Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 3-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 1

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 3-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 1
MỤC LỤC

Thỉnh nguyện tăng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh nguyện ni:
Đoạn 1
Đoạn 2
Câu chuyển buổi chiều

============
Phụng Hoàng Cảnh Sách
Tập 3
Thỉnh Nguyện Ni
Đoạn 1

Ngày 26-5 Ất Hợi (23-6-1995)
Qua buổi thỉnh nguyện, đa số đều tự giác cao, biết được lỗi lầm của mình ra chúng sám hối. Vậy là rất tốt.

Hôm nay có điều Thầy thấy cần phải nhắc nhở. Tụi con sống trong Thiền viện, đang tu và làm mọi công tác trong Thiền viện, có khi thân của mình sống nơi đây mà tâm lại ở chỗ khác. Ở đây Thầy tạo duyên cho tụi con không bận bịu, nếu ở đây lại bận lo nơi đâu, tự nhiên tâm không an và tu không tiến. Giả sử có những trường hợp cha mẹ ở xa già bệnh, có lẽ tụi con nghe tin đó xao xuyến lắm. Bây giờ Thầy đặt câu hỏi lại: Nếu tụi con nghe cha mẹ già bệnh, ở đây cứ lo lắng thương nhớ..., có làm được gì cho cha mẹ không? Nếu lo nghĩ mà được việc cũng nên lo, còn nghĩ nhớ mà không giải quyết được gì, cứ ôm ấp trong lòng mãi chỉ là uổng công vô ích. Điều gì mình làm được nắm chắc trong tay mới lo nghĩ để làm, điều làm không được nên buông bỏ, đừng bận tâm.

Trách nhiệm người tu không như trách nhiệm người thế gian, chỉ lo cho cha mẹ có cơm ăn áo mặc. Tụi con ở đây tu, đem về cho cha mẹ niềm vui là kết quả tốt của sự tu hành, đó là cái vui lâu dài. Đừng ở đây mà lo nghĩ rồi tâm xao xuyến, như vậy đối với cha mẹ, mình không làm được điều lợi ích mà việc thực tế mình đang tu cũng không có kết quả. Đó là phí thời giờ quí báu một cách vô ý nghĩa. Cho nên tụi con phải ráng xét cho thật kỹ, cái gì lo nghĩ mà làm được cho người thì nghĩ, còn không làm được nên bỏ.

Như vậy, đối với cha mẹ già bệnh còn không nên lo nghĩ nhiều, huống là những chuyện thế gian với người này người nọ, nếu tụi con quan tâm suy nghĩ là tự giết chết thời giờ quí báu của mình. Cho nên khi nào nhớ điều gì ngoài trách nhiệm của mình, tụi con phải tự quở rầy: “Mình sống nơi đây mà để tâm chạy đi đâu? Sống ở đây một ngày một giờ là quí báu như vàng ngọc, tại sao bỏ phí vô ích?” Cứ rầy quở như vậy tâm tụi con lần lần yên ổn, chớ thả cho đi một hồi rồi mới kéo về muộn màng lắm, không có kết quả lại mất nhiều thời giờ vô ích.

Tụi con phải luôn nhớ chuyện tu của mình là việc làm hết sức cao cả quí báu. Chúng ta không để nó mất một cách vô ích, cũng không đổi nó với một giá không xứng đáng. Bởi vậy, khi có điều gì thoáng qua trong tâm, tụi con muốn theo nó, liền nhớ và tự quở trách: “đây là điều không đáng, vô nghĩa, không nên nghĩ nhớ”, rồi buông. Luôn sống trong thực tế, làm tròn bổn phận hằng ngày. Giờ tu, học, công tác, luôn giữ tâm an ổn thanh tịnh, không để thời giờ luống qua.

Người đời khi đi học tới lúc thi cử đâu dám thả trôi. Việc gì thấy phí thời giờ vô ích họ không dám làm, lo dồn hết vào việc học để thi đậu. Còn bây giờ đối với tụi con, việc đang làm cao quí hơn cả sự học thế gian, vậy mà để cho cái tầm thường chen vào làm ngăn trở, đó là điều hết sức phí phạm. Do đó tụi con phải cẩn thận gìn giữ tâm mình, đừng để xao xuyến loạn động. Tất cả thời giờ là giờ tu, tất cả thời giờ là giờ tỉnh giác chớ không phải giờ bỏ phí vô ích. Đó là điều thiết yếu.

Tụi con đã hi sinh một cuộc đời, đi tu là chuyện khó làm mà tụi con làm được. Bây giờ tới chuyện thứ hai là tu làm sao cho có kết quả để khỏi cô phụ chí nguyện ban đầu, phụ công cha mẹ, Thầy Tổ giáo dưỡng, kỳ vọng nơi mình. Nên tụi con phải cố không để tâm xao lãng, đừng cho nó chạy nơi này nơi kia. Phải ráng kềm chế quở rầy cho được an ổn, được vô sự thì sự tu mới tiến, mới có kết quả như sở nguyện. Không khéo hết năm này sang năm khác, năm bảy năm cũng đứng một chỗ, không tiến chút nào. Cha mẹ, Thầy Tổ trông đợi, rốt cuộc tụi con tu chẳng ra gì. Như vậy là uổng công mình đã phát nguyện, cũng phụ ơn những người lo lắng cho mình.

Thầy mong tất cả tụi con gan dạ mạnh mẽ, làm sao một ngày tu là một ngày tiến, không đợi nhiều tháng nhiều năm. Ngày nào mình ở trong đạo đều xứng đáng là một người tu, đừng để phí. Những thứ vớ vẩn đâu đâu phải gạt qua một bên, làm cho được điều mình cần làm, không nên lôi thôi để luống qua ngày tháng. Đó là tụi con biết tu, xứng đáng là người quyết tâm cầu giải thoát, có lòng từ bi, muốn cứu độ chúng sanh để đền đáp bốn ân. Vậy mới đúng ý nghĩa người đi tu bỏ tất cả. Nếu không, bỏ tất cả vào chùa rồi lại phiền não các thứ nhỏ nhặt vô ích, những việc không đáng gì cũng vướng. Rốt cuộc mình cũng như người thế gian, đó là chính mình phản bội mình, không có lợi mà còn phí cả đời người.

 Hôm nay thỉnh nguyện chỉ có một lỗi đáng nói là để tâm phóng đãng, ruổi rong vơ vẩn. Thầy nhắc chung để tất cả cố gắng kềm chế giữ gìn, sao cho ngày giờ ở đây là ngày giờ hữu ích cho tụi con, tháng nào năm nào cũng là năm tháng tụi con vươn lên, không đứng ở một chỗ chớ đừng nói lui sụt. Đó là đền ơn Thầy.

Ngày 13-6 Ất Hợi (10-7-1995)
Tất cả chúng trong đây đều quyết tâm tu hành để giải thoát sanh tử, cần có đầy đủ công đức. Công đức có được là do xả kỷ, tức là quên mình vì chúng, vì mọi người, và do tinh tấn, cố gắng tu tập.

Trước hết nói xả kỷ. Do mình giúp được người này, làm lợi cho người kia, nhờ đó được công đức. Nhưng khi giúp người, làm lợi cho người mình phải chịu thiệt thòi và bận bịu, phải hi sinh công việc của mình mới làm lợi cho người được. Vì vậy, tập xả kỷ có nghĩa là quên mình cầu đạo, chớ không phải vì bản ngã của mình mà cầu đạo. Đạo là đạo đức, có được nhờ quên mình, cho nên người xưa nói “xả thân cầu đạo”. Quên thân mình thì đạo đức mới phát triển được.

Bây giờ nói cụ thể, như trong Lục độ, pháp thứ nhất là bố thí. Muốn bố thí nội tài hay ngoại tài hoặc pháp thí, có cái nào không xả kỷ mà được? Thật ra lòng tham của chúng ta không biết bao nhiêu cho đủ, nay có của ngoại tài muốn giúp ai bớt khổ thì phải bỏ lòng vị kỷ của mình, chia sớt cho người khác, đó là xả kỷ. Thứ hai là nội tài, đem khả năng của mình ra giúp cho huynh đệ hoặc người khác, đó là quên mình, xả kỷ. Nếu ai ích kỷ quá sẽ không làm được việc đó. Thứ ba là bố thí pháp cũng vậy, muốn cho mọi người hiểu đạo, sống được đạo thì chúng ta phải chịu khó học và giảng dạy cho người ta hiểu. Không thể nào mình ngồi làm thinh mà người ta hiểu được. Tóm lại, việc bố thí, ngoại tài, nội tài, và thí pháp đều là tâm nguyện quên mình vì người.

Kế đến, trì giới là giữ giới của người tu, hoặc là giới Tỳ-kheo, Thức-xoa, Sa-di. Cố giữ các giới là bảo vệ đức hạnh. Đức hạnh tức là không làm cho người và vật khổ. Thí dụ giữ giới không sát sanh, giả sử muỗi cắn mình đau, phải giữ giới hay đập cái chát mới vừa lòng? Muốn giữ giới, lấy tay nhè nhẹ đuổi nó hoặc quạt cho nó đi. Đó là thí dụ chuyện nhỏ. Giữ giới là phải xả kỷ, không thể thỏa mãn lòng ích kỷ mà giữ giới được.

Nhẫn nhục có xả kỷ không? Người ta mắng mình, nói xấu mình, nếu không xả kỷ thì nổi sân đùng đùng và la hét. Phải luôn nhớ chúng ta tu có đức hạnh là do tinh tấn nhẫn nhục... Nhờ nhẫn nhục mà tăng trưởng công đức. Tụi con là người tu, giả sử có cư sĩ hay người ngoài tới nói chuyện, họ tỏ vẻ không bằng lòng, la lối và nói những lời nặng nhẹ. Khi đó nếu mình là người tu thật, muốn gìn giữ công đức thì phải nhẹ nhàng xả kỷ, để cho họ lấn lướt chút ít không sao, coi mình không ra gì cũng được. Không nặng bản ngã mới gìn giữ được công đức.

 Như vậy mọi công đức gốc từ xả kỷ, không do ích kỷ mà có. Tất cả người tu cầu đạo giải thoát, phải luôn có tâm quên mình vì người. Đừng để khi nhớ lúc quên, sân si sanh khởi. Chúng ta dầu hiểu đạo tới đâu đi nữa, nếu còn sân si phiền não thì không ai tin được. Nên tụi con ráng gìn giữ đạo đức bằng sự quên mình. Đó là đạo đức đầu, nền tảng quan trọng nhất của người tu. Ai tu mà bo bo giữ bản ngã, đề cao bản ngã thì đường tu không đến đâu dù họ có thông minh hiểu nhiều Phật pháp. Vì vậy, tất cả tụi con nhớ, muốn tu có sức mạnh, được lợi ích lâu dài, muốn thực hành hạnh giải thoát thì phải xả kỷ. Đó là bước đầu đối với bên ngoài.

Bước thứ hai đối với bản thân, lúc nào cũng giữ hạnh tinh tấn. Tu mà không tinh tấn chẳng bao giờ đến nơi đến chốn. Như ngồi thiền, nếu không tinh tấn không ngồi nổi hai tiếng đồng hồ, mới một giờ hoặc một giờ rưỡi nghe mỏi nhức liền xả ra ngồi chơi. Như vậy lâu ngày thành thói quen không vươn lên nổi. Nếu tụi con có ý chí tinh tấn, khi nhức mỏi mình cố gắng vượt qua. Nhờ cố gắng lâu thành thói quen, vượt qua cái khó rồi ngồi lâu được như mọi người. Như vậy tinh tấn giúp mình vượt qua những khó khăn, giúp mình thành tựu những hạnh đang tu.

Từ công tác đối với đại chúng, tới bản thân tu hành nếu thiếu tinh tấn làm cái gì cũng khó vuông tròn được. Tinh tấn là gốc vươn lên. Hơn nữa, tu thiền định muốn đạt được trí tuệ, tinh tấn thật cần thiết. Nếu không có tinh tấn, một là gặp khó khăn nhọc nhằn mình dễ thối chí, hai là mỗi khi buồn ngủ thả trôi cho ngủ luôn. Người tinh tấn dù buồn ngủ đến mấy, chợt nhớ lại là gắng gượng lên, đừng để yếu đuối chìm luôn. Nên khi ngồi thiền hơi mê mê phải giật mình chấn chỉnh cho mạnh, mắt mở thật sáng để cố gắng vượt qua chỗ u minh của mình. Như vậy mới có thể vươn lên được, nếu thả trôi, mặc tình ngủ gục, cho ngủ gục không quan trọng gì thì tụi con không thể vượt khỏi chỗ tối tăm đó.

Tụi con phải nỗ lực tinh tấn tu hành, đừng chần chờ. Thế gian gọi là nhiệt tình, làm cái gì cũng sốt sắng, còn trong đạo thì phải tinh tấn. Tinh là chuyên ròng, tấn là gắng lên. Tinh tấn có khác với nhiệt tình ở ngoài thế gian. Ở thế gian, nhiều khi nhiệt tình trong cái hay mà cũng nhiệt tình trong cái dở. Hay dở thế nào? Ví như có người làm cật lực vẫn không kịp, không nổi, mình nhiệt tình tới giúp họ làm cho xong công tác, đó là nhiệt tình tốt. Còn có những người bệnh ghiền á phiện, xì ke làm công tác lơ mơ không nỗ lực cố gắng, kiếm không ra tiền, mà mình nhiệt tình giúp họ có tiền để hút xì ke ma túy, nhiệt tình đó chỉ là hại thôi.

Tinh tấn trên phương diện tu hành, đạo đức là cố gắng chuyên ròng để tiến lên chớ không có tạp nhạp như thế tục. Chữ tinh tấn dùng để chỉ cho người trong đạo lúc nào cũng chuyên tâm cố gắng tu, chuyên tâm cố gắng làm lợi ích cho đạo, cho mọi người. Tinh tấn để nỗ lực vươn lên, cứu giúp chúng sanh. Ai tinh tấn nhiều dễ vượt thắng ma ngủ và ma giải đãi, còn ai tinh tấn ít bị con ma giải đãi và ma buồn ngủ lôi. Đó là chuyện thật. Vì vậy khi nào buồn ngủ nhiều, trong người nhọc nhằn, tụi con dùng tinh tấn vươn lên, đừng thả trôi để cho ma hôn trầm muốn làm gì thì làm, kéo đi đâu thì kéo, không được! Đó là điều rất thiết yếu.

Tất cả tụi con tu, Thầy chỉ rút gọn có hai điều.

- Một là xả kỷ, tất cả những gì có tánh cách phạm tới bản ngã, mình đều bỏ qua. Vậy mới làm lợi ích được cho nhiều người.

- Hai là tinh tấn, làm tròn trách nhiệm tu sĩ của mình.

Nếu thiếu hai điều này khó tu tiến. Vậy mong toàn chúng nhớ và thực hiện cho được. Ai sân nặng phải xả kỷ nhiều, còn ai si nặng phải tinh tấn nhiều. Si dễ buồn ngủ nên phải dùng tinh tấn. Thầy thường gọi là cây roi tinh tấn, dùng nó quất thì con ma giải đãi buồn ngủ chạy đi mất. Nếu thiếu hai điều này tụi con không thắng được.

Thầy mong tất cả cố gắng, đừng chậm trễ bê tha, uổng đi một đời. Chúng ta có mặt nơi đây mấy chục năm, ráng làm cho được điều cần làm. Muốn vậy phải cố gắng, đừng lôi thôi. Đó là lời nhắc nhở của Thầy.

Ngày 28-6 Ất Hợi (25-7-1995)
Kỳ thỉnh nguyện này ít lỗi, đa số là lỗi nhỏ không đáng kể, vì sự sơ suất không phải cố tình. Như vậy trên đường tu tụi con càng ngày càng quen với nếp sống Thiền viện, quen sống trong tinh thần Lục hòa. Được như vậy là đáng mừng.

Hôm nay Thầy nhắc thêm một điều cho tất cả hiểu rõ để ứng dụng tu. Tất cả người tu Phật, ai cũng nghĩ rằng mình tu cho hết khổ, tu để đến chỗ an vui. Đó là mục tiêu của người tu. Nếu chúng ta tu mà cứ lẩn quẩn trong vòng đau khổ thì sự tu không tiến.

 Bây giờ làm sao cho hết khổ? Làm sao được vui? Đó là một vấn đề phải nhìn cho tường tận, biết cho rõ ràng mới giải thích được. Tất cả đau khổ của chúng ta từ mê lầm mà ra. Mê lầm cái gì? Mọi người ai cũng như ai đều chấp thân tứ đại này là mình, cho nó là thật, là quí, sang trọng... Vì chấp thân này thật, quí, sang trọng nên chạy theo nhu cầu đòi hỏi của nó. Như mắt đòi hỏi thấy sắc đẹp, tai thích nghe tiếng hay, mũi khoái ngửi mùi thơm, lưỡi đòi nếm vị ngon, thân ưa xúc chạm thích thú. Vì vậy năm căn dính với năm trần.

Tạo được duyên để thỏa mãn tất cả đòi hỏi ấy rất khó khăn, nhọc nhằn. Do đó ít có ai thỏa mãn trọn vẹn sự đòi hỏi của năm căn. Khi không được như ý họ lại buồn khổ, nhất là khi muốn hưởng thụ mà không được hưởng, hoặc ngược lại, điều mình không muốn lại tới. Thí dụ mình muốn thấy đẹp, toàn là cái xấu đến, muốn nghe hay lại nghe toàn những lời chát tai, muốn ngửi mùi thơm, toàn mùi khó chịu đến với mình... Những thứ mình muốn không được, còn bị ngược lại nữa, thế là khổ.

 Như vậy, vì muốn hưởng thụ nên nỗ lực làm cho có là khổ rồi, nhưng cái khổ đó còn đỡ vì được thỏa mãn như ý. Còn muốn mà không được, ngược lại nhận toàn những thứ mình không ưa, cái đó càng khổ nhiều hơn nữa. Hai thứ khổ này, khổ mong cầu cho được và khổ trái ý mình đều gốc từ chấp thân mà ra. Đó là mê lầm. Do chấp thân thật, quí và sang trọng mà có khổ.

 Kế đó là khổ về ý. Những điều chúng ta nghĩ tính, suy lường đều cho là tâm mình. Bởi cho là tâm mình nên chấp chặt. Có khi chúng ta lý luận theo nhận xét riêng của mình cho là đúng, nếu ai bác là sai liền buồn, sanh bực bội với nhau rồi khổ. Có khi chúng ta biết lý luận mình sai, nhưng vì chấp ngã nên không chịu nhận sai, cố cãi lại cho được, nổi gân cổ lên mà cãi, cãi đến chừng nào thắng mới thôi.

Do chấp ý niệm là đúng, là chân lý nên sanh bực bội khi có ai làm trái ý hoặc không đồng ý với chỗ hiểu của mình, không chịu phụ họa điều mình muốn, điều mình cho là hay. Vậy nên khổ. Tụi con kiểm lại xem có phải tất cả khổ là do chấp thân này thật, chấp ý niệm này đúng mà làm cho người ta cả ngày bị phiền não không? Ngoài hai cái chấp đó không có khổ.
Thật ra thân không thật, duyên hợp tạm có rồi sẽ tan hoại. Nay chấp là thật, quí, đó là mê lầm chấp thân. Tâm niệm là những tướng sanh diệt chợt có chợt không, như mây như khói, mà mình chấp thật rồi cố thủ, tạo nên những điều chống đối nhau, sanh ra thù hằn giận ghét. Đó là hai cái khổ do mê lầm chấp thân và chấp tâm mà ra.

Bây giờ muốn hết khổ, chúng ta phải làm sao? Vì mê là trái với giác, bởi mê nên khổ, nay muốn hết khổ chúng ta phải giác ngộ. Mê là tối, giác là sáng. Đi trên con đường tối tăm thì bao nhiêu đau khổ sẽ đến, đi trên con đường sáng suốt mọi đau khổ tiêu tan. Ví như đêm ba mươi không đèn đuốc, nếu tụi con phải băng qua một đoạn đường rừng chưa từng biết, chưa từng hiểu con đường dẫn đến đâu, tụi con có khổ không? Còn đi giữa ban ngày trời sáng, chúng ta thấy rõ con đường này đi về hướng nào, đến đâu đều biết rõ ràng nên không khổ. Bởi vì khi không thấy rõ ta sẽ tưởng tượng nào cọp, ma, rắn rít đủ thứ sợ. Trong sự tối tăm đó sanh ra bao nhiêu tưởng tượng sai lầm khiến chúng ta khổ, khổ vì ở trong chỗ tối tăm.

Cũng vậy, do tụi con đang sống trong mê lầm, chấp thân tâm nên phát sanh bao nhiêu tưởng tượng. Nào là tưởng tượng hạnh phúc, tưởng tượng người ta ghét mình, có người rình rập giết mình..., bao nhiêu thứ tưởng dồn dập khiến chúng ta đau khổ. Một khi tụi con tỉnh giác mọi đau khổ sẽ hết.

Bây giờ giác như thế nào? Đầu tiên tụi con giác ngộ thân này do duyên tứ đại hợp thành, do ngũ uẩn hòa hợp mà có tức không thật. Do duyên hợp nên đủ duyên nó thành, hết duyên mất, đủ duyên hợp, hết duyên tan, không có cái gì thật, không có gì kiên cố cả. Đó là giác ngộ về tướng duyên hợp. Giác ngộ thân này là tướng vô thường nay còn mai mất, không có gì bảo đảm. Không ai dám chắc mình sống bao nhiêu tuổi rồi chết, chỉ tùy theo duyên hợp tan mà còn hay mất. Khi có việc bất thường xảy ra thì mất mạng như trở bàn tay. Do đó chúng ta biết mang thân vô thường này không bền.

 Thân không lâu bền nên một ngày sống phải là một ngày hữu ích, một ngày có giá trị trong sự tu hành. Có giá trị là lợi lạc cho mình và người mai sau. Như vậy sống mới xứng đáng. Nếu chúng ta biết thân là vô thường rồi thả trôi, đó là vô ích, vô nghĩa, không có giá trị gì hết. Do vậy, khi biết thân này vô thường thì việc gì có lợi cho sự tu, hữu ích cho chúng sanh mới nên nhớ nghĩ. Còn điều gì trái với đạo lý và gây đau khổ cho mọi người phải dứt bỏ liền.

Giả sử trong huynh đệ có ai nói mắc mỏ mình một hai tiếng, tụi con biết điều đó không ích lợi trên đường tu nên chẳng quan tâm. Nếu mình cố chấp, nghe nói vậy sanh phiền não, khi ngồi thiền tâm không an, làm chướng ngại sự tu. Cho nên vừa nghe những lời nói khó chịu phải bỏ qua liền, biết đây là việc chướng đạo, bỏ không ôm chứa trong lòng. Đó là biết tu.
Nhờ biết được thân vô thường, thời gian chúng ta có mặt ở đây không bao lâu nên phải tu hành tinh tấn. Nhờ biết thân này duyên hợp hư dối, không thật, quí, sang trọng... nên dù có ai xúc phạm tới nó hay có những lời nói, hành động làm tổn thương, chúng ta vẫn coi như trò chơi. Chính bản thân là tạm bợ, giả dối, có gì đâu mà chấp. Nhờ mình thấy như thật, hay nói cách khác, nhờ giác ngộ thân đúng như thân, chúng ta không còn cố chấp. Không cố chấp nên không bị phiền não, được an vui thanh tịnh. Đó là nhờ giác mà bớt đau khổ, đem lại an vui cho mình. Người nào không cố chấp, không bị phiền não, nhất định tu tiến dễ dàng. Còn ai cố chấp, phiền não, dù tu mười năm, hai mươi năm cũng không tiến tới đâu.

 Như vậy nhờ chúng ta giác, thấy đúng như thật về thân, tâm, tự nhiên đau khổ không còn. Nhờ không đau khổ nên khi nói chuyện với ai, hoặc gần gũi huynh đệ, mình nhắc nhở họ mới có giá trị, người ta mới tin, mới nhận được lẽ thật nơi chính họ và hết khổ. Như vậy do giác mà tụi con tự lợi, lợi tha được. Nếu tụi con mê thì phần tự lợi không có mà lợi tha cũng không, đời tu thành vô nghĩa.

Bây giờ Thầy nói giác ngộ về tâm. Tất cả tâm niệm, tụi con phải nhớ nó là vọng tưởng hư dối, không có gì thật. Đã không thật thì cố chấp làm gì. Khi chúng ta suy nghĩ, thường tưởng điều đó là đúng. Chấp đúng là theo sự tưởng tượng của mình, có thể đúng với thời đó, lúc đó, với quan niệm của mình, chưa chắc đúng với thời khác, lúc khác, với cái nhìn người khác. Cho nên thấy cái gì đúng biết là đúng với mình, nếu ai không chấp nhận chỉ cười bỏ qua, không buồn bực. Tụi con biết rõ tâm niệm, ý nghĩ mình là hư dối, không thật thì không chấp nó, đó là phá được buồn khổ về tâm.

Như vậy nếu tụi con giác ngộ thân này vô thường, giả dối do duyên hợp, biết rõ tâm này là bóng dáng chợt có chợt không, chợt sanh chợt diệt, không phải chân lý thì tụi con sống rất an lành, tự tại. Rồi một lúc nào đó, do học, nghe hoặc tu, tụi con nhận ngay nơi mình có cái chân thật, nơi mình không vắng thiếu chân thể an lành thanh tịnh. Nhận được cái đó rồi, từ đây về sau đường tu tụi con sẽ nhẹ nhàng thảnh thơi, không còn chướng do chấp thân tâm nữa, đó là điều hết sức quí.

Người tu nếu không giác ngộ, dù muốn làm lợi ích cho người cũng không bao giờ được. Chúng ta tự xưng là người truyền đạo, giáo hóa chúng sanh, nhưng truyền cái gì? giáo hóa cái gì? Chúng ta truyền đạo là truyền sự giác ngộ, chỉ cho mọi người cùng giác; còn giáo hóa là dạy cho chúng sanh biết cái gì là vô minh mê lầm, để họ thức tỉnh sáng suốt, thoát khỏi tối tăm. Như vậy mới gọi là truyền đạo và giáo hóa chúng sanh. Nếu chỉ nghĩ tu để đời sau có phước, đời sau sung sướng, thì sự tu đó không có gì để truyền, không có gì để giáo hóa.

Tất cả khổ đau phát xuất từ mê lầm. Muốn hết khổ đau, chúng ta phải giác ngộ. Tùy khả năng, thứ bậc mà giác ngộ thường và gần, rồi giác ngộ đến chỗ cao siêu hơn. Từ đó chúng ta thoát khỏi đau khổ, được nguồn an lạc tự tâm. Mình hết khổ, được an lạc mới mong giúp người, giúp chúng sanh hết khổ. Khi giác ngộ rồi, không những ngay đời này hết đau khổ mà mai sau thân này hoại đi cũng không còn đau khổ nữa. Đó là một điều quí báu cao thượng.

Chúng ta đi tu, hi sinh tất cả những gì thế gian theo đuổi, để thực hiện cho được nguyện vọng, mục đích đó. Đây là lý tưởng cao siêu, quí báu mà tất cả tụi con phải luôn nhớ để cố gắng thực hiện cho được. Đừng có làm mà không biết mình làm gì, tu mà không biết tu cái gì, cứ mơ mơ màng màng, nghe ai nói gì lạ cũng chạy theo, ai chỉ cái gì thích cái ấy. Như vậy là không đúng với tinh thần của người học đạo, tiến lên con đường giác ngộ. Đây là lời Thầy nhắc cho tất cả tụi con hiểu để ý thức được bổn phận trách nhiệm và con đường đi của mình.

Ngày 13-7 Ất Hợi (8-8-1995)
Tương đối hôm nay thỉnh nguyện có ít lỗi. Kế đây Thầy có vài lời nhắc trong chúng.

Ở trong chúng tụi con nên sống hòa nhau, ai sao mình vậy. Hay nhất là tụi con đừng đòi hỏi những gì quá đáng mà cũng đừng từ chối những gì đã có. Đòi hỏi là xấu vì muốn thỏa mãn nhu cầu bản thân của mình; từ chối coi như tốt, nhưng cũng đừng nên làm gì quá khác với người.

Thông thường lập dị có hai lối:

Một là lập dị bằng cách tỏ ra mình là người sang trọng, cho nên cái gì hơi bình thường không chấp nhận, đòi cho có vẻ sang. Đó là lối lập dị của người sang trọng.

Hai là lập dị tỏ ra mình tu kỹ, tu hay hơn huynh đệ, nên cái gì đầy đủ, hơi sang một chút đều từ chối, để cho người ta thấy trong chúng có cô đó tu nhiều hơn hết. Giả sử một người ba cái áo lạnh, cô đó chỉ mặc một cái thôi, mấy người kia ngủ nệm cô không nệm... Đó là cái lạ để cho thiên hạ chú ý.

Thầy từ ngày vào đạo tới bây giờ, ở chùa chúng thế nào Thầy thế ấy, không có gì khác hơn. Giờ chúng ngủ mình ngủ, giờ chúng thức mình thức, giờ tu lo tu, giờ học thì học, đều đặn trước sau như một. Nhờ vậy Thầy sống yên ổn, bền bỉ và làm được chút ít Phật sự. Năm rồi Thầy đi hết ba tháng, có chỗ Phật tử mời Thầy ngủ giường rất sang trọng, lại có nhà chật chội, họ trải nệm trên sàn gỗ Thầy cũng ngủ được. Người ta lo được tới đâu mình nhận tới đó. Đừng đòi sang khi người ta không có phương tiện, đừng đòi hèn khi người ta sống sang.

Ở đây Thầy đem hết tâm lo lắng sao cho tụi con yên ổn tu hành. Các nhu cầu cần yếu Thầy phải lo, không thể thiếu được. Tụi con cứ theo chúng mà sống, đừng nên làm gì khác người. Ví dụ như chuyện mền nệm. Mình xứ lạnh, nhất là mùa đông, trên cần có mền, dưới phải có nệm, nếu không gió lồng vào sẽ lạnh ngực, ngực lạnh thì lá phổi không tốt. Tụi con vì lý do muốn khổ hạnh mà để ngã bệnh nguy hiểm, đưa tới chỗ khó khăn trên đường tu mai kia.

Hồi trước lúc Thầy ở Thiền Duyệt thất, cũng vào mùa đông, Thầy có hai mền len và mấy cái áo lạnh. Khuya Thầy mặc hết mấy áo lạnh, đắp hai mền len mà ngủ không được, sau cô Thể Tịnh xuống thăm, thấy vậy may thêm cho một cái mền bông nữa. Từ đó về sau mới chịu nổi. Qua lần kinh nghiệm đó, sau khi được đất cất Thiền viện này, Thầy nghĩ những người tới ở đây làm sao phải đủ điều kiện ấm áp để yên ổn tu hành mới được, chớ không thì sanh bệnh, tu không tiến còn nguy hiểm cho bản thân. Bởi vậy Thầy chủ trương khi xây dựng xong, kể cả bên Tăng lẫn bên Ni, khi ngủ phải có mền nệm, mỗi người có ba áo lạnh đều nhau. Đó là bổn phận Thầy phải làm cho tròn. Mọi sắp xếp của Thầy đều đã có kinh nghiệm, tụi con cứ theo đó làm, đừng làm khác đi, không hòa với chúng.

Tụi con đang ở trong chúng phải sống có nề nếp chung, khi nào ra trụ trì rồi, muốn lập hạnh gì cũng được, ai muốn khổ hạnh tùy ý. Ngày nào còn ở trong chúng, ai sao mình vậy, ai ăn gì mình ăn nấy, ai ngủ thế nào mình ngủ thế ấy để có tinh thần chung. Ai tới thấy cuộc sống nhịp nhàng của mình họ mới tin. Nếu thấy người này kẻ kia khác nhau thì không hợp với chủ trương lục hòa Thầy đã đề ra. Cho nên tụi con phải dè dặt, sống khác nhau không khéo thành chia rẽ.

Nếu trong chúng ăn uống thiếu thốn mình ăn theo thiếu thốn, giả sử Phật tử cúng dường sung túc mình cũng tùy hỉ. Sống sao không thấy gì lạ hơn thiên hạ, đó mới hay. Nếu mỗi người mỗi ý thì không biết sống sao cho hòa. Trừ những trường hợp đặc biệt bệnh, bác sĩ bảo ăn thức riêng trị bệnh, còn những trường hợp không đến đỗi chúng ta phải sống tùy chúng cho hòa vui. Đó là lời Thầy nhắc chung cho tất cả hiểu.

Ngày 28-7 Ất Hợi (23-8-1995)
Hôm nay có vài vấn đề Thầy nhắc trong chúng.

Khi ngồi thiền, nếu nghe trên đầu có gì đè nặng, hoặc nghe tiếng vo vo bên lỗ tai, đó là vì ngồi kềm nhiều gồng mình, đầu hơi cứng nên như vậy, chớ không có gì lạ. Lúc đó tụi con buông xả thư giãn bình thường, một chút sẽ hết.

Khi nào tụi con vừa khởi tâm buồn ai, ghét ai, liền biết đó là phiền não, bỏ ngay. Các niệm buồn thương giận ghét đều là nhân của phiền não, hễ theo nó một hồi sẽ thành phiền não. Khi ngồi thiền, niệm vừa dấy khởi liền bỏ, đừng chạy theo nó không tốt, đó là vọng tưởng. Còn ngồi thiền buồn ngủ mà biết thì đâu bị giám thiền đánh. Ngồi ngủ gục lúc nào không hay nên Thầy cho giám thiền đi đánh cho tụi con tỉnh. Khi bị đánh phải mang ơn, nếu không mình chìm trong mê mờ, không biết đến bao lâu mới ra khỏi hang quỉ. Vì lý do tụi con ngủ, không sáng cho nên mới có giám thiền, nếu tụi con vừa ngủ liền biết, đâu cần giám thiền. Biết thì hết ngủ, ngủ thì không biết; ngủ là mê, mê tức không giác.

Thiền là trạng thái vắng bặt không niệm. Ngồi thiền thấy niệm khởi liền buông không theo vì đó là vọng tưởng. Công phu quá đơn giản nên khiến cho người mới tu dễ sanh buồn ngủ, dễ đi sâu vào hôn trầm. Cho nên giai đoạn đầu đếm hơi thở hoặc theo hơi thở, là phương tiện để bớt buồn ngủ.

Nếu theo hơi thở nhè nhẹ dễ buồn ngủ, tụi con dùng tuệ quán. Khởi quán thân này do tứ đại hòa hợp mà thành. Phân tích ra từng phần trong người: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương..., tất cả chất cứng đều thuộc về đất. Rồi phân tích chất ướt là mồ hôi, máu, mủ, đờm, dãi, nước tiểu..., đó là nước. Động là gió, hơi thở vô ra làm các bộ phận trong cơ thể chuyển động. Hơi ấm là lửa. Trong người chúng ta luôn có hơi ấm, như hơi mình thở ra nóng hơn hơi hít vào, hoặc khi chúng ta xoa chà, một hồi ấm lên đó là lửa.

Như vậy tụi con ngồi phân tích đất nước gió lửa, phân ra từng cụm rồi quán trở lại. Cứ quán tới quán lui một hồi tỉnh queo. Cần quán thật kỹ, có việc làm để không buồn ngủ, ngồi yên một hồi dễ ngủ. Đó là phương tiện trị hôn trầm. Chừng nào hết hôn trầm, trở lại thấy niệm khởi liền buông chớ không quán như vậy nữa.

Khi ngồi thiền, tụi con phải chuẩn bị đâu đó chu đáo, vô Thiền đường rồi đến hết thời mới ra, trừ khi có việc bất thường bức bách. Mai kia có những người đến tập tu, tụi con là người mẫu mực, phải ngồi yên, điều phục và làm chủ cơ thể, không được mở cửa ra vô hoài làm động những người chung quanh. Ở các nơi, Thiền đường rất nghiêm chỉnh, tới giờ mới mở cửa, không ra vô bất thường. Tụi con cũng vậy, vào Thiền đường rồi hết giờ mới ra, nhất định không ra nửa chừng, ai trong bụng bất an thì xin phép ngồi tại đơn. Bởi vì cơ thể mình ưa nhõng nhẽo, đòi hỏi đủ thứ, ngồi một hồi nghe mỏi chỗ này, nhức chỗ kia, thúc giục mình phải bỏ cuộc đứng dậy đi.

Khi ngồi bị nhức nhối hoặc có gì lạ phải bỏ qua hết, chết sống gì cũng ngồi, tự nhiên dễ vượt qua. Nếu cứ chiều theo nó sau thành thói quen, thành tật rồi không làm chủ được mình, sanh ra những cái dở khác nữa. Nên phải tập gan dạ để làm chủ mình, rồi tụi con sẽ thấy an ổn. Thời gian tọa thiền phải ngồi êm ru.

Ngày xưa chư Tổ dạy ngồi như núi, như vách đá, không cục cựa, nhúc nhích. Đừng ngồi ẹo qua uốn lại hoặc cúi đầu ngước cổ, ngả tới ngả lui. Bởi vậy nhìn tướng một người ngồi thiền có thể biết tâm họ có an định hay không. Cho nên chúng ta ngồi phải tỉnh sáng, vững vàng, đâu đó hẳn hoi. Tập như vậy lâu ngày tụi con có dáng ngồi thiền tốt, vững, có thể làm chủ được mình. Đừng vì cảm thấy khó chịu đôi chút rồi sửa hoài. Sửa đến chừng nào mới hết sửa? Cái thân thường không an nên chúng ta phải khéo điều.

Khi bắt đầu tọa thiền phải ngồi cho vững, bắt chân lên đàng hoàng, nghiêng qua nghiêng lại coi bồ đoàn ổn chưa, ngồi yên tới giờ mới xả, không nên xả sớm hơn năm ba phút. Phải sống có kỷ luật cho quen. Từ kỷ luật đó, tụi con dần dần nói năng, làm việc có chừng mực điều độ. Đó là cái tốt của người tu, nếu thiếu kỷ luật là không tốt.

Mai kia tụi con lớn lên làm thầy người ta, phải mẫu mực mới được, chẳng lẽ dạy Phật tử một đàng mình làm một ngả. Khi làm thầy dạy người ta tu, họ tin tưởng trông vào hành động của mình, nên phải mẫu mực. Đó là điều Thầy nhắc tụi con. Mỗi đứa phải ráng kềm chế mình, khi nào có chuyện gì quá lắm mới xả đi ra, nếu cố gắng được phải ráng cho đúng giờ giấc, như vậy mới tốt. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, khi có bệnh tụi con như thế nào? Ở đây, trong Thiền viện, Thầy chủ trương tụi con sống đúng tinh thần lục hòa. Lục hòa là ai cũng như nhau, theo nếp sống chung. Trong chúng, Thầy biết có đứa gia đình sung túc có thể giúp đỡ được, có đứa gia đình không có phương tiện giúp đỡ. Bởi vậy trong khi bệnh hoạn, có người đủ khả năng tự lo, có người không. Như thế sẽ có sự chênh lệch, tạo khoảng cách giữa người này với người kia. Nên ở đây Thầy chủ trương thuốc men chăm sóc đều do Thiền viện lo, không nhận từ người thân của tụi con cho riêng.

Khi tụi con bệnh tất cả đều do Thiền viện lo, ai cũng như ai, không phải người này được lo còn người khác không được. Gia đình tụi con nếu có ủng hộ sẽ nhập vào của chung. Như vậy tập cho tụi con sống hòa, không phải lo ngại gì hết. Khi khỏe tu hành và làm việc cho chúng, khi bệnh thì Thiền viện lo cho mình. Trừ trường hợp bệnh nặng không thể ở đây, phải đi nơi này, nơi kia thì Thiền viện không chu đáo được, còn ở tại chỗ Thiền viện lo hết.

Khi tụi con khỏe cùng lo việc chung, đến lúc bệnh huynh đệ lo lại, không có gì áy náy, e ngại. Mình sống rất thật thà, cùng vui, cùng khổ với nhau. Có thì cùng ăn, cùng hưởng, không có thì thôi. Đó là chủ trương của Thầy, Thầy muốn thực hiện cho được để tất cả tụi con yên tu, không lo “mình lỡ bệnh rồi làm sao đây” hoặc “cần báo gia đình biết để lo cho mình”. Đừng bao giờ nghĩ như vậy.

 Nếu bệnh phải đi bệnh viện Đà Lạt cũng ở đây lo. Trừ một hai trường hợp phải đi thành phố, thân nhân hay gia quyến có giúp thì tùy; còn trong giai đoạn ở đây Thiền viện lo hết, đứa nào như đứa nấy, đừng ngại đừng e dè. Vì tiền của Viện là do Phật tử cúng, là của thí chủ. Giả sử tụi con được cha mẹ hay thân bằng cho, đó cũng là thí chủ thôi. Như vậy, tập làm sao thân quyến tụi con lúc nào cũng thấy tụi con là người chung trong Thiền viện chớ không phải người riêng của gia đình. Phẩm vật gì đem đến đều cúng chung chớ không riêng cho ai.

Vậy khi bệnh, tụi con đừng e ngại, lo nghĩ anh em cha mẹ có tiền giúp mình không? Hoặc nghĩ mai mốt mình bệnh không ai lo! Đừng lo những điều đó để yên lòng tu. Ngày nào tụi con còn ở đây cứ yên ổn tu, đừng có việc gì phải lo là tốt. Đừng để tâm bận bịu khiến sự tu hành bê trễ. Đó là điều Thầy muốn nói cho tất cả hiểu rõ.

Hôm rồi, Thầy nhắc tụi con phải lấy hạnh tinh tấn làm tiêu chuẩn để tự mình vươn lên. Không có vị Bồ-tát hay vị Phật nào lười biếng mà thành Bồ-tát, thành Phật được. Bồ-tát có hạnh tinh tấn để tự giác, giác tha, rồi từ đó tiến lên quả vị Phật, không có bê trễ, giải đãi. Cho nên tụi con phải tập tinh tấn, không phải giờ tu mới tinh tấn mà lúc nào cũng luôn tinh tấn.
Có ba thứ tinh tấn:

- Một là tất cả những niệm phiền não mình xả bỏ hết. Muốn buông xả phải gan dạ, tức có tinh tấn trong đó rồi. Nếu phiền muộn ai, muốn bỏ khó hay dễ? Bỏ cũng hơi tiếc! Vậy nên phải gan dạ cắt đứt hết mọi não phiền. Đó là tinh tấn, gan dạ bỏ những niệm phiền não ở nội tâm mình.

- Thứ hai là tinh tấn phá chấp. Chấp là kiến chấp, chấp chặt cái thấy như thế này là chân lý, ai nói khác không chịu. Nhưng sự thật đó là chấp chớ không phải chân lý. Ví dụ, mình kiểm nghiệm người ở chung với mình có năm bảy tật xấu, rồi kết luận người đó xấu. Sau có ai đó đến kể cho mình nghe vài đức tánh tốt của người đó, mình có chịu nghe không? Hay là khẳng định trong đầu người đó xấu, ai nói tốt mình không chịu?

Chấp cái nhìn của mình như vậy là không tốt, cần phải xả bỏ. Nếu thấy ai đó xấu nhưng khi người khác nói tốt về người đó, chúng ta vẫn nghe, nhờ vậy xả bớt ấn tượng xấu về người đó, đừng để lâu khó chịu không vui. Như vậy mình sống với huynh đệ mới thấy sự cảm thông, không khẳng định điều gì cả sẽ bớt cố chấp. Đó là Thầy nói chỗ chấp nhỏ, còn bao nhiêu cái chấp khác nữa. Bởi vậy người biết tu phải gan dạ bỏ những cố chấp, đừng ôm ấp trong lòng nhiều, trở ngại trên đường tu.

- Thứ ba là tinh tấn tu hành. Những việc nhỏ xíu mà tụi con tinh tấn cũng trở thành hay. Như lúc nghe kiểng thức chúng phải trỗi dậy liền. Đó cũng là một hình ảnh tinh tấn. Còn nghe rồi lăn qua trở lại, không nỡ hất cái mền ra là giải đãi, thiếu tinh tấn. Tụi con kiểm lại coi mình tinh tấn hay giải đãi. Tụi con phải tập tinh tấn. Thầy già rồi mà nghe tiếng kiểng là trỗi dậy liền không trễ nải. Hồi trước lúc Thầy còn ở Phật học đường cũng vậy, nghe đánh kiểng là trỗi dậy liền, không đợi mãn mấy hồi kiểng. Dậy liền mới kịp giờ, còn nướng thêm năm ba phút, tiếc giấc ngủ ngon thì không kịp, lên trễ. Lúc ấy Thầy làm trưởng liêu phải đi kêu những người lăn qua trở lại uốn mình chưa muốn dậy, thấy chẳng hay chút nào.

Tụi con phải tập tinh tấn ngay từ buổi đầu. Nghe kiểng thức dậy liền, tỉnh táo ra ngoài rửa mặt. Tụi con phải kiểm điểm lại, nếu có bệnh giải đãi phải sớm bỏ, lấy roi tinh tấn đánh nó không chần chờ. Nuôi bệnh giải đãi là điều xấu, làm cho việc tu hành trễ nải. Đứa nào còn bệnh này khó mong thành Phật lắm, tu tính nhiều năm mà không có kết quả bao nhiêu. Cho nên tinh tấn là điều cần thiết để tiến lên Phật quả. Đó lời Thầy nhắc, mong tụi con cố gắng.

Ngày 13-8 Ất Hợi (7-9-1995)
Kỳ thỉnh nguyện này trong chúng chỉ một hai người có lỗi. Chúng ta đang tu không ai tránh khỏi lỗi lầm. Cái quí là sau khi biết mình có lỗi, hoặc được Thầy hay huynh đệ nhắc nhở, ngay đó mình quyết sửa và cố vươn lên, không bao giờ tái phạm. Vậy là tụi con biết tu, sẽ ngày càng tiến bộ. Không nên mặc cảm mình có lỗi lầm rồi đời tu lui sụt, không ra gì. Biết lỗi để sửa bỏ, biết chỗ dở để ráng vươn lên, đó là sức mạnh của người tu.

Kế đây Thầy nhắc cho tụi con biết, người tu thường có hai chướng: một là chướng bên ngoài, hai là chướng bản thân.
Chướng bên ngoài, gần là huynh đệ đang chung sống với mình làm những điều không hợp, không thích ý mình, sanh ra chướng, đó là chướng nhỏ. Chướng lớn là hoàn cảnh xã hội. Bây giờ tụi con chỉ bị chướng nhỏ bên ngoài, như bị huynh đệ chung quanh hoặc ghét hoặc thương. Ghét là chướng đành rồi, còn thương có phải chướng không?

- Dạ, chướng.

Hai chướng ghét hoặc thương đó tụi con đều phải vượt qua, nếu không qua được là trở ngại trên đường tu. Ban đầu, do bất đồng ý kiến với huynh đệ nên phiền não. Từ phiền não sanh ra rối loạn, tọa thiền tụng kinh không yên, đó là trở ngại. Khi hoàn cảnh bên ngoài làm mình bực bội quá dễ sanh ra thối chuyển. Muốn tránh cảnh nên đi nơi này nơi kia, lăng xăng lộn xộn, làm thối Bồ-đề tâm. Đó là chướng nghịch.

Chướng thuận là huynh đệ thương, chiều mình, muốn gì được nấy. Bởi chiều chuộng lo lắng, lâu ngày tình cảm sâu đậm, rồi người lo và chiều đó thấy mình lệ thuộc vào họ nên làm cái gì họ cũng theo dõi, nói chuyện hay thân thiện với ai khác họ bực bội, vậy có chướng không? Từ thân đến thương, rồi luyến ái thành ra bệnh, trở ngại đường tu, lẩn quẩn tu không ra gì.
Hai điều này đều là chướng, tụi con cần biết cho thật rõ. Ở Thiền viện mười năm, hai mươi năm cứ ôm ấp bệnh đó thì không bao giờ tiến lên được, uổng đi một đời tu. Thương nhau lắm rồi đến ngày giận nhau cũng chia tay. Như ở ngoài đời có những người thương nhau, lập gia đình không có sự sắp đặt của cha mẹ, họ tự lựa chọn, vậy mà sau cũng ly dị. Tự mình lựa chọn mà cũng có những cái bất đồng. Ở trong chùa tụi con thân, thương nhau đến ngày nào rồi cũng chia tay, mỗi người một nơi. Kiểm điểm lại mười năm hai mươi năm ở chung tu hành cứ bị cột trói trong tình cảm, nên đường tu không tới đâu và tình cảm cũng không tới đâu. Rốt cuộc hai cái trở thành vô nghĩa. Như vậy phí đi một khoảng thời gian quí báu.

Thầy thường nhắc tụi con giữ tâm bình đẳng đối với tất cả mọi người. Đó là nói hơi quá đáng, nói chính xác hơn là giữ tâm vừa phải. Nếu thương người này mười thì người khác thương bảy tám, đừng thương người này mười, người khác thương một trăm. Thương quá có ngày sụp đổ! Cho nên mình đối với huynh đệ cùng sống chung tu hành, cùng chung lý tưởng, ai cũng đáng quí trọng, không trói buộc ở một người nào. Đó là người biết tu, khéo tu. Tự trói buộc chỉ làm hại đời tu của mình, lại không tốt cho tập thể. Vì vậy hai cái chướng của ngoại cảnh tụi con phải ráng vượt qua.

Chướng bản thân cũng chia làm hai:

- Trước hết là chướng về thân do bệnh hoạn yếu đuối làm trở ngại. Nếu thắng được nó là thành công lớn trên đường tu, vì mình đã vượt qua, làm chủ được thân mình. Nếu mình theo nó dễ sanh chán nản, thối tâm, không tu được bao nhiêu. Do đó cái chướng về thân tụi con phải dùng hai phương tiện này để nhắc nhở:

Một là trong kinh Phật dạy có thân thì có bệnh, không ai không bệnh, chỉ bệnh nhiều hay ít thôi. Có bệnh là đương nhiên, không phải riêng mình mà ai cũng mắc bệnh hết. Chúng ta không quan trọng nó thì sẽ vượt qua.

Thứ hai, bệnh là cơ hội tốt, là viên thuốc hay để cảnh tỉnh mình. Nó là hiện tượng chớm bại hoại của thân. Mỗi ngày nó đau nhức, mình nhớ thân này không ra gì. Nghĩ như vậy sẽ không bị nhiễm dục lạc bên ngoài, biết rõ nên không có gì dính mắc. Biết thân này là ung nhọt nên không tham gì hết, đó là thứ thuốc hay trị bệnh tham ái của ngã. Vì vậy tụi con nhân nơi bệnh nên biết tu. Biết thân này là đau khổ, nhớ tới bệnh thì bao nhiêu thứ dục lạc thế gian không bị đắm nhiễm. Bệnh là thuốc tốt, tụi con hiểu như vậy sẽ tiến trên đường tu. Không phải bệnh là cái cớ để tụi con lui sụt.

Kế đến là chướng nội tâm. Tâm vọng tưởng có khi nghĩ thế này, có khi nghĩ thế kia. Nghĩ hay dở, tốt xấu, đủ thứ. Khi biết tu mình kiểm soát nó, làm chủ nó. Nếu không tự chủ, vọng tưởng mạnh sẽ lôi mình làm những việc trái đạo lý. Nên Thầy dạy tụi con buông vọng tưởng. Niệm vừa dấy lên liền bỏ, không ai dại gì nuôi dưỡng cho thành bệnh, chấp này nọ mất thời giờ vô ích. Đừng buông lung theo những chuyện tào lao, dụm năm dụm ba lại nói, không có ích lợi gì. Đó là do tâm điên đảo dấy động xúi giục, nói những lời tạp nhạp vô nghĩa.

Do đó phải kiểm soát vọng tâm, đừng để nó lôi kéo tụi con đi những con đường không hợp đạo lý. Ai luôn biết kiểm soát, không để vọng niệm lôi kéo thì sẽ được an ổn. Còn người nào bị nó dẫn đi chỗ này chỗ kia, nói điều này điều nọ tất sẽ bị thiệt thòi, mất mát trên đường tu. Như ba bốn huynh đệ ngồi lại nói tào lao, có phải bị vọng tưởng dẫn không? Người nào đi đứng nằm ngồi đều quan sát lại mình thì không có gì dẫn.

Khi không có vọng tưởng vui hay buồn? Khi nói tào lao là vui hay buồn? Ngay lúc đó vui nhưng khi xét lại lỗi thì buồn. Nếu tâm tụi con an nhiên thanh tịnh, qua lại tự do có gì lỗi không? Đó là lẽ thật, chẳng những vui bây giờ mà vui mãi về sau nữa. Còn cái vui tào lao tới hồi biết lỗi hối hận không kịp. Nên tụi con luôn nhớ quán sát nội tâm, không cho nó dẫn dắt, lôi kéo, khiến làm những chuyện không hay. Từ không hay sẽ có lỗi, khiến tụi con cảm thấy buồn bực bất an. Chẳng những mình buồn, còn làm người xung quanh bực nữa, đó là chướng đạo.

Hôm nay Thầy nhắc để tụi con ráng tu, vượt qua hai chướng: ngoại cảnh và nội tâm. Đây là ngoại cảnh nhỏ chớ không phải lớn. Còn đối với thân tâm cũng vậy, khi có việc gì xảy ra, chúng ta nên nhân đó quán chiếu cho rõ để thấy tường tận thân tâm mình đừng để lầm, cũng không bị lệ thuộc vào nó. Đây là điều thiết yếu trong sự tu, không phải chỉ tu khi ngồi thiền. Luôn luôn thức tỉnh, đó là tụi con tỉnh giác.

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu