Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 2-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 3

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 2-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 3
MỤC LỤC
Lời Đầu
Thỉnh Nguyện Tăng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh Nguyện Ni:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Câu chuyện buổi chiều

=======================================================
THỈNH NGUYỆN NI
ĐOẠN 3

Ngày 30-2 Ất Hợi (30-3-1995)
Toàn chúng có tinh thần tự giác sám hối để sửa lỗi, cố gắng tu hành, đó là điều tốt.

Hôm nay Thầy có ít lời nhắc nhở chúng. Trước khi nhắc nhở, Thầy nói sơ lại chuyện chùa Vạn Phật ở bên San Francisco của ngài Tuyên Hóa. Chuyến đi Mỹ vừa rồi Thầy không tới đó, nhưng quí vị đi về có kể lại Thầy nghe.

Ngày trước người Mỹ lập một bệnh viện tâm thần trên một ngọn núi tốt. Làm xong rồi, các kỹ sư tìm mạch nước không ra. Nếu người bệnh lên đó ở đông mà không có nguồn nước để xài thì bệnh viện không thể hoạt động được. Các kỹ sư đành bó tay tìm không ra mạch ngầm. Vì không có nước nên muốn bán cũng không ai dám mua. Cuối cùng Hòa thượng Tuyên Hóa vận động mua, cả bệnh viện như vậy chỉ có một đồng bạc. Người ta bán tượng trưng, cho không được vì nguyên tắc phải bán. Hòa thượng mua rồi dẫn người đi đào giếng, chỉ chỗ nào cũng có nước. Điều này khiến cho mọi người rất tin tưởng Hòa thượng.

Hòa thượng về đó lập chỗ tu hành, vừa tọa thiền, vừa tụng kinh, niệm Phật, trì chú. Tu cũng miên mật lắm, đặc biệt là không nằm ngủ. Ngồi thiền rồi chừng nào ngủ ngồi tại chỗ ngủ luôn, không có nằm. Ngày ăn chỉ một bữa đúng ngọ, sáng và chiều không ăn. Vậy mà vẫn có rất đông người tới tu, mới thấy rằng người quyết tâm thì không sợ khó, không sợ khổ. Mọi người bên Mỹ đều tán thán đó là nơi tu hành chân chánh. Hòa thượng cũng đi giảng các nơi, người ta quí mộ lắm.

Như vậy để thấy rằng chỗ chuyên tu của người ta vừa ăn rất ít, ngày một bữa, vừa là ngủ ngồi, mà người ta còn dám thực hiện ở xứ văn minh. Chúng ta ở đây tối được nằm dài ngủ mấy tiếng đồng hồ, ngày ăn tới hai ba bữa cũng còn thấy thiếu. Đó là chỗ dở của mình. Cho nên Thầy nói để tụi con hiểu sự tu hành cần đặt nặng ý chí, đừng nghĩ rằng phải ăn ngủ nhiều mới đủ sức khỏe. Ở đây Thầy rất dung hòa chớ không cực đoan.

Bây giờ Thầy dẫn câu chuyện trong kinh A-hàm để nhắc nhở chúng. Câu chuyện này Thầy kể nhiều lần, nhưng chỉ thiểu số được nghe, đa số chưa nghe.

Trong kinh, đức Phật kể: Có nhà vua, một hôm ra lệnh cho người tử tù đi qua một con đường. Vua cho bày những trò vui, nào là ca hát, ăn uống, sắc đẹp, nào là những trò chơi vui lạ thích thú dọc hai bên đường. Ông đưa cho người tử tội một dĩa dầu đầy, bảo đi từ đầu đường này đến cuối đường kia, không để rơi một giọt dầu nào sẽ tha cho tội tử hình, ngược lại nếu đổ một giọt sẽ bị chém đầu. Được nhà vua ra lệnh như vậy, anh liền bưng dĩa dầu đầy đi từ đầu đường này đến cuối đường kia.

Trong khi những trò vui chơi đúng với sở thích bày ra đầy hai bên đường, anh chàng tử tù đi có dám ngó qua ngó liếc lại nhìn những cái đẹp, cái lạ đó không? Hay chỉ chăm chú nhìn vào dĩa dầu không dám lơi lỏng, để mong đi tới cuối đường được khỏi tội tử hình? Giả sử tụi con ở trường hợp đó sẽ xử làm sao? Luôn luôn biết sau lưng mình có chú lính cầm gươm bén, chỉ cần sơ sẩy đổ một giọt dầu là bị chặt đầu ngay, thử hỏi còn lòng dạ nào ngó những điều hay lạ thích thú chung quanh.

Đó là câu chuyện thí dụ, bây giờ đức Phật hợp pháp: Anh chàng tử tội đó là chúng sanh hiện nay. Chúng ta đang bị treo án tử hình, dài thì sáu mươi đến tám mươi năm, ngắn thì ba mươi, bốn mươi năm, có người chỉ mười mấy năm hoặc ba bốn năm, ai cũng bị tuyên án tử hình. Còn tất cả trò vui ở hai bên đường là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bày ra chung quanh.

Sáu trần thật hấp dẫn, nhưng nếu chúng ta biết sợ chết thì khi bưng dĩa dầu đi, mình không dám lơi lỏng. Dù cho có thứ hấp dẫn mấy đi nữa cũng không dám để ý tới, chỉ dồn hết tâm lực vào dĩa dầu.

Chàng tử tội là chúng ta, còn dĩa dầu là pháp tu mình đang ứng dụng. Pháp tu dạy chúng ta luôn luôn phải tỉnh giác, đừng dính với sáu trần. Dính sáu trần là quên pháp tu. Cũng như vậy, mình ngó xung quanh thì quên dĩa dầu, mà quên dĩa dầu để bị đổ là chú lính chặt đầu ngay. Chú lính dụ cho quỉ vô thường, lúc nào cũng chực sẵn chặt đầu mình, không phải đợi đến cuối đường. Chúng ta thử kiểm lại một năm bao nhiêu người chết có phải toàn người già không? Có người già chết, có người trẻ đau chết hoặc bị tai nạn chết. Vô thường đến bất cứ lúc nào.

Tụi con có chú lính đứng bên cạnh rình không? Vậy mà tụi con thường nhớ chú lính cầm gươm bén đứng sau lưng mình chực sẵn, hay nhớ những chuyện tào lao bên ngoài? Do nhớ dĩa dầu, sợ chú lính nên tâm không chạy bậy. Bây giờ dĩa dầu không nhớ, chú lính cũng quên luôn, cho nên dính với sáu trần, nghe ca lắng tai nghe, thấy đẹp chú mắt nhìn, biết ngon để ý tới, cho nên dĩa dầu tụi con bị đổ hoài, chú lính đả thương mấy phen rồi phải không?

Tất cả những cám dỗ không ngoài sáu trần, còn pháp tu đưa mình tới giải thoát sanh tử nên nói khỏi tội tử hình. Chúng ta đủ điều kiện để khỏi tội tử hình mà cũng đủ điều kiện bị tử hình. Điều kiện bị tử hình là quên pháp tu và quên chú lính vô thường. Điều kiện khỏi tội tử hình là nhớ dĩa dầu và nhớ chú lính cầm gươm đang đứng sau lưng.

Nay tụi con muốn cho mình không bị bệnh phóng đãng, lơi lỏng chạy đây kia, thì lúc nào cũng phải nhớ pháp tu của mình, nhớ kiếp sống vô thường đâu có gì lâu bền chắc chắn. Hôm nay còn, ngày mai chưa chắc an ổn. Vì vậy mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm nhớ vô thường đuổi gấp, cố gắng tu đừng để bị sáu trần cám dỗ làm cho xao lãng. Nếu bị sáu trần lôi cuốn, xao lãng pháp tu thì quên chú lính vô thường, từ con người muốn thoát sanh tử trở lại lao vào sanh tử.

Trên đường tu ai cũng có quyền giải thoát sanh tử tùy theo tâm niệm của mỗi người. Nếu người vào đạo quyết tu giải thoát, ghi nhận rõ đường lối tu hành rồi đem hết tâm tư thực hành, nhớ vô thường luôn luôn chực sẵn bên mình, lơi lỏng là chết, do đó không để tâm buông lung chạy theo ngoại cảnh. Đôi khi tụi con thấy đời sống bình an vui vẻ, chợt quên chuyện tu, quên đi vô thường, tâm chạy theo cảnh, rồi trầm luân muôn kiếp.

Vì vậy, khi tu tụi con phải luôn nhớ cuộc đời hết sức tạm bợ, sanh ra trên đời này dẫy đầy đau khổ. Nếu chúng ta chần chờ thả trôi thì có ngày cái khổ sẽ đến, chừng đó mình giải quyết không kịp. Vậy nên luôn nhớ tinh tấn tu không lười trễ, không dám lơi lỏng phút giây nào. Đó là điểm chủ yếu của người quyết tu giải thoát. Nếu khởi tâm buông lung lơi lỏng thì trên bước đường giải thoát không tiến lên được.

Đây là lời Thầy nhắc lại cho tụi con nhớ. Kinh Phật đã dạy như vậy để chúng ta biết mà gắng tu cho được giải thoát. Hãy cố gắng tinh tấn, đừng bỏ quên, đừng lơi lỏng! Dầu cho đời này chưa đi đến cuối đường nhưng cũng đi được nửa đường hoặc hai phần ba đường chưa hề đổ một giọt dầu nào, tu như vậy có thể bảo đảm sẽ đạt được mục đích giải thoát không nghi.

Ngày 28-3 Ất Hợi (27-4-1995)
Hôm nay Thầy nhắc toàn chúng một điều cần thiết. Khi tu nếu tụi con có những điều lạ, bất thường phải cho Thầy hay, hoặc tu có gì trục trặc, đừng e ngại, nói Thầy biết để Thầy sửa cho. Vì ở đây Thầy là người trực tiếp chỉ dạy tụi con, nếu có gì trục trặc không thưa, có gì hay không nói, Thầy biết đâu mà dạy. Chẳng hạn đến thưa: “Con tu như vầy, ngồi không yên tại lý do gì?” Cần nói rõ Thầy biết để Thầy chỉnh, tránh các bệnh do dụng công tu mà phát khởi. Hoặc khi tu thấy được cái gì hay, cũng cho Thầy biết để Thầy khuyến khích hoặc kềm chế đừng đi quá trớn. Đó là điều rất thiết yếu.

Nếu tụi con lẳng lặng không thưa không trình, nhiều khi mỗi người tu mỗi cách, một lúc ở đây loạn xạ, không biết tu cái gì, tu theo ai. Bởi vậy, phải có đường lối cụ thể, khi ứng dụng tu phải trung thành với đường lối đó. Đừng nên cái nào cũng bắt chước, cái nào cũng học, rốt cuộc không có đường lối tu gì hết, đó là điều không tốt.

Do đó, ở đây giả sử có vị nào tới nói chuyện, tụi con cũng nghe để học hỏi kinh nghiệm, nhưng đường lối của mình vẫn phải rõ ràng, tu có gì trục trặc phải thưa với Thầy, có gì tiến triển tốt nên trình Thầy biết. Như vậy là tụi con trung thành với đường lối tu của Thầy. Ngược lại, nếu tu lơ mơ không có kết quả gì, rồi khen chê... là không tốt, không làm đúng sở nguyện của Thầy. Thầy đã từng nói với tụi con nhiều lần, thời gian Thầy còn có mặt không dài, tất cả những gì Thầy muốn làm đều đã dồn hết vào Thiền viện Trúc Lâm này để lo cho đến nơi đến chốn.

Hiện nay Thầy đang lo dịch một số tư liệu đời Trần để giảng dạy, rồi tạo điều kiện in ra sách để có tư liệu Phật giáo Việt Nam, đó là trách nhiệm thứ nhất của Thầy. Kế đó là trách nhiệm hướng dẫn tụi con tu tập. Sau hết là tuy Thầy đã đi trước tụi con nhiều, nhưng đối với Thầy chưa phải là xong việc, nên Thầy cũng phải cố gắng tu, làm sao đến khi nhắm mắt Thầy có thể làm chủ được phần nào, không hổ thẹn mình là người đi trước.

Thầy thường thí dụ, người tu giải ngộ hoặc chứng ngộ giống như người ở xa muốn đi lên núi. Nếu chúng ta ở dưới miền Tây muốn lên ngọn núi Bà Đen, nghe lời người chỉ đường đi qua khỏi Sài Gòn, tới khoảng Trảng Bàng ngồi trên xe đã thấy núi. Như vậy chúng ta nhìn thấy núi nhưng đã biết tường tận chưa? Lúc ấy mình chỉ mới thấy dáng núi xanh ở xa xa chớ chưa rõ tường tận. Đó là Thầy thí dụ cho những người giải ngộ, thấy nhưng chưa tới. Kế đến tiếp tục đi tới chân núi, đó là dụ cho những người chứng ngộ. Rồi phải có thời giờ đi từ chân núi lên đến tận chóp núi, chừng đó mới gọi là người xong việc. Cho nên đừng nói ngộ là rồi.

Chúng ta tu từ chỗ không biết gì, nay thấy biết được là đã tiến bộ. Từ thấy biết một cách sơ sài, chúng ta ráng tu cho tới khi thấy được tường tận. Trong nhà Phật dùng chữ kiến tánh rất rõ nghĩa. Kiến tánh là thấy được bản tánh, chữ thấy đây không phải thấy bằng mắt mà là nhận ra như chuyện trước mắt, không còn nghi ngờ gì nữa. Lúc này mình đã đến tận nơi, thấy rõ ràng ngọn núi, tuy vậy vẫn chưa là người tới chóp núi, còn phải dày công nữa.

Cho nên Thầy thường nói, Thầy hiểu được đường lối tu nhưng việc làm của Thầy chưa phải là xong. Vì vậy, trong khi hướng dẫn chúng và sưu tập tài liệu để giảng dạy, Thầy còn có bổn phận phải ráng tu, làm sao khi còn sống được an vui khỏe mạnh, lúc nhắm mắt được tự do. Do đó trách nhiệm của Thầy rất nặng. Thầy không có thời giờ nhiều, mỗi ngày Thầy đi hai vòng quanh Viện là để cho có sức khỏe và trông chừng các việc, cũng để tất cả mọi người chung quanh đây thường thấy Thầy mà cố gắng tu, chớ không phải Thầy rảnh rỗi, vì còn bao nhiêu việc cần phải làm.

Nay tụi con biết rõ đường lối và việc làm của Thầy, tất cả nên cố gắng, ráng giữ làm sao trong thời gian ở đây, ai cũng nỗ lực tinh tấn đúng theo nề nếp Thầy đã đặt sẵn. Sống được như vậy là hay tốt rồi, còn thêm gì hơn quá sức tụi con thì Thầy không dám đòi hỏi.

Sở dĩ Thầy buộc tụi con phải sống theo lục hòa là vì Phật dạy lục hòa là gốc của Tăng. Chữ Tăng tiếng Phạn là Sanga, dịch là hòa hợp chúng, tứ chúng hòa hợp lại là Tăng. Như vậy, sống hòa hợp với nhau gọi là Tăng. Tụi con nhìn lại các nơi có được sự hòa hợp không? Hay mỗi người đều có hướng đi riêng, có của cải riêng, không ai hòa hợp với ai. Nhiều khi còn cãi lẫy, chỉ trích nhau, cho tới chùa này không vui với chùa kia... Đó là làm tinh thần hòa hợp Tăng bị giảm sút.

Hiện nay tụi con chưa dạy ai, chưa hướng dẫn được ai thì chính tụi con phải có tinh thần hòa thuận, trên dưới đều có hướng đi chung. Chẳng hạn như hồi nãy có người giữ đồng hồ mà không trình, chuyện đó nhỏ xíu thôi nhưng là cái mầm không tốt. Ở đây tất cả chúng không ai có đồng hồ. Mọi việc đều có giờ giấc, tới giờ nghỉ, giờ làm, lúc tu... đều đánh kiểng báo. Chỉ thực hành đúng là được rồi, có đồng hồ làm gì cho mất công giữ. Đã có người lo rồi, mình đừng để ý nữa, như vậy tự nhiên được yên ổn.
Cái đồng hồ là nhỏ, không đáng, nhưng nó là của riêng, tư hữu. Từ chỗ tư hữu đó tụi con sẽ so bì với nhau: “chị đó có, mình không có”, sanh ra những đòi hỏi không đáng. Cho nên từ chuyện nhỏ tụi con đều phải giữ gìn bình đẳng như nhau.

Ở đây đời sống dường như là khô khan, nhưng nhờ vậy không bị mắc kẹt tình cảm huynh đệ, từ từ tụi con sẽ thấy sống như thế là an ổn. Cái khô khan đó thành tựu rồi, tự nhiên tụi con có lòng từ bi vô hạn. Vì nếu còn thương một số ít người, tình thương đó sẽ bị hạn chế trong phạm vi nhỏ. Còn mình đối với ai cũng đều là huynh đệ, thương như nhau, không dính người này kẹt người kia, tới khi tâm thanh tịnh mới khởi lòng từ bi bình đẳng thương hết chúng sanh được.

Nếu sống ướt át kẹt ở một hai người tức đang ở trong trói buộc, là gốc của phiền não, làm sao khởi được lòng từ bi để có tình thương rộng lớn? Chính nhờ cái khô khan bước đầu đó, tụi con phát triển được lòng từ bi. Nếu được thương mến chiều chuộng, tụi con mới thấy vui, đó là vui trong trói buộc, gốc của đau khổ chớ không phải vui trong đạo thuần túy. Cho nên ở đây Thầy bắt tụi con sống rất khô khan, nghĩa là làm hết bổn phận của mình trong giờ công tác, tụng kinh, tọa thiền, đúng như Thầy sắp đặt. Đó là tốt rồi, còn làm thêm được gì thì tùy khả năng.
Tụi con phải hiểu rõ đường lối chủ trương của Thầy để cố gắng thực hiện cho được. Thầy đang trông đợi tụi con tu chớ không muốn tụi con mất thời giờ vô ích. Bước đầu là phải thực hiện được những gì Thầy sắp xếp. Kế đó tụi con vươn ra khỏi những chuyện tầm thường. Nếu bước đầu tụi con không làm được thì những nguyện vọng cao xa ngày mai chỉ là ảo tưởng, dù ở đây một trăm năm cũng không có lợi gì.

Đây là lời Thầy nhắc nhở, mong tất cả cố gắng!

Ngày 27-4 Ất Hợi (26-5-1995)
Qua tinh thần thỉnh nguyện, lúc này Thầy thấy trong chúng khá tốt, ít phạm lỗi lầm, đó là điều đáng mừng. Hôm nay Thầy chỉ nhắc vài điều.

Điều thứ nhất: T.T. sám hối nhưng vì bệnh tiếp tục xin dùng thức ăn trái thời. Thầy gọi là “xin” chớ không phải “sám hối”. Tại sao vậy? Vì sám hối là chừa bỏ, nay chưa bỏ được thì chỉ xin phép chúng cho dùng trái thời, lý do trị bệnh. Tụi con nhớ, khi nào sám hối là ngang đó không phạm nữa, còn tiếp tục làm thì không nói sám hối.

Điều thứ hai: Theo như trong bản Thanh qui, chúng ta quyết tâm tu theo tinh thần của ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà, gọi là sống đạm bạc. Gần đây tụi con thấy mình có ăn uống đạm bạc không? Đa số là không, như vậy mình có lỗi gì? Đó là điều Thầy muốn nói cho tất cả tụi con hiểu. Chúng ta tu đúng ra là nguyện sống đạm bạc từ ăn mặc, nghỉ ngơi..., mọi thứ vừa phải, hơi thiếu thiếu chớ không cho dư. Nhưng gần đây ở Thiền viện, Phật tử cúng liên miên, ăn uống đầy đủ, thành ra không đạm bạc chút nào. Nếu căn cứ theo bản Thanh qui, vậy là nói và làm không như nhau.

Bây giờ Thầy nói cho tụi con hiểu, Phật tử thương chúng ta, nhất là ở Thiền viện Trúc Lâm, khép mình trong khuôn khổ để tu, không có một chút tài sản riêng tư, ngoài những bữa cơm chánh không có gì khác. Như các nơi, Tăng Ni có tiền bỏ túi, cần gì thì mua dùng nên người ta không thương nhiều. Còn ở đây Phật tử thương mình thiếu thốn, sợ sanh bệnh nên xa gần đều tìm tới cúng dường. Nếu Phật tử đến cúng dường, chúng ta có vẻ thờ ơ hoặc từ chối, người ta sẽ buồn. Tụi con thử đặt mình vào tâm trạng người cúng, nghe ai tu hành tốt mình thương, muốn giúp đỡ mà họ lại từ chối, tụi con sẽ hiểu cái buồn này.

Cho nên chúng ta sống thế nào vừa tu được, vừa gây thiện cảm với Phật tử, gieo duyên với họ, để mai kia mình ra làm Phật sự được mọi người ủng hộ. Nếu chúng ta nghĩ mình chỉ tu thôi, rồi chối từ tất cả duyên của những người đến giúp mình, họ sẽ cho là chúng ta tự cao ngã mạn không cần ai, đó cũng là cái chướng, mai kia ra làm phật sự không được. Vì vậy, trong Thanh qui Thầy ghi “sống đạm bạc”, nhưng Phật tử đến cúng Thầy cũng vui vẻ nhận.

Khi người ta nhiệt tình đem vật thực hay tiền bạc tới cúng, mình hoan hỉ, điều đó làm cho thí chủ vui, như vậy Phật sự của mình mới vuông tròn. Nếu mình làm cho họ buồn nản, mất lòng tin là không tốt. Do đó, tụi con nên hiểu kỹ, mình không bao giờ đòi hỏi, nhưng với hảo tâm người ta cúng thì phải nhận.

Trong kinh A-hàm, Phật dạy: Có lần chư Tăng đến một nơi nọ an cư, vùng đó dân chúng ủng hộ, cúng nhiều quá đến nỗi chư Tăng ăn không hết, thừa thãi, buộc lòng Phật bảo đổ ở dưới để chư Tăng đi qua. Phải nhận cho người ta vui chớ không được từ chối, nên Phật bảo làm như vậy để thí chủ thấy phẩm vật họ đem đến chúng Tăng nhận hết.

Đó là hoàn cảnh quá đặc biệt, còn chúng ta ở đây chưa đến nỗi dư quá như vậy, chỉ đủ ăn, thư thả một chút thôi. Tuy trong Thanh qui Thầy nói sống đạm bạc mà ở đây thỉnh thoảng có những bữa ăn ngon, là do lòng thương của Phật tử, không phải Thầy vận động. Nếu người ta có lòng thương nghĩ đến Tăng Ni mà mình làm mất cảm tình, mất lòng tin, tức là gieo duyên không tốt.

Cho nên khi nào tụi con làm bếp hoặc làm Tri khố, có ai cúng dường phải nở nụ cười hoan hỉ, còn bực bội là gieo duyên không tốt. Cũng đừng bao giờ than: “Chúng tôi ở đây thiếu thốn quá!” Cả hai thái độ đó đừng bao giờ có. Nếu người đem vật thực đến cúng dường, nghe tụi con thố lộ những lời đó họ sẽ thối tâm, vô tình tụi con tạo duyên “khô rang”, mai mốt không ai giúp. Tụi con ráng cẩn thận dè dặt, ai đem tới giúp mình ít nhiều đều hoan hỉ nhận. Cho nên khi Thầy thấy người ta chở bắp cải đến cúng, để ở nhà khách đã hơi khô khô mà hai bên nội viện chưa lấy là Thầy rầy ngay. Người ta gởi đến với lòng thành, mình phải nhận cho họ vui, đừng bày trước mắt không đem cất người ta buồn.

Thầy có trách nhiệm nên phải nói rõ cho tụi con hiểu, đừng nên lộ ra những hành động, lời nói làm Phật tử buồn lòng, trong khi họ có tâm tốt đối với mình. Những thái độ chúng ta biểu hiện ra bên ngoài nói lên sự tu của mình.

Đến đây Thầy nhắc thêm về sự tu thiền. Chúng ta không chỉ ngồi yên một chỗ tu, mà trong hoạt động cũng tu. Nếu ngồi yên mới tu thì thiệt thòi trong khi hoạt động. Cho nên mình làm sao khi ngồi yên tu, hoạt động cũng vẫn tu. Hai thời đó không khác nhau mới hay. Tụi con thấy ngồi thiền hai tiếng đồng hồ là nhọc nhằn khổ sở hay quí báu? Ngày xưa, ngài Huệ Hải đến tham vấn Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:

- Đến đây tính cầu việc gì?

- Thưa, con đến cầu Phật pháp.

Mã Tổ nói:

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?
Ngài Huệ Hải lễ bái, thưa:

- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

Mã Tổ nói:

- Chính nay ông hỏi ta, là kho báu của ông, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Nói như vậy Mã Tổ cho rằng nơi chúng ta ai cũng có kho báu. Ngồi thiền là quay lại tìm kho báu nhà mình. Kho báu mình có mà giờ đây bị bụi đất phủ lấp, bây giờ ngồi lại đào xới tìm cho ra. Như vậy thời gian chúng ta bới tìm là giờ quí hay thường? Nếu kiếm ra được kho báu, mình là ông trưởng giả, nên giờ phút đó rất quí.

Ngoài đời, người ta đi làm việc được số tiền kha khá, họ còn sợ mất sở nên phải đi đúng giờ, làm rất siêng năng. Nay chúng ta đang tìm kho báu, kho báu này chắc chắn có sẵn, chỉ cần bươi hết rác thì sẽ thấy nó. Như vậy giờ bươi rác để bày ra kho báu là vàng ngọc, chúng ta đâu có lôi thôi được. Vậy mà nhiều khi ngồi thiền lại trông kiểng xả thiền. Mình biết kho báu đã gần được thì còn muốn đốt đèn cố bươi tìm cho mau thấy. Chúng ta tìm được kho báu, làm Phật sướng biết chừng nào, quí gấp trăm gấp ngàn lần kho báu thế gian. Như vậy, giờ ngồi thiền là giờ phi thường, quí vô cùng, đừng nghĩ là tầm thường.

Khi tụi con ngồi dẹp bỏ rác để bày châu báu ra, nếu ai đánh kiểng sớm lẽ ra tụi con buồn. Đang làm việc trọng đại như vầy mà cho nghỉ sớm uổng quá. Đừng bao giờ ngồi chờ kiểng, vì đó là giờ tìm kho báu, nếu chờ thì đâu còn nghĩa tìm kho báu nữa, lại giống như làm thuê làm mướn trông mau hết giờ. Đây là làm cho mình, mình biết gần tới nơi ai biểu nghỉ đâu có chịu.

Bây giờ kiểm điểm lại, tụi con làm thuê cho ai, hay là đang tìm kho báu của mình? Thầy giàu sẵn đâu cần làm mướn cho Thầy, chính tụi con làm cho bản thân mình. Đó là chuyện trọng đại tụi con tự phát nguyện không phải do Thầy xúi giục. Tự tụi con muốn tìm cho ra kho báu nhà mình, nên phát nguyện vào chùa. Thấy tụi con phát nguyện mạnh, sợ lâu ngày xao lãng, tìm không được uổng cả cuộc đời, Thầy buộc lòng tạo duyên cho tụi con tới đây, bảo bọc và khuyến khích tụi con dành hết thời giờ tìm cho ra. Thầy chỉ bảo hộ cho tụi con tìm, không phải thuê tìm cho Thầy, nhớ như vậy! Bảo hộ nhắc nhở là trách nhiệm của Thầy, còn nỗ lực là việc của tụi con. Tìm được kho báu tụi con lấy ra xài chớ Thầy không xài của tụi con được.

Hiểu cho thật kỹ, khi ngồi tu mới vui với việc mình đang làm. Lâu lâu có người tìm được kho báu thích thú la lên, hoặc có người báo thấy dấu hiệu gì, hoặc gặp chút đất ướt... chứng tỏ đã đào gần tới kho báu rồi. Tất cả phải cố gắng đừng để Thầy kêu mới đào, không hối thúc thì ngồi nghỉ. Đó là việc của chính tụi con.

Thầy chỉ có hai trách nhiệm: Bảo hộ cho tụi con yên ổn ngồi đào, và nhắc nhở khi thấy tụi con mỏi mệt: “À, gần tới rồi, gắng đào sẽ được.” Phần chủ yếu là tụi con phải nỗ lực, hăng hái. Kho báu tụi con sẵn có, chắc chắn có. Trong khi đào, thỉnh thoảng có một hai dấu hiệu, biết đã gần đến mà không rõ còn bao xa, tụi con hăng hái đào sẽ được kết quả tốt, chắc chắn không nghi, vì Phật Tổ có nên chúng ta có. Phật Tổ được, Thầy lóe thấy được, tụi con đào sẽ được. Cái gì mình làm mù mờ, không có bằng chứng mới e ngại; còn trước mình Phật Tổ đã được và hiện tại Thầy cũng được phần nào, tụi con nỗ lực chắc chắn sẽ được.

Đó là điều hết sức cao cả và quí báu. Tụi con thấy ở thế gian, người ta đi bòn từng chút vàng, có khi nguy hiểm mà cũng đi làm. Còn mình ở đây có kho vô tận, không nguy hiểm gì hết, ngồi đào xới một mình, không ai rầy rà giành giật, lại còn được cho cơm ăn áo mặc, thiếu gì cho nấy. Như vậy quá tốt rồi, chỉ gia công làm việc cho mình mà không chịu làm thì dại khờ cỡ nào? Phải chi làm cho ai đó nên họ lo, còn ở đây làm cho mình mà người ta phải lo phụ. Thầy khuyến khích, sách tấn, còn Phật tử đem lương thực đến cúng, cần gì đều chu cấp đầy đủ. Đào cho mình mà ai cũng giúp đỡ, khuyến khích, dỗ dành. Vậy mà không chịu đào!
Nếu tụi con lơ là không nỗ lực là khôn hay dại? Thầy nói rõ cho tụi con hiểu đó là việc quan trọng của mình. Người khác tuy biết nhưng làm chưa được, nay thấy mình đang làm họ ủng hộ, mình phải ráng làm cho được, vừa lợi mình mà mọi người cũng hoan hỉ. Nếu mình lơ là, bản thân uổng đi một đời, thiên hạ cũng mất lợi lạc. Do đó, việc làm này vừa lợi mình lợi người, hết sức quan trọng, tụi con phải nỗ lực.

Giờ ngồi thiền là giờ vàng ngọc chớ không phải thường. Một phút qua là mất đi một phút quí báu. Ở ngoài người ta làm có tiền họ mừng, còn đối với chúng ta giờ ngồi thiền rất quí, phải vui thích hơn cả người được tiền! Tụi con hiểu vậy rồi, khi sửa soạn đi ngồi thiền cảm thấy hoan hỉ, không phải làm việc không công vô ích. Nếu người ta bắt mình làm một việc vô ích, mình mới chán nản uể oải; đằng này, làm ích lợi cụ thể cho mình sao không chịu hăng hái? Hiểu cho thật kỹ, rồi tụi con cố gắng làm cho được.
Hôm nay Thầy nhắc nhở cho tất cả nhớ. Kho báu tìm được rồi sẽ thành trưởng giả chớ không phải con ông trưởng giả!

Ngày 13-5 Ất Hợi (10-6-1995)
Buổi thỉnh nguyện hôm nay thấy toàn chúng chỉ có lỗi nhỏ không có gì quan trọng, chứng tỏ tinh thần tu hành có tiến bộ, lỗi lầm mỗi ngày có giảm thiểu. Đó là điều đáng mừng.

Bây giờ Thầy nhắc vài điều. Tất cả người tu cũng như người thế gian, thường do thời tiết hoặc ăn uống không hợp với cơ thể sanh ra bệnh. Những bệnh đó tuy nặng nhưng dễ trị, chỉ có bệnh buồn bực là khó trị. Tụi con thường kinh nghiệm, khi nào bực bội chán nản thấy người mệt liền. Bệnh này uống thuốc không hết. Nếu cơ thể hơi suy nhược, thêm bệnh buồn chán tự nhiên sẽ thành trầm trọng, thuốc gì trị cũng không lành. Bởi vậy người tu nếu khéo một chút, giả sử cơ thể có chừng ba mươi đến bốn mươi phần trăm bệnh, tụi con có thể vượt qua được. Nếu tu không khéo, có những chuyện buồn rầu ôm ấp trong lòng, bệnh từ ba mươi bốn mươi sẽ tăng lên sáu mươi bảy mươi, nhiều khi cả trăm phần trăm nữa.

Vì vậy Thầy nhắc tụi con, người biết tu phải dẹp hết các thứ buồn phiền, chán nản, bực bội, bởi vì việc hơn thua, phải quấy, tốt xấu ở trong huynh đệ không có gì quan trọng hết. Cái quan trọng hiện giờ tụi con đang lo là đào lấy kho báu. Thầy nhắc lại ý kỳ trước, biết dưới đất có kho báu, nay bị người đổ bê tông bao bọc chắc quá nên phải đục từng chút, lần lần nó bể hết, kho báu mới bày ra. Khi tụi con tin tưởng vào kho báu mình đang tìm, giả sử có ai đi ngang chọc ghẹo, nói nặng nói nhẹ, tụi con không nên để ý tới, coi như trò chơi. Việc quan trọng mình phải đạt được là đào đem kho báu lên, ngoài ra mọi thứ đều không đáng kể. Như vậy mới là người biết dồn hết khả năng sức lực vào việc đáng làm.

Lúc mình đang đào, nếu có người tới nói lời trái ý liền bực tức buồn phiền rồi buông cuốc, như vậy cả đời cũng không đào được cái gì. Khi tụi con biết chắc có kho báu và dồn hết vào một việc, bảo đảm sớm muộn gì cũng thành tựu. Ngược lại, còn lăng xăng bên ngoài, chưa dồn hết tâm lực thì khó mà có kết quả được.

Ở thế gian người ta làm cả đời để sắm đồ quí hoặc cất nhà, mua xe. Do công khó cực khổ mới tạo nên nhà cửa, xe cộ, hoặc những món đồ quí trong nhà, nên trong lòng thường sợ mất. Cái nhà thì sợ cháy, sợ sập, xe cộ sợ hư, đồ quí sợ ăn cắp, lúc nào cũng lo sợ. Còn kho báu của tụi con tìm được rồi có sợ ai ăn cắp hay giành giật không? Nếu mọi người đua nhau tìm của báu như chúng ta thì có hại gì cho thế gian không? Người thế gian khi được của báu, thường sợ người trộm cắp, sợ kẻ ghét ghen, còn của báu này không bị tranh giành cũng không bao giờ mất.

Như vậy, so hai trường hợp: cả đời lo sự nghiệp thế gian và cả đời lo tìm kho báu nhà mình, cái nào quí hơn? Dù cho người đời được thỏa mãn ước nguyện về vật chất, ước nguyện đó không bao giờ thật sự thỏa mãn, cũng không tin tưởng được lâu dài. Trái lại, tụi con khi làm xong việc mình rồi thì bảo đảm trăm phần trăm. Cũng như Thầy tuy chưa lấy trọn kho báu như Phật Tổ, nhưng một chút đó không ai giành được, xài mãn đời không hết.

Như vậy tụi con mới thấy, cái của mình tìm lại được không thể mất, nếu có ai bắt chước mình còn mừng hơn. Ở thế gian khi đi buôn hoặc làm cái gì có tiền, thường sợ người khác bắt chước, sợ mất sở, mất bạn hàng; còn chuyện này ai đua làm, mình càng mừng. Đây là một việc làm trọn vẹn, nhận được rồi không mất, không ai có thể giành giật với mình, nếu có người muốn bắt chước lại càng tốt. Một việc làm hữu ích cho mình và người khác như vậy mà tụi con không cố gắng thật là phí uổng.

Cuộc sống chúng ta chỉ có mấy mươi năm, thời gian làm việc tốt và quí báu không nhiều, nếu tụi con không khéo, để cho những chuyện vui buồn chen vào sẽ không đủ thời giờ để làm việc. Vì vậy, biết việc này cao quí, cả cuộc đời mình phải tìm cho ra thì mọi cái tầm thường không quan trọng tụi con phải gác qua một bên, được vậy mới mau thành tựu. Đời tu muốn đạt được kết quả, đừng để những chuyện lăng xăng chi phối, đến khi già nhớ lại buồn và hối tiếc là mình đã phí thời giờ.

Đời tu cao cả biết bao! Có nhiều người già muốn tu mà không tu được, nên họ cúng dường lễ bái tụi con. Ở thế gian có ai lớn tuổi mà lễ bái người nhỏ tuổi không? Bây giờ tụi con tu, người ta thấy quí, họ không làm được như tụi con nên họ lễ bái. Điều đó càng khích lệ mình phải ráng làm tròn hơn nữa.

Tụi con thấy tất cả người đời làm cái gì cũng muốn được lợi, hưởng lợi. Còn ở đây chúng ta làm việc cho mình, lợi hưởng trọn vẹn mà người ta lại quí mình. Nếu tụi con tu đắc đạo cũng đắc đạo cho mình, vậy mà Phật tử đem cơm gạo đến cho tụi con ăn để tu. Tụi con làm một việc cả thiên hạ đều quí, như vậy là chọn đúng hay sai? Nếu sai chắc không ai ngó ngàng đến. Làm việc không ý nghĩa thì dù cho mình chết cũng chẳng ai để ý tới; còn đây là việc hi hữu rất có nghĩa lý nên nhiều người ủng hộ. Khi mình đang làm chưa được kết quả gì, người ta vẫn thương quí lo lắng, đủ thấy rằng việc làm của tụi con hết sức quan trọng và cao thượng.

Tụi con đừng để cho những thứ tầm thường vô nghĩa lý phá hoại sự cao cả của mình.

Gần đây, tụi con thuần thục theo nề nếp Thiền viện nên sống hòa vui và ít phiền não. Ít phiền não thì ít ai than thở bệnh hoạn, ít có ai gương mặt dàu dàu thở dài.

Đó là điều Thầy muốn nhắc cho tụi con, đường tu là con đường hết sức có ý nghĩa. Rất nhiều người đang mong mỏi, muốn thực hiện mà chưa được nên tán dương phù trợ cho mình làm để họ bắt chước. Vì vậy tụi con phải cố gắng tận tâm tận lực làm cho được việc, vuông tròn sở nguyện của mình, đồng thời những người thương quí mình cũng thỏa mãn, đạt được sở cầu. Nếu chúng ta lơ là, đến ngày trăm tuổi cũng không tới đâu. Đó là hủy hoại đời mình vô ích, cũng phụ lòng mong cầu của những người đang trông chờ mình.

Vậy nên tụi con ráng tu, chính là tu cho tụi con, lại còn giúp người thân, người thí chủ phát tâm theo. Đó là tự lợi và lợi tha. Không đợi tụi con tu thành Phật Tổ rồi sau mới dạy người, chỉ cần hiện tại tụi con làm được là người ta đã phát tín tâm rồi. Ngược lại, nếu ở đây mười, hai mươi năm cũng như thuở xưa không tiến thêm một bước nào, không có cái gì hay, thì những người trông đợi tụi con sẽ thất vọng và chính tụi con cũng không được gì, đó là tổn hại cho cả hai. Mong tất cả tụi con cố gắng.

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu