Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần VII

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 16:26 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Tông Bản Hạnh - Phần VII

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần VII

5.5 VUA GIẢNG THIỀN TẠI CHÙA SÙNG NGHIÊM, 5.6 VỀ KINH LÀM CHAY CHO CHỊ

5.5 VUA GIẢNG THIỀN TẠI CHÙA SÙNG NGHIÊM

Lại thốt sự Tổ nhân duyên,

Đầu Đà vãng giáo kinh quyền bốn phương.

Thì vừa khai tuyển Phật trường,

Linh Sơn cảnh giới thiền đường mọi nơi.

Đến chùa Sùng Nghiêm đỗ ngồi,

Mở hội thuyết pháp có lời cho tham.

Vậy có kệ rằng:

“Thân như hô hấp tị trung khí,

Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân.

Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

Bất thị tâm thường không quá xuân.”

“Ai ai đã để cửa nhà,

Tìm đi học đạo xuất gia tu hành!

Chớ còn tham lợi tham danh, Chấp cảnh chấp giới tranh hành làm chi.

Vô thường sinh tử bất kỳ,

Đạo đức chẳng có ở thì sao an?”

Đạo trường thỉnh vấn hỏi han,

Điều Ngự giảng hết thiền quan mọi lòng.

Thị Tăng lại hỏi cánh chung,

Điều Ngự phó chúc Tâm tông cho rày:

“Bát Tự Đả Khai bằng nay,

Tứ Mục Tương Cố lộ bày viên dung.

Ấy là mật ấn Tâm tông,

Tổ đã truyền lòng, chớ có hồ nghi.

Bát Thức Không Tịch Vô Vi,

Chuyển thành Tứ Trí gọi thì đả khai.

Tam thế chư Phật Như Lai,

Tứ Mục Tương Cố muôn đời chứng Chân.

Từ ấy đắc Đạo rân rân,

Ai ai lĩnh chỉ tu thân độ người.

* * *

Lại thốt sự Tổ nhân duyên,

Đầu Đà vãng giáo kinh quyền bốn phương.

Thì vừa khai tuyển Phật trường.

Linh Sơn cảnh giới thiền đường mọi nơi.

Đoạn này nhắc lại nhân duyên Ngài đi giáo hóa. Ngài tu hạnh Đầu Đà, đi các nơi giáo hóa, giảng kinh khắp bốn phương, Trong thời gian này, Ngài mở trường thi Phật “khai tuyển Phật trường” tức là trường thi Phật. Trường đó ở đâu?

“Linh sơn cảnh giới thiền đường mọi nơi”: Tức là thiền đường mở khắp các nơi, ở trong hội như hội Linh sơn.

“Đến chùa Sùng Nghiêm đỗ ngồi,

Mở hội thuyết pháp có lời cho tham”.

Vậy có kệ rằng:

“Thân như hô hấp tị trung khí,

Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân.

Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

Bất thị tầm thường không quá xuân”.

Khi đến chùa Sùng Nghiêm, lên tòa ngồi, trước tiên Ngài nói bài kệ bốn câu như trên. Ở đây ngài Chân Nguyên đã đọc quyển nào mà thấy đủ bốn câu, còn ở trong các quyển khác chỉ có hai câu sau thôi. Vì vậy trong Thiền sư Việt Nam tôi cũng thấy được hai câu. Bây giờ có đủ bốn câu, tôi tạm dịch lại, vì bản dịch cũ tôi không nhớ kỹ nên bản dịch này có thể sai đi chút ít vận.

“Thân như hơi thở ra vào mũi,

Đời tợ mây trôi đảnh núi xa.

Chim quyên kêu rả trăng như sáng,

Đâu phải tầm thường xuân luống qua.”

Bài kệ này chúng ta thấy rất lý thú. Đầu tiên, Ngài nói:“Thân như hô hấp tị trung khí”: Nghĩa là thân này sống rất tạm bợ giống như hơi thở hít vô, thở ra. Bởi vì hít vô, thở ra mà không hít lại thì chết. Cho nên  nói mạng sống trong hơi thở. Câu này mới nhịp nhàng với câu đầu trong bài kệ Ngài tự đề ở chùa làng Cổ Châu. Ngài nói rằng: “Thế số nhất tức mặc” là số đời một hơi thở hay mạng người trong hơi thở. Như vậy câu này chứng minh rằng Ngài luôn luôn thấy mạng sống này rất tạm bợ chỉ trong hơi thở ra vào. Đó là cái thấy đúng lẽ thật, đúng đạo lý. Ở đây, Ngài nói “Thân như hô hấp tị trung khí”, bên kia Ngài nói “Thế số nhất tức mặc”, hai câu này ý nghĩa mới hợp nhau. Còn trong Tam Tổ Thực Lục câu đầu của bài kệ là: "Thế số nhất sách mạc", chữ sách mạc làm cho câu này không có ý nghĩa. Vì vậy, chúng ta thấy được chỗ này mới hợp với chỗ kia.

“Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân”: Nghĩa là cuộc đời tợ như mây bay trên đảnh núi, vừa thấy tụ họp chốc lát lại tan đi, nào có gì bền lâu. Như vậy hai câu trên đây nói lên ý nghĩa vô thường của cuộc đời, vô thường của cá nhân, của bản thân.

“Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

Bất thị tầm thường không quá xuân”.

Con chim đỗ quyên kêu ra rả suốt đêm mà mặt trăng vẫn sáng như ban ngày. Tiếng chim đỗ quyên kêu, nghe chua xót buồn thảm, nó kêu đến mỏi miệng thôi. Đó là chỉ cái động luôn luôn là sinh diệt. Nhưng bên cái sinh diệt đó có mặt trăng sáng như ban ngày, nó có động không? Nó không động, nên không sinh diệt.

Ánh sáng mặt trăng như ban ngày đó không phải là việc tầm thường, chớ để qua đi một đời." Không quá xuân", chữ xuân đây là ngày xuân, cũng là tuổi xuân, là thời son trẻ của mình. Như vậy thân này tạm bợ, mạng sống chỉ trong hơi thở. Cuộc đời này cũng như những áng mây treo đầu núi, thấy tụ rồi tan không có gì bền vững lâu dài. Tuy trong cái động luôn luôn nó biến diệt, nhưng vẫn có vầng trăng sáng không sinh, không diệt, cái đó không phải tầm thường mà nỡ bỏ quên đi một đời rất là đáng tiếc.

“Ai ai đã để cửa nhà,

Tìm đi học đạo xuất gia tu hành!

Chớ còn tham lợi, tham danh,

Chấp cảnh, chấp giới tranh hành làm chi. Vô thường sinh tử bất kỳ,

Đạo đức chẳng có ở thì sao an?”

Đây là lời ngài Chân Nguyên nói bổ túc thêm:

“Ai ai đã để cửa nhà,

Tìm đi học đạo xuất gia tu hành”.

Tức là khuyên mọi người chớ nên bận bịu việc gia cảnh, nên tìm học đạo tu hành.

“Chớ còn tham lợi, tham danh.

Chấp cảnh, chấp giới tranh hành làm chi.”

Ngài khuyên không nên tham danh, tham lợi. Chữ giới này không phải là giới đức, giới là ranh giới, cảnh chỉ đất đai ruộng vườn. Nghĩa là chấp ranh giới đất đai, ruộng vườn của mình không cho ai xâm lăng, hay lấn hiếp. Tranh hành làm chi tức là tranh giành làm gì. Nếu mình không còn tham lợi, không còn tham danh thì đâu có chấp cảnh, chấp ranh giới để tranh giành với nhau.

“Vô thường sinh tử bất kỳ”: Việc vô thường chết sống không thể hẹn được.

“Đạo đức chẳng có ở thì sao an”: Người không đạo đức làm sao cuộc sống được bình yên.

Đạo trường thỉnh vấn hỏi han,

Điều Ngự giảng hết thiền quan mọi lòng.

Thị Tăng lại hỏi cánh chung,

Điều Ngự phó chúc Tâm tông cho rày.

“Đạo trường thỉnh vấn hỏi han”: Vì vậy Ngài khuyên nên đến các đạo trường, tức là trường tu Phật để thưa thỉnh học hỏi.

“Điều Ngự giảng hết thiền quan mọi lòng”: Ngài Điều Ngự giảng hết những chỗ quan trọng trong nhà thiền cho mọi người cùng nghe cùng hiểu.

“Thị tăng lại hỏi cánh chung,

Điều Ngự phó chúc Tâm tông cho rày”.

Có một vị tăng hỏi chỗ cứu cánh, “cánh chung” tức là chỗ tột cùng hay chỗ cứu cánh. Ngài Điều Ngự mới phó chúc Tâm tông cho. Đây là phó chúc:

“Bát Tự Đả Khai bằng nay,

Tứ Mục Tương Cố lộ bày viên dung.

Ấy là mật ấn Tâm tông,

Tổ đã truyền lòng, chớ có hồ nghi.

Bát Thức Không Tịch Vô Vi,

Chuyển thành Tứ Trí gọi thì đả khai. Tam thế chư Phật Như Lai,

Tứ Mục Tương Cố muôn đời chứng Chân.

Từ ấy đắc Đạo rân rân,

Ai ai lĩnh chỉ tu thân độ người. Đây là lời chỉ Tâm tông của ngài Điều Ngự,

Ngài chỉ bằng cách nào? Ngài nói:

“Bát tự đả khai bằng nay”: Tức là chữ bát mở bày rồi.

“Tứ mục tương cố lộ bày viên dung”: Nghĩa là bốn mắt nhìn nhau đã hiển bày, đã viên dung tức đã tròn sáng.

“Ấy là mật ấn Tâm tông”: Đó là chỗ thầm trao Tâm tông cho.

“Tổ đã truyền lòng chớ có hồ nghi”: Tổ đã truyền lòng chớ có nghi ngờ gì nữa.

Chữ bát tự đả khai, tùy mỗi nơi giải thích có khác. Nhưng theo trong nhà thiền thường nói chữ bát mở rồi sao không nắm mũi. Ý đây để nói lẽ thật hiển bày sao mình không nhận lấy. Tứ mục tương cố tức là bốn mắt nhìn nhau. Bốn mắt nhìn nhau là hình ảnh của hai trường hợp. Trường hợp của tổ Ca Diếp với đức Phật và trường hợp của ngài Chân Nguyên với Thiền sư Minh Lương. Khi đức Phật ở trong hội Linh Sơn đưa cành hoa sen lên nhìn khắp hội chúng, mọi người đều ngơ ngác. Mắt Phật nhìn đến tổ Ca Diếp, tổ Ca Diếp nhìn thẳng Phật và mỉm cười, đó là tứ mục tương cố. Phật liền truyền tâm ấn cho Ngài. Sau này ngài Chân Nguyên cũng vậy, khi gặp Thiền sư Minh Lương chỉ nhìn nhau là ngộ được yếu chỉ thiền. Do đó tứ mục tương cố ở đây rất quan trọng, chỉ đôi mắt thầy và đôi mắt trò cùng nhìn nhau là ngộ, tức là đã chứng được lẽ chân rồi, cho nên ở dưới nói:

“Bát thức không tịch vô vi,

Chuyển thành tứ trí gọi thì đả khai”.

Theo chỗ giải của ngài Chân Nguyên thì Ngài nói trong bát thức được rỗng lặng, vô vi thì lúc đó nó chuyển thành tứ trí gọi là đả khai, tức bát tự đả khai. Như vậy từ bát thức chuyển thành tứ trí. Bát thức gồm năm thức trước là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân thức cộng thêm ba thức sau là A lại da thức, Mạt na thức và Ý thức thành ra tám thức. Tám thức này, khi được không tịch, được vô vi thì nó chuyển thành tứ trí. Thức A lại da chuyển thành Đại viên cảnh trí, thức Mạt na chuyển thành Bình đẳng tánh trí, thức ý chuyển thành Diệu quan sát trí, còn năm thức trước chuyển thành Thành sở tác trí. Như vậy do bát thức được không tịch, được vô vi thì ngay nơi đó nó chuyển thành tứ trí, gọi là bát tự đả khai. Thế nên, bát thức nếu mê là chưa khai, khi được tỉnh, được yên lặng, nó chuyển thành tứ trí, là đả khai. Chỗ này cũng giống như ý nói trong nhà thiền, là chân mày mình hình chữ bát, lỗ mũi nằm cạnh bên, mà lỗ mũi chỉ cho cái chân thật. Nghĩa là bên cạnh chân mày có cái chân thật, nếu từ đây nhận ra lỗ mũi đó là bát tự đả khai, tức là nhận ra cái chân thật. Ở đây Ngài nói chuyển tám thức thành tứ trí gọi đó là đả khai. Như vậy, chỗ đó là: “Tam thế chư Phật Như Lai,

Tứ mục tương cố muôn đời chứng chân.”

Chỗ ba đời chư Phật Như Lai, bốn mắt nhìn nhau muôn đời đã chứng được lẽ thật.

“Từ ấy đắc đạo rân rân”: Chữ rân rân này, ở bản 1932 để là lần lần, nhưng lần lần lại không có nghĩa. Rân rân ở đây có nghĩa là rần rộ. Bởi vì tất cả người nghe được, thấy được và ngộ đạo rất đông đảo, nên nói rần rần rộ rộ chớ không phải thường, còn nếu nói lần lần là chậm chậm từ từ, như vậy thành hai ý khác nhau.

“Ai ai lĩnh chỉ tu thân độ người”: Nghĩa là ai cũng lãnh được, hiểu được yếu chỉ để lo tu thân, lo độ người.

5.6 VỀ KINH LÀM CHAY CHO CHỊ

Bảo Sát gián Tổ mọi lời:

“Tôn đức niên lão mựa dời đường xa.”

Nhân Tông mỉm cười thốt ra:

“Tứ đại thủy hỏa đâu là no tan.

Giá Cá Bản Lai Bất Can,

Có đâu sinh diệt hòa toan nhọc mình.

Lòng Tao quảng độ chúng sinh,

Đầu Đà khổ hạnh giáo thanh truyền đời.

Xuân thu vãng giáo mọi nơi,

Hạ đông yển tọa lại ngồi non xanh.”

Thập nguyệt ngũ nhật bình minh,

Thiên Thụy công chúa cong mình phải đau.

Gia đồng Triệu Bản lên tâu,

Đến Tử Tiêu am khấu đầu lạy vua:

“Công chúa bệnh đốc chẳng qua.”

Nhân Tông thấy thốt nói ra lời này:

“Nhân duyên thời tiết vậy vay,

Có sinh có tử xưa nay hằng lề.”

Nhân Tông chống gậy ra đi,

Hành giả hộ trì một người chân tay.

Ba ngày đến kinh đô rày,

Lập đàn phó chúc một ngày tái quy.

* * * Bảo Sát gián Tổ mọi lời:

“Tôn đức niên lão mựa dời đường xa.”

Nhân Tông mỉm cười thốt ra:

“Tứ đại thủy hỏa đâu là no tan.

Câu: “Tứ đại thủy hỏa đâu là no tan”, trong bản in năm 1932 để là "Tứ đại thủy hỏa dầu là nó tan" có nghĩa hơn. Đây tôi giải thích đoạn này: Khi ngài Điều Ngự đã lớn tuổi mà Ngài lại thích đi nơi này, nơi kia để giáo hóa. Cho nên:

“Bảo Sát gián Tổ mọi lời”: Người đệ tử là Bảo Sát mới khuyên can Tổ. Chữ gián là khuyên can.

“Tôn đức niên lão mựa dời đường xa”: Thầy là bậc tôn đức, tuổi đã già chớ có đi đường xa xôi.

“Nhân Tông mỉm cười thốt ra”: Nhân Tông liền mỉm cười và nói, thốt ra tức là nói.

“Tứ đại thủy hỏa dầu là nó tan”: Nghĩa là thân này do đất, nước, gió, lửa, hợp lại thành, có hợp ắt có ngày phải tan rã. Vì vậy mặc tình nó hợp, mặc tình nó tan có gì đâu quan trọng, mà điều quan trọng ở đây là:

“Giá Cá Bản Lai Bất Can,

Có đâu sinh diệt hòa toan nhọc mình.

Lòng Tao quảng độ chúng sinh,

Đầu Đà khổ hạnh giáo thanh truyền đời.

Xuân thu vãng giáo mọi nơi,

Hạ đông yển tọa lại ngồi non xanh.”

Lời của ngài Nhân Tông nói tiếp, Ngài bảo rằng:

“Giá Cá Bản Lai Bất Can”: Giá cá là cái ấy, bản lai là xưa nay, bất can là không dính dáng, không can thiệp. Nghĩa là tuy thân tứ đại có tan rã, có hao mòn, nhưng cái ấy tức là cái thể chân thật của mình, cái đó xưa nay nó không bị can thiệp, hay không bị dính dáng gì hết. Nó không bị vô thường làm hư hoại, không bị tứ đại tan rã làm cho mất đi. Cái đó không bị tất cả luật vô thường chi phối, không vì chuyện hợp tan của tứ đại làm cho nó phải bị khó khăn. Vì vậy Ngài nói

“Có đâu sinh diệt hòa toan nhọc mình”. Nó là cái bất sinh bất diệt thì trong cái sinh diệt này, đâu nhọc gì đối với cái đó, nên Ngài mới nói:

“Lòng Tao quảng độ chúng sinh,

Đầu Đà khổ hạnh giáo thanh truyền đời”.

Chữ tao đúng ra bây giờ gọi là ta, chớ nói tao thì nghe hơi xưa. Nghĩa là lòng ta muốn độ rộng hết tất cả chúng sinh, nên dùng hạnh Đầu Đà. Hạnh Đầu Đà tức là khổ hạnh. Thanh là lời nói, dùng lời giáo hóa truyền dạy cho người đời. Như vậy đối với Ngài tuy tuổi lớn, tuy có nhọc nhằn mà Ngài biết trong cái thân tứ đại nhọc nhằn, vẫn có cái chưa từng sinh, chưa từng diệt, thì có liên hệ gì mà phải lo, phải nhọc. Bởi vì lòng Ngài lúc nào cũng muốn độ hết chúng sinh, cho nên tu hạnh Đầu Đà và đi giảng dạy cho mọi người hiểu đạo, đó là bản nguyện lợi tha của Ngài.

“Xuân thu vãng giáo mọi nơi”: Mùa xuân, mùa thu Ngài đi nơi này nơi kia để giáo hóa. Chữ vãng là lai vãng là đi tới, đi lui.

“Hạ đông yển tọa lại ngồi non xanh”: Mùa hạ và mùa đông thì ở yên một chỗ. Chữ yển là yên, yển tọa là ngồi yên một chỗ ở trên núi xanh. Như vậy, ở đây chúng ta thấy đúng là khí hậu miền Bắc nhất là khí hậu ở Yên Tử, mùa hạ và mùa đông. Mùa hạ thì an cư kiết hạ, mùa đông thì trời rét, hai mùa này Ngài ở tại núi để tu hành. Mùa xuân ấm áp và mùa thu mát mẻ thì Ngài đi giáo hóa nơi này nơi kia. Như vậy, lời khuyên của Bảo sát là Ngài đã lớn tuổi không nên đi nơi này nơi kia xa xôi. Khi nghe khuyên như vậy, Ngài mỉm cười và đáp rằng, thân tứ đại này mặc tình nó còn hay mất, không quan trọng, bởi vì còn có "cái ấy" không bị vô thường dính dáng đến nó. Vì vậy Ngài không phải bận tâm, không phải lo lắng.

Bởi tâm thương người, muốn độ hết chúng sinh nên Ngài phải tu hạnh Đầu Đà, phải đi giáo hóa cho mọi người. Thế nên trong một năm, hai mùa xuân và thu, Ngài đi giáo hóa, chỉ có mùa đông, mùa hạ thì ở trên núi tu hành.

Thập nguyệt ngũ nhật bình minh, 

Thiên Thụy công chúa cong mình phải đau.

Gia đồng Triệu Bản lên tâu,

Đến Tử Tiêu am khấu đầu lạy vua:

“Công chúa bệnh đốc chẳng qua”.

Nhân Tông thấy thốt nói ra lời này:

“Nhân duyên thời tiết vậy vay,

Có sinh có tử xưa nay hằng lề.”

Nhân Tông chống gậy ra đi,

Hành giả hộ trì một người chân tay.

Ba ngày đến kinh đô rày,

Lập đàn phó chúc một ngày tái quy.

“Thập nguyệt ngũ nhật bình minh,

Thiên Thụy công chúa cong mình phải đau”.

Thập nguyệt là tháng mười, ngũ nhật là ngày mùng năm. Đến ngày mùng năm tháng mười, vào buổi sáng, công chúa Thiên Thụy ở trong mình bệnh, không khỏe, mới sai gia đồng là Triệu Bản lên am Tử Tiêu để tâu với vua, báo tin cho vua hay.

“Công chúa bệnh đốc chẳng qua”: Tức là công chúa bệnh nặng lắm, chẳng qua là khó qua được. Bà công chúa Thiên Thụy là chị của Ngài.

“Nhân Tông thấy thốt nói ra lời này”: Khi nghe nói như vậy, Ngài bảo rằng:

“Nhân duyên thời tiết vậy vay”: Tức là thời tiết nhân duyên là như thế. “Có sinh có tử xưa nay hằng lề”: Đó là lẽ vô thường của xưa nay, có sinh ra thì phải có tử, chớ không ai tránh khỏi điều này.

“Nhân Tông chống gậy ra đi,

Hành giả hộ trì một người chân tay”.

Tuy vậy Ngài cũng chống gậy xuống núi để thăm chị. Đi theo Ngài chỉ có một người hành giả tức là một người thị giả theo hầu thôi, chớ không có ai nhiều.

“Ba ngày đến kinh đô rày,

Lập đàn phó chúc một ngày tái quy”.

Từ núi Yên Tử về tới kinh đô, Ngài đi trong ba ngày. Đến kinh đô Ngài lập đàn cầu nguyện, phó chúc tức là dặn dò xong rồi hôm sau, Ngài trở về núi lại.

Nghĩa là chị ruột đau nặng cho hay về, chỉ lập đàn cầu nguyện rồi từ giã đi chớ không nấn ná ở lại. Đó là tinh thần đạo lý rất rõ ràng.

5.7 TRÊN ĐƯỜNG VỀ NÚI VUA MỆT

Đến chùa Cổ Châu một khi,

Cất bút bài đề một kệ rằng bay:

“Thế sác nhất tức mặc,

Thì tình lưỡng hải ngân.

Ma cung hồn quản thậm,

Phật quốc bất thắng xuân”.

Ngày sau đến chùa Sùng Nghiêm,

Tuyên Từ Thái hậu thết bữa thì trai.

Về đến Hương Lâm thưở nay,

Nhức đầu khí liệt, chân tay ngại kề.

Tình cờ hai thầy qua đi,

Tử Dinh Hoàn Trung tức thì mừng thay.

Nhân Tông thốt bảo rằng bay:

“Lòng Tao thuở này muốn lên Ngọa Vân.”

Hai thầy liệm tay đến gần:

“Chúng tôi cam lòng hộ niệm đường xa.”

Tu du xẩy lên đến già,

Nhân Tông thốt bảo: “Mữa qua lời này.

Chúng bay học Đạo chớ chầy,

Vô thường hai chữ kíp thay nan đào.

Gọi lấy Bảo Sát cho Tao,

Có lời đặc nhủ tiêu hao mọi lòng.”

Hành giả tên là Pháp Không,

Đến Vân Tiêu am cong lòng thương thay!

Nói chiềng Bảo Sát cho hay: Tôn Đức thì tiết thuở này chẳng qua.

Bảo Sát lòng thương xót xa,

Tay đem kinh giáo xuống mà tìm đi.

Đường trường lặn suối sơn khê,

Đêm ấy phải tối một khi nằm rừng.

Coi thấy hắc vân bay không,

Bảo Sát gẫm được, trong lòng biết hay.

Lên đến Ngọa Vân thuở nay,

Điều Ngự thốt bảo: “Mầy chày, Tao mong”.

“Vạn pháp bản lai chân không,

Chẳng mắc mộ pháp mới thông lòng Thiền.

Ốc là Pháp Tính tự nhiên,

Bất Sinh Bất Diệt bản nguyên làu làu.

Chư Tổ phó chúc bấy lâu,

Ý nghĩa mạt hậu để sau mà dùng.

Pháp Loa Tao đã truyền lòng,

Làm đệ nhị Tổ nối dòng Như Lai.

Đèn Bụt như lửa mặt trời,

Hoa tinh vô tận mỗi người mỗi cho.

Bảo Sát hỏi chúng môn đồ,

Ai ai cũng có minh chu trong mình.

Pháp thân nghiễm hĩ trường linh,

Tì lô đỉnh thượng tung hoành Thái Hư.

Thánh phàm vô khiếm vô dư,

Đường đường đối diện như như thể đồng.”

Giảng hết Thiền chỉ Tâm Tông,

Thiên địa chấn động hư không thuở này.

Phó chúc ngô tử hình hài,

Tượng pháp muôn đời công án độ sinh.

Thế thế Thích tử tu hành,

Điều Ngự thụ ký công thành nhiều thay!

* * *

Đến chùa Cổ Châu một khi,

Cất bút bài đề một kệ rằng bay:

“Thế sác nhất tức mặc,

Thì tình lưỡng hải ngân.

Ma cung hồn quản thậm, Phật quốc bất thắng xuân.”

Lúc trở về đến chùa Cổ Châu, Ngài dừng nghỉ lại một đêm. Khi dừng nghỉ tại chùa này, Ngài cảm hứng viết bài kệ trên đây. Bài kệ đó có nghĩa là:

“Thế sác nhất tức mặc”: Thế sác tức là thế số là số ở đời, là tuổi đời, chẳng qua như một hơi thở thôi. Chữ nhất tức là một hơi thở ; mặc là dừng. Nghĩa là hơi thở ra mà không hít lại là hết một đời. Thế nên nói tuổi đời của con người chỉ là một hơi thở. Dù trăm, ngàn, muôn, triệu người, đến giờ phút chót cũng là cái thở khì ra thôi, chớ có ai gần chết mà hít vô đâu? Nếu còn hít vô là chưa chết mà chết là thở khì ra. Như vậy cuộc sống của con người chỉ trong hơi thở, khì ra không hít lại là chết. Thế nên đời mình chỉ có bao nhiêu, có một hơi thở ra thôi, vậy mà cứ tính sống muôn đời, muôn năm, nhưng sự thực chỉ là một hơi thở ra, không hít trở vào là chết ngay. Cho nên Ngài nói tuổi đời chỉ trong một hơi thở thôi, đó là cái nhìn rất tường tận.

“Thì tình lưỡng hải ngân”: “Thì tình”, ngoài Bắc đọc là thì, trong Nam đọc là thời. Nhưng tình đời thì hai biển bạc. Tuổi thọ thì chỉ có một hơi thở mà tình đời tới hai biển bạc. Câu này khi xưa dịch, tôi có cảm hứng, Ngài nói hai biển bạc thì chữ bạc dịch lại bị vận trắc, thành ra tôi tăng thêm thành hai biển vàng, mà tại sao tôi tăng thêm, vì tôi thông cảm được ở chỗ này. Ngài cũng biết Ngài sắp tịch, nhưng tuổi thọ hay mạng sống của Ngài quá ngắn, mà lòng Ngài lại muốn độ cho tất cả chúng sinh thì quá rộng. Lòng thì mênh mông mà tuổi quá ngắn cho nên mới có hai câu này. Nghĩa là tuổi đời một hơi thở mà tình đời tới hai biển bạc, tôi thêm hai biển vàng còn đậm hơn phải không? Đó là hai câu để nói sự mâu thuẫn giữa tuổi thọ và cõi lòng rộng thênh thang của người tu. Người tu bao giờ cũng muốn độ cho nhiều chúng sinh thức tỉnh, hết khổ đau, nhưng tuổi thọ có chừng mực, có giới hạn. Điều mình muốn mình làm chưa được, chưa xong thì tuổi đời đã sắp hết rồi. Câu ở đoạn trên diễn tả cho chúng ta thấy rất rõ ràng tấm lòng thênh thang của Ngài là “Lòng Tao quảng độ chúng sinh” phải không? Lòng thì muốn rộng độ chúng sinh, mà bây giờ tuổi thì ngắn quá, mới 51 tuổi lại sắp từ trần rồi. Như vậy, có phải là Ngài cảm thông được cái kiếp người quá ngắn ngủi mà lòng người thì muốn làm rất nhiều việc, để lợi ích cho chúng sinh. Cho nên Ngài mới có hai câu trên.

“Ma cung hồn quản thậm

Phật quốc bất thắng xuân”.

Ma cung tức là cung ma, hồn có nghĩa là dồn dập hay chỗ khác dịch là bức bách. Ở cung ma sự cai quản rất là bức bách. Còn cõi Phật thì đẹp đẽ vô cùng.

Như vậy, hai câu này lại mâu thuẫn nhau, mâu thuẫn giữa cung ma và Phật quốc. Đứng về Phật quốc thì đẹp đẽ khôn cùng, đứng về cung ma thì cai quản rất bức bách, ngặt nghèo. Vì cung ma là chỗ ngục tù, ngục tù thì cai quản ngặt nghèo, còn cõi Phật thì thênh thang sung sướng, cho nên không có gì đẹp hơn, đẹp bằng. Với hai hình ảnh, một bên là bị cai quản ngặt nghèo, một bên thì đẹp đẽ vô cùng tận, vậy chúng ta chọn bên nào? Chọn chỗ cai quản ngặt nghèo hay chọn chỗ đẹp đẽvô cùng tận, đó là để nhắc nhở chúng ta tu. Ngài không khuyên, không dạy chúng ta phải tu hành như thế nào, nhưng Ngài đưa hai hình ảnh, một bên cai quản ngặt nghèo, một bên đẹp đẽ vô ngần, không giới hạn, để chúng ta muốn đi đường nào tự chọn lấy. Chọn con đường đẹp đẽ thênh thang hay chọn chỗ cai quản ngặt nghèo, đó là tự mình chọn chớ Ngài không khuyên, các ngươi phải tu thế này, thế khác để được hưởng sung sướng. Hay các ngươi không nên làm những điều nọ, điều kia sẽ khổ, mà chỉ nêu hai hình ảnh, bên đây là chỗ khổ sở bức bách, bên kia là chỗ thênh thang đẹp đẽ. Ai muốn chọn nơi nào cứ chọn. Vậy ở đây có ai thích chọn chỗ cai quản ngặt nghèo không? Chắc không ai chọn, nhưng lâu lâu, con quỷ sân nổi lên, nó muốn xúi đi đường khổ. Như vậy Ngài biết rằng tuổi thọ Ngài sắp hết, mà lòng độ đời của Ngài chưa cùng và Ngài thấy thương chúng sinh, bên đây là khổ sở, bên kia là sung sướng mà người ta không biết chọn, cứ lao mình trong cái khổ đau. Cho nên hai câu sau là Ngài hình dung được chỗ khổ đau và chỗ sung sướng cho mọi người thấy để tự ý thức mà lựa chọn.

Ngày sau đến chùa Sùng Nghiêm,

Tuyên Từ Thái hậu thết bữa thì trai.

Câu này hơi trắc vận. Qua ngày hôm sau nữa, Ngài đến chùa Sùng Nghiêm. Khi đến chùa này, bà Tuyên Từ Thái Hậu mới thết bữa trai cúng dường.

Về đến Hương Lâm thuở nay,

Nhức đầu khí liệt, chân tay ngại kề.

Tình cờ hai thầy qua đi,

Tử Dinh Hoàn Trung tức thì mừng thay.

Về đến Hương Lâm, Ngài thấy nhức đầu, tay chân mỏi mệt, không còn muốn dở chân cất bước nữa. Tình cờ gặp được hai thầy là Tử Dinh và Hoàn Trung đi cùng đường, tức là ngược đường đi lại, khi đi ngang qua gặp, Ngài mới nói:

Nhân Tông thốt bảo rằng bay:

“Lòng Tao thuở này muốn lên Ngọa Vân.”

Hai thầy liệm tay đến gần:

“Chúng tôi cam lòng hộ niệm đường xa.”

Tu du xẩy lên đến già,

Nhân Tông thốt bảo: “Mữa qua lời này.

Chúng bay học Đạo chớ chầy,

Vô thường hai chữ kíp thay nan đào.

Gọi lấy Bảo Sát cho Tao,

Có lời đặc nhủ tiêu hao mọi lòng.”

Đoạn nầy diễn tả lúc Ngài đi đường bị bệnh, cho nên tay chân mỏi mê không thể cất bước nổi. Bỗng gặp hai vị sư là Tử Dinh và Hoàn Trung, Ngài mới nói với hai thầy đó rằng: “Lòng Tao thuở này muốn lên Ngọa Vân”: Tức là bây giờ ta muốn lên trên ngọn núi Ngọa Vân, nói thêm cho đủ là: nhưng chân không còn cất bước nổi nữa.

“Hai thầy liệm tay đến gần”: Chữ liệm là chắp, liệm tay tức là chắp tay lại.

Nghe vậy hai thầy liền chắp tay đến gần thưa:

“Chúng tôi cam lòng hộ niệm đường xa”: Bây giờ chúng con xin nguyện đưa Ngài lên đến tận trên ngọn Ngọa Vân, tức là hai thầy mới bè, hay đỡ Ngài đi lần lên ngọn núi Ngọa Vân.

“Tu du xẩy lên đến già”: Chữ già là già lam tức là chùa, nhờ hai thầy mạnh, nên chỉ trong chốc lát đã đưa Ngài đến chùa.

Nhân Tông thốt bảo “Mữa qua lời này”: Mữa tức là mựa có nghĩa là mới. Khi đến nơi Nhân Tông mới thốt bảo lời này.

“Chúng bay học đạo chớ chầy”: Các ngươi học đạo thì không nên chậm trễ.

“Vô thường hai chữ kíp thay nan đào”: Hai chữ vô thường nhanh lắm khó trốn tránh được, chữ kíp là nhanh. Chúng bây là người học đạo chớ có chậm trễ, chày là chậm trễ, vì hay chữ vô thường đuổi theo rất gấp, khó trốn tránh được.

“Gọi lấy Bảo Sát cho Tao”: Vậy các ngươi đi gọi Bảo Sát cho ta.

“Có lời đặc nhũ tiêu hao mọi lòng”: Tức là có lời dặn dò nhắc nhở ở trong lòng.

Hành giả tên là Pháp Không,

Đến Vân Tiêu am cong lòng thương thay!

Nói chiềng Bảo Sát cho hay:

Tôn Đức thì tiết thuở này chẳng qua.

Bảo Sát lòng thương xót xa,

Tay đem kinh giáo xuống mà tìm đi.

Như vậy Thiền sư Pháp Không là người lãnh trách nhiệm đi gọi Bảo Sát về.

“Đến Vân Tiêu am cong lòng thương thay!

Nói chiềng Bảo Sát cho hay:”

Chữ cong nghĩa là trong, chữ chiềng ở đây nghe khó hiểu, còn bản 1932 để là trình thì dễ hiểu hơn. Khi Pháp Không lên đến am Vân Tiêu, trong lòng thương xót mới thưa với Thiền sư Bảo Sát rằng:

“Tôn Đức thì tiết thuở này chẳng qua”: Tôn đức là chỉ ngài Trần Nhân Tông, thì tiết tức là thời tiết, nghĩa là do thời tiết khiến cho Ngài phải bệnh, chắc không thể qua được cơn bệnh này.

“Bảo Sát lòng thương xót xa,

Tay đem kinh giáo xuống mà tìm đi”.

Nghe như vậy, ngài Bảo Sát lòng rất thương xót, tay vội ôm kinh theo đểtìm đến Ngọa Vân.

Đường trường lặn suối sơn khê,

Đêm ấy phải tối một khi nằm rừng,

Coi thấy hắc vân bay không,

Bảo Sát gẫm được, trong lòng biết hay.

Đêm đó trên đường đi đến Ngọa Vân khá dài, Ngài phải lội suối trèo non đi suốt đêm, đến tối vẫn chưa đến nơi, nên phải ngủ lại trong rừng. Khi nằm ngủ Ngài nhìn thấy có đám mây đen bay lơ lửng ở trên không, Bảo Sát mới suy nghĩ và đoán biết đây là điềm không lành, có lẽ ngài Trần Nhân Tông sẽ tịch.

Lên đến Ngọa Vân thưở nay, Điều Ngự thốt bảo: “Mầy chày, Tao mong”.

Khi Bảo Sát lên đến Ngọa Vân rồi, ngài Điều Ngự thấy mới nói, sao mày đi trễ vậy, tao đang trông mày. Đó là những ngôn ngữ của thời xưa.

“Vạn pháp bản lai chân không,

Chẳng mắc mộ pháp mới thông lòng Thiền.

Ốc là Pháp Tính tự nhiên,

Bất Sinh Bất Diệt bản nguyên làu làu.

Chư Tổ Phó chúc bấy lâu,

Ý nghĩa mạt hậu để sau mà dùng.

Đây là lời của ngài Điều Ngự dạy ngài Bảo Sát, Ngài nói rằng:

“Vạn pháp bản lai chân không”: Nghĩa là muôn pháp trên thế gian này, từ trước đến nay, thể nó là chân không. Tại sao thể các pháp là chân không? Bởi vì các pháp không có tự tính, bởi không có tự tính nên tánh nó là không, mà tánh không đó là thể của muôn pháp. Nó không phải là vật, cũng không phải là mọi hình tướng, mọi sinh diệt, cho nên nói là chân không, nhưng muốn được cái chân không đó, phải làm sao?

“Chẳng mắc mộ pháp mới thông lòng Thiền”: Chữ mỗ chớ không phải mộ, mỗ là cái này, cái nọ. Thường thường thuở xưa người ta hay xưng mình là mỗ. Nghĩa là chẳng mắc một pháp nào mới thông lòng thiền, lòng thiền mới thông suốt.

Như vậy câu này, Ngài nói hết sức đơn giản nhưng chúng ta thấy đạo lý đầy đủ trong đây. Chẳng mắc một pháp nào thì lòng thiền mới được thông suốt. Thử hỏi tất cả chúng ta ngày nay có mắc một pháp nào không? Hay là mắc mấy trăm pháp.

Một pháp thì khó có, chớ mấy trăm pháp thì có, phải không? Đây tôi nói thí dụ, một, hai pháp thử xem quí vị có mắc hay không? Thí dụ quí vị đi tu rồi mà có mắc pháp khen, chê không? Nếu ai khen mặt mình có tươi không? Ai chê mặt mình có âu sầu không? Giả sử vẻ mặt mình đang tươi vui, khi nghe tiếng chê, dù lòng mình rán giữ cho nó bình thản, nhưng gương mặt xuống sắc lúc nào mình không hay.

Đó là đã mắc pháp rồi, nếu không mắc thì không xuống sắc. Việc khen chê là tương đối dễ. Đến việc được mất cũng vậy. Như chúng ta dự tính tổ chức trồng hoa quả để bán đổi gạo. Khi ra công trồng hoa quả được ba, bốn tháng, nhưng đến lúc kết quả lại bị hư hết bán không được, là đã mất, chúng ta có mắc, có buồn không? Còn nếu chúng ta trồng ít, có người lại mua cao giá, lúc đó mặt ta có tươi không? Khi trồng mình cứ nghĩ, một hoa hồng bán khoảng một, hai trăm hoặc năm, ba trăm là cùng, bất thần có người đến mua với giá một ngàn, lúc đó mặt mình ra sao, có bình thản hay tươi hẳn lên. Như vậy quí vị thấy những việc rất nhỏ mà chúng ta vẫn bị mắc, nhưng khi mắc ở trong đó, thì lòng thiền chúng ta chưa thông.

Bởi vì còn được, còn mất, còn thích khen, ghét chê v.v... thì làm sao thông được. 

Thế nên Ngài nói một câu giản đơn vô cùng, “Chẳng mắc mỗ pháp mới thông lòng thiền”.

“Ốc là Pháp Tính tự nhiên,

Bất Sinh, Bất Diệt bản nguyên làu làu”.

Chữ ốc có nghĩa là gọi; gọi là pháp tính tự nhiên là pháp tính sẵn có của chúng ta, pháp tính đó không sanh, không diệt. Bản nguyên nó là luôn luôn sáng rỡ, làu làu không bao giờ vắng, không bao giờ thiếu. Sở dĩ bị vắng, bị thiếu là vì lòng thiền mình còn mắc chưa thông, đó là lời Ngài nhắc nhở.

“Chư Tổ phó chúc bấy lâu,

Ý nghĩa mạt hầu để sau mà dùng”.

Như vậy chư Tổ đã phó chúc tức là dặn dò từ xưa đến nay, ý nghĩa về sau,

rán theo đây để ứng dụng tu hành.

“Pháp Loa Tao đã truyền lòng,

Làm đệ nhị Tổ nối dòng Như Lai.

Đèn Bụt như lửa mặt trời,

Hoa tinh vô tận mỗi người mỗi cho.

Bảo Sát hỏi chúng môn đồ,

Ai ai cũng có minh chu trong mình.

Pháp thân nghiễm hĩ trường linh,

Tì lô đỉnh thượng tung hoành Thái Hư.

Thánh phàm vô khiếm vô dư,

Đường đường đối diện như như thể đồng.”

Ngài lại bảo là Ngài đã truyền lòng, tức là truyền trao tâm ấn cho ngài Pháp Loa làm vị Tổ thứ hai để nối dòng Phật, nối dòng Như Lai.

“Đèn Bụt như lửa mặt trời”: Ngọn đèn Phật sáng rỡ như ánh sáng mặt trời vậy.

“Hoa tinh vô tận mỗi người mỗi cho”: Hoa tinh tức là hoa sáng, chữ tinh là cái lóe sáng, hoa sáng nó không cùng tận mỗi người mỗi cho. Nghĩa là từ ánh sáng thênh thang to lớn của mặt trời Phật, nó mới phân ra tất cả những ánh sáng nhỏ, mỗi người mỗi có, mỗi cho. Ý nói rằng trí tuệ của Phật là viên mãn, là trùm khắp, từ trí tuệ viên mãn trùm khắp đó, Ngài giáo hóa cũng như là những ánh sáng, nó phân chia ra từng mảnh để cho mỗi người. Như vậy, chúng ta mới thấy hai câu này, ý Ngài muốn nói về đức Phật thì trí tuệ trùm khắp như ánh sáng mặt trời, từ trí tuệ Phật đó mà giáo hóa chúng ta, chúng ta mới thu nhặt được mỗi người mỗi ít cũng giống như những tia sáng nhỏ trao cho người này, trao cho người kia, vô cùng vô tận. Sở dĩ ngày nay, chúng ta hiểu được Phật pháp, biết được chân lý phần nào, là từ ánh sáng của đức Phật, ánh sáng đó là trí tuệ của Phật trao cho chúng ta hay là mồi cho những ngọn đèn, ngọn đuốc của chúng ta, để chúng ta cũng được sáng đôi phần.

“Bảo Sát hỏi chúng môn đồ,

Ai ai cũng có minh chu trong mình”.

Bảo Sát hỏi trong các đồ chúng, mỗi người đều sẵn có hạt minh châu trong mình, không ai thiếu thốn. Chữ chu nghĩa là châu.

“Pháp thân nghiễm hĩ trường linh”: Pháp thân sẵn vậy và luôn luôn sáng, nghiễm hĩ là sẵn vậy, trường linh là thường sáng, pháp thân sẵn vậy và thường sáng.

“Tì lô đỉnh thượng tung hoành Thái Hư”: Trên đỉnh Tì lô tung hoành khắp cả Thái Hư. Tì lô tức là Tì lô giá na là chỉ cho pháp thân, trên đỉnh pháp thân tung hoành khắp cả bầu trời không có gì trở ngại hết. Như vậy tất cả mọi người sẵn có hạt minh châu trong mình, hay trong túi áo. Ai cũng có sẵn mà hạt minh châu đó là để chỉ cho pháp thân. Pháp thân của chính mình, nó sẵn vậy, nó trùm khắp luôn luôn sáng suốt và chính pháp thân này trùm khắp không bị hạn chế nơi này, nơi kia. Cho nên nói là tung hoành khắp cả Thái Hư.

“Thánh phàm vô khiếm vô dư”: Nơi thánh không dư, nơi phàm không thiếu, ai cũng có hết.

“Đường đường đối diện như như thể đồng”: Nó rõ ràng đối diện ai cũng đồng một thể như như đó. Như vậy, lời dặn dò này là ngài Chân Nguyên dẫn lời của tổ Trúc Lâm khi sắp tịch dặn dò đệ tử hay phó chúc cho đệ tử những điều thiết yếu trong sự tu hành, mỗi người phải nhớ. Chúng ta tu, không phải Phật đem lại cho chúng ta giác ngộ mà cái tính giác đã sẵn có ở chúng ta, chỉ khi nào chúng ta biết khơi dậy thì nó được sáng, còn chúng ta u mê thì nó tối. Vì vậy trên đường tu chúng ta phải hiểu rõ, Phật không thể làm cho chúng ta giác, nếu chúng ta không khéo sử dụng phương tiện để tu hành, để dẹp bỏ những tình phàm thì làm gì có được trí thánh. Trí thánh có sẵn ở trong nhưng bị tình phàm che khuất đi, người thầy chỉ có bổn phận hướng dẫn, chỉ cho chớ không làm thay cho người đệ tử. Thí dụ có một người ở trong một thôn xa xôi hẻo lánh lại nghèo khổ, đói thiếu trăm bề, nghe người ta nói ở ngoài xa kia có một thành thị giàu sang sung sướng, ai đến đó sẽ được no ấm đầy đủ. Những người ở trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn đó, họ có mơ ước đến thành thị giàu sang, sung sướng đó không? Họ mơ ước nhưng không biết làm sao đến, chỉ nghe nói mà không biết cách đi, không biết đường đi. Có một người sáng suốt, từ thành thị giàu sang tìm ra được một bản đồ, ông lần mò đi gần tới thành thị đó và thấy đường đi, cũng như thấy bóng hình của thành thị rõ ràng, nhưng ông chưa có thì giờ đi tới nơi, Song vì thương những người bạn trong xóm đang thiếu đang khổ, ông mới trở về nhắc nhở tất cả bà con, ai muốn tìm đến thành thị kia để được ấm no sung sướng, thì tôi sẽ chỉ đường cho đi. Ông mới vạch bản đồ ra chỉ, từ đây đi tới đó phải đi đường nào, đường tên gì, đi cách bao xa v.v...

Ông chỉ rõ thành thị kia nằm ở vị trí đó và bảo nếu quí vị đi tới sẽ được sung sướng, an lạc. Như vậy người kia chỉ vạch ra con đường và nói rõ chỗ an lạc cho mọi người nghe, chớ ông ta đâu thể làm cho người muốn đi đến nơi được. Nếu người muốn đi mà không nghe chỉ, không chịu đi, có đến nơi được không? Dầu có nói khô cổ, người đó cũng không đến nơi được. Người đó có đến được là khi chỉ rồi, phải phăng theo con đường mà tìm tới thì một ngày nào đó sẽ đến thành thị tốt đẹp ấy. Cũng vậy, Phật chỉ cho chúng ta chỗ an lạc muôn đời là phải dứt hết những đối đãi, phiền não, xấu xa của mình. Những phiền não, xấu xa mình dứt được rồi thì sẽ đến chỗ an lạc muôn đời. Được chỉ như vậy mà phiền não xấu xa không chịu dứt mà mình đòi an lạc muôn đời thì sao? Ai cho mình cái đó. Nếu có đòi, có kêu có khóc mấy cũng không bao giờ được. Thế nên, người chỉ đường là đem hết tâm mình chỉ cho rõ, cho người ta biết chắc chắn không nghi, đó là hết bổn phận, còn đi hay làm được không, là chuyện của hành giả, chớ không phải chuyện của người chỉ đường nữa. Đó là trách nhiệm của Phật cũng như của các Tổ sau này. Cho nên phần trên chúng ta mới thấy câu kệ của ngài Trần Nhân Tông nói đó, nghĩa là bên đây là cung ma khổ lắm, bên kia cõi Phật sướng lắm. Hai bên chỉ rõ như vậy, nhưng muốn hưởng cảnh sung sướng, tự mình phải tìm tới, chớ Ngài không làm gì cho mình được. Đó là đạo lý của Phật như vậy.

Giảng hết Thiền chỉ Tâm Tông,

Thiên địa chấn động hư không thuở này.

Phó chúc ngô tử hình hài,

Tượng pháp muôn đời công án độ sinh.

Thế thế Thích tử tu hành,

Điều Ngự thụ ký công thành nhiều thay!

Đoạn này ngài Chân Nguyên tô điểm thêm, tức là Ngài nói rằng:

“Giảng hết Thiền chỉ tâm tông”: Ngài Trúc Lâm Đại Đầu Đà giảng về thiền chỉ tức là yếu chỉ thiền tông cho Bảo Sát nghe.

“Thiên địa chấn động hư không thuở này”: Khi đó cả trời đất đều chấn động, phần này ở trong sử không có ghi, nhưng ở đây ngài Chân Nguyên nói, có lẽ Ngài đã tô điểm thêm cho đậm nét một chút.

“Phó chúc ngô tử hình hài,

Tượng pháp muôn đời công án độ sinh”.

Hình hài tức là thân thể, ngô tử là con ta. Nghĩa là dặn dò những người con của ta hay đồ đệ của ta. Tượng pháp nghĩa là đời này Ngài coi như còn trong thời tượng pháp, thời đó người tu thiền muôn đời lấy công án để độ cho mình được thoát khỏi sanh tử. Như vậy công án này có hai cách: 1- Là dùng thoại đầu làm công án. 2- Là nhân một câu trong kinh hay một câu của các Tổ nói bí hiểm, khó hiểu rồi cứ nghiên cứu nghiền ngẫm đó cũng gọi là công án. Chúng ta ngày nay tu thiền, không dùng câu thoại đầu, không dùng câu công án, nhưng khi tu đắc lực rồi, mình tự giải được những công án. Như vậy mình không có đặt nghi vấn tại sao tới đó mình lại giải được công án. Thật tình khi chúng ta học hoặc đọc sách thiền có những câu nghe không hiểu, vì không hiểu nên thắc mắc tức nhiên cứ ôm ấp chấp chứa bên trong. Đã chứa sẵn trong đó, nên khi tu, tâm mình được an ổn thanh tịnh thì những cái gì chứa sẵn bất thần hiện ra. Ví dụ câu hỏi “Thế nào là Phật?” - Đáp là “Ba cân gai”. Bình thường nghe không hiểu nói ba cân gai là cái gì, nên cứ ôm ấp mãi trong lòng, đến khi tâm thanh tịnh nhớ lại câu đó liền bừng sáng. Đó là giải được công án đã có sẵn mà không cần lặp đi lặp lại, chỉ khi nào tâm mình yên, tự nhiên tìm ra, tự giải được không phải nhờ thầy, nhờ Tổ giải cho mình. Thế nên nói tiểu ngộ, đại ngộ là ở trường hợp đó. Bởi vậy nên công án đã chứa chấp lâu nay trong lòng, khi tâm mình thanh tịnh bất thần sáng ra. Công án nhỏ gọi là tiểu ngộ, công án lớn là đại ngộ, Như học trong kinh, thấy Phật nói các pháp là hư dối, mà không biết nó hư dối thế nào, nhưng bất thần ngồi tu, sáng ra điều đó. Như vậy cũng là ngộ, nhưng là ngộ nhỏ, chớ không phải ngộ lớn. Đó là để cho quí vị thấy hiểu, chớ không phải nói công án là tu thoại đầu. Nghĩa là nghi vấn nào, chúng ta đọc sách Phật, sách thiền còn chứa chấp trong lòng, khi tu lúc tâm thanh tịnh, nó liền hiện ra và tan vỡ thấu suốt được, đó là công án.

“Thế thế Thích tử tu hành”: Là những người con nhà họ Thích tu hành đời đời.

“Điều Ngự thụ ký công thành nhiều thay”: Tức là ngài Điều Ngự thọ ký những người Thích tử tu hành sau này được thành công rất nhiều. Đó là dẫn lời dạy của ngài Sơ Tổ Trúc Lâm.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 339
  • Hôm nay: 21040
  • Tháng hiện tại: 871002
  • Tổng lượt truy cập: 60311019

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile