Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Mây Trong Cõi Mộng 21 - 25

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 21:40
Đường Mây Trong Cõi Mộng 21 - 25

Đường Mây Trong Cõi Mộng 21 - 25

Công việc hằng ngày của học nhân là phải quán bốn đại như bóng hình ; quán những việc trước mắt như mộng ; quán tâm như dòng nước chảy cuồn cuộn ; quán động tác như người gỗ ; quán âm thanh như tiếng vang trong hang ; quán cảnh giới như hoa rơi trên không

Tiếp........

Đường Mây Trong Cõi Mộng
 

(Bài 21 - 25)

 

Bài 21 : KHAI THỊ CHO THIỀN SƯ THỪA MẬT.

Công việc hằng ngày của học nhân là phải quán bốn đại như bóng hình ; quán những việc trước mắt như mộng ; quán tâm như dòng nước chảy cuồn cuộn ; quán động tác như người gỗ ; quán âm thanh như tiếng vang trong hang ; quán cảnh giới như hoa rơi trên không. Lúc quán như thế, không còn ngã và ngã sở, và không người làm không người tạo ; đến đi đứng ngồi, không khởi không ngừng ; ứng niệm nhớ vô sanh. Đó gọi là nhập vào tam muội vô tránh. 
 

Bài 22 : KHAI THỊ CHO SA DI TẠI TỊNH.
 

Phật dạy hai mươi việc khó được, mà trong đó có : “Được thân người là khó ; sanh tại trung quốc là khó ; được gặp Phật Pháp là khó ; thân cận thiện tri thức là khó ; sanh chánh tín là khó”. Đây là năm việc khó trong những cái khó. Sa di Tại Tịnh đã đủ bốn việc, chỉ còn thiếu việc sanh chánh tín. Hôm nay, may mắn xuất gia, gặp được đại thiện tri thức mà quy y, lại đem thân vào biển Phật Pháp. Việc này do duyên tu hành như thế nào mà được ? Nếu không phấn tấn dũng mãnh, sanh đại chánh tín, rồi đem thân tâm huyễn vọng tẩy rửa cho thanh tịnh trong sạch, lật ngược tánh mạng, chí xuất sanh tử, rộng  tu vạn hạnh, kết đại duyên thành Phật vô thượng, thì chẳng phải xấu hổ, làm mất hạt giống thiện căn trong bao đời sao !

Cổ đức dạy rằng thọ khổ trong ba đường ác, chưa gọi là khổ. Làm mất y ca sa trên thân mới thật là khổ. Phật bảo rằng tâm như dây tơ thẳng, mới nhập đạo được. Dây tơ thẳng tức là không có tướng cong vạy. Tướng cong vạy là gì ? Tức là tâm tinh xảo máy móc, tâm trộm cướp, tâm láu lỉnh, tâm che đậy, tâm chẳng biết xấu hổ, tâm làm biếng, tâm thấy lỗi của người, tâm cống cao ngã mạn, tâm tự thị khi dễ người, tâm không sanh hiếu thuận từ mẫn. Tổng quát, tất cả tâm bất thiện đều là tướng cong vạy của tự tâm. Nay muốn phát tâm tu hành, chỉ đem tất cả tâm như trên, tận hành quét sạch. Thời thời kiểm điểm, niệm niệm chiếu soi quản thúc, chớ xả bỏ chúng. Sợ không thể đốn ngộ, hãy lấy một công án của cổ nhân, giữ trong ngực. Lúc tập khí phát khởi, bèn đề lên câu thoại đầu này, chống cự với chúng. Lâu sau thuần thục, thì tâm tự điều phục ngay thẳng, mà đạo tâm ngày càng tăng trưởng, hạnh môn ngày càng tinh tấn, tâm địa ngày càng sáng suốt. Suốt đời hành như thế, thì gọi là không uổng phí đời tu. Ngược lại, đợi lúc sanh tử đến, thì dùng gì để đề đối chúng !

Sa di Tại Tịnh hãy tự suy nghĩ, quyết chẳng nên bỏ qua, xem thường những lời này. 
 

Bài 23 : KHAI THỊ CHO THẦY ĐẠI TỊNH.
 

Hỏi : Ngài luôn bảo là trừ phi được ấn giáo, không thể cho rằng có chánh tri kiến. Song, tham tầm giáo lý vốn là tập khí sâu xa, thật khó tẩy trừ, ví như dầu đã bị đổ vào bún. Nếu nơi sự ấn chứng, hành nhân “liễu ngộ” vẫn còn bám vào sợi dây ý thức, khiến đoạ vào những ấm ma và tăng trưởng tà kiến, thì phải làm sao ? Tai hại thật không thể lường ! Thỉnh cầu Ngài khai thị chúng con tại điểm thiết yếu này.

Đáp : Lão nhân thường nhấn mạnh rằng hành nhân phải so sánh kinh nghiệm cá nhân theo đúng tông giáo để được ấn chứng. Nghĩa là nếu tự dùng tri kiến của mình mà không thể gặp được minh nhãn thiện tri thức, (những vị năng phân biệt chánh tà), thì phải tầm cầu kinh điển ấn chứng. Các bộ kinh như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác đều chỉ rõ công phu tu thiền cùng thể ngộ chân thật của tâm. Phải so sánh cảnh giới tự tâm với những tấm kính đó, và kiểm nghiệm xem coi có đúng như lời của đức Phật dạy bảo chăng. Thế nên, có câu : “Dùng thánh giáo lượng làm minh cảnh (kiếng sáng) để chiếu soi tự tâm”. Đây không có nghĩa là lạm dụng những câu cú ẩn mật của kinh điển để biện minh cảnh giới tự tâm. Câu hỏi này là một ví dụ điển hình mà những kẻ đã bị mất câu thoại đầu thường nói đến. Chỉ có đức Phật mới hoàn toàn chân thật chỉ bày tâm thức bịnh hoạn của chúng ta. Phần “năm mươi ấm ma” của kinh Lăng Nghiêm và “tính chất thăng trầm của bảy loài” của kinh Lăng Già hiển bảy rõ ràng về tà kiến của ngoại đạo và nhị thừa. Nếu đức Phật không diễn đạt rõ ràng, thì làm thế nào có thể biết cách thận trọng ngăn ngừa chúng ? Tôi nói nghĩa “ấn chứng” tâm chỉ là như thế. Do đó, phải dùng tấm kiếng của thánh giáo mà chiếu soi tự tâm, chứ không cần màng đến việc tham tầm giáo lý hay không. Nếu vẫn còn bị xoay về tập khí cũ, thì do nhiều nhân duyên khác, chứ không hẳn chỉ hạn cuộc ở việc tham tầm giáo lý ! 
 

Bài 24 : KHAI THỊ CHO THIỀN SƯ NHƯ LANG.

Phật dạy :

- Cạo bỏ râu tóc, mà làm Sa Môn. Rời tham dục được tịch tĩnh, là điều quan trọng nhất.

Thế nên, biết rõ tham dục vốn là sanh tử, cũng là lộ đường đại sự quan trọng nhất. Vì vậy, phải nên tha thiết trì giới. Rời xa tham dục, bèn được an ổn tịch lạc. Sở dĩ chúng sanh trầm luân trong biển khổ, không thể mau lên bờ giác ngộ, đơn độc chỉ vì tham dục quá lắm.

Phật dạy :

- Trong các khổ đau, tham dục làm gốc. Nếu diệt tham dục thì các khổ đau không còn nơi nương tựa. Chỗ nương y nhà cửa của mọi chúng sanh trong ba cõi, đều lấy tham dục làm nền tảng. Trần lao đau khổ, đều do tham dục làm điên đảo. Hôm nay, vừa bỏ tham dục, thì gọi là phá ba độc, xuất ra ba cõi, chặt lưới ma cả. Khi ấy, đức Như Lai rất hoan hỷ. Cho nên biết rõ, không rời năm dục, thì ba cõi khó phá, và muốn cầu tịch tĩnh giải thoát cũng khó thành, khiến Như Lai phải bi sầu. Như Lang thiếu niên xuất gia, tham phương hành cước. Nay gặp lão nhân, phát tâm Bồ Đề thọ giới Sa Di, chí tu hạnh ly dục. Đây chính là diệu hạnh phát nguyện xuất ly sanh tử bậc nhất, chỉ sợ chí không kiên cố, hành không đắc lực thôi. Phật dạy rằng cần cù nhẫn thọ các sự khổ nhọc lâu dài, thì mới có thể thành tựu đạo quả. Kế tiếp là phải có ý chí quyết định, tu thẳng đến khi thành Phật mới thôi. Đó chính là ý chí rời tham dục chân thật. 
 

Bài 25: KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN THẠCH NGỌC.
 

Học nhân đời mạt pháp, đa số hướng về những sự tu tập thô phù, mà không đi thẳng đến chỗ chân thật. Vì vậy, ngay nơi những lời dạy của đức Phật, chỉ chấp trên danh tự ngôn ngữ, mà không đạt được tông chỉ cứu cánh, khiến tăng thêm tri kiến, sanh đại ngã mạn. Đây là dùng Phật Pháp mà kết thêm cội gốc sanh tử, cũng không biết sanh tử là vật chi, cứ bảo rằng chẳng có can hệ gì. Mê mờ đi trong đêm tối, nên không thể thấy được chánh lộ tu hành. Ngôn từ của Phật dạy, đều là pháp xuất ly sanh tử, sao người đời nay ngược lại bị đoạ ? Việc này chẳng phải lỗi của Phật, mà lỗi tại học nhân không có chánh tri chánh kiến, cùng chưa từng thân cận và được thiện tri thức chỉ điểm thuyết phá trừ căn mê lầm. Học nhân Thạch Ngọc với lòng chân thật và nghiệp trong sạch, xưa đã từng tham kiến lão nhân tại ngoài miền Lãnh Nam, Lão nhân đi về miền đông, sang Ngô Việt, khắc tân sớ sao Lăng Nghiêm Pháp Hoa. Thạch Ngọc xem lại, tham cứu tinh tường rồi châm chước, nên đắc được yếu chỉ bên ngoài lời nói của lão nhân. Nay lão nhân trở về Khuông Sơn dưỡng già. Ngày nay, Thạch Ngọc có khả năng làm bạn trong không gian u tịch, để tham cứu việc hướng thượng, mà không bị tập khí văn tự làm sở tri chướng. Thật hay lắm thay ! 


Còn Tiếp....

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 129
  • Khách viếng thăm: 128
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 17014
  • Tháng hiện tại: 1730598
  • Tổng lượt truy cập: 59383531

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile