Bát chánh đạo

Bát chánh đạo
Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tin Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định,.....Ngài trao cho chúng ta một cẩm nang, mà Ngài đã tóm tắt trong Bát Chánh Đạo, để ta được hạnh phúc trọn vẹn. Chỉ cần những cố gắng nhỏ để áp dụng tám bước này vào đời sống cũng sẽ mang đến cho ta hạnh phúc.............

BÁT CHÁNH ĐẠO 
Con Đường Đến Hạnh Phúc


Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh


---o0o---


 

 

Mục Lục

Về Tác Giả

Lời Người Dịch

Lời Nói Đầu

Bước 1 - Chánh Kiến

Bước 2 - Chánh Tư Duy

Bước 3 - Chánh Ngữ

Bước 4 - Chánh Nghiệp

Bước 5 - Chánh Mạng

Bước 6 - Chánh Tinh Tấn

Bước 7 - Chánh Niệm

Bước 8 - Chánh Định

Lời Kết

Hiệu Đính & Tài Liệu Tham Khảo


---o0o---

 

Về Tác Giả

Thiền Sư Henepola Gunaratana xuất gia năm mười hai tuổi ở Malandeniya, Tích Lan. Năm 1947, ở tuổi hai mươi, ngài thọ giới trọng ở Kandy. Ngài đã theo học tại trường Đại học Cộng Đồng Vidyasekhara (Vidyasekhara Junior College) ở Gumpaha, đại học Vidyalankara ở Kelaniya và trường đại học Truyền Giáo Phật giáo (Buddhist Missionary College) ở Colombo. Sau đó Sư chuyển đến Ấn Độ để làm nhiệm vụ truyền giáo trong thời gian năm năm cho hội Mahabodhi, phục vụ người Harijana (thuộc giai cấp hạ tiện) ở Sanchi, Delhi, và Bombay. Sau đó Sư trải qua 10 năm truyền giáo ở Malaysia, làm nhiệm vụ của người cố vấn tôn giáo cho Hội Sasana Abhivurdhiwardhana, Hội Truyền Giáo Phật giáo, và Liên Đoàn Thanh Niên Phật Giáo (Buddhist Youth Federation) ở Malaysia. Sư là giảng sư ở trường Kishon Dial và trường Temple Road Girls, và là viện trưởng của viện Phật Học ở Kuala Lumpur.

Theo lời mời của Hội Sasana Sevaka, Sư sang Mỹ năm 1968 để làm tổng thư ký cho Hội Chùa Phật giáo (Buddhist Vihara Society) ở Washington, D.C. Vào năm 1980, Sư được bầu làm chủ tịch của Hội. Trong những năm ở Vihara, từ 1968 đến năm 1988, Sư đã dạy nhiều khóa giáo lý, tổ chức các khóa an cư tu thiền và đi thuyết pháp khắp nơi trong nước Mỹ, Canada, Âu Châu, Úc, Tân Tây Lan, Phi Châu, và Á Châu. Ngoài ra, từ năm 1973 tới năm 1988 thiền sư Gunaratana đã giữ chức vụ là tuyên úy Phật giáo ở đại học American.

Sư cũng đã hoàn tất việc học vấn của mình với bằng tiến sĩ về triết học ở đại học American. Sư đã dạy nhiều khóa về Phật giáo ở đại học American, đại học Georgetown, và đại học Maryland. Nhiều sách và bài viết của Sư đã được xuất bản ở Malaysia, Ấn Độ, Tích Lan, và Mỹ. Quyển sách Căn Bản Chánh Niệm (Mindfulness in Plain English) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành trên toàn thế giới. Một bản dịch tiếng Thái đã được chọn để sử dụng trong chương trình học bậc trung học ở khắp Thái Lan.

Từ năm 1982 thiền sư Gunaratana đã giữ chức vụ Chủ Tịch của Hội Bhavana, một tu viện và cũng là trung tâm tu thiền ở một khu rừng của miền Tây Virginia (gần thung lũng Shenandoah), mà Sư đã cùng với Matthew Flickstein thành lập. Thiền sư Gunaratana hiện trú xứ ở Hội Bhavana, nơi Sư thường tổ chức các lễ thọ giới xuất gia, dạy dỗ tăng ni, và tổ chức các khóa tu thiền cho cư sĩ. Sư thường đi hoằng pháp và hướng dẫn tu thiền khắp nơi trên thế giới.

Vào năm 2000, thiền sư Gunaratana đã được đại học Vidyalankara tặng thưởng huân chương vì những thành tựu vượt bực trong cuộc đời của Sư.

-ooOoo-
 

Lời Cảm Tạ Của Tác Giả
 

Quyển sách này sẽ không thành hình nếu không có sự tác động cuả bạn tôi, Douglas Durham, người đã ghi lại các bài giảng của tôi, để tạo ra bản thảo đầu tiên. Tôi cảm tạ ông về những công sức đã đóng góp.

Tôi cũng hàm ơn đệ tử Samaneri Sudhamma (có nghĩa là "Pháp Lành" ) đã duyệt lại bản thảođể làm rõ hơn Pháp chân thật của quyển sách.

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đến các nhà biên tập, Brenda Rosen và John LeRoy, và người sắp mục lục, Carol Roehr.

Cuối cùng tôi xin cảm ơn tất cả những thiền sinh có mặt tại Hội Bhavana, những người đã kiên nhẫn chịu đựng sự vắng mặt lâu ngày của tôi khi tôi bận viết quyển sách này. Nguyện cho tất cả đều được phần công đức của quyển sách nhỏ khi nó đến được với bao người đang đi tìm hạnh phúc.
 

Bhante Gunaratana
 

-ooOoo-
 

Lời Người Dịch

Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.

Bát Chánh Đạo, một phần giáo lý cơ bản của Đức Phật mà gần như Phật tử nào dầu vừa bước chân đến với Đạo cũng phải biết qua. Vậy thì Bát Chánh Đạo dưới cái nhìn của một thiền sư tu chứng như Sư Bhante H. Gunaratana, sẽ thế nào? Ta có thể học được gì thêm? Đó có lẽ cũng là ý nghĩ mạo muội của tôi khi bắt tay dịch quyển Eight Mindful Steps to Happiness.

Nhưng từng trang, từng trang, từng bước, từng ngành của Bát Chánh Đạo đã được Thiền sư giảng giải cặn kẻ đến từng chi tiết, thấu đáo với bao thí dụ, mà lại giản đơn gần gủi biết bao.Ngồi đọc mà tôi như hình dung thấy khuôn mặt hiền từ của Thiền sư đang ở trước mặt, nhẹ nhàng hỏi: "Con đã hiểu chưa? Con đã hiểu chưa?". Thiền sư như không hề mệt mỏi khi phải nhắc đi nhắc lại cho độc giả giáo lý phải nắm, những việc phải làm để đạt được giải thoát.Phải thực hành! Phải áp dụng những giáo lý đã học! Phải đến để mà thấy! Những lời nhắc nhở không bao giờ thừa đối với tôi, một Phật tử còn nhiều giải đãi. Quyển sách đã đem lại nhiều ích lợi cho tôi. Mong rằng nó cũng giúp ích cho bạn.

Con xin đảnh lễ để tạ ơn Thiền sư Bhante H. Gunaratana đã viết quyển sách công phu này. Xin cảm ơn Tim McNeill và Deje Zhoga ở nhà xuất bản Wisdom Publications luôn tạo cơ hộiđể chúng tôi được phép dịch các sách về Phật giáo. Cảm ơn em Trần Kim Mẫn đã chăm chỉ đánh máy bản dịch nháp. Và xin cảm ơn tất cả những người tử tế trong gia đình, cũng như ngoài xã hội đã giúp tôi một cách trực tiếp hay gián tiếp để hoàn thành bản dịch. Bản dịch này vẫn còn nhiều sai sót, dĩ nhiên là từ sự yếu kém của bản thân người dịch, mong các bậc tôn sư, quý thầy cô, đạo hữu, độc giả chỉ bày thêm.

Nhân mùa Vu Lan, nguyện đem công đức này hồi hướng cho Ngoại, cho cha mẹ, cho chị Từ An Lý Thu Cúc, những thân quyến, bằng hữu đã mất, đệ tử và tất cả chúng sanh. Nguyện đời đời, kiếp kiếp được đi theo dấu chân Phật.

Diệu Liên Lý Thu Linh
Ltl3107@yahoo.com 
Tháng 8-2007


-----ooOoo-----


Lời Nói Đầu

Ngay sau khi quyển Mindfulness In Plain English (Căn Bản Chánh Niệm)[i] được phát hành, một số bạn bè và đệ tử của tôi đã yêu cầu tôi viết thêm một quyển sách nữa về conđường đi đến hạnh phúc của Đức Phật một cách thật đơn giản. Quyển sách này là kết quả của lời yêu cầu đó.

Quyển Căn Bản Chánh Niệm (Mindfulness In Plain English) là một quyển sách hướng dẫn thiền, một cẩm nang cho những ai thực hành thiền chánh niệm. Tuy nhiên chánh niệm chỉ là một phần trong giáo lý của Đức Phật. Chánh niệm có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, nhưng Đức Phật còn ban cho ta nhiều hơn thế nữa. Ngài trao cho chúng ta một cẩm nang, mà Ngài đã tóm tắt trong Bát Chánh Đạo, để ta được hạnh phúc trọn vẹn. Chỉ cần những cố gắng nhỏ để áp dụng tám bước này vào đời sống cũng sẽ mang đến cho ta hạnh phúc. Những cố gắng quyết liệt hơn sẽ chuyển hóa được ta và đưa ta đến những trạng thái hạnh phúc nhất, sảng khoái nhất mà ta có thể đạt được. Bát Chánh Đạo rất dễ nhớ, nhưng ý nghĩa của chúng thâm sâu và đòi hỏi một sự hiểu biết về nhiều lãnh vực liên quan trong giáo lý của Đức Phật. Ngay chính với những người đã biết qua Bát Chánh Đạo cũng có thể không nhận ra nó quan trọng như thế nào đối với tổng thể những lời dạy của Đức Phật, hay họ có thể ứng dụng chúng như thế nào trong việc tu tập. Giống như trong quyển Căn Bản Chánh Niệm (Mindfulness In Plain English), tôi đã cố gắng để trình bày giáo lý này một cách đơn giản để bất cứ ai cũng có thể thực hành tám bước này trong đời sống hằng ngày của họ.

Tôi khuyên là bạn không nên đọc quyển sách này như một quyển tiểu thuyết hay như một tờ báo. Tốt hơn hết là trong lúc đọc, bạn hãy luôn tự hỏi mình, "Tôi có hạnh phúc không?" và tìm hiểu về những gì bạn đã khám phá được. Đức Phật khuyên chúng ta hãy đến để thấy. Ngài khuyên tất cả chúng ta hãy quán sát bản thân, hãy trở về nhà, hãy làm quen, hãy đến gần hơn với thân và tâm, và quán sát chúng. Đừng để mình lạc vào trong các quan điểm, giả định về cuộc đời, hãy cố gắng khám phá xem điều gì đang thực sự xảy ra.

Chúng ta rất thích thu thập tài liệu, cất giữ thông tin. Có lẽ bạn đã chọn quyển sách này để có thêm thông tin. Nếu bạn đã đọc qua các quyển sách Phật giáo phổ thông, hãy dừng lại và tự hỏi bạn mong đạt được điều gì từ quyển sách này. Có phải bạn chỉ muốn chứng tỏ với người khác về sự thông thái của mình trong lãnh vực Phật giáo? Hay bạn hy vọng có thể đạt được hạnh phúc qua tri thức về giáo lý của Đức Phật? Chỉ có tri thức sẽ không giúp bạn tìm được hạnh phúc.

Nếu bạn đọc những gì tiếp theo đây với lòng mong muốn đem những lời dạy của Đức Phật về con đường đưa đến hạnh phúc vào thực hành -để thực sự thể nghiệm những lời dạy của Ngài, hơn là một sự hiểu biết tri thức- thì lúc đó những lời dạy rất đơn giản nhưng thâm sâu của Đức Phật sẽ trở nên rõ ràng. Dần dần, sự thật tuyệt đối về tất cả các pháp sẽ hiển bày ra cho bạn. Và dần dần bạn sẽ khám phá ra hạnh phúc lâu dài mà sự hiểu biết toàn vẹn về chân lý có thể mang đến cho bạn.

 

[i] . Mindfulness In Plain English (Chánh Niệm - Thực Tập Thiền Quán, dịch giả Nguyễn Duy Nhiên).

Nếu bạn cảm thấy khó chịu hay khổ đau về những gì bạn đọc trong quyển sách này thì phải tìm hiểu tại sao. Hãy nhìn vào bên trong. Hãy tự hỏi điều gì đang xảy ra trong tâm bạn. Hãy tự hỏi tại sao. Đôi khi chúng ta cảm thấy khó chịu khi ai đó cho ta biết rằng chúng ta vụng về như thế nào. Bạn có thể có rất nhiều thói quen xấu và những chướng ngại khác khiến bạn không được hạnh phúc. Bạn có muốn tìm hiểu về chúng và thay đổi chúng không?

Thông thường chúng ta có thể bực bội về những điều rất nhỏ mọn rồi đổ thừa cho một việc gìđó hay ai đó -một người bạn, thư ký, ông xếp, hàng xóm, con cái, anh chị em, cha mẹ hay chính phủ. Ta thất vọng khi không có được điều mình muốn hay đánh mất cái mà ta trân quý. Chúng ta mang trong tâm một loại "tâm lý bực dọc" -nguồn gốc của phiền não- dễ bị hoàn cảnh hay suy nghĩ của ta kích động. Rồi ta khổ đau, và tìm cách ngăn chặn khổ đau bằng cách cố gắng đổi thay cả thế giới. Có một câu chuyện cổ xưa về người đàn ông muốn phủ cả thế giới với thuộc da để ông có thể đi trên mặt đất một cách êm ái. Ông ta không biết rằng làm một đôi giày da để mang, sẽ dễ hơn biết bao. Tương tự, thay vì tìm cách chế ngự cả thế giới để được hạnh phúc, thì hãy cố gắng tu sửa để giảm bớt các tâm lý bực dọc của chúng ta.

Nhưng bạn phải thật sự tu sửa mình, không chỉ đọc hay suy tư về điều đó. Ngay cả việc hành thiền cũng không ích lợi chi nhiều nếu bạn không hành trì suốt trọn con đường -nhất là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển chánh kiến, tạo ra những cố gắng mạnh mẽ, sáng suốt và thực hành chánh niệm liên tục. Nhiều người ngồi trên gối thiền hàng giờ với tâm trí đầy đau khổ, sân hận, lo âu hay vọng tưởng. Rồi họ lại nói, "Tôi không thể thiền, tôi không thể chú tâm". Đó là vì bạn vẫn mang cả thế giới trên vai khi tọa thiền, và bạn không muốn đặt nó xuống.

Tôi nghe rằng một đệ tử của tôi đang vừa đi vừa đọc quyển Căn Bản Chánh Niệm (Mindfulness in Plain English). Anh ta không chánh niệm mình đang ở đâu và đã bị xe tông! Lời gọi mời của Đức Phật rằng chúng ta hãy đến để thấy, đòi hỏi ta phải thực hiện những gì tađã đọc ở đây. Hãy thực hành Bát Chánh Đạo của Đức Phật ngay cả khi bạn đang đọc chúng. Đừng để những khổ đau làm bạn tăm tối.

Nếu như bạn có đọc quyển sách này hàng trăm lần, nó cũng không giúp được gì cho bạn trừ khi bạn ứng dụng những điều được viết ra đây. Chắc chắn rằng quyển sách này sẽ thật hữu ích nếu bạn hết lòng thực hành, quán sát thấu đáo những khổ đau và tự nguyện làm bất cứđiều gì để đạt đến được hạnh phúc lâu dài.

---o0o---
 

Sự Khám Phá của Đức Phật 
 

Những tiến bộ kỹ thuật ào ạt. Vật chất tăng trưởng. Sự căng thẳng. Cuộc sống và công việc chịu nhiều áp lực vì những đổi thay chóng mặt. Có phải đó là ở thế kỷ hai mươi mốt? Không,đó là thế kỷ thứ sáu trước công nguyên -khoảng thời gian của những cuộc chiến tranh tàn sát, kinh tế hỗn loạn và sự xáo trộn những nếp sống đã được hình thành, giống như ngày nay. Trong những điều kiện tương tự như của chúng ta, Đức Phật đã khám phá ra con đường đưa đến hạnh phúc dài lâu. Khám phá này của Ngài -một phương pháp rèn luyện tâm từng bước từng bước để đạt được sự tự tại – là điều quan trọng hôm nay cũng như ở bất cứ lúc nào.

Nhưng đem ứng dụng những khám phá của Đức Phật không phải là điều dễ dàng. Nó có thể kéo dài hàng năm. Yếu tố quan trọng nhất lúc bắt đầu là một ý chí mãnh liệt muốn thay đổi cuộc đời của bạn bằng cách chấp nhận những thói quen mới và tập nhìn thế giới một cách khác.

Mỗi bước trên con đường đến hạnh phúc của Đức Phật đòi hỏi ta phải thực hành chánh niệm cho đến khi nó trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của ta. Chánh niệm là cách bạn tập cho mình trở nên ý thức về sự việc như chúng thực sự là. Với tâm luôn chánh niệm, bạn tiến lên qua tám bước đã được Đức Phật đặt ra hơn hai ngàn năm trăm năm trước -một sự rèn luyện nhẹ nhàng, từng bước để tận diệt khổ đau.

Ai là người muốn rèn luyện như thế? Câu trả lời là bất cứ ai đã quá mỏi mệt với những khổđau trong đời. "Cuộc sống của tôi như thế này là tốt rồi. Tôi thấy đủ hạnh phúc rồi,” bạn có thể nghĩ như thế". Bất cứ cuộc đời nào cũng có những phút giây tự tại, những phút giây của hỷ lạc. Nhưng về mặt khác thì sao, phần mà bạn không muốn nghĩ đến khi mọi thứ không diễn ra một cách tốt đẹp? Những thảm hoạ, sự nuối tiếc, thất vọng, những đau đớn thể xác, sự buồn chán, cô đơn, hối hận, những cảm giác ray rức khi nghĩ rằng có thể có một cái gì đó tốt hơn thế. Những điều này cũng xảy ra, có phải không? Hạnh phúc mong manh của chúng ta tùy thuộc vào sự việc xảy ra theo một cách nào đó. Nhưng cũng có một điều khác nữa: một thứ hạnh phúc không tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường đi đến sự hạnh phúc toàn vẹn đó.

Nếu bạn sẵn lòng làm bất cứ điều gì để tìm được con đường thoát khỏi khổ đau -và điều đó có nghĩa là phải đối mặt với những cội rễ của tham, sân ngay tại đây, ngay giây phút này- thì bạn có thể đạt được ý nguyện. Ngay nếu như bạn chỉ là một người đọc tình cờ, thì những lời dạy này cũng có thể hữu ích cho bạn, nếu như bạn sẵn lòng thực hành những gì bạn thấy có ý nghĩa. Nếu bạn nhận thấy điều gì đó đúng, thì đừng bỏ qua. Hãy hành động!

Điều này nói thì dễ, nhưng thật ra không có gì khó hơn. Khi bạn tự nhủ rằng, "Tôi phải chuyển hóa để được hạnh phúc hơn" – không phải vì Đức Phật đã nói thế, mà vì trái tim bạn nhận rađược một chân lý thâm sâu- thì bạn phải dốc hết sức lực để chuyển đổi. Bạn cần có quyết tâm mạnh mẽ để chế ngự những thói quen xấu.

Và phần thưởng dành cho bạn là hạnh phúc – không chỉ cho hôm nay mà còn là mãi mãi.

Hãy bắt đầu. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xét xem hạnh phúc là gì, tại sao nó quá khó nắm bắt, và ta phải làm thế nào để bắt đầu cuộc hành trình trên con đường tiến đến hạnh phúc củaĐức Phật.

---o0o---
 

Ý Nghĩa Của Hạnh Phúc
 

Ước muốn được hạnh phúc không xa lạ với chúng ta, nhưng nó vẫn luôn xa rời chúng ta.Được hạnh phúc có nghĩa là gì? Chúng ta thường tìm cách hưởng thụ dục lạc như ăn ngon hay giải trí, vì chúng đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Nhưng có thứ hạnh phúc nào vượt lên trên những giây phút khóai lạc chóng qua đó không?

Nhiều người cố gắng xâu chuỗi lại thật nhiều những phút giây sung sướng, dễ chịu để họ có thể gọi đó là một cuộc sống hạnh phúc. Lại có người cảm nhận được sự giới hạn của dục lạc tầm thường, đã đi tìm một thứ hạnh phúc lâu dài hơn với những tiện nghi vật chất, đời sống gia đình yên ổn. Tuy nhiên các nguồn hạnh phúc đó cũng có những giới hạn của chúng. Khắp thế giới nhiều người sống trong sự đau khổ vì đói; những nhu cầu căn bản như được mặc, được ở của họ không được đáp ứng; họ phải chịu đựng mối đe dọa thường xuyên của bạo lực. Cũng dễ hiểu thôi khi những người này tin rằng sự thoải mái vật chất sẽ mang đến cho họ hạnh phúc. Ở Mỹ, sự phân chia của cải vật chất không đồng đều có thể khiến nhiều người sống trong nghèo khó, nhưng sự đói khổ hay thiếu thốn như ở các quốc gia khác trên thế giới thì ít thấy. Mức sống của phần lớn công dân Mỹ rất cao. Vì thế người dân ở các quốc gia khác thường nghĩ rằng người Mỹ phải là những người hạnh phúc nhất trên thế gian.

Nhưng nếu đến được Mỹ, họ sẽ nhìn thấy gì? Họ sẽ nhận thấy rằng người Mỹ luôn bận rộn -vội vã đến điểm hẹn, luôn nói chuyện trên di động, bận rộn mua sắm thực phẩm, áo quần, làm việc rất nhiều giờ trong văn phòng hay các xưởng thợ. Tại sao họ phải vội vã điên cuồng như thế?

Câu trả lời rất đơn giản. Đó là dầu người Mỹ dường như có tất cả, họ vẫn rất khổ đau. Và chính họ cũng cảm thấy hoang mang vì điều này. Tại sao khi đã có cuộc sống gia đình ấm êm, công việc đảm bảo, nhà cửa khang trang, đời sống nhiều chọn lựa, tiền bạc đầy đủ- mà họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc? Họ nghĩ rằng chỉ có thiếu thốn những thứ trên mới khiến người ta đau khổ. Trái lại, được sở hữu, được xã hội công nhận, có tình thương của bạn bè, gia đình, và những sự thoải mái, thì ắt phải được hạnh phúc. Vậy thì tại sao, người Mỹ cũng như bao người khác ở khắp mọi nơi, thường cảm thấy đau khổ?

Hình như ngay chính những điều mà ta nghĩ sẽ mang hạnh phúc đến cho ta, thực ra lại là nguồn gốc của khổ đau. Tại sao? Vì chúng không trường tồn. Các mối liên hệ rồi sẽ tan vỡ,đầu tư có thể thất bại, người ta mất việc, con cái lớn lên rồi rời xa gia đình, và các cảm giác bằng lòng, thỏa mãn có được từ việc sở hữu những thứ vật chất xa hoa cũng như những giây phút khóai lạc, sung sướng, tốt lắm thì cũng chỉ là thoáng chốc. Vô thường có mặt ở khắp nơi quanh ta, đe doạ ngay chính những thứ mà ta nghĩ rằng ta cần để có được hạnh phúc.

Một điều nghịch lý là chúng ta càng có nhiều, thì ta càng có thể đau khổ nhiều hơn.

Ngày nay con người càng có nhiều đòi hỏi tinh tế hơn, điều đó đúng, nhưng dầu họ có bao nhiêu thứ vật chất của cải đẹp đẽ, đắt tiền, họ vẫn muốn hơn thế nữa. Và nền văn hóa tân tiến càng củng cố thêm lòng tham muốn này. Những gì bạn thật sự cần để được hạnh phúc, theo như các quảng cáo trên truyền hình hay trên những tấm biển quảng cáo nói, là phải có chiếc xe hơi mới sáng chói này, phải có chiếc máy vi tính siêu nhanh này, một chuyến nghĩ hè ở Hawaii đầy nắng. Và những thứ đó cũng có vẻ được như thế thật, nhưng một cách ngắn ngủi. Người ta thường lầm tưởng cảm giác phấn chấn, hào hứng, có được từ việc sở hữu một món đồ mới này hay những giây phút khóai lạc, là hạnh phúc. Nhưng sau đó những ham muốn khác lại trỗi dậy. Khi màu da rám nắng đã phai, khi chiếc xe mới đã bị trầy thì họ lại nghĩ đến những cuộc mua sắm khác. Việc họ không ngừng kéo nhau đến các khu thương xá mua sắm khiến họ không thể khám phá ra suối nguồn của hạnh phúc thật sự.

---o0o---
 

Nguồn Hạnh Phúc.
 

Đức Phật đã miêu tả một số loại hạnh phúc, xếp chúng theo thứ tự từ cái tầm thường nhất cho đến cái cao thượng nhất.

--o0o---
 

Hạnh Phúc Thấp Kém Của Sự Bám Víu
 

Đức Phật xếp gần như tất cả những gì mà phần đông chúng ta gọi là hạnh phúc vào loại thấp nhất. Ngài gọi đó là " hạnh phúc của dục lạc." Chúng ta cũng có thể gọi nó là "hạnh phúc của những điều kiện dễ chịu” hay “hạnh phúc của sự bám víu.” Nó bao gồm tất cả những thứ hạnh phúc thế tục chóng qua có được từ sự đắm chìm trong dục lạc, những sự thỏa mãn thân xác và vật chất: hạnh phúc được sở hữu của cải, áo quần thời trang, xe mới, nhà sang; sự hưởng thụ từ việc được nhìn cảnh đẹp, thưởng thức âm nhạc, món ăn đồ ngon, và những cuộc chuyện trò thú vị; sự thỏa mãn vì có tài hội hoạ, chơi đàn, hay những thứ đại loại như thế; và hạnh phúc đến từ việc chia sẻ một cuộc sống gia đình đầm ấm.

Chúng ta hãy nhìn thấu đáo hơn về hạnh phúc của dục lạc. Trạng thái thấp kém nhất của nó là sự hoàn toàn đắm chìm trong ngũ dục. Tệ nhất là khi quá đắm chìm trong trạng thái này có thể đưa đến sự trụy lạc, đồi bại và lệ thuộc. Có thể dễ dàng nhận ra rằng sự đắm chìm trong ngũ dục không phải là hạnh phúc, vì trạng thái khóai lạc nhanh chóng qua đi, và còn có thể để lại cho người ta một cảm giác chán chường, hối tiếc.

Đức Phật đã dạy rằng khi con người trưởng thành về mặt tâm linh, họ sẽ hiểu rằng trên đời có nhiều thứ cao quý hơn là ngũ dục. Ngài dùng hình ảnh của một đứa bé yếu đuối bị trói buộc bởi những sợi dây mong manh ở năm điểm: hai cùm tay, hai cẳng chân, và cổ họng. Cũng giống như năm sợi dây này – ngũ dục- có thể trói buộc một đứa bé nhưng không thể làm gìđối với người trưởng thành, vì họ có thể dễ dàng bức thoát ra, vì thế một người có chánh niệm sẽ không bị dính mắc vào ý nghĩ muốn chìm đắm trong ngũ dục, để họ có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc. (TBK 80)

Tuy nhiên, có những hạnh phúc thế tục vượt trên các dục lạc tầm thường. Như là thú đọc sách, xem phim, hay những hình thức giải trí khác nhằm làm phấn chấn tinh thần. Hay những niềm vui thế tục cao cả như là giúp đỡ người, duy trì một gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng con cái, cũng như kiếm sống một cách lương thiện.

Đức Phật cũng nhắc đến một vài loại hạnh phúc được chấp nhận hơn. Đó là cảm giác hạnh phúc, tự tại bạn có được khi sở hữu những vật chất, của cải đã được tạo ra bằng chính sức lao động lương thiện, khó nhọc của mình. Bạn sẽ tận hưởng tài sản của mình với một lương tâm trong sáng, không sợ bị trả thù hay xâm hại. Tốt hơn thế nữa là hạnh phúc của việc vừa hưởng thụ của cải bạn đã kiếm được một cách lương thiện, đồng thời chia sẻ nó với người khác. Một loại hạnh phúc tự tại đặc biệt khác nữa đến từ việc nhận ra rằng ta hoàn toàn không nợ bất cứ gì, đối với bất cứ ai. (A II (4) VII.2)

Phần đông chúng ta, ngay cả những người có ý thức nhất cũng coi những điều này như là cốt lõi của một cuộc sống đạo đức. Thế thì tại sao Đức Phật coi chúng như thuộc về loại hạnh phúc thấp kém nhất? Vì chúng phụ thuộc vào những điều kiện lý tưởng. Mặc dầu không thoáng qua như những khóai lạc nhất thời của ngũ dục, và ít tổn hại nặng nề đến hạnh phúc dài lâu, chúng không bền vững. Chúng ta càng dựa vào chúng, càng chạy đuổi theo chúng, và cố gắng bám víu vào chúng thì chúng ta càng thêm khổ đau. Nỗ lực của chúng ta sẽ tạo nên tâm lý bực dọc đau khổ và cuối cùng chứng tỏ rằng chúng vô ích; không thể tránh được sự thay đổi của hoàn cảnh. Dầu ta có làm gì đi nữa, ta cũng bị tổn thương. Còn có những nguồn hạnh phúc cao cả hơn, vững bền hơn.

---o0o---
 

Nguồn Hạnh Phúc Cao Thượng
 

Một trong những nguồn hạnh phúc này là "hạnh phúc của sự xả ly," một loại hạnh phúc tâm linh đến từ việc theo đuổi một điều gì đó vượt lên trên những niềm vui thế tục. Một thí dụ quen thuộc là niềm vui đến từ việc buông bỏ tất cả mọi lo lắng trong đời sống thế tục và theođuổi đời sống độc cư ở những nơi thanh tịnh để theo đuổi việc phát triển tâm linh. Nguồn hạnh phúc đến từ sự nguyện cầu, các nghi lễ tôn giáo và sự phát sinh tín tâm trong tôn giáo cũng thuộc về loại hạnh phúc này.

Tâm rộng rãi là một hình thức xả ly mạnh mẽ. Chia sẻ một cách rộng rãi những gì ta có, và nhiều hình thức khác của xả ly, đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Mỗi khi biết buông bỏ, ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ đó suy ra nếu ta có thể buông bỏ hoàn toàn sự bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian, thì sự buông bỏ rộng lớn này sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn là những hành động xả ly không thường xuyên.

Cao thượng hơn sự buông bỏ vật chất là "hạnh phúc của việc buông bỏ các tâm lý bực bội." Loại hạnh phúc này phát sinh một cách tự nhiên khi ta rèn tâm buông bỏ một cách nhanh chóng những sân hận, ham muốn, bám víu, ghen tỵ, kiêu hãnh, nghi hoặc và các tâm lý bực bội khác mỗi khi chúng phát sinh. Dập tắt ngay khi chúng vừa phát sinh giúp tâm không vướng mắc, đầy hỷ lạc, trong sáng. Tuy nhiên không có gì bảo đảm rằng các uế nhiễm này sẽ không xuất hiện trở lại và không quấy nhiễu tâm ta.

Tốt hơn nữa là những niềm vui và hạnh phúc vi tế trong các trạng thái thiền định sâu lắng.Trong những trạng thái này sầu não không thể phát sinh. Tuy những trạng thái định này có thể siêu việt và mạnh mẽ, chúng vẫn có một yếu điểm lớn: cuối cùng thì hành giả cũng phải xả thiền. Vì vạn pháp là vô thường, nên ngay chính các trạng thái thiền định sâu lắng cũng phải chấm dứt.

---o0o---
 

Nguồn Hạnh Phúc Cao Thượng Nhất
 

Hạnh phúc cao thượng nhất là niềm hỷ lạc đạt được qua các mức độ giác ngộ. Ở mỗi mứcđộ, gánh nặng cuộc đời được giảm nhẹ đi, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự giải thoát, hạnh phúc to lớn hơn. Giai đoạn cuối cùng của giác ngộ, sự giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các trạng thái tâm tiêu cực, mang đến cho ta nguồn hạnh phúc tuyệt vời, không gián đoạn. Đức Phật khuyên chúng ta phải tập buông bỏ những bám víu vào các loại hạnh phúc thấp kém và tập trung tất cả nỗ lực của chúng ta vào việc tìm ra chính cái hạnh phúc cao nhất, đó là sự giác ngộ.

Nhưng Đức Phật cũng khuyến khích chúng sanh hãy phát huy đến cao độ hạnh phúc của họ ở bất cứ mức độ giác ngộ nào mà họ có thể đạt đến. Đối với những ai không thể nhìn thấy gì hơn là hạnh phúc dựa trên dục lạc, ngài đưa ra những khuyên nghiêm chỉnh để họ tránh xa các phiền não thế tục và để họ tìm được nguồn hạnh phúc thế tục tối ưu nhất, thí dụ, bằng cách vun trồng những đức tính đưa đến sự thành công vật chất hay đời sống gia đình yên ấm. Đối với người có ý hướng cao hơn muốn được tái sinh vào những cõi thanh tịnh, ngài chỉ cho họ phương cách để đạt được mục đích đó. Đối với những vị muốn đạt được mục đích cao nhất của sự giác ngộ viên mãn, ngài dạy họ làm thế nào để thành tựu điều đó. Nhưng dầu theo đuổi bất cứ loại hạnh phúc nào, chúng ta cũng phải thực hành theo con đường của bát chánh đạo.

---o0o---
 

Cái Bẫy Của Khổ Đau 
 

Đức Phật biết rằng sự chạy đuổi không mỏi mệt theo hạnh phúc trong dục lạc thế gian khiến chúng ta bị trói buộc vào cái vòng không cùng tận của nhân và quả, của yêu và ghét. Mỗi ý nghĩ, lời nói hay hành động là nhân đưa đến quả, rồi quả ấy lại trở thành một nhân khác. Để chỉ cho chúng ta thấy cái vòng khổ đau đó vận hành như thế nào, Đức Phật đã giải thích:

Do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như tranh đấu, tranh luận, đầu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ. (Kinh Trường Bộ, Hòa Thượng Thích Minh Châu NXB Tôn Giáo-2005, trang 517)

Mỗi chúng ta đều trải qua những giai đoạn của vòng luân chuyển này trong đời sống hàng ngày. Thí dụ đang ở trong siêu thị, bạn nhìn thấy một chiếc bánh trông rất ngon với nhân màuđỏ, kem trắng điểm lên trên. Đó là chiếc bánh duy nhất còn lại. Dầu chỉ ít phút trước đó, tâm bạn thanh tịnh, tự tại, thì khi nhìn thấy cảnh này, mà Đức Phật gọi là "sự tiếp xúc giữa các căn và các trần," tâm khởi lên những suy tưởng và cảm thọ khóai lạc.

Rồi tham muốn phát sinh từ lạc thọ. "Hừm. . . bánh dâu," bạn tự nhủ, "với kem trứng đánh nổi phía trên." Tâm sẽ chạy đuổi theo và khai triển những ý nghĩ khóai lạc. Bánh dâu ngon lắm! Thơm biết chừng nào! Kem trứng kia tan trong miệng hẳn là rất tuyệt vời! Một quyết định tiếp theo sau: “Tôi muốn ăn chiếc bánh đó.” Rồi sự bám víu (tham đắm) phát sinh: "Chiếc bánh đó là của tôi." Có thể bạn sẽ nhận ra một sự bất ổn khi tâm bạn do dự trong chốc lát, khi nó nghĩđến những hậu quả tiêu cực của cái bánh đối với túi tiền hay vòng eo của bạn.

Bỗng nhiên bạn nhận ra có ai đó cũng ngưng lại ở quầy bánh và đang ngắm nghía chiếc bánh. Cái bánh của bạn! Bị chế ngự bởi lòng hẹp hòi, bạn chộp ngay chiếc bánh, tiến ra quầy thanh toán trong khi người khách kia trừng mắt phản đối. Một diễn tiến tiếp theo, dầu thông thường khó xảy ra, là vị khách hàng kia đuổi theo bạn đến tận chỗ đậu xe, cố gắng giật cái bánh lại, hãy tưởng tượng biết bao hành vi bất thiện có thể xảy ra -có thể là chửi rủa nhau hay đánh nhau. Nhưng ngay cả khi không có một sự đối đầu trực tiếp nào, hành động của bạn cũng khiến người kia phát sinh tâm bất thiện và đánh giá bạn là một người tham ăn. Như thế là tâm bình an của bạn đã bị hủy diệt.

Một khi tham ái đã phát khởi trong tâm, thì không thể tránh khỏi có những hành động ích kỷ, hẹp hòi theo sau. Trong khi chạy đuổi theo bất cứ hạnh phúc nhỏ mọn nào -một miếng bánh dâu- chúng ta cũng có thể hành động thô bạo và xém nữa tạo ra kẻ thù. Khi lòng tham ái làđối với một điều gì đó quan trọng hơn, như của cải, tài sản của người hay hành động tà dâm thì hậu quả còn tai hại hơn, bạo lực càng nghiêm trọng hơn và những đau khổ triền miên có thể xảy ra.

Nếu có thể đảo ngược lại vòng quay, bắt đầu từ những hành động tiêu cực của chúng ta, rồiđi ngược trở lại từng bước từng bước đến các nguyên nhân tâm và sinh lý, thì ta có thể đoạn trừ khổ đau tận gốc ngọn của nó. Khi lòng ham muốn, sự bám víu đã được đoạn trừ -hoàn toàn bị xoá bỏ- thì hạnh phúc mới được đảm bảo. Có thể chúng ta chưa biết phương cách để đạt được một điều như thế, nhưng khi đã nhận ra việc phải làm, là chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình của mình.

---o0o---
 

Từng Bước Tu Tập
 

Giờ thì bạn có thể hiểu tại sao chúng tôi nói rằng hạnh phúc thật sự chỉ đến khi tham ái đãđược đoạn diệt. Ngay nếu như ta có nghĩ rằng việc đạt được hạnh phúc cao thượng nhất là không thực tế, thì việc giảm thiểu tham ái cũng đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Càng có thể buông bỏ được lòng tham ái, thì ta càng dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc hơn. Nhưng làm thế nào để giảm bớt lòng tham ái? Chỉ ý nghĩ làm giảm thiểu lòng ham muốn -nói chi đến việc đoạn diệt nó- cũng đã có thể khiến bạn thối chí. Nếu bạn biết rằng chỉ dùng ý chí để đẩy lùi ham muốn là hoài công, thì bạn rất đúng. Đức Phật đã đưa ra một giải pháp tốt đẹp hơn: đó là từng bước tu tập theo Bát Chánh Đạo.

Phương cách phát triển từng bước theo con đường của Đức Phật ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống. Tiến trình này có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Bạn có thể bắt đầu từ chỗ của bạn và tiến tới, từng bước một. Mỗi sự thay đổi mới tốt đẹp hơn trong hành vi hay hiểu biết đều dựa trên các bước đã qua.

Trong số những người đã được nghe Đức Phật thuyết pháp, có những vị với tâm dễ dàng tiếp thu đến nỗi họ có thể đạt được hạnh phúc viên mãn ngay sau khi nghe những lời hướng dẫn tu theo từng bước của Đức Phật lần đầu tiên. Một số ít đã quá sẵn sàng đến nỗi tuy vừa nghe qua giáo lý siêu việt -Tứ Thánh đế- thì tâm họ đã hoàn toàn được giải thoát. Nhưng phần đông các đệ tử Phật phải cố gắng thực hành các lời dạy, thấu triệt từng bước trước khi chuyển sang bước tiếp theo. Nhiều vị phải mất hàng năm để vượt qua những chướng ngại trong sự hiểu biết trước khi họ có thể tiến lên một bậc cao hơn của sự hiểu biết.

Phần đông chúng ta phải mất rất nhiều công sức để tự tháo gỡ mình ra khỏi những hành vi hay thái độ tự hại mình và hại người đã được hình thành qua bao năm tháng. Chúng ta phải chậm rãi bước theo con đường tu tập từng bước của Đức Phật với rất nhiều kiên nhẫn và khích lệ. Không phải ai cũng có thể thấu triệt mọi thứ ngay lập tức. Đến với sự phát triển tâm linh, tất cả chúng ta đều mang theo những kinh nghiệm quá khứ riêng và mức độ dốc tâm khác nhau.

Đức Phật là một vị thầy tinh tế tuyệt vời. Ngài biết rằng chúng ta cần có những hiểu biết căn bản rõ ràng trước khi có thể tiếp thu những giáo lý cao siêu hơn. Thuyết Bát Chánh Đạo đưa đến hạnh phúc của Đức Phật gồm có ba giai đoạn được xây dựng dựa lên nhau: giới, định và tuệ.

Giai đoạn đầu tiên, giới luật, bao gồm việc chấp nhận một số giá trị cơ bản và sống dựa theo chúng. Đức Phật hiểu rằng sự suy nghĩ, nói năng và hành động đúng theo giới luật là những bước căn bản cần phải có trước khi tiến đến sự phát triển tâm linh cao hơn. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta phải có một ít trí tuệ để biết rõ đạo đức là gì. Vì thế Đức Phật bắt đầu bằng cách giúp chúng ta vun trồng cấp bậc cơ bản của chánh kiến (bước thứ nhất) và chánh tư duy (bước thứ hai). Những khả năng tâm linh này giúp chúng ta phân biệt giữa ý nghĩ và hànhđộng đạo đức hay vô đạo đức, giữa những hành động thiện với những hành động làm hại mình và hại người chung quanh.

Khi chánh kiến đã phát triển, chúng ta có thể bắt đầu đem sự hiểu biết mới mẻ của mình ra áp dụng bằng cách thực hành chánh ngữ (bước thứ ba), chánh nghiệp (bước thứ tư), và chánh mạng (bước thứ năm). Những giai đoạn thực hành các hành động đạo đức tốt đẹp giúp tâm ta cởi mở, giải thoát khỏi các chướng ngại, hoan hỷ và tự tin. Khi các chướng ngại từ những hành động tiêu cực bắt đầu phai mờ đi thì định mới có thể phát sinh.

Định có ba giai đoạn. Đầu tiên là chánh tinh tấn (bước thứ sáu), giúp tâm tập trung vào từng bước trên con đường đạo. Những sự cố gắng như thế đặc biệt cần thiết khi nhiều tư tưởng bất thiện khởi lên trong tâm khi chúng ta ngồi thiền. Tiếp theo là chánh niệm (bước thứ bảy). Muốn có tâm chánh niệm đòi hỏi ta phải có sự chú tâm toàn vẹn từng phút, để ta có thể kiểm soát được sự biến đổi của tâm pháp. Chánh định (bước thứ tám) cho phép chúng ta trụ tâm không gián đoạn trên một đối tượng hay một ý nghĩ nào đó. Vì đó là một trạng thái tâm tích cực, không sân hận hay tham luyến, định mang đến cho ta một sức mạnh tâm linh mà ta cầnđể có thể nhìn thấu đáo hoàn cảnh thật sự của mình.

Với giới luật làm nền tảng, định sẽ phát sinh. Do có định, giai đoạn thứ ba trên con đường của Đức Phật -trí tuệ- sẽ phát triển. Điều này mang chúng ta trở lại với hai bước đầu tiên trên conđường: chánh kiến và chánh tư duy. Chúng ta bắt đầu cảm nghiệm trí tuệ bùng vỡ trong các hành động của mình. Chúng ta nhận ra mình đã tự tạo đau khổ cho bản thân như thế nào. Chúng ta nhận ra bằng ý nghĩ, lời nói, và hành động của mình, ta có thể tự làm tổn thương bản thân và người khác như thế nào. Chúng ta nhận ra những sự giả dối của mình và đối diện với cuộc đời như nó thực sự là. Trí tuệ là ngọn đèn sáng soi cho chúng ta con đường thoát khỏi vòng trói buộc của khổ đau.

Dầu tôi đã trình bày con đường của Đức Phật như là một chuỗi của những giai đoạn liên tục nhau, thực ra nó vận hành theo một vòng tròn. Giới, định, và tuệ hỗ trợ, phát triển lẫn nhau. Mỗi bước trong bát chánh đạo cũng củng cố, phát huy các bước còn lại. Khi bạn bắt đầu thực hành cả quá trình, mỗi bước sẽ lần lượt mở ra và mỗi hành động thiện hay tuệ giác sẽ làđộng lực đưa ta đến bước kế tiếp. Trên bước đường tu tập đó, bạn sẽ có nhiều chuyển đổi, nhất là khuynh hướng đổ lỗi cho người khác về sự bất hạnh của mình. Với từng bước rẽ, bạn sẵn sàng để chấp nhận trách nhiệm đối với ý nghĩ, lời nói và hành động có chú ý của mình nhiều hơn.

Thí dụ, khi bạn áp dụng trí tuệ ngày càng phát triển của mình để thấu hiểu các hành động đạo đức, bạn sẽ nhận thấy giá trị của tư tưởng và các hành động đạo đức này một cách sâu sắc, dẫn đến những sự thay đổi trong cung cách hành động của bạn càng nhanh chóng hơn. Tương tự, khi bạn có thể nhìn thấy rõ ràng hơn trạng thái tâm nào là hữu ích và trạng thái tâm nào bạn cần buông bỏ, thì bạn sẽ đem sự tinh tấn của mình áp dụng đúng chỗ hơn, và kết quả là tâm định của bạn trở nên sâu lắng hơn và tuệ giác được phát triển.

---o0o---
 

Hỗ Trợ Cho Sự Thực Tập
 

Khi bắt đầu đi theo con đường Phật dạy, dĩ nhiên là chúng ta sẽ muốn thay đổi cách sống, cách ứng xử để hỗ trợ cho việc tu tập của mình. Đây là một số những chuyển đổi mà chúng ta sẽ thấy rất lợi ích khi tiến bước trên con đường đạo; chúng sẽ giúp ta chế ngự được những trở ngại trong công phu tu tập mà ta phải thực hiện theo các chương tiếp theo. Đừng nản chí; một số những lời khuyên này có thể là những thử thách lớn mà chúng ta phải vượt qua trong một thời gian dài.
 

---o0o---


Tác giả bài viết: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana

Nguồn tin: buddhanet