KINH ĐẠI BẢO TÍCH - 36.09 Phẩm Thần Thông Chứng Thuyết

Bấy giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch Văn Thù sư lợi Bồ Tát : “ Bạch Ðại Sĩ ! Trước kia tôi có nói như huyễn tam muội, xin Ngài thương hiển bày chánh thọ ấy”.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
KINH ÐẠI BẢO TÍCH 
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh 
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XXXVI 
PHÁP HỘI 
THIỆN TRỤ Ý THIÊN TỬ 
THỨ BA MƯƠI SÁU 

Hán dịch : Tùy Pháp Sư Ðạt Ma Cấp Ða 
Việt dịch : Việt Nam Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

PHẨM THẦN THÔNG CHỨNG THUYẾT 
Thứ Chín

Bấy giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch Văn Thù sư lợi Bồ Tát : “ Bạch Ðại Sĩ ! Trước kia tôi có nói như huyễn tam muội, xin Ngài thương hiển bày  chánh thọ ấy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : “ Nầy Thiên Tử ! Ngài muốn thấy nghe cảnh giới thậm thâm của như huyễn tam muội ư !

- Bạch Ðại Sĩ ! Tôi thành tâm muốn thấy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát theo lời thỉnh cầu mà nhập như huyễn tam muội. Liền đó mười phương hằng sa Phật độ tất cả cảnh giới tự nhiên hiện ra.

 Thiện Trụ Ý Thiên Tử thấy phương Ðông hằng sa Phật độ, trong ấy có nhiều sự việc : hoặc thấy chúng Tỳ Kheo xưng dương tuyên nói kinh điển như vậy, hoặc thấy cảnh tượng chúng Tỳ kheo Ni, cảnh tượng Ưư Bà Tắc, Ưu Bà Di, hoặc thấy Ðại Phạm Thiên Vương Thiên Ðế Thích Tứ Thiên Ðại Vương, hoặc thấy nhơn gian Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc thấy chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, khẩn Na La, Ma Hầu La Già, hoặc thấy tất cả điểu thú hình mạo đẹp xấu đều được thuyết pháp. Như phương Ðông, tất cả mười phương hằng sa Phật độ tất cả sự nghiệp cũng đồng hiển hiện, đều là sức oai thần của Văn Thù Sư lợi Bồ Tát.

Ðược thấy cảnh giới mười phương Phật độ như vậy, Thiện Trụ Ý Thiên Tử vui mừng hớn hở chẳng tự kềm giữ được. Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ tam muội dậy. Thiện Trụ ý Thiên Tử nhứt tâm kính ngưỡng bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng ; “ Bạch đại Sĩ ! Vừa rồi thấy cảnh giới của vô lượng Phật độ mười phương, Phật sự sai khác mà đều diễn nói kinh điển thậm thâm như vậy cả”. 
  
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi : “ Nầy Thiên Tử ! Vừa rồi Ngài thấy tất cả cảnh giới mười phương Phật độ có thể gọi là thiệt chăng ?”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói : “ Bạch Ðại Sĩ ! Chẳng thiệt, tất cả đều hư giả. Tại sao ? Vì tất cả các pháp vốn không có sanh dường như huyễn hóa khi dối thế gian. Tất cả các pháp diễn biến đổi dời không thường còn, đều là hư vọng hiện lên, gạn cùng thiệt thể của nó thì trọn chẳng có được, nó vốn là chẳng tác chẳng sanh chẳng khởi chẳng diệt”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khen Thiện Trụ Ý Thiên Tử: “Lành thay, lành thay, nầy Thiên Tử ! đúng như lời Ngài nói”.

Lúc ấy trong đại hội có năm trăm bồ Tát đã được tứ thiền thành tựu ngũ thần thông, chư Bồ Tát nầy y nơi thiền nhập xuất dầu chưa được pháp nhẫn nhưng không phỉ báng. Do túc mạng thông, chư Bồ Tát nầy tự thấy đời trước mình tạo nghiệp ác : hoặc giết cha giết mẹ A La Hán, hoặc hủy phá Phật tự phá Phật tháp phá Tăng. Các Ngài thấy rõ ác nghiệp trước của mình như vậy rất lo lắng ăn năn, nơi pháp thậm thâm chẳng chứng nhập được. Vì nặng lòng phân biệt chẳng quên tội ác trước nên chẳng thể được thâm pháp nhẫn.

Vì muốn diệt trừ tâm phân biệt của năm trăm Bồ Tát ấy, đức Thế Tôn dùng oai thần cảnh giác Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Thừa oai thần của Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đứng dậy trịch y vai hữu tay cầm gươm bén tiến đến trước Phật muốn làm sự nghịch hại. Ðức Thế Tôn vội bảo Văn Thù sư Lợi Bồ Tát : “Ông đứng lại đứng lại chẳng nên tạo nghiệp chớ được hại Phật. Ta chắc bị hại là bị hại lành . Tại sao ? Vì Văn Thù Sư Lợi từ nào tới giờ không ngã không nhơn không trượng phu, chỉ là nội tâm thấy có ngã nhơn, lúc nội tâm khởi lên thì ông ấy đã là hại ta rồi, liền gọi đó là hại vậy”.

Nghe đức Phật nói xong, năm trăm Bồ Tát đều suy nghĩ rằng: tất cả các pháp đều như huyễn hóa, trong ấy không có ngã nhơn chúng sanh thọ mạng không có trượng phu, không ma nô xà không ma na bà, không cha mẹ A La Hán. Không Phật Pháp Tăng, không có nghịch không người tạo nghịch, há lại có đọa nghịch. Tại sao ? Vì nay đây Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thông minh thành đạt trí huệ siêu luân?. Chư Phật khen ngợi Ngài đã được pháp nhẫn vô ngại thậm thâm, Ngài đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn ức na do tha chư Phật Thế Tôn, nơi Phật pháp Ngài khéo biết rành rẽ, Ngài hay nói pháp chơn thiệt như vậy, đối với chư Phật Như Lai Ngài hết lòng cung kính mà nay Ngài bỗng cầm gươm muốn bức hại đức Như Lai. Ðức Phật vội bảo : đứng lại đứng lại, Văn Thù Sư Lợi ông chớ hại ta, nếu quyết hại đó thì phải hại lành. Tại sao ?  Vì trong ấy nếu có một pháp hòa hiệp tập tụ quyết định thành tựu được gọi là Phật là Pháp là Tăng là cha là mẹ là A La Hán chắc chắn có thể nắm lấy được thì chẳng nên diệt tận, nhưng nay đây tất cả các pháp không thể tánh không chơn thiệt hư vọng điên đảo chẳng phải có; là không như huyễn hóa, vì thế nên trong ấy không người mắc tội, không tội bị mắc, ai là người giết mà lại thọ tội khổ. quan sát biết rõ như vậy rồi, năm trăm Bồ Tát liền được vô sanh pháp nhẫn, tất cả dều vui mừng hớn hở thăng lên hư khôngcao bằng bảy cây đa la nói kệ tán thán : 

“Các pháp như huyễn hóa 
Ðều do phân biệt khởi 
Trong ấy có sở hữu 
Tất cả pháp đều không 
Ðiên đảo hư vọng tưởng 
Ngu si lòng chấp ngã 
Nhớ tội xưa của tôi 
Quá ác trong ác nghiệp 
Quá khứ tạo đại nghịch 
Giết cha mẹ thánh nhơn 
Phá tháp chùa phá Tăng 
Ðó là cực ác nghịch 
Do ác nghiệp trước ấy 
Tôi sẽ thọ khổ lớn 
Chúng tôi ngập lưới nghi 
Nghe pháp trừ nghi hối 
Thế Tôn nhổ tên độc 
Phá tan lòng tôi nghi 
Tôi giác ngộ pháp giới 
Tội ác vô sở hữu 
Chư Phật phương tiện khéo 
Giỏi biết ý chúng tôi 
Phương tiện độ chúng sanh 
Giải trừ lưới nghi họ 
Chỗ nào có chư Phật 
Pháp Tăng cũng đều không 
Cha mẹ vốn tự không 
A La Hán không tịch 
Chỗ ấy không có giết 
Sao lại có nghiệp quả 
Như huyễn không có sanh 
Các pháp tánh như vậy 
Người Ðại Trí Văn Thù 
Sâu đạt pháp nguyên để 
Tự tay cầm gươm bén 
Ðến bức hại thân Phật 
Như gươm Phật cũng vậy 
Nhứt tướng không có hai 
Vô tướng cũng vô sanh  
Trong ấy sao lại giết

Lúc nói pháp môn vi diệu cầm kiếm ấy, mười phương hằng sa Phật chấn động sáu cách, chư Phật mười phương lúc ấy hiện tiền thuyết pháp, thị giả của chư Phật tác lễ bạch Phật mình rằng: “ Bạch đức Thế Tôn ! Nay do thần thông oai đức của ai mà cả đại địa chấn động sáu cách?”.

Chư Phật mười phương đều nói với thị giả mình rằng: “Nầy thiện nam tử ! Nay có thế giới tên Ta bà, nơi ấy có Phật hiệu Thích Ca

Mâu Ni Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác hiện tại thuyết pháp có một thượng thủ Bồ Tát Ma Ha Tát tên Văn Thù Sư Lợi  đã lâu chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề, vì muốn phá hoại tâm chấp trước của hàng tân học Bồ Tát nên Ngài cầm gươm bén chạy đến trước Phật Thích Ca Mâu Ni hiển phát pháp môn thậm thâm, do đó mà đại địa mười phương đều chấn động như vậy. Chư Phật mười phương nhơn gươm trí huệ ấy mà nói pháp thậm thâm khiến vô lượng vô biên a tăng kỳ chúng sanh được pháp nhãn thanh tịnh, tâm được giải thoát, chứng thâm pháp nhẫn an trụ Bồ đề ».

Lúc đức Thế Tôn kiến lập đại thần biến ấy,Phật dùng sức phương tiện khiến hàng tân học thiện căn kém ít, chưa rời phân biệt còn thủ tướng đều chẳng thấy sự việc cầm gươm bén cũng chẳng nghe lời thuyết pháp ấy.

Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát : « Bach Ðại Sĩ ! Nay Ngài tạo ác nghiệp cực trọng muốn hại đấng Thiên Nhơn Ðại Sư, nghiệp ấy nếu thực Ngài sẽ thọ tội nơi nào ? ».

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : « Nầy Tôn giả ! Như lời Ngài nói, nay tôi chỉ có thể tạo ác nghiệp cực trọng như vậy, mà thiệt tôi chẳng biết ở chỗ nào thọ tội. Nhưng, nầy Tôn giả, như chỗ tôi thấy thì sẽ như hóa nhơn, lúc huyễn nghiệp thực tôi thọ tội như vậy. Tại sao ? Vì hóa nhơn ấy không có tâm phân biệt, không có niệm tưởng, vì tất cả pháp đều là huyễn hóa vậy.

Lại nầy Tôn giả Xá Lợi Phất ! Nay tôi hỏi Ngài, tùy ý Ngài đáp : 

       -  Nầy Tôn giả, thiệt thấy gươm bén chăng ? 
     -  Bạch Ðại Sĩ ! không. 
     -  Nầy Tôn giả ! Lại quyết định thấy ác nghiệp ấy có thể được chăng ? 
        -  Bạch Ðại Sĩ ! Không. 
        -  Nầy Tôn giả, lại quyết định thấy kia thọ quả báo chăng ? 
        -  Bạch Ðại Sĩ ! Không. 
        -  Ðúng vậy. Nầy Tôn giả ! Gươm ấy đã không có, lại không có nghiệp báo, ai tạo nghiệp ấy, ai là kẻ thọ báo, mà Tôn giả lại hỏi tôi chỗ thọ báo. 
        -  Bạch Ðại Sĩ ! Do nghĩa gì mà Ngài lại nói lời ấy ? 
  
Nầy Tôn giả ! Theo như chỗ thấy của tôi thì thiệt không có pháp là nghiệp báo thục. Tại sao ? Vì tất cả pháp không nghiệp không báo không có nghiệp báo thục vậy”.

Bấy giờ chư đại bồ Tát từ mười phương thế giới đến dự hội đồng cầu thỉnh đức Phật rằng : “ Ngưỡng mong đức Thế Tôn dùng sức oai đức khiến Văn Thù Sư Lợi đến mười phương Phật độ diễn nói pháp thậm thâm ấy làm cho các chúng sanh kia đều được thấy nghe như chúng tôi đã được thấy được nghe”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói với chư Bồ Tát rắng : “ Nay các Ngài nên nhứt tâm quan sát thế giới của mình”.

Chư đại bồ Tát nghe lời Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đều quan sát thế giới của mình, đều thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đang ở trước Phật mình vì đại chúng mà diễn nói pháp thậm thâm ấy, cũng đều thấy có Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi về pháp môn ấy, cũng thấy mười phương chư đại Bồ Tát đồng vân tập cùng với số đông chư Thiên Tử và cũng đều thấy Phật độ mình thanh tịnh trang nghiêm vi diệu như đây không khác.

Quan sát thấy như vậy, chư đại Bồ Tát sanh lòng thù đặc chưa từng có đồng thanh khen rằng : “Rất lạ rất lạ, nay Ngài Văn Thù Sư Lợi đạo đức nguy nguy, ở an bất động tại thế giới Ta bà nầy mà có thể hiện thân khắp tại trước chư Phật mười phương”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói với chư Bồ Tát : “Nay các Ngài nên lắng nghe đây, như nhà ảo thuật đã học tập giỏi rồi chẳng rời chỗ mình ngồi mà hay ảo thuật ra các thứ hình sắc. Cũng vậy, đại Bồ Tát đã hay học giỏi pháp như huyễn Bát Nhã Ba la mật rồi liền ở trong các pháp như huyễn, nơi những Phật độ mười phương tùy ý hiện các hình tượng để làm Phật sự. Tại sao ? Vì tất cả các pháp đều như huyễn hóa, do đó mà chỗ làm đều theo như ý muốn. Như vầng nhựt nguyệt kia ở hư không chẳng hề xuống vào trong các đồ vật mà ánh sáng của nó chiếu khắp mọi nơi.Cũng vậy, Bồ Tát, an trụ bất động mà tùy tâm hiện thân khắp trước chư Phật mười phương hoặc hiện các thân Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc hiện các tượng Phạm Vương, Ðế Thích, hoặc hiện các sự Tứ Thiên Ðại Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc hiện Quốc chủ Ðại thần chánh hóa, nhẫn đến hoặc hiện tất cả ác đạo chúng sanh các hình các loại đều tùy ý, nhưng cũng không hề có ý tưởng hưng tác”.
 

PHẨM THẦN THÔNG CHỨNG THUYẾT 
Thứ Chín

HẾT

 

MỤC LỤC

Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Tịnh

Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen