Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Mây Trong Cõi Mộng 11 - 15

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 14:52
Đường Mây Trong Cõi Mộng 11 - 15

Đường Mây Trong Cõi Mộng 11 - 15

Phật thuyết giới pháp, thiết yếu là dạy người ngưng ác hành thiện. Ác ngưng tức tâm tịnh. Tu thiện tức khổ diệt hết. Khổ diệt hết tức tăng phước. Tâm tịnh tức làm nhân cho cõi tịnh. Khổ diệt hết tức làm gốc cho cõi Cực Lạc . Tăng phước tức làm quả cho thường lạc. Thế nên, biết rõ rằng một niệm phát khởi tâm thọ giới, tức là các việc khổ có thể đoạn trừ ; các việc phước lành có thể hội tụ ; sanh tử có thể ra khỏi ; cõi Tịnh Độ có thể vãng sanh. Tất cả đều do từ một niệm phát khởi lúc đầu tiên làm nhân địa.

Tiếp........

Đường Mây Trong Cõi Mộng
 

(Bài 11 - 15)

 

Bài 11 : KHAI THỊ CHO NGÔ KHẢI CAO.

Ngô Khải Cao quy y Tam Bảo và trì trai giới đã bao năm, nay lại đến Lô Sơn, cầu thọ giơi pháp, làm đệ tử trong pháp môn, để kết duyên xuất thế trong vị lai. Nhân vì đó mà có pháp danh là Phước Thường, hiệu cư sĩ Tịnh Tâm ; thọ giới ưu bà tắc, rồi lại dâng hoa, đến thỉnh vấn. Lão nhân vì vậy khai thị rằng tất cả nghiệp hạnh ở thế gian, đều là vô thường, và cứu cánh đều là nhân khổ. Chúng sanh đồng hội tụ, và cảm sanh đến cõi Ta Bà đau khổ, nên gọi cõi này là kham nhẫn. Kẻ ngu mê, lấy khổ làm vui, chuyên thêm tham ái, lại tăng gốc khổ, mà không biết sự thiết yếu của việc xuất thế ra biển khổ. Thực là điên đảo ! Thế nhân nếu có một niệm, biết là vô thường, khổ, không, mà phát tâm cầu xuất ly, tức là người đại trí huệ. Lại nữa, nếu có một niệm phản tỉnh, phát khởi tâm chán khổ, tức là bước trên con đường xuất ra khỏi khổ đau. Ngoài ra, nếu có một niệm nguyện cầu sanh Tịnh Độ, tức là có căn bản thành Phật.
 

Phật thuyết giới pháp, thiết yếu là dạy người ngưng ác hành thiện. Ác ngưng tức tâm tịnh. Tu thiện tức khổ diệt hết. Khổ diệt hết tức tăng phước. Tâm tịnh tức làm nhân cho cõi tịnh. Khổ diệt hết tức làm gốc cho cõi Cực Lạc . Tăng phước tức làm quả cho thường lạc. Thế nên, biết rõ rằng một niệm phát khởi tâm thọ giới, tức là các việc khổ có thể đoạn trừ ; các việc phước lành có thể hội tụ ; sanh tử có thể ra khỏi ; cõi Tịnh Độ có thể vãng sanh. Tất cả đều do từ một niệm phát khởi lúc đầu tiên làm nhân địa.
 

Cư sĩ hôm nay đã biết rõ việc này mà phát tâm, nên mọi việc làm đều là hạnh xuất thế. Tuy chưa xuất gia, mà đã là Phật tử. Từ nay nếu dùng tâm trì giới và niệm Phật, để tịnh trừ tập nhiễm xưa (tức tham sân si ái, bao loại phiền não) thì tâm địa sẽ được thanh tịnh. Dùng tâm tịnh niệm Phật, và niệm niệm không quên, cùng tâm tâm chẳng đoạn, thì ngay nơi công việc thường ngày, mọi việc đều là nhân Tịnh Độ. Bố thí các đồ vật, và tứ sự cúng dường Tam Bảo, để làm tư lương trang nghiêm cõi Tịnh Độ. Vì vậy bảo đảm rằng tâm tịnh tức cõi Phật tịnh. Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà vốn không rời một niệm.
 

Đây là pháp hạnh chân thật, nên mới có pháp danh chân chánh là Phước Thường. Do tâm tịnh bên trong, nên mới có hiệu là Tịnh Tâm. Nếu như cư sĩ tin chắc không nghi, sao còn cầu Phật Pháp nào chi nữa ! Nếu không hằng làm những việc tầm thường ở thế gian, thì trước mắt đạo tâm tự kiên cố, tín tâm ngày càng tăng trưởng. Trân trọng ! Trân trọng ! 

 

Bài 12 : BÀI TỰA VỀ TỊNH ĐỘ CHỈ QUY.


Chỉ quy Tịnh Độ : Chỉ tức ý chỉ tu hành ; quy tức quy về cõi Tịnh Độ. Đức Thế Tôn nhiếp hoá quần sanh, thuyết ra bao loại pháp môn, phương tiện chẳng có một, mà pháp yếu thuỷ chung vốn có hai tông tánh và tướng. Vì căn cơ có đại tiểu, nên giáo có thi thiết đốn tiệm. Người sau phân hai môn thiền giáo. Giáo tức là nhiếp cả ba căn. Thiền tức là đốn ngộ nhất tâm. Như cả Đại tạng kinh Đại Thừa, cùng một ngàn bảy trăm công án, thì hướng về cái nào ! Pháp môn Tịnh Độ, bao trùm ba căn, đốn tiệm đều được cứu độ ; không có căn cơ nào mà chẳng nhiếp thọ. Vì vậy bảo rằng siêu vượt ra ba cõi, đây là pháp môn tối thắng nhất.
 

Từ trên chư tổ, dưới đến các bậc đại sĩ liễu ngộ chân tâm, chưa từng có ai không quy hướng vào đó. Bồ-tát Long Thọ, Mã Minh, cực lực xiển dương, tán thán. Có người bảo rằng pháp môn này chỉ vì những người căn cơ trung hạ, tức là họ không biết yếu chỉ Tịnh Độ. Tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới, cùng chánh báo y báo, tuy có khác biệt về sự hơn kém tịnh uế, mà đều do từ một tâm cảm hiện ra. Vì vậy, bảo rằng tâm tịnh tức cõi nước tịnh, nên gọi duy tâm tịnh độ ; cõi tịnh độ này không ngoài tâm. Thanh tịnh tâm do nhất tâm bất loạn. Các vị chưa liễu ngộ được chân tâm, sao không muốn an cư nơi Tịnh Độ !
 

Thiền gia thượng thượng căn, chưa từng có ai không quy về tịnh độ. Các bậc trung hạ căn, tu trì tịnh giới, chuyên tâm chú niệm, quán niệm tương tục, lâm chung sẽ được vãng sanh. Tuy có tướng đến đi, mà tướng hảo Di Đà, đài hoa rừng báu, thật do tự tâm cảm hiện ra. Ví như những việc trong mộng, chẳng từ ngoài vào. Những kẻ ngu phu ngu phụ, thường tu thập thiện, tinh trì năm giới, chuyên tâm niệm Phật, lúc sắp lâm chung, tất được vãng sanh. Đây là nhờ Phật lực gia trì, và hành nhân niệm tưởng được tăng ích thù thắng. Những niệm tưởng thù thắng kia do đại nguyện mà có. Nguyện cùng niệm giao tiếp, và tự tâm cùng Phật thầm mặc tương ưng. Tuy cảnh tịnh độ chưa hiện, mà công phu vãng sanh đã thành, thật do lực của tự tâm thầm cảm nên, mà chẳng từ ngoài vào.

 

Những kẻ thường gieo mười điều ác, thì lúc lâm chung sẽ bị nghiệp lôi kéo, và bao việc khổ trong địa ngục hiện ra trước mắt. Vì khổ quá bức bách, nên mới có tâm thiết tha muốn thoát khổ. Tâm này cộng với ý cùng cực khổ não mà thành niệm lực, nên khởi tâm thiết tha sám hối. Tâm sám hối đã thiết tha, thì ngay nơi ấy toàn thể ý niệm chuyển biến, nên trong một niệm, bèn tương ưng với chư Phật. Nhờ Phật lực gia trì, cảm ứng, khiến núi đao hoá thành rừng châu báu, và vạc lửa biến thành ao sen, nên những kẻ ác này cũng được vãng sanh. Cảnh Tịnh Độ do toàn thể công lực của tự tâm chuyển biến, chứ chẳng do từ ngoài mà được. Vì vậy quán thấy, vạn pháp trong ba cõi, chẳng có pháp nào mà không xuất sanh từ tâm. Cảnh tịnh uế, chẳng có cảnh nào là không do tâm hiện. Thế nên, pháp môn Tịnh Độ, không luận là người đã ngộ hay chưa ngộ, bậc thượng trí hay kẻ hạ ngu, nếu tu thì tất định sẽ được vãng sanh ; tất cả đều do tự tâm, tức là ý chỉ duy tâm tịnh độ, trắng đen rõ ràng. Thể tánh của chư Phật như hư không. Tự tâm lặng lẽ thanh tịnh, thì ứng hợp với chư Phật. Tuy giả lập khởi một niệm nguyện lực trang nghiêm, mà cảnh giới tịnh độ liền hiện, chứ không cần vay mượn công huân. Đó là bậc thượng thượng, chẳng phải là việc mà kẻ trí hẹp hay lòng tin cạn cợt có thể đạt đến. Các vị trung căn hạ căn, hãy nên liên tục quán xét tâm niệm, chớ để duyên ái hay tập nghiệp làm khuynh đảo. Căn tuy khiếm khuyết, mà chí thật thượng thượng. Việc tu khó, chỉ vì khó đoạn ái căn.
 

Những kẻ ác được vãng sanh lại còn khó hơn. Tuy bảo rằng đới nghiệp vãng sanh, nhưng thật ra do tập khí của thiện căn trong bao đời đã huân tập mà phát khởi. Tuy căn tánh xấu xa thấp kém, nhưng nếu phát khởi một tâm niệm dũng mãnh, thì siêu vượt lên bậc thượng thượng. Vừa bỏ dao đồ tể, bèn làm Phật sự, còn gì thù thắng bằng ! Song, chúng sanh mỗi mỗi không giống nhau. Thế nhân nếu mong đợi cầu vãng sanh thì là sai lầm. Căn tánh không lớn nhỏ ; cứu cánh chỉ do một niệm hướng thượng mà thành tựu. Vì vậy pháp môn này, há chẳng phải đặc biệt quyền thiết cho trung hạ căn thôi sao !
 

Tông chỉ của Tịnh Độ Chỉ Quy là dựa vào kinh mười sáu phép quán, và phát minh những chỗ khó hỏi, để hiển lộ yếu chỉ của pháp môn tịnh độ. Kế đến dẫn các thuyết từ Liên Tông cùng Long Thư, để biểu thị tín nguyện chánh hạnh. Thứ đến, liệt kê tiểu sử từ ngài Huệ Viễn, xuống tới hai mươi sáu vị khác, để dùng làm thật chứng. Sau đó, diễn giảng khuyến khích, cùng phát huy nghĩa lý niệm Phật, hay dẫn dụ nhân quả, hầu mong hành giả tiến bước tu hành, và chân thành chú tâm nơi pháp môn này. Tôi gọi là tập chỉ nam của Tịnh Độ. Lý và sự đêu phải tu ; lý nhân quả đều hiển lộ. Người xem lấy đây làm nơi nương tựa. Đó là cảnh giới diệu lạc, sáng soi tâm mắt. Cần gì phải cầu ngoài muôn quốc độ, mới thọ được sự an lạc vi diệu thù thắng ! Những điều này, hiển hiện ngay trong công việc hằng ngày, chứ không đợi quả báo đến hay lúc thần thức đã siêu sanh, mà sau mới thật chứng. Lợi ích của bài này là làm chiếc thuyền từ bi trên biển khổ, và làm ánh đuốc huệ trong đêm dài tăm tối. Chớ coi là việc nhỏ ! 
 

Bài 13 : QUY CHẾ NIỆM PHẬT TRONG MƯỜI HAI THỜI TẠI CHÙA HỒ TÂM.
 

Phật dạy rằng sự sanh tử của chúng sanh, cứ tương tục luân chuyển trong bao số kiếp mà không ngừng nghỉ, chỉ vì niệm niệm vọng tưởng phan duyên, chưa hề dứt đoạn. Vì vọng tưởng không đoạn, nên sanh tử không cùng tận, rồi bị lôi kéo luân chuyển không dừng. Phật thuyết bao phương pháp chế ngự tâm, đều là muốn bánh xe luân hồi dừng lại. Pháp môn tuy nhiều, mà chúng sanh trần cấu nặng nề, tâm thức mê muội khó nhiếp nhập, nên chỉ có pháp môn niệm Phật là thẳng tắt và cần yếu nhất. Thế nên bảo rằng nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền và tương lai, nhất định thấy Phật. Tất cả vọng kiến của chúng sanh đều nương nơi sanh tử. Do đó, đơn độc chỉ có chánh kiến thấy được Phật là pháp xuất khỏi sanh tử. Do có lòng nhớ đến, nên mới thấy được chư Phật.
 

Lúc vọng niệm ngày đêm không gián đoạn, phải dùng niệm Phật để đoạn trừ chúng. Đây là cách thức mà liên xã của ngài Huệ Viễn thường hành trong sáu thời khắc tại Lô Sơn. Đương thời, trong liên xã có một trăm hai mươi người, mà chỉ có mười tám vị được xưng là cao hiền, tức là những vị chân thật niệm Phật ; những vị còn lại đa số chưa đắc được nhất tâm niệm Phật. Hiện nay, xem thấy người niệm Phật thường thuộc hàng mạt phẩm. Sao không chân thật nhận biết !

Đời cận đại, người người thường lấy trâu núi làm hạnh niệm Phật, và lấy việc luyện ma làm danh ; nghĩa là kềm chế quá cứng chắc. Tuy ngày đêm niệm Phật không gián đoạn, nhưng chỉ trong ba mùa đông là thối thất. Người người tu hành chẳng giống nhau. Hiếm có ai tâm tu hành dài lâu. Tuy ngày đêm có bốn thời, mà tối đến lại hôn mê. Tu hành thiếu sự liên tục ! Thật phí cho những lời cảnh tỉnh.
 

Nay pháp sư Phật Thạch Huyền Tân, phát tâm trong mười hai thời thường thưa thỉnh. Pháp này phải liên tục tu trì. Trong động tịnh như lúc ăn uống rất khó niệm đến nhất tâm. Nếu điều phục chừng mực, thì mới niệm thành thục được. Đối với quy chế xưa nay, Pháp sư muốn thỉnh vấn. Lão nhân vì thế mà thiết lập quy chế, giá sự không phức tạp, để nhân tâm tập trung, mà hành diệu hạnh vi mật. Những quy chế giáo điều này chỉ là phụ trợ. Phàm kiến lập pháp hội niệm Phật, phải tuỳ theo người và tuỳ theo nguyện, rộng hẹp không đồng. Nếu có nhiều người thì lập ra nhiều pháp đường. Nếu có ít người thì chỉ cần lập một pháp đường. Song, không luận là người nhiều ít, phải phân thành sáu nhóm ; ngày đêm mỗi nhóm hành hai thời, thay phiên dâng hương ; lúc ra ngoài thì lễ bái tụng kinh, hành đạo sám hối ; những thời gian còn lại đều ngồi tĩnh toạ, rồi nương theo âm thanh mà mặc niệm, hoặc tập môn quán tưởng ; người nào thích gì thì tuỳ theo đó mà hành. Nơi đây phải tĩnh lặng nhiều mà động ít ; không khẩn trương không loạn động, và tiếng niệm Phật không gián đoạn, thì vọng tưởng không thể sanh khởi, như vừa kêu gọi ; không mê không tán loạn ; lúc nhập vào chánh niệm thì động tịnh như nhau ; mình người không hai không khác ; thức ngủ thường tỉnh giác. Được như thế, thì không cần rời khỏi toà ngồi, bèn thấy được Phật A Di Đà. Đây chính là diệu hạnh như ý bậc nhất. Lúc ăn uống cũng phải như pháp mà điều phục. Lúc làm việc, trong ngoài đều nhất như, tức là nhân và ngã đều mất, thị phi đều lặng. Đạo tràng vắng lặng tịch tĩnh, cũng chưa vi diệu bằng như thế.

Lão nhân suy nghĩ sâu xa về pháp này, tự thẹn gót chân chưa vững, nên vẫn chưa toại ý, nhưng đặc biệt nói ra những lời này. Đa phần tâm niệm chỉ rong ruỗi chạy đó đây. Ngày nào thấy nghe được chúng, thì nơi nơi đều an lạc, rồi đem tông Tịnh Độ phổ biến khắp nơi. Đây là niềm hy vọng của lão nhân.

 

Bài 14 : THƯ ĐÁP ĐỨC VƯƠNG.
 

Thừa Đại Vương luận sử, gởi thư đến hỏi sơn tăng pháp môn tu hành thẳng tắt. Xin đáp : Ngài đã có khả năng trì giới không giết hại, và đã trì trai trong ba năm, mà niệm Phật sao vẫn còn tánh nóng nảy, nên nay hỏi rằng còn có pháp nào để tu trì, hầu mong tới lúc lâm chung được an lạc, và đời sau không mê mờ. Đây là Đại Vương kiếp xưa đã tích tập căn lành. Bát Nhã thâm sâu, nên đời nay mới tiếp tục tu hành, lại được địa vị tôn quý ở xứ này ; chẳng mê muội tâm niệm xưa, lại chân thật tha thiết tham cầu yếu chỉ Phật Pháp. Sơn tăng tuy ngu dốt hạ liệt, nhưng lại dám dùng những lời chân thật để đối đáp.
 

Đức Phật thuyết pháp độ sanh, như cho thuốc tuỳ theo bệnh trạng ; phương tiện lập nhiều môn, không phải có một. Giáo pháp lưu truyền qua xứ này, xưa và nay đều y theo mà phụng hành. Tu hành có hai môn là Thiền và Giáo, mà người người thường đồng quy hướng. Thiền tức là pháp truyền tâm ấn của chư Tổ, mà quý ngay nơi liễu ngộ tự tâm. Cách hạ thủ công phu là chỉ đơn độc đề khởi tham cứu thoại đầu, cho đến lúc thấy rõ tự tâm mới thôi. Pháp môn này chỉ đơn độc dành cho bậc thượng thượng căn ; vừa siêu thoát liền nhập thẳng vào. Song, vị này cũng phải luôn luôn theo bậc thiện tri thức, và thường tự thủ hộ điều phục đề tỉnh, thì mới đi đúng con đường chân chánh. Xưa kia, nhiều vị vua quan cũng có khả năng này. Song, ngay cả người xuất gia cũng không thấy có mấy ai hành dễ dàng. Nay Đại Vương tôn thủ nơi thâm mật, không đi bái kiến thiện tri thức, nên sơn tăng không dám dùng những lời này mà khuyến tấn, chỉ mong Ngài y giáo phụng hành.
 

Ngày xưa, đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai có viết ra bộ “Đại Tiểu Chỉ Quán” và “Thành Phật Yếu Môn”. Bộ “Đại Chỉ Quán” văn nghĩa thâm sâu, rất khó thể hội. Bộ “Tiểu Chỉ Quán” tuy giản dị, và thuyết giảng rõ ràng về cách hạ thủ an tâm, lại cũng khó nhập vào ; nghĩa là tuy có thể hiểu biết và có thể hành, nhưng cũng khó mà thành tựu. Trong cuộc sống hằng ngày, ngay nơi các cảnh giới thuận nghịch, đều không thể dùng được, huống là vào lúc lâm chung. Pháp này cũng chẳng dễ dàng cho Đại Vương hành, nên sơn tăng không dám khuyến tấn. Nay đơn độc chỉ có một môn là Phật thuyết cõi Tây Phương Tịnh Độ, chuyên dùng niệm Phật làm sự thiết yếu, dùng quán tưởng cảnh tịnh làm chánh hạnh, dùng sự tụng đọc kinh điển Đại Thừa làm môi giới dẫn phát, dùng phát nguyện làm chỗ hướng đến, dùng bố thí để trang nghiêm ruộng phước. Đây là pháp môn mà người xưa và nay đồng tu trì. Bất luận sang hèn, thông minh ngu độn, đều có thể dụng công tu được. Thế nên, muôn người tu hành, muôn người đồng có cảm ứng.
 

Xin Đại Vương hãy lưu ý, mà thường ngày cẩn thận dùng pháp môn này, và tu hành đúng theo những quy tắc điều lệ. Đức Phật vì muốn cứu độ thế giới Ta Bà, và các chúng sanh khổ não, mà thuyết môn Tịnh Độ, tức là cách vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc . Song, phải chuyên dùng tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sanh. Cõi nước kia có một quyển kinh A Di Đà, dùng làm chứng tín. Trong kinh miêu tả cõi nước kia, cùng cảnh giới nơi đó rất tường tận. Phương thức tu hành, cũng có tình tiết thứ lớp, như pháp làm công quả tăng ích lợi. Phải dùng niệm Phật làm chủ yếu. Mỗi sáng sớm thức dậy lễ Phật, rồi tụng một quyển kinh A Di Đà, hoặc kinh Kim Cang ; lần chuỗi niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc ba bốn ngàn lần, hoặc một trăm ngàn lần, xong bèn đối trước tượng Phật mà hồi hướng công đức, phát nguyện vãng sanh qua cõi nước kia ; lời này tại trong kinh Công Quả thuyết rõ ràng. Đấy là công quả vào buổi sáng, còn lúc buổi chiều cũng nên hành như thế. Ngày ngày cứ định đặt công phu tu hành như vầy, mà không thiếu sót bê trễ. Pháp này đã từng dạy chư cung nhân quyến thuộc trong hoàng cung. Nếu theo như pháp mà thánh mẫu của thánh tông Nhân Hiếu thường hành. Pháp này cho đến ngày nay trong hoàng cung cũng không bỏ phế, mà lại thường hành. Nếu vì đại sự lâm chung, thì phải dụng công phu này, và phải thường chân thành tu hành thiết tha.
 

Mỗi ngày, trừ hai thời công quả, trong mười hai thời đều đơn độc khởi một âm thanh Phật A Di Đà nơi ngực, mà niệm niệm không quên, và tâm tâm chẳng u muội. Tất cả việc đời đều không nghĩ đến, mà chỉ dùng một câu A Di Đà Phật này, làm mạng căn của mình, quyết trì giữ mãi, không thể xả bỏ. Cho đến lúc ăn uống ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi, một âm thanh A Di Đà Phật thời thời luôn hiển hiện. Nếu gặp cảnh giới phiền não, thuận nghịch vui buồn, và lúc tâm bất an, thì phải cố khởi âm thanh niệm Phật liên tục, thì phiền não liền bị tiêu diệt. Tâm phiền não vốn là gốc khổ của sanh tử. Nay dùng niệm Phật để tiêu diệt phiền não, tức là nơi mà Phật cứu độ khổ não sanh tử, chứ chẳng còn pháp nào khác. Niệm Phật cho đến lúc làm chủ được phiền não, thì ngay trong mộng cũng tự làm chủ được. Nếu trong mộng tự làm chủ được, thì ngay trong lúc bệnh khổ cũng tự chủ được. Nếu trong lúc bệnh hoạn khổ đau mà tự chủ được, thì lúc lâm chung tâm sáng suốt rõ ràng, bèn biết nơi sắp đến. Việc này hành không khó, chỉ thiết yếu là tâm phải tha thiết vì sự sanh tử. Đơn độc nương tựa một câu niệm Phật, chớ hướng ra ngoài nghĩ ngợi chuyện khác. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên đắc được đại tự tại an lạc, và đắc được đại hoan hỷ thọ dụng, mà dục lạc thế gian không thể nào sánh bằng. Xin Đại Vương hãy lưu ý đến pháp này, cùng chân thật tu hành. Bỏ qua pháp môn này, thì không còn pháp môn thẳng tắt nào khác.
 

Lại nữa, quyết không thể nghe theo bọn tà kiến tà thuyết để bị mê hoặc. Ngoài ra, nếu Đại Vương muốn biết nơi đi của mình vào lúc lâm chung, còn có một diệu pháp ; xin hãy nhớ cho. Pháp này có thể dùng trong lúc niệm Phật ; nghĩa là thời thời thường tĩnh mặc quán tưởng trước mặt có một đoá hoa sen lớn, hình dạng như bánh xe lớn, mà không màng xanh đỏ trắng vàng. Quán tưởng hình dạng hoa sen phân minh rõ ràng, rồi lại tưởng nghĩ thân mình đang ngồi an nhiên bất động trong hoa sen. Quán tưởng Phật phóng ánh sáng chiếu đến thân mình. Lúc quán tưởng, không câu nệ đi đứng nằm ngồi, lại cũng không màng năm tháng ngày giờ, chỉ cần thiết là cảnh quán phải rõ ràng tường tận ; mở mắt nhắm mắt phải hằng tỉnh giác không mê ;  cho đến trong mộng cũng thấy Phật A Di Đà, cùng Quán Âm, Thế Chí đến, đồng ngồi trong hoa sen, như thấy rõ sự việc vào ban ngày. Nếu quán tưởng thành tựu, thì đó là lúc cắt đứt được sanh tử. Đến lúc lâm chung, hoa sen hiện ra trước mắt, và tự thấy thân mình ngồi trên hoa đó ; ngay lập tức, Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí đồng đến tiếp dẫn. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh qua thế giới Tây Phương Cực Lạc , rồi cư nơi địa vị bất thối, mãi chẳng trở lại thọ khổ sanh tử. Một đời chân thật tu hành thì quyết sẽ có thật hiệu nghiệm. Pháp môn thẳng tắt này, không phải chỉ nói suông, mà trong kinh điển, nơi nơi Phật đều khai thị tường tận. Thế nên, bảo rằng tuy có nhiều cách thức tu hành, mà nếu bỏ niệm Phật A Di Đà, thì không còn diệu pháp nào khác.
 

Nghe tâm Đại Vương, không cầu trường sanh, chỉ nguyện phút cuối được sáng suốt. Trừ pháp này ra, không còn pháp nào nữa. Nếu sợ bịnh hoạn mà học cách điều hơi vận khí, thì chẳng phải là pháp hay. Nếu không thể vận được khí, thì ngược lại sanh ra trọng bịnh, khiến không thể cứu chữa. Chớ nên mê hoặc vì pháp thức này. Nếu là pháp niệm Phật thì phải nhất quyết bước vào, còn những pháp khác chẳng màng lưu tâm tới. Xin Đại Vương hãy chân thật lắng nghe những lời đó, chớ có hoài nghi !
 

Lại nữa, vào ngày hai mươi bảy tháng giêng, tăng Uẩn Chân phụng lệnh chỉ của Đại Vương, đem thơ đến vấn hỏi. Sơn tăng đọc qua nhiều lần, nhận thấy Đại Vương muốn nghiên cứu thể hội đại sự sanh tử, và muốn hiểu rõ căn tông tánh mạng, cùng liễu đạt chỉ thú thiền giáo của Phật Tổ. Sơn tăng ngu muội, không dám vọng đàm, chỉ kính cẩn dùng giáo điển để phân trần đối đáp rõ ràng những điều hỏi đó. Xin hãy xét rõ. Hỏi : Đạo của ba thừa, nguồn gốc của tánh mạng, thuyết của thiền giáo, đạo của Đạt Ma, sao thường bảo : “không có ngôn từ”, thì tâm địa nơi đâu mà dụng công, nhân sanh đến đâu, gì là hạ lạc ? Lại bảo : “Màng chi đến việc có Phật hay không có Phật”. Lại bảo : “Trong một tĩnh niệm, không nhân không ngã, ví như hư không”, ý chỉ như thế nào ? Xin hãy dùng ngôn từ thượng trung hạ căn, niệm độ sanh của Phật Tổ, mà giải thích tường tận. Đáp : Tông chỉ Phật giáo, chỉ lấy nhất tâm làm tông. Nguyên vì tâm này, bổn gốc vốn tròn đầy, sáng soi bao là, thanh tịnh chẳng dính một hạt bụi. Trong đó vốn không có mê ngộ hay sanh tử, và chẳng lập thánh phàm ; chúng sanh cùng Phật đồng một thể, không hai không khác. Đây chính là việc mà ngài Đạt Ma từ Tây Vực sang, chỉ thẳng chơn tâm sẵn có, dùng làm Thiền tông, nên đối đáp với vua Lương Võ Đế :

- Lãng nhiên vô thánh. Nếu đốn ngộ tâm này, thì sẽ cắt đứt đường sanh tử. Dẫu cho người nào, chỉ trong một niệm mà đốn ngộ, thì được gọi là như Phật, không cần phải tu chứng theo giai đoạn tiệm thứ của ba thừa giáo. Đây là mục đích con đường hướng thượng của Thiền tông. Từ xưa chư tổ đã truyền, tức là chỉ tâm này, mà dùng làm tông chỉ ; đó gọi là thiền. Tông này không lập văn tự, chỉ quý tại minh tâm kiến tánh. Bàn về cách dụng công tiến tu, buổi ban đầu tổ Đạt Ma hỏi nhị tổ Huệ Khả :

- Ông thường làm gì ?

- Khất cầu Thầy dạy con phương pháp an tâm.

- Đem tâm ra đây để Ta an cho.

- Con tìm tâm mãi chẳng được.

Tổ Đạt Ma bèn ấn chứng :

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Không thể dùng lời nói mà đạt được tâm này. Đó là ý chỉ của Tây Lai. Nhị Tổ lại hỏi :

- Còn phương tiện nào chăng ?

Ngoài ngưng các duyên, trong không cấp bách ; tâm như tường vách, mới có thể nhập đạo. Đây chính là lời dạy tham thiền đầu tiên. Đạo của tổ Đạt Ma, chỉ như thế thôi. Trừ tâm này ra, lại không còn pháp nào khác. Người sau tuy vào thiền đạo đã lâu, nhưng vẫn chưa đốn ngộ, nên mới có thuyết tham thiền quán thoại đầu. Thoại đầu này không hạn cuộc là ai, chỉ dùng công án của người xưa, giữ tại nơi ngực mà hạ nghi tình, và chẳng dùng một chữ ; đó là công án ; thẳng đến chỗ phát xuất nghi tình, tức là tham cứu. Lâu ngày tham cứu tới lui, rồi tâm địa bỗng nhiên khai mở, như tỉnh giác từ cơn đại mộng ; gọi đó là ngộ.
 

Dùng tham cứu tức là dụng công. Lúc tham cứu chân chánh, trong tâm một niệm chẳng sanh một vật, nên gọi là vô ngã vô nhân, đồng như hư không. Nơi ngộ tức là hạ lạc, nghĩa là đã liễu ngộ được tự tâm, thì căn tình sanh tử trong bao kiếp, nhất tề bèn đốn đoạn. Đã ngộ được tâm này rồi, thì còn thuyết gì là Phật và chúng sanh ! Thế nên, từ đó bước ra ba cõi, rồi tuỳ ý qua lại mà độ chúng sanh, mãi mãi dứt các khổ não, không còn bị sanh tử trói giữ ; đó gọi là Bồ-tát . Đây là tham thiền đến nơi hạ lạc (giải thoát) ; tánh mạng từ đó đoạn dứt. Nếu chưa ngộ tâm này, thì suốt đời luôn bị nghiệp thiện ác dẫn dắt, luân chuyển trong sáu đường khổ não. Chưa đến nơi hạ lạc (giải thoát), thì gọi là biển khổ sanh tử, không có bến bờ, chính là như thế.

Hỏi : Đạo của ba thừa là gì ?
 

Do Phật độ sanh, tuỳ theo căn cơ mà thuyết lập ra các pháp môn phương tiện quyền xảo. Thuyết đại tạng kinh, cũng do ý đó. Pháp của nhất tâm (chúng sanh cùng Phật đồng chung bản thể) vốn không có thân tâm thế giới. Chỉ vì một niệm vọng động lúc ban sơ, khiến mê mất tâm này, nên mới kết thành thân tâm huyễn vọng, tức nay là thân máu mủ thịt thà của mọi người ; đó gọi là sắc thân. Tri giác suy nghĩ hôm nay, chính là vọng tưởng. Tâm kinh  thuyết năm uẩn vốn là nó. Năm uẩn tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhục thân tức là sắc uẩn. Tâm tức là bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức. Thân tâm biết khổ vui là thọ. Phân biệt tham cầu, niệm niệm không đoạn ngừng là tưởng. Tưởng này tương tục không đoạn là hành. Chúng là tâm thức tri giác suy nghĩ. Thức tức là mạng căn. Lúc chưa mê, chỉ gọi là tánh. Khi đã mê chân tâm, thì trở thành thân tâm huyễn vọng. Thức đó giữ mất sắc thân, nên gọi là mạng, cũng là cội nguồn của tánh mạng. Phật vừa xuất thế, chỉ dạy người liễu ngộ tâm này. Song, vì mê muội đã lâu, nên không thể liễu ngộ. Vì vậy, Phật quyền thiết phương tiện ; đầu tiên dạy người nên biết thân này là gốc khổ. Khổ đó do sự huân tập của tham sân si ái, phiền não mà sanh. Vì vậy, trước tiên con người phải đoạn phiền não, thì mới có thể vượt qua khỏi khổ này. Các người trung căn hạ căn, y theo đó mà tu hành, đoạn dứt phiền não, thì ra khỏi khổ não sanh tử. Đó gọi là Thanh Văn, Duyên Giác, tức là hạ trung nhị thừa. Họ chỉ có khả năng tự độ, không thể độ người. Họ chẳng biết ý chỉ chúng sanh đồng thể tánh, mà chỉ đắc được nửa phần, nên gọi là tiểu thừa.
 

Người có tâm quảng đại vì chúng sanh, tức là có khả năng tự độ, lại độ được người ; tự lợi lợi tha, rộng tu lục độ : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Hành lục độ này, khiến tâm kia rộng lớn ; đó gọi là Bồ-tát, hay đại thừa, cũng gọi là thượng thừa. Hai thừa pháp này, đại tạng kinh đều thuyết rành rẽ. Người nào liễu ngộ tâm này, cuối cùng quy về tâm đó, được gọi là tối thượng thừa nhất thừa, hay là Phật thừa. Đây là pháp cao siêu nhất trong thiền giáo.
 

Pháp tu hành của ba thừa rất nhiều, kể không thể hết. Song, nếu y một pháp mà tu hành, thì đều có thể xuất ra khỏi sanh tử khổ não, chứ chẳng hạn cuộc vào cái nào. Lập ra các loại phương tiện, chỉ vì muốn chúng sanh liễu ngộ tâm này. Chưa đến nơi hạ lạc, tức là chưa liễu ngộ tâm này, thì vẫn còn ở trong biển khổ, và mãi mãi lưu chuyển tuỳ theo nghiệp thiện ác. Nếu làm thiện, thì sanh vào loài trời người. Nếu từ tham sân si ái mà gieo nghiệp ác thì đoạ vào ba đường ác, thọ khổ vô lượng. Trong ba thừa pháp này, nếu tu học theo trung hạ thừa, thì đa số khi bị ái dục quyến rũ, liền tham đắm nơi thọ dụng, nên không thể cắt đứt tâm vọng tưởng. Người tu học theo thượng thừa, phần nhiều tuy có thể hành bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, nhưng chưa có thể vẹn toàn, cũng chưa có thể xuất ra khỏi sanh tử. Lo mãi tu pháp thiện, nên sanh lên trời. Phước báo tận hết thì lại bị đoạ, như trục quay kéo nước giếng, cuối cùng không thể hạ lạc (giải thoát). Nếu cầu ngộ sáng tâm này, để có thể liễu sanh tử, thì cần chi dùng những pháp xen kẻ như trên.
 

Lại nữa, nếu không quyết tâm tham cứu, hay tuỳ tiện phóng túng tham cứu mà không được thiện tri thức chỉ dạy, thì e rằng sẽ dụng tâm sai lầm, rồi trở lai bị đoạ vào tà kiến, khiến một đời trôi qua vô ích. Tuy muốn cầu hạ lạc (giải thoát) mà không thể được. Chỉ thọ phước báo trên trời, sao miễn khỏi luân hồi ! Thế nên, Phật đặc biệt thiết lập phương tiện thẳng tắt, tức là pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu trong một đời tu hành thành tựu pháp môn này, thì khi lâm chung, quyết định hạ lạc (sẽ được vãng sanh). Nay vì Đại Vương mà giảng giải pháp môn Tịnh Độ.

Hỏi : Vì sao thiết lập pháp môn Tịnh Độ ?

Đáp : Phật thiết lập pháp ba thừa, cần yếu cho người tu hành, không phải chỉ một đời mà có thể thành tựu. Vì sợ đoạ lạc vào trong biển khổ sanh tử, khó mà ra khỏi, nên hành tham thiền, có thể trong một đời được liễu ngộ, xuất ra khỏi sanh tử. Song, vì vọng tưởng rối rắm, tập khí sâu dày, nên không thể tham cứu. Nếu chưa ngộ sáng tâm này, thì không miễn luân hồi. Thế nên, Phật mới đặc biệt thiết lập pháp môn cầu vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc. Không luận thượng trung hạ căn, cùng giàu sang nghèo hèn, nếu y chiếu theo đó mà tu hành, thì trong một đời có thể thành tựu. Vì vậy, bảo rằng tuy có nhiều đường lộ tu hành, mà không có pháp nào vi diệu thù thắng bằng pháp môn Tịnh Độ.
 

Hiện tại, nơi cõi Ta Bà đầy dẫy các sự khổ nhọc, sao chúng ta lại trú ở ? Nào là khổ vì sanh, già, bệnh, chết, cho đến khổ vì cầu không được, hay khổ vì oan gia tụ hội, bao loại khổ não, kể không thể hết. Tuy là vương hầu tể tướng, được hưởng thọ sung sướng, nhưng đều là nhân khổ. Những sự khổ cực này, khó mà tránh khỏi. Thế nên, Đức Phật thuyết về cõi Tây Phương Tịnh Độ, mà gọi là Cực Lạc thế giới. Trong cõi nước đó, chỉ thọ các sự sung sướng, nên gọi là Cực Lạc ; cõi nước kia không có sự dơ bẩn, nên gọi là Tịnh Độ ; không có người nữ, và hoá sanh từ hoa sen, nên không có khổ vì sanh. Thọ mạng dài vô cùng, nên không có khổ vì già, bệnh chết. Y phục thức ăn, tự nhiên sẵn có, nên không khổ vì cầu chẳng được. Chư thượng thiện nhơn đồng tụ hội một nơi, nên không khổ vì oan gia tụ hội. Cõi nước này dùng bảy loại châu báu để trang nghiêm, nên không có đất đá ngói sỏi, hay phẩn tiểu bất tịnh. Bao loại thanh tịnh, hoàn toàn không đồng với thế giới này. Những lời trong kinh A Di Đà, mỗi mỗi đều là sự thật.
 

Hôm nay, tất cả mọi người nên cầu sanh qua cõi nước đó, chứ không nên cầu pháp gì khác. Nhất tâm niệm Phật dùng làm chánh hạnh, rồi ngày ngày hồi hướng ; dùng tâm quán tưởng hoa sen, và thân ngồi trong đó. Đến lúc lâm chung, liền thấy Phật A Di Đà phóng ánh hào quang tiếp dẫn ; thấy hoa sen lớn, vụt ra trước mắt ; thấy tự thân đang ngồi trên hoa. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh. Đã vãng sanh qua cõi đó rồi, thì mãi mãi không bị đoạ vào đường khổ sanh tử ; đó gọi là Bồ Tát Bất Thối Địa. Đây là kết quả của một đời tu hành. Đời sau hạ lạc (giải thoát) rõ ràng như thế. Trừ pháp này ra, nếu có nói cảnh giới gì khác vào lúc lâm chung, thì đó là tà thuyết. Nếu không niệm Phật, thì đến lúc lâm chung, tuỳ theo nghiệp lành ác đã tạo, cảnh giới thiện ác bèn hiện bày, hối hận cũng không kịp. Đây là pháp môn tu hành thẳng tắt quan trọng nhất, vốn do Đức Phật đặc biệt quyền thiết phương tiện.
 

Lúc tu Tịnh Độ, không cần cầu ngộ sáng tâm tánh, chỉ chuyên dùng niệm Phật và quán tưởng làm chánh hạnh; lại bố thí, cúng dường chư tăng, tu bao công đức phước điền, để trợ cho việc trang nghiêm cõi Phật. Trong tâm niệm Phật, tuy phát nguyện vãng sanh, mà trước hết phải nên cắt đứt cội gốc sanh tử, thì mới mau có hiệu nghiệm.
 

Cội gốc sanh tử là gì ? Tức là tham đắm hưởng thọ vật chất trên thế gian, cùng sắc đẹp, lời hay, vị ngọt, khẩu nồng. Tất cả đều là gốc khổ. Hiện nay, một hạng người tà có đủ cả tâm sân hận phẫn nộ, cùng tâm chấp trước si ái, và đồng với tà ma ngoại đạo, tà thuyết của tà sư, tà pháp của tà giáo, mà dám tự vọng xưng là hành giáo pháp Đạt Ma Viên Đốn, cùng vọng lập giáo pháp Nam Dương Tịnh Không Vô Vi, Quy Gia. Mỗi mỗi đều là lời nắn tạo của bọn tà nhân trong đời cận đại, khiến làm rối loạn mê hoặc luật pháp của thế nhân. Người người phải lánh xa chúng. Cho đến những thuật toàn chân nắm bỏ âm dương, thuyết nội đơn ngoại đơn, đều là tà pháp, không thể tin được, mà chỉ đơn thuần tin chắc pháp môn niệm Phật. Mỗi ngày tụng kinh A Di Đà hai quyển. Niệm vài ngàn danh hiệu Phật, hoặc không cần đếm số. Tâm tâm không quên danh hiệu Phật, tức là thoại đầu, và cũng là căn gốc của tánh mạng. Lại nữa, không cần hỏi tánh mạng là gì, bản lai diện mục là gì, cùng những thuyết ba hồn bảy vía nguyên thần là gì.
 

Nếu nhận thức sai lầm nơi luận đàm tông chỉ, thì không thể hạ lạc (giải thoát). Nếu hỏi rằng cuộc đời này như thế nào, và đời kế ra sao, thì nên biết rằng đời này nếu tạo nghiệp ác thì đời sau cảnh ác hiển hiện. Đời này niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì đời sau cảnh giới Phật hiển bày. Toại ý theo sở cầu của mình, đó là việc tốt. Nếu không phải theo đúng sở cầu của thiện tâm, thì đó là việc của tà ma ; quyết không thể tin lầm theo. Nếu không, sẽ bị ngộ nhận trong trăm kiếp ngàn đời. Kinh Lăng Già và Lăng Nghiêm nói rõ tường tận. Nếu nói lời rằng phàm có tướng đều là hư vọng, thì đó là lời của pháp môn tham thiền. Đơn độc chỉ cầu chân tâm thanh tịnh, mà chẳng dung chứa một vật ; phàm có tướng tức là hư vọng. Niệm Phật cầu vãng sanh qua cõi Tịnh Độ, vốn là do tâm tưởng mà thành tựu.
 

Kinh nói - Nếu quán tưởng vi tế thì cõi nước sẽ thành. Tham thiền muốn đoạn vọng tưởng thật khó. Thế nên, nay dùng tâm tưởng thanh tịnh để tẩy rửa tâm tưởng nhiễm uế. Nếu hoa sen hiện trước mặt thì quán tưởng thành tựu, sao còn bị tướng vọng thôi thúc nữa ! Các pháp môn tu hành chẳng đồng, nên không thể bàn luận tóm tắt.
 

Những lời đối đáp bên trên, mỗi mỗi đều y theo kinh giáo của Phật Tổ mà kiểm nghiệm rõ ràng, chẳng phải là lời đàm luận hư vọng. Nếu tham thiền, tức là lấy việc minh tâm kiến tánh làm chủ. Nếu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì không cần phải mong cầu minh tâm kiến tánh, mà đơn thuần chỉ luôn niệm Phật, tức tự tâm niệm đều minh giác sáng suốt. Nếu quên mất Phật, tức là chẳng giác. Nếu niệm đến độ trong mộng cũng có thể niệm, tức là thường giác không mê. Hiện tại, nếu tâm này không mê, thì lúc lâm chung tâm này cũng không u muội. Nơi tâm không u muội, tức là hạ lạc (được giải thoát). Hiện tại, Hiền Vương vì quốc sự đa đoan, quyết không thể tham thiền, mà chỉ nên niệm Phật là hay nhất. Không câu nệ trong động tịnh, tức là tại mọi nơi đều niệm được. Đạt được nhất niệm không quên, thì đâu còn pháp vi diệu nào nữa ! Trước mặt vẫn biết những việc thần thông, nhưng không thể cần cầu. Xưa kia, đức Phật không hứa khả cho sự tu tập việc đó. Nếu được thành Phật, thì tự nhiên sẽ có thần thông, chẳng cần mong cầu. Đây là việc mà quỷ thần biết trước, chứ con người không thể học được. Vì vậy, không nên nghĩ tưởng đến những việc này. Nếu niệm Phật được nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung, tự nhiên sẽ dự biết thời tiết ; đó là thành tựu niệm Phật tam muội. Những điều như trên, xin Hiền Vương tinh tường lưu ý xem xét. 

 

Bài 15 : KHAI THỊ THAM THIỀN THIẾT YẾU.


Tông chỉ thiền môn là truyền tâm ấn của Phật, vốn chẳng phải là việc nhỏ. Khởi đầu, Tổ Đạt Ma từ Tây Thiên sang Đông Độ, đơn độc đứng ra truyền tông chỉ, rồi dùng bốn quyển kinh Lăng Già làm tâm ấn. Tuy truyền ngoài giáo lý (giáo ngoại biệt truyền), mà thật ra Thiền tông lại dùng giáo để ấn chứng, mới thấy đạo của Phật Tổ không hai. Công phu tham cứu, cũng từ giáo mà ra.

Kinh Lăng Già thuyết : - Ngồi thiền tĩnh toạ trong núi rừng, bậc thượng trung hạ, nên xem xét tự tâm vọng tưởng lưu chú. Đây chính là bí quyết công phu của đức Thế Tôn. Kinh lại nói : - Ý thức kia do tự tâm mà hiện ; tướng của cảnh giới tự tánh vốn là hư vọng. Sanh tử mênh mông như biển cả. Nghiệp thức mù mờ vô tri. Những việc này, quyết phải độ tận hết. Đây là lời dạy của đức Như Lai về diệu chỉ ngộ tâm. Kinh lại thuyết : - Từ trên chư thánh, tương chuyển truyền thọ, đều dạy rằng vọng tưởng vốn vô tánh. Đó là nơi biểu thị tâm ấn bí mật, và là chỗ ông già mặt vàng (đức Phật) dạy người nơi tham cứu thiết yếu. Lại nữa, tổ Đạt Ma dạy ngài Huệ Khả (487-593) : - Ngoài ngưng các duyên, trong không cấp bách. Tâm như tường vách, thì mới có thể nhập đạo. Đây là lời dạy thiết yếu đầu tiên của tổ Đạt Ma về phương pháp tham cứu. Lúc ngũ tổ Hoằng Nhẫn (602-674) tầm cầu người kế thừa, vừa nghe Lục Tổ (638-713) nói : “Xưa nay không một vật”, nên bèn truyền y bát cho. Đó là tông chỉ tương truyền tâm ấn.
 

Sau này, khi vào nam (tức Tào Khê) Lục Tổ lại dạy Huệ Minh : - Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi đó, gì là bản lai diện mục của thượng toạ Minh ? Đó là bí quyết tham cứu mà Lục Tổ dạy người trong buổi đầu. Đấy mới biết rằng từ trên Phật Tổ chỉ dạy người liễu ngộ tự tâm, nhận ra tự tánh, mà chưa thuyết công án hay thoại đầu.

Sau đời tổ Hành Tư (660-740) ở Thanh Nguyên và tổ Hoài Nhượng (677-744) ở Nam Nhạc, chư tổ sư tuỳ theo căn cơ mà khai thị ; phần nhiều đánh vào những chỗ nghi ngờ, khiến người xoay đầu chuyển não để đến nơi ngơi nghỉ. Nếu có những kẻ chưa khai ngộ, tuỳ theo thời tiết nhân duyên, các ngài giáng búa kềm. Đến đời tổ Hoàng Bá (776-856), Ngài bắt đầu dạy người tham khán thoại đầu. Qua đời thiền sư Đại Huệ (1089-1163), Ngài lại cực lực chủ trương dạy người tham khán công án của cổ nhân. Đây là nắm mũi mà gọi là thoại đầu, vì muốn người thiết thật tỉnh ngộ.

Tại sao ? Chỉ vì trong ruộng thức thứ tám của các học nhân, chứa đầy bao chủng tử tập khí xấu xa, mà niệm niệm đã huân tập sâu dầy, nên mãi mãi bị tương tục lưu chuyển. Vọng tưởng không thể đoạn, thì chẳng làm gì được. Cứ nắm chặt một câu thoại đầu vô vị vô nghĩa, hầu mong xả bỏ hết nội ngoại tâm cảnh vọng tưởng. Vì xả bỏ chưa nổi nên dạy đề câu thoại đầu, như chặt dây nhợ ; vung một đao lên bèn đoạn dứt hết. Dòng ý thức chảy tương tục đến đây bị cắt đứt.

Đó chính là quy tắc pháp thức ngoài ngưng muôn duyên, trong không cấp bách, tâm như tường vách của tổ Đạt Ma. Nếu không dùng phương pháp đó mà hạ thủ công phu, thì quyết không thể thấy được bản lai diện mục của mình. Không phải dạy quý vị tham tầm suy nghĩ nơi ngôn ngữ của công án, như bàn thảo đàm luận về nghi tình. Thiền sư Đại Huệ chuyên dạy người tham khán thoại đầu, như hạ độc thủ bằng tâm lạnh lùng. Ngài dạy đại chúng:

- Tham thiền chỉ cần yếu bỏ hư tâm. Lấy hai chữ sanh tử dán lên trán như nhắc mình đang bị thiếu nợ trăm nghìn đồng. Ngày đêm ba thời, lúc ăn cơm uống trà, đi đứng nằm ngồi, cùng bạn bè đối đáp, nơi náo nhiệt chỗ tĩnh lặng, đều giữ câu thoại đầu. - Con chó có Phật tánh không ? Tổ Triệu Châu (778-897) đáp : - Không. - Quý vị chỉ lo xem khán thoại đầu tới lui, mãi đến lúc không còn mùi vị, như đánh vào tường vách. Cuối cùng, như chuột chui vào sừng trâu, bao điên đảo đều đoạn dứt. Phải lập tâm lâu dài cùng tự nhắc nhở tiến bước, thì tự nhiên hoa tâm khai sáng, chiếu khắp mười cõi quốc độ. Một lần ngộ bèn ngộ tận cùng triệt để. Trên đây là búa chày tầm thường mà lão nhân Đại Huệ hằng dùng. Ý chỉ này dạy quý vị dùng thoại đầu để cắt đứt ý căn, hạ vọng tưởng. Nơi vọng tưởng lưu chú không hành, phải nhìn lại bản lai diện mục của mình, chứ không phải dạy quý vị tham tầm suy nghĩ về công án, rồi cho là nghi tình, mà khởi tâm phân biệt thảo luận.
 

Lại nữa, bảo rằng hoa tâm được khai sáng, tức là chẳng do từ người ngoài mà được. Đó là mỗi mỗi lời chỉ dạy của Phật Tổ, răn nhắc quý vị phải tham cứu chính mình, chứ không tìm kiếm diệu ngữ của người khác. Ngày nay tham thiền tạo công phu, người người đều bảo tham khán thoại đầu, phát khởi nghi tình, mà không biết hướng vào gốc để tham cứu, cứ lo tầm cầu trên thoại đầu. Cầu đến cầu lui, rồi chợt loé ra một tia sáng, bèn bảo là đã liễu ngộ, liền thuyết kệ trình câu cú. Vì cho là rất hiếm được, nên nghĩ rằng đã đắc đạo, mà không biết hoàn toàn đoạ trong lưới của vọng tưởng tri kiến. Tham thiền như thế, có phải là làm cho mắt của người hậu thế bị mù loà chăng ? Những kẻ thiếu niên ngày nay, ngồi bồ đoàn chưa vững, mà dám xưng ngộ đạo. Nói càn nói bậy, đùa giỡn với con quỷ tri kiến ; xem việc tham thiền như món đồ chơi. Khi cơ phong chợt vụt lên, thì tưởng rằng dùng ý kệ đó để đối đáp với cổ nhân. Nếu ngộ đạo quá dễ dàng như người đời nay, thì người xưa chắc đã bất tài hết rồi. Ngài Trương Khánh ngồi rách cả bảy chiếc bồ đoàn. Triệu Châu trong ba mươi năm không dụng tâm tạp loạn. Nếu dựa vào dữ kiện này, thì căn tánh của người xưa chắc rất đần độn, và chắc cũng không xứng để cầm đôi giày cỏ của người đời nay. Cứ mãi tăng thượng mạng khinh người, và chưa được mà tự bảo đã được. Thật rất đáng sợ.
 

Thuở xưa, khi Thiền tông thạnh hành, nơi nơi đều có các bậc minh nhãn thiện tri thức. Thiên hạ đầy dẫy những kẻ tham cứu thiền cơ, cho đến nơi đây cũng còn khai phát, thì hà huống bảo rằng không có thiền. Thật ra, chỉ vì hiếm tìm được thiện tri thức. Ngày nay nhà thiền vắng vẻ hoang tàn đã lâu. Đôi khi, có nhiều người phát tâm tham cứu, rồi may mắn gặp được thiện tri thức xem xét huyền cơ, tuỳ theo đương tình mà ấn chứng. Song, những học nhân còn tâm thức thô thiển, tự cho rằng đã đạt đạo. Lại nữa, họ không tin thánh giáo của Như Lai, chẳng tầm cầu đường lộ chân chánh, chỉ u mê tu hành, tức lấy dấu ấn rẻ mạt mà cho là chân thật, nào biết tự mình lầm lạc và kéo người khác lạc theo. Có phải đáng sợ lắm không ! Y cứ theo quyển Truyền Đăng Lục, có rất nhiều vị tể quan và cư sĩ đạt đạo. Song, người trong trần lao vào thời nay, giới thô không giữ, lại xúc loạn vọng tưởng, ỷ mình thông minh. Vừa xem qua pháp tắc cơ duyên của người xưa, mỗi mỗi đều tự phụ, cho mình là bậc thượng thượng căn, rồi ganh tỵ cơ phong, cũng tự bảo là đã ngộ đạo. Kẻ mù dẫn đoàn người mù, tệ hại đến thế !

Ngày nay, lão nhân đề khởi tôn trọng nơi dụng công phu chân chánh thiết thật của Phật Tổ, để cùng mọi người thương lượng. Các bậc cao minh đạt sĩ, mỗi người hãy tự sửa mình chân chánh. 

 

Còn Tiếp....
 

Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 54
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 21520
  • Tháng hiện tại: 281452
  • Tổng lượt truy cập: 59721469

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile