Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đã chết mà sống - Phần 3

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/12/2011 11:26 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Đã chết mà sống - Phần 3

Đã chết mà sống - Phần 3

Máy Đạo không xa xôi, Quay đầu lại thấy rồi; Thấy ra mau hay chậm, Là do sức tỉnh hồi. Thanh-Sĩ

Đã chết mà sống - Phần 3

*****

Lòng nhớ niệm A-Di-Đà Phật,

1110. Sẽ được qua khổ ách tai nàn;

Ngày lâm chung có Phật bước sang,

Rước về cõi Tây phang Tịnh Độ.

Có nhiều kẻ nghe tôi khuyên dỗ,

Biết ăn năn hối ngộ rất nhiều;

Nay buồn tôi như bóng xế chiều,

Chẳng còn sống bao nhiêu tuổi nữa.

Sự khuyên nhủ người đời tu sửa,

Sẽ không còn mấy bữa nữa đâu;

Bỏ xác tôi không chút buồn rầu,

1120. Nhưng tiếc sớm ngưng câu giảng giáo.

Ước gì được trường xuân bất lão,

Để kéo dài ngày giáo độ đời;

Hiện nay trào văn vật thạnh thời,

Thiếu đạo lý người đời dễ lụy.

Mỗi ngày một thêm nhiều thuyết ngụy,

Biết bao trò hoa mỹ gạt người,

Kẻ tu hành nếu thiếu kém lời;

Sẽ không giúp cho người tỉnh mộng,

Cứ quay cuồng theo luồng mới sống.

1130. Càng ngày càng mơ mộng thêm lung,

Mặc cho tâm trí nghĩ lung tung;

Khiến thân sống như cùm thêm rọ.

Tôi nhiều lúc canh ba chuông gõ;

Giấc chưa an cứ nhớ sự đời,

Lo sao cho giải thoát mọi người,

Khỏi đau khổ của đời tạm vật.

Kim tiền chẳng phải là sự thật,

Chỉ đóng vai trong một tấn tuồng;

Trên mặt đào kép lộ vui buồn,

1140. Chỉ giả dối chớ không phải thật.

Kẻ xem đó lại rơi nước mắt,

Tưởng cho là sự thật rất lầm;

Phải làm sao tỉnh được chơn tâm,

Biết thật giả khỏi lâm sầu thảm.

Hiện tại có nhiều điều dễ cảm,

Cũng chỉ làm thỏa mãn xác thân;

Nhưng xác thân là cái tạm trần,

Bồi bổ mấy cũng không bất lão.

Càng trau chuốt càng thêm khổ não,

1150. Rốt cuộc rồi mộng ảo huờn không;

Bao nhiêu điều chế tạo luống công,

Không cứu được xác thân khỏi chết.

Tôi nghĩ thế nên xem thường hết,

Sự phấn son con hát một màu;

Đại sự là cần dứt khổ đau,

Làm nhân loại hết câu lão tử.

Điều này ngày nào chưa thành sự,

Tiến đến đâu cũng chỉ trò hề;

Không thể làm tôi bị say mê,

1160. Trái lại chỉ thêm ghê gớm nữa.

Tôi đã gặp lắm lần binh lửa,

Thấy loài người hùm hổ như nhau;

Gặp mồi toan ăn xé quấu quào,

Phải hay quấy nào đâu đếm xỉa.

Giờ trước bảnh giờ sau bị chĩa,

Mạng sống người mục rẻ dường bao;

Càng thấy càng bắt dạ ngán ngao,

Lòng tin Phật càng cao thêm nữa.

Ăn khoai bắp để cho qua bữa,

1170. Chính là cơn nước lửa đó ông;

Người chỉ lo tả đột hữu xông,

Quên rằng hiện trong lòng đang đói.

Tôi lúc đó dù cho muốn nói,

Cũng không làm sao gọi ai nghe;

Thật thấy mê khó giục cơn mê,

Chính là cảnh đã qua rồi đó.

Ông đâu biết người tôi lúc nọ,

Tuổi đã già nhưng có yên đâu;

Chỗ này hầu chỗ khác cũng hầu,

1180. Ăn đã chẳng ngủ đâu yên giấc.

Thấy việc thế xét ra lời Phật,

Tôi ngậm cười cho cuộc thế gian;

Thân chưa xong lo việc bao đàng,

Đợi đến lúc hơi tàn mới hối,

Thật đáng chán sự đời giả dối.

Nhưng làm sao cho mọi người tin,

Cứ ngồi đây gõ mõ tụng kinh;

Không giúp được nhân sinh tỉnh thức,

Muốn đi khắp gần xa giảng dứt.

1190. Ngặt vì tôi thân xác đã già,

Lúc trẻ thì chưa hiểu rộng ra;

Khi hiểu được thì già khôn lịu.

Cảnh trái ngược dù ai cũng chịu,

Ông là người thông hiểu đạo đời;

Lại cũng còn tuổi trẻ đương thời,

Có đủ sức hơn tôi gấp mấy.

Còn nhiều ngày giúp cho nhân loại,

Quay về đường chánh đạo quang minh;

Tôi nghĩ ông nên mở rộng tình,

1200. Đem chơn lý kêu lên khắp chốn.

Ta rằng: tôi quản chi thân khốn,

Biết bao nhiêu chỉ dẫn bấy nhiêu;

Nói cạn lời chẳng tiếc một điều,

Từ lâu chẳng ngớt kêu tu tỉnh.

Cũng có kẻ cho rằng nói phỉnh,

Hoặc bảo là quan niệm lỗi thời;

Tôi cũng không vì đó ngưng lời;

Vẫn khuyên đến khi người nhận phải.

Đang ôm nặng khối tình nhơn loại,

1210. Đời của tôi cần phải hy sinh;

Không riêng tôi đến cả gia đình,

Xin hiến hết cho dân không tiếc.

Miễn dân chúng tu hành sớm biết,

Thân tôi dù phải chết cũng vui;

Sư cụ vừa nghe đến lời tôi,

Vừa vui vẻ vừa lời kính cẩn.

Rằng tôi chẳng phải là huệ nhãn,

Lúc nãy tôi thấy dáng người ông;

Tự nhiên tôi thồi thộp trong lòng,

1220. Cho rằng chẳng phải thường nhân đấy.

Chùa này biết bao người qua lại,

Tôi chưa hề kinh hãi một lần;

Nay thấy ông tôi khiếp tinh thần,

Có thể nói là lần thứ nhất.

Nãy giờ nghe ông phân đạo đức,

Tâm linh tôi đã mách không sai;

Như lời ông vừa nói trước đây,

Đâu có phải mỗi ai cũng nói.

Đầy bác ái ẩn sau tiếng gọi,

1230. Thật tình yêu nhơn loại đại đồng;

Nếu tăng ni đều cũng như ông,

Ai đâu dám đem lòng khinh dễ.

Tuy thân xác của ông son trẻ,

Nhưng tâm hồn già cả còn thua;

Tuy ba mươi năm ở nhà chùa,

Tôi rất thẹn rằng chưa bì kịp.

Cuộc gặp gỡ này đâu mấy dịp,

Xin ông vui lòng tiếp nói thêm;

Hôm nay dù có thức suốt đêm,

1240. Tôi vẫn chẳng thấy thèm buồn ngủ.

Già như tôi tợ cây héo rũ,

Gặp ông đây như có mưa vào;

Tôi có duyên với Phật dường bao,

Nay nghe đạo mai dầu có chết.

Ta ngồi nghe để sư nói hết,

Xong rồi ta mới tiếp thưa rằng:

Tôi cũng mang mình thịt xác trần,

Sư khen quá tôi không dám nhận.

Người thương người ấy là bổn phận,

1250. Có lạ chi khen tặng quá lời;

Tôi đem thân cống hiến cho đời,

Ấy cũng chỉ làm nơi bổn phận;

Kẻ làm sớm người thì làm muộn,

Đã là người ai chẳng thương nhau.

Thế cho nên giúp đỡ dường bao,

Cũng không thể tự hào chi được.

Lúc nào cũng mát là tánh nước,

Ấm tự nhiên là sức mặt trời;

Tuy giúp đời chẳng tưởng giúp đời,

1260. Ấy là bổn phận người phải biết.

Từ sanh tiền đến khi nhập diệt,

Phật há không xướng thuyết ấy sao;

Nếu tôi còn sống sót ngày nào,

Tư tưởng ấy vẫn rao truyền mãi.

Sư rằng thật là chơn bác ái,

Tư tưởng ông quảng đại vô cùng;

Có mà không không cũng vẫn không,

Gương soi vẫn mảy lông chẳng vướng.

Tưởng không tưởng mới là thật tưởng,

1270. Hưởng mà không thì hưởng mới chơn;

Nhận thức ông khác lối thường nhân,

Hiện tại đáng thay chân đức Phật.

Ta rằng: đạo vốn là sự thật,

Lấy đó làm trụ cốt nói ra;

Tất nhiên là chân lý không xa,

Cũng chẳng trái lời chư Phật dạy.

Bởi giả dối nên thường biến hoại,

Muốn được luôn tồn tại bất di;

Cần chặt gìn sự thật làm qui,

1280. Đặt trên cả sự gì huyễn ảo.

Đó là chỗ hướng về cửa đạo,

Muôn kệ kinh đều bảo như nhau;

Chính tôi không để vắng ngày nào,

Luôn để trí tâm vào sự thật.

Gần đây dẫu tiêu tan vạn vật,

Sự thật là sự thật không tiêu;

Đại khái là chỉ có bấy nhiêu,

Mong ai cũng tìm theo đến rốt.

Ngày nào còn kẻ chưa hiểu nốt,

1290. Nhà tu hành chưa hết việc tu;

Dù tuổi già sức yếu như sư,

Cũng hăng hái chớ ngơ bổn phận.

Mai dù chết nay luôn chỉ dẫn,

Lòng từ bi độ tận chúng sanh;

Gần tắt hơi còn để lời lành,

Xưa nay các Phật luôn thế cả.

Sư rằng rất lấy làm quí hóa,

Lời của ông nung dạ tôi thêm;

Dù ở chùa tôi chẳng ngồi êm,

1300. Thường đi lại để khuyên bá tánh.

Của cúng thí mỗi khi có thạnh,

Thường đem ra cứu cảnh dân nguy;

Cất nhà thương lập viện cô nhi,

Cất trường học hoặc xây cầu cống.

Các chùa khác lúa tiền dư đọng,

Chia nhau xài chẳng dụng cho ai;

Bỏ các điều xã hội ra ngoài,

Vì thế khiến nhiều người bất mãn.

Tôi đã đến tận nơi khuyên giảng,

1310. Cần phải lo cải chánh cho mau;

Cảnh chùa không phải chỗ làm giàu,

Chớ đội lốt nhà tu lợi dụng.

Tăng ni phải sống gần dân chúng,

Hưởng của đời phải dẫn dạy đời.

Hãy treo gương hiền đức tốt tươi,

Đừng giả dối bị người nhạo báng;

Sở dĩ bị nhiều người bất mãn,

Bởi tăng ni không đặng chơn tu.

Đành nhân hư chớ đạo bất hư,

1320. Nhưng chùa cũng tại sư mà vắng;

Chán sư, việc đi chùa bắt chán,

Một người làm cả đám mang nhơ.

Làm thế là không hợp Phật cơ,

Tu chẳng giúp ai nhờ tu dối;

Chỉ làm chướng mắt trong xã hội,

Đâu mở đường khai lối cho ai.

Nếu tăng ni cứ mãi thế này,

Cửa thiền sẽ không ai bước tới;

Ở chùa miễu không gìn luật giới,

1330. Nhìn người đời đâu khỏi hổ hang,

Và thiện nam tín nữ thập phang,

Đâu ai gọi là tăng sư nữa.

Chùa cũng chẳng phải nơi trốn nợ,

Chớ vào đây ăn ở yên thân;

Phải luôn luôn hoạt bát tinh thần,

Nêu cao cái tâm hồn tăng chúng.

Đủ phương tiện giúp vùa nhân chủng,

Chẳng ngại thân trong cảnh khó nào;

Thường ban vui cứu vớt khổ đau,

1340. Được như thế người nào chẳng mến.

Khắp đó đây tôi thường đi đến,

Chùa nào tôi cũng khuyến thế ni;

Bản ngã to như núi Tu Di,

Ít người chịu bỏ đi chuyện dối.

Mượn chùa để làm nơi thủ lợi,

Ai xem qua chẳng khỏi buồn lòng;

Lời Phật thì đáng kính đáng tôn,

Nhưng tăng chúng ít ông mến được.

Trào lưu mới cuộn như sóng nước,

1350. Lối tu hành cũ rít thế ni;

Chỉ làm cho người bắt hoài nghi.

Khó dắt họ qui y theo Phật,

Phải biết câu kiến cơ nhi tác;

Chớ không nên cố chấp một phương,

Tùy thời cơ dùng cách thích đương.

Để dắt chúng vào đường giác ngộ,

Không nên chấp đi đường thuỷ bộ;

Miễn làm sao tới chỗ được rồi,

Chiều uốn cho phù hợp thế thời.

1360. Mới không khiến cho người bỡ ngỡ,

Đời tiến bộ đạo cần tiến bộ;

Lửa cháy nhiều nước chữa phải nhiều,

Thuốc đầu thang thì chỉ bấy nhiêu,

Nhưng tùy chứng có nhiều gia vị.

Không làm thế bịnh không thể trị,

Theo ý tôi ông nghĩ thế nào?

Ta rằng lời sư đáng biết bao,

Thật là một nhà tu xứng đáng;

Sự phổ hóa tùy theo giai đoạn,

1370. Xem thời cơ không đặng chấp nê.

Miễn sao cho dân tỉnh cơn mê,

Dù phải dụng phương chi cũng được,

Kẻ đương khát mà không cho nước,

Lại cho tiền là ngược phải chăng;

Người cần tiền để giải khó khăn,

Lại đem nước đến dâng là trái.

Tùy trường hợp để mà đối đãi,

Chớ không nên chấp lấy một bề;

Khi lấy mê để độ người mê,

1380. Có vậy mới tiện bề dắt chúng.

Lời mới nãy của sư biện luận,

Nếu các chùa ai cũng làm theo;

Cửa thiền không đến đỗi mốc meo,

Bá tánh sẽ kéo nhau đến viếng.

Chẳng cản trở trào lưu dân tiến,

Giúp cho thêm phát triển tinh thần;

Giữa tăng ni với cả nhân dân,

Sẽ khắng khít không còn rời rạt.

Đâu hổ mặt là người tự giác,

1390. Và cũng không trái thuyết từ bi;

Miệng đời đâu còn kẻ khinh khi,

Ai thấy mặt tăng ni chẳng kính.

Từ lâu bị tiếng cho lừa phỉnh,

Sẽ tự nhiên được đính chánh ngay;

Kẻ vô thần cũng bắt nghiêng tai,

Huống hồ với những ai mộ đạo.

Nhà xã hội trên nền Phật giáo,

Sẽ làm cho trường cửu hòa bình;

Trí huệ dung hòa với tánh tình,

1400. Giữ vật chất tinh thần cân đối.

Tất sẽ thấy ở trong xã hội,

Con người lần trở lại tốt lành;

Những thói quen tự lợi tự sanh,

Sẽ đổi lại cộng vinh cộng lạc.

Không ai muốn cho ai phải thác,

Chia áo lành sớt bớt cơm ngon;

Toàn nhơn sanh cùng một tâm hồn,

Sống sáng suốt sống không nghèo đói.

Biểu hiện rõ khối tình nhân loại,

1410. Cũng không thua gì cõi Thiên Đàng;

Tinh thần ai cũng được minh quang,

Không ai có việc làm vô ý.

Lấy tâm chủ của đời sống trí,

Trong đời đâu còn kẻ ác nhân;

Nỗi bất bình giữa lớp chúng dân,

Lần lượt sẽ bình phân lại được.

Việc nói đức hay là nói phước,

Xét không ngoài công cuộc này đâu;

Rất mong rằng những kẻ sòng nâu,

1420. Nối liền được cây cầu xã hội.

Ngồi một chỗ luận câu phước tội,

Không đứng ra mưu lợi cho đời;

Sẽ không gây thiện cảm với người,

Dù nói mãi không ai nghe đến.

Huống có kẻ giỏi bề luận biện,

Đạo nơi thân không chuyện nào xong;

Mượn kệ kinh làm việc buôn rong,

Càng dễ khiến cho dân chúng ghét.

Nên bỏ hết những điều láo khoét,

1430. Phải thiệt tu và phải yêu dân;

Đi đúng lời cầu đạo xả thân,

Ở chùa phải cho chơn đạo hạnh.

Giữ nhân cách tốt hơn bá tánh,

Nói thế nào làm cũng thế ni;

Tránh đừng bôi lọ cửa từ bi,

Gương sáng của tăng ni nêu rõ.

Sư cụ chận lời ta liền tỏ,

Rằng lời ông dễ có mấy ai;

Luận biện theo tiếng nói thời nay,

1440. Nhưng phương pháp không sai căn bản.

Khéo gói ghém đầu đuôi chắc chắn,

Ai nghe qua cũng đặng hiểu ngay;

Quan niệm ông thật rất là hay,

Kết luận việc đạo đời là một.

Theo tôi tưởng nếu suy ráo rốt,

Đạo với đời là một không hai;

Nếu ai cho đạo ở riêng ngoài,

Đạo ấy dựa vào ai mà có.

Đời cho đạo là không dính mó,

1450. Hỏi do đâu đời có kết liên,

Thế cho nên đời đạo dính liền;

Như trái mặt không nên nói khác,

Thật ông rất là người hoạt bát.

Xin lỗi ông sự học đến đâu,

Ta thưa rằng: học chữ không sâu;

Học tai mắt chỗ nào cũng học,

Nhứt là học bằng nơi trí óc.

Mỗi ngày tôi mỗi học không ngừng,

Thường dạy tôi là cả chúng dân;

1460. Cả vật chất tinh thần đều học,

Sư còn nhớ câu: tâm là Phật.

Phật là tâm, trong các kinh chăng?

Nếu lấy tâm làm cái bổn căn,

Vô học cũng như hàng hữu học.

Phải hay quấy do tâm làm gốc,

Mọi việc chi cũng cốt tâm sanh;

Lấy tâm suy tất biết dữ lành,

Học không học không nên phân biệt.

Chỉ muốn biết hay không muốn biết,

1470. Ấy là điều cần thiết đấy thôi;

Mang thân người có đủ như người,

Khôn hay dại tùy nơi mỗi kẻ.

Nên lấy trí xét suy cạn lẽ,

Dùng chơn tâm làm chỗ y cư;

Thì dù cho có mấy hỏng hư,

Cũng nên được như người khác vậy.

Thật ra cũng vì nơi lẽ ấy,

Nhà tu hành cần phải nhắc cho;

Dựa vào tình nhân loại mà lo,

1480. Chớ không phải vì lo vụ lợi.

Sư gật đầu khi nghe đây nói,

Và bảo rằng: sành sỏi làm sao!

Trong biển đời có đủ thứ màu,

Không bị nhuộm thứ nào ít có.

Đủ phương tiện để mà tế độ,

Việc nói làm không chỗ hớ hênh;

Lấy chỗ hư đời để làm nên,

Thật không khác gì anh thợ khéo.

Nếu có kẻ được ông chỉ nẻo,

1490. Chắc chắn làm nên đạo chẳng không;

Thân đã già gối mỏi lưng cong,

Mà đạo lý chưa thông đến chỗ.

Nay hữu duyên cùng ông tương ngộ,

Vạch đường chơn chỉ rõ nẻo về;

Một lời ông giảng giáo cho nghe,

Sẽ tỉnh được giấc mê muôn thuở.

Tả sao hết được lòng mừng rỡ,

Đời của tôi còn có chi hơn;

Nay được ông vẹt gút mây trần,

1500. Mai dù có bỏ thân cũng được.

Sự học của ông vừa nói trước,

Đời ít ai học được như ông;

Học bề ngoài ít kẻ học lòng,

Lo nhánh lá chớ không lo gốc.

Gọi rằng học nhưng mà vô học,

Vô học mà học hết là ông;

Mỗi khi nghe và mỗi khi trông,

Chỗ nào cũng làm thành bài học.

Chẳng những thế còn trong trí óc,

1510. Vẫn luôn luôn tự học lấy mình;

Ấy là phương phản tỉnh hồi minh,

Ai cũng thế đâu sanh tội khổ.

Chẳng được vậy chính mình khó độ,

Đâu còn thừa sức để dắt ai;

Lời ông càng nghĩ thấy càng hay,

Rất quí hóa của thời văn vật.

Lối luận biện không sai sự thật,

Lời nói nào cũng rất tinh minh;

Không chấp kinh nhưng chẳng ngoài kinh,

1520. Thật là lối biến quyền rất khéo.

Có đủ cách uốn chiều tròn méo,

Dìu dắt người khỏi nẻo lạc lầm;

Nếu các tăng sư ở thiền lâm,

Hầu hết được như ông tất cả.

Tất mở rộng được cơ hoằng hóa,

Sẽ giúp cho nhiều kẻ hồi tâm;

Ta thưa rằng: tại chẳng muốn làm,

Việc tôi biết sư tăng đều biết.

Vì yếm thế hoặc không cương quyết,

1530. Nên không lo đến việc hoằng dương;

Cái lối tu tiêu cực tầm thường,

Vô tình đã đóng khuôn nhà đạo.

Ngồi một chỗ đợi chờ Phật đáo,

Không lo đi truyền giáo cho dân;

Quen lối tu độc thiện kỳ thân,

Trái với thuyết tế dân độ thế.

Lối tu ấy xưa nay thành lệ,

Nên cửa thiền càng bế hẹp lần;

Tôi rất mong khắp hết sư tăng,

1540. Nên theo lối tu hành tích cực.

Cần liên lết và nên tổ chức,

Bành trướng cho đạo Phật rộng ra;

Bỏ thói quen chùa họ chùa ta,

Cho đâu cũng một nhà Phật giáo.

Có trách nhiệm giữ gìn mối đạo,

Khi thấy sai nên bảo cho nhau;

Gương đạo mầu luôn được nêu cao,

Có thế mới kịp trào lưu tiến.

Thiếu đoàn kết thiếu dùng phương tiện,

1550. Tất nhiên không phát triển kịp thời;

Càng ngày càng bị chúng bỏ rơi,

Không phổ biến được lời Phật giáo.

Nếu muốn được mọi người biết đạo,

Phải gia công truyền giáo mỗi ngày;

Người này rơi người khác tiếp tay,

Như thế mới đạo khai rộng lối.

Tùy hoàn cảnh tùy theo xã hội,

Tùy dân tâm của mỗi thời kỳ;

Để ứng dùng phương pháp thích nghi,

1560. Sẽ khiến được người qui theo đạo.

Xem tánh người để mà chỉ bảo,

Bởi mỗi người nghiệp tạo khác nhau;

Phải dắt lần từ thấp lên cao,

Nhứt là tránh buổi đầu chớ vội.

Xem trình độ và xem phẩm giới,

Để dùng lời tương đối với người;

Chớ gặp ai cũng nói một lời,

Sẽ không hạp với người khác cảnh.

Tăng sư phải cho cao đạo hạnh,

1570. Để hiểu ra được tánh người đời;

Tất nhiên là sẽ dụng hợp lời,

Không chạm phải những nơi đáng tiếc.

Xem đến mạch chứng chi phải biết,

Mới cho toa phù hợp bịnh nhân;

Chứng không rành bịnh chẳng lành thân,

Nhiều khi hại bịnh nhân là khác.

Phải thật nghiệp chớ nên nói khoác,

Đừng để mù mà dắt kẻ đui;

Phật đã thành Phật mới độ đời,

1580. Tăng đã đạt mới lôi dắt chúng.

Lý không rõ nói bừa đâu trúng,

Nghĩa chưa thông luận bướng càng sai;

Thấu ngọn ngành nói dở mà hay,

Chưa căn cội nói hay mà dở.

Mê thấy khít nhưng mà trống hở,

Ngó như sai mà có sai đâu;

Thật mà quyền quyền thật rất mầu,

Không một cử động nào bất pháp.

Chưa khảy mỏ trứng không nên đập,

1590. Hột còn non gieo gấp không lên;

Nên làm hư, hư lại làm nên,

Nhà tu chớ nên quên điều ấy.

Sư ngó đây mắt không hề nháy,

Rằng thật là chơn lý tột vời;

Thế mới là tỉnh được người đời,

Muôn pháp chỉ một lời gồm cả.

Xin hỏi ông đường về Phật quả,

Nhà tu hành cần có những chi?

Ta rằng không nên có những gì,

1600. Mới có thể là qui Phật quả.

Sư rằng lời rất minh được dạ,

Xưa nay cùng chư tổ nhứt ngôn;

Sống ghi tâm thác gói theo hồn,

Lời châu dễ khách trần nghe được.

Gặp ông tợ cá mà gặp nước,

Mê dù bao cũng được tỉnh ra;

Vậy xin ông mở lượng hải hà,

Dạy thêm nữa cho già được biết.

Ta rằng có chi mà khẩn thiết,

1610. Tôi hiểu như sư biết từ lâu;

Lấy trong kinh chớ có khác đâu,

Nói việc của các sư thường tụng.

Đường bột có mà không chịu dụng,

Để bao lâu thì cũng bột đường;

Bánh nhiều màu nhiều thứ khôn lường,

Nhưng nguyên liệu vẫn đường với bột.

Số ngàn muôn cũng từ con một,

Nhánh lá nhiều nhưng gốc không hai;

Kinh để xem cho rõ vạy ngay,

1620. Không phải để tối ngày tụng luống.

Cứ chất đống trên bàn nhiều cuốn,

Chẳng chịu xem hiểu tận đuôi đầu;

Thì dù cho có tụng bao lâu,

Nghĩa lý của một câu không rọi.

Có khác nào như chim học nói,

Người nói sao nhái lại biết chi;

Chỉ làm cho tủi dạ từ bi,

Không nối được bước đi của Phật.

Phật đâu muốn nhà tu ẩn dật,

1630. Muốn vào xông ra đục cứu dân;

Luôn vui lòng vị nghĩa vong thân,

Tình yêu chúng sanh bằng tình mẹ.

Không hề sống thân mình riêng rẽ,

Vẫn sống chung với kẻ thập phương;

Nghe ai đau khổ biết lo lường,

Thấy ai dại khờ toan chỉ dắt.

Bất luận ai gặp cơn nguy ngặt,

Ra tay không để mắt nhìn suông;

Vui cùng vui buồn vẫn cùng buồn,

1640. Giữa bá tánh với mình như một.

Nghèo đến nỗi muối còn một hột,

Cũng cắn hai chia sớt cho nhau;

Đối người nghèo cũng thể người giàu,

Đều quí mến như nhau tất cả.

Chớ trọng giàu cúng nhiều hoa quả,

Đừng khinh nghèo chẳng có món chi;

Quí tâm hơn là quí vật gì,

Như vậy mới là sư chơn chánh.

Chẳng khiếp sợ người quyền lực mạnh,

1650. Không xem thường kẻ chẳng thế oai;

Mang xác trần ai cũng như ai,

Say hay tỉnh là nơi đáng kể.

Có tội lệ hay không tội lệ,

Ấy là nơi đánh giá con người;

Nhưng nhà tu đối với người đời,

Tội hay chẳng cũng vui dạy dỗ.

Vì ai cũng ở trong biển khổ,

Cần phải nên tế độ như nhau;

Càng thấy người có lắm khổ đau,

1660. Càng muốn cứu cho mau khỏi nạn.

Tóm tắt phải lấy lòng bình đẳng,

Đối đãi trong bá tánh thập phương;

Chớ biệt phân nhiều ít lòng thương,

Thế mới chẳng sai đường bác ái.

Rất mong các sư nên xem lại,

Kinh trên bàn tụng mãi từ lâu;

Xem chừng nào đạt lý cạn sâu,

Lúc đó sẽ tiện câu hoằng hóa.

Chớ ngồi mãi ở trong liêu xá,

1670. Hãy bước ra đi hóa độ người;

Làm cho người mê được tỉnh hồi,

Ấy bổn phận của người Phật tử.

Cuộc sống chết là nơi đại sự,

Cần lo mau do dự không nên;

Tuổi cứ già mặc kẻ nhớ quên,

Bóng trời chẳng đứng yên một chỗ.

Khi cần độ mà không lo độ,

Dịp lành qua rồi khó gặp ra;

Không riêng lo cho phận mình già,

1680. Lo kẻ khác cũng là sắp chết.

Họ còn sống mà không đến thuyết,

Đợi chết đi tụng nghiệp đâu tiêu;

Lúc mạnh không chịu dạy một điều,

Gần xuống lỗ mới kêu hành thiện.

Còn giờ đâu để mà tu luyện,

Niệm Phật không thể niệm đủ câu;

Ấy phải chăng việc đáng buồn rầu,

Nhà tu há chẳng lo âu tới.

Thêm lại gặp phải trào lưu mới,

1690. Dễ làm cho xã hội quay cuồng;

Kẻ xấu xa nhiều chẳng số lường,

Người trong sạch đếm không mấy kẻ.

 

Tác giả bài viết: Thanh sĩ Thích Huệ Duyên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 35
  • Khách viếng thăm: 34
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 8078
  • Tháng hiện tại: 268010
  • Tổng lượt truy cập: 59708027

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile