Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần IX

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 16:31 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Tông Bản Hạnh - Phần IX

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần IX

6.1 KẾT LUẬN VỀ GIÁO LÝ THIỀN,

6.1 KẾT LUẬN VỀ GIÁO LÝ THIỀN

Hạnh này cổ tích Thánh Hiền,

Đời đời san bản để truyền lưu thông.

Hậu lai ai có hiếu trung,

Dù là ngộ được Tâm Tông hạnh này.

Báo ơn Phật Tổ mai ngay,

Thiệu long tượng Pháp san lai truyền đời.

Công thành quả mãn làm nơi,

Vì hay hà đảm Như Lai tông Thiền.

Niêm hoa đã lại kéo đèn,

Công ấy muôn nghìn thắng quả cao thay.

Dược am gió mát bóng cây,

Giọn Thiền Tông lại san nay để truyền. Phổ độ Pháp giới hữu duyên,

Cùng thành chính giác quả viên Bồ Đề.

Mưa xuân đượm ướt vườn lê,

Cành cao cành thấp đều thì nở hoa.

Cho hay đức Bụt Thích Ca,

Hóa thân bách ức khắp hòa mười phương.

Hiện ra làm quyền Đế Vương,

Chí tôn Phật Tổ Giác Hoàng quốc trung.

Cơ duyên ứng xuất vương cung,

Cơ duyên mãn hữu hội đồng Linh Sơn.

Chân Phật nào có Nát Bàn,

Nghiệm chứng không tịch phục hoàn bản nguyên.

Hóa Phật thụ ký vô biên.

Tứ Mục Tương Cố mật truyền Tâm Tông.

Ai khôn chớ chạy Tây Đông,

Bôn trì Nam Bắc, luống công mê hồn.

Liễu ngộ Bất Nhị Pháp Môn,

Chân không Tự Tính chẳng còn cầu ai.

Điều Ngự cổ Phật tái lai,

Tông giáo trong ngoài phó chúc tuân y.

Thật dòng Lâm Tế tông chi,

Pháp phái vĩnh thùy Yên Tử Thiền lâm.

Đạo truyền từ cổ đến câm (kim),

Thánh Đăng Ngữ Lục ấn tâm trường tồn.

Phật Đạo vô thượng chí tôn,

Quốc gia hữu vĩnh, càn khôn vững bền.

Phổ nguyện Pháp giới hữu duyên,

Đồng đăng Cửu phẩm Tây Thiên Di Đà.

Vậy có kệ rằng:

Tính vốn làu làu, tri bất tri,

Đêm ngày bảo nhậm chữ Vô Vi.

Bụt chỉn là Vua, Vua là Bụt,

Tung hô vạn tuế, thọ tăng kỳ.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

* * * Hạnh này cổ tích Thánh Hiền,

Đời đời san bản để truyền lưu thông.

Hậu lai ai có hiếu trung,

Dù là ngộ được Tâm Tông hạnh này.

Báo ơn Phật Tổ mai ngay,

Thiệu long tượng pháp san lai truyền đời.

Ngài Chân Nguyên nói “hạnh này” tức là hạnh của các bậc Thánh Hiền đã tu thuở xưa. “Đời đời san bản” là đời đời khắc bản in để lưu truyền những hạnh nầy cho mai sau.

“Hậu lai ai có hiếu trung” là những người có lòng trung hiếu ở đời sau. “Dù là ngộ được tâm tông hạnh nầy”, nhưng để báo ơn Phật Tổ và nối tiếp thời tượng pháp, thì phải san bản truyền lại cho đời, tức là cho khắc in bản nầy để truyền lại cho đời.

Công thành quả mãn làm nơi,

Vì hay hà đảm Như Lai tông Thiền.

Niêm hoa đã lại kéo đèn,

Công ấy muôn nghìn thắng quả cao thay.

Chúng ta biết in, biết tái bản tập sách này, đó là chỗ công quả đầy đủ của mình. “Vì hay hà đảm Như Lai tông Thiền” là hay gánh vác được Thiền Tông Như Lai.

“Niêm hoa đã lại kéo đèn”, tức là niêm hoa vi tiếu là cầm hoa sen đưa lên, hoặc khêu ngọn đèn trí tuệ sáng lên. “Công ấy muôn nghìn thắng quả cao thay”, công ấy rất nhiều như muôn nghìn thắng quả cao thượng.

“Dược am gió mát bóng cây,

Giọn Thiền Tông lại san nay để truyền.

Phổ độ Pháp giới hữu duyên,

Cùng thành chính giác quả viên Bồ Đề.

Mưa xuân đượm ướt vườn lê,

Cành cao cành thấp đều thì nở hoa.”

Đoạn nầy vừa tả cảnh vừa nói đạo lý rất thiết tha.

Bản nầy là ‘Dược am gió mát bóng cây”, bản 1932 là “Tuệ sách như xiển thuở nầy”, tuệ sách là sách trí tuệ, như xiển thuở nầy là như mở mang lúc nầy.

Bản nầy là “Giọn Thiền Tông lại san nay để truyền”, bản 1932 là “San Thiền Tôn lại để nay lưu truyền”. So sánh lại thì bản nầy nói rất rõ:

“Dược am gió mát bóng cây”, trên núi Yên Tử có cái am tên là Dược am, ngài Chân Nguyên lên đó để tu. Nơi Dược am có tàng cây bóng mát, gió hiu hiu rất là thích. “Giọn Thiền Tông lại san nay để truyền”, giọn là sửa sang lại, san là in ấn, san bản là khắc bản in. Nghĩa là sửa sang lại bộ Thiền Tông Bản Hạnh để khắc bản in truyền lại cho đời.

“Phổ độ Pháp giới hữu duyên” là phổ độ cho cả pháp giới những người có duyên. “Cùng thành chính giác quả viên Bồ Đề”, cùng thành chánh giác tròn quả Bồ Đề.

Mưa xuân đượm ướt vườn lê,

Cành cao cành thấp đều thì nở hoa.

Đến đây ngài Chân Nguyên vừa tả cảnh vừa nói đạo lý rất thâm trầm. Thời tiết ở miền Bắc có mưa mùa xuân, trong Nam có mưa mùa hè và mùa thu, ít có mưa xuân. Ở miền Bắc mưa mùa xuân đượm ướt cả vườn lê, cây cao cây thấp trong vườn nhờ mưa xuân đều được nở hoa. Cũng như vậy, người được đọc quyển Thiền Tông Bản Hạnh nầy, dù trình độ cao hay thấp đều được thấm nhuần, đều thấy đạo lý.

Cho hay đức Bụt Thích Ca,

Hóa thân bách ức khắp hòa mười phương.

Hiện ra làm quyền Đế Vương,

Chí tôn Phật Tổ Giác Hoàng quốc trung.

Cho hay đức Phật Thích Ca hóa thân trăm ức bủa khắp mười phương. Biết đâu Sơ Tổ Trúc Lâm là một hóa thân của Phật Thích Ca? Ngài hiện ra làm vua rồi tu hành ngộ đạo làm bậc chí tôn trong nước.

Cơ duyên ứng xuất vương cung,

Cơ duyên mãn hữu hội đồng Linh Sơn.

Chân Phật nào có Nát Bàn,

Nghiệm chứng không tịch phục hoàn bản nguyên.

Theo cơ duyên mà ứng hiện trong vương cung, cơ duyên mãn rồi thì trở về hội Linh Sơn. Còn Phật thật tức là Phật pháp thân thì đâu có nhập Niết Bàn. Thế thì có ứng hiện ở vương cung, có trở về hội Linh Sơn, đó là hóa thân Phật, còn pháp thân Phật thì không có nhập Niết Bàn. Nghiệm chứng cho thật rõ khi tâm mình lặng lẽ thì trở về bản nguyên tức là trở về nguồn cội.

Hóa Phật thụ ký vô biên,

Tứ Mục Tương Cố mật truyền Tâm Tông.

Về hóa Phật thì được thọ ký rất nhiều không thể kể hết, do bốn mắt nhìn nhau mà được truyền Tâm Tông.

Ai khôn chớ chạy Tây Đông,

Bôn trì Nam Bắc, luống công mê hồn.

Liễu ngộ Bất Nhị Pháp Môn,

Chân Không Tự Tính chẳng còn cầu ai. Ai là người khôn ngoan thì đừng chạy đông chạy tây làm gì, cũng đừng tìm kiếm ở nam hay bắc, luống công nhọc lòng, chẳng ích gì. Nếu liễu ngộ được Pháp môn bất nhị thì tự tánh chân không chẳng còn tìm cầu ở ai nữa.

Đoạn nầy ngài Chân Nguyên muốn nhắc chúng ta: Ai tu theo đạo Phật mà khôn ngoan thì đừng tìm kiếm ở đâu xa, mà phải ngay nơi tâm mình nhận ra được Pháp môn không hai. Thế nào là Pháp môn không hai? Thấy có phải có quấy, có hơn có thua, đó là hai. Nếu người nào dẹp bỏ phải quấy, hơn thua, đó là Pháp môn không hai, rất dễ không có gì khó cả. Đừng thấy phải quấy, hơn thua, tốt xấu, thế là thấu được "Pháp môn bất nhị".

Điều Ngự cổ Phật tái lai,

Tông giáo trong ngoài phó chúc tuân y.

Thật dòng Lâm Tế tông chi,

Pháp phái vĩnh thùy Yên Tử Thiền Lâm.

Đạo truyền từ cổ đến câm (kim),

Thánh Đăng Ngữ Lục ấn tâm trường tồn.

Ngài Điều Ngự cũng là một vị cổ Phật trở lại trong đời nầy, chớ không phải người thường. Về phần thiền phần giáo Ngài trao truyền lại, chúng ta phải tuân theo đó mà hành. Ngài thuộc dòng Lâm Tế, nhưng pháp phái của Ngài là pháp phái Thiền Lâm ở Yên Tử hay là phái Trúc Lâm Yên Tử.

“Đạo truyền từ cổ đến câm”, là đạo truyền từ xưa đến nay. “Thánh Đăng Ngữ Lục ấn tâm trường tồn”, quyển Thánh Đăng Ngữ Lục là quyển ấn tâm mãi mãi còn chớ không có mất. Vì vậy quyển Thiền Tông Bản Hạnh nầy là trích từ bản Thánh Đăng Ngữ Lục, nhưng ngài Chân Nguyên có bổ túc, Ngài lượm lặt những tư liệu để đóng góp thêm chớ không phải thuần như vậy. Thế nên học xong quyển

Thiền Tông Bản Hạnh, chúng ta phải đọc quyển Thánh Đăng Ngữ Lục để biết rõ thêm.

Phật Đạo vô thượng chí tôn,

Quốc gia hữu vĩnh, càn khôn vững bền.

Phổ nguyện Pháp giới hữu duyên,

Đồng đăng Cửu Phẩm Tây Thiên Di Đà.

Chúng ta thấy rõ đoạn trước nói về Thiền, đến đây lại nói về Tịnh. Đạo Phật chí tôn vô thượng, quốc gia luôn luôn vững chắc, càn khôn mãi mãi lâu bền. Nguyện cho trong pháp giới những người có duyên đều được lên đài Cửu phẩm, được về cõi Tây Thiên của Phật Di Đà.

Vậy có kệ rằng:

Tính vốn làu làu, tri bất tri,

Đêm ngày bảo nhậm chữ vô vi.

Bụt chỉn là Vua, Vua là Bụt, Tung hô vạn tuế, thọ tăng kỳ.

Nam Mô A Di Đà Phật

Bài kệ nầy, ngài Chân Nguyên rút gọn lại cho chúng ta rõ:

“Tính vốn làu làu tri bất tri”. Tánh giác của mỗi người chúng ta vốn là sáng làu làu, “tri bất tri” tức là biết mà chẳng biết. Đây là một câu rất khó hiểu. Chúng tôi cho một ví dụ, như bình hoa hồng đặt ở đây tất cả quí vị nhìn lên thấy có hoa trắng, hoa vàng, hoa đỏ, thì tất cả biết là trắng là vàng là đỏ, biết hết phải không?

Nhưng nếu hỏi trắng là đẹp, vàng hay đỏ là đẹp, thì quí vị trả lời thế nào? Nếu người nầy cho hoa trắng là đẹp, người kia lại cho hoa đỏ là đẹp thì sanh tranh cãi.

Đó là biết mà biết. Còn nếu chúng ta chỉ thấy có trắng có vàng có đỏ, thấy như vậy là như vậy. Nếu hỏi cái nào đẹp cái nào xấu thì lắc đầu không trả lời. Đó là biết mà không biết, biết có trắng có vàng có đỏ mà không biết đẹp không biết xấu, vì trắng vàng đỏ là cái trực diện của mình từ mắt thấy, không có qua suy nghĩ, không có niệm phân biệt. Còn nếu nói cái nầy đẹp, cái kia xấu thì có qua suy nghĩ, có niệm phân biệt, đó là vọng trí là cái biết không thật. Nếu thấy mà không qua suy nghĩ, không có niệm phân biệt, đó là chân trí, là cái biết thật. Vì vậy đứng về mặt biết thật thì biết mà không biết tức là “tri bất tri”.

“Đêm ngày bảo nhậm chữ Vô Vi”, đêm ngày hằng phải bảo nhậm gìn giữ vô vi. Vô vi là không có niệm động, không có niệm khởi, đó là bảo nhậm vô vi.

Hai câu đầu bài kệ nói về tinh thần Thiền.

“Bụt chỉn là Vua, Vua là Bụt”, Phật là Vua, Vua cũng là Phật.

“Tung hô vạn tuế thọ tăng kỳ”, đứng về Vua thì tung hô vạn tuế, đứng về Phật thì thọ tăng kỳ. Như vậy Phật Vua không hai, cũng như phàm thánh không hai, không có gì ngoài nhau. Bài kệ nầy kết thúc quyển Thiền Tông Bản Hạnh.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IXI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 52
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 2529
  • Tháng hiện tại: 1716113
  • Tổng lượt truy cập: 59369046

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile