Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Châu Lợi Bàn Đặc

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/02/2013 12:34 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Châu Lợi Bàn Đặc

Châu Lợi Bàn Đặc

Nỗ lực, không phóng dật...

Giáo pháp này được Phật nói tại Veḷuvana, liên quan đến Trưởng lão Châu-lợi-bàn-đặc.

3A. CHÂU LỢI BÀN ĐẶC RA ĐỜI

Một thương gia giàu có ở Vương Xá có cô con gái đến tuổi dậy thì. Hai ông bà cho cô ở tầng lầu cao nhất của tòa lâu đài bảy tầng và được gìn giữ chu đáo.

Nhưng dù vậy, cô không kiềm chế được nhiệt tình của tuổi thanh xuân nên đã lầm lỡ với người nô lệ của mình. Sợ người ta biết được tà hạnh của mình, có thể bị cha mẹ cho xé xác mình, cô gái bảo anh nô lệ cùng nhau trốn đi.

Họ lấy theo vài món cần thiết và ra đi bằng cửa chính, và từ đó chung sống với nhau. Khi đứa con trong bụng đã lớn, lo sợ khi phải sanh con ở nơi xa xôi không bà con thân thuộc, cô vợ khuyên anh chồng nên trở về nhà cha mẹ. Nhưng anh chồng vẫn còn e ngại ông bà chủ có thể giết mình nên cứ trì hoãn hẹn lần hẹn lữa, hết mai rồi mốt. Cô vợ chờ mãi sốt ruột và cũng biết anh chồng ngốc của mình nhận biết tội lỗi của hai người sợ không dám về, nên một hôm cô gác lại việc bếp núc, báo cho hàng xóm biết là trở về nhà cha mẹ, xong lên đường. Anh chồng về nhà thấy vắng vẻ, hỏi thăm hàng xóm rồi tức tốc rượt theo và bắt kịp giữa đường, ngay lúc cô ta lâm bồn. Anh chàng hối hả hỏi vợ:

- Gì thế em?

- Một đứa con trai, anh ạ.

- Chúng ta phải làm gì bây giờ?

- Sở dĩ tôi muốn trở về nhà cha mẹ là vì cậu con, nay hắn đã ra đời giữa đường, vậy chúng ta không cần đi nữa, hãy trở về nhà mình.

Vì đứa con sanh ra giữa đường nên được đặt tên là Bàn-đặc. Rồi đến đứa con thứ hai cũng lại diễn tiến như trước và mang tên Châu-lợi-bàn-đặc, còn đứa lớn là Đại Bàn-đặc.

Lớn lên, Đại Bàn-đặc nghe bè bạn kháo với nhau về chú bác ông bà của mình, bèn hỏi mẹ xem nhà mình có bà con họ hàng không. Và khi được biết ông ngoại là một thương gia giàu có đang ở tại Vương Xá, thân bằng quyến thuộc cũng ở cả đó, Đại Bàn-đặc đòi đến thăm. Bà mẹ bối rối hỏi ý kiến chồng, cả hai khổ sở không biết tính sao vì họ vẫn còn sợ sệt, cuối cùng họ chiều ý đứa nhỏ đi đến Vương Xá, trọ tại một nhà gần cổng thành rồi nhắn tin về nhà. Hai ông bà thương gia trong nhiều kiếp luân hồi đã không có con trai con gái, nên vui mừng nhận cháu ngoại, còn hai vợ chồng thì được cho tiền để đi nơi khác sinh sống.

Châu-lợi-bàn-đặc lúc đó còn nhỏ, Đại Bàn-đặc đã lớn khôn nên thường đi theo ông ngoại nghe Phật thuyết pháp, và lòng chàng muốn từ bỏ thế gian. Ông thương gia nghe cháu ngoại trình bày ý định như vậy, vô cùng hoan hỷ và dẫn chàng đến đức Phật.

3B. CHÂU LỢI BÀN ĐẶC THÀNH TỲ KHEO

Đức Phật chấp nhận cho Đại Bàn-đặc xuất gia, nhập Tăng đoàn, giao chàng cho một Trưởng lão. Chàng nhận từ Trưởng lão đề mục thiền quán về “Năm yếu tố đầu tiên cấu tạo thân”. Thuộc lòng gần hết Phật ngôn, an cư suốt mùa mưa, miên mật tu hành, và do chuyên cần tinh tấn hành thiền chàng đắc A-la-hán, được hưởng nguồn hỷ lạc của thiền định, cũng như niềm an lạc của Thánh quả. Đại Bàn-đặc nghĩ rằng em mình cũng có khả năng chứng nghiệm được pháp lạc này, nên trở về nhà ông ngoại xin cho Châu-lợi-bàn-đặc đi tu. Ông ngoại chàng rất tin vào Tam Bảo và cảm thấy hổ thẹn khi có ai hỏi về hai đứa cháu ngoại, con của cô gái bỏ nhà trốn đi, vì hai lý do đó ông rất vui mừng cho phép chúng đi tu.

Châu-lợi-bàn-đặc được gia nhập Tăng đoàn và thọ giới. Nhưng anh chàng quả là đần độn, bốn tháng trôi qua vẫn không thuộc nổi bài kệ:

Như hoa sen thắm đượm,
Tròn nở sáng tinh sương,
Ngào ngạt trinh nguyên hương,
Kìa, xin mời chiêm ngưỡng,
Đấng Thế Tôn chói lọi,
Như mặt trời lừng không.

Vào thời Phật Ca-diếp, Châu-lợi-bàn-đặc rất thông minh, nhưng khi vào Tăng chúng, ông đã chế nhạo và đùa cợt một Tỳ-kheo kém trí. Vị này vì bị làm trò cười nên không học thuộc, thậm chí không lặp lại được lời kinh. Do quả báo này ông tái sanh thành người đần độn. Vừa học xong một câu sau thì câu trước đã quên mất. Bốn tháng trôi qua, ông vẫn không thuộc nổi bài kệ. Đại Bàn-đặc thấy em mình như vậy, nghĩ rằng không thể đạt cứu cánh tối thượng của Đạo, nên đuổi em ra khỏi Tăng đoàn. Nhưng Châu-lợi-bàn-đặc rất tha thiết với giáo lý Phật-đà. Rời khỏi Tăng đoàn trở về đời sống thế tục là điều ông không muốn nhất trên cõi đời.

Lúc bấy giờ Jīvaka Komarābhacca mang thật nhiều hương hoa đến vườn xoài của mình cúng dường Phật. Nghe pháp xong, ông đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi tiến đến vị quản chúng là Đại Bàn-đặc xin thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo đến thọ thực tại nhà. Trưởng lão Đại Bàn-đặc nhận lời mời cả chúng Tỳ-kheo trừ vị Tỳ-kheo đần độn không thuộc kinh kệ. Châu-lợi-bàn-đặc thấy anh mình quả không đoái hoài đến em một chút nào, không ích lợi gì mà kéo dài đời tu sĩ, nên quyết định rời Tăng đoàn, về nhà hành hạnh bố thí và các công đức khác. Sáng hôm sau ông rời tinh xá rất sớm. Cũng sáng sớm đó, Thế Tôn quan sát thế gian, thấy rõ việc này, đến trước cổng chờ Châu-lợi-bàn-đặc.

Khi ông đến, thấy Phật bèn đảnh lễ. Được Phật hỏi ông đi đâu vào giờ này, ông kể tự sự. Phật bảo ông:
- Chính ta thu nhận ông vào Tăng đoàn. Nay anh ông đuổi ông đi, tại sao ông không đến ta? Đến đây! Ông hoàn tục thì làm được gì? Hãy ở lại với ta.

Phật xoa đầu ông, với lòng bàn tay mang đường chỉ hình bánh xe Pháp, và dẫn ông đến ngồi cạnh hương thất. Xong Ngài dùng thần lực tạo ra một miếng vải thật sạch đưa cho ông, bảo:
- Châu-lợi-bàn-đặc, ông hãy ngồi tại đây, mặt quay về hướng đông, vừa lau khăn này vừa nói: “Tẩy sạch dơ bẩn, tẩy sạch dơ bẩn!”

Đúng lúc ấy, giờ thọ thực được báo. Đức Phật hướng dẫn Tăng chúng đến nhà Jīvaka và ngồi xuống chỗ đã dành sẵn.

Về phần Châu-lợi-bàn-đặc, ông vâng lời Thế Tôn, vừa lau tay vào miếng vải vừa bảo: “Tẩy sạch dơ bẩn, tẩy sạch dơ bẩn”. Chiếc khăn ban đầu sạch, bây giờ nhớp nhúa. Từ đó ông nhận ra vì thân này mà khăn đã mất hết sự sạch sẽ tinh khiết ban đầu và trở thành nhiễm ô cáu bẩn, nên thốt lên: “Các pháp là vô thường”. Và chuyên chú vào kiến giải sinh diệt này, ông khai mở tuệ giác. Đấng Đạo sư biết ông đã khai mở tuệ giác liền bảo: “Châu-lợi-bàn-đặc, đừng nghĩ rằng chỉ mảnh vải ấy trở thành cáu bẩn mà ngay trong tâm ông tham ái, bất tịnh và những cấu uế khác cũng đầy rẫy; ông hãy tẩy sạch chúng”. Rồi Ngài phóng hào quang hiện thân đến ngồi trước mặt ông đọc Pháp Cú:

Tham ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ lòng tham.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch tham lam,
Và sống đúng giáo pháp bậc vô nhiễm.

Sân ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính để dùng để chỉ hận sân.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch lòng sân,
Và sống đúng giáo pháp bậc vô hận.

Si ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ ám si.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch si đi,
Giáo pháp bậc không si, nên theo đúng.

Dứt bài kệ, Châu-lợi-bàn-đặc chứng A-la-hán và các thứ thần thông, và cùng với thần thông, ông thông suốt cả ba tạng kinh điển.

Trong một kiếp trước, Châu-lợi-bàn-đặc là một vị vua. Có lần trong một buổi lễ đi diễn quanh thành, mồ hôi tươm ướt trán, ông lau trán với một chiếc khăn sạch và sau đó khăn thành lem luốt. Ông nhận ra thân thể nhơ bẩn của mình đã khiến chiếc khăn trước sạch sau dơ, và từ đó biết các pháp là vô thường. Hiểu rõ tính vô thường nên ở kiếp sau tẩy sạch ô nhiễm đã giúp ông giải thoát.

(Trong buổi Trai Tăng tại nhà)

Jīvaka Komārabhacca dâng nước lên đấng Thập Lực. Ngài lấy tay đậy bình bát và hỏi:
- Jīvaka, không còn Tỳ-kheo nào ở tinh xá sao?

Đại Bàn-đặc đáp:
- Bạch Thế Tôn, không còn Tỳ-kheo nào trong tinh xá.

Phật bảo:
- Này Jīvaka, có đấy!

Jīvaka thưa:
- Dạ được.

Rồi ông cho người đến tinh xá xem còn vị Tỳ-kheo nào không.

Do thần thông, Châu-lợi-bàn-đặc nghe anh mình trả lời như thế bèn hiển lộng thần thông biến ra hằng ngàn Tỳ-kheo đông dày trong vườn xoài, người may y, kẻ nhuộm y, người khác đang tụng đọc kinh, chẳng người nào giống người nào. Khi gia nhân của Jīvaka thấy các Tỳ-kheo, ông liền quay về, nói:
- Thưa gia chủ, các thầy Tỳ-kheo ở vườn xoài rất đông.

Tại vườn xoài, Trưởng lão Bàn-đặc:

Hóa thân ngàn vị xong thì
Vườn xoài tịnh tọa đến khi được mời.

Đức Phật bảo gia nhân trở lại tinh xá nói Thế Tôn cho đòi Châu-lợi-bàn-đặc. Nhưng khi ông đến nói câu ấy, cả ngàn miệng các vị Tỳ-kheo đồng thanh la lên “Ta là Châu-lợi-bàn-đặc”. Ông ta ra về thưa lại, đức Phật bảo hãy trở về tinh xá lần nữa và nắm tay người đầu tiên nói “Ta là Châu-lợi-bàn-đặc” mời đi, những người còn lại sẽ biến mất tức khắc. Sự việc xảy ra như vậy, và ông ta trở về với Châu-lợi-bàn-đặc.

Cuối bữa thọ thực, đức Phật dạy Jīvaka giữ bình bát của Châu-lợi-bàn-đặc hồi hướng công đức cúng dường. Châu-lợi-bàn-đặc khi ấy như một sư tử con rống tiếng rống của loài sư tử, hồi hướng công đức xuyên suốt Tam tạng kinh điển. Rồi Phật từ chỗ ngồi đứng lên, với Tăng chúng vây quanh cùng trở về tinh xá. Sau khi được các Tỳ-kheo chăm sóc như thường lệ, Phật trở về hương thất, ban cho các Tỳ-kheo lời khuyên dạy của một đấng An Lạc, cho đề mục thiền quán và giải tán Tăng chúng. Thế Tôn vào nghỉ trong hương thất, nằm xuống, nghiêng mình bên phải như sư tử.

Chiều đến, các Tỳ-kheo từ bốn phía tụ đến, giống như những tấm màn đỏ thắm di động, ngồi xuống trong Pháp đường, tán thán công hạnh của đức Đạo sư, đấng Toàn Giác, Pháp Vương Tối Hậu, chỉ trong khoảng bữa ăn đã độ cho một người đần độn, bốn tháng trời không thuộc nổi một câu kệ, chứng A-la-hán cùng các thần thông và thông suốt luôn cả ba tạng kinh điển. Đức Phật biết các Tỳ-kheo đang thảo luận như thế bèn rời tòa báu, đắp thượng và hạ y nhuộm màu rực rỡ hào quang, thắt dây lưng nhẹ như chớp hiện, và khoác trên vai chiếc đại y, giống như chiếc mền đỏ thắm của bậc An Lạc, rời hương thất. Ra khỏi chiếc thất tỏa mùi hương quý, Phật bước đi như voi chúa, dáng trang nghiêm khó sánh của một vị Phật, đến Pháp đường. Ngài bước lên Pháp tòa uy nghi lộng lẫy, từ thân phóng hào quang sáu màu như vầng thái dương vừa mọc trên đỉnh núi Yugandhara làm rung động tận đáy biển sâu, và ngồi xuống ngay giữa.

Lúc Thế Tôn đến, cả hội chúng ngừng chuyện lặng im. Ngài nhìn khắp hội chúng với lòng trìu mến, tự nghĩ: “Hội chúng này làm ta mãn nguyện vô cùng. Đâu yên đó, không một bàn tay, một bàn chân lộn xộn, không một tiếng ho hen, một tiếng hắt hơi. Toàn chúng Tỳ-kheo này tôn kính ta với lòng tôn kính rất mực dành cho một vị Phật, thuần phục ta vì sự oai nghiêm của Như Lai. Dù ta có ngồi đây im lặng suốt một kiếp thì họ cũng sẽ làm thinh không dám cất tiếng trước, ngay cả hé môi cũng không. Chỉ có ta mới quyết định khi nào nói đúng thời. Vì vậy ta sẽ nói trước tiên.”

Và với giọng nói ngọt ngào của Đại Phạm thiên, Ngài hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn luận việc gì? Các ông đang nói gì mà ngưng ngang?

Nghe các Tỳ-kheo kể xong, Ngài dạy rằng:
- Các Tỳ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Châu-lợi-bàn-đặc tỏ ra đần độn và nương tựa vào ta, trong một kiếp trước ông đã là một người đần độn và cũng đã nương tựa vào ta. Nhưng ở kiếp đó ta khiến ông ấy làm chủ tài sản thế gian, còn bây giờ ta độ ông ấy làm chủ tài sản xuất thế gian.

Các Tỳ-kheo muốn nghe chuyện này, Phật kể:

Chuyện quá khứ
3C. VỊ THẦY LỖI LẠC, CHÀNG TRẺ TUỔI VÀ VUA BA LA NẠI

Ngày xưa, một chàng trẻ tuổi ở Ba-la-nại đi đến Takkasilā (thành Hoa Thị) để học nghề với một vị thầy rất lỗi lạc có năm trăm học trò dưới tay. Anh làm hết mọi việc lặt vặt, đỡ đần cho thầy nhiều nhất, từ việc rửa và xức dầu thơm chân thầy, anh đều làm một cách tận tụy. Nhưng anh lại đần độn, không thuộc nhớ một điều gì. Dù vị thầy thấy anh rất đắc lực, cố gắng dạy nghề cho anh nhưng chỉ mất công vô ích. Thời gian đã lâu mà anh ta vẫn không thuộc nổi một câu kệ nào, chán nản anh muốn rời thầy về nhà.

Vị thầy thấy anh ta hết lòng hầu hạ mình, nên cũng muốn dạy cho anh ta thành một nhà thông thái nhưng không được. Do đó, để đền ơn phần nào, ông dạy cho anh ta một câu chú. Ông dẫn anh vào rừng và bắt học thuộc lòng câu: “Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi âm mưu? Ta biết rồi!” Tuy anh ta phải vất vả lắm mới học thuộc hết, nhưng một khi đã thuộc rồi thì không bao giờ quên nữa. Rồi ông cho chàng một số tiền làm lộ phí và dặn dò:
- Bây giờ anh hãy đi kiếm sống bằng bài chú này. Nhưng điều kiện bắt buộc là anh không được quên, phải lặp đi lặp lại hoài hoài.

Và anh lên đường trở về Ba-la-nại. Mẹ anh gặp lại con mừng rỡ vì nghĩ con đã học thành tài, và mở tiệc ăn khao.

Lúc bấy giờ vua Ba-la-nại đang trong thời kỳ chú tâm xem xét từng hành động của thân khẩu ý, hầu phát hiện lỗi lầm của mình. Ông tự tìm mà không thấy lỗi. Sau, ông nghĩ tự mình sẽ không thấy được lỗi mình và phải nhờ người khác. Vì thế ông đi khắp hoàng thành để lắng nghe thiên hạ phê bình vua. Ôâng biết rằng thói thường khi đã no bụng người ta ưa ngồi lê đôi mách đủ thứ chuyện trên cõi đời, và nếu vua cai trị bất công họ sẽ kể lể nào là đời sống suy sụp vì sưu cao thuế nặng, bị hôn quân áp bức, còn vua cai trị công minh sẽ được tán thán về đức tính cao quý và được tung hô vạn tuế.

Do đó đêm xuống, vua cải trang ra khỏi cung điện, đi đến nhà dân. Nhằm lúc có bọn trộm đang đào một đường hầm giữa hai nhà để chui vào. Một nhà là của chàng trẻ tuổi vừa học nghề về. Bọn trộm vào được nhà và bắt đầu dòm ngó đồ đạc. Vừa đúng lúc, chàng trai thức giấc, miệng lẩm nhẩm câu chú: “Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết rồi!” Bọn trộm nghe qua, thất kinh hồn vía, tưởng là đã bị phát giác, sợ nguy đến tính mạng, liền tháo chạy xuống đường hầm bất kể phương hướng, quăng lại bộ quần áo trên người. Vua đang ở gần đó, thấy bọn trộm chạy và nghe chàng trai đọc chú, ông đi tiếp đến khi trời gần sáng sớm mới về hoàng cung, và ra lệnh đòi chàng trai đến để bắt truyền dạy câu chú. Anh ta đồng ý và dạy xong được vua ban một ngàn đồng.

Viên tướng thống lãnh quân đội thời đó muốn soán ngôi nên âm mưu với anh thợ cạo cắt cổ vua, thành công thì chức thống lãnh quân đội sẽ dành cho anh ta. Đến ngày cạo râu cho vua, anh thợ cạo vào cung thấm ướt râu vua với nước hoa, mài dao và áp vào cằm vua. Cứa cổ vua tốt nhất chỉ với một nhát dao nhưng thấy con dao hơi lụt nên anh ta mài dao thêm một lần nữa. Nhà vua bỗng nhớ đến câu chú muốn đọc lại “Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết rồi!” Anh thợ cạo hết hồn, mồ hôi ướt trán từng giọt vì tưởng rằng vua đã biết toan tính của mình. Anh ta ném dao, quỳ mọp sát chân vua run rẩy. Vua đoán ngay việc gì xảy ra nên giận dữ bảo:
- Tên vô lại! Mi nghĩ rằng vua không biết gì ư?

- Tâu bệ hạ, xin tha mạng cho thần!

- Thôi được, đừng sợ. Nói hết đầu đuôi cho ta nghe.

Nghe xong, vua gọi viên tướng lãnh đến trục xuất khỏi vương quốc và giao chức thống lãnh quân đội cho chàng trai để đền ơn.

Thế Tôn kết thúc câu chuyện:
- Chàng trai chính là Châu-lợi-bàn-đặc và vị thầy lỗi lạc là ta.

Lại một hôm, các Tỳ-kheo bảo Thế Tôn là nơi nương tựa cho Châu-lợi-bàn-đặc. Phật kể thêm chuyện quá khứ Culla Seṭṭhi trong Bổn Sanh:

Người khôn ngoan thông minh,
Có thể nâng đời mình,
Lên địa vị cao sang,
Bằng chút ít tài sản,
Như thổi ngọn lửa nhỏ,
Gây nên đám lửa to.

Và bảo các Tỳ-kheo:
- Lúc đó học trò là Châu-lợi-bàn-đặc, còn thương gia là ta.

Một hôm khác, các Tỳ-kheo nhắc lại chuyện Châu-lợi-bàn-đặc:
- Trong bốn tháng Châu-lợi-bàn-đặc không thuộc nổi một câu kệ. Nhưng vì trong tâm ông vẫn nung nấu ý nguyện không hề lơi lỏng nên ông đã chứng A-la-hán, và giờ đây đang làm chủ tài sản xuất thế gian.

Phật đến, nghe kể lại bèn dạy rằng:
- Này các Tỳ-kheo! Một Tỳ-kheo khi nỗ lực hết sức mình tuân giữ giới luật thì không thể nào không làm chủ tài sản xuất thế gian.

Và nói Pháp Cú sau:

(25) Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự,
Bậc trí xây hòn đảo ,
Nước lụt khó ngập tràn.


 


Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 405
  • Khách viếng thăm: 403
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1629
  • Tháng hiện tại: 314519
  • Tổng lượt truy cập: 59754536

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile