫm đã quyết định.

Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1236), Trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung, bảo tả hữu rằng: “Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ.” Bấy giờ tả hữu theo Trẫm không quá bảy tám người. Giờ Hợi đêm ấy, Trẫm cỡi một ngựa lặng lẽ ra đi, sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thật lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ Mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, Trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; Trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá mà lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, Trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:

- Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?

>Trẫm nghe nói hai hàng nước mắt tự tràn, đáp lại Sư rằng:

- Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thạnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác.

Sư bảo:

- Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.

Bấy giờ ông chú Trần Công - người em họ mà tiên quân gởi gắm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chánh - nghe tin Trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích, rồi cùng người trong nước lên đến núi này. Gặp Trẫm, ông thống thiết nói:

- Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.

Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo:

- Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng.

Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là “Thiền Tông Chỉ Nam”. Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng:

- Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học.

Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 333
  • Hôm nay: 83890
  • Tháng hiện tại: 648045
  • Tổng lượt truy cập: 60088062

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile