Giáo dục tư tưởng Tứ ân cho lớp trẻ

Nhìn vào đời sống đạo đức hiện nay của xã hội Việt Nam, thấy không khỏi băn khoăn. Bên cạnh những gì làm được (dù rất khiêm tốn) thì khắp nơi còn đầy dẫy những hiện tượng vi phạm vào cả lối sống và đạo đức, mà chung quy là vi phạm vào cái nhân tâm của con người.
Giáo dục tư tưởng Tứ ân cho lớp trẻ
Hiện trạng này, chắc không cần phải dẫn chứng thêm, bởi vì nó được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, nêu rất nhiều về những khía cạnh biểu hiện của nó. Hiện tượng vi phạm vào những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhiều đến nỗi chỉ cần căn cứ vào đó, cũng đủ cho phép người ta khái quát để tìm ra những nguyên nhân và thực chất của chúng. Thậm chí, những hiện tượng tiêu cực bất thành văn chúng còn trở thành "triết lý sống” cho không ít loại người hư hỏng.

Từ hiện trạng bức xúc như thế, đã đến lúc chúng ta phải khai thác trong tư tưởng Tứ ân của Phật giáo để giáo dục đạo đức cho lớp trẻ.

Tứ ân là bốn ơn mà con người phải nhớ đến, phải trả. Nội dung của tứ ân trải rộng từ đạo đức gia đình đến đạo đức quốc gia và xã hội. Tuy các kinh sách, các tài liệu nghiên cứu của Phật giáo có giải thích về Tứ ân khác nhau đôi chỗ, nhưng chung quy thì ơn là ơn con người, ơn con vật, ơn xã hội, chứ không phải là ơn thần thánh, hoặc Thượng đế.

Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Trước hết, người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày. Đây cũng là mối quan hệ hai chiều sòng phẳng, bởi vì "cây có cội, nước có nguồn” nên chẳng thể lãng quên, mà phải lo để báo đáp. Trong Đại thừa bổn sanh tâm địa quán báo ân phẩm 1, nội dung của Tứ ân là ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn quốc vương, ơn Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), được khái lược như sau:

1. Ơn cha mẹ

Vì mẹ chín tháng cưu mang, mất ăn mất ngủ. Còn cha chạy ngược chạy xuôi, lo lắng mọi thứ để chu toàn cho mẹ con, hồi hộp mong cho mẹ tròn con vuông, bởi mọi điều không may cho cả hai có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mẹ lâm bồn. Cha mẹ sanh đẻ nuôi nấng ta rất cực nhọc cho đến lớn khôn. Vậy ta phải báo đáp bằng sự cung kính, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, khi cha mẹ mất còn phải thờ cúng và cầu cho cha mẹ mau giải thoát. Đây cũng là một điểm đặc trưng về đạo đức của phương Đông, nó hơi khác với phương Tây dạy người ta rằng, cha mẹ chỉ là người sinh ra, nuôi ta đến 18 tuổi thôi. Chỗ này, một điều thực tế cũng có thể thấy rằng, cha mẹ không những chỉ chăm bẵm lúc ta còn nhỏ, mà còn theo dõi từng bước đi, những điều may rủi của ta trên đường đời, kể cả khi con cái trưởng thành. Phải nói rằng, người thầy đầu tiên của đời người chính là người mẹ. Người mẹ bắt đầu dạy con quan hệ xã hội từ những câu chào hỏi đơn giản, cho đến cách ứng nhân xử thế ở đời, chung quy là dạy con bắt đầu giao tiếp. Lớn thêm một chút nữa mới đến vai trò thực sự của người cha. Đó là nói ở góc độ bình thường. Mỗi khi con đau ốm thì thậm chí cha mẹ quên ăn bỏ ngủ quanh quẩn bên giường bệnh để lo săn sóc thuốc thang. Đến khi khôn lớn, cha mẹ phải lo dạy dỗ để con đủtư cách làm người và cái này nó đi theo suốt cuộc đời của con. Đây là một điều rất rõ ràng, cho nên cha có cái Từ ân và mẹ có cái Bi ân.

Tuy nhiên, Phật giáo có khía cạnh khác Nho giáo ở chỗ: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ hai chiều, sòng phẳng - cha mẹ có nghĩa vụ, trách nhiệm với con cái và con cái có nghĩa vụ, trách nhiệm với cha mẹ. Từ Hán Nho (Đổng Trọng Thư) trở về sau, tư tưởng trên càng không thể có được. Trong kinh Thiện Sinh, Phật có dạy rằng: "Người con phải có năm điều thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ. Năm điều đó là gì? Một là tăng thêm của cải. Hai là cáng đáng mọi việc. Ba là dâng lên cha mẹ những gì người muốn. Bốn là không tự tác, không trái ý. Năm là tất cả những vật riêng của mình đều dâng hết cha mẹ. Người con làm năm việc như trên để phụng dưỡng cha mẹ.

Cha mẹ cũng lấy năm việc để chăm sóc các con. Năm việc đó là gì? Một là thương yêu con cái. Hai là cung cấp không thiếu. Ba là khiến con không mang nợ. Bốn là gả cưới xứng đáng. Năm là cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con. Cha mẹ bằng năm điều ấy mà chăm sóc các con” 2.

Kinh Thi ca la việt (Sìgalovàda Sùttra), Phật cũng dạy tương tự như vậy. Một điểm chú ý ở đây là: theo Phật, lòng yêu thương giữa cha mẹ và con cái còn phải có nghĩa vụ là khuyên ngăn nhau không được đi vào con đường tà.

2. Ơn chúng sanh

Một điểm rất lý thú và đặc sắc để Phật dạy ta phản biết ơn chúng sanh là ở chỗ: từ vô thủy đến nay, chúng sanh trôi lăn trong biển luân hồi, trong mối quan hệ trùng trùng, lớp lớp rất phức tạp như vậy, chúng ta đã từng là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái …, nói chung là quan hệ ruột thịt với nhau. Một mặt, chúng sanh, theo tư tưởng của Phật giáo lại rất rộng, bao gồm 3 cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới (hay còn khía cạnh khác là siêu sắc giới). Chẳng hạn, ngay như Pháp thân Phật thì chỉ có các Đại Bồ-tát mới nhìn thấy. Nếu theo tư tưởng đó để mà suy thì chỉ nói ngay chúng sanh ở cõi Dục giới, xem chừng ngày nay khoa học cũng chưa biết hết! Cái mối quan hệ tầng tầng, lớp lớp, chằng chịt như Phạm võng, chỉ có điều là ta vừa không nhớ, vừa chạy theo ngũ dục, rong ruổi lục trần, bị vô minh che lấp mà thành kết quả như ngày nay. Tư tưởng này, trong các bài pháp âm, các vị giảng sư cũng đã đề cập rất nhiều. Người ta gặp nhau ở đời hiện tại là do có duyên nợ với nhau. Theo tư tưởng này, phải nói rằng: nếu không có duyên nợ với nhau thì không thể gặp nhau được!

Từ đó, ơn chúng sanh là có cơ sở, đồng thời mình báo đáp ơn chúng sanh bằng cách cơ bản là: vừa không gây hại cho họ (nhất là sát sanh), vừa phải siêng năng học tập để tự giác ngộ và giác tha, cầu cho mình và chúng sanh đều được giải thoát.

3. Ơn quốc vương

Theo thuyết Nghiệp của Phật giáo, trước tiên phải công nhận quốc vương là người có phúc đức, hay là diễm phúc thắng phần hơn giữa các dân chúng. Quốc vương tuy sanh ở nhân gian, nhưng là người cai quản nhân gian cả về đất đai và con người. Cũng vì đặc điểm này, không ít các hệ tư tưởng cho quốc vương là do Trời sanh. Nhờ những vị có công xây dựng nước nhà, mở mang các ngành công nghệ…, dẹp trừ những tệ nạn trong xã hội và chiến tranh, đem lại thanh bình cho đất nước, cho nên dân chúng mới được an vui, quốc gia thái bình và thịnh vượng.

Tuy nhiên, quốc vương ở đây còn phải là người theo Thập vương pháp, sửa mình để sửa người, cai trị cho công minh, chính trực. Quốc vương, nếu mở rộng ra là những người có trọng trách trong một cơ quan, đơn vị …, cần phải có Thập vương pháp, lấy Thập vương pháp để cai trị. Nếu người đứng đầu, cai trị mà tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, tư lợi, thiên vị, sống không công bằng, hưởng lạc, trác táng, nói chung là hư hỏng thì đó là một mối nguy hại. Có một điều thực tế cho thấy là, trong thâm tâm người ta cũng biết những điều phải trái, đúng sai, nhưng bên ngoài vì quyền lợi, vì muốn yên thân, vì miếng cơm manh áo ở đời nên người ta phải theo, nhưng khẩu phục, tâm bất phục. Đây là mối nguy hại tiềm tàng cho người đứng đầu, mà trước sau, nó sẽ bộc lộ ra bằng thân, khẩu, ý. Đó là điều đáng để các cấp công quyền suy ngẫm. Do vậy, cách trả ơn tốt nhất cho quốc vương là ta phải sống tốt để có một xã hội thiện lành; chăm lo học tập, tu hành nghiêm chỉnh, tinh tấn để đóng góp xứng đáng cho dân tộc, xã hội và quốc gia. Đây cũng là cách tế độ cho quốc vương tốt nhất.

4. Ơn Tam bảo

Tam bảo ở đây là Phật, Pháp, Tăng. Lấy ngay bản thân Đức Phật, từ hoài bão lớn là muốn cứu độ chúng sanh ra khỏi biển khổ, nên Ngài bỏ lại đằng sau tất cả để xuất gia tìm đạo. Sau khi đắc đạo, chỉ tính ở cõi nhân gian, Ngài vân du dọc sông Hằng thuyết pháp giáo hóa chúng sanh để Chánh pháp được trường tồn. Nói về hoài bão cao cả này, Phật tuyên bố với A-tu-la (Asùrà) Pahàràda, được coi như lời tuyên bố chung, đồng thời như là một tôn chỉ: "Ví như này, Pahàràda, nước biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát” 3.

Thực ra, sự sống của con người là đáng quý, nhưng cái quý hơn lại là ý nghĩa của nó. Về thân người có được, Phật đã nói rõ trong kinh Hiền ngu chuyện con rùa mù đi tìm bọng cây trôi trên biển trong giông bão. Qua ví dụ này, để nói rõ về cái khó trở lại làm người, Phật kết luận: "Còn mau hơn này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ” 4.

Phật đã từng tuyên bố ở đời có bốn cái khó: "Được sinh làm người là khó, được sống còn khó hơn, được nghe Chánh pháp là khó, được gặp Phật ra đời là khó” 5.

Nói về ý nghĩa tột cùng của cuộc sống, trong kinh Pháp cú, Phật đã chỉ rõ: "Sống trăm tuổi, mà không thấy pháp tối thượng, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy pháp tối thượng” 6.

Rõ ràng, cái hoài bão cũng là điều may mắn cao cả tột cùng ấy của chúng sanh phải nhờ vào sự dìu dắt của Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, công lao của Tam bảo không gì có thể so sánh được. Nhờ Tam bảo mà ta hiểu được đạo lý và phương pháp tu hành để diệt khổ, bởi vì thâu tóm, đạo Phật chỉ ra cái khổ, nguyên nhân cái khổ và con đường diệt khổ, để đạt hạnh phúc, an vui. Nói về niềm an vui mỹ mãn, Phật đã chỉ ra: "Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời, hạnh phúc thay diễn nói Chánh pháp; hạnh phúc thay chúng Tăng hòa hợp, hạnh phúc thay dõng tiến đồng tu” 7.

Tứ ân là phạm trù đạo đức xác định cái tình nghĩa của con người. Vấn đề này, nếu nói theo tinh thần Nho giáo thì người làm ơn đừng bao giờ kể ơn mới là người Nhân, người mang ơn đừng bao giờ quên ơn mới là người Nghĩa. Tư tưởng Tứ ân được dàn trải trong mối quan hệ giữa người và người, giữa người và vật để chuyển tải cái thiện theo tinh thần Phật giáo. Rõ ràng, đây là một điều hiển nhiên trong cuộc sống, nó mang tính khách quan, nằm trong Pháp, cho nên Phật đã từng tuyên bố: Nếu Như Lai ra đời hay không ra đời thì Pháp vẫn vậy.

Ngày nay, những hệ tư tưởng gần Phật giáo như Cao Đài, Hòa Hảo …, dù khác nhau đôi chỗ, nhưng cũng chuyển tải nội dung của Tứ ân để giáo dục về đạo đức cho con người. Qua đó, ta rút ra một nhận xét rằng: những điều hiển nhiên trong cuộc sống, mang tính khách quan thì những tư tưởng lớn phản ánh về nó thường gặp nhau ở những điểm cơ bản. Nếu xét về mặt lịch sử, thì những tư tưởng đó bị ảnh hưởng Phật giáo.

Như vậy, đối với dân chúng, bất kể sang hèn, khác nhau về tôn giáo, đảng phái, nhưng đã sống ở đời thì phải biết bốn ân và tìm tất cả phương tiện để đền trả. Riêng đối với người Phật tử, suy cho kỹ, chúng ta có một hạnh phúc lớn ở đời. Đó là, tuy tiếng là không gặp Phật, nhưng có thể nói, các Tăng Ni ngày đêm đang tích cực hoằng pháp, thì đó chính là các vị Bồ-tát thị hiện để chuyển tải giáo lý của nhà Phật. Mặt khác, Phật - Pháp - Tăng, tuy ba mà một. Cái này, Phật đã tuyên bố nhiều lần. Theo ý nghĩa nhất định, phải nói rằng ta vẫn thường xuyên gặp Phật, Phật vẫn ở bên ta!

Tóm lại, trải qua hơn 2.500 năm ra đời, Phật giáo vẫn luôn luôn mới, đã để lại cho lịch sử văn minh nhân loại một hệ thống giáo lý cao siêu, sâu rộng, được xây dựng từ các bộ phận, các phạm trù đan xen với nhau rất chặt chẽ và lung linh với phép biện chứng phương Đông. Tất cả hệ thống ấy đều nhằm giải thoát cho con người cả thân, khẩu, ý. Trên cơ sở đó, Phật giáo cũng để lại cho nền văn minh nhân loại một nền đạo đức nhân bản lớn, cao đẹp, toàn vẹn, thích hợp với từng tầng lớp, mọi hoàn cảnh và từng lứa tuổi, mà Tứ ân chỉ là một bộ phận. Đạo đức Phật giáo đã cung cấp cho đạo đức học những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể, mà chuẩn mực nào cũng hàm chứa tinh thần đại bi, đại trí, đại hùng, đại lực, mang sinh khí hòa bình, tự do, bình đẳng cùng với hoài bão giải phóng cho con người và chúng sanh.

Do vậy, việc giáo dục Tứ ân nói riêng và đạo đức Phật giáo nói chung, đã thực sự cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đã đến lúc cần phải gióng lên một hồi chuông cảnh báo về đời sống đạo đức, đồng thời trước mắt, trong các dịp Vu lan, cần lấy tư tưởng Tứ ân để giáo dục, chỉ cho thế hệ trẻ cái tình nghĩa cơ bản ở đời!


 

Tác giả bài viết: Tiến sĩ TẠ CHÍ HỒNG (Đại học Đà Lạt)

Nguồn tin: GHPGVN