Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường giải thoát - Phần 2

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/12/2011 10:41 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Đường giải thoát - Phần 2

Đường giải thoát - Phần 2

Máy Đạo không xa xôi, Quay đầu lại thấy rồi; Thấy ra mau hay chậm, Là do sức tỉnh hồi. Thanh-Sĩ

Đường giải thoát - Phần 2

*****

Biết tự trị tất là tự độ,

Làm lành còn dữ bỏ không làm;

Dù cho lòng rất muốn ham,

Nếu là việc quấy cũng cam nhịn chừa.

Muốn thì cứ làm bừa không xét,

Trong mười điều hỏng bét chín điều;

Muốn điều lành chẳng bấy nhiêu,

592. Muốn điều hung dữ lại nhiều gấp mươi.

Cho nên mỗi một lời muốn nói,

Hoặc trước khi muốn khởi việc làm;

Phải cần hỏi lại lương tâm,

Xét coi việc có lỗi lầm hay không.

Gặp việc khó thấy lòng bối rối,

Riêng mình không hiểu nổi giả chơn;

Nên tìm hỏi bực hiền nhơn,

600. Chớ nên nhắm mắt đưa chơn đi càn.

Lỗi với người khó toan chuộc tội,

Lỗi với mình sửa cải dễ đâu;

Lỗi thân thân chịu dãi dầu,

Lỗi lòng lòng chịu âu sầu mê man.

Thân lao khổ bất an lòng dạ,

Lòng âu sầu thân thể mòn hao;

Không âu sầu chẳng khổ lao,

608. Lòng đừng để một phút nào rời thân.

Phải tu luyện tinh thần sáng suốt,

Cần dưỡng nuôi hạnh đức đủ đầy;

Cây cong uốn mãi cũng ngay,

Người hư mấy cố sửa hoài cũng nên.

Học hỏi vốn là nền trí thức,

Sách kinh là cái nút tâm linh;

Cần học hỏi, đọc sách kinh,

616. Giúp cho sức hiểu của mình rộng ra.

Lành kém trí như nhà thiếu cửa,

Hiền mà ngu như ngựa cái mù;

Hiền minh chớ để hiền ngu,

Lành thì lành trí chớ tu suông lành.

Tu có hành giá danh châu báu,

Tu không hành tiếng nhạo đá chai;

Tu hành cần được cả hai,

624. Trong hai thiếu một chẳng xài vào đâu.

Chớ học nói ít câu Hán tự,

Tự cho mình hay chữ là lầm;

Chữ đâu nghĩa đó cho thâm,

Chữ không hiểu nghĩa như câm khác nào.

Đức không tài như dầu thiếu lửa,

Tài thiếu đức như ngựa không cương;

Đức tài có đủ hai phương,

632. Lửa dầu gồm đủ, ngựa cương sẵn sàng.

Đạo có hạnh mới rằng học đạo,

Tu không hiền ai bảo là tu;

Cửa thiền nay quá mờ lu,

Do người giả đạo dối tu phần nhiều.

Đạo không hạnh là tiêu diệt đạo,

Tu làm hung là đảo ngược tu;

Mù còn có thể hết mù,

640. Tội lường gạt Phật dễ dầu gì tiêu.

Tội vô ý còn nhiều chỗ thứ,

Tội cố tình luật xử không tha;

Nếu tu không được thì ra,

Chớ mưu lấy đạo làm nhà buôn dân.

Tạo ngu dại hưởng phần ngu dại,

Làm ác gian lãnh cái ác gian;

Chạy Trời sao khỏi nắng chan,

648. Hại người mù tất phải mang kiếp mù.

Thù người bị người thù khó trốn,

Tổn hại người người tổn hại mình;

Nhân nào quả nấy công minh,

Người trong hạ giới chớ khinh lưới Trời.

Con ơi! Phật lập lời nói trước,

Đời hạ ngươn vô phước thì nhiều;

Nghiệp mê không những khó tiêu,

656. Họa sầu trái lại dễ chiêu vào mình.

Việc trả báo rất nhanh khó tưởng,

Sớm gây thì chiều hưởng không lâu;

Thần minh tuy chẳng thấy đâu,

Nhưng mà mọi việc đều tâu Ngọc Hoàng.

Tội đền tội bạc vàng khó chuộc,

Phước thì là gặp phước khỏi lo;

Công bằng Ngọc Đế cân cho,

664. Mảy lông không lọt chớ lo sai lầm.

Vừa mới nghĩ trong tâm chưa lộ,

Nhưng Thần minh đã rõ dữ lành;

Sức Thần hiểu biết rất nhanh,

Phàm gian chớ có vọng sanh điều tà.

Điều tà mặc dù là chỉ nghĩ,

Song cũng làm tâm trí lu mờ;

Khởi ra ý xấu ban sơ,

672. Diệt liền chớ để dây dưa lâu ngày.

Ý nghĩ xấu kéo dài bao độ,

Hành động tà càng lộ bấy nhiêu;

Hiểu rồi cương quyết trừ tiêu,

Chớ nên tha thứ nuông chiều vọng tâm.

Vọng tâm nếu chẳng làm yên lặng,

Ví dù ngồi bên cạnh Phật Đà;

Cũng không hề được thấy ra,

680. Bị tâm vọng nó làm lòa mắt đi.

Tâm vọng rất làm nguy hạnh đức,

Người tu hành chưa dứt vọng tâm;

Như ôm rắn độc mà nằm,

Thân kia không biết họa lâm lúc nào.

Tâm vọng dứt mới vào cõi Phật,

Vọng tâm còn khó nhập Niết Bàn;

Vọng tâm là gốc mê man,

688. Chúng sanh vì nó sáu đàng chuyển luân.

Lúc niệm Phật tâm thần xao xuyến,

Khi tham thiền lười biếng mỏi mê;

Thấy trong đầu óc nặng nề,

Ấy là ma nghiệp vỗ về đầu tiên.

Nếu ý niệm để nghiêng theo nó,

Thì đạo tâm từ đó lần phai;

Đến khi tới trước Phật đài,

696. Mà tâm vẫn loạn là ngày nguy cơ.

Phật không thể chỉ thờ lấy vị,

Thờ Phật là biểu thị lòng tin;

Lòng tin càng được chặt gìn,

Càng cao đức hạnh càng bình định tâm.

Không thờ Phật mà thầm tin tưởng,

Hơn thờ mà bỏ luống không tin;

Có tin mới biết sửa mình,

704. Không tin đâu bỏ hành trình xấu xa.

Tin là mẹ đẻ ra ngôi Phật,

Tin là thuyền cứu vớt chúng sanh;

Có tin thì mới có thành,

Thiếu lòng tin tưởng tu hành sao nên.

Tin tưởng mạnh tất bền ý chí,

Ý chí bền thì vị quả nên;

Không tin thì chí không bền,

712. Không bền chí sẽ không nên đạo mầu.

Việc càng khó càng sâu tin tưởng,

Tin tưởng sâu thì chướng ngại tiêu;

Tin là thứ phép cao siêu,

Sẽ làm như ý sẽ tiêu ma tà.

Tin tưởng Phật thì là gặp Phật,

Tin tưởng ma thì gặp quỉ ma;

Chữ tin đối với người ta,

720. Rất nên quan trọng lựa mà tin theo.

Tin tưởng vốn là điều cần thiết,

Nhưng phải nên suy xét kỹ càng;

Chánh đường khi thấy rõ ràng,

Chừng ni sẽ đặt lòng vàng tin theo.

Tin dễ dãi thường gieo ân hận,

Tin bướng càn lầm lẫn phần nhiều;

Không tin thì đạo không siêu,

728. Dễ tin quá cũng chẳng tiêu nghiệp trần.

Dễ tin tất tâm thần dễ động,

Dễ động tâm dễ móng sự trần;

Sự trần dắt được tâm thần,

Khác nào như bị thọt chân vào còng.

Sức tự chủ đã không còn nữa,

Quyền hành do sáu đứa giặc trần;

Tha hồ thỏa mãn nhục thân,

736. Tâm hồn cứ thế mê dần đi thôi!

Mạng sống chỉ là mồi thị dục,

Tâm hồn thì lệ thuộc xác thân;

Loay quay ở giữa ngục trần,

Lúc nào cũng sợ tử thần đến kêu.

Giàu cũng sợ mà nghèo cũng sợ,

Chủ cũng lo mà tớ cũng lo;

Những người chức trọng giàu to,

744. Vấn đề chết chóc sợ lo hơn nghèo.

Nhiều ham muốn thì đeo nhiều khổ,

Vọng tưởng luôn đâu có yên lòng;

Kẻ thì tốn của người công,

Kẻ dùng tài sức người dùng tâm tư.

Lo đến chết không như ý được,

Hết muốn nầy đến lượt muốn kia;

Mồ hôi nước mắt đầm đìa,

752. Mà lòng ham muốn nọ kia chưa vừa.

Kẻ được sớm thì trưa lại chết,

Người chiều nên bỗng mất sớm đi;

Lúc còn trẻ lại ngu si,

Chừng thông minh được là khi đã già.

Nhơn lọai chẳng ai mà thuận cảnh,

Chúng sanh không ai rảnh trong lòng;

Thế mà chẳng việc nào xong,

760. Chết rồi mà vẫn còn lòng nuối theo.

Bởi tiếc nuối giàu nghèo thương ghét,

Bởi tạo ra các nghiệp tiền trần;

Nên sau khi đã bỏ thân,

Đi theo nghiệp ấy chuyển luân lại liền.

Nghiệp lôi cuốn như ghiền bịnh rượu,

Khi thèm không ai rủ cũng đi;

Hôm qua say ngủ li bì,

768. Bữa nay say nữa dễ gì bỏ say.

Nghiệp thế phải đầu thai cõi thế,

Mến trần thì sanh đẻ nơi trần;

Quả sanh vì bởi có nhân,

Nếu nhân không có quả sanh bao giờ.

Trước cũng bởi vì nhơ bợn thế,

Nay mới rơi trong bể hồng trần;

Hiện thời nếu chẳng tu thân,

776. Sau nầy khó tránh khỏi phần đầu thai.

Tùy theo nghiệp mỏng dầy đã tạo,

Mà trí ngu bần phú khác nhau;

Nhưng dù khôn dại nghèo giàu,

Vẫn già vẫn chết vẫn đau khổ đời.

Những cái khổ hồi thời quá khứ,

Người đã quên thành thử không ghê;

Thật ra là một tràng mê,

784. Từ hồi vô thỉ kéo lê đến giờ.

Biết bao kiếp lên bờ xuống nước,

Khi thăng Tiên khi rớt lại phàm;

Lúc người lúc thú lam nham,

Kể sao hết cuộc thăng trầm tiền thân.

Khi thì phú khi bần tột hạng,

Lúc ấm no lúc chẳng áo cơm;

Khi ngói gạch khi lá rơm,

792. Lúc thì quan tướng lúc làm tù nhơn.

Kiếp thì bị treo thân lủng lẳng,

Kiếp thì ngồi chỏng cẳng ra oai;

Kiếp thì chết chẳng chôn thây,

Kiếp thì tống táng chật ngoài chật trong.

Khi thì xác trôi sông chập chã,

Khi thì thây tan rã giữa đồng;

Kể sao hết chuyện não nồng,

800. Của tiền kiếp khách trần hồng đã mang.

Kiếp làm gái chịu đàng đẻ chửa,

Kiếp làm trai con vợ đùm đề;

Khi thì trọn kiếp phu thê,

Khi thì bướm chán ong chê giữa chừng.

Có khi bị cùi phung xụi bại,

Có khi thì điên dại mù câm;

Sống không nhà cửa ăn nằm,

808. Lang thang đàng phố xin ăn qua ngày.

Có kiếp bị bọn trai lừa gạt,

Có kiếp thì bị thác vì tình;

Kiếp thì làm đĩ bán mình,

Kiếp thì cô quạnh trong tình cấm cung.

Khi thì được anh hùng vang vội,

Khi thì mang lấy tội phản thần;

Lúc thì quý tợ vàng cân,

816. Khi thì rẻ nát còn hơn con giòi.

Kiếp thì được người coi Vua chúa,

Kiếp thì ra thân đứa ăn mày;

Mới cười kế khóc chua cay,

Cứ như thế đó đổi thay không ngừng.

Như lời đã vừa phân đoạn trước,

Giàu nghèo do tội phước mỏng dầy;

Không cần phải hỏi nơi ai,

824. Tự mình suy cũng hiểu ngay thế nào.

Kiếp trước mở hồ bao bố thí,

Nên kiếp nầy địa vị giàu sang;

Kiếp nầy bỏn sẻn tham gian,

Kiếp sao đói khó nghèo nàn tả tơi.

Nghiệp dâm đãng sanh nơi đĩ điếm,

Nghiệp rượu chè sanh chốn tửu lâu;

Nói sơ kể chẳng hết đâu,

832. Nghiệp đâu sanh đó khó hầu đi sai.

Mới kiếp trước ghét cay ghét đắng,

Kế kiếp sau làm bạn làm chồng;

Luân hồi lộn bậy cõi hồng,

Khi cha khi mẹ khi chồng khi con.

Mới đời trước đánh đòn đứa ở,

Kế đời sau làm tớ bị đòn;

Chết rồi nhưng nghiệp vẫn còn,

840. Mạnh thì nở trước yếu tồn lại sau.

Cuộc luân chuyển chừng nào mới hết,

Nếu chúng sanh còn kết dây oan;

Ở trong ba cõi sáu đàng,

Như là giữa bãi chiến tràng khác chi.

Người biết giúp người thì ít có,

Người hại người thì số vô biên;

Tranh hơn ở kiếp hiện tiền,

848. Quên rằng tội ác còn truyền hậu lai.

Danh không chánh chỉ gây hậu hoạn,

Lợi bất nhân hưởng chẳng lâu dài;

Vui nay để chịu khổ mai,

Mà không nghĩ đến đời nay nhiều người.

Nay đắc thế chê cười hèn yếu,

Mai thất thời phải chịu cười chê;

Đời thường nay tướng mai hề,

856. Chớ nên hiếp đáp nhún trề một ai.

Lúc mạnh khá nhớ ngày yếu dở,

Khi giàu đừng quên thuở bần cùng.

Ở ăn giữ mực trung dung,

Sống không kẻ oán chết không người hờn.

Kẻ đã hiểu đâu chơn đâu ngụy,

Khá khuyên người chỗ mị chỗ không;

Chưa làm chỉ tính trong lòng,

864. Cũng là ảnh hưởng chớ hòng tính gian.

Thường nghĩ tốt có Thần phúc hộ,

Hay tưởng xằng bị họa Thần theo;

Họa Thần theo tất nạn eo,

Được thần phúc hộ thì tiêu tai nàn.

Lòng dạ ác có màn tối phủ,

Tâm tánh lành có lưới sáng bao;

Mắt thần khi ngó nhìn vào,

872. Tức thời biết rõ người nào hiền hung.

Màn tối phủ ma nung quỉ giục,

Lưới sáng bao Thần chúc Phật ban;

Quỉ ma nung giục thì tàn,

Phật Thần ban chúc thì an lạc đời.

Lòng lành dữ lộ nơi nhơn tướng,

Khách nữ nam đừng tưởng nằm yên;

Trong tâm vừa muốn mưa phiền,

880. Thì là ngoài mặt cũng liền kéo mây.

Phàm thấy sắc tướng ngoài còn biết,

Thánh xem còn thấu triệt đáy lòng;

Tâm không mà chẳng phải không,

Mười phương chư Phật đều trông thấy rành.

Tâm đổi dạng khi lành khi dữ,

Tâm biến thành lúc thú lúc người;

Ấy là tâm vọng của đời,

888. Nó thường theo cảnh mà dời đổi luôn.

Tâm vọng ấy nếu còn vọng mãi,

Thì chúng sanh còn phải chuyển luân;

Vọng tâm nếu được lặng ngưng,

Phàm nhân trở lại Thánh nhân tức thời.

Gốc tâm vọng do nơi cảm nhiễm,

Thói quen ưa đã chiếm trong lòng;

Lúc nào cũng muốn cũng mong,

896. Trong tâm đâu có vắng không lúc nào.

Thường vì quá ước ao thèm khát,

Nhiều khi gây thành giấc chiêm bao;

Lỗi lầm lúc thức phạm vào,

Đến khi ngủ cũng chiêm bao lỗi lầm.

Khi người để vọng tâm chi phối,

Thì tinh thần mệt mỏi tối đen;

Chỉ làm theo cái thói quen,

904. Xấu xa cũng mặc đê hèn cũng thây.

Thói quen khiến thường hay vọng tưởng,

Chưa vừa lòng vẫn muốn chưa thôi;

Thêm đời nhiều thứ cuốn lôi,

Càng làm ý muốn con người nhiều thêm.

Việc phước đức không thèm muốn đến,

Sự tà gian cứ mến theo luôn;

Xấu xa chẳng biết hổ buồn,

912. Biết bao kẻ bị điên cuồng lợi danh.

Thấy sắc đẹp động tình muốn lấy,

Nghe lợi to mong chạy đến giành;

Của ai thấy cũng mong manh,

Đến như của mẹ cha mình còn tham.

Cậy quyền thế lấy ngang lắm kẻ,

Dùng trí khôn chia xẻ nhiều người;

Muốn cho lấy được không thôi,

920. Dù ai oán ghét chê cười cũng trơ.

Biết rằng quấy không chừa chẳng bỏ,

Hiểu là sai cứ mó vẫn đeo;

Cố tình tội lỗi rắc gieo,

Lòng tham muốn lấy hiểm nghèo vô biên.

Lời lành có người khuyên không nhớ,

Việc dữ không ai trỏ chẳng quên;

Thói quen từ trước nổi lên,

928. Thường nghiêng theo dữ ít nghiêng theo lành.

Sự cảm nhiễm kết thành nhiều kiếp,

Cho nên khi gặp dịp nở liền;

Nghề nào kiếp trước đã chuyên,

Kiếp nầy nghề ấy người liền hiểu ngay.

Luân hồi có khi dài khi ngắn,

Có khi vừa chết đặng ít ngày;

Thì liền bị dắt đầu thai,

936. Làm người trở lại nhớ ngay kiếp người.

Nếu bị nghiệp sanh nơi cầm thú,

Sống theo loài rừng rú ngu đần;

Sau dù trở lại nhân thân,

Dễ quen tánh thú nhiều hơn tánh người.

Những tập quán hồi thời quá khứ,

Nếu như không cơ hội chạm va;

Thì là khó nổi nhớ ra,

944. Thói quen nằm mãi trong nhà nghiệp duyên.

Nếu ma quỉ sanh lên nhân loại,

Dễ cảm theo cái thói quỉ ma;

Chánh đường nếu chẳng xông ra,

Thì là dễ bị đường tà cuốn lôi.

Đã sanh được làm người rất quý,

Thường được nghe dạy chỉ tu hiền;

Gần đường về Phật về Tiên,

952. Không tu sau khó trở lên làm người.

Để sanh lạc vào nơi cầm thú,

Không được nghe khuyên nhủ lời lành;

Thì không được biết tu hành,

Tất còn chịu kiếp tử sanh lâu dài.

Nạn ấy lớn hơn tai nạn khác,

Cũng là điều hình phạt tối cao;

Để cho cửa thú lọt vào,

960. Giấc mê dài biết ngày nào tỉnh ra.

Giới ma quỉ cũng là đại nạn,

Kiếp sống như là ráng là mây;

Tiêu tan chẳng có hẹn ngày,

Thường cam đói khát giận gây trong lòng.

Tánh oán ghét đã xông cực độ,

Nên thường gây đau khổ cho người;

Không kiêng Phật chẳng kể Trời,

968. Khiến cho nghiệp ác càng bồi thêm cao.

Xưa kia có một trào Vua nọ,

Có một ông quan võ bất lương;

Mỗi lần đi đến thôn hương,

Bắt dân làng phải nộp lương nộp tiền.

Bò heo có phải khiêng đến nạp,

Có gái xinh phải dắt tới hầu;

Bắt dân làm việc ngựa trâu,

976. Lớp thì bị giết bị tù thảm thương.

Gặp già cả không nhường không kể,

Thấy tăng-sư chẳng lễ chẳng chào;

Rất là ngạo mạn tự cao,

Không tin quả báo chẳng nao tuần hườn.

Một hôm nọ sau cơn yến tiệc,

Bỗng nhiên ông thổ huyết chết đi;

Sanh làm ngạ quỷ tức thì,

984. Mặt mày xấu xí dị kỳ hình dung.

Cổ quá nhỏ vật không nuốt chạy,

Bụng thì to bằng cái bụng trâu;

Ngày đêm đói khát buồn rầu,

Vất vơ chẳng có chỗ nào ẩn thân.

Cơm vừa đút tới mồm thành lửa,

Nước ngậm vào miệng hóa dầu sôi;

Làm cho phỏng lưỡi cháy môi,

992. Chịu điều đau nhức tanh hôi suốt đời.

Trả quả lúc làm người tiền kiếp,

Nhưng thường không được biết tỉnh ra;

Ôm lòng oán hận sâu xa,

Càng làm cho kiếp quỉ ma kéo dài.

Con ơi! Lấy truyện nầy để biết,

Những hành tung tiền kiếp mất đâu;

Làm cho thiên hạ đau sầu,

1000. Là gây hậu quả độc sâu cho mình.

Quan ấy lúc sanh bình oai khí,

Khi thác rồi làm quỉ đói đau;

Người đời thử nghĩ thế nào,

Có nên ham thứ hùng hào ấy không?

Chỉ một lúc thỏa lòng ham hố,

Mà để cho đau khổ muôn đời;

Là điều nên nhịn con ơi!

1008. Ăn quen khó nhịn, nhịn thời cũng quen.

Có quả báo nên khuyên hướng thiện,

Không đáo đầu ai khuyến trừ tà;

Chết rồi tội mới thấy ra,

Chừng ni có hối cũng là muộn thay!

Chỉ sơ lược một vài nhân quả,

Cho người đời nhớ có trả vay;

Để mà uốn nắn cho ngay,

1016. Ngõ hầu tránh cái hậu lai bất lành.

Phải sáng suốt cứu mình thoát khổ,

Đừng ngu mê Tông Tổ lây sầu;

Nếu mình tu đắc đạo mầu,

Tổ Tiên cha mẹ cũng chầu Như Lai.

Trời một mặt sáng đầy thiên hạ,

Cầu một cây đưa cả muôn người;

Tu là việc lớn con ơi!

1024. Cứu cha mẹ được, độ người cũng xong.

Trái ngươn hạ đã hồng sắp rụng,

Mau chọn nơi gieo giống trường sanh;

Mê đời cặn bã hôi tanh,

Hại mình thì có, cứu mình thì không.

Đời chém giết vì lòng ghen ghét,

Đời lưu manh vì việc tham lam;

Có rồi mà vẫn còn ham,

1032. Ham tài ham sắc ham làm công danh.

Thấy người được còn mình không được,

Xô đẩy nhau bắt chước cho hơn;

Thường tranh cạnh việc bất nhơn,

Là đời hiện tại gọi tân phong trào.

Quá vật chất quơ quào bất kể,

Quá xa hoa tội lệ không kiên;

Đua nhau cướp lợi tranh quyền,

1040. Ấy là thế giới kim tiền ngày nay.

Con cái chẳng đoái hoài cha mẹ,

Vợ chồng không gìn lẽ ái ân;

Bội thầy phản bạn lừa dân,

Cảnh nầy đã diễn xa gần thiếu chi.

Chẳng đạo lý hơn gì chuối háp,

Không luân thường nào khác heo tơ;

Chuối không ruột chẳng ai nhờ,

1048. Heo lo ăn ngủ để chờ phân thây.

Đạo lý chẳng khác cây thước mộc,

Luân thường như là chốt với đinh;

Thước không nhà khó ráp thành,

Chốt đinh nếu thiếu thì hình rã mau.

Đạo lý trọng thế nào đủ biết,

Luân thường là cần thiết dường bao;

Ở đời bất luận người nào,

1056. Nên gìn đạo lý, nên trau luân thường.

Người hơn vật biết đường đạo lý,

Người giá cao nhờ nghĩ luân thường;

Dù cho thông thái phú cường,

Nếu không đạo lý luân thường đáng khinh.

Kẻ chỉ biết lo mình vinh hạnh,

Mặc cho ai sống cảnh khốn nàn;

Người đừng tưởng thế là ngoan,

1064. Gặp khi tối lửa tắt đèn kêu ai.

Giữa nhơn loại có dây quan hệ,

Việc lớn cho đến bé nhờ nhau;

Trong đời bất cứ hạng nào,

Tự mình cung cấp không sao hoàn toàn.

Ngay như cái thân đang sống đó,

Được sanh ra nhờ có mẹ cha;

Những điều phụ thuộc khác ra,

1072. Là nhờ tất cả người ta giúp vào.

Ơn cha mẹ làm sao chẳng nhớ,

Ơn mọi người há nỡ đành quên;

Dù sao cũng rán đáp đền,

Mới không hổ phận sanh lên làm người.

Được lành chớ khinh cười kẻ rách,

Được sang đừng kiêu cách người hèn;

Không nên phân biệt lạ quen,

1080. Thấy ai mắc nạn nên chen giúp giùm.

Mình được sống thì cùng người sống,

Mình được vui giúp chúng đồng vui;

Ở ăn mật thiết với người.

thơm tho ấy còn mùi nào hơn.

Cuộc sống của thế trần hiện tại,

Cũng cần nên sửa cải như trên;

Giàu nghèo nâng đỡ nhau lên,

1088. Bỏ đi cái lối sống riêng cho mình.

Ai cũng biết mở tình rộng rãi,

Nạn dân nghèo sẽ giải quyết xong;

Những điều cướp của lường công,

Không còn nghe thấy ở trong xóm làng.

Tình bác ái người càng biết rộng,

Cảnh thái bình càng chóng hiện ra;

Nếu tình bác ái còn xa,

1096. Thái bình cảnh ấy cũng là còn lâu.

Những gì chúng đang sầu khổ nhứt,

Không nói ra cũng được biết rành;

Thiếu no ấm thiếu hòa bình,

Là điều thế giới hiện tình thiết tha.

Kẻ thiện chí nhìn qua thế sự,

Không khỏi lòng tư lự đau buồn;

Dân sanh rối tợ chỉ cuồn,

1104. Chưa xong nhơn họa, kế đường thiên tai.

Mới lụt bão chỗ nầy chưa dứt,

Kế xảy ra động đất chỗ kia;

Đói đau chết chóc chia lìa,

Nhơn-sanh đang lúc đầm đìa thiên tai.

Nạn Trời khắp đông tây gieo rắc,

Thêm nạn người Nam Bắc hoành hành;

Chỗ nầy chưa dứt chiến tranh,

1112. Kế nghe chỗ nọ khởi hành binh đao.

Thảm với khổ kể sao cho hết,

Sống khó khăn còn chết dễ dàng;

Nhìn vào khắp cảnh nhơn gian,

Lao đao chẳng khác như thoàn gặp giông.

Nếu kẻ có tấm lòng bi mẫn,

Không khỏi lo cầu khẩn hòa bình;

Thương người như thể thương mình,

1120. Không hề muốn việc đao binh khốn nàn.

Hoa thế giới sắp tàn mai mốt,

Bướm ong còn châm đốt mỗi ngày;

Giết nhau nếu chẳng dừng tay,

Sẽ làm mạng sống nhơn loài ngắn thêm.

Nên tha-thứ chớ hềm thù nữa,

Hãy nhất tâm đừng ở hai lòng;

Giúp người, người sẽ trả công,

1128. Hại nhơn, nhơn hại chớ hòng hại ai.

Sự báo ứng đời nay rất chóng,

Quả đã gieo sắp rụng tới nơi;

Trốn người chớ khó trốn Trời.

Chết thì chịu chớ phạm nơi tội tình.

Con ơi! Cảnh bình minh thấy được,

Phải trải qua một cuộc tối đen;

Ngủ quen còn thức không quen,

1136. Hồn đi theo lớp tối đen nhiều người.

Kẻ tỉnh được gặp trời sáng tỏ,

Người mê luôn theo lộ âm cung;

Thử ra mới biết hiền hung,

Không đem chọn lọc Tiên Rồng như nhau.

Chưa gặp lửa vàng thau một sắc,

Đốt ra rồi hai chất khác nhau;

Vàng thì trước cũng như sau,

1144. Còn thau thì lại sắc màu đổi luôn.

Khi thạnh lắm người thương kẻ mến,

Lúc suy không ai đến ai thăm;

Dễ dàng thay đổi lương tâm,

Nhìn vào thế thái ngán ngầm lòng son.

Lúc mới mẻ thì còn hăm hở,

Khi cũ càng chẳng ngó ngàng vào;

Lòng người phai lạt rất mau,

1152. Tu hành như thế chừng nào cho nên.

Cần phải biết ơn đền nghĩa trả,

Cần phải gìn chí cả lòng son;

Nguyện tu thì phải tu tròn,

Mặc dù sống chết mất còn chẳng nao.

Đạo cao có chí cao tương xứng,

Như buồm to gió lớn thổi xuôi;

Đường về mau chóng đến nơi,

1160. Móng tay chưa nhọc là ngồi Tây Phương.

Tác giả bài viết: Thanh sĩ Thích Huệ Duyên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 62
  • Hôm nay: 15199
  • Tháng hiện tại: 215530
  • Tổng lượt truy cập: 59655547

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile