Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Lễ hội chùa Hào Xá

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/03/2012 10:45
Lễ hội chùa Hào Xá

Lễ hội chùa Hào Xá

Lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) là lễ hội đầu tiên trong năm của tỉnh được tổ chức vào sáng ngày 8-2 (mồng 6 tháng Giêng âm lịch), tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị thành hoàng.

Lễ hội chùa Hào Xá

 
Lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) là lễ hội đầu tiên trong năm của tỉnh được tổ chức vào sáng ngày 8-2 (mồng 6 tháng Giêng âm lịch), tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị thành hoàng. 
Nét độc đáo của lễ hội là gìn giữ được nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống như: rước sắc, rước mâm quả, rước “long đình”, thi bơi chải, nấu cơm và bắt vịt trên sông...
 
Chùa Hào Xá toạ lạc ngay cạnh đường 190 từ thành phố Hải Dương đi phà Gùa (Thanh Hà) và cách thành phố gần 20 cây số, du khách đến dự hội chùa bằng ô-tô, xe máy hay xe đạp đều thuận tiện.
 
 Làng Hào Xá là trang Hạ Hào. Thời Hậu Lê, trang Hạ Hào đổi thành làng Hào Xá, thuộc xã Hương Đại, tổng Bình Hà, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách. Từ năm 1956, Hào Xá là một làng của xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà. Gọi tên lễ hội chùa Hào Xá là gọi theo tên làng. Làng Hào Xá nằm trên một giải đất hẹp ven sông Cửa Chùa- một nhánh của sông Hương. Theo thuyết phong thuỷ, thế đất của làng như hình con chim phượng hoàng xoè cánh, chùa Hào Xá toạ lạc trên đầu chim có chùm lông màu trắng nên có tên chữ là Bạch Hào tự, gọi nôm na là chùa Bạch Hào, hoặc chùa Hào. Theo văn bia cổ do Ban nghiên cứu lịch sử xã Thanh Xá sưu tầm và nhờ chuyên gia về chữ Hán dịch, chùa Hào được xây dựng năm 1011, dưới đời vua Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập triều nhà Lý. Lúc đầu, chùa xây cất đơn sơ bằng tre gỗ, đến lúc được vua Trần Nhân Tông xuất gia đầu Phật về thăm và cho xây dựng lại. Vì vậy, cùng với thờ Phật, chùa Hào Xá còn thờ Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất thiền phái Trúc Lâm và 3 vị cư sĩ trụ trì tại đây.
 
Bia thần tích ghi rằng, vào thời nhà Trần, ở trang Hạ Hào có vợ chồng ông bà Nguyễn Danh Doãn và Phạm Thị Phương sinh được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú đặt tên là Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang. Hai anh em Nguyên và Quang học rất giỏi, tinh thông võ nghệ. Lớn lên, hai anh em kết thân với Lý Đình Khuê là bạn học và người cùng làng. Khi đi thi, cả ba người đều đỗ cao và được vua phong làm học sĩ. Gặp lúc giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, ba ông theo vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc. Đất nước thanh bình, nhà vua nhường ngôi cho con rồi xuất gia, lên núi Yên Tử tu hành, lập thiền phái Trúc Lâm, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ hoặc Hương Vân Đại đầu đà, Điều ngự Đầu đà. Ba ông cũng đầu Phật và về trụ trì chùa Minh Khánh (nay thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà) một thời gian, rồi sang trụ trì chùa Hào. Vừa tu hành, các ông vừa dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, dấu tích của khu đồng trồng dâu vẫn được nhân dân trong xã gọi là vườn dâu. Ngoài ra, các ông còn tổ chức cho trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ, đấu vật và thi bơi thuyền trên khúc sông nhỏ trước cửa chùa (sông Cửa Chùa). Một năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, trong chuyến du ngoạn đầu xuân và truyền giảng kinh sách bằng đường thuỷ, Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông dừng thuyền tại Hạ Hào. Ba vị cư sĩ đã cho dân làng mở hội đua thuyền để tiếp đón vị đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm. Thấy hình thế sông nước, chùa cảnh tươi đẹp, Đức Điều Ngự bèn cho mở rộng qui mô chùa. Ít năm sau, ba vị cư sĩ được Đức Điều Ngự gọi về Yên Tử tu luyện rồi “hoá” tại đây. Ghi nhớ công lao giúp dân giúp nước của ba ông, vua nhà Trần đã ban vàng bạc cho dân làng Hạ Hào lập miếu thờ và sắc phong làm thành hoàng. Nguyễn Danh Quang được sắc phong là Phả Lại cư sĩ, Nguyễn Danh Nguyên là Phả Hộ cư sĩ, Lý Đình Khuê là Phả Tế cư sĩ. Qua các triều đại Trần, Hậu Lê, Nguyễn, ba vị cư sĩ đều được sắc phong. Hiện chùa Hào còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong. Qua thời gian, đến nay ngôi  miếu đã đổ, chỉ còn ba ngai thờ thành hoàng bằng đá xanh ở cạnh chùa. Ba vị cư sĩ cũng được thờ tại chùa Hào Xá và được tôn vinh là ba vị sư tổ đầu tiên của chùa. Ngoài ra, làng Hào Xá còn có ngôi đình gọi là đình Đụn; có tảng đá lớn khắc chữ Nho nay đã mờ, tương truyền là bệ thờ Hà Bá. Do bờ sông Cửa Chùa lở, tảng đá bị trôi xuống nước từ lâu, gần đây được xã thuê người  kéo lên, đặt cạnh sân chùa Hào để làm lễ tế Hà Bá khi mở hội đua thuyền.
 
Như vậy, chùa Hào Xá được xây dựng vào đầu thời Lý, mở rộng vào thời Trần. Năm 1540, dưới triều vua Mạc Đăng Dung, có vị Tăng phó là Trần Như Thừa cùng dân làng công đức tiền của để trùng tu chùa nguy nga hơn, với quy mô 60 gian theo kiến trúc nội công ngoại quốc. Qua các thời Hậu Lê và Nguyễn, chùa đều được trùng tu. Cùng với giá trị lịch sử văn hoá, chùa Hào còn có giá trị là một di tích cách mạng của địa phương. Cuối thế kỷ 19, nghĩa quân Bãi Sậy lấy chùa Hào làm cơ sở trú quân. Chùa Hào là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Bình Hà (trước đó là tổng Bình Hà), là cơ sở hoạt động của cán bộ một số xã lân cận và nhiều chiến sĩ cách mạng. Sư ông trụ trì chùa là Ngô Văn Nhẫn được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những đảng viên đầu tiên của làng Hào. Trong Cách mạng Tháng 8- 1945, chùa Hào chứng kiến lễ ra mắt của Mặt trận Việt Minh huyện Thanh Hà. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hào là nơi đứng chân của một số cơ quan huyện, nơi đặt trạm giao liên giữa huyện với khu Hà Đông và thực hiện tiêu thổ kháng chiến với tháp chuông phải dỡ bỏ. Chùa Hào là nơi trụ trì hàng chục năm của Hoà thượng Thích Gia Huệ, một nhà tu hành có uy tín, từ năm 1954 cho đến khi hoà thượng viên tịch... Song do thời gian, chiến tranh và thiên tai tàn phá, đến nay chùa Hào còn lại 5 gian tiền đường, 3 gian nhà tổ, 2 gian hậu cung và một số công trình phụ trợ. Trong nhà tổ có tượng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc bằng gỗ ngự trong khám thờ. Khám thờ đặt trên bệ đá hoa sen - một hiện vật thời Trần duy nhất còn lại của di tích. Ngoài tượng Trần Nhân Tông, trong nhà tổ còn có bài vị của ba vị thành hoàng và các vị sư đã tu tại chùa. Có lẽ, ít nơi như chùa Hào vừa thờ Phật, vừa thờ thành hoàng, mặc dù Thanh Xá còn có đình Trong (tức đình Đụn) ở thôn Hào Nam, đình Ngoài ở thôn Hào Bắc, đình Trại ở thôn Hào Đông cũng thờ ba vị thành hoàng, nhưng chỉ là phối thờ hoặc thờ vọng. Bởi khi còn sống, ba vị thành hoàng cũng từng tu hành tại chùa và được tôn là sư tổ. Nét đặc sắc nữa của chùa Hào là trên bức đại tự trong bái đường có bốn chữ Hán “Hào tướng lưu quang” (Tướng làng Hào toả sáng). Đây được coi là một minh chứng cho công lao của ba vị tướng Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê xuất thân từ làng Hào và với công lao đó ba ông được tôn làm thành hoàng. Được các nhà sư trụ trì, nhân dân địa phương và khách thập phương phát tâm công đức, năm 1991 và năm 2004, tháp chuông và ngôi Tam bảo của chùa lần lượt được xây dựng khang trang. Ngoài ra, chùa Hào còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật và tín ngưỡng, tôn giáo, như hàng chục tấm bia đá, hàng chục bản khắc gỗ kinh Phật, vườn tháp, đồ thờ tự... Riêng bệ đá hoa sen thời Trần với những hoa văn, phù điêu hình chim, hình rồng, cánh sen chạm khắc tinh xảo, đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là một di tích nghệ thuật điêu khắc từ năm 1981. Tượng Tăng phó Trần Như Thừa và gần 30 pho tượng Phật trong chùa cũng rất có giá trị, bởi mỗi pho tượng có một thần thái riêng rất sinh động, thể hiện tài hoa chạm khắc gỗ của nghệ nhân xưa và phản ánh sâu đậm tư tưởng, giáo lý của thiền phái Trúc Lâm.
 
Xưa kia, lễ hội chùa Hào Xá hàng năm mở từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch- là ngày Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về thăm chùa. Đây là một trong số ít lễ hội truyền thống mùa xuân sớm nhất tỉnh. Cũng như nét đặc sắc của di tích, nét đặc sắc của lễ hội chùa Hào Xá là gắn lễ Phật, tưởng niệm Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông với tưởng niệm ba vị thành hoàng như thần tích đã ghi. Trong phần lễ, không có rước nước, rước văn, thay vào đó là rước sắc phong đặt trong kiệu long đình. Các dòng họ trong làng cũng đem kiệu long đình riêng của họ mình ra rước sắc phong. Sáng sớm ngày mồng 4, các sắc phong được chuyển vào các kiệu long đình, rước từ chùa Hào ra đình Đụn để tổ chức tế lễ. Mồng 5 rước các sắc phong trở lại chùa, tiếp tục tế lễ. Tham gia đội tế có 16 người là nam giới phân bổ theo các giáp. Trang phục của đội tế là quần áo màu vàng. Chủ tế mặc áo thụng xanh, quần trắng. Nội dung tế có đủ xướng quan, hầu tế và thủ tục tế chỉ gồm dâng hương hoa và lễ tạ, với quan niệm nhà chùa chỉ dùng đồ chay tịnh. Lễ vật dâng cúng cũng là cỗ chay gồm xôi oản, ngũ quả, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, do các giáp cử người làm. Lệ này đến nay vẫn còn song có cải tiến, lễ chay do ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội phối hợp với nhà chùa chủ trì, các xóm thi làm cỗ chấm giải để cúng Phật và thành hoàng. Chỉ có lễ vật cúng Hà bá khi tổ chức thi bơi thuyền mới thêm sỏ lợn. Mâm lễ đặt trên bệ đá thờ Hà bá. Nhà sư trụ trì và đại diện các giáp tiến hành làm lễ. Sáng ngày mồng 6, làng rước các sắc phong ra miếu thờ ba vị thành hoàng để tế lễ và tổ chức diễn xướng trước khi kết thúc ba ngày lễ hội. Những người tham gia diễn xướng mặc trang phục chiến binh thời xưa, vác bát biểu, xà mâu đi liền sau kiệu long đình, múa xà mâu theo các thế võ, diễn lại sự tích ba vị cư sĩ tả xung hữu đột, chỉ huy quân sĩ đánh giặc Nguyên Mông. Nét đặc sắc nữa là trong phần hội, ngoài các trò chơi dân gian như lễ hội làng ở nhiều nơi, lễ hội chùa Hào còn có thi bơi thuyền. Tương truyền, thi bơi chải trong lễ hội chùa Hào có từ thời Trần, ngay sau khi ba vị Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Danh Nguyên và Lý Đình Khuê qua đời. Môn thi này không chỉ gợi lại hình ảnh hào hùng của chiến thắng trên sông Bạch Đằng đánh bại giặc Nguyên Mông của quân dân thời Trần, tái hiện công lao của thành hoàng dạy dân luyện tập bơi thuyền, mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân sống trong vùng sông nước. Xưa kia, làng Hào Xá có ba giáp Nam, Đông, Đoài, mỗi giáp có một đội bơi thuyền riêng, vì vậy thể thức bơi ở đây có ba chải(ba thuyền). Thuyền chải đóng bằng gỗ gọn nhẹ, thuôn dài hình lá mây. Thuyền của mỗi giáp có 18 hoặc 20 nam giới ngồi bơi, đầu đội mũ, lưng thắt dây với màu sắc xanh, trắng, vàng khác nhau để dễ phân biệt. Riêng người chỉ huy thuyền đội mũ đỏ, thắt lưng đỏ. Đến nay, tuy chia làm 5 xóm nhưng làng vẫn duy trì 3 đội thuyền. Mỗi thuyền có 6 cặp bơi chèo, 1 người tát nước, 1 người lái thuyền và 1 người chỉ huy đánh phách hiệu lệnh. Không chỉ có nam mà nữ cũng hăng hái dự thi. Thuyền nam thì trang phục vẫn như ngày trước. Thuyền nữ thì mặc quần áo thể thao gọn ghẽ. Điểm xuất phát và đích đều nằm trong đoạn sông Cửa Chùa nên tập trung được người xem. Hội thi bơi thuyền cuốn hút cả làng tham gia, người dự thi thì đem hết sức mình ra bơi chèo, sao cho thuyền mình lao đi vun vút, về đích trước để giật giải; người xem đứng trên bờ thì hò reo cổ vũ nhiệt tình, cùng với tiếng trống giục giã làm náo động cả một không gian đầy hương sắc mùa xuân trước cửa chùa. Trên địa bàn tỉnh, hiện không còn nhiều lễ hội truyền thống có trò thi bơi thuyền, nên bơi thuyền trong lễ hội chùa Hào rất đáng giữ gìn và phát huy, để vừa thu hút khách thập phương, vừa rèn luyện, đào tạo vận động viên môn bơi thuyền. Những năm qua, năm nào các đội thuyền nam, thuyền nữ của Hào Xá cũng được mời dự các giải thể dục thể thao của huyện, tỉnh và từng nhiều lần giật giải. Xưa kia, trong lễ hội chùa Hào còn có các trò chơi hấp dẫn như móc chạch và  bắt vịt độc đáo. Người ta đào một lỗ nhỏ chỉ đủ cho hai người thọc một cánh tay vào, đổ đầy bùn và thả con chạch trấu xuống lỗ. Người chơi cùng thọc tay vào lỗ móc trạch, ai bắt được trạch là giật giải. Nhưng chẳng mấy người bắt được chạch vì bùn trơn và vì “lẩn như chạch”, có khi chạch lẩn mất tăm. Ngày nay, con chạch khó kiếm được thay bằng củ chuối gọt tròn. Vì củ chuối tròn và có nhựa cũng trơn như chạch, lỗ lại hẹp nên cũng chẳng có mấy ai móc được. Tuy vậy, dường như trò chơi càng khó càng thu hút người chơi, mặc cho quần áo, mặt mũi lấm bê bết đất bùn. Xưa kia, trò chơi bắt vịt ở đây cũng khác với các nơi. Trong cái rét ngọt của tiết đầu xuân và nước sông lạnh buốt, người chơi phải lặn ngụp dưới nước để đuổi theo đàn vịt. Khi bắt được vịt rồi, vẫn phải lặn dưới nước và dùng tay moi mề vịt ra, sau đó ngậm mề vào miệng mới được nổi lên. Ai làm được như vậy sẽ giật giải. Ngày nay, chi tiết moi mề vịt dưới nước và ngậm cái mề vịt sống vào miệng đã bị bỏ để bảo đảm vệ sinh. Trò thi nấu cơm trên thuyền - một hình thức nâng cao của thi bơi chải cũng là nét khác lạ của chùa Hào. Người thi ngồi trên thuyền, phải bắc bếp nấu cơm bằng củi. Người “phá đám” hay “thử tài” ngồi trên thuyền khác, lấy tay lay thuyền có người ngồi nấu cơm làm cho thuyền tròng trành liên tục, lại còn té nước vào thuyền. Tất nhiên, để tránh làm tắt bếp, lệ qui định người té nước không được té thẳng vào bếp của người nấu cơm. Kết quả, người nào không để bếp bị đổ và nấu chín cơm trước mới được chấm giải.
 
Tự hào với ngôi chùa làng được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1993, chính quyền và nhân dân xã Thanh Xá rất coi trọng việc tổ chức lễ hội chùa Hào, làm cho lễ hội thu hút đông đảo du khách và trở thành một lễ hội có quy mô trong vùng. Đảng uỷ, UBND xã trực tiếp chỉ đạo tổ chức lễ hội. Ban quản lý di tích do chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Cùng với bảo lưu nét đẹp văn hoá truyền thống như rước sắc phong, dâng lễ vật chay tịnh trong phần lễ, thi bơi thuyền trong phần hội, còn loại bỏ những trò chơi không còn phù hợp như bỏ việc moi và ngậm mề vịt sống dưới nước rất mất vệ sinh như đã kể trên, khôi phục và đưa vào phần hội nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao như đu bay, chơi cờ tướng bằng biển (thay cho quân cờ bằng người trước kia), biểu diễn nghệ thuật “cây nhà lá vườn” do đội chèo của xã dàn dựng... Đồng thời, xã quản lý chặt chẽ tiền công đức để có nguồn kinh phí tu bổ di tích, vận động nhân dân ủng hộ để mua lễ phục, binh phục cho diễn xướng trong lễ hội, mua lọng để che mưa nắng cho các mâm cỗ chay dự chấm giải...
 
Do thuận tiện về giao thông và nhất là do công tác tuyên truyền về di tích và lễ hội được địa phương coi trọng, lại đáp ứng được nhu cầu du xuân vọng cảnh và lễ Phật nên lễ hội chùa Hào hàng năm thu hút khá đông du khách, trong đó có những người con của quê hương Thanh Xá về ăn tết cổ truyền và sum họp với gia đình, những phật tử ở trong và ngoài tỉnh, những người dân ở Thiên Trường - Nam Định và Yên Tử - Quảng Ninh - quê hương và chốn tu hành của Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông... Tất cả hoà đồng, để lòng hướng thiện trong một không gian thấm đẫm chất huyền thoại và màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng mà ít nơi có được. Với những nét độc đáo, lễ hội chùa Hào cần được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phối hợp tổ chức ngày càng chu đáo hơn. Chùa Hào có liên quan với chùa Minh Khánh (thuộc thị trấn Thanh Hà) và chùa Cả (thuộc xã Tân An) vì đều thờ Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (chưa kể ba vị thành hoàng - sư tổ chùa Hào cũng từng tu hành tại chùa Minh Khánh). Vì vậy, nếu có sự phối hợp tổ chức lễ hội truyền thống thì sẽ thu hút đông đảo du khách về dự hội, bởi vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa tạo thành một vùng lễ hội có màu sắc Phật giáo đặc trưng trong tỉnh. Thi bơi chải có tính chất truyền thống trong lễ hội trên địa bàn tỉnh không nhiều và đây cũng là nét đặc sắc của lễ hội chùa Hào. Bởi vậy, địa phương cần quan tâm duy trì và đổi mới hoạt động môn thể thao này, sao cho vừa phát huy được truyền thống, vừa phù hợp với đời sống hiện đại.

Xin giới thiệu một vài hình ảnh:
 

Quang cảnh lễ dâng hương tại chùa
 
Rước mâm quả của các dòng họ trong xã từ nhà Tổ qua sân chùa đến Nghè
 
 
10 đội nam, nữ ở trong thôn xã thi đua thuyền chải

 
Các đội đua thuyền chải thi nấu cơm trên thuyền trong vòng 20 phút
 
Các vận động viên bơi chải thi bắt vịt trên sông trước chùa

 


 


 

Nguồn tin: hoangphaphanoi
Từ khóa:

Lễ hội, chùa Hào Xá

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 129
  • Hôm nay: 16357
  • Tháng hiện tại: 1729941
  • Tổng lượt truy cập: 59382874

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile