Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Cô gái lấy tên cướp

Đăng lúc: Thứ bảy - 11/05/2013 08:55 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
(102) Dầu nói trăm câu kệ, Nhưng không gì lợi ích. Tốt hơn một câu pháp, Nghe xong, được tịnh lạc. (103) Dầu tại bãi chiến trường, Thắng ngàn ngàn quân địch, Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng.
Cô gái lấy tên cướp

Cô gái lấy tên cướp

Dầu nói trăm câu kệ…

Phật dạy câu này tại Kỳ Viên, liên quan đến Kuṇḍalakesī.

Một thương gia giàu có tại Vương Xá, có duy nhất một cô con gái mười sáu tuổi tuyệt đẹp và khả ái. Cha mẹ cho cô ở trên tầng chót tòa lâu đài bảy tầng, trong một phòng lộng lẫy, với một nàng hầu.

Một hôm, một chàng trai gia thế bị bắt vì tội trộm. Người ta trói ké tay anh ra sau lưng, dẫn ra pháp trường, và tại ngã tư họ hành hạ anh với biết bao lời mắng nhiếc. Con gái thương gia nghe đám đông la hét, chạy ra ngoài nhìn xuống thấy tên trộm bỗng đem lòng yêu thương, tương tư đến nỗi bỏ ăn nằm liệt giường. Mẹ cô hỏi thăm, biết chuyện nên khuyên con gái đừng dại dột như thế, bà sẽ tìm người môn đăng hộ đối gả chồng cho cô. Nhưng cô không chịu, thề chết nếu không lấy được tên trộm này. Bà bèn kể cho chồng nghe, nhưng ông cha cũng không dỗã dành con gái được, túng thế đem một ngàn đồng tới quan lo lót để chuộc mạng tên trộm. Quan nhận tiền thả hắn ra, giết người khác rồi tâu lên vua tên trộm đã bị xử tử.

Thương gia gả con gái cho tên trộm. Cô dâu mới muốn chiếm trọn vẹn tình cảm của đức lang quân nên chìu chuộng hết sức, trang điểm đẹp đẽ, nấu nướng ngon lành. Tuy thế tên trộm vẫn nuôi ý đồ bất lương: giết vợ lấy châu báu, vào quán nhậu. Anh cho đó là diệu kế duy nhất, nên lên giường nằm bỏ ăn. Cô vợ hốt hoảng hỏi thăm chồng:

- Anh đau làm sao?

- Không sao, em ạ.

- Hay cha mẹ làm anh phiền?

- Không đâu, em ạ.

- Vậy thì chuyện gì?

- Em ạ! Ngày tôi bị trói dẫn đi tôi đã nguyện dâng một phẩm vật lên vị thần ở trên “Bờ Vực Của Kẻ Trộm” xin cứu mạng. Và nhờ thần lực của Ngài mà tôi được cưới em làm vợ. Tôi bối rối không biết làm sao giữ trọn lời thề này.

- Xin anh đừng lo. Em sẽ lo phẩm vật, anh cần gì?

- Cháo ngon, nem với mật, và năm loại hoa trong đó phải có hoa lāja.

- Vâng, em sẽ lo đủ.

Rồi để thân quyến ở nhà, hai vợ chồng cùng đám gia nhân lên đường vui vẻ, tươi cười với cả gia tài quí báu trên mình cô vợ, đúng như ý ông chồng. Đến chân núi tên trộm cho đám tùy tùng ở lại, bảo vợ mang phẩm vật, rồi anh nắm tay trèo lên đỉnh núi “Vực Kẻ Trộm” (bên này có thể trèo lên nhưng bên kia là vách đá dốc ngược, bọn trộm từ đỉnh bị xô xuống vực nát thây trước khi đến đáy, nên có tên như thế).

Đứng trên đỉnh núi, cô bảo chồng dâng lễ vật. Tên trộm lặng thinh. Cô lại hỏi tại sao hắn không nói. Cuối cùng hắn phải thú thật là gạt cô lên đây để giết cô lấy châu báu. Khủng khiếp vì sợ chết, cô năn nỉ hắn tha mạng:

- Cả châu báu và thân em đây đều không thuộc anh hay sao? Anh được lợi gì mà phải giết em? Hãy tha chết cho em. Kể từ đây xin coi em như mẹ của anh, hay cho em làm kẻ hầu hạ cũng được.

Rồi cô đọc bài kệ:

                    Hãy lấy vòng vàng này,
                    Được gắn những ngọc quí.
                    Lấy hết và tự nhiên, 
                    Xem tôi như tỳ nữ.

Tên trộm vẫn không chịu, vì sợ cô ta về sẽ kể lại hết với cha mẹ. Hắn cũng đáp bằng kệ:

                    Đừng than vãn quá nhiều,
                    Gói của cải mau lên! 
                    Mi không còn sống thêm,
                    Của cải mi ta lấy!

Cô thấy rõ hắn tàn bạo quá mức, nghĩ rằng trí tuệ không phải dùng để nấu lên ăn, mà để giúp người ta có thể tính toán trước hành động của mình. Vì vậy cô tìm cách đối phó với hắn. Cô bảo nhờ cô mà hắn được cứu mạng, nên xin hắn cho cô là ân nhân của hắn, được đảnh lễ hắn. Rồi cô đi nhiễu quanh hắn ba vòng, rồi để hắn đứng ở vị trí bên phải của cô, đảnh lễ hắn bốn phía, xong kể lể:

- Đây là lần cuối cùng em trông thấy anh, và từ đây anh cũng không còn thấy em nữa!

Cô ôm hôn hắn trước mặt rồi ôm từ sau lưng, và từ phía sau nhắm lúc hắn quên đề phòng đứng ngay miệng vực, một tay cô đẩy trên vai hắn, tay kia đẩy ngang thắt lưng, cô xô hắn xuống vực, tan xương nát thịt trước khi tới đáy. Vị thần tại đó hoan hô cô với bài kệ:

                    Trí tuệ không phải luôn luôn,
                     Chỉ dành cho bọn đàn ông. 
                    Đàn bà đôi khi cũng vậy,
                    Tỏ ra khôn khéo vô cùng.

Nếu về nhà, cha mẹ hỏi, chẳng lẽ không khai thật, miệng lưỡi hai người chắc chắn không tha ta: “Đã tốn một ngàn đồng chuộc mạng tên vô lại, sao mi lại giết hắn?”. Và nếu ta nói thật lý do vì hắn muốn giết ta trước, chưa chắc hai người đã tin. Gia đình ôi sao chán quá!” Nghĩ như thế cô ném hết châu báu, vào rừng đến chỗ ẩn dật của các nữ tu, chào cung kính xin được vào Ni chúng.

Thành ni cô, và sau khi được giải thích hai lối tu: thiền quán trên mười đề mục hoặc tụng niệm một ngàn tín pháp, cô chọn cách thứ hai. Thấy cô thuần thục, chư ni bảo cô đi khắp vùng Diêm Phù Đề tìm thiện hữu tri thức có thể đối pháp được với cô. Đặt một nhánh đào trong tay cô, họ dặn dò:

- Đi đi, đạo hữu! Gặp cư sĩ đối đáp được chị hãy xin hầu hạ; gặp Tỳ-kheo đối đáp được, chị hãy xin gia nhập Tăng đoàn.

Mang tên ni cô Hồng Táo, cô du hành mọi nơi, đặt câu hỏi với bất cứ ai gặp được, không ai đối đáp lại. Cô nổi danh đến nỗi nghe tin cô đến, người ta bỏ chạy hết. Trước khi vào thành hay vào làng khất thực, cô gom một đống cát trước cổng chánh, trồng nhánh đào lên và thách thức ai đối đáp được hãy giẫm lên nhánh đào này. Không ai dám qua chỗ ấy, nhánh cây này héo, cô tìm nhánh khác tươi hơn, cứ du hành như thế, cô đến Xá-vệ. Trẻ con xúm quanh nhánh cây cô đã trồng như thường lệ xem việc gì đã xảy ra, vừa đúng lúc Trưởng lão Xá-lợi-phất thọ thực xong bước ra khỏi thành. Ngài ngạc nhiên hỏi lũ trẻ, biết chuyện, Ngài bảo chúng hãy giẫm lên nhánh cây. Ban đầu chúng sợ không dám; nhưng được Trưởng lão bảo đảm sẽ trả lời câu hỏi, chúng nhào lên nhánh cây hò hét, đá sụp đống cát.

Đi khất thực xong trở về, thấy thế cô trách mắng lũ trẻ:

- Ta không định đối đáp với chúng mày, sao chúng mày phá phách như thế?

Chúng đáp là làm theo lời Trưởng lão. Được Ngài xác nhận, cô xin vấn đáp và cũng được Ngài nhận lời.

Chiều xuống, cô đến chỗ Trưởng lão đặt câu hỏi. Cả thành xôn xao muốn đi nghe. Họ cùng đi với cô, cúi chào Trưởng lão và cung kính ngồi một bên. Cô hỏi Ngài một ngàn đề mục về tín pháp, Ngài trả lời đúng hết. Và Ngài hỏi lại:

- Cô chỉ hỏi có bấy nhiêu thôi à? Còn câu nào khác không?

- Dạ đã hết, thưa Tôn giả!

- Cô đã hỏi tôi nhiều câu, bây giờ tôi hỏi lại cô một câu thôi!

- Xin tôn giả cứ hỏi.

- Cái gì là Một?

Cô rất muốn trả lời nhưng không trả lời được, bèn hỏi lại Tôn giả. Ngài đáp:

- Đó là câu hỏi của Phật.

- Vậy xin nói cho con biết, thưa Tôn giả.

- Nếu cô vào Tăng đoàn, ta sẽ cho biết câu trả lời.

Cô bằng lòng xin nhập vào Tăng đoàn, Trưởng lão nhắn ni chúng lo mọi việc. Sau khi làm đầy đủ bổn phận, cô được đặt tên là Kuṇḍalakesī, và chỉ vài ngày chứng A-la-hán cùng các thần thông.

Trong Pháp đường các Tỳ-kheo bàn tán về chuyện của cô, cho rằng cô chỉ nghe chút ít pháp rồi được nhận vào Tăng đoàn, hơn nữa cô đã đến đây sau khi chiến đấu dữ dội với một tên trộm và đánh bại hắn. Phật đi đến nghe được, bèn bảo:

- Các Tỳ-kheo, đừng đo lường giáo pháp ta nói là ít hay nhiều. Với một trăm câu vô nghĩa thì chẳng có công đức gì so với một câu có đạo lý. Chiến thắng nhiều tên trộm chẳng đáng gì so với chiến thắng tên trộm Dục lạc của chính mình. Đó mới thực sự là chiến thắng.

Và Phật đọc Pháp Cú:
                (102) Dầu nói trăm câu kệ,
                        Nhưng không gì lợi ích.
                        Tốt hơn một câu pháp,
                        Nghe xong, được tịnh lạc.

               (103) Dầu tại bãi chiến trường,
                       Thắng ngàn ngàn quân địch,
                        Tự thắng mình tốt hơn,
                        Thật chiến thắng tối thượng.


 


Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 142
  • Khách viếng thăm: 141
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 22852
  • Tháng hiện tại: 1736436
  • Tổng lượt truy cập: 59389369

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile