Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Quán Tự tại

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/11/2012 08:21 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Quán Tự tại

Quán Tự tại

Thiền quán hay quán niệm là một trong những nội dung chính yếu và thiết thực của những người tu tập theo đạo giải thoát. Việc thực hành quán chiếu này giúp cho chúng ta thay đổi thái độ nhận thức chủ quan, phiến diện, rập khuôn, phỏng đoán do tích lũy kinh nghiệm cùng một số kiến thức vay mượn khô cứng. Quán niệm chính là soi chiếu thân tâm mình và hoàn cảnh đang diễn ra ngay nơi sự sống đương tại. Khả năng quán chiếu thâm sâu này giúp ta thấy rõ tánh, tướng, thể, dụng của vạn pháp trong chuỗi vận hành tương giao tất yếu, phá vỡ thói quen nhận định sai lầm về một cái ta hiện hữu riêng biệt.

Thực chất, vạn pháp ẩn tàng hay biểu hiện tùy thuộc vào hành vi tạo tác của mỗi chúng sinh mà hình thành tiến trình nhân-duyên-quả tương ứng. Trong Bát-nhã Tâm kinh, Đức Thế Tôn có dạy về việc pháp quán chiếu thâm sâu mà một vị hành giả cần phải thông hiểu: “Bồ-tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu Bát-nhã ba-la-mật tức diệu pháp trí độ, bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh, thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn…”. (Nhật tụng thiền môn năm 2000, tr.246). Tự tại có nghĩa là tự do, là giải thoát, không chối bỏ loại trừ hay vướng mắc sở hữu. Quán là nhìn sâu vào hiện thực đúng như chính nó, không khởi tâm chọn lựa, nắm bắt, thêm bớt theo ý tưởng chủ quan cá nhân. Quán chiếu cũng không phải ngồi một chỗ lim dim đôi mắt để liên tưởng, vẽ vời cắt xén hiện thực theo ý đồ tham vọng của bản ngã hoặc đợi đến khi gặp phải sự cố xảy ra rồi mới bắt đầu tìm cách thực hiện uốn nắn tâm ý để đối phó. Khi buông xuống các ý niệm lăng xăng để cho tâm hồn trở nên định tĩnh và trong sáng thì cái thấy của chúng ta về hiện thực của các pháp sẽ trở nên sâu sắc và xác thực hơn. Quán tự tại thực chất là hiện trạng các pháp đang diễn ra như thế nào ta rõ biết y như thế đó, cụ thể là ngay trong khi đi đứng, ăn uống, nói năng, làm việc v.v…đều rõ biết, nhờ có chánh niệm sâu sắc nên ta luôn được tự chủ và thảnh thơi.

Trong kinh Niệm xứ, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời” (Kinh Trung bộ I,tr.132). Quán chiếu về thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý với sự nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác không có nghĩa là tạo ra chủ thể và đối tượng có tính tách biệt nhau, mà chỉ đơn thuần rõ biết trọn vẹn trên hiện thực ấy. Quán thân trên thân nghĩa là trên cơ thể ta nóng lạnh, mềm cứng, hơi thở vào và hơi thở ra ngắn dài như thế nào thì bạn nhận biết y như thế đó chứ không uốn nắn, điều khiển theo ý tưởng chủ quan của mình. Quán cảm thọ, tâm hành và vạn pháp cũng như vậy. Nếu bạn thực sự không bị thói quen phân biệt, thêm bớt và định đoạt theo lập trình của bản ngã thì trí tuệ Ba-la-mật tức thời hiện hữu, soi chiếu toàn bộ tiến trình động dụng tương tác của sắc, thọ, tưởng, hành, thức (năm uẩn) là vô thường, khổ và vô ngã.

Bồ-tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không, nhờ đó mà được tự do, giải thoát và vượt qua mọi khổ ách. Sắc thân có mặt là do nhiều yếu tố kết hợp lại hình thành, và nó luôn luôn biến chuyển không ngừng. Những cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức cũng vậy, không có tự thể riêng biệt cố định, chúng chỉ nương vào nhau mà hiện khởi. Sự sinh diệt, đổi thay là quy luật tất yếu muôn thuở của cuộc sống, bạn không thể nắm giữ lại cái gì cho riêng mình và cũng không có cái gì tồn tại lâu dài cho bạn nắm bắt. Nếu bạn quán chiếu được như thế thì bóng dáng của phiền não tham sân si không có cơ hội sinh khởi, bạn dễ dàng vượt thoát mọi khổ đau trói buộc, sống an nhiên tự tại giữa cuộc đời, và sự thành tựu này chính là hành trạng tự lợi, lợi tha của một vị Bồ-tát đích thực trong cuộc đời.

Bồ-tát Quán Tự Tại là một cách dịch khác của Bồ-tát Quán Thế Âm. Một trong những ý nghĩa thâm sâu của danh hiệu Quán Thế Âm là thực hành hạnh lắng nghe viên mãn. Trong cái nghe chỉ đơn thuần là lắng nghe, không phản ứng thêm thắt lựa chọn, nhờ vậy Ngài vượt thoát mọi khổ đau ách nạn, tình thương yêu tỏa khắp đến với mọi loài chúng sinh. Chúng ta cũng có thể làm được như thế, nếu ta biết sống có chánh niệm tỉnh thức trong mỗi giây phút, vì điều kiện để thành tựu một vị Bồ-tát là phải có chất liệu của niệm, định và tuệ.

Quán Thế Âm là lắng nghe âm thanh của thế gian, thấy biết rõ ràng về mọi động dụng dấy khởi từ thân tâm và hiện cảnh đương tại. Khi tâm ta dừng lại hoặc không vướng kẹt vào đâu thì tự động bạn sẽ nghe rõ những tiếng thì thầm, lao xao xảy ra trong tự tâm mình. Âm thanh vọng động ấy chính là những chúng sinh đang bị giam hãm trong vùng tối tăm khổ não, chỉ có Quán Thế Âm mới có thể thấu hiểu và cứu độ chúng sinh (vọng tưởng) từ chốn mê lầm trở về bến giác ai vui! Đây là vấn đề trọng yếu, người học đạo cần phải thực nghiệm và thường trực quán chiếu để thấy ra được tự tính mầu nhiệm này. Và nếu ta thường quán niệm được như thế, thì đến khi nghe một ai đó nói ra, dù câu nói ấy chứa đựng sự trách móc, bực bội hoặc khen ngợi, ca tụng thì với năng lượng chánh niệm hùng hậu sẽ giúp ta giữ được thái độ trầm tĩnh và bình thản để lắng nghe trọn vẹn những điều người kia nói.

Nếu bạn nôn nóng, thiếu sự định tĩnh và thiếu lòng kham nhẫn thì không thể nào lắng nghe hết những tâm tư uẩn khúc của người muốn nói. Người trầm tĩnh sáng suốt thì biết quan sát khách quan mọi sự vật theo bản chất tự nhiên, sẽ không vội vàng phản ứng một cách vô thức, vì họ biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có nguyên nhân và điều kiện của nó theo quy trình vận hành tự nhiên của nhân quả. Ngay cả khi bạn cố gắng nỗ lực tu hành với tham vọng loại bỏ phiền não khổ đau để sớm đạt đến an lạc giải thoát, cũng chứng tỏ rằng bạn thiếu kiên nhẫn trong quá trình quán chiếu khách quan để nhận ra bản chất thực của chúng. Do đó, cần trở về trọn vẹn với chính mình để khám phá cái thực tại đang là chứ không phải mong cầu sở đắc ở tương lai.

Thiết nghĩ, sống trên đời này, ai ai cũng mong muốn có được hạnh phúc an vui, nhưng tiếc thay đa phần con người thường hay bị dính mắc vào lời nói êm dịu, ngọt ngào và ngược lại khó chịu, chán ghét khi nghe ai đó nói những lời chua chát, nặng nề. Thái độ tiếp nhận chọn lựa như thế sẽ không mấy đem lại hạnh phúc an vui cho tự thân và cho cả người đang nói. Đành rằng, tiếp chuyện với những người biết sử dụng ngôn từ hòa ái, thân thương là cơ hội quý giá để cho mình học hỏi tiến bộ thêm hơn, nhưng nếu ta chỉ ưa thích và dừng lại ở phạm vi ấy, thì khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc. Bởi, hiếm người có thể sử dụng được hoàn toàn những lời nói ái ngữ chân thật với nhau, vì khi họ chưa giác ngộ giải thoát thì không thể nào tránh khỏi những vụng về, sơ suất trong mối quan hệ giao tiếp, đó là lẽ đương nhiên! Chính bản thân ta cũng thế, lắm lúc thiếu chánh niệm tỉnh thức cũng dễ phạm phải những hành xử thô tháo, cộc lốc với người thân, bạn bè, lối xóm. Vậy nên, việc thực tập lắng nghe chính mình và mọi người là chất liệu tất yếu để xây đắp hạnh phúc gia đình và cộng đồng xã hội.

Để khả năng lắng nghe có hiệu quả, truyền thông tốt với mọi người chung quanh, đòi hỏi bạn cần phải sống trong chánh niệm tỉnh thức, hay nói cách khác là khi bạn làm việc gì đều phải có ý có tứ theo như lời mẹ dạy, tức là tâm hồn bạn thường định tĩnh và sáng suốt trong mọi lúc mọi nơi. Nếu tâm trí bạn trong suốt như một tấm gương thì sẽ tự động soi chiếu được mọi vấn đề diễn ra trong đời sống một cách trung thực, khách quan và chính xác. Lúc bấy giờ, dù bất cứ nơi đâu bạn cũng vẫn thong dong tự tại, làm tất cả mọi công việc nhưng tâm chẳng bám trụ dính mắc, như đôi bàn tay khéo léo không nắm giữ lại cái gì sau khi đã hoàn thành xong công việc.

Đây cũng chính là sự tự do tự tại, hoàn toàn giải thoát của Bồ-tát Quán Tự Tại khi sống và an trú trong tuệ giác tánh Không.

 

Tác giả bài viết: Viên Ngộ
Nguồn tin: GHPGVN
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 70
  • Khách viếng thăm: 28
  • Máy chủ tìm kiếm: 42
  • Hôm nay: 6981
  • Tháng hiện tại: 1359176
  • Tổng lượt truy cập: 59012109

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile