Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm 21 - Phẩm Như Lai Thần Lực

Đăng lúc: Thứ năm - 01/12/2011 16:09 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm 21 - Phẩm Như Lai Thần Lực

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm 21 - Phẩm Như Lai Thần Lực

Như Lai Thần Lực là sức thần của Như Lai. Đây có hai ý. Ý thứ nhất là khi Phật thành đạo có đủ thần thông diệu dụng, nên việc làm của Ngài vượt hẳn sức của người thường, vì vậy người đời không thể biết hết được, nên gọi là thần lực của Như Lai. Ý thứ hai, Như Lai là chỉ Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Nếu ai biết quay lại sống với Tri kiến Phật nơi mình, thì sẽ được diệu dụng không thể nghĩ bàn, nên gọi đó là Như Lai Thần Lực.
THÍCH THANH TỪ
Kinh
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Giảng Giải
DL 2000 - PL 2544
PHẨM 21
NHƯ LAI THẦN LỰC
Như Lai Thần Lực là sức thần của Như Lai. Đây có hai ý. Ý thứ nhất là khi Phật thành đạo có đủ thần thông diệu dụng, nên việc làm của Ngài vượt hẳn sức của người thường, vì vậy người đời không thể biết hết được, nên gọi là thần lực của Như Lai. Ý thứ hai, Như Lai là chỉ Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Nếu ai biết quay lại sống với Tri kiến Phật nơi mình, thì sẽ được diệu dụng không thể nghĩ bàn, nên gọi đó là Như Lai Thần Lực.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ-tát đông như số vi trần trong nghìn thế giới từ dưới đất vọt lên đó, đều ở trước đức Phật một lòng chấp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mà bạch cùng Phật rằng:
- Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, ở nơi cõi nước của đức Thế Tôn phân thân diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh này. Vì sao? Chúng con cũng tự muốn được pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép mà cúng dường đó.
GIẢNG:
Đến đây, chư Bồ-tát từ dưới đất vọt lên vô số, đều chấp tay bạch Phật rằng sau khi Phật diệt độ, thì ở các cõi nước của Phật phân thân giáo hóa, lúc đó các ngài sẽ tới giáo hóa bằng kinh Pháp Hoa. Chư Bồ-tát từ dưới đất vọt lên, biểu trưng ý nghĩa Tri kiến Phật hiển hiện, khi vô minh phiền não đã sạch. Tri kiến Phật là Pháp thân trùm khắp không giới hạn. Nên nói sau khi các Phật phân thân diệt độ, các Bồ-tát sẽ đi khắp nơi nói kinh Pháp Hoa để giáo hóa. Như vậy Báo thân hay Hóa thân của chư Phật ở đâu thì Pháp thân trùm khắp ở đó, không thiếu không vắng.
CHÁNH VĂN:
2.- Lúc đó, Thế Tôn ở trước ngài Văn-thù-sư-lợi v.v... vô lượng trăm nghìn muôn ức vị đại Bồ-tát cựu trụ ở nơi cõi Ta-bà và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân v.v..., trước tất cả chúng, hiện sức thần thông lớn bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, thảy đều khắp soi cả cõi nước trong mười phương. Các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu cũng lại như thế: bày tướng lưỡi rộng dài phóng vô lượng tia sáng.
Lúc đức Thích-ca Mâu-ni Phật và các đức Phật dưới cây báu hiện sức thần thông mãn trăm nghìn năm vậy sau mới huờn nhiếp tướng lưỡi, đồng thời tằng hắng cùng chung khảy móng tay, hai tiếng vang đó khắp đến cõi nước của các đức Phật trong mười phương, đất đều sáu điệu vang động, chúng sanh trong đó: trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân v.v... nhờ sức thần của Phật đều thấy trong cõi Ta-bà này vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới những cây báu và thấy đức Thích-ca Mâu-ni Phật cùng đức Đa Bảo Như Lai, ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu. Lại thấy vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vị Bồ-tát và hàng tứ chúng cung kính vây quanh đức Thích-ca Mâu-ni Phật, đã thấy thế rồi đều rất vui mừng được chưa từng có.
Tức thời hàng chư thiên ở giữa hư không lớn tiếng xướng rằng: “Khỏi đây vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số thế giới có nước tên Ta-bà, trong đó có Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni hiện nay vì các đại Bồ-tát nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, các ông phải thâm tâm tùy hỉ, cũng nên lễ bái cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật.”
Các chúng sanh đó nghe tiếng nói giữa hư không rồi, chấp tay xoay về cõi Ta-bà nói thế này: “Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật, Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật.” Dùng các món hoa hương, chuỗi ngọc, phan lọng và các đồ trang nghiêm nơi thân, những vật tốt bằng trân báu, đều đồng vói rải vào cõi Ta-bà.
Các vật rải đó từ mười phương đến thí như mây nhóm, biến thành màn báu trùm khắp trên các đức Phật ở trong đây. Bấy giờ mười phương cõi nước thông đạt không ngại như một cõi Phật.
GIẢNG:
Đoạn này Phật hiện thần thông. Ngài hiện thần thông sao không biến hóa bay đi, hay biến thân nhỏ thành thân lớn... mà lại hiện thần thông bằng cách le lưỡi dài rộng cho đến cõi trời Phạm thiên, rồi trong mỗi lỗ chân lông phóng hào quang sáng đủ màu sắc? Hiện tướng ấy biểu trưng ý nghĩa gì?
Nghĩa thứ nhất theo kinh A-hàm, người mà ba đời không nói dối, thì tướng lưỡi dài, le ra tới mí tóc. Tướng lưỡi Phật dài đến cõi trời Phạm thiên, chứng tỏ Phật vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát cho tới khi thành Phật chưa từng nói dối. Lời Phật nói là lời nói chân thật, trải qua ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai không thay đổi. Ví dụ Phật nói: Các pháp hữu vi đều là vô thường, không cố định.
Nghĩa thứ hai tiêu biểu lời nói của Phật là lời khéo léo mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, do diệu dụng của thiệt căn thanh tịnh mà có.
Trong sáu căn, ba căn có công đức viên mãn là nhĩ căn, thiệt căn và ý căn. Vì vậy mà chư Bồ-tát và tất cả người tu, đều chọn ý căn, nhĩ căn để tu và khi giáo hóa thì dùng thiệt căn để tuyên dương chánh pháp. Mà “chánh pháp” được tuyên dương trong kinh Pháp Hoa là Tri kiến Phật, trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, không bị giới hạn ở một nơi nào. Nên tuyên dương pháp đó, cái lưỡi cũng rộng dài không thể nghĩ bàn, nếu lưỡi nhỏ có giới hạn thì đâu nói được pháp lớn.
Tướng tất cả lỗ chân lông Phật phóng ra vô lượng vô số tia sáng, soi khắp cả mười phương, biểu trưng ý nghĩa gì? Như trước đã nói, người thọ trì kinh Pháp Hoa, là trở về sống với Tri kiến Phật thanh tịnh sáng suốt có sẵn nơi mình. Bởi hằng sống với Tri kiến Phật nơi mình, tức nhiên toàn thân đều thanh tịnh sáng suốt, nên có khả năng phóng ra ánh sáng. Ánh sáng này thanh tịnh, nên chiếu diệu khắp cả mười phương, không có giới hạn ở một khu vực nào, không riêng ở một người nào, và ai ai cũng có. Nếu khéo tu, thì ánh sáng ấy chiếu soi cùng khắp, như chư Phật không thua không kém.
Lại một hiện tượng lạ nữa là, sau khi thâu nhiếp thần thông trở lại bình thường, Phật tằng hắng và khảy móng tay. Hai tiếng ấy vang khắp mười phương quốc độ, chúng sanh trong ấy nương sức thần của Phật, thấy ở cõi Ta-bà Phật đang nói pháp và có Phật Đa Bảo ngồi trên tòa sư tử chứng minh. Hình ảnh ấy biểu trưng ý nghĩa gì? Nếu không tu học theo Thiền tông thì điều này chúng ta khó mà hiểu được. Trong Thiền sử Trung Hoa, mỗi khi có Thiền tăng đến hỏi đạo, thì Tổ Lâm Tế không đáp bằng lời, mà chỉ đánh hoặc hét. Vậy cái đánh hoặc hét có tác dụng gì đối với Thiền tăng? Tiếng hét chỉ là tiếng hét, cái đánh chỉ là cái đánh. Thiền tăng nhân nghe tiếng hét, hoặc bị đánh, tỉnh ngộ, nhận ra Tánh giác nơi mình. Thiền tông gọi là kiến tánh hay ngộ đạo. Ngài Hương Nghiêm nghe tiếng viên gạch chạm vào cây tre, liền ngộ đạo, trường hợp này khác nào tiếng khảy móng tay ở đây! Thông thường ngôn ngữ đều phát xuất từ ý niệm phân biệt đối đãi, phàm ý niệm đối đãi không diễn đạt được chỗ cứu kính cùng tột. Vì vậy, khi muốn chỉ cái cứu kính tột cùng thì các Thiền sư hoặc hét, hoặc đánh, hoặc hư hư... Cũng vậy, ở đây Phật tằng hắng, hay khảy móng tay, cốt để cho chúng sanh thâm nhập cái cứu kính cùng tột đó, chớ không phải gây tiếng động để cho suy nghĩ. Vì cái cứu kính cùng tột không hình tướng, không giới hạn, nên nói trùm khắp mười phương, ở đây động thì tất cả nơi đều động, khiến cho mọi chúng sanh nhận tiếng động đó, mà hướng về để nhận ra cái cứu kính chân thật.
Khi Phật hiện các tướng trên, thì chư thiên báo cho Bồ-tát và chúng Tỳ-kheo biết là hiện tướng của Phật Thích-ca đang nói pháp ở cõi Ta-bà, nên các vị hướng về Ngài tùy hỉ và niệm “Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật”, đồng thời vói tay rải hoa hương, trân bảo cúng dường Phật. Lúc bấy giờ mười phương cõi nước thông đạt không ngại như một cõi Phật. Tới đây chúng ta thấy lý kinh quá rõ ràng, là khi thể nhập được Tri kiến Phật thì mười phương đều thông đồng, không có trong không có ngoài, không trên không dưới. Vì không trong không ngoài, không trên không dưới, trùm khắp tất cả, nơi này thanh tịnh thì nơi khác cũng thanh tịnh, ở đây không chướng ngại thì nơi khác cũng không chướng ngại. Nên nói mười phương tức một, một tức mười phương, thông đồng, không riêng không khác.
CHÁNH VĂN:
3.- Khi đó, Phật bảo đại chúng bậc thượng hạnh Bồ-tát thảy:
- Thần lực của các đức Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì như thế; nếu ta dùng thần lực đó trong vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số kiếp, vì để chúc lụy mà nói công đức của kinh này vẫn chẳng hết được.
Nói tóm đó, tất cả pháp của Như Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả việc rất sâu của Như Lai đều tuyên bày rõ nói trong kinh này, cho nên các ông sau khi Như Lai diệt độ, phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời nói mà tu hành.
Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.
Vì sao? Phải biết chỗ đó, chính là đạo tràng, các đức Phật ở đây mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân, các đức Phật ở đây mà nhập Niết-bàn.
 Lúc đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
4.-
Các Phật, đấng cứu thế
Trụ trong thần thông lớn
Vì vui đẹp chúng sanh
Hiện vô lượng thần lực:
Tướng lưỡi đến Phạm thiên
Thân phóng vô số quang
Vì người cầu Phật đạo
Hiện việc ít có này.
Tiếng tằng hắng của Phật
Cùng tiếng khảy móng tay
Khắp vang mười phương cõi
Đất đều sáu món động.
Sau khi Phật diệt độ
Người trì được kinh này
Các Phật đều vui mừng
Hiện vô lượng thần lực.
Vì chúc lụy kinh này
Khen ngợi người thọ trì
Ở trong vô lượng kiếp
Vẫn còn chẳng hết được
Công đức của người đó
Vô biên vô cùng tận
Như mười phương hư không
Chẳng thể được ngằn mé.
Người trì được kinh này
Thời là đã thấy ta
Cũng thấy Phật Đa Bảo
Và các Phật phân thân.
Lại thấy ta ngày nay
Giáo hóa các Bồ-tát.
Người trì được kinh này
Khiến ta và phân thân
Phật Đa Bảo diệt độ
Tất cả đều vui mừng.
Mười phương Phật hiện tại
Cùng quá khứ vị lai
Cũng thấy cũng cúng dường
Cũng khiến được vui mừng.
Các Phật ngồi đạo tràng
Pháp bí yếu đã được
Người trì đọc kinh này
Chẳng lâu cũng sẽ được.
Người trì được kinh này
Nơi nghĩa của các pháp
Danh tự và lời lẽ
Ưa nói không cùng tận
Như gió trong hư không
Tất cả không chướng ngại.
Sau khi Như Lai diệt
Biết kinh của Phật nói
Nhân duyên và thứ đệ
Theo nghĩa nói như thật.
Như ánh sáng nhựt nguyệt
Hay trừ các tối tăm
Người đó đi trong đời
Hay dứt tối chúng sanh
Dạy vô lượng Bồ-tát
Rốt ráo trụ Nhứt thừa.
Cho nên người có trí
Nghe công đức lợi này
Sau khi ta diệt độ
Nên thọ trì kinh này
Người đó ở Phật đạo
Quyết định không có nghi.

GIẢNG:
Tới đây Phật qui kết, mọi thần lực mà Phật hiện, tuy nói là bất khả tư nghì, song nếu đem vô số thần lực đó mà phó chúc và nói về công đức của kinh Pháp Hoa, vẫn không nói hết được. Vì kinh Pháp Hoa là cái thể bao hàm tất cả thần thông diệu dụng. Cho nên tu đừng có ham luyện thần thông, mà phải biết mình có Tri kiến Phật, quay về sống với Tri kiến Phật, đừng chạy theo ngoại cảnh, thì được thanh tịnh sáng suốt, phát ra vô số diệu dụng. Đừng kiếm tìm thần thông, vì thần thông là tướng hư dối không thật, nếu nhập được Thể thì mọi diệu dụng theo đó mà có, không nhập được Thể mà tập cái Dụng thì đó chỉ là ngọn ngành tạm thời, không phải cứu kính. Thế nên, người tu phải biết cái nào là gốc cái nào là ngọn. Nếu cứ lo luyện thần thông mà bỏ quên cái Thể, đó là tu theo ngọn mất gốc. Người tu Phật chân chánh là thể nhập Bản thể, lấy Bản thể làm chánh, rồi mọi thần thông diệu dụng từ Bản thể mà phát ra. Thế nên cái dụng không thể diễn đạt Bản thể.
Sau nữa, Phật nói kinh Pháp Hoa ở đâu, thì ở đó nên dựng tháp cúng dường. Gần đây chúng ta thấy quí vị in một lần đến năm bảy ngàn bộ, như vậy làm sao dựng đủ tháp để thờ? Đó là chúng ta chỉ biết kinh Pháp Hoa bằng văn tự chớ không phải kinh Pháp Hoa vô tự chỉ cho Tri kiến Phật. Ở đâu mà có người ngộ được Tri kiến Phật thì chỗ đó có Phật hiện, chỗ đó đáng cho chúng sanh dựng tháp cúng dường. Vì vậy nên Phật nói kinh Pháp Hoa ở chỗ nào, thì chỗ đó là đạo tràng, là chỗ chư Phật thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn cũng ở chỗ đó.
Từ khóa:

như lai, thần lực

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 344
  • Khách viếng thăm: 343
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 45218
  • Tháng hiện tại: 895180
  • Tổng lượt truy cập: 60335197

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile