Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Mục đích của sự tu tập

Đăng lúc: Chủ nhật - 19/08/2012 09:44 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Thiền.

Thiền.

Mục đích khác với phương tiện. Mục đích là cái nhắm đến, cái vạch ra làm đích nhằm đạt cho được. Phương tiện là cái dùng để làm một việc gì, là cách thức thực hiện để đạt một mục đích nào đó. Ví dụ chiếc xe là phương tiện, mục đích là để đi lại.

Mục đích của sự tu tập
 

Mục đích khác với phương tiện. Mục đích là cái nhắm đến, cái vạch ra làm đích nhằm đạt cho được. Phương tiện là cái dùng để làm một việc gì, là cách thức thực hiện để đạt một mục đích nào đó. Ví dụ chiếc xe là phương tiện, mục đích là để đi lại.


Xe là phương tiện đi lại để phục vụ mình, nếu ta quá xem trọng, sẽ bị vướng kẹt vào nó. Thay vì làm chủ nó, ta trở thành nô lệ. Một chút hư hỏng, ta thấy mình cũng khổ sở đau đớn, đôi khi trầy xước chút sơn thôi, lòng ta cũng đau như một vết dao cứa. Có lần tôi cùng với một gia đình nọ ngồi trong chiếc Lexus cáu cạnh họ mới mua. Trên xe có đứa cháu gọi vợ chồng chủ xe là bác ruột, đi nửa đường thì cháu bé nôn ói, tìm bịch ny-lon không có, sợ bẩn xe, cô chủ cởi hai chiếc áo của đứa cháu đang mặc làm đồ đựng nôn ói, miệng thì quát chồng cho xe vào lề đường để vứt đồ bẩn đang đựng tạm bợ bởi hai chiếc áo quấn lại.

Tôi ngồi lặng lẽ quan sát hành động của cô chủ mà ngẫm nghĩ về tình đời, tình người. Sao lại đối xử với đứa cháu mình như thế. Chẳng lẽ giá trị con người không bằng chiếc xe sao. Xe phục vụ mình hay mình phục vụ xe. Mua xe về để tôn thờ, phục vụ nó thì mình không biết đâu là phương tiện, đâu là mục đích rồi.

Trong việc tu tập, học hỏi giáo lý, thọ Bát quan trai giới, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, trì chú… đều là phương tiện nhằm thể hiện Phật chất trong cuộc sống. Thế nhưng chúng ta lấy phương tiện làm mục đích, xem việc ăn chay, tụng kinh làm thước đo tu tập của mình. Ta ăn chay nhiều, tự cho đã tu giỏi hay tụng kinh nhiều, tự hào đã tu cao, xem thường hoặc khinh khi người không biết ăn chay hay ăn chay ít. Đây là một vướng mắc, kẹt vào phương tiện. Kẹt vào phương tiện thì không thể đạt đến giải thoát được.

Ăn chay không phải mục đích của sự tu tập, chỉ là phương tiện để phát triển lòng từ bi. Nếu ăn chay mà có tâm hiểm ác, hại người, đối xử bất nhân với đồng loại, thì ăn chay như vậy không mấy lợi ích, chẳng khác nào làm tường rào để ngăn chặn không cho trâu bò vào phá hoại vườn hoa, nhưng bên trong thì để cỏ dại mọc um tùm.

Hơn nữa, ăn chay mà tự hào cho mình tu giỏi, xem thường hoặc khinh chê người ăn chay thua mình, thì rơi vào tâm lý kiêu mạn. Chính điều này mà Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo ăn chay chuốc thêm tội, chứ không được phúc: “Trì giới và nhẫn nhục/Thêm tội chẳng được phúc”. Ăn chay vốn là phương tiện để đạt đến lòng từ rộng lớn, nhưng nếu không khéo ta lại biến nó thành vật chướng ngại trên tiến trình tu tập giải thoát của mình.

Thực ra ăn chay hay ăn mặn không có can hệ gì đến mục đích tu tập giác ngộ cả. Giác ngộ hay không là do trí tuệ quyết định. Ngày xưa Đức Phật và các vị La-hán sống đời khất thực, dân chúng bố thí gì thì ăn nấy, bố thí chay thì ăn chay, bố thí mặn thì ăn mặn. Các Ngài ăn một cách tự tại vô phân biệt. Chúng ta thì ăn trong phân biệt, các món mặn thì khoái khẩu, thích ăn hơn. Chúng ta chưa đạt đến hành động duy tác, tức hành động không khởi ý phân biệt, thì cách tốt nhất là ăn chay để tránh ác nghiệp, nhưng nên nhớ ăn chay chỉ là phương tiện, chứ không phải mục đích tu tập nhắm đến để bị vướng kẹt vào đó.

Tụng kinh cũng không phải là mục đích tu tập, mà chỉ là tìm hiểu lời Phật dạy để ứng dụng vào cuộc sống mang lại hạnh phúc cho mình và tha nhân. Hẳn nhiên trong lúc tụng kinh, do sự tập trung chú ý vào lời kinh, ba nghiệp thân khẩu ý không bị ngoại duyên chi phối nên không tạo nghiệp bất thiện, nhưng nó chỉ có tính cách tạm thời, như lấy đá đè lên cỏ, bỏ đá đi thì cỏ mọc trở lại. Cho nên tụng kinh phải “minh Phật chi lý”, hiểu rõ lý mầu của Phật, để áp dụng vào đời sống.

Nếu Phật tử chúng ta thường xuyên đi chùa tụng kinh mà trong đời sống nói xấu người này, đố kỵ người kia, tị hiềm người nọ, thì tụng kinh như vậy chẳng ích lợi gì, chỉ mất thì giờ. Hoặc có người tụng kinh rất giỏi, thuộc làu nhiều bộ kinh, nhưng khi gặp chuyện trái ý, phật lòng, giận dữ nổi lên như phong ba bão táp, thì việc tụng kinh đó cũng vô nghĩa. Chẳng hạn ra đường ai đó vô ý va quẹt mình, người này không biết lỗi, lại quát mắng, chúng ta sân hận mắng chửi lại, sự việc có khi leo thang dẫn đến ẩu đả gây thương tích. Trong trường hợp này nếu là người tụng kinh “giỏi”, ta xin lỗi người đó, dù không phải lỗi của mình, thì sự việc trở nên tốt đẹp.

Thông thường khi có sự tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra, chúng ta hay có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác. Theo thầy Thích Trí Siêu trong Dòng đời vô tận thì có ba trường hợp sau đây: 1. Người chưa biết đạo thì luôn cho mình đúng và người kia lỗi trăm phần trăm. 2. Người bắt đầu học đạo, biết tu thì thấy cả hai bên đều có lỗi, năm mươi-năm mươi. 3. Người hiểu đạo thì thấy mình lỗi một trăm phần trăm.

Người chưa biết đạo thì luôn cho mình đúng một trăm phần trăm. Vì vô minh, chấp ngã, xem cái ta là trung tâm điểm của vũ trụ, cái gì hợp ý hợp lòng ta thì đúng, trái ý nghịch lòng ta là sai. Cho nên ai làm điều gì trái lòng mình, ta giận dữ bắt lỗi họ.

Người bắt đầu tu và biết đạo thì có khá hơn một chút, không đổ lỗi hoàn toàn cho người khác mà thấy mình cũng có phần lỗi trong đó. Có thể lúc đầu không nghĩ mình có lỗi, ta rất giận dữ bực tức, mắng nhiếc lại người khác, nhưng sau đó nhận ra mình cũng có lỗi nên im lặng bỏ đi. Thông thường khi giận tức ai, ta nghĩ mình đúng, họ sai. Nếu càng nghĩ mình đúng thì cơn giận càng gia tăng. Trái lại, nếu nghĩ mình sai, có lỗi thì cơn giận sẽ lắng dịu và ít đi. Nếu thấy mình hoàn toàn có lỗi, cơn giận sẽ tiêu tan.

Người biết tu, hiểu đạo thì thấy mình lỗi một trăm phần trăm, cho nên nhẹ nhàng tự tại, không giận hờn ai cả, chỉ quán chiếu nhân duyên, nhân quả, xem trong đời này mình đã làm tổn thương gì đến người khác không, nếu không thì có thể là các đời trước đó, mình đã có thể gây tổn thương họ nên bây giờ họ gây sự để đáp trả.

Thấy mình không lỗi mà vẫn xin lỗi, đó là thể hiện Phật chất trong đời, ứng dụng trí tuệ của Phật vào cuộc sống. Thông thường ở đời nếu mình không lỗi mà xin lỗi thì bị xem là ngu, nhưng người hiểu đạo và biết tu thì đó là trí tuệ. Trí tuệ trong đạo Phật khác với trí tuệ ở thế gian. Trí tuệ ở thế gian gắn liền với phiền não, trí tuệ trong đạo Phật liên hệ đến tự tại giải thoát. Người đời thấy vàng bạc tham lam nổi lên lóa mắt mất hết cả đạo đức. Người tu thấy vàng bạc như gạch ngói nên ung dung tự tại. Đó là cái nhìn bằng tuệ giải thoát trong đạo Phật.

Phật tử chúng ta phần lớn không biết chính xác mục đích tụng kinh là gì, cho nên đi tụng kinh mà tranh nhau một chỗ đứng, giành nhau một chỗ ngồi. Mình tranh một chỗ đứng tốt, giành một chỗ ngồi đẹp, thì người bạn đạo của mình sẽ đứng chỗ không tốt, ngồi chỗ không đẹp. Thế thì tinh thần yêu thương, vị tha đâu, điều mà chúng ta tụng trong kinh điển hàng ngày? Tụng kinh mục đích là để chúng ta có trái tim biết yêu thương và vị tha hơn, chứ không phải để Phật chấm công mình tu nhiều hay ít.

Trong kinh Trung bộ, Đức Phật nói giáo pháp của Ngài giống như chiếc bè để qua sông. Ai muốn qua bên kia sông thì dùng chiếc bè làm phương tiện để qua, ai muốn đạt đến giác ngộ giải thoát thì nương vào giáo pháp của Ngài để tu tập. Mục đích bước lên chiếc bè là để qua sông chứ không phải thấy chiếc bè đẹp quá rồi ở mãi trên đó. Cũng vậy, mục đích tụng đọc kinh điển là để đoạn trừ các tâm cấu uế, cắt đứt các nhân tố tâm lý đem lại khổ đau chứ không phải thấy kinh điển hay quá rồi ôm tụng đọc suốt ngày mà không ứng dụng được gì vào thực tiễn cuộc sống.

Người thỏa mãn với chiếc bè, bằng lòng với việc tụng đọc kinh điển được Đức Phật ví như người đi tìm lõi cây mà chỉ mang về cành lá, vỏ cây và giác cây. Lõi cây là mục tiêu giải thoát mà người tu tập nhắm đến. Học hỏi giáo pháp, tụng đọc kinh điển, tham thiền, niệm Phật chỉ là công đoạn trảy cành lá, đẽo vỏ cây và giác cây, mục đích là lấy được lõi cây, tức thể hiện được an vui giải thoát trong cuộc đời.

Học pháp mà để huyền đàm, triết lý suông, không mang lại lợi ích thiết thực, Đức Phật ví như người bắt rắn, không bắt ở đầu mà bắt ở lưng hay đuôi nên bị nó quay lại cắn. Như Tô Đông Pha là người học pháp uyên thâm, thường làm thơ ngợi ca Đức Phật, nhưng khi bị Thiền sư Phật Ấn phê thơ ông dở như cái “đánh rắm”, thì ông nổi giận lôi đình.

Nhiều người đi chùa lâu năm, tụng kinh, ăn chay, ngồi thiền, niệm Phật, làm công quả, nghe pháp, học hỏi giáo lý nhưng những điều này không thể chứng minh một người tu giỏi được.

Đánh giá một người tu giỏi hay không là nhìn vào lối sống và cách cư xử của họ. Người nào còn tánh tham nhiều, cái gì cũng muốn vơ vét về cho mình hoặc gặp cảnh nghịch ý thường hay nổi giận, thấy ai hơn mình cái gì, tỏ ra khó chịu, tranh giành ăn thua với người khác, thì người đó tu chưa giỏi, mặc dù đi chùa nhiều, tụng kinh hay. Người nào biết bố thí, làm phước, cúng dường, không bỏn sẻn keo kiệt; hoan hỷ khi thấy người khác hơn mình, khiêm cung lễ độ, nói lời từ ái, không chỉ trích chê bai người khác; biết yêu thương, tha thứ, khoan dung và độ lượng thì người đó được xem là tu giỏi.

 


Nguồn tin: Pháp bảo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 57
  • Khách viếng thăm: 56
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4446
  • Tháng hiện tại: 1718030
  • Tổng lượt truy cập: 59370963

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile