Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục Phần V

Đăng lúc: Thứ hai - 05/12/2011 13:56 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục Phần V

Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục Phần V

Tâm Phật và chúng sanh cũng như thế. Nếu xem Phật là tướng thanh tịnh sáng rỡ, xem chúng sanh là tướng nhơ đục tối tăm. Tâm Phật và chúng sanh cũng giống nhau, nhưng vì chúng sanh mê nên nói là tối, Phật giác nên nói là sáng. Nếu người nào xem Phật là tướng thanh tịnh sáng rỡ,
VI. Khai thỊ ngỘ nhẬp đưỢc duyên
tỐt truyỀn trao Ấn chỨng (tiếp theo)
Tâm Phật và chúng sanh cũng như thế. Nếu xem Phật là tướng thanh tịnh sáng rỡ, xem chúng sanh là tướng nhơ đục tối tăm. Tâm Phật và chúng sanh cũng giống nhau, nhưng vì chúng sanh mê nên nói là tối, Phật giác nên nói là sáng. Nếu người nào xem Phật là tướng thanh tịnh sáng rỡ, xem chúng sanh là tướng nhơ đục tối tăm, cứ khẳng định như vậy thì người đó dù trải qua vô số kiếp như cát sông Hằng trọn chẳng được Bồ-đề. Bởi vì nhìn hiểu như vậy là nhìn hiểu một cách cố định, sáng là cố định sáng, tối là cố định tối. Tối và sáng chẳng qua là có ánh sáng mặt trời và khuất ánh sáng mặt trời. Cũng vậy Tánh giác của chúng sanh và Tánh giác của Phật giống như hư không, không thay đổi, chỉ khác nhau một bên có ánh sáng và một bên khuất ánh sáng. Bên khuất ánh sáng nếu xoay trở về phía mặt trời thì sao? Thì cũng sáng vậy. Tất cả chúng sanh và chư Phật Tâm thể cùng đồng nhưng vì một bên mê một bên ngộ nên tạm thấy khác thôi. Mê ngộ tạm chia đường còn Tâm thể thì đồng nhau, giống như hư không. Thấy tối thấy sáng là duyên bên ngoài, còn hư không trước sau như một, không đổi thành tối sáng gì hết. Đó là chỉ cho thể đồng giữa chúng sanh và Phật.
Lại ba đời chư Phật trọn ở trong thân chính mình. Nhân bị tập khí che mờ, cảnh vật chuyển lôi liền tự mê mất. Nếu ở nơi tâm mà vô tâm, chính là Phật quá khứ. Lặng lẽ chẳng động, chính là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật, chính là Phật hiện tại. Thanh tịnh không nhiễm, chính là Phật ly cấu. Ra vào không ngại, chính là Phật thần thông. Đến đâu đều thảnh thơi là Phật tự tại. Một tâm chẳng mê mờ, là Phật quang minh. Đạo niệm bền vững là Phật bất hoại. Biến hóa ra nhiều nơi song chỉ một chân thật vậy thôi.
Lại ba đời chư Phật trọn ở trong thân chính mình. Ở đây Ngài nói mình thành Phật liên miên, chỗ nào cũng Phật hết. Ba đời chư Phật ở trong thân chính mình, ở ngay nơi mình không phải ở đâu đến.
Nhân bị tập khí che mờ. Sở dĩ mà chúng ta bị mờ tối là do tập khí che đậy nên không thấy được Phật của mình.
Cảnh chuyển lôi liền tự mê mất. Vì cảnh bên ngoài lôi kéo nên mình quên mất ông Phật của mình.
Nếu ở nơi tâm mà vô tâm chính là Phật quá khứ. Nghĩa là chính nơi tâm mình hằng tri hằng giác, không dấy niệm đuổi theo phân biệt sự vật thì đó là tâm mà vô tâm, được như vậy là sống với Phật quá khứ.
Lặng lẽ chẳng động chính là Phật vị lai. Tâm mình lặng lẽ không dấy niệm, không động, đó là mình được Phật vị lai.
Tùy cơ ứng vật chính là Phật hiện tại. Gặp duyên gặp cảnh thì tùy cơ ứng dụng không phải ngồi lặng thinh, không phải buông hết mọi việc. Chúng ta vẫn làm, vẫn hoạt động mà trong tâm không dính mắc, đó là Phật hiện tại. Đừng nghĩ lặng lẽ không động là Phật vị lai rồi cứ lặng lẽ hoài thì không được, phải tùy cơ ứng vật.
Thanh tịnh không nhiễm chính là Phật ly cấu nghĩa là đối với cảnh, đối với người tâm luôn luôn thanh tịnh không dính không nhiễm là có sẵn Phật ly cấu.
Ra vào không ngại chính là Phật thần thông. Làm công kia việc nọ qua lại lăng xăng mà không dính mắc là Phật thần thông.
Đến đâu đều thảnh thơi là Phật tự tại. Tới giữa chợ cũng thảnh thơi, vào trong rừng rú cũng thảnh thơi, nói chuyện với người vẫn thảnh thơi, ngồi một mình vẫn thảnh thơi, đó là Phật tự tại. Quí vị có ông Phật đó không? Có sẵn mà mình không được tự tại. Ví dụ đang ở Thiền viện, đi vào chợ thấy chỗ này sao lăng xăng quá, ồn quá thì ông Phật tự tại mất rồi, ẩn rồi. Ở chợ ồn chạy về Thiền viện, ngồi một mình dưới gốc cây rồi ngáp buồn ngủ, thấy chỗ này cũng không ổn đứng dậy đi, thì ông Phật tự tại trốn hoài. Chúng ta làm sao ở giữa chợ hay vào trong núi rừng cũng tự tại, đối diện với người hay ngồi một mình vẫn tự tại, thì lúc nào cũng có Phật tự tại bên mình. Vậy thì mình có nghèo, có thiếu gì đâu? Phật lúc nào cũng ở sẵn bên cạnh chỉ tại mình không biết.
Một tâm chẳng mê mờ là Phật quang minh. Ngay nơi tâm luôn luôn sáng rỡ không mờ mịt chút nào là Phật quang minh.
Đạo niệm bền vững là Phật bất hoại. Tâm đạo của mình không bao giờ bị xê dịch, không bao giờ bị lay chuyển là Phật bất hoại.
Biến hóa ra nhiều nơi song chỉ là một chân thật vậy thôi. Tùy chỗ tùy nơi mà có nhiều tên Phật, nhưng rốt cuộc rồi mấy tên Phật đó có thật không? Chỉ là một Phật thôi, không có nhiều. Ở chỗ này gọi Phật này, ở chỗ kia gọi Phật kia. Không nhiễm gọi Phật ly cấu, làm tất cả việc không ngại gọi là Phật thần thông, đến mọi nơi đều tự tại gọi là Phật tự tại… Chỉ một Phật thanh tịnh sáng suốt mà đầy đủ tất cả tên. Nơi chúng ta có đủ tất cả chư Phật trong đó, nếu chúng ta biết sống.
Diễn-nhã-đạt-đa chấp bóng quên đầu, đâu khỏi ôm đầu chạy đi tìm đầu. Chính ngay khi mê đó, cái đầu vẫn chẳng mất, đến khi tỉnh rồi cũng chẳng có được. Tại sao? Kẻ mê cho là mất, người ngộ cho là được. Được mất ở nơi người, đâu dính dáng gì với động tịnh.
Đây là dẫn hình ảnh thí dụ trong kinh Lăng Nghiêm: “Chàng Diễn-nhã-đạt-đa mỗi buổi sáng lấy gương soi thấy đầu mình trong gương dễ thương quá, khi úp gương xuống không thấy đầu mặt đâu nên ôm đầu chạy nói: Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi!” Quí vị thấy hợp lý không? Đang chạy la mất đầu, nếu ai đó đánh thức nói: Cái đầu anh đang ôm mà la mất, mất cái gì? Chỉ nhận được cái đầu thì lúc đó anh hết điên, anh tỉnh, biết được không mất đầu. Hình ảnh này tôi cho là hay đáo để! Chúng ta ngày nay quả là Diễn-nhã-đạt-đa. Quí vị mới nghe câu chuyện này thấy vô lý. Ai mà nhìn trong gương thấy đầu mặt mình hiện ra, úp gương lại không thấy đầu mặt, rồi hoảng hốt nói mình mất đầu mất mặt. Cái hoảng hốt đó quá vô lý, quá ngu muội, nhưng thật ra chúng ta như vậy đó. Bởi vì chúng ta luôn luôn nhận cái bóng làm mình. Niệm khởi phân biệt tốt xấu, phải quấy, hơn thua… đó là cái bóng. Chúng ta chấp nhận cái niệm đó là tâm mình, cho nên ngồi thiền tới phút giây nào đó, niệm lặng liền hoảng hốt “mất mình rồi sao?” Vì chấp bóng là mình nên khi bóng mất tưởng là mất mình. Khi người khác chỉ rằng bóng trong gương không phải thật là mình, cái đầu mình có sẵn đang ôm nó mà chạy, tức là không có mất. Mê nói mất đầu, đầu cũng không mất; tỉnh nói được đầu, đầu cũng không phải mới được. Cái đầu không mất không được, chỉ tại mê và tỉnh thôi. Chúng ta cũng vậy, Tâm thể sẵn có là chỗ căn bản để tri giác, thế mà chúng ta chạy theo bóng vọng niệm phân biệt cảnh trần rồi dính mắc, cho là tâm mình. Khi vọng niệm dừng lặng tưởng mất mình mà sự thật có mất mình đâu, tâm thanh tịnh thường hằng chưa bao giờ vắng thiếu. Khi vọng niệm lặng chúng ta mới nhận ra mình có cái thanh tịnh, rồi nói mình mới nhận được. Tâm thanh tịnh là cái gốc cái nền sẵn, trước sau như một không khác tí nào chớ không phải mới, tại chúng ta mê chạy theo vọng nên quên. Bây giờ vọng ngừng, sống trở lại, nhớ lại tâm thanh tịnh thì gọi là mới được. Hiểu vậy mới thấy ý nghĩa của người tu. Chúng ta thương thế gian đều theo lối nhìn của ông Diễn-nhã-đạt-đa, chấp bóng mà quên đầu. Giả sử có ai hỏi cái gì là tâm anh? Cái suy nghĩ hiểu biết là tâm tôi chớ gì! Như vậy có phải chấp bóng mà quên đầu không? Tất cả chúng ta thường mắc kẹt trong chỗ chấp bóng là mình rất nặng nề. Sự phân biệt hơn thua, phải quấy, thương ghét giận buồn đều là tạm bợ, tất cả đều là bóng, mà chúng ta dồn hết sức mình theo cái bóng đó, nên cả ngày thấy rối rắm loạn động không bao giờ yên. Biết đó là bóng, không chấp không theo thì không buồn, không phiền, không giận, không ghét, không thương, không khổ, thảnh thơi an nhiên tự tại. Được như vậy là chúng ta đang sống với ông Phật tự tại.
Sư lại nói:
- Chí đạo gốc ở tâm, tâm pháp gốc ở vô trụ. Tâm thể vô trụ đó, tánh tướng đều lặng lẽ, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng sanh chẳng diệt, tìm nó thì chẳng được, bỏ đi cũng chẳng rời. Mê hiện lượng thì hoặc và khổ lăng xăng. Ngộ Chân tánh thì rỗng rang tỏ suốt. Tuy tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng mới biết.
Ở đây Ngài chỉ tột cùng cho chúng ta thấy.
Chí đạo gốc ở tâm, tức là đạo tột cùng là gốc ở tâm. “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch.” Nghe nói có người đi cầu đạo, mình tưởng đạo ở trên non trên núi thật ra là đạo ở tâm.
Tâm pháp gốc ở vô trụ, thể của tâm tức là vô trụ, là không kẹt không mắc, không ở một nơi một chốn nào.
Tâm thể vô trụ đó, tánh tướng đều lặng lẽ chẳng phải có chẳng phải không, chẳng sanh chẳng diệt, tìm nó thì chẳng được, bỏ đi cũng chẳng rời. Tâm tại sao gọi là vô trụ? Vì trụ là có nơi chốn mà Tâm thể trùm khắp không có nơi chốn, không có thể do tìm kiếm mà được, chỉ lặng hết mê vọng thì thấy; muốn bỏ Tâm thể, bỏ cũng không được. Chúng ta tạm thí dụ như hư không là hữu trụ hay vô trụ? Hư không ở đâu cũng trùm hết nên nói là vô trụ. Mình muốn chạy trốn hư không, được không? Muốn nắm bắt hư không được không? Bắt cũng không được mà trốn cũng không được, nó cứ như vậy. Chúng ta sống trong hư không cứ thản nhiên mà sống, hít thở không khí trong hư không rồi vui với hư không, biết mình đang ở trong hư không là đủ rồi! Nhưng hư không thể nó thênh thang không có tri giác, còn Tâm thể thì thênh thang có tri giác, không có tướng mạo. Như khi chúng ta dấy niệm duyên theo người thì có bóng người hiện, dấy niệm duyên theo cảnh thì có bóng cảnh hiện. Tâm duyên theo bóng người bóng cảnh là tâm hư dối. Khi tâm hư dối lặng thì cái biết vẫn như nhiên, trong đây dùng từ “hiện lượng”.
Mê hiện lượng thì hoặc và khổ lăng xăng. Ngộ Chân tánh thì rỗng rang tỏ suốt. Tức là quên tâm hiện tại, tâm sẵn có đây thì chạy theo hoặc, hoặc là mê lầm, hoặc thì tạo khổ nên hoặc khổ lăng xăng. Nơi mắt chúng ta thấy, nơi tai chúng ta nghe, nơi mũi chúng ta ngửi, nơi lưỡi chúng ta nếm… Tất cả các cơ quan đều có sẵn tri giác hiện lượng, không mê, không thiếu. Nhưng vì chúng ta không biết, khi mắt thấy liền dấy niệm duyên theo, thấy người phân biệt người, thấy cảnh phân biệt cảnh, đó là tâm sanh diệt, rồi khởi niệm thương niệm ghét, đó là mê hoặc. Từ thương ghét sanh ra khổ đau, lăng xăng không cùng. Chúng ta ngộ tức nhận nơi mình có Tâm thể hằng còn không vắng thiếu và luôn luôn trong sáng không bị ngầu đục. Nhận ra rồi chúng ta mới thấy Chân tánh rỗng rang sáng suốt.
Tuy tâm tức Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng mới biết. Ai biết câu đó, ai nhận câu đó? Những chú Điệu nhỏ ở chùa nghe quí thầy đọc “tâm tức Phật, Phật tức tâm” nói cũng được, quí vị cư sĩ cũng nói được vậy! Nhưng hỏi cái gì là Phật, cái gì là tâm thì không biết, chỉ có người chứng mới biết được lẽ thật, còn người chưa chứng nghe nói bắt chước nói theo thôi!
Song còn chấp có chứng, có biết thì mặt trời trí tuệ rơi vào đất có. Nếu tâm mờ mịt không chiếu, không sáng thì đám mây hôn trầm che lấp ở cửa không.
Chúng ta còn chấp có chứng có biết thì mặt trời trí tuệ rơi vào đất “có”. “Có” tức là bị giới hạn, có hình tướng. Mặt trời trí tuệ đang lang thang và mắc kẹt nơi “có”. Nếu tâm mờ mịt không chiếu, không sáng thì đám mây hôn trầm che lấp ở cửa “không”. Vì tâm mờ mịt không chiếu không sáng nên biến thành đám mây che cửa “không”. Đó là hai thứ bệnh.
Chỉ có tâm không sanh một niệm thì không còn ngăn cách trước sau, Chân tánh chiếu thể đứng riêng thì ta người nào khác.
Muốn tránh hai bệnh “có không” đó chỉ có tâm không sanh một niệm. Tâm là chỉ cái biết, tâm tri giác sẵn có của chúng ta. Không dấy một niệm thì không bị ngăn cách trước sau. Chân tánh chiếu thể đứng riêng thì ta người nào khác. Chân tánh không bị kẹt bên nào, lúc đó mới thấy ta người ai cũng có đủ.
Nhưng mê đối với ngộ, ngộ trông vào mê, vọng đối với chân, chân nương nơi vọng. Nếu ta cầu chân mà bỏ vọng như người chạy trốn bóng luống nhọc mình. Nếu ta nhận chân chính nơi vọng, như người vào chỗ mát thì bóng mất. Nếu tâm không vọng chiếu thì vọng lự tự hết. Nếu mặc tình lặng biết thì các thiện hạnh phát khởi. Thế nên cái ngộ tịch mà không tịch, cái chân tri dường như vô tri.
Đoạn này thật sâu, chí thiết đối với người tu.
Nhưng mê đối với ngộ, ngộ trông vào mê. Vì chúng ta mê nên lập ngộ để đối đãi, nếu chúng ta không mê, ai nói ngộ? Nói “ngộ trông vào mê” tức là nhắm vào kẻ mê nên nói ngộ.
Vọng đối với chân, chân nương nơi vọng. Như niệm dấy lên chúng ta gọi là vọng, khi không dấy gọi là chân. Chân nương nơi vọng, vọng tựa vào chân mà sanh. Nếu cầu chân bỏ vọng thì chân rời vọng, có chân riêng có vọng riêng giống như mặt nước dấy sóng, chúng ta muốn tìm nước bỏ sóng thì sao?
Nếu ta cầu chân mà bỏ vọng như người chạy trốn bóng luống nhọc mình. Vì vọng đâu ngoài chân cũng như sóng đâu ngoài nước. Chúng ta muốn cầu chân bỏ vọng, tách nó ra, giống như muốn lấy nước mà đùa sóng qua một bên, khi đó gió ào ào, sóng bủa giăng, muốn tìm chỗ không có sóng để lấy nước. Ngay nơi vọng chúng ta nhận ra chân, chớ đừng đi tìm đâu khác. Tôi thường dạy cho tất cả “biết vọng, không theo là đủ” chớ không bỏ không lấy gì hết. Nếu nói “cái đó là vọng, phải đuổi đi chỗ khác rồi cái chân hiện ra” thì không được. Chúng ta bỏ vọng mà không cầu chân, nhận chân chính nơi vọng như người vào chỗ mát thì bóng mất. Chúng ta ghét bóng, thấy bóng xấu muốn bỏ mà cứ chạy ngoài trời mãi thì chừng nào mất bóng? Giả sử từ đây chạy xuống Sài Gòn bóng vẫn còn, chỉ có vô nhà ngồi mới tìm bóng không ra. Vậy thì chúng ta biết cái bóng là hư dối, chỉ cần tránh chỗ nắng thì bóng không có. Cũng như chúng ta biết sóng từ nước mà ra, muốn tìm nước thì ngay nơi sóng mà lấy, không cần chạy đi đâu hết.
Nếu ta nhận chân chính nơi vọng, như người vào chỗ mát thì bóng mất. Nếu tâm không vọng chiếu thì vọng lự tự hết. Nếu mặc tình lặng lẽ hằng biết thì cái thiện hạnh được phát khởi. Thế nên cái ngộ tịch mà không tịch, cái chân tri dường như vô tri. Ngộ tịch tức là ngộ lặng lẽ mà không lặng lẽ, vì nó hằng giác nên nó đâu có lặng lẽ. Cái chân tri dường như vô tri, cái biết thật dường như không biết. Nếu chúng ta nhìn người nhìn cảnh mà không khởi niệm phân biệt người thế nào, cảnh thế nào thì người cảnh đi qua rồi, chúng ta còn nhớ hay quên? Biết mà không phân biệt như là không biết, cho nên thấy tất cả mà không nhớ, không biết. Thấy tức là biết mà nói không biết là sao? Vì không có khởi ý niệm chăm chú phân tích vào người nào, cảnh nào. Không phân tích người, cảnh thì tự nhiên mình không nhớ, nên nói chân tri dường như vô tri. Biết bằng lẽ thật lại dường như không biết. Còn cái biết hư ảo thì dường như nhớ dai.
Do một tâm không phân chia tịch và tri, khế hợp với lẽ huyền diệu dung thông cả có và không, không chấp, không mắc, không nhiếp, không thu, phải quấy đều quên, năng sở cũng dứt. Cái dứt ấy cũng bặt luôn thì Bát-nhã hiện tiền, mỗi tâm đều thành Phật, không tâm nào chẳng phải tâm Phật; chốn chốn đều thành đạo, không một hạt bụi nào chẳng phải cõi Phật.
Do một tâm không phân chia tịch và tri, tức là không phân chia đây là lặng lẽ kia là hiểu biết, nên khế hợp với lẽ huyền diệu dung thông cả có và không, không chấp, không mắc, không nhiếp, không thu, phải quấy đều quên, năng sở cũng dứt, hết đối đãi. Cái dứt ấy cũng bặt luôn thì Bát-nhã hiện tiền, lúc đó bặt luôn tâm dụng công.
Mỗi tâm đều thành Phật, không tâm nào chẳng phải tâm Phật. Lúc nào cũng là Phật hết, không lúc nào không phải Phật.
Chốn chốn đều thành đạo, không một hạt bụi nào chẳng phải cõi Phật. Tu ở đây không phải chạy đi tìm kiếm một nơi nào là cảnh Phật, mà ngay nơi tâm mình nếu dứt cả đối đãi, dứt cả phân biệt thì tri và tịch không hai. Lúc đó không còn dính mắc - thì nơi nào, ở đâu cũng đều là quốc độ của Phật hết, không còn tìm kiếm chi nữa.
Thế nên chân với vọng, vật với ngã, đều do ở một tâm ta. Phật với chúng sanh cũng đều chung nhau một tâm ấy. Nếu mê thì người theo sự vật, sự vật thì vô vàn nên người chẳng giống nhau. Nếu ngộ thì sự vật theo người, người đem một trí mà dung hòa muôn cảnh. Đến đây thì hết chỗ nói năng, bặt đường tư tưởng còn gì mà nói nhân trước quả sau. Tâm thể rỗng lặng, còn gì là người này giống, kẻ kia khác?
Thế nên chân với vọng, vật với ngã, đều do ở một tâm ta. Chân vọng đều ở Tự tâm chúng ta.
Phật với chúng sanh cũng đều chung nhau một tâm ấy. Nếu mê thì người theo sự vật, sự vật thì vô vàn nên người chẳng giống nhau. Khi chúng ta mê tức quên tâm nên chạy theo sự vật, sự vật ở bên ngoài thì vô cùng vô số, mỗi cái đều khác nên người không giống nhau.
Nếu ngộ thì sự vật theo người, người đem một trí mà dung hòa muôn cảnh. Thí dụ khi chúng ta ngộ thấy tất cả sự vật ở bên ngoài, cái nhà, cây thông, cái bàn, cái ghế… chúng ta chỉ dùng một trí thấy là duyên hợp, là tứ đại hòa hợp, nhà cũng do tứ đại, cây thông cũng do tứ đại, cái bàn cũng tứ đại hòa hợp, không có cái gì khác, không có cái gì ngoài. Như vậy chúng ta dùng một trí mà dung thông tất cả mọi vật, không cần phải nhiều thứ.
Đến đây thì hết chỗ nói năng, bặt đường tư tưởng còn gì mà nói nhân trước quả sau. Nếu người đến chỗ đó rồi sống không còn phân chia đối đãi. Lúc đó không còn ngôn ngữ để nói, không còn tư tưởng để suy lường thì còn cái gì là nhân là quả mà nói nhân trước quả sau. Nói nhân nói quả là nói sự thể của muôn vật, khi sanh khi diệt có trước có sau.
Tâm thể rỗng lặng, còn gì là người này giống, kẻ kia khác. Nếu tâm mình rỗng lặng thấy ai cũng như ai, không nói rằng người này giống, người kia khác, người này đẹp, người kia xấu…
Chỉ còn một tâm trong sáng, tăng giảm chan hòa. Như tấm gương sáng, tuy không có hoa mà bóng hoa hiện, gương vẫn vô tâm; tuy thấy ảnh tượng chiếu trong gương, mà ảnh tượng vẫn hằng không.
Ở đây nhờ thí dụ chúng ta thấy rõ chỉ còn một tâm trong sáng, tăng giảm chan hòa nghĩa là chỉ một tâm trong sáng thì cái tăng cái giảm hòa lẫn nhau. Ví dụ như một tấm gương sáng trong đó có hiện trăm bóng hoa nào đỏ nào xanh nào vàng… tuy trăm thứ hoa hiện trong gương mà gương không có ghét cái này, chịu cái kia. Bao nhiêu ảnh tượng hiện trong gương nào hoa hồng, hoa cúc v.v… không có hoa nào thật, đều là bóng hết. Tất cả bóng hoa hiện trong gương đều là bóng, gương vẫn vô tâm. Đây chỉ cho người tu dứt bặt đối đãi không còn phân biệt, chỉ một tâm trong sáng thì mọi việc đều đầy đủ mà không dính mắc.
Hơn nữa, đạo thì luận nói cũng chẳng được, im lặng cũng chẳng được; dù cho quên cả hai nói và im cũng không dính dáng. Tại sao? Quang minh của bậc Cổ Phật, phong thái của hàng Tiên đức, mỗi mỗi đều từ trong chỗ không muốn, không nương mà được phát hiện. Hoặc có khi cao vút vòi vọi trọn không thể nhổ lên, hoặc có khi bao trùm hòa lẫn trọn không chỗ thấy.
Đoạn này nói xa hơn một chút.
Hơn nữa, đạo thì luận nói cũng chẳng được, im lặng cũng chẳng được. Tại sao nói không được? Nói không được thì nín, mà nín cũng không được, như vậy thì làm sao? Vì chúng ta quen sống với đối đãi, hoặc là nói, hoặc là nín. Ở đây luận nói chẳng được, vậy muốn nói chuyện đạo lý phải làm sao đây? Người xưa hay nói “cả ngày ăn mà không nhai nát một hột cơm một hột gạo”. Nói mà không dính mắc thì nói mà như không nói, còn im lặng mà mắc kẹt thì im lặng cũng sai. Chúng ta không được nói để cho người ta dính kẹt, cũng không được im lặng vì im lặng làm sao truyền bá chánh pháp. Nên nói mà không dính đầu lưỡi thì cái nói đó không sao hết. Các Thiền sư nói có khi mình nghe điếc lỗ tai, chúng ta không biết các ngài nói gì hết. Bởi vì nói để người ta suy nghĩ đó là dính mắc, nói để người dứt suy nghĩ thì hết dính mắc, như vậy có quyền nói. Những cái nói đó tùy cơ nên nói nín gì lại không được. Bởi vậy không được nói không được nín tức là dù cho quên cả hai, nói và im cũng không dính dáng. Tại sao? Giải thích:
Quang minh của bậc Cổ Phật, phong thái của hàng Tiên đức, mỗi mỗi đều từ trong chỗ không muốn không nương mà được phát hiện. Nói mà không có tâm muốn được, không có chỗ nương tựa để chỉ bày ra.
Hoặc có khi cao vút vòi vọi trọn không thể nhổ lên, hoặc có khi bao trùm hòa lẫn trọn không chỗ thấy. Có những chỗ cao vút vòi vọi ở trên chúng ta không với tới được, hoặc có chỗ bao trùm hết chúng ta không nắm bắt nổi. Đó là ý cho thấy rằng các ngài nói mà không mắc kẹt hai bên, không dính mắc một chỗ nào.
Cuối cùng chẳng cố định một chỗ, cũng chẳng dính mắc ở hai đầu, không phải mà không gì chẳng phải, không quấy mà không gì chẳng quấy, được cũng không chỗ được, mất cũng không chỗ mất.
Cái gì mà không phải không gì chẳng phải? Thí dụ có người nói: Thầy đó, chú đó là Lê Văn An. Lại có người khác nói: Bậy! Thầy đó, chú đó là tứ đại. Như vậy Lê Văn An là tên con người đặt ra. Còn thân người do tứ đại hợp thành, nói tứ đại là phải hay không phải? Nói Lê Văn An là bậy, nói tứ đại là phải rồi. Nhưng người khác cũng là tứ đại, biết ai là Lê Văn An? Như vậy mới nghe dường như phải mà chẳng phải, không quấy mà không gì chẳng quấy. Ai đứng mặt này nhìn thì thấy như phải, đứng mặt khác nhìn thì thấy như quấy. Tất cả thế gian là như vậy, không có pháp cố định mà chúng ta luôn chấp cố định, phải là phải quấy là quấy… nên sanh ra bao nhiêu chuyện cãi lẫy. Bởi vậy ở trong Thiền viện xử kiện dễ lắm. Hai người cãi nhau đem đến tôi xử, tôi hỏi: Tại sao cãi nhau? - Tại con tức quá! Tôi chỉ xử một câu: Có tức, là lỗi rồi! Hai người cãi với nhau đều có tức thì đều phiền não, giống nhau hết, có hơn thua gì? Cả hai đều có lỗi tôi xử phạt hết, chỉ có người không cãi thì không phiền não thôi. Hiểu rồi không có gì cố định. Thế gian có bệnh đứng khía cạnh này nhìn qua khía cạnh khác. Thí dụ có một khối thủy tinh bát giác trong sáng. Bên ngoài, phía này để một hoa hồng, phía kia để hoa xanh, phía nọ hoa tím, rồi hỏi người đứng mỗi góc nhìn bên trong khối thủy tinh thấy hoa màu gì? Người thì nói có hoa màu hồng, người khác nói có hoa màu xanh, màu tím… như vậy cái nhìn nào đúng? Khối thủy tinh màu gì? Màu hồng, màu tím, màu xanh? Thủy tinh không có màu mà tùy chỗ mình và hoa bên ngoài, màu xanh hiện màu xanh, màu tím hiện màu tím. Thế gian này, mọi sự việc người ta làm, tùy góc độ nhìn rồi cho cái nhìn của mình là đúng, ai ở góc độ khác nhìn lại nói sai, cái nhìn của họ mới đúng. Hai cái đúng gặp nhau thì tranh cãi. Trong chùa nhiều chuyện xảy ra thấy tức cười: Những người làm rẫy thì thầy khuyến khích trồng rẫy cho nhiều nhiều để có ăn, vườn thì khuyến khích chăm sóc để cây có trái, có kết quả tốt, hoa thì khuyến khích trồng nhiều hoa cho dễ coi. Được khuyến khích ai cũng muốn làm cho có kết quả. Sáng ra phân công tác, ban rẫy đòi cho nhiều người, bởi vì đâu dám cãi lời thầy bảo. Rồi ban vườn cũng đòi nhiều người, hỏi tại sao? Tại thầy bảo ráng chăm sóc cho cây có trái! Ban hoa đòi nhiều người nữa. Ai cũng đòi nhiều người và ai cũng phải hết. Khi đó Tri sự không có người rồi làm sao? Ba cái phải đưa tới không biết kết thúc thế nào. Ai đòi người cũng phải hết, nhưng chấp cái phải đó thì thành ra rối mù không sắp đặt được. Thôi thì dung thông nhau, phải vừa thôi, đừng phải quá. Ban này có một người, ban kia có hai người cũng được, châm chước với nhau để cùng làm thì được, chớ ai cũng giành phần phải về mình, được như ý mình thì có chuyện lôi thôi, không giải quyết nổi. Cố chấp thì trở thành bệnh mà thiên hạ luôn luôn cố chấp. Lãnh một trách vụ gì, một công tác gì chúng ta đều cho là quan trọng. Ba bốn cái quan trọng cãi lẫy suốt ngày không làm được việc gì hết. Chỉ có dung thông với nhau, hòa với nhau để cùng làm công việc thì được, đừng có đòi tuyệt đối. Trong cuộc sống chúng ta đừng cố chấp, vì những cố chấp sanh ra các thứ khổ, đủ thứ phiền não.
Chẳng từng cách xa một mảy tơ, chẳng từng đổi dời một sợi tóc, sáng ngời lối xưa, chẳng thuộc nhiệm mầu sâu kín (huyền vi), ngay trước mặt đem lại, chợt đó liền qua, chẳng ở nơi chánh vị, đâu rơi vào lối tà, chẳng đi nơi thênh thang, đâu đạp vào lối nhỏ, xoay đầu chẳng gặp, chạm mắt lại không đối trước, một niệm xem khắp, thênh thang rỗng lặng.
Tâm thể, cuối cùng không dính, không kẹt một góc nào, một đầu nào mà trùm khắp thênh thang.
Một chút tông yếu này, ngàn Thánh chẳng truyền, thẳng đó rõ biết, ngay đây vượt lên. Mới biết, chỗ sạch trọi trơn thế ấy tức dễ, chỗ sáng rỡ rõ ràng thế ấy tức khó. Nếu là việc bổn phận thì tay chân buông đi mà không cái gì thu chẳng đến, mỗi mỗi phóng ánh sáng hiện tướng lành, mỗi mỗi dứt bặt dấu vết, trên cơ trọn chẳng dừng, trong lời không thể bày, tột đáy khuấy chẳng đục, toàn thân đập chẳng nát, rốt ráo là cái gì được tinh thông thế ấy, được kỳ đặc thế ấy?
Một chút tông yếu này, ngàn Thánh chẳng truyền. Chỗ tông yếu ngàn Thánh cũng trao nhau không được.
Thẳng đó rõ biết, ngay đây vượt lên. Không ai trao cho ta được mà chính ta nhận ra, thì ngay đó liền vươn lên được. Nếu mình không nhận thì không vượt lên được.
Mới biết chỗ sạch trọi trơn thế ấy tức dễ, chỗ sáng rỡ rõ ràng thế ấy tức khó. Nghĩa là mình tu mà buông sạch, bỏ sạch là dễ, nhưng ngay chỗ buông sạch, bỏ sạch đó vẫn còn sáng, vẫn còn rõ ràng mới là khó. Phải buông sạch, bỏ sạch mà vẫn còn sáng rỡ, còn rõ ràng.
Nếu là việc bổn phận thì tay chân buông đi mà không cái gì thu chẳng đến. Nghĩa là việc bổn phận, việc chánh của mình, tay chân mình buông, mình xả hết, nhưng tâm vẫn có hiện tiền.
Mỗi mỗi phóng ánh sáng hiện tướng lành, mỗi mỗi dứt bặt dấu vết, trên cơ trọn chẳng dừng, trong lời không thể bày tột đáy khuấy chẳng đục, toàn thân đập chẳng nát, rốt ráo là cái gì được tinh thông thế ấy, được kỳ đặc thế ấy? Trả lời câu này Ngài nói:
Này các ngài! Chẳng cần biết mặt mũi y, chẳng cần đặt tên cho y, cũng chớ tìm chỗ nơi của y. Tại sao? Vì y không chỗ nơi, y không tên tuổi, không mặt mũi, ta vừa dấy niệm đuổi tìm liền cách mười đời, năm đời.
Cái đó nó không có tên, không có mặt mũi, không chỗ nơi, làm sao mà tìm? Tìm thì cách mười đời, năm đời. Bởi vì vừa đặt tên là theo hình tướng, do hình tướng sự vật mà đặt tên. Cái này không phải hình tướng, thì làm sao đặt tên? Cho nên nó không có tên. Không hình tướng thì làm sao có chỗ nơi? Nên ai tìm kiếm nó thì muôn đời không gặp.
Chi bằng buông đi tự do, cần bước liền bước, cần dừng liền dừng, tức thiên nhiên mà chẳng thiên nhiên, tức như như mà chẳng phải như như, tức trong lặng mà chẳng phải trong lặng, tức bại hoại mà chẳng phải hư hoại, không thích sống không sợ chết, không cầu Phật, không sợ ma, chẳng cùng hợp với Bồ-đề, chẳng đồng chung với phiền não, chẳng nhận một pháp, chẳng ghét một pháp, không ở đâu mà ở tất cả, chẳng phải lìa mà chẳng phải chẳng lìa. Nếu ai hay thấy được như thế thì Thích-ca tự Thích-ca, Đạt-ma tự Đạt-ma.
Đây là chỗ cứu kính mà Ngài muốn chúng ta thấy, nhưng chỉ thấy mới được, chớ không phải lý luận mà được. Nói để cho chúng ta nghe mà không cho chúng ta dính, không cho chúng ta chấp. Cuối cùng Thích-ca tự Thích-ca, Đạt-ma tự Đạt-ma. Phật tự Phật, Tổ tự Tổ mà chúng ta tự chúng ta. Chớ không phải các ngài tự mà mình không tự. Tóm lại, khi ngồi lại tu, chúng ta mới thấy rõ nơi mình có cái chân thật, không mắc kẹt vào ngôn ngữ, không mắc kẹt vào hình tướng, không mắc kẹt vào văn tự. Cái đó không có ngôn ngữ, hình tướng, văn tự thì làm sao diễn tả? Nhưng nó vẫn hiện tiền. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, không dấy niệm, không nghĩ tưởng thì tự nó sáng. Tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy, mọi cái biến động bên ngoài đều biết hết mà cái đó không nói được là cái gì, nói là cái gì cũng trật. Gượng nói là Phật tánh, là Chân tâm. Nhưng đã có Phật tánh thì phải có chúng sanh tánh, có Chân tâm thì phải có vọng tâm, câu gì nói ra cũng có đối đãi. Cho nên nói đủ thứ tên mà không phải tên nào hết. Cuối cùng rồi chỉ nói Phật tự Phật, Tổ tự Tổ, ta tự ta chớ không nói cái gì là trúng.
Sư lại nói:
- Tám mươi bốn ngàn pháp môn Ba-la-mật, mỗi môn luôn mở ra các đức Phật nhiều như bụi nhỏ trong cõi Tam thiên Đại thiên. Mỗi đức Phật nói pháp đều chẳng nói có, chẳng nói không, chẳng nói không phải có không phải không, chẳng nói cũng có cũng không. Sao vậy?
Ly tứ cú tuyệt bách phi,
Tương phùng cử mục thiểu nhân tri.
Tạc nhật sương phong lậu tiêu tức,
Mai hoa y cựu xuyết hàn chi.

Dịch:
Lìa bốn câu bặt trăm quấy,
Gặp nhau nhướng mắt mấy ai hay.
Hôm qua sương gió thông tin tức,
Cành đông như cũ điểm hoa cười.

Kết thúc lại, tám muôn bốn ngàn pháp môn Ba-la-mật, tức là pháp môn cứu kính, mỗi môn luôn mở ra các đức Phật nhiều như bụi nhỏ trong cõi Tam thiên Đại thiên. Pháp môn vô lượng, chư Phật vô lượng. Mỗi đức Phật nói pháp đều: một là không nói có, hai là không nói không, ba là chẳng nói không phải có không phải không, bốn là chẳng nói cũng có cũng không. Như vậy thì chư Phật lìa tứ cú. Ngài nói thêm bài kệ:
Ly tứ cú là lìa bốn câu. Tuyệt bách phi tức là bặt trăm quấy.
Gặp nhau nhướng mắt mấy ai hay. Nếu thấy mặt nhau, chỉ nhìn một cái, khéo thì ngộ. Điều này ít người biết được. Như đức Phật khi đưa cành hoa nhìn khắp thì cả hội chúng không có ai biết, chỉ có ngài Ca-diếp biết thôi, nó sẵn như vậy đó.
Hôm qua sương gió thông tin tức. Hôm qua có mưa, có gió, có sương báo cho mình biết tin.
Cành đông như cũ điểm hoa cười. Tức là cành mai mùa đông như cũ trổ hoa tươi. Chỗ tột cùng không còn mắc kẹt trong tứ cú, dứt tuyệt bách phi. Chúng ta là phàm phu nói ra thì kẹt hết, nói câu nào cũng kẹt trong có, trong không, chẳng phải có, chẳng phải không… Mắc kẹt cho nên tranh cãi, phiền não. Còn Phật Tổ nói không cho kẹt, cho nên không phiền não. Không tất cả phiền não tranh cãi thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là pháp môn vi diệu đưa chúng ta đến chỗ giải thoát sanh tử. Nếu còn tranh cãi là còn phiền não, đó là các pháp đưa chúng ta đi trong luân hồi. Vậy nên người học đạo phải khéo nhận, khéo hiểu, không có mắc kẹt. Tóm lại, tâm phàm của chúng ta luôn luôn nằm trong đối đãi, hơn thua, phải quấy. Phật Tổ muốn chỉ chúng ta chỗ vượt qua cả phải quấy, vượt qua cả bốn câu, thoát ra đối đãi, cho nên mình khó hiểu. Bao giờ chúng ta gỡ được đối đãi không còn dính thì lời Phật Tổ nói dễ hiểu, không có gì khó. Cho nên người học Phật là người phá ngã, gỡ bỏ tất cả cái chấp đối đãi, gỡ bỏ tất cả cái chấp hơn thua, đúng sai… thì người học Phật sẽ đạt được kết quả, đạo sẽ không xa.
*
*   *
Rảnh rang Sư thường ngâm lại những bài kệ dạy chúng:
Ngài đọc lại những bài kệ của người xưa. Trong nhà thiền thường có câu: “Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới.” Dù bài kệ đó là của vị nào, của người xưa, nếu chúng ta đọc bài kệ đó có tâm đắc thì nó liền có ý nghĩa mới, không phải bài kệ có nghĩa mới, mà chính là người nhắc lại gởi gắm tâm tư mình trong đó nên gọi là mới. Những bài kệ của Ngài đọc trong lúc rảnh rang này, không phải của Ngài mà là của các vị Tổ sư trước và gần Ngài, nhưng vì thích nên Ngài rảnh rang ngâm nga lại để dạy chúng.
Bài 1
Nhất thiết vô tâm Tự tánh Giới,
Nhất thiết vô ngại Tự tánh Tuệ.
Bất tăng bất giảm tự Kim cang,
Thân khứ thân lai bản Tam-muội.

Dịch:
Tất cả không tâm Tự tánh Giới,
Tất cả không ngại Tự tánh Tuệ.
Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim cang,
Thân đi thân lại gốc Tam-muội.

Bài kệ này là bài kệ của Lục Tổ trả lời Sư Chí Thành ở trong Pháp Bảo Đàn hỏi về Giới - Định - Tuệ.
Tất cả không tâm Tự tánh Giới. Khi tâm chúng ta không có dấy niệm đuổi theo ngoại cảnh là chúng ta giữ giới, giới ngay trong Tự tánh. Tại sao nói Tự tánh? Bởi vì giới không có hình tướng. Thường thường ở trong nhà Phật nói tới giới tướng. Những hành động, những ngôn ngữ chúng ta có khi sai trái, giữ không cho hành động, ngôn ngữ sai trái gọi là giới tướng. Trong tâm mình không dấy niệm, đó là Tự tánh giới. Tại sao? Bởi vì tâm vừa dấy niệm, nó biến ra hình tướng, chớ niệm lặng lẽ, đâu có phạm lỗi. Đó là giữ giới ngay trong Tự tánh của mình chớ không phải ở đâu.
Tất cả không ngại Tự tánh Tuệ. Ở đây dạy giới trước, tuệ sau. Tuệ là gì? Tuệ là tất cả không ngại. Trí tuệ giúp cho chúng ta đối với mọi người, mọi cảnh không dính, không kẹt, không có cái gì trói buộc, tự tại vô ngại. Như vậy là tuệ. Nói tuệ mà dường như không có tuệ gì hết. Thường người ta nói tuệ là ánh sáng, là thông minh, những hiểu biết cao xa, ở đây nói không có ngại thì gọi là tuệ. Tại sao? Vì trong nhà thiền, người ngu thì cho việc này, việc nọ, việc kia là đúng là sai cho nên mắc kẹt. Còn người trí tuệ thì không chấp, cho nên được vô ngại. Chấp là ngu, ngược lại là trí tuệ. Tóm lại ai chấp nhiều thì đó là ngu hay là thiếu tuệ. Người nói ra hay chấp phải, chấp quấy, chấp hơn, chấp thua, chấp được, chấp mất thì không có sáng. Còn nếu tất cả đều không dính, không kẹt gì hết là trí tuệ.
Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim cang. Đây nói đủ là Kim cang Tam-muội là sức định vững chắc như Kim cang không có gì phá hoại được. Muốn được cái định đó phải chẳng thêm chẳng bớt. Bất tăng, bất giảm mà trong kinh Bát-nhã chúng ta thường đọc đó. Chúng ta ở trên thế gian này luôn luôn thấy cái này là được, cái kia là mất. Có được có mất là có thêm bớt. Được, mất, thêm, bớt làm cho tâm mình loạn động. Vì vậy không thấy có thêm, không thấy có bớt, đó là Kim cang.
Thân đi thân lại gốc Tam-muội. Nếu mọi cái thêm bớt, được mất không bận lòng thì thân mình có đến, có đi vẫn là ở trong chánh định. Như vậy ở đây giới, định, tuệ khác với sách Phật nói về giới định tuệ. Kinh nói Giới là giới tướng, Định là định tâm, Tuệ là mở sáng tâm. Ở đây nói Giới là Tự tánh không có tất cả niệm, Tuệ là Tự tánh không tất cả chướng, Định là Tự tánh không có tăng, không có giảm, không có đi lại… Như vậy phần này Lục Tổ giảng cho Thiền sư Chí Thành về giới, định, tuệ.
Bài 2
Bất kiến nhất pháp tồn vô kiến,
Đại tự phù vân giá nhật diện.
Bất tri nhất pháp thủ không tri,
Hoàn như thái hư sanh thiểm điện.
Thử chi tri kiến miết nhiên hưng,
Thác nhận hà tằng giải phương tiện.
Nhữ đương nhất niệm tự tri phi,
Tự kỷ linh quang thường hiển hiện.

Dịch:
Chẳng thấy một pháp còn thấy không,
Giống in mây nổi che mặt nhật.
Chẳng biết một pháp giữ biết không,
Lại như hư không sanh điện chớp.
Cái thấy biết này chợt dấy lên,
Lầm nhận đâu từng rõ phương tiện.
Ông nên một niệm tự biết lỗi,
Tự kỷ linh quang luôn hiển hiện.

Bài kệ này của Lục Tổ. Ngài giải thích cho Thiền sư Trí Thường về “không”, trong kinh Pháp Bảo Đàn.
Chẳng thấy một pháp còn thấy không. Nếu mình không thấy có một pháp nào, còn thấy có cái không là thật.
Giống in mây nổi che mặt nhật. Giống như là có một cụm mây che mặt trời làm cho mặt trời tối. Còn chấp một pháp không cũng là còn kẹt, che mờ trí tuệ của mình.
Chẳng biết một pháp giữ biết không, lại như hư không sanh điện chớp. Nếu mình không thấy có một pháp nào thật mà còn giữ một pháp không, cho tánh không là thật, cũng như hư không trong trẻo, bỗng dưng có lằn điện chớp, mất cái yên tĩnh, trong trẻo của hư không.
Cái thấy biết này chợt dấy lên, lầm nhận đâu từng rõ phương tiện. Còn khởi các niệm chấp không, là mình đã nhận lầm, không biết được các phương tiện đầy đủ.
Ông nên một niệm tự biết lỗi, tự kỷ linh quang luôn hiển hiện. Tức là ông bây giờ một niệm tự nhận lỗi chấp không, thì ánh sáng linh diệu của chính mình sẽ hiển hiện luôn luôn. Như vậy, tất cả chúng ta tu, ban đầu chấp tất cả là có, có mình, có người, có đủ thứ. Qua giai đoạn thứ hai, phá cái chấp có, cho tất cả Tự tánh là không, rồi xoay qua chấp không. Cái có thật bị phá, song cái chấp không là thật cũng là kẹt. Vì vậy mà cuối cùng một niệm “chấp không” không còn thì cái linh quang của chính mình mới luôn luôn sáng suốt.
Bài 3
Kiến văn tri giác vô chướng ngại,
Thanh hương vị xúc thường tam-muội.
Như điểu không trung chỉ ma phi,
Vô thủ vô xả vô tắng ái.
Nhược hội ứng xứ bản vô tâm,
Thủy đắc danh vi Quán Tự Tại.

Dịch:
Thấy nghe hiểu biết không ngăn ngại,
Thanh hương vị xúc thường tam-muội.
Như chim trong không chỉ thế bay,
Không lấy, không bỏ, không yêu ghét.
Nếu rõ chỗ hiện vốn không tâm,
Mới được gọi là Quán Tự Tại.

Bài này của Thiền sư Bổn Tịnh (?-761) đệ tử Lục Tổ.
Thấy nghe hiểu biết không ngăn ngại. Ở đây dạy chúng ta rằng: Thấy, nghe, hiểu, biết không ngăn ngại, thì đối với thanh, hương, vị, xúc thường tam-muội, được ở trong chánh định. Sở dĩ ngày nay tâm ta loạn, là vì chúng ta thấy nghe hiểu biết đều dính mắc. Thấy dính với sắc, nghe dính với thanh, hiểu biết thì dính với cảnh. Nếu thấy, nghe, hiểu, biết mà không dính mắc đối với năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc thì luôn luôn tâm được an định. Định đó là tam-muội.
Như chim trong không chỉ thế bay, không lấy không bỏ không yêu ghét. Như chim giương cánh bay trong hư không thảnh thơi, bởi vì nó không lấy, không bỏ, không yêu ghét, tự tại trong không, không có chướng ngại. Còn chúng ta quen thấy cái gì đẹp thì lấy, cái gì xấu thì bỏ. Cái gì bằng lòng thì yêu, thấy cái gì không bằng lòng thì ghét rồi bay không được, giống như con chim bị rụng cánh, có vỗ cách mấy bay cũng không nổi. Đó là bệnh.
Nếu rõ chỗ hiện vốn không tâm, mới được gọi là Quán Tự Tại. Nếu đối với tất cả sự vật hiện tiền nơi nào, chốn nào mình cũng không niệm dính kẹt, đó là không tâm. Được như vậy thì lúc nào mình cũng là Bồ-tát Quán Tự Tại. Kệ này dạy chúng ta giữ đừng để năm căn dính kẹt năm trần. Năm căn không kẹt với năm trần thì chúng ta được tự tại, thảnh thơi như con chim bay không vướng mắc. Năm trần không kẹt thì chúng ta là Quán Tự Tại.
Bài 4
Cô viên khiếu lạc trung nham nguyệt,
Dã khách ngâm tàn bán dạ đăng.
Thử cảnh thử thời thùy hội đắc,
Bạch vân thâm xứ tọa thiền tăng.

Dịch:
Vượn lẻ hú rơi trăng lưng núi,
Khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya.
Cảnh đấy người đây ai biết được.
Thiền tăng ngồi lặng núi sâu kìa.

Bài này của Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) còn gọi là Vô Lượng Thọ, làm khi ở núi Tuyết Đậu.
Vượn lẻ hú rơi trăng lưng núi, khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya. Đây tả cảnh vượn hú ở trong rừng, trăng lặn xuống. Còn người khách miền quê ngâm thơ cho tới khuya, đèn lụn bấc.
Cảnh đấy người đây ai biết được, Thiền tăng ngồi lặng núi sâu kìa. Không ai biết được trong núi sâu có một Thiền tăng không dính kẹt, không trói buộc muôn sự muôn vật ở bên ngoài, đang ngồi lặng lẽ trong núi. Nhưng bây giờ Thiền sư không ngồi lặng lẽ trong núi, mà ngồi lặng lẽ trong Thiền đường, vậy có dính kẹt không? Một Thiền tăng ngồi lặng lẽ tức là chỉ còn một Ông chủ, tìm không có cái gì dấy động, không có niệm sanh trói buộc lẫn nhau, đó là một hình ảnh hoàn toàn giải thoát. Nhưng bây giờ ngồi con mắt ngó xuống mà con vượn, con khỉ hiện ra hoài, buông cành này nắm cành kia, nên cũng không tự tại. Nếu không dính không mắc thì tự tại.
Bài 5
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân.
Vô minh Thật tánh tức Phật tánh,
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân.
Pháp thân giác liễu vô nhất vật,
Bản nguyên Tự tánh thiên chân Phật.
Ngũ ấm phù vân không khứ lai,
Tam độc thủy bào hư xuất một.

Dịch:
Dứt học không làm, đạo nhân nhàn,
Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân.
Thật tánh vô minh tức Phật tánh,
Thân không, huyễn hóa tức Pháp thân.
Pháp thân giác rồi không một vật,
Cội nguồn Tự tánh thiên chân Phật.
Năm ấm mây trôi luống lại qua,
Ba độc bọt nổi dối chìm mất.

Đoạn này trích trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, rất thú vị. Chúng ta biết tu thiền chút chút đi dạo ngoài vườn hoa, hoặc là ngồi dưới gốc tùng có hứng cũng nên ngâm lên.
Dứt học không làm, đạo nhân nhàn. Tuyệt học nói dứt học nghe cũng hơi yếu một chút. Tuyệt học là bặt không còn dính gì mới gọi là tuyệt học. Vô vi là không làm, nghĩa là bặt hết cái học, vị đó là đạo nhân nhàn. Người ta lại hiểu lầm đạo nhân nhàn là đạo nhân làm biếng vì không học, cũng không chịu làm gì hết. Bởi vậy nếu hiểu theo chữ theo nghĩa thì cũng tội. Sáng vác cuốc ra đám rẫy, cuốc đất gọi là đạo nhân nhàn được không? Lao động quá chừng mà nhàn chỗ nào? Chỗ đây phải hiểu tuyệt học vô vi là đối với sự tìm kiếm văn tự, chữ nghĩa không có, không còn. Vô vi là không có tất cả những tâm động, theo những hành động hay theo ý niệm sanh diệt. Cái gì còn sanh trụ diệt là hữu vi, không sanh trụ diệt là vô vi. Bặt hết những tâm đuổi theo chữ nghĩa, theo cái sanh trụ diệt của thế gian thì gọi là đạo nhân nhàn. Nếu mình cuốc rẫy trồng khoai, nhổ cỏ, lặt rau mà không dính mắc với chữ nghĩa văn tự, không kẹt với tâm sanh diệt, vẫn là đạo nhân nhàn. Tuy là lặt rau, tuy là nhổ cỏ mà vẫn nhàn. Đừng nên nói: “Ngài Vĩnh Gia đã dạy như vậy, bây giờ tôi muốn làm đạo nhân nhàn, đừng kêu tôi học, mọi người làm cho tôi ăn thôi, để tôi thành đạo nhân nhàn.” Đó là cái nhàn lười biếng, không phải cái nhàn giải thoát. Quí vị hiểu cho kỹ, cho nên học mà không hiểu cũng khổ lắm.
Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân. Không cầu chân tức là yên lặng. Vì vô vi không sanh diệt, đâu còn cái gì là vọng tưởng, mà không vọng thì chân hiện tiền. Người nào tới chỗ không còn tâm dính kẹt ngôn ngữ, không còn tâm dính kẹt tướng sanh diệt, thì người đó đâu còn vọng tưởng mà trừ, cái chân thật liền hiện tiền, còn gì mà phải cầu. Ai được như vậy tôi cũng cho tự do không ngồi thiền nữa, còn chưa được thì ráng ngồi thiền khá một chút, chừng nào được thì khỏi.
Thật tánh vô minh tức Phật tánh. Cái tánh thật của vô minh là tánh Phật. Tại sao vậy? Bởi vì vô minh là mờ mịt, mà cái mờ mịt là từ cái sáng. Cũng như tánh thật của ngủ đáng lý là mê, sao tôi lại nói là thức, bởi vì không có thức thì mình có ngủ không? Vì có thức nên mới có ngủ, Thật tánh cái ngủ gốc từ cái thức, không có thức thì không có ngủ, không có ngủ thì không có thức. Vì vậy nên cái này sanh thì cái kia sanh. Vì mình mê cho nên nói giác, tỉnh hết mê thì không còn giác. Vậy thì vô minh từ giác mà ra. Đương thức mà bỗng dưng mờ mịt, buồn ngủ. Đó là từ gốc tỉnh mà sanh ra mê, như vậy hết mê thì trở lại tỉnh chớ gì?
Thân không, huyễn hóa tức Pháp thân, ngay nơi thân huyễn hóa không thật này là Pháp thân. Tại sao? Thân huyễn hóa là thân duyên hợp, tụ rồi tan, nên không thật. Đó là tướng giả hợp có tụ có tan, còn thể Pháp thân, cái chân thật bất sanh bất diệt, không bao giờ có tụ có tan. Nhận được ngay cái thân tụ tan đó là huyễn hóa không thật thì Pháp thân hiện tiền chớ không đâu xa.
Pháp thân giác rồi không một vật. Khi chúng ta giác ngộ Pháp thân rồi mới thấy thế gian không có một vật thật, tất cả các pháp đều duyên hợp, mà duyên hợp thì đều hư ảo, đều là không thật.
Cội nguồn Tự tánh thiên chân Phật. Pháp thân là cội nguồn, là Tự tánh thiên chân. Chữ “thiên chân” này có chỗ người ta cũng hiểu lầm, vì thường thường người tu mà hay chấp là lệch một bên. Như tu quán tất cả các tướng ngã của thân là duyên hợp hư dối, nói cách đơn giản là thấy thân vô ngã, đó cũng là giác nhưng giác còn thiên lệch. Chừng nào giác ngộ được pháp vô ngã, thân vô ngã thì cái giác đó mới tròn. Cho nên thường thường hay nói các vị Nhị thừa được cái giác thiên chân. Nhưng mà chữ “thiên chân” ở đây là cái chân sẵn có. Chữ “thiên” ở đây tương tự như trời, thiên chân là cái sẵn từ thuở nào cho nên là cái chân thật. Tự tánh thiên chân Phật là ông Phật từ thuở nào, chớ không phải ông Phật lệch.
Năm ấm mây bay trôi luống qua, ba độc bọt nổi dối chìm mất. Nghĩa là thân năm ấm này như là mây trôi, luống qua lại không có gì thật hết. Tất cả chúng ta ai cũng có sẵn thân năm ấm, là cái không thật, hư dối, nó còn nó mất, sanh diệt nơi này, nơi nọ, nơi kia như là áng mây trôi. Còn ba độc giống như là hòn bọt nổi chìm, chỉ là hư dối, có rồi mất. Như vậy hai câu này cảnh tỉnh chúng ta. Chúng ta biết Pháp thân là Tánh giác, là đức Phật có sẵn, là cội nguồn, thì thân năm ấm và ba độc trong chúng ta là mây, là bọt, mất còn không có giá trị gì hết. Nhưng bây giờ ngược lại, ông Phật thiên chân ở đâu chưa thấy, mà chỉ thấy thân năm ấm và ba độc, cho nên cả ngày cứ lộn xộn, lôi thôi với nhau. Bám vào thân năm ấm cho là thân ta thật, ba độc cũng cho là thật nên loay hoay luẩn quẩn hoài năm này tháng nọ, khổ này hết qua khổ kia. Một khi chúng ta biết được Pháp thân sẵn có, chừng đó mới thấy thân này là hư giả, ba độc là dối không thật. Đó là ý nghĩa đoạn này trong Chứng Đạo Ca. Nói Chứng Đạo Ca nghĩa là chứng đạo rồi mới hát được những câu này. Còn bây giờ mình hát học lóm, chớ không phải mình hát thật. Còn Ngài được rồi Ngài mới hát, cho nên câu nào cũng là tột cùng, là chí lý.
Bài 6
Ngộ tâm dung dị tức tâm nan,
Tức đắc tâm nguyên đáo xứ nhàn.
Đẩu chuyển tinh di thiên dục hiểu,
Bạch vân y cựu phú thanh san.

Dịch:
Ngộ tâm là dễ, khó dừng tâm,
Dừng được nguồn tâm mọi chốn nhàn.

Sao Đẩu chuyển dời trời sắp sáng,
Như xưa mây trắng che núi xanh.

Ngộ tâm là dễ, khó dừng tâm, dừng được nguồn tâm mọi chốn nhàn. Bài này dạy cho chúng ta thấy ngộ tâm là dễ mà dứt tâm lại khó. Sao vậy? Đây là câu mà tôi thường nhắc cho tất cả Tăng Ni. Phật dạy, Tổ dạy, ai cũng nhận ra mình có cái Tâm chân thật. Có ai không nhận không? Nhận biết mình có Tâm chân thật rồi, mà muốn dứt tâm lăng xăng dễ hay khó? Rất khó, cái Tâm chân thật của mình hiện ra tuy khó mà còn dễ hơn cái tâm lăng xăng dừng được sạch. Nếu dừng được tâm, chừng đó tới đâu cũng thảnh thơi, nhàn hạ.
Sao Đẩu chuyển dời trời sắp sáng, như xưa mây trắng che núi xanh. Hai câu này, dường như tả cảnh chơi không nói gì sự tu hành. Đêm khuya chúng ta nhìn, thấy ngôi sao Bắc Đẩu chuyển dần thì biết trời sắp sáng, mây trắng vẫn che ngọn núi xanh như cũ. Hai hình ảnh này nói gì? Khi chúng ta dừng được tâm rồi, an nhàn tự tại, chừng đó chúng ta nhìn trời sắp sáng, xem mây trắng che ngọn núi xanh, là hình ảnh tự nhiên của trời đất. Nghĩa là tâm lăng xăng dứt thì thấy trời, mây, sao, trăng, cái gì cũng an nhiên tự tại, không còn bận rộn, không còn nuối tiếc, không có chán chường hay ham muốn. Cả trời đất trăng sao hiện tiền, đều là tự tại.
Bài 7
Ngu nhân trừ cảnh bất trừ tâm,
Trí giả trừ tâm bất trừ cảnh.
Bất tri tâm cảnh bản như như,
Xúc mục ngộ duyên thường trấn định.

Dịch:
Kẻ ngu trừ cảnh chẳng trừ tâm,
Người trí trừ tâm chẳng trừ cảnh.
Đâu biết tâm cảnh vốn như như,
Chạm mắt gặp duyên luôn vững định.

Kẻ ngu trừ cảnh chẳng trừ tâm, người trí trừ tâm chẳng trừ cảnh. Ở đây nói kẻ ngu, người trí, quí vị xét xem! Nếu ai than kẻ tới người lui, lăng xăng lộn xộn, ồn quá tu không được, rồi kiếm hốc núi chui vô ở một mình để tránh cảnh ồn ào của Thiền viện, thì đó thuộc hạng người nào? Ở đây có ai thuộc hạng đó không? Vậy mới thấy nhiều khi mình ngu mà không hay. Cứ tưởng rằng tránh cảnh ồn ào tìm cảnh yên là khôn ngoan lắm, đó là mình biết tu. Nhưng đâu có ngờ. Như tôi thường kể, nếu vô đó mà hít thở thôi, đừng uống nước, đừng ăn cơm thì chắc dễ tu thật. Còn vô ngồi trong hốc núi, không có nước uống phải ra múc nước suối, phải kiếm ly hũ đựng là đã phiền rồi. Nhưng uống nước sống cũng chưa được, phải ăn cơm. Cơm ở đâu? Cũng phải lội ra xóm. Không có tiền mua gạo thì sao? Phải chạy tới người này, người kia mua gạo, về dọc đường lỡ té…, đủ thứ hết. Như vậy rồi phải tảo tần lo cho sự sống, còn tu cái gì được! Tưởng tu hay, không ngờ lại còn đa sự hơn. Rốt cuộc là dở, là ngu, ai có tâm niệm đó thì xét biết nghe! Còn ở đây, tới giờ thì ngồi thiền, tới giờ thì nấu cơm, làm việc gì cũng không có bận lo gì hết. Người trí thì trừ tâm mà không trừ cảnh. Tại sao vậy? Bởi vì người trí thấy cái rộn ràng lăng xăng nơi tâm chớ không phải do cảnh ở ngoài. Vì vậy mà phải lo dọn dẹp, đuổi trừ tâm, đó là cái gốc.
Đâu biết tâm cảnh vốn như như. Nhưng nếu biết tâm nào cảnh nào cũng như như thì khỏi trừ tâm trừ cảnh gì hết. Nghĩa là cứu kính như vậy. Đến đây thì:
Chạm mắt gặp duyên luôn vững định. Tức là gặp người này hay gặp việc kia tâm đều an định, không còn rối rắm khó khăn. Tóm lại, người tu nếu khéo thì trước cảnh mình vẫn không động, những tâm lăng xăng khéo trừ sạch, thì đến đâu cũng là chỗ an vui, là chỗ vững định, tức là ở trong Tam-muội.
Bài 8
Nhất diệp biển chu phiếm diểu mang,
Trình nhiêu vũ trạo biệt cung thương.
Vân sơn thủy nguyệt đô phao khước,
Doanh đắc Trang Chu nhất mộng trường.

Dịch:
Một chiếc thuyền con vượt bể khơi,
Quẫy chèo múa nhịp hát ca chơi.
Núi mây trăng nước đều ném quách,
Giành được Trang Chu giấc mộng dài.

Bài này của bà ni Diệu Tổng, đệ tử ngài Đại Huệ đời Tống.
Một chiếc thuyền con vượt bể khơi, quẫy chèo múa nhịp hát ca chơi. Chúng ta sống giữa biển trần lao này, làm tất cả việc mà thảnh thơi không bận bịu, không dính mắc, không lo buồn, như chiếc thuyền con ra khơi vung chèo quẫy nhịp, hát ca vượt khỏi lề luật âm vận thông thường - cung thương là hai âm trong ngũ âm của âm nhạc Trung Quốc.
Núi sông trăng nước đều ném quách, giành được Trang Chu giấc mộng dài. Không kẹt ở núi, ở mây, ở nước tức là không có dính, không quyến luyến gì bên ngoài hết. Người tu, nhất là người tu thiền, trong cuộc sống cũng gặp bao nhiêu người, cũng làm đủ thứ công tác, không dính, không mắc, không bận rộn, khi đó mình hiểu được giấc mộng dài hóa bướm của Trang Chu. Ông nằm mơ thấy mình hóa bướm, lúc tỉnh dậy thắc mắc không biết mình là bướm hay bướm là mình, mới nghiệm ra đời chỉ là giấc mộng dài.
Bài 9
Nam đài tĩnh tọa nhất lô hương,
Chung nhật ngưng nhiên vạn lự vong.
Bất thị tức tâm trừ vọng tưởng,
Đô duyên vô sự khả tư lương.

Dịch:
Đài nam tĩnh tọa một lò hương,
Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không.
Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng,
Chỉ vì không việc đáng lo lường.

Bài kệ này chỉ cho sự tu rất là hay.
Đài nam tĩnh tọa một lò hương. Chữ “đài” này chúng ta phải hiểu theo nghĩa trong đạo chớ đừng hiểu theo ngoài đời. Ngoài đời thì “đài” là chỗ quan trọng. Còn trong đạo nói “đài nam” là chỗ mình ngồi thiền trong núi hay là trên một góc của nhà thiền.
Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không. Ngồi đó trọn ngày không còn một chút niệm lự nào, lúc đó thì sao?
Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng, chỉ vì không việc đáng lo lường. Chỗ này hết sức là khéo. Chúng ta ngồi cố gắng dứt tâm, việc gì đến mình cũng nghĩ cho nên phải đè xuống. Mới đi ra ai nói câu gì đó, hơi xúc chạm, lúc ngồi thiền, vừa yên liền nhớ, rồi đè xuống, nói “không được”, rồi lại nhớ nữa, cứ đè nữa, đè hoài, đè hoài. Tại sao phải đè? Vì thấy lời nói đó là thật, cảnh ngoài là thật, gỡ không được. Thí dụ lúc ngồi thiền, nhất là bên Tăng, chiều chiều nghe bên ngoài lâu lâu có tiếng cười rộ lên, lúc đó nói “đừng nghĩ, đừng nghĩ”, rồi “đừng nghĩ”. Lát nữa tiếng cười lại rộ lên, xả thiền ra đau cái đầu. Khổ quá phải không? Người ta cười kệ họ, chuyện gì dính tới mình, như trò đùa không có gì thật hết. Không có gì quan trọng, đừng bận tâm thì có gì đâu mà phải đè? Sở dĩ có đè tại vì cho là thật. Cho nên ở đây nói rằng: “Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng.” Tâm không cần dứt gì hết, mà “chỉ vì không việc đáng lo lường”. Không có gì quan trọng để bận tâm. Nếu không có việc thì nghĩ cái gì đây? Nghĩ tới người thì người hư ảo, nghĩ tới cảnh thì cảnh hư ảo, lời nói thì lời nói hư ảo, không có gì đáng bận tâm cả. Có cần dứt vọng tưởng không? Cho nên người nào cũng thấy cần mẫn tu, cần mẫn mà còn thấy cảnh ngoài thật thì khổ sở, chỉ hết khổ khi thấy ngoại cảnh hư ảo không có gì thật. Chửi mình là trò chơi, khen mình cũng trò đùa, ai làm gì thì làm, mình cứ ngồi tự tại, yên lặng, đó mới thật là ngồi thiền. Nếu còn phải đè, phải kềm, phải dứt, tu như vậy rất nhọc công. Quí vị kiểm lại có cái gì thật nói tôi nghe! Tìm không ra! Không có cái thật, thì bận tâm cái gì? Người nào khôn ngoan, lấn lướt người khác mấy chục năm cũng tắt thở, cũng bị chôn xuống. Nếu người thật thà bị người khinh chê, được ít chục năm cũng qua mất có gì đâu mà quan trọng. Chỉ có một cái còn mãi mãi mà mình không biết cứ lo chuyện người này, người kia, người nọ, hơn thua phải quấy tạm bợ cứ bận bịu mãi. Muốn tâm yên, nó không yên, rồi tự khổ “tu hoài mà sao không yên”. Tại còn nghĩ, còn tin mọi sự là thật, là lâu dài, cho nên mình cứ bị quấy nhiễu. Nếu không bận tâm nữa, thì không cần dứt tâm trừ vọng tưởng, tâm tự yên. Đó là lời rất chí lý để cho mình hiểu mà tu.
Bài 10
Sấu trúc trường tùng trích thúy hương,
Lưu phong sơ nguyệt độ vi lương.
Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự,
Mỗi nhật chung thanh tống tịch dương.

Dịch:
Tre gầy thông cỗi nhỏ giọt hương,
Gió lướt trăng lên chút lạnh lùng.
Nguyên Tây chùa ấy ai ở đó?
Chiều chiều chuông đánh tiễn tịch dương.

Bài kệ này là của Thiền sư Chuyết Công (1590-1644) sau này ngài Hương Hải thích nên đọc thuộc.
Tre gầy thông cỗi nhỏ giọt hương, gió lướt trăng lên chút lạnh lùng. Trước chùa có một bụi tre già, sương lâu lâu rớt xuống một hai hạt thơm nhè nhẹ. Thỉnh thoảng gió lướt qua, trăng lên mát mẻ.
Nguyên Tây chùa ấy ai ở đó? Chiều chiều chuông đánh tiễn tịch dương. Chùa Nguyên Tây không biết ai ở trong, chiều nào cũng nghe dộng chuông boong boong, ánh trời chiều lần lần lặn mất, thật đẹp. Mỗi buổi chiều tà nghe tiếng chuông chùa gióng mà không biết ai ở trong chùa. Miễn nghe có tiếng chuông thì biết có người trong chùa, dù không biết tên. Thân tứ đại hoạt động tới lui, qua lại, nói năng cũng có người làm chủ. Nếu không có Ông chủ, thân làm gì hoạt động, nói năng. Tất cả chúng ta đây có Ông chủ không? Ai ai cũng có Ông chủ, mà hiện giờ chúng ta sống với chủ hay với tớ? Nếu nói theo Duy thức học, chủ là Tâm vương, còn tớ là Tâm sở lệ thuộc. Sống với một đám nô bộc mê vọng ồn ào buồn thương giận ghét, quấy rầy mà nhận là chủ, trong khi Ông chủ đang sáng suốt thảnh thơi thì không chịu nhận, mà cứ theo cái đám đủ thứ nhận nó là mình. Khổ không? Vậy là phải hiểu để trở lại phăng tìm con người thật của mình, đừng để lệ thuộc vào đám nô bộc trăm thứ, chúng sẽ làm cho mình phải khổ sở.
Bài 11
Trụ mộng na tri mộng thị hư,
Giác lai phương giác mộng trung vô.
Mê thời kháp đắc mộng trung sự,
Ngộ hậu hoàn đồng thùy khởi phu.

Dịch:
Trong mộng đâu hay mộng dối hư,
Tỉnh rồi mới biết có gì ư?
Khi mê hợp với việc trong mộng,
Đã ngộ lại đồng ngủ dậy chừ!

Trong mộng đâu hay mộng dối hư, tỉnh rồi mới biết có gì ư? Trong mộng đâu biết mộng là dối. Thí dụ mộng thấy đang ngồi ăn tiệc, vui vẻ quá không biết dối. Chừng giật mình thức dậy mới biết dối. Biết dối là khi nào tỉnh, còn mê thì không biết. Chúng ta mấy mươi năm ở đây, tưởng chừng như dài lắm, nhìn kỹ so với Tánh giác, với Pháp thân thì chỉ là một trường mộng mà thôi. Mới ngày nào đó thấy đầu xanh, nhìn lên thì tóc bạc rồi, lật bật đã lụm cụm, chuẩn bị đi về chỗ vĩnh biệt ngàn thu. Cứ tưởng rằng thật, nhưng thức thì mới biết mộng là dối. Như vậy thức là khi chúng ta biết cuộc đời, biết thân này không lâu dài. Biết rõ như vậy để trở lại sống với cái chân thật. Biết đời là giả là mộng, như vậy là tỉnh. Nếu mình cứ chạy theo danh theo lợi của trần tục rồi chết, thì mộng hoài không có ngày tỉnh.
Khi mê hợp với việc trong mộng, đã ngộ lại đồng ngủ dậy chừ! Đối chiếu cuộc sống này mình đang mê, chạy theo tài sắc danh lợi ở thế gian, giống hệt như người đang say trong cơn mộng vậy. Khi ngộ rồi thì giống như người ngủ thức dậy. Trò chơi giả dối không có giá trị. Chưa ngộ tức là còn mê, thấy mộng tưởng là thật. Mộng tỉnh là lấy việc thế gian để dụ cho mê ngộ của người tu. Người thế gian chỉ biết mộng là giả khi nào họ tỉnh. Người tu khi ngộ thì biết được cuộc đời là giả, nếu mê thì thấy cuộc đời cũng thật như ai vậy thôi.
Bài 12
Khô mộc nham tiền sai lộ đa,
Hành nhân đáo thử tận tha đà.
Lộ tư lập tuyết phi đồng sắc,
Minh nguyệt lô hoa bất tự tha.
Liễu liễu liễu thời vô sở liễu,
Huyền huyền huyền xứ diệc tu ha.
Ân cần vị xướng huyền trung khúc,
Không lý thiềm quang yết đắc ma?

Dịch:
Cây khô trước núi dễ lạc đàng,
Người đi đến đó thảy mơ màng.
Tuyết trong cò trắng đâu cùng sắc,
Trăng sáng hoa lau màu chẳng đồng.
Liễu liễu, khi liễu không chỗ liễu,
Huyền huyền, chỗ huyền cũng phải buông.
Ân cần hát khúc trong huyền ấy,
Ánh trăng giữa trời nắm được không?

Bài này của Thanh Nguyên Hành Tư (660-740), là bài Chính Vị Tiền trong Thập Huyền Luận.
Cây khô trước núi dễ lạc đàng. Ở đây diễn tả cảnh người tu đi tới chỗ không còn thấy tâm niệm dấy khởi nữa. Lúc đó giống như cây khô, chỗ vô sanh người ta dễ lầm mà buông hết mọi việc.
Người đi đến đó thảy mơ màng. Ngài Duyên Quán ở núi Lương Sơn, đệ tử tông Tào Động, khi vị Tri sự hỏi “giặc nhà khó giữ thì phải làm sao”, Ngài trả lời: “biết nó thì không phải oan gia”. Hỏi: “Sau khi biết thì phải làm gì?” - “Đày đến nước vô sanh đi!” Tri sự nói: “Nước vô sanh đâu không phải là chỗ an thân lập mạng của y?” Thường mình tu tới chỗ yên lặng thanh tịnh thì ưa thích, hài lòng. Đây là vô sanh, là chỗ người ta dễ lầm cho nên Ngài mới nói: “nước chết không chứa được rồng”. Chỗ nước vô sanh đó là nước chết không chứa được rồng, tới chỗ im phăng phắc, không còn niệm khởi như cây khô, như núi lạnh chưa phải là rồi, phải có cái gì nữa. Ngài Duyên Quán nói chỗ đó là nước chết. Những nơi khác nói đó là Niết-bàn của Nhị thừa, còn hỏi “thế nào là nước sống” Ngài nói: “dậy mòi mà không thành sóng”. Nghĩa là tới chỗ lặng lẽ rồi còn phải giác, chớ không phải là vô tri, chỗ đó mới là chứa được rồng, dậy mòi mà không thành sóng (sóng ví dụ cho tâm niệm theo duyên), dậy mòi mà hằng giác, không có cái im lặng như nước chết. Rồi hỏi thêm: “Khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?” Ngài bước xuống giường thiền nắm đứng nói: “Không ướt cái góc ca-sa của Lão tăng.” Chừng nào được nước sống chứa rồng chừng đó mới thong dong tự tại, không có cái gì quấy nhiễu được, đó là chỗ chí lý.
Tuyết trong cò trắng đâu cùng sắc. Tuyết đóng trên cây trên lá trắng phau phau, với con cò trắng, cả hai đều trắng hết, nhưng tuyết là vô tri, cò trắng là hữu tri. Hai thứ dường như không khác mà khác. Đứng về màu trắng thì như nhau, nhưng một bên vô tri một bên hữu tri.
Trăng sáng hoa lau màu chẳng đồng. Hoa lau và trăng cũng sáng cũng trắng nhưng hai cái khác. Trăng là cái sáng trùm cả bầu trời. Còn cái sáng của hoa lau chỉ một cành nhỏ. Như vậy chúng ta đừng lầm, tới chỗ yên tưởng đó là cùng tột, giống như là lầm tuyết trắng với cò trắng, hoa lau với trăng sáng. Như vậy thì phải còn cái gì nữa?
Liễu liễu, khi liễu không chỗ liễu. Mình phải liễu liễu, mà khi liễu không có cái gì để liễu.
Huyền huyền, chỗ huyền cũng phải buông. Ngộ tức là liễu ngộ tuy thâm thúy sâu xa, nhưng chỗ huyền đó cũng cần quở trách.
Ân cần hát khúc trong huyền ấy, ánh trăng giữa trời nắm được không? Tới chỗ cứu kính thì mình mới hát khúc mầu nhiệm, nhưng chỗ đó như ánh trăng trong hư không, không nắm bắt được. Người tu phải đến nơi đến chốn đừng có mắc kẹt, được một chút chớ tưởng đó là xong, mà phải tiến tới chỗ cuối cùng. Liễu liễu, liễu tức là liễu ngộ mà rốt cuộc không còn sở liễu. Huyền huyền tức là mầu nhiệm, huyền diệu được một lần, hai lần, nhưng rồi cũng dẹp huyền diệu đó đi, vì còn có ngộ còn có nhiệm mầu, thì chưa phải là chỗ cứu kính chân thật. Cứu kính chân thật là chỗ tự tại, trong sáng trùm khắp không có giới hạn. Bài kệ này là cảnh tỉnh những người tu được ít cho là đủ, rồi hài lòng thỏa mãn, cho nên bị kẹt.
Bài 13
Nhàn tọa yến nhiên thánh mạc tri,
Túng ngôn vô vật tỉ phương y.
Thạch nhân bã bảng vân trung phách,
Mộc nữ hàm sanh thủy để xuy.
Nhược đạo bất văn cừ vị hiểu,
Dục tầm kỳ hưởng nhĩ hoàn nghi.
Giáo quân xướng họa nhưng tu họa,
Hưu vấn cung thương trúc dữ ti.

Dịch:
Thảnh thơi ngồi lặng Thánh biết chi,
Dẫu rằng không vật so sánh y.
Trong mây người đá cầm phách gõ,
Đáy nước nàng gỗ miệng thổi sênh.
Nếu bảo chẳng nghe, y chưa hiểu,
Muốn tìm vang đó, anh lại nghi.
Cho anh xướng họa thì cứ họa,
Chớ hỏi cung, thương, trúc với ti.
--o0o--
(còn tiếp)
Từ khóa:

chúng sanh, là tướng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 310
  • Hôm nay: 6498
  • Tháng hiện tại: 248500
  • Tổng lượt truy cập: 59688517

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile