Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Nẽo về của ý

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/11/2012 08:18 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Nẽo về của ý

Nẽo về của ý

Trong đạo Phật, chủ yếu Phật dạy chúng ta làm chủ thân và tâm. Trên bước đường tu, chúng ta đều thực tập từng bước làm chủ thân và kế đến làm chủ tâm. Khi làm chủ được thân và tâm sẽ thấy thân tứ đại này khi tan hoại thì chúng ta sẽ thọ thân khác; như vậy thân có thay đổi, nhưng tâm không bao giờ thay đổi.
Tâm chúng ta có hai phần là vọng thức và chơn  tâm. Trong kiếp sống luân hồi, chúng ta luôn phát triển Thức. Thức là sự nhận thức và hiểu biết của chúng ta phần lớn là sai lầm, nên dẫn đến quyết định sai, phải đau khổ. Ngược lại, Phật có nhận thức và hiểu biết chính xác và thông suốt đến ba đời nhân quả, nên Ngài thấy rõ hoàn toàn không sai lầm. Nhân quá khứ như thế nào mà dẫn đến cái quả hiện tại này và nhân hiện tại dẫn đến quả tương lai ra sao, Phật đều nhận biết rõ ràng. Ngài nhận thức chính xác nên là đấng Toàn giác. Ngài giảng dạy vô số phương tiện để chúng ta nhận được cái tâm của mình, nhưng điều này rất khó.

Những bậc chân tu tiếp thu lời Phật và thực tập có kết quả, cho đến thời Phật giáo phát triển, chư vị Tổ sư đưa ra nhận thức mới và sự tu tập cũng có đổi mới, mà tiêu biểu là hai hệ thống triết học lớn trong Phật giáo là Pháp tánh học do Bồ tát Long Thọ xiển dương và Pháp tướng học do ngài Thế Thân triển khai. Đặc biệt Phật giáo Việt Nam kết hợp Pháp tánh học và Pháp tướng học để kiến giải đạo Phật. Riêng thầy bước ban đầu theo Pháp tướng Duy thức học để phân tích tâm chúng ta và sự duyên khởi của nó để gạn lọc và đối chiếu với Phật giáo Nguyên thủy là Ba mươi bảy trợ đạo phẩm, trải qua thời gian dài thực tập, mới có được ít nhiều kết quả trong thời gian hoằng pháp.

Hệ thống Nguyên thủy, tức giáo lý căn bản có Ba mươi bảy trợ đạo phẩm, chúng ta không tách rời được, nhưng đem kết hợp Ba mươi bảy trợ đạo phẩm với Duy thức học của Thế Thân Bồ-tát để làm pháp tu thì sẽ thấy rõ ràng thêm. Từ góc độ này, chúng ta thấy được nếu theo căn bản Phật dạy, chúng ta cắt bỏ duyên vụ bên ngoài để tâm thanh tịnh, thấy tánh thành Phật là căn bản của đạo Phật. Nhưng khi thực tập như vậy trong một thời gian dài, thầy thấy việc cắt bỏ rất khó và chúng ta có thấy tánh được hay không. Chúng ta tưởng cắt bỏ được, nhưng kỳ thực không cắt được, nên cũng không thấy tánh. Vì vậy, tu nhiều năm mà không đạt được kết quả gì, bị Tổ quở là củi mục than nguội, tức là vô dụng.

Khi tiếp thu tư tưởng mới của Thế Thân Bồ-tát làm chúng ta sáng thêm được một bước. Ngài phân tích tâm có một trăm pháp và biên soạn Đại thừa bách pháp minh môn luận là bộ luận căn bản của Phật giáo để chúng ta suy nghiệm và áp dụng trong việc tu hành. Ngài chia tâm ra tám Thức tâm vương và 51 tâm sở, 24 bất tương ưng hành pháp, sáu pháp vô vi. Đó là kinh nghiệm tu của ngài Thế Thân để chúng ta hiểu, phân tích tâm và loại trừ tâm xấu, phát huy tâm tốt. Ai áp dụng phương thức này tu hành thì có kiến thức rộng và lý giải được nhiều; còn việc đắc đạo hay không, chúng ta không bàn đến. Nổi tiếng trong lãnh vực này có Huyền Trang pháp sư và Khuy Cơ đại sư tạo thành hệ thống Duy thức học của Trung Quốc nổi tiếng.

Căn bản của tâm có tám Thức tâm vương, nếu nhìn ở lãnh vực lắng yên thì gọi là Tâm, nếu quán sát ở lãnh vực phát triển gọi là Thức. Có sự phân biệt để hiểu biết là Thức, không phân biệt mà hiểu biết là Tâm, Hòa thượng Trí Tịnh gọi đó là trực tâm, tức không có suy nghĩ mà biết thì điều này gần với Pháp tánh học là tâm thanh tịnh tự nhiên sáng, ví như mặt trời tỏa sáng thấy rõ sự vật, cho chúng ta biết mà không cần suy nghĩ phân tích. Hòa thượng dạy rằng khi có người hỏi, ngài trả lời có suy nghĩ thì đúng được năm mươi phần trăm, còn không suy nghĩ mà nói đúng đến tám mươi, chín mươi phần trăm. Không suy nghĩ là vô ý thức, nhưng vô ý thức một cách sai lầm thì khác với trực tâm là trên ý thức một bước. Người vô ý thức thì dại khờ. Người có ý thức thì biết phải trái và trên nữa là trực tâm. Có ý thức là sử dụng chất xám là chất khôn của con người. Còn chất trắng là không suy nghĩ mà biết, trong khi người thường phải suy nghĩ mới biết. Bậc vô học không suy nghĩ,  nhưng trong thiền định biết được.

Phân biệt tám Thức tâm vương, Thế Thân chia thành tiền ngũ thức, ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức. Tám Thức tâm vương là chính. 51 tâm sở, 24 bất tương ưng hành pháp và sáu pháp vô vi là phụ. Tiền ngũ thức là năm thức, hay năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tiếp xúc với bên ngoài mới cho chúng ta sự hiểu biết. Không có năm giác quan, chúng ta không thể biết. Nhưng tu cao một bước, người đắc đạo có khác; tất cả người thường biết qua năm giác quan, nhưng các vị Thánh tăng không cần năm giác quan bên ngoài để biết, nhưng có tâm thanh tịnh bên trong mà biết tất cả, gọi là lục căn hỗ dụng.

Bắt đầu từ năm giác quan, chúng ta có ý thức, như giác quan mắt thấy sự vật là khách trần và đem sự vật này vào ý của chúng ta, thì ý mới phân biệt biết sự vật, gọi là nhãn thức. Áp dụng trong cuộc sống thấy rõ điều này, bình thường có mắt nên chúng ta thấy sự vật, nhưng không đem về ý để kiểm tra thì cái thấy chỉ để thấy, không phải thấy để biết. Vì vậy, chúng ta thường nói rằng tôi không để ý việc này, đó là ý thức chưa can thiệp vào, mà chỉ có nhãn thức thôi. Nhưng khi ý thức can thiệp thì có biết; cho nên nói ý là chủ. Mỗi ngày nó tiếp thu những thứ bên ngoài rồi đưa vào bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Tất cả những thấy biết qua năm giác quan này dẫn hết về ý và ý tiếp thu thì mới phân biệt cái này phải, cái kia trái, cái này xấu, cái kia tốt và mới có quyết định là chúng ta nên phản ứng cách này hay cách kia. Nhưng trên bước đường tu, nếu mỗi ngày chúng ta phân biệt tiếp xúc như thế, tâm chúng ta sẽ luôn bất an. Thật vậy, phân biệt hiểu biết dữ kiện càng nhiều chừng nào thì càng phức tạp chừng đó, làm cho tâm ta càng nặng nề. Có thể nghiệm mới thấy như vậy.

Vì vậy, các thiền sư dạy cắt bỏ tiền trần, hay còn gọi là bế quan, hoặc đã thất; nghĩa là đóng kín năm giác quan không cho tiếp xúc với sự vật bên ngoài. Vì chúng ta tiếp xúc nhiều, biết nhiều thì phiền não nhiều, nên thiền sư dạy đóng sáu căn lại, không cho bên ngoài vô, vì cho vô không có lợi thì cho vô làm chi. Thực tế có một số người tu một lúc, biết nhiều lại thành nhiều chuyện, việc gì và thầy nào, họ cũng biết, rồi nói rằng không có ông thầy nào được, nên khổ tâm. Thiền sư dạy đừng nên biết theo cách đó, vì không thanh tịnh. Tổ Quy Sơn dạy rằng “Bất dữ chư trần tác đối” là không cho năm giác quan tiếp xúc với bên ngoài thì bấy giờ, ý thức và năm giác quan vẫn tiếp tục phân biệt, nhưng nó trở thành thông lợi hơn, không phải không biết gì. Lúc ấy, theo Pháp hoa, mắt có 800 công đức, tai có 1200 công đức… tức khả năng nghe và thấy tốt hơn, vì nó đã thanh tịnh là nhờ bế quan, chứ không phải không tiếp xúc mà trở thành than nguội, củi mục. Như vậy, chúng ta bế quan theo Pháp hoa, không tiếp xúc với năm trần để năm căn thanh tịnh; vì nó tiếp xúc thì sẽ nhiễm ô.

Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ cho năm căn tiếp xúc với Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền Tăng. Các ông Tăng mà tôi không quý kính được thì không biết, nên chỉ biết Thánh tăng. Chỉ phân tích, tìm hiểu Thánh tăng, Hiền tăng là Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi. Nhìn phàm tăng, mình sanh phân biệt khen chê, còn Hiền Thánh Tăng thì không chê được.

Lúc trẻ, tôi thích đọc truyện Thần Tăng là Tăng có nhiều thần biến. Hòa thượng Tắc Phước kể chuyện La Hầu La độ vua Ba Tư Nặc, tôi rất thích, nên cứ đem thần tăng để vô tâm, thì ý thức của tôi tiếp thu thần tăng. Tăng không có thần biến, tôi loại ra. Một Hòa thượng khác kể về ngài Khương Tăng Hội đứng trên cái nón lá đi về Đông Ngô, dù Đông Ngô rước bằng thuyền, nhưng ngài không đi. Hay Tổ Đạt Ma đi trên cành lau vượt biển. Tất cả những hiện tượng kỳ lạ này là do Thần Tăng làm, nhờ thuở nhỏ đọc nhiều về những vị này, nên tôi huân tập vào ý thức mình toàn là hình ảnh và hành trạng của các ngài để tôi kính trọng và loại ra phàm tăng, nghiệp tăng, ác tăng. Từ thần tăng nâng lên thánh tăng là A-la-hán trọn lành, đó là những người mẫu để chúng ta dấn thân làm theo.

Nẻo về của ý là nẻo về của các Thần Thánh Tăng, còn phàm tăng và trần lao không đưa vào tâm để tâm ta không bị nhiễm ô. Chỉ đưa Thần Thánh vào lòng, nên thấy tâm mình thanh tịnh theo các ngài. Vì vậy, tôi nhận ra rằng tất cả mọi việc thế gian về vật chất thì một mảy trần chúng ta cũng không mang đi được; nhưng về tâm thức thì cả ngàn vị vẫn đủ chỗ dung chứa các ngài. Đối tác của tôi chỉ có nhứt vạn nhị thiên Tỳ-kheo đại thánh tăng ở hội Linh Sơn. Và đối với bên Ni thì Kiều Đàm Di Mẫu và Lục thiên Tỳ-kheo-ni tham dự hội Linh Sơn hiện hữu.

Suy nghĩ các vị như vậy, nên tôi liên tưởng đến ngài Xá Lợi Phất mà tôi làm bài kệ:

Vị tu hành thời đại Luận gia
Danh văn phổ cập Ma Kiệt Đà
Hạnh ngộ thánh tăng nhi phát túc
Vị lai tác Phật hiệu Hoa Quang.

Ngài là vị Thánh tăng mà tôi kính trọng và cảm nhận hạnh đức của ngài như thế, nên tâm thấy an lành. Trong khi trước kia, ta dại khờ mở cửa tiếp xúc với ác tăng nên khổ đau. Khoảng thời gian mà tôi thực tập pháp môn này, tôi không để tâm đến những người sống chung trong chùa. Tôi nhận trách nhiệm chùa giao xong thì tôi để tâm đến Thánh tăng, nên tâm tôi hoàn toàn an lạc; vì tất cả những gì đưa về ý là Phật pháp. Từ bên ngoài đưa vào là thấy nghe hay biết, chúng ta chỉ đổi cái thấy nghe đau khổ của cuộc đời bằng cái thấy nghe Hiền Thánh là chúng ta đã được an lạc. Nhưng điều này có  phải là chân lý hay không.

Có thể khẳng định rằng cái gì đem từ bên ngoài vô thì không phải là chân lý, vì đem vô được thì không phải của ta, nó luôn thay đổi, nên không thực. Nhưng thay vì vay mượn khổ đau là điều không nên, nay chúng ta vay mượn của Phật pháp, của Hiền Thánh theo Pháp hoa thì đó cũng chỉ la Hóa thành, tức không thực, vì do Phật biến hóa ra, nên phải mất. Vì vậy, kinh Pháp hoa diệt Hóa thành, tức chấm dứt sự vay mượn bên ngoài.

Nẻo về của ý của chúng ta là không tiếp thu cái xấu, chỉ tiếp thu cái tốt, ở giai đoạn một. Đến giai đoạn hai, cả cái tốt, kể cả Phật pháp cũng loại ra, thì kinh nghiệm cho tôi thấy còn có một cái gì khác nữa. Thật vậy, trước kia nghĩ rằng chỉ có Thức quan trọng do năm giác quan đưa vào. Nhưng nay đóng kín năm giác quan, nhưng ý thức vẫn còn, bấy giờ nó không phân biệt, hay vật bên ngoài không đưa vào thì vật bên trong mới hiện ra, cho nên ta phát hiện được túc nghiệp từ A-lại-da thức.

Ý thức có là nhờ nương Mạt-na thức, nó là trung gian giữa A-lại-da thức là quá khứ chuyển sang ý thức là hiện tại. Mạt-na thức chỉ làm công tác chuyển tiếp, thì bên ngoài đóng, bên trong hiện ra. Ban ngày, ta tiếp xúc với cuộc đời là những gì bên ngoài đem vô, nên bên trong không ra được. Nhưng đến tối ngủ, không tiếp xúc, không thấy nghe thì từ A-lại-da thức tuôn ra. Mình nằm yên, không thấy bên ngoài, mới suy nghĩ những chuyện đã qua thì bấy giờ ý thức tiếp thu liền. Thí dụ, ta nghe trận động đất ở Nhật, nhưng không thấy. Tuy nhiên, ta ngồi yên suy nghĩ thì trong ý thức chúng ta hiện ra những gì liên quan đến động đất, vì trong A-lại-da thức là kho chứa đã lưu giữ sự kiện này rồi, nên ngồi yên thì nó hiện ra.

Theo tôi, trước kia thường huân tập Phật pháp đưa từ bên ngoài vào, tưởng là không cần thiết, nhưng nhờ huân tập như vậy nhiều, nay không huân tập nữa thì tất cả những gì đã huân tập hiện ra, nghĩa là khi A-lại-da thức đóng cửa tiền trần bên ngoài, nhưng lại phân tích được những cái đã chứa trong A-lại-da thức, tức là những gì từ tâm đi ra, chúng ta lại phân biệt, cho nó trôi về quá khứ; nói cách khác, đó là loại trừ những quá khứ trong tiềm thức, loại được một phần thì tâm ta thanh tịnh một phần. Loại hết tất cả quá khứ chứa trong A-lại-da thức thì tâm thanh tịnh hoàn toàn; như vậy là đã chuyển A-lại-da thức là cái kho chứa phiền não nhiễm ô từ vô thỉ kiếp thành Bạch tịnh thức. Từ ý thức không còn phân biệt, hay nói cách khác, không có việc gì để ý thức phân biệt, vì cái gì hiện lên là chúng ta xóa bỏ, nên tâm thức chúng ta hoàn toàn trống không, gọi là Bạch tịnh thức. Và khi nó trống không rồi, nếu đem Phật pháp để vào thì tạng thức của chúng ta trở thành tạng thức chứa Phật pháp. Tôi hiểu Phật pháp nhiều, nhờ huân tập nhiều, đọc Phật pháp nhiều, đưa vô tạng thức đến khi cần thì nó tự lưu xuất ra để sử dụng. Như vậy, tâm tôi có kho tàng chứa Phật pháp, khi sử dụng là đem từ trong A-lại-da thức ra ý thức để ý thức coi cái nào dùng được. Và kinh Pháp hoa nói từ sự khởi xuất như vậy, ngũ thức của chúng ta đều chuyển thành công đức, như mắt có 800 công đức, tai có 1.200 công đức, v.v… Vì vậy, bấy giờ, chúng ta nhìn đời bằng công đức, cho nên người nhìn ta thấy cái tốt của ta và ta nhìn người cũng thấy cái tốt của họ. Còn trước kia, chúng ta thấy cái xấu của người, nên tranh cãi. Nay nhìn đời bằng công đức, nên thấy cuộc đời này tốt, người tốt, tức là xây dựng được Tịnh độ nhân gian. Đó là ý nghĩa của nẻo về của ý mà tôi phát hiện.

Và Thế Thân Bồ-tát dạy rằng đạt đến đỉnh điểm của pháp tu theo Duy thức là chúng ta chuyển được tám Thức thành bốn Trí, tức là chuyển A-lại-da thức thành Đại viên cảnh trí thì thấy tất cả mọi việc hiện hữu trong sáng rõ ràng như vật để trước gương; chuyển Mạt-na thức thành Bình đẳng trí, không còn phân biệt đối đãi nhị nguyên; chuyển ý thức thành Diệu quan sát trí và chuyển tiền ngũ thức thành năm dụng cụ để chúng ta quán sát cuộc đời đúng như thật.

 

Tác giả bài viết: HT.Thích Trí Quảng
Nguồn tin: GHPGVN
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 33
  • Hôm nay: 5742
  • Tháng hiện tại: 1357937
  • Tổng lượt truy cập: 59010870

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile