Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 37

Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 37

Phật Tử hỏi:

Kính bạch Hòa Thượng trong cuộn băng thầy tuyên bố ngộ đạo ngày 21 tháng 4 chứng minh cái thấy của thầy trùm khắp. Vậy những kinh luận công án thầy đã giảng giải trước đó có cần bổ sung thêm như công án của gia đình Bàng Long Uẩn hay không? Xin Hòa Thượng hoan hỷ giảng giải cho con rõ.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Sư Ông đáp:

Thì thật ra cái tuyên bố chứng đạo thì không phải mà tôi nói tôi thấy được như vậy, thấy rằng cái chỗ mà ngày xưa mình nhìn cứ thấy ngoài mình có cảnh, cảnh vật ở ngoài mình, mình và cảnh vật là 2. Nhưng thật ra khi tu rồi không thấy nó là 2 nữa. Mình không ngoài cảnh cảnh không ngoài mình thì trùm khắp mà tới chỗ đó chư tổ thường dạy chúng ta phải đi đến đó. Thấy trùm khắp rồi không vướng không mắc nữa chớ còn không mình dễ bị kẹt.

Phật tử hỏi như vậy những công án ngày xưa tôi giảng bây giờ có cần sửa hay không? Thì tôi xin trả lời là không có sửa, bởi vì ngày tôi giảng không phải là tôi không có hiểu, tôi hiểu nhưng mà chưa phải thấy. Cái chỗ này nói quý Phật tử nghe hơi khó hiểu, 2 cái hiểu khác và thấy khác.

Ví dụ bây giờ quý Phật tử nghe người ta diễn tả con cọp có thế này thế kia, nghe diễn tả hiểu con cọp như vậy nhưng mà chưa thấy. Mà mình muốn diển tả cho người khác nghe thì diển tả y như người ta diễn ta cho mình nghe thì cũng đâu có sai, phải không? Nhưng thấy thì mình chưa thấy còn khi thấy con cọp thì nó khác hơn lúc mình nghe diễn tả là chính mắt mình thấy. nghe diễn tả thì mình nghe nhưng đến lúc nhìn thấy là thấy liền. Vì vậy cho nên 2 cái này nó khác nhau khi mình thấy được thì lúc đó không còn nghi nữa, cho nên cái từ trong nhà Thiền nhà Phật dùng quá là hay “kiến tánh” thường người ta nói kiến là thấy, thấy tánh. Mà tánh không hình tướng sao thấy? tức là cái mình nghe trong kinh Phật nói để mình hiểu thì cái đó chưa phải kiến. Mà mình tu tâm mình nó được an lạc an tịnh rồi bỗng dưng mình mới thấy rõ nhận rõ mình là trùm khắp thì chừng đó gọi là thấy, nhận rõ là chính mình nhận ra thì như chính mình thấy. Nơi đó thấy hơn nữa hơn nữa gọi là kiến tánh.

Thường thường 2 cái từ “kiến tánh” “thành Phật” đi đôi tuy đi đôi nhưng cách xa ngàn dặm. Kiến tánh đến thành Phật còn phải trăm ngàn cực khổ nữa không phải đơn giản, chứ đừng nghe kiến tánh thành Phật rồi nghe ai kiến tánh cũng thành Phật rồi, không phải đâu.

Tôi có viết cuốn “Thiền Tông Việt Nam” có bài kệ tôi hay dẫn đó “đốn ngộ tuy đồng Phật – đa sanh tập khí thâm” nghĩa là đốn ngộ dường như mình gần với Phật rồi đó, nhưng mà nhiều đời tập khí còn sâu đậm lắm. Như vậy mình phải hiểu cho thật kỹ chớ nhiều khi mình nghe người nào đó được cái gì ..mình nói rồi..Không phải đâu còn xa lắm xa lơ xa lắc. Bởi vậy tôi nói tuy đến nhà mà còn đổ mồ hôi trán nữa đó.

Trích từ “Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa & Tham Vấn”
H.T thiền sư Thích Thanh Từ