Phụng Hoàng Cảnh Sách - Tập 1 - Thỉnh Nguyện Tăng

Con người sanh ra trong cõi thế gian này không ai tránh khỏi niệm ái dục, chỉ có người nặng, người nhẹ thôi. Tu là phải vượt qua nó
Phụng Hoàng Cảnh Sách - Tập 1 - Thỉnh Nguyện Tăng
Ngày 29-2 Giáp Tuất (9-4-1994)
Buổi thỉnh nguyện hôm nay, những vị có lỗi tự biết ra chúng sám hối, đó là một điều đáng khen. Điều thứ hai, tôi thấy trong chúng có những người vì tâm chúng sanh có niệm ái dấy lên. Trong Thanh qui không có ghi lỗi này, vì nó thuộc về nội tâm của mỗi người khó kiểm tra được. Nhưng những vị đó kiểm điểm nội tâm mình thấy còn có những niệm ái dục quấy rầy, đã tự xấu hổ ra chúng phát lồ sám hối, mong nhờ tha lực của đại chúng giúp cho tiêu nghiệp, để sự tu hành không bị chướng ngại. Đó là điều rất tốt.

Con người sanh ra trong cõi thế gian này không ai tránh khỏi niệm ái dục, chỉ có người nặng, người nhẹ thôi. Tu là phải vượt qua nó. Quí vị đọc trong kinh A-hàm, có những bài kinh kể lại các ngài cũng khổ sở vì nó rất nhiều. Như có lần ngài A-nan đi khất thực với một huynh đệ, trên đường đi gặp một thiếu nữ xinh đẹp. Tôn giả đó không đứng vững nổi phải cầu cứu ngài A-nan, ngài A-nan nói: Dục là pháp điên đảo, khi chúng lẫy lừng, phải trừ niệm tưởng tượng thì dục ý sẽ tự dứt. Tôn giả quán bất tịnh và tìm đủ mọi cách chế ngự vẫn không buông được, rốt cuộc vị ấy khám phá ra dục từ tư tưởng sanh. Hễ dừng tư tưởng, dục theo đó hết, không còn hoành hành nữa, đó là lẽ thật.

Ví dụ, trên một băng xe đò, nếu ngồi chung với chị ruột hoặc em ruột của mình, tuy là khác phái mà không hề có niệm gì xấu. Ngược lại, nếu ngồi gần một người nữ không phải quyến thuộc, niệm ái dễ sanh. Tại sao hai trường hợp đều là người khác phái mà người ruột thịt mình không có niệm ái, còn người lạ lại có? Chẳng qua vì người kia mình thấy là thân thuộc ruột rà nên không khởi niệm. Không khởi niệm thì không có ái. Còn người này là người ngoài nên niệm ái dễ dấy động. Vậy có tư tưởng là người thân thì không có niệm ái, còn có tư tưởng người lạ, thì niệm ái theo đó sanh.

Cho nên trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật đã từng dạy: “Nếu phải cùng người nữ nói chuyện, nên chánh tâm suy nghĩ: Ta là bậc Sa-môn ở trong đời ác, phải như hoa sen chẳng bị bùn làm ô uế, tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, kẻ nhỏ như em, đứa bé như con, mà sanh tâm độ thoát thì diệt được niệm xấu.” Phật thấy rõ những điều đó, nên Ngài dạy chư Tăng phải chánh quán. Ngày nay xét kỹ cũng thấy rõ ràng như vậy. Cho nên dù người đó là khác phái, nếu mình không khởi niệm nghĩ gì về họ, tự nhiên tâm ái không dấy động. Ngược lại, khi vừa nghĩ họ thương hoặc để ý mình, tâm ái nổi lên làm mình quay cuồng không thể tự do được.

Đó là bệnh chung, không phải bệnh riêng một cá nhân nào. Nếu chúng ta khéo tu, vượt qua được thì sẽ ra khỏi trầm luân, còn nếu không vượt qua nổi tất phải chìm trong sanh tử.

Quí vị thấy tất cả chúng sanh đều đua nhau theo đuổi dục lạc, cho đó là hạnh phúc, vui thích, rồi bị chìm đắm trong sanh tử khổ đau. Từ con người cho đến các loài vật như chó mèo... sanh ra đều bị dục chi phối. Đó là con đường nghiệp dẫn, đi trong sanh tử, không bao giờ ra được. Nay chúng ta quyết tâm ra khỏi sanh tử, phải cố gắng vượt qua không thể dể duôi. Đó là điểm rất thiết yếu.

Bởi vậy, tôi tạo điều kiện cho mấy chú tu là phải tránh các duyên. Tất cả ở trong nội viện, sống với huynh đệ, khi có những duyên làm dấy khởi niệm ái, được nhắc nhở ngay. Đó là tôi muốn giữ gìn cho mấy chú. Thật ra, đa số người tu hơi lớn một chút là ra trụ trì, trong khi tuổi còn trẻ, rất khó giữ vững đạo tâm. Tôi muốn mấy chú tu đến nơi đến chốn, làm chủ được mình, có thể thắng được tập khí muôn đời, đây là điều thực tế chớ không phải tưởng tượng. Đó là chỗ tôi đã lo, hằng lo cho mấy chú.

Ngày nay tạo được khu nội viện như thế này tôi tạm yên tâm. Tôi sẽ gìn giữ cho mấy chú tu hành trọn vẹn, để đủ sức mạnh thắng hết các duyên lôi cuốn bên ngoài, thời gian không hạn định là bao lâu. Đó là sở nguyện của tôi.

Lại nữa, quí vị ở đây mỗi ngày ngồi thiền sáu tiếng, những người mới đến thấy rất nặng nề, còn những người đã quen thì thấy bình thường. Nhưng tại sao tôi bắt ngồi thiền nhiều như vậy, với mục đích gì? Chúng ta ngồi thiền là tập chết, chết về thân lẫn tâm, nghĩa là khi ngồi mình sống mà coi như chết. Phải thắng hết các cảm giác chân đau, bàn tọa nóng... mọi sự khó chịu mình đều vượt qua, đó là làm chủ được thân. Như vậy mai kia chúng ta mới thắng được những nhu cầu đòi hỏi của nó. Nếu không làm chủ được, nó đòi cái gì mình chạy theo cái ấy, rốt cuộc một đời chỉ buông lung theo dục lạc thế gian không thắng nổi.

Đó là nói trong cuộc sống hiện tại, còn ngày mai khi sắp tắt thở, cơ thể sẽ bứt rứt, khổ sở, khó chịu trăm phần. Nếu chúng ta không có được sức mạnh, không quen làm chủ, lúc đó sẽ bị các niệm rối loạn dẫn đi, rồi sanh vào những nơi không định trước được. Do đó, tập làm chủ tất cả những cảm giác trong lúc ngồi tu là để quen sức chịu đựng. Đạo lực có mạnh mẽ mới thắng được những ưa muốn phi pháp, những chuyện mình không muốn làm mà bị lôi kéo. Như vậy, tập làm chủ về thân là điều thiết yếu.

Kế đến là tập làm chủ nội tâm. Khi ngồi thiền, tất cả những niệm dấy lên chúng ta đều buông xả. Người thế gian khởi niệm cứ tưởng là tâm mình rồi chạy theo, còn chúng ta biết là hư dối nên làm chủ nó. Nếu mình làm chủ thắng được nó thì nội tâm lặng lẽ. Khi mọi dấy động đều dừng tôi gọi là tâm chết. Nó chết mình mới sống, còn nếu tâm vọng sống, bị nó dẫn, coi như mình chết. Tuy sống trong các cõi nhưng mình không làm chủ được gì. Sống theo nghiệp, sống bị nghiệp dẫn là sống trong sự nô lệ, tôi tớ. Vì vậy, chúng ta tu là giải thoát ra khỏi vòng lôi kéo của nghiệp, phải làm chủ nghiệp.

Như vậy, đối với thân không bị những cảm giác lôi kéo, đối với tâm không bị vọng tưởng chi phối, hướng dẫn. Được vậy chúng ta sẽ tự do, đi tới giải thoát sanh tử; ngược lại, bị nó dẫn thì muôn kiếp luân hồi. Vì vậy, tất cả chúng ta ai cũng phải nỗ lực, cố gắng chinh phục thân và tâm. Phải chiến thắng nó, đừng để nó thắng mình. Đó là điều tôi mong mỏi, tất cả nên cố gắng! Quí vị nhớ mình đã nguyện tu thì phải làm cho đời của mình có ý nghĩa, đừng để những thứ hư dối làm chủ mình, không tròn nhiệm vụ người xuất gia.

Những buổi tham vấn, nói là tham vấn chớ kỳ thật tôi giảng dạy cho quí vị rõ chủ trương và đường lối tu hành của Thiền viện. Quí vị phải nắm vững những điều đó. Đồng thời khi bắt đầu vào chương trình hướng dẫn về văn hóa hay các tư liệu Thiền tông đời Trần, mấy chú phải học kỹ để biết cho rõ ràng, thông suốt, vì chủ trương Thiền viện Trúc Lâm tu theo đường lối Thiền tông đời Trần. Nếu tôi giảng mấy chú không hiểu, không thông thì khi người khác hỏi làm sao mấy chú giải thích được. Chính bản thân mình tu không ổn, nói cho người nghe cũng không xong, không xứng đáng Thiền sinh Thiền viện Trúc Lâm. Do đó mấy chú phải nghe kỹ, một lần không nhớ thì hai ba lần. Phải hiểu, phải nhớ cho thật rõ ràng để mai kia mấy chú có trách nhiệm nói lại cho những người khác biết, đồng thời tự mình ứng dụng tu một cách cụ thể chớ không phải mơ hồ.

Ngày 28-3 Giáp Tuất (8-5-1994)
Hôm nay toàn chúng không ai vi phạm Thanh qui, như vậy rất tốt. Chúng ta tu cốt làm sao trong chúng mỗi ngày mỗi tiến, vượt lên, không để lui sụt. Tất cả tránh được những lỗi lầm có thể xảy ra là điều rất đáng mừng.

Tôi nhắc nhở chung cho toàn chúng tu hành ngày càng tinh tấn hơn. Không ai đã xuất gia cầu giải thoát lại muốn tu cầm chừng, tu cho có một chút duyên tốt, để đời sau hưởng được phước lạc hơn đời này. Tôi chắc rằng ở đây ai cũng quyết tâm tu đến thành Phật mới thôi. Nếu chúng ta tu theo Phật mà không đến Phật quả thì việc tu của mình chưa xong, chưa đạt kết quả cuối cùng. Vậy nên, hồi xưa tôi từng nhắc, chư Thiền đức có dạy chúng ta trên đường tu phải ráng phát khởi hai tâm hạnh: kiên cố và trường viễn.

Một là tâm kiên cố, khi phát nguyện tu hành thì quyết chí tu đến chết, không có tánh cách cầm chừng hay sẽ có lúc bỏ cuộc, mà cương quyết khẳng định sự tu hành của mình, phải đạt được kết quả. Thứ hai là tâm trường viễn, trường là dài, viễn là lâu xa, tức là phát tâm tu chẳng những một đời mà đến nhiều đời, chừng nào đạt quả vị Phật mới xong bản nguyện. Đừng nghĩ tu năm bảy tháng, một hai năm thành Phật liền, hiểu như vậy là trái giáo lý nhà Phật.

Tuy nhiên trong nhà thiền luôn luôn nói chúng ta sẵn có tánh Phật, nhưng vì phiền não trần lao vô số kiếp, nên bây giờ dù biết có tánh Phật cũng không sống được với ông Phật của mình. Phải nỗ lực cố gắng lâu dài mới có thể đạt được sở nguyện. Cho nên, nếu chúng ta mong mau có kết quả là trái với giáo lý.

Trong kinh Phật thường dạy, tu từ phát tâm cho đến ngày thành Phật phải qua ba vô số kiếp. Tuy nhiên, ba vô số kiếp không phải là thời gian cố định, bởi vì “vô số” là không thể tính đếm, làm sao nói ba? Trong kinh nói: Trải qua từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng là vô số kiếp thứ nhất. Từ Sơ địa đến Thất địa là vô số kiếp thứ hai. Bát địa đến Thập địa là vô số kiếp thứ ba, qua Thập địa đến Đẳng giác, Diệu giác là thành Phật. Như vậy ba chặng đó không có định số.

Ví như đi học ở đời, nếu người rất thông minh nghe một hiểu mười, có thể học rút từ lớp một tới lớp năm trong ba năm. Người bình thường học năm năm, còn người trì trệ học ở lại lớp hoài thì chừng mấy năm? Như vậy không thể nói cấp tiểu học nhất định năm năm mà cũng có thể là ba năm, hay bảy năm tùy theo khả năng mỗi người. Vì vậy nói nhất định là sai.

Gọi vô số kiếp bởi vì trong thời gian tu người tiến chậm, người tiến nhanh không tính số được. Tôi dẫn chứng trong kinh: Đức Phật Thích-ca và Phật Di-lặc phát tâm đồng thời, nhưng đức Phật Thích-ca từ thành Phật đến nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm mà đức Di-lặc vẫn còn ở cung trời Đâu-suất chờ đến hội Long Hoa mới thành Phật. Vậy còn chừng bao lâu nữa? Ít ra cũng một triệu năm nữa. Như vậy cùng tu một lượt mà một người đã thành Phật trước cả một hai triệu năm, một vị về sau mới thành. Vậy lỗi do đâu? Là vì đức Phật Thích-ca tinh tấn tu hành, còn ngài Di-lặc thích cầu danh nên chậm trễ. Vậy làm sao nhất định thời gian năm, tháng được.

 Hơn nữa trong nhà Phật có nhiều vị Bồ-tát, một đời hi sinh thân mình để cứu người hoặc giúp người ngộ đạo, những vị đó vượt qua cả mười kiếp, trăm kiếp tu. Như vậy mới thấy tu không ai giống ai, thời gian kết quả tùy theo sở nguyện, ý chí, tâm hi sinh cho đạo... của từng người. Nếu cũng tu mà lừng chừng, hết năm hết tháng không tiến bao nhiêu, chắc còn hơn ba vô số kiếp nữa, phải không? Như vậy việc tu hành không hạn định thời gian, nó có giá trị từ sự cố gắng, quyết tâm liều chết tiến tu. Được vậy thời gian ngắn mà kết quả nhiều; bằng không, mất nhiều thời giờ, kết quả lại ít. Thời gian không đặt ra chung cho tất cả mọi người, tùy theo ý chí và sự nhất tâm của từng cá nhân.

Có nhiều vị hỏi tôi: “Chư Tăng, chư Ni vào Thiền viện tu bao lâu thì ra?” Tôi nói: “Chừng nào có ai sáng đạo, đủ lòng tin đối với Tam Bảo và có khả năng làm lợi ích chúng sanh, tôi sẽ cho ra. Trừ những trường hợp bất thường, có người xin rút lui vì không chịu đựng nổi khuôn phép Thiền viện, hay bệnh hoạn không thể trị hết thì ra lúc nào cũng được. Nếu tôi thấy xứng đáng lãnh trách nhiệm ở đâu, cho ra làm Phật sự là kết quả tốt, còn hai trường hợp kia là kết quả xấu.”

Bởi vậy tôi thường nhắc chư Tăng phải ráng tu. Không phải xuất gia muộn là sẽ tu chậm, cũng không ỷ lại xuất gia sớm tu hay. Hay hoặc dở là do quyết tâm, ý chí của mỗi người. Vì vậy, ai đã quyết tâm tu thì phải lập chí chết sống trên đường tu, nhất định có kết quả tốt. Còn tu mà cứ thả trôi theo duyên sẽ không tới đâu. Ở đây Thiền viện lập ra là để giúp cho những người quyết chí tu, chớ không nuôi những người lừng chừng. Bởi vậy tôi bắt buộc chư Tăng phải tu đúng thời khóa và phải kham khổ, gan dạ. Trong những trường hợp bệnh hoạn cố vượt qua, thắng được thì quí vị tu hành bảo đảm sẽ tiến đến nơi đến chốn. Còn nếu hèn nhát sợ bệnh, sợ thiếu ăn, sụt cân..., nhất là ngồi thiền sợ đau chân thì tu khó tiến, rất dễ thối tâm.

Tôi muốn những người tới đây phải có ý chí chết sống trong việc tu. Tại sao tôi muốn như vậy? Bởi vì ở thế gian nếu người nào khôn ngoan tài giỏi tạo được sự nghiệp lớn, năm mươi, bảy mươi năm rồi chết, sự nghiệp cũng hoại theo. Còn chúng ta tu, từ cái thân hư dối, tạm bợ mình quyết vươn lên sống với pháp thân chân thật bất diệt, chuyện đó không phải giản đơn. Hơn nữa, từ con người phàm tục muốn chuyển thành bậc Thánh không phải việc thường. Đã là việc phi thường thì phải có ý chí phi thường, nếu muốn làm việc phi thường mà ý chí tầm thường phàm tục sẽ không bao giờ làm được.

Những bức phù điêu ở gác chuông là để nhắc cho chúng Tăng biết rằng mình phải học gương chư Tổ ngày xưa, quyết chết cầu đạo, quyết chết tu hành: Nhị tổ Huệ Khả chặt tay cầu đạo, Lục tổ Huệ Năng đeo đá giã gạo. Những hình ảnh đó nhắc chúng ta người tu hành phải có ý chí quyết tử, không thể tầm thường. Cho nên ai đến đây tu cũng phải tôi luyện ý chí mỗi ngày càng cứng cỏi, càng mạnh mẽ hơn. Đừng nghĩ rằng ở đây mọi việc tôi lo hết, tu thật là nhàn, khỏe quá. Phải hiểu rằng, tôi muốn tất cả chư Tăng chỉ dồn hết tâm lực tu. Vì dồn hết trong việc tu, nên ngày đêm lúc nào cũng nhớ ráng tu để giải thoát sanh tử, ngoài ra không có chuyện gì khác.

Đó là sự mong mỏi của tôi. Mong rằng tất cả chúng Tăng mỗi người phải nhớ, lập tâm kiên cố và trường viễn, đừng nghĩ chỉ năm bảy tháng hoặc một hai năm. Cứ quyết chí tu, tu mãi thì có ngày đạt kết quả tốt.

Ngày 13-4 Giáp Tuất (23-5-1994)
Buổi thỉnh nguyện hôm nay tôi rất hoan hỉ. Chúng ta chưa có ai là Thánh, không thể nào không phạm lỗi lầm, nhưng mỗi khi có lỗi biết ăn năn hối cải, đó là tiến bộ. Nếu có lỗi mà cứ ôm ấp chất chứa trong lòng, không cho người ngoài biết, cũng không dám sám hối, tích trữ lâu ngày tăng trưởng tội lỗi, không thể tiến tu. Nay thấy chúng có tinh thần tự giác, nhận lỗi sám hối và hứa chừa bỏ, đó là điều rất hay. Mong tất cả đều cố gắng.

Tất cả những vị đã được nhận vào đây tu đều tỏ ra có quyết tâm, không phải là những người vào đạo chỉ muốn được an thân, mà nhất định tiến tu đạt kết quả tốt mới thôi. Tinh thần đó rất phù hợp với sở nguyện của tôi. Tôi đã tuyên bố cho tất cả biết rõ, sở nguyện của tôi là làm sao tạo dựng được một cơ sở có thể đem lại sự an ổn cho chúng yên tu, đúng như những gì tôi mong muốn, và được một số chúng nhất quyết tu hành, có thể đạt kết quả trong một ngày không xa lắm. Tôi thường nói, với số tuổi của tôi thì ngày theo Phật không còn bao xa. Vì vậy tôi mong tất cả chúng Tăng đều dồn hết thời giờ của mình vào chuyện tu hành, đừng để lãng phí luống qua.

Trong giờ tọa thiền, tuy toàn chúng ai cũng cố gắng, nhưng những người cũ thì được an ổn, không khó khăn mấy, còn những người mới thấy có nhiều trở ngại hoặc mệt mỏi. Nhưng nếu dễ dãi cho người mới đi từ từ, rốt cuộc họ lại chậm tiến. Cho nên tôi cứ để mặc cho quí vị cố gắng tối đa.

Tuy là mình đi sau nhưng lần hồi cũng theo kịp quí vị đi trước, không đến nỗi ở tuốt đằng sau. Mới nhìn qua thấy tôi hơi thiếu lòng từ bi, để cho quí vị đau chân than thở mà không thương. Nhưng như tôi đã từng nói, người tu phải quyết chí, dứt khoát trên đường đạo, khó khổ không thành vấn đề đối với mình. Việc trọng yếu là làm sao tu cho sáng đạo, không thể chần chờ.

Như vậy quí vị cần thấy rõ không phải chỉ giờ ngồi thiền, giờ sám hối mới tu, mà phải tu trong tất cả giờ. Vậy mà tôi thấy hình như hễ làm việc chung đôi ba người thì chuyện trò liên tục. Nói chuyện lung tung như vậy, lúc đó có tu được không? Chắc là không nhiều. Vì vậy yêu cầu quí vị ráng giữ sao cho thời ngồi thiền, sám hối là giờ tu chánh, còn lúc lao động cũng là giờ tu. Ví dụ ba huynh đệ ngồi lặt rau, ai cũng luôn luôn tỉnh sáng là tốt; còn ngồi lặt rau kể chuyện năm trên, năm dưới, người thân, kẻ sơ... là điều không hay. Bởi vì càng nói chuyện nhiều tinh thần càng loạn. Cho nên quí vị ráng tỉnh táo trong tất cả mọi thời chớ không chỉ trong lúc ngồi thiền. Đó là điều thiết yếu tôi nhắc, tất cả nên cố gắng.

Thói thường, muốn cho vui thì phải nói chuyện, cười đùa. Còn không coi bộ mặt mày buồn hiu. Bây giờ quí vị phải đổi lại, khi nào làm thinh thì mặt tươi như hoa, còn lúc nói chuyện phải thấy là đáng buồn, bởi vì mình đang phóng tâm. Đừng nghĩ nói chuyện mới vui, ngồi không là buồn. Chúng ta ngồi thiền yên lặng để tâm tỉnh sáng, được nhẹ nhàng thanh tịnh là tốt, là vui; còn nói chuyện hao thần tổn khí, tâm dễ xao xuyến là điều thiệt thòi.

Cho nên quí vị ráng cẩn thận trong cuộc sống, lúc nào cũng là lúc tu. Tôi thường nhắc tới nhắc lui, tôi không còn thời gian nhiều, nên tôi không muốn quí vị mất thời giờ vì những việc không đâu, để tôi chờ đợi hoài. Quí vị phải tu cho có kết quả tốt. Nếu trên đường tu có những sự cố đột xuất hoặc bị trở ngại phải cho tôi biết để nhắc nhở ngay. Lỡ mai kia tôi theo Phật rồi, quí vị tu có gì trở ngại, những người còn lại đây chưa chắc có đủ kinh nghiệm để hướng dẫn bằng tôi.

Vậy nên mong rằng quí vị ở đây một năm xứng đáng một năm. Nghĩa là sau một năm thấy có tiến bộ khác hơn những ngày trước rất nhiều, chớ không thể một, hai năm vẫn y nguyên như cũ. Điều đó tôi không chấp nhận. Tất cả hãy cố gắng, cố gắng tối đa! Cố gắng không phải là kềm giữ mà phải tỉnh táo sáng suốt. Bởi vì tu không phải dùng sức đè ép cho có kết quả, mà do từ tâm an định phát sanh trí tuệ mới có kết quả. Cho nên quí vị ráng tỉnh sáng, đừng để những thứ tạp nhạp lôi kéo.

Đời sống ở đây không quá khổ hạnh, cũng không quá phóng túng, mà ở mức trung đạo, chúng Tăng không phải chịu khó khổ nhiều. Quí vị phải tỉnh sáng để sự tu hành của mình không mất thời giờ, được lợi ích lớn, vì chúng ta không khổ hạnh mà thiếu tỉnh sáng thì dễ buông lung. Vậy mong tất cả cố gắng tối đa, đừng nên thả lỏng, mất thời giờ vô ích!

Tất cả thư từ của chúng ở đây gởi đi hoặc ở đâu gởi lại, Quản chúng phải xem qua, kiểm tra rồi mới đưa, không để những thư nhảm nhí gởi tới hoặc những thư trong chúng gởi đi mà thiếu tư cách, làm mang tiếng chung không tốt. Việc này Quản chúng phải chịu trách nhiệm. Bởi vì tôi thấy có nhiều thư gởi tới rất là nhảm nhí, không có giá trị gì, làm phiền chúng.

Có một ít vị thấy rằng khi ngồi thiền, dường như vọng tưởng nhiều hơn đi ra ngoài dạo vườn dạo cảnh. Như vậy đi dạo thảnh thơi mà cũng hết vọng tưởng thì ngồi chi cho khổ. Đó là điều quí vị nhiều khi lầm, nay tôi chỉ cho thấy rõ. Khi chúng ta đi dạo vườn, dạo cảnh, mắt nhìn cái này cái nọ, tai nghe tiếng này tiếng kia, vì ý duyên theo trần cảnh nên mình tưởng như lúc đó không có vọng tưởng. Thật ra, nó đang chạy chớ không phải đứng yên. Chúng ta lầm tưởng như vậy là yên cứ thong thả tự tại, lần hồi nó dẫn mình lúc nào không hay. Đây cũng là một bệnh.

Bởi vậy quí vị phải hiểu cho rõ. Khi chúng ta ngồi thiền, mắt không nhìn ra ngoài, tai nếu có nghe thì nghe tiếng chim, hoặc những tiếng động thường, chớ không có tiếng người hay tiếng gì lôi kéo. Vì vậy chỉ có nhìn thẳng vào mình, bao nhiêu vọng tưởng dấy lên đều thấy rõ, nên nói nhiều. Thật ra nhờ không duyên theo cảnh bên ngoài, chúng ta kiểm soát tâm ý thật kỹ, thấy nó rõ ràng. Còn khi đi dạo chơi vì duyên theo cảnh nên không thấy rõ vọng tưởng, rồi lầm cho là không vọng.

Như vậy, giờ phút ngồi thiền rất quan trọng, vì lúc đó mình mới thấy rõ bộ mặt tâm là yên hay động. Khi ngồi thiền tâm thanh tịnh, đó mới thật là thanh tịnh, còn đi ra ngoài tưởng như thanh tịnh nhưng thật không phải. Tôi nhắc để quí vị đừng hiểu lầm. Cứ nói: “Con đi ra ngoài thấy nhẹ nhàng quá, ngồi lại sao nhiều vọng tưởng lăng xăng.” Đó là hiểu lầm.

Theo kinh nghiệm bản thân tôi, những lúc sáng được lý này lý nọ, đa số là trong những giờ ngồi thiền yên ổn, không phải lúc ở ngoài. Vì khi ngồi thiền dồn hết tâm lực chuyên nhất một chỗ, tâm an ổn thanh tịnh nên dễ sáng, đi ra ngoài có cảnh duyên nên khó sáng. Trừ một hai trường hợp đặc biệt nào đó, còn đa số lúc ngồi thiền có kết quả cụ thể hơn hết. Vì vậy, quí vị ráng chịu đau một lúc, qua cơn đau sẽ thấy khỏe, rồi lần lần tâm an, có những niềm vui.

 Như trước kia tôi có viết bài “Nụ cười bất diệt”. Chúng ta nhìn lên gương mặt của đức Phật, thấy Ngài luôn mỉm cười. Cũng vậy, người tu thiền sẽ được nguồn vui không bao giờ mất, còn những thứ vui chơi trên thế gian không có thật, qua rồi là khổ. Người tu khi được niềm vui chân thật rồi, không còn thấy cái vui nào trên thế gian có thể bì được. Đó là cái vui tuyệt đối, cái vui vô cùng, không thể diễn tả hết, chỉ ráng tu một ngày nào đó sẽ cảm nhận được. Không phải ngồi thiền cứ chịu đau chân, mỏi mê hoài, vẫn có những lúc nhẹ nhàng an vui.

Các kinh A-hàm có phân rõ: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Sơ thiền dịch nghĩa “ly sanh hỉ lạc”, tức là lìa dục được hỉ lạc. Khi chúng ta ngồi tu, đối với ngũ dục, lúc ở ngoài mình mê đắm, giờ tự nhiên thấy chán không ưa nữa, lòng được nhẹ nhàng an vui. Đó gọi là ly sanh hỉ lạc. Được Sơ thiền rồi đến Nhị thiền, là “định sanh hỉ lạc”, do tâm mình định tự nhiên được an vui tự tại trong lúc ngồi tu. Rồi tới Tam thiền là “ly hỉ diệu lạc”, tức là lìa cái vui mừng có tánh cách thô động, được niềm vui tế nhị nhẹ nhàng. Đến Tứ thiền là “xả niệm thanh tịnh”, nghĩa là buông bỏ tất cả vọng niệm, tâm an nhiên thanh tịnh.

Như vậy, quí vị thấy tiến vào các tầng thiền đều được vui, không hề khổ. Nhưng bước đầu do chưa an được thân, chưa tiến vào định nên chưa được niềm vui. Khi tu lâu thuần thục, quí vị tiến sâu trong thiền định mới thấy nguồn an vui của đạo. Nguồn an vui đó thế gian không thể nào bì được. Chính vì vậy người ta mới chịu cực khổ, bỏ cả cuộc đời để tiến tu, nếu tu mà khổ hoài thì tu làm gì? Sợ khổ thế gian, vô đạo cũng khổ nữa thì đâu có gì quí.

Quí vị ráng tu để tất cả đều hưởng được niềm vui đạo vị. Đó là điều thiết yếu. Nên tôi hơi khó khăn đối với những vị có trách nhiệm như Tri sự, Tri khố hay trưởng ban hoa kiểng, trưởng ban trà nước... Mấy vị có trách nhiệm đó, thiệt thòi rất nhiều trong sự tu hành vì đa đoan công việc. Nhưng tôi muốn tất cả các vị làm việc mà đừng mất giờ tu, đừng bị thiệt thòi. Tri sự lúc này bận không theo giờ giấc được. Một thời gian ngắn nữa công việc ổn định rồi, phải khép vô thời khóa, tới giờ tu cũng tu, đâu vào đấy để không bị thiệt thòi. Bây giờ hoàn cảnh còn đang bề bộn đành phải bỏ thời khóa chớ sau này phải cố gắng. Tri khố tuy công chuyện chợ búa bận rộn nhiều, nhưng cũng phải khéo sắp xếp. Trưởng ban chè nước cũng vậy, việc nhiều nhưng ráng đừng để mất thời giờ tu của mình. Được vậy, nhịp tiến của quí vị so với huynh đệ mới không thua sút.

Nếu bỏ trôi một thời gian, huynh đệ tu tiến được còn mình giậm chân tại chỗ sẽ cảm thấy buồn, rồi đâm ra chán. Như vậy việc hi sinh của mình đưa đến sự thối chuyển trên đường tu không tốt. Cho nên tôi nhắc quí vị cố gắng một chút, lúc nào quá bề bộn đành phải chịu, khi bớt công chuyện thì sắp đặt gọn gàng để có giờ tu hành theo chúng, không bị thiệt thòi. Như vậy mới vẹn toàn.

Quí vị là những người lớn, khi đi ra ngoài ai cũng biết đây là quí thầy ở Thiền viện Trúc Lâm. Ban lãnh đạo mà sự tu hành chưa ra gì sẽ kẹt nhiều. Nên quí vị phải cố gắng trong mọi hoàn cảnh, giờ nào làm thì làm, giờ nào tu cũng phải tu. Tôi chủ trương tất cả người đến đây ai cũng phải tu được, không phải đến làm công quả, rồi năm mười năm ra chỉ có phước thôi. Tôi không muốn như vậy. Tôi muốn ai cũng phải tu có kết quả, nên thời giờ tu mỗi người phải khéo thu xếp đừng để bị thiệt thòi. Như vậy tu mới tiến, tiến được mới vui mà làm trách nhiệm của mình, không sợ không chán. Nếu tu không tiến, làm việc một thời gian đâm ra chán rồi thối tâm. Đó là điều tôi nhắc nhở những người có trách nhiệm, ráng gìn giữ đừng để bị thiệt thòi.

Ngày 14-5 Giáp Tuất (22-6-1994)
Trong nhà thiền có câu chuyện: Có hai con quỉ đi chơi lang thang tới chỗ một vị Sư đang ngồi thiền, xếp chân kiết-già. Con quỉ lớn nói với con quỉ nhỏ: “Kìa, chùa bằng vàng.” Hai đứa đứng chờ xem ông Sư ngồi ra sao. Ngồi hồi lâu, chân Sư đau quá, xả kiết-già, ngồi lại bán già. Con quỉ lớn nói: “À! Giờ biến thành chùa bạc.” Hai đứa tiếp tục ngồi nhìn. Một hồi, Sư mỏi quá, buông chân ra ngồi xếp bằng. Hai con quỉ cười khúc khích: “Bây giờ là chùa đất sét!”

 Qua câu chuyện đó trong chúng hiểu sao? Mình đang là chùa gì? Chùa vàng, chùa bạc hay là chùa đất sét? Mới thấy trong nhà thiền rất quí giờ ngồi thiền, mà ngồi kiết-già là tốt nhất, ngồi bán già tàm tạm, còn xả ra xếp bằng là không ra gì. Vì vậy trong chúng mỗi người ráng tinh tấn, dầu đau nhức khó chịu cũng không xả, tập lâu thành quen vượt qua được, không phải đau mãi đâu mà sợ. Nếu mình có chí thì mọi thứ đều phải tập được, không thể không được. Cho nên mong toàn thể đại chúng cố gắng ngồi đàng hoàng, đừng lôi thôi.

Ngày 29-5 Giáp Tuất (7-7-1994)
Tôi nhắc thêm vài điểm để quí vị lưu ý.

Điểm thứ nhất: Ở đây chúng ta có Thiền đường công cộng, tới giờ tọa thiền, toàn chúng phải hội đủ ở Thiền đường để ngồi thiền, chỉ trừ những người công tác đặc biệt, như vậy sức cố gắng của mình sẽ được tăng trưởng. Bởi vì nếu ngồi riêng ở phòng, trong người hơi nhọc một chút thì muốn nằm dài ra ngủ, không chịu cố gắng. Còn ngồi chung trong chúng, dầu nhọc cũng ráng, nhờ ráng mà vượt qua, sự tu càng tiến thêm. Đừng vì chút mệt nhọc mà ngồi tại phòng rồi ngủ luôn không tốt. Nên tôi muốn tất cả chúng phải ngồi tại Thiền đường công cộng, người này nương người kia, nhờ vậy sức tu được tăng tiến.

Điểm thứ hai: Khi ăn uống nên nhẹ nhàng, đừng khua động nhiều không tốt. Chúng ta là người tu, đừng nên thô tháo để chén bát khua vang, khách lạ nghe người ta cười.

Điểm thứ ba: Đến ngày dự học ở Tham vấn đường, toàn chúng phải đi đúng giờ, tức là tám giờ thiếu mười lăm, Quản chúng hướng dẫn toàn chúng lên, không nên đi sớm. Chúng ta thường ngày ở trong khu nội viện cấm người ngoài tới, nay đến ngày học ra ngoài đi đứng tự do, muốn làm gì tùy ý thì không hay. Cho nên kém mười lăm phút tới giờ giảng thì toàn bộ chúng Tăng lên một lượt, vô ngồi nghiêm chỉnh để tránh tới lui qua lại làm động niệm không tốt.

Chúng ta tu ở đây, muốn không bị các duyên bên ngoài ràng buộc thì phải ráng gìn giữ nghiêm chỉnh từ việc làm đến cách đi đứng, nói năng. Tất cả chư Tăng từ lớn đến nhỏ phải ráng tập sao cho ngôn ngữ của mình nhẹ nhàng, êm ái, đạo đức. Đừng dùng những lời thô bạo, gây ấn tượng không tốt đối với người khác.

Ngày xưa các Thiền viện ở Trung Hoa, chư Tôn đức đạt đạo cũng nói những câu mạnh, nhưng vị thầy và mọi người chung quanh đều hiểu nên nói mạnh mà không có hại. Ngày nay Thiền viện chúng ta đang trong bước đầu khôi phục Thiền tông, ai cũng nhìn vào tìm hiểu nên chư Tăng phải có oai nghi đức hạnh. Người nói năng nhẹ nhàng có oai nghi đức hạnh, nếu ngộ đạo thì càng thêm uy tín. Còn mình nói toàn thiền ngữ mạnh bạo, khi người ta kiểm tra thấy chưa ngộ đạo sẽ cho là mình khoác lác, nói lời bắt chước chớ chưa thật đến. Vậy nên trong chúng ráng dè dặt. Bởi vì tôi được nghe một số lời phê bình mấy sư ở Thiền viện T.C ăn to nói lớn quá làm người nghe bực bội. Nên tôi nhắc cho tất cả từ lớn đến nhỏ phải dè dặt ngôn ngữ của mình.

Hiện nay ở Việt Nam, hơn chục ngàn ngôi chùa đều tu Tịnh độ, chỉ có một hai Thiền viện chúng ta tu thiền, đối với quần chúng rất là mới mẻ. Đã là mới mẻ thì phải giữ oai nghi cho tốt, để người ta thấy dù mình tu thiền vẫn đầy đủ oai nghi tế hạnh. Đừng nên có những thái độ lạ lùng, kỳ cục làm người hoang mang, không hoan hỉ với chuyện hướng dẫn giáo hóa của mình. Do đó mong tất cả hãy lưu ý, cố gắng đừng để những cái dở xảy ra làm người ta phiền. Đó là những điều tôi được nghe biết, nhắc cho trong chúng dè dặt. Điều gì xấu dở chưa có đừng để xảy ra, còn cái gì lỡ có thì phải sửa, đừng cho tái phạm.

Tôi nhắc thêm một điều nữa. Quí vị đã học kinh Di Giáo, có nhớ câu: “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”? Nghĩa là giữ tâm một chỗ không việc gì chẳng xong. Chúng ta tu vì quyết tâm cầu quả vị Vô thượng Bồ-đề, đức Phật dạy phải giữ tâm một chỗ. Nghĩa là tâm ở một chỗ mới có thể đạt được mục đích tối thượng, còn nếu buông tâm phóng túng thì không bao giờ thành tựu. Kinh Di Giáo là một trong những kinh rất gần với Tăng Ni trong bước đầu học Phật. Còn chúng ta học thiền thì như tôi từng nói “phản quan tự kỷ bổn phận sự”, nghĩa là việc bổn phận của chúng ta là xoay nhìn lại mình.

Như vậy, giữ tâm một chỗ và phản quan tự kỷ, ngôn ngữ tuy có khác nhưng trọng tâm đều là xoay nhìn lại mình, đừng để tâm chạy rong theo sáu trần, đó là cái gốc của sự tu. Nếu chúng ta tu mà không nhìn lại mình, không giữ tâm một chỗ thì không bao giờ đạt được kết quả. Mục đích cao cả cuối cùng của đạo Phật là giác ngộ. Mà giác ngộ điều gì? Giác ngộ bản lai diện mục của mình. Nếu không phản chiếu lại mình, cứ rong ruổi theo sáu trần thì làm sao thấy được mặt thật xưa nay, nên phản chiếu lại mình là điều thiết yếu.

Cho nên từ giờ ngồi thiền, sám hối đến giờ lao động, tất cả phải nhớ xoay nhìn lại mình, tìm cho ra chính mình là cái gì. Chừng nào nhận được rồi thì phải hằng sống để nuôi dưỡng cho được viên mãn. Đó là mục đích tối thượng của người tu. Tất cả nên nhớ để ứng dụng.

Ngày 15-6 Giáp Tuất (21-7-1994)
Qua buổi thỉnh nguyện, thấy trong chúng đa số đều được trong sạch không phạm lỗi, chỉ một vài vị có lỗi nhỏ cũng đã tự giác ra chúng phát lồ sám hối. Đó là tinh thần tiến bộ, biết lỗi sám hối. Hi vọng toàn chúng ngày càng thanh tịnh để cùng tinh tấn tu hành.

Chúng ta tu trước hết phải có đạo đức. Đạo đức tức là phần giới luật. Ở đây chúng ta tuy chỉ đơn giản sử dụng lục hòa làm gốc rồi đến mười giới, nhưng sự thật chỉ phần lục hòa quí vị đã thấy khó giữ rồi. Thân hòa đồng trụ hơi dễ. Khẩu hòa vô tránh tức là miệng không được cãi vã, không được nói những lời nặng nhẹ, hung dữ... với ai. Những điều này khó giữ, nhưng tới ý hòa đồng duyệt thì càng khó hơn. Sống trong chúng năm ba chục người mỗi người mỗi ý, chúng ta làm sao hòa thuận, an ổn cùng tu không có gì phiền não, chướng ngại, điều đó rất khó. Nhưng chính đây là nền tảng đạo đức giúp mình tu mau tiến.

Giả dụ như trước khi tọa thiền mình cãi với ai, đến khi vào ngồi tâm không an được. Vì vậy, cần phải dè dặt, cẩn thận giữ cho được lục hòa, sau đó chúng ta mới có thể tiến tu không bị trở ngại. Quí vị thấy, ở trong chúng nếu ai thiếu ý hòa đồng duyệt dễ sanh ra buồn phiền rồi thối tâm.

Cho nên chúng ta tu phải biết điều hòa giữa mình và mọi người. Ai cũng là người quyết chí cầu giải thoát sanh tử, không có cái gì quá tệ, chẳng qua chỉ là những sơ sót, lỗi lầm nhỏ, cần biết tha thứ, dung hòa vui vẻ để tu. Phải ráng giữ lục hòa sau mới đến mười giới. Vì lục hòa là điểm then chốt giúp cho tất cả chúng ta không bị những rối rắm, phiền não làm trở ngại sanh ra thối tâm Bồ-đề, nên lục hòa là nền tảng căn bản nhất của sự tu chúng ta. Vậy tất cả quí vị ở trong tập thể cùng tu học ráng giữ cho được lục hòa.

Nếu chúng ta nhập thất riêng một mình, đối với lục hòa khỏi phải lo, nhưng chúng ta đang sống tu trong một tập thể thì lục hòa rất là thiết yếu. Ở trong thất, vì không gần gũi va chạm huynh đệ, chúng ta thấy yên ổn, đến khi ra thất, tiếp xúc với mọi người lại sanh ra loạn tâm, loạn tưởng, như vậy không được hay. Còn ở đây, chúng ta ngay trong lúc sống chung, gần gũi huynh đệ, có những lời qua tiếng lại mà vẫn hòa được, đó mới là đạo đức chân thật ngay giữa cuộc sống này.

Bởi vậy tôi mong tất cả nhớ ứng dụng triệt để lục hòa trong cuộc sống. Nếu không ứng dụng được lục hòa, đó chính là nguyên cớ tự loại mình ra khỏi tập thể. Điều này quí vị xét kỹ sẽ thấy rõ ràng không nghi ngờ.

Kế đây tôi nhắc cho tất cả quí vị nhớ, Phật dạy có hai cái vui. Khi chúng ta vào đạo mà chưa tu thiền sâu, mình sẽ có pháp lạc hay pháp hỉ. Nghe một câu Phật Tổ dạy, chúng ta thấm thía sâu xa, chuyển hóa cả đời mê tối của mình, dù một câu cũng quí như vàng như ngọc, thế gian không bao giờ có được, nên chúng ta vui mừng thích thú. Đến lúc tu thiền sâu rồi sẽ được Thiền duyệt. Pháp hỉ và Thiền duyệt là hai cái vui thiết yếu của người tu. Người xuất gia bỏ tất cả niềm vui thế tục để vào đạo, phải có nguồn vui của đạo. Nếu tu mà thấy thiền là khổ, pháp là nhọc thì không bao giờ tiến được, đó là cái cớ thối tâm Bồ-đề.

Ngày trước, sau khi tôi rời Phật học viện Huệ Nghiêm lên núi Vũng Tàu cất thất tu, tôi để tên Pháp Lạc Thất. Pháp Lạc là vui với chánh pháp, nghĩa là khi tôi chưa đi sâu vào Thiền định được, tôi lấy chánh pháp làm nguồn vui. Cho nên hồi ấy, trong thất tôi quan trọng số một là Đại Tạng Kinh. Ngoài giờ công tác, tôi đem Đại Tạng Kinh ra, quyển nào hay tôi dịch. Nhờ chánh pháp, tôi được an vui tự tại trong khi ở một mình. Do vui với pháp mà tâm được phấn khởi, an lạc, còn nếu buồn không thể nào ở một mình được.

Trong giai đoạn đầu chúng ta lấy pháp lạc hay pháp hỉ làm nguồn vui để tinh tấn tu, qua giai đoạn thứ hai chúng ta vui với Thiền định nên gọi là Thiền duyệt. Làm sao tới giờ ngồi thiền mình cảm thấy phấn khởi, ngồi thiền là một nguồn vui, chớ không như bây giờ ngồi thiền chịu đau chân nhăn mặt nhíu mày, cảm thấy như bị hành hạ đau khổ.

Quí vị nên nhớ, không có niềm vui nào tự nhiên mà có được, phải qua cái khổ rồi mới được vui. Cũng như một người gánh rất nặng đi trên đường dốc, đi lâu thấm nặng càng thấy nhọc nhằn khổ sở không chịu nổi. Nếu người đó được buông gánh nặng xuống, lúc đó thật là vui. Do buông được gánh nặng mà vui chớ không phải ngẫu nhiên vui.

Quí vị ngồi thiền cũng vậy, trong lúc này ráng cho đúng giờ mới xả, bởi ráng nên có cảm giác đau chân, nhức mình, khó chịu. Hễ gắng qua được cơn đau rồi thì yên ổn, tự nhiên vui. Nhưng qua nỗi khổ đau chân, chỉ là cái vui nhỏ. Khi nào ngồi thiền được an ổn, thấy rõ cuộc sống toàn là điên đảo hư dối, không có gì thật, thấy chúng sanh đang lăn lộn trong điên đảo nên rất thương, và nhận ra cái chân thật hiện tiền, đó mới là vui cứu kính. Vui trong chỗ chân thật, không đợi có cảnh đến mới vui. Tự tâm thanh tịnh là nguồn an lạc.

Nguồn vui đó không thể tìm ở đâu khác, chính do chúng ta biết phản quan tự kỷ, một ngày nào đó sẽ được vui. Lúc đó thiền định coi như thức ăn, nên nói “thiền duyệt vi thực”, tức là lấy cái vui trong thiền định làm thức ăn. Ngày nào không được ngồi thiền ngày đó coi như đói, còn tới giờ đi ngồi thiền giống như lúc nghe đánh bảng ăn cơm. Đói bụng mà nghe đánh bảng cốc cốc thì vui vẻ mặc áo đi ăn, cũng như nghe kiểng ngồi thiền liền hăng hái mặc áo lên chánh điện. Quí vị ráng tập, nhờ cố gắng phấn chấn, từ nỗi khổ biến thành niềm vui. Khi được vui trong thiền định rồi, mới thấy đi tu là điều cao cả hơn hết, còn chưa được niềm vui đó thì tu dường như hình phạt.

Vậy mong tất cả Tăng chúng phải khéo tu để vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn ban đầu, vươn tới sự an lạc trong giai đoạn sau. Với tâm an lạc, chúng ta sống vui vẻ, an lành trong đạo lý, gặp ai cũng có thể chia sẻ cho họ chút ít niềm vui. Còn tu mà khổ sở phiền não quá, làm sao ban vui cho người được, chỉ có ban phiền não cho họ thôi, phải không?

Nên quí vị thấy, ai ôm ấp phiền não nhiều, khi gặp người khác chỉ lo trút phiền não, còn người nào tâm thanh tịnh an vui, gặp ai cũng có thể đem lại nguồn vui, rõ ràng như vậy. Cho nên khi tâm mình còn phiền não, đừng nói chuyện nhiều với người khác, vì nói ra mình sẽ nhả cái phiền não cho người, làm cho họ mệt thêm. Chỉ khi nào tâm an vui tự tại, mình nói chuyện, tiếp xúc mới đem lại nguồn an lạc cho mọi người.

Chúng ta tu cốt để ban vui cứu khổ cho người, đó là nghĩa từ bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Muốn ban vui, ít ra mình phải có niềm vui trước, mới ban cho người ta được, ai lại ban cái giọng phiền não, bực bội! Lúc đó nếu gặp khách, mình nói chuyện chắc là không vui, nhiều khi nói một hồi rồi phát sân, những chuyện cũ được khơi lại, phát ra những lời nặng nhẹ... gây phiền cho người.

Vậy nên mong tất cả ráng tinh tấn tu, gần nhất là hưởng được pháp lạc, sau nữa là Thiền duyệt. Làm sao thấy cuộc đời tu hành là nguồn an vui vô tận. Từ nguồn an vui đó mình sẽ ban rải cho mọi người, làm cho tất cả cùng được vui lây, gọi là ban rải lòng từ. Muốn đem lòng từ bi chan rải, trước mình phải có nguồn vui.

Tất cả quí vị ráng tu rồi sẽ tiến tới chỗ an vui thật sự, từ đó về sau mình mới xứng đáng là người làm việc đạo đức, lợi sanh. Còn nếu không có niềm vui bên trong thì việc làm, lời nói của mình thảy là suông rỗng, không có thực chất. Tất cả phải cố gắng, đừng lơ là việc tu, mỗi ngày mỗi tinh tấn vượt qua các khó khăn rồi sẽ đến chỗ an lạc. Đó là sự mong mỏi của tôi.

Ngày 27-10 Giáp Tuất (29-11-1994)
Mấy tháng qua, Thiền viện mình mới thành lập, chúng vừa tụ tập tôi có việc đi vắng, biết trong chúng không tránh khỏi sẽ có người thối Bồ-đề tâm. Trước khi đi tôi đã biết như vậy, nhưng tôi thấy cũng không có gì quan trọng. Bởi vì ở đây tôi muốn cho mọi người ý thức đường lối tu hành của chúng ta là con đường giác ngộ hiện thực, hành giả phải quyết tâm chết sống trên đường tu chớ không phải chuyện tùy hứng. Vì vậy tôi không đặt vấn đề đến hay đi, mà chỉ quan trọng nơi người quyết tâm tu.

Trong thời gian ở nước ngoài, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Phật tử cũng như một số Tăng Ni, thấy ai ai cũng có tâm hoan hỉ hướng về Thiền viện Trúc Lâm. Bởi vì tôi đã từng nói với họ Thiền viện Trúc Lâm là lý tưởng tối hậu của đời tôi, nên mọi người đều hoan hỉ ủng hộ. Cho nên chư Tăng ở đây có trách nhiệm hết sức nặng nề chớ không phải thường.

Thứ nhất, theo chủ trương của tôi, làm sống dậy Thiền tông Việt Nam đời Trần là một trách nhiệm rất lớn. Tại sao lớn? Từ trước đến giờ tôi đã từng nói với mọi người, Phật giáo là đạo hướng về mình, tìm cho ra con người đích thực của mình, vậy nên đức Phật tọa thiền giác ngộ, chư Tổ tu thiền ngộ. Ngộ cái gì? Trong nhà thiền gọi là bản lai diện mục, tức là bộ mặt thật của mình. Tìm ra được cái thật này là gốc của đạo Phật. Vậy nên tu thiền là nguồn gốc đạo Phật, không chối cãi được.

Nhìn lại hai thời khóa tụng, quí vị thấy quay lại mình hay hướng ra ngoài? Tu Tịnh độ thì hướng về Tây phương mong được sanh về bên kia; còn tu trì chú thì hướng ra cầu chư Bồ-tát, chư Long thiên Hộ pháp gia hộ cho mình tiêu nghiệp, đều là hướng ra ngoài. Cho nên khi khôi phục Thiền tông Việt Nam, tôi đã dùng phương pháp chư Phật, chư Tổ dạy quay về để tìm cho ra con người đích thực của mình. Tìm ra được gọi là giác ngộ.

Đạo Phật lấy giác ngộ làm gốc, người tu thiền cũng phải lấy giác ngộ làm gốc. Đó là một con đường xuyên suốt từ đức Phật cho đến chư Tổ sau này. Thế nhưng bây giờ ở Việt Nam chúng ta đã mất cái gốc đó, nên tôi chủ trương phải làm sống dậy nguồn gốc đạo Phật Việt Nam. Hiện nay, hầu hết chư Tăng Ni các chùa Tịnh độ đang tu theo Nhị thời khóa tụng, tôi chủ trương làm sống dậy Thiền tông, là một điều hết sức khó, không đơn giản. Đó là cái khó thứ nhất ở đất nước mình.

Thứ hai là ở nước ngoài. Khi đi ra mới thấy chẳng những Phật tử Việt Nam mà những người nước ngoài cũng đang có xu hướng muốn tìm hiểu đạo Phật, xoay về nghiên cứu Thiền tông. Do đó một số Tăng Ni đệ tử tôi ở nước ngoài, vì không rành phương pháp để hướng dẫn theo nhu cầu của Phật tử Việt Nam và người nước ngoài, nên muốn về Việt Nam, vào Thiền viện Trúc Lâm tu một thời gian để có đủ uy tín, biết rõ đường lối tu thiền đặng sang bên kia hướng dẫn Phật tử.

Như vậy, đường lối tu thiền rất thích ứng với Phật tử Việt Nam ở nước ngoài và những người muốn nghiên cứu đạo Phật. Do đó trách nhiệm chúng ta rất nặng nề, vừa lo tu cho mình, vừa làm sống dậy Thiền tông Việt Nam, vừa phải hướng dẫn những Phật tử nước ngoài, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu đạo Phật của họ. Cụ thể là những người Mỹ tới Trúc Lâm tập tu mấy hôm nay.

 Tôi ra nước ngoài chuyến này, số Phật tử qui y khoảng chừng một ngàn rưỡi người, cộng thêm số Phật tử cũ của mình qua bên ấy cũng nhiều. Bên Canada, bây giờ Phật tử bắt đầu thành lập nhiều nhóm thiền, mỗi tuần cũng họp lại tọa thiền, sám hối, thảo luận giáo lý dựa theo những kinh sách mình đã phát hành. Có nơi, Phật tử mời tôi đến nói chuyện ở Niệm Phật đường của họ. Trước khi tôi nói chuyện họ xin phép tụng Sám hối. Đó là bài Sám Hối Sáu Căn. Người ta âm thầm hưởng ứng hồi nào mình không hay. Bên Mỹ cũng có nhiều nhóm qui y, tập tu. Họ xin tôi lâu lâu qua để nhắc nhở, chỉ dạy, sửa những chỗ sai lầm. Tôi không dám hứa. Họ lại yêu cầu cho quí thầy hoặc quí cô qua hướng dẫn. Buộc lòng tôi phải hứa khi nào hoàn cảnh thuận tiện sẽ cho một số Tăng Ni thay phiên qua chỉ dạy.

Như vậy, chẳng những chúng ta có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử trong nước, còn phải chăm lo cho Phật tử nước ngoài đã qui hướng về mình, lâu lâu qua để nhắc nhở họ.

Qua những trách nhiệm nặng nề tôi vừa kể, mấy chú thấy sao? Trúc Lâm là nơi nhiều người tin tưởng hướng về, cho nên tôi yêu cầu chư Tăng phải ráng thực hiện cho được hai điều. Thứ nhất, phải thực hiện nếp sống lục hòa. Tôi thường nói với mọi người, Tăng mà thiếu lục hòa thì không còn ý nghĩa Tăng. Vì vậy nên Thiền viện Trúc Lâm lấy lục hòa làm nền tảng đạo đức. Thứ hai là phải tu làm sao đối với đạo mình đủ lòng tin, thấy rõ ràng không còn ngờ vực.

Nếu chúng ta không thực hiện được lục hòa thì tinh thần Thiền viện bị lung lay. Bởi vì như tôi đã nêu rõ trong bản Thanh qui: Lục hòa là chất keo gắn chặt lâu bền các Thiền sinh chung sống tu hành, cũng là nền tảng vững chắc của toàn thể Tăng. Vậy nên tất cả chư Tăng nội viện, ngoại viện ráng giữ lục hòa làm gốc. Muốn giữ lục hòa, yêu cầu đừng ai có đồng nào trong túi. Vì có tiền thì hay nghĩ đến chuyện mua sắm riêng, sẽ hết lục hòa. Điều thiết yếu là mỗi người không nên có một tài sản riêng, ngoài những thứ do viện cung cấp cho để sử dụng hằng ngày.

Tôi bảo đảm ngày nào tôi còn sống, quí vị khỏi lo đói, lo rách. Hai điều đó được đảm bảo rồi, quí vị cứ an tâm tu không có gì phải bận lòng. Vì vậy, quí vị đừng lo lắng hay cất giữ riêng. Nếu có ai cúng tiền, căn cứ theo Thanh qui cúng chung cho toàn Tăng chúng. Còn nếu đi đâu về dư chút ít cũng giao lại cho Thủ bổn. Tập được như vậy, quí vị ngày càng thấm sâu tinh thần lục hòa.
Tôi được nghe lại, T.N khi có ai cúng tiền cất giữ riêng, nói rằng để dành khi nào muốn mua gì thì mua. Như vậy mất tinh thần hòa hợp của Thiền viện. Nếu một người có tiền xài tự do thì người khác cũng muốn có tiền để xài tự do. Lâu ngày trở thành rối không còn nề nếp gì nữa. Bởi vậy, trong chúng hãy can đảm chấp nhận mình đến đây tu phải trong sạch, những gì trái với Thanh qui nên bỏ, đừng để thành thói quen, làm hư nề nếp chung.

Cho nên yêu cầu tất cả phải giữ lục hòa trọn vẹn, không ai có một đồng xu trong túi trừ Thủ bổn hoặc người đi chợ về. Làm sao chúng ăn gì mình ăn nấy, chúng xài cái gì mình xài cái đó, mọi thứ như nhau thì tinh thần lục hòa mới bền; còn nếu có người hơn kẻ kém dần dần lục hòa sẽ tan vỡ, không được lâu dài. Khi người ta chú trọng mình, mình càng phải cẩn thận, gìn giữ cho chu đáo hơn.

Tôi thường nói tuổi thọ tôi cũng không còn lâu, tôi ráng nhắc nhở Tăng Ni tu, nhất là ở Thiền viện Trúc Lâm, sao cho có nền tảng vững chắc. Về đạo đức, lấy lục hòa và mười giới làm gốc; còn về thiền, quí vị phải thấy và hiểu thấu đáo đường lối tu thiền tôi đã hướng dẫn. Như vậy đến khi tôi nhắm mắt quí vị mới có thể thay thế, tiếp tục những Phật sự tôi đang làm dở dang. Ví dụ như khôi phục Thiền tông Việt Nam là một vấn đề rất lâu dài. Đời tôi làm chưa rồi quí vị phải tiếp tục. Muốn vậy, quí vị phải đủ hai mặt: có đức hạnh và thông hiểu Thiền tông thật sâu. Như vậy trách nhiệm quí vị hết sức nặng nề chớ không phải thường. Tôi mong đợi tất cả những vị hiện đang có mặt.

Giả sử ở đây có những người yếu đuối, sanh tâm chán nản muốn rút lui tôi cũng không ngại. Tôi nghĩ còn chừng mười lăm, hai mươi người mà quyết tâm tu tới nơi tới chốn cũng là đáng mừng. Số lượng không quan trọng, chỉ cần phẩm chất, sau mới có thể đủ tư cách hướng dẫn mọi người.

Trách nhiệm chúng ta rất nặng nề. Người ta càng thương quí mình nhiều chừng nào thì trách nhiệm càng nặng chừng ấy, chớ không đơn giản. Vậy nên kể từ đây về sau toàn chúng cố gắng khép mình hơn chút nữa. Tu cho đều và giữ lục hòa cho đúng đắn, đừng để sai chạy. Chúng ta đã nói thì phải làm, không nên nói một đàng làm một ngả, người ta sẽ cười mình. Như vậy giá trị Thiền viện sẽ trở thành số không. Lý tưởng tối hậu của đời tôi cũng thành không. Cho nên mong tất cả những vị có mặt ở đây đều phải nỗ lực, cố gắng, không nên giải đãi lôi thôi. Nếu ai thấy mệt mỏi muốn rút lui, tôi sẵn sàng cho, không ép một chút nào.
Mỗi người ở đây phải nên tự tạo một sức mạnh, tức là luôn luôn chủ trương đời tu của mình phải đến nơi đến chốn, đừng tu cầm chừng lấy có. Chúng ta đã bỏ tất cả những gì của thế gian vào đạo thì phải đạt được đạo, chớ không thể vào đây rồi để ngày tháng luống qua chờ chết. Đó là điều vô lý.

Cho nên mỗi người phải phát nguyện, làm sao đạt được đạo mới thôi. Mọi khó khăn, cực nhọc, bệnh hoạn, chướng ngại đến đều dẹp sang một bên, vượt qua để tiến tới cứu kính giác ngộ giải thoát.

Nguyện lực mạnh mẽ như vậy mới mong sau này làm được việc lớn. Nếu hơi khó khăn một chút liền thối tâm, bệnh hoạn một chút là chán nản thì không mong làm được đại sự. Chẳng những không làm được gì cho mọi người bên ngoài mà chính bản thân mình tu cũng không tới đâu. Cho nên mong tất cả đều phải cố gắng, đừng có lôi thôi.

Như chuyến đi này tôi thấy rõ ràng, mình có một sức mạnh mà người ngoài không tưởng tượng nổi. Hơn ba tháng sống lang thang, không ở chỗ nào lâu quá một tuần, nay chỗ này mai chỗ kia mà tôi ăn ngủ vẫn bình thường. Có những lúc bị người ta hăm he thế này thế nọ, tôi vẫn thản nhiên không hề mất ăn, mất ngủ. Không lo âu gì hết cho nên đi một trăm ngày về vẫn khỏe mạnh. Như vậy mới thấy mình có một chút đạo lực. Mà sở dĩ có được là do hằng ngày mình củng cố trưởng dưỡng. Còn nếu trong lòng lo sợ hoài chắc đi về chỉ còn da bọc xương. Do đó quí vị mới thấy, chúng ta tu có đạo lực, mọi việc xảy đến không có gì làm cho mình phải xao động, lo rầu sợ sệt. Nhờ vậy tâm trí tỉnh sáng, sức khỏe không bị suy giảm.

Từ hôm ở bên kia về đây, thời tiết giờ giấc sai khác tôi cũng ăn ngủ như thường. Trong khi hoàn cảnh luôn luôn thay đổi mà mình vẫn an ổn, điều đó chứng minh rằng nếu sức tu chúng ta khá vững, sẽ có một sức mạnh tự làm chủ, dù ở hoàn cảnh nào cũng được yên ổn, không bị mất ăn mất ngủ như người thế gian. Đó là những chuyện cụ thể.

Khi qua Mỹ, các bác sĩ Mỹ nói với tôi rằng: “Chương trình làm việc của Thầy, đứng về mặt y học chúng tôi không thể nào chấp nhận được.” Một ngày thứ bảy giảng ba thời, ngày chủ nhật giảng ba thời, ngoài ra còn qui y, sau khi giảng tiếp khách, tối đến ngồi lại cho pháp danh... Như vậy liên tục cả mấy tuần lễ, quí vị nghĩ sức khỏe đâu mà tôi làm nổi! Vậy mà tôi vẫn bình an khỏe mạnh. Rõ ràng khi gặp cảnh mình mới thấy sức tu.

Trước khi tôi qua Texas, cả tuần lễ người ta phê bình chỉ trích tôi trên đài phát thanh. Lúc ấy Phật tử ở đó tổ chức khóa học hai ngày, báo tin cho Phật tử các nơi ai muốn học thì ghi tên trước, tôi là người hướng dẫn tu. Người ta điện thoại tới hăm he ghê gớm lắm mà Ban tổ chức cũng lì, vẫn tổ chức khóa học. Tới ngày tôi sắp qua đó, số người ghi tên quá đông, không còn chỗ nên Ban tổ chức phải từ chối không nhận thêm nữa.

Có những chuyện tức cười mình không ngờ tới. Tôi qua đó giảng dạy hai ngày. Ban tổ chức nhờ hai người cảnh sát Mỹ theo dõi bảo vệ, tôi đi ra họ đi ra, tôi đi vô họ đi vô. Bởi vì người ta dọa sẽ phá hoại nên Ban tổ chức cũng sợ. Trưa ngủ cũng có hai cảnh sát Mỹ bắc ghế ngồi trước thất coi chừng. Rốt cuộc thì mọi sự cũng bình yên, tôi thấy không có gì nhưng Phật tử nghe dọa cũng lo. Mấy chú thấy, đâu phải mình đi ra ngoài mọi việc đều như ý! Còn bao nhiêu thứ đe dọa mà tôi vẫn thản nhiên cho tới ngày về.
Cũng như hôm giảng tại chùa Đức Viên của Sư bà Đàm Lựu, dự định mười giờ sáng làm lễ qui y cho bốn trăm người, chiều hai giờ giảng. Lúc chín giờ sáng, một số người kéo đến biểu tình trước chùa. Người trong chùa báo tin cho cảnh sát đến giữ trật tự. Hai ba người Mỹ đứng gác chung quanh chùa. Tới đúng giờ tôi vẫn qui y như thường. Chiều cũng giảng, trên một ngàn người nghe. Như vậy mới thấy việc làm của mình không phải luôn luôn trôi chảy mà vẫn có những trục trặc xảy ra. Tuy nhiên tôi không nề hà gì, việc họ họ làm, việc mình mình làm, mình cũng không giận họ. Có nhiều người biểu tình mệt rồi vô đứng gần cửa nghe giảng, một hồi sau họ cũng muốn nghe luôn, không la lối gì nữa.

Cho nên làm Phật sự không phải mọi việc đều như ý. Chúng ta phải một lòng chân thành vì đạo. Kế đến phải có một tinh thần vô úy, không sợ khó khăn nguy hiểm, mới có thể sáng suốt đối phó với mọi hoàn cảnh, còn nếu mình không hiểu gì hết cũng khó vượt qua.

Qua những việc làm của tôi, thấy cũng có khá nhiều trắc trở. Quí vị nhớ trước khi tôi đến Pháp, bên ấy người ta cũng lên truyền hình phản đối. Nhưng khi tôi qua đến, mọi việc lại êm xuôi. Sang Canada cũng có người kêu điện thoại phản đối, hăm he Ban tổ chức, rồi cũng êm xuôi. Qua Mỹ chỉ có một hai chỗ dọa biểu tình, nhưng rồi việc ai nấy làm, không có chuyện gì xảy ra.

Nếu nhát gan, nghe họ hăm quá chắc không dám đi. Chẳng những người ngoài dọa mà cả Phật tử mình cũng viết thư về yêu cầu tôi hoãn chuyến đi, vì nghe hăm quá ai cũng sợ. Nhưng tôi đi rồi về bình an, ai nấy đều mừng. Tôi thường nói với Phật tử: “Trâu già chẳng nệ dao phay.” Ai làm gì thì làm, tôi cứ đi, việc tôi tôi làm. Tôi không nghĩ hại ai hết, ai muốn hại tôi thì cứ hại. Như vậy để mấy chú biết rằng trong công tác Phật sự, không phải mọi việc đều luôn như ý mình. Chúng ta làm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng mình đã quyết tâm vì Phật pháp thì không có gì phải sợ. Đó là điều tôi muốn cho mọi người ý thức rõ.

Tất cả chúng ở đây còn bao nhiêu cũng được, người nào còn ở lại thì phải quyết tâm tu cho đạt kết quả và sống có nề nếp, đạo đức. Hai điều đó được vuông tròn, ngày mai có lẽ Phật pháp ở xứ mình cũng được tốt đẹp và những nơi khác đến nghiên cứu học tập với mình cũng sẽ thu gặt được nhiều điều hay. Như vậy là tự lợi, lợi tha đầy đủ.

Tất cả chúng Tăng phải cố gắng. Hoàn cảnh chúng ta hiện nay không cho phép mình chần chờ, lôi thôi mà phải nỗ lực. Đó là lời nhắc nhở của tôi, mong tất cả chú ý.

Ngày 13-11 Giáp Tuất (15-12-1994)
Mấy hôm này có nhiều tin sét đánh lắm phải không? Tin ba của Thái Hồng chết, quí vị nghe có như sét đánh không? Rồi ba của chú Tuệ Đạt mất. Tôi thấy đó là những tin sét đánh. Ba của Thái Hồng một tuổi với tôi mà ông đã đi rồi. Tôi thường cảnh cáo quí vị phải ráng tu, vì thời gian tôi còn ở lại không biết được bao nhiêu, mấy chú tu lơ mơ tới lúc tôi hết tuổi thọ vẫn không ra gì thì thật là uổng công.

Chúng ta đọc trong lời sám hối:

Người dưng chết chóc
Nước mắt ráo khô,
Thân quyến qua đời
Đầm đìa lệ máu.

Nghĩa là nghe người ngoài chết mình tỉnh bơ, còn nếu đó là ruột thịt thì tràn trề lệ máu. “Sét đánh” khi nào là người thân của mình, còn nếu cha mẹ người khác thì không có sét đánh chút nào. Đó là vì mình không ý thức được lý vô thường, nếu ý thức được thì đã không có những sai lầm. Dầu là cha mẹ ai nhưng khi nghe tin có người chết, đó là một sự cảnh tỉnh lớn lao, mình phải ráng tu. Cái chết đuổi gấp từ người này đến người kia, chúng ta nghe tin liền liền. Không phải đến bảy tám mươi tuổi mới mất mà cũng có thể sáu mươi, năm mươi. Cái chết đến bất cứ lúc nào. Lúc còn trẻ nhiều chú cứ tưởng mình sống dai lắm rồi mơ ước những chuyện xa xôi. Chúng ta phải nhớ cái chết luôn chờ chực bên mình, phải nỗ lực cố gắng tu, đừng để tâm rong ruổi theo phàm tục.

Chúng ta tu là thấy rõ từng tâm niệm của mình, đó là cái gốc. Đa số người không biết như vậy, khi ngồi thiền còn chú tâm tỉnh giác, đến lúc ra ngoài lại thả lỏng, vậy là thiệt thòi. Làm sao khi ngồi thiền thấy rõ từng tâm niệm, tới lúc ra ngoài cũng thấy từng tâm niệm. Mỗi người tự chăn, tự giữ như vậy mới có thể tiến được. Nếu khi ngồi thiền mới tu còn ra ngoài thả trôi thì sự tu sẽ suy giảm. Một ngày đêm hai mươi bốn giờ, chỉ ngồi tu có sáu giờ, là một phần tư thời gian, còn ba phần tư kia mình thả lỏng thì không tốt.

Bởi vậy tất cả phải ráng kềm chế, trong khi đi công tác lao động nặng nhẹ gì cũng phải dòm chừng nó luôn, đừng để rong ruổi. Như vậy tu mới có kết quả. Mỗi người tập làm chủ lấy mình, lần lần sẽ thấy thuần thục, cũng không phải khó. Lúc mới ứng dụng tu, nhiều khi tôi cũng cảm thấy khó khăn, sau bao năm dường như cũng không tiến được gì, nhưng tu càng lâu mới thấy sự mầu nhiệm, nó sạch từ bao giờ mình không ngờ.

Mấy chú nhớ ngài Triệu Châu nói phải bao nhiêu năm? Ba mươi năm tâm mới thành một khối. Còn Quốc sư Huệ Trung hơn bốn mươi năm ở núi Bạch Nhai, chưa từng xuống núi. Nghĩa là phải nuôi dưỡng lâu dài, luôn luôn theo dõi gìn giữ, tới một lúc nào đó mới thuần thục, chớ không phải giản đơn. Nhưng điều quí vị phải nhớ rõ là có tu thì có tiến. Mình nỗ lực tu tất sẽ tiến, dầu chậm hay mau. Chỉ không biết tu mới thả trôi theo sáu trần.

Tất cả chúng sanh đều buông trôi sáu căn chạy theo sáu trần, muôn đời muôn kiếp như vậy. Chúng ta cũng là những chúng sanh mê lầm đó, bây giờ mới thức tỉnh, biết quay lại tìm xem mình là cái gì. Chúng ta thấy từng ý niệm, không phóng chạy ra ngoài nữa để biết rõ mình. Tuy biết mình mà chưa làm chủ được, song biết mình cũng tốt rồi. Lục Tổ có dạy “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, biết được niệm khởi tức là có giác. Chúng ta quen chạy ra ngoài, quên mình là mê, bây giờ biết được mình thì đó là giác chớ không gì lạ. Tuy chưa hết niệm nhưng hằng biết vọng khởi tức là hằng giác, lâu ngày vọng sẽ mòn yếu dần rồi tự sạch.

Như vậy tu không gì lạ, hễ đuổi theo vật, tức buông lung sáu căn chạy theo sáu trần, là hạng người tầm thường. Còn ngay nơi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không dính mắc là người bậc thượng. Chúng ta vẫn thấy nghe nhưng không dính mắc, đó là bước tiến. Chính mình đã có giác, có chủ rồi chớ không phải thường.

Bởi vậy trong khi tu mấy huynh đệ đừng sợ còn vọng tưởng, chỉ sợ chúng ta không biết được vọng tưởng. Vọng tưởng còn mà chúng ta thấy biết rõ ràng, tức là kiểm soát được nó. Còn để nó dẫn đi xa lắc rồi mới giật mình, đó là dở, bị vọng tưởng lừa. Không ai mới tu mà thành Thánh Hiền ngay, phải do công phu dài dặc nhiều năm tháng. Nhờ chúng ta cố gắng tu, luôn luôn tỉnh giác, mới dẹp sạch được vọng tưởng. Dù chúng ta ham tu mà thả trôi thì cũng tạo nghiệp sanh tử tiếp nối không ngừng. Rõ ràng vọng tưởng là mầm sanh tử, không nghi ngờ gì nữa.

Niệm khởi là nhân sanh tử, cho nên Phật dạy, khởi là vô minh, không phải đợi vô minh nào khác. Vừa dấy niệm đã che mờ trí tuệ, đó là vô minh. Cho nên chúng ta phải thấy từng niệm để không bị nó dẫn, là hằng giác, hằng sáng.

Như vậy sự tu thấy dường như đơn giản nhưng hết sức tế nhị. Chúng ta phải hằng giờ hằng phút hằng giây thấy rõ mình, đừng quên. Khi ra làm công tác, cứ làm mọi việc, vừa thấy vọng tưởng dấy lên liền buông, như vậy giờ công tác cũng giống như giờ ngồi thiền. Còn nếu ra làm công tác, kể chuyện năm trên năm dưới đủ thứ để cười chơi, đó là làm công tác chớ không phải thiền, không phải tu. Ở đây tôi muốn giờ công tác cũng là giờ tu, làm sao xuống nhà bếp thấy người nấu cơm, người lặt rau đều lặng lẽ trong việc tu, quí biết chừng nào. Nhưng ở đây đã được vậy chưa? Hay là làm bếp thì cười om sòm dưới bếp, ra ngoài vườn nói chuyện ỏm tỏi ngoài vườn? Phải làm sao đi đâu, làm gì cũng là thiền, mấy chú nên cố gắng!

Như tôi đã nói, thời gian tôi còn ở đây ngắn ngủi lắm, không biết bao lâu. Mấy chú cứ lơ là, tới trăm tuổi cũng còn lừng chừng, thì thật uổng cái lý tưởng tối hậu của tôi, không có kết quả gì. Cho nên mỗi người phải ráng kềm chế gìn giữ, ở trong hoàn cảnh nào cũng tu, đừng để phóng túng, buông lung. Mình tập được thì người khác sẽ tập theo, mình tập không được người khác cũng bắt chước. Người này bày chuyện nói, người kia bắt chước nói theo, một hồi chẳng còn thiền gì cả.

Cho nên phải chuyên tâm gìn giữ, đừng để buông lung, làm sao được như lời ngài Đại An: “Con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.” Tôi nhắc cho tất cả nhớ, mỗi người nên tinh tấn tu. Đây là việc làm phi thường, chúng ta làm được thì rất quí. Bởi vì những nhà bác học hay là gì đi nữa cũng chỉ học những điều bên ngoài chớ không bao giờ thấy được cái mình chân thật. Chúng ta quay lại tìm được mình mới là điều quí nhất.

Tôi thường nói với những người ở nước ngoài, dù cho quí vị thụ hưởng vật chất sung mãn, dư dả, nhưng nếu hỏi để phục vụ cho cái gì, quí vị trả lời phục vụ cho mình, mà hỏi mình là gì thì không biết. Như vậy, tất cả vật chất dồi dào để phục vụ cho mình mà không ai biết mình là gì thì thật vô nghĩa. Bởi vậy, dù chúng ta nghèo thiếu nhưng biết rõ mình là gì, đó là quí nhất, thực tế nhất. Đừng nghĩ khoa học phát minh đủ thứ là thực tế. Chính hiểu được mình mới thực tế. Cuộc sống là của con người, vậy trước hết mọi người phải biết rõ về mình. Còn biết tất cả bên ngoài mà không biết mình, là biết rỗng, vô vị.

Chúng ta hiểu được đường lối đó thì tu là những giờ phút nhìn lại mình, biết rõ cái gì hư dối, không để bị lừa dẫn, tìm cho ra cái chân thật sẵn có của mình. Đó là chúng ta có sức tự chủ, ngày mai khi sắp ra đi cũng làm chủ, nếu chưa giải thoát được ắt cũng biết chọn lối đi để tiếp tục tu và làm Phật sự, còn ai giải thoát được thì tự tại hơn.

Trái lại, những người ở đời chỉ chạy theo vật chất rồi ngã đùng ra chết. Họ không biết mình là gì, sẽ bị các nghiệp điên đảo lôi dẫn sa đọa nơi này nơi kia. Sống mấy chục năm lận đận trên thế gian rồi chết, rốt cuộc đời họ không có giá trị thật, bao nhiêu của cải cũng là thứ tạm bợ vô thường. Chỉ có tìm ra được mình, đó mới là nguồn gốc đưa tới chỗ an lạc thật sự, còn các lạc thú thế gian là những trò ảo ảnh, cười đó rồi khóc đó, không phải thật.

Vì vậy, biết tu rồi chúng ta phải dồn hết tâm lực làm cái việc quí báu cao cả này cho đến nơi đến chốn. Đừng chần chờ, thờ ơ, thả trôi hết ngày, hết tháng vô ích. Chúng ta phải cố gắng! Mỗi người tự nỗ lực rồi sẽ thấy kết quả không nghi.
Vậy mong tất cả chúng Tăng mỗi người ráng tự kềm chế, làm chủ mình, quay lại sống với đạo từng phút từng giây, đừng thả lỏng uổng phí thời giờ. Mạng này không biết dài hay ngắn. Nếu chúng ta không xong việc, tới chừng nhắm mắt không làm chủ được sẽ đau khổ vô cùng. Mong tất cả cố gắng tu.

Ngày 1-12 Giáp Tuất (1-1-1995)
Buổi thỉnh nguyện hôm nay một số vị có lỗi nhỏ cũng ra sám hối. Đó là tinh thần tự giác biết quí trọng Thanh qui của Thiền viện. Có lỗi biết ra sám hối để sửa đổi là điều rất tốt. Bởi vì chúng ta là chúng sanh, chưa ai là Thánh cả nên đều có lỗi, chỉ có nhiều hay ít thôi. Biết lỗi sám hối thì tội sẽ tiêu. Đó là một điều hay trong đạo.

Nhưng rất tiếc ít có ai chỉ lỗi cho ai. Đó cũng là điểm yếu, vì có người không tự thấy được lỗi, nhờ huynh đệ nhắc nhở giùm, mới tiến bộ. Nên trong chúng nếu có huynh đệ nào thiếu sót, mình nhắc người ta biết để sửa. Tôi ở xa không thấy rõ. Huynh đệ cùng một liêu dễ thấy hơn, nên nhắc nhở nhau để sửa đổi. Làm sao chúng Tăng mỗi ngày mỗi tiến, như vậy mới hay. Đừng vì nể nang rồi cứ để những lỗi lầm quấy nhiễu mãi không tốt, chướng cho người đó và chướng cho huynh đệ chung quanh nữa. Mong rằng trong chúng thấy ai có lỗi cứ sẵn sàng nhắc nhở. Nhắc nhở giữa chúng là vì lòng thương, còn nói châm chích nhau là có ý xấu, làm mất hòa khí không tốt. Vì vậy, trong buổi thỉnh nguyện chúng ta đem hết tinh thần giúp đỡ nhau tu hành. Thấy ai có gì hay mình mừng, có gì dở mình nhắc.

Sau đây tôi có vài điểm cần giải thích rõ. Có một số chú nói rằng: “Thầy cho lên đây để chuyên tu, sao nay Thầy lại bắt học?” Như vậy dường như tôi mâu thuẫn, trước sau không nhất như. Đó là mấy chú hiểu lầm. Tôi lo cho tương lai của mấy chú, nghĩ rằng mai kia tôi không còn có mặt ở đây nữa, mấy chú sẽ là những người gánh vác việc lớn.

Việc lớn đó là khôi phục Thiền tông Việt Nam, nhất là Thiền tông đời Trần. Cho nên mấy chú vừa ráng tu vừa phải nắm vững, hiểu tường tận đường lối tu hành của chư Tổ đời Trần.

Như vậy học có hai cái lợi. Thứ nhất là mình hiểu rõ lời dạy của người xưa để ứng dụng tu. Thứ hai, đời Trần mang nhiều tinh thần văn hóa xưa của dân tộc Việt Nam, nếu chúng ta hiểu rõ văn hóa đời Trần, khi những người đang hướng về Phật pháp, muốn nghiên cứu Thiền tông Việt Nam đến học hỏi, mình có đủ bằng cứ để chỉ dạy họ. Nếu không chúng ta sẽ lúng túng, vì văn cổ là văn chữ Hán chớ không phải chữ Việt hay chữ Nôm. Chữ Nôm dịch ra tiếng Việt còn dễ, chớ chữ Hán nếu mình không biết gì, nhiều khi cũng lúng túng.

Tôi nghĩ, nếu mấy chú là người đã thông thuộc chủ trương đường lối ở đây, tu hành có kết quả, mai kia khi tôi nhắm mắt rồi, những người học đạo đến đây trực tiếp học với mấy chú. Trong số đó có những người muốn phăng từ gốc chớ không chịu đi từ ngọn. Từ gốc là phải tìm cho ra những văn bản chữ Hán, để họ chắc rằng đường lối tu của mình phù hợp với những lời dạy trong đó. Khi họ đem ra hỏi chẳng lẽ mấy chú không biết gì. Như vậy là làm cho người ta xem thường đường lối của mình. Người ta sẽ nói mình phỏng theo chớ không nắm vững.

Tôi lo xa, mong rằng ngày mai người ta sẽ tin mình trăm phần trăm. Nếu có những điểm sơ sót thì lòng tin sẽ bị suy giảm, tất nhiên sự giáo dục hướng dẫn cũng không đạt được kết quả tốt. Bởi lo xa nên tôi nghĩ mấy chú phải chịu khó, bớt một chút thời giờ tu của mình để có được lợi ích lâu dài.

Mấy chú nhớ hồi xưa Mã Tổ bảo ngài Tây Đường:

- Sao con chẳng xem kinh?

Tây Đường thưa:

- Kinh đâu có khác.

- Tuy nhiên như thế, song con về sau vì người cần phải xem.

 Như vậy, lời dạy của Mã Tổ đã rõ ràng. Ở đây chúng ta chủ trương Thiền Giáo đồng hành, nhất là đời Trần chủ trương đó rất cụ thể. Vẫn biết hiện nay kinh điển dịch ra chữ Việt cũng khá nhiều, nhưng muốn chính xác tôi phải giảng thẳng những bản chữ Hán của các Thiền sư đời Trần. Nếu quí vị không học kỹ những bản văn chữ Hán đó, ít ra cũng phải biết đại khái, để khi người ta đem ra vấn nạn, mình nắm vững giải thích rõ ràng cho họ không nghi ngờ. Như vậy có lợi cho mình và lợi cho người. Chớ nếu có ai đem bản chữ Hán ra hỏi: “Thầy giảng câu đó nguyên văn chữ Hán thế nào” hay: “Thầy đối chiếu với bản chữ Hán này coi đúng không”, chúng ta không biết là thiếu sót.

Tôi muốn mấy chú có một căn bản vững. Điều gì nói được phải làm được. Cái gì biết xuất xứ thì phải nắm vững và thông hiểu rõ ràng. Như vậy sự giảng dạy của mình không ai bắt bẻ được. Hồi xưa, nhất là cuối đời Tống qua đời Nguyên, đời Minh, ở Trung Hoa người ta thường nói các vị tu thiền là thiền hông ngực. “Hông ngực” ý nói mình dốt không hiểu biết gì trong kinh điển, cứ nghĩ sao nói vậy chớ không hiểu rõ những lời Phật Tổ dạy. Như vậy cũng là trở ngại.

Cho nên tuy tu là phải dồn hết tâm lực, nhưng mình cũng có thể nhín chút thời giờ để học. Tôi dạy một tháng có hai bài thôi. Mấy chú chịu khó coi lại chữ Hán, đọc tới đọc lui rồi từ từ nhớ. Chỉ cần biết đại khái chớ không phải bắt mấy chú học thông thạo tất cả Hán văn. Đó là nói những người lớn, còn các chú nhỏ, mới vào đạo chưa biết gì, nếu nói chuyện tu nhiều khi mấy chú cũng lớ ngớ, chưa biết dụng công thế nào. Vậy nên học thêm một ít chữ Hán cho có căn bản để đọc được những bài văn này. Mai sau tu khá, học hành có căn bản thì lợi ích rất lớn. Nếu không chịu học hành, mấy chú sẽ có nhiều giờ rảnh, nói chuyện tào lao vô ích, uổng đi thời giờ quí báu của mình.

Hôm trước tôi lại phía sau T.T, thấy đang ngồi viết tôi tưởng viết chữ Hán, ai ngờ vẽ cái gì đó. Như vậy chữ Hán mấy chú chẳng chịu học, lại vẽ chữ này chữ kia chơi, đó là hơi phí. Phải ráng tiết kiệm thời giờ. Tuy chúng ta tu tới lui đi đứng đều phải cố gắng gìn giữ thanh tịnh, nhưng cũng nên chia ra chút ít thời giờ để ôn lại chữ Hán. Sau này mới có căn bản, ra làm Phật sự không trở ngại, nếu không sẽ bị người ta chê dốt, nói mình chỉ học sơ sài, không có căn bản.

Đó là tôi lo xa cho mấy chú chớ không phải thay đổi ý kiến bắt mấy chú học để thi cử gì. Mấy chú học kỹ, sau này có ai hỏi bản dịch hoặc bản chữ Hán đều biết, không bị người ta chê dốt không đủ tư cách hướng dẫn họ. Không rành chữ Hán cũng là một trở ngại, bởi vì thời này người học đạo chịu nghiên cứu hơn là thật tu. Khi nghe chúng ta tu có đường lối chủ trương, họ liền đi tới để tìm hiểu. Tìm hiểu trên sự tu hành đã đành, nhiều khi còn tìm hiểu khả năng học hành của mình nữa. Vậy nên chúng ta không thể dốt.

Đó là điều thiết yếu, buộc lòng tôi phải sắp đặt như vậy. Không phải tôi muốn mấy chú lo học quên tu. Tu là chủ yếu, còn học thì mỗi tháng chỉ để chút thời giờ nhỏ, thay vì làm những việc mất thời giờ khác. Đừng vội vàng nói tôi thay đổi đường lối, chủ trương. Chính vì lo xa, muốn giữ uy tín của mấy chú cho người ta tin cậy, ngày sau tôi vắng mặt, còn mấy chú để người ta nương tu nên phải sắp xếp như vậy. Thật ra, nếu để mấy chú tu được bao nhiêu thì tu, làm được cái gì thì làm, chỉ cần có mặt ở đây cho đông thôi, chuyện đó rất dễ. Nhưng tôi nghĩ đến tương lai xa xôi buộc lòng phải lo như vậy. Mấy chú cần hiểu rõ rồi tiết kiệm thời giờ để học thêm trong lúc rảnh.

Kế đó, tôi được biết mấy chú nhà Tăng hình như nói chuyện nhiều, bàn tán nhiều, làm một số người hơi phiền. Tôi xin nhắc trưởng liêu nếu huynh đệ ồn náo quá, phải rầy nhắc khuyên bảo họ. Tôi cử trưởng liêu là để coi chừng, hướng dẫn huynh đệ, nhắc họ dành thời giờ tu và học, đừng phí thời giờ ngồi lý luận chuyện đâu đâu vô ích. Vì thời giờ của chúng ta rất hiếm hoi, phải coi như vàng như ngọc, đừng có xem thường.

Nếu huynh đệ ngồi tán dóc với nhau, thời giờ qua mau lắm, còn ngồi thiền lại thấy dài dằng dặc. Tán dóc sanh ra nhiều chuyện, quên mất thời giờ. Cho nên những người có trách nhiệm ráng nhắc nhở huynh đệ cần mẫn, yên lặng tu, đừng nên ồn náo, làm người chung quanh muốn tu cũng trở ngại. Vậy trưởng liêu cần biết rõ để nhắc nhở huynh đệ.

Thêm một điều tôi nhắc chung cho tất cả. Chúng ta được duyên phước lành nên mới đủ điều kiện để yên ổn tu như thế này. Đây không phải là điều dễ kiếm. Gặp duyên tốt rồi mình phải biết là quí, là hi hữu, còn không biết nhiều khi bỏ mất cơ hội rất uổng. Tất cả quí vị đều do ham tu mà xuất gia, không có ai nói tôi xuất gia để trở thành thầy cúng, hoặc tu cầm chừng hết một đời. Ai cũng nghĩ xuất gia tu để được giải thoát. Nhưng gặp được điều kiện giúp cho mình tu đến giải thoát rất hiếm hoi, ít có.
Ở đây tôi cố gắng tạo điều kiện cho mấy chú tu. Ngoại trừ Ban chức sự phải hi sinh cho chúng, chịu mất thời giờ, còn toàn chúng không bị mất thời giờ với những việc bên ngoài, cứ yên lặng tu trong phạm vi hoạt động của mình, trong những giờ tọa thiền sám hối. Mấy chú không nên để phí uổng những giờ quí đó.

Nếu tất cả đều ứng dụng tu đúng như lời Phật Tổ dạy, tôi nghĩ rằng ai cũng sẽ đạt được kết quả tốt không nghi. Bằng chứng là bản thân tôi. Ngày trước, bao nhiêu năm tôi đi giảng dạy nơi này nơi nọ không có giờ tu. Đến khi tôi nhập thất, nghĩ rằng quí thầy đi trước đã từng nhập thất cả mười năm, hai mươi năm còn chưa tìm ra điều mới lạ, mình có hi vọng gì! Nhưng sau ba tháng, tôi đã thấy những cái mới mà hồi xưa chưa từng thấy.

Như vậy mới biết rằng người nào quyết chí tu mãnh liệt, sớm muộn gì cũng có tiến bộ. Nếu nghĩ phải nhập thất mười năm, hai mươi năm mới có thể tiến là hiểu lầm. Chỉ cần chúng ta quyết tâm, cố gắng, liều chết tu thì sẽ tiến không nghi ngờ. Ai quyết tâm chỉ một việc tu, không bị những trần cảnh bên ngoài ràng buộc lôi kéo, nhất định người đó sẽ tiến chớ không lùi.

Vậy nên tất cả chúng phải quyết tâm tu, đừng nghĩ rằng mình tu lâu quá sao không tiến. Người quyết tâm tu thời gian ngắn được kết quả nhiều, còn người tu lơ lơ thì thời gian dài mà kết quả ít. Bởi vậy trong kinh có nói: Các vị Bồ-tát từ địa vị này sang địa vị kia như Sơ địa, Nhị địa... thời gian không nhất định. Người nào tinh tấn nỗ lực tu thì mau, người nào chần chờ giải đãi thì lâu. Như mình học kinh thấy Bồ-tát Di-lặc và đức Phật Thích-ca đồng thời tu, nhưng Bồ-tát Di-lặc thích cầu danh nên tiến chậm, còn Phật Thích-ca tinh tấn tu nên tiến nhanh. Vì vậy đức Thích-ca thành Phật trước đức Di-lặc cả mấy triệu năm.

Như vậy mấy chú thấy sức tinh tấn giúp mình tiến mau, làm cho thời gian rút ngắn. Cùng tu với nhau mà người nào tinh tấn sẽ có tiến bộ vượt bậc, còn người nào chần chờ giải đãi, yếu đuối tiến rất chậm. Vậy nên mỗi người phải ráng tập luyện cho mình có sức quyết tiến mãnh liệt, đừng chần chờ để mất thời giờ quí báu. Không ai biết thọ mạng dài hay ngắn, nhiều khi tu chưa tới đâu đã hết tuổi thọ. Như vậy uổng một đời, nên tất cả phải cố gắng tiến tu.

Ngoài ra, có hai việc tôi cần nhắc trong chúng:

Việc thứ nhất là giữ nhà bếp sạch sẽ, bởi vì những người tới đây thăm có nhiều hạng. Có những vị Trụ trì lớn muốn biết sanh hoạt Tăng Ni ở đây ra sao, hoặc những người muốn nghiên cứu tổ chức của Thiền viện hay khách ở nước ngoài về, nghe đồn muốn đến xem cho biết, nên tôi phải dẫn đi coi từ trên xuống dưới để thấy nếp sanh hoạt của mình, nhất là sanh hoạt chư Tăng riêng biệt bên Tăng, chư Ni riêng bên Ni. Để cho họ khỏi nghi ngờ, tôi dẫn vô nhà bếp xem mấy chú tự nấu nướng lấy, không phải nhờ một cô nào hết. Họ sẽ thấy rằng Thiền viện đáng tin cậy, không rơi vào trường hợp mượn mấy cô nấu nướng rồi có những chuyện lủng củng. Tôi muốn mọi người thấy rõ tổ chức của mình để đủ lòng tin, nhờ vậy tương lai mấy chú làm Phật sự được dễ dàng. Cho nên nhớ dọn dẹp nhà bếp gọn gàng sạch sẽ.

Việc thứ hai là tôi giao T.T coi chừng các dụng cụ, thấy nó gãy hoặc rớt ở đâu, chịu khó đem về kho để thợ mộc tra cán lại. Mỗi người chịu khó có trách nhiệm gìn giữ để bớt hao hụt. Thấy như là việc nhỏ nhưng mà lớn. Một cái cuốc, cái chĩa hư, khi cần không có làm, phải chạy mua cái mới cũng mấy chục ngàn chớ không rẻ. Vì vậy mình giữ những cái gãy cán gom lại để sửa chữa. Những thứ vụn vặt cũng gom lại để dành khi cần xài có sẵn, đỡ hao tốn của Tam Bảo. Đó là chỗ tiết kiệm của mình, mấy chú ráng cẩn thận.

MỤC LỤC
 
Thỉnh Nguyện Tăng
Buổi nói chuyện đặc biệt
Thỉnh Nguyện Ni
Câu chuyện buổi chiều:
Đoạn 1
Đoạn 2

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu