Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Lăng-già Tâm Ấn Phần I - A

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/12/2011 08:41 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Kinh Lăng-già Tâm Ấn Phần I - A

Kinh Lăng-già Tâm Ấn Phần I - A

Tánh của pháp giới vốn không có ngộ mê, các loài hàm thức tự phân chân vọng. Chân vọng vốn nơi một tâm, mê ngộ bày ra muôn pháp. Pháp không có pháp khác mà dường như các pháp hiện tiền. Tâm không có tâm khác mà rõ ràng thành thức tương tục. Nguyên nhân chỗ tột chân mà bất giác, vọng động nên tưởng sanh.
PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM
PHẦN I
(Đây là Tổng luận của nhà sớ giải)
Tánh của pháp giới vốn không có ngộ mê, các loài hàm thức tự phân chân vọng. Chân vọng vốn nơi một tâm, mê ngộ bày ra muôn pháp. Pháp không có pháp khác mà dường như các pháp hiện tiền. Tâm không có tâm khác mà rõ ràng thành thức tương tục. Nguyên nhân chỗ tột chân mà bất giác, vọng động nên tưởng sanh. Đạt vọng vốn chân, biết chân thì tưởng diệt. Thế nên mười hai loài chúng sanh vốn là Phật mà dối thấy có lưu chuyển. Ba mươi hai tướng hiện sẵn trong tướng phàm phu mà trở thành điên đảo. Cho nên, Thế Tôn đại giác của chúng ta mới cởi chiếc áo quí báu, mà mặc chiếc áo nhơ rách. Chỉ nơi chân tế (mé thật) là vô minh, nói như huyễn là hư ngụy. Căn thân và khí giới đều tùy tình lượng mà phân chia. Cõi Phật và ứng thân đều y nơi trí chiếu mà có sai biệt. Như gương sáng tùy vật mà hiện hình đẹp xấu. Cái rỗng sáng vô tướng vốn là lặng lẽ. Ví như mặt trăng tùy người mà có đi lại, chỉ người tự thấy, ánh sáng vằng vặc treo giữa hư không vẫn không khuyết. Đến hình đẹp xấu để bàn về ánh sáng của gương, căn cứ nơi người đi lại để xem thể mặt trăng, thảy đều do con mắt bệnh. Đây là chỗ thánh trí không cho im lặng vậy.
Cái rỗng sáng vô tướng đâu cho nói bàn, chỉ nói chẳng phải đẹp chẳng phải xấu. Ánh sáng vằng vặc treo giữa hư không, không cần chỉ bày, chỉ nói không phải đi không phải đến. Mong chạm mắt để ngộ tâm, chỉ sợ bỏ mặt trăng mà nhìn ngón tay. Nhân xấu mà chỉ ra đẹp, tức nơi đến mà nói đi. Xét tột ánh sáng gương tìm không ra tướng xấu thì tướng đẹp làm sao có đối đãi? Tìm cùng cái thể của mặt trăng không có dấu đến thì đi làm gì có? Đẹp xấu đều là vọng, thể gương vốn không, đến đi thảy dối, chất mặt trăng vẫn sáng.
Vì thế, một trăm lẻ tám câu bặt dứt nói năng, ngay đó để phát minh nghĩa gì? Tám thứ thức xét cùng là sanh diệt, từ vô thủy nó là hư dối không phải nhân. Chân trí vốn không phân biệt bèn trở thành tâm bất giác. Vì cái bản tịch chẳng giữ linh nguyên mà biến thành thức vọng động. Tâm chẳng sanh thức, hằng Niết-bàn mà ở trong lưu chú (thức lưu chú). Thức chẳng lìa tâm, luống sanh tử mà ở trong thường trụ (Niết-bàn). Một phen con mắt bệnh thì ngàn hoa đốm rối loạn trong hư không. Một phen vọng che tâm thì các tình lượng đóng cửa trí. Bệnh hết con mắt vẫn còn, hoa đốm sạch hư không vẫn trong. Vọng sạch thì tâm tròn, tình mất thì trí sáng.
Nếu như trí bị bít trong cửa tình thì toàn trí đều là tình. Tâm mờ mịt trong biển thức tức toàn tâm là thức. Sức huân biến không thể nghĩ bàn, mé thật sanh tử thật khó biết. Nếu các thứ hư vọng mà có nhân để nương thì sự tương tục của căn và thức đâu có thể dừng. Nếu chẳng chuyển lại cái chân thức kia, ắt sanh chấp lầm là sanh nhân. Thức lưu chú bởi mê nên có nhãn thức, sắc trần, ánh sáng chung hợp. Nếu chấp tánh thắng diệu cho là thức, có khác gì kẻ ngu tìm lông rùa, ép cát lấy dầu. Vọng chấp có không nhân quả thành rỗng. Thảy do chẳng rõ được hiện tiền bèn cho là riêng có. Cũng bởi chưa từng thấy chỗ tột cùng mới lầm chấp là minh sơ.
Do tâm không có mé trước, phàm có hiện ra đều bởi mê mà sanh. Thức không có duyên sau, chỉ rõ được tướng ban đầu thì thảy đồng huyễn hóa. Chán sanh ưa lặng, diệt các thứ nhiếp thọ, liền thấy chỗ chung cục của cảnh giới. Bỏ vọng chứng chân, đã thành đối trị, cũng chưa rõ đầu mối sanh diệt. Bởi lẽ ngộ không có sai biệt, mà mê có cạn sâu. Tâm không có đồng khác mà thức có ranh vực. Thế nên biển Tàng thức khó lường, giác tâm thì thường trụ. Sanh tử và Niết-bàn không có người tạo, dựng lập phàm Thánh chỉ là cái bóng rỗng. Chỗ hiện của vọng tưởng, chỗ hành của Thánh trí, căn trần tâm thức đều chẳng lìa nhất chân, mà bờ mé mê ngộ thường xa. Trên tánh Chân như tình tưởng mỗi cái có khác, ấy là lý do thăng trầm trong sáu thú. Trong pháp vô vi trí và hạnh có nhiều đường, nhân đó mà Tứ thánh có cao thấp.
Thức thứ tám chỉ có lỗi mê, nên sóng mòi nổi dậy, song tánh ướt trong biển vẫn thường còn. Bảy chuyển thức vốn không có nhân chân thật, tuy lóng trong yên lặng mà dòng tinh trạm (thức thứ tám) sức nó chưa dừng. Cho nên cái tinh trạm hợp chẳng lìa mé thức, đây càng thấy rõ bởi do xúc mà sanh thọ. Toàn sóng là nước, vì chỉ cho kẻ ngu nên dùng môn bất nhị. Lý chân thật thì lìa ngôn ngữ, chính là chỗ tự ngộ của người tiến tu. Tột cùng bi trí tròn đầy ba tướng (giải thoát, ly, diệt) nơi nguồn giác. Trừ sạch thức hiện lưu vượt khỏi ngũ pháp (danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như) ra ngoài chỗ nghĩ bàn.
Kẻ bỏ tự tông (tâm) này liền rơi vào tà kiến. Chẳng rõ Tự tâm hiện ra, dối nói có sanh nhân (có cái đầu mối sanh ra). Người xét biết muôn pháp về không, lại rơi vào đoạn diệt. Tìm cùng lý do của sừng thỏ, chia chẻ tột chi tiết của sừng trâu, mới biết đối đãi nhau, cuối cùng thuộc vô nhân (không có nguyên nhân). Nương nơi không nên có sắc, nương nơi sắc nên có không, phân biệt rõ ràng.
Bỏ sắc để thấy không, bỏ không để tìm sắc thì lấy bỏ đành rành. Đâu biết đồng thời liền hiện, cảnh trong mộng đâu có trước sau. Hai tướng không khác, sau khi giác ngộ ai còn thấy kia đây?
Ngộ thì hoàn toàn ngộ, biết rõ vọng thì đâu cần phá trừ. Mê mà không biết mê, nhân căn cơ bèn có đốn tiệm. Lìa ấm, giới, nhập được diệt môn giải thoát. Bày thí, giới, nhẫn hiển đạo ba-la-mật. Phá cái phàm tình chấp ấm này, dẹp cái dị thuyết chấp vô nhân kia. Chỉ rõ duyên khởi không tánh, do vọng mà có tưởng sanh. Nêu rành vọng tưởng từ nơi mê, nên tình lượng không có thật thể. Dẫn trở về tự giác, chóng vào lý quên lời. Bỏ cái tâm phan duyên theo năng và sở, rõ cái tướng tột cùng sai biệt. Nói có chia Báo thân, Hóa thân, mà thừa thì không hai không ba. Thanh văn biết như thật nên chỉ khác với hàng ngoại đạo. Bồ-tát chẳng quên bản nguyện, vẫn còn ngại ưa vắng lặng. Về đệ nhất nghĩa đế còn chẳng phải cảnh giới của Nhị thừa, huống là “tánh thường” chẳng thể nghĩ bàn thì đâu đồng với tướng nhân của ngoại đạo. Tự giác cái chân nhân thì thật có Tự tánh, vô thường tướng khác chỉ rơi vào chỗ nghĩ bàn. Tánh bản trụ không thuộc về thấy nghe, do dính với cảnh sở tri bèn đem cái giác biến thành cảnh. Thánh trí vượt ngoài phân biệt, chỉ chớ mê niệm hiện tại, mới thấy rõ lý tâm không thể nói năng.
Bởi không giác ngộ Tự tâm, nên tùy sự tu tập mà sanh ra các thừa, mỗi thừa tự thành chủng tánh. Chẳng phải không có Phật tánh, Phật thừa thần lực nhiếp hóa chúng xiển-đề, ắt cũng có nhân duyên. Cho nên biết mê ngộ đồng duyên mà tâm biết mỗi người có khác. Thánh và phàm đồng một chân thật, bởi giác và tưởng mà có phân chia. Như đồng ấm, giới, nhập mà một bên thấy là ta là người, một bên thấy là vô ngã, nghĩa thật do đó mà cách xa. Như tâm, ý, thức có pháp cho là tức ngã, có pháp cho là ly ngã, mà thể giác chưa từng biến đổi. Bởi phá chấp trở về chân thật, nên lập tánh có ba (biến kế, y tha, viên thành). Nhân nơi ngã chỉ bày là không, nên thành có hai trí (nhân không, pháp không). Thấu rõ Thật tướng các pháp thì nơi danh, tướng tức là như như. Khéo biết Tự tánh chân không thì vọng tưởng biến thành chánh trí.
Bồ-tát như Tự tánh vọng tưởng, y duyên khởi mà đối hiện Sắc thân. Vào chỗ chư pháp như huyễn mà không rơi vào có và không, khắp dạo các cõi nước. Rộng độ chúng sanh mà không có chúng sanh được diệt độ. Hiện bày huyền nghĩa đâu rơi vào nói năng. Vì đối trị tâm phân biệt nên nói không có cảnh giới. Dẹp trừ cái tưởng vô ngã, vì nói môn Như Lai tàng. Chớ kẹt vào cái khéo phương tiện, chỉ nên chứng pháp ở trong. Cái lý “không không” sâu xa chẳng phải do ngôn ngữ có thể bày hiện. Người tăng tiến bậc thượng thượng sẽ được chỗ sở hành của tự giác. Lìa tứ cú (có, không, cũng có cũng không, chẳng phải có chẳng phải không), vượt ngoài tam chi (tông, nhân, dụ), hiện trong bóng sáng trăng nước, ra ngoài kiến lập và phỉ báng.
Thiền-na bày bốn (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền), về Thánh lạc chỉ có ba. Không, vô tướng, vô nguyện đối với thật đế rất là phù hợp. Thọ, tịch tịnh, giác tri trong thân chỉ nên thầm hợp. Làm tiêu băng tâm ý thức sanh tử, trở về nước Như Lai tàng Niết-bàn. Tự tánh không việc, chẳng phải đoạn chẳng phải thường. Hoa giác như huyễn chẳng hoại cũng chẳng tử. Cho nên ngoài Tự tánh vọng thấy có Niết-bàn, đều thuộc về nhân duyên thì chỉ có nói năng. Pháp như huyễn hằng ở trong sanh tử đồng với hoặc loạn, mà ngay đó là vô sanh. Vì không tánh nên nói vô sanh. Vì vô sanh nên nói như huyễn. Pháp như huyễn chẳng rời cảnh giới Văn-thù và Phổ Hiền, nên không thể nói năng. Lý vô sanh tánh nó là ly, nên không phải chỗ biết của ngoại đạo và Tiểu thừa, nên dứt nghĩ bàn.
Tứ quả chẳng ngoài tâm lượng, nhị giác đều do chọn lựa Niết-bàn. Lìa thức lại-da không có tánh chứa đựng. Lìa cái bất giác thì không có lại-da. Bảy chuyển thức vốn là vô sanh, luống phân biệt nên tăng thêm bất giác. Bởi bất giác nên duyên khởi vọng có tướng sanh, giác được cái vọng do mê thì tánh Viên thành tự hiện.
Mười phương ba đời đồng là Nhất thừa, thế và xuất thế gian vốn không có hai cái ngã. Thấu được cái chân truyền, vọng tưởng không tánh, suốt yếu chỉ tự giác, không do nơi người. Mới biết tâm chẳng sanh duyên, duyên chẳng sanh tâm. Tâm và duyên cả hai đều bặt thì tịch chiếu khắp hà sa. Sự và lý dung thông nhau, không và hữu, bóng hiện trong hải ấn. Một địa (địa vị Bồ-tát từ Sơ địa đến Thập địa) là tất cả địa, tất cả địa là một địa. Rõ thấu pháp vốn vô sanh thì dung hội được hình bóng trong gương và nước. Thuận tánh khởi dụng thì xếp đặt các chủng loại ở chốn không minh. Đoạn ngoại sắc của La-hán, hại hữu tâm của giác thân. Phật không có tự và tha, pháp đồng xưa và nay. Cứu kính trọn không có một chữ, tùy loài bèn có ba thân.
Nếu chấp có, trở lại kẹt nơi vô nhân. Nếu nhận không bèn thành hoại pháp. Pháp giới vốn tự vô sanh, do vọng nên theo duyên khởi. Tánh tướng vắng lặng, đâu cho có tâm chấp hữu. Nhân quả rõ ràng, khó khỏi cái nghiệp vô tác. Có không đều chẳng chấp mới vào được tự tông (Tâm tông). Phương tiện tùy cơ không thể chẳng nói. Nhân nơi tông (tâm) khởi lời nói, do lời nói đạt được tông (tâm). Các thứ chẳng thật tức là cái đệ nhất như thật Tự tánh vốn không. Chỗ vọng tưởng phát sanh, tức là vọng tưởng chẳng sanh, tùy duyên đâu có khác. Một sanh một chẳng sanh, do vọng thấy mà thành tà kiến. Tứ tướng (ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả) và tứ bình đẳng (từ, bi, hỉ, xả) trong chân giác không có hai. Do nơi ngữ mà thể nhập nghĩa, nên kinh điển hiển bày nguồn tâm. Biện được thức rõ được trí, ở bậc Như Lai chỉ duyên mà tự được. Tất cả các pháp, tâm làm Tự tánh, an trụ trong tâm thì không có tướng chuyển biến. Tất cả cái tương tục, giác là liễu nhân, trở về Bản giác mới là biết như thật.
Vì ngăn vọng chấp nên nói pháp không. Vì lìa khủng bố nên nói tánh hữu. Như thế đều chẳng phải lời nói chỉ đến chỗ tột cùng. Chẳng qua, tùy phương tiện để chỉ bày vậy. Không lập tông thì tự tướng các pháp mới sáng tỏ. Chẳng phải vô trí, vì vọng tưởng và vô tri mà tự khác. Giáo liễu nghĩa diệu chỉ ở trước lời nói. Người tu hành đạt được tông thú, giác ngộ vượt ngoài chánh lý. Y lời nói mà nhận nghĩa là bị danh ngôn dối gạt. Đạt lối tẽ của pháp mới dẹp trừ được thế luận. Chỉ biết lìa văn cú mà chẳng phải lặng thinh. Lại biết tột các duyên tâm mà chẳng thành đoạn diệt. Thế thì cái chân vọng đối đãi liền được dung thông. Đây là lối đối trị năng và sở đều dứt. Pháp giải thoát như thật duy tự chứng biết. Niết-bàn vô trụ là pháp bình đẳng, chẳng phải nhân chẳng phải quả. Tri giác của Như Lai có tự mà không tha, tức nơi Sắc thân là Pháp thân, chư Phật khéo ứng hiện đâu phải không, vô nghĩa.
Vô tánh là phi vô, dị danh là phi hữu. Phi vô là pháp không sanh, chẳng theo duyên diệt. Phi hữu là pháp chẳng diệt, đâu đợi duyên sanh. Chẳng theo duyên diệt, mà vì chúng sanh nói là chẳng sanh. Không đợi duyên sanh, mà vì chúng sanh nói là chẳng diệt. Tạm mượn phương tiện lập bày để xây dựng chương cú Đại thừa. Vì thế giỏi nghĩa mới gọi là đa văn. Dụ xem ngón tay là quở trách kẻ ngu. Tướng vô kiến là tánh thật của vọng tưởng. Lìa vòng xúc xích của mười hai nhân duyên tức là phân biệt tuệ không. Hai thứ ác kiến (thường, đoạn) nhân mê các pháp mới sanh. Ba cõi nảy sanh do tâm, chỉ y trong tự giác mà trụ. Phi thường và vô thường quyết định không có tánh. Có nhiếp thọ và không nhiếp thọ, sự sai biệt đều do người. Giác ngộ pháp có tướng khác, vẫn thuộc về Thiền định của Nhị thừa. Bồ-tát nhớ nghĩ đến bản nguyện, còn đợi đến Bát địa giác ngộ mới giữ gìn. Mộng qua sông đã tỉnh, thì ánh sáng của ngọn lửa mạnh mới khắp.
Các bậc trụ không có, cứu kính khác gì sơ tâm. Phật địa trang nghiêm được nhanh, thủy giác tức là tối thắng. Nếu chấp tự giác thánh trí thường không sanh thì có lỗi, vì nó khác với hư không kia. Bởi dùng phương tiện tu hành chứng được, nên chẳng đồng với nhân tác của ngoại đạo. Tự tánh không nhơ, bất giác mà thành cái nhân các thú. Bảy chuyển thức nhiếp trì, tuy vô ngã mà vẫn còn cái lỗi của tập khí thừa. Như Lai tàng tánh vốn không sanh diệt, do khách trần mà in tuồng có trọc có thanh. Từ tục vào chân phải nương nơi năm pháp. Do trí đến tịnh chỉ rõ được nhất tâm. Chư Phật ba đời vượt hẳn mọi sự tôn trọng của thế gian, vì dựng lập Tự tâm thông suốt, không phải như hoa ưu-đàm-bát. Tập khí vô lậu không phải là nghĩa sát-na, nếu an trụ chánh pháp thì xem nó như thành Càn-thát-bà. Lục độ cũng chia có quyền thật. Ba Phật (pháp, báo, hóa) lẫn nhau phát minh. Thúc đẩy Nhị thừa đến chỗ cứu kính, khuyên chúng sanh trong ba cõi tu hành trong sạch, thảy thuộc về quyền lập, đều là Phật hóa thân nói. Nếu bàn về bản trụ (Pháp thân) trọn không có ngữ ngôn, chỉ nói phi thừa khiến người tự khế ngộ. Bản giác thanh tịnh chẳng nhờ công huân tập. Tự tánh đã trang nghiêm đâu cho ô nhiễm. Nên nói “căn bản trí sáng, sai biệt tuệ đầy, trước sau gốc ngọn hội tột chỗ vô ngôn” ấy vậy.
Tóm lại, đại đạo không dấu vết, chỉ ở trước mắt. Chỗ chí lý bặt nghĩ lường, chẳng bàn kiếp ngoại. Do đó, đức Thế Tôn đóng cửa thất nơi nước Ma-kiệt (Magadha), ngài Duy-ma-cật lặng thinh trong thành Tỳ-da (Vaisàli). Chẳng nói mà nói, phơi bày sum la vạn tượng; chẳng nghe mà nghe, gom ngàn căn cơ về nơi vắng lặng. Vừa dính tình lượng đã rơi vào hiện giờ. Chỉ cần trở về, đâu cần phô bày hình tướng. Thế nên, đêm ấy thành Phật, đêm ấy Niết-bàn, khoảng giữa chẳng nói một chữ. Bản tế sanh tử, bản tế Niết-bàn, tùy thuận đâu có hai dòng. Diệu tại chẳng biết, lỗi cũng tại chẳng biết. Mê phi cú này, tức ngộ cũng phi cú này. Toàn thân trong mộng, khi thức cũng chẳng rời khỏi gối mền. Trong cái tưởng sai biệt, xoay lại không ngoài việc xem gương. Như nước ngậm trăng, trong ngoài đều loãng. Như gương soi không, rỗng sáng xen nhau. Từ cổ đến kim, từ sáng đến tối đâu do có người mà thêm đẹp đẽ. Nào bởi không kiếp mà giảm bớt hư minh. Người mất đó cũng đồng tâm biết này. Người được đó chẳng đổi nghe thấy. Cần phải biết có, đâu dùng lại không. Ngọc ma-ni đâu phân làm năm sắc. Toàn thân con voi đâu giấu với nhóm người mù. Giữ chân bỏ vọng, khó tránh khỏi sự chê “nối dòng chim le dứt dòng chim cò”. Mở cái tối bít cái sáng, không khỏi người cười “dời núi lấp rãnh”.
Bởi vì tám thức vốn rỗng, năm pháp đều giả. Hai cái ngã (nhân và pháp) dối tự gìn giữ. Ba tánh lầm nương nhau mà lập. Ngàn sai muôn khác chẳng qua một cái mê. Tột trước cùng sau cứu kính trở về niệm hiện tiền. Tin pháp môn thẳng tắt không do đâu, hội được pháp tổng trì mới chung cục. Cái bất giác trước, cái bất giác sau, như sữa trong nước thật là khó phân. Thánh rửa tình phàm, phàm che kiến thánh, mảnh than trong tối dễ nhận. Đâu biết tình mất trí hiệp, tưởng hết thể tròn. Cho nên nói: “Đại đạo chỉ tại trước mắt, chỗ chí lý đâu bàn kiếp ngoại.”

A1- PHẦN TỰ.

Có hai:

B1- DUYÊN KHỞI CỦA KINH.

Tôi nghe như vầy, một hôm Phật ở trên đảnh núi Lăng-già tại bờ biển Nam, dùng các thứ hoa báu trang nghiêm, cùng với các vị đại Tỳ-kheo tăng và chúng đại Bồ-tát câu hội. Chúng đại Bồ-tát ấy ở các cõi Phật khác đến. Các ngài có sức tự tại vô lượng chánh định và thần thông du hí, đại Bồ-tát Đại Huệ làm Thượng thủ. Các ngài đã được tất cả chư Phật làm phép quán đảnh, và khéo hiểu nghĩa cảnh giới Tự tâm hiện, các loại chúng sanh, các thứ tâm sắc, vô lượng độ môn, tùy loại khắp hiện. Đối với năm pháp, ba tự tánh, tám thức và hai thứ vô ngã, các ngài đã thông đạt cứu kính.
Trên hội Niết-bàn, ngài A-nan hỏi Phật: Khi kết tập các kinh, lấy câu nào để đầu? Phật dạy: Phải dùng câu “tôi nghe như vầy, một hôm Phật ở…” làm thông lệ cho các kinh. Kinh này Phật chỉ thẳng cho chúng sanh căn thân khí giới hiện tiền đều duy tâm hiện, như mộng như huyễn chẳng phải có chẳng phải không. Một niệm bất giác muôn pháp này đồng hiện. Chính nơi đó mà phát minh thì chỉ một tâm không có gì khác. Đây là cảnh giới bất tư nghì của chư Phật, Bồ-tát, không phải chỗ biết của hàng Nhị thừa và ngoại đạo. Cho nên những vị đương cơ cùng chư đại Bồ-tát đồng đến trong hội, đều được chánh định tự tại và thần thông du hí, khéo hiểu tất cả cảnh giới tự tâm hiện. Các ngài tùy các thứ tâm sắc của chúng sanh lập bày phương tiện để độ thoát, và thông đạt cứu kính năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã. Các ngài đủ khả năng thọ nhận đệ nhất liễu nghĩa của Như Lai, không rơi vào lưới nghi, không bị tất cả ngoại đạo, Nhị thừa làm hoặc loạn. Những vị đại Tỳ-kheo chung hợp trong hội này đều là hàng Nhất thừa hóa hiện, không đồng với hàng định tánh Thanh văn, chẳng kham phát tâm Đại thừa. Cho nên phần duyên khởi này cùng với yếu chỉ Duy tâm của bản kinh phù hợp nhau hiển bày.

B2- ĐƯƠNG CƠ KỆ TÁN.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ cùng Bồ-tát Ma-đế hợp nhau dạo tất cả cõi nước chư Phật, nương thần lực của Phật từ tòa đứng dậy, bày vai áo mặt, quì gối mặt xuống đất, chắp tay cung kính dùng kệ tán thán Phật:
Cõi nước chư Phật tức là cõi nước chúng sanh. Những vị Bồ-tát này hay chính chỗ nhật dụng của chúng sanh mà thông đạt cảnh giới Phật. Bảo rằng “thấy tất cả sắc đều là sắc Phật, nghe tất cả tiếng đều là tiếng Phật, dạo tất cả cõi nước đều là cõi nước chư Phật”. Do đó các ngài trên nương thần lực chư Phật, dưới vì trong hội chúng phát lời tán thán. Những lời tán thán Phật đều hàm súc ý nghĩa kinh, không có chỉ thú riêng.
Thế gian lìa sanh diệt
Ví như hoa hư không,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
“Thế gian như không hoa, tất cả pháp như huyễn, thế gian hằng như mộng”, những câu này là tức nơi nhật dụng của chúng sanh liền thấy cảnh giới bất tư nghì của Như Lai, chẳng phải do dụng công quán chiếu của trí khiến nó thành có hay thành không. Như Lai thương xót các chúng sanh này không thể tự giác, luống theo tâm thức vọng chấp đoạn, thường. Ngài khởi đại bi lập bày phương tiện để độ thoát. Bồ-tát thâm hiểu được ý này, cho nên trong lời tán Phật riêng bày chỉ thú toàn kinh. Đây là “khéo hiểu nghĩa cảnh giới tùy tâm hiện” ấy vậy.
Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não và sở tri (nhĩ diệm)
Thường thanh tịnh không tướng
Mà khởi tâm đại bi.
Phàm phu chấp trong thân ngũ ấm là ngã nên phiền não y đó mà khởi. Nhị thừa quán ngũ ấm vô ngã mà cái sở tri chưa quên. Cả hai đều thuộc về mê, không phải có cạn sâu vậy. Ở đây nói “nhân pháp vô ngã, phiền não sở tri thường tự thanh tịnh” đều là lời tán Phật. Song cũng chỉ rõ phàm phu Nhị thừa ngay đó toàn không, bởi do bất giác vọng thấy lưu chuyển. Như Lai biết rõ nên khởi đại bi độ thoát. Tuy không có chúng sanh được diệt độ, mà mười câu vô tận bản nguyện sâu rộng vậy. Xét theo Tam tế:
1- Y bất giác tâm động gọi là Nghiệp tướng.
2- Y tâm động khởi năng kiến gọi là Chuyển tướng.
3- Y năng kiến mà cảnh giới vọng hiện gọi là Hiện tướng.
Ba thứ này, thuộc về thức thứ tám, là cái tập khí hư ngụy từ vô thủy. Sau y Hiện tướng đối cảnh phân biệt thành Lục thô:
1- Trí tướng tức pháp chấp câu sanh.
2- Y trí khởi niệm chẳng dứt gọi Tương tục tướng là pháp chấp phân biệt. Hai cái pháp ngã (chấp) này, tuy thuộc thức thứ bảy, song cội gốc nó thật khó thấy. Vì nó y bất giác mà khởi nên rất vi tế. Đến hàng Thập nhất địa (Đẳng giác) vẫn có hai phần sở tri ngu, cho nên không phải chỗ Nhị thừa thấy được. Chữ sở tri tức là nhĩ diệm vậy.
3- Y niệm khởi chấp gọi Chấp thủ tướng, là nhân chấp câu sanh.
4- Y chấp khởi kế (tính toán) gọi Kế danh tự tướng, là nhân chấp phân biệt. Hai cái nhân ngã (chấp) này, khởi ra tất cả cội gốc phiền não, cũng thuộc về thức thứ bảy. Song vì y cảnh phân biệt làm chỗ chấp giữ, nên hàng Nhị thừa quán nhân vô ngã cũng hay đoạn được mà pháp ngã của thức thứ bảy chẳng đoạn. Ngài Huyền Trang cho phân biệt thuộc thức thứ sáu, câu sanh thuộc thức thứ bảy. Song ở đây xét về nguyên do sanh khởi nên nói chung là thức thứ bảy.
5- Y hoặc tạo nghiệp gọi Khởi nghiệp tướng.
6- Y nghiệp chiêu báo gọi Khổ hệ tướng.
Hai phần này thuộc về trời người. Nhưng tóm kết Tam tế và Lục thô thảy đều do bất giác. Nếu giác thì hoàn toàn không, nên nói “thường thanh tịnh không tướng”.
Tất cả không niết-bàn
Không Niết-bàn của Phật
Không có Phật niết-bàn
Xa lìa giác, sở giác 
Hoặc có hoặc không có
Cả hai thảy đều lìa.

Bốn bài kệ trước nói chỗ nhật dụng của chúng sanh thảy là cảnh giới của Như Lai. Bài kệ này nói Như Lai niết-bàn chẳng khác với chúng sanh sanh tử, nên nói “tất cả không niết-bàn”. Nếu có niết-bàn thì đâu không sanh tử; đã có sanh tử tức có chúng sanh sanh tử và có chúng sanh vào sanh tử. Có chúng sanh sanh tử tức là có Phật niết-bàn. Có chúng sanh vào sanh tử tức có Phật vào Niết-bàn. Thế là cái năng giác và sở giác rõ ràng thành đối đãi. Đâu biết rằng tất cả chúng sanh đã vào Niết-bàn, chẳng cần lại Niết-bàn. Như Lai thấy rõ nên hay tùy thuận bản tế, sanh tử niết-bàn đều như mộng huyễn. Đã tuyệt tâm năng, sở thì không rơi vào cái thấy có, không. Bậc Vô thượng chánh chân không thể đem trọn sự suy xét so lường đến được.
Quán Mâu-ni tịch tĩnh
Thế là xa lìa sanh
Ấy gọi là chẳng thủ
Đời này đời sau tịnh.

Pháp thân không tánh không sanh, chẳng phải tâm chẳng phải thức, đây là Mâu-ni tịch tĩnh, chóng lìa tất cả kiến, tướng sanh diệt. Nếu khởi cái quán này, trong một sát-na các chấp đều đoạn. Liền đó mắt mình mở rộng thẳng đến vị lai tự nhiên tịnh niệm tương tục. Đó là chỗ Lục Tổ nói “niệm trước chẳng sanh, niệm sau chẳng diệt” vậy. Nhân lời tán Phật này để chỉ cho người phải để mắt nơi đây.

A2- PHẦN CHÁNH TÔNG.

Phân làm hai:

B1-   CHỈ THẲNG PHÁP MÔN ĐỆ NHẤT NGHĨA RỘNG LỚN VI DIỆU LÌA NÓI BẶT CHỨNG.

Có hai:

C1- HỎI MỘT TRĂM LẺ TÁM CÂU.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ nói kệ tán Phật rồi, tự trình danh tánh, con tên là Đại Huệ thông đạt được Đại thừa, nay đem một trăm lẻ tám câu thưa hỏi bậc Tôn tối thượng (Phật).
Bồ-tát tự nói thông đạt Đại thừa, vì muốn người đương thời và kẻ hậu thế biết nghĩa hỏi ở đây đều là chỗ thiết yếu của Nhất thừa, chẳng phải nghĩa sai biệt của các thừa.
Bậc Thế gian giải (Phật) nghe kệ kia rồi, quán sát tất cả chúng, bảo các Phật tử rằng: “Phật tử các ông! Nay cho mặc tình hỏi, ta sẽ vì các ông nói cảnh giới tự giác.”
Cảnh giới tự giác là chỗ chứng của chư Phật trong mười phương và ba đời. Trong bốn quyển lặp đi lặp lại xét rõ trọn không ngoài ý này, nên trước vì nêu bày ra.
Khi ấy, đại Bồ-tát Đại Huệ nhân lời Phật đã nói, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính dùng kệ hỏi rằng:
Thế nào tịnh niệm kia?
Thế nào niệm tăng trưởng?
Thế nào thấy si hoặc,
Thế nào hoặc tăng trưởng?
Thế nào hóa tướng cõi
Và các chúng ngoại đạo?
Cớ sao không thọ thứ,
Vì sao gọi vô thọ?
Niệm là vọng giác. Si hoặc là bất giác. Chân như không tánh bất giác vọng động, kiến hoặc vừa sanh liền có vọng giác. Muốn sạch vọng giác thì phải tìm tột chỗ khởi vọng giác. Muốn ngộ bất giác thì cần xét cùng chỗ sanh bất giác. Chừng ấy mới biết Chân như không tánh là mật chỉ của chư Phật, nên phải hỏi trước. Cõi tức là cõi nước. Hóa tướng là tất cả tướng biến hóa trong lục đạo. Trước nói ngoại đạo, sau đề ra Vô thọ, đó là muốn biện sự sai biệt của tà chánh. Vô thọ là Mâu-ni tịch tĩnh, chẳng thọ một pháp, lìa các tướng trạng. Thứ là thứ lớp các địa. Kinh Kim Cang nói “do pháp vô vi mà có sai biệt”.
Cớ sao gọi Phật tử?
Giải thoát đến chỗ nào,
Ai phược ai giải thoát?
Những gì cảnh giới thiền?
Tại sao có ba thừa?
Cúi mong vì giải nói.
Duyên khởi chỗ nào sanh?
Thế nào tác, sở tác?
Thế nào đồng dị thuyết?
Thế nào là tăng trưởng?
Thế nào vô sắc định
Và cùng diệt chánh thọ
Thế nào là tưởng diệt?
Vì sao từ định giác,
Thế nào tạo tác sanh,
Tiến đi và giữ thân?
Thế nào hiện phân biệt?
Thế nào sanh các địa?
Câu “giải thoát đến chỗ nào” là muốn hiển bày Mâu-ni tịch tĩnh, không có phược và thoát; nên nói tiếp “ai phược ai giải”. Nói không có giải có phược là, bởi mê ngộ vọng thấy mà thôi. Cảnh giới thiền là chỉ các Thiền định của phàm Thánh. Duyên khởi là pháp do nhân duyên sanh ra. Tác, sở tác là nghiệp quả năng tác và sở tác. Đồng dị thuyết là chỉ ngoại đạo tà thuyết. Tăng trưởng là nhân gì tăng trưởng nhân quả trong tam giới? Vô sắc định là Tứ không. Diệt chánh thọ là Diệt tận định. Tưởng diệt là Vô tưởng định. Từ định giác là hỏi Như Lai vì sao từ định mà giác (ra) khởi các tác dụng, thị hiện thân có đi có đứng. Hiện phân biệt là, hiện nói các thứ pháp sai biệt. Sanh các địa là, kiến lập hành tướng các địa.
Ai người phá ba cõi
Ở đâu, thân thế nào,
Vãng sanh đến chỗ nào?
Thế nào Tối thắng tử?
Nhân gì được thần thông
Và tự tại tam-muội?
Thế nào tâm tam-muội?
Tối thắng vì con nói.
Phá ba cõi là, chỉ chung cho hàng Tam thừa ra khỏi tam giới. Đã ra khỏi tam giới, trụ ở chỗ nào, thọ những thân gì, vãng sanh đến chỗ nào. Nói Thánh nhân Tam thừa đồng ra khỏi tam giới, song thân và cõi chẳng đồng, ứng và hóa mỗi vị có khác. Tối thắng tử là chỉ chư Bồ-tát. Thần thông là sáu pháp thần thông. Tam-muội dịch là chánh thọ (chánh định). Tâm tam-muội là tâm trụ trong chánh định, cùng với pháp chánh định đồng hay khác.
Thế nào gọi là tàng
Thế nào ý và thức?
Thế nào sanh cùng diệt
Thế nào thấy rồi hoàn?
Thế nào là chủng tánh
Phi chủng và tâm lượng?
Thế nào kiến lập tướng
Và cùng nghĩa phi ngã,
Thế nào không chúng sanh
Thế nào thế tục thuyết?
Tàng là tàng thức. Ý là thức thứ bảy. Thức là thức thứ sáu và năm thức trước. Sanh diệt là các căn thức hiện ra sanh diệt. Thấy là thấy được cái sanh diệt. Hoàn là trở lại cái không thấy. Đồng một tâm này mà có riêng biệt là tàng, ý và thức. Rồi có khác là thấy sanh diệt và thấy chẳng sanh diệt. Cái mê ngộ hư vọng này thảy đều không thể có. Chủng tánh là Tam thừa chủng tánh. Phi chủng là không có chủng tánh, chỉ cho ngoại đạo và chúng xiển-đề. Tâm lượng là đồng một tâm mà mỗi cái có chừng lượng vậy. Kiến lập tướng là tướng ngã. Nghĩa phi ngã là tướng vô ngã. Chúng sanh là nói khác của tướng ngã. Tức là đối với ngã và pháp vốn không có chúng sanh, mà đối với thế tục nói có đó là sao?
Thế nào là đoạn kiến
Và thường kiến chẳng sanh?
Tại sao Phật, ngoại đạo
Tướng đó chẳng trái nhau?
Thế nào đời sau này
Có các thứ bộ khác?
Thế nào không, tại sao?
Thế nào hoại sát-na?
Đoạn và thường đều là tà kiến của ngoại đạo. Kiến chẳng sanh là chẳng sanh hai kiến chấp này, tức là chánh pháp Như Lai. Phật cùng ngoại đạo tướng chẳng trái nhau là, gồm vào một tâm bình đẳng mà nói vậy. Bộ khác là, sau khi Phật diệt độ đệ tử kiết tập kinh bộ mỗi phần có khác. Nói một tâm bình đẳng, Phật cùng ngoại đạo không khác, mà đệ tử trong pháp của Phật trở lại thấy có khác, là sao? Không là các pháp tánh không. Hiện thấy các pháp mà nói không đó là sao? Sát-na là niệm rất vi tế. Niệm niệm chẳng dừng, sát-na chẳng trụ, không phải chỗ biết của người vô trí.
Thế nào thai tàng sanh?
Thế nào thế bất động?
Nhân gì như huyễn mộng
Và thành càn-thát-bà
Thế gian thấy sóng nắng
Cùng bóng trăng đáy nước?
Bởi đâu nói giác chi
Và cùng bồ-đề phần?
Thế nào quốc độ loạn?
Thế nào khởi thấy có?
Thai tàng sanh là thân phần đoạn sanh tử của chúng sanh. Thế bất động là cõi nước hằng dời đổi mà Chân tánh vẫn thường trụ. Huyễn, mộng, thành càn-thát-bà, sóng nắng, trăng đáy nước, thảy đều dụ cho chúng sanh cùng thế giới không thật. Nhân gì như, ấy là chúng sanh sanh tử thế giới đổi dời, rõ ràng hiện tiền, mà nói như mộng huyễn… ai sẽ giác biết? Giác chi, bồ-đề đều chỉ cho chánh trí, tức là giác ngộ thế gian mộng huyễn. Quốc độ loạn là quốc độ dời đổi. Khởi thấy có là, quốc độ dời đổi mà chúng sanh vô trí vọng thấy thật có. Sao mà giác mê xa nhau lắm vậy?
Thế nào chẳng sanh diệt
Thế như hoa trong không?
Thế nào giác thế gian?
Thế nào nói lìa tự (văn tự)?
Lìa vọng tưởng là ai?
Thế nào ví hư không?
Có mấy thứ như thật?
Mấy tâm ba-la-mật?
Nhân đâu qua các địa?
Ai đến không chỗ thọ?
Chẳng sanh diệt, hoa trong không, đều chỉ thế gian mà nói. Thế gian vốn chẳng sanh diệt mà dối thấy sanh diệt. Vốn như hoa trong không mà dối thấy thật có. Thế là phải đợi đến khi giác ngộ mới thấy. Giác thế gian là giác thế gian này chẳng sanh diệt như hoa trong không. Đã giác thế gian liền rõ như huyễn, chẳng rơi vào có không, không phải nói năng có thể đến, nên nói lìa văn tự. Nói năng đã lìa thì phân biệt liền dứt. Tất cả pháp ví như hư không, thấy cội gốc Thật tướng được đến bờ kia. Trải khắp các địa đến nơi vô thọ. Đây có thể thứ lớp chứng biết, mà vì muốn Thế Tôn hiển bày rành rẽ. Có mấy thứ như thật là, chứng được Chân như hàng Tam thừa có mấy hạng sai biệt. Mấy tâm ba-la-mật là, được qua sanh tử cũng phân có Tam thừa.
Những gì hai vô ngã?
Thế nào tịnh sở tri?
Các trí có mấy thứ?
Mấy thứ giới chúng sanh?

Ai sanh các tánh báu,
Chân châu ma-ni thảy?
Ai sanh các ngữ ngôn?
Chúng sanh các thứ tánh?
Trong hai thứ vô ngã, pháp vô ngã rất vi tế, nên lặp lại nói sở tri. Sở tri là sở tri chướng, thuộc về pháp chấp. Trí có Căn bản trí, Sai biệt trí. Giới có giới Tỳ-kheo, giới Bồ-tát. Ma-ni là tánh báu thuộc khí thế gian (thế giới). Ngữ ngôn là chủng tánh thuộc về chúng sanh thế gian (chúng sanh). Trong lời hỏi, hoặc hỏi khí thế gian, hoặc hỏi chúng sanh thế gian, hoặc hỏi xuất thế gian, hoặc Phật, hoặc đệ tử Phật, hoặc ngu, hoặc ngoại đạo, trước sau không nhất định, một lúc lẫn lộn chẳng cần chia loại, chỉ tùy lời nói nhận được nghĩa thôi. Cần biết thảy từ một chân pháp giới, vọng thấy có sai biệt, như huyễn không thể nghĩ bàn.
Minh xứ và kỹ thuật.
Người nào đã hiển bày?
Già-đà có mấy thứ,
Trường tụng và đoản cú?
Có mấy thứ lý luận,
Thế nào gọi là luận?
Tại sao sanh ăn uống?
Và sanh các ái dục?
Thế nào gọi là vua
Chuyển luân và tiểu vương?
Thế nào thủ hộ quốc
Chư thiên có mấy thứ?
Thế nào gọi đại địa
Tinh tú và nhật nguyệt?
Người tu hành giải thoát
Mỗi bậc có mấy thứ?
Đệ tử có mấy thứ?
Sao là A-xà-lê?
Phật lại có mấy bậc,
Lại có mấy bản sanh?
Minh xứ là ngũ minh: 1) Thanh minh, 2) Công xảo minh, 3) Y phương minh, 4) Nhân minh là khảo đính tà chánh, 5) Nội minh nói rành rẽ về năm thừa. Ba minh trước là ngoại luận. Hai minh sau thuộc nội luận (nội điển). Già-đà dịch là kệ. Trường tụng đoản cú đều là kinh nói. Lý là lý nói ra. Luận là riêng giải thích nội điển và ngoại điển. Đây là hỏi nói pháp phải có bao nhiêu thứ. Ăn uống, ái dục, vua, chư thiên, đại địa, tinh tú, nhật, nguyệt, tổng hỏi về danh tướng hai thứ thế gian chúng sanh và thế giới. Tu hành, đệ tử, Xà-lê, Phật, bản sanh là danh tướng sai biệt của xuất thế gian. Tu hành là thông Tam thừa. Đệ tử là gồm Bồ-tát và Thanh văn. Xà-lê dịch là quĩ phạm (mẫu mực). Có năm thứ quĩ phạm. Bản sanh là Như Lai nhiều đời tu hành cho đến thành Phật, những việc hiện sanh.
Ma và các ngoại đạo
Kia mỗi loại mấy thứ?
Tự tánh và cùng tâm
Mỗi cái bao nhiêu thứ?
Thế nào thi thiết lượng?
Cúi mong Tối thắng nói
Thế nào không, gió, mây?
Thế nào niệm thông minh?
Thế nào là rừng cây,
Thế nào là cỏ rậm?
Thế nào voi, ngựa, nai,
Thế nào là bắt lấy?
Thế nào là thấp hèn,
Nhân gì mà thấp hèn,
Thế nào nhiếp lục tiết?
Thế nào nhất-xiển-đề?
Nam nữ và hoàng môn
Đây đều nhân đâu sanh?
Tánh cùng tâm đều chỉ cho căn dục của chúng sanh. Thi thiết lượng là tâm tánh chừng lượng giả vì thi thiết. Niệm thông minh là thế trí biện thông. Nhiếp lục tiết là ở Tây vức cho hai tháng làm một tiết, một năm phân làm sáu tiết. Nhất-xiển dịch là tín. Đề dịch là bất cụ. Nghĩa là lòng tin chẳng đủ. Đây cũng là hỏi danh tướng sai biệt của chúng sanh và khí thế gian.
Thế nào tu hành thối?
Thế nào tu hành sanh?
Thiền sư dùng pháp gì,
Kiến lập những người nào?
Chúng sanh sanh các cõi
Tướng gì và loại gì?
Tu hành có tiến có thối. Sanh tức là tiến. Pháp của thiền có đốn tiệm chẳng đồng. Bởi căn cơ người lớn nhỏ chẳng phải một. Đây là sự sai biệt của xuất thế gian. Các cõi là sáu đạo và bốn sanh. Tướng loại là tướng loại của các cõi. Chúng sanh thế gian huyễn vọng tự chia nhiều lối.
Thế nào là tài phú,
Nhân gì được tài phú?
Thế nào là Thích chủng,
Nhân gì có Thích chủng,
Thế nào dòng Cam Giá?
Vô thượng tôn xin nói.
Thế nào trường khổ tiên,
Kia dạy bảo những gì?
Như Lai tại vì sao,
Hiện tất cả thời, cõi,
Các thứ loại danh sắc,
Tối thắng tử vây quanh?
Tại sao chẳng ăn thịt,
Tại sao cấm ăn thịt,
Ăn thịt bao chủng loại,
Nhân gì nên ăn thịt?
Đây vẫn hỏi sự sai biệt của thế và xuất thế gian. Thích chủng, dòng Cam Giá, bởi quá khứ rất xa, khi ấy có một Bồ-tát làm Thái tử trong nước, nhường ngôi cho em đi tu, theo học với Cù-đàm Bà-la-môn liền đổi họ làm Cù-đàm. Sau trở về ngoài thành ở tinh xá tại vườn Cam Giá, bị nạn giặc bắt làm thương tổn, máu chảy đầy đất. Đại Cù-đàm dùng thiên nhãn xem thấy, dùng thần túc đến vườn Cam Giá, lấy máu đựng trong hai cái bình để bên phải bên trái. Chúc rằng: Đạo sĩ này nếu tâm chí thành sẽ khiến máu biến thành người. Mười tháng sau, hai cái bình đựng máu một biến thành người nam, một biến thành nữ, bèn thành dòng Cam Giá. Về sau thứ phi vua Ý-ma sanh bốn con được chánh hậu khen ngợi. Vua đuổi bốn con ra khỏi nước ở trên núi Tuyết trong rừng Trực Thọ. Mẹ bốn vị ấy tìm đến, vì mỗi người lập gia đình cho đều được xong xuôi. Vua nghe tin này rất vui vẻ, nói rằng: Đây thật là Thích tử, khéo tự lập tự tồn, nhân đó gọi là Thích. Thích dịch là năng, nghĩa là có tài năng. Người con thứ tư  tên Trang Nghiêm tức là tổ tiên vua Bạch Tịnh. Tất cả thời cõi là tất cả thời, tất cả cõi, tùy loại khắp hiện.
Thế nào hình nhật nguyệt,
Tu-di và Liên Hoa,
Cõi Sư Tử thắng tướng,
Thế giới nghiêng, đứng, úp,
Như lưới trời Đế Thích,
Hoặc thảy đều trân bảo,
Như đàn, trống lưng eo,
Dáng tợ các loại hoa,
Hoặc lìa sáng nhật nguyệt.
Như thế thảy vô lượng?
Tu-di là núi Diệu Cao, trùm bốn thiên hạ làm một thế giới. Liên Hoa là thế giới Liên Hoa Tạng. Sư Tử là thế giới đẹp nhất trong các thế giới. Thế giới có cái nghiêng, có cái úp, gồm các thế giới đẹp và xấu như lưới trời Đế Thích. Vì lưới trời Đế Thích có một ngàn hạt châu, mỗi hạt châu chiếu sáng xen nhau, ý nói vô tận. Nhật nguyệt, cây đàn, trống lưng eo, hoa trái đều là diễn tả hình tướng của thế giới. Trân bảo là có thế giới do trân bảo làm thành. Lìa sáng nhật nguyệt là thế giới Vô Cấu Quang Minh, chẳng nhờ ánh sáng nhật, nguyệt.
Thế nào là Hóa Phật?
Thế nào Báo sanh Phật?
Thế nào Như như Phật?
Thế nào Trí tuệ Phật?
Tại sao ở Dục giới,
Chẳng thành Đẳng chánh giác?
Vì sao Sắc cứu kính,
Lìa dục được Bồ-đề?
Thiện thệ vào Niết-bàn
Ai người giữ chánh pháp?
Thầy trời trụ bao lâu?
Chánh pháp trụ chừng nào?
Tất-đàn cùng với kiến
Mỗi loại bao nhiêu thứ?
Phần Tỳ-ni Tỳ-kheo
Thế nào nhân duyên gì?
Các Tối thắng tử kia
Duyên giác và Thanh văn
Nhân gì trăm biến dịch?
Thế nào trăm vô thọ?
Hóa Phật là hóa thân trăm ngàn muôn ức, đây là tùy loại hóa hiện. Đại hóa là thân ngàn trượng Lô-xá-na vì hàng Bồ-tát Thập địa mà hiện, cũng gọi là Tha báo thân. Như như, Trí tuệ đều chỉ cho Pháp thân. Như như là bản giác, Trí tuệ là thủy giác. Đây là tự báo, vì thủy giác bản giác hiệp một, lý và trí cả hai đều dung thông. Lô-xá-na trên cõi trời Sắc cứu kính được đạo Bồ-đề, chớ không ở Dục giới. Đó là vì thị hiện lìa dục được thanh tịnh. Ai người giữ chánh pháp là những căn dục nào mới kham truyền giữ chánh pháp. Chư Phật ở đời, chánh pháp ở đời mỗi phần đều có nhân duyên gần xa và tự tha. Tất là khắp. Đàn là thí. Kiến là chỉ căn cơ bị giáo hóa. Nghĩa là Như Lai đem giáo pháp khắp thí cho các căn cơ chúng sanh kia, cộng lại có bốn thứ:
1- Thế giới tất-đàn là được lợi ích hoan hỉ.
2- Đối trị tất-đàn là được lợi ích diệt ác.
3- Vị nhân tất-đàn là được lợi ích sanh các pháp lành.
4- Đệ nhất nghĩa tất-đàn là được lợi ích ngộ lý.
Tỳ-ni dịch là luật, Tỳ-kheo là người trì luật. Nhân duyên là nhân duyên kiết giới. Trăm biến dịch, trăm vô thọ, đây là nói sự sai biệt của Bồ-tát, Duyên giác và Thanh văn. Biến dịch là biến dịch sanh tử, vì chưa đến quả vị Phật vẫn còn ở phương tiện đổi thân thô thành thân diệu. Vô thọ là Vô dư Niết-bàn, người hàng Tam thừa đều chứng.
Thế nào là thế tục thông?
Thế nào xuất thế gian?
Thế nào là Thất địa?
Cúi mong vì diễn nói.
Tăng già có mấy loại?
Thế nào là hoại tăng?
Thế nào luận y phương,
Ấy lại nhân duyên gì?
Bậc Bồ-tát Ngũ địa vào thế tục lợi sanh gọi là thế gian thông. Đến hàng Thất địa nhân sanh đều hết mới gọi là xuất thế. Tăng có Đại thừa và Nhị thừa. Hoại tăng là phá luật phá kiến vậy. Phật dụ lương y, để nói Như Lai tùy duyên hóa hiện, hợp bệnh cho thuốc, như lương y thế gian.
Cớ gì đại Mâu-ni
Nói lên như thế này:
Ca-diếp, Câu-lưu-tôn
Câu-na-hàm là ta?
Cớ sao nói đoạn thường
Và cùng ngã vô ngã?
Sao không tất cả thời
Diễn nói nghĩa chân thật
Mà lại vì chúng sanh
Phân biệt nói tâm lượng?
Nhân đâu rừng nam nữ
Ha-lê, a-ma-lặc,
Kê-la và Thiết Vi,
Kim Cang thảy các núi
Vô lượng bảo trang nghiêm
Tiên Đạt-bà đầy dẫy?
Ca-diếp, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm là ta, nghĩa là xưa nay tự tha không có tướng một hai, đó là lời nói chân thật. Mà lại nói thường nói đoạn, nói ngã nói vô ngã, rộng vì chúng sanh phân biệt nói tâm lượng, đều vì căn có đại tiểu, pháp có tà chánh. Đoạn, thường, ngã đều chỉ cho ngoại đạo. Vô ngã chỉ cho Nhị thừa. Rừng nam nữ tức là rừng Thi-đà, rừng này cây sanh trái dáng giống như nam nữ. Ha-lê, a-ma-lặc là tên hai thứ trái cây. Đây tức là cây trái hiện tiền. Suy ra đến các núi Kê-la, Thiết Vi, Kim Cang có vô lượng trang nghiêm, tất cả tiên thần đều đầy dẫy trong ấy. Tột trong chỗ thấy nghe và ngoài chỗ thấy nghe do nhân gì mà có, trọn gọi là gì? Chỗ này không thể dùng tâm ý mà hiểu được. Mới biết một trăm lẻ tám câu cùng tột thế gian và xuất thế. Song chẳng ngoài năm pháp, ba tự tánh, tám thức và hai vô ngã. Bỗng nhiên gõ thẳng cửa chân. Bất chợt chỉ điểm tục đế dường như không thứ lớp, đều Tự tâm hiện ra. Cảnh giới như huyễn bất tư nghì không có cạn sâu thì đâu phân khó dễ, chỉ chứng mới biết.

C2- ĐÁP CHỈ THẲNG PHI CÚ.

Có hai:
D1- LẶP LẠI:
Bậc Vô Thượng Thế Gian Giải (Phật) nghe Bồ-tát Đại Huệ nói kệ hỏi, Đại thừa các độ môn, chư Phật tâm là bậc nhất, liền khen: Lành thay, lành thay! Đại Huệ khéo lắng nghe, nay ta sẽ thứ lớp như lời ông đã hỏi mà đáp.
Tựa kinh dùng một trăm lẻ tám câu hỏi là Đại thừa độ môn, là Phật tâm bậc nhất, nghĩa là cảnh giới tự giác của chư Phật chẳng ngoài Tự tâm hiện ra. Thế gian và xuất thế tất cả các pháp mê là danh tướng, ngộ thì như như. Cho nên chỗ hỏi đã đầy đủ ý đáp, do thấy cơ cảm cấu hợp, không còn có ý chỉ khác. Từ đây về sau lặp lại lời hỏi, nhiên hậu mới hiển bày kiến lập. Chỉ có lời lặp lại lược có đổi thay để thầm bày mật chỉ, không thể chẳng xét kỹ.
Sanh và cùng chẳng sanh, Niết-bàn, không sát-na, tiến đến không Tự tánh.
Đây là đổi lời hỏi, trước lấy hai pháp sanh cùng chẳng sanh, gồm hết ý hỏi, bèn kèm thêm rằng cứu kính không có Tự tánh, chính đã thầm bày mật chỉ vậy. Niết-bàn thuộc nghĩa chẳng sanh; sát-na là nói thức lưu chú vi tế, thuộc nghĩa sanh. Mà nói “không sát-na” chính chỉ thức này niệm niệm chẳng dừng tiếp nối dường như sanh mà chẳng phải thật có sanh. Chẳng sanh là đối sanh mà nói. Nếu không có nghĩa sanh thì chẳng sanh không do đâu hiển bày. Cho nên Niết-bàn sát-na xét tột không Tự tánh. Văn sau lặp lại lời hỏi, mỗi đoạn có chỗ hỏi, trước sau lẫn lộn. Hoặc lặp lại hoặc lược bớt, không có nhất  định.
Phật, các ba-la-mật, Phật tử cùng Thanh văn, Duyên giác các ngoại đạo và cùng hành Vô sắc, các việc như thế.
Đoạn này hỏi thế nào tên vô thọ, mấy tâm ba-la-mật, cớ sao gọi Phật tử, thế nào có ba thừa, thế nào đồng ngoại đạo, thế nào định Vô sắc.
Tu-di, bể cả, núi lớn, châu, đảo, cõi nước, quả đất. Tinh tú và nhật nguyệt, ngoại đạo, trời, a-tu-la; giải thoát, tự tại thông, lực, thiền, tam-ma-đề và định, như ý túc, giác chi và đạo phẩm.
Hai câu Tu-di… là hỏi Tu-di và Liên Hoa Tạng, thuộc về danh tướng tất cả cõi nước. Hai câu tinh tú… là ba câu hỏi chư Thiên có mấy thứ. Bốn câu giải thoát… là hỏi nhân gì được thần thông và tự tại tam-muội, nhân gì nói giác chi và bồ-đề phần. Lực là Ngũ lực. Tam-ma-đề là tam-muội. Như ý túc là Tứ như ý túc. Giác chi là Thất giác chi. Đạo phẩm là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Các Thiền định vô lượng, các ấm thân qua lại, chánh thọ và diệt tận định, tam-muội khởi tâm mà nói. Tâm ý và các thức, vô ngã, pháp có năm, Tự tánh năng tưởng và sở tưởng, cùng hiện hai thứ kiến.
Ấm thân qua lại là hỏi chúng sanh trong các cõi. Các thiền, diệt tận và tam-muội khởi là hỏi thế nào Vô sắc định cả thảy bốn câu. Tâm ý bốn câu, gồm hỏi năm pháp, ba tự tánh, tám thức và hai vô ngã. Trong đoạn hỏi tuy không có câu năm pháp, ba tự tánh, song liệt bày chúng sanh thế gian, khí thế gian đều là danh, tướng và vọng tưởng trong năm pháp. Tất cả các thiền giải thoát thuộc về chánh trí, như như. Lại câu duyên khởi ly tưởng chân thật tức là ba tự tánh. Nói ý thì đủ mà lời lẫn lộn.
Thừa và các chủng tánh, vàng bạc ma-ni v.v… nhất-xiển-đề và đại chủng, hoang loạn và nhất Phật, trí, sở tri, đắc hướng, có hay không có.
Thừa và các chủng tánh là lặp lại câu hỏi chủng tánh Tam thừa. Vàng bạc ma-ni v.v… là hỏi cái gì sanh các tánh báu. Nhất-xiển-đề là hỏi thế nào là nhất-xiển-đề, kèm nói đại chủng do ngoại đạo chấp đại chủng là sanh nhân. Hoang loạn tức là quốc độ loạn. Nhất Phật là hỏi Phật Ca-diếp, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm là ta. Trí, sở tri là hỏi thế nào sở tri tịnh. Đắc hướng là hỏi người tu hành giải thoát. Chúng sanh có hay không có, là hỏi về đoạn kiến và thường kiến.
Voi ngựa và các cầm thú, làm sao mà bắt lấy, vì sao thí dụ thành tất-đàn, cùng với năng tác sở tác.
Hai câu voi ngựa là hỏi thế nào là voi ngựa nai, làm sao mà bắt lấy. Vì sao thí dụ thành tất-đàn là hỏi tất-đàn cùng với kiến. Nghĩa là Như Lai nói pháp chẳng phải ngôn ngữ đến được, phần nhiều dùng thí dụ để thông hiểu. Chỗ thí dụ mà được ngộ tức là tương ưng, bèn thành cơ cảm, nên nói là kiến. Năng tác và sở tác là hỏi thế nào năng tác sở tác.
Tùng lâm mê hoặc và thông, tâm lượng chẳng hiện hữu, các địa không đến nhau, trăm biến dịch trăm vô thọ, luận y phương, công xảo, kỹ thuật các minh xứ, các núi, Tu-di, quả đất, biển cả lượng nhật nguyệt, chúng sanh bậc thượng, trung, hạ thân mỗi người có bao nhiêu vi trần.
Tùng lâm là đến chỗ thấy lúc ấy, đại khái dụ các pháp ở trước mắt. Mê hoặc là chỉ chỗ nhật dụng của bách tánh. Đây là gồm cả hữu tình vô tình đồng ở trong nhất chân pháp giới, mà nơi tâm lượng không có chỗ hiển bày. Hai câu này trong phần hỏi thì không, song vì kèm hai câu dưới nên phải lấy phàm để lệ Thánh. Các địa không đến nhau, trong câu hỏi là nhân gì qua các địa. Trăm biến dịch, trăm vô thọ, trong câu hỏi là thế nào trăm biến dịch, thế nào trăm vô thọ. Nếu hay giác Tự tâm lượng thì mỗi địa vốn không đến nhau, hành bố, viên dung đều không có pháp thật. Nên nói trăm biến dịch trăm vô thọ vẫn là chừng hạn của tâm lượng còn chưa tột tình mê. Hai câu y phương… là hỏi minh xứ và kỹ thuật. Các núi Tu-di quả đất cho đến bao nhiêu lỗ chân lông, lông mày là chỗ hỏi của Đại Huệ không đến. Thế Tôn suy ra mà nêu lên. Lượng là số đo lường. Thượng trung hạ là chỉ chung cho chúng sanh ở trong thập giới. Nghĩa là các chúng sanh hiệp bao nhiêu vi trần thành một thân lượng.
Mỗi sát có bao nhiêu vi trần, cung cung số có bao nhiêu, khuỷu tay, bước, câu-lô-xá (krosa), nửa do-diên, do-diên (yojana).
Xét theo cựu chú sát là sát độ, đại thiên thế giới là một sát độ. Hai thước làm một khuỷu tay, bốn khuỷu tay làm một cung, năm trăm cung làm một câu-lô-xá, mười câu-lô-xá làm một do-diên. Do-diên tức là do-tuần.
Thố hào, song trần, rệp (con mạt), dương mao, khoáng mạch trần, bát-tha bao khoáng mạch, a-la mấy khoáng mạch, độc long na-khư-lê, lặc-xoa và cử-lợi, cho đến tần-bà-la, mỗi thứ ấy số bao nhiêu.
Cổ chú rằng: bảy vi trần thành song trần, bảy song trần thành một thố mao đầu trần, bảy thố mao đầu trần thành một dương mao đầu trần, bảy dương mao đầu trần thành một ngưu mao đầu trần, bảy ngưu mao đầu trần thành một con rệp (con mạt), bảy con rệp thành con rận (chấy), bảy con rận thành một hạt cải, bảy hạt cải thành một hạt bắp. Khoáng tức là đại mạch. Bát-tha là một thăng. A-la là một đấu. Độc long là một hộc. Na-khư-lê là mười hộc. Lặc-xoa là một vạn. Cử-lợi là một ức. Tần-bà-la là một triệu.
Có mấy a-nâu (trần) gọi xa-lê-sa-bà (hạt cải), bao nhiêu xa-lê-sa-bà gọi là một lại-đề (hạt cỏ). Mấy lại-đề thành ma-xa (hạt đậu), mấy ma-xa thành đà-na (thù). Lại bao nhiêu đà-na-la thành một ca-lê-sa-na (lượng). Bao nhiêu ca-lê-sa-na làm thành một ba-la (cân). Những tướng tích tụ này bao nhiêu ba-la-di-lâu. Những thứ này là chỗ nên hỏi sao lại hỏi việc khác?
Bản này dịch âm Phạn ngữ, bản đời Đường dịch thành tiếng Trung Hoa có thể đối chiếu rõ. Ba đoạn trước sau thảy đều nêu lên số bụi khó biết. Phần cổ chú trước y theo sự đo lường của Ấn Độ chưa có thể dùng theo Trung Hoa mà đồng nhất vậy.
Thanh văn và Bích-chi Phật, Phật và hàng Bồ-tát, thân mỗi vị có bao nhiêu số, tại sao không hỏi chỗ này? Núi lửa mấy a-nâu (trần). Phong luân lại mấy a-nâu. Mỗi căn bao nhiêu a-nâu. Bao nhiêu lỗ chân lông và lông mày?
Bậc thánh trong Tam thừa chánh báo và y báo mỗi vị có lớn nhỏ, mà hỏi căn mỗi vị có bao nhiêu trần (vi trần), bao nhiêu lỗ chân lông và lông mày, suy ra đến núi lửa, phong luân tất cả cảnh giới tột cùng số lượng, nếu không phải bậc Nhất thiết trí ắt không thể biết hết được. Song cốt yếu trách Đại Huệ không hỏi, bởi vì muốn tột chỗ không biết kia để hiển bày lý duy thức. Nghĩa là tất cả căn thân khí giới đều duy nội thức, in tuồng có hiện tiền, mà không phải do nhiều vật chứa nhóm. So đó thì biết hành tướng Tam thừa, các thiền tam-muội, sắc cùng vô sắc, ngoại đạo thiên tiên, tứ sanh tam đồ thảy đều duy thức biến, vốn không phải thật có, đây là ý của Phật vậy. Nếu dùng diệu trí của Phật quả thì tất cả sai biệt, tự nhiên không phải là cảnh giới của các hàng Bồ-tát. Đọc văn trước văn sau trở lại nêu ý nói của Phật thì mới nhận được chỉ thú của kinh này.
Hộ tài vua Tự Tại, vua Chuyển Luân Thánh đế, thế nào vua thủ hộ? Thế nào là giải thoát? Nói rộng và nói hẹp, như chỗ ông đã hỏi, chúng sanh các thứ dục, cùng các thứ uống ăn.
Từ đây về sau lại hỏi điều hỏi trước. Hộ tài vua Tự Tại ba câu là hỏi thế nào gọi là vua ba câu. Nói rộng nói hẹp là hỏi già-đà, trường, đoản cú. Chúng sanh các thứ dục hai câu, là hỏi thế nào sanh ăn uống hai câu.
Thế nào là rừng nam nữ, núi Kim Cang kiên cố, thế nào như huyễn mộng thí dụ như nai đồng khát nước thấy ánh nắng. Thế nào núi, thiên, tiên, càn-thát-bà trang nghiêm, giải thoát đến chỗ nào, ai phược ai giải thoát, thế nào cảnh giới thiền, biến hóa và ngoại đạo, thế nào vô nhân tác, thế nào hữu nhân tác, hữu nhân vô nhân tác và phi hữu nhân phi vô nhân tác, thế nào hiện đã diệt, thế nào tịnh các giác, thế nào các giác chuyển, và chuyển các sở tác. Thế nào đoạn các tưởng, thế nào tam-muội khởi, phá tam hữu là ai, ở đâu và thân gì. Thế nào không chúng sanh mà nói có ta người. Thế nào nói thế tục, cúi mong rộng phân biệt. Tướng đã hỏi thế nào và chỗ hỏi phi ngã. Thế nào là thai tạng và các thứ thân khác.
Thế nào rừng nam nữ… sáu câu là hỏi nhân đâu rừng nam nữ… sáu câu. Trong ấy kèm thế nào như huyễn mộng thí dụ như nai đồng khát nước thấy ánh nắng, là chính khi thấy cây rừng hiện tiền đều là bóng của thức tâm hiện, như huyễn mộng không thể có, như nai đồng thấy ánh nắng chạy đi tìm bởi do khát nước làm mê hoặc. Biến hóa và ngoại đạo, là hỏi thế nào là hóa tướng cõi nước và các ngoại đạo. Thế nào vô nhân tác… bốn câu, là hỏi đồng dị thuyết (ngoại đạo) vô nhân hữu nhân tức là hai kiến có và không, phi hữu phi vô chẳng ngoài bốn câu vậy. Hiện đã diệt, là hỏi hiện rồi diệt. Tịnh giác… ba câu, là hỏi tịnh niệm kia, niệm được tăng trưởng. Thế nào đoạn các tưởng… hai câu là hỏi lặp lại thế nào là tưởng diệt nhân đâu từ định giác (dậy). Thế nào không chúng sanh… sáu câu là hỏi chung thế nào kiến lập tướng… bốn câu trước sau xen lộn. Thai tạng là hỏi thai tạng sanh, các thứ thân khác, ý hỏi nhiều loại sắc tướng.
Thế nào đoạn thường kiến, thế nào tâm được định, lời nói và các trí, chủng tánh giới Phật tử, thế nào luận lý và luận. Thế nào thầy đệ tử, thảy các loại chúng sanh, cả thảy đây lại thế nào. Thế nào là ăn uống, thông minh, ma, thi thiết. Thế nào cây, dây sắn, chỗ hỏi của Tối thắng tử. Thế nào các loại cõi, tiên nhân trường khổ hạnh. Thế nào là dòng họ, từ đâu sư thọ học. Thế nào là quê mùa, thế nào người tu hành, Dục giới sao chẳng giác, cõi A-ca-nị-tra mới thành.
Tâm được định là, hỏi thế nào tâm tam-muội. Lời nói và các trí… hai câu, là hỏi ai sanh các lời nói và các trí có bao nhiêu thứ, bao nhiêu giới tánh chúng sanh. Thế nào luận lý và luận là, hỏi lý luận có bao nhiêu thứ, thế nào gọi là luận. Thế nào là thầy đệ tử là, hỏi đệ tử có bao nhiêu thứ. Thế nào A-xà-lê, các loại chúng sanh… hai câu là, hỏi nam nữ và hoàng môn. Thế nào là ăn uống là, hỏi thế nào sanh ăn uống. Thông minh, ma, thi thiết là, hỏi thế nào niệm thông minh cùng ma và các ngoại đạo. Cây, dây sắn là, hỏi rừng, cỏ rậm. Các thứ cõi là, hỏi thế nào hình nhật nguyệt, cho đến như thế v.v… vô lượng. Trường khổ hạnh là, hỏi thế nào trường khổ tiên. Dòng họ là hỏi Thích chủng và Cam Giá chủng. Từ đâu thầy thọ học là, hỏi dựng lập cho những người nào. Quê mùa là hỏi thấp hèn. Tu hành là, hỏi tu hành tiến thối vậy. Dục giới sao chẳng giác… hai câu là, hỏi Dục giới không chánh giác… bốn câu. A-ca-nị-tra dịch là Sắc cứu kính.
Thế nào tục thần thông, thế nào là Tỳ-kheo, thế nào là Hóa Phật, thế nào là Báo Phật, thế nào là Như như Phật, Bình đẳng trí tuệ Phật, thế nào là chúng Tăng. Phật tử hỏi như thế, đàn, trống lưng eo và hoa, cõi nước lìa ánh sáng.
Tục thần thông là, hỏi thế tục thông. Tỳ-kheo là, hỏi phần Tỳ-ni, Tỳ-kheo. Hóa Phật là, hỏi thế nào là Hóa Phật… bốn câu. Chúng Tăng là, hỏi chúng Tăng có bao nhiêu thứ. Cây đàn… hai câu là, đồng hỏi ý rằng vô lượng cõi nước khác hình như nhật nguyệt.
Tâm địa đó có bảy, chỗ hỏi đều như thật, đây và các thứ khác rất nhiều, Phật tử cần nên hỏi. Mỗi mỗi tướng tương ưng, xa lìa các thấy lầm. Tất-đàn lìa lời nói, nay ta sẽ hiển bày, thứ lớp dựng lập câu, Phật tử khéo lắng nghe.
Tâm địa có bảy là, hỏi Thất địa. Nói chung rất nhiều chỗ hỏi đều đúng lý thật. Bởi vì nói “lời thô và tiếng tế đều trở về đệ nhất nghĩa”, cho nên nói mỗi mỗi tướng đều tương ưng, xa lìa các thấy lầm. Đây là dụng ý trước ước định để sau chỉ thẳng. Nếu không khế hội Bản tánh vô ngôn thì chẳng những thế đế lưu bố, chính đệ nhất nghĩa đế là như thật mà vẫn thuộc về danh ngôn. Do đó ly ngôn để hiển bày. Thế Tôn thiết tha răn bảo, nhiên hậu mới kiến lập, văn sau tự rõ. Chỗ hỏi riêng dùng Thất địa làm chung cục, là vì Thất địa về tư hoặc đã hết, tuệ tâm hiển bày, cùng vô gián tất-đàn này lẫn nhau minh chứng, cũng không phải chẳng lý do vậy.

D2- ĐÁP:

Từ trên đến đây một trăm lẻ tám (108) câu, như chư Phật đã nói: Câu bất sanh là câu sanh, câu thường là vô thường, câu tướng là vô tướng, câu trụ dị là phi trụ dị, câu sát-na là phi sát-na, câu tự tánh là ly tự tánh, câu không là bất không, câu đoạn là bất đoạn.
Như chư Phật đã nói, nghĩa là chỗ đáp của Thế Tôn cùng với chư Phật ba đời không khác, chư Phật đồng một bí mật. Xét lời đáp này chỉ có bốn chữ: bất, vô, phi, ly. Đây là lời chỉ thẳng vậy. Chỉ ngăn cái quấy kia mà chẳng nói cái phải kia. Nếu có chỗ phải thì nào khác với quấy. Như vàng làm đồ trang sức, nghĩa là vàng không phải bình, không phải bàn, không phải thoa, không phải xuyến, khiến cho người ngay đó thấu suốt. Không phải, nghĩa là không phải bình, không phải bàn, không phải thoa, không phải xuyến, để rõ nó là vàng vậy. Toàn Như Lai tàng tức là thức, nghĩa là Như Lai tàng không Tự tánh, không thể tự giữ, vọng có sở giác. Biết nó là vọng thì không có năng giác sở giác. Nên nói toàn thức tức là Như Lai tàng. Không có năng tàng thì ai biết là tàng? Nói là thức bởi nơi cảnh giới của nó mà không thể lặng yên tự dứt, do phân biệt liền phát sanh. Ngộ là ngộ được nó vọng sanh phân biệt, phân biệt cảnh của mình và phân biệt cảnh khác, đều nhiếp về phân biệt, tức rõ nó là vàng làm ra vậy. Cho nên phàm có nói năng đều do phân biệt. Phàm có phân biệt đều là thế đế. Ba cõi hai mươi lăm loài đều là thế đế. Phải quấy, thiện ác, nam nữ, thân của, dựng lập đều là thế đế. Cho đến ba thừa, mười hai bộ, nội điển ngoại điển, nhân quả, tiến thối, chứng hướng thảy đều là thế đế. Phàm thế đế thì không thể nói là đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế không phải phân biệt mà được, không phải ngôn thuyết mà trình bày được. Nếu phân biệt ngôn thuyết về đệ nhất nghĩa đế, ấy là phân biệt ngôn thuyết, không phải đệ nhất nghĩa đế. Nếu lìa phân biệt ngôn thuyết tức là đệ nhất nghĩa đế, liền đó thấu suốt, thì ba thừa mười hai bộ đều là đệ nhất nghĩa đế. Nội điển ngoại điển, nhân quả, tiến thối, chứng hướng đều là đệ nhất nghĩa đế. Cho đến ba cõi hai mươi lăm loài, phải quấy, thiện ác, nam nữ, thân của, dựng lập, rừng cây, mây gió, tinh tú, xe cộ, y phục, nhà cửa, sản nghiệp, tà chánh, cúi ngước, co duỗi, ngày đêm, ngủ thức thảy là đệ nhất nghĩa đế. Kinh Pháp Hoa nói: “Chẳng phải tam giới mà thấy tướng tam giới, Như Lai thấy rõ không có sai lầm.” Cho nên biết đệ nhất nghĩa đế lìa phân biệt, bặt ngôn thuyết, tự tri tự chứng mà thôi. Nên nói là lời chỉ thẳng vậy. Thế nên vẫn dùng chữ bất, chữ vô, chữ ly, chữ phi mà chẳng nói nó là thị (phải). Chư Phật ba đời đồng một bí mật. Câu bất sanh là câu sanh, bản dịch đời Đường là câu sanh là phi sanh, tức là người nói là sanh mà chỉ nó chẳng phải. Phi là lý vô sanh, tức là ở trong cái sanh vậy. Thường là cái thường trong vô thường chấp là thường. Tướng là gồm sự tướng, lý tướng. Trụ dị là hai tướng trong bốn tướng: sanh, trụ, dị, diệt.
Câu biên phi biên, câu trung phi trung, câu thường phi thường, câu duyên phi duyên, câu nhân phi nhân, câu phiền não phi phiền não, câu ái phi ái, câu phương tiện phi phương tiện, câu xảo phi xảo, câu tịnh phi tịnh, câu thành phi thành, câu thí (dụ) phi thí (dụ), câu đệ tử phi đệ tử, câu sư phi sư.
Biên là hữu biên và vô biên, đây là tà kiến của ngoại đạo. Trung là đối với ngã, pháp được nghĩa trung đạo. Hai câu này trong lời hỏi trước không có, song “biên” tức nhiếp vào đồng và dị, “trung” tức nhiếp vào thường kiến chẳng sanh. Văn sau phần nhiều đủ ý hỏi mà lời thì không, nên phỏng theo đây mà biết. Văn trước nói thường là thế gian vô thường chấp là thường. Ở đây nói thường là ngoại đạo chấp có tánh thường. Phương tiện là tất cả thánh giáo và thế giáo tạo ra phương tiện. Xảo là nghĩa xảo hợp, cũng nhiếp thuộc phương tiện.
Câu chủng tánh phi chủng tánh, câu Tam thừa phi Tam thừa, câu sở hữu phi sở hữu, câu nguyện phi nguyện, câu tam luân phi tam luân, câu tướng phi tướng, câu hữu phẩm phi hữu phẩm, câu chung phi chung.
Câu sở hữu là câu tịch tịnh như thật đã có. Nguyện là chỗ tự nguyện mà nguyện, thuộc về câu Bồ-tát. Tam luân là thân luân, khẩu luân và ý luân. Nói rằng tam luân nghiệp không vậy. Tướng là kiến lập Pháp tướng.
Câu duyên tự thánh trí hiện pháp lạc phi hiện pháp lạc, câu cõi nước phi cõi nước, câu a-nâu phi a-nâu, câu nước phi nước, câu cung phi cung, câu thật phi thật, câu số phi số, câu số phi số, câu minh phi minh, câu hư không phi hư không.
Duyên tự thánh trí pháp lạc là chứng tự thánh trí được pháp lạc. Câu thật là ngoại đạo cho bốn đại chủng là có Thật tánh hay sanh các pháp. Câu số trước là bổ túc cho pháp số ba mươi hai. Câu số sau là chỉ số lượng. Minh là cái minh của Tam minh, tức là nghĩa Tam minh Lục thông. Hư không là vọng thấy như hư không.
Câu mây phi mây, câu công xảo kỹ thuật minh xứ phi công xảo kỹ thuật minh xứ, câu phong phi phong, câu địa phi địa, câu tâm phi tâm, câu thi thiết phi thi thiết, câu Tự tánh phi Tự tánh, câu ấm phi ấm, câu chúng sanh phi chúng sanh, câu tuệ phi tuệ, câu Niết-bàn phi Niết-bàn, câu sở tri phi sở tri, câu ngoại đạo phi ngoại đạo, câu hoang loạn phi hoang loạn, câu huyễn phi huyễn, câu mộng phi mộng, câu diệm phi diệm, câu tượng phi tượng, câu luân phi luân, câu Càn-thát-bà phi Càn-thát-bà, câu thiên phi thiên, câu ăn uống phi ăn uống, câu dâm dục phi dâm dục, câu kiến phi kiến, câu ba-la-mật phi ba-la-mật, câu giới phi giới, câu nhật nguyệt tinh tú phi nhật nguyệt tinh tú, câu đế phi đế, câu quả phi quả, câu diệt khởi phi diệt khởi, câu trị phi trị, câu tướng phi tướng, câu chi phi chi, câu xảo minh xứ phi xảo minh xứ, câu thiền phi thiền, câu mê phi mê, câu hiện phi hiện, câu hộ phi hộ, câu tộc phi tộc.
Luân là hỏa luân. Trị là trị của đối trị, nghĩa là Như Lai theo bệnh cho thuốc, như lương y ở thế gian. Tướng có ba lối đáp: 1) Tất cả sự lý đều không có Thể tướng. 2) Kiến lập Pháp tướng. 3) Hình tướng là chúng sanh sanh các cõi tướng gì, dáng loài gì. Chi là chi phần, tức là hình thể từng phần từng đoạn. Mê là mê hoặc. Hiện là hiện nhị kiến. Hộ là thủ hộ nước. Tộc là chủng tộc.
Câu tiên phi tiên, câu vương phi vương, câu nhiếp thọ phi nhiếp thọ, câu bảo phi bảo, câu ký phi ký, câu nhất-xiển-đề phi nhất-xiển-đề, câu nam nữ hoàng môn phi nam nữ hoàng môn, câu vị phi vị, câu sự phi sự, câu thân phi thân, câu giác phi giác, câu động phi động, câu căn phi căn, câu hữu vi phi hữu vi, câu vô vi phi vô vi, câu nhân quả phi nhân quả, câu Sắc cứu kính phi Sắc cứu kính, câu tiết phi tiết, câu rừng cây bìm sắn phi rừng cây bìm sắn.
Nhiếp thọ là bị nhiếp thọ và hay nhiếp thọ, pháp thế gian và xuất thế đều có nghĩa nhiếp thọ. Ký là ký luận. Vị là vị của nghĩa vị, nghĩa là nghĩa vị của cái bị nói. Sự là việc làm ra của thế và xuất thế. Giác là giác tri tức nhân cảnh sanh tâm phân biệt. Động là đối tĩnh mà nói. Căn là căn thân.
Câu tạp phi tạp, câu thuyết phi thuyết, câu Tỳ-ni phi Tỳ-ni, câu Tỳ-kheo phi Tỳ-kheo, câu xử phi xử, câu tự phi tự. Đại Huệ! Đó là một trăm lẻ tám câu (108) Phật trước đã nói, ông và những đại Bồ-tát phải nên tu học.
Tạp là rất nhiều ngôn thuyết. Xử là chỗ ở, có nghĩa trụ mà trì ấy vậy. Thế gian và xuất thế đều có nghĩa trụ trì, là gánh vác trụ trì. Lại nói Phật trước đã nói, nghĩa là Phật pháp thế pháp tất cả sự lý nhân quả này, đều là liền đó lìa tánh phân biệt đường ngôn ngữ bặt dứt. Chư Phật ba đời đồng một bí mật, thâm thiết dạy bảo trước sau không hai.

Từ khóa:

không có

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 51
  • Hôm nay: 7447
  • Tháng hiện tại: 1721031
  • Tổng lượt truy cập: 59373964

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile