Phụng Hoàng Cảnh Sách - Tập 1 - Đoạn 1

Nếu biết ăn ngon miệng một chút mà sanh bệnh hoạn thì người tránh không ăn là khôn. Còn biết ăn rồi sẽ bệnh mà cứ cắm đầu ăn là chưa được khôn.
Phụng Hoàng Cảnh Sách - Tập 1 - Đoạn 1
Tụi con có nghe tin Thiện Phát tịch chưa?

- Dạ, có nghe.

- Nghe hồi nào?

- Dạ, nghe hồi sáng.

- Rồi tụi con có xúc động không?

- Dạ, có.

- Xúc động nhiều không? hay nghe rồi cũng như chưa nghe? Đó là con ngựa bị đánh tới da rồi đó. Tới da mà có tỉnh hay chưa tỉnh? Tụi con nhớ chuyện bốn ngựa không? Ngựa đánh tới da mới chịu đi, như vậy cũng hơi lì! Nghe một người thân mất, mình tỉnh, nhớ, rồi ráng tu là ngựa hay, còn người thân mất chẳng nhúc nhích gì tức không hay rồi!

- Thưa, hồi hôm này chắc Thầy mất ngủ?

- Cũng hơn một tiếng sau mới ngủ được, vì tới mười giờ tối Thường Chiếu mới lên báo tin. Họ hỏi quàn quan tài ở đâu? chôn chỗ nào?... Thầy phải trả lời cho họ. Vừa là xúc động, vừa là quá giờ nên khó ngủ.

Ngày xưa Thầy dạy ở Phước Hòa - Trà Vinh thì Thiện Phát là Tăng sinh Sơ đẳng, học với quí Thầy ở đó. Cho tới khi Thầy dạy Trung đẳng ở Phật học viện Huệ Nghiêm, y cũng lên học. Lúc ra Chân Không y đến ở một thời gian nữa, nên sống gần Thầy khá lâu. Vì hiền lành quá nên nói năng không hoạt bát, không làm Phật sự nhiều, nhưng tánh tình rất tốt, vừa hiền vừa giữ qui luật nghiêm chỉnh. Vì vậy, y mất cũng đáng tiếc. Thiện Phát là học trò lâu năm đồng cỡ với Phước Hảo, Đắc Pháp. Trò đi trước Thầy. Khi thấy người ta đi Thầy cũng phải nghĩ tới mình, trò đã đi rồi, Thầy còn lại phải lo phần Thầy, đâu có chần chờ được.
------
Bây giờ Thầy có câu hỏi này, tụi con trả lời thử xem. Nếu có những thức ăn ngon mà người ta báo trước rằng, chị ăn thức đó sẽ bị bệnh vì thức ăn có chất độc, nhưng người ấy thích quá cứ ăn. Rồi tới người khác, cũng thức ăn đó, cũng được báo trước rằng nếu ăn vào sẽ bị bệnh, người đó nghe rồi không ăn. Vậy hai người này, đố tụi con ai khôn hơn ai?

- Dạ, người sau khôn hơn.

- Nếu biết ăn ngon miệng một chút mà sanh bệnh hoạn thì người tránh không ăn là khôn. Còn biết ăn rồi sẽ bệnh mà cứ cắm đầu ăn là chưa được khôn. Tụi con nhìn lại thế gian xem. Có những cái người ta bảo là khổ mà cũng cứ lủi vô. Nói gần nhất, như phái nữ theo thói thường tuổi vừa lớn thì có gia đình. Những người có đôi bạn, có con cái rồi, họ báo cho biết có gia đình khổ lắm. Nhưng người ta vẫn cứ lập gia đình, như vậy có khôn không? Lại có người nghe báo vậy nên tránh, không bị kẹt, chẳng hạn như tụi con, có khôn hơn không?

Đó là cái khôn tuy nhỏ mà cũng rất lớn, vì nhờ mình biết tránh nên không bị đùm đeo, không bận bịu con cái, tụi con muốn đi tu thì đi không có gì ràng buộc. Những người lỡ vô cuộc rồi, có con cái, thức tỉnh biết là khổ, muốn đi tu lại không được. Như vậy, biết khổ mà vẫn lao đầu vô, tới chừng khổ quá muốn tránh cũng không được.

Đó là việc làm của người không thông minh. Người sáng suốt biết đó là khổ, một phen tránh là dứt hẳn, sau này không còn kẹt trong cái khổ đó nữa. Đó là vấn đề thường. Còn việc quan trọng hơn, tụi con có biết rằng mỗi khi giận hay buồn ai thì chướng ngại cho sự tu hành không?

- Dạ, biết.

- Biết phiền não làm chướng ngại sự tu hành, nên không giận không buồn, đó là người khôn. Còn biết là chướng ngại mà cứ giận cứ buồn, như vậy là dại. Trong tụi con, dại nhiều hay khôn nhiều?

- Dạ, dại nhiều.

- Tu hành mà sao dại khờ vậy? Mình tu phải sáng suốt chứ! Biết cái nào dở và tai hại phải tránh liền, tại sao biết là hại mà vẫn ôm ấp? Người ta nói mấy cô thức tỉnh mới đi tu, có ai nói mấy cô si mê đi tu đâu? Nếu bảo đó là sức mạnh của tập nghiệp thì có đúng không? Mình đã tỉnh mới đi tu đâu thể đổ thừa như vậy. Nếu là sức mạnh của tập nghiệp thì làm sao chuyển nổi. Nếu chuyển không nổi tức là đầu hàng, rồi thua luôn sao? Cho nên tụi con phải nhớ, thấy cái dở, biết rõ ràng mà vẫn chưa chịu bỏ là điều đáng trách. Trách vì mình si mê. Nếu sáng suốt, khi biết dở không nên ôm ấp nữa. Còn ôm ấp là còn mắc kẹt, còn bị chướng ngại.

Bởi vậy, khi tu đòi hỏi tụi con phải có trí tuệ, phải sáng suốt nhận định chín chắn, biết cái nào hại phải từ bỏ, biết cái nào lợi cho sự tu hành phải cố gắng vươn lên. Như vậy tu mới tiến. Biết hại mà cứ bám vào thì tu rất chậm, rồi than tôi ở chùa mười năm, hai mươi năm tu sao không tiến. Không tiến là tại sao? Tại mình cố giữ những điều không đáng giữ.

Muốn trên đường tu được nhẹ nhàng thanh thoát, mỗi bước đi là mỗi bước tự tại, giải thoát thì những gì làm chướng ngại, nặng nề tụi con phải vứt bỏ hết. Được thế, tu ít mà kết quả nhiều. Còn nếu dung dưỡng những điều xấu dở, tuy tu hành nhọc nhằn mà kết quả chẳng bao nhiêu. Hiểu vậy rồi, tụi con phải nhớ để tu. Ví dụ như muốn xuống bờ hồ vác một khúc củi lên chùa, phải đi tay không mới vác lên được, chớ gánh theo thùng nước mà muốn vác củi lên làm sao được. Mình có nhẹ nhàng thì mai kia mới làm được việc cho đạo, còn nặng nề trì trệ quá, sẽ không làm lợi ích cho mình, cho người.

Bởi vậy tụi con nên ráng tu, lúc nào cũng phải có trí tuệ, bao nhiêu nghiệp chướng muôn đời hiện ra liền tiêu diệt hết, đừng để nó làm chủ. Nếu để nó làm chủ, rồi làm những việc sai quấy, sau sẽ hối hận khổ đau. Khổ đó do đâu mà ra? Là do thiếu trí tuệ, thiếu can đảm. Hiểu vậy, tụi con phải gan dạ và sáng suốt. Sáng suốt, gan dạ thì trên đường tu tụi con sẽ tiến.
------
Thầy mới làm một bài thơ. Thơ này không có đạo lý, tụi con nghe thử coi. Bài thơ tên Hoa Quì Dại.

Đây là hoa quì dại
Chỉ mọc ven rừng hoang
Nép mình lề đường cái
Làm giậu chống kẻ gian.
Cuối thu nụ không sái
Đua nhau trổ rực vàng
Mặc người khinh rừng dại
Cốt tô điểm non sông.
Vui mục đồng thường hái
Chồn chuột luôn náu mình
Che chở cho muôn loại.
Tụi con hiểu bài thơ này thế nào?

“Đây là hoa quì dại, chỉ mọc ven rừng hoang”. Tụi con đi ra ngoài, thấy nó mọc trong rừng, nép mình bên lề đường, đó là vị trí khiêm nhường. Rồi “làm giậu chống kẻ gian” tức là hàng rào ngăn ngừa ăn trộm. Vị trí nó đứng ven rừng hoang, bên đường cái, làm hàng rào phải không? “Cuối thu nụ không sái” nghĩa là đúng tháng 9 nó trổ hoa, thấy hoa trổ biết sắp hết mưa, là cuối mùa thu, cũng giống như hoa cúc trùng dương, mồng 9 tháng 9. Câu này nói về thời tiết.

Giờ đây có vẻ hơi người một chút “Đua nhau trổ rực vàng, mặc người khinh rừng dại”. Hoa nở rực hết một lượt, mặc người ta chê là hoa rừng, hoa dại. Đó là không màng đến lời khinh chê. “Cốt tô điểm non sông, vui mục đồng thường hái.” Nó chỉ cốt làm đẹp thêm cho non sông và chơi đùa với mấy chú mục đồng thôi. Chỉ mục đồng mới thích hoa dại, mấy người sang đâu ưa phải không?

Hai câu sau: “chồn chuột luôn náu mình”, chồn chuột ở trong đó, “che chở cho muôn loại”, không phải chỉ có chồn chuột mà thỏ, ve, kiến... chúng đều được nép mình dưới đám hoa quì dại này. Mấy đứa nghĩ sao? Hoa này ví như ai? Cho tụi con có quyền hiểu tự do.

Trong bài thơ có chia ra từng phần. Một là vị trí của hoa quì dại, nó thường ở ven rừng, bên lề đường cái, làm rào giậu. Khả năng của nó là nở hoa đúng mùa, không sai thời tiết. Chức năng của nó là tới thời thì nở, mặc người ta chê hoa rừng hoa dại, có nói gì thì hoa vẫn nở, chỉ cốt làm đẹp non sông. Nó luôn gần gũi, thân thiện với mấy chú mục đồng. Tuy là loài hoa đồng cỏ nội như vậy, mà lại có nhiều chúng sanh núp bóng phải không? Nào chồn, chuột, thỏ, kiến, dế... núp dưới bóng nó.
------
Sao, lúc này tu tiến bộ nhiều ít? Đứa nào kha khá kể việc tu hành Thầy nghe coi! Hôm rày Đạo tu có giỏi không?

- Dạ, ráng mà chưa kịp.

- Còn Tịnh Thường tu giỏi không?

- Dạ, còn dở lắm.

- Dở sao, kể Thầy nghe coi? Ngồi hai tiếng ổn chưa?

- Dạ, còn ráng, còn chịu đựng.

- Còn Hạnh Dũng tu sao? là kiện tướng chưa?

- Dạ, bệnh hoạn con bớt. Còn về tâm con vẫn bình yên, không dở không hay.

- Bây giờ, nếu so với nhau thì hiện có đứa kha khá, có đứa mới được được, có đứa ráng bò lết; nhưng so lại những năm về trước, thì tụi con tu có khá hơn không?

- Dạ, có.

- Nhiều ít?

- Dạ, nhiều.

- Trong tâm của tụi con tiến ra sao nói Thầy nghe coi?

- Dạ, hồi trước ở dưới kia, con lăng xăng lộn xộn. Còn lên đây, làm thì làm, không lo nhiều nên tâm an ổn.

- Vui nhiều hay buồn nhiều?

- Dạ, vui nhiều.

- Không có gì buồn hả?

- Dạ!

- Bây giờ, giả sử ngày mai kia Thầy con sắp tịch, nghe con tu hành rất tinh tấn, rất tốt lành, Thầy con buồn hay vui?

- Dạ, vui lắm.

- Nếu con đi về lo cho Thầy con, không trở lên đây được, Thầy con vui hay buồn?

- Dạ, buồn.

- Thấy cái nào có lợi, làm cho người lớn được vui nên ráng làm, không phải hầu hạ một bên mà người lớn vui đâu. Già thì bệnh chết, không ai tránh được điều đó. Người ta cứ nghĩ khi người thân bệnh sắp lâm chung phải có mặt mình, nhưng nếu mình có mặt mà không sáng suốt về đạo lý, không thanh tịnh trong thân tâm, dù cho Thầy hay Sư bà của tụi con nghe vậy cũng không vui. Tụi con nên biết, đền ơn Thầy Tổ không gì quí hơn là tu hành cho tiến bộ, sáng suốt, thanh tịnh. Đó mới thật là đền ơn. Còn tụi con cứ nơm nớp lo Thầy mình bệnh làm sao, Sư bà bệnh thế nào, rồi tu không được thì cả hai đều thiệt thòi, phải không? Lo mà không làm gì được thật là uổng công vô ích. Tụi con thà mất một bên, được một bên, mà bên được đó Thầy Tổ ai cũng mong đợi. Đó là quí.

Tụi con hiểu rõ việc làm của mình, biết người lớn tán thànhhoan hỉ thì nên cố gắng làm cho được, đừng vì lẽ trong lòng bận rộn nghĩ tới ơn, tới nghĩa rồi tu hành không được, đó là trở ngại, làm cho người lớn buồn. Hiểu như vậy tu hành mới tiến.
------
Tu thiền có hai chặng phải vượt qua:

Một là loạn tưởng. Ngồi thiền nhớ chuyện này chuyện kia làm cho tâm mình rối bời không yên. Khi bớt loạn rồi tâm tạm yên, lại bắt đầu qua ngủ.

Giai đoạn thứ hai là ngủ. Bệnh ngủ khó trị lắm, ráng nỗ lực tối đa thì vượt qua, nếu không bệnh này kéo dài làm mất thời giờ. Tụi con khéo vượt qua hai chặng này, cho đến chừng nào tụi con “À!” một tiếng là thứ thật. Tụi con chịu “À!” không? Đố tụi con tại sao có “À”? Điều này dễ lắm nhưng nhiều khi tụi con không hiểu.

Trong nhà thiền, khi bắt đầu tu là phăng tìm cho ra cái gì mình đã quên. Biết mình có cái quí báu nhưng từ lâu bỏ quên. Chư Tổ thường nói “tức tâm tức Phật” hay Phật tánh, nhưng mình không biết ở đâu. Bất chợt lúc nào đó, tâm tụi con thanh tịnh, bừng sáng thấy được cái chân thật sẵn có của mình. Giống như người có món đồ quí, giấu kín thời gian lâu, bận chuyện này chuyện nọ rồi quên, giờ không biết ở đâu, người đó muốn nhớ lại thì phải làm sao? ngồi suy nghĩ hoài có nhớ được không?

- Dạ, không.

- Phải ngồi lặng yên, buông hết, bất thần nhớ lại, liền “À” chạy lại lấy. Vậy tiếng “À” là nhớ ra cái mình đã sẵn có. Cho nên nói “À” là tiếng ngộ. Ngộ là nhớ lại cái đã có mà quên, nên trong nhà thiền rất quí tiếng “À”. Bữa nào tụi con “À” giùm Thầy một tiếng nghen! Chớ ngồi im lìm hoài sao? Bữa nào nói: “À! tôi thấy rồi”, đó là một bước tiến trên đường tu. Mình có của quí giấu cất không biết ở đâu, lòng rối rắm buồn, chợt nhớ ra chạy lại lấy, lúc đó làm sao? Lòng vui vẻ, phấn khởi, không có gì ngăn cản được. Cái vui đó là cái vui suốt đời, vui khi mình thấy Đạo, như nụ cười hàm tiếu của đức Phật còn mãi.

Bây giờ tụi con có cố gắng vui một lát rồi cũng hết, còn cái vui kia thì muôn đời. Có nó, mình khỏi trầm luân sanh tử, còn gì quí bằng. Vàng ngọc chỉ giúp mình sống an ổn vui tươi trong mấy chục năm, còn được cái vui đó muôn đời hết sanh tử luân hồi. Bởi vậy, khi nào tụi con thấy rồi “À!” một tiếng, cười hoài, thiên hạ chửi cũng cười. Còn chưa thấy thiên hạ chửi không chịu nổi, phải không? Các con phải cố gắng tu, hết lăng xăng thì mới “À” được, chuyện ấy là lẽ thật. Sở dĩ bắt buộc tụi con ở một chỗ, bớt nói chuyện, đừng suy nghĩ việc này việc kia, đó là để lòng tụi con lắng lặng rồi thấy được cái thật nơi mình.

Thôi ráng tu, Thầy mong bữa nào tụi con “À!” một tiếng.
------
Thiện Phát là học trò của Thầy nhiều năm. Y không sắc sảo như những vị khác, rất hiền từ, hệch hạc, vui vẻ, không thắc mắc cau có với ai. Có những lúc Nhật Quang nhập thất, y làm Trụ trì Thường Chiếu một năm. Sáng vo quần, vác cuốc đi công tác, chúng theo làm thì tốt, không thì thôi, thấy như là không có uy đối với chúng.

Lúc gần tịch, Thiện Phát ở bệnh viện. Chú Thị giả thuật lại cho quí thầy nghe, ngày y sắp tịch chú bưng cơm lại mời ăn, y cười rồi ăn, làm cái gì, đưa cái gì cũng cười, không nói gì với Thị giả. Tới giờ y hấp hối, có Phật tử tới thăm cũng thấy cười như vậy. Y cười một lát rồi đi. Đem về Thường Chiếu để vào quan tài chưa khằn nắp, những người đến thăm giở ra xem, thấy y vẫn như cười. Trước lúc đưa đám mưa dầm dề, tới giờ đưa mưa tạnh. Khi hạ huyệt, có vầng mây cứ quay quay ở trên làm cho mọi người mát mẻ, ai cũng thấy. Như vậy cũng là điềm tốt. Một vị tu thiền trước khi ra đi được vui vẻ là tốt. Tụi con muốn ra đi như vậy không?

- Dạ, muốn.

Cái chết thường làm người ta lo sợ, hoảng hốt. Mình tu sao tới lúc chết vẫn cười. Bao nhiêu đó cũng vui phải không? Tâm không hoảng hốt thì không ai có thể dẫn đi bậy, nếu tâm cuồng loạn, hoảng hốt sẽ đi vào đường xấu. Vậy lúc bình thường tụi con tập tu làm sao cho tốt, đều đặn, đúng như những gì Thầy dạy thì khi nhắm mắt tụi con sẽ cười. Nếu bình thường tu không tốt, không đúng như Thầy dạy, e rằng khi nhắm mắt không được hay.

Đời tu đâu phải chỉ trong cuộc sống mấy chục năm là hết. Mấy chục năm chỉ là một chặng ngắn ngủi trên con đường dài vô tận. Mình phải lợi dụng mấy chục năm này để gây nhân tốt cho lâu dài, đó là khôn. Còn nếu trong chặng ngắn mấy chục năm này mà làm tội lỗi, gây điều hung ác thì họa lây cho mấy chục kiếp, đó là dại.

Tụi con nghĩ khi mình được tu là một phước lớn trong đời của mình, hay là vô phước?

- Dạ, đại phước!

Biết phước lớn thì đừng coi thường giờ tu hành, phải quí trọng nó, bởi vì càng tu thì càng tiến. Gần đây Thầy rất lo, thấy có nhiều vị lớn tu hành cũng đạo cao đức trọng mà trước khi ra đi lại bị hôn mê, thật tội! Cho nên Thầy nghĩ, tu làm sao đến giờ phút chót mình ra đi phải tỉnh táo, sáng suốt, vui vẻ. Đó là bằng chứng thực tế của sự tu hành. Nếu cả đời tu mà kết quả lờ mờ thật là uổng phí.

Bởi vậy, đứa nào có phước duyên được tu hành, phải ráng tận lực làm cho duyên lành đó tăng trưởng, đừng để lui sụt mất mát. Có ai bảo đảm mình sống tới sáu mươi tuổi mới chết? Bốn mươi, năm mươi tuổi hoặc ít hơn cũng có thể chết. Cái chết không cố định, sẽ đến bất cứ lúc nào. Bởi vậy, khi còn khỏe, tỉnh táo phải cố gắng tu. Mọi việc bên ngoài, tụi con khỏi bận rộn, lo lắng, chỉ còn có một việc tu. Vậy mà không lo tu, lại còn vướng mắc những chuyện thị phi nho nhỏ làm gì. Tụi con nghĩ như vậy là khôn hay dại?

- Dạ, là dại.

- Ừ, vậy là không khôn. Giờ nào tụi con cũng phải quí tiếc, đừng để trôi suông. Tụi con có hai trách nhiệm rất lớn. Trách nhiệm thứ nhất là tu sao cho tâm mình yên định, trí tuệ sáng suốt, đó là từ định rồi tới tuệ. Muốn được định tuệ thì trước phải giữ giới. Giới là những điều răn, những điều trong Thanh qui có nói. Tụi con ráng giữ những điều đó làm mực thước buổi đầu, để tâm mình yên tĩnh.

Đừng bận lòng những chuyện đâu đâu, chuyện thị phi nho nhỏ không đáng. Nó là gió thoảng qua tai rồi mất. Cái quan trọng của người tu là giải quyết vấn đề sanh tử, còn vướng mắc những chuyện tào lao là không khôn ngoan, uổng một đời tu. Đó là điều Thầy nhắc tụi con phải nhớ. Nếu tụi con giữ tâm trong sáng, lúc nào cũng sống an lành, thì khi ngồi thiền tâm sẽ được yên định. Bữa nào có huynh đệ nói móc một hai câu nghe bực bội, giờ ngồi thiền có yên không?

- Dạ, không.

- Không yên, như vậy tụi con mới thấy cái duyên để mình tiến là do tránh bớt hơn thua. Từ chỗ hơn thua phải quấy buông rồi, đường tu rất dễ. Nếu ai nặng nề câu chấp sẽ  khó tu, đó là phần giới. Khi tâm không dính, không bận ngồi lại dễ yên. Tâm yên định thì trí tuệ sáng suốt, sáng gọi là giác, đó là phần tự giác. Tụi con tự giác rồi, mai kia ra khỏi Thiền viện mới đem những điều nghe, thấy, biết đúng chân lý chỉ dạy cho Phật tử, đó là giác tha.

Vậy bổn phận của tụi con là phải ráng tu để có đủ tự giác, giác tha. Nếu không, đi tu mà không biết mình như thế nào. Chưa biết rõ mình thì dạy ai, dạy cái gì? Tụi con phải nỗ lực tu, những ngày tháng ở Thiền viện coi như tiêu cực không làm lợi cho ai, nhưng chính cơ hội này tạo duyên tốt cho tụi con tu tiến. Nếu tiến được khi ra khỏi Thiền viện tụi con mới làm lợi ích cho người. Bây giờ tụi con không tiến thì mai kia làm sao ích đời lợi đạo. Nhiều khi ra ngoài, nay tổ chức hành hương chỗ này, mai đi đám chỗ kia, rốt cuộc rồi những Phật sự đó chỉ là tướng sanh diệt tạm thời, không phải cứu kính giải thoát, mà người tu bây giờ hay mắc kẹt cái đó.

Thầy muốn tụi con phải thật sự giải thoát, rồi dạy người tiến đến chỗ giải thoát, đó là bổn phận chánh của người xuất gia.
------
Một năm tụi con được chia mấy bộ đồ?

- Dạ, không nhất định, khi nào cần thì tụi con xin.

- Ở đây, tụi con chỉ sống đúng theo Thanh qui không có gì phải lo hết. Chỉ có Quản chúng, phó Quản chúng, Thủ bổn, Tri sự phải lo sắp đặt công việc, còn tụi con khỏe quá chừng, đâu có gì để lo. Lâu lâu làm Tri khố một lần, qua Tri khố rồi thôi. Còn Tri khách chỉ lo cho khách, ngoài ra có chuyện gì tụi con đáng phải lo đâu. Như vậy, chỉ vài người đại diện lo cho tất cả được yên tu, nếu không chịu tu thì thiệt thòi, chẳng những thiệt thòi đời này mà còn nhiều đời nữa. Cơ hội này tụi con tu không được mai kia thì sao? Đời mạt pháp được môi trường tốt như vầy phải ráng tu. Thầy thấy mình nợ chúng sanh nhiều quá. Có nhiều Phật tử xa gần đến thăm, những người già, lớn tuổi có nói sau khi chết sẽ trở lại gặp Thầy để được độ tu, nên Thầy nợ hoài.

Người xưa nói thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cảnh quan và khí hậu ở đây không ai chê. Cảnh và khí hậu là địa lợi, thiên thời là gạo cơm đủ ăn không đói. Bây giờ tụi con chỉ cần nhân hòa là đủ, nhân hòa là sống đúng lục hòa. Trong ba cái hòa này kiếm một cái cũng khó, mà ở đây có đủ cả ba. Thiền viện này Thầy làm đâu phải qui mô, mà ai đến cũng khen đẹp và chụp hình. Có mấy cuốn sách quảng cáo Trúc Lâm. Hôm Võ Văn Tường báo Giác Ngộ đến chụp ảnh Thiền đường có tụi con ngồi trong đó. Chỗ của mình ra đời muộn màng nhưng được quan tâm nhiều. Ai tới cũng hỏi từ đây về sau Thầy làm gì, Thầy nói, không làm gì hết, chỉ giảng dạy cho Tăng Ni tu có kết quả. Thầy đang trông đợi nơi tụi con.

Ở đây, không ai tặng biếu gì riêng nên khỏi mang ơn riêng, cũng không có danh lợi gì, chỉ còn chuyện tu. Vậy mà không yên ổn tu thì thôi. Bánh kẹo, vật dụng ai cho đưa Tri khố hoặc Thủ kho nên khỏi có bệnh tư hữu. Tinh thần Thiền viện khác hơn các nơi. Có những chuyện nhỏ tụi con chưa thấy hết. Giả sử, người này được thân nhân cho đồ vui vẻ đem đi cất, còn người kia không có ai cho sẽ buồn, đến khi không có xài thấy chị kia đi đâu, lén mở đơn lấy. Như vậy có đồ riêng làm cho người ta khởi tâm tham không tốt. Còn ở đây, người nào cũng có bao nhiêu đó, đâu có gì phải tham.

Giả sử được người ta tặng nhiều quá có dư, đem cho huynh đệ, rồi ân nghĩa ràng buộc. Cho rồi có ân nghĩa, thân mến, khi người ta chơi với người khác lại buồn tức, đủ thứ chuyện, sanh ra nhiều bệnh. Ở đây, không có gì dư để cho, nên không gây ơn gây nghĩa. Tụi con thấy như là việc thường. Thật ra, đó chính là việc lớn. Nhìn lại các Phật học đường, ai cũng có riêng tư nên luôn có người giàu người nghèo, quí vị lớn cũng vậy, không khỏi hai việc đó.

Bây giờ, tụi con sống với huynh đệ đúng lục hòa rồi, sau có ra làm Phật sự sống với đại chúng mới có tình. Còn ai cũng có bệnh tư hữu thì thật kỳ! Tụi con nghĩ xem, nếu ở trong chúng, người mặc đồ đẹp kẻ mặc đồ xấu thì chênh lệch nhau quá. Nếu lam lũ thà lam lũ hết cả năm mươi người. Ở đây, mấy đứa có lam lũ không?

- Dạ, không.

Thầy lo cho tụi con đầy đủ cơm no áo ấm. Thầy làm gì cũng theo kinh nghiệm. Hồi xưa, khi còn học ở Ấn Quang, đến tháng Tết nghỉ học, Thầy lên Đà Lạt chơi. Lúc ấy thầy Mãn Giác trụ trì Linh Sơn. Thầy tiếp đãi tử tế lắm, cho ngủ phòng Trụ trì, nhưng chăn nệm mỏng, khuya lạnh không thể ngủ được, lạnh từ xương sống lạnh lên, suốt đêm không chợp mắt. Giả sử không có nệm e không chịu nổi. Bây giờ, tụi con ngủ đều có chăn nệm dày. Thầy chủ trương không nuôi chúng thì thôi, nuôi phải tạo điều kiện đầy đủ, để khổ sở quá cũng khó tu.
------
Qua năm mới tụi con buông hết đừng giữ, cái gì đến với mình đều hỉ xả, đó là một năm vui; còn nếu không chịu hỉ xả, năm đó buồn hoài. Bao nhiêu đó tụi con đủ tu chưa?

Ni chúng một năm qua vui hay buồn? Vui là quyền lợi của mình, phải không? Vui thì khỏe mạnh, tu hành tinh tấn, hết khổ sầu. Đó là điều ai cũng muốn. Chỉ cần mình buông hết, những gì đến với mình đều buông xả, không quan trọng. Mai đây người này chết, người kia chết, ôm giận hờn làm gì. Xả hết thì vui tròn một năm, phải không?
 Thầy chúc tụi con tròn một năm vui, không có gì buồn. Tội gì ôm ấp buồn phiền mất thời gian, bởi vì có gì đáng buồn đâu. Buồn nhất là mình tạo nghiệp ác đọa ba đường dữ. Nay bỏ hết, tinh tấn đi từ phàm lên Thánh, buồn sao được! Thật ra, chuyện tu hành đơn giản không có gì xa xôi, không có lý thuyết cao siêu. Tu vậy có thực tế không?

- Dạ, thực tế.

- Thực tế an vui mà không chịu làm, như vậy là khôn hay dại?

- Dạ, dại.

Đời người ngắn ngủi, mình phải vui và đem nguồn vui đó giáo hóa cho người hết khổ, còn buồn dàu dàu hoài làm sao dạy người ta hết khổ được. Muốn dạy người tu, mình phải vui lên, bỏ hết những phiền toái. Ngày nào cũng tu đều đều như vậy, nội tâm mình thảnh thơi nhẹ nhàng, kiểm lại mỗi ngày sẽ có tiến. Tất cả những điều hơn thua không có giá trị gì. Những thứ oan trái khổ đau không có thật mà xem nó quan trọng là khờ dại. Giả sử mai kia có ai chỉ vào mặt mình mắng chửi, chỉ cười thôi, đó là thứ thật. Còn nghe người ta nói bóng nói gió cũng giận, đó là thứ giả. Chỉ vào mặt mình mắng mà vẫn cười, ai nói gì cũng không bận tâm, tu là phải như vậy. Nhiều khi chúng ta tu trên hình thức, đi đứng trang nghiêm, ăn nói đàng hoàng, chững chạc mà động tới thì buồn phiền. Đó là giả hiệu, chưa phải thứ thật.
------
Thầy nói Thầy không đi giảng mà ngày nào cũng giảng, người này người nọ đến thăm. Biết đâu năm nay Thầy lang thang nữa, đi Hà Nội hai mươi ngày, về còn ở Thường Chiếu vài ba ngày. Có thể Thầy sẽ đi Nam Dương. Có một ông Phật tử người Trung Quốc mời Thầy dự lễ Phật Đản tại tháp Phật giáo Borobudur lớn nhất ở bên đó, vào tháng sáu. Thầy không biết nói tiếng ngoại quốc mà người ta mời Thầy nói chuyện với người ngoại quốc. Biết đâu cuối năm lại đi Úc. Giờ Thầy còn khỏe đi chỗ này chỗ kia, sau già ở một chỗ không đi đâu hết.

Bây giờ, chưa biết tụi con tu ra sao mà uy tín Thiền viện Trúc Lâm lan tràn từ thành thị đến thôn quê, người ta biết từ cái tên cho đến số người tu. Cho nên tụi con khi tu phải ráng tránh những điều sơ sót, những lỗi lầm không đáng.

Thứ nhất là không nói chuyện tào lao. Cái gì đáng nói thì nói, không đáng thì thôi. Nói tào lao nhiều khi gây sự hiểu lầm hoang mang đủ thứ. Tụi con tập cho quen, sau tự nhiên có tư cách. Mai kia đi ra, nói đây là quí cô Thiền viện Trúc Lâm, cũng xứng đáng. Còn nói chuyện bừa bãi quá sẽ thiếu cẩn thận, dè dặt. Bây giờ tụi con ở đây được huấn luyện kỹ, nghe Thầy nhắc đi nhắc lại mỗi ngày mỗi tháng, tư cách tụi con phải chững chạc hơn, nghiêm chỉnh hơn. Thân đi đứng đàng hoàng, miệng nói lời đáng nói, ý nghĩ điều hay, còn chuyện dở bỏ đi. Đó là tụi con khéo tu ba nghiệp. Nếu ba nghiệp khéo tu, tự nhiên là người mẫu mực, nội tâm cũng dễ an. Tâm mình xao xuyến, ngôn ngữ bừa bãi, dễ vấp nhiều lỗi lầm sau phải hối hận. Khi hối hận thì tâm xao động, bất an.

Điều thứ hai, sống trong huynh đệ tụi con đừng bao giờ có ác cảm, thù hiềm nhau, dù hiềm khích nho nhỏ cũng đừng có. Vì trong Lục hòa có khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, nghĩa là mình phải vui. Lúc nào cũng hòa vui trong cái thanh tịnh không hơn thua, tranh cãi, chớ đừng đứa này nhìn đứa kia tị hiềm đố kỵ, dù chưa nổi bật cũng đã ngầm gây chia rẽ rồi, đó là điều không tốt. Chia rẽ thì hết hòa khí trong chúng. Biết rằng không ai giống ai một trăm phần trăm, nhưng huynh đệ ở đây đồng lý tưởng quyết tu, đó là chỗ giống nhau cao cả hơn hết. Chúng ta vì cái cao cả bỏ qua những điều xấu dở nhỏ mọn. Được vậy tụi con sống an vui, hòa nhã. Còn nghe ai đó nói một câu không vừa ý nhớ hoài, thấy mặt không muốn nhìn, ngó ngang ngó dọc thì không được.

Sống trong chúng phải yêu thương vui hòa, đừng có chiến tranh lạnh, tuy không bùng nổ mà cứ ngấm ngầm mãi cũng khó tu. Trong đây tụi con có chiến tranh lạnh không? Chỗ này là nơi mình chiến đấu với ma quân chớ không phải chiến đấu với huynh đệ. Tất cả những thứ giận, phiền, ghét nhau chính là ma quân, phải chiến thắng, đừng nuôi dưỡng nó. Nuôi dưỡng nó, chiến tranh lạnh hoài là nuôi ma quân. Ma quân thắng tức là tụi con lui sụt, thối Bồ-đề tâm. Phải làm sao ở trong chúng mấy chục người, mình vẫn có tình thương quí, tuy không ai giống ai nhưng vẫn thương, hỉ xả hết, không hờn không trách.
Tụi con nhớ, mình tu là đi sâu trong từng tâm niệm, niệm dấy lên liền bỏ. Khi mình hiềm khích ai, những niệm đó bỏ dễ hay khó? Giữ những niệm này sẽ làm trở ngại, tạo cái chướng trong sự tu. Cho nên tụi con phải khôn ngoan, mọi việc qua đều xả hết, không có gì quan trọng bằng đạt được lý tưởng tu hành của mình. Đó là điều trên hết, còn hơn thua, phải quấy, thương ghét chỉ là chuyện nhỏ nhặt tầm thường không đáng kể. Đừng vì việc nhỏ mà bỏ việc lớn. Đó là tụi con khéo tu. Nếu không, uổng công ở Thiền viện Trúc Lâm năm năm, mười năm, khi ra được người ta hoan nghênh quá chừng, lại thấy cô này liếc cô kia, cô kia háy cô nọ, làm trò cười cho thiên hạ, không phải tinh thần đạo đức.

Bởi vậy, người ta hoan nghênh chừng nào, Thầy càng sợ chừng nấy, vừa sợ vừa lo. Nếu được người ta quí trọng mà tự mãn hài lòng là không tốt. Khi họ hoan nghênh, mình phải có điều kỳ đặc hơn bình thường mới được. Kỳ đặc đó không phải bảo tụi con làm cái gì lạ, chỉ là sống hết sức đơn giản, hòa thuận, vui vẻ và buông xả hết mọi cái xấu xa.

Hôm qua, có một cô người Úc nói chuyện với Thầy, cô Từ Tĩnh thông dịch. Bà nói người Việt Nam có cái hay là hồi xưa Mỹ, Úc qua đây giết hại, bây giờ thái bình, người Việt thấy người Mỹ không thù, gặp người Úc cũng không ghét. Đó là cái rất hay. Thầy liền nói, chính là chịu ảnh hưởng Phật giáo Việt Nam. Phật giáo dạy không nên ôm ấp hận thù. Khi người ta có lỗi lầm mình rầy, mình đánh, khi người không làm lỗi nữa phải tha thứ không oán hờn. Nhờ không oán hờn nên người Việt Nam cởi mở. Dù ngày xưa ai hành hạ khổ đau mấy đi nữa, bây giờ ta cũng bỏ qua, xem như là bạn. Đó là tinh thần cao thượng của người Việt Nam do chính Phật giáo nung đúc. Phật giáo đã nung đúc người dân Việt Nam, chẳng lẽ Phật giáo không nung đúc được Tăng Ni sống cởi mở, hỉ xả với nhau sao?

Người tu phải có một thái độ bình tĩnh điềm đạm. Huynh đệ có điều gì không bằng lòng nhau cũng chỉ nói nhẹ nhàng, từ tốn, khi qua rồi buông hết. Dù cho có những điều bất bình cũng bỏ, không nên chứa chất trong lòng. Như vậy mới thấy sự cao thượng của người tu Phật, cũng là tạo cho mình cái duyên dễ tu, nếu không thì bực người này hờn người kia, chúng bốn mươi người giận hết hai mươi người, tâm làm sao yên.

Hồi nãy có mấy vị Linh mục đến thăm Thầy, có vị hỏi: “Thưa Thầy công chuyện của Thầy rất đa đoan mà tôi thấy dường như Thầy thảnh thơi không bận rộn; còn chúng tôi khi lãnh trách nhiệm, bận rộn mất ăn mất ngủ. Xin Thầy chỉ cách gì được thảnh thơi như vậy?”

Thầy nói: “Đâu có chi lạ, khi muốn làm việc gì thì trước tôi sắp đặt, sắp đặt xong rồi thực hành. Tôi không lo sợ làm cái đó thất bại hay thành công, chỉ làm hết khả năng hết bổn phận, còn được hay mất là tùy duyên. Bởi tùy duyên nên tôi không lo. Còn người khi làm muốn phải được, tính mưu này kế kia cho thành công, lỡ thất bại thì khổ sở. Tôi làm tròn bổn phận, tận lực hết khả năng, còn chuyện thành bại là tùy duyên. Đó là thứ nhất. Điều thứ hai, khi sắp đặt rồi, tới giờ ngày đó tôi làm, không phải bận bịu ôn đi nghĩ tới lăng xăng lộn xộn, nên rất khỏe. Thứ ba, chính nhờ tu thiền nên tôi phần nào làm chủ được tâm mình. Điều gì đáng lo thì lo, việc không đáng tôi bỏ. Lúc cần suy nghĩ thì nghĩ, không cần nghĩ thì thôi, thành ra thảnh thơi.”

Tu làm chủ được là khi cho phép tâm nghĩ thì nghĩ, không cho thì thôi. Ngồi chơi hẳn là ngồi chơi, không cho cái gì lộn xộn trong đầu. Vậy là tụi con thảnh thơi. Như Thầy từ thất lại đây không tính nói gì với tụi con, nhớ đâu nói đó, chỉ tùy duyên. Vậy mới khỏe, còn lo nghĩ quá đầu óc rối, đầu óc rối thì tu hành mỏi mệt.

Đừng có tâm tự mãn, phải thấy mình như người đi trên băng, dè dặt cẩn thận mới được. Tự mãn là bệnh, còn tự tin thì tốt. Tin rằng tu là sẽ tiến, quyết tâm tu Tam Bảo sẽ không bỏ mình. Đừng lấy việc học nhiều kinh luận làm tự mãn, tự mãn không tốt.
------
Khi tụi con tu, bắt ngồi thiền nhiều quá, tụi con thấy khổ nhiều ít?

- Dạ vui! Không khổ.

- Sao bắt ngồi đau chân mà không khổ? Người ta vào Thiền viện thấy quí thầy quí cô, họ có những cái nhìn khác nhau. Hồi sáng có Phật tử nói, mấy cô ở đây như ở cảnh tiên, mấy cô là tiên cô. Có người lại nói, mấy cô ở đây hoài không được đi đâu hết, như ở tù. Tụi con nghĩ lời nào có lý hơn. Tiên hợp lý hay ở tù hợp lý? Tụi con kinh nghiệm bản thân, cái nào hợp lý hơn?

- Dạ, tụi con chịu làm Phật, không chịu làm tiên.

- Tụi con không chịu làm tiên hả? Người ta hay nói cảnh đẹp là cảnh tiên. Thấy ở đây đẹp cho là cảnh tiên. Thật ra, tất cả cảnh dù đẹp mấy, mà con người cứ đấu tranh với nhau cũng không tiên chút nào. Nếu như cảnh không đẹp mà nội tâm hòa vui với nhau thì đây chính là thiên đường rồi. Vì vậy trong sự tu, cảnh chỉ trợ lực ít thôi, nội tâm mình là chủ yếu. Làm sao nội tâm tụi con lúc nào cũng an vui không buồn phiền hờn giận, không bực bội với nhau, đó là được an lạc. Nếu tụi con buồn phiền, dù ở cảnh tiên hoa nở rực rỡ nhưng cũng như lò lửa. Tu là như vậy, không phải do cảnh bên ngoài mà được an ổn vui tươi, chính do nội tâm mình nhiều hơn.

Cho nên tự tụi con phải khéo buông xả. Cái nào thuộc về phiền não thì buông để tâm mình thanh thản. Cảnh yên, tâm thanh thản, tụi con sống ở đâu cũng an lạc. Còn được ở ngoài mà không được ở trong là chưa đủ; được trong không được ngoài cũng tốt, không sao. Chớ tin cậy bên ngoài quá không tốt. Cho nên tu không phải là đi tìm cảnh thuận mới tu được. Cảnh chỉ giúp một phần, trọng tâm là phải gột sạch những gì làm chướng sự an ổn vui tươi của mình.

Không phải chỉ quí cô ở đây mà các Phật tử cũng nên tập như vậy. Khi gặp cảnh chướng buông đi đừng giận. Tôi hay hỏi mấy cô ở đây tu khó hay dễ, có nhiều người nói khó. Tôi nói ngược lại, tu dễ. Bây giờ tôi giả sử có ai nói nặng các Phật tử một câu, vừa nghe hơi khó chịu, quí vị buông cho nó nhẹ nhàng. Biết rằng lời nói qua rồi mất, có thật đâu, buồn giận làm chi. Nhớ vậy rồi cười, tu như thế là khó hay dễ? Còn người dễ nổi giận, làm người khác buồn, phải suy nghĩ đủ thứ chuyện, kéo dài bao lâu mới hết?

Cứ nhớ lời nói qua rồi mất, cười thôi, mặc ai nói gì thì nói. Đó là biết tu, để lòng mình an ổn, không gây hận thù với ai. Nếu mình chấp lời nói, hơn thua với họ, gây oan trái rồi bày mưu tính kế để trả thù trả oán, tạo một chuỗi dài mười năm hai mươi năm khó chịu với nhau. Đó mới là khó tu! Còn tu buông xả rất dễ. Buông rồi nhẹ nhàng, họ không buồn mình, mình cũng không tức họ, hai bên đều hòa vui. Đó là tu. Vậy mà nhiều người không chịu tu như vậy.

Giả sử, ở trong gia đình làm ăn có được mất, khi được mình vui, khi mất mình buồn. Khi làm ăn thất bại, ngồi gác tay lên trán rầu hoài, có trở lại thành công được không? Thua keo này bày keo khác, không thèm buồn. Vậy là yên trong lòng. Biết đâu cái này thua cái khác lại thắng, cứ vui mà sống. Cuộc đời không bao lâu, lo rầu hoài vô ích. Nghĩ vậy là biết tu, nên không bệnh không khổ. Nếu không biết tu cứ bệnh khổ hoài, tối ngày lo được lo mất, ngồi than trời trách đất, lòng không an. Biết tu rồi mọi chuyện tùy duyên, nếu có lỡ thất bại thì thôi, làm lại cái khác, chớ đừng ngồi buồn, vô ích.

Vậy, người buông đi và người ngồi buồn hoài, ai khôn hơn ai? Đừng làm người dại chi cho uổng một đời, đã buồn còn sanh bệnh hoạn khổ đau, thấy ai cũng bực. Vậy là làm khổ cho mình, cho người. Buông đi sống thanh thản làm ăn. Chết còn không buồn, được mất buồn làm chi, nhớ như vậy là tu.

Khi ngồi thiền những tâm niệm lăng xăng buông nhẹ nhàng, không còn nghĩ đến được mất hơn thua, tâm mình an thì gương mặt buồn hay vui? Tu đem lại nguồn vui chân thật, lòng mình thanh thản, tự nhiên gương mặt tươi. Lúc nào suy nghĩ chuyện được mất hơn thua thì nó rối rắm, sanh bực bội, dễ quạu dễ tức. Bởi vậy, người nào tu hay, nhìn gương mặt tươi vui, còn người nào gương mặt dàu dàu chắc tu không khá!
------
Tụi con làm đủ mọi công tác, không xao xuyến nghĩ chuyện gì khác ngoài việc làm của mình, đâu cần phải kềm giữ. Làm việc một mình tu rất dễ, khi có hai ba người lại trở nên khó. Nếu làm thinh hoài thì buồn, nên phải bày chuyện nói, bày ra rồi hứng, kéo hết chuyện này đến chuyện kia, chuyện năm trên năm dưới gì cũng lôi ra hết. Phải làm sao cả giờ làm việc đều chăn trâu kỹ, được vậy trâu mau thuần thục. Còn hay quên chăn thì trâu lâu thuần. Giờ ngồi thiền chỉ có giới hạn chừng mực, nên giờ ở ngoài tụi con phải khéo chăn. Lúc đầu chăn hơi khó, khi thuần thục sẽ dễ. Điều gì cần phải suy nghĩ để làm thì suy nghĩ, không cần thì thôi, đâu có gì bận bịu.

Tụi con nhớ, người tu nếu chưa thấy được ông chủ phải khéo vận dụng trí tuệ Bát-nhã. Khi gặp cảnh hay người làm phiền mình, cứ dùng trí tuệ Bát-nhã thấy rõ có gì đâu mà phiền! Thí dụ, có những niệm mạnh quá buông không được, nhìn lại xem đó là niệm gì. Gặp cảnh cho là quan trọng nên duyên theo, bây giờ nhớ cảnh đó không thật. Còn với người thì rõ năm uẩn đều không, có gì đâu phải bận bịu. Cảnh không thật, người cũng không thật. Cảnh và người không thật thì đâu có dính mắc mà nói buông không được.

Chỉ tại không vận dụng trí Bát-nhã, nếu vận dụng trí Bát-nhã thì không có gì khó buông. Thân mình nay mai cũng tan nát, không có gì quan trọng. Buông dễ thì tu mới mạnh, còn buông khó là tu yếu, bị giằng co lôi kéo hoài. Bởi vậy người tu ba mươi năm đầu thấy núi sông không phải là núi sông, sau mới thấy núi sông là núi sông. Còn tụi con thấy núi sông là núi sông thật hoài, có vận dụng trí Bát-nhã chưa? Hóa ra học qua rồi mất tiêu, lại sống với tâm chúng sanh. Nay biết sống với trí tuệ Bát-nhã, thấy gì cũng chỉ cười.

Hôm qua có ông nha sĩ ở Úc về thăm Thầy. Ông nói, khi coi kinh Kim Cang Bát-nhã thấy không có gì thật hết, cuộc đời này không có gì thật, kể cả ông ấy nữa. Nhìn cho thật kỹ thì thời gian cũng không thật, vì thời gian chỉ là một giả định. Trái đất quay đâu có gì thật. Tất cả không thật, tại sao mình chấp? Người ta là cư sĩ còn nói như vậy. Cho nên tụi con tu, khéo dùng trí Bát-nhã liên tục thì mọi phiền não đều rơi rớt hết.

- Thưa Sư ông, con xem trong kinh có dạy: Còn quán là còn nương theo lời Phật dạy, nên con không quán nữa. Như vậy có đúng không?

- Tụi con không nghe Sư ông nói có đầu có đuôi. Sư ông nói, nếu ai đã thấy được Ông chủ rồi thì khỏi dùng quán, nếu chưa thấy phải quán để dứt phiền não.

- Những lúc con quán thì buông vọng tưởng rất dễ, sau con coi trong kinh thấy nói như vậy nên hơi nghi ngờ.

- Tụi con không đặt đúng chỗ! Sử dụng đúng chỗ mới có hiệu nghiệm. Chừng nào thấy núi sông là núi sông mới thôi, còn nói núi sông không phải là núi sông thì còn phải tu nữa.

Người xưa gọi cửa Thiền là cửa Không – không môn. Cửa Không là Bát-nhã. Tu Thiền là tu bằng trí tuệ Bát-nhã, chớ không phải tu bằng lòng tin, nên nói là cửa Bát-nhã. Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói phẩm đầu là Bát-nhã, vì Ngài ngộ ở kinh Kim Cang. Từ đó mới thấy Bát-nhã rất hệ trọng. Tụi con chưa nhận được Ông chủ nên phải sử dụng Bát-nhã quán chiếu để thấy rõ cuộc đời, bản thân, không có gì phải chấp phải dính. Không chấp dính nên được tự tại. Sở dĩ bỏ khó vì nghĩ: “câu nói đó nặng lắm”, nhớ hoài. Bây giờ dùng trí Bát-nhã: “câu nói đó qua rồi mất”, tự nhiên nhẹ nhàng. Tụi con hay đánh giá nó nặng mấy ký, thành ra mang nó nặng nề. Khó là tại mình mê lầm, cố chấp, rồi bám vào những gì bên ngoài cho là thật: thân thật, giá trị mình thật, cái gì cũng thật hết, đưa tới cố chấp. Cố chấp thì đau khổ.

Nếu tụi con xóa hết mê chấp thấy không có gì quan trọng, chỉ được hòn ngọc quí là việc tối trọng yếu của đời mình. Hiểu vậy, tụi con nhàn nhã, dù không nói tiên, nhưng tự nó cũng là tiên. Nếu mê chấp thì tiên lâu lâu cũng nhớ hồng trần, mà muốn về thăm hồng trần thì phải từ giã cảnh tiên.

Ở đây, tụi con chăn trâu suốt, nhớ sử dụng kiếm Bát-nhã. Có đứa nào không có kiếm Bát-nhã không?

- Dạ, đứa nào cũng có sẵn.

- Nếu sẵn thì phải sử dụng, thường mài không để nó lụt. Bởi nó lụt nên cắt không đứt. Biết sử dụng kiếm Bát-nhã, trên đường tu sẽ không có gì trở ngại. Đứa nào kiếm Bát-nhã lụt quá phải nhớ mài, bằng không nhiều sợi dây cắt không đứt. Tu đơn giản vậy thôi, sở dĩ có rắc rối là tại người ta không chịu buông.

Đúng ba năm Thầy xả cảng cho mấy đứa, thử coi bao nhiêu người đi, bao nhiêu người đăng ký không đi.

Mai mốt có mấy Xơ đến tập tu với tụi con. Thấy họ cũng tha thiết ngồi thiền, nghe nói có một, hai người lạy Phật, đọc Bát-nhã Tâm Kinh đến bài Sám hối cũng khóc. Vậy là có chủng duyên với Phật pháp. Tụi con tụng có khóc không?

- Dạ, lần đầu tụng cũng chảy nước mắt.

- Khóc có hai trường hợp: một là nghe lời Phật Tổ dạy trúng bệnh mình nên khóc, hai là nghe rồi mình nhớ lại đã phạm lỗi nhiều quá nên khóc.

Không biết tụi con khóc thuộc về cái nào. Nếu cảm lời Phật Tổ, đó là có duyên lành, còn phạm tội lỗi nhiều quá là khóc hối hận, khi xưa mình tạo tội, nghe lại lời Phật Tổ dạy mình thấy khổ đau. Cho nên khóc không phải một chiều một mặt, tuỳ theo duyên của mỗi người khác nhau.

Giá trị ngồi thiền ở chỗ lóng lặng vọng tưởng. Hết vọng tưởng đâu phải mất mình. Tất cả những tham, sân, si bệnh hoạn đều bắt nguồn từ quên tánh giác. Dẹp hết những cái đó thì tánh giác hiện bày, lúc ấy không muốn thành Phật cũng là Phật. Nếu không hiện bày dù ham làm Phật cũng không được, vì còn mê, không giác làm sao làm Phật. Hiểu vậy, mới biết tại sao tu mình phải ngồi thiền, phải buông xả những niệm xấu. Vì đó là gốc của phiền não, hễ theo nó là quên tánh giác.
Ví dụ bữa nào tụi con đang chuẩn bị làm món bánh ngon, lúc đó tụi con lo làm bánh, có còn nhớ niệm thân bất tịnh nữa không? Hay chỉ nhớ làm bánh sao cho khéo cho ngon, quên cái tu đúng như lẽ thật. Trái lại, khi tụi con ngồi thảnh thơi một mình, tâm tư lóng lặng mới thấy được lẽ thật, nào là Thập nhị nhân duyên, Tứ đế...

Cũng vậy, người đời chạy theo dục lạc thế gian, không bao giờ biết mình có tánh giác, biết thân này không thật. Khi rủ nhau đi nhậu, tiệc tùng, thì đâu biết thân này không thật. Chỉ khi ngồi thức tỉnh mới biết. Tụi con cũng vậy, ngồi nhắc chuyện năm trên năm dưới rồi cười chơi, lúc đó còn nhớ mình không? Những cái làm xao lãng sự tu hành phải xả bớt, phải hạn chế, để tâm tư mình thanh thản nghiền ngẫm giáo lý Phật. Càng thấm sâu mới thấy siêu thoát. Còn không, tu mà giống hệt người thế gian, lo ăn, lo mặc, cười giỡn cho vui.

 Phải có thời giờ ngồi trầm tĩnh. Không cần tụi con phải ngồi thiền dưới gốc cây. Ngồi đây nhìn núi non không trầm tĩnh sao, lựa là phải ngồi gốc cây? Nhiều khi tụi con có những cái cầu kỳ. Lẽ thật thì cứ sống với lẽ thật. Nếu tâm mình yên, ngồi đâu cũng an ổn tốt đẹp, không cần lựa chọn chỗ thích hợp. Tu không phải suy nghĩ theo quan niệm của người thế gian. Ví dụ, bác sĩ bảo cần ngủ tám tiếng, trong đây ngủ có năm tiếng, có phải là trái với qui định của họ không? hay là siêu thoát hơn? Nếu tụi con ngồi chơi một mình mà tâm thanh tịnh, đó là nguồn an lạc, lựa là phải nói cười mới vui. Tâm hồn an lạc thanh tịnh thì ngay đây là Cực Lạc. Chỉ có ngồi ủ rũ rầu lo mới là bệnh. Tu phải khéo, trên đường đạo phải thật sự tỉnh giác, bước đi vững vàng.

Nhiều khi Thầy ngồi ngẫm lại cuộc đời thấy tức cười. Con người chúng ta như mấy vách đất, trong là bộ xương, giống như cái sườn cây lấy dây cột lại, rồi lấy đất đạp nhuyễn tô lên, đó là da thịt. Vách tường ngoài muốn dễ coi quét vôi lên. Mình cũng như vậy. Thân này hít vào thở ra, chẳng ở không chút nào, tưởng ngồi chơi chớ thật là làm hoài, đâu có gì sung sướng. Một lát đói, một lát khát. Vậy mà cho là cuộc sống có giá trị, thấy cũng tức cười. Con người cứ quay theo cuộc sống. Thí dụ muốn ăn cho thật ngon nên phải cực, phải tốn, hôm nay vô, ngày mai ra. Còn ăn rau luộc chấm tương thì khỏe, thảnh thơi mà không chịu, vì bị lệ thuộc nơi lưỡi. Làm cả ngày cực khổ, chiều ăn một bữa ngon là hết trơn, cũng chỉ vì một chút cảm giác ngon của cái lưỡi. Nếu ăn đơn giản thì đâu phải cực khổ.

Bởi vậy, thương người không phải ta đem của ra bố thí giúp đỡ mà phải giúp họ thoát mê lầm.

Giả sử, có người hay ăn hàng, xài bậy, rượu chè, không biết tiết kiệm nên thiếu trước hụt sau, tụi con thấy thương đem lại một, hai trăm ngàn giúp, giúp được bao lâu, giúp làm sao đủ? Chỉ làm sao nói cho họ hiểu được đạo lý, tự họ hạn chế, tự sửa đổi thì mới hết khổ. Mình không cho gì, nhưng đó là kế lâu dài nhất. Chúng ta hay nghĩ, người ta khổ đem lợi giúp cho họ hết khổ, chắc gì! Chỉ có đem lời Phật dạy cho người ta hiểu thật sâu, tự họ giải lấy, tự họ chuyển hóa, đó là chân thật nhất, gọi là bố thí pháp, quan trọng hơn. Hiểu vậy mới thấy giá trị người tu.

Thầy sở dĩ có chút phước là vì Thầy hay bố thí pháp, ngày nào cũng vậy không nhiều thì ít, một ngày hai hoặc ba thời. Bởi vậy, tưởng Thầy ở không chớ đâu ở không. Câu chuyện Thầy thường kể với Phật tử là “Ông trưởng giả có bốn người vợ”. Hồi sáng có nhóm Phật tử Sài Gòn lên, yêu cầu Thầy nói chuyện. Nếu nói lý thuyết họ khó nhớ, nên Thầy dẫn câu chuyện đó kể, thấy họ cười cười, Thầy biết chuyện này họ đã nghe rồi, nhưng Thầy cứ kể. Xong, Thầy giải thích nghiệp là sao, tại sao nghiệp không mất. Giải rồi họ nói: “Con có nghe chuyện này rồi, bây giờ nghe Thầy nhắc lại rất là thấm.”

Chuyện cũ nhưng mình khéo giải thích làm người ta thấm thêm. Nhiều khi ngại, sợ người ta nghe rồi nói lại bị trùng, nhưng kể thì cứ kể, miễn khéo chút thôi. Thiếu gì chuyện Thầy kể cho tụi con nghe lặp đi lặp lại hoài, nhưng cần vẫn cứ kể.
------
Lễ Phật Đản ở Indonesia kéo dài khá lâu. Mỗi chùa làm một bữa, vì bên đó Tăng Ni ít mà Phật tử cũng không nhiều, cho nên họ dồn qua chùa này làm xong rồi qua chùa kia, luôn một tháng trời. Bởi vậy, đi dự lễ Phật Đản hoài.

Ở Indo, bắt buộc mọi người dân đều phải có đạo. Có năm tôn giáo, Hồi giáo mạnh nhất, chiếm 80% dân số, còn lại là Ấn giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành và đạo Phật. Đạo Phật chỉ có 2%. Tuy vậy họ vẫn cho Phật giáo giảng trong trường Đại học, cho giờ phát thanh trên đài. Phật giáo chia làm ba: Nam tông là đa số, Bắc tông cũng được kha khá và Mật tông. Ba phái hợp lại, lễ nào cũng có ba nhóm. Những vị Nguyên thủy tu thiền Minh Sát Tuệ, không tu thiền như mình.

Khoảng đầu tháng 9, sẽ có phái đoàn Indonesia đến thăm Trúc Lâm. Ông Silvie mời Thầy qua Indo, Thầy có đến hãng của ông. Ông Silvie qui y bên đó, ở Việt Nam có chú Phật tử làm cho ông là đệ tử của Thầy. Ông tìm hiểu về sự tu hành của quí thầy, hỏi cách tu thiền. Nghe chú đó giới thiệu đường lối tu của Thầy, ông thích rồi mời Thầy qua Indo, còn mời qua chỗ tháp Phật Borobudur ở một đảo khác. Từ đó qua tháp khoảng sáu tới bảy trăm cây số đi bằng máy bay.

- Thưa Thầy, Thầy qua đó khánh thành?

- Đâu có! Tháp đó có từ thế kỷ 16, thời gian sau núi lửa phun phủ hết, sau có người khảo cứu lại, đào lên. Bây giờ họ đang tu bổ, về phần chánh đã xong chỉ còn phần phụ. Mỗi năm đều tổ chức lễ Phật Đản tại đó.

Dự lễ Phật Đản rồi, ông Silvie đưa Thầy đi chơi đảo Bali. Đảo này là chỗ du lịch thế giới, đẹp lắm! Khách sạn tại đó thật sang. Bà chủ là Phật tử, ăn ở chẳng những bà không lấy tiền, còn cúng dường thêm nữa, thành ra lần này về đủ cất hai cái thất cho tụi con. Thầy đang tính cất hai cái thất, một cái cho Ban chức sự, một cái cho chúng thay phiên.

Lần này đi chơi thôi, không giảng gì hết, vì đâu có quen với ai. Tiếng Indo nói lanh lắm vì không có dấu. Chữ họ cũng lấy gốc chữ La tinh. Nước mình bị Pháp thuộc chưa được một trăm năm, nhưng sau đó lại bị nội chiến. Còn Indo hồi xưa bị Hà Lan cai trị ba trăm năm, Nhật cai trị ba năm. Từ năm 1945 trở về sau không còn chiến tranh nữa, nên phát đạt hơn mình. Người định cư ở đó bắt buộc phải nói tiếng Indo, dù người Hoa hay người gì cũng nói tiếng Indo, vì có trên một trăm giống dân, nếu nói loạn thì ai hiểu cho nổi. Tất cả bảng hiệu đều bằng tiếng Indo, không được viết tiếng Anh hay tiếng Hoa gì hết. Thầy không biết tiếng ngoại quốc, có khi ông Silvie đến thăm Thầy, lạy ba lạy rồi đi. Thầy không nói gì với ông, ông không nói gì với Thầy. Khi nào có mấy người thông dịch giùm mới nói chuyện được.

Bên đó có chùa người Hoa đang xây cất, mời Thầy đến dự lễ Phật Đản, sau lại mời giảng một thời. Rồi ông Silvie dẫn đi xem chùa ông cất giữa thành phố cao đến tám tầng, rộng lớn lắm, mới xây xong tầng thứ tư thờ Phật, còn bốn tầng kia chưa xong. Tượng Phật nặng mười tấn đồng, cao bảy thước, ngồi trên toà sen rộng bảy thước. Chỉ một tượng Phật số tiền tính bằng cái chùa của Thầy, còn bao nhiêu thứ nữa ông đang chuẩn bị làm. Lại có hai phòng giảng mỗi phòng chứa khoảng năm trăm người.

Trúc Lâm so với chùa người ta không thấm vào đâu, nhưng nhờ có núi và hồ, có cảnh đẹp thiên nhiên nên ai đến cũng thích. Cũng vậy, tụi con sau này được người ta mến quí không phải vì giỏi văn chương chữ nghĩa, mà vì có đạo đức. Mỗi cái đều có nét riêng của nó. Người ta học cao có bằng cử nhân, tiến sĩ hoặc làm được cái gì đó nên người đời hoan nghênh. Mình không có bằng cấp cao, cũng không làm gì nổi tiếng, nhưng nhờ có tu, có đạo đức, vậy mà bền. Phật dạy: “Chỉ có mùi hương đức hạnh là ngược gió bay đi khắp muôn phương.”

Hôm Thầy sắp về, có hai nhà báo đến phỏng vấn Thầy, một người làm việc cho tờ nguyệt san, người kia bán nguyệt san. Họ xin hỏi Thầy chừng hai ba chục câu, có câu hỏi về đời Thầy, rồi cuối cùng là: “Hiện giờ Thầy muốn cái gì?” Thầy trả lời với họ rằng:

- Hiện giờ tôi còn muốn một điều là tất cả Tăng Ni dưới sự hướng dẫn của tôi, mỗi người tu hành được trí tuệ sáng suốt, đức hạnh đầy đủ. Sau khi tôi nhắm mắt họ thay tôi duy trì Phật pháp, thắp sáng ngọn đèn Thiền tông.

Hôm sau lại có phái đoàn khác hỏi:

- Theo Thầy nghĩ, tương lai Phật giáo như thế nào?

Vì Thầy thấy người hỏi là Phật tử, nên nói:

- Phật giáo tương lai sẽ sáng sủa hơn.

Câu trả lời này có tính cách chủ quan. Giả sử có người ngoại đạo hỏi câu đó, Thầy phải nói làm sao? Khi đó Thầy sẽ trả lời như vầy:

- Tương lai Phật giáo như thế nào là tùy theo sự tu hành và học hiểu của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo. Nếu Tăng Ni và tín đồ hiểu Phật pháp sâu, tu hành chân chánh thì Phật giáo sẽ phát triển hưng thạnh, còn nếu Tăng Ni lôi thôi không thông giáo lý, Phật tử cũng không hiểu Phật pháp, Tăng Ni và tín đồ tu hành không ra gì thì Phật pháp suy.

 Thầy trả lời như vậy là nói chung, dù bên Phật giáo hay đạo nào cũng vậy. Nếu người lãnh đạo và tín đồ không hiểu đạo lý, hạnh kiểm không tốt thì đạo đó suy, phải không?

Lại có người hỏi Thầy:

- Thầy nghĩ gì về thế kỷ 21?

Thầy trả lời họ rằng:

- Nếu nói tới thế kỷ 21 thì tôi hơi lo.

Hỏi:

- Tại sao Thầy lo?

Thầy nói:

- Hiện giờ khoa học tiến quá nhanh mà đạo đức con người theo không kịp. Bước vào thế kỷ 21 như vậy là tai họa về sau. Ví như có người kém đạo đức, đầu óc bất bình thường không tự chủ mà trong tay có sẵn khí giới thì mọi người xung quanh đều phải lo.

Rồi họ hỏi tiếp:

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

Thầy trả lời:

- Hiện giờ chúng ta phải ý thức được điều đó, cố gắng nâng đỡ đạo đức cho tiến nhanh theo kịp, sao cho đến thế kỷ 21 đạo đức, khoa học và kỹ thuật quân bình thì đó là kế lâu dài.

(Nghe Hòa thượng kể, một cô trong chúng hỏi:)

- Thưa Thầy, những câu người ta hỏi có thâu băng cassette không?

- Người ta quay phim. Họ hỏi nhiều lắm, tới mấy chục câu. Mấy câu hỏi là lạ thì Thầy nhớ, mấy câu hỏi thông thường về giáo lý Thầy quên rồi.

Ở Indo người ta chịu hỏi Thầy hơn là nghe giảng, vì khi hỏi có thông dịch nói lại liền, lời gọn tập trung vào chỗ họ thắc mắc, không có tánh cách lý thuyết dài dòng. Còn mình giảng lý thuyết dông dài, họ phải chờ nghe dịch lại cho hết ý, bị xao lãng hết. Bởi vậy, Thầy nghĩ phải nói làm sao cho thu hút hơn, bữa chót Thầy nhắm hai điểm: một là sao cho hấp dẫn hơn, hai là quảng cáo ông Tổ mình một chút. Khi giảng Thầy nói: “Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với quí vị một ông vua Việt Nam đi tu làm Tổ phái Thiền Trúc Lâm.” Thầy kể sự tích vua Trần Nhân Tông, tới bài kệ, Thầy cho ông thông dịch viết chữ Hán lên bảng cho mấy người biết chữ Tàu ghi. Giảng bữa đó thiên hạ có chú ý.

Cuộc đời mình đâu có ai biết trước ngày mai. Năm rồi Thầy có nói đi Hà Nội, Indo gì đâu. Chỉ lo trả hai cái nợ: một là đi Úc, như Thầy đã hứa với Phật tử; hai là chùa Phước Hậu, nhà phía tây hư chưa sửa. Thầy đi về có tiền cho họ sửa nhà tây lại. Ngang đây hết nợ ở nhà luôn.

MỤC LỤC
 
Thỉnh Nguyện Tăng
Buổi nói chuyện đặc biệt
Thỉnh Nguyện Ni
Câu chuyện buổi chiều:
Đoạn 1
Đoạn 2

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu