Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Chuyện tiền thân nàng Sujàta

Đăng lúc: Thứ tư - 17/08/2016 23:19 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Kẻ hưởng được bề ngoài duyên dáng..,
Chuyện tiền thân nàng Sujàta

Chuyện tiền thân nàng Sujàta

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên, về một cô gái, tên là Sujàta, dâu ông Cấp Cô Ðộc, con gái của vị phú thương Dhananjaya và là em út của nữ cư sĩ Visàkhà.
 
Cô ta về làm dâu nhà ông Cấp Cô Ðộc với lòng đầy kiêu ngạo vì nghĩ rằng cô vốn xuất thân từ một gia đình sang trọng. Cô rất bướng bỉnh, thô lỗ, nóng nảy và hung tợn. Cô từ chối các bổn phận đối với cha mẹ mới hay đối với chồng mình. Cô đi khắp nhà nói năng thô lỗ và còn đánh đập cả mọi người.
 
Một hôm, bậc Ðạo Sư cùng năm trăm Tỷ-kheo đến viếng ông Cấp Cô Ðộc. Mọi người ngồi xuống, vị đại thương gia ngồi bên cạnh Thế tôn và nghe Ngài thuyết pháp. Lúc ấy, Sujàta đang la mắng những người giúp việc.
 
Bậc Ðạo Sư ngưng nói và hỏi tiếng gì ồn ào như vậy. Vị thương gia giải thích rằng đó là con dâu thô lỗ của ông, cô ta đã không cư xử đúng đắn với chồng và cha mẹ chồng, cô chẳng hề bố thí và chẳng có điểm nào tốt cả; cô không có lòng tín thành mộ đạo, cô đi khắp nhà, la mắng suốt ngày đêm. Bậc Ðạo Sư truyền gọi cô ta đến.
 
Người phụ nữ kia đến và sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, cô đứng một bên. Rồi bậc Ðạo Sư hỏi cô:
 
- Này Sujàta, có bảy loại vợ mà một người đàn ông có thể gặp; cô thuộc về loại nào?
 
Cô ta trả lời:
 
- Bạch Thế Tôn, Ngài dạy vắn tắt quá, con không hiểu được, xin Ngài giải thích thêm.
 
- Ðược rồi, - bậc Ðạo Sư dạy - Hãy chú ý nghe đây.
 
Rồi Ngài đọc các bài kệ sau:
 
Tâm địa xấu, điều hay chẳng thiết,
 
Yêu người ngoài, lại ghét bỏ chồng,
 
Của tiền chồng tạo phá tan,
 
Vợ này Phá hoại nhà chàng xứng tên.
 
Vật chồng tặng do tiền mua bán,
 
Nghề tinh chuyên, cuốc xẻng nông gia,
 
Cố tình lấy cắp dần dà,
 
Vợ nào như thế, gọi là Tặc gian.
 
Quên phận sự, hung tàn lười biếng,
 
Lại tham lam, xấu miệng sân đầy,
 
Chuyên quyền với kẻ dưới tay
 
Mang danh là loại vợ đây Cao cường.
 
Còn kẻ vẫn mến thương điều tốt,
 
Chăm sóc chồng như một mẹ hiền,
 
Của tiền chồng tạo, giữ gìn,
 
Mẫu nghi mới gọi đúng tên vợ này.
 
Tôn trọng chồng cũng tày như thế
 
Ðàn em thơ kính nể người anh,
 
Nhún nhường, tuân phục chồng mình,
 
Vợ là Hiền muội, đúng tình chất chơn.
 
Kẻ luôn mừng đón chồng khi thấy
 
Như bạn bè sau mấy độ xa,
 
Hiến dâng, đức độ, nghiêm hòa,
 
Vợ nào như thế, gọi ra Thân bằng.
 
Sợ hung tàn, tâm an chịu khổ,
 
Chẳng cuồng si, đầy đủ kiên trì,
 
Chân tình, chiều chuộng mãi ghi,
 
Vợ kia được gọi Nô tỳ chính danh.
Này Sujàta, trên đây là bảy loại người vợ mà một người đàn ông có thể có. Ba loại người vợ bị gọi là vợ phá hoại, vợ bất lương và cao cường phu nhân sẽ tái sinh vào địa ngục. Bốn loại người vợ còn lại sẽ được sanh vào cõi trời thứ năm.
Vợ Cao cường, Tặc gian, Phá hoại,
 
Giận dữ hoài, chẳng biết kính ai,
 
Hết đời, bỏ xác, đầu thai
 
Xuống miền địa ngục khó ngày thoát đi.
 
Vợ Thân bằng, Mẫu nghi, Hiền muội,
 
Hoặc Nô tỳ, trong cõi đời này,
 
Ngoan hiền, tự chủ lâu dài,
 
Hết đời, bỏ xác, lên trời sống vui.
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng về bảy loại người vợ như thế, Sujàta đắc quả Dự Lưu, và khi bậc Ðạo Sư hỏi rằng nàng thuộc loại vợ nào, thì nàng thưa:
 
- Bạch Ngài, con là kẻ nô tỳ.
 
Nói xong nàng cung kính đảnh lễ đức Phật và được Ngài tha thứ.
 
Như vậy chỉ với một lời khuyên bảo, bậc Ðạo Sư đã thuần hóa được người phụ nữ xấu tánh kia. Sau bữa ăn, Ngài tuyên thuyết về các bổn phận trong giáo hội và rồi Ngài vào Hương phòng.
 
Bấy giờ các Tỷ-kheo họp tại Pháp đường và ca ngợi bậc Ðạo Sư:
 
- Này các pháp hữu, chỉ với một lần khuyên bảo duy nhất, bậc Ðạo Sư đã thuần hóa được người phụ nữ xấu tánh kia và khiến cho nàng đắc quả Dự Lưu.
 
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi xem họ ngồi với nhau đang thảo luận chuyện gì. Họ thuật lại như trên. Ngài dạy:
 
- Ðây chẳng phải là lần đầu tiên Ta thuần hóa Sujàta bằng một lời khuyên bảo duy nhất đâu!
 
Rồi Ngài kể tiếp một chuyện đời xưa.
***
 
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là thái tử do Chánh cung hoàng hậu sinh ra. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasila. Sau khi vua cha băng hà, ngài nối ngôi và trị vì rất công chính.
 
Mẫu hậu ngài là một người đàn bà nóng nảy, dữ tợn, thô lỗ, gắt gỏng, ác khẩu. Ngài chỉ mong sao khuyên bảo được mẹ, nhưng ngài cũng nhận thấy rằng không nên làm điều gì bất kính đối với mẹ. Vì thế, ngài cố tìm một cơ hội để hé lộ dần ẩn ý.
 
Một hôm ngài đi vào vườn hoa và mẹ ngài cũng theo ngài. Một con chim cưỡng xanh đang kêu the thé trên đường. Khi ấy, các triều thần đều bịt tai lại và la lên:
 
- Cái giọng thật kinh khủng! Cái tiếng kêu ấy thật ghê rợn! Ðừng gây ra cái tiếng ấy nữa!
 
Bấy giờ Bồ-tát đang đi qua vườn hoa với mẹ và đoàn người du lãm. Một con chim Cu đậu trong đám lá rậm của một cây sàla, hót lên âm điệu ngọt ngào. Mọi người đứng đó đều thích thú khi nghe nó hót, vỗ đôi bàn tay rồi chìa tay ra và yêu cầu nó:
 
- Ôi! Thật là giọng hót êm dịu, một giọng hót tốt lành, một giọng hót thanh lịch! Hót lên, chim ơi, hót lên đi!
 
Rồi họ cứ đứng đó, rướn cổ lên chờ nghe.
 
Bồ-tát chú ý đến hai sự việc này, nghĩ rằng đây là dịp may để tiết lộ ẩn ý của mình cho mẫu hậu.
 
- Thưa mẹ - ngài nói - Tiếng kêu của con chim cưỡng trên đường làm cho ai nghe cũng phải bịt tai và thốt lên: Ðừng gây ra cái tiếng ấy nữa! Ðừng gây ra cái tiếng ấy nữa! Và họ bịt tai lại vì âm thanh dữ dằn chẳng được ai ưa cả.
 
Thế rồi ngài đọc các bài kệ sau:
Kẻ hưởng được vẻ ngoài duyên dáng,
 
Thoạt nhìn vào, tươi sáng đẹp thay,
 
Nhưng buông lời nói chối tai,
 
Ðời này đời kế chẳng ai yêu vì!
 
Chim Cu kia, thường khi mẹ thấy,
 
Lốm đốm đen xấu vậy mặc dầu,
 
Tiếng kêu êm dịu ngọt ngào,
 
Bao nhiêu kẻ đón người chào mến thương.
 
Mong tiếng mẹ dịu dàng thanh lịch,
 
Lời khôn ngoan bỏ hết tự kiêu,
 
Âm thanh êm ái mỹ miều
 
Giảng bày Thánh pháp ý nêu tỏ tường.
Khi Bồ-tát khuyến dụ mẫu hậu bằng ba bài kệ trên, ngài đưa mẹ vào cách suy nghĩ của mình. Sau đó, mẹ ngài sống theo chính đạo. Chỉ bằng một lời nói, Bồ-tát đã làm cho mẹ thành một người phụ nữ biết quên mình. Rồi về sau, khi từ trần, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
 
***
 
Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
 
Sujàta là mẹ của vị vua ở Ba-la-nại, còn Ta chính là vị vua ấy

 
Tác giả bài viết: HT.Thích Minh Châu
Nguồn tin: GHPGVN
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 34
  • Hôm nay: 8078
  • Tháng hiện tại: 1360273
  • Tổng lượt truy cập: 59013206

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile