Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Mây Trong Cõi Mộng 16 - 20

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 15:15
Đường Mây Trong Cõi Mộng 16 - 20

Đường Mây Trong Cõi Mộng 16 - 20

Tâm thể của chúng ta, xưa nay vốn tròn đầy trong sáng. Hiện tiền không thể đốn ngộ hay đắc được thọ dụng, đều vì từ vô lượng kiếp đến nay, do tham sân si ái cùng bao loại phiền não chướng ngại che lấp tự tâm. Thế nên, không thể dụng công phu tiệm tu ít ỏi

 

Tiếp........

Đường Mây Trong Cõi Mộng
 

(Bài 16 - 20)
 

Bài 16 : KHAI THỊ CHO TIÊU HUYỀN ĐOÀN.

Tâm thể của chúng ta, xưa nay vốn tròn đầy trong sáng. Hiện tiền không thể đốn ngộ hay đắc được thọ dụng, đều vì từ vô lượng kiếp đến nay, do tham sân si ái cùng bao loại phiền não chướng ngại che lấp tự tâm. Thế nên, không thể dụng công phu tiệm tu ít ỏi.

Ngài Quy Sơn bảo : - Học nhân nếu nơi một niệm mà đốn ngộ tự tâm, rồi lại dùng sở ngộ đó, tịnh trừ nghiệp thức lưu chuyển trong hiện tại ; đó mới gọi là tu, chứ chẳng có cách nào khác.
 

Nếu có học nhân vì cầu đốn ngộ, mà cho rằng không có công phu nào để dụng, đấy là do tập khí tiềm ẩn thâm sâu, vừa gặp cảnh bèn phát khởi, nên mới lưu nhập vào ma giới dài lâu. Vã lại, công phu tiệm tu, chẳng có thứ lớp ; trong nhật dụng thường ngày, hướng vào nơi tâm chưa khởi động niệm, lập định vững chân, phản quán chiếu soi vào trong. Nơi một niệm vừa khởi, bèn thẩm xét niệm đó, từ đâu phát ra. Truy cứu đến nơi nhất niệm vừa sanh xuất, liền nhận rõ nó vốn vô tánh, thì tất cả vọng tưởng tình lự đều ngưng lập tức, như nước chảy băng tan. Song, những kẻ quên tâm mình, không phát lực dõng mãnh, và không thể đoạn dứt yết hầu, chẳng giác tâm tương tục, thì mãi bị lưu chuyển mà không biết xoay về. 
 

Bài 17 : KHAI THỊ CHO CƯ SĨ VƯƠNG HIỂN NGUNG.
 

Thế nhân dùng thân tâm cảnh giới huyễn vọng mà sinh hoạt sống còn. Từ sanh đến tử, chưa từng có một niệm giác biết lại tự tâm bản lai diện mục. Vì chưa giác ngộ, nên không biết gốc rễ của bịnh tật. Nơi nước lửa xung đột, bốn đại cùng nhau công phá, đó là thân bịnh. Vọng tưởng phan duyên, thương ghét thủ xả, đó là tâm bịnh. Thân bịnh thì thuốc có thể trị, mà tâm bịnh thì không có thuốc để trị.
 

Đức Phật là đấng y vương ở thế gian, có thể điều trị tâm bịnh của chúng sanh. Ngài tuy dạy bao loại phương tiện, mà rốt ráo chỉ dùng chánh giác để phá vọng tưởng vô tánh ; đó gọi là lương dược hoàn sanh vi diệu. Học nhân muốn cầu pháp môn an lạc, trước tiên phải nhận  rõ thân vốn chẳng có bản ngã. Hãy quán xem trước khi cha mẹ sanh ra, thân máu thịt này từ đâu mà có ? Lúc bốn đại phân ly, thân này an lập tại nơi nào ? Thời thời quán sát như thế, lâu ngày đột nhiên sẽ có một niệm tỉnh giác, thì không còn khổ vì thân này nữa ; đó là thang thuốc vi diệu trị thân bịnh. Tất cả bịnh tật đều từ tâm vọng tưởng sanh ra. Thường ngày, dùng niệm quán sát, xem coi nơi khởi của tất cả niệm thiện ác, tức là phát hiện cội gốc của bịnh khổ. Dùng niệm lực quán sát nơi khởi, xem coi nó từ đâu mà nổi dậy, và rốt ráo diệt về đâu ! Lúc vọng tưởng diệt, phải truy cứu nó diệt tới đâu. Truy cứu cho đến nơi khởi và chẳng khởi, cùng nơi diệt và chẳng diệt, mà nhận thấy rằng khởi diệt không từ đâu đến, thì tâm thể liền an nhiên, đắc đại tự tại. Chặt đoạn cửa ải trọng yếu như thế, trước sau không ngừng ; trung gian nhất niệm tự cô độc, thì niệm này đứng nơi độc lập. Lâu ngày thuần thục, thì căn bịnh vọng tưởng tự nhiên sẽ bị nhổ trừ. Tất cả tâm dơ bẩn cũng không còn có nơi để nương tựa. Đó là phương thuốc vi diệu trị tâm bịnh. Vương Tử Ngung thiết chí hướng thượng, nhưng vẫn còn tầm cầu trên ngôn ngữ văn tự, không biết hướng vào chính mình mà cầu. Tự tâm vọng tưởng đó vốn là căn bịnh. Cứ dùng ngôn ngữ của người, cho là pháp thật, đó gọi là tăng thêm một lớp chướng ngại.
 

Từ nay, phải biết phá trừ tự tâm vọng tưởng, không để chúng trói buộc xoay chuyển. Phải xem xét nơi khởi của vọng tưởng, quyết không để chúng cứ tiếp tục chạy. Phật bảo rằng tâm cuồng loạn nếu ngừng, tức là Bồ Đề. Tâm thanh tịnh sáng soi thù thắng, vốn không từ ngoài mà đắc được. Ngay nơi tự tâm hiện tiền, tức là pháp môn đại giải thoát. Lão nhân do ông thỉnh cầu khai thị nên đặt cho pháp danh là Phước Giác, tức là dùng giác này làm phước vô lượng bậc nhất. Xin hãy cố gắng !
 

Bài 18 : ĐÁP QUAN TRUNG THỪA TRỊNH CÔN NHAM.
 

Bàn luận phần đại sự nhân duyên này, thì ai ai cũng đều có đầy đủ, và mỗi mỗi đều hiện thành, không thiếu một sợi lông tóc ; chỉ vì từ vô thuỷ đến nay, hạt giống ái căn, vọng tưởng tình lự, tập khí nhiễm ô thâm sâu, nên chướng chư tự tánh vi diệu sáng soi, khiến không thể được chân thật thọ dụng. Cuộc sống dựa trên tâm vọng tưởng, và thế giới hư huyễn, nên cứ mãi trôi giạt trong sanh tử.
 

Phật Tổ ra đời, dùng ngàn lời muôn lẽ, thuyết thiền, thuyết giáo, bao loại phương tiện, chẳng ngoài việc tuỳ thuận theo căn cơ, phá chấp cho chúng sanh, mà hoàn toàn không có pháp thật và người thật. Bảo là tu, chỉ vì tuỳ thuận tự tâm, tịnh trừ bóng ảnh của vọng tưởng tập khí, mà mới dùng lực nơi đó. Nếu nhất niệm vọng tưởng chợt ngưng, bèn thấy rõ tự tâm, xưa nay vốn tròn đầy sáng soi bao la, bản nhiên thanh tịnh, chẳng chứa một vật, đó gọi là ngộ. Trừ ngoài tâm này, chẳng vật gì là có thể tu có thể ngộ. Tâm như thể tấm kiếng ; vọng tưởng phan duyên như bóng hình ; làm nhiễm ô chân tâm, nên gọi tướng vọng tưởng là trần, thức tình là cấu. Nếu vọng tưởng tan mất, thì bản thể tự hiện. Ví như lao kiếng, sạch bụi bặm thì ánh sáng tự hiện ra.
 

Chúng ta tích tụ tập nhiễm kiên cố đã bao kiếp, nên cội gốc ngã ái thâm sâu khó nhổ trừ. Đời nay may mắn gặp được pháp Bát Nhã. Trong huân tập làm nhân. Ngoài nhờ thiện tri thức dẫn dắt làm duyên. Tự biết bản hữu của tâm tánh, nên phát tâm chí nguyện hướng đến việc giải thoát khỏi sanh tử, há là việc nhỏ ư !

Nếu không phải là người khoẻ mạnh, tự thân đơn độc mang đao nhập thẳng vào, thì rất là khó khăn. Cổ nhân bảo rằng như một người mà chống với muôn người, chẳng phải là lời nói hư vọng. Nói chung, đời mạt pháp người tu hành rất nhiều, nhưng đắc chân thật thọ dụng lại rất ít. Phí sức lực thì nhiều, mà đắc lực thì ít. Tại sao ? Vì không đi thẳng đến nơi hạ thủ công phu, chỉ lo tu trên ngôn từ thấy nghe tri giải, cùng bám chấp thức tình, đè ép vọng tưởng, và dụng công phu trên bóng hình. Họ lấy những lời huyền ngôn diệu ngữ của cổ nhân chấp chứa  trong ngực, mà làm pháp thật, rồi tự cho đó là tri kiến của mình, chứ chẳng biết trong đó dùng một điểm nhỏ cũng không thể được. Đó chính gọi là y theo người mà tác giải, khiến làm bế tắc cửa tự ngộ.
 

Nay dụng công phu, trước hết phải chẻ dẹp tri giải, chỉ nhắm vào nơi một niệm mà dụng công. Phải tin chắc tự tâm, bản lai thanh tịnh trong sạch, chẳng quảy một tấc dây, tròn tròn sáng sáng, tràn đầy khắp pháp giới, vốn không có thân tâm thế giới, cùng chẳng có vọng tưởng tình lự. Một niệm này, vốn tự vô sanh. Bao loại cảnh giới trước mắt đều là vọng huyễn không thật, chỉ xuất phát từ trong chân tâm mà hiện ra bóng hình. Thấy rõ như thế, ngay nơi vọng tưởng khởi diệt, nhất định tìm xem nó từ đâu khởi và từ đâu diệt. Dùng lực ép chặt như thế, chẳng màng đến bao vọng niệm ; kẹp nát chúng khiến tan thành phấn vụn, thì băng tan ngói bể. Thiết yếu chẳng nên chạy theo chúng, cũng không thể khởi tâm tương tục.
 

Đại sư Vĩnh Gia bảo rằng phải đoạn tâm tương tục là như thế. Tâm thô phù hư vọng, vốn không có chỗ tựa. Chớ nên cho chúng là thật. Cứ giữ tại ngang ngực, lúc chúng khởi lên liền quát. Vừa quát chúng liền tiêu. Thiết yếu không đè ép, hãy để chúng tự nhiên khởi, như nước trên quả hồ lô, chỉ ném phứt thân tâm thế giới qua một bên. Đơn độc đề khởi một niệm nghi tình ; vung bảo kiếm trong hư không, dẫu là Phật là ma, một đao liền chặt hết, như chém dây nhợ. Phải dùng niệm lực mà giữ chúng. Đó gọi là trực tâm chánh niệm chân như. Chánh niệm tức là vô niệm. Quán được vô niệm thì mới gọi là hướng đến tri kiến của Phật.
 

Vừa mới phát tâm tu hành, cần thiết phải tin chắc pháp môn duy tâm. Phật thuyết ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức. Đa số, giáo lý Phật Pháp, thường giải thích tám chữ này rõ ràng để người người tin nhận. Hai đường thánh phàm chỉ nằm trong hai con lộ mê ngộ của tự tâm. Tất cả nhân quả thiện ác, trừ ngoài tâm này, chẳng một mảnh gì có thể đắc được. Diệu tánh thiên nhiên của chúng ta, vốn không nương nơi ngộ, sao còn có mê ! Hôm nay thuyết mê, chỉ vì chưa nhận rõ tự tâm vốn không có một vật ; không đạt được lý thân tâm thế giới vốn không, nên bị chúng làm chướng ngại. Cứ chuyên cho tâm vọng tưởng sanh diệt là chân thật, nên nơi cảnh duyên của sáu trần, bao loại huyễn hoá nhận lầm là thật có. Bây giờ phát tâm tu hành, tiến bước đi ngược dòng để hướng thượng, thì hoàn toàn phải tận tình vứt hết những tri giải thuở xưa. Một điểm tri kiến hay pháp thiện xảo dùng cũng không được. Chỉ việc nhìn suốt thân tâm thế giới, hoàn toàn là do tự tâm hiện ra sắc thô phù hình huyễn, như ảnh tượng trong kiếng, như trăng soi mặt nước. Quán tất cả âm thanh, như gió thổi qua cây. Quán tất cả cảnh giới, tựa như mây nổi trên nền trời ; chúng đều là những việc huyễn hoá không thật, và chẳng đơn độc từ ngoài đến. Vọng tưởng tình lự của tự tâm, và tất cả hạt giống ái căn, cùng tập khí phiền não, đều là hư phù huyễn hoá không thật. Quán sát thâm sâu như thế, phàm một niệm khởi, quyết định nhìn thấu nó đến khi hạ lạc (đốn ngộ). Thiết yếu không thể khinh nhờn mà bỏ qua, cũng không để chúng làm che mờ. Phải dụng công phu như thế, cùng thêm thiết tha chân thật. Trừ pháp này ra, hợp lại những xảo pháp huyền ngôn tri kiến, hoàn toàn không có chút liên hệ. Dẫu gọi là dụng công phu, cũng chỉ là bất đắc dĩ mà làm. Ví như dụng binh, nếu quân không có vũ khí tốt, thì bất đắc dĩ mới dùng.
 

Cổ nhân thuyết tham thiền đề thoại đầu, đều là việc làm bất đắc dĩ. Công án tuy nhiều, mà đơn độc chỉ có niệm Phật đích thật mới là thoại đầu, vì dễ dàng tu đắc lực trong trần lao. Song, bất quá chỉ như đập ngói cửa thành quân địch, và cuối cùng cũng phải ném vứt đi. Chỉ là ít vì không dụng được một lần. Nay dụng công phu, phải có lòng tin vững chắc, tâm quyết định vững chắc, trì giữ vững chắc, quyết không do dự. Không thể ngày nay như vầy, rồi ngày mốt như kia, vì sợ không đắc ngộ, và hiềm ngờ không huyền diệu. Tính toán như thế, đều là chướng ngại. Trước hết phải phá sạch chúng, để lúc lâm chung không sanh nghi ngờ. Lúc công phu đến nơi đắc lực, ngoại cảnh không thể nhập, chỉ có phiền não trong nội tâm, đột nhiên ngang ngạnh khởi ; hoặc dục niệm chợt phát, hoặc tâm sanh ưu sầu, hoặc khởi bao loại phiền não, cho đến tâm mỏi lực mệt, không thể làm gì được.
 

Đây là trong thức thứ tám, hàm chứa bao hạt giống tập khí trong vô lượng kiếp. Nay bị công phu bức bách, đều hiện xuất ra. Việc quan trọng nhất là phải sớm nhận biết ra chúng. Trước tiên phải nhận thức phá trừ, nhìn thấu suốt ; quyết không để chúng giam nhốt ; quyết không để chúng khống chế ; quyết không cho đó là thật, mà chỉ phấn chấn tinh thần, phát khởi tâm dũng mãnh, đề khởi câu thoại đầu đang tham cứu. Nơi thoại đầu vừa khởi, thì bèn chống cự đuổi chúng đi. Bản ngã chân thật nguyên chẳng có những việc như thế. Hỏi nó đến từ chỗ nào, rốt ráo là gì ! Quyết định phải nhìn đến khi hạ lạc (đốn ngộ).
 

Như thế mà ép đuổi chúng đi, thì khiến quỷ thần đều khóc lóc, tuỵêt tung ẩn tích ; phải đuổi tận giết tuyệt không lưu một tấc dây. Dụng lực như thế, tự nhiên sẽ nghe tin tức lành. Trong một niệm nếu phá được chúng, thì tất cả vọng tưởng nhất thời đều rơi, như hoa rụng từ trên hư không, khiến tâm thể sáng soi tĩnh lặng.
 

Qua được chặng này, thì đắc được vô lượng khinh an tự tại. Song, đây chỉ là nơi đắc lực của người sơ phát tâm, chẳng phải là huyền diệu. Nơi bình lặng khinh an tự tại, chớ sanh tâm vui mừng, vì nếu như thế, sẽ bị con ma vui mừng bám vào tâm, tức tăng thêm chướng ngại. Ngay nơi tạng thức, hạt giống tập khí ái căn kiên cố thâm sâu ẩn tàng, không thể dụng lực thoại đầu nổi lên, quán chiếu tâm cũng không được, tự mình hạ thủ công phu không xong, thì phải lễ Phật tụng kinh sám hối ; lại cần phải mật trì tâm chú, nương nhờ mật ấn của chư Phật mà tiêu trừ chúng. Các bài mật chú, như bảo xử kim cang đập nát tất cả vật. Vật vừa chạm vào bèn bị tan nát như hạt bụi. Từ trên Phật Tổ tâm ấn mật quyết, đều không vượt ngoài lý này. Vì vậy, bảo rằng mười phương Như Lai, nhờ trì tâm chú này, mà đắc thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lời của Phật rõ rằng ; sợ môn hạ của tổ sư bị lạc vào thường tình, nên thầm thuyết mật chú, chẳng phải là vô dụng.
 

Thế nên, ngày thường phải định thời khoá, thì lâu sau thuần thục, đắc lực được nhiều, nhưng không thể hy vọng cầu mong thần thông cảm ứng. Phàm người tu hành, có ngộ rồi mới tu, hay tu rồi mới ngộ, mà ngộ có giải và chứng không đồng. Nếu y theo ngôn giáo của Phật Tổ mà minh tâm giải ngộ, thì đa phần lạc vào tri kiến. Nơi mọi cảnh duyên, đa phần không thể đắc lực. Tâm cảnh đối lập nhau, không thể dung hoà, nên trở thành ngưng trệ, và đa phần tự làm chướng ngại.
 

Đây gọi là danh tướng tựa như Bát Nhã, chẳng phải là nơi tham cứu chân thật. Người chứng ngộ, mọi việc từ trong tự tâm, thật đã xả bỏ hết. Bức ép đến nước cùng non tận, thì một niệm chợt ngưng, khiến thấy rõ tự tâm, như giữa ngã tư đường, gặp lại cha mình.

Lại nữa, không thể nghi ngờ ; ví như người uống nước, lạnh nóng tự biết ; không thể thố lộ với người ; đó mới là tham cứu chân thật và liễu ngộ chân thật. Sau đó, dùng nơi chỗ ngộ mà dung hội tâm cảnh, để tịnh trừ nghiệp chướng đang lưu chuyển trong hiện tại. Ý thức vọng tưởng tình lự, đều chảy tan ra thành một vị chân tâm, tức là chứng ngộ.

Chứng ngộ này, sâu cạn không đồng. Từ cội rễ mà khởi công phu, phá được hang hố của thức thứ tám, lấp trừ hầm hố của vô minh ; vừa siêu thoát liền nhập vào, mà không có thừa pháp nào khác. Đây là nơi chứng đắc thâm sâu của bậc thượng thượng căn ; còn lại thì là tiệm tu, sở chứng rất ít. Việc đáng sợ nhất là thường lấy ít cho là đủ, khiến lạc nơi bóng ảnh. Chưa phá trừ được cội gốc của tám thức, sao mãi buông lung làm bậy !

Đó là việc bên ngoài thần thức. Nếu cho rằng chúng là thật, tức nhận giặc làm con. Cổ nhân bảo rằng người học đạo, không nhận  thức chân thật được, chỉ vì nhận lầm thần thức trước mắt. Cội gốc sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay, người ngu nhận lầm chính là mình. Ngay nơi đó, việc tối trọng là phải nhìn thấu suốt. Thế nên, bảo rằng đốn ngộ rồi tiệm tu, nghĩa là trước ngộ đã triệt thấu, nhưng vẫn còn tập khí, chưa có thể tẩy rửa liền. Ngay trên tất cả cảnh duyên, dùng lý ngộ này, khởi lực quán chiếu, duyệt cảnh kiểm nghiệm tâm. Dung hoà đắc được một phần cảnh giới, thì chứng đắc một phần pháp thân, tiêu một phần vọng tưởng, hiển lộ một phần căn bản trí ; tất cả hoàn toàn đều do nơi công phu liên tục. Dụng công ngay trên cảnh giới, thì mới đắc lực. Đối với người lợi căn, tín tâm dũng mãnh, lúc dụng công phu, sự chướng dễ trừ, nhưng lý chướng khó thay đổi. Bịnh này lược kê có vài phần.

 

Trước nhất, không thể tham cầu huyền diệu. Việc này vốn thanh tịnh khắng khít, thật hiển nhiên rõ ràng, chỉ là một vị bình thường, chẳng có chi là huyền diệu. Thế nên cổ nhân dạy rằng đã ngộ đồng với chưa ngộ ; y nhiên chỉ như người xưa, lại chẳng có huyền diệu. Công phu nếu đủ, thì tự nhiên trở nên bình thường chân thật, và tập khí tri giải sẽ được tẩy trừ. Ngược lại, bên trong huân tập trí Bát Nhã ; khởi các huyễn hoá xảo kiến bao đời, rồi buộc ràng tâm đó, mà gọi là huyền diệu, và chấp vào không xả. Đó chính là bóng ảnh của thần thức, và là cội gốc vọng kiến phân biệt, cũng gọi là kiến chấp, khác biệt với vọng tưởng thô phù khi trước. Song, sanh diệt vi tế vẫn còn trôi chảy, cũng gọi là tri chướng, chính làm ngăn ngại chánh tri kiến. Người nào nhận lầm đó là chân thật, bèn khởi bao loại kiến chấp điên cuồng. Phải nên bỏ đi. Thứ đến, không thể đem tâm chờ ngộ. Chân tâm vi diệu tròn đầy, xưa nay vốn không có mong chờ. Nhân vì vọng tưởng kết tụ, khiến tâm cảnh căn trần đối đãi, nên khởi mê hoặc tạo nghiệp. Nay người tu hành, chỉ nên nhất niệm xả bỏ thân tâm thế giới. Đơn độc đề khởi niệm này hướng về phía trước. Cần thiết là chẳng màng ngộ hay không ngộ, chỉ lo là niệm niệm bước bước chưa vững được. Công phu nếu đến nơi đến chốn, thì tự nhiên sẽ thấy bản lai diện mục, sao còn tính toán chi ! Dùng tâm mong đợi ngộ, tức nó là gốc rễ của sanh tử. Đợi đến cùng kiếp, cũng không thể ngộ.
 

Thế nên, không thể mong đợi chân tâm, mà bảo rằng sẽ có. Tâm mong đợi nếu không trừ, thì dễ dàng sanh mỏi mệt chán chường, và đa phần trở thành thối đoạ. Ví như tìm vật mà không thấy, thì khởi tâm muốn nghỉ ngơi. Lại nữa, không thể hy vọng mong cầu diệu quả. Vọng tâm sanh diệt, nguyên là thể tánh chân thật của Như Lai. Ngày nay, sống trong mê muội, khiến thần thông diệu dụng của chư Phật, biến thành vọng tưởng tình lự, và tri kiến phân biệt. Đem pháp thân chân thật thanh tịnh biến thành chất nghiệp sanh tử. Đem cõi thanh tịnh vi diệu, biến thành cảnh giới sáu trần. Dụng công phu hôm nay, nếu một niệm đốn ngộ tự tâm, thì như cái lu đỏ hồng chảy tan thành muôn hình tượng. Thân tâm thế giới, vốn là thể tánh chân thật của Như Lai. Vọng tưởng tình tự, vốn là thần thông diệu dụng. Thay danh  chứ không đổi thể.
 

Đại sư Vĩnh Gia bảo : - Vô minh thật tánh, tức Phật tánh. Huyễn hoá không thân tức pháp thân. Liễu ngộ được pháp môn này, thì việc chấp xả đều mất ; tâm vui mừng chán chường đều ngừng ; bước chân đến mọi nơi đều là cõi tịnh độ Hoa Tạng ; tâm tâm đều là Di Lặc hạ sanh. Vọng tâm vừa cầu diệu quả, (tức tâm hy vọng mong cầu), thì đó là cội rễ của sanh tử, làm chướng ngại chánh tri kiến. Càng cầu càng đi xa, nên lực mong cầu mỏi mệt, bèn sanh tâm chán chường.
 

Lại nữa, không thể tự sanh nghi ngờ. Phàm dụng công, chỉ việc xả bỏ thân tâm, tuyệt dứt kiến văn tri giải ; phải thoát khỏi bước đó. Kẻ mù vọng hướng đến nơi chẳng phải chỗ an thân lập mạng ; thấy không có liễu ngộ được gì, nên thối thất dừng nghỉ. Trước sau nếu do dự, thì sanh tâm nghi ngờ, rồi khởi vô lượng tính toán, suy lường được mất ; hoặc lại sanh ức kiến phỏng đoán, phát động tà tư, làm ngăn ngại chánh tri kiến. Phải nên nhìn thấu việc này, quyết định đi thẳng vào, không còn xoay đầu lại.
 

Tựu chung, không màng có dụng được công phu hay không, đó mới là nơi đắc lực. Lại nữa, phải khiến tinh thần tăng thêm sự sảng khoái, mà không thối thất. Ngược lại, sẽ bị đoạ làm ma ưu sầu. Ngoài ra, chớ sanh tâm sợ hãi. Công phu niệm lực nếu cấp thiết bức ép, thì vọng tưởng trong một niệm liền ngưng. Thân tâm đột nhiên trống không, rồi thấy đại địa chẳng có một tấc đất, thậm chí đến tận vô cực, bèn sanh tâm sợ hãi. Không nhìn thấu cảnh giới này, bèn chẳng dám tiến bước ; hoặc ngay nơi đó chợt đạt lý không, bèn cho là vi diệu thù thắng. Nhận lầm lý không này, khiến sanh đại tà kiến, rồi bác không nhân quả. Đây là việc rất nguy hiểm. Lại nữa, quyết định tin tự tâm là Phật. Phật chẳng khác Phật. Lý duy tâm là như thế. Pháp chân thật của Phật giống như hư không. Đạt được vọng tưởng vốn không, thì bản hữu pháp thân tự hiện, quang minh tịch chiếu, tròn đầy biến khắp, chẳng thiếu chẳng thừa. Không thể đem tâm hướng ngoại truy cầu. Bỏ tâm này mà chạy đi tìm cầu bên ngoài, thì trong tâm khởi ra vô lượng cảnh giới mộng tưởng. Đấy chính là thần thức biến hiện, quyết không cho là kỳ đặc. Trong tâm thanh tịnh của chúng ta, vốn không một vật, cùng không có một niệm. Vừa khởi tâm động niệm, liền đi ngược với pháp thể. Người dụng công ngày nay, đa số không biết tự tâm vọng tưởng, nguyên là hư vọng. Đem vọng tưởng này, nhận lầm là chân thật, chỉ chuyên cùng nó đối đầu, như trẻ em đùa giỡn với lửa ; càng giỡn càng không có liên hệ gì ; đùa mãi bèn tự sanh tâm sợ hãi. Lại có người sợ vọng tưởng, rồi hận không thể nắm bắt được, bèn liệng qua một bên. Ví như bắt gió nắm hình, cả ngày đùa giỡn phí tận khí lực. Lúc chưa có một niệm nào ngưng được, lâu dài ngày càng bị trói buộc, thì tín tâm càng mỏi mệt, rồi bảo rằng tham thiền không linh nghiệm, bèn sanh tâm huỷ báng, hoặc sanh  tâm sợ hãi, hoặc sanh tâm thối sụt.
 

Đây là bịnh của kẻ sơ phát tâm, chẳng có gì khác hơn. Do chưa đạt được chân tâm thường trụ, tánh không sanh diệt, nên nhận lầm vọng tưởng là pháp thật. Gặp những cảnh giới này, cần yếu phải nhìn xuyên thấu. Vượt qua được cửa ải này, thì tự nhiên có con đường hướng thượng ; chỉ nên rời tâm ý thức mà tham khán, và xa lìa tâm vọng tưởng mong cầu cảnh giới. Nơi một niệm vừa khởi, chẳng màng lành hay dữ, hãy ném phứt chúng đi, chớ cùng chúng đối đầu. Tin chắc trong tự tâm, vốn không có những việc đó, rồi đề khởi câu thoại đầu xưa, như bảo kiếm kim cang, ma Phật đều chém. Nơi đây phải có đại lực dũng mãnh, đại tinh tấn, đại nhẫn nhục, quyết không nghĩ trước tính sau ; quyết không khiếp nhược. Phải trực tâm chánh niệm, thẳng bước hướng phía trước, thì tự nhiên đường đường cao ngất ; chớ bị những vọng tưởng này trói buộc, như thoát khỏi mồi chim ưng, thì trong mười hai thời, nơi tất cả cảnh duyên, tự nhiên không bị ràng buộc, và tự nhiên đắc đại khinh an cùng đại tự tại. Đây là nơi đắc lực đầu tiên của người sơ phát tâm.
 

Những lời lẽ bên trên, giống như vẽ thêm chân rắn, cũng chỉ là lời phương tiện, chẳng phải là cứu cánh chân thật. Vừa bước ra cửa, ngay bên đường lộ, sợ đi lầm lạc, uổng phí tâm lực, lãng phí thời giờ, thì phải thẳng dùng pháp môn chân chánh, siêu xuất trên con đường vi diệu trang nghiêm. Đó gọi là bước trên chánh lộ bằng phẳng. Nếu cố gượng tu hành mau gấp, mong sớm thành tựu, thì kiếp sống luân hồi lại càng dài thêm. Phải bước theo đường lộ hướng thượng của Phật Tổ, mà không màng đến những lộ trình khác. Đây là phương tiện cho người sơ phát tâm. Phải nhìn xuyên thấu đáo.
 

Bài 19 : KHAI THỊ CHO PHÙNG SANH VĂN PHỤ.
 

Người học đạo, trước hết phải quyết định phát khởi ý chí tu hành dài lâu. Đến suốt cuộc đời, mãi tới ba đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, muôn ngàn đời, cùng đến sanh sanh kiếp kiếp, nhất định tới khi nào đại ngộ mới thôi. Không đại ngộ được tâm này thì quyết chẳng ngơi nghỉ. Dẫu có đoạ lạc vào ba đường khổ địa ngục, hay nhập thai lừa bụng ngựa, thì chí nguyện thành Phật cũng quyết không xả bỏ. Lại nữa, ngày nay không vì bao khổ não bức bách mà thối thất tín tâm. Ví như có người phát tâm đi muôn dặm đường, quyết định đến được mục đích mới thôi. Từ ngày vừa bước chân ra cửa, đi thẳng đến nơi cửa nhà của người đó, thân cận người muốn gặp đó, cùng người đó giao thiệp, mãi tới lúc mất mạng mới thôi. Đây mới gọi là có ý chí quyết định. Nếu như không có ý chí quyết định rõ rệt, chỉ bảo bước ra cửa là đủ, rồi xoay đầu nhìn lại chỗ cũ ; bao tham ái không xả, hoặc dè dặt ngập ngừng. Miệng nói đi mà tâm không muốn tiến. Hoặc may mắn gặp bạn bè thông minh mạnh khoẻ, rồi cùng vị này bước chân ra cửa. Vừa lên đến đường lộ thì phóng túng buông lung. Hoặc gặp phường hát xướng tại những nơi phú quý giàu sang, khiến mắt tai tham luyến mà đến gần để vui chơi, rồi quên mất tâm nguyện bước ra cửa nhà khi trước. Hoặc mơ màng chẳng biết nơi phải đến, hoặc giữa đường thấy duyên sai biệt, (tức là gặp bạn ác duyên xấu), đùa giỡn mãi đến khi hao của hư tài, lại thêm tật bịnh bủa vây, nên tiến thối bàng hoàng, sanh vô lượng khổ sở. Hoặc thân thể mỏi mệt vì đã lâu chịu bao lao khổ gió sương, rồi lại sanh tâm thối thất. Hoặc gần đến cửa nhà, mà gặp những cảnh cơ sai biệt. Hoặc cho những lời sai tiếng bậy là chân thật, nên đến gần mà không thể gặp được người đó. Đã đến được cửa mà không thể vào nhà. Những người như thế đều bỏ phí công huân may mắn. Nói chung, không thể chân thật đến nơi cứu cánh, vì lúc vừa phát tâm không có ý chí quả quyết. Cứ như thế mà muốn có chút ít công danh sự nghiệp ở thế gian, quyết chẳng làm được, hà huống Phật đạo vô thượng, cắt đứt sanh tử, chứng quả Bồ Đề !

Vì vậy bảo rằng Phật đạo dài dăng dẳng, tinh cần thọ khổ nhọc, mới có thể thành tựu. Sao muốn sớm có hiệu nghiệm, và cầu thành tựu mau chóng ! Ngoài ra, khi đã có ý chí kiên quyết rồi, cần phải có tri kiến chân thật. Nếu tri kiến không chân thật thì chí nguyện không thể hướng tới, hạnh nguyện không thể hành đến, khiến uổng phí công phu.
 

Chúng ta đã có chí nguyện cầu đạo, thì phải tin tự tâm, thể vốn là Phật ; bản lai thanh tịnh không chứa một vật, và vốn sáng soi bao la. Ngay tại công việc hằng ngày mà chưa đắc được thọ dụng chỉ vì bị các huyễn vọng làm mê muội, và bị bốn đại làm che mờ, cùng vọng tưởng tâm phù làm chướng ngại, nên khó được thấu triệt. Vượt qua cửa ải sanh tử không chỉ là ngàn đời vạn kiếp ! Chúng ta đã biết tâm này, thì phải tin chắc chẳng nghi. Ngày nay phát tâm, quyết lấy sự đắc ngộ làm kỳ nhật, rồi từ đó phát khởi công phu, tức là đã đi ra cửa một bước. Bây giờ thân cận và thừa sự những lời chỉ dạy của thiện tri thức, tức là đã xuất phát đi. Xuất phát khởi hành, trên đường gặp bao cảnh giới, bao khó khăn, bao việc trì hồi chậm trễ, bao việc bịn rịn không bịn rịn, bao việc thối lui không thối lui. Tất cả đều do học nhân tự kiểm nghiệm xem xét coi có hợp với bổn phận sự của mình không, chứ thiện tri thức chẳng giúp gì được hết !

Nguyên Sanh Văn Nhụ có chí như thế, phải chọn nhặt ra lông mi, và xem coi gót chân đầu tiên vừa bước ra cửa như thế nào ! 
 

Bài 20 : KHAI THỊ THIỀN NHÂN TRÍ VÂN.


Người học đạo phải hội đủ những điều kiện sau :

1 . Phải nhìn thấu suốt mọi cảnh giới ở thế gian. Không để vọng duyên xoay chuyển.

2 . Phải chuyên tâm vì đại sự sanh tử. Tâm tràng sắt đá quả quyết. Chẳng để vọng tưởng phan duyên xâm đoạt ý chí.

3 . Phải tẩy rửa sạch tận hết tất cả tập khí xấu xa và ác giác tri kiến thuở xưa, mà không chừa một cọng lông nào.

4 . Phải chân thật xả bỏ thân mạng. Không để bị sanh tử, bịnh hoạn ác duyên làm chướng ngại.

5 . Phải phát khởi chánh tín, chánh kiến. Không thể nghe theo tà sư khiến mê lầm.

6 . Phải nhận rõ chỗ dụng tâm chân thật thiết thực của cổ nhân, rồi dùng tâm đó mà tham cứu thoại đầu.

7 . Nơi công việc làm hằng ngày, luôn trì giữ chánh niệm, chớ để duyên huyễn hoá làm mê hoặc. Tâm tâm không ngừng tu đạo ; động tịnh nhất như.

8 . Phải trực niệm hướng phía trước. Không thể đem tâm mong đợi giác ngộ.

9 . Phải có tâm lâu dài. Chí chưa đến nơi thành tựu của cổ nhân thì quyết chẳng cam ngừng nghỉ. Không thể được ít cho là đủ.

10 . Trong lúc dụng công phu, niệm niệm phải vừa xả vừa nghỉ. Vừa xả mà xả. Vừa nghỉ mà nghỉ. Xả cho đến lúc không thể xả được nữa. Nghỉ cho đến nơi không còn chỗ để nghỉ, thì tự nhiên sẽ được tin tức lành.

Học nhân dụng tâm như thế, thì bổn phận sự có chút phần tương ưng. Phải có chí hướng thượng, và phải tự thúc đẩy tinh tấn tiến bước.


Còn Tiếp....

Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 145
  • Khách viếng thăm: 144
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 11990
  • Tháng hiện tại: 1725574
  • Tổng lượt truy cập: 59378507

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile