Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Sư Thần Hội - Thần Hội ngữ lục phần III

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 09:00 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Thiền Sư Thần Hội - Thần Hội ngữ lục phần III

Thiền Sư Thần Hội - Thần Hội ngữ lục phần III

Ngài đáp Bát-nhã ba-la-mật thể không thể được, Bát-nhã ba-la-mật là tiếng Phạn, dịch nghĩa theo tiếng Việt là trí tuệ cứu kính. Thể không thể được là thể của trí tuệ đó không có tướng mạo, không có hình dáng nên gọi là không thể được. Vậy trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng, ấy là không pháp có thể nói. Nói cho người ta thâm nhập được trí tuệ cứu kính không có tướng mạo,
THẦN HỘI NGỮ LỤC phần III (câu 26 -40)
CHÁNH VĂN:
(26) Tư mã Vương Ấu Lâm ở Nhuận Châu hỏi: Thế nào là không pháp có thể nói, ấy gọi là thuyết pháp?
Đáp: Bát-nhã ba-la-mật thể không thể được, ấy là không pháp có thể nói. Bát-nhã ba-la-mật thể tự có trí, chiếu soi thể không thể được, lặng yên thường tịch mà có diệu dụng như hằng sa, đó gọi là thuyết pháp.
GIẢNG:
Câu hỏi này có thể hỏi cách khác: “Thế nào là pháp không thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp?” Câu này dẫn trong kinh Kim Cang để hỏi.
Ngài đáp Bát-nhã ba-la-mật thể không thể được, Bát-nhã ba-la-mật là tiếng Phạn, dịch nghĩa theo tiếng Việt là trí tuệ cứu kính. Thể không thể được là thể của trí tuệ đó không có tướng mạo, không có hình dáng nên gọi là không thể được.
Vậy trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng, ấy là không pháp có thể nói. Nói cho người ta thâm nhập được trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng là không pháp có thể nói. Bởi vì nó đâu có pháp gì, nên gọi là không pháp có thể nói.
Bát-nhã ba-la-mật thể tự có trí, chiếu soi thể không thể được, lặng yên thường tịch mà có diệu dụng như hằng sa, đó gọi là thuyết pháp.
Câu trên dạy, nói cho người ta nghe Bản thể của trí tuệ cứu kính không có tướng mạo, không có hình dáng, đó là không pháp có thể nói. Tuy không có tướng mạo, không có hình dáng nhưng Tự thể của nó có trí chiếu soi. Chiếu soi cái gì? - Chiếu soi cái thể không thể được đó. Nên biết thể không tướng mạo đó lặng yên thường tịch mà có diệu dụng như hằng sa, đó gọi là thuyết pháp.
Ví như chúng ta dùng mắt nhìn thấy nhà, thấy cây, thấy người, thấy vật… đó là thấy những tướng mạo có sanh diệt. Nhưng bây giờ nhìn lên hư không ta thấy không có nhà, không có người, không có vật, không có cây cảnh, trống rỗng không có gì hết. Trên hư không, không có mây trống rỗng thì chúng ta thấy cái trống rỗng. Như vậy cái hay thấy hư không trống rỗng và hư không trống rỗng có tướng mạo không? Cả hai đều không có tướng mạo, nhưng cái hay thấy thấy được hư không trống rỗng. Cho nên nói: “Bát-nhã ba-la-mật thể tự có trí, chiếu soi thể không thể được.” Thể không thể được tức là Tâm thể vắng lặng không có tướng mạo.
Cũng như con mắt chúng ta có công năng, nhìn thấy được hư không trống rỗng. Mắt nhìn thấy hư không trống rỗng, nhưng thật ra trong đó có cả không khí, hơi nước… Trong hư không có rất nhiều thứ mà tại mắt thường chúng ta không thấy. Cũng vậy, tâm lặng lẽ thường tịch của mình có diệu dụng như hằng sa. Nhận biết được như vậy gọi là thuyết pháp.
Thuyết pháp là pháp gì? - Pháp Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy cái hay thấy và cái bị thấy, cả hai đều không có tướng. Không có tướng mạo mà hằng biết rõ, hằng thấy được vô số diệu dụng đó gọi là thuyết pháp. Thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật trong kinh Kim Cang.
CHÁNH VĂN:
(27) Pháp sư Sủng ở Ngưu Đầu hỏi: Sám hối tội được tiêu diệt không?
Đáp: Người thấy vô niệm, nghiệp tự chẳng sanh. Đâu chấp vọng tâm mà riêng có, lại muốn sám hối tội diệt, diệt tức là sanh.
GIẢNG:
Người thấy vô niệm, nghiệp tự chẳng sanh. Đâu chấp vọng tâm mà riêng có, lại muốn sám hối tội diệt, diệt tức là sanh.
Ngài nói thẳng lý thật nên chúng ta nghe hơi khó hiểu. Nếu biết rõ Tâm thể chân thật, không phải là cái khởi nghĩ như nghĩ thiện nghĩ ác, nghĩ phải nghĩ quấy. Do không khởi tất cả cái nghĩ đó nên gọi là thấy cái vô niệm. Cái vô niệm đó không có phải quấy, thiện ác thì nghiệp tự chẳng sanh.
Nếu ta được vô niệm thì không có thiện ác. Thiện ác đã không thì nghiệp từ đâu mà sanh, nên nói nghiệp tự chẳng sanh. Nghiệp chẳng sanh thì đâu chấp vọng tâm thiện ác, phải quấy. Không theo vọng tâm thì làm gì riêng có nghiệp lành, nghiệp dữ. Đã không có nghiệp lành nghiệp dữ mà lại muốn sám hối cho tội diệt, như vậy là tội có sanh mới sám cho diệt. Điều này đã tự mâu thuẫn, nên không thể được. Diệt tức là sanh bởi vì có sanh mới có diệt, nên có diệt tức là có sanh. Tới chỗ không còn sanh diệt mới là hết hoàn toàn sanh diệt. Nếu còn có diệt tức là có sanh.
Ví dụ hôm nay có vị lỡ nói lời không lành, liền sám hối “hôm nay con có ác khẩu, xin thành tâm sám hối”. Sám hối hết lỗi bữa nay, nhưng ngày mai còn thấy tốt xấu, ai nói gì không vừa lòng cũng ác khẩu nữa, nên diệt bữa nay rồi mai lại sanh. Cứ sanh diệt, sanh diệt hoài chừng nào mới hết? Bao giờ nghe phải quấy, tốt xấu mà tâm mình không động, như như, thì nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp không có thì sám hối làm gì?
Như vậy sám hối chân thật là sám hối trở về tâm không sanh, không diệt của mình để rồi không còn mầm sanh diệt nữa. Ta có lỗi biết sám hối là tốt, nhưng sám hối rồi vẫn còn nuôi dưỡng tâm sanh diệt thì tội chỉ hết được một chặng, sau đó sanh nữa, không hết hẳn.
Ở đây Ngài dạy tận gốc, muốn hết tội phải đi tới vô niệm, không còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác, mới hoàn toàn hết tội. Chớ hôm nay sám hối tội diệt, ngày mai lại sanh tội khác, biết bao giờ mới hết tội?
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Thế nào là sanh?
Đáp: Sanh đó tức là diệt vậy.
GIẢNG:
Có sanh là có diệt, ngược lại có diệt là có sanh, hai cái tiếp nối không cùng. Cho nên tất cả chúng ta tu muốn ra khỏi vòng sanh tử, phải dứt hết những tâm sanh diệt đó. Nên nhớ còn sanh tức còn diệt, ngược lại còn diệt tức còn sanh.
CHÁNH VĂN:
(28) Thiền sư Hoài Địch ở núi La Phù hỏi: Tất cả chúng sanh xưa nay Tự tánh thanh tịnh, vì sao lại nhiễm pháp sanh tử mà không thể ra khỏi ba cõi?
Đáp: Người vì không biết Tự thể xưa nay không tịch, chạy theo vọng niệm mà khởi kết nghiệp, bị thọ sanh tạo ác, nên không thể nói. Nay hạng người tu đạo, ở nơi đây cũng mê lầm, chỉ gieo trồng nhân duyên trời người, không được cứu kính giải thoát. Nếu không gặp chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức chân chánh, do đâu khỏi được khổ luân hồi.
GIẢNG:
Tất cả chúng sanh xưa nay Tự tánh thanh tịnh, vì sao lại nhiễm pháp sanh tử mà không thể ra khỏi ba cõi?
Ở đây trước Ngài giải vì sao Tự tánh thanh tịnh lại nhiễm pháp sanh tử mà không thể ra khỏi luân hồi. Người vì không biết tự thể xưa nay không tịch, người không biết mình sẵn có thể xưa nay là trong sạch, lặng lẽ, nên chạy theo vọng niệm mà khởi kết nghiệp. Chúng ta là những người đó, Tự thể mình xưa nay thanh tịnh mà không biết. Bởi không biết nên chạy theo vọng niệm nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ tốt nghĩ xấu, đủ thứ hết. Do những cái nghĩ đó mà khởi kết nghiệp, bị thọ sanh không thể kể hết.
Nay hạng người tu, ở nơi đây cũng mê lầm.
Chính người tu còn mê lầm chỗ này, huống là người không tu.
Chỉ gieo trồng nhân duyên trời người, không được cứu kính giải thoát.
Chúng ta làm lành được sanh cõi trời, làm ác phải đọa địa ngục, giữ đúng tư cách con người thì được làm người. Nếu chỉ gieo trồng nhân ở cõi trời, cõi người hoặc những đường ác, thì không bao giờ được cứu kính giải thoát.
Nếu không gặp chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức chân chánh, do đâu khỏi được khổ luân hồi.
Ngài đã trả lời tại sao chúng ta có Tự tánh thanh tịnh mà vẫn bị nhiễm các pháp sanh tử. Gốc do không biết cái thật nên chạy theo vọng niệm, từ đó tạo nghiệp. Bây giờ nếu có duyên gặp Phật pháp, Bồ-tát, Thiện tri thức chỉ cho ta biết được, thực hành theo những lời chỉ dạy ấy mới hết luân hồi sanh tử.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Tâm tâm giữ tịch diệt, niệm niệm vào dòng pháp, đâu chẳng động niệm ư?
Đáp: Bồ-tát hướng đến đạo Bồ-đề, tâm kia niệm kia chẳng dừng, giống như ngọn đèn cháy liên tục, tự nhiên không dứt, cũng chẳng phải đèn làm cháy sáng. Vì cớ sao? Nghĩa là Bồ-tát xu hướng Bồ-đề, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn vậy.
GIẢNG:
Tâm tâm giữ tịch diệt, niệm niệm vào dòng pháp, đâu chẳng động niệm ư?
Nghĩa là khởi nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ lành nghĩ dữ đều là động niệm. Hoặc luôn nghĩ phải sống với chánh pháp, giữ chỗ tịch diệt yên lặng. Đó là niệm niệm theo dòng pháp. Như vậy có động không?
Ngài không trả lời là động hay không động, mà chỉ nói người tu hướng đạo Bồ-đề, tâm niệm luôn hướng Bồ-đề liên tục không lúc nào dừng, giống như ngọn đèn cháy liên tục. Ngọn đèn cháy liên tục, tự nhiên ánh sáng không dứt. Như vậy đèn làm cháy sáng hay cái gì sáng? Vì lửa cháy rút dầu lên liên tục nên cháy sáng. Cho nên cháy sáng đó không phải do đèn, mà nhờ ánh lửa rút dầu lên mới cháy sáng. Rút dầu liên tục thì ánh lửa sáng liên tục.
Cũng thế, người tu luôn luôn giữ tâm tịch diệt, giữ niệm hợp với chánh pháp thấy như có động, nhưng Tâm thể tịch diệt ấy không động. Giống như đèn cháy rút dầu là động, nhưng ánh sáng của ngọn đèn thì không động. Trên công dụng thấy như động, nhưng kết quả không phải là động. Cũng vậy tâm chúng ta hằng tưởng Phật, hằng tưởng Bồ-tát, đó là động. Nhờ tưởng liên tục như vậy nên tâm lặng sáng thì cái lặng sáng đó không phải là động. Điều này trả lời thật là khó. Hỏi điều này là hỏi tới chỗ tột của sự tu.
Chúng ta thấy chư Phật luôn luôn để tâm hướng về Bồ-đề, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn. Nhờ không gián đoạn nên hằng giác, hằng sáng. Cái sáng, cái giác đó không phải động, nhưng mà tâm hướng Bồ-đề liên tục dường như động, song kết quả là không động. Đây là điều thâm sâu trong sự tu hành.
Ví dụ như người niệm Phật “Nam-mô A-di-đà Phật”, cứ niệm hoài như thế thì động chớ sao không động. Nhưng niệm tới chỗ vô niệm liền hết động, bấy giờ ánh sáng tự có. Ánh sáng đó là vô niệm, mà muốn vô niệm thì trước phải niệm Phật hay chánh pháp liên tục. Chỗ này hiểu rõ chúng ta mới không bị trở ngại trên đường tu.
CHÁNH VĂN:
(29) Môn nhân Lưu Tương Thiến thuật lại, khi ông ở quận Nam Dương có gặp Thị ngự sử Vương Duy ở trong trạm dịch, đảnh lễ Hòa thượng Thần Hội và vị Tăng đồng chùa là Thiền sư Tuệ Trừng, nghe giảng kinh mấy hôm. Lúc ấy, Vương thị ngự sử hỏi Hòa thượng rằng: Thế nào là tu đạo được giải thoát?
Đáp: Chúng sanh vốn Tự tâm thanh tịnh, nếu muốn khởi tâm có tu tức là vọng tâm, không thể được giải thoát.
GIẢNG:
Ở đây là ông Lưu Tương Thiến thuật lại câu chuyện gặp gỡ Thị ngự sử Vương Duy đảnh lễ Thiền sư Thần Hội.
Vương thị ngự sử hỏi Hòa thượng rằng: Thế nào là tu đạo được giải thoát?
Ngài đáp:
Chúng sanh vốn Tự tâm thanh tịnh, nếu muốn khởi tâm có tu tức là vọng tâm, không thể được giải thoát.
Nghĩa là tâm mình tự thanh tịnh, nếu khởi tâm muốn tu đó là vọng tâm, mà vọng tâm thì không thể được giải thoát.
CHÁNH VĂN:
Vương thị ngự ngạc nhiên thưa: Thật lạ! Tôi đã từng nghe chư Đại đức nói, đều chưa từng nói như thế này.
GIẢNG:
Vương thị ngự sử ngạc nhiên, vì ông đã từng nghe nhiều vị Đại đức giảng nói, nhưng không ai nói như Ngài. Lạ quá!
CHÁNH VĂN:
Lúc ấy, Khấu thái thú, Trương biệt giá, Viên tư mã đồng nói: Quận Nam Dương này có Đại đức rất quí, có Phật pháp thật không thể nghĩ lường.
Khấu thái thú nói: Hai vị Đại đức này kiến giải chẳng giống nhau.
GIẢNG:
Khi được hỏi “thế nào là tu đạo được giải thoát” ngài Thần Hội đáp rằng chúng sanh vốn Tự tâm thanh tịnh, nếu muốn khởi tâm tu tức là vọng tâm, không thể được giải thoát. Nói thế không tu luôn có giải thoát chăng? Đó là điều đa số người nghi ngờ. Ở đây ngài Thần Hội chỉ thẳng, chớ không dùng phương tiện quanh co. Mình đã có ông Phật ở trong nhà, bây giờ khởi tâm tìm Phật, như vậy thành Phật được không? Quên ông Phật trong nhà đi tìm ông Phật bên ngoài là đúng hay sai? Vì vậy Ngài không nói tìm được hay không, mà chỉ bảo có vọng tâm thì không được giải thoát.
Muốn giải thoát phải sống trở lại Tâm thanh tịnh của chính mình. Đó là gốc. Chúng ta đại đa số tìm Phật ở ngoài, chớ không tìm ngay nơi mình. Tìm Phật ở ngoài có giải thoát được không? Phật không giải thoát cho ta được, mà phải tự mình giải thoát. Phật chỉ là người chỉ đường cho chúng ta thức tỉnh, rồi tự mình trở về, chớ Ngài không đi thế ta được. Nếu không nhận ra Bản tâm thanh tịnh của mình, cứ chạy tìm bên ngoài cho đó là tu, tu như vậy không bao giờ giải thoát.
CHÁNH VĂN:
Vương thị ngự hỏi Hòa thượng: Vì sao chẳng giống nhau?
Đáp: Nay nói chẳng giống nhau, là vì Thiền sư Trừng phải trước tu định được định, định rồi sau mới phát tuệ. Nên biết Thần Hội chẳng như thế. Nay chính khi cùng Thị ngự nói chuyện, tức định tuệ đồng nhau. Kinh Niết-bàn nói: Định nhiều tuệ ít tăng trưởng vô minh, tuệ nhiều định ít tăng trưởng tà kiến. Nếu người được định tuệ đồng nhau gọi là thấy Phật tánh, nên nói chẳng giống nhau.
GIẢNG:
Cách tu của ngài Thần Hội và ngài Tuệ Trừng không giống nhau nên cách trả lời cũng không giống nhau. Hỏi vì sao không giống nhau?
Ngài đáp Thiền sư Trừng trước tu định, được định rồi sau mới phát tuệ. Đó là lối tu của Thiền sư Trừng. Còn Ngài thì không phải vậy. Chính khi cùng Thị ngự nói chuyện tức định tuệ đồng nhau. Chỗ này rất thiết yếu cho sự tu của chúng ta.
Chính khi tôi nói chuyện với ông thì định tuệ đã có đủ, không phải đợi ngồi yên định mới phát tuệ. Ngài dẫn trong kinh dạy “định nhiều tuệ ít tăng trưởng vô minh”. Tại sao? Bởi vì khi ngồi yên cho định, chỉ lo kềm đè mà không biết gì hết, đó là tăng trưởng vô minh. Tuệ nhiều định ít, tăng trưởng tà kiến. Tại sao? Vì tuệ nhiều thì quán chiếu nhiều, tâm dễ nghĩ tứ tung. Xét chuyện này, nghĩ chuyện nọ, một hồi lạc đâu mất, trở thành tà kiến.
Vì thế người khéo tu phải quân bình giữa định và tuệ. Muốn thế phải làm sao? Ngay trong cuộc sống hiện tại, gặp duyên thì làm thì nói. Nhưng làm nói trong chỗ không quên Tánh chân thật của mình. Tánh chân thật là định hay tuệ? Tánh chân thật là bất động, bất động là định. Không quên Tánh chân thật mà hằng tùy duyên, ứng dụng đó là tuệ. Tuệ mà không quên định gọi là định tuệ đồng thời. Đó là sự khác biệt của hai vị. Thiền sư Tuệ Trừng thì trước định sau tuệ. Thiền sư Thần Hội thì định tuệ đồng thời.
Chúng ta tu sao cho ổn đây? Định tuệ đồng thời hay trước định sau tuệ? Ngồi yên buông hết niệm, đó là định hay tuệ? Buông hết niệm là định, định mà biết tâm đang thanh tịnh hằng tri hằng giác, chớ không phải không biết gì. Mắt thấy, tai nghe, các cơ quan đều linh hoạt như vậy đâu có si. Còn định mà không biết gì hết, đó là si định. Vì vậy Phật thường quở những vị tu tới Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ là si định. Do đó chúng ta tu cần phải sống đủ cả định và tuệ.
Chúng ta hằng ngày sanh hoạt là động, nhưng vẫn không quên tâm an nhiên thanh tịnh của mình, đó là định. Hoạt động theo duyên, biết đi biết nói biết làm là tuệ. Như vậy định tuệ đồng thời không lúc nào thiếu một thứ, luôn luôn quân bình nhau. Chúng ta khéo tu khéo hiểu, sẽ không lúng túng khi nghe hỏi mình tu thế nào? Buông xả vọng niệm mà hằng tri hằng giác, đó là định tuệ đồng thời.
CHÁNH VĂN:
Vương thị ngự hỏi: Thế nào là định tuệ đồng nhau?
Hòa thượng đáp: Nói định là thể không thể được. Nói tuệ là hay thấy thể không thể được, lặng lẽ thường tịch, có hằng sa xảo dụng, tức là định tuệ đồng học.
GIẢNG:
Nói định là thể không thể được, tức chỗ lặng lẽ không thể được, không tướng mạo đó gọi là định. Nói tuệ là hay thấy thể không thể được, khi ta ngồi yên không có niệm khởi, vẫn biết rõ mình đang tri giác là thấy được thể không tướng mạo.
Lặng lẽ thường tịch, có hằng sa xảo dụng, tức là định tuệ đồng học.
Bởi yên lặng không niệm khởi, nhưng nó hằng sáng hằng giác hằng tri, tức tâm không động là định, mà vẫn thấy nghe hiểu biết rõ ràng là tuệ. Nhiều người có quan niệm ngồi kềm cho chết hết những tâm suy nghĩ, chết luôn cả thấy nghe hiểu biết, như vậy là định cao. Trong nhà Phật gọi đó là si định, là bệnh. Định là để cho trí sáng, chớ không phải để không biết gì. Tự nhiên vô tình ta diệt cái hiểu biết của mình, đó là sai lầm.
CHÁNH VĂN:
Mọi người đều đứng lên trước sảnh. Thiền sư Trừng nói với Vương thị ngự: Huệ Trừng cùng Thiền sư Hội chỗ chứng chẳng đồng.
Vương thị ngự cười, rồi thưa với Hòa thượng: Vì sao chỗ chứng chẳng đồng?
Đáp: Nói chẳng đồng là vì Thiền sư Trừng trước tu định được định, về sau phát tuệ. Thần Hội thì chẳng vậy. Chính khi cùng Thị ngự nói chuyện, tức định tuệ đồng có. Do đó nói chẳng đồng.
Thị ngự nói: Xà-lê cuối cùng cũng nói không đồng?
Đáp: Một mảy may chẳng chấp nhận.
Hỏi: Vì sao không chấp nhận?
Đáp: Nay thật không thể đồng, nếu cho đồng tức là chấp nhận.
GIẢNG:
Ngài bảo: Tôi nói không đồng là vì không chấp nhận, nếu nói đồng tức là có chấp nhận.
CHÁNH VĂN:
(30) Thiền sư Viên ở núi Ngưu Đầu hỏi: Phật tánh khắp tất cả chỗ chăng?
Đáp: Phật tánh khắp tất cả hữu tình, không khắp tất cả vô tình.
GIẢNG:
Chỗ này chúng ta hay trả lời vội Phật tánh khắp tất cả chỗ. Nhưng ở đây Ngài nói Phật tánh khắp nơi loài hữu tình, chẳng khắp nơi chúng vô tình.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Các bậc Đại đức tiền bối đều nói “xanh xanh trúc biếc đều là Pháp thân; rợp rợp hoa vàng không ngoài Bát-nhã”. Nay vì sao Thiền sư nói Phật tánh chỉ riêng khắp tất cả hữu tình, không khắp tất cả vô tình?
Đáp: Đâu thể đem xanh xanh trúc biếc, sánh đồng với công đức Pháp thân. Há cho rợp rợp hoa vàng, đồng với trí Bát-nhã ư? Nếu trúc xanh hoa vàng đồng với Pháp thân Bát-nhã, ở trong kinh nào đức Như Lai thọ ký Bồ-đề cho trúc xanh, hoa vàng? Nếu cho trúc xanh, hoa vàng đồng với Pháp thân Bát-nhã, đây tức là ngoại đạo nói. Vì cớ sao? Vì văn kinh Niết-bàn nói đầy đủ rõ ràng, không Phật tánh gọi là vật vô tình vậy.
GIẢNG:
Điểm này nhiều khi chúng ta cũng hiểu lầm. Nghe nói Phật tánh ở khắp, ta tưởng trùm khắp trong hữu tình và vô tình. Nhưng theo Ngài giải thì vật vô tình không có Phật tánh.
CHÁNH VĂN:
(31) Trưởng sử Đường Pháp Thông ở Tô Châu hỏi: Tánh chúng sanh cùng tánh Phật đồng hay khác?
Đáp: Cũng đồng cũng khác.
Lại hỏi: Vì sao cũng đồng cũng khác?
Đáp: Nói đồng cũng giống như vàng. Nói khác giống như đồ vật chén bát đó vậy.
GIẢNG:
Ví như vàng đem làm hoa tai, cà rá, chén, đĩa v.v… tất cả những thứ đó đều là vàng nên nói đồng. Nhưng mỗi vật hình tướng không giống nhau nên nói khác. Vì vậy Ngài nói:
Nói đồng cũng giống như vàng. Nói khác giống như đồ vật chén bát đó vậy.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Phật tánh này giống hay không giống vật?
Đáp: Không giống một vật gì.
Hỏi: Đã không giống vật gì. Vì sao gọi là Phật tánh?
Đáp: Nếu Phật tánh giống một vật, không gọi là Phật tánh.
GIẢNG:
Các câu này đơn giản. Nếu nói Phật tánh giống một vật thì không phải là Phật tánh.
CHÁNH VĂN:
(32) Pháp sư Giản ở Lư Sơn hỏi: Đài cao gương sáng hay chiếu vạn tượng, vạn tượng thảy đều hiện trong đó, ý này thế nào?
Đáp: Đài cao gương sáng hay chiếu vạn tượng, vạn tượng thảy đều hiện trong đó. Cổ đức truyền nhau cùng ngợi khen là diệu. Nay ở trong cửa này chẳng cho là diệu. Vì cớ sao? Lại như gương sáng thì hay soi vạn tượng, vạn tượng không hiện trong đó. Đây mới gọi là diệu. Vì cớ sao? Như Lai dùng Trí vô phân biệt hay phân biệt tất cả, đâu có tâm phân biệt mà hay phân biệt tất cả.
GIẢNG:
Ngài nói Đài cao gương sáng hay chiếu vạn tượng, vạn tượng thảy đều hiện trong đó. Cổ đức truyền nhau cùng ngợi khen là diệu. Nay ở trong cửa này chẳng cho là diệu. Cổ đức nói vạn tượng thảy đều hiện hình trong đài cao gương sáng, đó là diệu. Nhưng Ngài thì không phải vậy. Vì cớ sao?
Lại như gương sáng thì hay soi vạn tượng, vạn tượng không hiện trong đó. Đây mới gọi là diệu.
Lâu nay chúng ta thường lầm vạn tượng hiện trong gương sáng. Nhưng thật ra là gương sáng hay soi vạn tượng, chớ vạn tượng không hiện trong đó. Như mắt mình nhìn thấy tất cả vật, chớ không phải vật vô trong mắt mình. Con mắt sáng soi thấy tất cả vật nên con mắt mới là diệu dụng. Cho nên gương sáng hay soi mọi vật, nhưng ta nhìn trong gương thấy vật hiện, đó là bóng vật phản chiếu trong gương, chớ không phải vật ở trong gương.
Như vậy để thấy rằng tâm thanh tịnh, trong sáng biết tất cả vật, chớ không phải tất cả vật biết tâm. Nếu bảo tất cả vật ở trong tâm thì tâm đầy kín, mọi hình tướng đều mắc kẹt trong đó. Chỗ này rất là tế nhị, nếu không nắm vững ta sẽ hiểu lầm. Hiểu lầm thì không tốt.
Vì cớ sao? Như Lai dùng Trí vô phân biệt hay phân biệt tất cả, đâu có tâm phân biệt mà hay phân biệt tất cả.
Trí vô phân biệt hay phân biệt tất cả, chớ tâm phân biệt không thể phân biệt tất cả. Bởi vì Trí vô phân biệt là trí trùm khắp, không dính kẹt cái gì nên nó phân biệt được tất cả, biết được tất cả. Còn tâm phân biệt luôn dính cái này kẹt cái kia, nhìn hoa thì kẹt hoa, nhìn cây thì kẹt cây nên đâu có phân biệt tất cả được.
Ví dụ quí vị ngồi nghe tôi giảng, nếu tôi chú mục vào một người thì mấy trăm người còn lại, tôi không phân biệt được. Đó là vì tôi mắc kẹt vào một người. Như vậy cố phân biệt một vật thì không phân biệt được tất cả. Còn khi tôi nhìn tất cả không chú mục vào người nào, gọi là vô phân biệt, nhưng thật ra lúc đó tôi thấy biết tất cả. Như vậy ý nghĩa của câu này rất rõ ràng.
Chúng ta bây giờ có tật chú mục vào một hai người, nên rồi mắc kẹt đầu này đầu nọ, rốt cuộc là không biết gì. Người không mắc kẹt ở chỗ nào hết là người có trí vô phân biệt hay phân biệt được tất cả. Còn người để tâm phân biệt thế này thế nọ thì không phân biệt được tất cả.
CHÁNH VĂN:
(33) Trưởng sử Vương Di ở Dương Châu hỏi: Thế gian có Phật không?
Đáp: Nếu có thế gian tức có Phật. Nếu không thế gian tức không Phật.
GIẢNG:
Ngài đáp: Nếu có thế gian tức có Phật. Nếu không thế gian tức không Phật. Nghĩa là sao? Nếu chúng ta thấy thế gian là thật thì Phật có thật. Nếu chúng ta thấy thế gian là không thật thì Phật cũng không thật. Vì Phật ra đời để độ chúng sanh, nếu thế gian không có thì Phật độ ai? Không có ai để độ thì cũng không có Phật.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Quyết định có Phật hay là quyết định không có Phật?
Đáp: Không thể nói quyết định có, không thể quyết định không.
Hỏi: Vì sao nói không thể quyết định có, không thể quyết định không?
Đáp: Không thể quyết định có. Kinh Văn-thù Bát-nhã nói: Bát-nhã ba-la-mật không thể được. Bồ-đề, Niết-bàn cũng không thể được, Phật cũng không thể được. Cho nên nói không thể quyết định có.
Không thể quyết định không. Kinh Niết-bàn nói: Có Phật, không Phật, tánh tướng thường trụ. Do các chúng sanh, có phương tiện nhân duyên lành được thấy Phật tánh. Nên nói không thể quyết định không.
GIẢNG:
Hỏi vì sao không thể quyết định có? Ngài dẫn trong kinh Văn-thù nói rằng:
Bát-nhã ba-la-mật không thể được. Bồ-đề Niết-bàn cũng không thể được, Phật cũng không thể được. Cho nên nói không thể quyết định có.
Vì trong kinh Bát-nhã nói rằng, Bát-nhã không thể được, Bồ-đề Niết-bàn không thể được, Phật cũng không thể được, cho nên không thể quyết định có.
Không thể quyết định không. Kinh Niết-bàn nói: Có Phật, không Phật, tánh tướng thường trụ. Do các chúng sanh, có phương tiện nhân duyên lành được thấy Phật tánh. Nên nói không thể quyết định không.
Chúng ta thấy hai bên mâu thuẫn nhau. Tại sao cũng kinh Phật, mà kinh Văn-thù lại nói Bát-nhã không thể được, Bồ-đề Niết-bàn không thể được, Phật cũng không thể được. Kinh Niết-bàn lại nói có Phật, không Phật, tánh tướng thường trụ. Do các chúng sanh có phương tiện nhân duyên lành được thấy Phật tánh. Được thấy Phật tánh là có hay không?
Kinh Bát-nhã thuộc về Tánh không, kinh Niết-bàn thuộc về Thật hữu. Hệ kinh Niết-bàn, Hoa Nghiêm nói Phật tánh sẵn có, không thể nghi ngờ. Còn hệ Bát-nhã thì phá tất cả chấp về văn tự, danh tướng. Dù cho danh tự Bát-nhã, Bồ-đề Niết-bàn hay Phật cũng không thật. Vì vậy mà nói không thể được. Hệ Đại thừa thuộc về Hữu thì nói tánh tướng chân thật thường trụ. Hệ Đại thừa thuộc về Không thì phá tất cả nên nói không. Hai bên khác nhau, vì vậy chúng ta không thể căn cứ một bên mà phủ nhận hay xác nhận.
Tất cả pháp trên thế gian đứng về mặt duyên hợp Tánh không, cái gì có lập ra đều là duyên hợp, mà duyên hợp thì Tánh không. Còn đứng về Thể tánh thường trụ bất sanh bất diệt thì không phải là không. Kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết-bàn chỉ thẳng về Thể tánh. Còn kinh Bát-nhã nói tất cả pháp vừa lập danh ngôn đều là hư giả. Từ hệ Bát-nhã phá tất cả chấp rồi, chúng ta mới thấy được cái chân thật bất sanh bất diệt, đó là tới hệ Hoa Nghiêm, Niết-bàn. Hiểu vậy mới thấy toàn bộ tinh thần của Phật dạy, nếu chỉ đứng trên một mặt thì chẳng những không thể thấy hết mà còn có kiến chấp sai lầm.
CHÁNH VĂN:
(34) Tề tự chủ hỏi: Thế nào là Đại thừa?
Đáp: Là Tiểu thừa vậy.
GIẢNG:
Hỏi thế nào là Đại thừa? Đáp là Tiểu thừa vậy.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Nay hỏi Đại thừa, nhân đâu bảo là Tiểu thừa?
Đáp: Vì nhân có Tiểu thừa mới lập Đại thừa. Nếu không có Tiểu thì Đại từ đâu mà có. Nay nói Đại đó, là đại của nhà nhỏ. Nay nói Đại thừa rỗng không không có gì, tức là không thể nói đại, tiểu. Giống như hư không, rỗng không không có hạn lượng, không thể nói không hạn lượng. Hư không vô biên không thể nói vô biên, Đại thừa cũng vậy. Thế nên kinh nói: Trong hư không không có bờ mé, khoảng giữa, thân chư Phật cũng thế. Do đó, nay hỏi Đại thừa dùng Tiểu thừa để đáp, đạo lý rất rõ ràng, đâu nên lấy làm lạ.
GIẢNG:
Đại thừa là chỉ cho Thể tánh Bát-nhã, nó rỗng không thì đâu nói gì là Đại, Tiểu. Nói Đại thừa, Tiểu thừa là đứng trên lập trường đối đãi mà nói. Tinh thần của ngài Thần Hội là nối tiếp tinh thần của Lục Tổ.
Trong Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy ba mươi sáu pháp đối. Hỏi có lấy không đáp, hỏi lớn lấy nhỏ đáp, hỏi sáng lấy tối đáp, để biết rằng các pháp nương nhau mà có, nương nhau mà lập chớ không có một pháp thật. Vì vậy nói đại nói tiểu đều là căn cứ trên đối đãi mà lập, đã đối đãi mà lập thì không có thật. Cho nên ở đây nói rằng Đại thừa rỗng không không có gì, tức là không thể nói Đại, Tiểu. Về Thể tánh Đại thừa thì rỗng không, không có tướng đối đãi, vì vậy không thể nói đại, nói tiểu. Ngài dùng ví dụ giống như hư không, rỗng không không có hạn lượng, không thể nói không hạn lượng. Nó không có hạn lượng mà cũng không thể nói không hạn lượng. Câu này làm sao hiểu?
Hư không vô biên không thể nói vô biên, Đại thừa cũng vậy.
Chúng ta nhìn bầu trời thấy hư không, nhưng lấy gì đo lường hư không? Không có gì đo lường được, nhưng tại sao không thể nói không hạn lượng. Như hư không trong nhà này, ta có thể đo bề ngang mấy thước, bề dài mấy thước, bề cao mấy thước, tính thành mấy thước khối hư không. Như vậy trong một khung cảnh giới hạn thì hư không đo được, chỉ thể của hư không là vô giới hạn thôi. Do đó không thể nói không hạn lượng.
Tánh Phật của mình cũng thế, giống như hư không, nó không có tướng mạo, không có giới hạn. Nhưng nhét vào thân này rồi thì có giới hạn liền. Thân to, thân nhỏ gì nó cũng nằm khuôn trong đó. Bởi vậy kinh Hoa Nghiêm nói “phá vi trần xuất kinh quyển”, nghĩa là đập hạt bụi mà lấy quyển kinh. Quyển kinh bao to? Quyển kinh đó chép tất cả sự thật của vũ trụ này, nhét trong hạt bụi tí ti. Lượng quyển kinh lớn như thế mà nhét trong hạt bụi này được cũng hay.
Cũng vậy chúng ta có tánh Phật trùm hết, bây giờ nhét trong thân mấy chục ký đây, cũng như nhét trong hạt bụi. Chúng ta lấy được tánh Phật cũng như lấy được quyển kinh. Tánh Phật biết tất cả lẽ thật trong vũ trụ vì nó trùm hết. Nếu chúng ta khéo đập hạt bụi này để lấy quyển kinh đó ra thì ta sẽ thấu suốt toàn thể vũ trụ. Hạt bụi nào cũng có quyển kinh đó hết, chỉ không ai dám đập thôi, thành ra không lấy được quyển kinh. Đừng nghĩ đập hạt bụi là tự tử. Tự tử chết rồi, quyển kinh đó sẽ bị nghiệp cuốn đi chỗ khác, chớ không hiện ra đâu. Phần này kinh Bát-nhã chỉ cách thức đập hạt bụi rất rõ ràng. Như vậy tánh Phật của mình trùm khắp không giới hạn. Nhưng khi sanh vào các loài thì nó bị giới hạn.
Hư không vô biên không thể nói vô biên, Đại thừa cũng vậy. Thế nên kinh nói: Trong hư không không có bờ mé, khoảng giữa, thân chư Phật cũng thế. Do đó, nay hỏi Đại thừa dùng Tiểu thừa để đáp, đạo lý rất rõ ràng, đâu nên lấy làm lạ.
Sở dĩ nói có giới hạn không giới hạn hay nói lớn nói nhỏ đối đãi, để thấy cái chân thật không ở một bên, không ở giữa, không trên dưới, không có tướng mạo nào để đối chiếu được. Nhưng khi tùy duyên thọ sanh thì nó bị hạn chế. Vì vậy ở đây nói hỏi Đại thừa dùng Tiểu thừa đáp, để nói rằng lập một cái gì là do đối đãi giới hạn, chớ Thể chân thật mênh mông, không thể lường.
CHÁNH VĂN:
(35) Luật sư Hành hỏi: Kinh nói “thọ các xúc như trí chứng”. Nghĩa này thế nào?
Đáp: Thọ các xúc là nói Bản tánh không động, nếu người kia biết khác tức là động. Giống như bóng người hiện trong gương, mọi cử động thi vi đều là vô tâm. Nay thọ các xúc cũng lại như thế. Trí chứng kia là Trí bản giác. Nay nói trí chứng, tức do Trí bản giác hay biết, gọi là trí chứng. Mượn dụ sừng trâu để lập nghĩa. Chính khi sừng không thể nói như ý. Ngay khi như ý không thể gọi là sừng. Sừng kia tuy gồm tánh như ý, nhưng khi sừng chưa diệt, không thể gọi là như ý. Như ý tuy nhân sừng mà thành, thành rồi cũng không thể gọi là sừng. Kinh nói “diệt giác đạo thành”, nghĩa này như thế, “nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập”, nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận. Nếu ở trong Thể thanh tịnh có gì giác, có gì chiếu? Mọi người cho vật chất thế gian là có, tôi nói vật chất thế gian là không. Mọi người nói hư không là không, tôi cho hư không là có. Vì cớ sao? Vì vật chất thế gian do duyên hợp mà có, duyên tan liền không. Gặp lửa thì đốt cháy, gặp nước liền nhận chìm, không bao lâu sẽ phá hoại, do đó nói không. Hư không, lửa không thể đốt cháy, nước không thể nhận chìm, không thể phá hoại, không thể làm tan rã, do đó gọi là thường. Thế nên tôi cho là có vậy.
GIẢNG:
Ở đây dẫn trong kinh hỏi, khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp được như trí chứng là thế nào?
Thọ các xúc tức là thọ sáu trần, bản tánh không động, nếu người kia biết khác tức là động. Nói thọ các xúc như trí chứng là khi thọ nhận các xúc vẫn không dính, không động. Nếu thọ các xúc mà dấy niệm, khởi động đó không phải là trí chứng.
Giống như bóng người hiện trong gương mọi cử động thi vi đều là vô tâm.
Như bóng người trong gương dù đi đứng nói năng v.v… tất cả cử động đều là vô tâm.
Nay thọ các xúc cũng lại như thế.
Nghĩa là thọ các xúc mà không có niệm, không có sự dấy khởi nào.
Trí chứng kia là Trí bản giác. Nay nói trí chứng, tức do Trí bản giác hay biết, gọi là trí chứng.
Khi chúng ta đối duyên xúc cảnh mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị… đó là thọ các xúc. Thọ các xúc như trí chứng tức là thọ tất cả mà không dính không động. Trí chứng là trí nào? Là Trí bản giác của mình. Trong nhà Thiền thường nói ăn chỉ biết ăn, mặc chỉ biết mặc đó là thọ các xúc, chỉ biết thế thôi, không thêm gì nữa hết đó là như trí chứng. Còn ăn thấy ngon dở, mặc thấy đẹp xấu thì chưa được như trí chứng. Trí đó là trí hiện tiền, trí bản giác của mỗi người.
Mượn dụ sừng trâu để lập nghĩa. Chính khi sừng không thể nói như ý.
Trung Hoa thường lấy sừng trâu làm cái như ý, ở Việt Nam lấy sừng trâu làm tù và. Dùng sừng trâu làm ví dụ, chính khi sừng không thể nói như ý cũng như không thể nói tù và được. Sừng còn mang trên đầu con trâu thì nói tù và sao được.
Ngay khi như ý không thể gọi là sừng.
Khi đã thành cái như ý hay tù và thì không thể gọi là sừng trâu.
Sừng kia tuy gồm tánh như ý, nhưng khi sừng chưa diệt, không thể gọi là như ý. Như ý tuy nhân sừng mà thành, thành rồi cũng không thể gọi là sừng.
Như vậy sừng trâu và như ý, hai cái là một hay khác? Khi còn trên đầu con trâu thì không nói như ý được, khi làm như ý không nói sừng trâu được. Nhưng hai cái có rời nhau không? Tuy hai mà không hai, song mỗi thứ có một giá trị khác. Cho nên nói ngay khi như ý không gọi là sừng, sừng tuy gồm tánh như ý, nhưng khi sừng chưa diệt không thể gọi là như ý.
Tâm dấy động và Tâm như như của mình là hai hay là một? Khi nó dấy động thì không thể nói là Chân như được. Nhưng khi nó lặng xuống thì đó là Chân như, tuy hai mà một. Đứng ở mỗi vị trí khác nhau, cái này khởi thì cái kia ẩn. Khi ta thấy như ý hay tù và thì sừng trâu ẩn, khi nói sừng trâu thì tù và ẩn, mà hai thứ ấy không phải là khác.
Kinh nói “diệt giác đạo thành”, nghĩa này như thế, “nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập”, nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận. Nếu ở trong Thể thanh tịnh có gì giác, có gì chiếu?
Kinh nói “diệt giác đạo thành”, chữ giác này không phải Tánh giác, mà là giác chiếu phân biệt. Cho nên nói “nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập”.
Nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận.
Còn giác còn chiếu là đứng trên mặt kiến giải mà nói, còn cái thấy chân thật thì trùm khắp mà không có giác chiếu.
Ví dụ khi ta nhìn khắp cả bầu trời, trên là hư không, dưới là núi rừng cây cối. Mắt nhìn thấy hư không, núi rừng cây cối, mà không khởi phân tích núi này cao hay thấp, cây này thuộc loại cây gì v.v… lúc đó thấy hay không thấy? Thấy hết nhưng không có giác chiếu. Nếu khởi thấy núi này tên gì, cao bao nhiêu thước đó là có giác chiếu. Có giác chiếu thì cái thấy thật bị ẩn. Khi cái thấy hiện thì không có giác chiếu.
Tâm mình cũng vậy, thấy tất cả người tất cả vật mà không dấy niệm phân biệt đẹp xấu, thì cái thấy là cái thấy của Bản giác. Vừa khởi niệm phân biệt thì cái thấy đó liền trở thành cái thấy giác chiếu. Vì vậy nói cái thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập. Khi lập giác chiếu thì cái thấy không khắp.
Diệt giác đạo thành, giác tức là giác chiếu. Diệt hết giác chiếu thì đạo thành. Vì vậy nói nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập, nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận. Nếu ở trong Thể thanh tịnh có gì giác, có gì chiếu? Đứng về Bản thể thanh tịnh không có gì giác chiếu hết.
Mọi người cho vật chất thế gian là có, tôi nói vật chất thế gian là không. Mọi người nói hư không là không, tôi cho hư không là có.
Người ta nói tất cả vật chất thế gian là có, Ngài nói không. Người thế gian nói hư không là không, Ngài nói có. Cho nên cái nhìn của người thấy đạo ngược với thế gian.
Vì cớ sao? Vì vật chất thế gian do duyên hợp mà có, duyên tan liền không. Gặp lửa thì đốt cháy, gặp nước liền nhận chìm, không bao lâu sẽ phá hoại, do đó nói là không. Hư không, lửa không thể đốt cháy, nước không thể nhận chìm, không thể phá hoại, không thể làm tan rã, do đó gọi là thường. Thế nên tôi cho là có vậy.
Cái bị bại hoại có rồi sẽ thành không, còn cái không bại hoại tuy không thấy mà hiện tiền có. Như hư không, không ai đập nát được, còn cái bàn đốt là cháy rụi. Như vậy có mà phá hoại thành không. Còn không mà hiện tiền luôn có. Chỗ này thâm thúy vô cùng.
Chúng ta cứ cho rằng có nghĩ có suy là có tâm. Nhưng với con mắt của Phật Tổ thì cái nghĩ suy không phải là tâm, nó là vọng. Còn cái thầm biết thầm thấy thầm nghe đó mới là thật tâm. Thế gian khỏa lấp cái thật đó, chỉ lấy cái dấy động bóng dáng phân biệt cho là tâm mình. Bởi vậy cả ngày chạy theo cái điên đảo, sanh diệt liên miên. Cho nên Phật gọi là mê, vì bỏ cái thật nhận cái hư giả. Từ đó mà tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi lục đạo, lên xuống không có ngày cùng.
Giải thoát sanh tử là sống trở lại cái biết thường hằng của mình. Cái biết đó không tạo nghiệp, nên không dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Nhưng bây giờ đa số người thích luân hồi tốt tốt. Đời này mang thân không đẹp, tuổi thọ không dài, nhà không giàu… nên muốn đời sau thân đẹp, sống lâu, nhà giàu. Nhưng thử hỏi lại sung sướng như vậy có khỏi chết không? - Cũng phải chết.
Rõ ràng tất cả những thứ chúng ta mơ ước, chỉ có trong tạm bợ không thật. Vì vậy phải biết cái chân thật sẵn có nơi mình, sống với nó thì mới không mất. Còn chiếu giác phân biệt chỉ là tạm bợ không thật mà người thế gian cho là thật, là thực tế. Trong khi cái chân thật ngầm bên trong thì không thấy, nên Ngài mới nói: Thế gian nói vật chất là có, ta nói là không. Thế gian nói hư không là không, ta nói là có.
Chính vì vậy khi vừa thành đạo, đức Phật không muốn nói điều Ngài thấy Ngài biết. Bởi vì cái thấy của Ngài vượt khỏi tầm hiểu biết của thế gian, nên nói họ sẽ không tin. Bây giờ muốn nói cho họ chịu nghe, chịu tin buộc lòng phải hạ thấp xuống trong pháp đối đãi. Đây là khổ kia là vui, để họ sợ khổ cầu vui, rồi từ từ mới đưa tới chỗ cứu kính chân thật, chấm dứt hết mọi khổ vui.
Ví dụ như hiện giờ chúng ta nghèo, xấu, cà lăm chẳng hạn. Phật muốn dạy mình tu thì phải nói nếu nghèo nên ráng bố thí đời sau được giàu, nếu xấu nên ráng sống trong sạch đời sau được đẹp, nếu cà lăm nên ráng nói lời ngay thật đời sau sanh ra thông minh, nói năng lưu loát… nghe vậy ham họ mới chịu tu. Tu đó là tu trong sanh diệt tạm thời, chớ chưa phải tu trong cái chân thật. Song vì muốn độ chúng sanh, buộc lòng Phật phải dùng phương tiện dẫn từ từ như vậy, vì nói thẳng ra sợ họ không theo nổi.
Chư Tổ sau này vì muốn chỉ thẳng nên cứ đánh đập, nếu ai có thiện duyên lắm đột nhiên bừng sáng, còn không thì thôi, chớ chỗ nói không được thì các ngài không nói. Đó là điểm đặc biệt của chư Tổ.
CHÁNH VĂN:
(36) Quan Biệt giá Mã Trạch ở Tương Châu hỏi: Trạch ở nơi triều đình đã từng cung phụng, thưa hỏi các vị Tăng và Đạo sĩ trong thiên hạ, nhờ giải quyết các điều nghi ngờ của đệ tử, nhưng không sáng tỏ. Chẳng biết Thiền sư có giải quyết được điều nghi ngờ của Trạch không?
Đáp: Từ trước tới nay, tôi đã giải quyết các điều nghi cho mọi người, cũng không thiếu sót. Chẳng rõ Mã biệt giá nghi điều gì?
Mã biệt giá nói: Nay tôi muốn nói, nhưng e ngại Thiền sư không thể giải nghi cho Trạch.
Đáp: Chỉ cần Ngài nói ra, liền biết được hay chẳng được. Xưa nay Ngài không nói làm sao biết được?
Lúc đó, có Biệt giá Tô Thành, Trưởng sử Bùi Ôn, Tư mã Nguyên Quang Thiệu, ba vị nói: Ông nên nói ra với Thiền sư!
Mã biệt giá liền hỏi: Các vị Tăng trong thiên hạ đến Đế đình, chỉ nói nhân duyên không nói tự nhiên. Các Đạo sĩ trong thiên hạ đến Đế đình, tuy nói tự nhiên mà không nói nhân duyên?
Đáp: Các vị Tăng chỉ riêng lập nhân duyên không nói tự nhiên là Tăng ngu muội. Đạo sĩ chỉ riêng lập tự nhiên không nói nhân duyên là Đạo sĩ tối tăm.
GIẢNG:
Hỏi chư Tăng đến triều đình vua hỏi đạo thì nói lý nhân duyên, không nói tự nhiên. Còn các Đạo sĩ chỉ nói tự nhiên mà không nói nhân duyên. Như vậy là sao? Câu đáp của Ngài làm ta giật mình:
Các vị Tăng chỉ riêng lập nhân duyên không nói tự nhiên là Tăng ngu muội.
Vậy là chúng ta thuộc về Tăng ngu muội hết rồi, bởi mình cũng nói lý nhân duyên, chớ không bao giờ dám nói tự nhiên. Điều này thật ra nếu không thấy thấu suốt, chúng ta cũng bị kẹt.
CHÁNH VĂN:
Mã biệt giá nói: Nhân duyên trong Tăng gia có thể biết. Thế nào là lý tự nhiên của Tăng gia? Nếu là tự nhiên của Đạo gia thì đã biết. Thế nào là lý nhân duyên của Đạo gia?
Hòa thượng đáp: Tự nhiên của Tăng gia là Bản tánh của chúng sanh. Lại văn kinh đã nói: Chúng sanh có Trí tự nhiên, Trí vô sư. Đây là nghĩa tự nhiên. Nhân duyên trong Đạo sĩ gia, Đạo được gọi là tự nhiên. Đó là Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh muôn vật. Từ Đạo xuống dưới đều thuộc về nhân duyên. Nếu không có Đạo thì một từ đâu sanh. Nay nói một, là nhân Đạo mà lập; nếu không có Đạo, muôn vật không thể sanh. Nay nói muôn vật, là có Đạo mới có muôn vật; nếu không có Đạo cũng không có muôn vật, nay nói muôn vật đều thuộc về nhân duyên.
GIẢNG:
Đạo Phật nói nhân duyên là nói trên phương diện hình thức bên ngoài, thật ra bên trong đã có sẵn Tự nhiên trí, Vô sư trí rồi. Đó là tự nhiên trong Tăng gia. Nếu ta chỉ nói phần hình thức bên ngoài, bỏ quên phần cốt lõi bên trong thì không ngu là gì? Chỗ này thật khó, vì thường nói đến nhân duyên cũng là khá lắm rồi, không ngờ đó chỉ là bề nổi bên ngoài thôi, còn cái sâu thẳm bên trong là Tự nhiên trí, Vô sư trí mới là cốt lõi mà đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta. Vì vậy chỉ nói nhân duyên là Tăng ngu si.
Nhân duyên trong Đạo sĩ gia, Đạo được gọi là tự nhiên. Đó là Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh muôn vật.
Như từ Đạo sanh lưỡng nghi, lưỡng nghi sanh tứ tượng, tứ tượng sanh bát quát v.v…
Từ Đạo xuống dưới đều thuộc về nhân duyên.
Tức một hai ba về sau là nhân duyên.
Nếu không có Đạo thì một từ đâu sanh. Nay nói một, là nhân Đạo mà lập; nếu không có Đạo, muôn vật không thể sanh. Nay nói muôn vật, là có Đạo mới có muôn vật; nếu không có Đạo cũng không có muôn vật, nay nói muôn vật đều thuộc về nhân duyên.
Như vậy một là từ Đạo. Theo Lão gia Đạo là tự nhiên. Từ Đạo sanh một, sanh hai, sanh ba, sanh đủ thứ muôn vật hết, đây không phải nhân duyên là gì? Như vậy Đạo sĩ chỉ nói gốc mà bỏ ngọn nên cũng thành mê muội.
Ngài giải thế này là thấy tột mới dám nói, nếu thấy thường thì không dám nói. Như vậy chúng ta nói nhân duyên, nói Tứ đế, nói gì đi nữa cũng là trên phần nổi, đi tới chỗ cứu kính là Tự nhiên trí, Vô sư trí phát sanh. Đó mới là gốc. Tự nhiên trí, Vô sư trí là tự nhiên, không phải nhân duyên. Còn Đạo giáo nói tự nhiên không nói nhân duyên, vậy thì từ Đạo sanh ra lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, đó là gì? Nếu nói một phần bỏ một phần là mê muội.
CHÁNH VĂN:
(37) Đệ tử Tỳ-kheo Vô Hạnh hỏi: Ở Tương Dương Vô Hạnh thấy Pháp sư Tuấn và Pháp sư Chữ nơi Hòa thượng đường, cùng bàn luận sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; và Long nữ phát tâm trong khoảng sát-na liền thành chánh giác. Các nghĩa như thế Vô Hạnh ở chỗ này có nghi.
Hòa thượng hỏi: Ông thấy chư Pháp sư hỏi thế nào?
Đáp: Con thấy Pháp sư Phẩm hỏi Pháp sư Tuấn: “Thế nào là sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc?” Pháp sư Tuấn đáp: “Mượn thân tướng Pháp sư để làm sáng tỏ nghĩa này. Thế nào là Pháp sư? Nếu nói mắt chẳng phải Pháp sư, miệng cũng chẳng phải Pháp sư, cho đến tai, mũi… xem xét từng phần, đều không phải Pháp sư, chỉ có giả danh, tìm Pháp sư trọn không thể được, tức là không. Vì giả duyên mà có tức là sắc.”  Vô Hạnh đã nghi khi nghe Pháp sư Tuấn giải thích như thế. Mong Hòa thượng chỉ bày yếu chỉ?
GIẢNG:
Nếu chúng ta giải thích chắc cũng tương tự thế. Bởi vì thấy tướng từng phần thì không phải Pháp sư, duyên hợp tất cả các thứ lại mới có giả tướng Pháp sư. Có Pháp sư tức là sắc, đó là từ không biến thành sắc nên nói không chẳng khác sắc. Đây là lý giải của Pháp sư Tuấn.
CHÁNH VĂN:
Hòa thượng bảo: Như chỗ luận bàn của Pháp sư, tự tạo đạo lý nhất gia. Nếu tìm ý kinh tức chưa tương ưng. Chỗ Pháp sư Tuấn nói là phân tích vật để rõ không, không biết tâm cảnh cao như núi Tu-di. Ông hãy lắng nghe ta vì ông lược nói: Tâm ấy khởi tức là sắc, sắc không thể được tức là không. Lại nói: Pháp tánh diệu hữu nên tức sắc, sắc diệu hữu nên tức không. Vì thế kinh nói: Sắc không khác không, không chẳng khác sắc. Lại nói: Thấy tức sắc, thấy không thể thấy tức không. Do đó, kinh nói: Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.
GIẢNG:
Như chỗ luận bàn của Pháp sư, tự tạo đạo lý nhất gia.
Nhất gia là một nhà.
Nếu tìm ý kinh tức chưa tương ưng.
Như vậy chỉ là lấy ý riêng của mình để giải thôi, không phải là ý kinh.
Chỗ Pháp sư Tuấn nói là phân tích vật để rõ không, không biết tâm cảnh cao như núi Tu-di.
Đây chỉ là phân tích vật để rõ nghĩa không, chớ không biết tâm cảnh cao như núi Tu-di.
Ông hãy lắng nghe ta vì ông lược nói: Tâm ấy khởi tức là sắc, sắc không thể được tức là không.
Ngài nói một cách hết sức đơn giản. Như Tâm thể thanh tịnh của mình vừa dấy niệm lên, là duyên theo bóng dáng bên ngoài, đó là thành sắc rồi. Nhưng cái sắc đó không thật, nên sắc không thể được tức là không. Một câu này đủ biết chỗ thấy của Ngài sâu cùng tột. Đó là giải một lần căn bản.
Lại nói: Pháp tánh diệu hữu nên tức sắc, sắc diệu hữu nên tức không.
Nghĩa là Pháp tánh hay Chân không khởi ra diệu hữu. Diệu hữu tức là sắc, mà diệu hữu từ chân không, vì vậy nói sắc diệu hữu nên tức không. Chỗ này cũng đi sâu trong chân không diệu hữu mà nói. Chân không khởi dụng đó là diệu hữu, khởi dụng tức là sắc. Dụng diệu hữu đó từ chân không mà có, lặng xuống thì trở về chân không tức là không. Đây Ngài đi thẳng trong nội tâm, từ thể chân không vừa dấy động lên làm tất cả Phật sự, đó là diệu hữu. Chân không, diệu hữu không hai; cũng nói tâm sắc không hai. Như vậy cả hai lý Ngài vừa giải quá là sâu.
Vì thế kinh nói: Sắc không khác không, không chẳng khác sắc. Lại nói: Thấy tức sắc, thấy không thể thấy tức không.
Câu này thật khó hiểu. Thấy tức sắc, thấy không thể thấy tức không là sao? Như tôi nhìn bình hoa, thì bình hoa là sắc. Ngài nói thấy tức là sắc, nghĩa là thấy được bình hoa là thấy sắc. Thấy không thể thấy tức không, nghĩa là cái hay thấy bình hoa không thể thấy được, đó là không. Chỗ này tế nhị làm sao!
Như vậy cái bị thấy là sắc, cái hay thấy là không. Ngài đi thẳng nên rất gần, rất rõ ràng. Mới thấy giá trị tu đốn giáo thật là hay. Tất cả cái hiểu của chúng ta ngày nay chỉ phân tích trên ngọn ngành, chớ không đi sâu tận bên trong từ chân không diệu hữu, từ tánh thấy và sự vật.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Nghe là nghe có tiếng, nhưng cái hay nghe không thể nói được tức là không. Không mà không phải không, có mà chẳng thật có. Nói ngược lại cái hay nghe là thật, cái tiếng ở ngoài là giả. Cái bị thấy là giả, cái hay thấy là thật.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Chúng sanh phiền não vô lượng vô biên. Chư Phật Như Lai, Bồ-tát lớn, nhiều kiếp tu hành, do đâu không thể được. Vì sao Long nữ phát tâm, trong khoảng sát-na liền thành chánh giác?
Hòa thượng đáp: Phát tâm có đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau. Nếu mê tức nhiều kiếp, ngộ trong khoảng chốc lát, nghĩa này khó biết. Ta vì ông trước lấy ví dụ về công việc, sau rõ nghĩa này, hoặc có thể nhân đây mà được ngộ giải. Thí như quay một cuộn tơ, số kia vô lượng. Nếu kết thành sợi dây, đặt ở trên cây, dùng kiếm bén chặt một cái, cùng một lúc đều lìa. Số sợi tơ tuy nhiều, không hơn một đường kiếm. Người phát tâm Bồ-đề cũng lại như thế. Nếu gặp thiện tri thức chân chánh, dùng phương tiện khéo léo, chỉ thẳng Chân như, dùng Trí tuệ kim cang, đoạn các vị địa phiền não, hoát nhiên tỏ ngộ, tự thấy Pháp tánh xưa nay không tịch, trí tuệ minh liễu, thông đạt vô ngại. Khi chứng được như thế, muôn duyên đều dứt. Vọng niệm như hằng sa, cùng một lúc chóng hết. Công đức vô biên, ngay đây đều đầy đủ. Trí tuệ kim cang phát khởi, do đâu chẳng thành.
GIẢNG:
Trong kinh Pháp Hoa nói Long nữ vừa dâng ngọc cúng Phật, sau đó thành Phật. Câu hỏi này nói cho rõ là: “Chúng sanh phiền não vô lượng vô biên. Chư Phật Như Lai, Bồ-tát lớn, nhiều kiếp tu hành, do đâu không thể được. Tại sao Long nữ mới phát tâm dâng cúng Phật liền đó thành Phật đạo?”
Hòa thượng đáp:
Phát tâm có đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau.
Câu này xác nhận người phát tâm có đốn và tiệm, nhưng mê ngộ thì có chậm mau khác nhau.
Nếu mê tức nhiều kiếp, ngộ trong khoảng chốc lát, nghĩa này khó biết.
Mê thì tu nhiều kiếp vẫn chưa giải thoát, còn ngộ chỉ trong khoảng chốc lát. Ví dụ ngày xưa mình chưa biết tu, chưa từng biết đạo lý, nên thấy và hiểu giống như người thế gian. Ngày nay biết tu, mình thức tỉnh nên chán bỏ những gì thế gian đang say mê. Như vậy là ta đã tỉnh ngay khi biết các thứ hư giả. Thời gian tỉnh đó trong bao lâu? Hết mê liền tỉnh, chỉ trong chốc lát chớ gì. Cũng như ngày xưa có những bộ kinh mình học không hiểu, ngày nay bỗng dưng sáng ra ý đó. Giờ phút sáng ra chừng bao lâu? Thời gian tìm kiếm mà không thấy thì lâu, nhưng phút bất thần sáng ra chỉ trong chớp mắt. Cho nên trong nhà thiền thường nói tu thì tiệm mà ngộ thì đốn là vậy.
Ở đây Ngài nói mê ngộ không giống nhau, mê tức nhiều kiếp mà ngộ trong khoảng chốc lát. Nhiều người hỏi tôi tu chừng nào ngộ? Ai dám trả lời? Chừng nào ngộ thì tự biết, chớ không ai nói được. Bởi điều đó người khác làm sao nói được, chỉ mình tự ngộ tự biết. Có khi giờ trước còn si mê, giờ sau tỉnh sáng hết si mê, đâu có lường trước nổi. Vì vậy cứ tu chừng nào ngộ thì sáng, chưa ngộ thì chịu mê thôi, chớ không đặt vấn đề thời gian.
Ngài tạm dùng ví dụ như nhiều sợi tơ cuộn lại, kết thành một sợi dây treo trên cây. Nếu dùng một cây kiếm bén chặt một cái, sợi dây đứt ngang, tức bao nhiêu cuộn tơ đều đứt hết. Cũng thế, mê muội của mình muôn ngàn lớp nhưng chỉ một nhát kiếm trí tuệ sáng vút lên liền đứt hết. Hôm qua tâm dạ-xoa bữa nay mặt Bồ-tát, không thể lường nổi. Vì vậy nên nói ngộ là đốn, chớ không phải tiệm. Chỗ này rất quan trọng.
Nếu gặp thiện tri thức chân chánh, dùng phương tiện khéo léo, chỉ thẳng Chân như, dùng Trí tuệ kim cang, đoạn các vị địa phiền não, hoát nhiên tỏ ngộ, tự thấy Pháp tánh xưa nay không tịch, trí tuệ minh liễu, thông đạt vô ngại.
Chính chỗ này tôi mới thấm nghĩa tại sao có đốn ngộ, tiệm tu. Thiền tông thì chỉ thẳng đốn ngộ, còn tu theo Thiền nguyên thủy thì gọi là tiệm tu.
Ví dụ để đối trị các phiền não, ta chỉ đơn cử tham sân si thôi. Như tham sắc thì dạy quán bất tịnh. Quán bao lâu? Quán phải bao nhiêu năm trời mới thấm. Xong phần quán bất tịnh rồi, bỏ được tham sắc. Đến tham tài, lại phải quán bao lâu? Cứ thế quán lần lượt hết tham tài đến tham danh, tham thực, tham thùy… mỗi thứ phải thời gian quá dài. Đó là mới quán trên tham, chưa kể sân si. Cho nên nói tiệm tu, phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp.
Bây giờ đi thẳng Bát-nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, tức soi thấy năm uẩn đều không thật là phá được tất cả, không đi theo từng thứ. Đây gọi là đốn. Vì vậy dùng Trí tuệ Bát-nhã phá một lần gọi là kiếm Kim cang, chuyển mê thành ngộ chỉ trong chốc lát.
Như ta nhìn cây tùng phải quán từng nhánh, từng cội rễ, chia chẻ phân tích nó hút bùn đất thế nào để lớn v.v… quán như vậy đòi hỏi một thời gian lâu xa. Bây giờ chỉ cần nhìn tổng quát cây tùng duyên hợp hư giả, không có gì phải chia chẻ phân tích hết, nó là như vậy. Cho nên tinh thần Bát-nhã đi sâu tất cả các pháp, chủ yếu là duyên hợp, Tánh không. Đó là nói theo lý kinh Bát-nhã.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Nghe Pháp sư Tuấn nói: Long nữ là tạm đặt ra, không phải thật. Nếu là sự thật phát tâm trong khoảng sát-na, đâu thể đoạn được các vị địa phiền não? Nghe Pháp sư Tuấn nói như thế Vô Hạnh có nghi, mong Hòa thượng chỉ bày thêm?
Hòa thượng dạy: Trước đã dẫn dụ cuộn tơ để làm sáng tỏ, phải nên thấy rõ, vì sao lại nghi? Kinh Hoa Nghiêm nói: Sơ thập tín phát Kim cang tuệ, liền thành chánh giác. Pháp Bồ-đề đâu có thứ lớp? Nếu nói Long nữ là quyền đặt, thì kinh Pháp Hoa giáo nghĩa viên đốn không thể nghĩ lường có oai lực gì?
GIẢNG:
Ở đây người hỏi nghi Long nữ là giả đặt ra chớ không có thật. Ngài nói nếu Long nữ là quyền đặt thì toàn bộ kinh Pháp Hoa, giáo nghĩa viên đốn còn có giá trị gì, như vậy là phủ nhận kinh. Đó là một tội lỗi lớn.
CHÁNH VĂN:
(38) Đệ tử Vô Hạnh hỏi: Nghe Pháp sư Tuấn nói: Kinh Pháp Hoa nói nghĩa ngũ nhãn của Như Lai là từ giả vào không gọi là Tuệ nhãn; từ không vào giả gọi là Pháp nhãn; phi không phi giả gọi là Phật nhãn. Đạo tục ở thành đô đều tán thán không thể nghĩ lường. Vô Hạnh ở chỗ này có nghi, chưa rõ lời nói kia có đúng không?
Hòa thượng bảo: Ông có gì nghi ngờ, nay thử nói xem?
- Vô Hạnh nghi ở chỗ kinh nói: Thiên nhãn của Như Lai thường ở trong chánh định, đều thấy quốc độ của chư Phật không có hai tướng. Vì sao Tuệ nhãn cần phải từ giả vào không? Vì sao Pháp nhãn lại từ không vào giả? Nếu như thế đều là làm nhân cho nhau. Nếu chẳng nhân giả, tức không thể vào không. Nếu chẳng nhân không, tức không thể vào giả. Nên biết vào không tức chẳng giả, vào giả tức chẳng không. Giả không hai đường, pháp tuệ khác nhau. Mắt Phật viên chân, không nên có khác, kiến nghi như thế, cúi xin chỉ bày?
Hòa thượng bảo: Con người có lợi độn, tức có đốn tiệm. Lời Pháp sư dạy là đối với người mê. Nếu luận về ngũ nhãn Như Lai, thật không như thế. Như Lai thị hiện đồng với phàm phu, nên nói có Nhục nhãn. Tuy nhiên như thế, chỗ thấy cùng phàm phu chẳng đồng.
Vô Hạnh lại bạch Hòa thượng: Cúi xin Ngài chỉ dạy?
Hòa thượng bảo: Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn. Thấy Thể thanh tịnh gọi là Thiên nhãn. Thấy Thể thanh tịnh nơi các chánh định và tám muôn bốn ngàn môn ba-la-mật đều ở trên cái thấy, đồng thời khởi dụng, gọi là Tuệ nhãn. Thấy Thể thanh tịnh, không thấy không có gì không thấy, gọi là Pháp nhãn. Thấy chẳng phải tịch, chẳng phải chiếu, gọi là Phật nhãn.
GIẢNG:
Phần này nghi rất hay, rất sâu về ngũ nhãn. Ở đây Ngài giảng về ngũ nhãn rất sâu.
Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn.
Sắc là tướng giả dối tạm bợ, nhưng nếu nhìn với con mắt thanh tịnh không nhiễm nhơ, thì đó là Nhục nhãn của Phật.
Thấy Thể thanh tịnh gọi là Thiên nhãn.
Nhận biết được Thể thanh tịnh đó là Thiên nhãn.
Thấy Thể thanh tịnh nơi các chánh định và tám muôn bốn ngàn môn ba-la-mật đều ở trên cái thấy, đồng thời khởi dụng, gọi là Tuệ nhãn.
Tuệ nhãn là thấu triệt được tất cả pháp, tất cả môn.
Thấy Thể thanh tịnh, không thấy không có gì không thấy, gọi là Pháp nhãn.
Tức là căn cứ trên Thể thanh tịnh đó mà không thấy không gì không thấy. Tức là không có một pháp thật, mà không có cái gì không phải thật, đó gọi là Pháp nhãn.
Thấy chẳng phải tịch, chẳng phải chiếu, gọi là Phật nhãn.
Cuối cùng là Phật nhãn, không phải tịch, cũng không phải chiếu đó gọi là Phật nhãn. Tức không còn dụng đối đãi. Đó là Ngài nói về ngũ nhãn.
CHÁNH VĂN:
(39) Cấp sự Trung Phòng Oản hỏi: Nghĩa phiền não tức là Bồ-đề?
Đáp: Nay mượn hư không làm ví dụ. Như hư không xưa nay không động tĩnh, chẳng do sáng đến liền sáng, tối đến liền tối, tối không này chẳng khác sáng không, sáng không chẳng khác tối không. Sáng tối tự có đến đi, hư không vốn không động tĩnh. Phiền não tức là Bồ-đề, nghĩa này cũng vậy. Mê ngộ tuy có khác, tâm Bồ-đề xưa nay chẳng động.
GIẢNG:
Ngài nói phiền não tức Bồ-đề qua ví dụ hư không. Như hư không trong nhà này, ban đêm tắt đèn thì gọi là hư không tối, mở đèn thì gọi là hư không sáng. Hư không trong nhà thành tối thành sáng là do có đèn và không đèn. Hư không có khác không? Hư không có hai không? Như vậy chính khi mở đèn tức là Bồ-đề, khi tắt đèn tức là phiền não. Tắt đèn là tối, mở đèn là sáng. Mở đèn dụ cho Bồ-đề, tắt đèn dụ cho phiền não. Có sáng có tối mà không ngoài hư không.
Cũng vậy, có mê có giác mà không ngoài Thể tâm thanh tịnh. Mê giác là hai tướng của Tâm thanh tịnh thôi, chớ Tâm thanh tịnh không có mê giác. Ngay nơi tướng mê mà tỉnh thì thành giác, cũng như ngay nơi tướng tối mở đèn thì thành sáng. Như vậy phiền não tức Bồ-đề, không hai không khác.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Có phiền não gì lại dùng ngộ?
Đáp: Kinh nói: Phật vì người căn cơ bậc trung hạ nói pháp mê ngộ. Người thượng căn thì không như thế. Kinh nói: Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên không có chỗ được. Rõ được nghĩa này liền cùng Cấp sự thấy không khác. Thấy được như thế, người bậc trung hạ chẳng thể lường được.
GIẢNG:
Hỏi phiền não không thật thì có phiền não gì cần dùng ngộ mà dẹp?
Ngài đáp: Phật vì người căn cơ bậc trung hạ nói pháp có mê, có ngộ tức nói pháp có hai bên. Ví dụ như mình muốn giải thích cho người ta hiểu cái nhà này tại sao tối, tại sao sáng thì phải nói có đèn không đèn. Nếu luận về hư không trong nhà này, cần gì phải nói có đèn không đèn. Hư không mở đèn nó cũng không thêm, tắt đèn nó cũng không bớt. Hư không là hư không.
Người thượng căn thì không như thế.
Người thượng căn thì chỉ thẳng thôi, còn người trung hạ phải nói có mê ngộ mới có thể khuyên tu được.
Kinh nói: Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên không có chỗ được.
Tại sao nói Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai? Phần nhiều chúng ta nói “hồi xưa tôi phát tâm Bồ-đề”. Hồi xưa là quá khứ. Mà quá khứ, hiện tại, vị lai là căn cứ trên pháp sanh diệt của ba thời mà đặt, Bồ-đề không nằm trong pháp sanh diệt đó nên không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta biết rõ Thật thể Bồ-đề không có sanh diệt, tại sao lại nói quá khứ, hiện tại, vị lai? Nếu có quá khứ, hiện tại, vị lai tức chỉ tạm giả mà đặt tên, chớ Thật thể Bồ-đề không sanh diệt, thì làm gì có quá khứ, hiện tại, vị lai.
Rõ được nghĩa này liền cùng Cấp sự thấy không khác.
Nếu rõ được nghĩa này thì ông và tôi thấy không khác. Nếu ông còn thắc mắc có phiền não, có Bồ-đề tức là chưa hiểu nhau.
Thấy được như thế, người bậc trung hạ chẳng thể lường được.
Người trung hạ không thể hiểu nổi, chỉ có bậc thượng căn mới thấy được như vậy, hiểu được như vậy thôi.
Chỗ này rất sâu sắc, rất cao siêu. Nếu chúng ta hiểu tột cùng mới biết tất cả phiền não, sanh tử chỉ là trò chơi, không có gì thật hết. Biết thế thì còn sợ gì phiền não, sanh tử nữa. Người đời cả ngày bị phiền não quấy nhiễu, rồi tạo nghiệp đi trong sanh tử không cùng. Vì vậy ở đây chỉ cho chúng ta biết cái chân thật cứu kính đó vượt ngoài đối đãi phiền não hay Bồ-đề.
CHÁNH VĂN:
(40) Huyện úy huyện Tuấn Nghi Lý Oan hỏi nghĩa tự nhiên. Hỏi: Đầu tiên Phật từ nhân được đạo chăng? Nếu nói không từ nhân được đạo, tóm lại do giáo pháp nào mà được thành Phật?
Đáp: Chúng sanh sẵn có Vô sư trí, Tự nhiên trí. Chúng sanh nương tựa Tự nhiên trí mà được thành Phật. Phật đem pháp này lần lượt giáo hóa chúng sanh, được thành Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Hỏi đức Phật khi chưa tu, do nhân gì mà được đạo? Nếu không có nhân thì từ giáo pháp nào Ngài được thành Phật?
Đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề, Ngài học pháp gì, tu pháp gì? Ngài không học pháp gì hết, mà chỉ lặng tâm an định thôi. Khi tâm an định rồi Vô sư trí, Tự nhiên trí hiện tiền. Nhờ thế Ngài thấy biết vượt những thấy biết tầm thường của chúng sanh, nên Ngài mới tuyên bố ta đã giác ngộ. Trong kinh Pháp Cú ghi lại, đức Thế Tôn sau khi thành đạo đã nói: “Ta học đạo không có thầy.”
Như vậy để thấy rằng tất cả chúng ta mê lầm chấp niệm nghĩ suy phân biệt hơn thua phải quấy là tâm. Nên rồi đua nhau giành hơn giành thua, giành phải giành quấy, từ năm này đến tháng nọ không dừng. Khi chạy theo hơn thua rồi thì Tự nhiên trí Vô sư trí bị ẩn khuất. Cho nên Phật dạy tu là dừng tâm sanh diệt chạy theo hơn thua phải quấy. Nó lặng được bao nhiêu thì Trí vô sư lóe sáng bấy nhiêu. Nếu dừng được toàn bộ thì Tự nhiên trí, Vô sư trí hiện tròn đầy. Đó là học đạo, học đạo mà không có ai dạy. Cho nên Phật nói “ta học đạo không thầy”.
Bây giờ chúng ta học đạo có Phật là có thầy, nên không cần tìm kiếm như đức Phật ngày xưa nữa, chỉ cần tìm cho ra Ông chủ của mình. Muốn thế, Phật bảo phải dừng tất cả vọng niệm thì Ông chủ mới hiện, chỉ làm bao nhiêu đó thôi.
Chúng ta nhìn kỹ ba Tạng kinh điển Phật nói ra, có bao nhiêu pháp môn? Có pháp môn nào dạy không dừng vọng tưởng, không lặng vọng tưởng không? Pháp môn nào cũng đi tới chỗ đó, chớ không gì khác. Nhưng có đốn tiệm khác nhau vì căn cơ mỗi người, yếu mạnh khác nhau. Người mạnh thì dứt một lần là xong, cũng như Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, hất một cái núi non nhào lăn hết. Cho nên đi theo tinh thần đốn phải người mạnh, mới hiểu mới làm nổi.
Còn kẻ yếu đuối thì dụ từ từ, không thể đi thẳng được. Nên ở đây nói lần lượt giáo hóa chúng sanh, được thành Chánh đẳng Chánh giác, đó là Phật theo thứ lớp. Chớ thật ra thì chỉ thẳng chúng sanh có Vô sư trí và Tự nhiên trí, ai nhận ra và sống được liền thành Chánh giác.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Chúng sanh về trước nói có Tự nhiên trí nên được thành Phật. Do đâu chúng sanh ngày nay sẵn có Phật tánh, vì sao lại nói không có Tự nhiên trí, không được thành Phật?
Đáp: Chúng sanh tuy có Phật tánh, Tự nhiên trí, vì mê nên bất giác bị phiền não che đậy, trôi nổi trong sanh tử, không được thành Phật.
GIẢNG:
Nếu trước Phật có Tự nhiên trí, Vô sư trí, Ngài tu thành Phật. Bây giờ chúng ta cũng có, tại sao không thành Phật?
Ngài dạy sở dĩ chúng ta cũng có Phật tánh, cũng có Tự nhiên trí nhưng chưa thành Phật vì mê nên bất giác. Từ bất giác quên Phật tánh mình, quên Tự nhiên trí của mình, bị phiền não che đậy rồi trôi nổi trong sanh tử, không thành Phật được. Đó là tại vì phiền não che đậy.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Chúng sanh xưa nay Tự tánh thanh tịnh, phiền não kia từ đâu mà sanh?
Đáp: Phiền não cùng Phật tánh đồng thời có, nếu gặp Thiện tri thức chân chánh chỉ bày, có thể liễu tánh ngộ đạo. Nếu không gặp Thiện tri thức chân chánh, sẽ tạo các ác nghiệp không thể ra khỏi sanh tử, cho nên không được thành Phật. Thí dụ như vàng và quặng cùng một lúc lẫn nhau. Nếu không gặp người thợ luyện vàng, chỉ gọi là quặng vàng, không được vàng ròng. Nếu gặp người thợ vàng, đun nấu luyện lọc, liền được vàng ròng. Như phiền não nương tánh mà trụ, nếu rõ được Bản tánh, phiền não tự không.
GIẢNG:
Nói điều này để chúng ta thấy mình tu giống như những người thợ đi tìm vàng vậy. Phải đãi cát đãi quặng bỏ mới lấy được vàng. Vàng được rồi còn phải luyện lọc. Như vậy vàng và các thứ nhơ đó không phải riêng, nó chung một mỏ. Người khéo luyện thì lấy được vàng, không khéo luyện thì không lấy được, chớ vàng không phải từ đâu lại.
Ác nghiệp hay thiện nghiệp của mình cũng thế, nếu không gặp Thiện tri thức chỉ dạy, ta cứ tạo nghiệp. Nếu Thiện tri thức chỉ dạy ta sẽ tìm được cái chân thật ngay nơi mình, chớ không từ đâu đến.
CHÁNH VĂN:
Hòa thượng hỏi lại: Như lễ ở thế gian, là có từ xưa hay ngày nay mới có?
Lý thiếu phủ đáp: Nhân người chế ra nên nay mới có lễ.
Hòa thượng bảo: Nếu nhân người chế ra nên nay mới có, chó sói tế thú, rái cá tế cá… thiên nhiên tự giải thích, đâu do người chế ra. Nếu ngoài lý này, trước đã có nói rõ ràng. Như Phật tánh chúng sanh cũng lại như thế. Đây là xưa nay tự sẵn có, không từ nơi người khác mà được.
GIẢNG:
Tất cả chúng sanh ai cũng có tánh Phật, nên được nhắc chỉ liền biết trở về. Vì vậy người Thiện tri thức chân chánh thiết yếu không gì sánh bằng.
Chúng ta tu nếu không gặp Thiện hữu tri thức chỉ, thì không biết đâu là chánh đạo mà tìm. Thiện tri thức thấy rõ chỉ cho, chúng ta mới biết. Biết rồi thì can đảm mạnh mẽ vươn lên sẽ thành công. Nếu cứ chần chờ hoặc yếu đuối thì tự ta không đạt được kết quả mong muốn, chớ không do ai cả. Tại sao người ta có khả năng như vậy, mình cũng có khả năng như vậy, mà người ta làm được còn mình làm không được? Do đó ở trong đạo phải có ý chí mạnh mẽ. Ý chí mạnh mẽ là lực đẩy mình vượt qua mê lầm. Người không có ý chí mạnh mẽ không thể tự nỗ lực, nên việc tu rất khó tiến.
Chúng ta gặp được thầy lành bạn tốt chỉ dạy là điều rất khó rất quí. Gặp được rồi mà không cố gắng tu, cứ chần chờ qua ngày thì thật là uổng một kiếp người, về sau không biết có gặp lại được không. Từ đó trôi lăn không có ngày cùng, bởi vì nghiệp kéo lôi mình đi trong luân hồi sanh tử. Chính tâm đuổi theo những hơn thua phải quấy là tâm chủ tạo nghiệp. Nếu chúng ta không dừng được thì không bao giờ hết nghiệp, không hết nghiệp thì không bao giờ ra khỏi sanh tử.
Toàn bộ kinh điển Phật dạy đều cốt dừng hết nghiệp. Muốn hết nghiệp thì phải dừng tâm vọng tưởng. Vì vậy bao nhiêu thời gian chúng ta dồn sức cố gắng tu, không làm công kia việc nọ nhiều, chỉ ở trong Thiền viện cảnh tỉnh nhau tu hành. Cho nên dù một đời này ta chưa giác ngộ viên mãn, nhưng ít ra cũng lóe được đôi phần. Như vậy mới không uổng, không đáng tiếc một đời tu.
Đường tu thấy như thăm thẳm, nhưng xét lại thực tế nó ngay dưới gót chân mình. Nhưng vì chúng ta cứ ngó tới ngó lui hoài thành ra trôi lăn không biết đâu là cùng. Nên biết đúng nghĩa của sự tu là phản quan, tức nhìn lại mình, đó là điều trọng yếu. Chúng ta khám phá con người mình, chớ không khám phá vũ trụ. Ngày nay người ta tìm kiếm trong vũ trụ chỗ này chỗ kia, mà không khám phá mình. Còn người tu là khám phá mình mà không khám phá bên ngoài. Bởi vậy người tu mới nhìn thấy như tiêu cực, người đời tích cực, nhưng sự tiêu cực ấy sẽ đưa tới kết quả không bao giờ sanh diệt, không bao giờ mất; còn sự tích cực của người đời cuối cùng sẽ dẫn tới hoại diệt.
Ví dụ người lo làm giàu, cất nhà lầu xe hơi, tiền bạc đầy kho, nhưng tới bảy tám mươi tuổi tắt thở, tất cả đều bỏ lại hết. Còn người tìm cho ra được cái chân thật không bại hoại của mình, thân này có mất cái ấy vẫn không bao giờ mất. Ai quí hơn ai? Chúng ta tu phải hiểu thấu đáo chỗ này mới quí trọng việc tu của mình, vì nó quá cao siêu, quá thực tế chớ không phải mơ màng. Nhờ thế chúng ta mới nỗ lực tu, không chần chờ qua ngày, uổng đi một đời.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 483
  • Khách viếng thăm: 477
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 31218
  • Tháng hiện tại: 291150
  • Tổng lượt truy cập: 59731167

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile