Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 4-Thỉnh nguyện tăng-Đoạn 2

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 4-Thỉnh nguyện tăng-Đoạn 2
Ngày 12-6 Bính Tý (26-7-1996)
Thỉnh nguyện hôm nay đa số có lỗi nhỏ không đáng kể, cũng đều biết thành tâm sám hối, nói lên lòng tự giác cao.

Kế đây tôi nhắc chúng về đường lối tu. Chúng ta tu hành phải có mẫu mực, không nên xem thường.

Chúng Tăng hay có cái bệnh là quan trọng việc gì lớn, còn việc nhỏ thường không để ý. Thí dụ như ngồi thiền có ba phần: nhập, trụ, xuất. Khi nhập thì dễ, còn khi xuất ở đây dường như chưa thống nhất, kẻ nhanh, người chậm, kẻ làm thế này, người làm thế kia... Tôi cũng đã chỉ nhiều lần rồi nhưng chưa chắc làm đúng.

Nay mai sẽ có hai vị Linh mục lên đây xin tập tu với mình. Nếu họ thấy xả thiền mỗi người mỗi kiểu, họ biết học theo ai? Thầy Quản chúng chỉ, rồi xuống thấy những người ngồi trước mặt hoặc kế bên mình, người xả kiểu này, kẻ xả cách kia, họ biết bắt chước ai. Cái đó hơi nguy. Những gì tôi nghiên cứu đem ra dạy quí vị không phải là bỗng dưng làm theo xu hướng nhất thời. Đó là điều tôi đã kinh nghiệm đưa ra ứng dụng. Giờ tôi nói dài dòng một chút.

Trước hết kể chuyện ngày xưa, lúc còn ở Ấn Quang tôi đi dạy, đi giảng rất nhiều. Vào khoảng 1960, 1961 tôi dạy ở chùa Pháp Hội, Hoà thượng Viện trưởng triệu tập các vị Trụ trì về đó để học khóa Như Lai Sứ Giả. Có chừng sáu mươi, bảy mươi vị tham dự khoá học. Trong mùa an cư chư Tăng khép mình tu hành trú dạ lục thời, nghĩa là ngày đêm sáu thời tụng niệm. Khi tôi dạy là gần cuối mùa hè, nhìn lại thấy thầy nào thầy nấy mặt xanh mét, mắt hơi đục đục. Tôi biết đó là hiện trạng không tốt, nếu tu như vậy sẽ đi tới phế nhân chớ không đạt kết quả gì.

Tôi nhớ có một bài kinh A-hàm kể rằng: Một hôm vua Ba-tư-nặc đi đến thăm Phật. Khi tới ngoài cổng, Vua thấy có hai chú Sa-di đang thong thả đi thiền hành, vua Ba-tư-nặc xá chào hai vị, nhìn thấy vị nào da dẻ cũng bóng láng và rất tươi. Khi vào trong, ông đảnh lễ Phật thưa: “Bạch Thế Tôn, chư Tăng ở đây ngày ăn có một bữa, ngủ ít, thức nhiều mà tại sao những vị đó lại tươi tắn đẹp đẽ, da dẻ bóng láng như vậy?” Đức Phật trả lời rằng: “Do chư Tăng tu thiền được an định nên cơ thể hiện ra những tướng tốt đó.”

Qua câu chuyện đó, tôi nghĩ người xưa tu hành càng ngày càng tươi tắn khoẻ mạnh, tại sao bây giờ càng tu da dẻ càng xanh xao, con mắt lờ đờ không sáng. Như vậy mình tu có đúng lời Phật dạy hay không? Không khéo đường tu của mình tới chỗ kiệt quệ rồi thành phế nhân. Nếu tu mà thành phế nhân thì tu làm gì? Đó là một dấu hỏi lớn tôi đặt ra trong lúc còn đang làm việc và tu học theo nếp cũ, tức tu Tịnh độ, niệm Phật, tụng kinh.

Trường hợp thứ hai như Hoà thượng Trí Minh bây giờ còn sống, lớp của Ngài cũng gần với Hoà thượng Viện trưởng. Chúng tôi thường nghe Hoà thượng Viện trưởng khen nức nở: Hoà thượng Trí Minh học kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ thuộc lòng hết chánh văn, học đâu nhớ đó, vừa thông minh, ham học lại vừa ham tu. Nhưng tới chừng Hoà thượng Trí Minh nghỉ học thì kiệt lực, không làm gì được nữa hết. Năm đó Hoà thượng về ở một cái thất nhỏ gần Thủ Đức. Tôi nghe quí Hoà thượng khen ngợi nên tìm tới thăm. Thấy Hoà thượng ở trong thất lá, tự nấu cơm ăn. Đến lúc nói chuyện, tiếng nói Ngài khàn khàn ở cổ không nghe rõ được. Suy kiệt đến mức ấy. Từ đó về sau Hoà thượng thành phế nhân luôn, không làm được gì nữa.

Như vậy chúng ta mới thấy, ham tu ham học là đức tánh hết sức tốt, vậy mà không khéo trở thành phế nhân. Khi thành phế nhân rồi thì sự tu học của mình không làm lợi ích gì cho ai được. Vì vậy tôi kinh nghiệm kỹ, thấy rõ nếu mình cứ tu theo đà đó, tụng kinh, niệm Phật và giảng dạy nhiều sẽ đi tới kiệt quệ. Mà quả nhiên, trường hợp tôi cũng như vậy.

Lúc đó tôi tu học đều đặn và đi giảng dạy khá nhiều, đến tối vẫn theo chúng tụng kinh. Tới năm 1961 tôi bệnh phổi. Khi bệnh rồi, tôi nghĩ đời mình tới đây là tàn, không làm được gì nữa. Tôi vào bệnh viện Đồn Đất trị ba tháng, thấy bớt ra viện. Ông bác sĩ người Pháp dặn cứ mỗi hai tháng trở lại xem bệnh, đồng thời cho thuốc chích và uống thường xuyên.
Sau đó, tôi được thầy Nhất Hạnh cho đất cất thất gần Phương Bối Am. Tôi nghĩ mình bị bệnh phổi, sống gần chúng có thể nguy hiểm cho người khác, nên nhất định không ở trong chúng, lên Phương Bối Am tịnh dưỡng. Tôi nhờ Phật tử ở Bến Tre cất cho cái thất, thầy Nhất Hạnh đặt tên giùm là Thiền Duyệt thất.

Thật ra, những năm đó đâu có bổn đạo nhiều, chỉ có vợ chồng Như Thông lúc ấy làm dược sĩ bán thuốc, lâu lâu lên ủng hộ. Mỗi lần lên, y cho tôi bánh mì khô và ít hộp sữa. Buổi sáng tôi khuấy một ly sữa chấm bánh mì khô ăn, không có gì khác. Trưa có dì Thợ đằng Phương Bối, tôi gửi tiền cho dì mua thức ăn nấu giùm bữa cơm trưa. Chiều uống ly sữa. Đứng về mặt bồi dưỡng thì không có gì đáng kể.

Từ đây tôi nhất định nghiên cứu cuốn Lục Diệu Pháp Môn của ngài Trí Giả đại sư, lúc trước ở Ấn Quang tôi đã dịch ra, nay đem nghiên cứu, ứng dụng tu. Mới tu tới Sổ tức, Tùy tức thôi. Ngày ngồi thiền, đêm ngồi thiền liên miên như vậy. Tôi lấy sự tu để trị bệnh, nguyện rằng một khi ra khỏi nhà thương thì không trở lại lần thứ hai. Thuốc men ngang đó không có ai chích nên cũng bỏ luôn. Không chích, không uống thuốc rồi cũng không trở về khám bệnh lại.

Tôi cố tình ứng dụng tu thiền. Tu được hơn một năm, thấy trong người khỏe lại. Đến lúc ở Phương Bối không được nữa, tôi trở về ở nhờ chùa Linh Sơn - Vũng Tàu ba tháng, trong một cái cốc nhỏ. Rồi Như Thông với ông Minh Đạo cho cái thất lá ở An Dưỡng Địa. Tôi về ở đó cũng chuyên tu thiền thôi, qua hai năm thấy khỏe hẳn, không đi tái khám nữa.

Lúc đó Hoà thượng Giám đốc và Hoà thượng Viện trưởng kêu tôi: “Bây giờ Thanh Từ khỏe rồi, về Ấn Quang tiếp dạy với quí Thầy.” Tôi thưa: “Giờ con tuy khỏe nhưng con không thể sống chỗ ồn ào nổi. Nếu quí Hoà thượng đặt cho một lớp học ở ngoài này thì con có thể làm được.” Quí Ngài đồng ý, do đó cất Phật học viện Huệ Nghiêm. Tôi mời thêm thầy Bửu Huệ, thầy Thiền Tâm, hai vị về hợp tác làm việc và dạy.

Năm 1964, tôi khởi sự dạy ở Huệ Nghiêm, Dược Sư, dạy luôn đằng Vạn Hạnh, dạy liên miên. Phổi yếu mà tôi làm việc như vậy. Trong suốt thời gian đó về sau tôi vẫn ngồi thiền. Ban ngày giảng dạy, khuya và tối ngồi thiền. Như vậy mãi đến 1968 tôi lên Chân Không tu thiền luôn. Bấy giờ phổi tôi hoàn toàn lành mạnh, trong khi vẫn giảng dạy không dừng.

Thế là thấy kết quả rõ ràng, nếu mình không khéo tu sẽ đưa tới chỗ bệnh hoạn, phế nhân. Còn khéo tu thì có thể chuyển bệnh hoạn trở thành mạnh khỏe để làm Phật sự. Từ đó tôi thấy lợi ích cụ thể của việc tu thiền nên nhất định theo hướng này. Tuy nhiên tôi chưa phăng tìm ra manh mối, đường lối tu nên rất dè dặt, vì mình không có được một vị lớn đi trước hướng dẫn, mà phải mò mẫm trong kinh điển tự tu. Có người dọa: “coi chừng tu thiền điên”, nhưng tôi thấy rõ là nhờ tu thiền sức khỏe được tăng thêm, đồng thời tâm trí ngày càng sáng suốt hơn. Bởi vậy tôi tuyên bố nhập thất.

Năm 1966 tôi ra Vũng Tàu cất Pháp Lạc thất. Năm đầu không tu được gì bởi vì phải dọn rừng, ban ngày làm, ban đêm tu. Lúc đó chỉ một mình nên tôi tự nấu nướng lấy. Có người quen ở dưới chợ cứ một tuần đem đồ ăn lên một hai lần. Mấy Phật tử cho tiền, tôi đưa cho họ mua thức ăn.

Buổi sáng tôi cũng ăn bánh mì khô với một ly sữa rồi đi phát quang cây cỏ, bụi rậm. Tới mười giờ vô tắm rửa, nấu cơm. Có hai bếp dầu (réchaud), một cái nấu cơm và một cái nấu canh. Bởi ở một mình, lại không có thời gian nên hai ba thứ rau, hoặc cà rốt khoai tây gì đó, tôi cứ gọt xắt rồi bỏ vô nồi, đổ thêm nước, nêm muối mẳn mẳn, vừa làm canh, vừa làm kho luôn. Mỗi bữa có một món duy nhất vậy thôi.

Chiều tôi xem Đại tạng kinh, tìm hiểu những lời Phật dạy để phăng mò cho biết đường tu. Bởi vậy lúc đó đâu có gọi “Thiền thất”, chỉ đặt là “Pháp Lạc thất”, tức là vui với chánh pháp chớ chưa vui với thiền. Tu một năm trời như vậy, đến năm thứ hai mới có một ít người lui tới. Bà Bảy với mấy cô ra ở dưới am Dương Chi, họ nấu cơm giùm đem lên mỗi bữa trưa. Từ đây tôi mới bắt đầu nhập thất. Tháng tư nhập thất tới tháng bảy ra, chỉ có ba tháng.

Khi còn làm Tri tạng ở Ấn Quang tôi thường xem Tạng kinh, nhất là những bộ nói về thiền. Nhưng càng đọc tôi càng bí, không hiểu các ngài dạy gì. Chỉ hiểu các cuốn Lục Diệu Pháp Môn, Tọa Thiền Chỉ Quán, còn qua tới Thiền ngữ thì chẳng thể hiểu nổi, thấy các ngài nói cái gì đâu đâu, không chỉ thật cho mình. Bởi vậy khi nhập thất, tôi không có đường lối tu cụ thể, chỉ lấy Lục Diệu Pháp Môn làm chuẩn để tu.

Ban đầu tôi sổ tức. Khi thấy không còn lộn hay quên gì nữa, tôi qua tùy tức, theo hơi thở vô ra rất có kết quả. Sau đó, tôi chuyển sangchỉ. Trong sách dạy dừng tâm ở đầu mũi, hoặc dừng ở trán hay ngực. Tôi dừng ở đầu mũi để thấy hơi thở vô ra. Giai đoạn này bị ngủ gục, không thể nào kềm nổi. Tôi chỉ còn niệm Phật, sám hối chớ không biết làm sao. Tu chỉ không được làm sao tu quán, thành ra Lục Diệu Pháp Môn tôi chỉ tu tới chừng đó.

Rồi tôi tu qua Tứ niệm xứ. Trước hết quán thân bất tịnh. Tôi quán ba mươi sáu vật trong thân, quán tới quán lui cho đến một hôm tôi gớm muốn ói, nhớ tới thân là rùng mình. Trong sách có dặn kỹ, khi có triệu chứng đó thì dừng không quán bất tịnh nữa. Nếu quán bất tịnh nữa có thể tự tử. Bởi vậy tôi dừng, chuyển sang quán tịnh.

Quán tịnh tức là tưởng xẻ trước trán ra bày một chút xương. Quán xương ban đầu đục, lần lần thành trong, rồi đến phát hào quang sáng. Đó là thành công quán tịnh. Tôi cũng y vậy làm theo. Xẻ ở trán quán ít bữa đau nhức chịu không nổi. Tôi lại tưởng xẻ ở sống mũi, quán một thời gian nhức lỗ mũi chịu không nổi. Tôi bèn tưởng xẻ xương ngực quán, nghe tức ngực không thể tiếp tục.

Như vậy Lục Diệu Pháp Môn bị dừng, qua quán bất tịnh cũng kẹt. Quán thân bất tịnh không được thì làm sao quán thọ, tâm, pháp?

Bởi vậy tu thật là khổ sở. Tôi thấy đường lối tu của mình có lẽ bế tắc. Cho nên mỗi sáng mỗi tối tôi lạy Phật sám hối. Tôi sám hối đơn giản lắm, chỉ quì trước bàn thờ Phật khóc, nói: “Con nghiệp chướng sâu dày, nay xin thành tâm sám hối, xin Phật cho con nghiệp chướng tiêu trừ.” Tôi lạy khóc kể lể chớ không biết nói gì nữa. Thầy không có, bạn cũng không, đành chịu. Kinh sách mình nắm vững mà tu không được, tu tới đâu kẹt tới đó. Do đó tôi ráng lễ Phật sám hối. Trong vòng ba tháng thì một chuyện xảy ra, hư thực không thể lường.

Một đêm nọ, tôi ngủ mộng thấy đi vào một ngôi chùa rất cổ, có thể giống như chùa Trung Hoa hay chùa Phước Hậu hồi chưa sửa vậy. Tôi bước vô nhà Tổ thấy có hai vị. Vừa thấy, tôi liền biết đây là Tổ sư Huệ Khả, đây là Tổ sư Tăng Xán. Tổ Huệ Khả mặt hơi vuông, đầu tóc ngắn, còn Tổ Tăng Xán mặt tròn tóc dài như một tháng chưa cạo. Tôi thấy rõ, nhớ hình dáng tới bây giờ vẫn không quên. Tôi liền chạy kêu Trụ trì: “Hai Tổ ngồi trên này, Trụ trì đâu mà không trà nước gì hết?” Tôi vừa kêu thì hai vị đứng dậy bước ra rồi đi thẳng.

Giật mình thức dậy, tôi chắc mình cũng có duyên với chư Tổ, nhất là Tổ Huệ Khả. Bởi vậy thấy Tổ tôi nhớ rất rõ. Chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho có một tượng đội mũ ở ngoài, dáng đội mũ thì không giống Tổ, nhưng gương mặt vuông vuông rất giống.
Sau đó, tôi tiếp tục cố gắng sám hối và ngồi thiền, hết cái này đổi cái kia. Có hôm tôi đổi qua tu thoại đầu, cũng đắc lực lắm. Lúc đầu đặt câu hỏi: “trước khi cha mẹ chưa sanh mình là cái gì” rồi ngồi tu. Trước đây tôi có dịch cuốn Tham Thiền Yếu Chỉ của ngài Hư Vân nên nắm vững lắm. Tu như vậy đến một hôm đề không được nữa. Nó cứng như đá, như cây, kỳ cục lạ lùng! Rồi tôi cứ ngồi trơ trơ, đề thoại đầu mãi không lên. Quí vị thấy, thật là cay đắng! Cuối cùng tôi xả ra khóc, rồi lạy Phật chớ không biết làm sao!

Một đêm thứ hai tôi nằm mộng, thấy Tổ Huệ Khả hẳn hoi. Ngài lại nói một bài thơ, nghe không biết bài thơ gì mà câu chót là: “Không bình không trắc.” Rồi tôi giật mình thức dậy. Khuya buổi đó tôi ngồi thiền, ngẫm nghĩ tại sao “không bình không trắc”? Tôi ngồi yên, vừa đặt câu hỏi như vậy, tự nhiên sáng được lẽ đó. Sáng được lẽ đó rồi, tôi cười hoài ba ngày, không biết nói gì. Sau đó tôi đem các kinh sách trong Tạng ra đọc, nhất là cuốn Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự.

Ngang đây tôi mới hiểu rõ những gì chư Tổ nói, thấy được lý Thiền tông.

Bởi vậy, khi mình quyết chí tu, dù hiện tại không gặp pháp tu thích hợp thì long thần hộ pháp cũng gia hộ trợ giúp. Với quyết tâm của mình, mọi việc làm đều có kết quả. Vậy nên tôi mới nói: Đừng than mình sống thời mạt pháp. Hãy nghĩ dù chúng ta ra đời gặp Phật mà tu lơ là, lôi thôi thì tuy là thời chánh pháp kết quả tu hành cũng giống như thời mạt pháp. Còn bây giờ là thời mạt pháp, nhưng nếu mình quyết tử để tu thì cũng có thể chuyển như thời chánh pháp không khác. Tôi cương quyết nói như vậy vì đó là điều tôi thấy rõ ràng.

Từ khi đọc cuốn Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, tôi mới thấy rõ những gì Tổ chỉ và nắm vững được đường lối tu thiền. Chư Tổ chỉ dạy hết sức đầy đủ tại sao mình không biết tu! Giờ biết rồi không thể làm thinh tu một mình, nên tôi xả thất ra lập Thiền viện.

Hồi nhập tôi có nói: “Tôi nhập thất kỳ này không có hạn kỳ, không có thời gian, không biết chừng nào ra.” Bởi vì tôi nghĩ mình tu thời mạt pháp, nghiệp chướng sâu dày, quí thầy Tịnh Độ đã dạy không thể nào tu thiền được, bây giờ mình liều chết tu chắc cũng không tới đâu. Vậy mà mới hơn ba tháng tôi ra, thiên hạ cười, nói rằng: Mới ba tháng đã chịu không nổi, thế mà tuyên bố nhập thất không hạn kỳ!

Nhưng tôi luôn luôn chủ trương rằng: Mình làm cái gì mà thấy lợi ích cho mình, hữu ích cho người thì phải làm. Nhất là khi tôi biết được điều gì hay cũng muốn đem dạy người, chớ không thể giấu giếm được. Bây giờ tôi đã thấy rõ thiền rất thiết yếu cho đời tu. Nếu tu Phật mà không tu thiền thì khó mở sáng con mắt trí tuệ. Bởi vậy, sự nhiệt tình đó thúc đẩy tôi mở cửa sớm, với tâm niệm mình có được lợi ích gì thì cũng muốn làm cho người khác được như vậy, chớ không phải cho riêng cá nhân mình thôi.

Lúc tôi vào thăm thầy Bửu Huệ, thuật lại việc tu hành và dự định mở cửa để ra làm Phật sự, thầy Bửu Huệ hơi trách, phải chi tôi ở trong thất năm bảy năm nữa sẽ tiến bộ nhiều lắm, mở cửa như vậy sớm quá. Nhưng với tâm nhiệt thành, khi thấy được điều hay, tôi không giấu giếm một mình được, phải chỉ cho mọi người cùng biết. Do đó tôi khẳng định mở Thiền viện.

Năm 1970 tôi tuyên bố cất Thiền viện Chân Không. Hoàn cảnh khi đó thật khó khăn, không có tiền bạc gì nhiều, chỉ có một ít Phật tử thân tín ủng hộ cất được một Thiền đường. Thiền đường chiều ngang hẹp, chiều dài dài, để vừa lạy Phật, tụng kinh, vừa tọa thiền được, chớ nếu cất chiều ngang rộng quá thì không có bề sâu. Chánh điện cất sơ sài trước, rồi nhà Tăng từ từ cất sau.

Tôi rất dè dặt, vì nghĩ rằng bản thân mình tu thiền được sự tiến bộ như vậy cũng nhờ túc duyên. Nhưng hiện tại quí Thầy lớn cứ nói tu thiền điên nên tôi rất ngại, mở Thiền viện mà không dám thâu nhiều người vì hai lý do: một là sợ người ta điên, hai là sợ họ tu không nổi, nên tôi chỉ thu có mười người đáng tin cậy thôi.

Đợt đầu ba năm, không thấy ai điên mà kinh tế cũng không đến nỗi nào, tôi yên lòng. Đợt thứ hai tôi chuẩn bị thâu nhiều hơn, luôn bên Ni, cho tới chùa Linh Quang ở Cát Lở, tổng số gần bảy mươi người. Tôi tính ba năm nữa, khi lớp cũ tu kha khá thì cho nhập thất, còn lớp sau tu xong rồi tôi sẽ nhập thất lại. Nhưng không ngờ lớp sau mới tu nửa chừng thì dở dang. Năm 1974 mới bắt đầu khóa hai thì tới 1975 có thay đổi. Xã hội thay đổi, sự tu hành của mình cũng bị chuyển theo. Nên ngang đó chúng không mãn khóa được, tôi cũng không có thời gian nhập thất, kéo dài cho đến ngày nay, rốt cuộc tôi cũng chưa nghỉ.

Nói chuyện dài dòng như vậy để quí vị biết tôi làm gì cũng rất cẩn thận. Điều gì có trải qua và đã làm được, tôi mới dạy, chớ không phải nghe ai nói đâu đó rồi bắt chước làm theo.

Như bản thân tôi bệnh phổi, nhờ tu lần lần khỏe lại. Từ năm 1964 tôi dạy ba bốn năm trời mà phổi vẫn tốt. Sau này tôi nghỉ ít năm, rồi giảng dạy luôn đến bây giờ. Có nhiều người nghe tôi giảng trong băng mà không biết mặt, đến khi gặp tôi, họ nói: “Tụi con nghe tiếng trong băng ngỡ Thầy còn trẻ lắm, giọng Thầy không có khàn như mấy ông già.” Chính nhờ tôi tu nên tâm trí sáng suốt và cơ thể được nhẹ nhàng, khỏe khoắn. Đó là sự thật tôi đã kinh nghiệm.

Lúc tôi nhập thất năm 1968, mới có một tháng thì màng thịt trong con mắt kéo qua sát mí tròng đen. Như Thông là dược sĩ, thấy vậy nói: “Con mắt Thầy phải trị, chớ khi màng kéo qua lấp tròng đen là không thấy đường.” Tôi thấy mình vô thất mới hơn một tháng mà đi trị bệnh thì không ổn.

Tôi nhớ lại Hoà thượng Long Sơn ở dưới Tiểu Cần. Năm đó Hoà thượng đã hơn bảy mươi tuổi, Ngài cũng bị màng thịt như vậy, đi chữa trị một thời gian về rồi mù luôn. Tôi nghĩ, thời gian mình nhập thất không có bao nhiêu, sự tu hành đối với tôi còn xa tít mù, chẳng biết đến lúc nào mới có một hai ánh sáng chiếu soi để mở con mắt trí tuệ. Vậy mà bây giờ mở cửa thất đi trị bệnh thì vô lý quá! Thà chết, thà mù chớ không đi!

Trước đây tôi có đọc trong Tọa Thiền Chỉ Quán, ngài Trí Khải có dạy: Nếu bị bệnh ung nhọt gì ở đâu thì trụ tâm ở đó, lần lần nó sẽ tan. Vì trụ tâm chỗ nào thì hơi nóng tập trung chỗ ấy, có thể tan được nhọt. Tôi nhớ trong sách dạy lúc xả thiền xoa tay áp vô mắt cho ấm, vì mình nhìn lâu mắt bị khô. Nhưng bây giờ muốn màng thịt trở lui, đừng kéo vô tròng đen nữa phải làm sao đây? Tôi lấy hai ngón tay giữa, chà cho thật ấm rồi xoa lên mắt, đẩy màng thịt lui. Khi đẩy tưởng nó tan đi, mỗi khi xả thiền làm chín lần như vậy. Từ từ cái màng lùi lại, cho tới bây giờ không lấn ra nữa.

Tôi thấy rõ ràng nếu khéo tu có thể chữa hết bệnh, đó là kinh nghiệm bản thân. Quí vị nhớ thân tôi không phải là ít bệnh. Hồi xưa bệnh phổi cũng là nan y, sau hết bệnh phổi qua bệnh tim vì mấy năm tôi không được vui nên phát bệnh. Ngoài ra còn những bệnh lặt vặt nữa, nhưng nhờ tôi tu thiền, tâm không chao đảo, loạn động, nên được khỏe về tâm. Khi tâm khỏe thì thân cũng ảnh hưởng một hai phần. Hơn nữa, khi ngồi thiền, tôi ngồi đúng pháp và khi xả thiền cũng xả đúng pháp nên thân được khỏe. Đó là điều tôi muốn nhắc cho quí vị, hiện giờ khi ngồi thiền ứng dụng như thế nào để tâm được yên, và phải xả thiền như thế nào để thân mình khỏe mạnh. Những điều này tôi đã kinh nghiệm qua, ứng dụng cho bản thân có kết quả nên mới chỉ dạy người khác.

Trong kinh có dạy: Nếu ngồi thiền buông ra mà xả không đúng pháp hoặc xả dối sẽ có hai cái hại. Thứ nhất là khi chúng ta ngồi yên một chỗ, lại tréo chân trên bồ đoàn lâu, gân cốt và mấy mạch máu bị cấn, bàn tọa của mình chịu ảnh hưởng có thể bị thần kinh tọa. Hai là nếu gân không mềm dẻo thì có thể bị cứng gân, sẽ đơ người, nên phải xoa bóp kỹ.

Hồi trước tôi cũng xoa bóp thường thôi. Nhưng một hôm tôi vào thăm thầy Bửu Huệ bệnh, thấy có mời mấy vị chuyên trị về Đông y đến, mấy vị đó bảo mỗi ngày phải xoa mặt ba lần, mỗi lần chừng hai mươi cái. Tôi hỏi xoa để làm gì, họ nói tất cả các huyệt quan trọng của mình đều nằm ở mặt, nên dùng điện châm để trị bệnh. Lỗ tai cũng xoa hai mươi cái như vậy thì các huyệt lưu thông tốt, không bị nghẽn sanh bệnh. Ở đầu cũng vậy. Bác sĩ chỉ rõ chỗ nào tác dụng ra sao và bảo thầy Bửu Huệ phải làm theo.

Do đó tôi thấy rằng hồi trước xả thiền mình xoa bình thường, bây giờ phải xoa kỹ hơn, nên tôi dạy chúng xoa cho đúng cách. Xoa từ trên xuống dưới, nếu đúng thì nghe ấm khỏe. Sách Đông y nói rằng: “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, nghĩa là máu huyết được lưu thông thì không đau nhức, còn đau nhức là do lưu thông không được.

Bây giờ làm sao khí huyết trong cơ thể lưu thông được hết? Muốn vậy khi xả thiền quí vị khéo xoa cho đều, trong người khỏe khoắn thì sau đó chúng ta đi, đứng hoặc làm gì cũng hăng hái vui vẻ. Trái lại, xả thiền lôi thôi sẽ sanh bệnh. Đó là điều tôi kinh nghiệm kỹ rồi mới ứng dụng và thấy có kết quả thật tốt.

Như vậy, khi xả thiền quí vị xoa đều và mạnh để da ấm hồng lên, thông các huyệt và điều hoà máu huyết. Hai lỗ tai cũng có nhiều huyệt, xoa cho mạnh vừa giúp cơ thể khỏe, vừa trị được các bệnh. Còn đầu mình ảnh hưởng đến thần kinh nên phải xoa thật kỹ, mỗi động tác hai mươi lần, bản thân tôi làm hai mươi lăm lần. Xoa cho mạnh chớ không phải xoa nhè nhẹ. Xoa xong nghe ấm lên mới đúng.

Có những cái rất khó trị mà nhờ xả thiền kỹ tôi trị được, chẳng hạn như con mắt tôi, nên quí vị ráng làm cho đúng cách. Hôm trước nghe có người bị đau thần kinh tọa. Tôi cũng có lần ngồi nghe đau thần kinh tọa, nhức giật giật trong chân, tôi xoa thật nhiều và mạnh, sau này tự động nó hết, không uống thuốc gì cả. Quí vị phải khéo, chỗ nào yếu hoặc đau nhiều thì xoa mạnh và kỹ hơn, sẽ có kết quả.

Tôi đã kinh nghiệm qua, thấy có lợi ích và không bị bệnh hoạn nên bảo quí vị phải làm. Ráng làm đúng như vậy thì trong thời gian tu cơ thể quí vị không bị tổn hại và sự tu hành tinh tấn, đồng thời mai kia quí vị lớn lên làm thầy chỉ dạy người ta có kết quả tốt đẹp. Từ hồi đó tới giờ, những người đến học và làm đúng lời tôi dạy không sanh bệnh hoạn. Tôi luôn tự nguyện với lòng rằng nếu do mình mà người ta khổ và bệnh tật thì nhất định không làm. Nên khi tôi thấy có kết quả thật sự từ thân đến tâm mới dám dạy người. Tôi không làm để lấy danh hoặc làm cho có hình tướng.

Vậy nên quí vị cẩn thận, làm sao để trong khi tu, về thân được khỏe mạnh không tốn tiền thuốc và không mất thời giờ tu. Thân khỏe thì tâm cũng có ảnh hưởng tốt. Tâm an ổn tu hành, sớm tỉnh giác là điều thiết yếu trên đường tu chớ không phải thường. Cho nên quí vị đừng lười biếng. Nếu quí vị ngồi thiền mười lăm phút hoặc ba mươi phút thì có thể xả dối được. Còn ngồi hai tiếng đồng hồ mà xả thiền không đúng cách thì chỗ ngồi lâu bị cấn, máu huyết không lưu thông, bị ngăn trệ lâu ngày thành bệnh.

Chúng ta làm không đúng cách sau này dạy ai cũng thành bệnh luôn. Bây giờ nếu trong quí vị có một người làm sai thành bệnh, sau này dạy hai, ba mươi người cũng thành bệnh, càng nguy hiểm. Vậy nên quí vị phải cẩn thận, tự mình được lợi ích dạy người mới có lợi ích, còn quí vị ngồi sanh bệnh sau này dạy người cũng sanh bệnh. Đừng để người ta nói do ngồi thiền hay do tu thiền sanh bệnh.

Vì vậy tất cả phải siêng, đây là trách nhiệm của mình, thấy như việc nhỏ mà nguy hại rất lớn. Quí vị cẩn thận đừng có xem thường. Người hướng dẫn lúc nào cũng có trách nhiệm nặng nên chúng ta phải làm đàng hoàng, phải kinh nghiệm trong đời tu của mình, thấy rõ cái gì hay, cái gì làm trở ngại. Điều trở ngại chúng ta tránh, cái hay đem ứng dụng rồi dạy cho người. Nếu quí vị không có ý thức, siêng thì làm lười biếng liền thôi, vậy là nguy lắm, sau này thành thói quen, khi muốn chỉ dạy ai trở nên lúng túng.

Đó là tôi nói về cá nhân. Còn nói về tập thể, những người hiện thời đang chú ý nhiều đến tập thể này. Người ta thấy như là một cái mới, tuy tôi thấy rất xưa, nên họ chú ý và chờ xem kết quả của mình, coi quí vị tu ở đây có người nào bị điên không? có người nào bại liệt không? Nếu có người điên hoặc bại liệt người ta sẽ đồn với nhau, rồi mình bị cười chê, chế giễu, không những riêng bản thân quí vị mà cười cả đường lối tôi dạy, ảnh hưởng cho tập thể lớn lắm. Bởi vậy những gì tôi dạy, quí vị phải nghiền ngẫm và ứng dụng cho đúng, đừng để sai chạy.

Sau này tôi đọc sách thấy Tổ Đạt-ma có dạy phải dùng phương pháp “lộc lô song quan” để ngừa bệnh cảm, tôi ứng dụng thêm lộc lô. Sau mỗi lần xả thiền ra, tôi lộc lô mỗi động tác năm mươi lần, đầu hôm và khuya đều đặn như vậy.

Khi lên Đà Lạt, tôi gặp một ông già tám mươi tuổi lại thăm Phước Tịnh, ngồi nói chuyện chơi. Ông nói sở dĩ lớn tuổi như vậy mà khỏe mạnh là nhờ tập gạch đều đặn. Ông kể, có chú hàng xóm thách đố làm ổng nổi giận, lại cặp tay vô cổ ông giở lên, tưởng ông già tám mươi không làm gì nổi. Ai dè ông trả đòn làm thằng kia hoảng hồn, nó lạy ổng. Có khi ông đạp xe đi chợ, thấy các bà các cô yếu đuối đi coi bộ chậm chạp, ông kêu lên xe chở giùm. Già mà chở người ta bằng xe đạp! Tôi thấy lối tập đó hữu hiệu nên ứng dụng theo, sáng nào cũng cầm hai cục gạch tập bốn mươi mấy lần. Nhờ vậy tay tôi cứng và mạnh, không bị run, chớ già yếu tay dễ run lắm!

 Những cái tôi làm có hiệu quả rõ ràng. Quí vị thấy tôi già nhưng khi trở trời, trở gió cũng chỉ nhảy mũi thôi, không bị cảm như một số người.

Còn bây giờ nhiều người trẻ quá mà đủ thứ bệnh, vì không chịu khó, không ráng tập. Phải tập thể dục. Mình có thân thì phải ráng điều hoà, tập cho nó được tốt. Như tập lộc lô đứng trong phòng cũng được, rất đơn giản. Còn tập gạch thì kiếm một góc nào đó, rất dễ dàng, không khó. Nhờ tôi khéo tập, khéo tu mà bệnh giảm đi. Đó là điều quan trọng.

Tôi muốn làm sao tất cả Tăng Ni ở đây, khi tu phải nắm vững đường lối tu của mình, thân được khang kiện, tâm thanh tịnh, vậy là kết quả tốt. Còn càng tu càng bạc nhược, yếu đuối thì rủ người ta không ai dám tu.

Hôm qua có mấy Phật tử nói: “Tụi con chịu nước da như Sư ông vậy đó.” Thấy mình khỏe mạnh người ta ham, họ muốn con cháu họ cũng khỏe mạnh như mình. Vậy để thấy rằng nếu chúng ta khéo điều thân đúng cách, được khỏe mạnh thì dạy dỗ ai cũng tin. Tu theo tôi được khỏe mạnh nên bước đầu họ dễ có cảm tình, rồi lần lần tâm mới thanh tịnh, sáng suốt. Còn mới vô thấy mình uể oải, đau ốm ai tin nổi, tu hành đau ốm quá tu làm gì!

Quí vị phải khéo tự điều hoà để bản thân được khỏe mạnh. Muốn được vậy phải chịu cực, đừng lười biếng. Khi xả thiền phải làm đúng cách mới giữ được sức khỏe. Sau đó lộc lô, mỗi động tác chừng năm mươi lần, làm cho đúng quí vị sẽ thấy cơ thể mình có sức khỏe tốt.

Đó là những kinh nghiệm tôi đã trải qua, đã ứng dụng trong cuộc sống. Nhắc lại cho tất cả biết, rồi lát nữa sau khi hồi hướng, giải y xong, tôi sẽ ngồi lại, xả thiền đúng thứ tự cho quí vị nhớ thật kỹ. Chừng khoảng ba tháng thì Thông Phương phải kiểm lại, ngồi thiền, xả thiền sao cho đúng, đừng sai chạy.

Hôm nay tôi nói chuyện dài để tất cả trong chúng ý thức được sự tu hành của mình, từ những hình thức rất nhỏ mà khéo dùng đúng cách sẽ hữu ích, không khéo lại có hại. Cái hại đó trước cho mình, sau dạy người khác hại lây nữa, nên quí vị ráng cẩn thận. Khi người khác tới học với mình, họ thấy ai cũng như ai, từ cách ngồi thiền đến cách xả đều đúng như nhau mới không nghi ngờ. Đừng để mai kia có ai muốn học thiền, gặp ông thầy này dạy cách này, qua thầy khác dạy cách khác, họ sẽ thắc mắc không biết quí thầy ở trường nào mà mỗi người làm mỗi cách như vậy. Người ta sẽ cười mình tu hành không thống nhất.

Tôi nhắc nhở, tất cả quí vị lưu ý thực hành.
Ngày 28-6 Bính Tý (11-8-1996)
Kỳ thỉnh nguyện này trong chúng chỉ có một hai lỗi nhỏ, đã tự thức tỉnh ra sám hối, đó là điều rất tốt. Chúng Tăng tu càng ngày tâm tánh càng thuần thục, trong hành động cũng được đầy đủ oai nghi tế hạnh, đây là tiến bộ đáng mừng.

Hôm nay tôi có ít điều nhắc nhở cho toàn chúng thấy rõ con đường tu của mình. Thật tình mỗi khi có vị nào phạm lỗi lầm, nhất là những lỗi do sân hận, tôi đều có nhắc nhở nhưng chưa hết ý. Giờ đây tôi giảng lại cho tường tận để mỗi vị tự kiểm điểm lại mình rồi theo đó tu hành.

Trong nhà Phật, trọng tâm của tất cả giáo lý đều đi tới vô ngã. Vô ngã nghĩa là không có ta. Nếu tu mà không có ta thì tu sao được, tu rồi rốt cuộc thành cái gì? Đó là những nghi vấn nhiều người đã đặt ra.

Thật tình vô ngã ở đây là chỉ cho chúng ta tu cốt làm sao phá được chấp ngã. Trong kinh Bát-nhã nói “soi thấy năm uẩn đều không”. Trong năm uẩn, sắc uẩn thuộc cái ngã về thân; thọ, tưởng, hành, thức thuộc cái ngã của tâm. Như vậy, Bồ-tát tu sở dĩ được tự tại qua hết khổ ách là do phá được ngã về thân và ngã về tâm.

Sắc uẩn gồm bốn thứ: đất, nước, gió, lửa. Chúng ta ngồi lại xét kỹ, thấy thân này từ tứ đại hợp thành rồi cũng theo tứ đại mà bại hoại mất đi. Nó không có gì thật hết, mà người thế gian mê lầm, nghĩ thân tứ đại là thật, rồi chạy theo những đòi hỏi của nó: mắt chạy theo sắc, tai chạy theo âm thanh, mũi theo mùi hương, lưỡi theo vị, thân theo cảm xúc. Năm phần này nhà Phật gọi là ngũ dục lạc.

Sở dĩ năm căn ưa đuổi theo ngũ dục là vì tưởng lầm nó thật, nên theo hoài không chán, không dừng. Cuộc đời mấy mươi năm chỉ chạy theo ngũ dục cho tới lúc bại hoại, lo cho nó đầy đủ, sung mãn, rốt cuộc rồi cũng đi đến tan rã, không giữ được. Đó là chuyện làm công không vô ích. Cho nên Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ thân tứ đại là do duyên hợp, không thật có. Nhớ nó không thật thì tất cả những xúc chạm đến thân, mình không phản ứng, không tức giận. Thân vô ngã là bước thứ nhất để chúng ta quán xét không lầm lẫn.

Thứ hai là thọ, tưởng, hành, thức. Bốn cái đó thuộc về tâm, cũng vô ngã. Thọ là những cảm xúc. Tưởng là tưởng tượng, hoặc thế này, hoặc thế nọ. Ai tưởng khác với mình thì không chấp nhận. Hành có chỗ dịch là ý chí, có chỗ dịch là tâm ý. Tâm ý chúng ta chuyển dịch, đổi dời luôn luôn. Cũng như khi đi, bước này vừa chạm xuống đất thì bước kế tiếp nối liền. Nó đổi dời liên tục nên gọi là hành. Như vậy tâm trí của mình là dòng chuyển biến không ngừng, không có gì là thật hết. Kế đến, thức là phân biệt, mắt phân biệt sắc, tai phân biệt tiếng... Theo Duy thức học, phân biệt có ba phần: ở trong có căn, ngoài có trần, căn trần tiếp xúc nhau khởi ra thức phân biệt. Như vậy, sở dĩ phân biệt phát sanh là do ba duyên tụ hội: căn, trần và thức, chớ cái thức tự nó không có, đợi đủ duyên mới có.

Như vậy, xét cho tường tận, ngũ uẩn là tướng giả hợp không có thực thể, nên Phật dạy là vô ngã. Trong kinh Bát-nhã nói năm uẩn đều không. Không là không có chủ thể. Nếu chúng ta hằng thấy, hằng nhớ như vậy thì khi có chuyện gì làm cho thân này thua thiệt, ta chỉ cười: “Thân giả dối có gì quan trọng!” Nếu có điều gì xúc chạm đến nội tâm tức thọ, tưởng, hành, thức, ta cũng thấy đó chỉ là dòng chuyển biến hư giả không thật. Phải nhớ rõ như vậy! Cái không thật mà mình cho là thật, rồi sanh ra nóng giận, bực bội, buồn phiền là khờ dại, không sáng suốt.

Mỗi ngày soi xét, chiếu kiến luôn luôn như vậy, trên đường tu chúng ta sẽ thoát ra được những vướng mắc mê lầm. Chẳng những thoát khỏi mê lầm mà còn được an nhiên tự tại. Từ thân tâm vô ngã đó, ta mới nhận ra chân ngã hay Bản lai diện mục của mình, được giải thoát sanh tử.

Vì vậy, muốn tiến tới chỗ giải thoát sanh tử, trước phải nhận ra cái giả, đừng lầm nó. Lầm cái giả cho là thật thì dầu cái thật hiện tiền hiển nhiên mình cũng không bao giờ biết được, vì mãi bám vào cái giả cho là thật rồi thì bao giờ thấy được cái thật! Cho nên biết giả là giả, đừng lầm lẫn thì một ngày kia mình sẽ thấy rõ cái chân thật. Chính đó là đường đưa mình tới giải thoát sanh tử. Vậy mong đại chúng khi tu phải nhận thức cho tường tận. Nếu tất cả Tăng chúng không có bệnh chấp ngã thì tôi nghĩ đây cũng là cõi Cực Lạc rồi, không đợi phải về Tây phương mới có.

Mong toàn chúng ráng tu hành tinh tấn, soi thấy tường tận bản thân và nội tâm mình, đừng lầm lẫn.

Ngày 28-7 Bính Tý (10-9-1996)
Phần thỉnh nguyện đã xong, bây giờ tôi có mấy lời nhắc toàn chúng về một điểm trong bản Thanh qui.

Ở đây chủ trương chư Tăng phải sống thanh đạm, đó là điều tôi chú ý nhiều. Chư Tăng nên hiểu rằng chúng ta dù cho có phương tiện để sống đầy đủ, nhưng người quyết tâm tu thì lúc nào cũng phải sống đạm bạc, vì đạm bạc là hạnh tốt. Nếu chúng ta sống quá sung túc, quá dư thừa e tổn phước, đồng thời người khác nhìn vào sẽ phê bình rằng người tu mà thụ hưởng, không hay.

Có một câu chuyện trước đây tôi cũng thường kể cho đại chúng nghe. Năm 1961 tôi bị bệnh phổi, vô nằm bệnh viện Đồn Đất. Những năm đó tôi đi giảng nhiều nên Phật tử thương, họ thuê cho tôi phòng hạng nhất, được săn sóc chu đáo lắm. Khi ấy ở bên phòng hạng nhì có một Linh mục cũng bị đau phổi. Phòng nhì thì hai người ở chung, còn phòng của tôi chỉ có một mình. Những lúc rỗi qua lại thăm hỏi cho vui. Tôi thấy người ta là Linh mục, mình là thầy tu, mà mình nằm hạng nhất còn người ta hạng nhì. Tôi hỏi:

- Sao Linh mục không thuê phòng hạng nhất nằm cho yên ổn?

Ông trả lời:

- Vì tiết kiệm tiền nhà chung nên tôi không dám nằm phòng hạng nhất.

Nghe vậy tự nhiên tôi thấy xấu hổ. Tôi biết đồng tiền thuê phòng cho tôi là do Phật tử đóng góp chớ không phải lấy của chùa, nhưng tôi cũng cảm thấy áy náy. Người ta biết gìn giữ không làm hao tốn của nhà chung nên nằm như vậy. Tôi xấu hổ vì thấy rằng tinh thần tổ chức trong đạo của mình không được dè dặt, tiết kiệm như người ta.

Chính vì vậy nay tôi nhắc tới nhắc lui cho toàn chúng điều này. Tất cả những gì chúng ta có ở đây là của chung, chư Tăng cần gì có quyền xin mua sắm đúng như nhu cầu, hoặc do ban Quản chúng mua sắm cho, như vậy không có lỗi. Nhưng nếu mua sắm sang là có lỗi, bởi vì sang là quá mức cuộc sống đạm bạc của mình.

Tôi nói thí dụ như trường hợp T.L chẳng hạn, vừa rồi đi mua cặp kính lão, nghe Thủ bổn báo cáo là bốn trăm ba chục ngàn đồng. Như vậy là thiếu sự tiết kiệm của chung. Vẫn biết đây là của chung chớ không phải của cá nhân nào, nhưng mình xài cho vừa phải, đừng quá đáng. Một cặp kính vừa gọng vừa kính chừng hai trăm là được rồi, mua tới hơn bốn trăm tôi thấy sang quá!

Trong đây nếu mỗi người già đều sắm cặp kính như vậy tốn chừng bao nhiêu tiền? Ở đây chúng ta sống theo lục hoà, nếu ông thầy này mua cặp kính như vậy thì ông thầy kia cũng phải vậy, kết quả là chi phí quá nặng. Đó là tôi nói sở phí, lại còn sự phê bình nữa. Phật tử thấy quí thầy ăn mặc sang trọng, mang kiếng tốt ắt sẽ phê bình. Đó là điều cần phải dè dặt, bằng không người ta sẽ phê phán mình ở đây xài sang. Nếu sang thì ý nghĩa cuộc sống đạm bạc đề ra trong Thanh qui đã mất rồi.

Vậy toàn chúng mỗi vị đều phải ý thức rằng chúng ta sống một đời sống đạm bạc, ăn uống chừng mực, mặc vừa đủ ấm. Tất cả nhu cầu cũng vừa phải thôi, theo cái nếp người bình dân chớ không phải theo cách sống của người sang cả. Như vậy chúng ta mới tránh khỏi sự phê bình của người khác. Nếu sống theo lối sang cả là phản bội tinh thần bản Thanh qui mình đã đề ra, đồng thời Phật tử sẽ nói chúng ta ở đây tu mà thích sang. Thích sang tức là tâm tu hành không đầy đủ, thiếu quyết liệt, bởi vì người ham tu không màng vật chất, nên lúc nào cũng đơn giản đạm bạc chớ không thể sang cả được. Nên trong chúng mỗi người phải ý thức rõ mình đang sống một nếp sống đạm bạc để yên tu. Đạm bạc không có nghĩa là thiếu thốn, chúng ta đủ nhưng đủ trong nếp bình dân.

Hồi tôi qua Pháp, có một bà Phật tử xin cúng dường một cái xe mới. Tôi nói:

- Quí Phật tử phát tâm cúng dường như vậy là tốt, nhưng ở Việt Nam đóng thuế mắc lắm, một chiếc xe mới về đóng thuế một trăm phần trăm, có khi hơn nữa, cúng cho tôi một chiếc cũng bằng tôi mua một chiếc nữa, như vậy tiền đâu mà đóng?
Các Phật tử trả lời:

- Chúng con xin chịu hết mọi phí tổn.

Tôi nói:

- Mấy Phật tử thương nói như vậy, nhưng thật ra tôi sống trong Thiền viện còn phải lo cho Tăng Ni, chớ không phải chỉ nghĩ riêng phần mình. Số tiền lớn như vậy nếu tôi nhận, hoặc bằng lòng cho quí Phật tử chịu trọn vẹn để tôi sung sướng sang trọng trong khi Tăng Ni không đủ sống thì tôi không nỡ. Thôi chuyện đó để dành khi khác!

Vậy là tôi từ chối. Quí vị nghĩ xem, được người ta cho, mình khỏi tốn gì hết mà tôi còn từ chối, vì không dám làm cái gì tỏ ra mình sang. Ở đây quí vị thấy, tôi chịu đi mấy chiếc xe cũ kỹ người ta cho, chớ không thích sắm xe mới. Thà Phật tử đến rước giùm hay cho mượn thì xe gì cũng được, còn ở chùa thật tình tôi không muốn cái gì sang hết.

Như vậy chúng ta phải làm sao sống đúng tinh thần đạm bạc. Hơn nữa, quí vị biết trách nhiệm của tôi không chỉ lo riêng Thiền viện Trúc Lâm, mà còn bao nhiêu việc khác nữa, thí dụ như lo cho mấy Thiền viện kia. Cụ thể vừa rồi ở Huệ Chiếu có năm cái thất hồi xưa lợp lá, bây giờ mục hết, mưa dột, đến thưa với tôi: “Thưa Thầy, bây giờ tụi con chỉ đủ khả năng sửa hai cái thôi, còn ba cái kia không biết làm thế nào?” Quí vị nghĩ sao? Tôi phải ứng ra cho họ sửa, đâu có thể chỗ này dư chỗ kia thiếu được. Trách nhiệm của tôi không đơn giản chỉ một nơi, một chỗ, mà chỗ nào rộng tôi đem bù cho chỗ thiếu, chỗ nào có nhu cầu như chùa hư, không có tiền sửa thì mình giúp đỡ.

Như vậy chư Tăng nên hiểu mình không nên nghĩ ở đây dư rồi xài thoải mái. Nếu dư thì phải chia sớt cho chỗ nào thiếu hụt. Chúng ta chưa có khả năng chia sớt cho toàn thể các chùa, thì ít ra cũng chia sớt trong các Thiền viện của mình cho cuộc sống được quân bình, yên ổn để tu. Không phải ở đâu có là ở đó tự hưởng hết, dư hưởng theo dư, thiếu phải chịu thiếu. Điều đó lâu nay tôi đã không đồng ý. Tôi thường trách là trong đạo của mình chỗ thì thừa chỗ thì thiếu, không được quân bình để giúp cho chư Tăng Ni yên ổn tu.

Bây giờ cá nhân tôi không thể nào lo cho tất cả nổi, thì ít ra trong những Thiền viện, chỗ nào rộng phải giúp chỗ thiếu hụt, sang qua sớt lại để trong thời tôi còn sống, các Thiền viện đều được an ổn. Chỗ nào dư để phòng, khi có chỗ nào thiếu mình phụ vô. Như vậy cuộc sống tu hành có đạo vị hơn. Mình chia sớt nhau để được bình an tu hành, đừng nên ỷ viện mình có tiền là cứ xài hết. Nếu có dư phải để phụ chỗ khác thiếu, đừng ích kỷ không tốt.

Đó là những điều tôi nhắc cho toàn chúng biết, chúng ta phải sống cuộc sống rất đạm bạc. Đạm bạc ở đây đồng nghĩa với tinh thần tu thiền không thụ hưởng, không xa hoa, để đời sống mình bình an tự tại, không bị vật chất quyến rũ, lôi kéo, như vậy sự tu hành mới dễ tiến. Nếu chúng ta còn nặng về vật chất, bị vật chất chi phối thì đời tu không tiến được. Đó là điều tôi đã từng thấy và lưu tâm. Bởi vậy tất cả chư Tăng phải hiểu rõ và thông cảm.

Lại nữa, ví dụ ba thầy cùng đi ra với nhau, mỗi thầy đều phải mang kiếng lão, nhưng có thầy mang kiếng tốt, có thầy mang kiếng xấu, người ta đánh giá thế nào? Họ sẽ thắc mắc sao Thầy chủ trương lục hoà mà có kẻ này người khác. Như vậy là không tốt. Vậy nên quí vị ráng cẩn thận, dè dặt. Những nhu cầu mình cần, trước hết nên nhìn lại trong chúng, nhìn chung quanh xem họ có hay không. Đừng nghĩ mình có cứ xài. Dù tiền cha mẹ cho cũng đừng xài quá mức cần thiết, không tốt. Đó là điều tất cả nên lưu ý.

Tôi nhắc nhở ít lời như vậy để toàn chúng biết nếp sống của mình, sao cho khế hợp với sự tu hành, đừng nên làm sai biệt.

Ngày 13-8 Bính Tý (25-9-1996)
Hôm nay tôi có vài điều nhắc nhở đại chúng.

Chúng ta tu là nương theo pháp Phật. Lời Phật dạy không phải chỉ để đọc hoặc giảng nói mà để chúng ta tu. Tu là thực hành lời Phật dạy, dẹp bỏ những xấu dở, điên đảo của nội tâm, chớ không phải chúng ta chỉ có hình thức bên ngoài là người tu, hoặc ngoài miệng tụng kinh là đủ. Nếu quên ứng dụng những lời Phật dạy để tự răn, sửa lấy mình, chừa bỏ những điều hư dở thì chưa hẳn là tu.

Như vậy, chúng ta tu phải khéo ứng dụng hằng ngày, hằng giờ, hằng phút ở nội tâm. Vừa có một niệm xấu dấy lên liền phải ngăn chặn, ngừa đón nó, như vậy là tu. Nếu những tâm niệm xấu dở chúng ta không dẹp bỏ được cũng chưa hẳn là tu. Có nhiều người nói tu nhưng khi gặp việc buồn, hoặc trái ý liền nổi sân. Chúng ta chưa làm chủ được mình nên thân, khẩu, ý dễ tạo nghiệp thành tội.

Cho nên nói tu là nói tới chỗ khéo điều hoà, khéo làm chủ nội tâm, sao cho cuộc sống của mình giữa mọi người luôn đem lại an vui. Nếu với huynh này mình không ưa, huynh kia mình ghét, huynh nọ mình thù..., đó là người thế gian chớ không phải kẻ xuất gia. Người xuất gia thì tất cả những điều đó không nên có. Nhưng nếu không khéo tu lại khó tránh khỏi.

Cho nên ở đây tôi mong tất cả quí vị nhớ trong lục hoà có ý hoà đồng duyệt, không khéo tu thì không bao giờ thực hiện được ý hoà đồng duyệt. Bởi vì ý mỗi người mỗi khác, nên dễ có chuyện bất đồng, rồi tự mình không bằng lòng, không vui nên không “đồng duyệt” được. Phật dạy chúng ta phải tâm ý vui hoà với huynh đệ. Nếu có những ý kiến sai khác, mình cũng phải khéo điều hoà, đừng để trở thành bực bội hay chống đối, thù ghét.

Người tu chúng ta cần sống trong ý hoà đồng duyệt, bằng không mỗi người là một vũ trụ riêng, không ai hợp với ai được, đó chính là cái họa của Phật pháp. Nghĩa là chư Tăng, chư Ni rất đông mà không thể hoà hợp thì đạo pháp sẽ đi tới chỗ suy vong. Chỉ vì người này chỉ trích người kia, người kia phê bình người nọ, cứ như vậy mà bao nhiêu phiền hà, hư dở xảy ra liên miên, khiến cho tất cả Phật tử chán ngán, không còn muốn đến với đạo nữa. Chúng ta tu mà đem lại bất mãn cho Phật tử thì Phật pháp khó truyền bá sâu rộng.

Bởi vậy chúng ta phải khéo điều phục nội tâm mình, đừng để nó dấy động khiến huynh đệ sanh ra buồn phiền không tốt. Trong cuộc sống chung tu hành, nếu chúng ta không xem nhau như ruột thịt thì cũng phải thấy như người cùng lý tưởng. Do đồng lý tưởng nên phải khéo hoà hợp để chung lo, chung sức làm được những Phật sự tốt trong ngày nay và cả mai sau, như vậy Phật pháp mới lâu bền. Nếu mỗi người cứ giữ lập trường: ta hơn hết, ta trong sạch, còn người khác là xấu dở, ngu ngốc..., đó là hỏng lớn, chỉ làm cho tập thể mình ngày càng suy lụn, có tội rất nặng.

Vậy mong rằng tất cả chúng Tăng nhớ kiểm điểm lại mình, nếu thấy còn những ý niệm dở, buồn giận người này, ghét hiềm người nọ thì phải xóa sạch và điều hoà lại để sống với nhau cho vui vẻ, yên hoà. Được như vậy mai kia tôi có theo Phật, quí vị mới chung nhau lo Phật sự được. Nếu bây giờ ở chung mà không ai bằng lòng ai, đến khi tôi mất rồi làm sao hợp tác chung lo? Phật sự không phải một mình có thể làm được mà phải nhờ nhiều người. Kẻ hay điều này, người khéo việc kia, chung vai gánh vác mới có kết quả. Đừng bao giờ nghĩ một mình là đủ, không cần hợp tác với ai.

Tu không phải chỉ tụng kinh hay, thuyết pháp giỏi, mà tu là khéo điều phục được những ý niệm xấu dở, những tâm hành ngã mạn, kiêu căng của mình, trở thành con người ôn nhu, khiêm tốn, thuận thảo, sống hoà vui với tất cả. Đây là cái khéo trên đường tu, cũng là nền tảng để mai kia mình làm được Phật sự lớn lao cho đạo. Đó là lời nhắc nhở của tôi.

---------------------
Bài Tựa của bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập (toàn bộ một trăm quyển). Tác giả: Thiền sư Khuê Phong Tông Mật, H.T Thích Thanh Từ dịch giảng năm 1969, nhan đề là Nguồn Thiền.

MỤC LỤC
Lời đầu
Mục Lục
Thỉnh nguyện Tăng
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh nguyện Ni
Đoạn 1
Đoạn 2
Câu chuyện buổi chiều

 

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ

Nguồn tin: Thường Chiếu