Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/06/2012 18:29 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt

Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt

 

Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt


(Trung Bộ Kinh, Kinh 135)

Tôi nghe như vầy:

Một hôm Thế Tôn ở thành Xá Vệ Kỳ Ðà, tại tinh xá ông Cấp Cô Ðộc. Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn. Sau khi đi đến nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm rồi, liền ngồi xuống một bên. Thanh niên Todeyyaputta bạch với Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi chúng là loài người, lại thấy có người liệt có người ưu?

Thưa Tôn giả Gotama chúng ta thấy có người đoản thọ (chết yểu), có người trường thọ (sống lâu), có người nhiều bịnh, người ít bệnh, có người xấu sắc, có người đẹp sắc, có người quyền thế lớn, người quyền thế nhỏ, người tài sản lớn, người tài sản nhỏ, có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý, có người có trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ? Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau mà lại thấy có người liệt, người ưu?

Phật đáp:

-- Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu.

-- Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt không có nghĩa rộng rãi. Lành thay! Nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi, để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi, điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi, thì tôi không hiểu được.

-- Vậy này thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm Ta sẽ nói.

-- Thưa vâng Tôn giả!

Rồi Thế Tôn nói như sau:

-- "Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông sát sanh tàn nhẫn tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy. Sau khi thân hoại, mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu không sanh vào cõi dữ, mà được sanh làm loài người, chỗ nào nó sanh ra nó phải đoản mạng (chết yểu). Con đường ấy đưa đến đoản mạng. Này thanh niên tức là sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình.

Nếu từ bỏ sát sanh, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và các loại hữu tình. Do nghiệp ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, nếu sanh ở loài người được trường thọ, đó là con đường đưa đến trường thọ.

Ở đây, này thanh niên có người đàn bà hay người đàn ông tánh hay não hại các loại hữu tình với tay với cục đất hay với cây gậy, cây đao. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu không sanh vào cõi dữ mà được đến loài người, chỗ nào nó sanh ra nó sẽ bị nhiều bệnh hoạn, con đường ấy đưa đến bệnh hoạn. Này thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, cây đao.

Nhưng ở đây, này thanh niên, nếu từ bỏ não hại các loài hữu tình, có lòng từ đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung nó được sanh vào thiện thú. Nếu không sanh vào thiện thú, mà được sanh ở loài người thì nó được ít bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn.

Ở đây này thanh niên, có người đàn bàn hay đàn ông phẫn nộ, nhiều phật ý bị nói đến một chút thì bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận bất mãn. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ. Nếu sanh được ở loài người thì nó bị xấu sắc, con đường ấy đưa đến xấu sắc. Này thanh niên tức là phẫn nộ, bất mãn v.v...

Ở đây này thanh niên, nếu trái lại không phẫn nộ, không phật ý, không sân hận, bất mãn v.v... do nghiệp thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó được sanh vào thiện thú. Nếu được sanh ở loài người thì nó được đẹp sắc. Này thanh niên, tức là không phẫn nộ, không phật ý, không sân hận, không bất mãn v.v...

Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông tật đố (ganh tỵ) đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ cúng dường, sanh tâm tật đố (ganh ghét) ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung nó sanh vào ác thú, nếu không sanh vào ác thú mà được sanh ở loài người thì nó chỉ được quyền thế nhỏ. Con đường đưa đến quyền thế nhỏ. Này thanh niên, tức là tật đố, ôm tâm tật đố.

Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông không bố thí cho vị Sa Môn hay Bà La Môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, đạo xứ, địa ngục. Nếu không bị đọa xứ, địa ngục mà được sanh ở loài người thì nó chỉ được tài sản nhỏ.

Này thanh niên, nếu ngược lại thì sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, nếu sanh ở loài người thì được tài sản (tài sản lớn).

Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với những người đáng đứng dậy, không mời ngồi đối với những người đáng mời ngồi, không tôn trọng đối với những người đáng tôn trọng, không cung kính đối với những người đáng cung kính, không cúng dường đối với những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, đọa xứ, nếu sanh được ở loài người thì nó được sanh vào gia đình hạ liệt. Con đường đưa đến gia đình hạ liệt là không cúng dường những người đáng cúng dường v.v...

Nhưng ở đây, này thanh niên, nếu ngược lại thì sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú. Nếu sanh ở loài người, thì nó được sanh vào gia đình cao quí. Con đường đưa đến gia đình cao quý là cúng dường những người đáng được cúng dường v.v...

Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi đến vị Sa Môn hay Bà La Môn không thưa hỏi:

-- Thưa Tôn giả! Thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi phải làm gì để không phải lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi phải làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào ác thú, đọa xứ. Nếu sanh ở loài người thì ở vào loại trí tuệ kém. Con đường đưa đến trí tuệ kém, không được lợi ích và hạnh phúc lâu dài, tức là không thưa hỏi.

Ở đây này thanh niên, con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ, con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh, con đường đưa đến xấu sắc, dẫn đến xấu sắc, con đường đưa đến đẹp sắc, dẫn đến đẹp sắc, con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ, con đường đưa đến quyền thế lớn, dẫn đến quyền thế lớn, con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ, con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn, con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt, con đường đưa đến gia đình cao quí, dẫn đến gia đình cao quí. Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém, con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, dẫn đến đầy đủ trí tuệ.

Này thanh niên Subha Todeyyaputta các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu".

Khi nghe nói như vậy, thanh niên Subha Todeyyaputta nói với Thế Tôn: "Thật vi diệu thay! Thưa Tôn giả Gotama. Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem ánh sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện, trình bày giải thích. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y pháp, quy y chúng Tỳ Kheo. Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung con trọn đời xin quy ngưỡng".

Bình

Nhìn chung trên nhân loại chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao cũng đồng sanh làm người lại có sự sai biệt: Như người sống lâu, kẻ chết yếu, người mạnh khỏe, kẻ thì đau ốm, người nhan sắc đẹp đẽ, kẻ thân thể xấu xa, người sanh ra có những tài sản, có quyền thế lớn lao, người sanh ra nghèo cùng hạ liệt. Cho đến phần tinh thần cũng khác: kẻ khôn, người dại, kẻ thông minh, người ngu tối v.v...

Ở đây Phật căn cứ theo nghiệp để giải thích. Phật dạy: "Các loài hữu tình là chủ của nghiệp là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu".

Các loài hữu tình (Tất cả chúng sanh có tình thức) đều là chủ nhân ông của tạo nghiệp. Nghiệp là những tập quán, những thói quen do ta huân tập lâu đời thành nghiệp, như người tập uống rượu lâu thành người nghiền rượu, người tập đánh bạc lâu thành người cờ bạc v.v... nó phát xuất từ thân, miệng, ý của chúng ta chứ không phải từ đâu đem đến, nên gọi là "chủ tạo nghiệp". Khi đã tạo thành nghiệp, chúng hữu tình luôn luôn bị lệ thuộc vào nghiệp, làm tôi đòi cho nghiệp, như đầy tớ bị chủ nhà sai khiến. Nên gọi là "thừa tự" của nghiệp.

Từ nghiệp chuyễn biến mà chúng hữu tình sanh các cảnh giới lành, hoặc dữ v.v... nên gọi nghiệp là "thai tạng". Cuộc sống của các hữu tình đều hòa đồng với nghiệp không thể chia cách, như bà con thân thiết nên gọi là "quyến thuộc". Nghiệp là chỗ nương tựa cho mạng sống của chúng hữu tình. Còn nghiệp thì mạng sống còn, hết nghiệp thì mạng sống cũng theo đó mà dứt, nên gọi nghiệp là "điểm tựa". Các loài hữu tình bị luân chuyễn trong ba cõi sáu đường, đều do nghiệp dẫn và phân chia trong các cõi, nên gọi nghiệp "phân chia" các loài hữu tình. Chúng sanh có ưu liệt bất đồng gốc bởi do nghiệp không chi khác.

(Phần này nói tổng quát của nghiệp, chúng ta nên xem lại văn kinh để rõ thêm về chi tiết của nghiệp mà Phật đã giải thích qua bài "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt" này).

Tóm lại, nghiệp là động cơ tạo thành cuộc sống sai biệt của con người. Nghiệp có sức mạnh lôi cuốn chúng sanh vào vòng lục đạo. Bởi nghiệp mà tạo nên quả khổ vui cho chúng sanh hiện tại và tương lại...

Nghiệp phát xuất từ thân, khẩu, ý. Nếu thân, khẩu, ý hướng về chiều thiện thì con người sẽ tiến lên địa vị cao hơn như các cõi Trời v.v... Trái lại, nếu hướng về chiều ác thì con người phải đọa xuống địa ngục, ngạ quỉ v.v... Vì thế mà có lục đạo luân hồi. Trong hiện đời mỗi hành động tạo nghiệp đều có kết quả hiện tại và mai sau.

Nghiệp có tác dụng lớn lao như thế, nên người tu phải thận trọng, trong mọi lời nói, mọi ý nghĩ, mọi việc làm, phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhất là đối với ý nghiệp càng phải thận trọng hơn. (Vì ý nghiệp là chủ động tạo nghiệp). Nghiệp đã tạo thì quả báo khó tránh. Kinh Nhân Quả có câu: "Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời quả báo hoàn tự thọ". Nghĩa là: Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất, khi đã đủ nhân duyên, quả báo tự mình chịu.

Vậy ai là người muốn hiện đời được an lạc hạnh phúc và sau khi lâm chung được kết quả sanh các cảnh giới lành phải tránh các điều dữ, làm các việc lành. Tiến lên một từng nữa, muốn ra khỏi luân hồi trong ba cõi, cũng phải giữ gìn ba nghiệp cho thanh tịnh, trì giới trang nghiêm, khiến phiền não vô minh lần lần dứt sạch, thì chắc chắn chúng ta sẽ thoát ly sanh tử, bằng chứng Phật dạy: "Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương".

 

Nguồn tin: thuongchieu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 47
  • Hôm nay: 517
  • Tháng hiện tại: 200848
  • Tổng lượt truy cập: 59640865

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile