Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 2-Câu chuyện buổi chiều

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 2-Câu chuyện buổi chiều
MỤC LỤC
Lời Đầu
Thỉnh Nguyện Tăng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh Nguyện Ni:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Câu chuyện buổi chiều

=======================================================
CÂU CHUYỂN BUỔI CHIỀU
 
Tu thiền mới nhìn qua thấy như vừa khổ vừa tiêu cực: tu không được nói cười nhiều, không làm việc từ thiện xã hội, cứ ngồi im lìm giờ này qua giờ khác như tượng gỗ. Sự thật, tu thiền là khám phá ra con người thật của mình. Ở đời người ta khám phá vũ trụ, hành tinh này, hành tinh kia; mình ở đây ngồi im lặng để khám phá ra mình là cái gì. Người khám phá được cái gì mới lạ gọi là phát minh, còn khám phá ra mình là cái gì, đó là mục tiêu của người tu thiền. Cho nên ngồi lặng lẽ mà lúc nào cũng tỉnh sáng để thấy rõ chính mình, đó là trọng tâm tu.

Bình thường quí Phật tử làm công kia việc nọ, mắt thấy cảnh, tai nghe âm thanh, lưỡi nếm hương vị, cứ lo chạy theo mấy cái đó mà quên mất mình. Tu thiền cốt quay lại mình, dừng hết những cái bên ngoài. Lúc bận rộn lăng xăng khó thấy niệm khởi, khi ngồi thiền nhờ quay lại mình thấy rõ từng niệm khởi.
======
Bây giờ hỏi quí Phật tử, ngày mồng 9 tháng giêng là ngày cúng sao giải hạn, quí vị có đi chùa không? Quí vị cúng sao để làm gì? có phải để cầu bình an không? Chuyện đó giống như đóng tiền bảo hiểm vậy. Phật tử vào chùa cúng sao, tụng kinh rồi đọc tên của mình xin thần thánh chứng minh để gia hộ bình an. Giả sử, cúng sao rồi ra đường có người nói trái ý, mình la hét, đánh mắng họ thì có bình an không? Như vậy, an không phải là ở cúng sao, chỉ cần tu cho tâm lặng lẽ, sáng suốt thì được bình an. Bỏ năm mươi, bảy mươi ngàn đồng cúng sao, về nhà có ai nói trái ý, mình la hét om sòm, gia đình có bình an không? Cầu như vậy là không đúng lẽ thật, muốn bình an phải ngay nơi tâm mình.

Trong kinh nói tâm mình có ba thứ độc là tham, sân, si. Bây giờ Thầy đổi lại là si, tham, sân. Đây là ba thứ độc, chúng hại mình không phải ở đời này mà ở vô số đời khác nữa. Ba độc này còn hại hơn ba con rắn độc, nên Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
- Nếu trong thất các ông có ba con rắn chui vào, các ông nằm ngủ có yên không?

- Dạ, không yên.

Phật hỏi:

- Làm sao mới yên?

Các vị Tỳ-kheo trả lời:

- Khi nào đuổi ba con rắn ra hết mới yên.

Như vậy, chúng ta có ba độc trong người thì không bao giờ có sự bình an. Muốn bình an phải đuổi ba con rắn độc ra, không chịu đuổi ba con rắn độc mà cứ lo cầu an thì không thể được. Đó là một vấn đề phải khéo sáng suốt, nhận định chín chắn. Người ta bảo phải nhẫn nhịn để đuổi nóng giận. Thường khi bị ai chọc giận, quí vị nhẫn, một lần, hai, ba lần, rồi không chịu nổi nữa, nổi nóng la lên. Đó là nhẫn mà còn có chừng mực.

Bây giờ Thầy chỉ cách đuổi rắn sân một cách nhẹ nhàng. Nếu quí Phật tử làm gì quấy hoặc tội lỗi, người thân hoặc người không thân chỉ lỗi cho thì nên giận hay nên cám ơn?

- Dạ, nên cám ơn.

Mình có lỗi, người ta chỉ lỗi cho mà còn giận, như vậy có đạo đức, có biết phải quấy không? Người tu phải biết việc phải quấy, ai chỉ cái dở cho mình và nói lẽ thật thì phải cám ơn, sám hối và chừa bỏ. Luôn luôn biết và nhớ như vậy thì con rắn sân đã đuổi ra được. Nhất là người nhỏ hơn mình chỉ lỗi, mình vẫn không sân mới hay. Với người lớn thì dễ, chớ người thấp hơn chỉ lỗi, mình không tự ái mà còn cám ơn mới là thứ thật. Đó là bước thứ nhất.

Bước thứ hai, nếu mình không có điều sai quấy mà người khác xác định mình có lỗi, phải làm sao? Trường hợp này hơi khó. Nếu xét kỹ mình không lỗi, không quấy mà người ta nói mình quấy thì lời nói đó sai. Lời nói sai tức người đó không sáng suốt, nghĩ sai, vậy thì chấp làm chi. Thí như vào bệnh viện tâm thần, có những người gặp mình cứ chửi. Mình không giận, chỉ thương họ. Nếu có người giận la lại, người này cũng bệnh tâm thần giống như người kia. Khi người nghĩ và nói bậy, mình sân với họ thì mình cũng bậy luôn. Chỉ nên thương người đó đã nghĩ sai, nói bậy, như vậy sẽ không giận tức và được an vui. Mình sáng suốt, thấy người ta sai quấy đáng thương, còn ăn thua với họ thì mình cũng sai luôn.

Quí Phật tử, khi chúng ta quấy có người chỉ lỗi, mình nên sửa và cám ơn họ. Còn trường hợp mình không lỗi, người ta nói có lỗi, mình nên thương họ chớ không giận hờn. Nếu vậy, cái sân có còn không?

- Dạ, không còn.

- Vậy là quí! Như vậy Phật tử đã đuổi được con rắn hổ lửa rồi. Muốn cầu bình an phải dẹp mấy cái độc đó, đem lại sự bình an cho mình và người. Trong gia đình có bất hòa là tại sao? Tại người này sân, người kia cũng nóng rồi cãi nhau hoài. Nếu trong gia đình mọi người không nóng nảy, biết hối cải lỗi lầm của mình và tha thứ lời nói sai quấy của người khác thì gia đình đó sẽ bình an. Mình và gia đình bình an, đó là thật sự cầu nguyện, chẳng nguyện ở đâu mà nguyện ngay nơi mình. Sao quí vị cứ tìm cầu ở đâu xa xôi, chẳng chịu tìm cầu nơi chính mình? Mình chính là nhân tạo ra sự bất an mà không biết. Hiểu vậy là biết tu.

Trong ba con rắn, năm nay tôi chỉ dạy đuổi một con thôi, còn hai con, năm tới tôi sẽ dạy đuổi, mỗi năm dạy đuổi một con. Nếu đuổi hết ba con rắn, quí Phật tử tuy chưa phải Thánh cũng là bậc Hiền. Tu là như vậy. Ngồi thiền rất tốt, nhưng trước phải đuổi ba con rắn độc xong ngồi mới yên, còn ba con rắn đó ngồi không thể yên. Đang ngồi chợt nhớ hồi nãy có người nói nặng mình, bực tức ngồi không yên. Đuổi ba con rắn độc ra rồi tu pháp môn nào cũng được. Muốn về Cực Lạc thì niệm Phật vãng sanh, còn tu thiền cũng dễ được an định.
======
“Gá thân mộng, dạo cảnh mộng”, thân này chỉ là tạm nương gá, sống ở đời cũng như dạo qua các cảnh trong mộng. Người thấy thân thật và cảnh thật, ra đi rất khó. Vì thấy thật nên sắp chết thương người thân, tiếc tài sản ra đi không đành; còn biết nó là mộng, khi ra đi chỉ cười.

“Mộng tan rồi, cười vỡ mộng”, tụi con thấy được vậy thì cuộc đời sẽ đơn giản. Thân mộng, cảnh mộng, khi bỏ thân này ra đi là tan mộng, vỡ mộng, vui vẻ mà đi.

“Ghi lời mộng, nhắn khách mộng”, Thầy viết bài kệ đó là ghi những lời trong mộng.

“Biết được mộng, tỉnh cơn mộng”, câu này Thầy đắc ý nhất. Thí như tụi con ngủ mê, thấy cảnh này cảnh kia, khi biết nói “đó là cảnh mộng” tức tỉnh cơn mê. Thân này là mộng, biết được mộng thì hết mộng, không khó khăn gì.

Tụi con nhiều khi tu có tiến bộ một chút, ra ngoài thấy cảnh thật, thân thật rồi phiền não lại len vào. Nếu thấy thân mộng và người mộng thì có gì phiền não! Những thứ hơn thua, phải quấy là trò chơi, không có nghĩa lý gì. Người ta có chửi, mình cũng nằm ngủ khò. Giả sử bây giờ có ai chửi tụi con, tụi con vào nằm ngủ được không? Chắc là không ngủ yên được, trằn trọc suốt đêm, đó là do thấy thân thật, nên mọi hành động, ngôn ngữ đều thật hết. Chúng ta phải dùng trí tuệ thấy hành động và ngôn ngữ hư dối, không thật thì mới hết phiền não.

Không có Thiền sư nào thấy cuộc đời này thật hết. Ví dụ, ngài Vạn Hạnh thấy thân như điện chớp... Nói đi nói lại cũng phải dùng trí tuệ chân thật để nhìn kỹ, thấy tường tận cuộc sống là hư dối. Tụi con còn nhỏ, mới mấy chục năm chưa thấm mùi đạo nên thấy thân là thật. Còn Thầy thấy thân là mộng lâu lắm rồi chớ không phải đến bảy mươi tuổi mới thấy. Tụi con khéo ứng dụng đúng lời Phật dạy, đó chính là tu, không phải giờ ngồi thiền mới tu mà lúc đi đứng nằm ngồi cũng đều nhớ lẽ thật. Tu trong mọi hành động là thường nhớ được lẽ thật.

Nếu thấy thân là mộng, dù có ai chửi bới hay nói nặng đều không giận. Bản thân không có giá trị thì lời nói đâu quan trọng gì. Biết vậy sự tu hành sẽ không bị trở ngại. Còn thấy thân thật, khi người ta làm nặng, mình làm nhẹ thì chịu, ngược lại không vui; người ta được khen mình bị chê cũng buồn. Cái gì cũng buồn tất phiền não nảy sanh, dễ thối tâm Bồ-đề, trái lại thấy gì cũng như như sẽ không thối tâm Bồ-đề. Cuộc đời là huyễn có gì đâu mà buồn, giận. Sở dĩ người ta phiền não, khổ đau là tại chấp mình thật, hết chấp thì còn chuyện gì buồn. Cho nên học kinh điển đầy bụng, nếu không ứng dụng được, phiền não vẫn phiền não, ứng dụng được sẽ thảnh thơi nhẹ nhàng. Nên học giáo lý chỉ là nhắc đi nhắc lại cho tụi con thấm.

Các vị Thiền sư nói, giống như Phật dạy. Đức Phật thấy các pháp duyên sanh như huyễn, không có gì thật nên Ngài sanh tử tự tại, còn mình thấy thật nên sống chết không được tự do. Vì thấy thân thật nên sợ bệnh, chết, sợ người khinh bạc, sợ tai nạn, sợ bị chê cười... đủ thứ sợ nên khổ. Lo sợ là nhân đau khổ. Nay thấy nó không thật còn gì đâu mà lo sợ. Không lo sợ nên không khổ. Tụi con phải khéo tu. Mỗi tháng Thầy dạy hai lần cũng như vậy, nhắc hoài mỗi ngày cũng bấy nhiêu đó, không có gì lạ. Học trò đi học ôm cặp vô trường nghe dạy nhưng không hành, học là để dành, còn mình nghe thấm rồi ứng dụng, đó là học để tu.

Tu khỏi thi cử gì hết, đứa nào tu được thì đậu, đứa nào tu không được là rớt chớ không có thi. Ai nghe lời Phật Tổ dạy khi gặp duyên xúc cảnh tự tại thản nhiên là đậu. Nếu không được vậy, dù có thuộc lòng và trả bài đúng cũng chưa đậu. Đó là chủ trương của Thầy rõ ràng. Mấy đứa nghe, biết rồi ứng dụng tu, không cần thuộc lòng từng câu từng chữ, chỉ cần hiểu rõ để ứng dụng, khéo sống, đó là biết tu. Làm sao đi tới đi lui lúc nào cũng tươi như hoa, dù đau bệnh rên hừ hừ vẫn tươi không héo, rên mà tươi chớ không phải rên mà héo, vậy mới hay. Còn tu mà buồn rầu, ngồi đâu bí xị đó là không tốt, là triệu chứng bất thường. Người ta nói, Thầy nói chuyện hay cười quá, cười cũng là thói quen của Thầy! Cái cười đó đâu có thiệt thòi, thấy cuộc đời không nghĩa lý gì, không có chi quan trọng nên cười hoài.

Cũng như có vị Thiền sư tới Thiền viện, ông nói cười vui quá làm ồn trong chúng. Thầy Tri sự thưa Hòa thượng: “Có vị Thiền khách mới tới nói chuyện làm ồn trong chúng.” Hòa thượng gọi ông lên hỏi có phải vậy không, ông thưa: “Dạ, phải.” Hòa thượng nói: “Sao ông không có oai nghi vậy?” Ông bạch Hòa thượng rằng: “Bạch Hòa thượng, cuộc đời là mộng, mà con muốn sống mộng vui hơn là mộng buồn!” Nghe vậy Hòa thượng chỉ lắc đầu cười. Tụi con thấy người xưa như vậy đó, vui trong cái thấy được lẽ thật chớ không phải vui trong nói cười náo động.
======
Ai đến đây cũng nói cảnh này giống cảnh tiên, nhưng mấy cô tiên ở đây lâu lâu lại muốn xuống trần tục phải không? Do khởi tâm quyến luyến trần tục nên xách gói đi. Bởi vậy ở đâu mãi người ta cũng không bằng lòng. Đó là tâm trạng của Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhập Thiên thai rồi lại nhớ trần tục trở về. Đến khi muốn trở lại Thiên thai không được. Tại sao vậy? Vì về trần tục rồi quên đường lên Thiên thai. Cũng như vậy, ai quyến luyến trần tục rồi, trở lại tu hành không được.

Bởi vậy tụi con phải gan dạ. Người xưa quyết tâm tu, ở núi non, sống rất đạm bạc, mấy mươi năm không chán, luôn luôn nhìn lại mình thấy chỗ nào khuyết, chỗ nào ưu. Nếu khuyết còn thì chinh phục, đâu có rảnh để nhớ bà con, thân bằng quyến thuộc. Tụi con tu không chịu lo điều phục mình nên cứ nhớ anh em bà con, rồi nó thúc mình đi thăm người này, người kia. Cái lỗi là tụi con nuôi dưỡng nó, nên nó có sức mạnh lôi tụi con đi. Nếu nhớ liền bỏ thì không có gì lôi được.

 Thí như ở đây khởi nhớ Huệ Chiếu, bỏ liền thì đâu bị nó dẫn. Còn cứ nhớ Huệ Chiếu bây giờ như thế nào, không biết mọi người có khỏe không... rồi bị nó kéo đi dài dài. Nên kỳ rồi Thầy dạy, thấy cảnh chỉ thấy cảnh thôi. Tụi con có xen niệm thứ hai, thứ ba không?

- Dạ, có.

Vậy nên tu lâu mà không ra gì, ngồi thiền cứ nhớ chùa, nhớ Thầy, huynh đệ, nhớ những người làm mình vui, buồn, rồi chạy lung tung. Nếu tụi con kiểm soát chặt chẽ, niệm khởi liền buông thì không có niệm nào lôi kéo tụi con hết. Bởi vậy, tụi con khéo tu đàng hoàng chắc chắn có kết quả tốt. Như năm rồi, tối thiểu được ba người cười và khóc trong khi nhập thất. Chỉ vì có đến hai, ba niệm, không chịu một niệm nên khó ngộ được. Tụi con phải cố gắng. Người ta được thì mình cũng phải được.

Trong khi tu chỉ quyết một niệm tu thôi, đừng tính chuyện về giảng kinh hay dạy tu thiền cho người này, người kia. Mình chưa xong lấy gì mà dạy, muốn dạy cho người, việc mình phải giải quyết xong. Vậy nên mọi ước muốn đó phải gác qua một bên. Tụi con tu được rồi, mở miệng là Phật pháp, ai đến thì dạy tu thiền, khỏi nghĩ ngợi xa xôi. Người tu có đạo đức chân thật thì ở xa mấy người ta cũng tìm tới, còn cứ xách gói đi giảng hết nơi này đến nơi nọ, thao thao bất tuyệt, mới giảng người ta nghe, giảng lâu rồi người ta thấy nói được làm không được nên chán không muốn nghe. Bởi vì giảng xuống ai chọc giận nổi tức lên, ai làm hơi trái ý cũng giận, thì lời giảng của mình đâu còn giá trị gì. Đó là chỗ người ta đánh giá người tu.

Thầy muốn tụi con đứa nào cũng phải gan dạ. Gan cùng mình mới dám lên đây, nhưng phải gan thêm chút nữa là dám bỏ những điều khó bỏ. Lên đây được cảnh đẹp, mát mẻ, ăn uống tạm đầy đủ, không thiếu thốn gì, chỉ còn có nỗ lực tu. Vậy mà cứ ngồi mơ chỗ này tưởng chỗ kia, Thầy nếu có kính thần thấy được, Thầy lôi ra đánh đòn ngay. Cứ nghĩ những chuyện ở đâu phí thời giờ vô ích!

Phải quyết gạt bỏ những chuyện đâu đâu không phải mục đích mình nhắm. Đừng sợ không học rồi sau lỡ thành Phật không biết thuyết pháp. Đức Phật tu không học với ai, nhưng khi thành Phật nói gì cũng là pháp. Pháp ở chỗ mình tu ngộ đạo, còn pháp mình học được là pháp mượn. Bây giờ có nhiều đứa sợ mình dốt rồi thuyết pháp không được. Thuyết pháp không được là vì mình vay mượn của người khác, chớ dốt mà tu được thì nói ra lời gì cũng là đạo, biết sao nói vậy có gì không được!

Trong khi ứng dụng tu, tụi con chỉ chết sống trong sự tu thôi, đừng mơ tưởng ước ao gì bên ngoài, như vậy sẽ có kết quả. Chết sống trong một việc mới thành công. Ở đây nhiều người xách gói chạy đông chạy tây có thành công đâu. Đi một lúc rồi bơ vơ phiền muộn. Ở đây, giờ, tháng, năm này, cứ một niệm tu thì có ai rầy. Nếu chăm chỉ lo tu không buồn giận ai, niệm khởi buông bỏ, còn có chuyện gì để nói? Ngồi nói líu lo cả buổi là chạy theo niệm, lôi chuyện này, chuyện kia ra tán dóc hoài. Nếu niệm khởi mình dừng lại thì còn gì để nói. Như vậy, khi tụi con nói líu lo là Thầy biết không sống với hiện tại. Nếu tụi con muốn tu, phải chết sống với niệm hiện tại này.

Những niệm nhớ cha nhớ mẹ phải bỏ, vì nhớ cũng không làm gì được, khi nào ba má bệnh cho hay thì về thăm. Nếu nhớ cha mẹ không nỡ rời thà ở nhà nuôi, đi xuất gia làm gì? Vì nghĩ đến cái cao siêu hơn cuộc đời nên đi tu để độ cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu, ở nhà có anh em nuôi dưỡng cơm áo, còn mình lo về tinh thần. Xưa có câu: “Người tu đạt đạo cha mẹ được sanh thiên.” Độ cha mẹ là ở chỗ đó, nên đừng để niệm dẫn đi đây kia lăng xăng. Như chuyện ngài Hoàng Bá và Hòa thượng Cua đã chứng minh. Cho nên thương cha mẹ không gì hơn là ráng tu. Nếu ở đây mà cứ nghĩ, ba má mình già quá rồi không biết nay thế nào, lo lắng nghĩ suy như vậy không có lợi gì cho ba má, cũng không có lợi cho mình.

Tụi con phải thực tế, quyết tâm và có lập trường làm việc gì ra việc đó thì mới thành công. Nếu không, tu mười năm, hai mươi năm cũng không ra gì. Rồi khi lớn lên ra lãnh chùa, không có tiền, ai bảo bói cũng bói, lâu ngày làm tào lao đủ thứ. Nếu tụi con tu đâu đó đàng hoàng, có kết quả, dù ở núi non người ta cũng tìm tới học. Bởi vậy, mỗi khi tụi con có chuyện phiền hà với nhau, Thầy chỉ trách là chăn trâu không kỹ nên mới có phiền não. Nếu nó vừa ló đầu ra biết liền thì đâu có sanh chuyện.

Ở đây, Thầy tạo duyên cho tụi con chăn trâu kỹ, không cho tiếp khách, không cho ra ngoài nhiều, nên thấy tù túng, nói Thầy khó quá. Khó hay là thương? Phải xác định cho rõ thì việc làm tụi con mới có ý nghĩa. Nhiều khi tụi con ngỡ rằng ai cho mình thong thả, tự do là người thương mình, còn bó buộc tức không thương. Thầy muốn tụi con sống một ngày xứng đáng một ngày, một tháng xứng đáng một tháng, ngày nào ở đây là ngày đó quyết tâm tu. Nếu tụi con tự tạo duyên để bận tâm, đó là dại khờ trái với sự sắp đặt, lo lắng của Thầy. Nhớ như vậy tụi con tu sẽ thành công.

Thầy thấy những người quyết tâm tu trong thời gian nhập thất có kết quả rõ ràng, không phải ba tháng, mà bốn mươi chín ngày cũng có kết quả tốt. Mấy hôm nay được tin đó, Thầy rất vui. Tụi con tu tiến Thầy mừng, chớ xìu xìu hoài Thầy không vui. Người ta nhảy vọt được, tụi con sao lại không? Trong sự tu không ai giỏi hơn ai, chỉ là biết sử dụng thời giờ chăn trâu cho miên mật, đừng để hao phí vô ích, đó là khôn ngoan và thành công.

Có một người, Thầy không nói tên, hồi xưa có gia đình và một đứa con. Lúc còn cư sĩ nghe Thầy giảng kinh Lăng Nghiêm, về nhà chú quyết tâm đi tu. Người bạn không vui nhưng cũng không giữ được. Chú lên đây xuất gia, đứa con gởi người khác nuôi. Người bạn có chồng khác, đứa con gọi điện lên cho chú hay để về giải quyết, chú cũng không về. Như vậy là gan cùng mình. Người bình thường nghe xót ruột chạy gấp về giải quyết, còn chú này nhất định tu, chết sống không đi. Hôm được nhập thất bốn mươi chín ngày, chú cũng “khóc cười”. Người quyết tâm tu chết sống tất thành công, dù cho trước ở ngoài đời có những niệm thế gian ràng buộc, khi tu dứt khoát không ngó lui sẽ có kết quả khả quan. Nhiều khi từ bé đi tu thanh tịnh, nhưng nếu thả trôi hoài cũng không tới đâu. Thanh tịnh là tốt mà phải can đảm quyết tử thì mới có kết quả.

Thầy nói hoài, Thầy không sống đời, chỉ còn thời gian năm năm nữa Thầy buông hết, tụi con ráng tu. Thầy tạo điều kiện cho tu, nếu tụi con lơ là, khi Thầy theo Phật, khóc cũng vô ích, rồi lúc xuống núi ra sao? Phải quyết tâm tu, nỗ lực, can đảm, cái gì làm mình mất thời giờ thì bỏ, chỉ một việc tu thôi. Tu không có gì lạ, chỉ lo chăn trâu, chăn cho thật cẩn thận đó là tu thành công
======
Hôm qua có mấy người bà con đến thăm. Có người cô hỏi Thầy:

- Bạch Thầy, sao con càng tu nó càng phá công việc của con?

- Như vậy cho ngộ sớm chớ có gì đâu mà phiền! Bởi vì mình tu là phải sửa bỏ những tật xấu như nóng giận, bây giờ có người chọc giận, mình nổi nóng là chưa khéo tu. Nếu người ta chọc giận, mình không nóng là thành công. Tu phải có thử thách, nhờ thử thách mới tiến bộ, như học trò đi học cuối năm phải đi thi. Nếu mình vượt qua được thử thách là thi đậu lên lớp. Như vậy khi tu gặp khó khăn là cơ hội tốt để mình vươn lên.

Giả sử Thầy nói tu hạnh nhẫn nhục mà người ta tới bái xá hoài, đâu có gì để nhẫn. Lâu lâu phải có người đến chửi một chút. Nếu có người chửi mà Thầy vui tươi không đổi sắc mặt là thành công. Bởi vậy, tu là phải có thử thách, đó là cơ hội tốt để tiến lên, đừng buồn hay sợ. Không nên nói, sao mình tu hiền lành mà cứ bị phá hoài. Phá là thử mình đó, ai được thử mới mau tiến. Biết đâu những người chọc mình là Bồ-tát thử coi mình tiến nhiều hay ít, đâu phải người phá hoàn toàn là xấu.
======
Mấy hôm nay Ni chúng tu tiến bộ nhiều không? Người ta thường nói: “Người tu tiến được, gió thổi không bay.” Gió thổi không bay thì có cãi nhau không?

Bây giờ nhắc cho Ni chúng và luôn cả Phật tử, mình tu cho mình hay cho ai? Nếu tu cho mình có phải ích kỷ không? Có những Phật tử đến hỏi Thầy: “Sao Thầy để cho quí thầy, quí cô ngồi tu hoài, không làm gì cho xã hội hết, như vậy có ích kỷ không?” Thầy thí dụ, những em học sinh còn nhỏ, đi học từ tiểu học đến trung học rồi đại học, cứ cắm đầu học cho giỏi là có tội ích kỷ không?

- Dạ, không.

Vì muốn cho đất nước ngày mai giàu mạnh nên bây giờ các em cố gắng học, khi có khả năng giỏi sẽ làm lợi cho đất nước. Cũng như vậy, muốn cho tương lai đạo pháp sáng sủa, tốt đẹp, bây giờ Tăng Ni phải ráng tu cho có đức hạnh, mai kia ra truyền bá mới có lợi. Nếu bây giờ tu sơ sài, sau ra làm Phật sự, khởi tham sân si thì có đạo lực không? Như vậy Tăng Ni ở một chỗ tu là tiêu cực hay tích cực?

Tụi con sau lớn ra làm Trụ trì, phải có đạo đức mới dạy Phật tử tu được. Muốn có đạo đức, nay phải kềm chế nhắc nhở, mai kia mới làm người hữu dụng được. Như vậy, tụi con cũng như Phật tử hiểu rõ ý nghĩa mình ngồi một chỗ tu không phải là ích kỷ. Mai này Thầy cho người lớn đi hết, đâu có giữ hoài, để chỗ cho người khác tới tu. Bởi vậy, bây giờ là lúc kềm chế ở một chỗ để tu, ai khôn ngoan cố gắng nỗ lực tu hành trong thời gian này, quí từng ngày không phí uổng.

Đi tu là nguyện tự giác giác tha. Bây giờ đang giai đoạn thứ nhất là tự giác, ngày đêm quyết tâm ngồi tu cho được định, trí tuệ sáng, đó là tự giác. Như vậy ngồi thiền buông bỏ vọng tưởng là định, dấy niệm là động. Lặng là định, định phát sanh trí tuệ. Muốn có định tuệ, vọng tưởng lặng xuống thì trí tuệ sáng. Tụi con phải nguyện không phiền não. Hôm nào tụi con buồn phiền huynh đệ, lúc ngồi thiền yên không?

- Dạ, không.

Ngồi thiền vọng tưởng cứ trào lên hoài, không định được thì làm sao có trí tuệ? Bởi vậy tụi con tập, khi huynh đệ làm trái ý, hãy tự nghĩ: “Chắc gì mình không làm trái ý người khác. Người ta làm trái ý mình thì giận, còn mình làm trái ý người ta sao không tự trách?” Trên đời đâu có ai giống ai, không phải như khuôn đúc. Ở nhà cha mẹ sanh ba bốn đứa con tâm ý đâu giống nhau, huống là tụi con ở gia đình khác, cuộc sống và cách giáo dục khác, tâm ý làm sao giống được. Người biết tu thì phải bỏ qua những cái khác đó cho hòa nhau. Tụi con hiểu nghĩa hòa là đồng hay hòa là sao?

Thời đức Phật có các vị Tỳ-kheo tranh chấp với nhau, Phật khuyên không chịu bỏ, Ngài đi vào rừng, rồi tới thất của ba vị Tỳ-kheo Tiên-tỳ-la, Nan-đề và A-na-luật. Đức Phật hỏi:

- Các ông ở chung như vầy có phiền não với nhau không?

Các vị trả lời:

- Dạ không, chúng con luôn luôn xả cái ý riêng để hòa nhau, người nào cũng biết xả là hòa.

Tụi con ở đây cũng vậy, đừng chấp cái suy nghĩ của mình. Thầy thấy có những người, chấp cho ý mình là đúng, huynh đệ nói khác liền giận. Khi người ta nói khác mình, nên tự xét lại ý mình chưa chắc là đúng. Ý khi nghĩ như vầy, khi nghĩ khác, chắc gì đúng, nên xả bỏ ý riêng của mình, như vậy là hòa. Hòa là xả riêng tư để sống chung với nhau, chớ không phải đồng là hòa.

Việc tu của tụi con muốn tiến, trước hết phải giới hòa đồng tu, ngăn ngừa phiền não. Giữ giới rồi sanh định, phát tuệ. Ví dụ, có người ở thế gian giữ năm giới, hôm nào đó thấy của người ta, khởi lòng tham đi ăn cắp. Lúc về ngồi niệm Phật hay tọa thiền có yên không? Hay cứ nghĩ, mình chứa đồ đó người ta có biết hay không? người ta có bắt mình không? Ngồi nhớ như vậy hoài làm sao yên. Đó là tại mình không giữ giới nên tâm không định, thì làm sao phát sanh trí tuệ. Nên phạm giới là không tu được. Vì vậy, đầu tiên là giữ giới. Giới hòa mấy năm nay tụi con có hành được chưa? Thuộc rồi còn phải hành cho được.

Tu không phải là mong tưởng ngày mai mình thành Thánh, tu là phải thực hành cho được những gì Phật dạy. Mình ứng dụng được thì sau này sẽ có kết quả, còn ngồi mong thành Phật mà không chịu thực hành lời Phật dạy, có thành được không? Có nhiều người mơ ước được thành Phật, nhưng không chịu sửa những cái xấu dở của mình, cũng giống như mấy đứa học trò, không chịu học bài mà đến kỳ thi muốn đậu, chuyện đó không bao giờ có.

Hằng ngày không chịu tu lại cứ mơ Phật về xoa đầu, thọ ký thành Phật, chuyện đó không thể có.

Bây giờ tụi con hằng ngày nhớ những kinh điển Phật, Tổ dạy, những gì Thầy thường nhắc, ứng dụng triệt để thì thành công, khỏi mơ ước gì cả. Nếu không thực hành, dù mơ ước mấy cũng không được. Bởi vậy, nói tu là hành, thực hành cho được những gì mình học. Như đức Phật dạy bỏ tam độc, khi con rắn sân vừa khởi lên liền dừng, không để tới giận đỏ mặt, con rắn hổ lửa nổi lên thì không cứu được.

Trên đường tu tụi con phải gan dạ, cố gắng thực hiện cho được lý tưởng giác ngộ giải thoát của mình mới xứng đáng đời tu. Đã phát nguyện hi sinh một đời để cầu giác ngộ, độ chúng sanh, đó là mục tiêu phải làm cho được. Không phải chùa to, Phật lớn, đệ tử nhiều là xứng đáng, mà phải giác ngộ độ chúng sanh. Phật là giác, đệ tử Phật mê thì không được. Phải giác mới xứng đáng là đệ tử Phật.

Kể cả Phật tử cũng phải như vậy nữa, nếu không giác hoàn toàn thì giác phần nào, biết cái này tội cái kia phước, biết cái nào tà, cái nào chánh, rành rẽ không lầm lẫn, đó là giác. Chớ ai bày gì làm nấy là mê không phải giác. Tu theo Phật mà mê là không được.
======
- Sao, lúc này tụi con tu có đại hoan hỉ không?

- Dạ, hoan hỉ.

- Có thật không? Bây giờ Thầy hỏi, tụi con tu thiền như vậy để được cái gì?

- Bạch Thầy, tất cả thời đều không có chỗ được!

- Tại sao không có chỗ được?

Thôi, để cho tụi con ngẫm đó! Bây giờ Thầy nói chuyện khác. Sáng này Thầy dẫn một phái đoàn ở Nha Trang có quí thầy, quí cô vào thăm. Họ nói nơi đây thật là lý tưởng. Còn ông cư sĩ là bác sĩ Dư nói: “Con nguyện sau khi chết, con trở lại sớm để đến đây tu.” Qua những lời nói đó, tụi con thấy nơi đây có đủ thắng duyên tu hành, nhiều người khao khát, tụi con ở đây năm mười năm nếu không xứng đáng thật là xấu hổ. Đó là điều Thầy nhắc cho tụi con nhớ trách nhiệm của mình.

Thầy nói rõ cho tụi con biết, đây là lý tưởng tối hậu của đời Thầy, tạo duyên cho Tăng Ni tu được, khi Thầy theo Phật có những Tăng Ni tiếp tục thế cho Thầy. Như vậy, trách nhiệm của tụi con nặng không? Việc to lớn như vậy, không có đứa nào ở đây mà trách nhiệm nhẹ hết. Bởi vậy, tụi con phải dồn hết vào một việc tu, còn chuyện huynh đệ được mất phải quấy là trò trẻ con không đáng bận tâm, dù cho ai nói hơn thua gì đều bỏ qua hết. Bây giờ cái quan trọng của tụi con là làm sao để mai kia gánh vác được những việc Thầy đang làm.

Mới hôm qua Thầy nhận được điện thoại. Có một Phật tử trong đoàn Thái Tuệ hôm trước lên cúng dường, về dưới hai hôm rồi ngồi thiền tới nay chưa xả. Ông viết giấy để ở ngoài, dặn con cái đừng động để cho ông ngồi. Mấy đứa con sợ quá gọi điện thoại cho Thầy, hỏi Thầy như vậy có sao không. Thầy hỏi: “Thấy gương mặt ông thế nào, có tỉnh táo không?” Nó nói: “Ba con ngồi thẳng bon giống như vách núi, gương mặt hồng.” Thầy nói: “Không sao đâu!”

Tụi con thấy cư sĩ mà ngồi tới ba ngày rồi, không biết khi nào mới xả. Người cư sĩ nhiệt tình tu vẫn có kết quả tốt. Tuy nhiên ngồi ngày này qua ngày kia không phải là chủ trương của Thầy. Thầy chủ trương ngồi hai tiếng thôi, nhưng người ngồi lâu như vậy là sức định mạnh, nếu không định không bao giờ ngồi được như vậy. Như tụi con thấy, mình ngồi hai tiếng đồng hồ ra, còn có nhu cầu này kia, đây ngồi ba ngày không có nhu cầu gì hết. Có nhiều vị cư sĩ gởi thư trình kết quả tu hành, Thầy thấy rất mừng. Thầy mừng vì người cùng tu với mình có được kết quả tốt. Cho nên tụi con ráng làm mẫu mực cho họ, đừng để họ làm mẫu mực cho mình, đừng để mình tu kém họ thì không thể làm thầy hướng dẫn họ được.

Như bây giờ ở Phan Thiết có nhóm Phật tử thành lập đạo tràng, ở Phan Rang nhóm Phật tử bác sĩ Dư vừa xin phép Thầy lập đạo tràng. Như vậy từ từ ở các nơi mở đạo tràng tu thiền. Ở thành phố có hai đạo tràng Thái Tuệ và Tuệ Tâm. Còn ở xa, như ngoài Bắc có đạo tràng Trúc Lâm Quán Sứ, mỗi chủ nhật có khoảng hai trăm người đến sám hối tọa thiền. Đạo tràng Tuệ Đức cũng có khoảng trăm vị sanh hoạt mỗi tuần. Đó là duyên tốt mở mang Phật pháp, một mình Thầy đâu có làm hết được. Nếu tụi con tu không ra gì thì phí công Thầy, lại làm mất cơ hội tốt để mở mang Phật pháp.

Trở lại vấn đề hồi nãy Thầy hỏi tụi con. Ngồi thiền cầu cái gì? Tụi con trả lời chưa ổn, bây giờ Thầy nói cho tụi con nghe. Mình ngồi thiền không mong cầu bất cứ một cái gì bên ngoài. Nếu có cầu bên ngoài là thiền ngoại đạo. Tại sao vậy? Vì trong nhà Phật có nói: Ngoài tâm cầu Phật không thể được. Phật ở tự tâm, không ở bên ngoài. Tại sao Phật ở tự tâm? Vì Phật là giác, là trí tuệ, mà trí tuệ từ đâu tới? Trí tuệ từ tâm mình chớ không từ đâu tới. Nếu từ ngoài tới thì không phải là mình. Như vậy mới hiểu tại sao mình ngồi thiền cho có trí tuệ.

Trong nhà Phật có ba môn: Giới, Định, Tuệ. Tâm yên rồi có trí tuệ sáng suốt. Tại sao? Vì đã bao nhiêu đời kiếp, thấy thân duyên hợp tạm bợ này là thân thật của mình, tâm suy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu đó cũng là tâm của mình. Như vậy là mê, thật đáng thương! Xem trong kinh Phật dạy, rồi mình xét kỹ lại trong thân này, những lóng xương ráp lại là sườn, gân là dây cột ráp các xương, ở ngoài tô đắp bằng máu thịt, bao bọc bởi lớp da, không có gì thật. Khi hết duyên thân bại hoại. Nếu nó là mình, khi nó bại hoại là mình mất sao?

Tâm nghĩ hơn thua phải quấy chợt có chợt không, khi nhìn lại cái hơn thua phải quấy đó thấy rõ chỉ là bóng, đâu phải thật mình. Lâu nay người ta mê muội cho đó là thật mình, rồi chấp chặt cái suy nghĩ của mình là đúng, ai nghĩ khác liền cãi. Cái nghĩ không phải thật mình, mình nghĩ cũng chưa chắc gì đúng. Hôm nay ở hoàn cảnh này nên nghĩ như vầy, ngày mai hoàn cảnh khác mình nghĩ khác. Có những việc mình chưa từng nghĩ, nó vẫn tới, việc mình tính toán kỹ càng, chắc trăm phần trăm lại không tới. Thí dụ như trời kéo mây mờ mịt, tụi con nghĩ sắp mưa, đi đậy đồ, nhưng lát sau gió thổi mây tan hết. Có khi không nghĩ mưa, bất chợt lại mưa ào ào. Như vậy mình nghĩ không chắc đúng, mà lại bám vào đó tranh hơn thua là khờ dại.

Bởi vậy, ngồi thiền cốt cho tâm lăng xăng lặng xuống, tâm hơn thua phải quấy dừng, dừng rồi thì tâm chân thật hiện đầy đủ không thiếu. Cái đó mới thật là mình. Bây giờ Thầy thí dụ, nếu tâm suy nghĩ là mình, lúc không suy nghĩ tốt xấu, phải quấy, là không có mình, phải không? Như hiện giờ tụi con ngồi chơi nhìn mây nhìn núi, tâm không nghĩ gì hết, lúc đó có mình không?

- Dạ, có.

Cái thầm lặng đó không bao giờ rời mình, vậy mà mình cứ nhận lấy cái lăng xăng, thật là mê muội đáng thương! Thế nên đức Phật dạy mình ngồi thiền lắng vọng tình để cái chân thật hiện ra. Cũng như mặt gương khi có bóng này bóng kia, mình theo bóng quên gương, khi không bóng mặt gương hiện rõ ràng. Gương không đổi dời, không phải khi có khi không, chỉ có bóng kẻ qua người lại là lúc có lúc không. Gương lúc nào cũng hiện tiền, nhưng vì bận nhớ bóng nên quên gương, chừng nào hết bóng mới nhớ tới gương.

Cũng như vậy, tâm chân thật của mình là tâm giác, tâm Phật, luôn hiện tiền, nhưng do những vọng niệm cứ khởi lên hoài nên chạy theo phải quấy, thương ghét, giận hờn cả ngày. Dừng lặng hết bóng thì cái thật hiện tiền. Cái thật từ đâu tới? Sẵn có nơi mình, nên nói không có cái gì được. Vì mình có mà quên, bị vọng tưởng chi phối, nay dừng hết vọng tưởng thì cái thật sẵn có hiện tiền. Đó là trọng tâm tu.

Nếu chúng ta chạy theo thân sanh diệt, tâm sanh diệt, thì sẽ luân hồi từ kiếp này sang kiếp nọ. Đời này được quả tốt lại chạy theo hơn thua phải quấy nên đời sau xấu hơn một chút, đời sau theo hơn thua phải quấy, quả xấu hơn chút nữa. Phật dạy thân người khó được, nay được thân người mà vì mê lầm nên đi xuống mãi. Hiện giờ dừng lại, làm chủ hoàn toàn thì ngay đời này giải thoát, thảnh thơi.

Khi tụi con không suy nghĩ gì hết, lúc đó có buồn không?

- Dạ, không.

Ngồi đây nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh em mà không được gặp mới buồn, còn ngồi thản nhiên tự tại không có một niệm nào hết thì an lạc, thảnh thơi. Như vậy, trọng tâm tu không cầu cái gì hết, chính là lặng những vọng tưởng lăng xăng tức tánh giác hiện tiền. Khi đó gọi là ngộ chớ không tìm kiếm đâu xa. Như vậy đạo ở đâu?

- Dạ, ở nơi mình.

Ừ! Đạo là chân lý hiện hữu nơi mình mà mình quên. Tầm đạo không phải chạy lên non lên núi mà là quay lại mình, phủi hết những vọng tưởng, bụi bặm, nhà Phật gọi là trần lao. Phủi hết trần lao thì tánh gương hiện nên gọi là đại viên cảnh trí. Đó là một lẽ thật, không khó, không phải ở đâu xa. Người ta cứ tưởng ngồi thiền để thấy hào quang hay bay bổng đi đây đi kia. Đó là trò chơi nguy hiểm, nhiều khi bay đi rồi trở về không được cũng khổ. Bởi vậy ngồi thiền cốt lặng hết những điên đảo vọng tưởng, nhận được cái chân thật nơi mình.

Trong nhà Phật có nói rõ hai thứ trí. Học kinh, đọc sách để hiểu biết rộng rãi là hữu sư trí. Kiến thức rộng là kiến thức vay mượn chớ không phải của mình. Chỉ khi nào tâm lặng, trí sáng ra, đó là vô sư trí, là cái thật của mình. Những nhà bác học khi nghiên cứu một vấn đề chưa ai biết, họ dồn hết tâm lực vào đó, lâu ngày bỗng nhiên sáng lên, chạy mừng la. Cái đó có ai dạy đâu, vì dồn hết tâm lực vào một việc, tâm hết lăng xăng nên trí vô sư hiện. Họ nghiên cứu vấn đề nhỏ thì sáng vấn đề nhỏ, chúng ta tu là nghiên cứu vấn đề lớn. Con người là vấn đề lớn nhất trong vũ trụ.

Sống trong vũ trụ mà không biết mình là gì thì vô nghĩa, quay lại tìm cái gì thật nơi mình là vấn đề tối trọng yếu. Dù chúng ta có bao nhiêu sự nghiệp, bao nhiêu của cải mà không biết mình là gì thì cuộc sống cũng trở thành vô nghĩa. Phải quay lại tìm cho ra cái thật nơi mình, đó là trên hết. Nên vấn đề mà người tu đang thực hiện là trọng đại chớ không phải tầm thường. Người ta thấy mình ngồi yên lặng lẽ như vậy cho là tiêu cực, yếm thế, nhưng thật là mình đang nghiên cứu, tìm tòi một vấn đề tối trọng, khi phát minh ra rồi sẽ chỉ cho mọi người biết họ có cái thật mà quên. Đó là ý nghĩa thâm trầm của việc tu, nhất là tu thiền.
======
Mấy hôm nay tụi con có đọc quyển sách “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi” chưa? Tụi con có sợ người ta rầy Thầy không?

- Dạ, thưa không.

Hiện nay người tu Phật, nào trống, chuông, mõ, kèn, chạy theo âm thanh, sắc tướng đủ thứ làm sao tâm lặng lẽ được. Tâm không lặng lẽ làm sao thấy được lý thật. Nếu Thầy sợ nói ra mích lòng, cứ để như vậy, biết cái đó là sai mà không nói thì cũng như hùa theo, nên buộc lòng phải nói. Biết nói là có đụng chạm nhưng Thầy chấp nhận, ai la thì la, miễn Thầy chỉ được cái gì Thầy thấy hay, đó là trách nhiệm của Thầy, còn nghe hay không là quyền của người ta. Mình tu có đường lối hẳn hoi chớ không phải làm việc vô nghĩa.

Hôm qua có Silvie ở Indonesia đến thăm Thầy, đi với hai người Nhật. Lúc gần về Silvie thưa với Thầy là ở bên Đài Loan có Hòa thượng Tinh Vân muốn mời Thầy qua bên đó giảng thiền. Hôm trước có Pháp sư Huệ Hải là đệ tử của Hòa thượng Tinh Vân qua đây, tham quan các Thiền viện mình, có ý mời Thầy qua đó, Thầy không dám nhận.

Ở đây, Thầy lo cho tụi con tu hành đến nơi đến chốn. Tụi con tu được rồi dạy Phật tử tu, đó là điều chủ yếu. Tụi con nên biết là mình đang ở trong hoàn cảnh rất thuận trên đường tu, phải ráng tinh tấn, chớ để uổng phí thời gian. Bởi vì Tăng Ni là người hướng dẫn Phật tử, nếu Tăng Ni tu không được lấy ai hướng dẫn? Không có người hướng dẫn thì không thể có đạo đức. Hiểu vậy rồi, tụi con mới thấy trách nhiệm của mình không nhỏ, trái lại rất nặng nề. Do đó tụi con phải sáng suốt tu hành, đừng bao giờ để phiền não xen vào làm trở ngại sự tu, uổng đi một đời mà cũng uổng công của Thầy.

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu