Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

TIẾC THƯƠNG

Đăng lúc: Thứ năm - 11/08/2016 07:37 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
TIẾC THƯƠNG

TIẾC THƯƠNG

TIẾC THƯƠNG
 

Đôi khi dự các lễ tang, nhìn vòng hoa phúng điếu có hàng chữ “vô cùng thương tiếc”, chúng mình vẫn chưa có cảm giác thực sự thế nào là thương tiếc.

Hạnh Đạt mất, các huynh đệ ngồi lại với nhau, kể lể vui buồn trong đêm cuối, lúc đó mới nếm cảm giác thật sự của hai chữ “tiếc thương”. Lẽ dĩ nhiên ở chung với nhau lâu, chỉ có một việc tu học, không ai bận rộn việc gì khác, người huynh đệ nào cũng có dấu ấn, tùy theo cá tính của mình. Càng nhiều tính chất thì càng nhiều chuyện để nói. Hạnh Đạt kể như văn võ toàn tài. Một thời thanh niên xung phong, áo xanh mũ tai bèo công tác phá rừng lập ấp. Thời đó Hạnh Đạt khoảng 20-21 tuổi, bao nhiêu nhiệt tình tuổi trẻ, mộng lớn mộng con tung ra thử sức với đời. Có một điều lạ là khi bước chân vào cửa rừng Viên Chiếu với một nét nhu mì lễ độ, còn lễ độ hơn mấy cô bặm trợn ở đây. Chúng tôi không ai biết Hạnh Đạt từng là Thanh niên xung phong, hoặc có nghe thoáng qua cũng không để ý, vì Viên Chiếu đã là một khu rừng xung phong rồi. Có lẽ vì lớp đàn chị dữ dằn như vậy nên trong suốt thời gian ở với chúng, Hạnh Đạt luôn xem mình như em út.

Có một chút gì đó nửa trên trời nửa dưới đất, không tin đọc thử mấy bài thơ khói sương lan man sau đây. Tuyệt nhiên không có bùn sình cày cuốc, đa phần tâm sự là cõi thái hư, vòm trời khe suối. Có lẽ để chữa cháy cho những công tác nặng nề, xeo đất nạy gốc cây, chém tre đẵn gỗ của lính thú thời xưa. Nhiệt tình chạy đi trước, hăm hở như mới ra quân lần đầu và mơ mộng chút đỉnh đi sau, ngắm mấy nụ hoa dại buổi sáng, cho đến lúc đệ huynh kêu lên ơi ới! Hạnh Đạt giật mình cười nhỏ nhẹ xin lỗi. Một thời lấm lem y như nhau, trong chúng ít ai biết thư pháp, vẽ vời thi họa. Nếu có chắc cũng không biết để vào đâu, Hạnh Đạt ém tài của mình làm cô em ngoan ngoãn.

Đến khi máy vi tính ra đời, không nhớ năm nào, nhưng lãnh vực này Hạnh Đạt thỏa sức vẫy vùng. Máy vi tính như một người bạn, có thể đưa vào đấy những ước mơ bay bổng, vẽ vời, đàn hát. Đĩa cứng, đĩa mềm, bộ nhớ, cây bút chút xíu mà giữ được cả vũ trụ, nhét vào đó những tâm sự không nói, rút ra từ đó những tác phẩm cho thiên hạ thất kinh. Phòng của Hạnh Đạt như một thư khố chất chồng kín mít, cô Huệ Tâm nằm bên cạnh im ru, nhường hết không gian, cho hết thời gian. Cô lo mọi thứ “để cho ông Đạt rảnh”, tha hồ thức khuya dậy sớm, ngắm lá cây xanh buông hờ bên cửa sổ, đi tới đi lui như con thoi vì công tác của viện. Bất cứ khi nào tôi cần một cái gì không ai làm được, như thay khung mấy bức tranh, xin giấy phép in ấn, biếu quà cho người quen ở thành phố, làm dùm tập kỷ yếu chùa này chùa nọ… Nghĩ đến Hạnh Đạt là thấy chắc ăn. In sách cho viện, chạy vào chạy ra, đến lúc chở về mừng rỡ, mà một cuốn sách có lỗi là bị rầy. Rầy tự nhiên như mưa mà Hạnh Đạt im lặng như đất. Không dễ gì có một người như vậy.

Cô Thủy có nhận xét về Hạnh Đạt: “Đó là người ít khi nào nổi sân”. Tôi muốn thay cô gởi đến Hạnh Đạt. Theo truyện tích Phật Giáo thì mấy người không sân, ngay cả trong trường hợp quá mức, sau khi chết thường sanh về thiên giới. Bây giờ thì không liên lạc được, không biết đi về đâu? Những thắc mắc này có vẻ trẻ con quá. Cũng không thể nói buồn tiếc hoài, vì té ra là mình chỉ nhớ một người nhờ cậy được vì ích kỷ, vì thương cái bản thân mình thôi.

Lật đi lật lại những trang kinh “Thế gian hằng như mộng” rồi “Thế gian không sanh diệt” … trăn trở hoài chưa biết đặt tâm vào đâu cho thỏa đáng. Ni Sư Ayya Khema có viết về những điều quán tưởng, trong đó có một điều tôi muốn hết sức ngẫm nghĩ “Tất cả những gì tôi coi là quý báu, là niềm vui, là của tôi, sẽ không còn, sẽ đổi thay”. Số điện thoại của Hạnh Đạt chẳng hạn, sẽ không sử dụng nữa vì đâu còn là của Hạnh Đạt. Hôm đầu hạ, nhìn Hạnh Đạt cố gắng đứng vào hàng chúng làm lễ an cư, như không có gì xảy ra, tôi đã mừng trong bụng. Nhưng đến tháng bảy này, lễ Tự tứ không có mặt Hạnh Đạt, vắng một người mà ai cũng tiếc.
 

Tác giả bài viết: Ni sư Như Đức
Nguồn tin: thuongchieu.net
Từ khóa:

vu lan, tiếc thương

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 142
  • Khách viếng thăm: 141
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 11722
  • Tháng hiện tại: 1725306
  • Tổng lượt truy cập: 59378239

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile