Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Trúc Lâm Tam Tổ - Yên Tử Sơn

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/03/2012 13:12
Trúc Lâm Tam Tổ - Yên Tử Sơn

Trúc Lâm Tam Tổ - Yên Tử Sơn

Yên Tử là một dãy núi liên hoàn thuộc xã Yên Hưng, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cách Đông Triều 20 km về hướng Đông Bắc. Trên núi có nhiều chùa, mà chùa nào cũng thờ ba vị gọi là Trúc Lâm Tam Tổ.
Trúc Lâm Tam Tổ  
Yên Tử Sơn

Chùa Thiên Trúc (tức chùa Đồng)

 
Yên Tử là một dãy núi liên hoàn thuộc xã Yên Hưng, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cách Đông Triều 20 km về hướng Đông Bắc. Trên núi có nhiều chùa, mà chùa nào cũng thờ ba vị gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Vị thứ nhất là vua Nhân Tôn nhà Trần, chán cảnh vương giả, mộ đạo, nhường ngôi cho con, sau ba lần chống giặc Nguyên Mông thành công, lặn lội lên Yên Tử để tu hành... Vị thứ hai là Thiền sư Pháp Loa, mộ đạo Phật từ thuở bé, tu hành ở núi Hun 
Sơn, được Điều Ngự Giác Hoàng (tức vua Trần Nhân Tôn) truyền pháp, làm đệ nhị Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Vị thứ ba là Thiền sư Huyền Quang, đỗ Trạng nguyên đời Trần, từ quan lên núi Thanh Mai cũng gần đấy để tu niệm, sau được Tổ Pháp Loa ấn truyền làm đệ tam Tổ sư.
Cảnh Yên Tử đẹp có tiếng, khách thập phương về trẩy hội vào giữa tháng 2 âm lịch đến tháng 3 là hết hội, thời tiết mùa xuân nắng ấm, hoa lá xanh tươi, mùa hạ nóng bức các chùa an cư kiết hạ, mùa thu mưa bão, mùa đông gió mùa đông bắc tràn về giá lạnh. Tuy bốn mùa phân biệt, đường đi hơi vất vả khó khăn, phải đi bộ từ mấy hướng xuyên qua những quãng rừng từ Tràng Bạch, Uông bí vào Vàng Danh, lội trên 30 ngọn suối và leo qua những sườn núi lởm chởm cheo leo. Trong bài "Xuân trọng du Yên Tử sơn ngẫu chiêm kỳ nhị" của Phan Mạnh Danh, thi sĩ đời trước đã tả cảnh Yên Tử còn ghi tạc nơi đây:
Yên Sơn sơn thượng độc ta nga
Tằng đạo danh lam thắng tích đa
Bảo tháp thâm niên tàng Phật cốt
Vân tiêu hà xứ thị tiên gia
Duy dư bạch thạch mai sương thảo
Bất tận thương đài đới vũ hoa
Đáo thử yên hoa đương nhị nguyệt
Trúc Lâm yêm ưởng tịch dương tà
Bản dịch của Vũ Mộng Hùng:
Chót vót non Yên đứng giữa vời
Tiếng đồn danh thắng thiếu gì nơi
Tháp vùi cốt Phật bao đời trước
Mây cách nhà Tiên mấy dặm khơi
Trắng lớp đá đen màu cỏ ấy
Xanh rờn rêu ủ hạt mưa rơi
Tháng hai hoa khói ghi ngày tới
Rừng trúc loi thoi ánh mặt trời.
Du khách đi tham quan Yên Tử có ba lối: lối thứ nhất, từ Hà Nội đi đường Quốc lộ 1A về Lục Nam tỉnh Hà Bắc qua Lầm, đường xa đỡ vất vả. Lối thứ hai cũng từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 5 đến ga Phú Thái xuống xe hoặc tàu hỏa, rồi đi tiếp đến Yên Lưu gần núi Yên Phụ. Từ Yên Lưu đi thuyền theo dòng sông Kỳ huyện Thanh Miện lên bến Vỹ, rồi đi vào Tràng Bạch thì vừa tối. Hôm sau đi tiếp qua rừng, núi, khe để đến Yên Tử. Lối thứ ba, đi đường từ Hải 
Phòng qua phà Bính, đến ngã ba núi Đèo huyện Thủy Nguyên thì rẽ về lối Phi Liệt rồi qua bến Đụn, xe chạy tiếp đến lối rẽ, một lối về thị trấn Mạo Khê, một lối về thị xã Uông Bí, du khách xuống xe cuốc bộ vào mỏ than Bạch Thái, thì bắt đầu thấy cảnh suối ngàn non xanh của vùng Yên Tử. Xa xa đã trông thấy mái chùa Cẩm Thực xây trên đồi, chùa này trước kia là một am nhỏ, sau mới xây to rộng, là chỗ ghi nơi xưa vua Nhân Tông cùng đồ đệ nghỉ 
ngơi để dùng bữa cơm chay bằng rau sắn và rau vi. Vì thế tên chùa gọi là Cẩm Thực.
Quang cảnh chung quanh đồi này rất đẹp, có núi biếc, có suối trong, có cầu tre, có bia đá tạc bài thơ làm thấm lòng du khách một cảm giác êm dịu bâng khuâng, mà người xưa còn lưu lại bài thơ vịnh chùa Cẩm Thực như sau:
Bao la chân núi cỏ xanh rì
Suối nước cầu tre giữa lối đi
Mấy mái am thiền cây bóng rợp
Hai hàng bia tháp chữ rêu lì
Dấu xưa vua chúa còn ghi nhận
Cảnh cũ Tăng Ni vẫn trụ trì
Mỹ vị cao lương từng đã trải
Chua cay thử nếm món rau vi
Đến chùa Cẩm Thực vào khoảng giữa giờ Ngọ, khách có thể thụ trai ở đó và nghỉ ngơi chốc lát rồi đi thăm chùa Lân Động là di tích vua Trần xây để thuyết pháp. Đường đi phải qua đồn điền Nam Mẫu rộng bát ngát trồng thông và trẩu.
Qua chùa Lân Động, rẽ vào đường núi trèo qua đèo Voi, thì đến một cái suối to và trong. Tục truyền suối này là nơi 300 cung nữ theo vua Trần Nhân Tôn, bị nhà vua khước từ không cho theo quá xa nữa. Đám cung nữ ấy cũng không muốn quay về, liền cùng nhau tự tử cả ở suối ấy. Vua Trần cho dựng chùa giải oan cho những linh hồn cung nữ được siêu thăng Tịnh độ. Vì thế chùa và suối đều gọi là Giải Oan, mà thi nhân Lương Ngọc Tùng có thơ vịnh lưu lại nơi đây:

 
Suối này tên gọi Giải Oan toàn

Chùa cũng trùng tên gọi Giải Oan
Phách róc như chiêu hồn tiết phụ
Hương bay còn đượm khói trai đàn
Cảm đoàn hồng phấn duyên vừa bén
Tiếc giấc hoàng lương mộng chóng tàn
Khuê các như ai nhiều nghiệp chướng
Lên đây nước sạch rửa kỳ tan 
  
 
Từ suối Giải Oan, sau khi chồn chân mỏi gối leo những bậc đá dốc cao thì đến chùa Hoa Yên mười mái, thờ tượng Tam Tổ bằng gỗ thếp vàng. Ngoài sân có một ngọn tháp to cao, trong đó có tượng vua Trần. Sau khi nghỉ qua đêm, từ chùa Hoa Yên đi đường tắt xuyên sơn thì đến một chùa làm trong hang ngoài có một mái để che mưa, vì vậy gọi là chùa Một Mái, trong hang thờ Tam Tổ, trên cửa động có một lỗ sâu gọi là hang Gạo. Quá chùa Một Mái, đường đi ngoằn ngoèo vừa xuống dốc, đi một lúc đến chùa Bảo Xác là một trong bốn chùa đẹp vùng Yên Tử: Bảo Xác, Vân Tiêu, Thiên Trúc (tức chùa Đồng) và chùa Yên Sinh, các du khách và thi sĩ thả hồn chiêm ngưỡng non Bồng.
Chùa Bảo Xác là một hang rộng, thờ Tam Tổ, chính vị là Pháp Loa, có nhũ đá rũ xuống như rèm châu, có mạch nước chảy thành suối trong suốt. Đây là nơi vua Nhân Tôn thường đến tu dưỡng tâm thần trong khi tu.
Chùa Vân Tiêu cách chùa Bảo Xác khá xa, cũng thờ Tam Tổ, chính vị là Huyền Quang, ngoài sân có cây phù đồ lớn xây trên lưng rùa đắp. Ngắm cảnh, vãn chùa thì trời vào khoảng tròn Ngọ, khách tiếp tục đi tham quan Chùa Đồng tức chùa Thiên Trúc.
Lối đi chùa Đồng theo lối mòn, len lỏi rẽ lau lách, vạch cỏ, theo chân sơn tràng để lần lối vào giữa khoảng rừng rậm. Sau khi đến đèo Trúc Hoa là một đèo trồng toàn trúc lạ, có hoa đẹp nở hàng năm thì trông thấy một khối đá trông giống hình người, thường gọi là đá Yên Kỳ Sinh. Tên núi Yên Tử là do Kỳ Sinh lấy họ mình đặt cho núi. Theo tục truyền, Kỳ Sinh là một người Tàu mộ đạo, tinh thông địa lý, am tường thiên văn, biết vùng núi Yên Tử có huyệt đế vương, long mạch quần tụ nên Kỳ Sinh tìm cách lấy di hài thân phụ táng vào huyệt đó, nhưng đêm đến mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên đánh bật di hài mới táng ra khỏi huyệt long. Kỳ Sinh buồn rầu, biết mình không phải là chân mệnh bèn dốc lòng tu hành được thành chánh quả và được thờ cúng ở vùng ấy, tức là chùa Kỳ Sinh.
Từ đèo Trúc Hoa hướng về phía tảng đá Kỳ Sinh mà leo, một lúc thì đến chùa Thiên Trúc tức chùa Đồng. Chùa thờ Tam Tổ, chính vị là vua Trần Nhân Tôn, có đặc điểm là mọi thứ, từ đồ thờ cho đến mái, cột, dầm, xà, rui, kèo trong chùa đều bằng đồng cả. Hồi kháng chiến trong nửa thế kỷ gần đây, trong một cơn mưa bão, mái chùa Đồng bị bay đi mất, sau đó nhà chùa phải lợp bằng tôn thay vào, pha nước sơn màu tựa như đồng.
Chùa Đồng làm trên đỉnh núi cao nhất vùng Yên Tử. Đứng nơi đây trông ra xa thật là bao la bát ngát, non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình. Nơi đây người xưa có vịnh bài thơ chỗ này rằng:
Cao cao đỉnh núi tuyệt trần đời
Đầu trống canh năm thấy mặt trời
Rừng quế hoa cười công nhởn múa
Suối trong nguyệt lặn vượn đùa bơi
Bể xanh chui lại trong lòng mắt
Mây biếc luồn qua dưới cánh vai
Tới cảnh non Yên quên thói tục
Kỳ Sinh đâu đấy khách vào chơi
Phía sau chùa Đồng có lối đến chỗ có phiến đá rộng và bằng phẳng, thường gọi là bàn- cờ- tiên. Quãng đường này tuy ngắn nhưng khó đi vì rất nhiều nhũ đá lởm chởm, gai góc chằng chịt. Quanh vùng này còn rất nhiều những nếp chùa nhỏ, nhưng cảnh không kém phần ngoạn mục, muốn thăm hết vùng này mất thêm vài ngày leo đèo nữa. Đó là những cảnh am Ngọa Vân, xưa vua Trần viên tịch ở đó, núi Tiên Dòm là một tảng núi nhỏ hình người lom khom 
nhìn về phía bãi Bằng Tân, hồ Thiên Sơn, là một ngọn núi chót vót, hoa cỏ đậm đà, từ đàng xa nhìn như là một bức tranh thủy mạc. Cuối cùng là chùa Yên Sinh, tọa vị vào nơi tương đối thấp, chung quanh tùng bách um tùm. Trong chùa có tạc tượng vua Trần nằm, có cây trúc xuyên qua đùi. Khi vua Trần tịch ở Ngọa Vân am, thân nằm trên những cành trúc chằng chịt, trúc mọc xuyên qua đùi xác chết mà không ai hay. Sau triều đình nhà Trần biết và cho tạc tượng đúng như kiểu Trần Đế nằm khi viên tịch. Tượng này xưa thờ ở am Ngọa Vân, sau di về chùa Yên Sinh vì thảo am bị cháy.
Chung quanh vùng này còn có cảnh núi Thanh Mai và Hun sơn, vẻ đẹp rất quyến rũ, là nơi Tổ Pháp Loa và Tổ Huyền Quang tu luyện, đến thăm phải mất thêm một, hai ngày nữa. Nhưng với chùa Yên Sinh và các chùa nói trên, cuộc đi thăm vùng Yên Tử sơn ít nhất một tuần lễ đã gọi là đủ.
Sau chuyến hành trình qua các ngọn núi, khe, đồi và thưởng ngoạn hồ Thiên Sơn, du khách thu xếp hành lý, thọ bữa cơm chay, nhặt một ít rau sắn, rau vi cùng hoa trái, là những món quà đặc biệt của Yên Tử sơn, khách lộn trở lại đường cũ xuống núi trời vừa xế bóng. Tự nhiên khách thấy nhớ tiếc núi cao, nước thẳm, có cảm giác bàng hoàng như mới qua một giấc mơ cùng cảm giác kỳ lạ của Yên Tử sơn:
Mây vần trên đỉnh núi xa
Thuyền ai nhẹ chở ánh ngà vào đêm
Dang tay hứng giọt sương mềm
Nghe như vọng lại bao niềm gió reo
*
Nhẹ gót vân du trải mấy đèo
Lối mòn Yên Tử cảnh cheo leo
Sườn non thăm thẳm đèo ba dội
Sóng biển mênh mông trúc một chèo
Đỉnh mộng đâu bằng nơi đất Tổ
Xe châu chẳng sánh góc quê nghèo
Núi sông bát ngát tình thêm nặng
Gió lộng trăng ngàn nhạc suối reo
*
Hồ Thiên Sơn, nước trong veo
Vân Tiêu- Bảo Xác mây chèo đón ai?
Trăng nghiêng vượt sóng non Đoài
Tiếng chuông Yên Tử ngân dài sắc không
 


Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 30
  • Hôm nay: 3930
  • Tháng hiện tại: 237946
  • Tổng lượt truy cập: 59677963

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile