KINH ĐẠI BẢO TÍCH - 12.07. Phẩm Thi La Ba La Mật Thứ Bẩy

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất ! « Thế nào là Thi la Ba la mật đa của đại Bồ Tát mà đại Bồ Tát vì Vô thượng Bồ đề y theo pháp ấy siêng tu Bồ Tát đạo?


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
KINH ÐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XII
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
THỨ MƯỜI HAI

Hán Dịch: Nhà Đường, Pháp Sư Huyền Trang
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

07. Phẩm Thi La Ba La Mật 
Thứ Bẩy 

     Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất !  «Thế nào là Thi la Ba la mật đa của đại Bồ Tát mà đại Bồ Tát vì Vô thượng Bồ đề y theo pháp ấy siêng tu Bồ Tát đạo?

     Nầy Xá Lợi Phất !  Vì thật hành Thi la Ba la mật mà đại Bồ Tát có ba thứ diệu hạnh, đó là thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh.

     Nầy Xá Lợi Phất !  Những gì gọi là thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh ?

     Đại Bồ Tát rời xa sát sanh, trộm cướp và tà hạnh, đây gọi là thân diệu hạnh.
     Đại Bồ Tát rời xa vọng ngữ, ly gián, ác ngữ và ỷ ngữ, đây gọi là ngữ diệu hạnh.
     Đại Bồ Tát không có thâm trước, giận hờn và tà kiến, đây gọi là ý diệu hạnh.
     Đại Bồ Tát có đủ ba thứ diệu hạnh ấy thì gọi là Thi la Ba la mật đa.

     Lại nầy Xá Lợi Phất !  Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát suy nghĩ rằng thế nào là thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh ?

     Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng nếu thân chẳng làm việc sát sanh, chẳng làm việc trộm cướp, chẳng làm việc tà hạnh thì gọi là thân diệu hạnh.  Nếu miệng chẳng nói lời vọng ngữ, ly gián, thô ác, ỷ ngữ thì gọi là ngữ diệu hạnh.  Nếu ý chẳng có tham trước, giận hờn, tà kiến thì gọi là ý diệu hạnh.

     Do có đủ những chánh tư duy như vậy nên gọi là đại Bồ Tát hành Thi la Ba la mật đa.

     Lại nầy Xá Lợi Phất !  Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát suy nghĩ rằng nếu nghiệp chẳng do thân ngữ ý gây tạo thì có thể kiến lập nghiệp ấy được chăng ? Đại Bồ Tát đúng như lý quan niệm rằng nếu nghiệp chẳng do thân ngữ ý gây tạo thì chẳng kiến lập được hoặc xanh hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng hoặc hồng hoặc màu pha lê, nghiệp ấy lại chẳng phải mắt thấy được, chẳng phải tai nghe được cũng chẳng phải mũi lưỡi thân và ý biết được.  Tại sao ?  Vì nghiệp ấy chẳng phải năng sanh, chẳng phải sở sanh,  chẳng phải đã sanh, chẳng chấp thọ được, đều không có ai biết rõ được nghiệp ấy.  Đại Bồ Tát suy biết tánh Thi la ấy chẳng thể làm được.  Đã chẳng thể làm được thì chẳng thể kiến lập được, đã chẳng kiến lập được thì ở trong ấy chúng ta chẳng nên chấp trước.

     Do sức quan sát hiểu biết như vậy, đại Bồ Tát chẳng thấy diệu hạnh và Thi la, cũng chẳng thấy người có đủ Thi la, chẳng thấy chỗ hồi hướng của Thi la.

     Thấy hiểu như vậy rồi, đại Bồ Tát chẳng phát khởi chấp lấy có thân.  Tại sao?  Vì có thấy có thân thì có quan niệm đây là trì giới, đây là phạm giới rồi giữ gìn giới luật và oai nghi, hoặc hành động, hoặc cảnh duyên, đều đủ có thấy biết chơn chánh mà hành động.  Vì biết và làm chơn chánh nên gọi là người trì giới.

     Đại Bồ Tát chẳng nắm lấy mình chẳng nắm lấy người mà thật hành các việc.  Chẳng bỏ Thi la cũng chẳng nắm lấy Thi la mà thật hành các việc.  Nếu nắm lấy ngã thì lấy Thi la.  Nếu chẳng lấy ngã thì chẳng lấy Thi la bất khả đắc thì chẳng hủy phạm tất cả luật nghi.  Nơi luật nghi nếu chẳng hủy phạm thì chẳng gọi là hủy phạm Thi la, cũng chẳng gọi là nắm lấy Thi la.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Do nhơn duyên gì mà ở nơi Thi la chẳng nắm lấy?  Đó là biết tất cả pháp là tướng nhơn duyên.  Đã là tướng nhơn duyên thì không có ngã.  Ngã đã không thì nắm lấy chỗ nào?”

     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Nếu có thân ngữ ý thanh tịnh
      Lúc làm thường tu hạnh thanh tịnh
      Thường ở trong cấm giới thanh tịnh
      Gọi là Bồ Tát đủ Thi la
      Chư Bồ Tát Hiền Thánh trí huệ
      Khéo hay hộ trì mười nghiệp lành
      Chẳng do thân ngữ và ý làm
      Đây là Thi la bực trí nói
      Nếu chẳng tạo tác chẳng phải sanh
      Chẳng chấp thọ không hình không hiển
      Vì không có hình không hiển sắc 
      Nên chưa từng được để kiến lập
      Thi la vô vi cũng vô tác
      Chẳng phải mắt tai thấy nghe được
      Chẳng phải mũi lưỡi chẳng phải thân
      Chẳng phải tâm ý hay biết được
      Nếu chẳng phải sáu căn hay biết
      Thì không có ai thi thiết được
      Quan sát Thi la thanh tịnh ấy
      Chưa từng nương nắm ở Thi la
      Chẳng cậy trì giới sanh kiêu mạn
      Chẳn thấy có ngã gìn Thi la
      Khéo giữ Thi la không chấp giới 
      Đầy đủ Thi la tu quán hạnh
      Hư vọng thấy thân đã trừ bỏ
      Bị thấy hay thấy đều không có
      Không có hay thấy không chỗ thấy
      Chẳng thấy trì giới và pháp giới
      Khéo vào diệu lý pháp không hộ
      Đầy đủ oai nghi chẳng nghĩ bàn
      Hay thủ hộ diệu thiện chánh tri
      Ngoài đây không ai đủ giới được
      Người không thấy ngã không Thi la
      Không ngã sở y hay y giới
      Phật nói rốt ráo thường vô úy
      Chẳng chấp thân ngã và Thi la
      Người nói vô ngã chẳng nắm giới
      Người nói vô ngã chẳng nương giới
      Người nói vô ngã chẳng cầu giới
      Người nói vô ngã giới vô tâm
      Chẳng phá Thi la chẳng nắm giới
      Cũng chẳng chấp ngã giữ Thi la
      Không tưởng có ngã và luật nghi
      Là hạnh Bồ đề bực đại trí
      Thi la như vậy vô sở úy
      Người nầy thường chẳng phạm Thi la
      Nếu hay chẳng chấp có các pháp
      Thi la như vậy được thánh khen
      Các ngu phu thường thấy có ngã
      Thấy ta đủ giới hay trì giới
      Họ hưởng quả trì giới mãn rồi
      Thường bị sa đọa ba ác đạo
      Nếu người dứt hẳn các ngã kiến
      Họ không có ngã không ngã sở
      Là chơn trì giới vì không chấp
      Không còn lo sợ đọa ác đạo
      Nếu người biết được giới hạnh ấy
      Không ai thấy được phạm Thi la
      Còn chẳng thấy ngã và ba cõi
      Huống thấy trì giới và pháp giới.

     Lại nầy Xá Lợi Phất !  Thật hành Thi la Ba la mật đa như vậy, lúc đại Bồ Tát thật hành Bồ Tát hạnh giới thanh tịnh, có đủ mười thứ cực trọng thâm tâm :

     Một là phát khởi thâm tâm kính phụng các công hạnh.
     Hai là phát khởi thâm tâm càng thêm tinh tấn.
     Ba là phấn khởi ưa thích Phật chánh pháp.
     Bốn là rộng đủ và sùng trọng tất cả nghiệp lành.
     Năm là sâu tín và tôn trọng tất cả quả báo.
     Sáu là đối với chư Hiền Thánh sanh lòng kính ngưỡng
     Bảy là đối với Hòa Thượng và A Xà Lê thì thanh tịnh thị phụng.
     Tám là thường cúng dường các bực Hiền Thánh.
     Chín là cố gắng cầu thỉnh chánh pháp.
     Mười là lúc cầu Bồ đề chẳng kể thân mạng.

     Nầy Xá Lợi Phất !  Đại Bồ Tát an trụ thâm tâm cực trọng ấy mà tu tập pháp lành.  Những gì là pháp lành ?  Đó là ba diệu hạnh :  Thân diệu hạnh, ngữ diệu hạnh và ý diệu hạnh.  Đại Bồ Tát an trụ ba diệu hạnh ấy là vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu đại Bồ Tát tạng.  Tại sao ?  Vì chư đại Bồ Tát y pháp môn ấy thì có thể đến Vô thượng Bồ đề vậy”. 

     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Do thân mà phát khởi
      Nghiệp lành được Phật khen
      Vì được nghe chánh pháp
      Cúng dường chư Hiền Thánh
      Nơi pháp và Thánh Nhơn
      Sốt sắn thường kính thờ
      Vì lợi ích chúng sanh
      Tâm từ chẳng ganh ghét
      Nên nói lời người trí
      Chớ nói lời khó ưa
      Vui vẻ nói dịu dàng
      Phát ngôn không thô độc
      Ý tưởng thường là lành
      Không hề nghĩ điều ác
      Cung kính giữ tâm từ
      Nơi thánh giáo Như Lai
      Lòng kính vâng nghe pháp
      Mau giác ngộ Bồ đề.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi Ba la mật đa, vì đại Bồ Tát an trụ mười pháp thù thắng thâm tâm cực trọng ấy mà cần cầu pháp môn đại Bồ Tát tạng nên đối với chư Hiền Thánh và tất cả Sư Trưởng càng thêm cung kính thờ phụng cúng dường, nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lơị Phất!  Lúc thật hành Thi Ba la mật đa, đại Bồ Tát phải có đủ mười thứ phát tâm.  Những gì là mười?

     Nầy Xá Lợi Phất!   Đại Bồ Tát quan sát thân thể nầy là rắn độc luôn trái hại nhau, nhiều khổ nhiều hoạn, điên cuồng ghẻ lác, bịnh phong bịnh nhiệt, bịnh hàn bịnh đàm, là chỗ họp các bịnh tật.  Thân thể này lại như mụt nhọt mụt ung, như bị tên đâm, như dòng nước xiết, như kẻ xắt thịt, luôn dao động chẳng dừng mau sanh chóng diệt.  Thân thể nầy lại hư ngụy, yều gầy già nua mau chết, dầu tạm thời còn mà khó ưa được như trong huyệt mả. 

     Đại Bồ Tát lại quan niệm:  Thân tật bịnh nầy của ta dầu trải qua nhiều khổ hoạn mà chưa từng gặp phước điền, nay ta được gặp, ta phải nương theo các phước điền để nuôi lớn huệ mạng, bỏ thân chẳng bền, được thân kiên cố.  Vì muốn cần cầu pháp môn đại Bồ Tát tạng vi diệu nên đối với chư Hiền Thánh và Hòa Thượng, A Xà Lê thường phụng thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước. 

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ nhứt”.

     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Ổ rắn độc tụ họp
      Xoay vần nương gá nhau
      Một thứ tăng động lên
      Thì gây nên khổ lớn
      Nào là mắt tai mũi
      Lưỡi răng các tạng phủ
      Bao nhiêu bịnh đau khổ
      Đều do thân thể sanh
      Ghẻ nhọt cùng khùng điên 
      Ung thư và cùi hủi
      Dịch lệ các bịnh dữ
      Đều do thân phát sanh
      Thân nầy nhiều bịnh hoạn
      Như nhọt như trúng tên
      Thân độc hại như vậy
      Tạm còn rồi mau rã
      Như đến trong gò mả
      Đều là cảnh vô thường
      Thân hư mục động dao
      Nhiều bịnh mau sanh diệt
      Ta phải tu thân Phật
      Nhơn nơi nghiệp chánh lành
      Đem thân hư mục nầy
      Già suy mau chết mất
      Chuyển thành thân Như Lai
      Và pháp thân Vô thượng
      Đem thân hư mục nầy
      Luôn chảy nước thúi hôi
      Đổi lấy thân trong sạch
      Không dơ không hôi thúi
      Nếu người sợ lạnh nóng
      Che ngăn phòng ngừa kỹ
      Rồi cũng bị bịnh tật
      Già chết đồng bức hại
      Nếu đem thân lạnh nóng
      Chịu đựng tu nghiệp lành
      Trang nghiêm hạnh trượng phu
      Mau thành thân Vô thượng
      Đem thân siêng cúng dường
      Các Thánh Hiền Tôn Sư
      Chuyển thân mỏng manh nầy
      Thành thân thiệt bền chắc.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm thứ nhứt như vậy để cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng, đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ cùng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát nghĩ rằng thân thể chẳng bền, phải nhờ che đậy rửa ráy kỳ cọ mà rồi rốt cuộc vẫn hư rã.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Ví như thợ gốm nắn nung đồ sành hoặc lớn hoặc nhỏ rốt cuộc rồi vẫn hư bể.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Thân chẳng bền chắc rồi sẽ hư rã như những đồ sành ấy.

    Lại nầy Xá Lợi Phất!   Như những lá bông trái nương trên nhánh cây rồi sẽ rơi rụng. 
     Cũng vậy, thân nầy chẳng bền rồi cũng sẽ chết mất chẳng lâu.

     Lại nầy Xá Lợi Phất! Như giọt sương đọng đầu cỏ bị ánh nắng chiếu đến tất cả chẳng còn.

     Cũng vậy, thân nầy chẳng bền chẳng lâu như sương đầu cỏ.

     Lại nầy Xá Lợi Phất!  Như giọt nước trong biển sông mềm yếu mỏng manh mau tan mau rã.

     Cũng vậy, thân nầy chẳng chắc tánh chất mỏng manh như bọt nước.

     Lại nầy Xá Lợi Phất!  Như bóng nước nổi lên khi mưa lớn, nổi mau tan cũng mau.

     Cũng vậy, thân nầy chẳng bền tánh chất mỏng nhẹ mau sanh mau diệt.

     Nầy Xá Lơị Phất!  Đại Bồ Tát quan sát kỹ thân thể mình thấy biết như vậy rồi, lại nghĩ rằng ta  từ lâu thọ lấy thân  thể chẳng chắc bền như vậy mà chưa gặp được phước điền, nay được gặp ta phải nương theo phước điền để nuôi lớn huệ mạng, đem thân chẳng bền đổi lấy thân bền chắc.  Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ hai”.
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
     
      “Như người thợ gốm kia
      Nắn đất làm đồ sành
      Đều rồi sẽ hư bể
      Mạng sống người cũng vậy
      Như những lá hoa trái
      Nương mọc trên nhánh cây
      Rồi sẽ rơi rụng hết
      Mạng sống người cũng vậy
      Như giọt sương đầu cỏ
      Bị ánh nắng chiếu soi
      Giây lát rồi tan biến 
      Mạng sống người cũng vậy
      Như bọt nổi mặt nước
      Tánh nọ vốn mỏng manh
      Thân nầy chẳng chắc bền
      Hư nổi cũng như vậy
      Như trời mưa lớn xuống
      Mặt nước nổi bong bóng
      Giây phút đều tan rã
      Thân chẳng bền cũng vậy
      Chẳng bền cho là bền
      Còn bền cho chẳng bền
      Vì nghĩ tưởng sai lầm
      Chẳng chứng được bền chắc
      Nơi bền biết là bền
      Chẳng bền biết chẳng bền
      Hiểu biết chơn chánh đúng
      Chứng được thân bền chắc
      Vì tu trí huệ thiệt
      Thí đồ nhỏ đựng nước
      Nên đem thân chẳng bền
      Đổi lấy thân bền chắc.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát phát tâm thứ hai như vậy.  Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát phát tâm như vầy: 

     Từ lâu ta rời xa thiện hữu, bị nạn ác rủ ren nên lười biếng chẳng siêng tu, ngu độn hạ liệt nhiều tà kiến ác kiến, không bố thí không tạo phước không làm lành thêm lớn các nghiệp quả báo.

     Lại nghĩ rằng ta bị tham dục làm mê nên mãi mãi lưu chuyển gây tạo các nghiệp ác, do nghiệp ác ấy mà cảm lấy thân quỷ xấu dơ, thiếu đồ cần dùng không có phước điền tối thắng.  Ta lại từng sanh trong ngạ quỷ luôn ăn tro than trong vô lượng năm, lại trong trăm ngàn năm chẳng nghe tên nước huống là được uống được dùng.

     Lại nghĩ rằng nay ta gặp được phước điền tối thắng lại cảm được thân lành nầy có nhiều đồ cần dùng, ta phải nương phước điền mà tu nghiệp lành chẳng kể thân mạng, kính thờ các bực Sư Trưởng, Hòa Thượng, A Xà Lê.  Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư phụng thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ ba”.
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
     
      “Thường thân cận kính thờ
      Thiện tri thức như vậy
      Thì được thành tánh ấy
      Nên phải luôn gần gũi
      Vì kề cận bạn xấu
      Rời xa bạn hiền lành
      Nên lười biếng buông lung
      Ghét ganh bỏn xẻn nịnh
      Tà kiến không bố thí
      Bác bỏ tất cả lành
      Ta từng sanh loài quỷ
      Thọ thân hình tệ xấu
      Ở sanh tử lâu ngày
      Trong tối tăm đáng sợ
      Đói khát đốt khổ não
      Chịu rất nhiều khổ sở
      Trong nhiều trăm ngàn năm
      Chưa nghe được tên nước
      Chẳng thấy được phước điền
      Chẳng thoát khỏi nạn ấy
      Nay ta được thân lành
      Khó được ở thế gian
      Lại gặp được hiền minh
      Đầy đủ khỏi các nạn
      Lại rời xa bạn ác
      Gặp được bạn hiền lành
      Thề chẳng kể thân mạng
      Để được chứng Bồ đề
      Dùng tâm lành thanh tịnh
      Cung phụng bực Tôn Sư
      Cũng sẽ cúng dường Phật
      Để được chứng Bồ đề.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát pháp tâm thứ ba rồi, vì cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát phát tâm như vầy:
     Từ lâu ta rời xa bạn lành gần gũi bạn xấu nên biếng lười phóng túng siêng làm việc quấy, ngu si vô trí, lúc thấy có chúng sanh khổ não kêu khóc, lại dùng tay đánh đập não hại.  Do đó lại sanh nhiều ác kiến cho rằng không có nghiệp ác báo ác.

     Lại do giận hờn mê lòng nên gây tạo nhiều nghiệp ác, do nghiệp ác ấy cảm thọ thân súc sanh xấu dơ, thiếu đồ cần dùng lại không có tất cả phước điền tối thắng.

     Bồ Tát nghĩ rằng lúc ta ở trong loài súc sanh, hoặc làm lạc đà hoặc làm bò lừa ăn cỏ rác, thêm bị la mắng đánh đập đe dọa bắt buộc mang nặng đi xa.

     Lại nghĩ rằng thuở trước dầu bị khổ nhiều mà chẳng gặp được phước điền, nay ta được gặp, lại được thân lành nầy, ta nên nương phước điền để tu nghiệp lành, chẳng kể thân mạng, kính thờ Sư Trưởng, đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc.  Vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ tư”. 
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Từ lâu thuở trước kia
      Chưa biết lên đường thánh
      Đọa loài đà bò lừa
      Chịu nhiều điều khổ cực
      Nay ta được thân người Phải tu nghiệp hiền thiện
      Để được chứng Bồ đề 
      Đó là tướng trí huệ
      Ta phải nên cung kính
      Kiến lập các Phật pháp
      Thờ cúng thuyết pháp sư
      Để được đại Bồ đề
      Quá khứ nan tư kiếp
      Vòng quanh trong sanh tử
      Lại qua mãi vô ích
      Không phước điền nuôi mạng
      Rời xa bạn thầy lành
      Thường gần các bạn xấu
      Nghe lời họ khuyến dụ
      Luôn đọa các ác đạo
      Đối với loài bàng sanh
      Cột nhốt đánh mắng chúng
      Do các nghiệp ác ấy
      Chịu lấy quả khổ cực
      Làm lạc đà bò lừa
      Mang nặng thêm bị đánh
      Vì chẳng gần bạn lành
      Nay ta được thân người
      Và bạn thiện tri thức
      Đã được sanh thiện đạo
      Lại được khỏi các nạn
      Như rùa đui đáy biển
      Mừng gặp bộng cây trôi
      Khéo giữ gìn thân khẩu
      Tâm tinh tấn cường thạnh
      Thờ thiện hữu không dua
      Nuôi lớn thân huệ mạng
      Nếu có bực Tôn Sư
      Khai phát huệ mạng ta
      Hay giảng nói diệu pháp
      Thẳng đến đường Bồ đề
      Cúng dường chư Như Lai
      Những hương hoa hương bột
      Y phục và tràng hoa
      Ta phải thường thờ kính
      Hiện tại thập phương Phật
      Thường khai thị thắng nghĩa
      Đấng kim sắc vô biên
      Phải kính thờ cúng dường
      Đi khắp các quốc độ
      Cúng dường Điều Ngự Sư
      Vì thanh tịnh giác đạo
      Sẽ thăng tòa đại giác.

     Nầy Xá Lợi Phất !  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm thứ tư ấy rồi, vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với pháp sư càng thêm vâng thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lợi Phất !  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm như vầy :

     Thuở trước vì ta rời xa thiện hữu gần gũi ác hữu nên lười biếng phóng túng vô trí ngu si siêng làm những điều hạ liệt.  Vọng nghĩ rằng đem thịt của tất cả hữu tình nấu chung một nồi, xắt chung làm gỏi, việc làm ấy chẳng phải tội, chẳng bị ác báo, chẳng sanh ác đạo.  Vì ác kiến nên nghĩ rằng bố thí cho tất cả hữu tình được sung túc, việc làm ấy chẳng gọi là phước, chẳng được phước báu, chẳng sanh nơi phước.  Lại vì ác kiến nên cho rằng dầu giết hại tất cả hữu tình cũng chẳng bị ác báo chẳng sanh ác đạo.

     Bồ Tát nghĩ rằng thuở trước ta làm những việc ấy mà chẳng biết được là tội chẳng tội, là phước chẳng phước, quen gần bạn ác ngu si vô trí gây nhiều nghiệp ác, do đó bị đọa vào địa ngục cảm lấy thân tệ hạ xấu dơ, hoặc nuốt hòn sắt đỏ, hoặc bị cưa xẻ, chịu khổ không hở đến nhiều trăm ngàn năm, chẳng hề được nghe sự vui huống là được hưởng.

     Bồ Tát laị nghĩ rằng thuở trước dầu ta trải qua nhiều đau khổ như vậy mà vẫn chẳng gặp được phước điền.  Nay ta được gặp phước điền lại cảm được thân người, ta phải nương phước điền nuôi lớn huệ mạng, đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc, phụng thờ Sư Trưởng chẳng kể thân mạng.  Vì cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát Tạng nên đối với thuyết pháp sư vâng thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ năm ».
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :

      « Xưa ta gần bạn ác
      Bị tâm ác mê hoặc
      Nương theo các ác kiến
      Gây tạo các nghiệp ác 
      Khắp biển cả đất liền
      Bố thí no đủ cả
      Cho rằng chẳng được phước
      Khắp biển cả đất liền
      Có bao nhiêu chúng sanh
      Ta đều giết hại cả
      Cho rằng chẳng có tội
      Luôn gần kề tập quen
      Các ác kiến như vậy
      Đọa địa ngục tột khổ
      Ép dẹp cả đầu mình
      Xưa ở các ác đạo
      Luống thọ trăm ngàn thân
      Chưa hề thấy chư Phật
      Đấng Đạo Sư thế gian
      Thiện tri thức trong đời
      Tiếng ấy còn khó nghe
      Ta may được thân người
      Phải tu nghiệp hiền thiện
      Được thân người rất khó
      Sống lâu cũng là khó
      Nghe chánh pháp càng khó
      Phật xuất thế khó hơn
      Ta đã được thân người
      Cảm mạng sống mỏng manh
      Gặp được Phật ra đời
      Dự chánh giáo Như Lai
      Ta chẳng còn nên làm
      Nghiệp ác thân khẩu ý
      Chớ để đời sau nầy
      Thọ quả báo khổ cực
      Ta phải dùng tịnh tâm
      Tu tập nghiệp thanh tịnh
      Do thân ngữ và ý
      Làm việc đời khó làm
      Ta trọn chẳng sai trái
      Chánh giáo của Tôn Sư
      Lại phải siêng cúng dường
      Vì cầu Bồ đề Phật
      Do ta chẳng du dối
      Không có lòng ảo ngụy
      Nên mở đường thẳng dài
      Cầu Phật đạo vô thượng
      Đại Bồ Tát vô úy
      Đã phát tâm như vậy
      Cúng dường đồ đựng nước
      Phương tiện huệ đầy đủ.

     Nầy Xá Lợi Phất !  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm thứ năm rồi, vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lợi Phất !  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm như vầy : 

     Từ lâu tôi rời xa thiện hữu gần kề ác hữu nên lười biếng phóng túng siêng làm việc hạ liệt, ngu si vô trí.  Do đó mà vọng bỏ những sự tiếp rước cúi mình lễ lạy chắp tay thăm hỏi các nghiệp báo lành.  Vì lòng khinh mạn mê hoặc nên gây tạo nghiệp ác.  Do nghiệp báo ác nên ở nơi các phước điền chưa từng nuôi lớn huệ mạng thanh tịnh.  Lại nghĩ rằng ta  nhơ thuở xưa cảm thọ thân côi cút nghèo cùng hạ tiện làm tôi tớ cho người khác.  Ta lại thọ lấy thân người đam mê sắc dục, đam mê tất cả tướng sắc dục, ở trong số ác nghiệp bất bình đẳng, sanh khởi nhiều thứ tà kiến, phá hư Thi la, phá hư chánh kiến.  An trụ trong ba thứ căn bất thiện, an trụ trong bốn thứ chẳng nên hành động, bị ngũ cái trum đậy, chẳng có lòng cung kính đối với sáu ngôi tôn trọng, chưa chuyển theo bảy giác chi, quyết định hành động trong tám tánh tà, bị chín thứ não hại làm tổn não, thường noi đi trên mười đường ác nghiệp, luôn hướng mặt về phía nghiệp báo địa ngục mà day lưng về phía nghiệp báo trời, rời xa tất cả thiện tri thức, bị lệ thuộc nơi các ác hữu, tự tại đi theo ma oán xa các pháp lành mà làm tất cả pháp bất thiện, lại còn bị đánh đập mắng la ép buộc phục dịch cung cấp cho kẻ khác.

     Đại Bồ Tát lại nghĩ rằng thuở xưa vì ta chưa gặp được phước điền nên nhận lãnh điều ác.  Nay ta được gặp phước điền lại cảm thọ thân người lành tốt nầy, ta phải nương theo các phước điền, đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc, nuôi lớn huệ mạng, phụng thờ Sư Trưởng chẳng kể thân mạng.  Vì cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư thờ kính cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ sáu ».
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :

      « Gần kề ác hữu thêm kiêu mạng
      Trải qua vô lượng kiếp quá khứ
      Trong người thọ sanh thân nô tỳ
      Lăn trôi mãi trong dòng sanh tử
      Nay ta đã được thân khó được
      Báo người lành tốt mạnh đệ nhứt
      Lại được sanh trong quốc độ tốt
      Gặp Phật ra đời không nạn khổ
      Bạn lành thầy lành rất thù thắng
      Hay giảng công hạnh Bồ Tát làm
      Nhiều câu chi kiếp nay mới gặp
      Chư đại Bồ Tát công đức lớn
      Thân người vô thường giả mỏng manh
      Ví như bóng nước cùng đống bọt
      Lại như ảo huyễn va vai kịch
      Như ngủ chiêm bao mà nói mớ
      Mạng như mây chớp chẳng lâu dài
      Thế gian niệm niệm sắp tiêu diệt
      Mạng nầy gần như khoảng sát na
      Nên đem chẳng bền đổi thân chắc
      Ta nhớ nhiều kiếp thuở quá khứ
       Sa giữa núi mạn chỗ hiểm sâu
      Quá khứ đã từng bị khi dối
      Trải qua trăm ngàn kiếp số lâu
      Nay ta bỏ hết thân tham ái
      Lại không có lòng tiếc mạng sống
      Phải mau rời bỏ lòng kiêu mạn
      Phải siêng kính thờ các Sư Trưởng
      Với các hạng người đời đồng kính
      Đó là cha mẹ anh chị thảy
      Phải mau rời bỏ lòng kiêu căng
      Cung kính vâng dạ tuân lời dạy
      Với chư Bồ Tát gần Bồ đề
      Cùng ta đồng tu Bồ Tát hạnh
      Phải có chặc lòng kính mến nhiều
      Thường vui cúng dường chuyên thờ phụng
      Thuở xưa kiêu mạn lớn cao căng
      Chẳng nghe biết pháp Phật trừ mạn
      Phải dùng trí kim cương vô Thượng
      Khiến núi kiêu mạn ngã nát hẳn
      Diệu hạnh Bồ đề viên mãn rồi
      Ngồi yên trên tòa thắng Bồ đề
      Dẹp phục quân ma bầy tranh đấu
      Sễ độ quần sanh trong biển khổ
      Bao nhiêu kẻ khổ ở mười phương
      Nằm trong phẩn dơ bị chê chán
      Phát khởi tâm từ thương xót họ
      Làm chỗ cứu vớt cho họ về
      An trụ đại thí Ba la mật
      Lại hay phòng hộ Phật giới đức
      Tu hành đầy đủ hạnh nhẫn nhục
      Phát khởi chánh cần khiến hiện tiền
      Được đủ tịnh lự Ba la mật
      Bấy giờ điều phục tâm ở yên
      Trụ nơi đại huệ thiện phương tiện
      Làm phước điền cho tất cả chúng
      Thêm lớn phước lực thạnh như vậy
      Bất khả tư nghị thiện trí thức
      Gặp được bực trí tự tại nhứt
      Cúng dường nhẫn đến đồ đựng nước.
     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm thứ sáu như vậy rồi, vì cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm như vầy:

     Từ lâu ta vì rời xa thiện hữu mà gần kề ác hữu nên lười biếng phóng túng siêng làm việc hạ tiện ngu si vô trí.  Do ác kiến ấy mà vọng cho rằng không nghiệp ác không báo ác, không nghiệp lành không báo lành, không nghiệp ác lành không báo ác lành, không nghiệp chẳng ác lành không báo chẳng ác lành.  Lại chẳng thỉnh hỏi nơi các nhà trí thức như Sa Môn và Bà La Môn gì là lành gì là chẳng lành, gì là tội gì là chẳng tội, gì nên tu gì chẳng nên tu, gì nên làm gì chẳng nên làm, tu công hạnh gì mà phải cảm lấy vô lợi vô nghĩa và các khổ não nhiều thời gian, tu công hạnh gì mà cảm được hữu lợi hữu nghĩa và nhiều an vui lâu dài?

     Đại Bồ Tát nghĩ rằng thuở xưa vì lòng mạn và thắng mê hoặc nên ta gây tạo nhiều nghiệp ác bất thiện.  Do đó cảm thọ thân người tật nguyền, nơi các phước điền chưa nuôi huệ mạng, dầu ở trong loài người mà chẳng khác chậu úp ngu độn khờ khạo mù đui lãng điếc, với nghĩa lý thiện và ác không có năng lực thông hiểu tuyên nói.

     Đại Bồ Tát lại nghĩ rằng thuở xưa ta chưa gặp phước điền thù thắng nầy nên gây tội ác, nay ta được gặp phước điền thù thắng nầy lại cảm được thân người lành, ta phải nương phước điền nầy nuôi lớn huệ mạng.  Ta lại phải chẳng kể thân mạng để cầu có năng lực thông hiểu được những nghĩa về thuyết thiện thuyết ác.  Ta phải thỉnh hỏi nơi thuyết pháp sư gì là thiện gì là bất thiện, gì là có tội gì là không tội, gì nên tu gì chẳng nên tu, gì nên làm gì chẳng nên làm, thật hành công hạnh gì làm cho pháp Thanh Văn và Độc Giác được phát hiện, thật hành công hạnh gì làm cho pháp Phật và pháp Bồ Tát được thể hiện?

     Nầy Xá Lợi Phất!  Đại Bồ Tát vì muốn siêng cầu Bồ Tát tạng nên y theo Thi la Ba la mật đa mà tu Bồ Tát hạnh đem thân chẳng bền đổi lấy thân bền chắc, đối với thuyết pháp sư kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ bảy”.
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Từ xưa quá khứ trăm ngàn kiếp
      Rời xa thiện hữu người lợi ích
      Chưa từng thưa hỏi tiện bất thiện
      Có tội không tội các nghiệp quả
      Do lỗi kiêu mạn quá tăng thượng
      Đọa trong địa ngục và loài quỷ
      Quen gần ác kiến làm bạn bè
      Trải nhiều trăm kiếp sa ác đạo
      Hoặc sanh loài người nhiều ngàn kiếp
      Luân hồi thọ thân căn chẳng đủ
      Chẳng biết gì thiện gì bất thiện
      Có tội không tội đều chẳng hiểu
      Nay được thân người thật lành mạnh
      Đầy đủ các căn lại than tịnh
      Tất cả các nạn đều rời xa
      Như rùa đáy biển gặp bọng nổi
      Gặp được Thế Tôn đèn soi đời
      Nghe dạy những thánh giáo ly dục
      Giờ đây ta hỏi đức Thế Tôn
      Các nghiệp quả thiện và bất thiện
      Gì là xan tham đọa các nẻo
      Gì không xan tham làm thí chủ
      Gì là tham nịnh ô nhiễm giới
      Gì là luật nghi giữ toàn vẹn
      Gì là giận thù não loạn người
      Gì là không hờn sức nhẫn nhục
      Gì là giải đãi tâm tán loạn
      Gì là siêng năng ưa tịnh lự
      Gì là àc kiến câm ngu si
      Gì là thiện huệ rành chơn thiệt
      Gì là chuyên tu hành Bồ đề
      Tìm cầu đầy đủ hạnh Hiền Thánh
      Gì là tâm từ khắp thế gian
      Gì là cứu tế các ác đạo
      Gì là ưa pháp lòng chẳng nhàm
      Hay cầu Bồ đề Đại thừa tạng
      Gì là qua đến mười phương cõi
      Đứng trước chư Phật hiện tại thế
      Gì là kính thờ tu công đức
      Gì là thưa hỏi hạnh Phổ Hiền
      Nay đây ta phải siêng thỉnh hỏi
      Đấng tôn trọng trong hàng Pháp Sư
      Gì là với Thầy vui kính dâng
      Gì là làm vui lòng Sư Trưởng 
      Phật tử đã sanh lòng như vậy
      Hay họp phước lực rất lớn rộng
      Và sức trí huệ thắng tự tại
      Vui mừng cúng dường tất cả vật.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm thứ bảy rồi, vì muốn cần cầu pháp môn vi diệ Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Lại nầy Xá Lơị Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm như vầy: 

     Từ lâu ta rời xa thiện hữu gần kề ác hữu nên lười biếng phóng túng siêng làm những việc hạ tiện ngu đần vô trí như câm, rời xa tất cả văn cú có chánh nghĩa, văn cú có chánh pháp, văn cú có tịch tĩnh có chỉ có quán, có chánh giác có Niết bàn.  Rời xa những văn cú có nghĩa có lợi thắng diệu như vậy rồi trở lại học tập nghiên tầm thông đạt tất cả văn cú phi nghĩa, phi pháp, phi giác, phi Niết bàn.  Do đó nên sanh ác kiến vọng cho rằng không có lực không có tinh tấn, không có quả trượng phu, không oai thế, không dũng mãnh, không công hạnh, không oai đức.  Lại quan niệm không nhơn không duyên gì có thể khiến hữu tình nhiễm ô được, hữu tình tạp nhiễm chẳng do nhơn duyên.  Lại quan niệm không nhơn không duyên gì có thể làm cho hữu tình thanh tịnh, hữu tình thanh tịnh chẳng do nhơn duyên.

     Đại Bồ Tát nghĩ rằng từ lâu vì y theo quan niệm vô nhơn và bất bình đẳng nhơn ấy nên ta gây nhiều nghiệp ác, do nghiệp ác ấy nên ta ở trong nhơn loại cảm lấy thân tật nguyền, nơi các phước điền chưa nuôi lớn huệ mạng.  Dầu ở trong loài người nhưng đồng với chậu úp ngu độn mù điếc không có năng lực thọ trì đọc tụng suy gẫm thông đạt những văn cú có chánh nghĩa nhẫn đến những văn cú tương ưng với Niết bàn.

     Đại Bồ Tát lại nghĩ rằng vì xưa ta chẳng gặp thắng phước điền nên sanh vọng kiến.  Nay ta được gặp thắng phước điền nầy, ta phải nương theo nuôi lớn huệ mạng, nhẫn đến chẳng kể thân mạng để cầu lực năng thông đạt những văn cú tương ưng với chánh nghĩa chánh pháp tịch tĩnh chỉ quán và Niết bàn.  Những văn cú chánh nghĩa chánh pháp ấy đều nhiếp thuộc pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng.  Nay ta thọ trì đọc tụng tư duy rốt ráo quyết sẽ phát khởi chánh cần tối thượng suốt đời thờ phụng thuyết pháp sư.  Nay ta y theo Thi la Ba la mật thật hành Bồ Tát hạnh để ở nơi pháp môn Bồ Tát tạng có thể thọ, có thể trì,có thể đọc, có thể tụng và tu hành cúng dường vậy.

     Đại Bồ Tát lại nghĩ rằng ta nên đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc, phải khéo tu tập hai món tư lương phước và trí.  Do sức phước và trí ấy mà được thường gần gũi pháp môn Bồ Tát tạng.  Suy nghĩ rồi, đối với thuyết pháp sư, đại Bồ Tát kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ đựng nước.
     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ tám”.
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Văn cú tương ưng chơn pháp nghĩa
      Thuận theo tu tập các đạo chi
      Vì được chứng nhập tánh tịch diệt
      Mà hay lưu thông đường Niết bàn
      Xưa ta rời xa pháp như vậy
      Trở lại nhiễm quen các văn cú
      Phi pháp phi nghĩa phi tịch tĩnh
      Nhẫn đến Niết bàn chẳng tương ưng
      Không có tinh tấn không năng lực
      Không quả trượng phu không oai thế
      Bác bỏ công đức không dũng mãnh
      Tất cả đều không vô sở đắc
      Không có chư Phật cũng không pháp
      Không nhìn cha mẹ và quyến thuộc
      Không có điều ác không điều lành
      Hoặc quả hoặc báo đều bác bỏ
      Từ thuở vô thỉ đến ngày nay
      Luôn quen làm các ác kiến ấy
      Do đó bị đọa trong địa ngục
      Thọ khổ mãi mãi khó ra khỏi
      Rồi sau chuyển đọa loài bàng sanh
      Lại đọa loài quỷ các ác đạo
      Có lúc được sanh trong loài người
      Ngu mê vô trí thêm câm ngọng
      Đần độn chơi bời và đui điếc
      Do đó lại gây các nghiệp ác
      Rồi đọa địa ngục và quỉ súc
      Chịu nhiều khổ cực ngu tối thêm
      Ta từ lâu xa vô lượng kiếp
      Chưa từng được thân thanh tịnh nầy
      Đã được các căn đều đầy đủ
      Bấy giờ phải mau thêm tinh tấn
      Các pháp tương ưng với thiệt nghĩa
      Hay làm trợ bạn cho tịch tĩnh
      Đường đến Bồ đề cùng Bồ đề
      Ta phải kịp thời cầu pháp ấy
      Tạng bí áo chư đại Bồ Tát
      Tương ưng nghĩa chơn thiệt rất sâu
      Trải qua trăm ngàn câu chi kiếp
      Nếu ai được nghe là hi hữu
      Và những Phật pháp khác như vậy
      Vô lượng vô số bất tư nghị
      Ta phải tinh tấn thọ rồi trì
      Để được chứng Bồ đề Vô thượng
      Lại phải chánh cần khởi cung kính
      Kính thờ cúng dường thuyết pháp sư
      Đó là chư Phật chư Bồ Tát
      Nơi Pháp Sư nghe pháp Vô thượng
      Chư đại Bồ Tát vô sở úy
      Phát khởi tâm dũng mãnh như vậy
      Trí huệ phương tiện khéo thành tựu
      Nhẫn đến bố thí đồ đựng nước.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật, đại Bồ Tát phát tâm thứ tám như vậy rồi, vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Lúc thật hành Thi la Ba la mật đa, đại Bồ Tát phát tâm như vầy:

     Tất cả chúng sanh bị lệ thuộc nơi việc làm vô nghĩa nên tiếc luyến thân mạng chấp lấy việc vô nghĩa, chẳng hay phấn khởi làm việc nghĩa lợi.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Thế nào gọi là chấp lấy việc vô nghĩa?  Đó là với thân mạng thì luyến tiếc, với pháp phần Bồ đề không để lòng, chấp ngã ngã sở làm tiền đạo, nơi thân mình luôn phòng vệ tắm rửa săn sóc trang sức trân quý, đây gọi là chấp lấy việc vô nghĩa.

     Lại còn có chấp lấy việc vô nghĩa.  Đó là luyến tiếc thân mạng, nơi pháp phần Bồ đề chẳng để lòng, chấp ngã và ngã sở làm tiền đạo, bảo bọc chăm nom vợ con anh em bạn bè thân thuộc, nhẫn đến chấp trước tất cả đồ vật cần dùng và đồ trân ngoạn.  Đây là chấp việc vô nghĩa.

     Lại còn có chấp lấy việc vô nghĩa.  Đó là với thân mạng thì luyến tiếc, với pháp phần Bồ đề thì chẳng để lòng, chấp lấy ngã và ngã sở làm tiền đạo, đối với tôi trai tớ gái thì phòng vệ sai khiến đánh mắng giam nhốt, đây gọi là chấp lấy việc vô nghĩa.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Thế nào gọi là chuyên tu nghĩa lợi?  Đó là đối với thân mạng không luyến tiếc, nơi pháp phần Bồ đề có để lòng, dùng tâm Bồ đề làm tiền đạo, chuyên tu điều lành thù thắng nơi thân nghiệp ngữ nghiệp và ý nghiệp.  Đây gọi là tu nghĩa lợi.

     Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi.  Đó là nơi thân mạng không luyến tiếc, với pháp phần Bồ đề có để lòng.  Dùng Bồ đề tâm làm tiền đạo chuyên tu các công hạnh dẫn phát Đàn na Ba la mật đa nhẫn đến Bát Nhã Ba la mật đa.  Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.

     Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi.  Đó là nơi thân mạng chẳng luyến tiếc, nơi pháp phần Bồ đề có để lòng, dùng tâm Bồ đề làm tiền đạo mà chuyên tu hành bố thí ái ngữ lợi hành và đồng sự để nhiếp hóa chúng sanh.  Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.

     Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi.  Đó là chẳng luyến tiếc thân mạng, cầu Bồ đề phần, dùng tâm Bồ đề làm tiền đạo mà chuyên tu niệm xứ chánh cần thần túc căn lực giác chi chánh đạo.  Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.

     Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi.  Đó là chẳng luyến tiếc thân mạng, cầu Bồ đề phần, dùng tâm Bồ đề làm tiền đạo đối với cha mẹ và các Sư Trưởng thì cúng dường kính vâng cúi đầu chắp tay lễ lạy hỏi thăm tiếp rước cung cấp hầu hạ thảo thuận.  Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi. 
     
     Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi.  Đó là chẳng luyến tiếc thân mạng, cầu Bồ đề phần, dùng tâm Bồ đề làm tiền đạo, đối với Tam Bảo tùy thuận giáo hóa pháp kính thờ chuyên tu.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Đại Bồ Tát nghĩ rằng chúng sanh chấp lấy vô nghĩa bị sự việc vô nghĩa chi phối, luyến tiếc thân mạng lười biếng phóng túng.  Nay ta chuyên tu tập nghĩa lợi được công hạnh nghĩa lợi thủ hộ.  Ta phải thêm siêng tinh tấn đem thân nầy cúng dường thuyết pháp sư, đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc, phải tu hai món tư lương phước và trí.  Do tu phước lực và trí lực hai món tư lương ấy nên được gần Bồ đề Vô thượng vi diệu.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Đại Bồ Tát y Thi la Ba la mật đa thật hành Bồ Tát hạnh để cầu Bồ Tát tạng như vậy kính thờ cúng dường thuyết pháp sư nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

     Đây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ chín”.
     Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

      “Các phàm phu ngu si 
      Thường luyến tiếc thân mạng
      Chẳng mong cầu Bồ đề
      Ba Nghiệp sanh tạp nhiễm
      Thường vì lợi cho mình
      Và vợ con quyến thuộc
      Quý tiếc đồ trân ngoạn
      Ðây gọi si phàm phu
      Sai khiê&n tớ trai gái
      Nuôi nhiêéu loài bốn chưn
      Chấp chặt việc vô nghĩa
      Ðây gọi kẻ vô trí
      Chứa cất nhiều tiền gạo
      Chẳng cho chẳng ăn dùng
      Chấp chặt việc vô nghĩa
      Gọi người ngu cất chứa
      Các phàm phu ngu si
      Chuyên quý việc vô nghĩa
      Chư Bồ Tát trí huệ
      Chuyên cầu các nghĩa lợi
      Chẳng luyến tiếc thân mạng
      Vui thích giúp Bồ Tát
      Phát khởi nhiều việc thiện
    Ðây gọi chuyên nghĩa lợi
    Phương tiện khéo tu tập
    Thí giới nhẫn chánh cần
    Tịnh lự và diệu huệ
    Ðây gọi chuyên nghĩa lợi
    Cúng dường cha và mẹ
    Cung cấp các Sưu Trưởng
    Kính thờ ngôi Tam bảo
    Ðây gọi chuyên nghĩa lợi
    Nơi diệu Bồ Tát tạng
    Nhiếp tất cả diệu pháp
    Trì tụng và giảng giải
    Ðây gọi chuyên nghĩa lợi
    Chuyên nghĩa lợi như vậy
    Ðược chư Phật khen tặng
    Tinh tấn hiệp pháp lành
    Là con đấng Vô Úy
    Phát tâm như vậy rồi
    Dùng lòng tin thanh tịnh
    Kính thờ thuyết pháp sư
    Cúng tất cả đồ dùng.
     Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát phát tâm thứ chín rồi , vì muốn cần cầu đại Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát phát tâm như vầy :
     Chúng sanh thế gian làm trái lời dạy của Sư Trưởng nên không có được .Không được những gì? Ðó là tánh tài .Gì là thánh tài ? Ðó là tín, giới, văn, tàm , quí , xả và huệ. Các chúng sanh ấy vì chẳng được thánh tài nên gọi là cực bần cùng. Nay ta phải tu pháp lành vi diệu , nơi lời dạy bảo của Sư Trưởng phải tùy thuận kính lãnh.Tại sao ? Vì đại Bồ Tát do diệu huệ tùy thuận kính lãnh lời dạy của Sư Trưởng nên có chứng được. Chứng  được gì? Chứng được thánh tài . Những gì gọi là Bồ Tát thánh tài ? Ðó là các pháp môn Bồ Tát tạng. Biết rõ Bồ Tát diệu huệ tức là thuyết pháp sư diệu huệ ở nơi pháp môn Bồ Tát tạng vì chúng sanh mà rộng giảng dạy lưu truyền. Ðại Bồ Tát an trụ Bồ Tát tạng như vậy rồi được thánh tài dứt hẳn bần cùng mau chứng được Vô thượng Bồ đề.
     Ðây gọi là đại Bồ Tát phát tâm thứ mười”.
     Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :
      “ Các chúng sanh hạ liệt trong đời
      Dua nịnh huyễn hoặc nhiều gian nguy
      Ðiên đảo tà chấp chẳng đúng lý
      Chuyên theo ác kiến trái lời Thầy
      Bồ Tát biết rồi thuận lời Thầy
      Bèn được trí huệ rộng giảng giải
      Do đây chứng được bảy thánh tài
      Tín , giới, văn, tàm, quý, xả , huệ
      Tạng vô tận bảy thánh tài ấy
      Chớ truyền dạy kẻ phi pháp khí
      Trong đời có nhiều chúng sanh lành
      Làm được pháp khí tốt của Phật
      Lời tốt không dua đến thỉnh hỏi
      Khéo lành tự tại mà nhàn nhã
      Thường phát dũng mãnh thường tinh tấn
      Cúng kính chánh pháp thích thường nghe
      Chẳng kể thân mạng mình đương có
      Cầu chứng chư Phật diệu Bồ đề
      Biết đó đáng là chánh pháp khí
      Hay thọ trì được diệu lý sâu
      Ðạo Sư phát khởi đại từ bi
      Giảng nói tinh thuần chơn pháp khí
      Tạng pháp vi diệu đại Bồ Tát
      Nương đó gầy dựng thắng Bồ đề
      Ở trong ấy lại rộng khai thị
      Thánh tài kiên cố của chư Phật
      Tất cả các pháp là tướng không
      Là tướng vô tướng, tướng vô ngã
      Không có thọ mạng không đổi khác
      Không những hí luận không thọ tàng
      Tự tánh của tất cả các pháp
      Chẳng từ duyên sanh cũng không tướng
      Không có sơ khởi không chung diệt
      Từ vô tướng chơn như hiển phát
      Người trí tự tại tánh nhu hòa
      Nơi lời Thầy dạy không đảo chấp
      Ðức Phật Thế Tôn vì đó dạy
      Pháp môn giải thoát Phật đã được
      Thánh tài : Tín, giới cùng tàm, quí
      Chánh văn, xả thí và Bát nhã
      Phật vì Bồ Tát rộng giảng giải
      Pháp tạng vô tận bảy Thánh tài
      Phật tử nhu hoà diệu tự tại
      Thuận theo lời hay của thiện hữu
      Ta phải kính thờ thuyết pháp sư
      Ðể chứng Vô thượng Bồ đề đạo
      Bồ Tát vừa phát tâm ấy rồi
      Với thuyết pháp sư thêm yêu kính
      Nhẫn đến sắm sửa bình sành sạch
      Ðựng đầy nước trong đem cúng thí.
     Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát phát tâm thứ mười rồi vì muốn cần cầu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết pháp sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , do thành tựu sức thiện căn như vậy, đại Bồ Tát được bốn pháp xứ quảng đại thù thắng:
     Một là nơi các pháp lành hay khéo thẳng vào.
     Hai là được thuyết pháp sư ngợi khen.
     Ba là tu hành thành tựu viên mãn không có hủy phạm.
     Bốn là nơi chánh pháp của Phật giữ gìn vững chắc chẳng hư .
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Do sức thiện căn ấy, đại Bồ Tát ở trong cõi trời lại được bốn pháp xứ quảng đại thù thắng :
     Một là vì các chúng sanh mà tu học mãi, trụ vững nơi các pháp lành.
     Hai là chư Thiên hội họp chiêm ngưỡng dung nhan Bồ Tát và đồng nghĩ rằng hôm nay Bồ Tát sẽ giảng pháp gì? Ta nghe rồi sẽ được tỏ ngộ.
     Ba là được Thiên Ðế Thích và chư Thiên tham kiến thỉnh pháp giải quyết chỗ nghi, mà Bồ tát ấy không qua chỗ chư Thiên.
     Bốn là chư Thiên hiện cung điện lớn cho Bồ Tát ấy ở.
     Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát ấy hoặc sanh trong người, hoặc ở trên trời được vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức pháp môn vi diệu , đều vì thành tựu viên mãn Thi la Ba la mật vậy”.
     Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :
      “Bồ Tát ngồi tòa cao
      Ðược chư Thiên lễ kính
      Chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài
      Sẽ giảng diệu pháp gì
      Chư Thiên đều cung kính
      Bực trí huệ vô tham
      Ở cung điện vui đẹp
      Ðế Thích đến thỉnh pháp
      Trên trới mạng hết rồi
      Sanh vào trong loài người
      Là vua Chuyển Luân Thánh
      Oai lực lớn không tham
      Lúc mạng người hết rồi
      Trở lại sanh cõi trời
      Không bao giờ bị khổ
      Do thờ cúng Pháp Sư
      Luôn được nhiều bốn thứ
      Pháp xứ rộng thù thắng
      Do không lòng hạ liệt
      Cung kính Thầy thuyết pháp
      Nếu lòng kính thờ Thầy
      Cúng dâng đồ đựng nước
      Thì Trời , Rồng và Người
      Ðều nên gâén cúng dường.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn ấy nên  ở cõi trời lại được bốn pháp :
     Một là biết rõ những nghiệp đã tạo ở đời trước.
     Hai là biết rõ nhơn nghiệp lành ấy được sanh cõi trời , cũng biết rõ thối thất pháp lành.
     Ba là biết rõ từ đây mạng chung đến sanh chỗ nào.
     Bốn là vì chư Thiên mà giảng diệu pháp dạy bảo cho họ vui mừng , đã lợi ích chư Thiên rồi bèn bỏ thân trời.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mậy , đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành nên lại được bốn pháp viên mãn thù thắng :
     Một là khi bỏ thân trời , đại Bồ Tát sanh trong loài người được sanh chung với giới.
     Hai là ở trong người được năm pháp sanh thành tựu thù thắng : Ðó là được sanh vào nhà thù thắng , được sắc thân thắng diệu , được quyến thuô(c thù thắng , được giới thanh tịnh thù thắng và đối với chúng sanh được tu đức từ thù thắng.
     Ba là ở trong người lại được năm pháp thành tựu bất hoại : Ðó là được thiện tri thức không ai phá hoại được , thân mạng không yểu thọ, của cải đã được không bị mất , được tâm Bồ đề không hề hư hoại và lúc thiếu pháp lành thì tự được đầy đủ.
     Bốn là ở trong người lại được năm pháp hi hữu viên mãn . Ðó là trong nhà để những chậu thùng không, tùy tay Bồ Tát rờ đến chỗ nào , thì chỗ ấy đều đầy châu báu , đây là pháp hi hữ thứ nhứt. Lúc Bồ Tát khát thì trước mặt tự nhiên có nước đủ tám đức hiện ra, đây là pháp hi hữu thứ hai . Do phước đức giữ gìn thân thể nên chẳng bị ngoại vật làm tổn hại , như độc , như dao, hoặc lửa hoặc nước , hoặc á quỷ đều chẳng làm tổn hại được. Ðây là pháp hi hữu thứ ba. Những thời kỳ mà địa cầu bị nhựng tai kiếp như là cơ cẩn tai, tật dịch tai, đao binh tai, hỏa tai, thủy tai , phong tai, khát kiếp , hỏa quang kiếp , dạ xoa kiếp , đại Bồ Tát ấy chẳng sanh trong người mà ở cung trời vui sướng , đây là pháp hi hữu thứ tư . Ðại BồTát ấy vĩnh viễn chẳng sanh vào các chỗ nạn hoặc các ác đạo, nếu có tâm niệm sai lầm thì liền tự giác ngộ mau dứt lìa , đây là pháp hi hữu viên mãn thứ năm.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành ấy nên thường chẳng rời xa bốn pháp vi diệu :
     Một là khi thấy có chúng sanh khổ thì tự nhiên được tâm đại từ .
     Hai là quyến thuộc của Bồ Tát đều kính thuận đối với Bồ Tát.
     Ba là đại Bồ Tát có thể chế phục sự suy già không để nó xâm tổn.
     Bốn là làm ăn sanh lợi thì được lợi gấp trăm gấp ngàn.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành ấy nên chẳng bị ba thứ nó cướp đoạt :
     Một là chẳng bị tham dục cướp đoạt.
     Hai là chẳng bị sân khuể cướp đoạt.
     Ba là chẳng bị ngu si cướp đoạt.
     Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn nên lại được bốn pháp không bịnh :
     Một là chẳng bị bịnh dây dưa lâu ngày làm khổ.
     Hai là thân thể nhuần sáng chẳng hề gầy ốm tiều tụy.
     Ba là đồ dùng sanh sống chẳng tổn giảm.
     Bốn là chẳng bị quan pháp cướp trộm kẻ ác và chúng sanh khác não hại.
     Lại nầy Xá Lơị Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn nên lại được bốn tướng tôn quí :
     Một là làm Chuyển Luân Vương oai đức khắp bốn châu cai trị đúng pháp , đủ bảy thứ báu là xe báu , voi báu , ngựa báu, ngọc nữ báu , châu ma ni báu , chủ tạng thần báu và chủ binh thần báu. Có đủ ngàn con trai, thân hình đoan nghiêm oai thế hùng mạnh hàng phục oán địch. Chuyển Luân Vương nầy được bốn đại châu khâm phục ,lại được tất cả nhơn dân các quan và chư tiểu quốc vương đồng tôn kính tuân lịnh. Ðây là tướng tôn quí thứ nhứt.
    Hai là đối với ngũ dục như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng , mũi ngửi mùi , lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, Bồ Tát chẳng hề tham mê nhiễm đắm , do lòng tin thanh tịnh xuất gia tu hành mau được ngũ thông , người và quỉ thần cung kính . Ðây là tướng tôn quí thứ hai.
     Ba là đại Bồ Tát sanh tại xứ nào tự nhiên thường được tối thượng giác, tối thượng huệ, tối thượng biện , được các quốc vương tôn kính thỉnh lên ngự tọa như thuở quá khứ ông Ðại Ô Mạt Ðồ được vua kính trọng, lại được các quan chức và nhân dân đồng tôn ngưỡng. Ðây là tướng tôn quý thứ ba.
     Bốn là đại Bồ Tát ấy tỏ ngộ Vô thượng Bồ đề rồi thì oai đức thù thắng viên mãn đệ nhứt được Thiên , Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà , A Tu La , Câu Lâu La, Khẩn Na La , Ma Hầu La Già , Nhơn , Phi Nhơn, tất cả chúng sanh đồng quy kính.Tại sao ? Vì Bồ Tá nầy thành tựu phẩm giới, định, huệ , giải thoát , giải thoát tri kiến vậy. Ðây là tướng tôn quí thứ tư.
    Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , do đại Bồ Tát ấy dùng lòng tin thanh tịnh đem bình đựng nước dâng cho Hoà Thượng và A Xà Lê hai Tôn Sư nên được vô lượng vô biên công đức diệu pháp như vậy. Vì cầu pháp mà Bồ Tát đi đứng luôn tùy thuận nơi Thầy , chẳng trái lời dạy. Do Thiện căn ấy nên lại được bốn thứ của cải tối thắng :
    Một là được của cải vua chúa dùng.
    Hai là sanh chỗ nào đều thọ pháp ly dục được tiên tài tín tâm xuất gia gọi là thánh tài.
    Ba là sanh chỗ nào đều được trí nhớ đời trước gọi là được niệm tài .Do niệm tài ấy nên đời đời chẳng quên mất tâm Bồ đề.
    Bốn là đại Bồ Tát chứng Vô thượng Bồ đề  rồi gọi đó là Bồ đề tài thường được tứ chúng và Thiên Long Bát Bộ cung kính vây quanh.
    Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát nhẫn đến thọ rtì bốn câu kệ nơi thuyết pháp sư, đến đi đều tùy thuận lời dạy của Thầy , như là thiện bất thiện, hữu tội vô tội, nên to chẳng nên tu. Hoặc là Thầy dạy rằng làm việc ấy sẽ mãi mãi bị các báo khổ não vô nghĩa vô lợi , làm việc ấy sẽ mãi mãi được báo an vui có nghĩa có lợi. Bồ Tát ấy thuâ(n lời Thầy dạy chẳng làm điều bất thiện mà tu tập pháp lành. Do thiện căn ấy lại được bốn pháp cao thắng :
    Một là được đầy đủ Thi la cao thắng.
    Hai là cảm được thân thể viên mãn tất cả thân phần.
    Ba là được đại huệ, dũng huệ, cao huệ, quảng huệ, tiệp huệ, lợi huệ , tốc huệ, thâm huệ, quyết trạch huệ. 
    Bốn là khi lâm chung sanh lên cõi trời.
    Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn nên lại được bốn pháp không thể thấy được.
    Một là sanh chỗ nào đều cảm được tướng ẩn mật âm tàng.
    Hai là từ lúc sơ sanh, hoặc cha mẹ quyến thuộc, hoặc Thiên , Long Bát Bộ , Nhơn, Phi Nhơn và tất cả chúng sanh không ai thấy được đỉnh đầu của Bồ Tát.
    Ba là từ lúc sơ sanh, hoặc cha mẹ quyến thuộc , hoặc Thiên , Long  đến tất cả chúng sanh , hoặc tịnh tâm , hoặc nhiễm tâm , không ai có thể sửa soạn nhìn ngắm gương mặt của Bồ Tát. Nếu có ai khởi tâm nghĩ rằng tôi sẽ nhìn xem gương mặt của Bồ Tát , thì bóng mặt Ngài liền hiện ra nơi hau chưn Ngài .Tại sao ? Do đại Bồ Tát thành tựu pháp hi kỳ như vậy gọi là thiện trượng phu, lại thành tựu từ biện đệ nhứt tối thắng trượng phu.
    Bốn là lúc sơ sanh không ai đỡ dắt , tự đứng nơi đất nhìn khắp bốn phương , liền được trí huệ minh lợi. Tại sao ? Do đại Bồ Tát ấy nơi đời quá khứ dùng tâm không dua dối mà cầu nghe pháp . Ðại Bồ Tát nầy lại được đôi mắt không dua tà nên thành thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn người, có thể xem thấy tất cả chúng sanh trong cõi Ðại Thiên. Ðại Bồ Tát nầy lại được trí tốc tật quảng đại có thể biết rõ hết tâm niệm quá hiện vị lai của tất cả chúng sanh .Tại sao ? Vì thuở xưa lúc cầu pháp , đại Bồ Tát chú ý nhiếp tâm cần cầu cung kính, đối với chánh pháp tưởng là lương dược, là trân bảo , là khó gặp , là diệu thiện , được nghe rồi liến thọ trì. Do đó Bồ Tát lại được trí thiệp tật giản trạch hay cân lường tất cả chánh giới của các chúng sanh nhẫn đến chánh văn, , chánh định, chánh huệ , chánh giải thoát , chánh giải thoát tri kiến. 

Lại cân lường đồng tánh Thi La của tất cả chúng sanh nhẫn đến đồng tánh chánh văn, định huệ, giải thoát giải thoát tri kiến .Lại hay cân lường giới đẳng lưu của tất cả chúng sanh nhẫn đến đẳng lưu chánh văn, định ,huệ, giải thoát giải thoát tri kiến.Lại hay cân lường tướng đẳng lưu siêu thắng Thi la của tất cả chúng sanh nhẫn đến tướng đẳng lưu siêu thắng chánh văn, định ,huệ, giải thoát giải thoát tri kiến .Lại hay cân lường tướng tiến chỉ oai nghi dũng mãnh tu hành chánh hạnh của tất cả chúng sanh.
Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát lần lượt cân lường suy xét các công đức của tất cả chúng sanh rồi nghĩ rằng tất cả chúng sanh ấy chỗ có chánh giới , chánh văn , chánh định, chánh huệ, chánh giải thoát, chánh giải thoát tri kiến, chỗ có giới đồng tánh đến giải thoát tri kiến đồng tánh , chỗ có giới đẳng lưu đến giải thoát tri kiến đảng lưu, chỗ có tướng giới đẳng lưu siêu thắng đến tướng giải thoát tri kiến đẳng lưu siêu thắng, chỗ có tướng tiến chỉ oai nghi tu hành chánh hạnh dũng mãnh. Những tướng như vậy đều là công đức của chúng sanh có.Nay ta quan sát cân lường trong ấy chẳng thấy có công đức nào bằng công đức của ta , căn bổn vững chắc của tất cả chúng sanh đem so sánh đều không bằng ta cả.
Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc sơ sanh trong khoảng sát na đại Bồ Tát mau phát khởi diệu trí biết rõ nghiệp báo. Do trí ấy trong khoảng thời gian đàn chỉ khéo biết rõ bao nhiêu thứ tâm tướng của tất cả chúng sanh rồi đem cân lường so sánh đều chẳng thấy có bằng với ta. Do đó đại Bồ Tát biết đúng rằng nay đây ta một mình ở ngôi tôn quí tối thượng , như sư tử chúa ở bực vô úy , như đại long vương có oai đức lớn, chưn Bồ Tát chẳng chạm đất bốn phương đều đi bảy bước mà tuyên xướng lên rằng ở thế gian ta là tối tôn đại , ở thế gian ta là tối thù thắng ,nay ta sẽ chứng mé sanh lão tử, ta sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi sanh gìa bịnh chết lo buồn khổ não , ta sẽ vì chúng sanh mà tuyên nói chánh pháp vi diệu quảng đại tối thắng Vô thượng.
 
Nầy Xá lợi Phất! Lúc đại Bồ tát phát ngữ như vậy , âm tha nh liền nối không  hở cáo tri khắp cả cõi Ðại Thiên .Chúng sanh trong ấy nghe âm thanh ấy xong đều kinh sợ rởn lông, thiên cổ nổi vang, toàn thế giới đều chấn động. Chỉ có chỗ Bồ Tát đứng chừng bằng bánh xe là an tĩnh, nguồn nước ngay dưới chỗ đất ấy cũng bất động .
Ðại Bồ Tát ấy quan sát thân mình thấy có vô lượng tia sáng bao trùm .Sau khi chứng Vô thượng Bồ đề rồi, được vô lượng chúng sanh đồng chiêm ngưỡng . Ðây gọi là pháp không ai nhìn thấy được thứ tư.
Nầy xá Lợi Phất ! Ðây gọi là đại Bồ Tát được bốn pháp không ai nhìn thấy được. Ðó là do thuở quá khứ đại Bồ Tát đối với thuyết pháp sư luôn kính thuâ(n cúng dường .
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành ấy nên lại được bốn pháp tấn tốc :
Lúc thành Phật , đại Bồ Tát đầy đủ chánh pháp của chư Phật Như Lai đã nói không giảm thiếu và pháp được nói không hư thiết. Ðây là pháp tấn tốc thứ nhứt.
Lúc thành Phật , đại Bồ Tát ấy thành tựu đầy đủ những mạng lịnh của chư Phật Như Lai. Như Bảo Tỳ Kheo đến đây ! Chúng sanh được bảo liền tiến đến chỗ Phật , tóc họ tự rụng , thân mặc ca sa , tay cầm bát đa la. Ðây là pháp tấn tốc thứ hai.
Lúc thành Phật , đại Bồ Tát ấy đầy đủ trí khéo biết tâm quá vị hiện tại của tất cả chúng sanh như chư Phật Như Lai. Ðây là pháp tấn tốc thứ ba.
Lúc thành Phật , đại Bồ Tát ấy đầy đủ trí biết bịnh cho thuốc đối với tất cả chúng sanh như chư Phật Như Lai. Ðây là pháp tấn tốc thứ tư.
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu thiện căn ấy nên khi thành Phật lại được bốn pháp chẳng bị làm hại : đó là lửa , dao, độc dược và vật khác không bao giờ làm tổn hại được .Tại sao ? Vì thân Như Lai không sở y, không sở thọ vậy.
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn ấy nên khi thành Phật lại được bốn pháp không ai hơn :
 Một là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể ở trước Như Lai mà nói được rằng ta là Như Lai nói pháp chưa từng nghe nhẫn đến một câu.
Hai là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể ở trước Như Lai mà lập luận được đúng pháp đến một câu.
Ba là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể tìm được ở Như Lai một chút tâm bất định .Tại sao ? Vì chư Phâ(t Như Lai luôn an trụ trong từ bi hỉ xả các đại định.
Bốn là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể thấy rõ được các sắc tướng trên thân của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn ấy nên khi thành Phật lại được đầy đủ năm pháp vô lượng :
Một là chư Phật Như Lai Thi la vô lượng.
Hai là chư Phật Như Lai chánh văn vô lượng.
Ba là chư Phật Như Lai chánh định vô lượng.
Bốn là chư Phật Như Lai chánh huệ vô lượng.
Năm là chư Phật Như Lai giải thoát tri kiến vô lượng.
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Chư Phật Như Lai đầy đủ Thi la Ba la mật rồi , do thành tựu các thiện căn ấy nên được bốn trí vô chướng vô ngại :
Một là trí biết đời quá khứ vô chướng vô ngại.
Hai là trí biết đời vị lai vô chướng vô ngại.
Ba là trí biết đời hiện tại vô chướng vô ngại .
Bốn là do tâm bình đẳng nên biết tánh ba đời bình đẳng.
Lại nầy Xá lợi Phất ! Chư Phật Như Lai thành tựu chánh trí .Do chánh trí ấy nên chẳng nương gá gì khác mà đều biết rõ tất cả các pháp.
Chư Phật Như Lai lại thành tựu trí bất tư nghị. Do trí ấy mà biết rõ tướng mưa gió.
Nầy Xá Lợi Phất ! Như Lai biết rõ thế gian có gió lớn tên ô lô bác ca , cho đến bao nhiêu sự giác thọ của chúng sanh đều do gió ấy daođộng. Lượng của ngọn gió ấy cao ba câu lô xá . Không gian trên ngọn gió ấy lại có ngọn gió tên vân phong, lượng cao năm câu lô xá. Không gian trên ngọn gió vân phong lại có ngọn gió cao mười do tuần tên chiêm bạc cao.Không gian phía trên lại có ngọn gió lượng cao ba mươi do tuâén tên phệ sách phược ca. Không gian phiá trên lại có ngọng gió lượng cao bốn mươi do tuần tên thứ lai.
Nầy Xá Lợi Phất ! Cứ như vậy tuần tự lên trên có sáu muôn tám ngàn tướng phong luân, do đại huệ đức Như Lai Ứng Cúng Ðẳng Chánh Giác đều biết rõ cả. 
Nầy Xá Lợi Phất ! Ngọn gió trên cùng tên châu biến thượng giới là nơi y chỉ của thủy luân. Thuỷ luân ấy lượng cao sáu trăm tám mươi vạn do tuần , là chỗ y chỉ của đại địa trên ấy. Ðại địa ấy lượng cao sáu vạn tám ngàn do tuần. Mặt ngoài đại địa ấy có mô(t Tam thiên Ðại thiên thế giới.Trong ấy có Phật hiệu Hoằng Uẩn Như Lai đầy đủ mười hiệu đang hiện tại giáo hóa. Phật Hoằng Uẩn thọ ba mươi câu chi tuổi , có ba mươi câu chi na do tha Thanh Văn đệ tử đều là bực đại A La Hán và trăm câu chi đại Bồ Tát.
Nầy Xá Lợi Phất ! Sau khi ta nhập Niết bàn đủ một ngàn năm, đức Phật Hoằng Uẩn mới nhập diệt, chánh pháp trụ thế đầy một ngàn năm, Xá lợi lưu bố lợi ích thế gian như la vậy.
Nầy Xá Lợi Phất ! Trí vô chướng ngại của Như Lai lại biết rõ quá trên thế giới của Phật Hoằng Uẩn vô lượng vô biên tướng phong luân và các Phật độ.
Nầy Xá Lợi Phất ! Quá trên nữa lại có thế giới khác hiện không có Phật xuất thế mà có trăm ngàn vị Ðộc Giác ở , chúng sanh nơi ấy gieo trồng căn lành từ chư vị Ðộc Giác ấy.
Nâéy Xá Lợi Phất ! Nương trí vô chướng ngại ấy , đức Như Lai lại biết rõ trên thế giới ấy có hằng hà sa chư Phật xuất thế hiện đang độ chúng sanh .
Mười phương vô lượng vô số bất khả tư nghị bất khả xưng lượng chư Phật Như Lai xuất thế hiện đang độ chúng sanh như vậy, đức Như Lai dùng diệu trí vô chướng ngại đều biết rõ cả. Cũng biết rõ tất cả những thế giới ấy hoặc thành hoặc hoại ». 
Ðức Thế Tôn nói lời trên đây rồi , Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng đức Như Lai thành tựu những thiện căn gì mà được trí vô chướng vô ngại vô lượng bất tư nghị ấy ?
Ðức Phật phán : «  Nầy Xá Lợi Phất ! Do đức Như Lai an trụ Thi la Ba la mật ,có trí huệ đối với chánh pháp phát khởi ý tưởng cung kính tôn trọng , tưởng là thuốc hay, là trân bửu , là khó gặp , là thiện căn, lại có thể an trụ nơi ý tưởng nhiếp chánh pháp. Do đó mà Như Lai được trí lớn lẹ sáng như vậy và còn có thể biết rõ vô lượng vô số quá hơn trên nữa.
Nầy Xá Lợi Phất ! Trí vô đoạn của chư Phật Như Lai vô lượng vô số bất khả tư nghị , bất khả xung lượng, bất khả thuyết tướng vãng lai.
Nầy Xá lợi Phất ! Chư Phật Như Lai đầy đủ Thi la Ba la mật lại được sức tự tại , trong khoảng thời gian đàn chỉ , Như Lai qua đến hằng sa thế giới chư Phật rồi trở lại bổn xứ.
Nầy Xá Lợi Phất ! Như Lai đối với chánh pháp Thi la Ba la mật do tín giải thanh tịnh mà lắng nghe thọ trì nên được mau chóng giải thoát. Do giải thoát ấy mà ta khéo giải thoát . Ở trong pháp gì mà được khéo giải thoát ? Ðó là nơi tất cả sự khô » mà khéo được giải thoát .
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Nếu có đại Bồ Tát ở nơi bốn thứ cung kính ấy , nghe pháp ấy rồi được lòng tin thanh tịnh vì thật hành Thi La Ba la mật mà phát tâm như vâéy : Ta an trụ như vậy , ta an trụ nơi ấy .Do ta thường an trụ như vậy nên ta thường chẳng rời chánh pháp chư Phật.
Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát  thọ trì chương cú pháp môn của kinh nầy , do sức thiện căn như vậy nên lại được bốn thứ pháp do huệ mà thành tựu :
Một là do đủ huệ mà hay phát khởi đại huệ.
Hai là do đủ huệ nên gặp chư Phật gần giũ kính thờ. 
 Ba là do đủ huệ nên có lòng tin thanh tịnh xuất gia vào đạo.
Bốn là do đủ huệ nên mau chứng Vô thượng Bồ đề.
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , do thành tựu sức thiện căn ấy nên đại Bồ Tát lại được bốn thứ pháp làm nên nhiều :
Một là được thọ thân người gọi là pháp làm nên nhiều .
Hai là gặp Phật xuất thế gọi là pháp làm nên nhiều.
Ba là dùng lòng tin thanh tịnh xuất gia nhập đạo gọi là pháp làm nên nhiều.
Bốn là mau chứng Vô thượng Bồ đề gọi là pháp làm nên nhiều.
Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ tát do thành tựu sức thiện căn ấy nên lại được bốn thứ pháp chi phần :
Một là được chi chuyê »n luân , tức là làm Chuyển Luân Vương trong loài người.
Hai là sanh trời Phạm Thiên làm Ðại Phạm Vương.
Ba là ở trong chúng chư Thiên mà làm Thiên Ðế.
Bốn là chứng Vô thượng Bồ đề rồi đủ tất cả pháp hiệu là Pháo Vương giáo hóa thế gian.
Ðức Như Lai lại được các năng lực cát tường , trí thanh tịnh chúng sanh , cảnh giới thần thông , làm mắt sáng cho Trời , Người tất cả thế gian ».
Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa â&y mà nói kê( rằng :
 « Ðấng mắt sáng cứu đời
 Bực tối thượng tất cả
 Giỏi hiểu phương chữa trị
 Nên chứng quả tịch diệt
 Qua lại theo lời Thầy
 Cảm báo lành như vậy
 Chưa từng bị khổ não
 Và các nghiệp bất thiện
 Mau sanh lên cõi trời
 Mau trở lại loài người
Mau gặp Phật xuất thế
  Mau rời xa các nạn
  Giàu to của cải nhiều
  Mắt thấy các kho kín
  Tay rờ đến chỗ nào
  Tự nhiên đầy của báu
  Hóa hiện ao hồ đẹp
  Thường đầy nuớc tám đức
  Là quả lành tự tại
  Chưa từng bị ưu não
  Tay chưn chẳng què vá
  Không có tướng xấu xí
  Thân thể chẳng khô héo
  Cũng chẳng có giảm thiếu
  Chẳng gù chẳng thiếu mắt
  Ngón tay chẳng thiếu thừa
  Ðầu khác đỉnh đầu voi
  Là quả lành tự tại
  Dung mạo đều tròn đầy
  Chất nặng như khối vàng
  Ðoan ngiêm người thích ngắm
  Da thứa đều sáng bóng
  Chư Thiên , Long, Quỉ, Thần
  Và mọi người trong đời
  Cung kính đồng cúng dường
  Là diệu đức tự tại
  Rời xa các ác đạo
  Ðến cõi trời cõi người
  Mau ngộ đại Bồ đề
  Là quà lành tự tại
  So sanh đã biết rõ
  Tâm tất cả chúng sanh
  Bốn phương đi bảy bước
  Tiếng tốt cáo thế giới
  Người ấy trí tối thượng
  Người ấy huệ tối thượng
  Giải thoát cũng tối thượng
  Tối thượng trong chúng sanh
  Huệ khiếi huệ thanh tịnh
  Huệ nương trí gầy dựng
  Huệ trí cùng giải thoát
  Ðều chứng y chư Phật
  Tự tánh sanh do huệ
  Thấy biết thì do trí
  Nếu có đủ trí huệ
  Cầu chi đều toại nguyện 
  Nghĩa thậm thâm như vậy
  Phật vì ông nói lượt
  Người thiểu dục vô huệ
  Ðâu thọ được nghĩa nầy
  Họ bị si làm si
  Các ác bức ngặt họ
  Phát khởi lòng giận hờn
  Chẳng kính trọng chánh pháp
  Nếu chúng sanh thiểu dục
  Với chánh pháp như vậy
  Chẳng có lòng kính trọng
  Lại phát khởi việc khác 
  Chúng sanh chẳng kính pháp
  Hờn ghét và mê chấp
  Lòng họ thưởng ô nhiễm
  Chẳng nên đem dạy họ
  Các người đến ngày già
  Suy yếu bịnh trầm trọng
  Ðến giờ họ lâm chung
  Luống nói trụ thân sau
  Các người đến ngày già
  Suy yếu bịnh trầm trọng
   Vọng hưởng phần ứng cúng
  Mau đọa vào địa ngục
  Còn khó được đủ giới
  Huống quả A La Hán
  Người tin xây miễu thờ
  Do đó lại bị đọa.
 Laại nâéy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la Mật , đại Bồ Tát siêng tu hành giới hạnh như vậy.Vì cầu Bồ T᧠tạng nên đại Bồ Tát đem thân thờ các bực thầy chánh hạnh, do đó được công đức như trên đã nói , lại còn được công đức bội hơn trước vô số lượng vô biên bất khả tư nghị.Phải biết đại Bồ Tát an trụ tạng Bồ Tát như vậy khéo thật hành tự tại các Bồ Tát hạnh giới thanh tịnh vi diệu.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào gọi là giới thanh tịnh vi diệu ?
 Nầy Xá Lợi Phất ! Vì thật hành Thi la Ba la mật nên đại Bồ Tát được mười thứ Thi la thanh tịnh mà ông nên biết :
 Một là đối với chúng sanh không bao giờ làm tổn hại.
 Hai là đối với tài vật của kẻ khác chẳng bao giờ cướp trộm.
 Ba là đối với thê thiếp của người chẳng bao giờ nhiễm ô.
 Bốn là đối với tất cả chúng sanh chẳng bao giờ khi dối.
 Năm là với quyến thuộc thì hòa hiệp chẳng bao giờ trái rời.
 Sáu là đối với chúng sanh chẳng bao giờ nói thô cộc , vì hay nhịn chịu ác ngôn của họ.
 Bảy là xa rời ỷ ngữ , vì lời nói ra đều đã suy gẫm kỹ.
 Tám là xa rời tham lam, vì đối với sự thọ dụng của người không có ngã sở.
 Chín là xa rời giận hờn , vì hay nhịn chịu lời thô việc nhục.
 Mười là xa rời tà kiến , vì chẳng tôn thờ chư Thiên tiên thần quỉ khác.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi la thanh tịnh mà ông nên biết  :
 Một là Thi la chẳng khuyết , vì chỗ chứng được chẳng do vô trí.
 Hai mlà Thi la chẳng thủng vì sự bất bình đẳng đã xa rời.
 Ba là Thi la chẳng lem, vì tất cả phiền não chẳng xen tạp.
 Bốn là Thi la chẳng nhiễm ô , vì được pháp lành làm tăng trưởng.
 Năm là Thi la đáng dâng cúng , vì tùy ý muốn đều tự tại hành động.
 Sáu là Thi la đáng ngợi khen , vì các bực trí chẳng quở rầy.
 Bảy là Thi la chẳng thể chê , vì tất cả lỗi xấu đều chẳng dung chứa.
 Tám là Thi la khéo bảo hộ, vì khéo giữ gìn sáu căn.
 Chín là Thi la khéo phòng thủ , vì chánh trí tự nhiên luôn hiện tiền.
 Mười là Thi la khéo xu hướng , vì Bồ đề nguyện làm trợ bạn.
 Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi la thanh tịnh mà ông nên biết :
 Một là Thi la thiểu dục , vì đúng pháp thanh tịnh khéo biết lượng.
 Hai là Thi la tri túc , vì dứt hẳn tất cả sự tham trước.
 Ba là Thi la chánh hạnh, vì hay làm cho thân tâm đều xa rời .
 Bốn là Thi la tịc tĩnh, vì những ồn náo đều bỏ xa.
 Năm là Thi la có nhiều công đức trừ bỏ thị cục , vì do thiện căn tự tại mà thành.
 Sáu là Thi la thánh chủng tri túc, vì với dung nhan người chẳng đoái chẳng hy vọng.
 Bảy là Thi la làm đúng như lời , vì trong tối hay sáng đều phụng nhiếp chẳng khi Trời, Người.
 Tám là Thi la tự xét lỗi mình , vì thường dùng gương pháp soi rõ tâm mình.
 Chín là Thi la chẳng chê người kém , vì giữ ý cho người.
 Mười là Thi la thành thục chúng sanh, vì chẳng bỏ rời các nhiếp pháp.
 Lại nầy Xá lợi Phất! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi la thanh tịnh mà ông nên biết :
 Một là Thi la lòng tin thanh tịnh đối với Pháp , vì thủ hộ chánh pháp.
 Ba là Thi la lòng tin thanh tịnh đối Tăng , vì tôn kính thánh chúng.
 Bốn là Thi la cúi xuống làm việc , vì chẳng rời suy tư Phật Bồ đề. 
 Năm là Thi la gần thiện hữu , vì khéo chứa nhóm giác phần tư lương.
 Sáu là Thi la rời xa ác hữu , vì vứt bỏ tất cả ác pháp.
 Bảy là Thi la Ðại từ Ba la mật , vì thành thục các chúng sanh.
 Tám là Thi la Ðại bi Ba la mật , vì làm cho chúng sanh khốn ách được giải thoát.
Chín là Thi la Ðại hỉ Ba la mật , vì với chánh pháp sanh lòng hỉ lạc.
 Mười là Thi la Ðại xả Ba la mật , vì với các tham sân đều xả bỏ cả.
 Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát lại được mười thứ Thi la thanh tịnh mà ông nên biết :
 Một là Thi la Ðàn na Ba la mật , vì khéo thành thục các chúng sanh.
 Hai là Thi la Sằn đề Ba la mật , vì khéo hộ trì tâm chúng sanh.
 Ba là Thi la Tỳ lê gia Ba la mật , vì với các chúng hạnh chẳng thối chuyển.
 Bốn là Thi la Tĩnh lự Ba la mật , vì khéo đầy đủ tịnh lự tư lương.
 Năm là Thi la Bát Nhã Ba la mật , vì lắng nghe căn bổn không nhàm không đủ.
 Sáu là Thi la vui cầu nghe pháp, vì thường tra thỉnh cầu Bồ Tát tạng.
 Tám là Thi la chẳng bảo trọng mạng sống , vì dùng tâm như ảo thường quán sát.
 Chín là Thi la các ý nguyện đầy đủ , vì khéo thanh tịnh từ lúc phát tâm.
 Mười là Thi la hòa hiệp Phật giới luật , vì hồi hướng tất cả giới của Như Lai.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , vì đại Bồ Tát đầy đủ giới thanh tịnh như vậy nên chẳng có sự khoái lạc vi diệu nào của Trời của Người mà đại Bồ Tát chẳng hưởng thọ , chẳng có nghề nghiệp khéo giỏi nào của thế gian mà đại Bồ Tát chẳng biết , chẳng có đồ cần dùng náo của chúng sanh thế gian mà đại Bồ Tát chẳng đủ , chẳng có phàm phu nào chẳng gây oán hại mà đại Bồ tát chẳng hề giận họ, chẳng có thế gian nào chẳng hư dối gạt gẫm mà đại Bồ Tát đều chẳng tin nhận , không có chúng sanh thế gian nào mà đại Bồ Tát chẳng tưởng là cha ruột đối với họ , không có chúng sanh thế gian nào mà đại Bồ Tát chẳng tưởng là mẹ ruột đối với họ , không có chúng sanh thế gian nào mà đại Bồ Tát chẳng có ý tưởng bảo nhiệm gần gũi họ, không có một pháp hữu vi nào mà đại Bồ Tát chẳng tưởng là vô thường sanh diệt.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Biết rõ các hành vô thưởng rồi đại Bồ Tát chẳng kể thân mạng tu tập giới thanh tịnh thật hành chánh hạnh của chư Bồ Tát làm, đó là ssể thành mãn Thi la Ba la mật vậy”.
 Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :
  “Trụ Thi la thanh tịnh
  Bồ Tát có thể dùng
  Diệu sắc diệu âm thanh
  Tế độ người ưa pháp
  Mặt mắt đều viên tịnh
  Chẳng đui điếc què gù
  Các thân phần đoan chánh
  Ðều do tịnh giới sanh
  Có đủ thế lực lớn
  Chói rực oai quang lớn
  Lại do tinh tấn huệ
  Khiến ác ma kinh sợ
  Vua chúa đêéu cúng dường
  Trời rồng đều tôn kính
  Khéo dứt các lưới nghi
  Siêng tu hành đại từ
  An trụ tại giới tụ
  Pháp hành danh xưng lớn
  Khổ bức chẳng e sợ
  Trọn chẳng đọa ác thú
  Chúng sanh hôn mê ngủ
  Bồ Tát đánh thức họ
  Thường không có tạm ngủ
  Cầu pháp khắp bốn phương
  An trụ tại giới tụ
Vì cầu tại giới tụ
  Xả thí thượng trân bửu
  Vợ con xương thịt mình
  Cầu giáo pháp Vô thượng
  Phải cung kính cúng dường
  Các bực đời dựa nương
  Nếu bị người mắng nhiếc
  Não hại cùng đánh đập
  Thêm thương và khen họ
Là do được lòng nhẫn
Tu hành đúng như lời
Lời nói thường chẳng dối
An tọa đạo tràng rồi
Ðại địa đều chấn động
Với Phật pháp không nghi
Bỏ rời đại chúng tà
Ðược Nhơn Thiên tôn thờ
Gọi là cúng Thế Tôn
Các chúng sanh thế gian
Dùng dao gậy hại nhau
Hay khiến họ hòa hiệp
Ðây là trí Bồ Tát 
Chúng sanh bị khổ nặng
Nhiều trăm câu chi kiếp
Dầu họ chẳng đê&n câéu
Bôé Tát chẳng bỏ họ
Bạn lành đàm luận chung
Do đây được nghỉa lợi
Mà chúng sanh chẳng cầu
Trở lại hại lẫn nhau
Bồ Tát đem trân bửu
Ðầy khắp cả đại địa
Và quốc độ chư Phật
Dùng để cầu thiện hữu
Giả sử lầy dao bén
Cắt dứt lìa thân ta
Với các chúng sanh ấy
Thường có lòng bình đẳng
Bỏ hành động kẻ ngu
Làm nhơn duyên Phật pháp
Thường giự giới thanh tịnh
An trụ pháp vi diệu
Tu Tập pháp tùy thau65n
Hành diệu hạnh Bồ đề
Tam minh huệ cam lộ
An trụ tại giới tụ
Tu học các Phật pháp
Ðây là người trí huệ
Trời người nên cúng dường
Biết rõ tất cả pháp
Khéo thấu các nghề giỏi
Hiểu sâu ý chúng sanh
Hoằng dương pháp vi diệu
Giới tụ đã thanh tịnh
An tọa cội Bồ đề
Hàng phục quân ma dữ
Ngộ Vô thượng Chánh giác
Sáng soi khắp thế giới
Như tia sáng nhựt nguyệt
Bồ Tát bực tôn quí
Hay mở mắt huệ thánh
Trao tay dìu chúng sanh
Hỏi đạo đều khai thị
Thường vui nhận lời người
Chẳng hề có ganh ghét
Bỏ vô lượng thân mình
Bố thí nhiều của báu
Chẳng hề có xa rời
Phật Bồ đề tối thượng
Tín giới đã tròn đủ
Khéo trụ lời chắc thiệt
Chẳng hề có ảo ngụy
An trụ tại giới tụ
Người đến chỗ Bồ Tát
Hợc đặt lời hư vọng
Dầu nghe chẳng phản đối
Mà luôn nương lời thiệt
Nếu ai hứa Bồ Tát
Giả nói cho y thực
Trọn không đem đến cho
Bồ Tát không hề giận.
 Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , vì đầy đủ Thi la thanh tịnh như vậy nên đại Bồ Tát đấi với các hành thường tưởng là chẳng nên ưa thích , với các chúng sanh trưởng là cha mẹ , với các hữu tình tưởng khó bảo tòan , với diệu ngũ dục tưởng chẳng phải diệu , với cảm giác hay biết tưởng chẳng hay biết .Có quan niệm như vậy rồi chẳng sanh khởi tâm bình đẳng chẳng bình đẳng .Tại sao ? Lúc Bồ Tát quan niệm như vậy , nếu sẽ phát khởi tâm bất bình đẳng thì nên khiến nhiễm tâm chuyển đổi bất bình đẳng , suy gẫm rằng nhãn và sắc làm duyên mà sanh nhãn thức , nhiễm tâm sanh diệt đều do chủng tử mà tâm thể ấy phát sanh ,đối cảnh sở duyên vọng tâm cho là tịnh .Nếu suy gẫm biết được nó là phi lý và thể chất bất tịnh thì được giải thoát , nếu giải thoát nó thì là nó hết .Nó hết chỗ nào ? Ðó là tham hết , sân hết , si hết .Hết như vậy thì chẳng phải tham hết sân hết si hết .Tại sao ? Nếu sát na tham có tận diệt thì lẽ ra có tham khác hết khác .Như vậy thì lẻ ra tham là thiệt hết là thiệt.Nếu tham là thiệt thì lẽ ra chẳng diệt tận.
 Nhưng nầy Xá Lợi Phất ! Tất cả hữu tình đều do chẳng chánh tư duy chẳng tác ý đúng lý nên sanh tham dục , xét về tham dục do phân biệt mà khởi lên .Nếu không phân biệt thì tình chấp dứt , nếu tình chấp dứt thì không có thiệt , do vì không thiệt nên trong đó không có tham, vì không tham nên tức là chơn thiệt. Nếu là chơn thiệt thì trong ấy không khổ . Do vì không khổ thì không thiêu não .Vì không thiêu não nên tức là chơn thiệt .Nếu là chơn thiệt thì trong ấy không nhiệt .Vì không nhiệt nên tức là thanh lương nên tức là Niết bàn. Ở trong Niết bàn không có tham ái.

 Tại sao ? Nầy Xá Lợi Phất ! Xét về Niết bàn không có tư lự .Ta phải trừ diệt tham ái ấy . Vì tham ái hết nên gọi là được Niết bàn. Nếu như vậy thì năng tham khác và sở tham khác , Niết bàn lại khác . Ðây nếu khác thì ở kia là kia. Nếu ở kia là kia , người trí phải nên suy tầm chỗ thiệt của kia. Suy tầm rồi chẳng được chỗ chắc thiệt .Nếu không chắc thiệt thì là hư giả .Nếu là hư giả thì là tịch tĩnh.Nếu là tịch tĩnh thì là không .Không có pháp gì ? Không có  ngã và ngã sở hoặc thường hoặc hằng hoặc trụ hoặc biến dị thì không có hữu tình không có thọ giả .Do như vậy nên không có khởi tham sân si.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Do cớ gì có ngã và ngã sở , chấp đây là ngã đây là ngã sở hữu ? Vì điên đảo chấp ngã nên chấp ngã sở hửu .Vì chấp ngã sở hữu nên có sở tác. Ở trong sở tác phát khởi bốn hành động, đó là thân sở tác , ngữ sở tác , ý sở tác , do ý tư duy khởi thô ác ngữ , từ đó bèn phát sanh vận dụng thân để làm hại.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Tất cả phàm phu ngu si do vì họ phát khởi ý tưởng mình người dị biệt nên bị ý tưởng nó nắm , bị ý tưởng nó trói.
 Ðại Bồ Tát do thật hành Thi la Ba la mật nên biết rõ sự ấy là điên đảo rôéi chẳng quen gần các hành.Tại sao ? Vì do quen gần mà sanh sợ sệt . Ðại Bồ Tát nghĩ rằng nay ta vì cầu không sợ sệt để độ các chúng sanh thì chẳng nên  ỡ nơi kia mà sanh sợ sệt, ta phải cùng kia thân ái.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào là đố với chúng sanh đại Bồ Tát tưởng là cha mẹ ?
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát nghĩ rằng từ đời lâu xa quá khứ đến nay không có một chúng sanh nào mà chẳng phải là cha là mẹ .Tất cả chúng sanh chắc chắn từng làm cha hoặc mẹ ta , do vì ở nơi họ sanh tâm tham nên bỏ ý tưởng là mẹ , sanh tâm sân nên bỏ ý tưởng là cha , mãi lưu chuyển sanh tử chẳng dứt .Suy nghĩ như vậy rồi ở nơi chúng sanh đại Bồ Tát đều tưởng là quyến thuộc cả.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Như thuở quá khứ vô số vô lượng bất tư nghị kiếp, bấy giờ có Phật hiệu Tối Thắng Chúng xuất thế đủ mười hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc , Thiện thệ , Thế Gian Giải , Vô thượng Sĩ , Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư , Phật Thế Tôn .Phật ấy thọ chín câu chi năm cùng chín câu chi na do tha chúng đại Thanh Văn câu hội. Lúc ấy có Bồ Tát tên Ðắc Niệm sanh tại vương cung, thân hình đoan nghiêm khả ái có đủ sắc tướng tròn sạch đệ nhứt . Lúc Bồ Tát sơ sanh , phụ vương đã ban cho tám vạn bốn ngàn thể nữ trẻ , quyến thuộc lại tặng tám vạn bốn nghìn thể nữ trẻ đẹp , bạn hữu của phụ vương cũng tặng tám vạn bốn ngàn thể nữ trẻ đẹp ,muốn lúc Bồ Tát lớn lên có người theo hầu.
 Bấy giờ phụ vương lại vì Bồ Tát mà xây cung điện ba mùa : Ðiện mùa nóng , điện mùa mưa và điện mùa lạnh , để Bồ Tát theo mùa tùy ý ở .Lại còn ban cho trăm ngàn kỹ nhạc làm vui Bồ Tát.
 Lúc nghe nhạc âm nổi lên , Bồ Tát ấy có ý tưởng sanh diệt vô thường .Lúc tiếng nhạc tạm dứt , Bồ Tát ấy suy tìm âm thanh ấy nương gì mà khởi , chỗ nào mà sanh, từ đâu mà dứt , chỗ nào mà mất . Lúc quan sát như vậy , Bồ Tát ấy chẳng còn ý tưởng ngày đêm sai biệt , chỉ luôn tưởng vô thường , tưởng không có gì đáng vui ưa ở thế gian cả.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Trong bốn vạn năm , Bồ Tát Ðắn Niệm chưa hề ham say âm nhạc, lại trong bốn vạn năm nữa , đối với ngũ dục chưa hề tham nhiễm.
 Khi ấy Bồ Tát Ðắc Niệm ở trong thâm cung nhập tứ tĩnh lự phát ngũ thần thông ,liền dùng sức thần túc bay lên hư không thẳng đến chỗ đức Tối Thắng Chúng Như Lai thưa thỉnh được chút ít chánh pháp rồi trở về bổn cung .
 Ngày đức Tối Thắng Chúng Như Lai nhập Niết bàn , Bồ Tát Ðắc Niệm lại đến chỗ ở của Phật hỏi chư Tỳ Kheo hiện nay đức Như Lai ở đâu , tôi muốn được hầu cận cúng dường .Chư Tỳ Kheo cho biết là đức Phật Tối Thắng Chúng đã nhập Niết bàn. Bồ Tát ấy được tin đức Phật nhập Niết bàn liền ngã xuống chết ngất , giây lâu tỉnh lại nói kệ rằng :
  Ðấng huệ nhựt soi đời
  Ðến bờ kia các pháp
  Ta ở chỗ phóng dật
  Tại sao tự khi dối
  Trăm ngàn câu chi kiếp
  Phật xuất thế một lần
  Mà ta chẳng phụng thờ
  Lấy ai để cứu nương
  Như ta tự suy nghĩ
  Mẹ ta chẳng biết thương
  Sao mẹ chẳng cho hay
  Ðể ta sớm thấy Phật
           Cha cũng chẳng biết thương 
  Vùi ta trong ngũ dục
  Bị đó giam cầm rồi
  Chẳng gần thờ Như Lai
  Chẳng được nghe lời Phật
  Sáu mươi âm thanh diệu
  Ðời sống mất lợi lành
  Vì chẳng phụng thờ Phật
  Ðấng đại bi cứu đời
  Ðến bờ kia các pháp 
Ta bị kiêu dật nắm
Chẳng gần thờ Thế Tôn
Ngàn ức do tha kiếp
Khó thấy được chư Phật
Ta chẳng lo cúng dường
Nhập diệt rồi mới đến
Nay ta lại suy nghĩ
Cha mẹ đều chẳng tốt
Lúc ta vừa lớn khôn
Sao chẳng nhắc đến Phật
Cho ta được thấy Phật
Thường gần kề Như Lai
Ðể luôn luôn cúng dường
Và được nghe chánh pháp
Ðức Như Lai tuyên dương
Sáu mươi âm thanh diệu
Mà ta chưa được nghe
Nhập diệt rồi mới đến
Nay ta mất lợi lành
Niết bàn rồi mới đến
Không ai nói diệu pháp
Như Phật trước đã nói.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ðắc Niệm đi đến bên giướng đức Tối Thắng Chúng Như Lai nhập Niết bàn khóc than thảm thiết đi nhiễu bên hữu giường Như Lai trăm ngàn vòng rồi đứng qua một phiá mà nói kệ rằng :
  Phật là đấng quần sanh tôn quí
  Hiển dương pháp nhiệm mầu Vô thượng
  Nay ta phát khởi tâm chí thành
  Ðể được Bồ đề tối thắng ấy
  Nay ta kính lễ chưn Như Lai
  Ðấng trí huệ lớn lời chơn thiệt
  Nguyện ta sẽ được trí huệ ấy 
  Ðồng như trí huệ Phật đã được
  Xưa ta hèn kém không trí huệ
  Ðọa trong phẩm loại hàng ma ngoại
  Ở nhà ở cung nhiều ép buộc
  Chẳng được gần Phật để phụng thờ
  Ta đã từng tu phước thắng diệu
  Do đó được tạm thấy Như Lai
  Nhưng chưa được Phật rộng dạy truyền
Nên nay ta phải khổ sầu lớn
Nay ta đối trước chúng Thiên Long
Phát nguyện chí thành lời chơn thiệt
Nếu ta kỳ vọng mà chơn thiệt
Sẽ đúng như lời đều toại nguyện
Nguyện ta sẽ ở đời vị lai
Chư Phật Như Lai hiện ra đời
Thấy nghĩa thậm thâm dụng rộng lớn
Tuyên nói chơn thiệt pháp Vô thượng
Ta chẳng sanh nhằm các chướng nạn
Ðối với ngũ dục chẳng ham gần
Tự tại với sắc chẳng bị chuyển
Xô sập nhà giam của quân ma
Ðời đời thường được thấy chư Phật
Hiện tiền được nghe pháp Vô thượng
Thầy Phật sanh lòng tin thanh tịnh
Sanh lòng tin rồi tu các hạnh
Nếu nguyện chí thành của ta phát
Quyết sẽ thiệt được không hư luống
Khiến đức Như Lai lại ngồi dậy
Như đương ngủ say bỗng thức giấc.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ðắc Niệm phát lời chí thành xong , đức Tối Thắng Chúng hiện nằm nhập Niết bàn thoạt ngồi dậy .Bấy giờ trăm ngàn câu chi chư Thiên đem y thượng diệu rải lên cúng dường .Bồ Tát Ðắc Niệm vui mừng bay bọt lên hư không nói kệ rằng :
  Ðấng đại từ bi soi sáng đời
  Ðấng đại Ðạo Sư đại thần thông
  Ðấng đại giác ngộ thế gian nương
  Ðấng tuyên chánh pháp diệu Vô thượng.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ðắc Niệm nói kệ ca ngợi đức Phật rồi lại muốn cho đại chúng càng thêm vui mừng nên ở trước đức Phật nói kệ rằng :
  Ta ở đời sau sẽ là Phật
  Xuất thế độ sanh như Thế Tôn
  Ðại chúng phải nên bắt chước học
  Sắm đủ mọi thứ cúng dường Phật
  Ðấng đời dựa nương khó nghĩ bàn
  Có ai thấy Phật chẳng kính mến
Phật thương chúng ta và chúng sanh
Ðã nhập Niết bàn lại ngồi dậy.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ðắc Niệm ấy ở trong chánh pháp của đức ối Thắng Chúng Như Lai sắp đặt cúng dường to lớn tròng các gốc lành .Do sức thiện căn ấy , sau khi mạng chung sanh lên các cọi trời , trải qua hai mươi câu chi đại kiếp chẳng đọa ác đạo , lại trải qua hai mươi câu chi đại kiếp chẳng thọ dục lạc. Trong thời gian ấy , Bồ Tát Ðắc Niệm gần gũi cúng dường bảy ngàn đức Phật. Vì cầu Vô thượng Bồ đề nên thường tu phạm hạnh. Ở kiếp sau cùng trong thời kỳ mạt thế cảm được thân thắng thượng từ sức thiện căn phát khởi thành Ðẳng Chánh Giác hiệu là Ta La Vương Như Lai , Ứng Cúng , Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc , Thiện Thệ , Thế Gian Giải , Vô thượng Sĩ , Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư , Phật , Thế Tôn , thọ hai mươi câu chi năm , cùng các đệ tử hai hội thuyết pháp .Hội thứ nhứt có hai mươi câu chi đệ tử đại Thanh Văn .Hội thứ hai có bốn mươi ngàn đệ tử đại Thanh Văn .Tất cả đều là đại A La Hán hết phiền não có thế lực lớn tâm được tự tại đã đến bờ kia. Sau khi đức Phật Ta La Vương nhập Niết bàn , Xá lợi lưu bố xây tháp cúng dường .Chánh pháp ở đời đủ mười ngàn năm ».
 Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng :
  « Xá Lợi Phất nên biết
  Bồ Tát Ðắc Niệm ấy
  Hai mươi câu chi kiếp
  Chẳng sa đọa ác đạo
Lại bằng thời gian ấy
Chẳng gần các tham dục
  Trong khoảng thời gian ấy
Gặp bảy ngàn đức Phật
Ưa thích các Phật pháp
Thường tu hạnh thanh tịnh
Sau cùng chứng Bồ đề
Hiệu Ta La Vương Phật
Chứng Vô thượng giác rồi
Lợi ích các chúng sanh
Hai mươi câu chi năm
Tuyên rộng pháp vi diệu
Chúng hai mươi câu chi
Hội thứ hai bốn vạn
Ðều là đại La Hán
Thánh đệ tử của Phật
Sau khi Phật nhập diệt
Xá lợi rộng lưu bố
Xây sàu vạn câu chi
Linh tháp để cúng dưởng
Chánh pháp trụ tại thế
Ðủ mưởi ngàn năm trọn
Người nghe Phật chánh giáo
Sanh lòng tin thanh tịnh
Ðức Phật nói chánh pháp
Người trí chẳng nghi ngờ
Trọn chẳng đọa ác đạo
Mau chứng đại Niết bàn.
 Lại nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát do thật hành Thi la Ba la mật nên giới tụ thanh tịnh , với chúng sanh tưởng là cha mẹ . Ðại Bồ Tát nghĩ rằng xưa kia ta vì tâm tham mà bỏ ý tưởng là mẹ, vì tâm sân mà bỏ ý tưởng là cha . Nay ta thật hành Thi la Ba la mật an trụ nơi giới thanh tịnh , nơi ngũ dục kia luôn có ý tưởng nhàm chán xa rời .Do có chánh tư duy như vậy nên đại Bồ Tát có thể biết rõ tướng ngũ dục , lại hay biết rõ ngũ dục đáng chán đáng rời.
 Những gì là tướng ngũ dục và nhàm lìa ? 
 Gọi là dục tức là tham ái.Với nhãn thức tham, những sắc bị biết thì gọi là dục.Với nhĩ thức tham , những âm thanh bị biết thì gọi là dục.Với tỷ thức tham, những hương bị biết thì gọi là dục. Với thiệt thức tham , những vị bị biết thì gọi là dục. Với thân thức tham ,những xúc bị biết thì gọi là dục .Nếu có tham ái thì có chấp trước.Xét về chấp trước thí gọi là kết .Kết gọi là phát khởi .Phát khởi gọi là trói.Lại cũng gọi là hí luận chẳng thiệt.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Tất cả chúng sanh đều bị hí luận chẳng thiệt ấy nó trói ,nó quấn , nó trói khắp , nó tăng thượng trói khắp mà chẳng giải thoát được.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Tất cả chúng sanh bị những gì trói cột mà gọi là bị trói ? Ðó là bị sắc nó trói , bị thanh hương vị và xúc nó trói nên gọi là bị trói.

 Lại những gì là sắc nó trói ? Ðó là ở nơi tự thân chỗ có những hình sắc vọng sanh ý tưởng là ngã , là mạng giả, là hữu tình , là thường hằng , là chẳng biến dị , là thiệt , là toàn ,là hiệp nhứt.Những ý tưởng ấy gọi là sắc nó trói.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Những gì gọi là sắc trói ? Ðó là ở nơi tự thể tướng ngã đã được phát khởi ấy rất mến , rất quí trọng sanh ngã ái lớn, với thê thiếp quyến thuộc luyến ái chẳng thôi . Ðây gọi là bị sắc trói.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Các chúng sanh ấy đã được thọ dụng các dục lạc rồi tạo nên các nghiệp bất thiện , chẳng biết được đúng thiệt lỗi lầm của ngũ dục.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Tất cả ngũ dục không thứ nào là chẳng phải tọi lỗi .Thếnên đối với các tội lỗi, người trí chẳng nên tham dục. Nhưng đọa ác đạo là lỗ nặng của tham dục, Phật sẽ khai thị tướng ấy cho ông.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Thế nào gọi là hay đọa ác đạo là lỗi nặng của ngũ dục ?
Nầy Xá Lợi Phất ! Người quen gần gũi dục thì chẳng có chút ác nào mà chẳng gây tạo .Lúc nó chín mùi thì chẳng có chút khổ nào mà chẳng gánh chịu .Vì thế nên , nầy Xá Lợi Phất ! Ðức Phật xem thấy tất cả chúng sanh trong thế giới , oán hại lớn của họ không gì hơn thê thiếp nữ sắc các tham dục.
 Nấy Xá Lợi Phất ! Xét về trí tức là Như Lai .Nói là người vô trí tức là chúng sanh vậy. Nếu là chỗ bị quở trách của người trí thì gọi là chơn thiệt.Nếu là những sự nhiếp thọ của người vô trí thì chẳng chơn thiệt.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Người vô trí nhận chịu những gì ? Ðó là nhiếp thọ những pháp hữu vi , nhiếp thọ thê thiếp con cái .Những người vô trí ấy trở lại bị thê thiếp con cái nhiếp thọ.Cứ mãi xoay vần nhiếp thọ nhau như vậy thí chẳng nhiếp thọ thánh đạo.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Vì bĩ trói buộc nơi thê thiếp vợ con nên người vô trí ấy sanh nhiều chướng ngại nơi pháp lành . Chướng ngại những gì ? Ðó là chướng ngại xuất gia, chướng ngại Thi la, chướng ngại tĩnh lự , chướng ngại thiên đạo , chướng ngại Niết bàn , lại hay chướng ngại các pháp diệu thiện.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Người vô trí ấy nhiếp thọ thê thiếp nữ sắc con cái như vậy ,nói tóm lược là nhiếp thọ oán thù , là nhiếp thọ địa ngục , bàng sanh , ngạ quỉ các ác đạo , là nhiếp thọ các pháp ác bất thiện, mà chướng ngại tất cả pháp Hiền Thánh .Vả lại nhiếp thọ thê thiếp nữ sắc như vậy còn chướng ngại cả sự ăn ngon huống là những thắng pháp khác.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Tóm lược mà nói về chướng ngại ấy , đó là chướng ngại thấy Phật , chướng ngại nghe Pháp , Chướng ngại phụng Tăng , chướng ngại lòng tin đối với Phật , Pháp và Tăng , chướng ngại được vô hạn , chướng ngại bảy Thánh tài : tín ,giới , văn , xả,huệ, tàm và quý.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu nhiếp thọ những sắc dục thê thiếp nam nữ tức là nhiếp thọ bất tín, ác giới, tà văn, xen lẫn và tà kiến cùng vô tâm vô quý ,lại cũng nhiếp thọ bịnh ung, tên độc, khói lửa, rắn độc.
   Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu thích ở nhà mê say chẳng rời bỏ tức là thích mồ mả. Thế nên Phật nói ở tại gia như gò mả, như ở đồng hoang không chỗ dựa nương liền mất tất cả pháp trắng sạch.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu say đắm nơi sắc dục nam nữ thê thiếp , phải biết đó chíng là say đắm ngòi nổ của trái pháo , là say đắm mũi nhọn của dao bén ,là say đắm hòn sắt nóng đỏ lớn ,là say đắm nằm giường sắt nóng, là say đắm ngồi ghế sắt nóng.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu say đắm trang điểm vòng hoa hương xoa, chính là say đắm vòng sắt nóng cứt đái xoa thân.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu nhiếp thọ nhà cửa để ở, đó là nhiếp thọ chum sắt nóng lớn.Nếu nhiếp thọ tôi trai tớ gái công nhơn , đó là nhiếp thọ quỉ tốt ác địa ngục.Nếu nhiếp thọ gia súc, đó là nhiếp thọ chó sắt , ngựa đen ở địa ngục , lại là nhiếp thọ trăm ngàn lính cấm vệ địa ngục.Nếu nhiếp thọ nữ sắc thê thiếp , phải biết đó là nhiếp thọ tất cả khối sầu lo buồn khổ.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Thà gá nằm trên giường sắt nóng rộng ngàn na do tha , chớ chẳng dùng lòng ái nhiễm xa nhìn các nữ sắc thê thiếp của cha mẹ cung cấp, huống là gần kề ôm ấp.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Phải biết phụ nhơn là gốc các sự khổ, là gốc chướng ngại , là gốc sát hại, là gốc trói buộc,là gốc ưu sầu , là gốc oán đối ,là gốc sanh manh.
 Phải biết phụ nhơn diệt mất thánh huệ nhãn.Phải biết phụ nhơn như hoa sắt nóng đỏ rải trên đất chưn dẫm lên đó.Phải biết phụ nhơn lưu bố tăng trưởng các tánh tà ác.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Cớ gì gọi là phụ nhơn ?
 Chữ phụ ấy có nghĩa là mang gánh nặnh .Tại sao ? Vì hay khiến chúng sanh mang gánh nặng .Vì hay khiến chúng sanh chịu lấy gánh nặng . Vì hay khiến chúng sanh khốn nơi gánh nặng.Vì hay khiến chúng sanh khốn nơi gánh nặng. Vì hay khiến chúng sanh giữ lấy gánh nặng mà đi.Vì hay khiến chúng sanh vác gánh nặng đi khắp nơi.Vì hay khiến chúng sanh lòng khổ nhọc đối gánh nặng ấy.Vì hay khiến chúng sanh bị gánh nặng ấy nung bức .Vì hay khiến chúng sanh bị gánh nặng thương tổn vậy.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Chữ phụ ấy lại có nghịa là chỗ mà chúng sanh thua thiệt.Chỗ trôi chìm của mọi tham ái .Chỗ nộp thuế của kẻ thuận theo vợ .Chỗ mê hoặc của vợ đẹp .Chỗ quy đầu của vợ hơn. Chỗ roi vọt của kẻ sợ vợ. Chỗ phóng túng của vợ tự do. Chỗ khổ mệt của kẻ làm mọi vợ. Do các cớ ấy nên gọi những chỗ như vậy là phụ.
 Lại nầy Xá Lợi Phất ! Chúng sanh trong đời vì cớ vợ chẳng bỏ nên gánh nặng chẳng bỏ . Những gánh nặng gì ? Ðó là ngũ uẩn : Sắc uẩn , thọ uẩn , tưởng uẩn , hành uẩn và thức uẩn.
 Phụ nhơn trong đời có thể làm cho chúng sanh chẳng bỏ gánh nặng ngũ uẩn như vậy, nên gọi ngũ uẩn là phụ.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lại cớ gì người đời gọi vợ là cố đệ nhị ? Vì nữ nhơn ấy là bạn thứ hai phạm Thi la, là bạn thứ hai phạm oai nghi, là bạn thứ hai phạm chánh kiến, là bạn thứ hai khi uống ăn, là bạn thứ hai đi đến địa ngục , bàng sanh , quỉ đạo, là bạn thứ hai làm chướng Thánh huệ , làm ngại vui Niết bàn nhiếp lấy tất cả khổ vậy. Vì thế nên người đời gọi vợ là cố đệ nhị.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lại cớ gì người đời gọi vợ là mẫu chúng ? Vì nữ nhơn sanh nhiều lỗi lầm vô biên sự ào dối, nên gọi là mẫu chúng.Nếu ai đeo theo mẫu chúng tự do thì nên biết là sa vào trong tay quân ma tự do làm ác.
 Phải biết tất cả nữ nhơn trong đời sanh nhiều lỗi lầm vô biên ảo dối , lòng họ nhiều tháo động ,nhiều lưu đảng ngiêng úp chẳng dừng ,lòng họ như khỉ như vượn, họ khéo thuật hiện bày ảo dối ,vì thế nên gọi nữ nhơn là mẫu chúng.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nói mẫu chúng  tức là thôn mẫu ảo , cũng  gọi là thành ảo ,là ấp ảo, là thủ đô của ảovương, là nhà trọ của ảo khách, là quán xá của ảo nhơn ,là ảo quốc , ảo thôn, ảo xứ , ảo phương, là thế gian ảo, thế giới ảo, vô biên ảo , quảng đại ảo, vô lượng ảo , bất tư nghị ảo, quảng đại ảo, vô lượng ảo , bất tư nghị ảo.Do vì là lỗi nặng dục lạc hay đến ác đạo nên hiệu nữ nhơn là thôn mẫu ảo.
 Thí như nhà ảo thuật học giỏi ảo thuật ở giữa công chúnh hiện ra nhiều sự ảo dối.
 Cũng vậy , mẫu ảo thôn học giỏi thuật ảo dối của nữ nhơn, có thể khiến người chồng hoặc thấy hoặc nghe hoặc rờ hoặc chạm đều bị trói buộc.
 Nữ nhơn lại giỏi cách mê hoặc, do đó họ có thế lực nhiều .Phàm họ có động tác như ca vũ cợt cười khóc than, hoặc đi đứng ngồi nằm đều khiến người chồng chẳng tự chủ mà bị trói buộc sai sử.
 Thí như trong đời ruộng lúa chín bị mưa đá phá nát ngập lụt.
 Cũng vậy, mẫu ảo thôn như mưa đá tuôn vào ruộng người chồng phá nát tất cả pháp lành lúa tốt.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Phu nhơn có bao nhiêu là lỗi nặng thẳng đến ác đạo mà phàm phu ngu si bị họ mê hoặc chẳng hay biết là lỗi nặng, trởi lại nhiếp thọ thê thiếp nữ sắc rồi mê say trong ấy.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Vì đại Bồ Tát trí huệ thật hành Thi la B la mật nên ở nơi các dục lạc biết rõ là lỗi bèn y theo chánh pháp phát khởi hai ý tưởng : đó là với hàng ngu phu có ý tưởng là ác nhơn , với chư Phật và Bồ Tát có ý tưởng là thiện nhơn. Có ý tưởng ấy rồi , đại Bồ Tát ấy nghĩ rằng nay ta phải đến chỗ thiện nhơn mà không nên đến chỗ ác nhơn . Ta không nên đến chỗ địa ngục, bành sanh ngạ quỉ . Ta không nên đến chổ phá Thi la, chỗ phạm luật nghi.Ta phải đến chỗ tối thắng Vô thượng vô chướng ngại rời lìa hẳn các pháp ác trược. Ta phải đến chỗ chư Phật Như Lai đại trí huệ. Ta phải ngược dòng mà đi , không nên thuận dòng.Ta phải như sư tử rống, chẳng phải như cheo kêu .Ta phải hiển hiện thế lực như kim sí điểu vương , chẳng nên hiển hiện sức mọn của côn trùng nhỏ.Ta phải làm người hiền lương , chẳng nên làm người hiểm ác hư hỏng .Ta phải ăn món ăn hiền lương thắng thượng trong sạch, chẳng nên ăn món vô lương, hạ tiện nhơ bẩn.Ta phải tu hành tĩnh lự vi diệu, tĩnh lự tối thắng ,tĩnh lự thù đặc, tĩnh lự đệ nhứt , chẳng nên tu hành các tĩnh lự hạ liệt không phải các loại tĩnh lự trên.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát nghĩ rằng ta phải du hí trong tĩnh lự chư Phật , chẳng nên di hí trong các tĩnh lự của Thanh Văn , Ðộc Giác phàm phu .Ta phải tu hành tĩnh lự không y dựa ,chẳng nên tu hành tĩnh lự y dựa nơi sắc, y dựa nơi thọ tưởng hành thức , chẳng nên tu hành tĩnh lự y dựa nơi địa thủy hỏa phong, cũng chẳng tu hành tĩnh lự y dựa dục giới sắc giới vô sắc giới , cũng chẳng tu hành tĩnh lự y dựa nơi đã thấy đã nghe đã nhớ đã biết đã được đã chạm đã chứng. Ta phải tu hành tĩnh lự không y dựa . Do tu tập như vậy nên chẳng tổn mình cũng chẳng tổn người cũng chẳng cùng tổn.Ta phải cần cầu viên thành Phật trí há lại nên cầu các dục lạc thế gian.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc tu hành Thi la Ba la mật có chánh quán như vậy rồi , đại Bồ Tát lại phải phát khởi bốn thứ chán lìa :
 Một là có thể đối với các dục lạc mà sanh chán lìa.
 Hai là đối với các cõi có thể sanh chán lìa.
 Ba là đối với các chúng sanh chẳng biết ơn hay sanh chán lìa.
 Bốn là đối với tất cả chỗ làm những khổ não hay sanh chán lìa.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát quan sát các hữu tình ở nơi ác đạo thấy nữ sắc đẹp sanh lòng tham thì phải phát khởi bốn ý tưởng chán lìa , đó là những ý tưởng thối thất ,té ngã , đi cầu tiêu và mủ chảy cứt thúi dơ.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Các hữu tình ở ác đạo mà có hiểu biết ,thấy nữ sắc đẹp còn phải có bốn ý tưởng như trên huống là loài người .
 Nầy Xá Lợi Phất ! Các thiện nam tử ở Ðại thừa, những người chán lìa tất cả pháp hữu vi khi thấy nữ sắc đẹp phát khởi bốn ý tưởng : Thối thất ,té ngã , đi cầu tiêu ,mủ cứt , nếu còn sanh lòng tham thì lại phải phát sanh ba ý tưởng thân thuộc, nếu bằng mẹ thì tưởng là mẹ, bằng chị em thì tưởng là chị em, bằng con cháu thì tưởng là con cháu.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát nghe Phật giảng dạy mà khéo hiểu được thì phải tùy thuận kinh điển Thi la Ba la Mật như vậy .Tại sao ? Vì khó có chúng sanh nào từ đời lâu xa đến nay mà chẳng phải đã từng làm cha mẹ ta .Nếu gần kề thê thiếp nữ nhơn đó là gần kề người mẹ đời quá khứ vậy.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nghe Phật giảng dạy rồi , đại Bồ Tát vì được thanh tịnh nên phải siêng tu học như vậy.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Ngu phu trong đời trái nghịch chẳng tin chánh pháp ấy .Bồ Tát thì tùy thuận chánh pháp không trái nghịch.
 Nếu ai đã tu hành chánh quán ấy mà tâm tham vẫn còn , thì phải theo đúng lý để quán sát tâm tham ấy thấy gì mà phát sanh.Nếu do nơi nhãn căn mà khởi tâm tham, lại phải theo đúng lý quán sát : Ta do nhãn căn mà phát khởi ái nhiễm , vậy ai thấy được nhãn căn ? Có phải là nhãn căn thấy nhãn căn chăng , thế thì tự nó thấy nó cjhăng ? Tại sao ? Kia cũng là nhãn căn mà đây cũng là nhãn căn , đều do tứ đại tạo thành, lại do đại chủng sanh ra. Chẳng phải do tự thể kia ở nơi tự thể nầy mà sanh nhiễ ái , lại chẳng phải nơi tự thể ta mà sanh nhiễm ái . Tại sao ? Vì kia tức là đây vậy .Nếu ở nơi kia sanh nhiễm ái thì phải ở nơi đây sanh nhiễm ái .Tại sao ? Vì không sai khác vậy .
 Phàm phu trong đời ngu si cùng chung trong tham ái , ta phải cầu những pháp khác biệt họ. Tại sao ? Vì những cảm giác ái dục đều vô sở đắc vậy”.
 Ðức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằnh :
  “Lẫn nhau đồng một thể
  Ðều không tánh sai khác
  Do trái lý tà chấp
  Phát khởi tâm tham ái
  Sao do tứ đại sanh
  Lại nhiễm được đại tạo
  Các pháp dường như ảo
  Không gì khởi tham ái
  Ngu phu nhận biết sai
  Vọng sanh lòng tham ái
  Kẻ bất hiếu sanh tham
  Người hiền thiện không ái
  Khắp cả mười phương cõi
  Không tìm được tham thiệt
  Chỉ do nhận biết sai
  Nên sanh lòng tham ấy.
 Lại nầy Xá Lợi Phất ! Lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát quán sát như vậy rồi mà lòng tham ấy vẫn còn , lại phải tùy thuận kinh điển như vầy : Nhãn căn như khối bọt nước chẳng bốc nắm được .Tại sao ? Vì khối bọt nước chẳng bốc nắm được .Tại sao ? Vì khối bọt nước ất cũng như tất cả pháp đều không có ngã cũng không có tình , không có thọ giả, không tri giả, không kiến giả , không nhơn giả , không ý sanh, không tác giả , không thọ giả . Ở trong tất cả pháp vô tác vô thọ như vậy thì ai nhiễm ái được và nhiễm ái chỗ nào ?
 Nầy Xá Lợi Phất ! Nhãn căn như bóng nước chẳng cứng chắc .Tại sao ? Vì bóng nước cũng như tất cả pháp vốn không có ngã , không có tình, không thọ giả, không tri giả, kiến giả,không có nhơn , không tác giả , không thọ giả. Ở trong những pháp không tác không thọ như vậy ai nhiễm ái được , nhiễm ái chỗ nào ?
 Nầy Xá Lợi Phật ! Nhãn căn như dương diệm do khát ái sanh như cây chuối chất chẳng cứng chắc , như cảnh mộng chẳng thiệt , như vang docác duyên , như bóng y nghiệp mà hiện , như áng mây bay tan, như chớp xẹt liền mất , như hu không rời ngã ngã sở , như cỏ cây đất đá vì là vô tri, như máy chuyển động theo gió ,như đống rác mục mau thúi rã , như giếng trên gò luôn gìa khô , nhãn căn chẳng còn lâu rồi sẽ chết hư vốn không ngã ,không tình ,không mạng ,không tri giả kiến giả , không nhơn ,không tác giả thọ giả ,ai nhiễm ái và nhiễm ái chỗ nào ?
 Như nhãn căn , quán sát những căn những trần tất cả các pháp cũng theo đúng lý như vậy.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Lúc đại Bồ Tát quán sát đúng lý như vậy mà còn bị các tham ái kéo dắt thì không bao giờ có.
 Ðại Bồ Tát chánh quán như vậy ,phải biết là rời hẳn tham ái đối với các pháp . Ðây gọi là lúc thật hành Thi la Ba la mật , đại Bồ Tát diệt các tham ái trọn vẹn thanh tịnh.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Thật hành Thi la Ba la mật như vậy , đại Bồ tát chẳng là những nghiệp hại chúng sanh , dầu cho lúc mạng sống của mình bị đe dọa cũng chẳng làm tổn hại tất cả chúng sanh, chẳng làm những nghiệp trộm cướp ,tà hạnh, vọng ngôn , ác khẩu ,ly gián , ỷ ngữ ,chẳng sanh lòng tham,lòng sân ,tà kiến .Dầu cho mạng sống của mình bị đe dọa cũng chẳng phạm các điều ác ấy . Ðây gọi là Thi la thanh tịnh.
 Nầy Xá Lợi Phất ! Do thật hành Thi la Ba la mật nên đại Bồ Tát đầy đủ vô lượng vô biên Phật Pháp.
 Do thật hành Thi la Ba la mật nên đại Bồ Tát đầy đủ thành tựu Thi la chẳng khuyết ,vì chẳng gần kề kẻ vô trí vậy . Ðầy đủ thành tựu Thi la chẳng lủng ,vì hay xa rời pháp bất bình đẳng vậy . Ðầy đủ thành tựu Thi la chẳng lem, vì chẳng gần kẻ ác và các phiền não vậy. Ðầy đủ thành tựu Thi la chẳng ô nhiễm ,vì chỉ do pháp lành làm tăng trưởng vâ(y. Ðầy đủ thành tựu Thi la ứng cúng ,vì làm như sở nguyện vậy. ÐDầy đủ thành tựu Thi la khen ngợi ,vì chẳng bị người trí quở trách vậy. Ðầu đủ thành tựu Thi la khéo giữ gìn, vì viên mãn chánh niệm và chánh tri kiến vậy. Ðầy đủ thành tựu Thi la chẳng chê ,vì các lỗi lầm chẳng sanh vậy . Ðầy đủ thành tựu Thi la khéo hộ trì , vì khéo phòng vệ các ăn vậy . Ðầy đủ thành tựu Thi la cao rộng , vì được chư Phật nhớ biết vậy. Ðầy đủ thành tựu Thi la thiểu dục ,vì biết lường vậy . Ðầy đủ thành tựu Thi la tri túc ,vì dứt vui mừng vậy. Ðầy đủ thành tựu Thi la chánh hạnh ,vì thân tâm xa rời vậy. Ðầy đủ thành tựu Thi la tịch tĩnh ,vì chán phiền rộn vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la thánh chủng thiện hỷ , vì chẳng mong chẳng đoái nhan sắc vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la công đức ít sự việc ,vì tự tại sanh trưởng các thiện căn vậy.Thành tựu đầy đủ Thi la làm đúng như lời , vì chẳng dối trới người thế gian vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la đại từ , vì chẳng hại mạng sống của tất cả vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la đại bi, vì nhịn chịu tất cả sự khổ vậy . Thành tựu đầy đủ Thi la đại hỷ, vì chẳng thối giảm nơi pháp lạc vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la đại xả , vì tất cả tham sân dứt sạch vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la thường Xét lỗi mình, vì nội tâm thường khéo có soi xét vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng chê người kém khuyết vì khéo thuận hộ tâm chúng sanh vậy. Thành tựu đầy đủ Thi la thành thục chúng sanh , vì rốt ráo hay đến thí Ba la mật vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la khéo thủ hộ, vì rốt ráo hay đến Giới Ba la mật vậy.Thành tựu đầy đủ Thi la không lòng ghét hại , vì rốt ráo đến Nhẫn Ba la mật vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la định phần viên mãn , vì rốt ráo đến Tĩnh lự Ba la mật vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chánh văn chẳng nhàm , vì rốt ráo đến Ðại huệ Ba la mật vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la thân cận thiện hữu, vì khéo tu tập Bồ đề phần tư lương vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la xa rời ác hữu ,vì vứt bỏ đạo  bất bình đẳng vậy. Thánh tựu đầy đủ Thi la chẳng đoái luyến thân thể mình , vì hằng quán sát vô thường vậy.Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng đoái luyến mạng sống mình ,vì chẳng thường bảo thủ chỗ sở trọng của mình vậy. Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng sanh lòng ăn năn , vì lòng khéo thanh tịnh vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng dối hiện, vì phương tiện khéo thanh tịnh vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng não nhiệt ,vì ý tăng thượng khéo thanh tịnh vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng bồn chồn , vì rời xa các tham ái vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng cao mạn, vì hòa nhu chất trực vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la chẳng ngang ngược , vì tánh hiền thiện vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la khéo điều phục ,vì không giận hờn vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la tịch tĩnh ,vì tánh an nhiếp vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la thiện ngữ , vì đúng như lời đã nói không trái nghịch vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la thành thục hữu tình, vì thường chẳng bỏ rời các nhiếp pháp vậy .Thành tựu đầy đủ Thi la thủ hộ chánh pháp ,vì chẳng tự làm hư thánh pháp tài vậy .
 Nầy Xá  Lợi Phất ! Ðại Bồ Tát trí huệ thanh tịnh giới tụ như vậy ,thành tựu đầy đủ Thi la Ba la mật , vì Vô thượng  Bồ đề nên có thể khéo tu hành Bồ Tát diệu hạnh . Ðây gọi là đại Bồ Tát Thi la Ba la mật.
 Nếu chư đại Bồ Tát chuyên cần tu hành Bồ Tát hạnh nầy , thì tất cả chúng ma, ma dân , thiên ma chẳng nhiễu loạn được , lại chẳng bị dị đạo hay tha luận đè bẹp ».

Pháp Hội Bồ Tát Tạng
Phẩm Thi La Ba La mật

Hết

MỤC LỤC


Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Tịnh

Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen