Thiền Sư Thần Hội - Thần Hội ngữ lục phần II

Thiền Sư Thần Hội - Thần Hội ngữ lục phần II
Như vậy tu có tác ý hay không có tác ý? Nếu có tác ý tức không an ổn vì có sở đắc. Nếu không tác ý thì như người khờ, người điếc không biết gì hết. Có tác ý thì vọng niệm lên ta buông, hoặc kềm chế cho được định. Do đó khởi lên niệm hôm nay tôi tu được định, tức có sở đắc. Có sở đắc là có trói buộc, vì có năng có sở.
Thần Hội Ngữ Lục - phần 2 (câu 11- 25)
CHÁNH VĂN:
(11) Hòa thượng hỏi các người học đạo: Nay nói dụng tâm là có tác ý hay không có tác ý? Nếu không có tác ý tức là người điếc không có phân biệt. Nếu có tác ý tức là có sở đắc, vì có sở đắc tức có trói buộc, do đâu được giải thoát?
GIẢNG:
Như vậy tu có tác ý hay không có tác ý? Nếu có tác ý tức không an ổn vì có sở đắc. Nếu không tác ý thì như người khờ, người điếc không biết gì hết. Có tác ý thì vọng niệm lên ta buông, hoặc kềm chế cho được định. Do đó khởi lên niệm hôm nay tôi tu được định, tức có sở đắc. Có sở đắc là có trói buộc, vì có năng có sở. Còn trói buộc thì không thể giải thoát được. Chúng ta mới thấm câu “dĩ vô sở đắc cố”, chư Phật thành tựu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là do không có sở đắc.
Chúng ta ngày nay tu, thích sở đắc hay không thích sở đắc? Hôm nào ngồi thiền quên thân cả buổi cả ngày, huynh đệ hỏi thăm, mình liền trả lời: “tôi ngồi từ sáng tới chiều quên hết, không nhớ gì”. Hay không? Ngồi định quên thân là hay quá rồi. Quên đói, quên no, quên tất cả, mới nghe như hay nhưng thật ra chưa phải hay. Vì sao? Vì còn thấy mình đắc định là còn trói buộc.
Chúng ta phải hiểu cứu kính của sự tu không có gì là sở đắc cả, chỉ một thể thanh tịnh thôi. Bởi vật gì ở đâu đến hay ai cho hoặc ta tạo ra mới gọi là đắc, còn cái này lúc nào cũng sẵn có, quên thì nó vắng bóng, nhớ thì nó hiện tiền. Như vậy đâu thể nói là được. Nếu còn sở đắc là còn dính kẹt lăng xăng, còn trói buộc, chưa thể giải thoát được.
CHÁNH VĂN:
Hàng Thanh văn tu không, trụ nơi không liền bị không trói buộc. Nếu tu định trụ nơi định, tức bị định trói buộc. Nếu tu tĩnh trụ nơi tĩnh, tức bị tĩnh trói buộc. Nếu tu tịch trụ nơi tịch, tức bị tịch trói buộc. Thế nên, kinh Bát-nhã nói: Nếu chấp pháp tướng tức kẹt nơi ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Lại kinh Duy-ma nói: Người điều phục tâm kia là pháp Thanh văn, người không điều phục tâm là pháp người ngu. Nhân giả đã dụng tâm là pháp điều phục. Nếu pháp điều phục làm sao được giải thoát? Tu-đà-hoàn cũng điều phục, Tư-đà-hàm cũng điều phục, A-na-hàm, A-la-hán cũng điều phục, Phi tưởng định và Phi phi tưởng cũng điều phục. Tứ thiền cũng điều phục, Tam Hiền thảy đều điều phục. Làm sao xem xét biện biệt? Nếu người định như thế cũng chưa giải thoát.
GIẢNG:
Nói tới chỗ tột cùng giải thoát là chỗ nhận thẳng nơi mình, trong nhà Thiền gọi là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Chỉ thẳng nơi tâm, nhận ra cái bất sanh bất diệt sẵn nơi mình, đó mới là giải thoát. Dùng phương pháp này, phương tiện kia đè bẹp vọng tưởng nhưng rốt cuộc không biết gốc của nó cũng chưa gọi là giải thoát. Tuy có định, ở trong định mà chưa nhận Thể chân thật giải thoát. Đó là đại ý đoạn văn Ngài vừa hỏi.
CHÁNH VĂN:
(12) Sư Thần Túc hỏi: Thể của Chân như tức là Bản tâm, lại không có tướng xanh vàng, làm sao có thể biết?
Đáp: Tâm ta vốn không tịch, bất giác vọng niệm khởi. Nếu biết vọng niệm đó, biết thì vọng tự tiêu diệt. Đây là người biết tâm vậy.
GIẢNG:
Điều này đúng như chỗ chúng ta ứng dụng. Sư Thần Túc hỏi: Thể của Chân như tức là Bản tâm, Bản tâm đó không có tướng mạo xanh vàng, làm sao biết được nó?
Ngài đáp: Tâm ta vốn không tịch, tức là rỗng lặng, bất giác vọng niệm khởi, bất thần ý niệm dấy lên. Nếu biết vọng niệm đó, biết vọng tự tiêu diệt. Đây là người biết tâm vậy. Biết vọng dấy lên không theo, tức là sống trở về với tâm không tịch của mình. Đến đây Ngài chỉ phương tiện tiến tu. Người muốn tiến tu phải biết thể của tâm vốn vắng lặng, cho nên cần phải nhận chân Bản tâm thanh tịnh trước. Tuy biết có Tâm thanh tịnh nhưng thói quen, tập khí cũng còn dấy lên. Khi dấy lên, ta biết nó hư dối thì tự nó tiêu diệt. Tự nó tiêu diệt là trở về với Bản tâm của mình. Như vậy tu rất giản đơn, rất thực tế, không có gì xa lạ kỳ quặc hết.
Chỗ này tôi nói thêm một chút. Ai ai cũng nghĩ rằng người tu là làm một việc huyền bí, thiếu thực tế. Thế gian cho rằng thực tế là phải ăn học, làm ra tiền, tạo được vật chất nhà lầu xe hơi… có đời sống thụ hưởng sung mãn. Nhưng chúng ta thử đặt lại câu hỏi, con người tạo tất cả hình thức vật chất sung mãn để cung phụng cho cái gì? Cho thân này. Nhưng thân này sống được bao lâu? Không ai biết mình sẽ sống được bao lâu.
Thân này luôn biến chuyển vô thường, thế mà suốt đời ta lo chất chứa cho cái vô thường bại hoại. Như vậy có thực tế không? Tất cả nghị lực, khả năng của mình đều dồn hết cho việc tích lũy, nuôi dưỡng cái bại hoại. Làm một việc như thế mà lại cho là thực tế, nên Phật nói chúng sanh thật đáng thương xót lắm vậy! Song nếu chúng ta biết trong cái thân bại hoại đó có một cái chân thật mà lâu nay mình quên, bây giờ ta đem hết cả sức lực để dẹp cái bại hoại đó, cho hiện bày cái chân thật sẵn có của mình. Đó mới là chỗ nương tựa muôn đời không mất.
Như vậy ngay nơi thân bại hoại này, chúng ta phăng tìm cho ra cái không bại hoại, việc làm này có thực tế không? Vì nó không tướng mạo nên thấy không thực tế, nhưng trên thực chất đây mới đúng là việc làm thực tế nhất. Một người chạy theo, gầy dựng các thứ hư giả tạm bợ; còn một người biết rõ ràng mình đang có cái hiện tiền không sanh không diệt, giải thoát sanh tử, bây giờ phải làm sao sống được với nó; giữa hai người này, ai thực tế hơn ai?
Lâu nay người ta ngỡ người tu là huyền hoặc, tưởng tượng, chớ sự thật người tu là người thực tế, biết rõ mình hơn ai hết. Biết rõ thân vô thường bại hoại, tâm là những suy nghĩ sanh diệt cũng vô thường. Hai cái vô thường đó gác qua một bên, để tìm cho ra cái chân thường hiện đang có. Sống được với cái chân thường ấy mới giải quyết được sanh tử. Rõ ràng đó là người đang dồn sức để làm một việc quí báu chân thật nhất, chớ đâu phải chuyện tầm thường, đâu phải chuyện tưởng tượng. Người tu là người làm một việc thế gian cho là phi thường, nhưng thật là một việc chân thường.
Ngài nói câu này rất rõ trên đường tu: Tâm ta vốn không tịch, Tâm thể là không tịch; bất giác vọng niệm khởi, thình lình vọng niệm dấy lên. Nếu biết vọng niệm đó, biết thì vọng tự tiêu diệt. Khi niệm dấy lên ta biết nó là vọng thì vọng niệm tự tiêu diệt. Đây là người biết tâm vậy, đây chính là người biết trở về với Tâm chân thật của chính mình. Lối tu này đúng theo lối tu của Tổ Huệ Khả đã thực hành, kế đến Tổ Huệ Năng và Ngài là Thần Hội cũng chỉ dùng một lối này.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Tuy có giác chiếu, lại đồng với sanh diệt. Nay nói pháp gì không bị sanh diệt?
Đáp: Chỉ do tâm khởi nên có sanh diệt. Nếu tâm khởi đã diệt, tức sanh diệt tự trừ, không còn tưởng có thể được. Nếu như nói có giác chiếu, giác chiếu đã diệt, sanh diệt tự không, sanh diệt tức không sanh diệt.
GIẢNG:
Sư hỏi:
Tuy có giác chiếu, lại đồng với sanh diệt. Nay nói pháp gì không bị sanh diệt?
Nếu nói có giác có chiếu tức là đồng với sanh diệt, như vậy Ngài nói pháp gì không sanh diệt?
Ngài đáp: Chỉ do tâm khởi nên có sanh diệt, do tâm có dấy động mới có sanh diệt. Nếu tâm khởi đã diệt, tức sanh diệt tự trừ, nếu tâm dấy động đã diệt thì sanh diệt tự trừ; không còn tưởng có thể được, không còn cái gì để tưởng, để nghĩ. Nếu như nói có giác chiếu, giác chiếu đã diệt, sanh diệt tự không; nếu nói có giác chiếu, khi giác chiếu lặng rồi thì cái sanh diệt tự không.
Sanh diệt tức không sanh diệt, như vậy từ cái giác chiếu, như ta đang ngồi trong tâm có dấy niệm liền biết đó là niệm khởi hư dối, đây gọi là chiếu. Khi niệm hư dối lặng thì cái chiếu cũng lặng luôn. Giác chiếu đã lặng thì sanh diệt tự không, nên nói sanh diệt tức không sanh diệt. Đó là chỗ ngài Thần Hội kế thừa gần gũi nhất với Lục tổ Huệ Năng và chủ trương vô niệm ở đoạn sau sẽ nói.
CHÁNH VĂN:
(13) Pháp sư Sùng Viễn hỏi: Thế nào là không? Nếu nói có không lại đồng vật ngại. Nếu nói không có không, làm sao có chỗ nương về?
Đáp: Chỉ vì chưa thấy tánh do đó nói không, nếu thấy Bản tánh không cũng chẳng có. Thấy được như thế, ấy gọi là nương về.
GIẢNG:
Câu trả lời thật là rắc rối. Hỏi rằng:
Thế nào là không? Nếu nói có không lại đồng vật ngại. Nếu nói không có không, làm sao có chỗ nương về?
Nói có không là hai bên đối đãi nên thành vật ngại, còn nói không có không thì không có chỗ nương về.
Ngài đáp: Chỉ vì chưa thấy tánh do đó nói không, tại ông chưa nhận ra Bản tánh nên tạm nói nó không. Nếu thấy Bản tánh không cũng chẳng có, nếu thấy Bản tánh hiện tiền làm sao nói không được, nên Ngài đáp “không cũng chẳng được”. Thấy được như thế, ấy gọi là nương về, người nào nhận thấy rõ được như thế là có chỗ nương về.
Thật ra việc tu hết sức dễ nhưng vì chúng ta mê lầm lâu đời quá nên thành khó. Vì vậy nếu mình khéo tu, từ từ sẽ an ổn. Chúng ta tu cốt để tỉnh. Tỉnh để làm gì? Tỉnh để biết rõ tâm mình đang có động hay không có động. Dấy niệm lên là động, buông niệm trở lại cái thường tỉnh là tốt, không thêm gì hết. Nếu thường tỉnh mà không động là định, không động mà thường tỉnh là tuệ. Đó là định tuệ đồng thời. Cho nên lối tu này rất thiết yếu và rất kỵ buồn ngủ. Tại sao? Vì phải tỉnh mà lặng, lặng mà tỉnh thì mới đúng. Bây giờ ngủ thì đâu còn biết lặng, biết tỉnh gì nữa, đó là sai. Cho nên trong nhà thiền trừng phạt con ma ngủ mạnh lắm. Loạn tưởng thì rầy sơ sơ thôi, nhưng vừa mơ màng thì đánh ngay, đánh cho tan ngủ. Bởi mơ màng chừng năm mười phút là mất giờ tu nhiều rồi, cho nên chúng ta phải thường tỉnh.
Tỉnh mà có động thì biết liền buông, mê thì còn biết gì nữa mà buông. Vì vậy nhà thiền nói mê ngủ tức hôn trầm là đi vào hang quỉ. Người giám thiền phải khởi lòng từ bi chận đứng không cho mình chui vào hang quỉ. Cho nên đánh là từ bi, chúng ta phải nhớ như vậy. Thế nên khi được đánh, ta giật mình thức tỉnh, phải chắp tay xá “cám ơn Thầy cứu con khỏi chui vô hang quỉ”, chớ không nên buồn “Thầy tàn nhẫn quá”. Hiểu như vậy mới thấy ý nghĩa của sự tu và lòng từ bi của thiện hữu tri thức.
CHÁNH VĂN:
(14) Hòa thượng bảo chư vị tri thức: Nếu muốn liễu đạt được pháp giới sâu xa, phải trực nhập nhất hạnh tam-muội. Nếu người nhập tam-muội này, trước phải trì tụng kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật, tu học Bát-nhã ba-la-mật. Cho nên kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật nói: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm Bồ-đề đối với kinh này những đến bốn câu kệ… thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói, phước người này hơn người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Không chấp ở nơi tướng, không chấp nơi tướng, đó là như như. Thế nào gọi là như như? Vô niệm. Thế nào là vô niệm? Nghĩa là không nghĩ có không, không nghĩ thiện ác, không nghĩ có bờ mé không bờ mé, không nghĩ có hạn lượng không hạn lượng, không nghĩ Bồ-đề, không dùng Bồ-đề làm niệm, không nghĩ Niết-bàn, không dùng Niết-bàn làm niệm. Đó là vô niệm.
GIẢNG:
Ngài Thần Hội nói với các vị thiện tri thức:
Nếu muốn liễu đạt được pháp giới sâu xa, phải trực nhập nhất hạnh tam-muội.
Nhất hạnh tức là một hạnh, tam-muội là chánh định. Chúng ta tu muốn đạt được pháp giới thênh thang rộng lớn, trước nhất phải trực nhập nhất hạnh tam-muội. Muốn được nhất hạnh tam-muội phải trì tụng kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật. Tại sao vậy? Vì kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật dạy cho chúng ta biết rõ từ ngã cho tới tất cả pháp, hay nói đủ là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tất cả pháp hữu vi vô vi, đều là giả danh không thật. Hiểu được tất cả pháp không thật, chúng ta mới được nhất hạnh tam-muội.
Vì vậy ở đây dẫn một đoạn kinh Kim Cang nói:
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm Bồ-đề đối với kinh này những đến bốn câu kệ… thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói, phước người này hơn người kia.
Tức có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với kinh Kim Cang Bát-nhã, chỉ cần vì người diễn nói một câu kệ thôi, phước người này sẽ hơn phước của người bố thí vô lượng vô biên tài sản thế gian.
Nói như vậy nghe hơi khó hiểu. Tại sao khó hiểu? Làm tất cả việc phước đức không bằng thọ trì kinh Kim Cang. Nếu cho rằng thọ trì kinh Kim Cang để cầu phước đức nhiều là chưa hiểu kinh Kim Cang. Ở đây nói muốn phát tâm Vô thượng Bồ-đề tức là phát tâm cầu thành Phật, thì tất cả những việc như bố thí… không bằng ứng dụng kinh Kim Cang mà tu hành. Tại sao? Vì tất cả các việc đó có tướng là còn sanh diệt, còn sanh diệt là còn vô thường. Chỉ thấy rõ tất cả các tướng là hư dối, không thật, đó là chúng ta thấy được thật nghĩa của kinh Kim Cang. Thấy được thật nghĩa đó là do trí tuệ giác ngộ mà thấy, vì vậy nên gần Bồ-đề, còn các việc kia được phước hữu lậu của thế gian nên không bì nổi.
Thế nào là vì người diễn nói? Ngài dạy Không chấp ở nơi tướng, không chấp nơi tướng, đó là như như. Vì người diễn nói là không còn chấp một tướng nào thật, không chấp một tướng nào thật đó là gần với như như. Ví dụ ta đi ra ngoài đường thấy năm mười người đứng chung quanh, nhìn thấy tất cả mà không khởi nghĩ người này trắng kẻ nọ đen, người này đẹp kẻ kia xấu, như vậy là không chấp tướng. Thấy tất cả mà không bị hình tướng bên ngoài làm cho mình dấy niệm phân biệt so sánh, đối đãi, đó gọi là không chấp tướng.
Vậy dạy người thọ trì kinh Kim Cang là dạy không chấp tướng, chớ không phải dạy đọc từ chữ, từ câu. Chúng ta nghe nói thọ trì liền đem kinh ra tụng ngày này qua ngày kia, cho đó là trì kinh. Không phải vậy, thọ trì kinh Kim Cang là không chấp tướng. Do không chấp tướng nên tâm lặng lẽ, như như. Còn khởi niệm so sánh đối đãi là chấp tướng, chấp tướng thì tâm dấy động.
Thế nào gọi là như như? Vô niệm là như như. Chúng ta khi không còn chấp tướng, là tâm không còn dấy niệm, tâm không dấy niệm gọi là như như. Như vậy thấy như như đâu có khó. Khi không khởi nghĩ việc này việc kia, điều này điều nọ, lúc đó tâm mình không dấy động, mà không dấy động gọi là như như. Tâm ta như, tâm Phật cũng như, tất cả pháp đều như. Nếu tâm mình loạn động thì tất cả đều là động. Cho nên như như tức là vô niệm.
Thế nào là vô niệm? Nghĩa là không nghĩ có không, không nghĩ thiện ác, không nghĩ có bờ mé không bờ mé, không nghĩ có hạn lượng không hạn lượng, không nghĩ Bồ-đề, không dùng Bồ-đề làm niệm, không nghĩ Niết-bàn, không dùng Niết-bàn làm niệm. Đó là vô niệm.
Chỗ này giải thích nghĩa vô niệm rất rõ. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng niệm chúng sanh là có niệm, còn niệm Phật là vô niệm. Niệm chúng sanh tức là nghĩ người này người kia, tốt xấu v.v… cho đó là có niệm. Còn khi ta nghĩ nhớ Phật, nhớ Bồ-đề, nhớ Niết-bàn, như vậy là vô niệm chưa? Chưa phải vô niệm. Nghĩ tới danh hiệu Phật cũng chưa phải là vô niệm.
Vô niệm có ba: Thứ nhất là không nghĩ thiện ác. Thứ hai là không nghĩ hữu hạn vô hạn, hữu lượng vô lượng. Thứ ba là không nghĩ Bồ-đề Niết-bàn. Nếu nghĩ nhớ Bồ-đề Niết-bàn hoài cũng là hữu niệm, chớ chưa phải vô niệm. Như vậy để thấy rằng chúng ta tu nhiều khi tránh được niệm phàm tục, niệm chúng sanh nhưng lại mắc kẹt ở niệm Thánh, niệm Niết-bàn. Còn nghĩ bỏ cái xấu để được cái tốt, bỏ mê lầm để được Niết-bàn, bỏ cái này để được cái kia là còn nằm trong hữu niệm cả. Vô niệm là tâm trống lặng, không có một dấy nghĩ nào phát động, dù nghĩ tới Phật hay chánh pháp của Phật.
Lục Tổ chủ trương tu thứ nhất là “Vô niệm vi tông”, lấy vô niệm làm trọng yếu. Kế đó là “Vô tướng vi thể”, lấy không tướng làm thể. Cuối cùng là “Vô trụ vi bản”, lấy không dính kẹt làm gốc. Cả ba đều là nền tảng căn bản của sự tu. Nhưng ở đây ngài Thần Hội chỉ nói về vô niệm và vô trụ. Tại sao? Bởi theo kinh Kim Cang do Vô niệm mới “hàng phục được tâm”, do Vô trụ mới “an trụ được tâm”. Như vậy nói hai cái là đủ rồi, mà khi Vô niệm tự nhiên cũng được Vô tướng, vì đâu còn hình dáng gì mà có tướng. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy chỗ tu của mình đúng với kinh Kim Cang Phật dạy.
CHÁNH VĂN:
Vô niệm đó tức là Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật tức là nhất hạnh tam-muội.
GIẢNG:
Vô niệm tức là Bát-nhã ba-la-mật. Tại sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật là thấy tất cả các pháp không có tướng, không thật. Do thấy như thế nên tâm không dính, không chạy theo tất cả các pháp, đó là vô niệm. Tâm không dính không chạy theo các pháp cũng là chánh định nhất hạnh, chỉ còn một hạnh duy nhất là tâm an trụ vô niệm.
CHÁNH VĂN:
Chư tri thức, nếu ở nơi học địa tâm còn có niệm, tức có giác chiếu. Nếu tâm khởi liền diệt, giác chiếu tự mất tức là vô niệm.
GIẢNG:
Chư tri thức, nếu ở nơi học địa tâm còn có niệm, tức có giác chiếu.
“Chư tri thức” là chỉ tất cả những người học đạo, “học địa” là quả hữu học hay địa vị hữu học. Chúng ta còn ở học địa tức là còn trong giai đoạn tu học. Tâm vừa dấy niệm liền giác chiếu để dẹp phá, như biết niệm hư dối không chạy theo, đó là giác chiếu. Nếu tâm khởi liền diệt, tâm vừa dấy niệm mình soi thấy tức chiếu giác, nó liền diệt. Giác chiếu tự mất tức là vô niệm, niệm đã diệt rồi thì giác chiếu cũng lặng nên gọi là vô niệm.
Vừa thấy niệm khởi chúng ta liền giác chiếu, tức biết nó hư vọng thì nó lặng. Lặng chừng một hai phút hay năm ba giây, niệm khác nhảy lên, mình giác chiếu nữa thì nó lặng, niệm khác lại nhảy lên. Cứ thế mà giác chiếu hoài. Trong một buổi ngồi thiền hai tiếng, ta khởi chừng bao nhiêu niệm? Mỗi lần niệm khởi là mỗi lần mình giác chiếu, giác chiếu thì nó lặng. Nếu một trăm lần khởi là một trăm lần giác chiếu, như vậy đâu có mất mát gì. Nhưng chúng ta có bệnh cứ thấy niệm còn khởi là không chịu, lắc đầu than tu sao còn vọng hoài! Đâu phải mới tu là hết vọng được, phải khó khăn, nhọc nhằn lắm nó mới lặng. Nhưng trong thời gian niệm khởi, ta có giác chiếu nên niệm lặng, tức cũng có vô niệm trong đó rồi, chớ đâu phải hữu niệm hoài. Trong công phu tu, càng thưa niệm thì giác chiếu càng ít, càng ít giác chiếu thì vô niệm càng nhiều.
CHÁNH VĂN:
Vô niệm là không tất cả cảnh giới. Nếu như có tất cả cảnh giới, tức cùng với vô niệm không tương ưng.
GIẢNG:
Vô niệm tức là không tất cả cảnh giới. Không tất cả cảnh giới không có nghĩa là núi non người vật đều mất, mà không có những hình ảnh đó dấy khởi trong nội tâm mình. Bởi không tất cả cảnh giới nên mới gọi vô niệm. Vì vậy kinh Kim Cang dạy phải nhìn triệt để “các pháp hữu vi đều như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả pháp như mộng huyễn bào ảnh thì có gì dính với mình nữa, nên tâm không có các cảnh giới, đó là vô niệm.
CHÁNH VĂN:
Chư tri thức, người thật thấy, liễu đạt pháp giới sâu xa, tức là nhất hạnh tam-muội.
GIẢNG:
Người tu thấy đúng như thật, thấu suốt được pháp giới sâu xa, không có chừng ngằn, giới hạn. Hiểu được, thấu suốt được như vậy gọi là nhất hạnh tam-muội, tức chánh định nhất hạnh.
CHÁNH VĂN:
Thế nên, kinh Tiểu Phẩm Bát-Nhã Ba-la-mật nói: “Thiện nam tử, cái gì là Bát-nhã ba-la-mật? Đó là ở nơi các pháp mà không có sở niệm, chúng ta trụ ở trong pháp vô niệm mà được thân sắc vàng như thế, ba mươi hai tướng tốt, đại quang minh, trí tuệ không thể nghĩ lường. Chánh định vô thượng của chư Phật, trí tuệ vô thượng, tất cả các công đức chư Phật nói ra đều không thể hết, huống là Thanh văn, Duyên giác, Bích-chi Phật. Người hay được vô niệm, sáu căn không nhiễm; người được vô niệm, hướng về Phật trí. Người được vô niệm gọi là Thật tướng. Người được vô niệm là trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Người được vô niệm, công đức như hằng sa nhất thời đều đầy đủ. Người được vô niệm hay sanh tất cả pháp. Người được vô niệm, liền nhiếp tất cả pháp.
GIẢNG:
Đó là dẫn đoạn kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã. Hỏi cái gì là Bát-nhã ba-la-mật? Bát-nhã ba-la-mật là ở nơi các pháp mà không có sở niệm. Sở niệm là gì? Ví dụ như bình hoa là pháp, ta nhìn thấy bình hoa mà không có niệm nào khởi lên như đẹp xấu… đó là đối với các pháp không có sở niệm.
Chúng ta trụ ở trong pháp vô niệm mà được thân sắc vàng như thế, ba mươi hai tướng tốt, đại quang minh, trí tuệ không thể nghĩ lường.
Đi đứng nằm ngồi, đối duyên xúc cảnh mà chúng ta đều không có niệm chạy theo một pháp nào, một vật nào, đó là chúng ta ở trong vô niệm. Ở trong vô niệm thì được thân sắc vàng ba mươi tướng, đại quang minh, trí tuệ không thể nghĩ lường, tức là được thành Phật, chớ không gì khác.
Như vậy chúng ta tìm Phật ở đâu? Ở chỗ vô niệm đó. Chỗ vô niệm có gì phải tìm? Chúng ta thường đi cầu Phật, mà Phật ở ngay cái vô niệm của mình. Khi không còn dính với sắc trần, không còn kẹt với tất cả âm thanh v.v… đó là ta đang vô niệm, đang là Phật hiện tiền, không có đâu xa hết. Có người nào không có quyền vô niệm không? Nếu có quyền vô niệm thì tại sao chúng ta không có quyền làm Phật? Những người nghĩ đời mạt pháp tu không thành Phật, rồi cứ lơ là qua ngày, tu gieo duyên đời sau tu nữa, chờ gặp Phật Di-lặc ra đời mới tu rút. Nghĩ như vậy là sai lầm lớn.
Chúng ta phải thấy một ngày sống vô niệm là một ngày làm Phật. Từ sáng tới chiều nếu được vô niệm thì có buồn có vui không? Vô niệm thì còn gì là buồn vui, còn gì là hơn thua phải quấy để tranh giành nữa. Vô niệm nhưng đi vẫn biết đi, nói vẫn biết nói, ăn vẫn biết ăn, đó là Phật sống rồi. Chúng ta muốn làm Phật sống hay làm Phật ngồi trên bàn. Làm Phật ngồi trên bàn buồn chết, không cục cựa nhúc nhích thì đâu gọi là hoạt Phật. Vì vậy nếu hiểu thấu chỗ này thì sự tu hành của chúng ta rất gần với Phật. Chỉ cần vô niệm thôi.
Chánh định vô thượng của chư Phật, trí tuệ vô thượng, tất cả công đức chư Phật nói ra đều không thể hết, huống là Thanh văn, Duyên giác, Bích-chi Phật.
Đây nói về chánh định, trí tuệ, công đức của chư Phật thì không thể lường, không thể kể hết, dù cho hàng Thanh văn Duyên giác nói cũng không hết.
Vậy chánh định của Phật, trí tuệ của Phật, công đức của Phật từ đâu có? Từ vô niệm mà có. Nếu sống được với vô niệm thì sẽ có chánh định vô thượng, trí tuệ vô thượng, công đức không thể nghĩ bàn. Lâu nay chúng ta thường ước mơ được chánh định vô thượng, được trí tuệ vô thượng, được công đức không thể nghĩ bàn. Ngài nói tất cả những ước mơ đó sẽ thành tựu từ vô niệm. Nghĩa là khỏi cần ước mơ gì hết, chỉ cần vô niệm là được. Cho nên đừng nghĩ vô niệm buồn quá, không còn gì nữa, mà tới đó sẽ có đầy đủ tất cả.
Người hay được vô niệm, sáu căn không nhiễm; người được vô niệm hướng về Phật trí.
Nếu chúng ta được vô niệm thì sáu căn không nhiễm. Đối với người, với cảnh bên ngoài dù đẹp, xấu vẫn thấy tất cả, nghe tất cả, biết tất cả mà không khởi nghĩ đẹp xấu, hay dở, lúc đó tâm vô niệm. Như vậy nhờ vô niệm sáu căn không dính, không mắc, không nhiễm, đó là hướng về Trí tuệ Phật. Nhiều khi tu được chút ít lặng lẽ đâm ra hoảng hốt, nhưng không ngờ chỗ lặng lẽ ấy là vô niệm, sẽ dẫn tới Trí tuệ Phật.
Người được vô niệm gọi là Thật tướng. Người được vô niệm gọi là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Người được vô niệm, công đức như hằng sa nhất thời đều đầy đủ. Người được vô niệm hay sanh tất cả pháp. Người được vô niệm, liền nhiếp tất cả pháp.
Ở đây Lục Tổ tán thán vô niệm, đặt nó là chủ chốt, là gốc của sự tu. Ngài Thần Hội cũng nói rõ cái gốc đó không phải chỉ người tu Thiền mới thấy, mà chính trong kinh Phật như kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã đã giải rõ về điều này.
Đây là dẫn trong kinh để chứng minh vô niệm là căn bản, là nguồn cội của tất cả công đức và tất cả pháp. Thế nên biết chúng ta tu, thiết yếu là đến được chỗ vô niệm. Có vô niệm là đầy đủ tất cả, nhiếp phục được tất cả. Tóm lại đoạn này ngài Thần Hội lấy Vô niệm của Lục Tổ để giải thích cho chúng ta thấy đó là gốc của sự tu hành, là nhân để thành Phật. Đồng thời Ngài cũng dẫn kinh để chúng ta đủ lòng tin tu hành, không có nghi ngờ lui sụt.
CHÁNH VĂN:
(15) Thị lang Miêu Phổ Khanh hỏi: Tu đạo thế nào được giải thoát?
Đáp: Đạt tâm vô trụ, tức được giải thoát.
Hỏi: Làm sao được vô trụ?
Đáp: Văn kinh Kim Cang đã nói rõ ràng đầy đủ.
Hỏi: Kinh Kim Cang có nói hay không nói?
Đáp: Lại nữa Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh. Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Chỉ nên không trụ tâm liền được giải thoát.
Lại hỏi: Vô trụ, làm sao biết vô trụ?
Đáp: Trên thể vô trụ, tự có Bản trí. Do Bản trí hay biết, nên khiến Bản trí sanh tâm kia.
GIẢNG:
Ở trên nói vô niệm để chỉ môn khởi đầu của Lục Tổ dạy trong ba môn. Đến đây nói về vô trụ là môn rốt sau, “vô trụ vi bản” tức lấy vô trụ làm gốc.
Tu thế nào để được giải thoát?
Ngài đáp:
Đạt tâm vô trụ tức được giải thoát.
Hỏi: Làm sao được vô trụ?
Ngài đáp:
Như kinh Kim Cang đã nói rõ ràng đầy đủ.
Kinh Kim Cang nói:
Lại nữa Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh. Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.
Ngài giải thích thêm:
Chỉ nên không trụ tâm liền được giải thoát.
Đây là vấn đề then chốt của sự tu hành. Trong kinh Kim Cang có hai câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề: “Nếu người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm?” Đức Phật trả lời: “Lại nữa Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm.” Như thế là thế nào? - Là “không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Không có chỗ trụ tức là vô trụ, tâm kia là tâm Vô thượng Bồ-đề.
Phật dạy Bồ-tát muốn sanh tâm Vô thượng Bồ-đề chỉ không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là sáu trần. Không trụ tâm nơi sáu trần, đó là tâm Bồ-đề, chớ không có gì lạ. Nên tâm Bồ-đề là tâm không dính, không kẹt với sáu trần, đó là tâm giải thoát.
Như vậy Vô niệm và Vô trụ là then chốt của sự tu. Rõ ràng không có niệm mà vẫn biết đó là Trí tuệ Phật, còn không có trụ là giải thoát sanh tử. Người tu Phật muốn đạt đến quả Vô thượng Bồ-đề chỉ cần có hai điều: một là vô niệm, hai là vô trụ. Không niệm, không trụ là đi tới quả Bồ-đề. Đơn giản làm sao! Vậy trên đường tu chúng ta đừng trông mong, đừng mơ ước cái gì khác, chỉ buông xả nội tâm, đừng dính với sáu trần, đó là giải thoát. Giải thoát ấy không xa, không ai đem đến cho mình, mà chính ta tự gỡ, tự bỏ.
Ngày nay có nhiều người siêng năng, cần mẫn tụng kinh tọa thiền. Nhưng xả thiền ra hay ngưng tụng kinh, nghe ai nói một câu trái tai liền sân lên. Tu như vậy chừng nào thành Phật? Nghe liền dính thì có cái gì hay đâu. Tu là gỡ, là buông không cho dính, nhưng ta tu thì tu mà dính cứ dính, như vậy chừng nào thành Phật? Đó là nói trên thanh trần.
Tới sắc trần, như đang ngồi tụng kinh niệm Phật, thấy hai người đi ngang liền so sánh người này đẹp người kia xấu, như vậy làm sao tu? Khởi niệm phân biệt đẹp xấu là đã dính rồi. Đi ngang chỗ nuôi vịt liền bịt mũi chê hôi, nhưng nghe mùi ngọc lan thì hít ngửi, kiếm tìm xem nó ở đâu mà thơm quá, như vậy có dính không? Dính bằng chất keo, chớ không phải nhựa thường. Bởi vậy nên tu hoài mà không hết phiền não. Hết sao được, còn dính là còn phiền não.
Chúng ta chưa bỏ được sắc trần, thanh trần… tức là tu chưa tiến. Làm sao đối trước những thứ đó ta không dính thì sự tu mới tiến được. Cho nên muốn được Vô thượng Bồ-đề chỉ cần không trụ. Hay nói cách khác muốn được giải thoát chỉ cần không dính với sáu trần. Khó hay dễ? Nghe thì dễ như trở bàn tay, mà thực hành ai cũng lắc đầu than khó. Tại sao? Vì con mắt có nhựa của con mắt, lỗ tai có keo của lỗ tai nên dính gỡ không ra, thành ra khó.
Trong kinh A-hàm kể, ngày xưa Phật bị người ta chửi mà Ngài vẫn ung dung đi như thường, không đổi sắc mặt, không cần bàn luận gì hết. Còn chúng ta nếu ai kêu tên chửi một câu thôi, đừng nói chửi hoài là đứng lại ngay, đi không được nữa. Đứng lại để tranh hơn, tranh thua. Phật bị chửi từ đầu đường tới cuối đường mà vẫn thản nhiên, vì Ngài không dính, cho nên sống trong cõi trần mà Phật giải thoát tự tại. Còn chúng ta xây qua kẹt xây lại kẹt, nào sắc, nào thanh, nào hương, hướng nào cũng kẹt hết. Chạy đâu cũng dính hết thì làm sao giải thoát được. Đó là nhân đưa chúng ta vào trong sanh tử, nếu không gỡ được làm sao thoát ly sanh tử. Như vậy lời Phật dạy trong kinh là lẽ thật, chớ không phải thường.
Lại hỏi: Vô trụ, làm sao biết vô trụ?
Ngài đáp:
Trên thể vô trụ, tự có bản trí. Do bản trí hay biết, nên khiến bản trí sanh tâm kia.
Hỏi: Vô trụ là không dính cái gì hết, đã không dính thì đâu có hiểu biết? Câu hỏi này ngầm cho rằng người không dính cái gì hết thì không thể phân biệt rành rẽ, cũng như người ngu, lơ lơ láo láo, như vậy làm sao gọi là vô trụ được?
Ngài giải thích: Trên cái thể vô trụ không dính mắc đó, tự có Bản trí tức Trí căn bản sẵn bên trong. Do Bản trí mà hay biết, cho nên trí đó mới sanh ra tâm Vô thượng Bồ-đề. Như tôi đã nói khi không dính đẹp xấu, khen chê, thơm hôi v.v… tất cả các thứ đó đến nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta, mình không dính nhưng có biết không? - Biết. Cái biết đó là Trí căn bản. Còn cái phân biệt thơm hôi, đẹp xấu là vọng thức phân biệt, chớ không phải trí. Nhưng thế gian gọi đó là trí thông minh lanh lợi, đối với đạo đó chỉ là vọng thức phân biệt thôi. Chính Căn bản trí mới là trí không đổi dời, không sanh diệt. Trí này luôn luôn chân thật, nên gọi là trí giác ngộ thành Phật.
CHÁNH VĂN:
(16) Pháp sư Càn Quang ở Ngụy Quân hỏi: Thế nào là tâm Phật, thế nào là tâm chúng sanh?
Đáp: Tâm chúng sanh tức là tâm Phật. Tâm Phật tức là tâm chúng sanh.
GIẢNG:
Hỏi thế nào là tâm Phật, thế nào là tâm chúng sanh? Lâu nay chúng ta quen tâm chúng sanh là tâm mê muội vô minh, tâm Phật là tâm giác ngộ sáng suốt. Nếu ai hỏi chúng ta liền trả lời một cách dễ dàng rằng tâm Phật là tâm giác ngộ, tâm chúng sanh là tâm mê muội. Nhưng ở đây Ngài nói:
Tâm chúng sanh tức là tâm Phật. Tâm Phật tức là tâm chúng sanh.
Đây là câu giải thích để chúng ta tu, chớ không phải giải thích danh từ cho mình thỏa mãn. Tại sao nói tâm chúng sanh là tâm Phật? Như trong kinh thường nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt”, như vậy tâm Phật, tâm chúng sanh không có gì khác nhau hết. Tâm của chúng sanh nếu không trụ, không có niệm đó là tâm Phật. Ngược lại ngay tâm Phật mà dấy niệm đuổi theo sự vật đó là tâm chúng sanh. Như vậy muốn thành tâm Phật hay tâm chúng sanh đều do ta hết.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Tâm chúng sanh cùng với tâm Phật đã không sai biệt. Vì sao nói chúng sanh, nói Phật?
Đáp: Nếu luận với người không liễu ngộ thì có chúng sanh có Phật. Nếu đối với người liễu ngộ thì tâm chúng sanh cùng với tâm Phật vốn không khác.
GIẢNG:
Tâm chúng sanh, tâm Phật không khác, sao trong kinh lại nói có tâm chúng sanh, có tâm Phật?
Ở đây Ngài trả lời hết sức rõ. Đối với người mê lầm thì giải thích tâm Phật là giác, tâm chúng sanh là mê. Nhưng đối với người liễu ngộ rồi, thấy chúng sanh và Phật đồng một tâm như nhau, nên nói tâm chúng sanh là tâm Phật, tâm Phật là tâm chúng sanh. Hai điều này tùy người mê ngộ mà giải đáp khác nhau. Ở đây đứng trên mặt người ngộ mà Ngài giải thích.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Thường nghe Thiền sư nói pháp, cùng với thiên hạ chẳng đồng. Phật pháp cùng một loại, vì sao chẳng đồng?
Đáp: Nếu là Phật pháp vốn không có sai biệt, nhưng vì ngày nay mỗi người giác ngộ kiến giải sâu cạn có khác, do đó nói đạo chẳng đồng.
GIẢNG:
Hỏi khi Thiền sư nói pháp cùng với các nơi khác không đồng. Phật pháp vốn không sai biệt, tại sao lại nói khác?
Ngài đáp Phật pháp tuy không hai, nhưng người ngộ có cạn sâu khác nhau. Ngộ cạn thì giảng theo cạn, ngộ sâu thì giảng theo sâu thành ra khác.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Xin vì nói nguyên do chẳng đồng?
Đáp: Nay nói chẳng đồng là do si tâm giữ định, hoặc trụ tâm khán tịnh, hoặc khởi tâm chiếu bên ngoài. Hoặc nhiếp tâm lặng bên trong, hoặc khởi tâm quán tâm ở nơi thủ nơi không(1). Hoặc có giác vọng đều diệt, không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không. Hạng người tu như thế không thể nói hết. Lý bản tánh rỗng không như thế, thời nhân không rõ theo niệm mà thành, do đó không đồng. Chẳng luận là phàm phu, Như Lai nói tất cả pháp vô vi, tất cả Hiền Thánh còn có sai biệt, huống là tất cả những người học đạo thời nay làm sao đồng được?
GIẢNG:
Người hỏi “xin nói nguyên do chẳng đồng”, Ngài giải thích: nay nói chẳng đồng là do si tâm giữ định, tức cố mượn phương tiện nào đó kềm tâm cho định.
Có người khi định quên thân, quên cảnh, quên thời gian, đó gọi là si định. Bởi vì ngồi trong cái không biết gì, không biết gì là si. Nhiều hành giả tu thiền thường cho chỗ quên thân quên cảnh, không biết gì là định sâu. Công phu như vậy, trong nhà thiền không khen mà còn quở đó là si định.
Hoặc trụ tâm khán tịnh, ngồi trụ tâm nhìn vào chỗ yên lặng gọi là trụ tâm khán tịnh. Tại sao? Tịnh là cảnh, trụ tâm khán tịnh là trụ tâm vào cảnh tịnh. Đây là bệnh chớ không phải định. Ví dụ trong thất có bàn ghế v.v…, tôi là chủ nhà. Khi khách vô tôi biết khách vô và mời ngồi, khách về tôi biết khách về. Khách đã về rồi, bấy giờ tôi nhìn chăm chăm vào chỗ khách ngồi khi nãy, giữ lấy chỗ đó, như vậy đúng hay sai? Tại sao phải nhìn và giữ cái ghế? Quan trọng là chủ nhà, mình không chịu nhớ mình mà lại nhớ chỗ khách ngồi, ngó chăm chăm vào cái ghế cho là thấy tịnh thì quả là sai lầm rất lớn. Tịnh mà không biết mình, chỉ nhìn cảnh tịnh mà quên cái đang tri giác của mình, đó là bệnh. Vì vậy trong nhà thiền, Lục Tổ hay quở người trụ tâm khán tịnh.
Hoặc khởi tâm chiếu bên ngoài. Ngài không chấp nhận khởi tâm quán cái này, cái nọ. Ví dụ nghe trong kinh nói các pháp hư dối, thế là ta quán cái chùa, tháp chuông, con người… do duyên hợp hư dối. Quán từng cái, từng cái như thế mất thời giờ lắm. Phải nhìn tường tận bản chất của sự vật nguyên là duyên hợp, tánh không. Thấy rõ tánh không của các pháp là đủ rồi, không cần quán từng cái.
Trong kinh Kim Cang nói thẳng: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, tất cả các pháp hữu vi đều như mộng huyễn bào ảnh. Ngồi quán cái này cái kia là kẹt trên từng sự vật, mà không thấu tột được nguồn gốc của nó. Người thấu tột rồi không cần quán như vậy.
Hoặc nhiếp tâm lặng bên trong, kềm đè cho tâm lặng bên trong. Do kềm chế quá sanh ra nhức đầu, tức ngực đủ thứ. Cho nên khi dấy niệm chỉ cần buông thôi, không nên kềm đè, vì như thế sẽ sanh bệnh.
Hoặc khởi tâm quán tâm ở nơi thủ nơi không. Hoặc có giác vọng đều diệt, không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không. Hạng người tu như thế không thể nói hết.
Bản Hồ Thích viết “vu thủ chi vu tác nhi”, tức là chấp ở nơi này hoặc giữ ở nơi kia. Chỗ này là chỗ lầm lẫn thật vi tế.
Chúng ta cứ nghĩ vô niệm là không có niệm. Khi nghĩ không có niệm mà mình còn thấy người đi, nghe tiếng chim hót, cho đó là vọng nên không dám thấy, không dám nghe. Như vậy sẽ thành cái gì? Ngài nói “hoặc có giác vọng đều diệt, không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không”. Có giác có vọng đều diệt thì không biết gì hết, đó là giữ cái vô ký không. Chúng ta không có niệm khởi, không có dính mắc, nhưng rõ ràng thường biết, đó là Tánh giác hiện tiền. Đằng này ta sợ cái biết, muốn bỏ luôn cái biết thì thành vô ký, nên Ngài quở “không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không”. Hạng người tu như thế nhiều lắm không thể nói hết.
Lý bản tánh rỗng không như thế, thời nhân không rõ theo niệm mà thành, do đó không đồng.
Lý bản tánh rỗng không, tức là không có niệm, không có cảnh nào trong đó, mà hằng giác hằng tri. Người đời không biết chạy theo các niệm nên có thứ này thứ nọ, rồi sanh ra các cách tu khác nhau.
Chẳng luận là phàm phu, Như Lai nói tất cả pháp vô vi, tất cả Hiền Thánh còn có sai biệt, huống là tất cả những người học đạo thời nay làm sao đồng được?
Ngài giải thích lý do tại sao chẳng đồng.
Đức Phật nói tất cả pháp vô vi, các bậc Hiền Thánh ngộ còn có chỗ sai biệt, huống nữa là kẻ phàm phu, chỗ ngộ cạn sâu đương nhiên khác nhau, không thể đồng được. Các bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát nhìn các pháp vô vi còn thấy khác nhau, huống nữa là phàm phu.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Nghĩa bốn câu kệ kinh Kim Cang như thế nào?
Đáp: Nghe chư Pháp sư nói bốn câu kệ, hoặc dùng tám chữ làm câu, ba mươi hai chữ là bốn câu, hoặc dùng năm chữ làm câu, hoặc dùng bốn chữ làm câu. Hoặc có người lấy bài kệ “nhất thiết hữu vi pháp” ở sau quyển kinh làm bốn câu kệ, hoặc có người lấy bài kệ “nhược dĩ sắc kiến ngã” làm nghĩa bốn câu kệ. Bồ-tát Vô Trước nói: Đệ nhất thường rộng lớn, tâm kia không điên đảo, đó là nghĩa bốn câu kệ. Hoặc có người lấy “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” làm nghĩa bốn câu kệ. Nay tôi thấy không đúng. Vì cớ sao? Nhân có tướng ngã mới nói không tướng ngã; nhân có tướng nhân mới nói không tướng nhân; nhân có tướng chúng sanh mới nói không tướng chúng sanh; nhân có tướng thọ giả mới nói không tướng thọ giả. Nay xem nghĩa này tức không đúng. Vì cớ sao? Vì không có tướng không ngã, không có tướng không nhân, không có tướng không chúng sanh, không có tướng không thọ giả, tức gọi là nghĩa chân thật của bốn câu kệ. Lại thấy Đại Trí Độ Luận nói: “Bát-nhã ba-la-mật dụ như đống lửa lớn, bốn mặt không thể thủ; vì không thể thủ, đó là chân thủ.” Đây tức là nghĩa chân thật của bốn câu kệ.
GIẢNG:
Đây là thắc mắc mà đa số người đọc kinh Kim Cang đều thắc mắc về tứ cú kệ đẳng, tức bốn câu kệ:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Hay là:
Phàm sở hữu tướng,
Giai thị hư vọng
.
Nhược kiến chư tướng phi tướng,
Tức kiến Như Lai.

Hay là:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.

Như vậy bốn câu nào là gốc? Chỗ này Ngài trả lời rất chi ly, chúng ta phải khéo nhận.
Nghe chư Pháp sư nói bốn câu kệ, hoặc dùng tám chữ làm câu, ba mươi hai chữ là bốn câu, hoặc dùng năm chữ làm câu, hoặc dùng bốn chữ làm câu. Hoặc có người lấy bài kệ “nhất thiết hữu vi pháp” ở sau quyển kinh làm bốn câu kệ, hoặc có người lấy bài kệ “nhược dĩ sắc kiến ngã” làm nghĩa bốn câu kệ.
Đó là nói mỗi vị có cái thấy khác nhau.
Nhưng Bồ-tát Vô Trước nói:
Đệ nhất thường rộng lớn, tâm kia không điên đảo, đó là nghĩa bốn câu kệ.
Nghĩa Đệ nhất thênh thang, tâm không điên đảo là đủ bốn câu kệ rồi. Đó là cái nhìn của ngài Vô Trước.
Hoặc có người lấy “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” làm nghĩa bốn câu kệ.
Nói bốn câu kệ là không có bốn tướng: vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Đó là ý nghĩa bốn câu kệ.
Nay tôi thấy không đúng. Vì cớ sao? Nhân có tướng ngã mới nói không tướng ngã; nhân có tướng nhân mới nói không tướng nhân; nhân có tướng chúng sanh mới nói không tướng chúng sanh; nhân có tướng thọ giả mới nói không tướng thọ giả. Nay xem nghĩa này tức không đúng.
Theo cái nhìn của ngài Thần Hội, nói như trên là chưa đúng. Tại sao? Bởi vì nói không nhân, không chúng sanh, không thọ giả là còn mắc kẹt. Vì chữ không đối với chữ có, có ngã nên mới nói không ngã, có nhân nên mới nói không nhân. Đó là pháp đối đãi chưa phải cứu kính.
Vì cớ sao? Vì không có tướng không ngã, không có tướng không nhân, không có tướng không chúng sanh, không có tướng không thọ giả, tức gọi là nghĩa chân thật của bốn câu kệ.
Như vậy từ cái chấp có tướng kéo theo cái chấp không tướng. Bây giờ phá luôn tướng không mới đúng nghĩa của bốn câu kệ. Nên Ngài nói không còn hai bên chấp có chấp không, mới là chỗ chân thật của bốn câu kệ.
Lại thấy Đại Trí Độ Luận nói: “Bát-nhã ba-la-mật, dụ như đống lửa lớn, bốn mặt không thể thủ; vì không thể thủ, đó là chân thủ.” Đây tức là nghĩa chân thật của bốn câu kệ.
Luận giả Trí Độ Luận nói nghĩa bốn câu kệ thế nào? Nghĩa là Trí tuệ Bát-nhã như đống lửa lớn, đốt cháy hết bốn mặt không còn gì nữa. Bốn mặt dụ cho chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, có và không đều dẹp hết. Không dính trong bốn mặt đó là chân thủ. Không giữ ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, đó là nghĩa bốn câu kệ, là nghĩa chân thật.
Nghĩa kinh Kim Cang trong bốn câu kệ Ngài dẫn đủ hết. Vậy chỗ nhắm của Ngài là chỗ nào? Là chỗ không còn dính không còn kẹt hai bên, đó là nghĩa cứu kính của bốn câu kệ.
CHÁNH VĂN:
(17) Trịnh Tuyền hỏi: Thế nào là đạo?
Đáp: Không tên là đạo.
Lại hỏi: Đạo đã không tên. Vì sao gọi là đạo?
Đáp: Đạo tự nó không có ngôn từ. Gọi là đạo chỉ vì đối đáp người hỏi.
GIẢNG:
Hỏi thế nào là đạo, đáp không tên là đạo. Nếu nói không tên là đạo, tức đạo có tên rồi? Ngài nói gọi là đạo là vì người hỏi mà đáp, chớ thật ra đạo không có tên. Đạo không tên nhưng đối với người hỏi, tạm đáp như vậy thôi.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Đạo đã giả danh, không tên là thật chăng?
Đáp: Chẳng phải thật.
Hỏi: Không tên đã chẳng phải thật, vì sao nói không tên là đạo?
Đáp: Vì có hỏi nên có ngôn thuyết. Nếu không có hỏi, trọn không có ngôn thuyết.
GIẢNG:
Hỏi đạo không tên, vậy nó có thật hay không? Ngài đáp chẳng phải thật.
Hỏi không tên thì không thật, sao nói không tên là đạo, vì đạo là chỗ cứu kính chân thật? Ngài đáp: Vì có hỏi nên có ngôn thuyết. Nếu không hỏi, trọn không có ngôn thuyết. Chỗ không ngôn thuyết mới là cứu kính chân thật, còn có ngôn thuyết chỉ là giả danh. Lời đáp của Ngài đơn giản mà thật rõ ràng.
CHÁNH VĂN:
(18) Pháp sư Càn Quang hỏi: Kinh Kim Cang Bát-nhã nói: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì đọc tụng kinh này hoặc bị người khinh chê, thì tội nghiệp đời trước của người này, lẽ ra phải rơi vào ác đạo, nhưng do đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước của người này ắt được tiêu diệt. Nghĩa này như thế nào?
Đáp: Người trì kinh đều được mọi người cung kính lễ bái. Ngày nay tuy đọc tụng kinh, nhưng do trước kia lúc chưa trì kinh đã có tội chướng quá nặng nề. Ngày nay do oai lực trì kinh chiêu cảm bị người đời khinh chê, hay khiến tội chướng sâu nặng của người trì kinh thảy đều tiêu diệt. Vì tội được tiêu trừ, nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Đây là lý giải theo kinh Kim Cang. Trong kinh Kim Cang Bát-nhã nói, nếu người trì kinh có tội nghiệp quá khứ bị người khinh chê, về sau tội nghiệp sẽ hết. Nghĩa là nếu không trì kinh có thể bị quả báo nặng hơn, nhưng nhờ công đức trì kinh nên tội nghiệp giảm đi, chỉ bị người khinh chê chút ít thôi, dần dần nghiệp cũ sẽ hết luôn.
Nhưng Ngài lại lý giải khác. Dưới đây là lý giải của Ngài.
CHÁNH VĂN:
Lại có lý giải thích rằng: Tội nghiệp đời trước, dụ cho niệm trước khởi vọng tâm. Người đời nay khinh chê, là dụ niệm sau giác ngộ, sau giác ngộ là ăn năn vọng tâm trước. Nếu tâm trước đã diệt thì hối sau cũng diệt. Hai niệm đã không còn, tức là công đức của người trì kinh đầy đủ, liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Ngài quan niệm khác: Tội nghiệp đời trước là chỉ cho trước khởi các vọng tâm, các nghĩ tưởng bậy. Bị người khinh chê là sau giác ngộ, ăn năn chừa bỏ niệm trước. Niệm trước đã diệt thì tâm ăn năn hối hận cũng hết. Do trì kinh này hai niệm đều hết thì công đức đầy đủ, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là lý giải thứ hai.
Đến lý giải thứ ba.
CHÁNH VĂN:
Lại nói: Giác sau dụ cho người khinh chê, là do niệm trước khởi vọng tâm. Nếu khởi giác sau cũng là khởi tâm, tuy gọi là giác, giác cũng không lìa phàm phu, dụ cho người đời khinh chê vậy.
GIẢNG:
Nói giác sau là chỉ cho người khinh chê, vì niệm trước khởi vọng tâm. Nếu khởi giác sau cũng là khởi tâm, nếu có giác sau đó cũng là khởi tâm. Tuy gọi là giác, giác cũng không lìa phàm phu, dụ cho người đời khinh chê vậy. Tuy giác nhưng do khởi tâm nên không lìa phàm phu, vì vậy cũng bị khinh chê luôn.
Nên nhớ vọng trước không theo, không chấp nhận, nhưng giữ cái biết vọng hoài cũng không được. Chỉ khi nào vọng dấy lên, mình biết nó là vọng liền buông, vọng lặng rồi thì cái biết vọng cũng lặng luôn. Nếu giữ cái biết vọng khi không có vọng cũng là bệnh. Ví như nhà có trộm moi vách cạy cửa, chủ nhà chỉ mặt la lên “ăn trộm”, nó hoảng chạy lui. Sau đó chủ nhà cứ ngồi nhìn lom lom chỗ cửa bị cạy từ đầu hôm tới sáng. Nhìn như vậy chừng mười bữa chắc chủ nhà chết mất. Khi kẻ trộm chạy rồi thì thôi, ta đề phòng nhưng vẫn sống thảnh thơi, chớ tội gì phải nhìn lom lom vào vách vào cửa. Chừng nào nó cạy nghe động nữa thì mới nhìn, mới canh giữ.
Cũng vậy, vọng dấy lên chúng ta biết liền buông. Buông rồi nó lặng, tự nhiên yên tĩnh, ta cũng không chú tâm nhìn vào chỗ yên tĩnh ấy hoài. Nhìn như vậy mệt lắm, chớ có an ổn chi. Cho nên khéo tu một chút thì không sanh bệnh, ngược lại không khéo rất dễ sanh bệnh. Vì vậy người muốn tu hành đến nơi đến chốn, phải chịu khó nghiền ngẫm kỹ, thấu suốt cho rõ thì công phu tu mới không sai.
CHÁNH VĂN:
(19) Pháp sư Triết hỏi: Thế nào là nghĩa định tuệ đồng thời?
Đáp: Niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh tuệ. Nếu được như vậy, ngay khi định gọi là thể của tuệ, ngay khi có tuệ tức là dụng của định. Ngay lúc có định không khác tuệ, ngay khi có tuệ không khác định. Ngay lúc định tức là tuệ, ngay khi tuệ tức là định. Ngay lúc định không có định, ngay lúc tuệ không có tuệ. Vì cớ sao? Vì tánh tự như, đó gọi là định tuệ đồng học.
GIẢNG:
Đây là câu hỏi trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ đã có giảng.
Niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh tuệ.
Định nghĩa này rất rõ ràng.
Hỏi thế nào là định tuệ đồng thời, Ngài nói “niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định”. Như vậy định là khi tâm rỗng suốt không có dấy niệm. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh tuệ. Khi ta nhìn thấy tâm rỗng suốt, không có niệm khởi, thì cái thấy được rỗng suốt đó là tuệ. Tâm không niệm khởi là chánh định, thấy được chỗ rỗng suốt không niệm khởi là chánh tuệ. Đây gọi là định tuệ đồng thời. Ý này hết sức rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ.
Nếu được như vậy, ngay khi định gọi là thể của tuệ, ngay khi có tuệ tức là dụng của định.
Như vậy khi không dấy niệm gọi là định, định đó cũng là thể của tuệ. Khi có cái thấy, rõ ràng không niệm khởi gọi là tuệ, tuệ này là dụng của định. Nên biết định là thể của tuệ, tuệ là dụng của định, hai cái không tách rời nhau. Do đó gọi là định tuệ đồng thời. 
Theo Phật giáo Nguyên thủy khi tâm hoàn toàn yên lặng, gọi là định. Từ định đó lần lần phát sáng gọi là tuệ. Cho nên định tuệ riêng biệt. Còn ở đây chính khi định là tuệ, chính khi tuệ là định không tách rời nhau.
Ngay lúc có định không khác tuệ, ngay khi có tuệ không khác định.
Khi tâm rỗng lặng sáng suốt đó là định không khác với tuệ. Thấy được tất cả mà vẫn không dấy động đó là tuệ không khác định. Định tuệ không tách rời nhau là chủ trương của Lục tổ Huệ Năng, ở đây ngài Thần Hội lặp lại và làm sáng tỏ hơn ý của Tổ, để chúng ta không còn gì nghi ngờ nữa.
Ngay lúc định tức là tuệ, ngay khi tuệ tức là định.
Định là tuệ, tuệ là định bởi vì khi yên lặng là định, mà ta vẫn biết yên lặng đó là tuệ. Như vậy việc này chúng ta cũng đã từng tu tập rồi, còn muốn cái gì thần thánh hơn nữa? Ngay nơi định tuệ thật đó mà không chịu nhận, lỗi ấy do ai?
Ngay lúc định không có định, ngay lúc tuệ không có tuệ. Vì cớ sao? Vì tánh tự như, đó gọi là định tuệ đồng học.
Câu này hơi khó hiểu. Ngay lúc định không có định, ngay lúc tuệ không có tuệ, tại sao? Ngay lúc định mà khởi niệm mình đang định thì hết định, nên định mà không có định. Định thì tự lặng tự yên thôi, không nói “định, không định” gì cả. Khi thấy mà không dấy niệm là tuệ, tuệ mà không có tuệ vì chỉ thấy thể trong lặng, yên tĩnh. Nên nói vì tự tánh như, tánh tự như như, không có dấy động. Vừa dấy động thì mất tánh như rồi, vì vậy nói định tuệ đồng học hay đồng thời.
Câu này hết sức quan trọng, chúng ta phải nắm cho thật vững, khi tu mới không sai lạc, chớ tìm cầu những điều khác lạ, chỉ tâm yên tịnh là đủ.
CHÁNH VĂN:
(20) Từ Đạo Vương hỏi: Pháp vô niệm là của phàm phu tu hay là bậc Thánh nhân tu? Nếu là bậc Thánh nhân tu, vì sao khuyên phàm phu tu pháp vô niệm?
Đáp: Vô niệm đó là pháp Thánh nhân. Phàm phu nếu tu vô niệm, tức chẳng phải phàm phu.
GIẢNG:
Hỏi pháp vô niệm này là phàm phu tu hay Thánh nhân tu? Nếu là bậc Thánh nhân tu, vì sao khuyên phàm phu tu pháp vô niệm?
Ngài đáp pháp vô niệm là của Thánh nhân. Người phàm phu tu được pháp vô niệm thì không gọi là phàm phu. Như vậy phàm với Thánh cách nhau bao xa? Chỉ dấy niệm lăng xăng là phàm, lặng lẽ thanh tịnh là Thánh, chớ có gì đâu. Phàm Thánh không cách nhau bao xa hết. Nếu không nắm vững chỗ này, chúng ta dễ sanh ra nghi ngờ.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Vô là vô pháp gì? Niệm đó là niệm pháp gì?
Đáp: Vô là không có hai pháp, niệm là chỉ niệm chân như.
GIẢNG:
Vô là không có hai pháp. Bởi tâm ta dấy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu… đó là hai pháp, là động niệm. Nếu không dấy niệm tức không có hai bên. Còn niệm là niệm cái gì? Chỉ một niệm chân như, yên tĩnh, như thật, không có gì khác hết hơn.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Niệm đó cùng với Chân như có gì sai khác?
Đáp: Cũng không có sai khác.
Hỏi: Đã không có sai khác, vì sao nói niệm chân như?
Đáp: Chỗ nói niệm là dụng Chân như, Chân như là thể của niệm. Do nghĩa đó nên lập vô niệm làm tông. Như người được vô niệm, tuy có kiến văn, giác tri nhưng thường lặng lẽ.
GIẢNG:
Niệm chân như cùng với Chân như có gì sai khác? Đáp cũng không có sai khác.
Ở đây Ngài giải thật tường tận về ý nghĩa vô niệm và niệm chân như. Tại sao niệm chân như? Vì Chân như là thể, mà niệm là dụng. Cho nên Chân như là thể của niệm. Do nghĩa đó nên lập vô niệm làm tông. Lục Tổ nói: “vô niệm vi tông, vô tướng vi thể, vô trụ vi bản”, đó là chủ trương của Ngài. Ở đây nói vô niệm là thể, bởi thể đó là như như nên nghĩ nhớ hay chăm chú đến chỗ như như đó gọi là niệm. Vì vậy mà người tu Thiền lấy chỗ vô niệm làm tông yếu.
Như người được vô niệm, tuy có kiến văn, giác tri nhưng thường lặng lẽ.
Khi được vô niệm rồi, cũng có thấy nghe hiểu biết nhưng thấy nghe hiểu biết trong cái lặng lẽ. Ví dụ chúng ta bước ra khỏi giảng đường, nhìn thấy khách đi, gió thổi, cây lay động, nghe tiếng chuông chùa v.v… Thấy nghe rõ ràng mà vẫn không dấy nghĩ gì hết, không có niệm nào khởi lên, đó là đi trong vô niệm. Vô niệm mà vẫn thấy đường đi, chớ không phải vô niệm rồi lủi qua bên này, lủi qua bên kia. Nhiều người không hiểu cho rằng không có suy nghĩ chắc không biết gì. Thật tình không nghĩ mà vẫn nghe, vẫn thấy, vẫn linh động sáng suốt.
Ngài nói được vô niệm tuy có kiến văn giác tri nhưng thường lặng lẽ. Vô niệm là không còn hai bên, không còn hai bên tức không còn quyết đoán phải quấy nữa. Nhiều người nghĩ nếu không còn quyết đoán phải quấy thì thành người ba phải. Theo tôi thì thành người trăm phải, chớ không phải ba phải. Bởi vì khi biết tất cả đều hư ảo, không thật có thật không, nên cái gì cũng không thật. Khi đã có cái nhìn thấu suốt như vậy rồi, mình trở thành kẻ khờ khạo quê dốt, phải không? - Không phải.
Lục Tổ đã nói chuyển bát thức thành tứ trí. Nghĩa là chúng ta đang sống với bát thức quậy phá, lăng xăng lộn xộn, hết nghĩ cái này tới nghĩ cái kia, không phút giây nào yên tĩnh. Bát thức làm cho ta rối loạn, tạo nghiệp đi trong sanh tử. Bây giờ tu dừng tất cả niệm, tất cả dấy động lặng xuống rồi, ý lăng xăng đó biến thành Diệu quan sát trí, nhìn đâu thấy tường tận đó. Nên đức Phật ở trong chánh định thấy vô số thế giới, biết được vô số vi trùng. Vì vậy khi lặng hết vọng thức thì chuyển Thức thành Trí, chớ không phải ngu ngơ. Nếu tới đó ngu khờ thì tu làm chi cho uổng công!
Chuyển được Ý thức rồi, kế đến là chuyển Mạt-na thức cũng gọi là Truyền tống thức. Ví dụ như ta thấy hoa đẹp là nơi con mắt thấy, Ý thức duyên theo hoa đẹp đó đưa cho Truyền tống thức, Truyền tống thức này mới ném hình ảnh hoa đẹp ấy vào A-lại-da thức cất chứa. Thành ra Truyền tống thức không nhạy bén như ý thức, nó chỉ làm việc đưa ra đưa vào thôi. Cần đem vô thì đem vô, cần đẩy ra thì đẩy ra. Cho nên khi chuyển thức thành trí, nó thành Bình đẳng tánh trí, tức là Tánh trí bình đẳng. Còn Tàng thức là kho chứa đủ thứ hạt giống, nếu tu tới vô niệm thì hạt giống không còn, thức này chuyển thành Đại viên cảnh trí, tức trí tròn sáng như gương lớn.
Năm thức trước là nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức tiếp duyên xúc cảnh, không có công dụng chia chẻ phân biệt, nên nó không chuyển trước được. Phải đợi các thức kia chuyển trước, rồi nó chuyển sau gọi là Thành sở tác trí, tức trí do các thức kia chuyển mà chuyển theo thôi.
Cho nên tu trọng tâm nhất là Ý thức. Ý thức chuyển được rồi thì các thức kia sẽ chuyển theo. Vì vậy chúng ta ngồi thiền để nắm chóp con khỉ Ý thức, không cho nó giãy giụa nữa. Đó là ta chuyển Ý thức thành Diệu quan sát trí.
Tu là chuyển từ Thức phân biệt sanh diệt, sang Trí chân thật bất sanh bất diệt sáng suốt vô cùng. Vì vậy trong hiện tại nếu chúng ta được vô niệm thì kiến văn giác tri đều biết, biết trong cái lặng lẽ, tức là cái biết của trí.
CHÁNH VĂN:
(21) Pháp sư Chí Đức hỏi: Thiền sư, ngày nay dạy chúng sanh chỉ cầu đốn ngộ. Vì sao không theo Tiểu thừa mà dẫn tiệm tu? Chẳng có người nào lên đài chín tầng mà không do đi dần từng bậc?
Đáp: Chỉ sợ chỗ người lên không phải là đài chín tầng, mà e rằng uổng công leo lên đống đất mồ cao. Nếu thật là đài chín tầng, đây tức là nghĩa đốn ngộ. Ngày nay ở trong đốn mà lập tiệm, giống như đài chín tầng vậy; phải bước lên từng bậc, trọn không được hướng trong tiệm mà lập nghĩa tiệm.
GIẢNG:
Câu hỏi này cũng hay. Hỏi như người muốn lên lầu chín tầng thì phải đi từ tầng một, hai, ba, bốn mới lên tới tầng chín. Nói đốn ngộ đi thẳng, không qua thứ bậc, như vậy là sao?
Ngài trả lời:
Ngày nay ở trong đốn mà lập tiệm, giống như đài chín tầng vậy, phải bước lên từng bậc, trọn không được hướng trong tiệm mà lập nghĩa tiệm.
Đốn là chỉ thẳng chỗ cuối cùng, nhưng lập tiệm là phương tiện để đi. Giống như muốn lên đài chín tầng, phải đi từ tầng một, tầng hai dần dần mới lên tới tầng chín. Không được trong các chặng đường đi lên, dừng lại một chỗ, đó là trong tiệm lập nghĩa tiệm. Nghĩa là dù phải đi lên từng bước, nhưng chỗ mình nhắm là mục đích cuối cùng, không có quyền dừng chân ở bất cứ tầng nào khi chưa lên tới tầng chót. Đó là đốn, mà đốn có phương tiện tiệm.
CHÁNH VĂN:
Sự cần lý, trí gồm giải, gọi là đốn ngộ.
GIẢNG:
Mấy câu này quá gọn. Sự cần lý, trí gồm giải là sao? Nói Sự là phải hiểu thấu được Lý. Nói Trí phải gồm cả Giải. Trí là trí nhận xét chín chắn. Giải là giải hội để thấu được chỗ cuối cùng. Như vậy Sự không rời Lý, Trí không rời Giải. Có thế mới gọi là đốn ngộ.
Chúng ta tu, trên lý là đạt đến vô niệm. Nhưng muốn đạt đến vô niệm phải làm sao? Nếu y như người thế gian, không tu gì cả thì không bao giờ vô niệm được. Cho nên phải dùng phương tiện tu. Người mới thì dùng hơi thở v.v… để nhớ hơi thở, quên đi những thứ lăng xăng. Nên Sự là phương tiện tu hành, còn Lý là mục tiêu ta nhắm đến. Muốn được chỗ vô niệm là lý tột cùng, trước đó chúng ta phải dùng phương tiện. Niệm dấy lên biết nó giả dối, buông đi, đó là Sự. Dùng Sự như thế để đi tới đâu? Đi tới Lý. Lý đó là Lý gì? Lý tột cùng.
Trí gồm cả Giải nghĩa là có Trí nhưng phải Giải hội nữa mới được. Trí biết suông không được, nên khi có Trí phải thấu được lẽ thật của sự vật hay công việc mình làm. Không thể nói có trí khôn là đủ, phải có sự lãnh hội về chỗ nhắm đến. Như vậy mới gọi là tu Thiền đốn ngộ.
CHÁNH VĂN:
Thảy đều không do đi dần từng bậc, tự nhiên là nghĩa đốn ngộ.
GIẢNG:
Khi đang Sự là đã thấy Lý rồi. Như vậy không phải ta đi từng bước, mà đi thẳng tới chỗ đốn ngộ không nghi ngờ. Sự là dụng công, Lý là mục tiêu nhắm đến, đạt được. Cả hai không rời nhau.
CHÁNH VĂN:
Tự tâm từ xưa đến nay vắng lặng là đốn ngộ. Tức tâm không chỗ được là đốn ngộ. Tức tâm là đạo, đó là đốn ngộ. Tức tâm không chỗ trụ là đốn ngộ. Còn pháp ngộ tâm, tâm không sở đắc là đốn ngộ. Biết tất cả pháp là tất cả pháp, đó là đốn ngộ. Nghe nói không mà không chấp không, tức là chẳng chấp chẳng không là đốn ngộ. Nghe nói ngã mà không chấp ngã, tức là không chấp không ngã là đốn ngộ. Không bỏ sanh tử vào Niết-bàn là đốn ngộ.
GIẢNG:
Đoạn này Ngài giải ý nghĩa đốn ngộ rất đầy đủ.
Tự tâm từ xưa đến nay vắng lặng là đốn ngộ.
Biết rõ tự tâm từ xưa đến nay vắng lặng đó là đốn ngộ.
Như chúng ta thấy, tâm mình đứng về mặt động, mặt sanh diệt gọi là thức. Thức đó tạo nghiệp đi trong sanh tử, tùy theo nghiệp lành nghiệp dữ mà sanh các cõi lành cõi dữ, vì vậy không phải là đốn ngộ. Còn biết rõ ràng tự tâm xưa nay vắng lặng, khi không dấy niệm phải quấy, hơn thua, tốt xấu, tâm vẫn lặng yên không động mà hằng tri giác. Biết rõ tâm như vậy tức là đốn ngộ.
Tức tâm không chỗ được là đốn ngộ.
Tâm đó không có hình tướng, không phải là vật chất. Thấy rõ nó không hình tướng, đó là đốn ngộ. Vì vậy Lục Tổ lấy Vô tướng là thể. Do thấy được chỗ vô tướng đó nên Ngài mới nói “Bản lai vô nhất vật”, đó là đốn ngộ.
Tức tâm là đạo, đó là đốn ngộ.
Tức tâm đó là đạo. Chúng ta hỏi đạo, hỏi tâm đủ thứ. Nhưng với nhà thiền, tâm tức là đạo chớ không có gì khác. Ngài Nam Tuyền nói: “bình thường tâm thị đạo”, tâm bình thường là đạo. Đốn ngộ là thấy tâm bình thường, tức là thấy đạo.
Tức tâm không chỗ trụ là đốn ngộ.
Tâm không dính, không kẹt chỗ nào hết, đó là đốn ngộ.
Còn pháp ngộ tâm, tâm không sở đắc là đốn ngộ.
Còn có pháp ngộ tâm, nhưng thật ra tâm không sở đắc, đó là đốn ngộ. Chúng ta nhớ câu “dĩ vô sở đắc cố” của Bát-nhã, đó là đốn ngộ.
Biết tất cả pháp là tất cả pháp, đó là đốn ngộ.
Sao biết tất cả pháp là tất cả pháp lại là đốn ngộ? Ví dụ như những nhà học giả thông thạo tất cả sự vật, danh tướng, như vậy có được gọi là đốn ngộ chưa? - Chưa được. Ở đây biết tất cả pháp mà không có niệm nào chia chẻ phân biệt, pháp là pháp, tâm là tâm. Như vậy là đốn ngộ. Không phải biết tất cả pháp rồi phân biệt cái này tên gì, cái kia tên gì, lăng xăng lộn xộn như thế chưa phải là đốn ngộ. Biết tất cả pháp là tất cả pháp, nó như vậy, đây là đốn ngộ.
Nghe nói không mà không chấp không, tức là chẳng chấp chẳng không là đốn ngộ.
Nghe nói không mà không mắc kẹt bên không và bên chẳng không, đó là đốn ngộ.
Nghe nói ngã mà không chấp ngã, tức là không chấp không ngã là đốn ngộ.
Ngã và vô ngã hai cái đều không mắc kẹt, đó là đốn ngộ.
Không bỏ sanh tử vào Niết-bàn là đốn ngộ.
Ngay trong vòng sanh tử này mà được Niết-bàn, đó là đốn ngộ. Chúng ta tu chỗ này khác với giáo lý Nhị thừa. Giáo lý Nhị thừa dạy bỏ chấp ngã để tu pháp vô ngã. Một bên là ngã, một bên là vô ngã, như vậy chưa phải là đốn ngộ. Không chấp ngã cũng không chấp vô ngã, như vậy mới là đốn ngộ. Nếu còn ngã và vô ngã là còn hai bên, còn hai bên thì chưa phải đốn ngộ. Như chữ đốn ngộ ở đây chỉ cho không còn mắc kẹt ở hai bên.
Lục Tổ nói lý đốn ngộ thế này: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Không mắc kẹt hai bên là Bản lai diện mục hiện ra, chớ không có gì lạ. Thế nên nói không bỏ sanh tử vào Niết-bàn là đốn ngộ. Nhị thừa muốn vào Niết-bàn phải xả ly sanh tử. Ở đây ngay trong sanh tử mà sống với Niết-bàn, đó là đốn ngộ.
CHÁNH VĂN:
Lại có kinh nói: Nói Tự nhiên trí, Vô sư trí, ở nơi người lý phát thì đến đạo nhanh, người tu theo bên ngoài thì đến đạo chậm.
GIẢNG:
Chỗ này nói rõ nơi chúng ta có Tự nhiên trí, Vô sư trí, ở nơi người lý phát thì đến đạo nhanh. Lý phát là thấu được lý. Người tu theo hình thức bên ngoài thì đến đạo chậm. Đây là chỗ người tu chúng ta phải quan tâm.
Lâu nay có một số người nghĩ rằng, học Phật, chịu khó nghiền ngẫm thấu đáo lời Phật dạy đó là trí tuệ. Trí tuệ này nhà Phật gọi là Trí hữu sư. Khi nào buông hết những niệm tưởng, tâm luôn luôn yên tĩnh trong sáng, trí tuệ tự hiện tự sáng đó là Tự nhiên trí. Trí này đã sẵn có rồi, chỉ khi niệm lặng nó mới hiện gọi là Trí vô sư, tức trí không có thầy.
Đức Phật sau khi thành đạo, Ngài tuyên bố ta học đạo không có thầy. Vậy Ngài thấu suốt được tất cả là từ đâu ra? Từ Trí vô sư mà ra. Bao giờ ta buông xả hết những khôn dại của thế gian, tâm lặng yên trong sáng, thì Trí vô sư tự hiện. Ai cũng có Trí vô sư nhưng vì những lăng xăng lộn xộn của thế gian phủ che nên bị mờ khuất đi. Bây giờ muốn cho trí đó hiện ra, chúng ta phải dẹp bỏ những lăng xăng ở nội tâm, những lộn xộn ở ngoại cảnh, để tâm yên tĩnh trong sáng thì Trí vô sư tự hiện.
CHÁNH VĂN:
Nên có việc xuất thế không thể nghĩ lường, người nghe nói tức sanh nghi sợ. Nay thấy việc mau chóng không thể nghĩ lường ở đời có người tin chăng?
GIẢNG:
Nên có việc xuất thế không thể nghĩ lường, người nghe nói tức sanh nghi sợ.
Nơi chúng ta có một cái xuất thế không thể nghĩ lường, người nghe liền sanh nghi sợ.
Nay thấy việc mau chóng không thể nghĩ lường ở đời có người tin chăng?
Mau chóng tức là đốn ngộ. Mau chóng không thể nghĩ lường, như vậy trên đời có người tin không?
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Nghĩa này thế nào? Xin bày tỏ điểm cương yếu kia?
Đáp: Như truyện Châu Thái Công nhà Ân nói, do cầm cần câu trúc câu cá mà chiếm được lòng Vua. Từ kẻ thất phu được chóng lên đài cao, đâu chẳng phải là việc không thể nghĩ lường ở thế gian?
GIẢNG:
Ngài đặt nghi vấn: Có một cái mau chóng không thể nghĩ lường, ở đời có người tin không? Pháp sư liền hỏi thêm:
Nghĩa này thế nào? Xin bày tỏ điểm cương yếu kia?
Ngài dẫn truyện Châu Thái Công, tức Khương Thượng Tử Nha đời nhà Ân. Lúc ông cầm cần trúc câu cá, là một dân dã bần cùng. Nhà vua thấy ông, sau vài câu hỏi đáp qua lại, Vua thích ông và đem về cử làm quan. Như vậy có qua trường lớp thi cử nào không? Để thấy thế gian cũng có những việc vượt thứ bậc. Cho nên nói rằng:
Từ kẻ thất phu được chóng lên đài cao, đâu chẳng phải là việc không thể nghĩ lường ở thế gian?
CHÁNH VĂN:
Việc xuất thế chẳng thể nghĩ lường. Ở trong tâm chúng sanh, rõ ràng đầy đủ tham ái vô minh, chỉ gặp Thiện tri thức chân chánh, một niệm tương ưng liền thành chánh giác, đâu chẳng phải là việc xuất thế không thể nghĩ lường?
GIẢNG:
Châu Thái Công từ một thường dân, nhân gặp Vua liền được cất lên làm quan to. Trong đạo Phật cũng có những việc không thể nghĩ lường như vậy. Trong tâm chúng sanh rõ ràng đầy đủ tham ái, vô minh. Nhưng khi gặp thiện hữu tri thức chân chánh, một niệm tương ưng, nhận được rồi liền lên chánh giác. Đâu chẳng phải là việc xuất thế không thể nghĩ lường?
CHÁNH VĂN:
Lại kinh nói: Chúng sanh thấy tánh thành Phật đạo. Long nữ trong khoảng chốc lát chóng phát tâm Bồ-đề, liền thành chánh giác. Lại khiến cho chúng sanh nhập Tri kiến Phật, nếu người không chịu đốn ngộ, Như lai sẽ gồm chung mà nói năm thừa. Nay đã không nói năm thừa, chỉ nói chúng sanh nhập Tri kiến Phật. Tóm lược nghĩa kinh này chỉ hiển bày đốn môn, ở nơi một niệm tương ưng, thật chẳng do cấp bậc từ từ. Người khéo tương ưng là thấy vô niệm. Người thấy vô niệm gọi là liễu Tự tánh. Người liễu Tự tánh gọi là không có sở đắc. Do người kia không có sở đắc, tức Như Lai thiền. Duy-ma-cật nói: Như con quán thật tướng sắc thân mình, quán Phật cũng vậy. Con quán Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại không trụ. Do không trụ tức Như Lai thiền.
GIẢNG:
Trước hết Ngài dẫn kinh Pháp Hoa nói về Long nữ, chỉ trong khoảng chốc lát phát tâm Bồ-đề liền thành chánh giác. Đó là việc không thể nghĩ bàn. Trong kinh Pháp Hoa lại chỉ cho chúng sanh nhập Phật tri kiến, chúng sanh nào không chịu theo đốn ngộ nhập Phật tri kiến thì Phật phải phương tiện nói Ngũ thừa. Chỉ đốn mà chúng sanh không thể đốn được thì Phật phải đi đường tiệm.
Nay đã không nói năm thừa, chỉ nói chúng sanh nhập Tri kiến Phật.
Thiền tông không nói theo thứ tự năm thừa, mà nói thẳng nhập Tri kiến Phật.
Tóm lược nghĩa kinh này chỉ hiển bày đốn môn, ở nơi một niệm tương ưng, thật chẳng do cấp bậc từ từ.
Như vậy chính trong kinh Pháp Hoa, đức Phật không nói Ngũ thừa, chỉ nói nhập Phật tri kiến. Để biết rằng người nhập Phật tri kiến là theo đốn ngộ. Muốn thế phải một niệm tương ưng. Người khéo được một niệm tương ưng là thấy được vô niệm.
Chúng ta có khả năng thấy được vô niệm không? Tất cả chúng ta ai cũng có khả năng đó hết. Lúc khởi niệm ta biết, khi hết niệm ta cũng biết. Hết niệm là vô niệm chớ gì. Thấy rõ nơi tâm rồi, chỉ cần khuếch trương cái thấy đó. Từ một điểm nhỏ khuếch trương lần lần thành lớn, từ một giây khuếch trương lần thành một phút, rồi hai phút, ba phút. Cho đến ngồi một giờ mà không có niệm nào hết thì thích biết mấy, vì lúc đó mình đang ở trong Niết-bàn rồi. Như vậy không cần rời sanh tử mà vẫn được Niết-bàn. Đốn ngộ là ở chỗ đó.
Người biết tu rồi thì việc làm không có gì ngăn trở hết. Bỏ niệm là quyền của mình, khởi nghĩ cũng quyền của mình. Như vậy chúng ta đủ tư cách để đi tới vô niệm. Vô niệm phút nào là Niết-bàn phút ấy. Thế thì có gì mà lo!
Cho nên ở đây Ngài nói thêm:
Người khéo tương ưng là thấy vô niệm. Người thấy vô niệm gọi là liễu Tự tánh. Người liễu Tự tánh gọi là không có sở đắc.
Liễu ngộ Tự tánh không hình không tướng, không diện mạo gì hết, chỉ là một thể trong sáng trùm khắp, cho nên nói không sở đắc.
Do người kia không có sở đắc, tức Như Lai thiền.
Ai tu không có sở đắc gọi là Như Lai thiền. Ở đây không khéo sẽ hiểu lầm Như Lai thiền với Tổ sư thiền. Khi dùng Như Lai thiền đối chiếu với Tổ sư thiền là muốn nói Như Lai thiền là Thiền nguyên thủy, vì do Phật dạy; còn Tổ sư thiền là Thiền đốn ngộ do chư Tổ dạy. Đó là so sánh giữa Như Lai thiền và Tổ sư thiền.
Ý đoạn này không phải như vậy. Người tu thiền đi thẳng tới chỗ giác ngộ chân thật, không qua thứ bậc gọi là Như Lai thiền. Muốn khỏi lầm ta nên gọi là “Như Lai tự tánh thanh tịnh thiền”. Như Lai tự tánh tức là Phật tự tánh, thanh tịnh thiền là thiền đốn ngộ. Người nào tu không có sở đắc là đi theo thiền đốn ngộ, còn gọi là Như Lai tự tánh thanh tịnh thiền.
Duy-ma-cật nói: Như con quán thật tướng sắc thân mình, quán Phật cũng vậy.
Ngài Duy-ma-cật quán thật tướng sắc thân của mình thế nào thì quán thật tướng sắc thân của Phật cũng vậy.
Con quán Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại không trụ. Do không trụ tức Như Lai thiền.
Như vậy ngài Duy-ma-cật chủ trương quán Thật tướng sắc thân mình và Phật cũng vậy. Thật tướng sắc thân mình và Thật tướng sắc thân Phật không khác. Quán Phật không có quá khứ, hiện tại, vị lai; tất cả đều không trụ. Thấy ba đời không thật, đó là Như Lai thiền.
CHÁNH VĂN:
Lại kinh nói: Tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn, Vô lậu trí tánh vốn tự đầy đủ, hoặc giả muốn khéo phân biệt tự tâm hiện cùng lý tương ưng, lìa năm pháp, ba tự tánh, lìa bát thức, hai vô ngã, lìa chấp trong chấp ngoài (nội kiến ngoại kiến), lìa hai pháp có không. Rốt ráo bình đẳng, lặng lẽ thường tịch, rộng lớn vô biên, thường hằng không biến hoại.
GIẢNG:
Ở đây nói cái dụng của thiền hay của Niết-bàn.
Tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn, Vô lậu trí tánh vốn tự đầy đủ, nghĩa là tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn, ai cũng có đầy đủ Vô lậu trí. Nói xưa nay là Niết-bàn mà bây giờ ai cũng than khổ quá, phiền não quá. Than khổ, than phiền não là Niết-bàn chưa? Như vậy trong kinh nói không đúng sự thật sao? Kinh nói không bao giờ sai sự thật. Tất cả chúng ta xưa nay Niết-bàn, đó là nói trên cái Tự tánh vô niệm. Ai cũng sẵn có vô niệm. Dấy niệm liền buông, buông rồi thì hết niệm, hết niệm tức là vô niệm. Vô niệm luôn sẵn có, là hiện tướng của Niết-bàn, chỉ vì chúng ta chạy theo niệm thành ra điên đảo.
Nếu biết niệm làm cho mình điên đảo, luân hồi trong lục đạo thì bỏ nó đi. Bỏ niệm là trở về với vô niệm, như sóng lặng thì trở về mặt biển bình yên. Chúng ta thấy biển nổi sóng, nhưng người trí nhìn xa biết thể của biển là thanh tịnh. Sóng chỉ là tướng vọng động tạm thời thôi, khi tướng vọng động dừng lại thì thể yên tịnh hiện bày.
Chúng ta cứ thấy tâm mình lăng xăng, lộn xộn rồi lo buồn, không biết bao giờ thành Phật? Tu mà không tin mình thành Phật thì tu làm gì cho uổng. Tu là để thành Phật, mà Phật ở sẵn nơi mình, chỉ đừng cho chúng ma quấy nhiễu thôi. Dẹp ma thì Phật hiện, ma còn quấy nhiễu hoài thì Phật không bao giờ hiện. Nên nhớ buồn, thương, giận, ghét là hiện tướng của ma, chúng ta phải loại bỏ nó ngay, đừng ôm ấp trong tâm nữa thì mới mong thành Phật được.
Động là dụng, còn thể là cái bất động. Chúng ta dẹp cái động để trở về thể. Thể là cái sẵn có, còn động là cái theo duyên. Ví như sóng nổi trên mặt hồ có chừng mực, nhưng mặt hồ thì trùm hết. Nếu gió dừng thì sóng tự lặng, sóng lặng rồi chỉ còn một mặt hồ thôi. Sóng là cái mới sanh, nhưng có lượn sóng nào không từ mặt hồ mà dấy lên? Còn cái phẳng lặng của mặt hồ luôn sẵn có.
Thấy rõ như vậy chúng ta mới có hướng tu. Bỏ cái phẳng lặng để giữ sóng được không? Bỏ cái phẳng lặng tức bỏ mặt hồ thì sóng cũng đâu còn. Nhưng bỏ những ngọn sóng dấy động, mặt hồ còn không? - Vẫn còn. Rõ ràng sóng tựa vào mặt hồ mà dấy. Khi gió nghiệp thổi sóng thức dấy lên thành ra đảo điên. Nếu ta cho sóng thức lặng xuống thì trở về Tự nhiên trí có sẵn của mình. Tìm ở đâu cho xa xôi!
Trên lý thật không xa, nhưng vì nghiệp duyên nhiều đời nhiều kiếp, chúng ta tích lũy quá đậm, cho nên thấy khó. Nên biết sóng trong tâm thức đâu phải tự nhiên dấy động, mà do gió nghiệp lùa đẩy. Khi nổi sóng ta cố kềm chế cho lặng, lặng rồi có ai đó chọc thì nổi sóng nữa, cứ vậy cả đời khổ nhọc. Bây giờ ta biết rõ sóng thức là tạm bợ, vô nghĩa, không cần dấy niệm. Gió nghiệp thổi cũng không thật luôn. Nhớ vậy nên cười thôi, gió nghiệp có xúc phạm tới danh dự của mình, ta cũng cười vì có thật đâu mà giận mà buồn. Được thế từ từ hết nghiệp thì Tâm thể phẳng lặng trở lại. Như vậy giải thoát nằm sẵn trong ta, chớ không ở đâu xa hết.
Tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn, Vô lậu trí tánh vốn tự đầy đủ, hoặc giả muốn khéo phân biệt tự tâm hiện cùng lý tương ưng, lìa năm pháp, ba tự tánh, lìa bát thức, hai vô ngã, lìa chấp trong chấp ngoài (nội kiến ngoại kiến), lìa hai pháp có không. Rốt ráo bình đẳng, lặng lẽ thường tịch, rộng lớn vô biên, thường hằng không biến hoại.
Chúng ta biết mình có đủ nào là Niết-bàn, nào là Vô lậu trí tánh. Nếu muốn khéo phân biệt nơi tự tâm hiện cùng lý tương ưng, thì chịu khó lìa năm pháp. Năm pháp là danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như, trong kinh Lăng-già có nói rõ. Lìa ba Tự tánh là Biến kế sở chấp tánh, Y tha khởi tánh, Viên thành thật tánh. Lìa bát thức là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, Mạt-na và A-lại-da thức. Lìa hai vô ngã là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Lìa chấp trong chấp ngoài là nội kiến và ngoại kiến. Lìa pháp có và không. Nếu lìa được tất cả những thứ đó thì rốt ráo bình đẳng, lặng lẽ, thường tịch, rộng lớn vô biên, thường hằng không biến hoại.
Nói gọn nhất là lìa hai bên như Lục Tổ đã dạy. Ai nói gì ta cũng đừng nghĩ phải, nghĩ quấy, đừng nghĩ khen nghĩ chê, thì mọi thứ đều an lành hết. Nếu được như vậy là tâm mình bình đẳng, lặng lẽ, thường tịch rộng lớn vô biên, thường hằng không biến hoại.
CHÁNH VĂN:
Vì cớ sao? Tự tánh vốn thanh tịnh, thể không thể được. Người thấy như thế tức được Bản tánh. Nếu người thấy Bản tánh tức sanh Như Lai địa. Người thấy như thế, lìa tất cả tướng, ấy gọi là chư Phật.
GIẢNG:
Tại sao lìa tất cả thì được thanh tịnh? Đơn giản quá! Vì “Tự tánh vốn thanh tịnh”, tánh mình vốn tự thanh tịnh. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ trong tâm mình ngàu đục, xấu xa đủ thứ hết. Nhưng thật ra những thứ đó đâu có sẵn trong tâm, vì ta đem vô, giữ lại thành thói quen, chớ nó không có sẵn. Cái sẵn của mình là tâm thanh tịnh, Tự tánh vốn thanh tịnh.
Thể không thể được, nói cho dễ hiểu là thể ấy không có tướng mạo. Tự tánh vốn thanh tịnh không có tướng mạo gì hết.
Người thấy như thế tức được Bản tánh.
Thấy được như vậy là nhận ra Bản tánh của chính mình rồi.
Nếu người thấy Bản tánh tức sanh Như Lai địa.
Người nào thấy được Bản tánh của mình, người ấy sẽ sanh ở đất Phật.
Người thấy như thế, lìa tất cả tướng, ấy gọi là chư Phật.
Như trong kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.” Người thấy như thế là lìa tất cả tướng, lìa tất cả tướng gọi là chư Phật. Như vậy đừng dính, đừng kẹt một tướng nào hết đó là Phật.
CHÁNH VĂN:
Người thấy như thế, vọng niệm như cát sông Hằng, đồng một lúc đều lặng lẽ. Người thấy như thế, công đức thanh tịnh như cát sông Hằng, cùng một lúc đồng đầy đủ.
GIẢNG:
Nếu người thấy được như vậy, vọng niệm nhiều như cát sông Hằng cũng có thể lặng lẽ hết, không khó chút nào.
Người thấy được như vậy công đức thanh tịnh như cát sông Hằng, cùng một lúc đồng đầy đủ.
Câu này hơi khó hiểu. Người ta thường nói “tích công lũy đức”, tức là làm việc tốt giúp người này, kẻ kia gọi là tích lũy công đức. Nhưng ở đây nói chỉ cần thấy được như vậy, công đức nhiều như cát sông Hằng một lúc đều đầy đủ, nghĩa là sao?
Thật ra không có gì lạ, bởi chúng ta tạo công đức sanh diệt, nên bòn mót từng chút, công đức đó gọi là phước đức. Do phước lành ta được công đức như vậy, đã tạo công đức trên cái sanh diệt thì nó cũng bại hoại theo cái sanh diệt. Còn nhận chân ra Bản thể thanh tịnh, trùm khắp, vô lượng vô biên của chính mình, từ Bản thể đó ứng hiện thì tất cả phước đức, công đức đều tự đầy đủ trong đó. Nên nói dạy một trăm người tu phước lành để đời sau hưởng, không bằng dạy một người tu, biết xa lìa tất cả phiền não để tiến tới Bồ-đề.
Cũng vậy, một người thể nhập được Như Lai thanh tịnh thiền hay là Phật tánh thì tất cả công đức đồng thời đầy đủ hết. Bởi vì không có công đức nào bì được với công đức không sanh, không diệt. Nói cho dễ hiểu, như chúng ta độ chúng sanh bằng cách dạy họ bỏ ác làm lành thì mình có phước, người tu theo cũng có phước. Nhưng phước đó được sanh ở cõi trời hoặc trở lại làm người là cùng. Khi hết phước cũng trở lại nữa, trở đi trở lại lên xuống mãi không cùng. Đó là vì tu tạo phước sanh diệt, nên còn giới hạn trong sanh tử.
Còn độ một người tu được giải thoát sanh tử thì phước được bao nhiêu? Vô lượng, không thể tính kể. Nên Phật không khuyên chúng ta lên cõi trời vì sợ hết phước cũng tuột xuống nữa. Chỉ ra khỏi sanh tử mới là cứu kính, là trên hết. Vì vậy đạo Phật là đạo giải thoát sanh tử, mục tiêu chính là chỗ đó. Ở đây nói người đạt được chỗ cứu kính thanh tịnh là trên hết, không gì sánh bằng. Vì vậy mọi công đức đều được đầy đủ.
CHÁNH VĂN:
Người thấy được như thế, gọi là pháp môn một chữ.
GIẢNG:
Pháp môn một chữ là chữ gì? Ở đây Ngài không nói chữ gì hết. Tôi tạm nói chữ “Tâm” hoặc chữ “Phật”.
CHÁNH VĂN:
Người thấy như thế, Lục độ viên mãn. Người thấy như thế, gọi là Trí vô lậu. Người thấy như thế, gọi là Pháp nhãn tịnh. Người thấy như thế, gọi là Vô sở đắc. Vô sở đắc là chân giải thoát.
GIẢNG:
Người thấy được chỗ chân thật của mình thì Lục độ viên mãn, tức đầy đủ công đức của Lục độ vạn hạnh.
Người thấy như thế gọi là Trí vô lậu, trí không còn đi trong sanh tử. Người thấy được như thế gọi là Pháp nhãn tịnh, tức là được con mắt pháp thanh tịnh. Người thấy được như thế gọi là Vô sở đắc. Vô sở đắc là không có gì để được. Nhưng có ai tu mà không muốn được đâu, ai cũng muốn được hết, vì vậy nên không được. Bởi vì còn có chỗ được thì còn chấp ngã chấp pháp. Pháp để được và ngã hay được. Chỗ đó không có gì để được, do không có gì để được gọi là chân giải thoát, còn có chỗ được là chưa giải thoát.
CHÁNH VĂN:
Chân giải thoát tức đồng Như Lai, tri kiến rộng lớn sâu xa, đều không sai khác. Người biết như thế, tức là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Người thấy như thế, phóng ánh sáng đại trí tuệ, chiếu soi khắp thế giới. Vì cớ sao? Vì thế giới tức là tâm, nói tâm ứng Chánh biến tri, đây chính là chỉ tâm không tịch, trọn không có niệm khác(1). Cho nên nói chiếu sáng khắp thế giới.
GIẢNG:
Chân giải thoát tức đồng Như Lai, nếu được chân giải thoát là đồng với Phật.
Người nào thấy như thế, thấy như thế là thấy làm sao? Thấy được Tự tánh mình vốn thanh tịnh. Người ấy sẽ có đủ tất cả các diệu dụng tri kiến rộng lớn sâu xa, đều không sai khác.
Người biết như thế, tức là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Người thấy như thế, phóng ánh sáng đại trí tuệ, chiếu soi khắp thế giới. Vì cớ sao? Vì thế giới tức là tâm.
Tại sao có đại trí tuệ chiếu soi khắp thế giới? Vì tâm trùm khắp thế giới, thế giới tức là tâm.
Nói tâm ứng Chánh biến tri, đây chính là chỉ tâm không tịch, trọn không có niệm khác. Cho nên nói chiếu sáng khắp thế giới.
Tâm không tịch là tâm rỗng lặng, không có niệm thứ hai, thứ ba. Tâm này chiếu khắp thế giới.
Tất cả công năng bất khả tư nghì gốc đều từ tâm không có giới hạn. Bản tâm chúng ta vốn thanh tịnh trùm khắp, không tướng mạo, luôn luôn trong sáng. Nếu nhận ra Bản tâm đó thì đầy đủ tất cả công đức, công đức nào chư Phật có chúng ta cũng có. Thế nên người tu muốn đạt được Phật quả, không gì khác hơn là sống được với Bản tâm thanh tịnh của chính mình. Muốn sống được với Bản tâm thanh tịnh ấy, trước phải đuổi hết tam bành lục tặc đi.
Chúng ta còn tam bành lục tặc không? Như mình đang nghe pháp, thấy thanh tịnh lắm. Nhưng bước ra khỏi cổng có ai chỉ mặt chửi mắng, lúc đó biết phàm hay Thánh ngay. Tam bành lục tặc nổi lên thì Thánh trốn mất. Nếu khéo đuổi bọn gian manh đó đi thì Thánh hiện tiền. Người hết tam bành lục tặc, đi đâu thiên hạ cũng xá vì là ông Phật con rồi. Người không đuổi tam bành lục tặc, mà cầu phép lạ nơi này nơi kia để thành Phật, chuyện này không bao giờ có. Hiểu như vậy rồi không ai dám thả trôi đời mình để chịu luân hồi sanh tử muôn kiếp.
CHÁNH VĂN:
Các người học đạo tâm không có xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Cũng không có ra vào, đến đi, gần xa trước sau, cũng không có tác ý, cũng không có chẳng tác ý. Nếu được như thế, gọi là tương ưng.
GIẢNG:
Tâm chân thật của chúng ta không có xanh, vàng, trắng, đỏ, đen; không có đến đi, không có trước sau, cũng không tác ý hay chẳng tác ý. Không tác ý là không dấy niệm. Vì sao cũng không chẳng tác ý? Vì thể vốn không động, nhưng dụng cần quán chiếu thì tác ý mới quán chiếu được, nên nói không tác ý cũng không chẳng tác ý.
Nếu được như thế, gọi là tương ưng.
Người nào được vậy là được tương ưng.
CHÁNH VĂN:
Nếu có xuất định, nhập định và tất cả cảnh giới, chẳng luận là thiện ác… đều không rời vọng tâm.
GIẢNG:
Ở đây nói đốn nên không đặt từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, mà phải đi thẳng trở về Tự tánh thanh tịnh thiền của chính mình. Vì vậy cũng không đặt vấn đề thiện ác, vì còn thiện ác là còn đối đãi, mà đối đãi tức là vọng tâm.
CHÁNH VĂN:
Tất cả đều có sở đắc, do có sở đắc nên đều là hữu vi, hoàn toàn không tương ưng.
GIẢNG:
Những gì còn hữu vi thì không tương ưng. Nhà Phật nói vật gì có sanh trụ diệt đều gọi là pháp hữu vi, không có sanh trụ diệt là pháp vô vi. Như vậy tất cả cảnh giới nhập định, xuất định hay thiện ác đều có sở đắc nên đều là hữu vi. Mà hữu vi thì chưa tương ưng với Thể bất sanh bất diệt vô sở đắc.
CHÁNH VĂN:
Nếu người quyết tâm tu chứng, đến chỗ ba quân, ngay lúc tiếp cận gươm đao, bị gươm đao chia cắt thân thể, vẫn thấy vô niệm, cứng như kim cang, mảy may chẳng động.
GIẢNG:
Điều này khó đây. Nghĩa là biết được vô niệm rồi thì đối với tất cả cảnh, không còn gì phải hồi hộp, lo sợ. Như vậy mới thật là được chỗ chân thật vô niệm.
CHÁNH VĂN:
Dù khiến chư Phật như hằng sa đến, cũng không có một niệm mừng. Dù gặp chúng sanh như hằng sa đồng thời đều bị tiêu diệt, cũng không khởi một niệm tâm bi. Đây là đại trượng phu, được tâm rỗng không bình đẳng.
GIẢNG:
Các tâm buồn, tâm mừng đều không còn nữa, lặng lẽ, thanh tịnh không dấy niệm, mới được gọi là bậc đại trượng phu.
CHÁNH VĂN:
Nếu có người ngồi “tâm si nhập định, trụ tâm khán tịnh, khởi tâm chiếu bên ngoài, nhiếp tâm lắng lặng bên trong”, đây là chướng Bồ-đề, chẳng cùng Bồ-đề tương ưng, do đâu có thể được giải thoát?
Giải thoát, Bồ-đề nếu như thế thì Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng, không bị ngài Duy-ma-cật quở. Ngài quở “không ở trong tam giới hiện thân ý, đó là ngồi yên”.
GIẢNG:
Tâm si nhập định là nhập định mà quên thân quên cảnh, không biết gì cả, đây gọi là si định. Trụ tâm khán tịnh là ngồi kềm tâm nhìn vào chỗ yên tịnh. Khán tịnh với nhìn vọng tưởng, hai thứ có khác nhau không? Trụ tâm khán tịnh là nhìn ở chỗ yên tịnh lặng lẽ và đem tâm kềm giữ chỗ yên tịnh lặng lẽ đó. Còn nhìn vọng tưởng là ngồi thấy vọng niệm khởi lên liền bỏ, không trụ tâm kềm một chỗ. Vì vậy hai việc khác nhau. Người trụ tâm kềm một chỗ thì dễ định, nhưng định đó do kềm chớ không phải tự nhiên.
Khởi tâm chiếu bên ngoài tức là khởi tâm quán vật quán người, vô thường bất tịnh v.v… Nhiếp tâm lắng lặng bên trong tức là nhiếp tâm kềm cho yên ở bên trong.
Đây là chướng Bồ-đề, chẳng cùng Bồ-đề tương ưng, do đâu có thể được giải thoát?
Chúng ta khi ngồi thiền thường mắc phải lỗi kềm tâm cho lắng lặng, ở đây gọi là nhiếp tâm lắng lặng bên trong. Như vậy là đè nén, không thoải mái, tự nhiên.
Khi nào các vọng tưởng vắng bặt, tâm tự lặng lẽ, đó mới là chân thật. Cho nên khi dấy niệm ta thấy, buông thôi thì trở về vô niệm, chớ không kềm đè gì cả. Nếu còn kềm đè bên trong là chưa trở về chỗ chân thật.
Không ở trong tam giới hiện thân ý, đó là ngồi yên, định của ngài Duy-ma-cật là cái định đó. Ở trong tam giới mà không hiện thân ý, nghĩa là sống trong cõi phàm tục này mà không dấy niệm chạy theo cảnh, theo người đó là không hiện thân ý. Được như vậy là ngồi yên, tuy nói ngồi yên nhưng vẫn đi đứng bình thường.
CHÁNH VĂN:
Chỉ trong tất cả thời thấy vô niệm, không thấy thân tướng, gọi là chánh định. Không thấy tâm tướng, gọi là chánh tuệ.
GIẢNG:
Chỉ trong tất cả thời thấy vô niệm, nghĩa là thấy tâm không có một niệm nào.
Không thấy thân tướng, gọi là chánh định. Không thấy tâm tướng, gọi là chánh tuệ.
Tâm lặng lẽ thanh tịnh, không thấy thân tướng tâm tướng, gọi là chánh định chánh tuệ.
CHÁNH VĂN:
(22) Ti hộ Nguyên Tư Trực ở Thường Châu hỏi rằng: Thế nào là không? Thế nào là chẳng không?
Đáp: Thể chân như không thể được gọi là không. Vì hay thấy Thể tánh không thể được, yên lặng thường tịch, mà có dụng như hằng sa, cho nên nói chẳng không.
GIẢNG:
Đây là câu hỏi chuyên về thiền.
Nguyên Tư Trực hỏi:
Thế nào là không? Thế nào là chẳng không?
Ngài đáp:
Thể chân như không thể được gọi là không.
Bởi vì nơi tâm tánh của chúng ta có phần sanh diệt và phần không sanh diệt. Phần sanh diệt gọi là vọng tưởng hay vọng tâm. Phần không sanh diệt gọi là Chân tâm hay Chân như. Phần sanh diệt có tướng mạo, hình bóng, còn phần không sanh diệt lặng lẽ, không hình tướng nên nói “Thể chân như không thể được”. Vì Thể chân như không tướng mạo nên gọi là không.
Ví dụ trong hư không có gió, có không khí. Tướng mạo của không khí như thế nào? Con mắt thường của chúng ta không thể thấy, không thể diễn tả được không khí nhưng nó vẫn có. Nếu nó không có chúng ta đã tắt thở mất rồi. Cũng vậy, Thể chân như hay Chân tâm của mình, là gốc của sự sống mà chúng ta không thấy. Bởi không thấy nên nói là không. Nói không là tại mắt không thấy, chớ không phải không có cái chân thật đó.
Mọi hoạt động tới lui, qua lại, ăn nói… của chúng ta đều mang tính chất biết, biết đó là tâm. Chúng ta cho rằng cái suy nghĩ mới là tâm, còn cái biết đi lại tới lui không suy nghĩ không phải là tâm. Như vậy là sai lầm. Nhớ hồi bé chúng ta mới biết đi, cha mẹ nói “thằng bé nó biết đi”. Đó là biết đi. Rồi lần lần bặp bẹ nói được, thì gọi là biết nói… rõ ràng có cái biết sẵn trong đó, chớ không phải vô tri.
Cái biết đó có suy nghĩ không? Không từ suy nghĩ mà được, bởi vì nó sẵn có, cho nên cái biết đó là Thể chân thật của chính mình. Còn cái biết do suy nghĩ, từ từ khôn lớn có học, có sự chỉ dạy là cái biết do huân tập từ bên ngoài vào, không phải là cái biết sẵn của mình.
Chúng ta lại nhận cái biết huân tập mà được là của mình, còn cái biết sẵn thì quên mất, tưởng nó không có. Đó là một lầm lẫn rất lớn. Nên ở đây giải thích:
Vì hay thấy Thể tánh không thể được, yên lặng thường tịch, mà có dụng như hằng sa, cho nên nói chẳng không.
Nó là không mà chẳng không. Không là không cái gì? Không tất cả tướng mạo, nhưng nó luôn hiện tiền trong mọi sanh hoạt, không thể tách rời được cho nên nói chẳng không. Nói rõ hơn trên thể thì không, mà trên dụng thì chẳng không.
CHÁNH VĂN:
(23) Pháp sư Nghĩa ở Tương Sơn hỏi: Tất cả chúng sanh đều có Chân như Phật tánh. Đến trong khoảng ấy có người được thấy, có người không thấy. Vì sao có sự sai biệt như thế?
Đáp: Chúng sanh tuy có tánh Chân như, cũng như ngọc ma-ni lớn tuy tánh nó chứa sáng, nhưng nếu không có người mài giũa, trọn không được trong sáng. Tướng sai biệt cũng lại như thế. Tất cả chúng sanh không gặp chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức giáo hóa khiến cho phát tâm, trọn không thể thấy. Tướng sai biệt cũng lại như thế.
GIẢNG:
Phật dạy tất cả chúng sanh ai cũng có Chân như, Phật tánh, không người nào thiếu. Tại sao có người thấy được, có người không thấy được?
Ngài giải thích tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Chân như. Tuy có Phật tánh, Chân như nhưng có người nhận ra được, có người không nhận ra được. Tại sao? Ví như có hòn ngọc lớn, trong đó có sẵn tánh chất sáng, nhưng nếu để bụi phủ, thì không thể chiếu sáng được. Người khôn ngoan dùng mọi phương tiện dẹp sạch bụi che đậy hoặc mài giũa những bợn nhơ cho sạch thì ánh sáng mới hiện. Như vậy khác nhau ở chỗ bị bụi phủ che hay được mài giũa.
Tất cả chúng ta ai cũng có Phật tánh, Chân như, nhưng vì phiền não phủ che nên không thấy được ánh sáng Phật tánh, Chân như. Người nào khéo mài giũa các lớp thô như tham, sân, si… các lớp tế như ngã mạn, ngã ái… Những lớp đó mài giũa sạch hết thì ánh sáng Phật tánh Chân như mới hiện bày.
Chúng ta tu mà không chịu dẹp tham, sân, si, không dẹp tất cả những buồn thương giận ghét, thì chừng nào thấy Phật tánh? Chắc không biết đến chừng nào. Biết rõ phiền não phủ che làm mất ánh sáng Phật tánh Chân như thì chúng ta phải ráng mài giũa nó mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Khi nào quên, phải nhờ thầy nhờ bạn mài giũa phụ. Tự mình không biết mài giũa mà không nhờ người chỉ dẫn, phụ giúp thì biết bao giờ mới sáng. Đó là ý nghĩa tu.
Cho nên ở đây nói:
Tất cả chúng sanh không gặp chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức giáo hóa khiến cho phát tâm, trọn không thể thấy được.
Nhờ Phật, nhờ Bồ-tát, nhờ thiện tri thức chỉ dạy giáo hóa, từ từ chúng ta mới phát tâm, mới thấy được cái chân thật đó. Các tướng sai biệt cũng đều từ đó mà ra.
CHÁNH VĂN:
(24) Pháp sư Nghĩa Văn(1) hỏi: Tuy có Chân như nhưng không có hình tướng, khiến chúng sanh làm sao được vào?
Đáp: Tánh của Chân như tức là Bản tâm. Tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm, tuy thuyết mà không có năng thuyết sở thuyết, ấy gọi là được vào.
GIẢNG:
Tất cả chúng sanh đều có tánh Chân như, nhưng Chân như không hình tướng, làm sao được vào? Ví dụ ngoài kia là sân, trong này là nhà. Muốn vào nhà phải qua cửa mới vào được, nếu nhà không cửa không vách làm sao vào? Câu hỏi rất có lý.
Ngài dạy, muốn vào đó phải như thế này:
Tánh của Chân như tức là Bản tâm.
Tánh Chân như là Bản tâm của mình, chớ không có gì lạ. Muốn vào Bản tâm này, thì đây:
Tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm, tuy thuyết mà không có năng thuyết sở thuyết, ấy gọi là được vào.
Sao niệm mà không có năng niệm sở niệm, thuyết mà không có năng thuyết sở thuyết? Khi chúng ta còn thấy đây là năng, kia là sở, tức còn hai bên thì vào không được. Muốn vào được Thể tánh Chân như phải đừng dính hai bên.
Bởi Chân như không tướng mạo, muốn vào ta cũng phải không tướng mạo. Còn năng thuyết sở thuyết, năng niệm sở niệm là còn tướng mạo, còn đối đãi, làm sao vào chỗ không tướng mạo được. Tánh chân thật sẵn đủ nơi mình, nhưng ta không thể nhập được là vì mắc kẹt trong đối đãi. Muốn đến chỗ không còn đối đãi thì tâm cũng phải hết đối đãi. Chân như là không hai, mà tâm còn hai thì làm sao nhập được.
Đọc đến đây tôi thông cảm đức Phật khi xưa vừa giác ngộ rồi, Ngài không chịu nói pháp, phải đợi chư thiên năn nỉ năm lần, bảy lượt mới chịu thuyết pháp độ sanh. Tại sao vậy? Chỗ này hồi xưa tôi cũng thắc mắc lắm. Nhưng bây giờ tôi mới thấy, bởi vì chỗ tuyệt đối đức Phật thấy được vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng sanh. Bây giờ chúng ta nói gì nghĩ gì cũng thuộc hai bên, phải quấy, đúng sai, hay dở, thương ghét… Tất cả đều hai bên hết. Chỗ cứu kính là không có hai bên, đem nói với người đang mắc kẹt hai bên làm sao họ hiểu. Vì vậy Phật làm thinh là phải rồi.
Khi được chư thiên thưa thỉnh quá, buộc lòng Ngài phải dùng phương tiện, mà phương tiện thì có hai bên. Bài pháp Tứ đế là bài pháp đầu tiên, đây là Khổ đây là đạo diệt khổ, tức hai bên. Đây là Tập, đây là diệt tập tức hai bên. Ban đầu từ hai bên dẫn dụ dần, còn đi thẳng ngay đến chỗ cứu kính, sợ chúng sanh không hiểu.
Chúng ta tụng Bát-nhã mỗi đêm, thấy rõ ràng mình chưa vượt qua khỏi. Ví dụ đối với pháp thế gian còn sai lầm, ta không quan trọng; nhưng những lời Phật chỉ dạy đúng lẽ thật, như Tứ đế là chân lý, tại sao Bát-nhã vẫn dạy không, “vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc…” Thế thì Khổ đế cũng không, Tập đế cũng không, Diệt đế cũng không, Đạo đế cũng không. Tại sao Phật lại phủ nhận điều Phật dạy, trong khi chúng ta cho đó là chân lý tuyệt đối?
Học đến đây chúng ta cũng hơi ngỡ ngàng, khó hiểu. Nhưng nhận ra rồi mới thấy lẽ đương nhiên là như vậy. Bởi vì pháp của Phật nói là thuốc để trị tâm bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có bệnh gì Phật dùng thuốc đó để trị. Mai kia bệnh chúng sanh lành rồi, thuốc đó cũng phải bỏ. Thuốc với bệnh là hai, tới chừng hết bệnh thuốc cũng phải bỏ, mới qua khỏi cái hai, nếu không thì mắc kẹt. Đó là ý nghĩa sâu xa lời Phật dạy, thâm trầm như vậy, nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu.
CHÁNH VĂN:
(25) Pháp sư Giản ở Lô Sơn hỏi: Thấy biết mà động lại đồng sanh diệt, nay tu pháp gì được không sanh diệt?
Đáp: Nay nói cái thấy vốn không sanh diệt. Nay nói sanh diệt là từ nơi người thấy sanh diệt. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt.
GIẢNG:
Hỏi thấy biết mà động lại đồng sanh diệt, nay tu pháp gì được không sanh diệt? Những gì còn động là còn sanh diệt. Bây giờ tu pháp gì để không sanh diệt?
Ngài trả lời:
Nay nói cái thấy vốn không sanh diệt. Nay nói sanh diệt là từ nơi người thấy sanh diệt. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt.
Chúng ta nhớ trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi A-nan “thấy không”, ngài A-nan trả lời “thấy”, Phật để tay xuống, hỏi “thấy không”, ngài A-nan trả lời “không thấy” liền bị Phật quở “quên mình theo vật”. Tại sao vậy? Tay là cảnh, là đối tượng của cái thấy. Khi tay đưa lên thì thấy có tay, để tay xuống thì thấy không có tay, chớ đâu phải không thấy. Cảnh có sanh có diệt, có hiện có ẩn nhưng cái thấy lúc nào cũng hiện tiền. Chúng ta chỉ thấy cảnh mà quên cái thật của mình. Hay thấy là cái thật của mình, còn cánh tay ở ngoài là cảnh, tay đưa lên hạ xuống là cảnh sanh diệt, còn cái hay thấy không có sanh diệt. Nếu mình chạy theo cảnh sanh diệt đó thì bị sanh diệt. Nếu mình luôn sống với cái hay thấy không sanh diệt, thì không bị sanh diệt.
Nay nói cái thấy vốn không sanh diệt, cái hay thấy đó không có tướng mạo nên không sanh diệt. Nay nói sanh diệt là từ nơi người thấy sanh diệt, sanh diệt là từ nơi người thấy pháp sanh diệt bên ngoài. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt. Không bị sanh diệt tức là không bị lệ thuộc vào tướng sanh diệt bên ngoài, lúc đó ta sống được với cái không sanh diệt. Đó là Ngài đã chỉ rõ quá rồi, đâu còn giấu giếm gì nữa. Chúng ta lâu nay quen, cứ có tiếng gọi là có nghe, không tiếng gọi là không nghe. Bởi vậy nên đức Phật mới quở “quên mình theo vật”.
Chúng ta tu thường bị mắc lỗi quên mình theo vật, cái thật thì bỏ quên, chạy theo vật sanh diệt ở ngoài. Cả thế gian cứ lầm lẫn như thế, quên cái thật của mình, lệ thuộc vào cảnh giả bên ngoài. Cho nên ở đây Ngài nói hết sức đơn giản, mà rất là sâu xa. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt, là nếu không chạy theo tướng sanh diệt tức là không sanh diệt.
Chúng ta đuổi theo cái sanh diệt thì nhắm mắt sẽ đi trên đường sanh diệt, không nghi ngờ tí nào hết. Nếu không chạy theo cái sanh diệt, biết sống với cái thật của mình thì cái gì lôi ta đi trong sanh diệt được? Ai tu cũng muốn hết sanh tử, mà cứ đuổi theo sanh diệt hoài, chừng nào mới hết? Tại chúng ta dùng cái thấy nghe đuổi theo pháp sanh diệt cho nên bị sanh diệt. Bây giờ không đuổi theo pháp sanh diệt nữa thì hết sanh diệt. Như mình đang đi trên đường, có người nói cuối đường là hố sâu, nghe như vậy ta dừng lại hay không? Bước nữa thì sụp hố. Người ta đã báo trước, dừng lại khỏe ru không tốn chút mồ hôi nào, tại sao ta không dừng? Chúng sanh thật là lạ lùng chứ!
Tu không phải khó, mà khó là tại vì mình không dừng được tâm điên đảo đuổi theo bên ngoài. Dừng không được nên rồi cứ khổ, nếu dừng được thì hết khổ ngay. Dừng và đuổi theo, chúng ta đều trọn quyền, không ai bắt ép cả. Tại ta không chịu làm, rồi cứ kêu trời kêu Phật cứu con. Cứu sao được, đường nguy hiểm đã cảnh cáo rồi, cứ cắm đầu đi lại còn kêu cứu! Bởi vậy chư Phật thấy mình đáng thương quá, thương vì ngu chớ không gì lạ.


(1) Bản Hồ Thích chép: vu thủ chi vu tác nhi.
(1) Hai câu nầy e có sai lầm, bản của Hồ Thích không có mười chữ “ngôn tâm ứng chánh biến tri, thử giả chánh tâm”.
(1) Bản Hồ Thích chữ Văn là Viên.