Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 29

Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 29
Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 29
Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 29

 
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Con rất khổ tâm thưa quý Thầy. Chuyện là con lập gia đình đã hơn 3 năm. Chồng con là con trai cả trong nhà nên mọi thành viên trong gia đình trông mong và hy vọng rằng vợ chồng con sẽ sanh cho gia đình một đứa cháu trai đích tôn. Nhưng mới đây con đã làm cho cả gia đình chồng thất vọng khi một lần nữa sanh con gái. Việc sanh con gái khiến chồng con buồn vì đây là cháu gái thứ hai, mà chồng con là công nhân viên chức thuộc quy chế nhà nước nên việc có thêm con là không thể. Trước thái độ hờ hững của chồng cùng nỗi thất vọng của các thành viên trong gia đình, con cảm thấy mình như là kẻ gây tội. Kính bạch quý Thầy! Với bổn phận của một người vợ, người mẹ, người làm dâu con phải làm sao để vượt qua thử thách này và phải hành xử như thế nào để mọi người trong gia đình có thể cảm thông cho con, khi việc sanh con chính bản thân con cũng không thể chủ động được. Con xin chân thành cảm ơn quý Thầy.

Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Trong những năm trở lại đây nhân loại luôn phải chứng kiến và hứng chịu nhiều đợt thiên tai tàn khốc, đặc biệt là trận động đất, sóng thần vừa rồi tại Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người dân vô tội và phá hủy biết bao tài sản của cải. Là một người Phật tử nên con biết đó là do nhân quả của chính con người tạo ra, trong khi đó những tín đồ của các tôn giáo khác lại không cùng quan điểm như con. Họ cho rằng hiện tượng thiên tai xảy ra là do con người không tin theo hoặc chống đối lại Thượng đế khiến Ngài nổi giận mà giáng họa. Khi nào con người biết tin theo và phục tùng Thượng Đế thì thảm cảnh mới được dừng lại. Con không tin là có chuyện đó. Nhưng bằng cách nào có thể thuyết phục được mọi người? Bằng tuệ giác của Đức Phật thì có thể giải thích tường tận những hiện tượng kể trên. Và thông qua chương trình ngưỡng mong quý Thầy vì để khẳng định niềm tin chánh pháp cho quý Phật tử cũng như xóa tan những lầm nghi trong quần chúng mà từ bi giải đáp. Kính chúc quý Thầy Thân tâm thường lạc, kiết tường.

Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Con là một Phật tử và con rất ngưỡng mộ Đạo Phật. Sở dĩ con biết đến đạo Phật là nhờ bạn trai con hướng dẫn. Chúng con thường đến chùa nghe pháp, sám hối vào những ngày rằm và tham dự các kỳ tu một ngày tại chùa Hoằng Pháp. Nhận thấy đạo Phật ngoài việc hướng dẫn con người sống hướng thiện, hướng thượng còn chỉ bày những giải pháp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của kiếp người. Nhờ có những giá trị đích thực đó mà tình yêu của chúng con được nuôi dưỡng bền vững sau bao nhiêu năm quen nhau. Hiện tại chúng con đang tính đến chuyện kết hôn và mong muốn ngày hạnh phúc của mình sẽ được tổ chức tại chùa. Chúng con nghĩ rằng, ngày kết hôn nếu được sự chứng minh của Tam bảo, được chư Tăng chỉ dạy về những trách vụ làm chồng, làm vợ, làm dâu, làm mẹ… thì chắc chắn cuộc sống hôn nhân gia đình sẽ tốt đẹp, vững bền. Nhưng thưa quý Thầy! vấn đề kết hôn tại chùa con thấy chưa được phổ biến lắm. Thiết nghĩ đã là một người Phật tử, thì ngày kết hôn của mình nên đến chùa làm lễ hằng thuận. Vậy xin quý Thầy cho chúng con được biết ai là người sáng lập nên lễ hằng thuận và ý nghĩa của nó là gì? Cách thức tổ chức, những điều kiện, tiêu chuẩn? Hy vọng trong tương lai lễ hằng thuận trong Phật giáo ngày một phổ biến và gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là những người đang bước vào đời sống hôn nhân gia đình như chúng con. Con xin chân thành biết ơn quý Thầy, chúc quý Thầy sức khỏe, an lạc.  

 
 


 

Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Huệ

Nguồn tin: Chùa Hoằng Pháp