Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thần cơ thật luận - Phần 3

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/12/2011 10:48 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Thần cơ thật luận - Phần 3

Thần cơ thật luận - Phần 3

Máy Đạo không xa xôi, Quay đầu lại thấy rồi; Thấy ra mau hay chậm, Là do sức tỉnh hồi. Thanh-Sĩ

Thần cơ thật luận - Phần 3

***

Tánh ích kỷ dẫn đầu tham ác,

Thường làm cho thân thuộc phân ly;

Tớ bất trung con lỗi đạo nghì,

Bạn phản bạn cũng vì ích kỷ.

Còn có biết bao trò quỉ mị,

Cũng do lòng ích kỷ gây ra.

Làm cho người quên việc xấu xa,

1080. Bị ô nhục cũng là ích kỷ.

Lấy nhân quả để mà suy nghĩ,

Thấy rằng lòng ích kỷ đáng kinh;

Hiện tại làm cô độc đời mình,

Sau còn phải trở lên theo của.

Đời nọ qua, đời kia tới nữa,

Làm mọi cho tiền của mỗi đời.

Không kiếp nào lòng được thảnh thơi,

Tánh ích kỷ làm người ràng buộc.

Dịp giải thoát nhiều lần bỏ huốt,

1090. Cũng là do lòng ích kỷ sanh.

Cứ bo bo tài sắc lợi danh,

Cho đến lúc tử thần đến dắt.

Tánh ích kỷ làm mù tai mắt,

Làm bướng càng chất ngất tội sầu.

Hưởng một thời nào có được lâu,

Mà mưu việc tội sâu tợ biển.

Của thế gian tâm trần quá nghiện,

Nên quên suy đến chuyện ngày mai.

Biết họa tai mà vẫn vui say,

1100. Cho đến phút thở dài chưa hối.

Từ vô thỉ tới nay vẫn tội,

Đã làm cho quen lối hồng trần.

Rất ít người đủ sức trở chân,

Phần đông cứ đi luôn đường khổ.

Dù rằng các Phật từng dạy dỗ,

Kẻ tin theo thì có mấy người.

Còn phần đông chẳng chịu nghe lời,

Nên cảnh khổ trên đời càng lắm.

Nay cuộc thế như thuyền chở khẳm,

1110. Nổi gió giông bị đắm dễ dàng.

Không nghe lời của Phật khuyên can,

Việc trần cứ đeo mang lụy kiếp.

Tánh ích kỷ biết bao khủng khiếp,

Đã kể trên nên xét tận cùng.

Muốn không còn sanh cõi lao lung,

Phải dẹp nó chớ lòng ôm ấp.

Việc phước đức hãy nên làm gấp,

Đường chơn tu luyện tập ân cần.

Sự nhọc nhằn chớ quản nại thân,

1120. Thì nhứt định biển trần tát cạn.

Lòng tu sớm chiều không để lảng,

Phật Tây Phương sẽ giáng đầu giường.

Lời cao siêu Phật pháp tỏ tường,

Tự nhiên mở rộng đường Cực Lạc.

Muốn hiện tại trở nên Bồ Tát,

Lời trên đây chạm khắc vào lòng.

Các nhiễm ô gội rửa sạch không,

Chỉ còn nguyện đầy lòng cứu độ.

Gặp những kẻ lâm vòng đau khổ,

1130. Dùng tiện nghi cứu độ cho an.

Vạch rõ đường đi đến Tây Phang,

Để cho khách thế gian tìm đến.

Nếu có kẻ việc trần quá mến,

Chẳng những không nghe đến lời khuyên.

Trái lại còn nhạo báng khùng điên,

Cũng không bỏ cứ khuyên nhủ mãi.

Với ai cũng từ bi quảng đại,

Tìm cách khuyên trở lại đường lành.

Dù cho thân phải chịu hy sinh,

1140. Cũng vui vẻ hiến mình cứu thế.

Đạp gai gốc sỏi sành bất kể,

Miễn lấp xong được bể khổ đời.

Khiến cho ai cũng được thảnh thơi,

Không còn kẻ sống đời lao lý.

Hoàn toàn dứt sạch lòng ích kỷ,

Chỉ nhứt tâm lo nghĩ cứu dân.

Vẫn sẵn sàng vì đạo hiến thân,

Đó mới thật tinh thần Phật giáo.

Lúc nào cũng thật hành chánh đạo,

1150. Treo cao gương hòa hảo cho đời.

Khiến thiện nam tín nữ khắp nơi,

Soi theo đó để hồi tỉnh lại.

Truyền bá mạnh mẽ tình bác ái,

Quyết làm cho thế giới hòa bình,

Không còn nghe tiếng động đao binh,

Khắp nhân loại hiền lành như một.

Đời nhơ xấu đổi ra đời tốt,

Làm cho người ngu dốt được thông.

Việc từ bi chẳng phải nói không,

1160. Mà là phải thật hành rõ rệt.

Vì việc lớn của đời sống chết,

Vì việc lo giải thoát hồng trần,

Nên cố truyền Phật pháp xa gần,

Để cho khắp nhân dân tỉnh ngộ.

Chơn Phật tử đầy lòng hóa độ,

Chẳng hề nao gian khổ đời mình;

Lòng từ bi cùng Phật một tình,

Vì sanh chúng hy sinh tất cả.

Đời với đạo đâu là thật giả,

1170. Tại sao cần hối quá tu hành.

Giải thích cho người được biết rành,

Hầu có đủ lòng tin đạo lý.

Kêu gọi mãi chẳng bao giờ nghỉ,

Để cho người chăm chỉ tu hiền;

Ở tại gia như ở chùa chiền,

Được nhứt trí cần chuyên đạo đức.

Cùng nhau biết đồng tâm hiệp lực,

Kẻ thì cày người cuốc nuôi nhau.

Làm cho đời sống bớt khổ lao,

1180. Là công việc người tu phải nghĩ.

Cố gắng dẹp được lòng ích kỷ,

Tình nghĩa xong đạo lý cũng xong,

Hợp nhau làm chi cũng thành công,

Sự chia rẽ cũng không sanh được.

Làm phước chẳng tự cho rằng phước,

Giúp người không nghĩ giúp là công.

Người đền ơn đáp nghĩa chẳng mong,

Là nhờ dứt sạch lòng ích kỷ.

Cần là giúp chớ ơn chẳng nghĩ,

1190. Thiếu là đem bố thí rồi thôi.

Như thế là mới thật thương người,

Tâm ấy mới giống nơi tâm Phật.

Tâm Phật vốn là tâm chơn thật,

Thật từ bi thật bác ái tâm.

Vớt chúng sanh khỏi biển luân trầm,

Sự ân ích không cần ai đáp.

Mẹ thấy con bịnh tình nguy cấp,

Lòng thương lo đến mất ngủ ăn,

Lo thuốc men cơm áo lăng xăng,

1200. Muốn con mạnh chớ ân đâu kể.

Phật đối với chúng sanh cũng thế,

Thương chúng sanh như mẹ thương con,

Cứu độ cho thống khổ không còn,

Ngoài ra chẳng còn mong chi khác.

Độ đời đến đỗi quên khổ xác,

Lòng từ-bi không thước nào đo.

Lo chúng sanh chớ chẳng riêng lo,

Tánh ích kỷ thật là hết cả.

Mối đạo Phật trở nên rời rã,

1210. Cửa thiền môn vắng kẻ vãng lai,

Cũng vì lòng của khách mặn chay,

Quá giả dối, quá đầy ích kỷ,

Lời Phật pháp hoàn toàn chơn lý,

Người lại thêm nhưn nhị cho hư,

Dắt nhau đi trái ngược lòng từ,

Làm cho kẻ ngoài đời chán ngán.

Cần phải sửa lại cho chánh đáng,

Chớ nên đem treo bảng lừa đời.

Phật dạy sao thì phải y lời,

1220. Mới không thẹn là người học đạo.

Phật vì thấy chúng sanh khổ não,

Mới đem truyền chánh đạo cứu an,

Đâu phải vì muốn lập giàu sang.

Người chớ lấy đạo làm lợi khí.

Những kẻ tu còn lòng ích kỷ,

Chán đời lo ẩn sĩ tu thân.

Không để lòng lo việc cứu dân,

Tu như thế cũng không thật đúng.

Huống chi hạng chỉ lo lợi dụng,

1230. Lại càng không thể nhận là tu.

Sở dĩ nền Phật giáo mờ lu,

Là do những kẻ tu dối ấy.

Khắp thế giới chùa chiền đầy dẫy,

Thật tu hành có mấy người đâu;

Làm cảnh chùa mất nghĩa cao sâu,

Thành ra chỗ để cầu tài lợi.

Sai lầm ấy nhiều người biết tới,

Vẫn để nguyên không đổi sửa ra,

Khiến cho nguồn chân lý sâu xa,

1240. Lần lần biến thành ra mê tín.

Phải hợp lại để mà chấn chỉnh,

Cho cảnh chùa giống cảnh Tây phương,

Để người đời lấy đó làm gương,

Bỏ hung ác theo đường lương thiện.

Ở chùa phải lo bề tu luyện,

Đã xuất gia chớ luyến hồng trần.

Ăn của dân phải cứu độ dân,

Mới là đúng tinh thần nhà Phật.

Đã vào đó phải cho thành thật,

1250. Đúng đắn nhà đạo đức tu hành;

Mặc thế gian danh lợi cạnh tranh,

Lòng mình chẳng còn ganh việc thế;

Cố tịnh niệm cho khai trí huệ,

Đem lời kinh tiếng kệ khuyên đời;

Dùng từ ngôn cảm hóa khắp nơi,

Như vậy mới thật người Phật tử.

Khi ngoài thế thì làm hung dữ,

Đã vào chùa thì phải hiền lành.

Chùa chiền là nơi để tu hành,

1260. Đâu phải chỗ để dành làm dữ.

Đã được tiếng là nhà Phật tử,

Thì phải làm các sự từ bi;

Cách ở ăn theo đúng luật nghi,

Mới khỏi tiếng xầm xì nhạo báng.

Đời có đủ thiên hình vạn trạng,

Để làm cho mù quáng sai lầm,

Nhà tu hành cần phải trì tâm,

Thì mới khỏi bị làm sa ngã.

Các tập nhiễm từ lâu trong dạ,

1270. Nếu người chưa phóng xả hoàn toàn,

Dù trải qua đến mấy thời gian,

Có dịp nó cũng hoàn trở lại.

Lần sau sẽ phạm nhiều gấp mấy,

Hơn lần đầu đã phải phạm vào.

Cho nên lòng ô nhiễm trần lao,

Trừ sạch chớ mảy nào để sót.

Ruồi lằng nó hay ưa đồ ngọt,

Lòng người thường mến việc trần duyên.

Người tu không đủ sức nhẫn kiên,

1280. Thì sẽ bị đảo điên tâm chí.

Gặp thử thách nếu không suy nghĩ,

Thì mười người sẽ bị hết mười;

Suy nghĩ là ngọn đuốc của người,

Tiên Phật cũng nhờ nơi suy nghĩ.

Người mà được biết điều liêm sỉ,

Ấy là do suy nghĩ phần nhiều.

Nếu tiến thêm một bước cao siêu,

Tất nhiên được trọn điều từ thiện.

Dựa chơn lý để mà suy biện,

1290. Người chớ nên nghĩ chuyện hoang đường,

Mới khỏi điều mình lịch chê lươn.

Chơn lý vốn là gương đối chiếu.

Sự tà chánh khi mình chưa hiểu,

Thường làm cho lẹo nhẹo trong tâm.

Nếu muốn cho khỏi sự sai lầm,

Lấy chơn lý ra phân thì đúng.

Nắm chơn lý thì không lúng túng,

Chẳng bị ai lợi dụng đường tà,

Và mình không thể dối người ta.

1300. Được siêu thoát cũng là nhờ đó.

Đường chơn lý nếu người hiểu rõ,

Thì không còn tin bạ làm càng.

Việc của mình hay của thế gian,

Đều căn cứ ở trên sự thật.

Đúng sự thật chẳng bao giờ mất,

Nó xưa nay vẫn một mà thôi.

Đem nó ra giải quyết sự đời,

Đâu đó sẽ đến nơi viên mãn.

Lấy sự thật ra làm căn bản,

1310. Thì đạo đời xử đoán công minh.

Không bị điều tà kiến làm chinh,

Nó giúp kẻ tu hành chín chắn.

Vạn vật dưới bóng trời mọc lặn,

Có vật nào mà đặng thật đâu.

Bị tiêu mòn hoặc sớm hoặc lâu,

Không có một vật nào tồn tại.

Phải tìm chỗ trường sanh bất hoại,

Chớ ngồi đây chịu mãi tử sanh.

Kiếp người đầy giả dối hôi tanh,

1320. Xem như thật mà không phải thật.

Xác thân của người còn phải mất,

Thì trong đời có vật nào còn.

Biết vật chi rồi cũng tiêu mòn,

Cứ đeo đắm là không sáng suốt.

Nên mở hết sự đời trói buộc,

Để làm cho rảnh kiếp vô thường.

Sống lâu dài như Phật Tây Phương,

Thân ấy mới là thân chơn thật.

Thân hiện tại có ngày phải mất,

1330. Bởi nó là giả chất cấu thành.

Đâu bằng thân sen báu thai sanh,

Vô số kiếp thơm lành bền bỉ.

Như các Phật xưa nay đã chỉ,

Trong giả thân có cái chơn thân.

Chúng sanh nên định tỉnh tâm thần,

Sẽ tìm thấy chơn thân ấy được.

Trong chất ướt tất nhiên có nước,

Trong cành cây có chất bông hoa.

Trong giả thân của kiếp người ta,

1340. Có thân thật rán mà tìm lấy.

Bỏ thân giả, thật thân khó thấy,

Phật khi xưa cũng phải dùng thân.

Thân ví như thuyền để làm chân,

Đưa sanh chúng qua sông mê khổ.

Nơi bến giác khi thuyền đã đỗ,

Người bước lên thuyền bỏ lại sông.

Nếu người còn đang ở giữa dòng,

Bỏ thuyền tất là không tới bến.

Dùng thân chớ lòng không chấp mến,

1350. Nếu mến thân, mến đến sự đời.

Sẽ làm cho các nghiệp không rời,

Tất phải bị luân hồi để trả.

Nếu thế chẳng bao giờ thong thả,

Cứ đầu thai chịu quả khổ luôn.

Nên việc đời muốn được gỡ suông,

Thân chớ mến nên dùng cho khéo.

Khéo dùng thân để mà mở nẻo,

Đưa hồn về đến cõi Niết Bàn,

Và lo toan cứu giúp nhơn gian,

1360. Sớm khỏi cảnh lầm than đói khó.

Cứu được kẻ dù thân phải bỏ,

Cũng vui lòng chẳng có ngại ngần.

Không lúc nào chẳng nghĩ đến dân,

Đó mới thật tâm hồn Phật giáo.

Kẻ khổ não như mình khổ não,

Hết lòng đem cơm áo giúp cho.

Thấy mắc nàn lòng biết thương lo,

Lương tâm của người tu phải thế.

Cảnh lao khổ có vô số kể,

1370. Phải có lòng cứu tế vô biên,

Thì mới mong độ khách trần duyên,

Qua khỏi cảnh đảo điên tai khổ.

Muốn thật hiện được lòng đại độ,

Trước nhứt là phải bỏ tiểu tâm.

Kế đó là phải độ lượng thâm,

Mới áp dụng từ tâm đúng chỗ.

Lúc làm gỗ cho đời chạm trổ,

Lúc thì làm búa bổ vào tường.

Khi nhu hòa khi phải cang cường,

1380. Cần phải biết tùy phương hóa độ.

Hoặc dùng khổ cứu người nghèo khổ,

Hoặc dùng sang để độ giàu sang.

Hoặc dùng dân để tỉnh thức quan,

Hoặc dùng lấy quan quyền tế thế.

Cứu được kẻ nào đâu phải dễ,

Thiếu hy sinh không thể giúp đời.

Lại phải còn tùy cảnh tùy thời,

Đặt phương tiện đến nơi đến chỗ.

Người đang khát đem dầu mà đổ,

1390. Thì chỉ làm cho họ bất bình.

Cách khuyên tu không hợp cảnh tình,

Sẽ khiến kẻ không tin tưởng đến.

Muốn độ chúng không làm chúng mến,

Tất họ không vui đến qui y.

Cần phải làm cho chúng kính vì,

Thì họ mới chịu theo qui Phật.

Gặp những kẻ chưa thông đường đất,

Trong lòng còn ngờ vực dẫy đầy,

Khó làm cho họ tỉnh phút giây,

1400. Mà cần phải nhiều ngày khuyên nhủ.

Có lắm kẻ quá mê giấc ngủ,

Tiếng trời gầm chưa đủ giật mình.

Đối với người say đắm phàm tình,

Nghe vài bận kệ kinh khó tỉnh.

Phải tha thứ phải đầy nhẫn nhịn,

Phải bền lòng phải tính dẻo dai,

Kêu gọi hoài dù kẻ mấy say,

Chắc chắn sẽ có ngày tỉnh được.

Lời Phật pháp như là mưa nước,

1410. Tâm trần mê nào khác lửa đồng.

Mưa nhiều thì lửa tắt chẳng không,

Chớ thấy lửa minh mông mà chán.

Lời Phật pháp là lời chánh đáng,

Tâm trần mê là chẳng thật tâm.

Chánh đáng thì sẽ thắng sai lầm,

Lời Phật sẽ thức tâm mê được.

Lấy gươm trí ra mà xông lướt,

Cứu người trong trận giặc mê si,

Để hoàn thành chí nguyện từ bi

1420. Như là Phật Mâu Ni thuở trước.

Đời như cá ao gần cạn nước,

Hiện thời không phải lúc chần chờ.

Nên tùy phương giục thúc từ giờ,

Kẻo không kịp thời cơ biến chuyển.

Nào nội biến nào là ngoại biến,

Kẻ thì lên người xuống lăng xăng.

Lắm đổi thay lắm sự khó khăn,

Người xúm trói nhau hơn là mở.

Tai trời đã không phương cạy gỡ,

1430. Thêm nhơn tai nhiều chỗ gây ra.

Cõi hồng trần là bãi tha ma,

Cứ chôn xác người ta không ngớt.

Sự hung ác của người nếu bớt,

Thì nạn tai tất được giảm đi.

Các sầu ưu khổ ách chi chi,

Hầu hết tại người qui tập nó.

Xưa nay vẫn cứ như thế đó,

Tự người làm đau khổ cho người.

Có nhiều người biết rõ mười mươi,

1440. Lòng cũng vẫn đua bơi việc ác.

Làm dữ chẳng những thân hình phạt,

Mà linh hồn cũng lạc luân thêm.

Người chết rồi đâu phải là êm,

Còn tiếp tục chịu thêm đau khổ.

Lăn lộn mãi ở trong mê lộ,

Phải gánh mang vô số cực hình.

Bao nhiêu điều tội ác của mình,

Nó đều biến ra thành địa ngục.

Nào là chảo dầu sôi ùn ục,

1450. Nào là giòi lúc nhúc thay cơm

Nào là rừng đau kiếm lơm chơm.

Nào là núi lửa phừng phừng cháy;

Ác thú có biết bao nhiêu loại,

Yêu tinh không còn thiếu mặt nào;

Đít bàn chông đầu chậu máu đào,

Đủ thứ quỉ đầu trâu mặt ngựa:

Con thì vác búa to ra bửa,

Con thì mang gậy chỉa ra đâm,

Con thì đem dao lớn đến bầm,

1460. Con thì cố xé làm hai thỏi,

Con móc mắt con lo cắt lưỡi,

Con rút gân con thẻo lột da.

Cảnh hãi hùng không chỗ hở ra,

Còn nhiều nữa khó mà kể hết.

Khổ khi sống khổ sau khi chết,

Khổ hồn linh khổ xác thân trần,

Chúng sanh luôn chịu khổ không ngừng,

Cũng vì bởi nguyên nhân tội ác.

Nếu không sớm mở đường giải thoát,

1470. Quỉ vô thường đến dắt hết mong.

Chốn ngục hình bị ném vào trong,

Chừng đó dẫu hối không thể kịp.

Hiện thời rán chừa xong ác nghiệp,

Việc thiện lương nên tiếp tục làm.

Dù khó khăn cũng rán gìn kham,

Mối đạo pháp cứ phăng đi tới.

Rèn lòng chớ để cho phạm giới,

Kiểm điểm từ lời nói việc làm,

Những điều còn ô trược tục phàm,

1480. Thì nhứt quyết trì tâm sửa chữa.

Lo đạo đức như lo cơm bữa,

Nhớ Phật như mẹ nhớ con cưng.

Tất nhiên không còn tạo nghiệp trần,

Cảnh Phật sẽ đặt chơn vào được.

Từ làm tội đổi ra làm phước,

Chỉ cách nhau ở chỗ quyết tâm.

Đâu phải là cách trở xa xăm,

Mà sanh chúng bảo rằng khó đổi.

Việc làm phước hay là làm tội,

1490. Đều tại mình không phải tại ai.

Nếu muốn tu thì cứ tu ngay,

Chớ đừng có đợi mai đợi mốt.

Lòng cương quyết dù ai muốn cột,

Cũng không làm sao buộc được mình.

Nếu người tu có đủ đức tin,

Sẽ thắng được cảnh tình trắc trở.

Lòng tin tưởng vốn là cơ sở,

Tin tưởng càng mạnh mẽ chừng nào,

Mục đích càng sẽ được tới mau,

1500. Không ai có thể nào xô ngã.

Tin tưởng mạnh đạo mau đắc quả,

Đạo có tin mới có thể tu;

Tu không tin thì đạo mờ lu;

Đạo tin mạnh lỗi nào cũng bỏ.

Tin biết xét là tin sáng tỏ,

Tin không suy tin đó tối tăm.

Tin tưởng là căn bản đành rằng,

Không suy xét tin càng nguy hiểm.

Vì đạo chánh thì là rất hiếm,

1510. Còn đạo tà khỏi kiếm cũng ra.

Nếu tin càn dễ lạc đường ma,

Rất khó được sang qua cõi Phật.

Phải suy xét cho tường sự thật,

Thật chơn tu thật đức từ bi.

Thật là đường giải thoát mê ly,

Chừng ấy sẽ qui y tin tưởng.

Thấy linh nghiệm rồi tin càn bướng,

Thấy hay ho rồi muốn theo đi,

Chánh hay tà không chịu xét suy,

1520. Tin như thế làm nguy hại kiếp.

Lọt vào lưới mới quày sao kịp,

Mắc bẫy rồi muốn dứt sao ra.

Để lòng tin lầm lạc đường tà,

Hồi tỉnh được thật là rất khó.

Nên cần phải nhắc cho lớn nhỏ,

Đối sự chi cũng chớ tin càn.

Phải dò sau xét trước đàng hoàng,

Thật chánh đáng rồi tin mới vững.

Bị lầm lạc chỉ trong một bận,

1530. Đủ làm cho thân phận đảo điên.

Lầm của tiền có thể tạo nên,

Còn lầm mạng không phương lấy lại.

Tin đúng chỗ phước lưu vạn đại,

Tin sai đường di hại thiên niên.

Sự tin là quan trọng vô biên,

Phải dè dặt chớ nên tin bướng.

Sống gần kẻ có nhiều tin tưởng,

Rất dễ gây ảnh hưởng đến mình.

Nếu mình không suy xét cho minh,

1540. Thì sẽ bị cảm tình lôi cuốn.

Ví như rượu mình không hề uống,

Nhưng gặp người đem đến mời luôn,

Khó làm cho người nhịn miệng suông,

Mười người bị uống luôn hết chín.

Vì lẽ đó cần nên bình tĩnh,

Chớ để cho nhẹ tính điều nào.

Mỗi người thường tin tưởng khác nhau,

Thấy người bước bước theo không được.

Tin lầm ít khi nào được phước,

1550. Mà thường hay bị chuốc tội thêm.

Gặp thời kỳ đạo mọc như nêm,

Trong sanh chúng lầm tin rất dễ.

Tin lầm đến phạm vào luật lê,û

Tin lầm gây trái lẽ công minh,

Tin lầm làm đảo ngược kệ kinh,

Tin lầm tội mà tin rằng phước,

Tin lầm khiến tan nhà mất nước,

Tin lầm làm kẻ khóc người than,

Tin lầm gây thống khổ họ hàng,

1560. Tin lầm khiến tiêu tan sự nghiệp,

Tin lầm dẫn đến nơi lừa bịp,

Tin lầm gây ra việc sát nhơn,

Tin lầm đành lấy oán trả ơn,

Tin lầm mắng thánh thần không nể,

Tin lầm khiến làm điều tội tệ,

Tin lầm đi bác bẻ Phật ngôn,

Tin lầm mình dại tưởng là khôn,

Tin lầm mới tự tôn tự đại,

Tin lầm chỉ có đời hiện tại,

1570. Tin lầm không ai thấy việc mình,

Tin lầm tin hoặc kẻ truyền tin,

Tin lầm có hằng nghìn muôn chuyện,

Tin ở sách hoặc tin ở miệng,

Hoặc là tin ở chuyện mắt trông,

Hoặc tự suy rồi tự tin lòng,

Có nhiều cách tin không kể xiết;

Tin lầm việc hoặc tin đúng việc,

Là vấn đề quan thiết vô cùng.

Sự vui tươi hay việc hãi hùng,

1580. Đều quan hệ với lòng tin ấy.

Sống chết cũng liên quan vào đấy,

Vinh nhục đều bởi tại nó ra.

Từ xưa nay trong cõi người ta,

Việc thành bại đều do tin tưởng.

Nếu tin đúng thì thành hình tượng,

Bằng tin sai thì uổng công phu.

Lên Thiên Đường hay xuống ngục tù,

Do tin đúng hay là không đúng.

Nào Thánh chiến vô cùng kinh khủng,

1590. Nào Đảng tranh chấn động đất trời,

Đã diễn ra khắp chốn cùng nơi,

Đều do ở lòng người tin tưởng.

Tin gây chiến là tin hẹp lượng,

Tin gây hòa là rộng sự tin.

Tin cách nào cứu được sanh linh,

Như thế mới là tin chánh đáng.

Truyền đạo pháp có nhiều hình dạng,

Nhưng không ngoài căn bản cứu đời.

Đạo pháp nào dạy việc hại người,

1600. Nhứt định chẳng đúng nơi chánh pháp.

Đã thấy rõ là không phù hạp,

Dù cho ai có ép không tin.

Đủ tinh thần làm chủ lấy mình,

Thì những sự lầm tin sẽ khỏi.

Tác giả bài viết: Thanh sĩ Thích Huệ Duyên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 29
  • Hôm nay: 5757
  • Tháng hiện tại: 239773
  • Tổng lượt truy cập: 59679790

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile