Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Tập 3 - Phẩm 27 - Quyển 41

Đăng lúc: Thứ hai - 09/01/2012 08:33 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Tập 3 - Phẩm 27 - Quyển 41

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Tập 3 - Phẩm 27 - Quyển 41

Hán dịch: Ðại Sư Thật Xoa Nan Ðà Việt dịch: HT Thích Trí Tịnh (Trọn bộ 4 tập – Tái bản lần thứ hai) Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội – PL.2549 – DL.2005

(Hán bộ quyển thứ 41)

Chư Phật tử! Thế nào là thứ đệ biến vãng chư Phật quốc độ thần thông đại tam muội của đại Bồ tát?

Ðại Bồ tát này qua vô số thế giới phương đông, lại qua vô số thế giới vi trần số thế giới, nơi các thế giới đó nhập tam muội này. Hoặc sát na nhập, hoặc giây lát nhập, hoặc nối tiếp nhập. Hoặc sáng, hoặc trưa, hoặc chiều nhập. Hoặc đầu hôm, giữa đêm, hoặc cuối đêm nhập. Hoặc nhập một ngày, hoặc năm ngày, hoặc nửa tháng, một tháng. Hoặc nhập một năm, trăm năm, ngàn năm. Hoặc nhập trăm ngàn năm, ức năm, trăm ngàn ức năm, trăm ngàn na do tha ức năm. Hoặc nhập một kiếp, trăm kiếp, trăm ngàn kiếp, trăm ngàn na do tha ức kiếp. Hoặc nhập vô số kiếp, vô lượng kiếp, vô biên kiếp, vô đẳng kiếp. Hoặc nhập bất khả sổ kiếp, bất khả xưng kiếp, bất khả tư kiếp, bất khả lượng kiếp, bất khả thuyết kiếp, bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp. Hoặc lâu, hoặc gần, hoặc pháp, hoặc thời gian các loại chẳng đồng.

Với những sự trên đây, Bồ tát chẳng sanh lòng phân biệt, chẳng nhiễm trước, chẳng cho là khác, chẳng cho là không khác, chẳng cho là khắp, chẳng cho là riêng.

Dầu lìa sự phân biệt, mà Bồ tát dùng thần thông phương tiện từ tam muội khởi, với các pháp chẳng quên chẳng mất, đến nơi rốt ráo.

Ví như mặt nhựt đi vòng soi sáng, ngày đêm không dừng. Mặt nhựt mọc gọi là ngày, mặt nhựt lặn gọi là đêm. Ban ngày mặt nhựt chẳng sanh, ban đêm mặt nhựt cũng chẳng mất.

Ðại Bồ tát nơi vô số thế giới nhập thần thông tam muội. Ðã nhập tam muội, thấy rõ ngần ấy vô số thế giới cũng như vậy.

Trên đây là trí thiện xảo thứ đệ biến vãng chư Phật quốc độ thần thông đại tam muội thứ ba của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát thanh tịnh thân tâm hành đại tam muội?

Ðại Bồ tát này biết số thân chư Phật đồng với số chúng sanh. Thấy vô lượng Phật hơn số vi trần trong vô số thế giới, Bồ tát đem các thứ hương, hoa, lọng, châu báu, đồ trang nghiêm, ma ni bửu tạng, nhẫn đến tứ sự, tất cả đều thượng diệu quảng đại hơn hẳn của các cõi trời để cúng dường mỗi đức Phật.

Ðối với mỗi đức Phật, Bồ tát cung kính tôn trọng cúi đầu đảnh lễ thưa thỉnh Phật pháp, khen Phật bình đẳng, ca ngợi công đức quảng đại của chư Phật. Nhập vào đại bi của chư Phật, được sức vô ngại bình đẳng của chư Phật. Khoảng một niệm, cần cầu diệu pháp khắp tất cả Phật. Nhưng với những tướng chư Phật xuất thế nhập diệt, đều vô sở đắc.

Như tâm tán động liễu biệt cảnh sở duyên, tâm khởi, chẳng biết sở duyên nào khởi, tâm diệt, chẳng biết sở duyên nào diệt.

Cũng vậy, đại Bồ tát này trọn chẳng phân biệt tướng xuất thế cùng nhập Niết bàn của Như Lai.

Chư Phật tử! Như dương diệm giữa ngày, chẳng phải từ mây sanh, chẳng phải từ ao sanh, chẳng ở trên đất, chẳng ở dưới nước, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải thiện chẳng phải ác, chẳng phải trong chẳng phải đục, chẳng dùng uống rửa được, chẳng làm ô uế được, chẳng phải có thể chất chẳng phải không thể chất, chẳng phải có vị chẳng phải không vị. Do vì nhơn duyên mà hiện tướng nước. Do thức phân biệt trông xa tợ nước mà sanh tưởng là nước, đến gần thời không có, tưởng nước tự mất.

Ðại Bồ tát đây cũng như vậy. Tướng Như Lai xuất thế và Niết bàn đều bất khả đắc. Chư Phật có tướng hay không tướng đều là tâm tưởng phân biệt.

Chư Phật tử! Tam muội này gọi là thanh tịnh thâm tâm hành. Ðại Bồ tát ở nơi tam muội này nhập rồi mà khởi, sau khi khởi chẳng mất.

Ví như có người từ giấc ngủ thức dậy nhớ sự chiêm bao. Lúc thức dầu không có cảnh giới chiêm bao nhưng vẫn có thể ghi nhớ chẳng quên.

Cũng vậy, đại Bồ tát nhập tam muội thấy Phật nghe pháp, sau khi xuất định ghi nhớ chẳng quên, rồi đem pháp đã được nghe giảng dạy lại tất cả chúng hội trong đạo tràng, trang nghiêm tất cả quốc độ chư Phật, vô lượng nghĩa thú đều được sáng suốt, tất cả pháp môn cũng đều thanh tịnh, thắp đuốc đại trí, làm lớn giống Phật, đầy đủ vô úy, biện tài chẳng cạn, khai thị diễn thuyết pháp tạng thậm thâm.

Trên đây là trí thiện xảo thanh tịnh thâm tâm hạnh đại tam muội thứ tư của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát tri quá khứ trang nghiêm tạng tam muội?

Đại Bồ tát này biết được quá khứ chư Phật xuất hiện. Những là các cõi thứ đệ trong kiếp thứ đệ, các kiếp thứ đệ trong cõi thứ đệ, chư Phật xuất hiện thứ đệ trong kiếp thứ đệ, thuyết pháp thứ đệ trong chư Phật xuất hiện thứ đệ, các tâm nguyện thứ đệ trong thuyết pháp thứ đệ, các căn tánh thứ đệ trong tâm nguyện thứ đệ, điều phục thứ đệ trong căn tánh thứ đệ, chư Phật thọ mạng thứ đệ trong điều phục thứ đệ, biết ức na do tha số lượng năm tuổi thứ đệ trong thọ mạng thứ đệ.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát này vì được vô biên thứ đệ trí như vậy nên biết quá khứ chư Phật, nên biết quá khứ các cõi, nên biết quá khứ pháp môn, nên biết quá khứ các kiếp, nên biết quá khứ các pháp, nên biết quá khứ các tâm, nên biết quá khứ các tri giải, nên biết quá khứ các chúng sanh, nên biết quá khứ các phiền não, nên biết quá khứ các nghi thức, nên biết quá khứ các thanh tịnh.

Chư Phật tử! Tam muội này tên là quá khứ thanh tịnh tạng. Trong một niệm có thể nhập trăm kiếp, có thể nhập ngàn kiếp, có thể nhập trăm ngàn kiếp, có thể nhập trăm ngàn ức na do tha kiếp, có thể nhập vô số kiếp, có thể nhập vô lượng kiếp, có thể nhập vô biên kiếp, có thể nhập vô đẳng kiếp, có thể nhập bất khả sổ kiếp, có thể nhập bất khả xưng kiếp, có thể nhập bất khả tư kiếp, có thể nhập bất khả lượng kiếp, có thể nhập bất khả thuyết kiếp, có thể nhập bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát nhập tam muội này chẳng diệt hiện tại, chẳng duyên quá khứ.

Đại Bồ tát này từ tam muội khởi, thọ nơi Ðức Như Lai mười thứ pháp quán đảnh bất tư nghì, cũng được, cũng thanh tịnh, cũng thành tựu, cũng nhập, cũng chứng, cũng mãn, cũng trì, bình đẳng biết rõ ba luân thanh tịnh.

Đây là mười: một là biện thuyết chẳng trái nghĩa, hai là thuyết pháp vô tận, ba là huấn từ không lỗi, bốn là nhạo thuyết chẳng dứt, năm là tâm không khủng bố, sáu là lời quyết thành thiệt, bảy là chúng sanh y tựa, tám là cứu thoát ba cõi, chín là thiện căn tối thắng, mười là điều ngự diệu pháp.

Trên đây là mười pháp quán đảnh. Nếu Bồ tát nhập tam muội này, từ tam muội xuất liền được.

Như ca la lã lúc nhập thai tạng, trong một niệm thức liền thác sanh.

Cũng vậy, đại Bồ tát từ tam muội này xuất, trong một niệm thời được mười pháp này nơi Ðức Như Lai.

Trên đây gọi là trí thiện xảo biết quá khứ trang nghiêm tạng đại tam muội thứ năm của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát trí quang minh tạng đại tam muội?

Đại Bồ tát trụ tam muội này có thể biết vị lai chư Phật trong tất cả kiếp tất cả thế giới, hoặc đã nói hoặc chưa nói, hoặc đã thọ ký hoặc chưa thọ ký, các loại danh hiệu chẳng đồng. Những là vô số danh, vô lượng danh, vô biên danh, vô đẳng danh, bất khả sổ danh, bất khả xưng danh, bất khả tư danh, bất khả lượng danh, bất khả thuyết danh. Sẽ xuất thế, sẽ độ sanh, sẽ làm Pháp Vương, sẽ khởi Phật sự, sẽ nói phước lợi, sẽ khen thiện nghĩa, sẽ nói bạch phần nghĩa, sẽ trừ sạch các điều ác, sẽ an trụ công đức, sẽ khai thị đệ nhất nghĩa đế, sẽ nhập quán đảnh vị, sẽ thành Nhứt thiết trí. Chư Phật đó tu hạnh viên mãn, phát nguyện viên mãn, nhập viên mãn trí, có viên mãn chúng, đủ viên mãn trang nghiêm, họp viên mãn công đức, ngộ viên mãn pháp, được viên mãn quả, đủ viên mãn tướng, thành viên mãn giác. Chư Phật đó, danh tánh chủng tộc, phương tiện thiện xảo thần thông biến hóa, thành thục chúng sanh, nhập Niết bàn, tất cả những điều như vậy, Bồ tát này biết rõ cả.

Trong một niệm, Bồ tát này có thể nhập một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, trăm ngàn ức na do tha kiếp. Có thể nhập Diêm Phù Đề vi trần số kiếp, tứ thiên hạ vi trần số kiếp, tiểu thiên thế giới vi trần số kiếp, trung thiên thế giới vi trần số kiếp, đại thiên thế giới vi trần số kiếp. Có thể nhập trăm Phật sát vi trần số kiếp, trăm ngàn Phật sát vi trần số kiếp, trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số kiếp, vô số Phật sát vi trần số kiếp, vô lượng Phật sát vi trần số kiếp, vô biên Phật sát vi trần số kiếp, vô đẳng Phật sát vi trần số kiếp, bất khả sổ Phật sát vi trần số kiếp, bất khả xưng Phật sát vi trần số kiếp, bất khả tư Phật sát vi trần số kiếp, bất khả lượng Phật sát vi trần số kiếp, bất khả thuyết Phật sát vi trần số kiếp, nhẫn đến nhập bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số kiếp.

Vị lai tất cả thế giới có ngần ấy kiếp số như vậy, Bồ tát này có thể dùng trí huệ đều biết rõ. Vì biết rõ nên tâm Bồ tát này lại nhập mười thứ trì môn. Đây là mười:

Vì nhập Phật trì nên được bất khả thuyết Phật sát vi trần số chư Phật hộ niệm.

Vì nhập Pháp trì nên được mười thứ đà la ni quang minh vô tận biện tài.

Vì nhập Hạnh trì nên xuất sanh các nguyện viên mãn thù thắng.

Vì nhập Lực trì nên không ai che chướng được, không ai khuất phục được.

Vì nhập Trí trì nên thật hành Phật pháp không có chướng ngại.

Vì nhập Đại bi trì nên chuyển pháp luân bất thối thanh tịnh.

Vì nhập Sai biệt thiện xảo cú trì nên chuyển tất cả văn tự luân, tịnh tất cả pháp môn địa.

Vì nhập Sư tử thọ sanh pháp trì nên mở khóa cửa pháp, ra khỏi bùn lầy tham dục.

Vì nhập Trí lực trì nên tu hạnh Bồ tát thường chẳng thôi nghỉ.

Vì nhập Thiện hữu lực trì nên làm cho vô biên chúng sanh đều được thanh tịnh.

Vì nhập Vô trụ lực trì nên nhập bất khả thuyết bất khả thuyết quảng đại kiếp.

Vì nhập Pháp lực trì nên dùng vô ngại phương tiện trí biết tất cả pháp tự tánh thanh tịnh.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát đã trụ tam muội này rồi thời khéo hay trụ bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, khéo hay trụ bất khả thuyết bất khả thuyết cõi, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết các loài chúng sanh, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết tướng khác nhau của chúng sanh, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết nghiệp báo đồng dị, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết những căn tinh tấn tập khí tiếp nối các hạnh sai biệt, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng nhiễm tịnh các thứ tư duy, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết các loại pháp nghĩa vô lượng văn tự ngôn từ diễn thuyết, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết chư Phật xuất thế chủng tộc thời tiết hiện tướng thuyết pháp thi vi Phật sự nhập Niết bàn, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết vô biên môn trí huệ, khéo hay biết bất khả thuyết bất khả thuyết tất cả thần thông vô lượng biến hiện.

Chư Phật tử! Ví như mặt nhựt mọc lên soi sáng thế gian tất cả vật loại, như thành ấp, cung điện, nhà cửa, núi sông, chim thú, vườn rừng, bông trái vân vân, người có mắt sáng thời đều thấy rõ cả. Ánh sáng mặt nhựt bình đẳng không phân biệt mà có thể làm cho con mắt thấy các loại hình tướng.

Cũng vậy đại tam muội này thể tánh bình đẳng không phân biệt có thể làm cho Bồ tát khéo biết bất khả thuyết bất khả thuyết trăm ngàn ức na do tha tướng sai khác.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát này lúc rõ biết như vậy khiến chúng sanh được mười thứ bất không. Đây là mười:

Một là kiến bất không, vì làm cho chúng sanh phát sanh thiện căn.

Hai là văn bất không, vì làm cho chúng sanh được thành thục.

Ba là đồng trụ bất không, vì làm cho chúng sanh tâm điều phục.

Bốn là phát khởi bất không, vì làm cho chúng sanh thật hành đúng như lời, thông đạt tất cả pháp nghĩa.

Năm là hạnh bất không, vì làm cho vô biên thế giới đều thanh tịnh.

Sáu là thân cận bất không, vì ở chỗ bất khả thuyết bất khả thuyết chư Phật dứt nghi ngờ cho bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh.

Bảy là nguyện bất không, vì theo sở niệm của chúng sanh khiến làm việc cúng dường thù thắng thành tựu các nguyện.

Tám là thiện xảo pháp bất không vì làm cho đều được trụ nơi trí thanh tịnh giải thoát vô ngại.

Chín là mưa pháp vũ bất không, vì nơi bất khả thuyết bất khả thuyết căn tánh chúng sanh, phương tiện khai thị hạnh Nhứt thiết trí khiến trụ Phật đạo.

Mười là xuất hiện bất không, vì hiện vô biên tướng, làm cho tất cả chúng sanh đều được soi sáng.

Chư Phật tử! Lúc đại Bồ tát an trụ nơi tam muội này được mười thứ bất không, thời chư Thiên Vương đều đến đảnh lễ, chư Long Vương nổi mây thơm lớn. Chư Dạ Xoa Vương đảnh lễ dưới chưn, chư A Tu La Vương cung kính cúng dường, chư Ca Lâu La Vương tôn trọng đứng quanh, chư Phạm Thiên Vương đều đến thỉnh cầu, chư Càn Thát Bà Vương thường đến chầu chực, chư Khẩn Na La Vương và chư Ma Hầu La Dà Vương đều cùng ngợi khen, chư Nhơn Vương kính thờ cúng dường.

Trên đây là trí thiện xảo trí quang minh tạng đại tam muội thứ sáu của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là liễu tri nhứt thiết thế giới Phật trang nghiêm tam muội của đại Bồ tát?

Sao lại gọi tam muội này là liễu tri nhứt thiết thế giới Phật trang nghiêm?

Chư Phật tử! Đại Bồ tát trụ trong tam muội này, hay thứ đệ nhập thế giới phương đông, hay thứ đệ nhập thế giới phương nam, phương tây, phương bắc, đông nam, tây nam, tây bắc, đông bắc, thượng phương và hạ phương. Đều thấy chư Phật xuất thế, cũng thấy tất cả thần lực của Ðức Phật đó, cũng thấy những sự biến hóa của chư Phật, cũng thấy oai đức rộng lớn của chư Phật, cũng thấy sự tối thắng tự tại của chư Phật, cũng thấy chư Phật đại sư tử hống, cũng thấy những công hạnh đã tu của chư Phật, cũng thấy các loại trang nghiêm của chư Phật, cũng thấy chư Phật thần thông biến hóa, cũng thấy chúng hội của chư Phật vân tập, chúng hội thanh tịnh, chúng hội quảng đại, chúng hội nhứt tướng, chúng hội nhiều tướng, chúng hội xứ sở, chúng hội ăn ở, chúng hội thành thục, chúng hội điều phục, chúng hội oai đức. Tất cả những việc như vậy Bồ tát này đều thấy rõ. Cũng thấy chúng hội số lượng lớn nhỏ bằng Diêm Phù Đề, hoặc bằng tứ thiên hạ, hoặc bằng tiểu thiên thế giới, hoặc bằng trung thiên thế giới, hoặc bằng đại thiên thế giới. Cũng thấy chúng hội đầy khắp trăm ngàn ức na do tha cõi Phật, hoặc đầy khắp vô số cõi Phật, hoặc đầy khắp trăm Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp ngàn Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp vô số Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp vô lượng Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp vô biên Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp vô đẳng Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp bất khả sổ Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp bất khả xưng Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp bất khả tư Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp bất khả lượng Phật sát vi trần số cõi Phật, hoặc đầy khắp bất khả thuyết Phật sát vi trần số cõi Phật, nhẫn đến cũng thấy chúng hội đầy khắp bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số cõi Phật. Cũng thấy chư Phật ở trong chúng hội đạo tràng kia thị hiện các loại tướng trạng, các loại thời gian, các loại quốc độ, các loại biến hóa, các loại thần thông, các loại trang nghiêm, các loại tự tại, các loại hình lượng, các loại sự nghiệp.

Đại Bồ tát này cũng thấy tự thân qua chúng hội đó, thấy mình thuyết pháp, thấy mình lãnh thọ lời Phật, cũng thấy mình khéo biết duyên khởi, cũng thấy thân mình ở giữa không gian, cũng thấy thân mình ở nơi pháp thân, cũng thấy thân mình chẳng sanh nhiễm trước, cũng thấy thân mình chẳng ở nơi phân biệt, cũng thấy thân mình không mỏi nhọc, cũng thấy thân mình vào khắp các trí, cũng thấy thân mình biết khắp các nghĩa, cũng thấy thân mình vào khắp các địa, cũng thấy thân mình vào khắp các loài, cũng thấy thân mình biết khắp phương tiện, cũng thấy thân mình qua khắp trước Phật, cũng thấy thân mình vào khắp các lực, cũng thấy thân mình vào khắp chơn như, cũng thấy thân mình vào khắp vô tránh, cũng thấy thân mình vào khắp các pháp. Lúc thấy như vậy, Bồ tát này chẳng phân biệt quốc độ, chẳng phân biệt chúng sanh, chẳng phân biệt Phật, chẳng phân biệt pháp, chẳng nhiễm trước thân và thân nghiệp, chẳng chấp trước tâm và ý.

Ví như các pháp chẳng phân biệt tự tánh, chẳng phân biệt âm thanh, mà tự tánh chẳng bỏ, danh tự chẳng mất.

Đại Bồ tát cũng vậy, chẳng bỏ công hạnh, làm theo thế gian, mà vẫn không chấp trước nơi hai sự này.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát thấy Phật có vô lượng ánh sáng màu sắc, vô lượng hình tướng, đều viên mãn thành tựu bình đẳng thanh tịnh, mỗi mỗi hiện tiền chứng biết phân minh.

Hoặc thấy thân Phật nhiều ánh sáng hoặc thấy viên quang một tầm, hoặc thấy sáng rực như mặt nhựt, hoặc thấy quang sắc vi diệu, hoặc thấy sắc thanh tịnh, hoặc thấy màu huỳnh kim, hoặc thấy màu kim cang, hoặc thấy màu xanh biếc, hoặc thấy vô biên màu sắc, nhẫn đến hoặc thấy thân Phật màu đại thanh ma ni bửu.

Hoặc thấy thân Phật cao bảy thước tay, hoặc tám thước tay, hoặc chín thước tay, hoặc mười thước tay, hoặc hai mươi thước tay, ba mươi thước tay, một trăm thước tay, một ngàn thước tay, hoặc thấy thân Phật cao một câu lô xá, nửa do tuần, một do tuần, mười do tuần, trăm do tuần, ngàn do tuần, trăm ngàn do tuần, hoặc thấy thân Phật bằng Diêm Phù Đề, bằng tứ thiên hạ, bằng tiểu thiên thế giới, bằng trung thiên thế giới, bằng đại thiên thế giới, bằng trăm đại thiên thế giới, bằng ngàn đại thiên thế giới, bằng trăm ngàn đại thiên thế giới, bằng trăm ngàn ức na do tha thế giới, bằng vô số đại thiên thế giới, bằng vô lượng đại thiên thế giới, bằng vô biên đại thiên thế giới, hoặc thấy bằng vô đẳng đại thiên thế giới, hoặc thấy bằng bất khả sổ đại thiên thế giới, hoặc thấy bằng bất khả xưng đại thiên thế giới, hoặc thấy bằng bất khả tư đại thiên thế giới, hoặc thấy bằng bất khả lượng đại thiên thế giới, hoặc thấy thân Phật bằng bất khả thuyết nhẫn đến bất khả thuyết bất khả thuyết đại thiên thế giới.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát này thấy chư Như Lai vô lượng sắc tướng, vô lượng hình trạng, vô lượng thị hiện, vô lượng quang minh, vô lượng lưới quang minh. Phần lượng của quang minh này bằng pháp giới, chiếu khắp pháp giới, làm cho đều phát khởi trí huệ Vô thượng. Lại thấy thân Phật không có nhiễm trước, không có chướng ngại, thanh tịnh thượng diệu.

Dầu Bồ tát này thấy thân Như Lai nhiều tướng sai biệt như vậy, nhưng thân Như Lai vẫn chẳng tăng chẳng giảm.

Ví như hư không nơi lỗ bằng hột cải của con mọt ăn cũng chẳng giảm nhỏ, nơi vô số thế giới cũng chẳng thêm rộng.

Thân Phật cũng như vậy, lúc thấy lớn cũng chẳng thêm, lúc thấy nhỏ cũng chẳng giảm.

Ví như mặt nguyệt, người ở Diêm Phù Đề thấy là nhỏ, mặt nguyệt vẫn chẳng giảm. Ở tại mặt nguyệt thấy là lớn, cũng chẳng tăng.

Cũng vậy, đại Bồ tát trụ tam muội này tùy nơi tâm nguyện thấy thân Phật các thứ tướng hóa hiện, ngôn từ thuyết pháp thọ trì chẳng quên, mà thân Như Lai chẳng tăng chẳng giảm.

Ví như chúng sanh sau khi mạng chung lúc sắp thọ sanh chỗ thấy thanh tịnh chẳng rời nơi tâm.

Cũng vậy, đại Bồ tát chẳng rời tam muội thậm thâm này mà thấy thanh tịnh.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát trụ tam muội này thành tựu mười thứ pháp mau chóng: những là mau thêm các hạnh viên mãn đại nguyện, mau dùng pháp quang chói sáng thế gian mau dùng phương tiện chuyển pháp luân độ thoát chúng sanh, mau tùy theo nghiệp chúng sanh thị hiện quốc độ thanh tịnh của chư Phật, mau dùng trí bình đẳng thẳng vào thập lực, mau cùng tất cả Như Lai đồng trụ, mau dùng sức đại từ dẹp phá quân ma, mau dứt nghi cho chúng sanh hoan hỉ, mau tùy thắng giải thị hiện thần biến, mau dùng các thứ diệu pháp ngôn từ tịnh các thế gian.

Đại Bồ tát này lại được mười thứ pháp ấn, để ấn tất cả pháp: một là đồng thiện căn bình đẳng với tam thế chư Phật, hai là đồng được trí huệ pháp thân vô biên tế với chư Phật, ba là đồng chư Như Lai trụ pháp bất nhị, bốn là đồng chư Như Lai quan sát tam thế vô lượng cảnh giới thảy đều bình đẳng, năm là đồng chư Như Lai được liễu đạt pháp giới vô ngại cảnh giới, sáu là đồng chư Như Lai thành tựu thập lực thật là vô ngại, bảy là đồng chư Như Lai tuyệt hẳn hai hạnh, trụ pháp vô tránh, tám là đồng chư Như Lai giáo hóa chúng sanh hằng chẳng thôi nghỉ, chín là đồng chư Như Lai ở trong trí thiện xảo nghĩa thiện xảo hay khéo quan sát, mười là đồng chư Như Lai cùng với tất cả Phật bình đẳng không hai.

Chư Phật tử! Nếu đại Bồ tát thành tựu mười pháp ấn này thời rõ biết môn phương tiện thiện xảo tất cả thế giới Phật trang nghiêm đại tam muội. Là bực vô sư, vì chẳng do người khác dạy mà tự nhập tất cả Phật pháp. Là bực trượng phu, vì hay khai ngộ tất cả chúng sanh. Là bực thanh tịnh vì biết tâm tánh bổn tịnh. Là bực đệ nhứt vì hay độ thoát tất cả thế gian. Là bực an ủy vì hay khai hiểu tất cả chúng sanh. Là bực an trụ, vì người chưa trụ Phật chủng tánh thời làm cho được trụ. Là bực chơn thiệt tri vì nhập môn nhứt thiết trí. Là bực vô dị tưởng vì lời nói không hai. Là bực trụ pháp tạng, vì thệ nguyện rõ biết tất cả Phật pháp. Là bực hay mưa pháp vũ vì tùy tâm nguyện của chúng sanh đều làm cho đầy đủ.

Chư Phật tử! Ví như Đế Thích, nơi búi tóc trên đầu để châu ma ni, vì bửu châu này mà oai quang càng thạnh. Thiên Đế lúc mới được bửu châu này, thời được mười pháp vượt hơn tất cả tam thập tam thiên: một là sắc tướng, hai là hình thể, ba là thị hiện, bốn là quyến thuộc, năm là đồ dùng, sáu là âm thanh, bảy là thần thông, tám là tự tại, chín là huệ giải, mười là trí dụng.

Cũng vậy, đại Bồ tát lúc mới được tam muội này thời được mười môn trí tạng quảng đại: một là trí chiếu sáng tất cả cõi Phật, hai là trí biết tất cả chúng sanh thọ sanh, ba là trí làm sự biến hóa khắp tam thế, bốn là trí vào khắp tất cả thân Phật, năm là trí thông đạt tất cả Phật pháp, sáu là trí nhiếp khắp tất cả tịnh pháp, bảy là trí khiến khắp tất cả chúng sanh nhập pháp thân, tám là trí hiện thấy tất cả pháp phổ nhãn thanh tịnh, chín là trí tất cả tự tại đến bỉ ngạn, mười là trí an trụ tất cả pháp quảng đại khắp hết không thừa.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát trụ tam muội này lại được mười thứ thân oai đức rất thanh tịnh: một là vì chiếu sáng bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới mà phóng bất khả thuyết bất khả thuyết vầng quang minh, hai là vì làm cho thế giới đều thanh tịnh mà phóng bất khả thuyết bất khả thuyết vầng quang minh vô lượng sắc tướng, ba là vì điều phục chúng sanh mà phóng bất khả thuyết bất khả thuyết vầng quang minh, bốn là vì thân cận tất cả chư Phật mà hóa làm bất khả thuyết bất khả thuyết thân, năm là vì thừa sự cúng dường tất cả chư Phật mà rưới bất khả thuyết bất khả thuyết các thứ mây hoa hương thù diệu, sáu là vì thừa sự cúng dường tất cả chư Phật và điều phục tất cả chúng sanh mà trong mỗi mỗi lỗ chưn lông hóa làm bất khả thuyết bất khả thuyết các thứ âm nhạc, bảy là vì thành thục chúng sanh mà hiện bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng các thứ thần biến tự tại, tám là vì nơi chỗ tất cả chư Phật mười phương cầu thỉnh diệu pháp mà một bước vượt qua bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới, chín là vì làm cho tất cả chúng sanh, những ai nghe thấy đều chẳng luống uổng mà hiện bất khả thuyết bất khả thuyết sắc thân vô lượng tướng thanh tịnh không ai thấy được đảnh, mười là vì khai thị vô lượng pháp bí mật cho chúng sanh mà phát bất khả thuyết bất khả thuyết âm thanh ngôn ngữ.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát được mười thứ thân oai đức rất thanh tịnh này rồi, thời có thể làm cho chúng sanh được mười thứ viên mãn: Một là làm cho chúng sanh được thấy Phật, hai là làm cho chúng sanh thâm tín nơi Phật, ba là làm cho chúng sanh được nghe pháp, bốn là làm cho chúng sanh biết có cõi Phật, năm là làm cho chúng sanh thấy thần biến của Phật, sáu là làm cho chúng sanh nhớ nghiệp đã tập họp, bảy là làm cho chúng sanh định tâm viên mãn, tám là làm cho chúng sanh nhập Phật thanh tịnh, chín là làm cho chúng sanh phát Bồ đề tâm, mười là làm cho chúng sanh viên mãn Phật trí.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát làm cho chúng sanh được mười thứ viên mãn rồi, lại vì chúng sanh mà làm mười thứ Phật sự. Những là dùng âm thanh làm Phật sự vì thành thục chúng sanh. Dùng sắc hình làm Phật sự vì điều phục chúng sanh. Dùng ức niệm làm Phật sự vì thanh tịnh chúng sanh. Dùng chấn động thế giới làm Phật sự vì khiến chúng sanh lìa ác thú. Dùng phương tiện giác ngộ làm Phật sự vì khiến chúng sanh chẳng thất niệm. Dùng tướng trong mộng làm Phật sự vì khiến chúng sanh thường chánh niệm. Dùng phóng đại quang minh làm Phật sự vì nhiếp lấy khắp chúng sanh. Dùng tu tập Bồ tát hạnh làm Phật sự vì làm cho chúng sanh trụ thắng nguyện. Dùng thành đẳng Chánh giác làm Phật sự vì làm cho chúng sanh biết pháp huyễn. Dùng chuyển diệu pháp luân làm Phật sự, do vì đại chúng mà thuyết pháp chẳng lỗi thời. Dùng hiện trụ thọ mạng làm Phật sự vì điều phục tất cả chúng sanh. Dùng thị hiện nhập Niết bàn làm Phật sự, vì biết các chúng sanh nhàm mỏi.

Trên đây là trí thiện xảo rõ biết tất cả cõi Phật trang nghiêm đại tam muội thứ bảy của đại Bồ tát.

Tác giả bài viết: HT Thích Trí Tịnh
Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 352
  • Khách viếng thăm: 350
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 64791
  • Tháng hiện tại: 821189
  • Tổng lượt truy cập: 60261206

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile