Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Mỗi ngày một câu chuyện Thiền - Chương I

Đăng lúc: Thứ năm - 08/03/2012 10:52 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Mỗi ngày một câu chuyện Thiền - Chương I

Mỗi ngày một câu chuyện Thiền - Chương I

Mỗi ngày một câu chuyện Thiền - Chương I Liễu xanh, hoa hồng. Nếu mở mắt tâm nhìn, Cứ như vậy không gì hơn ngoài chơn như thật tướng. Nhìn "như", chính "giác" là Thiền. Tàn Mộng Tử (dịch và chú giải) Nhà Xuất Bản Phương Đông.

Liễu xanh, hoa hồng.

Nếu mở mắt tâm nhìn,

Cứ như vậy không gì hơn

ngoài chơn như thật tướng.

Nhìn "như", chính "giác" là Thiền.

 

01 .Một ngày không làm, Một ngày không ăn

(Truyền đăng lục)

Hòa Thượng Bách Trượng Hoài Hải (748-814) là một Thiền sư nổi tiếng với tư cách là bậc tông tượng đầu tiên chế ra quy củ sinh hoạt cho các Thiền viện. Trong bản Bách Trượng Thanh Quy của người có định ra phần lao động thể lực gọi là Tác Vụ. Nó còn được gọi là Phổ Thỉnh ( chia điều sức lực trên dưới, thỉnh mời toàn thể đại chúng của sơn môn cùng nhau tham gia lao động), và thông thường khi toàn thể đại chúng cùng vào thôn xóm lao động thì gọi là Đạo Phổ Thỉnh.

Ngay cả khi Hòa Thượng tuổi cao, tự bản thân ngài vẫn không hề bỏ một buổi Tác Vụ nào cả. Chúng đệ tử có thỉnh cầu người hãy nghỉ thôi đừng làm, người vẫn tiên phong dẫn đầu mọi người đi làm việc. Một hôm, vị tăng quản lý bè đem giấu chìa khóa phòng của Hòa Thượng, nghĩ rằng nếu như không có dụng cụ thì chắc chắn Hòa Thượng cũng phải nghỉ thôi. Hôm ấy, Hòa Thượng không đi ra làm, và thay vào đó thì người chẳng ăn gì cả. Chúng đệ tử hỏi người rằng:

- Hòa Thượng không dùng cơm sao?

- Ngày nào không làm thì ngày đó không ăn. Hòa Thượng trả lời.

Chính trong Tân Ước Thanh Thư của Thiên Chúa Giáo cũng có dạy rằng: "Đức cha thường làm, cho nên các con cũng phải làm".

 

02. Uống trà đi

(Triệu Châu Lục)

 

Hòa Thượng Triệu Châu Tùng Thẩm hỏi hai vị tăng mới đến tham vấn rằng:

- Hai ngươi đã từng đến đây chưa?

- Thưa chưa từng đến.

- Uống trà đi.

Lần khác Hòa Thượng lại hỏi mấy vị tăng mới đến rằng:

- Các ngươi đã từng đến đây chưa?

- Thưa đến rồi.

- Uống trà đi.

Thấy vậy vị Viện Chủ bèn thưa rằng:

- Bạch Hòa Thượng, đối với người mới đến tham học mà Hòa Thượng dạy "uống trà đi" thì không sao cả, còn mấy người trước kia đã từng đến đây rồi sao Hòa Thượng cũng bảo họ "uống trà đi"?

Triệu Châu mới lớn tiếng gọi:

- Thầy Viện Chủ!

- Dạ, Viện Chủ đáp.

- Thầy uống trà đi. Triệu Châu nói.

Như vậy đối với người mới đến hay đã từng đến tham học, Hòa Thượng Triệu Châu đều không phân biệt và mời uống trà. Khi thọ nhận tách trà nầy với vô tâm thì có thể nói rằng vị ấy đã thấu triệt được cốt tủy của Thiền. Như chúng ta cũng đã biết, ngày nay hình thức Cha-no-yu vốn phát xuất từ Trà Lễ trong Thiền Môn. Thiền sư Nhất Hưu Tông Thuần đã Truyền trao nghi thức này lại cho Châu Quang và Thiên Lợi Hưu là người thành công trong việc hình thành nên Trà Đạo.

Chính Lợi Hưu đã từng nói rằng :"Cha-no-yu nghĩa là biết cái gốc của việc chỉ đun nước sôi, khuấy trà rồi uống mà thôi." Nếu như chúng ta quên đi cái gốc mà Lợi Hưu đã từng nhấn mạng thì Trà Đạo không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên chỉ có mấy chữ chỉ mà thôi ấy cũng không dễ làm.
 

03. Tiếc Thay một tách trà

(Ngũ Đăng Hội Nguyên)

Vào khoảng thời Ngũ Đại của Trung Quốc, khi Thiền Sư Chương còn đang theo tu tập với Hòa Thượng Đầu Tử, ông là người chuyên đốn cây làm củi. Một hôm, sau khi làm củi xong, Hòa Thượng Đầu Tử bèn thường cho ông uống một tách trà. Hòa Thượng vừa rót trà vừa bảo rằng:

- Sum la vạn tượng thảy điều ở nơi đây. Đây là trà quan trọng. Nếu ngươi uống với vô ý thức thì không biết có chuyện gì rắc rối xảy ra đây.

Tuy nhiên, Thiền Sỹ Chương muốn khoa trương chút nội lực của mình, nên trong khi Thầy mình nói chưa xong thì ông đã đưa tách trà ra mà thổ lộ Thiền cơ rằng:

- Sum la vạn tượng ở nơi nào đây?

Lúc ấy, Hòa Thượng Đầu Tử điềm tĩnh nói rằng:

- Thế thì nhà ngươi vẫn thật sự chưa có mặt trong đây.

04. Trà Thiền Một Vi

(Bản Triều Tham Thiền Lục)

Một hôm Hòa Thượng Giáp Sơn, sau khi uống một tách trà xong thì pha tách khác rồi đưa cho người thị giả của mình. Khi người thị giả định đưa tay đón lấy tách trà thì Hòa Thượng bèn thâu tay lại mà hỏi rằng:

- Đây là cái gì?

Thị giả không trả lời được. Thế thì như quý vị, nếu như quý vị là người thị giả kia sẽ trả lời ra sao?

Xưa nay, người ta thường bảo rằng trà vị và Thiền vị điều có cùng một vị như nhau. Cư Sĩ Lợi Hưu thì cho rằng: " Hình thức Cha-no-yu mà ngồi trên chiếc bồ đoàn nhỏ là lấy củi, đun nước sôi, khuấy trà, đem dân cúng Phật, xong ta uốn rồi cắm hoa và xông hương trầm, thảy đều học dấu tích các hạnh của chư Phật Tổ."

Có lần vị Hòa Thượng nọ gởi cho cháu của Lợi Hưu là Tông Đán (1578 - 1658) một cành hoa Trà Bạch Ngọc (Shiratama Tsubaki), nhờ người tiểu đồng mang đến. Không may chàng ta thú thật sự việc trên và nhận lỗi. Khi vị Hòa Thượng ấy đến thăm, được Tông Đán hướng dẫn đến phòng uống trà, ông ta thấy có trưng bày một cành cây chẳng có hoa treo trên cột trụ rũ xuống, bên dưới đó là những cánh hoa rụng rất tự nhiên. Quả thật là một cảnh sắc không thể diễn tả bằng ngôn từ được. Chính tâm của Tông Đán mà đã làm cho một cánh hoa rơi cũng sống lại như vậy, có thể đó là Thiền tâm.

05. Khô Mộc Long Ngâm

(Bích Nham Lục)

Để thể hiện tâm của Wabicha, thầy của Lợi Hưu là Thiệu Âu (1504-1555) đã dùng bài ca của Định Gia trong Tân Kim Tập mà diễn tả rằng:

"Nếu nhìn kỹ thì chẳng có hoa cũng chẳng có hồng diệp, chỉ có căn nhà nhỏ ven biển dưới chiều thu."

Nghĩa là sắc màu rực rỡ của hoa mùa xuân hay vẻ sáng lạn của lá cây đổi màu mùa thu cũng chẳng có gì, mà chính cảnh sắc của buổi chiều thu tiêu điều với làn gió biển thổi vi u là cảnh địa tĩnh lặng của Cha-no-Yu.

Tuy nhiên, trong Nam Phương Lục lại bình về điều này như sau:

"Người mà không biết hoa và hồng diệp thì ngay từ ban đầu đã không sống được nơi căn nhà nhỏ. Càng ngắm nhìn hoa và hồng diệp, càng thấy được vẻ tĩnh lặng của căn nhà nhỏ ấy."

Đây quả thật là lời bình khá nhỏ ấy."

Nhưng Lợi Hưu lại dẫn một đoạn của Gia Long trong Nhâm Nhân Tập mà cho rằng:

"Người chờ đợi hoa nở, ngắm nhìn mùa xuân với cỏ đầy tuyết trong làng núi."

Có nghĩa rằng trong làng núi trắng xóa kia ánh mặt trời chiếu đến thì mạng sống của cỏ cây đang nẩy mầm trong băng tuyết cũng sống dậy. Phải chăng chính khí sắc của sự sống đang vươn vào trong tận cùng của cái chết, mới là có trong wabicha thật sự.

Nơi huyệt động có cây khô gần chết là chốn gió thổi như rồng gầm. Cái tĩnh của Thiền định thổi thẳng vào cái động vận hành trí tuệ, chính nơi đó có Thiền sinh mạng của Trà.

06. Gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm

(Bản Triều Tham Thiền Lục)

Hòa Thượng Oánh Sơn (1268 - 1325), vị tổ khai sơn Tổng Trì Tự nhân nghe câu chuyện Bình Thường Tâm Thị Đạo (tâm bình thường là đạo) do thầy mình là Hòa Thượng Triệt Thông ( 1232 -1309) kể mà đại ngộ, khi ấy ông thét to lên rằng:

- Ta ngộ rồi!

- Ngộ thế nào? Triệt Thông hỏi.

- Ngọc Côn Lôn đen thui chạy trong đêm. Oánh Sơn đáp.

Có nghĩa rằng viên ngọc đen tròn đen thùi lùi bay trong đêm tối. Oánh Sơn muốn nói lên tâm cảnh chơn thật vô tướng, bình đẳng nhất như ( vô tâm vô ngã, tiêu tan hết thảy sai biệt) của mình. Nghe vậy Triệt Thông bảo rằng:

- Cũng chưa đúng, nói lại đi.

- Gặp trà thì uống trà, gặp cơm thì ăn cơm. Oánh sơn đáp ngay.

- Ngươi ngày sau sẽ làm rạng rỡ tông phon. Triệt Thông nói xong mĩm cười và ấn khả cho Oánh Sơn. Nếu như tâm bình thường là đạo thì khi uống trà cứ uống, ăn cơm cứ ăn, vậy thôi. Tuy nhiên, có chứng cứ của Thiền định tam muội (cảnh giới vô ngã, thân tâm thống nhất) của cái gọi là "ngọc Côn Lôn đen thui chạy trong đêm", thì không phải là bậc Thiền hành trì đúng đắn được. Đó chính là chuyện đại sự.

07. Mưa qua Rêu xanh mướt

(Bản Triều Tham Thiền Lục)

Nhà thơ Hài Cú danh tiếng Ba Tiêu đã bao lần đến tham Thiền với Hòa Thượng Phật Đảnh ở Căn Bổn Tự thuộc vùng Lộc Đảo. Nhân một ngày trời tạnh mưa xuân, Hòa Thượng tự mình đích thân đến thăm Am Ba Tiêu ở vùng Thâm Xuyên, Giang Hộ. Ba Tiêu mừng quýnh chạy ra nghênh đón. Khi vừa mới giáp mặt nhau, Hòa Thượng muốn biết xem Ba Tiêu có chuyện gì bèn hỏi ngay:

-Gần đây có gì không?

-Mưa qua rêu xanh mướt. Ba Tiêu đáp liền.

Nếu như con mắt tâm mà khai mở thì chân như thật tướng (as-it-is-ness) hiển hiện ngay. Chính cảm giác mới mẻ như “mưa qua rêu xanh mướt” không gì hơn là con mắt giác ngộ. Tuy nhiên, Hòa Thượng không dễ gì mà tha cho ngay, bèn tấn công tiếp rằng:

-Như thế nào là Phật pháp trước khi rêu xanh chưa sanh ra?

Có phải chăng đây cũng là diệu nghĩa của “ngọc Côn Lôn đen thui chạy trong đêm” chăng?

Song, quả không hổ danh là Ba Tiêu, người không bị rơi vào động ma tối om như vậy, ông trả lời:

-Ếch nhảy, tiếng nước vang.

Thật quả là khoảnh khắc khai nhãn tài tình.

08. Lầu Đô Phủ chuyên nhìn màu ngói,

Chùa Quan Âm chỉ nghe tiếng chuông

(Hòe An Quốc Ngữ)

Một hôm Hòa Thượng Dịch Đường ( 1805 -1879 ) chuyên chú lắng nghe tiếng chuông sáng ngân vọng, rồi từ trong Thiền định đứng dậy, gọi người thị giả đến và hỏi xem ai là người đánh chuông sáng nay. Vị thị giả mới thưa đó là chú Sa Di nhỏ. Ngay khi ấy, Hòa Thượng cho gọi chú Sa Di nhỏ kia đến mà hỏi rằng:

- Sáng nay con đánh chuông với tâm trạng như thế nào?

- Dạ, Bạch Hòa Thượng, chẳng có tâm trạng gì hết, con chỉ đánh mà thôi. Chú Sa Di nhỏ đáp.

- Sao hả? Làm sao có chuyện đó được chứ?! Thế nào con cũng có nghĩ gì trong tâm chứ? Nếu không thì làm sao có tiếng chuông ngân hay vậy chứ? Hòa Thượng bảo.

- Bạch Hòa Thượng, con không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, xưa kia thầy con có dạy rằng mỗi khi đánh chuông thì phải xem chuông như là Phật và đừng quên chú tâm mà đánh nên con luôn luôn khắc ghi lời thầy dạy, kính chuông như kính Phật và thường xuyên lễ bái chuông ạ ! Chú Sa Di nhỏ trả lời.

Hòa Thượng Dịch Đường khen thầm tâm của chú Sa Di kia và khuyên vị ấy rằng:

- Từ nay cho đến khi chết, con đừng bao giờ quên cái tâm sáng nay nhé!

Chính vị Sa Di nhỏ nầy sau là Thiền Sư Sum Điền Ngộ Do ( 1834 -1915 ) vị Quán Thủ của Vĩnh Bình Tự.

"Thấy với vô tâm, nghe với vô tâm, chính nơi ấy có Thiền. Thế thì chỉ nghe với vô tâm là như thế nào? Ấy chính là nhục nhãn tham cứu".

Đây là câu thơ do Quản Công làm khi bị lưu đày đến Đại Tể Phủ. Các bậc Thiền giả lấy hai chữ "thấy nghe" để làm ngôn từ biểu hiện cho "Thiền kỳ ma" (Thiền chỉ có ) của vô tâm.

09. Một Khả Bả

(Bích Nham Lục)

Một khả bả, hay một ba tỷ nghĩa là không thể nắm bắt được, không có chỗ để nắm bắt. Thiền sư Sum Điền Ngộ Do ( Morita Goyu 1834 - 1915), bậc anh kiệt của Thiền môn thời Cận Đại, là đấng cao đức đã từng làm Quán Thủ của Vĩnh Bình Tự trong vòng 25 năm, thường ngày khi người ta hỏi gì ông cũng chỉ trả lời mấy tiếng "một khả bả" mà thôi. Việc này trở nên nổi tiếng, nên tương truyền người ta đã khổ tâm tìm biết bao cách làm cho Thiền Sư trả lời kiểu khác, nhưng kết cuộc cũng chỉ câu trả lời trên thôi.

Có một hôm nọ, Y Đằng Bác Văn ( 1841 - 1909 ), nhà chính trị gia có công lao lớn với chính phủ Minh Trị Duy Tân, thông qua sự giới thiệu của Tiến Sĩ Văn Học Tỉnh Thượng Triết Thứ Lang ( Inoue Tetsujiro, 1855 - 1944 ), đến viếng thăm Thiền Sư. Trong khi cả ba người đang ngồi nói chuyện chơi qua lại, Y Đằng bèn kể cho mọi người nghe chuyện bản thân ông trước thời Minh Trị Duy Tân đã thỉnh thoảng có mấy lần suýt chút nữa rơi vào tử địa, rồi nói rằng:

- Nghe người ta bảo trong Thiền Tông có câu " đứng trên đầu ngọn sanh tử mà vẫn được đại tự tại", tôi đây cũng thoát qua dưới lưỡi dao rồi. Dưới con mắt Thiền tăng như quý vị thì nghĩ như thế nào ?

Có nghĩa ông ta muốn nói rằng xưa nay với hình thức Thiền vấn đáp mà ngồi trên tấm bồ đoàn như các Thiền tăng như vậy thật ra chẳng ích lợi gì cả, Đang chú tâm lắng nghe câu chuyện của Y Đằng, khi ấy con mắt của Thiền Sư bổng sáng quắt lên. Ông buông liền một câu rằng:

- Người nào cũng vậy, cứ đem chuyện quá khứ của mình mà nói, thật không ra gì!

- Quả xin thua ngài ! Y Đằng cúi đầu bái phục đáp.

Đây là câu chuyện về "một khả bả" căn cứ trên diệu dụng vô tâm của vị Thiền Sư.

10. Ta không về làng

(Vĩnh Bình Quảng Lục)

Trong Pháp Ngữ của Thiền Sư Đạo Nguyên ( Dõgen, 1200 - 1253 ) khi từ bên Trung Quốc trở về nước Nhật có đoạn rằng :

"Không tham bái chốn tùng lâm sơn tăng nhiều, mà chỉ yết kiến Thiên Đồng tiên sư, được công nhận là mắt ngang mũi dọc của ngài, nên chẳng bị mù mắt bởi người nữa. Nay ta tay không trở về quê cũ. Vì thế một mảy lông cũng chẳng có Phật pháp. Mỗi sáng mặt trời mọc ở phương Đông, đêm đêm mặt trăng lặn về phương Tây. Gà gáy canh năm sáng, ba năm một lần nhuận".

Có nghĩa rằng:

" Ta sang nhà Tống cầu pháp, nhưng không đến tham bái các đạo tràng tu tập nhiều. Song thỉnh thoảng có đến thăm Thiền Sư Như Tịnh ( Nyojõ ) ở Thiên Đồng Sơn, rồi nhờ sự hướng dẫn của ngài mà ngộ lý 'mắt ngang mũi dọc' ( nhãn hoành tỷ trực ), nên không còn bị người đánh lừa nữa. Nay ta trở về quê hương tay không. Vì thế với ta chẳng có một chút gì gọi là Phật pháp cả. Tuy nhiên, ta thấy mỗi sáng mặt trời mọc phương Đông, hằng đêm mặt trời lặn ở phía Tây, gà gáy canh năm sáng sớm, và ba năm thì trở lại một năm nhuận. Chỉ có vậy thôi".

11. Gà gáy canh năm sáng

(Vĩnh Bình Quãng Lục)

Hòa Thượng Tuyết Đàm ( Settan ) nhận Hòa Thượng Đường Lâm ( Tõrin ) ở Từ Ân Tự ( Jion-ji ) vùng Mỹ Nùng ( Mino ) làm thầy để tham vấn Thiền, nhưng không đạt ngộ. Sư huynh ông là Tát Môn bè bảo rằng:

- Nếu muốn ngộ thì cứ lấy cây chày mà nện vào đầu lão đi.

Với một lòng cầu đạo chí thành, Tuyết Đàm bèn lấy cây chày giáng xuống đầu Tát Môn. Thấy vậy, Hòa Thượng Đường Lâm huơ cây gậy cầm tay lên thét to rằng:

- Nầy thằng vô lễ kia!

- Chú nầy vô lễ cũng vì một niệm muốn đại ngộ mà thôi. Xin Hòa Thượng cho trong vòng bảy ngày, con xin giữ mạng của chú ta. Tát Môn thưa.

Khi ấy Tát Môn xoay qua bảo với Tuyết Đàm:

- Vậy là mạng chú chỉ còn bảy ngày nữa thôi. Làm sao giác ngộ mau đi! Nếu không thì ta chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn thầy cả.

Thế là Tuyết Đàm tọa Thiền với tâm quyết tử để đạt ngộ. Một đêm, rồi hai đêm, cuối cùng đến đêm thứ bảy khi trời sắp sáng mà vẫn chưa đạt ngộ. Ông định nhảy từ lan can trên lầu xuống tự vẫn cho xong. Chính ngay lúc đó bổng có con gà trống cất tiếng gáy sáng kêu "ò ó o", và ngay khoảnh khắc ấy Tuyết Đàm hoát nhiên đại ngộ.

12. Tham Thiền đúng là việc làm của đại trượng phu

(Bản Triều Tham Thiền Lục)

Trong bài thơ của Hòa Thượng Tịch Thất Nguyên Quang ( Jakushitsu Genkõ, 1290 - 1367 ) có đoạn rằng :

" Tham Thiền ấy việc đại trượng phu, một mảnh thân tâm thép dũa thành, xem nào xưa kia chư Phật tổ, vọng tưởng đùa chơi sơi chỉ manh".

Trong Bích Nham Lục ( Hekiaganroku ) cũng có câu rằng:

" Phàm muốn kiến lập tôn giáo phi phàm ( Thiền ) phải nên là bậc anh linh hòa kiệt."

Trong câu chuyện của tiên sinh Tây Điền Thốn Tâm ( tức Kỉ Đa Lang ) có đề cập đến việc có người đến hỏi rằng Thiền là gì, tiên sinh Bắc Điều Thời Kính trả lời rằng:

- Nếu như ngươi có dũng khí thì lấy đao đâm vào bụng thử xem!?

13. Trăm năm nghiền giấy cũ, ngày nào mới lộ đầu.

(Thần Tán Lục)

Lão tăng ở Đại Trung Tự thuộc vùng Phước Châu Trung Quốc có ba người đệ tử. Cả ba đều trở về bổn tự sau cuộc du hành tu tập. Tương truyền một người thì học thi văn trên kinh đô, một người thì học kinh luận ở khắp nơi, nhưng chỉ có người út Thần Tán thì chẳng học được gì cả. Vì lẽ đó ông ta bị lão tăng ghét bỏ, xem chẳng khác gì kẻ tôi tớ trong chùa. Một hôm, Thần Tán vừa chà lưng cho thầy trong phòng tắm vừa thưa rằng:

- Chánh Điện thì rực rỡ nguy nga, nhưng tượng Phật có vẻ thì không ra gì.

- Tượng Phật thì không ra gì, nhưng còn có thể phóng hào quang.

Về sau, có hôm nọ khi thầy ông đang im lặng xem kinh dưới cửa sổ, bỗng có con ong muốn bay ra ngoài, nhưng chạm phải khung giấy nơi cửa sổ ấy. Thấy vậy Thần Tán thưa rằng:

- Phòng thì mở của toang như vậy mà chẳng chịu ra ngoài, có phá bung giấy kia đi nữa cũng uổng thay, chỉ gãy xương mà thôi!

Rồi ông làm bài thơ rằng:

"Cửa không nào chịu thoát bay ra, lao vào cửa sổ đau điếng mà, trăm năm giấy cũ nghiền chi mãi, biết đến ngày nào lộ mặt qua."

Thầy ông bèn bảo rằng"

- Dầu sao lời ngươi nói có khác với mấy người kia. Chắc chắn ngươi đã từng gặp bậc kỳ nhân nào rồi!

Khi ấy Thần Tán mới kể cho thầy nghe rằng mình đã từng tu tập với Hòa Thượng Bách Trượng ( 749 - 814 ) và được đại ngộ. Thầy ông nghe vậy lấy làm hổ thẹn, xin Thần Tán chỉ giáo cho mình, và ông bảo rằng mãi cho đến tuổi này bây giờ mới có thể biết được cốt tủy của Thiền, nên ông vui vẻ mà rơi lệ.

14. Thùng sơn chẳng hiểu

(Bích Nham Lục)

Đen ngòm như thùng sơn thì quả tình hoàn toàn chẳng hiểu gì cả. Ngay chính như Hòa Thượng Lâm Tế cũng bảo rằng:

- Ta đây xưa kia khi chưa khai ngộ cũng đã từng đen thùi cả mặt rồi.

Và ông gọi việc giải thoát khỏi sự mê vọng của chính bản thân mình và hoát nhiên đại ngộ là "đã phá thùng sơn".

Vị Ni Như Đại, có tục danh là Thiên Đại Dã, ban đầu đến tham vấn Hòa Thượng Vô Học Tổ Nguyên ( 1226 - 1286 ) ở Viên Giác Tự, sau đó đến bái yết Thanh Nhất Quốc Sư Viên Nhĩ Biện Viên (1202 - 1280 ) trên kinh đô. Rồi cô dừng chân trú tại Tùng Kiến Tự vùng Mỹ Nùng ( Mino ), hằng ngày chuyên tâm lo châm củi nấu nước cho các Thiền tăng Vân Thủy ( Unsui ). Một hôm, khi đang đội thùng nước trên đầu bỗng đáy thùng toát ra, nước chảy xối xả xuống người cô, và ngây lúc ấy cô hốt nhiên tỉnh ngộ. Cô bèn làm bài ca đạt ngộ rằng:

" Cám ơn thay đáy thùng Thiên Đạt đội trên đầu, như không đọng lại, sao có trăng hiển hiện."

Ngay hôm ấy cô đã đả phá được chính cái thùng sơn và thể nghiệm được cảnh địa của Bổn Lai Vô Nhất Vật ( xưa nay chẳng có vật nào ). Hòa Thượng Bàn Khuê cũng có bài ca như sau:

" Đáy thùng xưa vỡ toang, đất trời một vòng tròn sáng."

Nếu như đáy thùng mà vỡ tang ra, thông thường còn lại vòng tròn của cái thùng. Tuy nhiên, cảnh địa của Chơn Tướng Vô Tướng triệt để thì thậm chí cái vòng tròn kia cũng chẳng còn.

15. Ngũ đế tam hoàng là thứ gì?

(Bích Nham Lục)

Khi lần đầu tiên Hoa Viên Thiên Hoàng ( Hanazono Tennõ ) cung thỉnh Đại Đăng Quốc Sư ( Daito Kokushi, 1282 - 1337 ) đến để nghe pháp, vị sứ thần căn dặn Quốc Sư phải mặc đạo phục, ngồi cách bức rèm thưa mà thuyết pháp cho Thiên Hoàng. Quốc Sư ba lần xin được mang y cà sa và ngồi đối diện với nhà vua. Thiên Hoàng cho phep, nhưng khi đối diện với nhà vua thì nhà vua nói rằng:

- Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, nay lại đối tọa với vương pháp.

Quốc Sư đáp ứng ngay:

- Vương pháp chẳng thể nghĩ bàn, nay đối tọa với Phật pháp.

Nghe câu trả lời nầy, Thiên Hoàng tỏ vẻ hài lòng.

Sau khi rời thầy mình là Hòa Thượng Đường Lâm ( Torin ), Hòa Thượng Tuyết Đàm ( Settan ) đến trú tại Chánh Nhãn Tự ( Shogen-ji ) thuộc vùng Y Thâm, Mỹ Nùng ( Mino ), và phương pháp giáo đồ chúng của ông quá nghiêm khắc đến nỗi thiên hạ ghét đặt cho ông tên là Lôi Tuyết Đàm ( Tuyết Đàm Sấm Sét ). Một hôm, Thoại Tuyền Tự ở Khuyển Sơn ( Inuyama ), Vĩ Trương cung thỉnh ông đến thuyết giảng về hành trạng chư tổ. Khi ấy vì có vị Thành chủ Thành Khuyển Sơn ( Inuyama-yo ) đến nghe, được sắp đặt chỗ ngồi trên cao, và còn có tấm rèm thưa treo phía trước.

Thấy vậy, khi vừa mới vào ngồi trên tòa, Tuyết Đàm đã thật sự tuôn sấm sét xuống.

- Kẻ nào sao mà vô lễ thế! Bộ ngồi trong rèm để lựa lọc lựa đề xướng của ta mà nghe sao hả? Đề xướng của ta chẳng có gì để lọc đâu.

Có nghĩa rằng cho dù bậc vương giả đi chăng nữa cũng chẳng là gì cả dưới con mắt của Thiền giả.

16. Vốn đã tròn thành Phật, sao quay lại làm chúng sanh mê muội?

(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)

Để thử sức người tu hành, Vô Tướng Đại Sư Hòa Thượng Quan Sơn ( Kanzan 1277 -1360 ), vị tổ khai sơn Diệu Tâm Tự ( Myoshin-ji), thường hay nêu ra công án rằng :

" Vốn đã tròn thành Phật, sao quay lại làm chúng sanh mê muội? "

Có vị tăng hỏi Hòa Thượng Triệu Châu rằng:

- Nơi con chó có Phật tánh hay không?

- Có, Hòa Thượng đáp.

- Nếu ngài bảo có thì cớ sao lại chung vào bao da nầy mà làm súc sanh chứ? Vị tăng kia hỏi ngược lại.

- Ấy chính vì nó biết mà cố phạm phải thôi.

Từ "biết mà cố phạm" vốn có nhiều trong tông môn lắm.

17. Thâm Ân Phật Tổ khó báo đáp

(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)

Đằng Nguyên Đằng Phòng ( 1296 - 1380 ), vị trung thần của Nam Triều, ban đầu là đệ tử cư sĩ của Đại Đăng Quốc Sư (Daitõ Kokushi ), đến năm 39 tuổi ông xuất gian, theo hầu Vô Tướng Đại Sư Quan Sơn Huệ Huyền ( Kanzan Egen), vị tổ khai sơn Diệu Tâm Tự (Myõshin-ji), chuyên tham cứu công án "vốn đã tròn thành Phật". Một ngày nọ, ông hoát nhiên đại ngộ. Khi ấy, ông trình lên thầy bài kệ đại ngộ như sau:

"Tâm nầy đã ngộ trường không mất, lợi ích trời tận tương lai , thâm ân Phật tổ khó đền đáp, ruột ngựa thai lừa sống một mai."

Khi ấy Vô Tướng Đại Sư hỏi rằng:

- Tâm ấy ở đâu vậy?

- Thưa, tròn đầy khắp hư không. Đằng Phòng đáp.

- Thế thì lấy gì để làm cho lợi ích trời người chứ? Đại Sư hỏi lại.

- Đi đến tận cùng sông nước, ngồi nhìn mây hiện trăng lên.

- Làm sao báo đáp thâm ân chư Phật tổ? Đại sư hỏi.

- Đầu đội trời, chân đạp đất. Đằng Phòng trả lời.

- Thế sao chẳng chun vào ruột ngựa, thai lừa đi? Đại Sư hỏi tiếp.

Khi ấy Đằng Phòng im lặng lạy ba lạy. Vô Tướng Đại Sư cười sảng khoái bảo:

- Thượng nhân hôm nay đã đại ngộ triệt để rồi đó!

Nhân Vật Đằng Phòng nầy chính là Thiền Sư Thọ Ông Tông Bật, vị tổ thứ hai của Diệu Tâm Tự.

18. Huệ Huyền nơi đây không sanh tử.

(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)

Có vị trăng đến hỏi Hòa Thượng Quan Sơn rằng:

- Con đến đây cũng chỉ muốn được giải quyết vấn đề sanh tử việc lớn ( Sanh Tử Đại Sự).

Khi ấy Hòa Thượng thét lên tiếng thật to và nói rằng:

- Huệ Huyền ta nơi đây không có sanh tử.

Tương truyền Đại Đăng Quốc Sư, thầy của Quan Sơn, xưa kia đã từng nhập bọn với nhóm người đi khất thực nơi Cầu Ngũ Điều, và sống cuộc đời bôn phóng trong mấy năm trường sau khi đại ngộ. Một chân của ông bị tật, nên không thể ngồi theo thế kiết già được. Đến khi lâm chung, ông bảo với chân mình rằng:

- Từ lâu nay ta đã khổ công nghe lời ngươi rồi, nay ngươi hãy nghe theo lời ta.

Nói xong, ông đưa tay bẻ gãy chân mình, ngồi kiết già mà thoát hóa.

Một hôm nọ, nhân dịp chuẩn bị lên đường đi hành cước phương xa, Quan Sơn cho gọi Thọ Ông lên bảo rằng:

- Ta nay đi hành cước.

Cả hai người đi đến nơi có cái giếng tên Phong Thủy Tuyền, cùng nghỉ chân dưới một gốc cây đại thụ. Khi ấy Quan Sơn vội vã ban lời giáo huấn để lại cho Thọ Ông rằng:

- Nơi ta đây không có sanh tử.

Nói xong ông đứng sừng sững như vậy mà thị tịch. Đây cũng là hình thức lâm chung của hai đời cha truyền con nối mà Quan Sơn còn giữ lại.

19. Khi gặp nạn khéo sống với tai nạn,

Khi chết khéo sống với cái chết.

(Lương Khoan)

Vào ngày mồng 6 tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Thiên Bảo, Đại Ngu Lương Khoang ( Daigu Ryokan, 1758 - 1931 ) qua đời ở độ tuổi 74 giữa sự chứng kiến của người em là Do Chi và có xảy ra trận động đất lớn ở địa phương Tam Điều, Việt Hậu. Lương Khoan có viết lá thư gởi cho Sơn Điền Đỗ Cao ( yamada Toko ). Quả đúng như lời của ông trong thư, ông chết như ngủ vậy. Nguyên nhân chết là do bệnh kiết lỵ. Khi chết không có gì hơn cái chết. Ấy chính là phép hay để thoát khỏi tai nạn. Với tâm địa như vậy, Lương Khoan đã hát rằng:

" Thấy bóng mùa xuân hoa tản mạn, thu về hồng điệp lác đác rơi."

Chính bài di kệ nầy có ảnh hưởng không nhỏ từ bài kệ của vị tông tổ của Tào Động Tông ( Sõtõshũ) là Đạo Nguyên (Dõgen):

"Xuân về hoa hạ phơi bày, thu mang trăng khuyết rụng đầy giá băng"

20. Ta thường ở đây

(Truyền Đăng Lục)

Tựa đề này có nghĩa là thường quên đi chính mình để sống toàn tâm ý ngay trong giờ phút hiện tại. Mộng Song Quốc Sư ( Musõ Kokushi, 1275 - 1351 ) ở Thiên Long Tự là người được triều đình quy y theo rất nhiều và được xem như là Thất Triều Đế Sư. Một hôm, khi quốc sư trên đường đi kinh đô, đi ngang qua trước cổng Diệu Tâm Tự, ông bảo thị giả hỏi xem có Hòa Thượng Quan Sơn ở nhà không. May thay khi ấy Hòa Thượng có mặt ở chùa, nên ông vội vã quấn y vào, trịnh trọng chạy ra nghênh đón Quốc Sư. Cả hai người cũng nhau đối đàm rất sảng khoái, nhưng vì chùa quá nghèo nàn nên cũng chẳng có gì để thết đãi Quốc Sư cả. Hòa Thượng Quan Sơn bèn mở rương ra, lấy mấy xu tiền vội vã bảo thị giả chạy đi mua ít bánh nướng. Quốc Sư cũng cảm kích tâm tư của Hòa Thượng nên thật lòng ăn một ít rồi ra đi. Thông thường mỗi khi Mộng Song vào kinh đô thì có đoàn tùy tùng chư tăng đi theo rất hoa lệ. Thế rồi cũng có hôm nọ, nhân triều đình thỉnh ông vào nên xa giá của ông lại đi ngang qua trước cổng Diệu Tâm Tự. Khi ấy, chỉ một mình Quan Sơn đang quét dọn trong sân chùa và định đốt đống lá khô. Thấy bóng dáng đức độ của Hòa Thượng, Mộng Song vui mừng bảo rằng:

- Tông mô của ta bị Quan Sơn đoạt đi mất rồi.

21. Vua Kim Xí Điểu nơi vũ trụ chẳng biết Thiên Long lặn chốn nào?

(Bổn Thiền Cao Tăng Truyện)

Có hôm nọ, Hòa Thượng Quan Sơn của Diệu Tâm Tự đến viếng thăm Mộng Song Quốc Sư nơi

Thiên Long Tự và hỏi rằng:

- Vua Kim Xí Điểu ở nơi vũ trụ, còn Thiên Long kia chẳng biết lặn chỗ nào?

- Ôi ghê quá! Ghê quá!

Vừa nói Mộng Song vừa trùm y cà sa kín đầu vừa trốn sau bức bình phong. Quan Sơn thấy vậy, sụp xuống lạy liền.

Trong Kinh điển Phật Giáo, Kim Xí Điểu là vị thần Ca Lâu La, là vua của loài chim thường hay ăn thịt rồng. Tuy nhiên, tương truyền nếu như con rồng có dính cho dù một sợi chỉ áo cà sa đi nữa thì chim Kim Xí Điểu cũng không thể nào ăn thịt rồng được.

Thông thường trước khi Quan Sơn ghé thăm Thiên Long Tự, ông hay rửa chân nơi dòng sông chỗ có tượng Phật bằng đá. Bởi vì từ vùng Hoa Viên đến Tha Nga đi bộ đầy bụi đất, ông sơ làm nhơ nhớp Chánh Điện của một ngôi chùa nguy nga như Thiên Long Tự. Sau này khi hiểu được điều này mấy vị Thiền tăng Vân Thủy đã đặt bên bờ sông một tảng đá bằng phẳng để mọi người rửa sạch chân trước khi vào chùa. Tảng đá ấy sau nầy được gời về Nam Phương Viện trong khuôn viên Thiên Long Sơn, và nó hiện được bảo tồn tại Đại Long Viện trong khuôn viên Diệu Tâm Sơn như là "Tảng đá rửa chân của Quan Sơn Quốc Sư."

 

22. Kinh trong nước lặng

(Trang Tử)

Nguyên lai câu nầy không phải là Thiền ngữ, nhưng trong Thiền môn vẫn hay dùng để ví sự trong lặng hư minh của bản thể tâm với hình tượng kính trong sáng và nước tĩnh lặng. Cung Bổn Võ Tàng, tay kiếm khác lừng danh đã từng giết người không gớm tay, đến cuối đời khi đạt đến tâm địa " Thần Võ không giết nữa ", thì không hề mang đao theo bên mình, lúc nào cũng đi tay không. Có một đêm mùa hè nọ, ông vừa phe phẩy chiếc quạt trên tay vừa chấp tay sau lưng nhìn bầu trời đầy sao tuyệt đẹp trên lâu hóng mát. Khi ấy có một người đệ tử của ông nhìn thấy bóng dáng thầy mình đang ở trạng thấy vô tâm như vậy, bèn nảy ý nghĩ muốn thử xem thầy mình như thế nào, nên anh ta nhảy lên lầu huơ đao đến gần Võ Tàng. Vừa khởi thân, Võ Tàng vừa nắm lấu đầu mút tấm chiếu và giật mạnh. Người đệ tử trượt chân, rơi thẳng từ trên lầu xuống.

Trong Băng Xuyên Thanh Thoại của Thắng Hải Chu có vịnh về chuyện nầy như sau:

" Con người cũng vậy, khi đạt đến cực ý nầy rồi thì cho dù có gặp trường hợp nào đi chăng nữa cũng không sao cả. Nếu như tĩnh lặng tam nầy như kính trong nước lắng, có sự biến đột kích như thế nào đi chăng nữa, vẫn có phương pháp ứng xử với sự biến ấy một cách tự nhiên mà trong tâm thường có. Bất cứ chuyện gì xảy đến nó đều thuận theo mà giải quyết."

 

23. Vờn nước trăng trên tay, Đùa hoa hương đầy áo.

(Hư Đường Lục)

Khi lấy tay khua nước thì trăng hiện trong tay mình, lúc đùa chơi với hoa thì hương của nó thấm đầy áo mình. Cảnh giới gọi là người (chủ quan) và cảnh (khách quan) đều nhất như hay cảnh giới tam muội (thân tâm thống nhất) của bậc Thiền giả vô tâm trở thành diệu dụng của bản thân mình xưa nay. Hòa Thượng Ích Trung ở Thọ Phước Tư vùng Liêm Thương vốn nhà danh họa. Một hôm Diêm Quan Nhập Đạo đến viếng thăm chùa; ông mang theo bức viết mấy chữ "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật (chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật) đến và nhờ Hòa Thượng viết giùm chữ Tâm. Hò Thượng liền cầm lấy cây bút lông chấm ngay một điểm trên mặt Nhập Đạo. Nhập Đạo tức giận vô cùng. Ngay lúc đó, Hòa Thượng liền vẽ khuôn mặt giận dữ ấy và đưa cho Nhập Đạo xem.

Tiếp theo Nhập Đạo lại nhờ viết thêm chữ Tánh của Kiến Tánh. Hòa Thượng mới cầm bút lên đã nói:

- Vẽ xong rồi.

Nhập Đạo chẳng hiểu ất giáp gì cả. Khi ấy Hòa Thượng nói ngay:

- Nếu như ông không có mắt kiến tánh thì không thể nào thấy được.

Nếu như con mắt tâm của kiến tánh mở ra, thì chơn như hiển hiện ngay trước mắt mình, và chính động tác cầm bút của Hòa Thượng Ích Trung cũng không có gì hơn ngoài cái gọi là tánh ấy. Đối với một người không có mắt trí tuệ như Nhập Đạo thì chỉ đuổi theo tanh trong tranh mà thôi.

Hòa Thượng lại nói tiếp:

- Ông hãy đưa tánh ra tôi xem, rồi tôi sẽ vẽ cho.

Nghe vậy Nhập Đạo đành phải vô ngôn.

 

24. Sắc Tức Là không.

(Bát Nhã Tâm Kinh)

Sắc, tiếng Hán dịch của Phạn ngữ rũpa, là hiện tượng vật chất của hết thảy sự vật có hình, là một trong năm yếu tố gọi là Ngũ Uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức mà trong Bát Nhã Tâm Kinh đề cập đến. Tựa đề "Sắc Tức Là Không" có nghĩa là sắc chính là không hay không có tự tánh, vì vậy nếu ta bị giam hãm trong sắc ấy tức là ngu si vậy. Tuy nhiên, hàng giá dân thời Giang Hộ đã mở rộng chữ Sắc nầy thành "đạo của sắc màu", làm cho nó gần gũi với mình và thưởng thức nó.

Có người mang bức trang nàng kỹ nữ Oiran đến chỗ Hòa Thượng Trạch Am (Takuan, 1573-1645) ở Đông Hải Tự để nhờ vị nầy ghi lời bình tán vào. Có lẽ cũng bí đường hay như thế nào đó, nên Hòa Thượng phá lên cười bảo:

- Nầy, có viết đây rồi! Bần đạo đây cũng muốn đặt ngược hình cô nầy lại xem sao.

Vừa nói ông vừa lấy bút vạch vạch mấy câu sau:

"Phật thì bán pháp, tổ sư thì bán Phật, tăng thời mạt phá thì đi bán tổ sư. Nhà ngươi bán ngay trong bốn tấc, làm yên phiền não của hết thảy chúng sanh. Sắc tức là không, không tức là sắc. Liễu xanh, hoa hồng. Trên mặt hồ đêm đêm trăng đi qua, tâm cũng chẳng lưu mà ảnh cũng không đọng."

 

25. Không Tức là Sắc.

(Bát Nhã Tâm Kinh)

Hòa Thượng Thạch Củng Huệ Tạng hỏi sư đệ Tây Đường Trí Tàng (Seido Chizo 735-814) rằng:

- Đệ có thể nắm bắt không được chăng?

- Được chư ! Tây Đường đáp.

- Làm cách nào mà nắm bắt?

Tây Đường bèn giả bộ đưa tay lên bắt hư không. Thấy vậy, Thạch Củng nổi giận lên bảo:

- Làm vậy mà cũng bảo là bắt được không sao?

Tây Đường liền hỏi ngược lại rằng:

- Thế thì sư huynh làm thế nào mà bắt được chứ?

Ngay lúc ấy, bất thình linh Thạch củng chụp lấy mũi của Tây Đường, dùng hết sức mạnh giật một cái. Đau quá chịu không nổi, Tây Đường rên rỉ:

- Ui chao ! Đau quá ! Sao sư huynh ác vậy chứ? Mũi tôi thiếu điều muốn đứt đây nè !

Thạch Củng xin lỗi nói:

- Nếu muốn bắt không thì phải bắt như vậy thôi ! Có như vậy mới bắt đầu bắt được không chứ !

Nắm lấy mũi đối phương mà giật thì gần sự thật hơn là đưa tay ra nắm bắt hư không!

 

26. Bóng trúc quét sân bụi không động,

Trăng Xuyên đáy hồ nước chẳng tỳ.

(Hòe An Quốc Ngữ)

Bóng lá trúc lay động theo gió thổi quét qua sân đi nữa thì chẳng có hạt bụi nào động cả, và ánh trăng có chiếu xuyên đến tận đáy hồ đi nữa trong nước cũng không lưu lại dấu vết nào. Cũng vậy, hành vi vô tâm của bậc Thiền giả thì cũng chẳng để lại vết tích gì cả.

Có hai Thiền tăng đang đi trên con đường quê khi trời mới vừa tạnh. Đó là Nguyên Thản Sơn (Hara Tanzan, 1819 - 1892), Thiền sư kiệt xuất thời Cận Đại, và Hòa Thượng Cửu Ngã Hoàn Khê (Kuga Kankei 1813-1884). Hai người đang trên đường đi hành cước qua tháng ngày. Đi được một đoạn, con đường dẫn đến một dòng sông nhỏ. Nơi ấy có chiếc cầu bằng gỗ bắc ngang, nhưng đã mục nát không thể nào đi qua được. Hơn nữa, vì mấy ngày mưa liên tiếp, nên nước đục chảy về ồ ạt. Thoạt nhìn thấy có cô thôn nữ đang đi qua giữa sông rồi đứng khựng lại. Khi ấy, Thản Sơn mang cả đôi dép cỏ bước xuống sông, xăm xăm đến gần cô gái và cất tiếng gọi rằng:

- Dường như cô bị kẹt gì sao? Để tôi đưa cô qua cho!

Cô gái thẹn đỏ mặt, vừa bẽn lẽn vừa để cho Thản Sơn cõng đưa qua sông.

Sau khi qua sông, cả hai vị tăng chia tay với cô thôn nữ, mỗi người đi một hướng. Tuy nhiên, vì sự việc Thản Sơn mang người nữ trẻ tuổi kia qua sông, nên tâm tư của Hoàn Khê vẫn không tài nào yên được. Cuối cùng do vì chịu không được nên Hoàn Khê lên tiếng trách móc Thản Sơn rằng:

- Nầy, Hòa Thượng Thản Sơn, đã là người xuất gia sao ông lại cõng người nữ kia qua sông chứ?

Thản Sơn cười ha hả đáp:

- Sao hả? Thế ông còn mang cô gái đó theo hay sao? Tôi đã bỏ cô ta lại đằng kia rồi mà!

 

27. Nam nữ tương giao lẽ tự nhiên

(Chí Đạo Vô Nan Thiền Sư Tập)

Hòa Thượng Vô Chi Đạo Vô Nan (Shidõ Munan, 1603-1676) có bài pháp ngữ như sau:

"Người tu hành thì đã xa rời nam nữ, như kiến bỏ vào lửa cũng đùi. Người mang y tất không nên đến gần bên nữ nhân, thế nào rồi cũng phạm sai lầm và phản chiếu trong tâm mình. Chính vì lẽ đó, gần người nữ là việc làm của súc sanh. Lão tăng ta sở dĩ kị người nữ, cũng vì tâm súc sanh của mình vẫn còn."

Nhưng trong bài Đạo Ca, Hòa Thượng lại viết rằng:

"Khi giác ngộ đại đạo, cho dù giao tiếp với nữ nhân, với của cải đi chăng nữa, ta cũng chẳng có tâm nào cả. Đây chính là việc quan trọng mà người tu hành phải làm. Kẻ như vậy mới xứng đang là bậc thầy của mọi người. Có người kị chuyện giao tiếp giữa nam với nữ. Ta bảo rằng Phật đạo kh6ong có như vậy. Nam nữ tương giao là lẽ tự nhiên."

Tất nhiên, khi đọc phần cuối nầy ta thấy có mâu thuẫn với phần trên, nhưng không phải như vậy. Khi chưa giác ngộ thì đại kỵ chuyện giao tiếp giữa nam nữ, nhưng khi giác ngộ rồi thì mới thấy được rằng chuyện giao tiếp ấy vốn là lẽ tự nhiên.

 

28. Chỉ cần một điểm lóe vô minh

Luyện thành con người đại trượng phu

(Thiền Lâm Cú Tập)

Câu này có nghĩa rằng nếu như khai mở con mắt tâm và chuyển tâm cơ thì vô mình cứ như vậy trở thành diệu tướng chơn Phật.

Có hôm nọ, Tây Hữu Mục Sơn (Nishiari Bokuzan, 1821 - 1910), bậc cự tượng nghiên cứu về bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng, được người nhờ viết bài tán cho bức tranh Đạt Ma và nàng du nữ sắc nước khuynh thành, ông hí hoáy mấy câu sau:

"Chín năm quay vào tường có gì đâu? Ta đây mười năm ưu sầu. Ta đây tấc lòng thành. Qua tháng ngày với cây đàn. Đàn đứt dây ta thành Phật. Làm bạn với khách niệm Di Đà. Độ được hay không nào ai biết. Ấy là chuyện của ông. Ngoài ra chẳng còn gì khác hơn."

Khi Hòa Thượng Tiên Nhai (Sengai) đi ngang qua khu làng vào ngày đầu năm, có đám người tụ tập rất đông để xem hai vợ chồng đang gây lộn nhau. Sau đó người chồng mắng vợ rằng:

- Thôi, không chịu nổi nữa rồi.

- Cứ giết tôi đi còn hơn đánh đập tôi như vậy.

Khi ấy Hòa Thượng nhảy ra bảo rằng:

- Nè, nè cứ giết chết nhau đi! Có gì ta sẽ tiếp độ cho mà.

Nghe vậy hai vợ chồng thôi không cãi nhau nữa. Khi ấy truy tìm nguồn gốc vì sao gây ra cuộc cãi vã như vậy, mới biết rằng do vì nấu thức ăn quá độ, nên bỏ đi hay ăn đã trở thành câu chuyện gây gổ giữa hai vợ chồng kia.

Ngay lúc ấy Tiên Nhai viết ngay mấy câu rằng:

"Tuyết trắng núi Phú Sĩ sáng mai tan. Sáng nay nấu đồ ăn cũng tiêu tan. Vợ chồng gây nhau nằm ngủ vẫn mơ màng."

 

29. Các điều ác chớ làm,

Những việc thiện nên làm.

(Thất Phật Thông Giới Kệ)

Câu nầy được Hòa Thượng Nhất Hưu viết theo lối Thư Đạo rất nổi tiếng mà không ai không biết. Theo truyền thuyết cho rằng khi người ta hỏi Tôn Giả A Nan về lời dạy quan trọng nhất qua bảy đời Phật là gì, A Nan trả lời:

- Các điều ác chớ có làm, nên vâng làm những việc thiện, và tự thanh tịnh tâm ý mình. Ấy là lời Phật dạy. (chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo).

Dưới thời nhà Đường, có một nhân vật là Hòa Thượng Đạo Lâm (745-824). Vì ông hay ngồi Thiền trên cây tùng lớn, nên người ta gọi ông là Hòa Thượng Điểu Khòa. Khi Bạch Lạc Thiên đến nhậm chức Trưởng Quan Hàng Châu, có đến viếng thăm Điểu Khòa và hỏi rằng:

- Tinh thần lớn nhất của Phật pháp là gì?

- Các điều ác chớ có làm, nên vâng làm những việc thiện. Điểu Khòa trả lời.

- Chuyện đó thì đứa con nít cũng biết mà.

- Vậy mà ông già tám mươi còn khó thực hành được đấy.

 

Hết chương I

Tác giả bài viết: Tàn Mộng Tử (dịch)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 405
  • Khách viếng thăm: 400
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 30132
  • Tháng hiện tại: 290064
  • Tổng lượt truy cập: 59730081

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile