Chân hạnh phúc

Hạnh phúc nhân khổ đau mà có, khổ đau nhân hạnh phúc mà tồn tại.
Chân hạnh phúc
Không biết tự bao giờ, con người đã khao khát và tìm cầu đuổi bắt một thứ tưởng chừng như ở xa vô tận nhưng lại rất dỗi gần gũi. Con người lại càng bất ngờ hơn khi được biết rằng mình đang nắm giữ nó. Sở dĩ thứ đó trở thành một vị ngọt lôi cuốn, hấp dẫn tất cả bởi vì: Nó có thể kéo cả sự tăm tối sâu tận dưới bờ vực thẳm lên trên ánh sáng rực rỡ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nó cũng có thể cải biến cả một vùng đất cằn cỗi, khô héo, trở nên xanh tươi màu mỡ hơn bao giờ hết. Chung lại nó sẽ tạo ra một nguồn năng lượng quật khởi dồi dào về mặt vật chất lẫn tinh thần cho con người nói riêng và tất cả mọi loài nói chung. Đó là hạnh phúc!

Trước cảnh chúng sanh đắm chìm trong bể khổ, và vòng luân hồi sanh tử. Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni(Shakyamuni) là bậc đạo sư chung của mọi loài. Ngang qua kinh nghiệm của bản thân, ngài đã truyền dạy giáo pháp(Dhamma)tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà hóa độ, nhằm đoạn tận khổ đau, mang đến một cuộc sống lành mạnh, hướng thượng dưới bóng mát hạnh phúc, an lạc. Cũng giống như ánh mặt trời tuy chỉ có một, nhưng tùy thời điểm sáng trưa chiều tối, tùy địa hình cao nguyên, đồng bằng, đại dương mà nhận được lượng ánh sáng khác nhau.

"Với lậu hoặc chưa đoạn,
Có thể Càn Thát Bà,
Hay đi đến Dạ Xoa,
Với Ta, lậu hoặc tận,
Như sen trắng tươi đẹp,
Ðời không thấm ướt Ta,
Ta là Phật, chánh giác,
Ta có thể là Tiên,
Có thể là loài chim,
Hay vào trong thai người.
Bị phá hủy, trừ khử,
Không bị nước thấm ướt,
Do vậy Ta được gọi,
Hỡi này Bà la môn".

(Ý nghĩa về Như Lai, Kinh Tăng Chi Bộ-chương Bốn Pháp,HT. Thích Minh Châu)
Con người vẫn một mực khẳng định hạnh phúc có thể tìm cầu từ bên ngoài, nếu cố gắng và kiên trì thì ắt sẽ có ngày đạt được, rồi tự đặt ra một con đường hướng đến hạnh phúc, cho dục vọng khởi lên, dẫn đến chấp chặt kéo theo muôn vàn cái khổ. Vẫn biết ai cũng muốn được hạnh phúc, nhưng sự nhận thức từ mỗi cá nhân, tập thể về cách thức đạt được hạnh phúc thật sự có sai khác quá lớn! Có người nói sẽ đi từ Nam ra Bắc bằng máy bay, nhưng người khác lại nói sẽ đi tàu thủy, xe lửa, ô tô,...dầu cho đích đến vẫn là phương Bắc nhưng mỗi người một phương tiện. Mà tất cả không hay đó chỉ là cái vui hưởng tạm bợ, trá hình của khổ đau.

Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta thấy mọi thứ trên thế gian đều không nằm ngoài lý duyên sinh(Paticcasamuppàda). Hạnh phúc cũng không ngoại lệ. Do đó hạnh phúc chính là một pháp hữu vi, nghĩa là có sanh khởi ắt sẽ hoại diệt. Bản thân hạnh phúc cũng đã tự vận hành từ dạng này sang dạng khác. Như trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói:"Mọi sự vật hiện tượng, không tự sinh ra, cũng không tự mất đi, mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác". Tỷ dụ như có một sinh viên sẽ rất hạnh phúc khi hay tin mình đậu vào trường đại học, nhưng sau đó càng hạnh phúc hơn nếu mình được lên lớp, và càng hạnh phúc hơn nữa nếu mình tốt nghiệp, và có việc làm, danh tiếng về sau,... Vậy là tùy từng thời điểm mà hạnh phúc cũng sẽ biến thiên theo phải không? Quan trọng hơn nữa là khi hạnh phúc hoại diệt rồi thì khổ đau sẽ hiện tiền, như khi một người đang có một gia đình đầm ấm thì rất hạnh phúc, bỗng nhiên gia đình tan vỡ thì hạnh phúc cũng đi mất và khổ đau lại hiện lên.Hạnh phúc nhân khổ đau mà có, khổ đau nhân hạnh phúc mà tồn tại. Điều đó có thể được xem như một chân lý tuyệt đối. 

Suy cho cùng đều từ sự nhận thức của mỗi người về hạnh phúc, do tâm sai khiến. Nếu thấy rõ được lý đó như một sự thật thì dầu hạnh phúc có biến đổi hay mất đi, ta cũng sẽ không còn quyến luyến, tiếc nuối. Cũng giống như người ta vẫn nói già là khổ, mà có ai thì không già đâu? Nhưng cái khổ chỉ đến đối với những ai không biết chấp nhận cái già của mình mà thôi. Từ đó thấy rằng cuộc đời này đã, đang và sẽ luôn vận hành một cách trôi chảy, để dọc theo đó mà mọi khổ đau, sợ hãi, chấp trước sẽ dẫn tiêu biến như huyễn, bọt, ảnh.

Tác giả bài viết: Quảng Thiện