Phụng Hoàng Cảnh Sách - Tập 1 - Đoạn 2

Phật tử ở đời đa đoan công việc mà còn có được lòng tin, những người nhàn hạ thảnh thơi như tụi con lại thiếu lòng tin thì thật hổ thẹn. Đây chỉ mới nói đủ lòng tin thôi, chưa nói tới chuyện khác. Nhiều khi mình nghĩ, chỉ rảnh rang tu mới có kết quả. Thật ra, tu có kết quả quan trọng ở ý chí quyết liệt, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực, trường hợp nào cũng phải cố gắng, chớ đừng đợi rảnh rang.
Phụng Hoàng Cảnh Sách - Tập 1 - Đoạn 2
Phật tử ở đời đa đoan công việc mà còn có được lòng tin, những người nhàn hạ thảnh thơi như tụi con lại thiếu lòng tin thì thật hổ thẹn. Đây chỉ mới nói đủ lòng tin thôi, chưa nói tới chuyện khác. Nhiều khi mình nghĩ, chỉ rảnh rang tu mới có kết quả. Thật ra, tu có kết quả quan trọng ở ý chí quyết liệt, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực, trường hợp nào cũng phải cố gắng, chớ đừng đợi rảnh rang.

Sáng sáng Thầy đi một vòng thấy hai ba người làm hoa kiểng, vừa làm vừa nói chuyện, Thầy hơi tiếc thời giờ. Lẽ ra khi làm phải “tỉnh tỉnh”, dễ thấy đạo hơn. Tụi con nhớ, mình có cảnh tốt, duyên tốt rồi, phải nuôi dưỡng nó. Cảnh tốt mà không chịu nuôi dưỡng, để phí phạm thì uổng.

- Dạ, đôi khi tụi con cũng quên.

Người làm hoa kiểng quên, người chặt củi có quên không? Tụi con ráng luôn sống trong cái tỉnh đó. Mình có được thắng duyên thì phải sử dụng thắng duyên của mình mới tiến nhiều. Người ta là cư sĩ đa đoan công việc mà còn cố gắng tu và tin được điều đó, huống nữa tụi con. Nếu tụi con thấy mình còn khiếm khuyết chỗ nào phải chỉnh sửa lại.

Hôm trước Thầy dạy để tâm mình thanh tịnh, tụi con có chịu để tâm mình thanh tịnh không? Mấy đứa học có thực hành được không? hay là để tâm rong ruổi xóm làng chơi? Thầy đi nhiều nơi về, xét lại thấy rõ thời này tu là phải học. Thời đại này ai cũng có trình độ văn hóa khá. Họ hiểu đạo lý tương đối kỹ càng, mình dốt quá kẹt lắm, không giáo hóa ai được. Tụi con còn trẻ, mai kia đi ra đương đầu với thiên hạ phải có đủ hai mặt: kiến thức và đạo đức. Nếu chỉ có đạo đức thì không đủ trình độ giáo hoá; còn có kiến thức mà không đạo đức dù nói hay người ta cũng không tin. Như vậy, thiếu mặt nào cũng sẽ trở ngại cho sự truyền bá.

Hiện nay, từ thôn quê đến thành thị kiến thức được mở mang, người dân cơ bản phải có trình độ trung học. Tu sĩ là người hướng dẫn, phải có trình độ bằng hoặc trên mức đó. Hồi xưa, quí Hòa thượng mình ở vùng quê đều là vị thầy hướng dẫn cho dân, không có Hòa thượng nào dốt, phải không? Dốt sao dạy học hoặc làm thầy thuốc được. Vì vậy người ta quí người tu là ở chỗ mình có khả năng làm thầy họ cả hai mặt, còn dốt quá họ sẽ cười. Nếu người có lòng ham học đạo tới mà mình không đủ điều kiện để dạy họ thì cũng khó. Ví như người ta đến, mình bảo họ ngồi thiền đi, không cần lý giải gì hết, họ đâu có chịu. Phải có sự hiểu biết rõ ràng tại sao phải ngồi thiền, ngồi thiền như vậy có lợi ích gì cho mình, cho người, họ mới chịu thực hành.

Bữa trước có một Phật tử Indo hỏi Thầy:

- Mục đích ngồi thiền để cho tâm yên định, sáng tỏ, ngoài ra còn lợi ích gì về đạo đức nữa không?

Thầy nói rằng:

- Mình ngồi thiền tâm yên định thì dừng được các phiền não, tham sân si. Dừng được tham sân si tức tránh được tội lỗi. Đồng thời, tâm yên định thì trí sáng suốt. Từ sự sáng suốt đó thấy mọi người mê lầm nên mình thương và khởi lòng từ bi muốn giúp cho họ cũng được sáng suốt. Lòng từ phát khởi do không còn tham sân si. Từ bi này đầy đủ công đức, giới luật và trí tuệ, đem lại lợi ích lớn cho người, chớ đâu phải mình sáng suốt an lạc rồi thôi, mọi người ra sao mặc họ.

Trí tuệ và từ bi không tách rời, nếu trí tuệ mà không có từ bi là trí tuệ khô cằn, còn nếu từ bi mà không trí tuệ là từ bi si. Tại sao vậy? Bi mà si, thương người nhưng không đem lại lợi ích cho người, chỉ thêm đau khổ. Ví như có nhiều người tu, thấy ai đó mới tới chùa không người thân, cô đơn, nên thương xót an ủi, rồi thương luôn. Cái thương đó làm cho người ta kẹt dính, như vậy có trí tuệ hay không? Trong giới tu sĩ của mình có bị mắc kẹt vào cái đó không?

- Dạ, có.

Ban đầu người ta mới tới còn bỡ ngỡ, mình thương, săn sóc lo lắng, rồi họ có cảm tình với mình. Phải sáng suốt, có trí tuệ để thấy rõ phải thương thế nào là đem lại lợi ích và giải thoát cho người. Nếu tình thương đem đến sự trói buộc thì không nên. Chẳng những thế nhân mà tu sĩ cũng hay có lối thương si mê đó. Đó là từ bi mà thiếu trí tuệ. Tụi con nhớ chưa?

- Dạ, nhớ.

Có nhiều người xuất gia thấy trẻ con mồ côi tội nghiệp đem về nuôi, rồi thương như con. Như vậy là trói buộc, là từ bi si mê. Bởi vậy, tụi con nên sáng suốt, đừng bao giờ từ bi đi tới si như vậy, đó là bệnh. Bệnh đó thì hết tu, không thể nào giải thoát được. Giải thoát nghĩa đơn giản nhất của nó là sao? Là không bị trói buộc. Trói buộc là nghĩa của chữ “triền phược”. Mở hết trói buộc là giải thoát. Có đứa nào nói “tôi tu không cầu giải thoát” không?

- Dạ, không.

Ai tu cũng cầu giải thoát mà cứ trói buộc hoài giải sao nổi, dù trói nhiều hay ít cũng là trói buộc. Cho nên có niệm gì trói buộc là cắt ngay, tự mình cắt chớ không phải để người khác cắt cho mình. Người khác cắt có những cái phiền. Mình thích trói mà người ta cắt thì mình tức. Mình bị trói để người ta phải cắt, người ta cũng bực. Cả hai đều không khỏe, không vui. Vậy nên trong khi tu thấy cái gì trói buộc là cắt ngay, để cho tất cả thời giờ quí báu của mình lúc nào cũng thanh tịnh, sáng suốt. Đừng tự mình trói buộc rồi nói tu không thảnh thơi, không hết khổ.

Thầy hỏi tụi con, độ rày khoảng một hai tháng có đứa nào rơi nước mắt không?

- Dạ, có.

Rơi nước mắt vì chuyện gì? Tụi con đọc bức thơ của ngài Động Sơn gởi cho mẹ, để thấy tâm hồn của mình tuy đi tu cũng còn bị trói buộc. Đối với tụi con, người thân thiết nhất là mẹ cha, kế đó là anh chị. Bây giờ tụi con hiếu thảo đem lại lợi ích cho người thân bằng cách nào? Bằng cách nhớ thương hay là ráng tu cho tâm hồn thanh thoát, đạo lý thấu suốt để độ cha mẹ? Độ được cha mẹ mới là nguyện vọng của mình, còn ngồi nhớ thương, suy nghĩ về cha mẹ chỉ làm tâm bi lụy. Lại muốn về làm chút đỉnh gì cho cha mẹ, tưởng đó là có hiếu, nhưng hiếu thảo của người xuất gia không phải như vậy.

Có những đoạn sử nói về các vị Tăng có hiếu với mẹ cha, nhưng mỗi đoạn nói mỗi khác. Như chuyện ngài Hoàng Bá, khi đi tu Ngài nghĩ: “Cần phải dứt bỏ ân tình, quyết tâm đạt đến vô vi, mới là báo ân chân thật.” Nhiều năm Ngài không về nhà. Bà mẹ ngày đêm thương nhớ đứa con xa, khóc đến mờ đôi mắt. Bà lập một quán trà bên đường, tiếp đãi chư Tăng hành cước bốn phương, và mời chư vị về nhà, đích thân bà rửa chân, cúng dường. Vì trên chân ngài Hoàng Bá có một vết sẹo, bà muốn nhân khi rửa chân có thể tìm ra ai là người con yêu của mình. Một hôm, Ngài về thăm, cũng được bà mời đến nhà, nhưng khi rửa chân Ngài chỉ đưa bàn chân không sẹo, nên bà không phát hiện ra Ngài. Trong lúc bà làm những việc đó, Ngài kể chuyện đức Phật vượt thành xuất gia, hi vọng thân mẫu nhân đây thâm tín Tam Bảo, an tâm trong quãng đời còn lại. Ngài Hoàng Bá liên tiếp hai phen trở về nhà, thấy tình thương của mẹ quá sâu đậm nên không cho bà biết tung tích, chỉ âm thầm hướng dẫn bà tu hành, rồi tiếp tục vân du.

 Lần sau cùng, Ngài vừa rời khỏi nhà thì có người hàng xóm phát hiện ra, liền báo cho bà biết đó là người con trai mà bà đang trông đợi. Nghe xong, bà tức tốc chạy theo, đến bờ sông lớn thì thuyền của Ngài vừa rời bến, bà hoảng hốt nhảy theo, chẳng may rơi xuống sông chết chìm. Ngài Hoàng Bá trông thấy tình cảnh mẹ bị hụt chân chết chìm, đau buồn quay trở lại. Đứng trước di hài của mẹ, Ngài cảm động rơi nước mắt, nói: “Một người con xuất gia ngộ đạo, cửu tộc được sanh thiên; nếu không được sanh thiên thì chư Phật nói dối.” Khi làm lễ hỏa táng mẹ, người trong làng đều thấy thân mẫu của Ngài ở trong khói bay lên hư không.

Trong kinh Phật nói, người con ngộ đạo cha mẹ được sanh thiên. Tụi con tu mà được như vậy mới là hiếu thảo. Người tu phải thấy được cái gì nên làm, cái gì không. Mình cũng tu nhưng còn yếu, nên chỉ nhìn thấy những cái gần, không thấy xa. Ngài Hoàng Bá quyết tâm tu hành, mẹ Ngài sanh một người con ngộ đạo, nên được phước sanh lên cõi trời. Nói vậy để tụi con thấy trách nhiệm của mình, ráng tu ngộ đạo để độ thân quyến. Như chuyện ngài Tông Diễn, nhờ ngộ đạo mẹ Ngài được phước sanh thiên. Bởi vậy, người xuất gia tu hành đắc đạo thì chuyện cứu độ cha mẹ được bảo đảm.

Bây giờ, giả sử như ba má tụi con sáu mươi, bảy mươi tuổi, nếu về nuôi dưỡng, an ủi được chừng năm mười năm. Còn mình tu đạt đạo rồi cứu cha mẹ, nếu sanh thiên thì mấy ngàn năm, sau đó còn tạo duyên độ nữa. Nói vậy để tụi con hiểu trách nhiệm của người tu là gì. Đừng nghĩ rằng mình lo cơm cháo cho cha mẹ là đền ơn, đền ơn đó chỉ chút xíu thôi không đáng kể. Chúng ta được đạo rồi, cha mẹ an vui sung sướng lâu dài, đó là kế lo xa. Người tu là người thấy xa.

Nói vậy cho tụi con hiểu, người nào có cha mẹ già rồi, không nuôi được đừng buồn. Trừ lúc cha mẹ không còn ai lo, mình có bổn phận phải lo. Còn có người lo rồi mình ráng tu hành, nếu có người nuôi, mình về nuôi nữa thành ra thừa. Làm không ra tiền làm sao nuôi, chỉ phụ họ cho có mặt vậy thôi, trong khi chuyện tu không tới nơi tới chốn, rốt cuộc cả hai đều thiệt thòi, mình không làm được bổn phận của mình, việc của người ta mình lại làm.

Bởi vậy, người tu phải chăm sóc cha mẹ về tinh thần; anh chị, em út ở nhà lo phần vật chất.

Mỗi người lãnh một phần, người nào lo được cho cha mẹ thì có phước. Mình gắng tu thấy đạo rồi hướng dẫn cha mẹ về mặt tinh thần. Bây giờ mình về nhà họ đẩy cho mình, không thèm biết bổn phận, họ không có phước, mình cũng tổn giảm vì không có thời giờ tu tới nơi tới chốn, hai bên đều thiệt thòi. Hiểu vậy mới có gan chịu đựng. Không hiểu vậy, tụi con cứ nghĩ người tu bất hiếu, không gần gũi chăm lo cho cha mẹ, rồi than trách buồn rầu. Sở dĩ thấy bất hiếu là vì mình không hiểu rõ, nếu mình ráng tu ngộ đạo cha mẹ được hưởng phước sanh thiên không nghi ngờ. Người xưa đã thực hiện, một là ngài Hoàng Bá, hai là ngài Tông Diễn, có bằng chứng cụ thể.

- Thưa Thầy, khi tu có niềm vui con lại nhớ thương cha mẹ cực khổ cả đời rồi cũng chẳng được gì. Đường trước mịt mờ không biết sẽ đi về đâu!

- Nếu mình tu có niềm an lạc, vừa nhớ cha mẹ thì cố gắng tu thêm, vì mình đắc đạo sẽ độ cha mẹ không nghi ngờ. Tại mình không khéo chuyển niệm, đừng ngừng ở chỗ nhớ cha mẹ, phải nghĩ đây là cơ hội để mình đền ơn cha mẹ, nên cố gắng vươn lên. Nhiều khi tụi con hiểu lầm, nghĩ mình về nuôi cha mẹ năm bảy tháng trước khi cha mẹ mất để đền ơn. Mình ráng tu mới thật là đền ơn.

Qua câu chuyện Tổ Hoàng Bá, chúng ta thấy như Ngài lơ là đối với mẹ. Nhưng nhờ Ngài tu đắc đạo nên thân mẫu được sớm về cõi trời. Đây mới là chân thật báo hiếu. Bây giờ mình không dám lơ là như vậy, nhưng cũng phải nguội lạnh một chút. Còn nồng nàn quá, ngồi đây mà nhớ má hoài thì tu không tiến được, đời tu không ra gì, không lợi ích cho cha mẹ.

Trong sử kể, có một ông thầy đi tu, đọc lâu Thầy quên tên, ở Trung Hoa. Ông tu rất tinh tấn, nhưng bà mẹ trước làm tội đọa địa ngục. Khi ông tinh tấn tu, ngục tốt nói: “Bà này có đứa con tu tinh tấn lắm, đừng nên hành phạt.” Bà mẹ đỡ khổ nên rất mừng. Thời gian sau, ông thầy bị thối tâm và phạm giới, ở dưới địa ngục, ngục tốt đánh đập bà quá chừng. Bà xin ngục tốt về nhắc con ráng tu, để bà bớt khổ. Đêm đó bà về báo mộng: “Lúc trước con tu tinh tấn, mẹ đỡ khổ ở địa ngục, bây giờ con tu bê bối, phạm giới nên họ hành hạ mẹ quá!”

Ông thầy nghe vậy giật mình hoảng hốt, từ đó về sau nỗ lực tu hành.

Bây giờ tụi con thấy ở thế gian, giả sử có người không tốt bị láng giềng coi thường, sau đó con họ lên làm Tỉnh trưởng, hàng xóm có dám khinh nữa không? -  Không. Nhưng đứa con làm Tỉnh trưởng một thời gian rồi ăn hối lộ, ở tù thì người ta lại khi dễ cha mẹ. Ở trên thế gian, con được danh dự thì mọi người quí cha mẹ, khi nó suy sụp, tất cả đều coi khinh. Dưới địa ngục cũng thế. Hiểu vậy, lúc nào tâm hồn tụi con hơi sa sút phải ráng vươn lên, ráng tu cho ngộ đạo mới có thể giúp cha mẹ được.
------
Hôm nay Thầy nói một điều rất gần. Ví dụ tụi con có chuyện gì vui, cười ào lên, có gì buồn khóc sướt mướt, đó là buông thả theo cái vui và buồn, nếu như vậy đâu có gì hay hơn người đời. Bây giờ muốn hay hơn thiên hạ thì vui cười vừa phải, cười hàm tiếu thôi; buồn cũng hạn chế, hơi buồn buồn thôi. Đừng để người ta nói Ni cô mà cũng rơi nước mắt, sau này không nhắc nhở dạy bảo ai được!

 Nhờ hạn chế sau thành quen dần, còn buông thả, sau này cùng người thế tục không khác. Nhà Phật gọi là tiết chế. Người biết kềm chế thì đạo đức tăng, nếu thả lỏng sẽ thành buông lung. Có ai buông lung mà thành công không? Càng buông lung thì càng sụp đổ, tụt xuống; ai tinh tấn nỗ lực sẽ vươn lên, được thành tựu. Tu không tinh tấn thì không kết quả, ngàn năm vẫn đứng một chỗ. Người có nhiều cái dở nhờ tinh tấn gỡ lại nên cũng tạm được. Cho nên người tu phải tinh tấn. Kể cả ở thế gian, học muốn thi đậu mà lười biếng quá làm sao đậu nổi. Phải thức khuya dậy sớm học hành kỹ thi mới đậu. Đó là thi đậu để làm cô tú, cậu tú cực mười phần, bây giờ mình tu làm ông Thánh, ông Hiền phải cực một trăm. Cô tú cậu tú đâu có ai bái, tụi con tu thành Thánh Hiền, người ta lạy, nên phải vượt hơn trăm phần, mới xứng đáng.

Nói đến tu là nói điều phi thường, không phải nói cái tầm thường. Người tu nếu vẫn sống theo lối tầm thường thì không được, nên nói: “trần lao huýnh thoát sự phi thường”, nghĩa là thoát khỏi trần lao là việc chẳng phải thường. Muốn ra khỏi trần lao phải là con người gan dạ làm điều phi thường. Như ở thế gian lớn lên phải có đôi bạn, ấy là bình thường. Nay tụi con vượt qua, cũng là tỏ cái phi thường của mình.

Đi tu làm người phi thường phải ráng phi thường thật sự, vậy mới xứng với lòng tin, và sự kính cẩn của Phật tử. Nếu tu cũng bình thường như họ thì đâu có gì đáng quí kính. Ngoài đời có những người học cao tới tiến sĩ, thạc sĩ người ta đâu có lạy. Mình tu vì vượt trên cái tầm thường, họ không làm nổi, nên cảm phục kính lễ. Bởi vậy, nếu người tu không khác với thế gian sẽ làm người ta mất lòng tin cậy.

Vậy muốn cho khác tục phải làm sao? Người đời có gia đình mình không có, người ta ăn mặn mình ăn chay, người ta để tóc mình cạo tóc, đó là khác với thế gian. Mấy cô gái đang tuổi mười tám, mười chín bảo cạo đầu có dám cạo không? Vậy mà tụi con dám làm, đó là phi thường, nên người ta nể tụi con. Vậy, những cái phi thường đó tụi con khéo giữ, ở hình thức cũng như tâm hồn. Ngoài thế gian khi có những nỗi lo buồn, người ta kiếm người này người nọ chia buồn, phụ hóa giải. Mình tu rồi đâu cần ai phụ hóa giải, cái hay dở tự mình giải quyết. Không cầu ai thì đâu cần bạn bè, cứ tự giải quyết lấy, vì mình là dũng sĩ mà.

Trong bài Sám hối hồi trước có câu: “đơn đao đột nhập vô thượng giác”, phải cầm đao đi thẳng một mình, không có người thứ hai. Người nào muốn lên bờ giác phải đi một mình, đi hai ba người, người này kéo người kia, nhảy không nổi. Nhảy lên bờ giác không nổi, rớt tụt ở dưới. Bởi vậy, ai muốn lên bờ giác phải gan dạ một mình xông lên, không để người thứ hai níu kéo. Lên không nổi, thì suốt đời hành đạo mà không có kết quả.

Về hình thức, tụi con làm được mấy cái phi thường đáng khen: không có gia đình, ăn chay, cạo tóc, và mặc đồ nhuộm. Nhưng mà bốn cái này thuộc về hình thức, thấy khó mà dễ. Bây giờ thiếu gì người theo mốt này mốt kia, cạo đầu trọc. Hôm trước Thầy có thấy một cô người Mỹ cạo tóc, như vậy cạo tóc không phải phi thường rồi, người đời cũng có thể làm được. Chỉ có nội tâm mình không vướng mắc là không ai bằng, ít người làm được. Nội tâm bị vướng mắc chỉ có mình gỡ, không ai gỡ được.

Tu là phải gan dạ. Hình thức bên ngoài người đời làm cũng được, cư sĩ cũng mặc áo nhuộm, ăn chay, lại có những người ưa kiểu lạ cạo tóc như mình. Chỉ có điều hơn là mình không có gia đình. Vậy cái phi thường của người tu là ở nội tâm. Nội tâm lúc nào cũng phải sáng suốt, tỉnh táo, nếu có tâm niệm không hay phải đuổi nó đi, như vậy mới được an ổn, xuất trần. Tâm mình trong sạch không tham gian, không có niệm xấu xa... Đó là điều mà người đời làm chưa được, trên hình thức họ có thể bắt chước nhưng nội tâm siêu xuất thì họ chưa làm nổi.

Khi ngồi thiền có hai cách: một là trong tâm có niệm nào cũng buông xả hết, hai là có gì uất lòng thì quán xét: “Cái này là vô nghĩa, cuộc đời là ảo mộng, mọi cái đều trở thành không, đeo đẳng làm gì.” Như Thầy rồi sẽ chết, tụi con cũng chết, mang thân này rồi chết, không lo vượt thoát thì uổng một cuộc đời.

Tất cả tụi con ngồi thiền ngày đêm sáu tiếng đồng hồ để trị cái gì? Trị cái tâm. Giả sử đang ngồi nhớ chuyện chị em vui buồn gì đó, tuy không phải tham sân si nhưng có niệm khởi liền buông. Đó là trị cái tâm vọng, không cho làm mất thời giờ của mình. Mình làm chủ hoàn toàn, điều này thế gian không làm được. Nếu thế gian làm không được, mình làm cũng không được thì đâu có hơn ai. Cho nên tụi con phải làm được việc phi thường đó. Đi xuất gia là khó, mà làm được việc xuất trần càng khó hơn nên người ta quí, quí ở đạo đức chớ không phải hình thức.

Bởi vậy tâm mình cần phải trong sáng, những vọng niệm vừa dấy khởi phải bỏ liền, đó là tu. Ngồi thiền mà cứ nhớ chuyện này chuyện kia, những chuyện không đâu là thất bại, bị vọng tưởng lôi. Không làm chủ được thân tâm thì làm chủ cái gì? Không làm chủ được thì không thật có mình. Đó là vấn đề lâu nay nhiều người không biết, cứ ngỡ rằng theo đuổi dục lạc thế gian cho thỏa mãn là hơn hết, ai không thụ hưởng là thiệt thòi. Nhưng thật ra người hưởng dục lạc thế gian nhiều chừng nào, bệnh hoạn, chết sớm chừng nấy. Như vậy là chạy theo cái chết, ý muốn được sống dai lại đi tìm cái chết, những người này tự mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó do si mê mà ra.

Nên người tu không phải hành xác vô ích, mà là tập khắc phục. Thí dụ ai cũng thích ăn ngon, nhưng bây giờ tạm ăn chay lạt, đơn sơ cũng sống có chết chóc gì đâu. Nếu ăn như vậy mà chết thì không nên, nhưng hiện nay người ta lại tán thán ăn chay sống dai. Ở miền rừng núi có nhiều ông bà già ăn uống rất đạm bạc mà sống tới trăm tuổi hoặc hơn. Còn ở thành thị nhất là mấy ông hưởng thụ quá, không bệnh này cũng tật kia, lại càng chết sớm, không thể nào thọ. Như vậy để thấy rằng tất cả những thứ hưởng thụ chỉ làm tiêu hoại thân này sớm thôi, không đem lại cái gì siêu thoát. Người đời mê muội chạy theo, không làm chủ được thân. Thân đòi cái gì liền thỏa mãn cái đó, rồi chuốc lấy tai họa.

Người tu khi định làm cái gì phải thực hiện cho được, dầu cơ thể này có phản đối, mình vẫn thắng nó, làm chủ nó. Bằng chứng cụ thể là việc ngồi thiền, không ai bỗng dưng ngồi được hai ba tiếng đồng hồ, nhưng mình tập mãi rồi ngồi được. Tập được hai tiếng, khi hứng có thể ngồi đến ba bốn tiếng đồng hồ không trở ngại. Vượt qua những cái khó là một điều rất cần thiết. Dần dần làm chủ được thân này rồi, trong tâm những cái tạp nhạp cũng dễ bỏ được.

Khi làm chủ được thân tâm mới biết rõ mình. Hiện giờ nói mình mà không thật biết là cái gì. Nếu mình là thân này thì thời gian sau nó bại hoại; nếu là tâm, một lát giận một lát thương, buồn, ghét, không biết cái gì là mình. Thành ra, nói mình mà không biết thật là cái gì. Chẳng lẽ giận là mình, hay thương, buồn là mình? Mình đâu phải mấy chục thứ như vậy. Lại những thứ đó chợt có chợt không, nếu mình là nó thì mình cũng khi có khi không.

Bởi vậy, tu Phật là phải chinh phục, khắc chế nội tâm, bản thân, mới thật làm chủ, mới có thể ra đi tự tại. Khi còn sống mình cũng được tự tại, cái gì muốn thì làm không thì thôi. Thí dụ có người chọc giận, mình không giận thì thôi, khác với thế gian, chỉ cần nghe vài tiếng trái tai là có thể giận, vì chưa làm chủ được mình. Như vậy ngồi thiền đau chân khổ sở có ý nghĩa tự khắc phục mình. Nếu khắc phục được sớm thì mình là kẻ chiến thắng sớm. Khắc phục được là chiến thắng, ngược lại là chiến bại.

Mấy vị mới về đây lúc đầu ngồi hai giờ không nổi, nhưng cố gắng ngồi rồi cũng quen, qua được hai giờ ngồi tự tại hơn, ngồi hoài không tê chỉ hơi nóng thôi. Lúc đầu ngồi cay đắng lắm, từ một giờ đồng hồ đến hai giờ là khó. Con người ta đau khổ nhất là lúc gần chết, khi sắp lâm chung mọi bộ phận trong cơ thể từ từ tan rã, làm cho người ta đau đớn vô kể. Nếu mình làm chủ không được, rên rỉ, nhào lộn, khổ sở vô cùng. Bây giờ mình ngồi thiền, tập chịu đựng những đau đớn, chừng đó mình mới làm chủ được. Nên các vị Thiền sư gần chết cười thôi, không có gì quan trọng, còn người thế gian thấy khổ đau dồn dập.

Tụi con hiểu những điều nho nhỏ này, trong khi tu không ngán, không thắc mắc sao mình ngồi nhiều khổ quá, ở nơi khác chỉ ngồi mười lăm phút rồi đi kinh hành, đi rồi ngồi nữa rất khỏe, còn mình ngồi một hơi dài quá. Nên phải hiểu ý nghĩa ngồi thiền mà ở đây cố gắng thực hiện.

Về chuyện ngồi thiền bản thân Thầy kinh nghiệm qua, nếu mình ngồi mười lăm hoặc ba mươi phút xả đi kinh hành, tuy rằng đi trong chánh niệm, nhưng khi đi công phu nhẹ hơn lúc ngồi chăn kỹ. Nếu mình ngồi được một hai tiếng hết đau chân rồi, lúc đó mới thấy yên lặng thâm sâu, còn mới ngồi một chút liền đi e khó đạt cứu kính. Muốn thấy tột cứu kính, nhận cái chân thật chính mình phải có thời giờ ngồi lâu và lắng lặng được tâm niệm, chừng đó biết rất sâu. Biết được cái đó rồi thấy đời rất vui, không có gì làm phiền hà mình hết, sống tự tại giữa cõi trần. Nói qua như vậy, tụi con hiểu được ý nghĩa, ngồi thiền sẽ mạnh mẽ hơn.
------
Hôm nay Thầy hỏi tụi con hai câu:

Câu 1: Trong khi ngồi thiền tụi con dụng tâm thế nào?

- Dạ, ngồi thiền khi nào có vọng tưởng con liền biết có vọng, khi nào bị hôn trầm con ráng chấn chỉnh.

- Tại sao khi có vọng tưởng con buông, không theo nó?

- Dạ, vọng tưởng là cái không thật, do tưởng mà ra.

- Đó là đề tài Thầy sẽ nói chuyện bữa nay.

Nói đến ngồi thiền, ai cũng thắc mắc ngồi làm gì mà im lìm như vậy? trong khi ngồi sẽ làm gì ở nội tâm? Đây, Thầy nói rõ ràng cho tất cả nghe để biết cách dụng công. Lâu nay mình buông thả sáu căn: mắt, tai... chạy theo sáu trần: sắc, thanh... Bởi vì lo chạy ra, nên cái gì ở bên ngoài thì biết, còn bản thân mình lại không biết. Trái lại, người tu đạo, quay ngược trở vào để tìm biết mình.

Hiện tại khoa học tìm kiếm những thứ bên ngoài, bay lên các ngôi sao ở tít mù để biết trên đó có gì... Nhưng đặt câu hỏi lại: “mình là gì”, không ai trả lời được. Như vậy, chỉ biết bên ngoài không biết mình. Ngược lại đạo Phật chủ yếu là biết mình. Muốn biết mình phải quay lại. Thầy thường ví dụ như cây đèn pha, sáng ở phía trước thì bản thân mình không sáng, nếu rọi ngược lại tức không sáng phía trước. Ngồi thiền là một phương tiện để thu nhiếp sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý soi lại bên trong. Tuy nói rằng bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều tu được, nhưng khi đi đứng ít nhiều cũng phóng ra theo chỗ thấy nghe, còn khi ngồi thiền thân yên định, không bị thấy nghe chi phối, dùng hết tâm lực phản quan lại. Muốn phản quan, ban đầu tạm dùng hơi thở, hít vô thở ra rõ biết, đó là một phương tiện bắt mình xoay trở lại, lâu lâu thấy niệm khởi liền buông. Như vậy là mình soi lại nội tâm, không phóng ra ngoài.

 Khi mình phản quan lại, thấy có hai vấn đề then chốt:

Vấn đề thứ nhất, khi soi lại mình sẽ thấy rằng mạng sống nương nơi hơi thở, thở ra không hít vào là chết, mà hơi thở là vô thường, không bền chắc nên sự sống của mình cũng rất mong manh. Thân này do đất, nước, gió, lửa hợp thành. Gió là cái thường trực giữ cho mạng sống còn, nếu thở ra không hít vào thì tắt thở chết. Như vậy mạng sống thật là ngắn ngủi, như sợi chỉ mành.

Vấn đề thứ hai, mình nghĩ điều lành hoặc điều dữ đều là tâm mình. Khi nghĩ điều lành cho đó là tâm mình, vậy khi nghĩ điều dữ là tâm ai? Nghĩ lành dữ, tốt xấu, phải quấy... trăm thứ, chẳng lẽ trăm thứ nghĩ đều là tâm mình? Lâu nay cứ chấp chặt cái suy nghĩ là mình, nhưng bây giờ mới thấy cái suy nghĩ thật là tạp nhạp. Lấy cái tạp nhạp làm mình, chịu không? Lại nữa cả trăm thứ tạp nhạp dấy lên, vừa nhìn lại liền mất, như bóng hiện ra, phản quan soi xét lại không có gì thật. Nó không thật mà lâu nay mình chấp là tâm mình, rồi hơn thua phải quấy, cống cao ngã mạn, đó là gốc phiền não.

Như vậy, một là chấp thân, giờ soi lại thấy thân tạm bợ thoạt còn thoạt mất; hai là chấp tâm, phản quan liền thấy tâm niệm chợt có chợt không. Cả hai đều không thật, thân không thật, tâm không thật. Vậy có gì thật không? Đó là một vấn đề rất to lớn mà thế nhân ít ai nghĩ đến.

Con người cứ bám vào thân này cho là thật nên tìm mọi thứ thỏa mãn cái thân này. Hoặc có người khá hơn, bám vào tâm, rồi cái gì mình nghĩ cũng cho là chân lý, ai nghĩ khác cho là sai. Đó là những điều cố chấp gây đau khổ cho nhau mãi mãi. Hai chấp này đều vô lý, thân tâm là giả mà mình lại cố chấp. Thí dụ như ra chợ người ta bán một rổ rau ngon, mình lại mua. Người ta nói ba ngàn, mình trả giá hai ngàn, họ chưa chịu bán, có ai lại mua ba ngàn, giận không? tại sao giận? Vì nghĩ rau ngon mình mua về ăn bổ dưỡng mà người đó giật cái ngon của mình. Chấp thân này thật nên thấy món ăn bổ dưỡng cũng thật, rồi giận hờn nhau. Đó là chấp về thân.

Nay nói chấp về tâm, chúng ta nghĩ chuyện gì đều cho là phải, ai nghĩ khác đi gọi là sai, nhưng người nghĩ khác kia cũng lại cho họ là đúng, hai cái đúng đối chọi nhau. Vậy nên ở gia đình sanh cãi lộn, ra ngoài xã hội thì tranh hơn tranh thua, vì ai cũng đúng hết. Bây giờ biết cái suy nghĩ là vọng tưởng không thật, không thật nói đúng sai làm gì! Nên Thầy thấm nhất câu trong kinh Phật dạy: Người biết tôn trọng chân lý khi nghĩ điều gì chỉ tuyên bố rằng “đây là suy nghĩ của tôi”, đừng nói “suy nghĩ của tôi là đúng”. Nếu nói tôi nghĩ đúng là không biết tôn trọng chân lý. Ở thế gian này, nếu ai cũng quan niệm: “đây là cái nghĩ của tôi, người khác có cái nghĩ của họ”, thì không có gì để đấu tranh. Trái lại nếu mình nói “suy nghĩ của tôi là đúng”, người kia cũng nói “suy nghĩ của tôi là đúng”, hai cái đúng sẽ chọi nhau.

Như vậy, tôn trọng chân lý là khi mình nghĩ, biết đó là cái nghĩ của mình, người khác nghĩ đó là cái nghĩ của họ, chớ không nói ai đúng ai sai. Thông thường ai cũng cho mình là đúng, không ai chịu mình sai. Có khi nào cãi lộn nói “tôi sai tôi cãi với chị” đâu! Hai cái đúng đụng nhau rồi cãi lộn. Vậy mới thấy, do chấp thân, chấp tâm mà thế gian đau khổ. Nếu người ta biết rõ thân này là duyên hợp hư dối, tâm là những niệm giả dối không thật, rõ hai cái đó nên không cố chấp, thì còn khổ đau không?

- Dạ, không còn khổ.

Hiểu vậy tức là mình tự giác ngộ. Lâu nay chỉ chạy ra ngoài, biết ở ngoài không biết ở trong, tưởng thân thật, tâm thật, si mê giành giật, hơn thua, chống đối. Biết phản quan, thấy thân tâm không thật là điều chủ yếu của người tu thiền. Thức tỉnh mới rõ thân tâm mình. Nhưng thấy rõ như vậy chưa phải là cứu kính, còn phải biết chinh phục nữa. Bởi vì tâm niệm tuy không thật nhưng là chủ tạo nghiệp, thân mình làm lành làm dữ cũng do ý nghĩ mà ra, miệng nói lành nói dữ cũng do ý nghĩ mà ra. Ý nghĩ tuy không hình tướng mà lại chỉ huy cả thân và miệng, tạo nghiệp lành dữ, làm nhân dẫn đi sanh tử triền miên.
Bây giờ muốn dứt sanh tử luân hồi phải làm sao? Không chạy theo nó, phải cho nó lặng đi, nên vừa dấy niệm liền buông, đến chừng không còn một niệm nào thì tự tại thảnh thơi. Khi không còn niệm thì thấy trời mây, cây cối, nghe mọi âm thanh, ngửi tất cả mùi hương, nếm tất cả vị mà không có niệm hơn thua, ngon dở, tốt xấu... Đó là lúc mình an ổn, hết tạo nghiệp, đến khi nhắm mắt được tự do, tự tại.

Trọng tâm tu chỉ đơn giản như vậy. Khi ngồi thiền vọng tưởng tốt hay xấu đều buông bỏ. Vì khởi niệm tốt, làm việc lành, được sanh cõi lành, nhưng cũng còn sanh; khởi tâm xấu, làm việc dữ, sanh vào cõi khổ cũng là sanh. Hai niệm này dừng thì cái chân thật hiện tiền, đó mới là cái bất sanh bất diệt, giải thoát sanh tử. Đây là chủ yếu của việc ngồi thiền.
- Thưa Thầy, mấy đứa con tu giống như leo núi.

- Ờ phải rồi! Núi này cao cả ngàn mét, không phải thấp. Bởi vậy chuẩn bị đôi chân cho vững, phải ném hết những thứ dính mắc cho nhẹ. Chân mạnh nhưng cũng phải buông hết, tay không leo mới nổi, còn nhiều dụng cụ tạp nhạp quá đi không nổi, leo một chút đổ mồ hôi ngồi quị xuống. Thầy thường nói, tu thật đơn giản vô cùng, tu là buông xả. Người ta cứ nghĩ tu là thêm này kia, nhưng ngược lại, tu Phật là buông bỏ.

Thầy thí dụ: Có người ăn trộm, cờ bạc, uống rượu, á phiện, đủ thứ xấu, bây giờ người xấu ác đó muốn trở thành lương thiện thì sao? Chịu khó bỏ rượu chè, cờ bạc, ăn trộm, bỏ hết những cái đó, gọi là người tốt. Bỏ hết chớ đâu có thêm gì. Không thêm gì mà trở thành người tốt. Cũng vậy, cái xấu căn bản nơi con người là tham, sân, si, thêm chi tiết nữa là mạn, nghi, ác kiến, hờn giận đủ thứ. Mình mang đầy, bây giờ chịu khó bỏ bớt. Tham, sân, si bỏ hết thì thành Thánh ngay. Lâu nay muốn làm Thánh lại không chịu bỏ phàm, đó là điều hết sức lầm lẫn. Hiểu rồi tu Phật rất dễ, chỉ là bỏ hết.

Thí dụ có người muốn leo lên ngọn núi cao, lấy cái giỏ to, bỏ đá sỏi nặng trĩu xách theo, một lát nặng quá leo không nổi. Người khác thấy vậy khuyên cái gì không cần bỏ bớt. Người này leo được một đoạn ngồi thở dốc, người kia bảo bỏ bớt nữa, chừng nào bỏ hết rồi đi mới tới nơi. Như vậy, chỉ cần bỏ thôi! Tụi con xét kỹ mới thấy mình thật là ngu si, muốn làm Thánh mà không chịu bỏ cái phàm. Phàm hết liền là Thánh đâu cần thêm gì. Nên Thầy nói tu Phật hết sức dễ, chỉ có một chữ bỏ. Giả sử trong túi mình đầy những thứ tạp nhạp, thấy thứ gì không cần thì quăng bỏ, dễ ợt! Nhưng không hiểu tại sao cứ tiếc bỏ không đành. Nếu khi leo núi mệt, có người đưa mình một giỏ nặng nhờ xách phụ, mình từ chối là phải. Còn việc buông bỏ đâu có gì trở ngại, mà vẫn không chịu buông.

Phật nói si mê là chỗ đó, cứ khư khư giữ cái làm khổ mình, vô lý không? Bây giờ hỏi tất cả tụi con, nóng giận làm khổ mình, vậy mà bảo bỏ có chịu không? Hay nói “tánh tôi nóng lắm” để tìm cách bào chữa. Thật là si mê! Tu Phật rất đơn giản không có gì huyền bí lạ lùng, đó là lẽ thật, nhưng ít ai thấy. Tất cả đã hiểu được chuyện ngồi thiền, hiểu tu Phật, Thầy không cần giảng nhiều.
------
Người ta thường nói thế gian trước vui sau khổ, người tu trước khổ sau vui. Thầy không đồng ý. Tại sao? Người tu trước khổ sau vui chỉ đúng một phần. Nếu khi tu đem hết nghị lực, nhẫn nại cố gắng tu để tiến lên, lúc đó khổ, khi tiến lên được rồi là vui, đó là hợp lý. Nhưng còn có những người tu, vô chùa ăn chay, thức khuya dậy sớm thấy khổ, nhưng họ tu lơ lơ là là thì sau có vui không?

- Dạ, không.

- Vậy đâu hẳn ai tu cũng trước khổ sau vui. Nếu tu lơ là, trước khổ sau cũng khổ. Người thế gian trước vui sau khổ, cái đó hẳn đúng chưa? Cũng chưa hẳn. Có những người sống theo dục lạc thế gian, lúc còn thanh niên trẻ trung chạy đuổi theo dục lạc, đó là vui, khi lớn lên nghèo đói, bệnh tật liên miên, chừng đó khổ. Đó là trước vui sau khổ. Nếu người thế gian lúc đầu biết sống nề nếp, đàng hoàng, rồi cũng có tâm hạn chế, trong cuộc sống không bị dục lạc lôi kéo, học hành thành tài rồi cuộc sống giàu sang vui sướng, vậy đâu có khổ. Nên nói một chiều là không được.

Bây giờ trở lại vấn đề người tu trước khổ sau vui. Đúng với ý nghĩa tu tinh tấn, luôn luôn quyết chí, nhiệt tình thì trước khổ sau vui là hợp lý. Nói người thế gian trước vui sau khổ, người tu trước khổ sau vui, hai cái vui này có đồng nghĩa nhau không?

- Dạ, không.

- Vui thế gian là vui tạm bợ, được đó rồi mất, cười đó rồi khóc, không có cái vui toàn vẹn. Còn người tu lúc chịu khổ cực cần mẫn tu hành, nhọc nhằn gọi là trước khổ. Từ cần mẫn quyết tâm đó lần lần vươn lên, qua khỏi khó khăn, tâm nhẹ nhàng thanh thoát nghe vui lâng lâng trong lòng, vui đó có khổ bên cạnh không?

- Dạ, không.

- Nếu được vui đó là vui hoài, vui thanh thoát, nhẹ nhàng, chẳng những trong thời gian mình tu tập, mà khi tiến lên đạt đến Niết-bàn, cái vui đó vô cùng vô tận. Thế gian được cái vui nằm trong giới hạn, làm được quan chức hoặc giàu sang chỉ vui trong một thời gian rồi cũng bại hoại, còn người tu là tìm cái vui vĩnh cửu. Muốn được cái vui này đâu phải dễ dàng. Thế gian tìm vui bằng công danh lợi lộc còn phải trầy da tróc vẩy, mình tìm cái vui muôn đời, nhẹ nhàng thảnh thơi mà cứ mãi đùa chơi đâu có thể được.

Bởi vậy, muốn tìm cái vui vĩnh cửu tụi con phải gan dạ, chấp nhận mọi khó khăn, vượt qua hết rồi, sau được vui thường hằng. Như vậy cái giá phải trả cho niềm vui này là phải trải qua nhiều năm tháng chua cay mới được, không phải là thường. Ở thế gian muốn được cái gì lớn cũng phải trăm cay ngàn đắng, được rồi còn sợ mất. Tụi con được niềm vui này rồi không sợ mất, không ai cướp được, không ai dùng quyền thế mà lấy được, vui đó mới thật là vui. Nếu mình tìm vui để rồi mất hoặc để người khác cướp được, cái vui đó không bảo đảm. Còn niềm vui muôn đời không ai động phạm tới, mình trọn quyền hưởng, cái vui đó mới xứng đáng, vui kia không thể sánh bằng. Như vậy, tụi con thấy tương lai của người tu là đen tối hay sáng rỡ?

- Dạ, sáng rỡ.

Tương lai sáng rỡ, vậy hãy cười đi! Hiện tại mình hơi nhọc nhưng tương lai đẹp sáng. Vậy phải nỗ lực và vui từ bây giờ, đâu đợi tới đó mới vui. Ví dụ, có người bảo tụi con đi tới địa điểm đó sẽ tặng cho hòn ngọc quí, khi lên xe hoặc trên đường đi có vui không?

- Dạ, vui.

- Đâu phải đợi đến lúc nắm hòn ngọc trên tay mới vui. Khi mình khởi sự đi, biết tới đó sẽ được hòn ngọc quí, là đã vui trong lòng rồi. Bởi vậy Thầy nói, người nào tu mà quyết tìm cho được cái đẹp đẽ cao quí thì kết quả đang sẵn chờ người đó. Mình đang đi tới chỗ tốt đẹp an ổn có gì buồn, chỉ những người không biết hướng đến điều đó mới buồn. Con đường tụi con đi là con đường thênh thang cao đẹp, vậy mà có những người đang đi trên đường đó lại khóc, lạ lùng thật! Đã chọn hướng đi quí đẹp, tại sao đi trên đó lại khóc?

Vậy nên tụi con phải luôn thanh thoát vui tươi, dầu gặp chông gai hoặc vấp té, mình cũng đứng dậy cười, đâu có gì phải thối chí. Ngày mai kia sẽ đẹp đẽ. Chỉ có ai không rõ tương lai của mình mới buồn bực, chán nản, khóc lóc. Bởi vậy tụi con thấy ai bệnh hoạn hay gặp việc bất như ý ngồi khóc, tụi con nói: “Sao khờ dại vậy, con đường sáng rỡ của mình không lo đi, buồn khóc mất thời giờ, uổng quá! thật là khờ dại!” Nhắc cho tụi con thấy con đường mình chọn rất tươi đẹp, vui vẻ mà đi, lúc nào gương mặt cũng phải hân hoan, cười hàm tiếu hoài, không được ủ rũ.
------
Có gia đình nọ gặp hoàn cảnh khổ, khổ quá sức tưởng tượng của họ, họ đến kể Thầy nghe. Thời tọa thiền khuya, còn mười lăm phút nữa xả, Thầy chợt nhớ lại vấn đề đó, phát ra mấy câu. Thầy đặt là Bài học của cuộc đời.
  • Ngày nay bạn thương mến tôi. Vâng, tôi cám ơn bạn. Song ngày mai kia tôi không dám nghĩ đến.
  • Thế gian dành cho chúng ta khá nhiều điều bất như ý. Chúng ta phải khéo tu để vượt qua những bất hạnh này.
  • Những thay đổi đau lòng luôn đến với ta. Khi chúng đến, ta nên cười chẳng nên khóc. Vì đó là qui luật của thế gian.
(Thiền viện Thường Chiếu 18.8 Bính Tý -  30.9.1996)

Bây giờ Thầy giải thích cho tụi con nghe.

“Ngày nay bạn thương mến tôi. Vâng, tôi cám ơn bạn”. Bấy nhiêu đó để thấy tình đời. Ngày nay là người thân, quí mến mình nhưng đừng nghĩ mai kia họ vẫn còn thương yêu, quí mến. Nếu mình nghĩ như vậy mai kia họ thay đổi, mình đau lòng chịu không nổi đòi tự tử. Cho nên phải biết: “Song ngày mai kia tôi không dám nghĩ đến.” Điều đó để dành, ngày mai sẽ trả lời. Bởi vậy, đừng bao giờ nghĩ mai kia sẽ như thế này, thế nọ, hoặc nghĩ cuộc sống rất an ổn.

Qua kinh nghiệm bản thân Thầy, hồi xưa, lúc Đ.H ở trên núi học kinh Viên Giác, nó khóc, nói: “Con chưa bao giờ được học hiểu như vầy, con mừng quá! Đời con đã mãn nguyện.” Sau này xuống Thường Chiếu, Đ.H xách gói theo thầy khác, còn muốn rủ N.Q và nhiều người đi nữa. Như vậy thì sao? Ngày trước Đ.H quí Thầy, nhưng ngày nay đã đổi thay, ai lường trước được. Kế đó đến N.T, N.T hồi trước Thầy dạy đâu làm đó, ai cũng thấy nó vâng lời và trung thành, nhưng rồi đến một ngày nó nói ngược lại Thầy. Nếu mình quan niệm sống trước sau như một thì sẽ đau lòng trước sự đổi thay. Riêng Thầy cười thôi.

Như vậy, tụi con thấy đây là bài học chua cay, nhưng bài học này ai cũng phải học thuộc lòng. Đó là ý nghĩa thứ nhất. Gần đây, nhiều người bị chua cay còn hơn Thầy nữa. Như có người trước là cột trụ của gia đình, bất thần gặp đối tượng dễ thương liền thay đổi hết, cả nhà chới với. Như vậy, làm sao tin được ngày nay thương mến mình rồi mai kia cũng vẫn thương mình. Cho nên phải dè dặt, sống trong đời đừng lầm lẫn mà đau khổ. Nếu mình không tin tuyệt đối vào người nào thì có gì đau khổ đâu. Thầy biết vậy, nên ai đối xử tốt, xấu đều cười. Đó là một bài học, giúp cho mình bớt khổ.

Câu thứ 2: “Thế gian dành cho chúng ta quá nhiều điều bất như ý”. Ở thế gian này đâu phải mọi việc đều như ý chúng ta. Cái này bất mãn, cái kia không bằng lòng. Như vậy mình phải làm sao? “Chúng ta phải khéo tu để vượt qua những bất hạnh này”. Nghĩa là chúng ta tu để chuẩn bị lúc gặp những điều trái ngang, gian khó đến, mình qua một cách dễ dàng, không nhọc nhằn khổ sở, đó là khéo tu.

Người tu là người hiểu sâu cuộc đời, nên khi gặp việc bất như ý mình sẵn sàng chấp nhận, vui vẻ chịu đựng không than trời trách đất, rên rỉ tại sao bất hạnh cứ đến với mình. Đừng cần suy nghĩ tính toán gì thêm, chỉ nhờ tu mà vượt qua mọi chướng nạn. Như vậy, khi gặp điều bất hạnh, không phải cầu xin để được qua khỏi, mà phải gan dạ, hiểu thấu đáo đạo lý để tự vượt qua. Lâu nay Thầy thấy có nhiều người gặp cảnh khốn khổ, ngày đêm cầu Phật, van xin. Phật làm sao giúp được điều này, phải không? Mình phải can đảm, biết rõ những cảnh nghịch sẽ thường đến với mình. Nó đến mình cười thôi.
Câu chót: “Những thay đổi đau lòng luôn đến với chúng ta”. Tụi con thấy những thay đổi đau lòng luôn đến với tụi con không? Bản thân mình, những người thân thiết, luôn luôn thay đổi. Nói gần nhất là sự thay đổi bản thân, mới hồi nào trẻ bây giờ sắp già rồi, lại hay đau yếu, những thay đổi mình không muốn luôn luôn tới. Mình đâu muốn người thân chết nhưng rồi họ cũng bệnh, chết. Mà đâu phải chỉ một người, cha mẹ, anh em, Thầy Tổ, ai rồi cũng phải tới chỗ đó.

Khi nó tới mình phải sao? “Khi chúng đến, ta nên cười, chẳng nên khóc”. Tại sao không khóc? “Vì đó là qui luật của thế gian”. Nó vô thường như vậy, khóc làm gì. Hiểu vậy, mai kia tụi con mới bớt khổ. Nếu không nghĩ vậy thì khổ về Thầy Tổ, cha mẹ, anh em hoài. Chuyện đó có ai tránh khỏi không? Không tránh khỏi, khi gặp mình cười thôi.

Cuộc đời là như vậy. Người học đạo biết rõ thế gian như thế, nên hoàn cảnh trái nghịch nào đến cũng có đủ khả năng chịu đựng. Người sống tưởng tượng cuộc đời này tươi đẹp, vui sướng, tới lúc va chạm thực tế chới với, đau khổ. Nên người tu phải sáng suốt, thấy tường tận cuộc đời, mình sẽ vui trong cuộc sống. Người thân quay lưng đi hết, còn một mình ta cô đơn thầm lặng cũng tốt, mình sẵn sàng chấp nhận mà. Nếu thấy người này người kia đi, mình ở lại, buồn khổ muốn chết theo, đâu ích lợi gì!

Cuộc đời với bao bất hạnh đang chực sẵn ở phía trước, nhìn kỹ tụi con sẽ thấy nhan nhản trước mắt, nhiều chớ không phải ít. Mình không muốn bệnh mà cứ bệnh, nếu bệnh không nguy hiểm còn đỡ, bệnh nguy hiểm liền lo sợ hoảng hốt. Làm sao khi bệnh tụi con vẫn thản nhiên, đó là tụi con tu thành công. Còn bệnh khóc sướt mướt là tu chưa có kết quả. Tụi con được như vậy sẽ có một cuộc sống rất tự tại.

Chúng ta nên biết rõ cuộc đời, đừng tưởng tượng mai kia hạnh phúc, mốt nọ sung sướng. Đến khi gặp điều bất hạnh, chừng đó mới vỡ lẽ ra rồi thối chí nản lòng. Khi tu không nên đòi mọi việc đều như ý, nghĩ rằng mình tu muốn gì được nấy, đó là tu tham chớ không phải tu thật. Muốn gì cũng được toại nguyện thì lấy gì mà tu?

Thầy ngẫm lại thấy đức Phật thật quá hay. Phật có đủ thần thông biến hóa mà nhiều khi Ngài mang bát đi bộ bao nhiêu cây số, không thèm vận dụng thần thông. Ngài có thể nhập định mọi bệnh đều tan, mà rồi cũng đau lưng bảo ngài A-nan đấm lưng giùm, khi gần tịch lại bị kiết lỵ.

Thành ra, Phật hiện thân như tất cả chúng ta. Ngài cũng chấp nhận sanh, già, bệnh, chết, nhưng có cái khác là Phật giác còn mình mê. Mình gần chết rất đau khổ, còn Phật sắp tắt thở nếu có người hỏi pháp Ngài cũng nói, độ sanh đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta cứ lo lắng sợ chết hoài, quên cả đạo lý, đó là cái dở.
------
Thầy đâu có cấm tụi con cười, nhưng cười hàm tiếu thôi, đừng cười ha hả mất tư cách. Có người nói chuyện tếu làm cho người ta cười, nhưng nhiều khi chính họ cũng khổ nhờ mình cứu. Bởi vậy cười vừa chừng thôi, điều hòa cuộc sống, không quá vui hay quá buồn. Tụi con không phải là những người làm hề cho thiên hạ, mà là người chỉ dẫn đạo lý. Một lời, một câu nói của mình giá trị thua kém Phật chừng năm mươi phần trăm thôi. Nếu mình nói cười không có chừng mực, người ta sẽ mất tín tâm. Thầy muốn tụi con mai kia xuất thế ai cũng làm được việc đạo, Thầy không muốn tụi con sau này chỉ làm hề cho thiên hạ. Vui cười có khi cũng lại khóc, còn thấy được chân lý mới là cứu kính.

Phật không dạy mình cười nhiều. Phật dạy, giờ rảnh vào trong rừng ngồi thiền, nếu hội họp thì bàn đạo lý chớ không nói tào lao. Phải chi Phật dạy tụi con vui cười mà Thầy ngăn lại là trái với Phật. Ham vui chỉ mất thời giờ, còn làm cho tâm loạn. Khi nào tụi con vui cười nhiều, vô ngồi thiền tâm khó sáng suốt tỉnh táo. Vậy nên phải khéo sống trong đạo lý, gặp cảnh thuận nghịch gì mình vẫn là mình. Đừng gặp cảnh thuận liền mừng, vui theo điều thuận, khi nghịch tới khổ đau theo cái nghịch. Trước cảnh nào cũng bình thản, cười nhẹ nhàng, cười mỉm chi là tốt.
------
Trong quyển Bước Đầu Học Phật, tụi con đọc thấy Thầy có nêu ra những vấn đề đi cúng, nhưng chưa đề cập đến Nhị thời khóa tụng. Vấn đề này Thầy đã viết đăng trong tập Kỷ yếu năm 1986. Bây giờ đến lúc phải nói rõ. Bởi vì, mình không biết thì thôi, ai sao mình vậy, mình biết rồi, thấy cái đó sai mà không nói là có tội. Cho nên Thầy phải nói, thiên hạ có phản đối mình cũng cười thôi. Đây là lẽ thật, không trái đạo lý đâu mà sợ. Thầy nói vì muốn tăng giá trị Tăng Ni, đúng ý nghĩa của người xuất gia. Thầy không muốn Tăng Ni bị coi như đang làm một cái nghề không tốt, mượn cửa Phật để sanh nhai.

Tại sao Thầy lấy đời Trần làm tiêu chuẩn? Thật ra trong nước mình không có ông vua nào đi tu, chỉ có vua Trần Nhân Tông là gan dạ dám bỏ ngai vàng đi tu. Ông vua mà đi tu, tức nhiên sự tu là cao siêu vượt thoát chớ không phải việc tầm thường dưới đất, phải không? Nếu ở dưới đất thì những danh dự thế gian Ngài có hết rồi. Điều đó càng nâng giá trị của người tu lên. Đi tu không phải là đi tìm kế sanh nhai, chính vì sự giải thoát cao siêu. Như vậy là Thầy nâng giá trị của Tăng Ni, đâu có làm tổn thương ai. Thầy không hề chỉ trích cá nhân, chỉ nói chung chung.

Nhị thời khóa tụng bắt nguồn từ nhà Thanh bên Tàu. Ngày xưa ở Trung Hoa, nhà Thanh cai trị, Quốc sư Ngọc Lâm vâng mệnh Vua soạn ra hai thời khóa này và bắt Tăng Ni tụng. Vì thời quân chủ chuyên chế lệnh nhà vua ra không ai dám cãi, còn ở Việt Nam mình đâu bị ai bắt buộc mà cũng làm theo, thật là dở. Như vậy để thấy rằng, việc làm chúng ta sai lầm qua một thời gian quá dài nay sửa lại. Cái sửa này người ta nói mới nhưng thật ra rất cũ. Sửa lại theo khuôn mẫu Phật có cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, còn cái kia mới có khoảng trăm năm. Như vậy cái kia là mới, còn chỗ Thầy muốn sửa lại chính là trở về cội gốc.

Tụi con nên tập có cái nhìn thấu đáo. Làm gì phải biết việc làm của mình phát nguồn từ đâu, nắm vững rồi phăng tìm manh mối rõ ràng. Đừng nhắm mắt làm theo, phải tìm cho tận nguồn gốc những gì đức Phật đã từng chỉ dạy, biết rõ việc Ngài đã làm. Mình tu Phật, phải hướng theo điều Phật làm, Phật dạy, chớ hướng theo cái khác.

Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ 3 đã có chùa, có Tăng, có kinh sách, cho tới thế kỷ 19 có ai tu theo hai thời khóa tụng đâu. Như vậy mà chư Tổ ngộ đạo rất nhiều. Từ cuối thế kỷ 19 tới bây giờ tu hai thời khóa tụng, thật khó kiếm một người ngộ đạo. Ngày xưa mới xuất gia, Thầy cũng phải theo luật đó, vô chùa trước phải học thuộc hai thời khóa tụng. Tối tụng Tịnh độ, khuya Lăng Nghiêm. Khi học xong, Thầy đi dạy ở chùa Phước Hòa, Trà Vinh, nghiên cứu kỹ mới thấy tu như vậy không phải. Thấy vậy mà không biết tu đường nào, không có ai chỉ cho mình một lối đi.

Lúc đó Thầy có làm bài thơ “Kẻ Mù”, giờ Thầy quên mất lời chỉ nhớ ý. Thầy diễn tả mình như một kẻ mù bị nhốt trong bốn vách tường bít kín, không biết đi đâu, lẩn quẩn trong đó ra không được, rất là đau khổ. Mình thấy đó là sai nhưng làm sao sửa? bây giờ hỏi ai? Các vị Tôn túc của mình dạy đâu có gì khác hơn. Bởi vậy Thầy rất buồn. Đến khi ở Phương Bối Am dưỡng bệnh, có thời gian rảnh rỗi nghiên cứu thiền, Thầy ứng dụng tu, thấy có đường lối rõ ràng, nhìn lại Phật không xấu hổ, vì mình làm đúng như Phật dạy. Lâu nay Phật dạy một đường mình làm một ngả.

Bây giờ tụi con đi đám có chư Tăng Ni tụng vang rân, người ta thấy là lễ lớn. Phật nói tiếng động là mũi nhọn, khi ngồi thiền có một tiếng động mạnh tụi con nghe nhói liền. Tiếng động trở ngại cho tâm yên tĩnh, khi tới mấy chỗ ồn ào đó làm sao tâm mình an định được. Tâm không an định làm sao tiến tu? Không lẽ chỉ lo tập cho giọng tốt, tiếng hay để hấp dẫn Phật tử. Vậy thì cuộc đời tu ra cái gì?

 Nếu ngay lúc này Thầy biết mà không nói, mai kia làm sao? Sau này chắc không ai để ý và nghiên cứu hai thời khóa tụng phát xuất từ đâu, cứ vô chùa là tụng và cúng, thầy làm sao trò làm vậy. Thầy nghĩ rằng thời gian không lâu nữa Thầy đi, bây giờ còn sống Thầy nói rõ cho mọi người biết. Thiên hạ có rầy thì rầy Thầy, đến thời tụi con mọi người sẽ thông cảm hơn. Bây giờ nếu Thầy không nói, sau tụi con nói, thiên hạ rầy, tụi con đâu dám mở miệng. Vậy nên Thầy phải nói trước cho mọi người nghe quen, sau tụi con phụ họa theo không sợ. Đó là lý do Thầy phải nói rõ.
------
Người ta không chịu ngộ chớ không phải không thể ngộ. Phật dạy: “Mạng sống trong hơi thở.” Tụi con luôn nhớ “mạng sống trong hơi thở”, ai khen cũng mặc, ai chê chẳng màng, thời giờ đâu mà cãi lẫy. Thấy như vậy là giác. Khi tụi con hằng nhớ, biết mạng sống trong hơi thở, đó là cái thấy đúng lẽ thật. Thấy đúng lẽ thật là trí tuệ, trí tuệ phá ngu si. Thấy mạng sống mỏng manh trong hơi thở nên không tham, đó là phá được tham. Sống trong hơi thở, thiên hạ chửi mình chỉ cười không bực bội, đó là phá được sân. Chỉ cần thấy như vậy, tụi con phá được cái gốc tam độc, thật là đơn giản.

Hít vô thở ra thấy được như vậy là tụi con đã giác, còn gì nữa mà không chịu ngộ. Luôn luôn nhớ, thấy như vậy thì còn gì nữa để tìm! Biết cái chết chực một bên, thở ra không hít vô là mạng chung, có còn phiền não ngu si nữa không? Trí tuệ phá si mê, phá tham, sân. Tụi con nhớ như vậy là phiền não tan hoang, đó là tu giải thoát.
------
Tụi con ngồi đây thấy hoa đẹp, đó là hoa cột con mắt, hay con mắt trói hoa? Thấy hoa đẹp đi không được là bị cột, phải tìm cho ra manh mối cái gì cột mình.

 Hoa là hoa, không cột ai. Mắt thấy là thấy, cũng không trói hoa. Cột là tại thích cái đẹp. Cũng như chỗ người ta đang xào nấu, mùi thức ăn có cột vào mũi mình không? Hai cái đâu có cột với nhau, tại mình thích ăn ngon, mình ưa muốn nên bị cột, đi không đành. Như vậy sự trói buộc đó không phải do ngoại cảnh hay các căn, chỉ tại tham, sân, si. Giả sử, khi người ta nói nặng, nghe qua mình đâu có cột. Cột là do phân biệt “nói như vậy là nặng”, rồi nổi sân lên chửi lại, rốt cuộc thân tâm đều bị cột. Tụi con hết tham, sân, si thì không bị cột, nếu còn sẽ bị trói buộc hoài. Cho nên tu phải dẹp tham, sân, si mới giải thoát được.

Trong ba món tham sân si, sân là cái dễ dẹp nhất, tụi con dẹp được chưa? Sanh lên cõi trời là hết sân vì không có gì trái ý. Sân dễ trị nhất, vậy mà tu bao nhiêu năm nay vẫn chưa hết sân, buồn không? Người ta làm trái ý, kêu tên mình chửi, mình vẫn cười thản nhiên. Cười mỉm chi đừng cười gằn, cười gằn là cười quạu. Nếu họ chửi thêm cũng cười. Không phải mình chọc tức người ta, tại mình thấy nó không quan trọng, không dính gì với mình.

Có hai trường hợp: Một là mình có lỗi nên người ta phiền, nếu mình biết rõ mà vẫn thản nhiên thì không bao giờ sửa lỗi được. Hai là mình có lỗi nhưng không biết, họ có phiền đành chịu. Nếu người kia buồn mà dám nói cho mình hay thì phải sửa, còn biết làm như vậy người ta buồn phiền mà vẫn thản nhiên là không tốt.

Phiền não nhiều khi làm mình thay hình đổi dạng, khi vui khi buồn. Chừng nào còn tham sân si là còn đổi mặt đổi mày, hết mấy chú đó mới khỏe. Thường nhớ lại, biết nó không tốt liền dừng, chỉ tại không nhớ thôi. Khi nổi sân ít nhớ lắm. Lỡ nổi sân la rồi biết mình có lỗi liền hối cải; còn tìm lý lẽ để che hoặc bào chữa, sợ mất mặt là chưa được. Gặp người nhỏ chưa biết tu có lỗi thì mình dạy nó, nếu mình la tức là mình sân, mắc phải lỗi người tu mà còn sân. Giả sử như mấy cô, mấy thầy ở đây làm lỗi, Thầy biết, kêu lại rầy, đó là vì sống không đúng với tinh thần đạo lý nên rầy. Còn nếu quát la giữa mọi người là Thầy có lỗi, tu mà còn nóng quá.
------
Có Phật tử tới hỏi Thầy:

- Thưa Thầy, Thầy nói tu là chuyển nghiệp, có thật chuyển được không?

Thầy trả lời:

- Tu nhất định là chuyển được nghiệp. Lâu nay mình lầm lẫn cho rằng chuyển nghiệp nghĩa là mình làm tội ác, rồi sau đó tu, tội sẽ hết. Ngày xưa mình đánh chửi người ta, bây giờ mình tu không cho người ta đánh chửi mình, như vậy có công bằng không? có đúng nhân quả không? Nếu chuyển như vậy thì thật là sai.

Bây giờ chuyển như thế nào? Ví dụ hồi xưa mình ở địa vị cao có quyền thế, hiếp đáp những người thấp hơn, hoặc có khi nói nặng, mắng chửi nên họ căm hờn. Thời gian sau mình hết quyền thế, còn người mà mình khinh bỉ hiếp đáp lại có quyền cao hơn, có cơ hội họ trả thù. Nhưng do lúc đó mình hiểu đạo, thức tỉnh tu hành, biết tất cả ngôn ngữ hành động đều hư dối không thật, không có gì quan trọng. Ngày xưa mình mắng chửi, nhục mạ người ta đau khổ, căm hờn bao nhiêu năm, bây giờ họ trả lại y như vậy, có khi hơn nữa, nhưng mình biết là giả dối không thật nên chỉ cười.

 Nợ trước là phải trả, nhưng hồi mình gây tạo làm họ khổ trăm phần, bây giờ trả lại, nhờ biết tu mình khổ có một phần. Như vậy là chuyển mà vẫn trả. Nếu mình không trả thì không có nhân quả, trái với giáo lý nhà Phật. Còn nếu mình trả y nguyên thì tu làm chi! Hồi xưa mình làm người ta khổ, bây giờ mình cũng khổ y như vậy thì tu có ích gì. Trước mình làm việc ác đó, mình và họ đều mê, cho nên họ khổ bao nhiêu mình thích thú bấy nhiêu. Bây giờ họ trả lại mình, họ cũng thích thú nhưng mình không khổ vì họ. Đó là tu chuyển nghiệp ngay trong hiện đời.

Lại có một người khách khác tới chùa, ông thầy Tri khách tiếp chuyện. Họ khen Thiền viện Trúc Lâm đẹp, ông Tri khách liền nói:

- Quí vị thấy chùa Trúc Lâm đẹp, đó là cái xác của Trúc Lâm, chưa phải hồn của Trúc Lâm.

Ông Tri khách nói như vậy mà không giải thích, thành ra ông khách ôm lòng thắc mắc, chưa biết cái gì là hồn của Trúc Lâm. Bất thần ông hỏi một thầy khác:

- Thưa thầy, cái gì là hồn của Trúc Lâm?

Ông thầy kia đáp thật thà:

- Thầy Viện trưởng là hồn Trúc Lâm.

Ông khách không bằng lòng, tìm đến Thầy hỏi. Tụi con thấy khó cho Thầy chưa? Nếu Thầy nói người trả lời sai, tức phủ nhận người gần Thầy chưa thấu đáo. Nếu nói trúng thì chưa hài lòng Thầy. Nên Thầy trả lời:

- Thầy đó nói rất hợp lý, bởi người thế gian thường quan niệm chủ nhà là linh hồn tạo nên sự nghiệp. Thầy đó tưởng Phật tử là người mới đến với đạo, hiểu theo nghĩa thông thường, nên mới chỉ thầy Viện trưởng là linh hồn Trúc Lâm. Đúng ra, phương pháp tu là linh hồn.

Ông khách nói:

- Thưa thầy, nói như vậy con cũng chưa bằng lòng, vì linh hồn là cái không có tướng, không sanh diệt, nếu hồn Trúc lâm là tướng sanh diệt, con không thể chấp nhận.

Thầy trả lời tiếp:

- Đó cũng là nói theo lẽ thường. Thầy sẽ nói hồn Trúc Lâm phát xuất từ đức Phật Thích-ca. Đức Phật xuất gia và tìm ra chân lý, Ngài giác ngộ và đi truyền bá, đó là cái hồn. Không phải chỉ nơi đức Phật, mà chư Tổ cho đến Tổ Trúc Lâm Yên Tử, bây giờ tới Thầy cũng đem hồn đó truyền cho mọi người. Cái đó không phải chỉ có nơi con người, mà bàng bạc khắp cả muôn loài, mọi nơi. Nghe gió thổi thông reo cũng là hồn Trúc Lâm, thấy mây bay cũng là hồn Trúc Lâm, tất cả đều là hồn Trúc Lâm.

Thầy nói vậy ông khách mới chịu. Vậy tụi con biết hồn Trúc Lâm chưa? Để mai kia người ta hỏi trả lời cho đúng, bằng không gặp người hiểu đạo chút chút, họ bẻ lại. Bởi vậy, tụi con tu có tư cách một tu sĩ thanh tịnh, tu hành nghiêm mật đàng hoàng, đó là phương pháp tu Trúc Lâm chớ không phải hồn Trúc Lâm. Mai kia tụi con nhận ra nơi mình có cái bất sanh bất diệt, chẳng những riêng mình mà tất cả đều có, đó là tụi con biết được hồn Trúc Lâm. Hồn Trúc Lâm vĩnh viễn không bị vô thường chi phối.

Phật pháp không khó hành. Sở dĩ thấy khó vì tất cả chúng sanh chạy theo hình thức thế gian quen rồi, bây giờ nói điều cao siêu vượt ngoài thế tình thì hơi hoảng. Thí dụ Thầy nói nhà kiểu này kiểu kia có hình ảnh dễ thấy, còn nói hồn Trúc Lâm không biết lấy đâu mà dò tìm. Khó ở chỗ không có hình thức, ngôn từ để bám víu, nhưng tu rồi sẽ thấy dễ. Đây chính là mục tiêu đời tu.
------
Chúng sanh mê lầm, khi nghe thì biết, qua rồi lại quên nên phải nhắc hoài. Các vị Thiền sư nói đi nói lại đâu có nhiều, đúng như câu của ngài Lâm Tế: “Phật pháp Hoàng Bá không nhiều.” Không nhiều mà học hoài chẳng hết.

Tụi con nghĩ mình có phước hay là vô phước?

- Dạ, đại phước.

- Đại phước cũng là đại bị rầy phải không? Tu không bị rầy thì không tiến. Phải luôn được rầy, được nhắc mới tiến. Tụi con thường nghĩ mình hay, đâu ngờ cũng có nhiều cái dở, lâu lâu hé mòi dở bị khẻ, khẻ cho cái dở mòn đi. Thật ra, tu không có người nhắc nhở lâu tiến lắm.

Hôm trước Thầy nghe kể, M.C ở V.C ra ngoài núi nhập thất rồi sau lên ở trên chú T.L, lâu ngày nhớ V.C đi về thăm. Mấy cô thương, kẻ cho này người cho kia xách đem về. Trước kia M.C có nguyện tu hạnh nhẫn nhục, nguyện vậy nhưng không ai đụng chạm gì hết. Kỳ này nó đem một mớ đồ đạc lỉnh kỉnh về, kể cho mấy vị ở trên đó nghe, em T.L mắng cho một hơi, nói chỉ có bao nhiêu đó mà kể lể này kia. Mắng một hồi M.C nổi sân lên. Như vậy có nhẫn nhục không?

Nếu người ta thử mà cho mình biết, chắc không nổi sân đâu, vì không biết nên nổi sân. Bởi vậy, khi người ta thử mình, mình biết thì tu không hay, người ta thử mình không biết mà qua được mới hay, mới là thứ thật. Lâu lâu có những trường hợp bất trắc một chút, hoặc có những sự thể không bình thường, mình vẫn bình an tự tại, đó là thứ thật. Nếu gặp sự thể bất thường rồi mình bất bình thường luôn, tức không phải thứ thật. Tụi con thì sao? Nếu họ bất bình một, mình sẽ bất bình hai để trả lại cho xứng, phải vậy không? Như vậy cả hai bên đều bất bình thường cả. Nên tu rất dễ cũng rất khó. Nhưng thật tình không có gì khó. Nếu bây giờ người ta khen tụi con đẹp, tụi con thấy đó là thây thúi thì lời khen đâu có giá trị gì. Nếu người ta chê thây thúi, cũng đâu có giá trị gì. Tại sao nghe người ta chê mình giận?

 Bao nhiêu người thế gian cứ lo ăn lo mặc, đáo để cũng chỉ là một thây thúi mà thôi. Đó là cái mê chấp muôn đời của con người, có thân rồi cứ lo gìn giữ. Khi ngồi lại, thấy rõ từng lóng xương, gân cốt, vậy mà cho là quí. Tại sao quí? Tại vì mê. Người nào càng quí thân mình, người đó mê càng nặng, từ quí thân sanh ra bao nhiêu thứ chấp trước. Nếu mình thấy thân mình không ra gì thì đâu có tham trước. Đó là tu.

Người ta nói tu phải vận dụng công phu nhiều. Theo quan niệm Thầy không phải vậy. Phải nhìn cho thấu đáo, thấy lẽ thật, tu ít mà đạt kết quả nhiều; còn vận dụng công phu nhiều mà không thấy lẽ thật cũng không có ích, tu nhiều càng chấp thêm. Ví dụ người ta ngồi thiền hai giờ, mình ngồi bốn giờ, có ai chọc liền nói: “Tôi tu hơn mà còn khi dễ hả?” Vì nghĩ mình hơn mà bị khi dễ nên nổi tức. Nếu mình có trí thì ai nói hay nói dở gì cũng là trò huyễn hóa thôi, không nghĩa lý gì.

Thầy đi nhiều nơi rồi thấy tức cười, có nơi đối với mình rất tốt, đi có lọng che thật long trọng, mấy lúc đó Thầy mắc cỡ chỉ nhìn xuống. Còn đi không có lọng mình thong dong nhìn trời nhìn mây. Thành ra, người ta càng quí chừng nào mình càng xấu hổ chừng ấy. Vậy chớ cũng có nhiều người hãnh diện lắm, được người ta công kênh, quí trọng tưởng như hay. Nên tụi con nhớ, trên đường tu không phải được người ta khen là mình đã hay thật đâu. Hay dở chỉ mình biết, nên có ai khen không vui, chê không buồn. Nếu không biết sẽ bị lệ thuộc điều khen chê của thiên hạ, buồn vui hoài. Người này vừa ý thì khen, ngươi kia không thích lại chê.

Bởi vậy, trong cuộc sống đâu phải lúc nào mọi chuyện cũng như ý. Như ở đây năm mươi người, có được bao nhiêu người thật tình mến mình? Nói thật tình mến chớ không phải xã giao, chừng bao nhiêu người? Năm mươi người kiếm chừng mười người không ra. Vì không mến thật tình nên cái gì mình làm không vừa ý họ dễ bực, dễ chê. Cũng vậy, sống chung năm mươi người, tụi con thật tình mến được chừng bao nhiêu người? được một hai người không? Bởi vậy con người không thật tâm thương mến nhau, chẳng qua là gượng thôi, gượng mà thương, gượng mà hòa. Có khi muốn cho ai đó vui, nói ngọt ngào một chút cho được lòng người ta.

Tốt nhất là xử sự bình đẳng, vì ở đây ai cũng cùng một lý tưởng, cùng một ý chí. Tìm một người giống mình hoàn toàn để thương e không có. Thương như vậy thì lựa chọn quá, mà lựa chọn nhiều sẽ có thương nhiều, ghét nhiều. Nên làm sao sống quân bình, không thương nhiều, không ghét nhiều, tự tại, hòa vui. Huynh nào cũng là người tốt, nhưng còn đang tu tập nên có nhiều tập khí, thành ra có những lúc dở. Chính mình đôi khi tốt, có khi cũng dở, không ai tránh khỏi những điều sai lầm. Biết vậy ta sẽ thông cảm, thương yêu hòa thuận nhau, cùng lo tu tập.

Thật ra, tụi con chỉ lo chuyện tu, còn việc phải quấy... bên ngoài nên gác ngoài tai. Thấy như là ích kỷ mà có ích kỷ không? Mình lo việc mình cho xong, chừng đó muốn nghe thì nghe, như Bồ-tát Quán Thế Âm, nghe người ta than khổ Ngài đến cứu. Còn bây giờ, tu chưa ra gì, nghe than cũng không cứu được, chỉ tăng thêm phiền não. Mặc ai làm gì làm, mình ráng lo tròn bổn phận, coi như mình tiêu cực, nhưng đó là cái khéo của người tu. Lúc mình chưa có khả năng cứu được ai, nghe nhiều sanh bực bội, không lợi người lại trở ngại cho mình. Thầy cho tụi con nghe khi nào tụi con cứu được người. Tất cả chúng sanh khổ, tụi con nghe tới cứu độ họ. Còn bây giờ chưa đủ khả năng, coi như điếc là tốt.

Như vậy, cùng một việc mà chặng này phải, chặng khác không phải. Các vị Bồ-tát nếu không nghe tiếng than khổ của chúng sanh, làm sao khởi tâm từ cứu độ, cho nên phải nghe. Tụi con thấy Thầy hiện nay nên nghe hay không nên nghe?

- Dạ, nên nghe.

- Nghe để rầy phải không? Nghe để rầy chớ chưa phải cứu độ. Biết đâu rầy là cứu độ!
------
Tụi con ở đây, y báo này là của những ai đang có mặt. Tất cả chúng sanh cộng nghiệp nên có mặt trong cõi Ta-bà này. Có nhiều chuyện tụi con chưa bằng lòng nhưng thật ra cái nào cũng hay. Nếu tụi con biết tu, mọi cách xử sự xung quanh mình, bị rầy nhắc, bị chê rất tốt giúp cho mình nhớ để tu, như vậy cái gì cũng tốt. Còn không hiểu đạo, ai nhắc nhở, chê bai liền buồn, buồn rồi tức trong bụng, ngay đó bị trở ngại rồi. Nên nói, mình được rầy, được chê, được trách, chớ không phải là bị. Chỉ ai ngăn trở sự tu hành của mình mới buồn, còn ai khuyến khích mình tu phải mang ơn. Ví như mình bỏ tụng kinh, bị rầy, là tốt hay xấu?

- Dạ, tốt.

- Vậy thì đừng nên buồn. Nếu thả cho tụi con tự do thì trong người hơi nhọc nhọc một chút liền bỏ ngồi thiền, bỏ tụng kinh, nên phải rầy, nghe như là khó, thật ra đó là duyên tốt để tụi con tiến. Nếu ai nuôi tụi con, thả cho làm gì thì làm là tốt hay xấu? Bởi vậy chỗ này nghiêm nhặt, vì Thầy muốn tụi con không mất thời giờ trong lúc tuổi còn trẻ. Vì còn trẻ đủ ý chí, sức khoẻ, nghị lực, phải cố gắng tu, tới chừng già khọm có muốn làm cũng không được, uổng cuộc đời!

Thời gian này tụi con đủ khả năng để vươn lên, nên Thầy phải khó, phải kềm chế cho tụi con yên ổn tiến tu. Có khi nào mình tụng kinh ngồi thiền đều đặn nghiêm chỉnh mà bị rầy đâu. Giờ người ta ngồi thiền mình không ngồi, bị rầy là phải. Hiểu vậy trên đường tu không bị phiền não. Đừng nên nói: “Ở dưới kia tôi ngồi thiền cũng được, không ngồi thiền cũng không ai rầy, ở đây bị rầy hoài.” Lên đây, bỏ ngồi thiền bị rầy là cơ hội tốt để mình tiến, phải mang ơn. Rầy nhiều giúp mình tốt nhiều. Tụi con lâu lâu kiểm lại thấy mình còn một hai tật, phải không?

- Dạ, phải.

- Có những tật hơi nhẹ, có những tật nặng. Nhẹ thì rầy sơ sơ, nặng rầy mạnh một chút, nhờ vậy tật xấu lần lần giảm. Nếu để thong thả tự do quá sẽ buông lung. Chừng nào “thõng tay vào chợ” chừng đó cho tự do, chưa tới đó chưa được tự do. Hiểu như vậy, tụi con ráng tu. Thôi Thầy đi về.

MỤC LỤC
 
Thỉnh Nguyện Tăng
Buổi nói chuyện đặc biệt
Thỉnh Nguyện Ni
Câu chuyện buổi chiều:
Đoạn 1
Đoạn 2

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu