Tranh Thủy Lục Trong Nghệ Thuật Hội Họa Phật Giáo

Phật Giáo Đông truyền trong tâm niệm đem giáo lý Đại Thừa chiếu sáng phương Đông, vì lẽ đó trong bất cứ lĩnh vực nào về văn hóa nghệ thuật, triết học, văn học, thi ca, tín ngưỡng, âm nhạc, phong tục, tập quán của người Đông phương mà không thấy không có sự hiện diện của Phật Giáo, cũng như tinh thần từ bi phổ độ bình đẳng của Phật Đà, sự hòa nhập trong tinh thần vô tư chỉ có một mục đích duy nhất là “Hoằng Pháp Độ Sanh” nên ngày nay khi nói đến văn hóa Đông phương người ta không thể không nhắc đến Phật Giáo.

Phật Giáo Đông truyền Pháp hội Thí Vô Giá cũng theo gót chân các nhà truyền giáo Đại sư đến với người Đông Phương. Pháp Hội Thí Vô Giá lần đầu tiên được tổ chức tại Đông Độ là vào thời nhà Hán - Trung Quốc. Theo sách “Lịch Đại Tam Bảo Ký” chép: “ Vào thời Hán Linh Đế niên hiệu Quan Hòa thứ ba (công nguyên năm180) Vua Linh Đế tại chùa Phật Tháp ở Lạc Dương làm lễ cúng Tăng.”. Nhưng Pháp hội được thịnh hành thì phải đến đời của Vua Lương Võ Đế, đây là một vị Vua có công rất lớn đối với sự hoằng truyền Phật Giáo Bắc Truyền và là người Phật tử thuần thành, là đại thí chủ Lớn nhất của Phật Giáo Bắc Truyền xuyên suốt chiều dài lịch sử của Bắc Truyền Phật Giáo từ xưa cho đến ngày nay.

Vua Lương Võ Đế húy Tiêu Diễn tự Thúc Đạt, người xứ Nam Lang Lăng nay thuộc Thường Châu, Giang Tô Trung Quốc, là vị Hoàng Đế sáng lập ra nước Lương thuộc thời đại Nam Bắc Triều ở Trung Quốc (464-549) là vị vua đầu tiên và cũng là duy nhất của Trung Quốc dùng Phật Giáo để trị quốc, vị vua bốn lần phát nguyện xã bỏ đế vị vào chùa làm nô bộc để tu hành đồng thời là người thiết hội Thí Vô Giá nhiều nhất. Theo sách “Nam Sử” chép “Nhà Vua 14 lần thiết Hội Vô Giá và bốn lần xã thân vào chùa làm nô” Lương Võ Đế có hai việc làm ảnh hưởng Phật Giáo Bắc Truyền cho đến ngày nay. Thứ nhất là ra lịnh Tăng sĩ Bắc Truyền phải trường trai, hai là người sáng lập Thủy Lục Pháp Hội, khởi nguyên của nghi lễ, đàn tràng, kinh sám Phật Giáo Bắc Truyền.

Theo “Thủy Lục Nghi Văn” Chí Công Hòa Thượng theo lịnh của Võ Đế cùng với các vị Cao Tăng trong triều soạn Nghi Thủy Lục, nhưng vì mọi người không hiểu Pháp Hội Thủy Lục tổ chức như thế nào và nghi quỹ phải trình tự lễ nghi ra sao, cho nên đêm ngày đọc tụng, tìm kiếm hết thảy trong các bộ kinh điển Đại Thừa cho đến ba năm mới tìm ra Kinh “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni” tích ngài A Nan thấy Diện Nhiên Vương, kiến lập bình đẳng thí thực. Chư vị cao Tăng dựa trên bổn Kinh và theo ý nghĩa bình đẳng bố thí của Thí Vô Giá Hội soạn ra khoa nghi bình đẳng thí thực sau này thường gọi là chẩn tế và trước đàn chẩn tế thường treo câu “Thí Vô Giá Hội” từ tích này.

Thủy Lục Pháp Hội còn gọi là Thủy Lục Hội, Thủy Lục Đạo Tràng, Thủy Lục Trai, Thủy Lục Đại Trai Hội, Bi Tế Hội và gọi đủ là “Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Phổ Độ Đại Trai Thắng Hội”  ý nghĩa và công năng siêu độ hết thảy thủy lục nhất thiết du hồn, lục đạo chúng sanh. Đây là nghi thức Pháp Hội long trọng và lớn nhất trong nghi lễ đàn tràng Phật Giáo Bắc Truyền. Thủy Lục Pháp Hội tập hợp hết thảy tinh hoa, Kinh điển, Khoa nghi, nghệ thuật âm nhạc, nghi quỹ, tán tụng, thiết trí đàn tràng, hội họa, văn học.v.v…

Thủy Lục Pháp Hội nội dung rất là phong phú đàn nội phức tạp, Đàn Tràng gồm có nội đàn, ngoại đàn và sáu tiểu đàn.

1.     Đại đàn còn gọi là “Lương Hoàng Đàn” chuyên lễ bái Lương Hoàng Sám.

2.     Chư Kinh đàn, đàn này chư Tăng chuyên tụng Kinh Dược Sư.

3.     Pháp Hoa đàn đàn này chuyên tụng Kinh Pháp Hoa.

4.     Tịnh Độ đàn, đàn này tụng Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà.

5.     Hoa Nghiêm đàn, đàn này tụng Kinh Hoa Nghiêm.

6.     Du Già đàn, Đàn Chẩn Tế Diệm Khẩu.

Ban Biên Tập kính giới thiệu Nghệ Thuật Hội Họa tranh Thủy Lục Phật Giáo:

Tác giả bài viết: Thích Tâm Mãn - Thích Minh Hoàng

Nguồn tin: Chùa Minh Thành Online