Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Trọng Yếu Của Nhân Học

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/03/2012 00:28
Trọng Yếu Của Nhân Học

Trọng Yếu Của Nhân Học

Lời giải đáp cho con người.

Trọng Yếu Của Nhân Học 

"Nhân", phải trải qua sự từng trải việc người mới có thể trưởng thành.

"Nhân", phải nghĩ đến sự tồn tại của người khác mới có thể rộng mở.

"Vô duyên đại từ – đồng thể đại bi", ắt là cảnh giới tối cao giữa "người" và "người".

Tháng 11 năm 1994, tại đạo trường Phật Quang Sơn Đài Bắc cử hành hội nghị học thuật của hai bờ eo biển, tôi đáp lời mời cùng các nhà học giả toạ đàm. Trong bàn có một vị giáo sư nói, trước mắt, Trung Quốc Đại Lục có một nhóm học giả chuyên môn nghiên cứu "Nhân học".Ông ta là một người trong đó.Thì ra, Người – mới là học vấn tối trọng yếu của thế gian. Tôi bảo với các nhân sĩ, nếu chỉ nghiên cứu "người" trên bề mặt thì chưa đủ, cần phải nên nghiên cứu "tâm", bởi vì người là sắc và tâm hoà hợp mà thành, ắt đem vật chất và tinh thần điều hoà, mới có thể triệt để đem "người" làm tốt, trọng yếu của nhân học, mới thật chẳng hư rỗng.

Nhớ lúc còn bé, bà ngoại đưa tôi đi học tại trường tư thục. Ngày đầu tiên thầy giáo chỉ dạy tôi một chữ "người" (人: Nhân). Sau này đem "người" làm tốt trở thành mục tiêu của đời tôi. Do đó, trước hết tôi theo sự hiếu thuận với bậc trưởng thượng mà làm, vì muốn giúp người mẹ cô quả khổ cực, tôi đem số tiền dành dụm hằng ngày, tiền mừng tuổi năm mới đưa mẹ mua điểm tâm về nhà, để cho tiếng cười thích thú của bọn con cái làm nhạt nhoà sự thảm não trong lòng mẹ.

Tuổi quá sáu mươi, tôi và người mẹ đã xa cách bốn mươi năm gặp gỡ nhau, tôi liền nghĩ cách rước mẹ về nuôi dưỡng hiếu kính, thần hôn định tĩnh, và bắt chước tinh thần của Lão Lai Tử mặc áo hoa làm vui cho mẹ, nương vui dưới gối. Thậm chí tôi yêu nhà, yêu luôn quạ đậu trên nhà, hết sức vì cậu, anh chị em giải quyết vấn đề khiến cả nhà vui vẻ an lạc, làm mẹ được an tâm.

Năm mười hai tuổi, tôi xuất gia.Sư phụ là Thượng nhân Chí Khai đưa tôi đến Phật Học Viện để học.Tôi tiến một bước học đến tâm là nguồn vạn pháp. Học làm "người" trước phải điều tâm, trong tâm có "người", vì "người" mà để tâm đến, là điều kiện tiên quyết làm "người". Vì để Sư phụ hoan hỉ, khỏi lo, tôi tinh tấn phấn phát, cố sức vươn lên. Vì muốn cho sư huynh đảm nhiệm trụ trì tại chùa chuyên tâm quản lí việc chùa, tôi thường xuống núi chạy hơn trăm dặm đường dài lo kinh sám Phật sự, qua lại giữa thôn làng mà thổ phỉ thường ẩn hiện, và cũng tự nguyện tối ba mươi Tết gõ cửa từng nhà để quyên góp lương thực.

Lúc nội chiến bùng nổ, tôi cùng bạn đồng học một mặt hoằng pháp, một mặt lánh nạn. Sự thiếu thốn vật dụng khiến tôi nghĩ đến nhu yếu của người khác, do đó khi tiết đông lạnh giá tôi đem chiếc áo bông duy nhất tặng bạn đồng song là Hoành Độ, lại đem chiếc áo tràng khó được cho người bạn tốt Chữ Vân. Tôi cảm nhận sâu xa giữa "người" và "người", nếu có thể tương thân tương ái, vũ trụ rộng mở biết bao!

Đến Đài Loan, tín đồ ngày càng tăng, và lo nhu yếu cho người khác, có thể nói là tôi ngày ngày vì người cực khổ, ngày ngày vì người bận rộn. Bằng hữu vừa báo điện thoại sẽ đến thăm, tôi tựa cửa ngóng trông, quét giường để đợi. Tín đồ có Phật sự tống táng, tôi vội vàng đi xe siêu tốc để kịp thời dự lễ, niêm hương, thuyết pháp. Hứa làm lễ hỉ sự kết hôn, dù ở mãi tận cuối làng xa xôi hẻo lánh, trời mưa tầm tã, tôi cũng len lỏi trên đường nhỏ quanh co giữa sấm chớp vang rền, kiếm cách đến nơi để chúc phúc chứng minh, thậm chí sau này còn quan tâm đến vấn đề họ sanh con nuôi cái. Như nhà cư sĩ Thái Cố Nghi ba đời đều là tôi đặt tên cho, năm người con của Quách Bổn Vân, ba cậu bé của Lí Nhất Bình, tôi thay họ nuôi nấng nhiều năm. Về sau, dứt khoát mở rộng, đổi thành Dục Ấu Viện, chuyên thâu nhận nuôi dưỡng luôn một loạt.Trong đám đông nhân quần, vì người khác bôn ba cực nhọc, tôi chẳng chút nào cho rằng khổ, nhân vì tôi từ thân "người" học tập được đức tính tốt đẹp khiêm hoà nhẫn nhục, từ bi bao dung.

Một đệ tử trẻ tuổi từng nói với tôi:

— Người ta đến lúc già thường giống như trái banh chuyền, con cái đẩy qua đẩy lại, chẳng chịu chiếu cố, nhưng Sư phụ lại giống quả bóng chày, con cái trong thiên hạ đều hoan hỉ qua lại ôm chầm Thầy.

Tôi nghĩ đây nhân vì tôi rất chú trọng sự tôn trọng hài hoà giữa con người với nhau. Bình thường chúng ta đều biết lúc trời lạnh cần chuẩn bị dù đi mưa, lúc xuân hạ cần tích cốc phòng đông."Người" cũng không thể chỉ thấy lợi gần ngắn ngủi mà phải ở hằng ngày bồi dưỡng duyên lành, vì vị lai vĩnh hằng mà lưu tâm.

Tôi suốt đời giữ nguyên tắc xử thế đãi "người": "Anh lớn tôi nhỏ, anh tốt tôi xấu, anh có tôi không, anh vui tôi khổ", có bị thua thiệt thế nào đi nữa cũng không dễ dàng phá hoại "tình người". Kết quả tôi làm người khác hoan hỉ, người khác cũng dang rộng hai tay, biểu thị hoan nghinh tôi.

Có lúc, tín đồ cho rằng tôi biết xem phong thuỷ địa lí, đến hỏi tôi miếng đất này tốt hay xấu. Tôi hoàn toàn đề xướng "nơi nơi đều là đất tốt", nhân đây đều nói "Tốt", chúc phúc họ được cát tường như ý, đợi họ được bình an thuận lợi, mới đem cục đá trong tâm buông xuống. Có tín đồ hỏi tôi ngày này tốt hay xấu. Tôi luôn chủ trương "ngày ngày đều là ngày tốt, do đó đều nói "tốt", chúc phúc họ tháng tốt ngày lành, chỉ vẫn đợi đến khi họ cảm tình hoà mục, tự mình cũng mới an tâm. "Người" là điều trọng yếu.Tánh của "người", tại có sở đắc. Tuy nói đưa ra chút quan tâm, nhưng có thể bảo trì tình nghĩa nặng sâu, tự biết như thế là thu hoạch nhiều tốt đẹp.

Đối với hơn ngàn đệ tử xuất gia, từ trên thực chất cho đến sự khải phát về tinh thần, từ sự kiến thiết cứng cỏi đến nghị định chế độ, từ giáo dục sinh hoạt đến khai thác tư tưởng, từ khai đạo cá biệt đến phổ tham đại chúng…, tôi đều đem hết khả năng, đắng miệng mềm lòng… Nhưng mưa thì nhuần khắp mặt đất mà cây thì có lớn nhỏ khác nhau, trình độ thấm nhuần bất đồng. Pháp thì đồng dạng, một vị bình đẳng, nhân nơi trí hay ngu của "người" có phân biệt hơn kém, sự tiếp thọ nhiều ít cũng có sai biệt. Giống như có một ít đệ tử không hề muốn tôi quan hoài, một lòng chỉ nghĩ việc phụng hiến thường trụ, phục vụ nhân quần, bọn họ tạm dùng thời giờ, sẽ thành long tượng trong cửa Phật, lương đống trong giáo giới. Nhưng có một ít đệ tử đã không muốn người khác quan tâm, mà tự mình chẳng giúp đỡ "người khác" chút nào, chỉ nghĩ cho mình, bình tĩnh an nhàn qua một đời. Có một số đệ tử chỉ hi vọng "người khác" đối xử tốt với mình, chính mình lại không chịu đáp trả.Lại có số chỉ biết chê gièm "người khác", dù đối với họ tốt, họ cũng chẳng biết đủ, vừa lòng.Bọn họ cứ việc lo tài năng cho ưu việt, nhưng do cá tánh sai sử, không cách gì làm cho nhân hoà, nghĩ đến tiền đồ của họ cũng chịu nhiều hạn chế.

Hơn mười năm trước, vì mở mang chùa Tây Lai làm cơ sở hoằng pháp tại Âu Mĩ, một nhóm đồ chúng trẻ tuổi mạnh mẽ, có đủ tiềm lực lục tục đến Mĩ quốc làm công tác khai sơn, đâu dè có một ít đệ tử lại nói sau lưng:

—  Sư phụ đem đồ đệ ưa thích nhất đưa đi Mĩ.

Về sau chùa Tây Lai khánh thành, thường trụ lại phái một nhóm đệ tử lão thành cẩn thận, tu dưỡng thâm hậu đến trước để độ chúng, chẳng dè mấy người này lại nói:

— Hiện tại Sư phụ đem đệ tử không ưa nhất phái đi Mĩ.

Vừa nghe như thế, thật chẳng biết làm sao. Lòng bàn tay hay lưng bàn tay cũng đều là thịt, rốt cuộc ai là người tôi thích nhất? Ai là người tôi ghét nhất?Theo thời gian đưa đẩy, đến nay, tiếng bất bình đã mất tăm mất tích. Té ra thích hay không thích đều là vấn đề "người" mà thôi. Tâm có cao thấp, "người" bèn có tầng lớp bất đồng.Chỉ cần việc làm công chính, công bình, qua một thời gian, tự nhiên khiến người nể phục, hà tất suy bì cái thấy ngắn ngủi một thời của người sao?

Nhớ mấy năm trước, vào một sáng quang đãng, tôi đưa mẹ đi tản bộ. Lúc đến dốc phía dưới bên trái chùa Tây Lai, tôi rút chìa khoá mở cửa sắt, giải thích cho mẹ:

— Cái cửa hông này là đường ngắn thông tới chùa Tây Lai.

Mẹ tôi nói:

— Cửa chính? Cửa hông? "Người bậc thượng" thì rước cửa trên, "Người bậc trung" thì "người" đãi "người", "Người bậc hạ" thì cầu chẳng thành. Đâu có con đường ngắn nào?

Đích xác, đầy đủ từ bi trí huệ, chịu chủ động phục vụ cho "người", tự nhiên được mọi người công kênh làm "người ở trên người". Tâm ôm phân biệt, chỉ tính lợi trước mắt, đã không từ bi lại không trí huệ, đương nhiên chỉ quanh quẩn làm "người ở dưới người".

Lại có một lần, tôi tuyên giảng kinh Kim Cang, lúc xuống toà, tôi hỏi mẹ hay hay không? Mẹ tôi đáp: "Ông nói không ngã tướng, tôi có thể lí giải được, nhưng làm người nếu như không nhân tướng, tôi không rõ lắm. Trong tâm một con người mà không có người khác, thì làm sao an thân lập mạng trên xã hội?"

Mẹ tôi không biết chữ mà nói ra lời khiếp người, khiến đệ tử của tôi đều thán phục quá chừng. Tôi nghĩ đây là vì bà bình thường thích gỡ rối, dẹp khó cho bà con lối xóm, do đó, có thể thông đạt nhân tình thế cố như thế! Mà tôi từ bé ở chỗ thấy nghe lựa chọn, cũng tập lo lắng cho người là việc thường. Thẳng đến ngày nay, vì để giữ thanh tịnh cho người, đêm khuya, tiết mục truyền hình đáng xem lại tôi cũng không xem.Vì muốn tín đồ không thất vọng, tôi nhất định giữ đúng lời hứa, dù bịnh đau nặng nề, cũng chưa hề huỷ bỏ ước hẹn. Lúc bình thường, tôi ra vào đóng cửa, mở cửa nhất định nhẹ tay nhẹ chân, không cho ra tiếng, để khỏi kinh động người khác. Lúc dùng nước, tôi chẳng dám mở mạnh cho nước chảy ào ào, sợ ồn náo người khác.Nói chuyện cốt người nghe vui vẻ; làm việc cốt cho người ta biết rồi đồng ý.

Vì muốn người già có chỗ dưỡng, bé thơ có chỗ yên, tôi xếp đặt sự nghiệp từ thiện, dưỡng lão, dục ấu… Vì muốn trợ giúp người Trung Hoa ở hải ngoại được an trú mỗi miền, tôi thành lập Trung Hoa Học Hiệu, Tùng Hạc Học Uyển. Để có phương tiện cho tín đồ thế giới thăm viếng, tôi giao phó mỗi phân viện tăng gia thêm xe đón, xe đưa phục vụ. Thậm chí để nâng cao tầng lớp tín đồ, ở mỗi nơi trên toàn cầu, tôi đều thành lập Phật Quang Hội, để mọi người có thêm nhiều cơ hội học tập. Phật dạy: "Tất cả đều vì chúng sanh, do đó, chúng ta chẳng phải là vì "người", lại có Phật sự nào để làm ư?"

Năm 1992, tôi đến chủ trì Đại hội do Đan Phật Phật Quang Hiệp Hội thành lập. Tiên sinh Tạ Điển Phong nhậm chức Hội trưởng lúc từ giã ra về nói:

— Quá khứ tôi là một Công trình sư mỗi ngày làm bạn với cốt sắt, xi măng, cơ khí, mô-tơ. Chẳng những sinh hoạt khô khan vô vị, mà ngày qua ngày lại vì "công việc" mà bận rộn, trên tư tưởng cũng không được thông cảm, khiến tôi thường cảm thấy cô đơn trống vắng. Từ khi tổ chức Đan Phật Phật Quang Hiệp Hội rồi, tôi ngày ngày vì "người" mà bận rộn. Tuy trong quá trình có hỉ, nộ, ai, lạc, có thuận nghịch, chê khen, nhưng trong sinh hoạt có thanh âm, có tiếng vang, trên sự tu hành có phản tỉnh, có tiến bộ, khiến tôi biến đổi có từ bi, có trí huệ, làm việc càng an ổn mạnh mẽ, thành thục thêm. Hiện tại tôi cảm thấy đời người sung mãn vô hạn.

Một lời nói này, có thể nói hết cái "Trọng yếu của nhân học".

Hơn hai mươi năm trước, lúc tôi đảm nhận chức Viện trưởng Phật Quang Sơn Phật Giáo Học Viện, mắt thấy thiểu số học sinh vừa mới đến, nhất thời tục tình chưa hết, muốn xuống núi xem đoàn trượt băng Bạch Tuyết, lại ngại nội quy của viện không cho phép, trong tâm thấp tha thấp thỏm. Tôi vì muốn thành toàn cho họ, bèn lấy cớ của mình, phái họ đến chợ mua văn phòng phẩm, thả họ nửa ngày rảnh rỗi. Học sinh này đi rồi, sau bèn có thể an trụ trên học nghiệp, tinh tấn phấn chí, không còn nghĩ đến việc xuống núi nữa.

Những chú bé của Sa-di Học Viện tuổi nhỏ thích chơi, lão sư kiểm soát thường thường y theo phương pháp của tùng lâm ở Đại Lục, phạt họ quỳ hương lạy Phật, tôi vội vàng ngăn lại, bảo lão sư phạt Sa-di quấy rối phải ngủ, chẳng cho họ theo chúng tham gia khoá tụng sớm chiều. Biện pháp này được thực thi nửa năm, bọn Sa-di quấy rối thấy bạn đồng học khác có thể lên điện theo khoá tụng, còn mình lại không thể tham gia, rõ ra đi ngủ là một loại xử phạt, lễ Phật là một việc vinh quang, dần dần sanh tâm hổ thẹn, mỗi người đều tự động tự phát biến đổi, nhận chân việc siêng năng, tấn tới. Về sau, các lão sư đều bội phục phương pháp giáo dục của tôi, kì thực tôi chẳng có học qua trường sư phạm nào, cũng chẳng hề tu học qua về giáo dục, chỉ là biết được một điểm nhân tính mà thôi.

Tôi biết được chẳng kể là dạy người hay xử người, đều phải trước hết duy trì sự tôn nghiêm của đối phương, chỗ nói "người biết tánh mới ở chung", "người" sống trong sự tôn trọng. Đối với người tham dục sâu, chúng ta để họ nhiều vật chất một chút.Đối với người lòng giận dữ nặng, chúng ta cần cho họ lời khen tặng nhiều một chút. Đối với người ngu si, chúng ta cần tha thứ về sự chẳng rành sự lí của họ. Đối với người kiêu mạn, chúng ta cần khiêm hư thêm để tiếp đãi. Đối với người nhiều nghi ngờ, chúng ta cần giảng rõ ràng, nói minh bạch, để họ tăng gia tín tâm.

Trong nhóm đệ tử của tôi, không những bao quát đủ mọi nghề sĩ, nông, công, thương, mà còn trùm hết các nhân chủng đen, trắng, vàng, nâu đủ màu. Một hôm nọ, có một số đệ tử da đen đến Congo nói với tôi:

— Chúng con rất lo lắng vì tâm người da đen so ra không nhu nhuyến, không dễ dàng tiếp thọ Phật pháp, chúng con phải làm sao để cải biến tâm này?

Tôi đáp họ:

— Cải biến màu da thì khó, cải biến nội tâm thì dễ hơn, hơn nữa cải biến nhan sắc cũng chẳng tất yếu, chỉ cần đổi tâm là tốt rồi. Kì thật, chẳng những người da đen cần đổi tâm, mà ai ai cũng đều phải cần đổi tâm.Tâm của người da đen thực sự rất hiền lương, có lúc người da trắng, người da vàng cũng không bằng. Hi vọng các con hôm nay xuất gia, cần phát nguyện hoằng dương lòng từ bi trong Phật pháp, giải quyết vấn đề bất bình đẳng ở Phi Châu, đem nhân dân từ trong khổ nạn bởi chiến tranh giải thoát ra, qua sinh hoạt hạnh phúc hoà bình của Phật pháp.

Bọn họ nghe rồi, vui mừng chắp tay. Như nay ở Nam Phi lại có nhiều vị da đen do nhân tính Phật pháp của các pháp sư Huệ Lễ, Huệ Cơ chiêu cảm mà phát tâm xuất gia, tôi tin rằng ánh sáng trong nhân tính một mặt nhất định có thể chiếu phá đám mây mù đen tối.

Mạnh Tử nói: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Phật giáo thì cho rằng: "Người người đều có Phật tánh, chỉ do vọng tưởng chấp trước, do đó luân hồi lưu chuyển trong năm đường". Lại nói: "Một tâm chia hai môn, tâm chân như môn và tâm sanh diệt môn". Nếu như chúng ta để tâm tĩnh lặng lại, phản quán tự chiếu trở về nguồn cội, sẽ phát hiện: Sự thiện ác của "người" là tự trong bản tánh phát sanh. Mừng giận của "người" là từ tâm phân biệt mà đến.Buồn vui của "người" là từ trong cảm quan tiếp nhận.Chân giả của "người" là từ trong cảnh giới mà dẫn phát.

Mười năm trước, một vị trẻ tuổi vừa tốt nghiệp Đại học đến núi học Phật. Lúc đó khí thế của Đại Chuyên Thanh Niên Học Phật lại không thịnh lắm. Do đó, mọi người đối với anh ta hết sức trọng vọng, nhưng vì anh ta chủ quan quá mạnh, duyên với người ngày càng nhạt nhẽo. Có một hôm, anh ta tìm tôi, đầy miệng toàn là: "Tôi nhận là… Tôi biết được… Ý của tôi là… Cách nhìn của tôi cho rằng…" Tôi bảo anh ta:

— Thế giới không phải có một mình anh, chỉ có buông hết thành kiến, dẹp bỏ ngã chấp, nghĩ đến người khác, mới có thể có toàn bộ thế giới.

Nghĩ lại mình lúc còn trẻ, cũng từng cao ngạo tự phụ, nhưng theo tuổi tác tăng trưởng, biết "ngoài người có người", "ngoài trời có trời". Triết Tây nói: "Vũ trụ chỉ cao năm thước, thân con người sáu thước, phải cúi đầu mới có thể sinh tồn". Do đó, từ từ học được khiêm hư, nhường nhịn, đồng thể cộng sanh, không lúc nào không nghĩ cha mẹ của ta là người, anh em của ta là người, thầy của ta là người, bạn bè ta là người, cùng ta qua lại đều là người. Nghĩ đến lại có nhiều người cần ta, ta cũng cần nhiều người. Tôi thầm thầm cảm được: "Người", ắt phải trải qua sự từng trải "nhân sự" mới có thể trưởng thành. "Người", ắt phải nghĩ đến sự tồn tại của "người khác" mới có thể rộng mở. "Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi", đây là cảnh giới tối cao giữa người và người.

Phật Quang Sơn từ lúc khai sơn đến nay, mọi việc lớn nhỏ đều phải mở hội quyết nghị. Đệ tử thường nói:

— Sư phụ, Thầy đến quyết định nhé! Thầy nói làm gì, chúng con sẽ làm thế.

Tôi lại kiên trì mở hội để bàn luận, nhân vì Phật Quang Sơn là của chung mọi người. Ba mươi năm nay, Phật Quang Sơn ở trong ổn định mạnh mẽ trưởng thành, "nhân hoà" là nhân tố trọng yếu nhất.

Tiên sinh Trần Trúc là bậc nhân sĩ có công năng đặc dị nổi tiếng ở Đại Lục, một hôm nói chuyện với tôi về vấn đề "con người", ông nói: Người sách hoạch bộ phim Hà Thương, lúc mới đầu vì việc mở đầu phim mà nhức đầu nhức óc, có một hôm vô tình xem thấy bản đồ treo trên tường, chỗ hai sông Trường Giang và Hoàng Hà chia nhánh, giống hệt chữ ? (người), khiến ông ta "phước đến tâm linh", lấy đây làm đầu phim, nhiều người xem xong rất khen ngợi sự thiết kế trí huệ của ông ta. Tục ngữ nói: "Đất có nước mới có người ở". Trường Giang và Hoàng Hà đã gầy dựng "nhân văn" của Trung Hoa thật vĩ đại. Kì thực, không những người trong nước như thế, nhiều năm nay, tôi đi thăm các nơi trên thế giới, phát giác ra hễ quốc gia nào giảng giải nghiên cứu "nhân ngã tôn trọng" nhất định gặp được đường khang trang hạnh phúc, ngược lại thì hoạ loạn không dứt.

Người Trung Quốc khổ nạn liên miên, nhưng chữ Trung Quốc lại phong phú triết lí, ví dụ như 人 (người), 也 (ấy) hợp thành 他 (người khác) nghĩa là người khác cũng là "người". 人 (người) và 尒 (anh) là 你 (bạn), ý nói bạn cũng là người. 人 (người) và 二 (hai) là 仁 (nhân từ) ý nói nghĩ nhớ đến hai người đây và kia, mới là biểu hiện nhân từ. 人 (người) và 一 (một) là 大 (to lớn) ý là thêm một người nữa mới có thể cộng sự với người, đoàn kết hợp tác, mới có thể thành tựu sự nghiệp vĩ đại. 人 (người) và 二  (hai) là天 (trời), ý nói thêm hai người, có thể đủ hoà bình đối xử với nhau, mới là thiên hạ làm việc công chạy theo đường chân lí. Ngoài ra như 人 (người) với 言 (lời nói) thành 信 (tin cậy), 人 (người) với 立 (đứng) thành 位 (ngôi vị), 人 (người) với 建 (kiến lập) thành 健 (mạnh), 人(người) với 桀 (tài giỏi) thành 傑 (hơn người), phàm những chữ này đều nói với chúng ta: Một cá nhân nghĩ muốn đặt chân trên xã hội ắt phải tự mình kiện toàn, giữ vững cương vị, chuyên cần làm hết trách vụ của mình, tạo phước cho nhân quần.

Có người nói: "Người, rốt cuộc vì ai cay đắng, vì ai bận rộn?" Tôi nói: "Người, là vì người cay đắng, vì người bận rộn". Nhân vì "người" vì "người", người người là một thể, vì người khác đáp trả, kì thực thu hoạch lớn nhất lại là chính mình. Cũng có người nói: "Làm người khó, người khó làm, khó làm người". Tôi cho rằng: "Làm người khó, người khó làm", đều là do chính mình không biết "làm người" mà nhân chính là "khó làm người". Do đó chúng ta cần phải học tập "làm người".

Lúc còn nhỏ, biết được có người tốt, người xấu, người trí, người ngu… Xuất gia học Phật rồi, trong tâm chỉ có "người cần giúp đỡ".Tuổi trẻ biết được người có người nghèo, người giàu, vĩ nhân, phàm nhân…, hôm nay qua mấy mươi năm, trong tâm chỉ có "người cần báo đáp". Cổ đức nói: "Sau bảy mươi tuổi, chỗ muốn trong tâm không vượt quy củ". Tôi lại biết được: Tuổi đến bảy mươi vẫn cảm thấy chẳng đủ, tôi vẫn tiếp tục không ngừng học tập làm sao để "làm người".

Đại sư Thái Hư nói: "Người thành tức Phật thành, đó gọi là Chân hiện thực". Kinh Phật thì nói: "Chư Phật mười phương đều chứng ngộ Phật quả tại trong nhân đạo".

Tất cả đạo lí trên thế gian đều lấy "nhân học" làm gốc, "người" làm không tốt, cái gì cũng đều chẳng thông.

Cảnh giới tối cao của học tập làm người là thành Phật. Một chữ Phật 佛 (đức Phật), là 人 (người) và 弗 (phủi) nghĩa là "người" trước tiên phải quét sạch chấp trước riêng tư, "dẹp" vô minh phiền não mình có, trừ bỏ vật không nên có của người, đó là Phật vậy.

Trích : " Tinh Vân Bách Ngữ "

 

Tác giả bài viết: HT. Tinh Vân
Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 35
  • Hôm nay: 2304
  • Tháng hiện tại: 1715888
  • Tổng lượt truy cập: 59368821

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile