Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Nhắc nhở chính mình!

Đăng lúc: Thứ hai - 07/01/2013 18:26 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Chúng ta là người đã vào chùa tu hành rồi thì phải chịu khó nhìn lại thân mình cho thật kỹ lưỡng. Từ giã cha mẹ, cạo đầu đi tu thì ý chí của mình muốn vượt lên đến chỗ nào? Ngày nào cũng phải tự hỏi mình câu này.
Nhắc nhở chính mình!

Nhắc nhở chính mình!

Lúc 11 tuổi, sau khi bà cố mất, quý thầy đến nhà tụng kinh thế là mình biết tụng kinh, niệm Phật và bắt đầu đi chùa. Vì ở chùa có chú tiểu bằng tuổi mình và một số huynh đệ cỡ tuổi nhau, nên thường lúc rảnh là mình qua chùa để vui chơi và học hỏi với mấy chú. Chùa ở quê thường vào lúc 16h là thời Mông Sơn Thí Thực (bố thí thức ăn cho các vị hương linh, cô hồn). Tôi nhớ vào cuối của nghi Mông Sơn có bài "Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc, đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật". Tới đoạn này quý huynh đệ tụng nhanh lên, vì là chữ hán nên chẳng ai hiểu gì. Lớn hơn chút nữa khi mạng Internet phát triển, mình có điều kiện hơn để học hỏi Phật Pháp, mới biết đây là bài cảnh tỉnh vô thường có thể tạm dịch "ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá thiếu nước, có gì là vui, mọi người nên tinh tấn, cứu lửa cháy đầu, thường nhớ vô thường, đừng có buông lung". Khi hiểu rồi, mỗi khi đọc bài này có sự chú tâm hơn, tuy là biết vậy nhưng khổ đau vẫn còn sống nhăn, càng lớn càng lao vào những thứ phù phiếm sa hoa của cuộc đời yêu thương, ghen hờn, rồi giận ghét nó hiện diện đủ hết. Có lúc nỗi đau nó tột cùng, một mình khóc với chính mình mà than rằng:
 
"Mười mấy tuổi đời biết sắc không
Nhưng tâm kia cứ chạy lòng vòng
Ôm vào tâm não bao cơn mộng
Khổ đau theo mãi chẳng thong dong"
 
Bây giờ lại lớn hơn chút nữa, mới biết rằng mình còn đau khổ, khổ đau là do mình chỉ dừng lại ở cái biết vô thường, biết trên mặt chữ nghĩa chứ chưa quán xét nó một cách sâu sắc. Đọc lại hạnh người xưa, mình thấy mình là một người chẳng có ra gì thấy tự hổ, tự thẹn. Ngài Châu Hoằng, khi xưa để chỗ bàn học bố chữ "sanh tử việc lớn". Do luôn nhớ, thế nên ngài tu hành tinh chuyên, làm việc hết mình, sau này làm rạng danh Phật, Tổ. Mình ngày nay, hết ham danh rồi đến ham lợi. Lúc còn ở chùa, đôi lúc mình chọn con đường mình là làm tu sĩ, thế mà chẳng có lo tu, còn muốn sau này ra làm ông này, ông nọ. Lúc xuất gia, Mình phát nguyện là ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi sự trói buộc của phiền não và ra khỏi ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Ấy thế mà, mình vừa ra khỏi nhà để vô chùa tu thì mình lại trở vào ngôi nhà danh lợi. Khi tụng kinh Pháp Hoa, mình thường cười anh chàng cùng tử bỏ kho báu quý giá của người cha, nhưng mình nào có khác anh chàng cùng tử đó, cứ đi đua tranh những thứ mà các bậc tu chân chánh từ bỏ.

Mỗi thời cơm chưa thầy thường nhắc rằng:

“Cháo đến, cơm đi
chớ để tháng ngày che diện mục
Chuông vang, bảng dội
thường đem sanh-tử nhắc tâm tư”    
 
“Cháo đến, cơm đi chớ để tháng ngày che diện mục”. Đó chính là lời nhắc người tu chúng ta đừng để cháo cơm liên tục làm che mất “diện mục” của mình. “Diện mục” là cái gì? Đó chính là “Bản lai diện mục”, là bản tâm giác ngộ chân thật sẵn có của mỗi người. Vì vậy trong lúc dùng cơm, ăn cháo phải cố gắng tỉnh giác quán chiếu cho được “lẽ thật” ở nơi thân tâm của mình.
 
“Chuông vang, bảng dội thường đem sanh-tử nhắc tâm tư”,  mỗi khi chiều xuống ở chùa chúng ta thường có thỉnh chuông, là báo hiệu một ngày đã hết! Một ngày hết thì mạng sống của chúng ta cũng giảm dần “như cá cạn nước có gì là vui”. Phải thường lấy sự sanh tử để nhắc nhở trong tâm mình là phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo không kịp thời gian. Cái chết gần kề, mỗi người phải đem hết tâm tư mà dồn sức tu học.
 
Chúng ta là người đã vào chùa tu hành rồi thì phải chịu khó nhìn lại thân mình cho thật kỹ lưỡng. Từ giã cha mẹ, cạo đầu đi tu thì ý chí của mình muốn vượt lên đến chỗ nào? Ngày nào cũng phải tự hỏi mình câu này. Vào chùa không phải là để tìm miếng cơm, manh áo qua ngày mà là để tìm ra con đường Giác ngộ, để tìm phương pháp tiêu diệt phiền não, khổ đau. Mỗi người phải luôn tỉnh giác trong từng hành động, ý niệm của mình. Thường lấy gương sáng của các bậc Cao tăng, Đại đức ngày xưa để noi theo tu hành. Có làm được như vậy, sự tu hành của chúng ta mới có thể thành tựu được như sở nguyện ban đầu.
Tác giả bài viết: Pháp Lạc
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 66
  • Hôm nay: 7850
  • Tháng hiện tại: 1721434
  • Tổng lượt truy cập: 59374367

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile