Tám quyển sách quý - Quyển 1 Tu Tâm

Tám quyển sách quý - Quyển 1 Tu Tâm
Tất cả những hạnh phúc vui tươi hay đau khổ của người đời, nó chỉ là cái kết quả trung thành bởi những hành động của người gây ra cả, mà tâm là chủ động. Tâm là là căn bản toàn diện cuộc sống của con người. Vì thế, nên nhân loại tâm lành, thì thế giới hòa bình an lạc. Nếu trái lại, loài người tâm ác, tất nhiên xã hội phải chiến tranh đau khổ.

TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ

Trọn Bộ 
(Tái bản lần thứ hai) 
Do nhóm Phật Tử tại Virginia ấn tống 
USA - 2007

THAY LỜI TỰA

Tất cả những hạnh phúc vui tươi hay đau khổ của người đời, nó chỉ là cái kết quả trung thành bởi những hành động của người gây ra cả, mà tâm là chủ động. 

Tâm là là căn bản toàn diện cuộc sống của con người. Vì thế, nên nhân loại tâm lành, thì thế giới hòa bình an lạc. Nếu trái lại, loài người tâm ác, tất nhiên xã hội phải chiến tranh đau khổ. 

Gữa đời khoa học, về phương diện vật chất, người ta đã tiến bộ nhiều! Song nhân loại lại chịu thêm nhiều đau khổ! Muốn đổi lại đời sống an vui, không chi hơn là mỗi người đều phải biết "Tu Tâm". 

Nhân ngày 23 tháng 2 năm Quý Tỵ (1953), tôi đến Hội quán Phật Học Nam Việt Saigon (chùa Phước Hòa), hân hạnh được nghe Thượng Tòa Thích Thiện Hoa, Đốc giáo Phật Học Đường Nam Việt Chợ Lớn, giảng bài Tu Tâm. Sau khi nghe xong, có nhiều vị cư sĩ nam, nữ khuyên tôi xin phép in thành sách, để truyền bá cho các vị Phật tử chưa được nghe, xem theo đó mà tu tâm dưỡng tánh, và hứa sẽ chung lo với tôi về phần tài chánh, nếu cần. 

Nhân lời khuyên của quý đạo hữu và nhận thấy một việc hữu ích, rất cần cho hàng Phật tử, nên tôi xin phép thầy Đốc giáo, cho xuất bản bài giảng "Tu Tâm" với mục đích sau đây:

  1. Đã được nghe giảng là một duyên lành lớn, tôi lại còn mong cho nhiều người được nghe Pháp Bảo ấy, để cùng nhau tu tâm thì thế giới mới hòa bình an lạc.
  2. Khi phát hành sách này, được lợi phần nào, chúng tôi xin dâng hết vào quỹ của Ban Hoằng Pháp để tiếp tục xuất bản thêm các tác phẩm khác về Phật giáo.
  3. Chúng tôi đốt nén hương lòng, cầu nguyện cho quý vị thiện tín, khi được quyển Tu Tâm này rồi, mỗi người đều tự tu lấy tâm mình để trở về với "thường trú chơn tâm thanh tịnh" và đồng thành Phật đạo.

Chợ Lớn ngày 8 tháng 4 năm 1954. 
Cư Sĩ Dương Khuyết Hà, tự Kiều Thị 
Kính đề. 

Quyển Một: TU TÂM 
 

TU LÀ CỘI PHÚC 

Sách Đại Học nói:

Dục trị bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc; 
Dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia; 
Dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân; 
Dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm.

Nghĩa là:

Muốn cho thiên hạ được hòa bình, thì trước hết mỗi nước phải được thạnh trị; 
Muốn cho mỗi nước được thạnh trị, thì trước hết mỗi gia đình phải hòa thuận; 
Muốn cho gia đình được hòa thuận, thì trước hết mỗi người phải sửa đổi những hành vi bất chánh ở thân mình; 
Muốn sửa đổi những hành vi bất chánh ở thân mình, thì trước hết phải tự tu lấy tâm mình.

Tu Tâm Là Một Vấn Đề Quan Trọng

  • Người đời hung dữ, vì chẳng biết tu tâm
  • Gia đình không hạnh phúc, vì chẳng biết tu tâm;
  • Xóm, làng hay rầy rà kiện cáo vì dân quê chẳng biết tu tâm;
  • Thế giới chiến tranh, tương tàn tương sát, vì nhân loại chẳng biết tu tâm;
  • Phật tử tu hành bị thối chuyển, vì chẳng biết tu tâm.
  • Con người có Tu Tâm, mới trở nên hiền từ,
  • Gia đình có Tu Tâm, thân tộc mới được hạnh phúc.
  • Quốc gia có Tu Tâm, nước nhà mới có thạnh trị.
  • Nhơn loại có Tu Tâm, thế giới mới được hòa bình
  • Phật tử có Tu Tâm, mới mau thành đạo chứng quả.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Thưa quý vị! 

Tôi rất vui mừng, vì thấy mỗi ngày chủ nhật, quý vị bỏ thì giờ quý báu, để đến chùa lạy Phật nghe kinh, Một giờ quý vị lạy Phật nghe kinh, thì giờ ấy quý vị tránh được điều dữ, làm được việc lành. Một ngày hay một tháng quý vị lạy Phật nghe kinh, thì ngày ấy hay tháng ấy quý vị tránh được việc dữ, làm được điều lành. Một người tránh dữ làm lành, thì người ấy trở nên hiền từ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì gia đình được hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì toàn dân có đạo đức, trở nên một nước thạnh trị. Cả nhơn loại đều tránh dữ làm lành, thì lo chi thế giới chẳng được đại đồng, nhơn loại không hưởng được hạnh phúc thái bình. 

Hơn nữa, trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: "Người nào niệm "Nam mô Phật" thì người ấy (hột giống Phật đã gieo vào trong tâm điền của họ rồi, không sớm thì chầy) sẽ được thành Phật". Huống chi quý vị thường đến chùa lạy Phật nghe kinh, thì có lý nào sau này chẳng được thành Phật quả. 

Sách Đại học nói: "Dục bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm". 

Nghĩa là: Muốn cho thiên hạ được hòa bình thì trước phải mỗi nước được thanh trị; muốn cho mỗi nước được thạnh trị, thì mỗi gia đình trước phải chỉnh đốn; muốn cho gia đình được chinh đốn, thì mỗi người trước phải tu thân; muốn tu thân, thì mỗi người trước phải sửa tâm mình cho chơn chánh. 

Bởi thế nên hôm nay tôi giảng về vấn đề " Tu Tâm". 

Thưa quý vị! 

Người đời có hai điều thiếu thốn: 

1.- Thiếu thốn về vật chất: 

Người thiếu thốn về vật chất, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa trống trước rách sau, khổ sở về xác thịt. 

2.- Thiếu thốn về tinh thần: 

Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, gian xảo, tật đố, kiêu căng v.v.. tạo đủ điều tội ác; không những có hại cho mình hay một đời mình, nhiều khi còn liên lụy đến bà con, hoặc có hại đến nhiều đời sau nữa, nên thiếu thốn về phần tinh thần, quan trọng hơn thiếu thốn về vật chất. 

Xưa có vị hiền triết, không nhà cửa, chì dùng cái thùng cây làm nhà ở: nhưng vì tinh thần đầy đủ, nên vị hiền triết ấy chẳng thấy chút gì khổ sở. Trái lại như ông Thạch Sùng, vua Kiệt, vua Trụ v.v... tuy đầy đủ về vật chất, nhưng thiếu thốn về tinh thần, nên tâm hồn vần đau khổ, làm nhiều điều tội lỗi tày trời! 

Song le, người đời chi lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo sợ nghèo thiếu về tinh thần! Hôm nay tôi hiến cho quý vị một món quà về tinh thần. 

Thưa quý vị! Trong sách Nho, Thầy Mạnh nói: " Nhơn, nhơn tầm giả; Nghĩa, nhơn lộ giả; xả kỳ lộ nhi phất do, phóng kỳ tâm nhi bất tri cầu". Nghĩa là: Nhơn, là cái tâm của con người vậy; Nghĩa, là con đường của người đi vậy (đi lên, đi xuống, qua lại, tới, lui v.v... cũng theo đường mà đi). Tại sao người đời lại bỏ con đường của mình không chịu đi (người đời làm việc gì cũng nhờ tâm: kinh dinh sự nghiệp lớn lao, cũng nhờ tâm suy tính; được tài hay trí giỏi công danh vĩ đại, cũng nhờ tâm lo lường); thế mà người đời lại bỏ cái tâm của mình, chẳng biết tìm cầu! 

Nói đến đây, thầy Mạnh lại than rằng: "Ai tai! Nhơn hữu kê khuyến, xả nhi tắc tri cầu chi, hữu phóng tâm nhi bất tri cầu": Rất thương thay cho người đời! Mất những vật nhỏ mọn như đồng xu, cắc bạc, con gà, con chó v.v... chẳng xứng đáng chi, mà họ còn biết tìm kiếm, huống chi cái Tâm là vật quý giá vô cùng: Làm hiền nhân Quân tử cũng nhờ tâm; thành Phật làm Tổ cũng nhờ tâm, thế mà người đời lại bỏ cái tâm của mình không biết tìm cầu. Thầy Mạnh Tử lại nói tiếp: "Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ!" đạo học vẫn không có chi lạ, chỉ tìm kiếm cái phóng tâm của mình mà thôi! 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: "Nhược bất thức tri tâm mục sở tại, tắc bất năng đắc hàng phục trần lao; thí như Quốc vương vi tặc sở xâm, phát binh thảo trừ, thị binh yếu đương tri tặc sở tại; sử nhữ lưu chuyển, tâm mục vi cựu". Làm cho ông lưu chuyển sanh tử, là lỗi tại cái tâm và con mắt của ông. Vậy nếu ông không biết cái tâm cùng với con mắt ở chỗ nào, thời ông không thể hàng phục được phiền não trần lao. Cũng như vị quốc vương bị giặc xâm chiếm, đem binh đẹp trừ, nếu không biết được giặc ở chỗ nào, thì không bao giờ dẹp trừ được giặc.

Bởi thế nên người học Phật, muốn thoát ly sanh tử, ra khỏi luân hồi, điều cần yếu là phải biết tâm mình. Khi biết được chơn tâm và vọng tâm rồi, mới có thể lần hồi dẹp trừ vọng tâm, trở về với bản thế chơn tâm của mình được. 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật lại dạy: "Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, điên đảo đủ điều, là do hạt giống nghiệp sẵn có, nó dính liền nhau, như chùm trái ác xoa. Người tu hành không thể thành quả vị vô thương Bồ đề, mà chỉ thành Thinh văn Duyên giác và Thiên ma ngoại đạo v.v... là bởi không biết hai món "chơn" và "vọng". Nếu các ông lầm lộn tu tập theo vọng niệm, mà muốn chứng đạo quả Bồ đề, thì cũng như người nấu cát muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp cũng không kết quả được". 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nhiều lần gạn hỏi ông A Nan, cái "Tâm" ở chỗ nào? 

Ông A Nan đáp: Tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm núp trong con mắt, tâm ở chặng giữa v.v... đều không trúng cả. 

Thưa quý vị! 

Chúng ta với Phật không khác, nhưng vì chúng ta chưa nhận được bản tâm của mình, nên làm chúng sanh; Chư Phật đã chứng được cái bản tâm ấy rồi, nên các Ngài thành Phật. 

Vì vậy, thế hôm nay tôi giảng về vấn đề " Tu Tâm".

 

TU VÀ TÂM

Chữ "Tu" nghĩa là sửa; Sửa cái xấu trở lại cái tốt, sửa các dở trở lại hay, sửa cái quấy trở lại phải, sửa phàm thành Thánh. Như nhà cửa hư hao, đất vườn u trệ, nay sửa lại cho tốt đẹp, như thế gọi là "Tu bổ". Thân thể lôi thôi hành vi bẩn thỉu, nay sửa lại cho đàng hoàng, như thế gọi là "Tu thân". Tâm tánh ô trược tham lam, tật đố, tà kiến, si mê v.v... nay sửa lại trở nên tâm tánh tốt đẹp, như thế gọi là "Tu Tâm". 

"Tâm" là "cái hiểu biết phân biệt", cũng gọi là "phần tinh thần". Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, trắng và vàng gì. Không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; không thể dùng lỗ tai mà nghe được tâm, cũng không thể dùng tay chơn rờ đụng được tâm; chỉ do thấy cái tác dụng của nó, nên biết có tâm. Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào đèn, thì thấy đèn sáng, cho vào quạt thì thấy quạt xoay v.v... Vì thế, nên người ta biết có điện. Tâm chúng ta cũng thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe và phân biệt v.v... nên chúng ta biết có Tâm. 

Tâm có chia làm hai phân; chơn và vọng. Đứng về phần chơn tâm (thể) thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay tâm trí suy nghĩ được, mà cần phải tự chứng ngộ, nên trong kinh nói: " Rời tướng nói năng, rời tướng danh tự, rời tướng tâm duyên" Song đứng về phần "vọng tâm", thì có thể nói năng và phân biệt được. 

Trong bài này, tôi chỉ bàn về "vọng tâm" (thức). Khi chúng ta hiểu biết và đẹp trừ được cái "vọng" rồi, thì "chơn tâm" hiện ra. Cũng như sóng lặng rồi, thì tánh nước bằng phẳng tự hiện. 

Thưa quý vị! Như trên tôi đã nói: "Tâm không có hình tướng: dài, ngắn, vuông, tròn, hay xanh, đỏ, trắng, vàng gì, nên không thể dùng mắt thấy, tai nghe, hay rờ mó được tâm. Song nhờ thấy cái tác dụng của nó nên chúng ta mới biết có "Tâm". 

Mọi người không phải chỉ có năm "giác quan" mà có đều đến tám cái "biết", tức là tám cái Tâm. Theo Duy thức học gọi là "Tám thức" (tám cái Biết). Tám cái Tâm này đều có chủ quyền thống lãnh mỗi chỗ; cũng như mỗi ông vua ngự trị mỗi nước, nên trong Duy thức học gọi là "Tám Tâm Vương".

 

TÂM VƯƠNG

1.- Trong lúc chúng ta mở mắt thấy các cảnh vật, biết được cảnh đây xanh, kia đỏ, đó trắng, nọ vàng v.v... Vì cái biết này thuộc về con mắt, nên trong Duy thức gọi là "Nhãn thức" (cái biết của con mắt). 

2.- Lỗ tai chúng ta, khi nghe các tiếng, biết được tiếng hay, dở, phải, trái v.v.. Bởi cái biết này thuộc về lỗ tai, nên trong Duy thức gọi là "Nhĩ thức" (cái biết của lỗ tai). 

3.- Lỗ mũi chúng ta, khi ngửi mùi, biết được đây là mùi thơm hay hôi v.v... cái biết đó thuộc về lỗ tai, nên trong Duy thức gọi là "Tỷ thức" (cái biết của lỗ tai). 

4.- Miệng chúng ta, khi nếm các vị, biết được vị này ngọt, lạt, cay, đắng, béo, bùi v.v... Cái biết này thuộc về lưỡi, nên trong Duy thức gọi là "Thiệt thức" (cái biết của lưỡi). 

5.- Thân thể chúng ta, đụng lửa biết nóng, xuống nước biết lạnh, mặc đồ mỏng biết mát, mang đồ dày biết nực, đụng đá biết cứng, cầm bông biết mềm v.v... Vì cái biết này thuộc về thân, nên trong Duy thức gọi là " Thân thức" (cái biết của thân). 

Cả năm thức này, khi chứng được quả vô lậu thì nó chuyển thành "Thành sở tác trí". 

6.- Trong khi chúng ta, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nếm, thân thể không chạm xúc; nói cho gọn hơn, là trong lúc năm giác quan không tiếp xúc với trần cảnh, mà ý thức vẫn phân biệt tính toán: nhớ những cảnh đã qua, suy xét những điều chưa đến. Cái biết như thế, thuộc về "Ý thức". Như ngày hôm qua, chúng ta đi coi hát, tai không còn nghe tiếng ca v.v... mà trong ý thức vẫn còn mơ màng điệu bộ người hát, in như còn phảng phất ở trước mắt, tiếng ca người như văng vẳng bên tai. Mặc dù không có cảnh vật iện tiền phản ảnh vào năm giác quan, mà ý thức chúng ta cũng tính toán phân biệt. 

Một tỷ dụ nữa, như chúng ta chưa đi học, mà biết rằng mình học sẽ được, chưa làm ruộng, mà biết mình làm ruộng đây trúng hay thất, chưa buôn bán, mà có thể đoán trước rằng, buôn bán đây lời hay lỗ; nghĩa là, những việc đã qua, chưa đến hay hiện tại, chúng ta đều suy xét biết được. Nhưng cái biết như thế, trong Duy thức học gọi là "Ý thức" (cái biết của Ý), cũng gọi là "Đệ lục thức" (cái biết thứ sáu). 

Cái Ý thức này, công dụng của nó lợi hại vô cùng. Nếu nó suy nghĩ tính toán những việc hay, tốt, thì thân chúng ta sẽ làm điều lành, miệng nói những lời phải, đều có lợi ích cho mình và người. Như các nhà tu hành khi niệm Phật, quán tưởng, tham thiền, nhập định v.v... cho đến lúc thành đạo, chứng quả, cũng nhờ công dụng của "đệ lục thức" này. Đến khi chứng được quả vô lậu, thì ý thức trở thành " Diệu quán sát trí" 

Ở thế gian, kinh doanh được sự nghiệp lớn lao, hay làm những điều núi lỡ, sóng nghiêng, tội ác tày trời, cũng đều do ý thức này suy nghĩ lợi hại cả; nên trong Duy thức nói: "Công vi thủ, tội vi khôi". Nghĩa là; luận về công thì thức này có công hơn; còn nói về ác thì thức này cũng đứng đầu. 

7.- Quý vị đã rõ, mỗi người đều có sáu cái biết, nói bằng cách khác là sáu món cảm giác. Vậy bây giờ đây, chúng ta nên suy xét sâu thêm một từng nữa: cái ý thức kia, tuy ở trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, nó đều có công năng phi thường hơn năm thức trước, nhưng có khi nó bị gián đoạn. Như khi chúng ta ngủ mê, hoặc chết giấc hay những lúc bị chụp thuốc mê, lúc ấy không phải chết, nhưng không biết chi cả, và những người tu Vô tướng định v.v... lúc bây giờ cũng không còn tính toán phân biệt gì nữa. Đây là những bằng chứng trong khi ý thức bị gián đoạn. 

Qua các thời gian ấy, thì ý thức (cái biết thứ sáu) lại khởi lên phân biệt như thường. Vậy trong lúc nó bị gián đoạn, chắc phải nương về một nơi nào? Chỗ ấy, theo Duy thức học gọi nó là "ý căn" (nghĩa là cái gốc của ý thức thứ sáu). Tôi xin tỷ dụ để quý vị dễ hiểu, như đám cỏ cú kia, bị đá đè hay nắng rụi, đến lúc người ta dời viên đá nơi khác, hoặc gặp mưa xuống thì cỏ nứt mộng mọc chồi. Cho biết trong lúc cỏ rụi, là nó chỉ trở về củ của nó, ẩn ở dưới đất mà thôi. Nếu cỏ kia không có củ, thì không làm sao nứt mộng mọc chồi được. Còn ý thức thứ sáu cũng thế, khi không có phân biệt nó không phải mất hẳn mà chỉ trở về với gốc của nó là thức thứ bảy, nên trong Duy thức cũng gọi là "Ý căn" (gốc của ý thức). Theo tiếng Phạn gọi là "Mạt na thức". 

Công năng của thức thứ bảy này là thường thường chấp "Ta" khác với "người". Chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, không lúc nào quên được mình (ta). Khi đối với người nói chuyện, vừa mở miệng ra là đã nói "tôi" (ta). Hay những lúc tình cờ cây rơi (rớt), hoặc bị người đánh v.v... thì ta ngẫu nhiên đưa tay đỡ, tránh. Đây là những bằng chứng thức này cũng bảo thủ cái ngã (ta). 

Lại nữa, khi sanh về cõi Trời, thì thức này chấp mình là Trời, sanh về cõi người, chấp mình là người, cho đến sanh làm loài vật, thì chấp mình là loài vật. Tóm lại, từ phàm đến Thánh, không một vị nào chẳng chấp có Ta, chỉ trừ những vị đã chứng được "Sanh không trí". Thức thứ bảy này, lại có công năng đem các pháp hiện hành, huân chứa vào một cái kho vô tận (Tàng thức); rồi từ cái kho ấy, đưa chủng tử các pháp ra, khởi hiện hành. Nếu không nhờ thức thứ bảy này, huân tập những việc thấy, nghe, hay, biết vào kho vô tận (Tàng thức), thì chúng ta không thể ký ức lại được một việc gì cả. 

Như người nhiếp ảnh, nếu anh không đem cuốn phim ấy cất một nơi nào, thì đến khi muốn rọi lại, không bao giờ rọi được. Song chiếu lại được, thì biết anh có đem cuốn phim ấy cất. Thức này cũng thế, khi chúng ta đọc một bộ sách, hay nghe một việc gì, nếu không có thức này đem cất chứa vào kho vô tận, thì lúc xem qua khỏi mắt, tai hết nghe; nghĩa là, đến khi cảnh vật hiện tiền không còn phản ảnh vào năm giác quan nữa, thì chúng ta không còn nhớ lại một việc gì cả. Bởi có nhớ lại được, nên biết rằng nó có chứa đựng một nơi nào vậy. 

Thế nên thức thứ Bảy này, cũng có tên là "Truyền tống thức" (truyền vào và tống ra). Đến khi chúng được quả vô lậu, thì thức này đổi tên là "Bình đẳng tánh trí". 

8.- Thưa quý vị! Cứ theo chánh giác và chánh lý mà phán đoán: đã có cái "năng phân biệt chấp ta" tức là thức thứ Bảy, thì cố nhiên phải có "cái ta bị chấp" là thức thứ Tám. Cũng như nói "tôi cầm viết"; đã có cái tay cầm, nhứt định phải có vật bị cầm. Vì thế nên thức thứ Tám cũng có tên là "Ngã ái chấp tàng" (bị thức thứ Bảy chấp làm ta). 

Như trên đã nói: "Thức thứ bảy đem các pháp hiện hành luân chứa vào một nơi". Nếu đã có kẻ đem chứa, thì nhứt định phải có chỗ để chứa. Cũng như có người đem cất đồ vào kho, thì phải có cái kho để cất. Chúng ta từ nhỏ đến lớn, hoặc đọc được một trăm bộ sách, hay làm không biết bao nhiêu công việc, trải qua trong một thời gian năm mười năm, không nghĩ đến thì thôi, nếu một phen hồi tưởng lại những sách ta đã đọc và những việc ta đã làm, thì nó vẫn hiện rõ ràng, in tuồng như mới đọc và mới làm. 

Một bằng chứng nữa: Chúng ta đi từ Nam chí Bắc. Xem không biết bao nhiêu phong cảnh, hay du lịch thế giới, thấy những vật lạ thường, khi trở về nhà, các cảnh vật ấy không còn thấy nữa; nhưng một phen nhớ lại, thì thấy rõ ràng như ở trước mắt, vẫn còn lớp lang tuần tự. Như thế thì biết rằng, phải có cái kho bằng tinh thần vô hình và vô tận (Tàng thức) để chứa đựng bao nhiêu hình ảnh của những cảnh ta đã xem, những sách vở ta đã đọc và những việc ta đã làm... Nếu không có cái kho vô tận này, để chứa giữ lại, thì những sách ta đã đọc và những cảnh ta đã xem và thôi đọc; nghĩa là phải quên liền khi các cảnh vật không còn hiện tiền phản ánh vào bộ óc nữa. Về sau chúng ta muốn nhớ lại cảnh vật đã qua, hay một bộ sách đã đọc, cũng không bao giờ nhớ được. 

Vì thế nên biết phải có một cái kho vô hình chứa giữ lại. Cái kho ấy theo Duy thức gọi là "Tàng thức", nghĩa là "cái thức chứa"; vì nó chứa căn thân, khí giới và chủng tử các pháp vậy; cũng tên là "Đệ bát thức" (cái biết thứ tám). Theo tiếng Phạn gọi là "A lại da thức". 

Đến khi chứng được quả vô lậu, thì thức này đổi tên là "Bạch tịnh thức", hay gọi là "Đại viên cảnh trí". 

Thưa quý vị! Cổ nhơn có làm một bài kệ, để cho chúng ta nhớ cái tài năng hay tác dụng của tám thức như sau:

Bát cá đệ huynh, nhứt cá si, 
Độc hữu nhứt cá tối linh ly. 
Ngũ cá môn tiền tố mãi mại, 
Nhứt cá gia trung tác chủ y.

Nghĩa là: Trong tám anh em, thức thứ Bảy là si mê (ngã si), duy có thức thứ Sáu, rất khôn lanh (công vi thủ, tội vi khôi); còn Năm thức trước như người làm công ở ngoài cửa, chỉ lo buôn bán, tiếp rước khách hàng (tiếp xúc với năm trần cảnh); một mình thức thứ Tám làm ông chủ nhà (chứa đựng). 

Xem bài kệ này chúng ta có thể biết qua được khả năng của tám thức, mà thức thứ sáu và thức thứ bảy là lợi hại hơn hết. Nếu thức thứ Bảy si mê, bo bo chấp ngã, thức thứ Sáu suy tính làm những việc tội ác, thì chúng ta muôn kiếp trầm luân, không bao giờ thoát ly sanh tử luân hồi được. Vì thế nên người tu Phật, lúc nào cũng phải dùng thức thứ sáu và thức thứ bảy, quán nhơn vô ngã, để phá trừ si mê chấp ngã, dứt phiền não chướng; rồi quán pháp vô ngã, để phá trừ pháp chấp, dứt sở tri chướng. Khi ngã chấp và pháp chấp hết rồi, tức là phiền não chướng và sở tri chướng đã dứt, thì chứng được hai quả thù thắng là: Bồ đề và Niết bàn. 

Vì thế nên trong Duy thức học nói: "Lục, thất nhơn trung chuyển; ngũ bát quả thượng viên". Nghĩa là: trong lúc tu nhơn, thì chỉ dùng thức thứ sáu và thức thứ bảy; đến khi kết quả thì cả năm thức trước, và thức thứ tám cũng được viên thành. 

Vì năm thức trước như người làm công, không có quyền, còn thức thứ tám chỉ có tài chứa đựng; duy có thức thứ sáu và thức thứ bảy này, nếu có công thì nó hạng nhứt, mà có tội nó cũng đứng đầu. Người học Phật đối với hai thức ấy, lúc nào cũng phãi can thận và sửa đổi, như thế gọi là "Tu Tâm".

TÂM SỞ

Thưa quý vị! 

Từ trước đến đây, chúng tôi căn cứ theo tác dụng hiện thật của các giác quan vá sách Duy thức mà giải thích, thì mọi người không nhũng có năm cái biết, mà phải có đến tám cái Biết: Cái biết xem của mắt, cái biết nghe của tai, cái biết ngửi của mũi, cái biết nếm của lưỡi, cái biết cảm xúc của thân, cái biết phân biệt, so đo của ý thức, cái biết chấp ngã (ta) của thức thứ bảy và cái biết giữ gìn chứa lại của thức thứ tám. 

Tám cái biết này, có sức tự tại và tự chủ, cũng như ông Vua,nên trong Duy thức gọi là "Tâm vương". Nhưng nếu chỉ có một ông vua, thì dầu tài hay trí giỏi đến đâu, cũng không thể làm gì được, nên ngoài vua ra, còn phải nhờ Quần thần, binh tướng mới có thể đánh Nam dẹp Bắc, sửa trị nước nhà, hoặc kinh doanh sự nghiệp vĩ đại trong nước. 

Tám thức tâm vương cũng thế, nếu chỉ có tâm vương (vua) mà không có tâm sở (quần thần) thì tâm vương này cũng như người làm vua mà không có binh tướng; thì không thể tạo tác những điều tội ác hay từ thiện được. Bởi thế nên ngoài tám thức tâm vương này, còn có năm mươi mốt món sở hữu của tâm vương, theo Duy thức học gọi tắt là "Tâm Sở". 

Trong năm mươi mốt món tâm sở, chia làm sáu đảng phái:

  1. Biến hành.
  2. Biệt cảnh.
  3. Thiện (lành).
  4. Căn bổn phiền não.
  5. Tùy phiền não.
  6. Bất định.

Trong đây có hai đảng quan trọng nhứt là: Lành (thiện) và "Dữ" (phiền não). 

Hai đảng này, rất nghỉch nhau và thường chiến tranh nhau luôn. Mỗi khi đạo binh hiền lành chiến đấu thắng được giặc phiền não (ác), thì chúng ta trở nên hiền nhơn quân tử, hoặc thành Bồ tát hay Phật. Trái lại, nếu bên ác là giặc phiền não, chiến đấu được thắng, thì chúng ta mất tự chủ, nó sai sử chúng ta phải say mê theo tửu, sắc, tài, khí v.v... mất hết tự do làm cho tánh tình ta xấu xa, thấp hèn, cử chỉ đê tiện, hành vi tồi tàn, trở thành kẻ tiểu nhơn, hoặc đoạ địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh. 

Thế nên người tu hành, điều cần yếu là luôn luôn lúc nào cũng chiến đấu làm sao cho thắng được giặc phiền não ở tâm mình, như thế gọi là "Tu Tâm’. 

Vậy chúng ta cũng nên biết rõ, đạo binh hiền từ ở nơi tâm ta, có bao nhiêu binh sĩ, tên họ tánh tình, hình dáng và tài năng thế nào? Rồi chúng ta cũng phải biết giặc trong tâm ta, có bao nhiêu tên, đầu đảng là ai, tên họ tánh tình, hình tướng và tài năng của giặc ra sao? Khi biết được tài năng binh mình, thấy rõ được sức giặc, thì chúng ta mới mong thắng được giặc. Hôm nay tôi xin tuần tự kể bày, để quý vị được rõ. Trong tâm ta, về khối ác là giặc phiền não có ba mươi tên.

 

CĂN BẢN PHIỀN NÃO

1.- THAM: là tham lam. 

Người tham lam, tánh hay để ý dòm rình những cái gì họ ưa thích: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v... Rồi họ lập mưu này kế nọ, để tìm kiếm cho được, được mấy cũng không vừa, nên tục ngữ có câu: "Bể kia dễ lắp, túi tham khó đầy!". Tham cho mình, rồi tham cho bà con quyến thuộc. Nói rộng ra, tham cho cả quốc gia, xã hội của mình. 

Cũng vì lòng tham, mà nhơn loại tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những có hại cho mình về hiện tại. Tham không những có hại cho mình về hiện tại, mà còn liên lụy đến người và về tương lai nữa là khác. 

Phật tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh thiểu dục tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là "Tu Tâm". 

2.- SÂN: là nóng nảy. 

Người có tánh nóng nảy, gặp những việc trái ý thì nổi nóng lên, trong tâm bực tức, không an, ngoài mặt nhăn nhó, xấu xí vô cùng, mắt đỏ tía hoặc tái xanh. Bộ dạng thô bỉ, thốt ra lời nói thiếu nhã nhặn, có khi đánh đập hoặc chém giết người. Phật tử chúng ta, mỗi khi nổi sân lên, cắc cớ lấy kiến rọi mặt mình, thật "ngộ" hết sức... không phải là Phật tử chút nào! Tánh "nóng nảy" rất có hại: làm cho anh em chẳng ưa, trong gia đình không được hòa nhã, ngoài xã hội chẳng được kính yêu. Nhiều người vì nóng nảy mà đánh đập vợ con, lắm khi phải mang bịnh tật suốt đời, hoặc giết hại đồng bào, chủng loại. Cũng có người vì quá nóng nảy mà làm hư danh giá, quyền lợi và cả đời tu của mình. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai": Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa ngiệp chướng đều mở ra. Thuở xưa, ông Uất Đầu Lam Phất, vì sân mà phải đọa làm con phi ly trùng. Ông Độc Giác Tiên Nhơn cũng vì sân, mà mất cả năm phép thần thông. Trong kinh nói: "Nhứt sân chi hóa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn". Nghĩa là: một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Chúng ta thấy, trong hàng Phật tử, có người phát tâm tu được năm, bảy năm hoặc đôi ba năm, cũng có thể gọi là người có công với đạo. Một khi gặp cảnh nghịch, nổi sân lên rồi bỏ hết: Phật pháp không tưởng, việc đạo cũng chẳng làm, trái lại còn tìm cách phá hoại. Thật "đốn củi ba năm chỉ thiêu trong một giờ", rất uổng cho công trình tu tập bao nhiêu năm của người ấy! 

Tổ xưa có quở rằng: "Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa gì!" Sân rất có hại như thế, hàng Phật tử chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục để lần lần dẹp lòng sân; như thể gọi là "Tu Tâm". 

3.- SI: là si mê (có chỗ gọi là vô minh). 

Đối với sự vật hiện tiền, tâm tánh mờ ám, không có trí huệ sáng suốt để phán đoán việc hay, dở, tốt, xấu lợi hại v.v... nên mới làm những điều nhiễm ô tội lổi, có hại cho mình, và người (theo thế tục gọi là "dại" hay "ngu"). Cái Si này thường ám ảnh trong tất cả việc làm, hại người chẳng phải nhỏ, mà nhứt là khi tham và sân. 

Như anh chàng thanh niên kia, biết cô mỹ nhơn nọ bị ho lao và có bịnh truyền độc... Nhưng đến khi si mê ám ảnh, thì anh không còn thấy vi trùng lao và bịnh truyền độc nữa. 

Một người tham tiền, đánh bài bạc, mê đề, vì si mê ám ảnh, nên đến lúc thua hết của tiền mà cũng không chán. 

Có một người vì lòng tham, si nổi lên, giữa lúc ban ngày đông người, vào tiệm giựt vàng. 

Lính bắt được hỏi: "ANh không thấy lính tráng ở chung quanh và không sợ tù tội sao?" Anh trả lời rằng: "Lúc đó tôi chỉ thấy vàng thôi; nếu thấy lính tráng tù tội, thì tôi đâu dám làm như thế!" 

Đây là những bằng chứng, trong lúc tham, vì có si mê ám ảnh, nên anh chàng thanh niên kia phải mang bịnh ho lao và truyền độc; người đánh bạc nọ mới hết cửa hết nhà; anh giựt vàng kia mới mang gông cùm tù tội! Nếu trong lúc ấy, được sáng suốt, phân biệt lợi hại, thì anh thanh niên kia có thể thắng lại được dục vọng của mình, đâu có lâm bệnh hiểm nghèo như thế; người đánh bạc, cậu giựt vàng, có thể thắng được lòng tham, không đến đổi bị hết của và mang tù tội. Cho biết trong lúc tham mà có si, thì có hại rất lớn! Khi nóng giận cũng vậy, nếu trong lúc nóng giận mà sáng suốt, biết suy xét việc lợi hại, lúc ấy có thể dằn bớt sự nóng giận ít nhiều! Trái lại vì bị si mê ám ảnh, nên nói càn làm bướng, đến khi hết giận rồi thì tội lỗi quá nhiều! Nên lời tục nói: "Ăn nóng mất ngon, giận lắm mất khôn" là vậy. 

Có nhiều người trong lúc nóng giận, đánh đập vợ con đến tàn tật, phá hoại nhà cửa cho đến tiêu tan, hoặc uống thuốc độc hay trầm mình, để cho thoát kiếp thân đau khổ! Những tai nạn như thế, đều do si mê ám ảnh cả. 

Tổ sư có dạy rằng: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì!"; nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm. Nói cho dể hiểu, là không sợ tham, sân mà chỉ sợ si mê đó thôi. Nếu tham, sân nổi lên, mà ta sáng suốt phán đoán kịp thời, không có si mê, thì tham sân kia cũng chẳng làm gì được. Người học Phật phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt đối với tất cả mọi việc. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

4.- MẠN: là ngã mạn cống cao. 

Nói theo lối thông thường có hơi thô một chút là "phách lối" lấn lướt, hiếp đáp người. Vì ỷ tiền tài, tài năng và quyền thế của mình mà khinh rẻ người, chẳng kính người già cả, không kể người phước đức. Bởi hiu hiu tự đắc, coi không có người(mục hạ vô nhơn) nên chẳng ai ưa. Vì lòng ngã mạn, cho mình hơn ai hết, không kính phục người, nên chẳng học hỏi. Do khinh dễ người, nên bị tổn đức. Vì thế mà phước lành tổn giảm, tội lỗi càng thêm, nên phải sanh tử luân hồi, không bao giờ cùng tột. Người học Phật nên tự kiểm thảo mình, nếu có ngã mạn cống cao thì phải cố gắng dẹp trừ đi. Như thế mới phải là Phật tử, và như thế mới gọi là "Tu Tâm". 

5- NGHI: là nghi ngờ. 

Đối với đạo lý chơn chánh, lại nghi ngờ không tin. Những pháp tu giải thoát và điều phước thiện, lại do dự chẳng làm. Nó chướng ngại lòng tin, cản trở việc từ thiện. Nghi có ba:

- Nghi mình: Như nghe nói: "Tu hành sẽ được giải thoát", rồi tự nghi ngờ: không biết mình đã có tu được hay không? Vì lòng nghi ngờ, do dự ấy, nên không chịu tu. 

- Nghi người: Nghĩa là nghi người dạy mình. Như có người dạy ta: "Làm lành được phước, làm ác sẽ bị tội". Chúng ta nghi: không biết người ấy nói có thiệt hay không? Bởi nghi nên không làm. 

- Nghi pháp: Như nghe lời Phật dạy: "Người chí tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày được nhứt tâm, thì người ấy đến khi lâm chung, sẽ được Phật Di Đà tiếp dẫn, sanh về nước Cực lạc", rồi họ nghi rằng: phương pháp ấy không biết kết quả có đúng như vậy hay không? Nên họ chẳng siêng tu.

Nói tóm lại, vì lòng nghi ngờ, nó cản trở nhiều điều tiến triển. Những người có tánh đa nghi, đối với bạn bè, họ thấy không có ai là người tin cậy. Trong gia đình họ thấy không có người nào là thân mật. Phật tử nên cẩn thận đề phòng mọi việc, nhưng phải cương quyết dẹp trừ tánh nghi ngờ. Như thế gọi là "Tu Tâm’. 

6.- THÂN KIẾN: là chấp nhận thân ngũ ấm. 

Tứ đại giả hợp này là "Ta". Hoặc nghe theo lời tà giáo nói: "Người có ba hồn, bảy vía, linh hồn, thế phách v.v..." rồi chấp ba hồn bảy vía v.v... đó là Ta. Vì chấp "Ta thật có", nên kiếm món này vật nọ đễ cho ta ăn, sắm kiểu kia cách nọ để cho ta mặc, lo cất nhà cửa, mua ruộng vườn để cho ta dùng, tranh danh đoạt lợi, mỗi mỗi cũng vì ta! Không những lo cho ta, mà lại lo cho cả gia đình, quyến thuộc, quốc gia và xã hội của ta nữa. Vì "chấp Ta" mà tạo ra nhiều tội lỗi: lo tranh danh đoạt lợi cho ta hưởng, xâu xé cướp giựt nhau để cho quốc gia xã hội ta dùng. Vì thế, nên thế giới đạn bay như mưa, bom nổ như pháo, máu chảy thành sông, xương chất tợ múi! 

Hàng Phật tử chúng ta, phải sáng suốt quan sát thân già này giả hợp không có thật có. Hễ phá trừ thân kiến rồi, (chấp Ta) thì tánh ích kỷ vị ngã không còn, nên không tạo những điều tội lỗi vì bản ngã nữa. Như thế gọi là"Tu Tâm". 

7.- BIÊN KIẾN: là chấp một bên, hoặc chấp chết rồi còn hoài, hay chấp chết rồi mất hẳn. 

Một, vì chấp có ta, nên có người chấp "Ta" chết rồi còn hoài không mất: Người chết vẫn sanh làm người, thú chết sanh trở lại thú, Thánh nhơn chết trở làm Thánh nhơn. Vì chấp như vậy, cho nên chẳng sợ tội ác, và cũng không cần tu thiện; bởi họ cho tu cũng vậy không tu cũng vậy. Do chấp cái "Ta" thường còn không mất có hại như thế, nên trong kinh Phật gọi là "Thường kiến ngoại đạo". 

Hai, có người chấp "chết rồi mất hẳn". Vì họ thấy bầu thế giới mênh mang, không gian vô tận, chết rồi là mất chớ có thấy tội phước gì đâu! Thấy đời sống của mình chết rồi không còn giá trị chi hết, nên mặc tình làm những điều tội lỗi. Họ nói rằng: "Tu nhơn tích đức già đời cũng chết; hung hoang bạo ngược tận số cũng không còn". Biết bao người vì chấp chết rồi là hết, nên mỗi khi gặp cảnh nghịch lòng, nhứt là tình duyên trắc trở, họ không trầm tĩnh sáng suốt tìm phương pháp để xử trí. Cứ cho chết rồi là hết đau khổ, nên họ tự liều mình với chén thuốc độc hay dòng sông sâu! Chớ họ không biết rằng chết rồi đâu có phải là hết khổ! Bởi chấp chết rồi mất hẳn có hại như vậy, nên trong đạo Phật gọi là "Đoạn kiến ngoại đạo". 

Thật ra người chết không phải thường còn và cũng không phải mất hẳn, mà theo nghiệp lực lành hay dữ luân hồi. 

Người Phật tử phá trừ hai món chấp trên, như thế gọi là "Tu Tâm". 

8.- KIẾN THỦ: là bảo thủ sự hiểu biết sai lầm của mình. 

Đây có hai cách: 

- Hành vi của mình sai lầm, ý kiến lại thấp thỏi, nhưng không tự hiểu biết, lúc nào cũng bảo thủ cho mình là hay giỏi, đúng đắn hơn hết, ai nói cũng chẳng nghe. 

- Biết mình như thế là sai, nói như vậy là dở, nhưng cứ bảo thủ cái sai và cái dở ấy, không chịu thay đổi. 

Như có người, ông bà trước đã lỡ theo tà đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà, nhưng cứ theo như vậy mãi không đổi. Họ bảo rằng: "Xưa sao nay vậy!". Hay như có người, cha mẹ trước đó có làm nghề tội lỗi, qua đến đời con, cứ bảo thủ nghề ấy, không chịu thay đổi. 

Nói cho rõ hơn, là những tục lệ trong thế gian, như mỗi năm phải làm trâu bò để tế thần; khi người chết phải làm heo bò cúng kiến, mỗi kỳ tuần tự hay giỗ quảy, phải đốt giấy tiền vàng bạc áo quần kho phướn; mỗi năm phải hội họp để cúng tà thần ác quỉ v.v... Người học Phật phải dẹp trừ "kiến thủ", như thế gọi là "Tu Tâm’. 

9.- GIỚI CẤM THỦ: là giữ theo giới cấm của ngoại đạo tà giáo. 

Cấm một cách vô lý không phải nhân giải thoát mà chấp là nhân giải thoát. Như bên Ấn Độ có những phái ngoại đạo leo lên cây cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa v.v... có đạo mỗi năm phải giết một người tế thần; như đạo của anh Vô Não, phải giết cho đủ 1.000 người mới đắc đạo. Người học Phật phải dẹp trừ "giới cấm thủ", như thế gọi là "Tu Tâm’. 

10.- TÀ KIẾN: là chấp theo lối tà. 

Phàm chấp những cái gì không chơn chánh đều thuộc về tà kiến. Nói bằng cách khác là "mê tín". Như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xâm, bói quẻ, coi ngày, tìm huyệt, buộc tom, đeo niệt, coi sao, cúng hạn v.v... Thật ra người học đạo nên coi chỗ tạo nhơn của mình lành hay dữ, chánh hay tà mà thôi, chớ không nên coi bói làm gì. Nói rộng ra thì gồm cả bốn chấp trên đều về tà kiến. 

Hàng Phật tử phải dẹp trừ "Tà kiến", như thế gọi là "Tu Tâm".

TÙY PHIỀN NÃO

Thưa quý vị! 


Mười món phiền não tôi vừa kể trên, trong kinh gọi là "Thập thiết". Nghĩa là mười món này nó xiềng xích trói cột chúng sanh không giải thoát được sanh tử luân hồi; cũng kêu là "Thập-sử", vì nó sai sử chúng ta làm nô lệ cho thất tình lục dục lăn lộn trong ba cõi (Dục-giới, Sắc giới, Vô sắc giới) và quanh quẩn sáu đường (Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, Thiên, Nhơn, A tu la) chịu khổ. Người học Phật phải phá trừ mười cái xiềng xích này thì mới được tự do giải thoát và mới khỏi làm nô lệ cho thất tình, lục dục. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

Mười món trên đây, trong Duy thức gọi là căn bản phiền não; nghĩa là mười món phiền não gốc. Từ mười món phiền não gốc này, sanh ra hai mươi món chi mạt phiền não sau đây, trong Duy thức gọi là "Tùy phiền não", nghĩa là phiền não chi mạt từ nơi gốc mà sanh ra. 

1.- PHẪN: là tức giận. 

Do đối với nghịch cảnh, trước hết nổi nóng lên (sân), kế đó sanh ra tức giận nghẹn ngào, nói chẳng ra tiếng, hoặc tuôn ra nước mắt, lộ ra gương mặt hầm hừ, bộ dạng hung hăng, mất tánh ôn hòa nhã nhặn. Vì tức giận nên mới đánh đập chưởi mắng người, làm những điều tội lỗi. Vì tức giận mà đập bàn, vỗ ghế, la ó rầy rà, mất hết tư cách của người Phật tử. Vì tức giận mà đánh người một cách tàn nhẫn; chẳng biết đã tay; giết người như chém chuối, không chút đau lòng!... Cũng có người tức giận bởi tình duyên trắc trở, mà đâm ra liều mình tự tử, uống thuốc độc hay trầm mình, hoặc giết con, đốt chồng v.v... như trên mặt báo thường kể. 

Hàng Phật tử chúng ta ôn hòa nhã nhặn; mỗi khi lòng tức giận nổi lên, phải định tâm niệm Phật, để dằn nó xuống. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

2.- HẬN: là hờn. 

Có hai: 

- Hờn mát, nghĩa là hờn một chút thôi. 

- Hờn thiệt, nghĩa là gặp việc gì trái ý, hờn hoài không bỏ. Người có tánh hờn mát, thì hay hờn lắm, dù là việc không đáng, nhưng chỉ hờn trong giây lát thôi. Còn người hờn thật, thì ít hay hờn, nhưng mỗi khi hờn, thì ít có bỏ qua được. Như lời tục nói "Hờn thâm xương". 

Vì gặp nghịch cảnh, trước sanh ra nóng giận, sau khi giận không bỏ qua được, nên mới có "hờn". Vì hờn nên ôm ấp oán thù. Bởi ôm ấp oán thù, cho nên lập mưu này kế nọ, để gặp cơ hội thuận tiện đặng trả thù. Như lời tục nói "Thù xưa chẳng đội trời chung" là vậy. 

Cái "hờn" này tuy nó ngấm ngầm, mà dễ sợ lắm! Cũng như lửa than, mỗi khi gặp bổi hay bùi nhùi, có hơi gió thổi, thì nó cháy phừng lên. Người ôm long "hờn oán" cũng thế: Nó chỉ ngấm ngầm trong tâm mà thôi, mỗi khi có người chọc ghẹo đến, hoặc gặp những việc trái ý, mặc dù chẳng xứng đáng chỉ, nhưng cũng nổi nóng lên làm dữ. 

Người đang lúc ôm ấp cái "hờn", thì gặp cảnh nào cũng chướng mắt, thấy ai cũng muốn gây. Gặp những người như vậy, chúng ta không nên chọc ghẹo đến họ. Phật tử chúng ta, quán sát cái "hờn", có hại như thế, và trong lúc ta hờn người, sẽ nặng lòng mình! Sách nói: "Oan gia nghi giải bất nghi kiết"(việc oán thù nên cởi mở, không nên trói cột). Suy xét như vậy mà dẹp trừ dần đi. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

3.- PHÚ: là che giấu tội lỗi của mình. 

Mình làm điều gì sai quấy, không chịu phát lồ sám hối; vì sợ người ta biết rồi xấu hổ ,mất danh tiếng và quyền lợi của mình, nên che giấu. Đâu biết rằng "ai cho khỏi lỗi"; người có lỗi mà biết phát lồ sám hối là một điều hay, làm cho ai nấy điều chứng biết tội lỗi của mình; từ đó về sau mình không dám làm nữa. Cũng như cái áo dơ có giặt, thì áo mới sạch, nhọt được mổ rửa, thì nhọt mới mau lành. Trái lại, che giấu thì tội lỗi càng thêm; trong lòng ăn năn buồn bã không an. Cũng như mụt ghẻ không chịu mỗ rửa, thì nó đau nhứt nhiều ngày, áo dơ chẳng giặt thì mùi hôi không hết. Bởi thế, người tu Phật có lỗi không được che giấu mà phải phát lồ sám hối, tội ấy mới được trong sạch. Theo thường lệ, Phật tử mỗi tháng phải phát lồ sám hối hai lần, là ngày 14 và 29( tháng thiếu 28), thì tội nghiệp mới được tiêu trừ. Như thế mới gọi là "Tu Tâm". 

4.- NÃO: là buồn rầu, bứt rứt. 

Vì gặp những việc trái ý trước nóng giận và hờn, bởi không bỏ được, nên mới có buồn. Buồn man mác, bứt rứt nơi lòng không vui được, hiện ra ngoài gương mặt buồn buồn! Cằn rằn, cửi rửi, hoặc chẳng muốn nói cuời. Ai có hỏi đến thì nói xuôi xị, nếu ai động đến thì gây liền. 

Cái buồn man mác này tuy không ra gì, chớ khó lòng lắm! Nhứt là khi tụng kinh, niệm Phật nó thường nổi lên. Nếu chúng ta không hỷ xả được, thì nó làm cho ta buồn mãi không vui, có nhiều khi phải thối chí với đạo. 

Chúng ta cũng nên phân biệt cho rõ: Nóng (sân), giận (phẫn), hờn (hận), buồn (não), bốn món tâm sở này khác nhau, từ hành tướng cho đến công năng đều khác. Nếu không khác, thì sao có bốn danh từ khác nhau. Tôi xin tạm thí dụ để quý vị dễ nhận: Sân (nóng) cũng như lửa rơm, nó chỉ cháy bừng lên, một cách cấp tốc. Giận cũng như lửa củi, phừng phừng cháy tới, khó dập tắt liền được. Hờn cũng như lửa than, không lên ngọn mà vẫn cháy hoài, nóng lắm. Buồn cũng như ngọn lửa tàn, tuy hết cháy chớ nó còn vùi trong tro nóng, và cũng nóng hầm cả buổi mới nguội. 

Hàng Phật tử chúng ta cố gắng dập tắt lửa long, không còn chút gì ham nóng; làm sao cho tâm mình mát mẻ như nước ao A Nậu (thanh lương thủy). Như thể gọi là "Tu Tâm". 

5.- TẬT: là tật đố, ganh ghét. 

Thấy người có tài hay, danh tiếng tốt, đức cao quyền trọng, mình sanh lòng đố kỵ ghen ghét. Thấy người vinh hiển, mình lấy làm xốn mắt, chướng tai, trong lòng xốn xang khó chịu, lộ ra cử chỉ nhún trề, háy nguýt, kiếm chuyện nói xấu, làm cho giảm danh giá của người. Đây là tánh tiểu nhơn, người tu Phật phải cố dẹp trừ tâm tật đố. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

6.- XAN: là bỏn xẻn rít rắm; người đời kêu là hà tiện. 

Có tiền của rất nhiều, nhưng không chịu đem bố thí giúp đỡ cho ai; từ vật nhỏ cho đến vật lớn, dù gặp người đói rách hoạn nạn cũng mặc tình. Biết được nghề hay, hay hiều được giáo pháp, không chịu chỉ dạy cho người; dù có dạy cũng sơ sài mà thôi; thà chết đem theo, chớ không muốn dạy người. Làm bộ tịch như người quê mùa nghèo khó, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Chứa để của cải, đến đổi hôi thúi, hư mục rồi đem đổ bỏ; tiền bạc để mối ăn, rồi trách đất kêu trời, chớ chẳng bố thí một xu, hay cho người một lon gạo. 

Người tánh tình rít rắm ấy, hiện đời không ai ưa, sau chết rồi làm loài ngạ quỉ. Hàng Phật tử chúng ta, phải tự xét lấy tâm mình, nếu có tánh bỏn xẻn về tài sản hay giáo pháp phải mau sửa đổi đi. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

7.- CUỒNG: là dối gạt người. 

Vì cầu danh lợi, nên dối hiện như người thật thà, hiền hậu, hoặc làm như người tu hành có phước đức lắm. Miệng Phật tâm rắn, lập những hạnh lạ thường, làm nhiều điều khác chúng, bày những việc không thật, gạt gẫm, phỉnh phờ người, để trông cầu danh tiếng tài lợi. Người học Phật phải tự kiểm điểm mình, nếu có tánh dối trá ấy, phải sửa đổi liền đi. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

8.- SIỂM: là bợ đỡ, dua nịnh. 

Đối với người có quyền thế hoặc giàu có v.v... bợ đỡ, nịnh hót, chìu uốn cho được lòng người. Làm bộ cung kính và khen ngợi người, trau chuốt lời nói không thật, để lợi dụng tiền của quyền thế hoặc công lao của người. Phật tử chúng ta, tự xét lấy mình, nếu có tánh bợ đỡ dua nịnh, phải sữa đổi đi. Như thế gọi là "Tu Tâm" . 

9.- HẠI: là làm tổn hại. 

Đối với các loài hữu tình đã không có lòng từ bi thương xót, lại làm tổn hại chúng nó. Mặc dù những loài vật ấy không động phạm đến mình, nhưng hễ gặp đến thì vẫn muốn giết hại, như cào cào chấu chấu v.v... nếu không ngắt cánh, thì cũng bẻ giò. Một tỷ dụ nữa: như trái cây của người, những trái dùng được thì hái ăn đã đành, còn những trái non nớt, ăn không được cũng bẻ phá. Tánh phá hại này làm tổn hại đức "Bi" của mình. Người học Phật cần phải sửa đổi. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

10.- KIÊU: là kiêu căng. 

Ỷ mình giàu có, quyền thế, danh vọng, hoặc tài hay rồi kiêu căng, phách lối coi người không ra gì, khinh người không thèm tiếp, gặp người chào hỏi chẳng trả lời; hiu hiu tự đắc, mục hạ vô nhơn. Người có tánh kiêu căng thì chẳng ai ưa, tự tổn âm đức của mình. Phật tử chúng ta, tự xét lấy mình nếu có tánh kiêu căng này phải mau sửa đổi. Như thế gọi là "Tu Tâm" 

11.- VÔ TÀM: là không biết hổ. 

12.- VÔ QUÍ: là không biết thẹn. 

Nghĩa là: làm việc sái quấy, đối với lương tâm mình không biết hổ, đối với người khác mình không biết thẹn. Thấy người Hiền không biết kính trọng, gặp việc phải chẳng màng. Bởi làm việc quấy không sở người chê cười, nên tội ác mỗi ngày càng thêm lớn. Người không biết hổ thẹn, thì không đủ tư cách làm người, bị chúng khinh cười, không còn giá trị. 

13.- TRẠO CỬ: là lao chao. 

Tâm tánh lao chao không được trầm tĩnh. Nhiều khi thố lộ nơi thân: nhịp vế rung đùi, đứng ngổi lật đật. Phát hiện nơi miệng: nói năng lấp bấp, cười cợt không ngừng. Người tánh nết lao chao, thì không ra người lớn. Nếu người có tư cách đại nhơn, nhứt là nhà tu sĩ, phải cố gắng hàng phục tâm trạo cử này. Nếu thắng được nó, thì mới trở nên người đàng hoàng, đứng đắn. Tu như thế gọi là "Tu Tâm". 

14.- HÔN TRẦM: là mờ mịt. 

Như trong lúc chúng ta nghe kinh, ngồi nghe một hồi rồi mơ màng, ngủ không phải ngủ, vì tai vẫn nghe nói pháp văng vẳn; nhưng không nghe rõ vị giảng sư nói gì. Một tỷ dụ khác: như trong lúc chúng ta ngồi yên, tưởng Phật hay niệm Phật, tưởng niệm một hồi tâm mơ màng rồi ngủ gục, không còn biết tưởng niệm gì nũa cả; mặc dù tay đương lần chuỗi, miệng vẫn niệm Phật. 

15.- TÁN LOẠN: là rối loạn. 

Tâm nghĩ xằng xiên tản mát, phân biệt lăng xăng, rong ruổi theo cảnh trần. Bởi tán loạn nên tâm không định, vì tâm không định, nên không phát sanh trí huệ, do không trí huệ, nên không đoạn được vô minh phiền não. Phiền não không đoạn thì không bao giờ thành đạo, chứng quả được. Tỉ dụ như cái đèn bị gió xao, không đứng yên, nên không sáng tỏ. Bởi không sáng tỏ, nên không phá trừ tối tăm. Tâm tán loạn làm chướng ngại chánh định và huệ. Người học Phật phải cố gắng dẹp trừ. Như thế gọi là "Tu Tâm" 

Thưa quý vị! 

Ba món tâm sở: Trạo cử (lao chao), hôn trầm (ngủ gục) và tán loạn này, in tuồng không hại chi lắm; nhưng đối với người tu hành, nó rất chướng ngại! Ví trong khi tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, quán tưởng, thì phần nhiều bị tâm sở trạo cử và tán loạn nổi lên: Nghĩ nhớ xằng xiên, hết chuyện này đến chuyện khác. Có khi những chuyện đã qua năm, mười năm về trước, song đến lúc tụng kinh, niệm Phật, thì nó đua nhau khởi lên không sót một việc. Khi biết đó là tán loạn, là vọng tưởng, hành giả liền dẹp trừ không tưởng đến, nhưng vừa bỏ được chuyện này, thì nó khởi lên chuyện khác. Hoặc những việc làm ăn hằng ngày, đến khi tụng kinh, niệm Phật nó lại nổi lên hết. Khi dẹp trừ tâm sở tán loạn (vọng tưởng) vừa êm êm, thì tâm sở hôn trầm (ngủ gục) lại nổi lên. Hành giả phải cố gắng đề tâm, cử niệm, dẹp trừ được hôn trầm (ngủ gục) thì tán loạn nổi lên... Tán loạn, trạo cử và hôn trầm ba món tâm sở này, thay nhau khuấy nhiễu người mới tập tu thiền, niệm Phật không ít. Thắng được món tâm sở này không dễ, mà có thắng nó mới được thành công. Hành giả phải trải qua một thời gian hơi lâu và dụng công nhiều mới thắng được. 

16.- BẤT TÍN: là không tin. 

Không tin nhơn quả tội phước, không tin giáo pháp chơn chánh của Thánh Hiền, không tin điều hay lẽ phải. Vì không tin cho nên không làm, vì không tin cho nên sanh ra biếng nhác, ưa thích những điều ô nhiễm, làm cho tâm tánh đen tối. Hàng Phật tử phải trừ tâm bất tín. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

17.- GIẢI ĐÃI: là biếng nhác, trễ nãi. 

Bất luận việc nhỏ hay việc lớn, đều biếng nhác không muốn làm. Giả sử có làm thì cũng sơ sài, cẩu thả hoặc nửa chừng rồi bỏ, làm chừng nào rồi cũng được. Trong giới sĩ, nông, công, thương các nghề nghiệp, nếu người có tánh giải đãi thì công việc khó thành, dầu có thành cũng không được tốt đẹp. Người tu hành do giãi đãi nên lâu được thành đạo, chứng qua. Vô số kiếp về trước, Phật Thích Ca và Đức Di Lặc, hai ngài đồng thời tu hành. Đức Thích Ca nhờ tinh tấn mà thành Phật trước Đức Di Lặc một tiểu kiếp. Ngài Di Lặc do giải đãi, nên hiện nay vẫn còn làm Bồ tát. Chúng ta phải trừ tánh giải đãi của mình, thì sự tu hành mới chóng thành công đắc quả. Tu như thế gọi là "Tu Tâm". 

18.- PHÓNG DẬT: là buông lung, không biết tự kềm thúc lấy mình. 

Tánh nghinh ngang không trọng kỷ luật, không giữ giới pháp của mình đã thọ. Nói năng, giỡn cười tự do muốn làm gì thì làm, người khuyên nhắc không nghe, nên ác nghiệp mỗi ngày càng tăng, phước lành tổn giảm. Người đời vì tánh buông lung cờ bạc rượu trà, ăn chơi phá tán, nên nhiều khi của cải tiêu tan, thân thể bịnh hoạn. Người tu Phật, phải dẹp trừ tánh buông lung này, thì tu hành mới được thành công. Tu như thế gọi là "Tu Tâm." 

Quý vị cũng nên phân biệt một chút, để cho rõ hành tướng của ba món tâm sở này:

- Trạo cữ là tâm lao chao. 
- Tán loạn là tâm vọng tưởng, rối loạn. 
- Phóng dật là tâm buông lung.

Tôi xin tỷ dụ để cho rõ ba món tâm sở này: 

- Như con ngựa cột ở trong chuồng, tuy đứng một chỗ, nhưng đầu và mình vẫn lắc qua, lắc lại, như thế là dụ cho tâm lao chao. 

- Con ngựa không còn bị cột đứng một chỗ nữa, nó chạy tới chạy lui lăng xăng trong chuồng, như thế dụ cho tâm tán loạn. 

- Đến lúc ngựa tông chuồng, rong ruổi theo cái, hoặc phá hại khoai bắp của người v.v... như thế dụ cho tâm buông lung. Hành tướng của ba món tâm này, khác nhau như thế. 

19.- THẤT NIỆM: là không nhớ. 

Nghĩa là không chăm chú, để ý đến công việc làm của mình. Vì quên mà hư hỏng nhiều việc lớn lao! Người tu thiền hoặc niệm Phật, vì không nhớ chánh niệm nên vọng niệm dễ sanh. Bởi thế, người tu Phật phải định tâm, chú ý và dẹp trừ thất niệm (quên chánh niệm). Như thế gọi là "Tu Tâm". 

20.- BẤT CHÁNH TRÍ: là hiểu biết không chánh đáng. 

Nghĩa là hiểu tà vạy, hiểu mê lầm. Vì hiểu lầm nên mới làm sai; có khi cũng vì hiểu lầm mà phải xích mích với nhau. Thế nên người học Phật, phải hiểu biết rõ ràng và chánh đáng. Khi tiếp xúc một việc gì, phải phán đoán và suy xét cho kỹ, để tránh những sự hiểu lầm hoặc không chánh, có thế mới tránh khỏi được những hành vi không hay. Biết sửa đổi như thế gọi là "Tu Tâm".

THIỆN TÂM SỞ

Thưa quý vị! 

Tôi đã kể rõ ba mươi tên giặc phiền não, nào tên họ, tài năng và hành tướng của chúng một cách tường tận rồi, bay giờ tôi xin nói qua đạo binh hiền từ ở trong tâm chúng ta. Đạo binh này chẳng khác nào như các vị trung thần. Nước nhà được thạnh trị, dân chúng được hưởng hạnh phúc thái bình an lạc, vua giữ vững được ngai vàng, đều nhờ các vị trung thần. Chúng ta được làm quân tử, hay thành Thánh hiền, cũng nhờ đạo binh hiền từ ở nơi tâm chúng ta, thắng được giặc phiền não vậy. Đạo binh này có mười một anh. 

1.- TÍN: là tin. 

Trong kinh nói: "Lòng tin là mẹ sanh ra các công đức". Vì có tin nhơn quả, tội phước, nên mới bỏ dữ làm lành, có tin tu hành sẽ được giải thoát, nên mới quyết tu; tin giữ giới có nhiều công đức, khỏI đọa trong tam đồ ác đạo, cho nên mới phát nguyện giữ giới. Trong Duy thức chép: "Đức tin cũng như hột châu thanh thủy, hay làm cho nước được trong. Đức tin này, nó làm cho tâm mình được thanh tịnh". Do có tin nhân quả, tội phước nên mới hăng hái bỏ những việc ác và ưa làm việc lành. Vậy đức tin là điều cần yếu của người tu hành (mê tín thuộc về ác kiến tâm sở). 

2.- TINH TẤN: là siêng năng, châm hẩm. 

Đối với việc dữ siêng năng dứt trừ, với việc lành siêng năng làm theo. Người học trò nhờ siêng năng nên mau giỏi. Người làm ruộng nhờ siêng năng nên thâu góp lúa thóc được nhiều. Người đi buôn nhờ siêng năng nên của tiền mau phát thạnh. Người làm thợ nhờ siêng năng nên công nghệ mỗi ngày thêm phát đạt. Người tu hành nhờ siêng năng, mà mau được thành đạo, chứng quả. Thuở xưa Đức Thích Ca nhờ siêng năng, nên mới thành đạo trước đức Di Lặc. Nói tóm lại, siêng năng là một đức tính tốt, cần thiết cho tất cả mọi người, để dùng trong tất cả trường hợp (siêng năng cờ bạc, rươụ trà, coi hát v.v... là phóng dật tâm sở (buông lung) thuộc về phiền não, chớ không phải thiện tâm sở, xin quý vị chớ lộn). 

3.- TÀM: là tự mình xấu hổ. 

4.- QUÍ: là thẹn với người. 

Phàm làm việc gì có tội lỗi, đối với lương tâm mình biết xấu hổ, đối với người rất thẹn thuồng; như chúng ta tham lam, gian lận một vật gì của ai, đối với mình lấy làm xấu hổ: "Ta là Phật tử đã thọ giới pháp của Phật dạy, không được tham lam trộm cướp, mà lại còn tham lam, gian trá làm sự tội lỗi như thế ư!". Đối với người khác, mình hết sức thẹn thuồng; như trong lúc chúng ta uống rượu, tự xét rằng: "Ta là Phật tử đã hứa trước đức Phật và chư Tăng không uống rượu, mà hôm nay ta lại uống rượu say sưa như vầy, thì ta đâu còn phải là Phật tử nữa, nên hết sức xấu hổ. Đối với những bạn đồng quy y, thọ giới có ai say sưa như ta không?" Rồi thẹn thuồng với người. 

Nói tóm lại, biết hổ thẹn là đức tính tánh tốt. Người biết hổ thẹn mới mong tránh được những tội lỗi và mới có thể tăng tiến trên đường lành. Đã là Phật tử, chúng ta nên có và phải có hai đức tánh này (Hổ và Thẹn) để áp dụng trong những lúc, chúng ta làm những điều tội lỗi. Biết hổ thẹn như thế gọi là "Tu Tâm" 

5.- VÔ THAM: là không tham lam. 

Đối với tiền tài không tham, vì biết các pháp là vô thường; sắc đẹp không muốn vì quán thân là bất tịnh; danh vọng chẳng màng, vì biết thọ là khổ, mà chỉ an phận tùy duyên. Do không tham lam nên không giành giựt, bởi không giành giựt nên không đánh đập, chém giết nhau. Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều không tham lam; không xâm chiếm thị trường, không xâm chiếm đất đai lẫn nhau, thì chắc chắn thế giới sẽ hòa bình an lạc. 

6.- VÔ SÂN: là không nóng nảy, giận hờn. 

Sân hận là một điều hại lớn. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Nghĩa là một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn tội chướng đều sanh ra. Ngạn ngữ có câu: " Ăn nóng quá mất ngon, giận tức lắm mất khôn". "Không sân hận" là một anh kiện tướng dẹp trừ được giặc phiền não sân hận. Muốn cho đức tánh không sân hận có nay đủ lực lượng để dẹp trừ lòng sân, thì cần phải tu pháp quán từ bi hay nhẫn nhục là nhịn chịu các điều nhục nhã, không sân hận. Duy có đức từ bi và nhẫn nhục, mới rưới tắt được lửa sân hận. Chúng sanh nhiều kiếp sanh tử luân hồi, bởi không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Bởi thế nên Phật tử chúng ta phải tập tánh không sân hận. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

7.- VÔ SI: là không mờ ám, si mê. 

Đối với tất cả việc, lúc nào cũng có trí huệ sáng suốt, suy xét, phán đoán việc tà, chánh, hay, dở, phải, trái v.v... Do đó, việc làm mới chánh đáng, tránh khỏi những điều tai hại, vừa lợi ích cho mình và người ở hiện tại cũng như ở tương lai. 

8.- KHINH AN: là thân tâm nhẹ nhàng, thơ thới. 

Làm việc vui vẻ, không mờ mịt (hôn trầm) nặng nề, được khoan khoái yên vui. Người mà thân tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, thì trí huệ mới sáng suốt, học hành mau nhớ, tu niệm mau thành công, suy nghĩ chuyện gì cũng mau lẹ ra lẽ. 

9.- BẤT PHÓNG DẬT: là không buông lung, biết tự kiềm thúc lấy mình, để tiến trên con đường chơn chánh. 

Lo làm các việc lành, không buông lung cờ bạc, rượu trà, phá trai, phạm giới, làm những điều ích kỷ tổn nhơn. Người học Phật biết tự kiềm thúc lấy mình, mới gọi là người biết "Tu Tâm. 

10.- HÀNH XẢ: là làm mà không cố chấp. 

Có hai: 

- Nếu gặp những cảnh trái ngược, làm cho ta đau khổ, phải xả bỏ ngay đi, thì ta mới được hết khổ. Tỷ như bị người chọc giận, nếu ta cố chấp mãi, thì trong lòng ta sẽ bực tức, nặng nề khó chịu. Nếu ta liền hỷ xả, thì sẽ thấy lòng ta nhẹ nhàng vui vẻ. 

- Mỗi khi ta làm được điều lành, không nên cố chấp và ghi nhớ mãi. Nếu cố nghĩ đến việc lành ta đã làm, nhiều khi sanh ra tánh tự cao, rồi sẽ đi dần đến chỗ tự kiêu hay tự đắc, hoặc cho như thế là đủ rồi không làm nữa. Tỷ dụ như ta cho người ăn xin một trăm đồng bạc, nếu ta nhớ mãi thì chút nữa có người khác đến xin, ta quyết không cho, vì ta nhớ vừa mới cho một trăm đồng rồi. Trái lại, nếu cho rồi mà không ghi nhớ, thì một lác sau có người khác đến xin, ta có thể cho nữa, nhờ ta biết xả, không nhớ mình đã có cho vậy. 

11-. BẤT HẠI: là không làm tổn hại người và vật. 

Đối với mọi người và mọi vật, nếu chúng ta không làm được lợi cho họ thì thôi, chớ không nên làm tổn hại. Vì người khác làm tổn hại mình, mình đã không chịu, thì chúng ta chớ nên làm tổn hại người. Không làm tổn hại người và vật, là chúng ta tạo cho mình một nhân tốt, sẽ đưa đến đức tánh từ bi của Phật. 

Tóm lại, chúng ta biết nuôi dưỡng mười một đức tánh thiện này, như thế là "Tu Tâm".

 

ĐIỀU CỐT YẾU NHỨT LÀ HẰNG NGÀY CHÚNG TA NÊN TỰ KIỂM THẢO TÂM NIỆM CỦA MÌNH.

Thưa quý vị! 

Chúng ta đã hiểu rõ trong tâm mỗi người đều có mười một anh tướng lành và ba mươi tên giặc phiền não. Quý vị đã biết hình dạng, tên tuổi và tài năng, binh tướng của ta và của giặc rồi. Vậy chúng ta thường ngày, nên tự kiểm thảo từng giờ, từng phút: khi một tâm niệm nổi lên, chúng ta xem xét nó là thiện hay ác. Cũng như người cầm binh ra chiến trường, vừa thấy bóng người thấp thoáng, phải quan sát cho kỹ, đây là binh tướng của ta hay của giặc. Có thế mới khỏi cái hại "nhận giặc làm con" và mới mong dẹp trừ được giặc. 

Như trong lúc chúng ta thấy tiền của, sắc đẹp danh vọng v.v... sanh lòng "tham muốn", đó là tham tâm sở hiện ra, nó là giặc phiền não. Chúng ta phải mau mau trừ đi, như thế gọi là "Tu Tâm" 

Trong lúc chúng ta gặp cảnh trái nghịch, "nổi nóng" (sân), "tức giận" (phẫn) lên, "oán hờn" (hận) và "buồn bã bực tức" (não) thối đạo, nản lòng, đó là phiền não tâm sở hiện ra. Nó là giặc đến hại ta, nó sẽ đốt tiêu rừng công đức và phá hoại thành Niết bàn của ta. Ta nhiều kiếp sinh tử luân hồi cũng vì nó. Vậy người Phật tử phải mau trừ đi; như thế gọi là "Tu Tâm". 

Trong lúc chúng ta làm điều tội lỗi, phá trai, phạm giới mà không hổ thẹn với lương tâm, không thẹn với chúng bạn, thế là hai món phiền não "không hổ" và "không thẹn" hiện ra. Nó là giặc phá hại, chúng ta phải lập tức trừ đi. 

Đến giờ tụng kinh, niệm Phật hay đến ngày lễ phải đi chùa lễ Phật nghe kinh, mà chúng ta thấy trong người dã dượi chẳng muốn đi; đó là tâm sở "giải đãi" là giặc; hay chỉ muốn đi coi hát, hoặc đánh bài v.v... đó là tâm sở "buông lung", thuộc về giặc phiền não, chúng ta phải trừ đi, như thế gọi là "Tu Tâm". 

Trong lúc chúng ta làm điều tội lỗi mà che dấu, không chịu phát lồ sám hối; đó là tâm sở "phú" thuộc về giặc phiền não. Khi chúng ta thấy người có tài năng, danh vọng, hay được lợi lộc, mà sanh lòng ghen ghét không ưa; đó là tâm sở "tật đố", cũng thuộc về giặc phiền não. 

Khi chúng ta biết được việc hay, không chịu chỉ dạy cho người, hoặc thấy người thiếu thốn về vật chất, mình có của mà không giúp đỡ; đó là tâm sở "bỏn xẻn" thuộc về phiền não. Nếu giặc phiền não cường thạnh, thì nó sẽ phá hại chúng ta vô cùng vô tận. 

Trong lúc tụng kinh, niệm Phật mà thấy tâm mình lao chao không yên tĩnh, hoặc miệng nói lắp bắp, nói chuyện gì cũng không đáng chuyện gì, ngồi đâu thì nhịp đùi, rung vế, hoặc đứng ngồi không tề chỉnh; đó là "trạo cử tâm sở". Còn nghĩ tưởng xằng xiêng là "tán loạn tâm sở". 

Trong lúc tụng kinh, niệm Phật mà tâm tánh mơ màng, nặng nhọc (ngủ gục) đó là "hôn trầm tâm sở" thuộc về giặc phiền não; trái lại nhẹ nhàng khoan khoái, tụng niệm sáng suốt là "khinh an tâm sở" thuộc về đạo binh lành. 

Xin xăm, bói quẻ, cầu thần, đảo quỷ, làm những điều mê tín, dị đoan, đốt vàng bạc, giấy tiền, lầu đài kho phướn, chấp chặc theo thành kiến của mình, không tin lời nói phải, hoặc làm theo tục lệ cổ truyền không chánh đáng, giữ gìn theo những giới cấm tà đạo; như thế đều thuộc về "tà kiến" (ác kiến) tâm sở. Đó là giặc phiền não, chúng ta phải mau dẹp trừ. Như thế gọi là "Tu Tâm". 

Đối với người, ta dùng những mưu mô để lừa dối, nói năng xảo trá , đó là "cuồng tâm sở", thuộc về phiền não; hoặc nói những lời nịnh hót, bợ đỡ, người hỏi không đáp, là "siễm" và "kiêu tâm sở"; có ý khinh rẽ, hiếp đáp lấn lướt người, là "ngã mạn tâm sở". Trên đây thuộc về giặc phiền não cả, chúng ta phải diệt trừ. Như thế gọi là "Tu Tâm" . 

Mỗi khi chúng ta thấy việc đạo, sốt sắng ra làm, là "tinh tấn tâm sở"; đến giờ tụng kinh niệm Phật siêng năng, là "tinh tấn tâm sở", thuộc đạo binh lành. Lỡ làm điều gì tội lỗi đối với mình hết sức hổ, với người hết sức thẹn, đó là "tàm" và "quí" tâm sở, cũng thuộc về lành. Thấy vàng bạc, của cải, danh vọng, sắc đẹp không tham, đó là "vô tham tâm sở", thuộc binh tướng lành. Đối với cảnh nghịch, lòng không nóng nảy, giận hờn, đó là "vô sân tâm sở", cũng thuộc về lành. Gặp một việc gì, ta sáng suốt phán đoán hay dở, lợi hại, là "vô si tâm sở". Không cờ bạc rượu trà phá trai phạm giới, buông lung phóng đảng đó là "bất phóng dật tâm sở". Gặp những việc người ta làm cho mình đau khổ mà mình hỷ xả; làm được việc gì hay, tốt, có công đức mà không chấp trước (nghĩ đến) là "hành xả tâm sở". Không giúp ích được người và vật thì thôi, chớ không làm tổn hại, đó là "bất hại tâm sở". Trên đây đều thuộc về đạo binh hiền từ của chúng ta, chúng ta nuôi dưỡng làm cho nó mạnh mẽ thêm lên, mới mong thắng được giặc phiền não trên kia. Như thế gọi là "Tu Tâm" 

Nói tóm lại, hàng ngày và từng giờ từng phút, chúng ta phải thường xuyên tự kiểm thảo tâm mình như thế. Mỗi khi có một niệm nổi lên, chúng ta phải thường tự kiểm thảo tâm mình như thế. Mỗi khi có một niệm nổi lên, chúng ta phải xét ngay coi là thiện hay ác. Nếu ác, thì chúng ta phải mau mau dẹp trừ; còn thiện, thì chúng ta phải làm sao cho nó thêm tăng trưởng. Nếu giặc phiền não nổi lên, mà chúng ta để cho nó tự do hoành hành, không sớm dẹp trừ, thì nó sẽ phá tan nước công đức, cướp đoạt thành Niết bàn của chúng ta; làm cho ta thành kẻ đê hèn và nô lệ cho vật dục, hoặc phải đọa trong ba đường dữ là nịa ngục, Ngạ quỉ và súc sanh. 

Trái lại, đạo binh từ thiện trong tâm chúng ta, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng nó, làm cho nó được mạnh mẽ, hùng dũng, thì nó sẽ đánh tan được giặc phiền não, giữ gìn nước công đức, bảo thủ thành Niết bàn, làm cho ta trở nên hiền, thánh hay Phật. 

Đạo binh hiền từ, kháng chiến với giặc phiền não trong nội tâm chúng ta như thế, không những từng ngày, từng giờ mà phải luôn luôn từng phút từng giây; không phải một năm hai năm, mà phải nhiều đời nhiều kiếp, mới thắng được giặc phiền não. Kháng chiến như thế mới thật là trường kỳ kháng chiến. Như Đức Phật Thích Ca phải trải qua bao vô số kiếp tu hành, mới hoàn toàn thắng được giặc phiền não, thành quả vị Phật. Thành một vị Phật như thế, thật đâu có phải dễ, vì thế nên gọi là "Phật bảo". Bởi thế nên, chúng ta dù suốt đời lạy Ngài đi nữa, cũng chưa xứng. 

Có người nghĩ rằng: "Tu hành là việc khó, mà phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật thì lâu quá, ai làm được!" 

Thưa quý vị! 

Sách nói: "Thế thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyển". Nghĩa là: Trên đời không có việc chi khó, chỉ tại tâm mình không chuyên cần. Nếu không ai làm được, sao đức Phật Thích và nhiều đức Phật khác lại thành được. Phật đã dạy rằng: "Kia là trượng phu, thì ta đây cũng vậy, chớ nên tự khinh mình mà lui sụt". Người nghĩ sợ như thế, chẳng khác nào như người học trò lớp năm, mà trông lên địa vị Thạc sĩ hay Bác sĩ, rồi họ thối chí và nói rằng: "Học đến hai mươi mấy năm mới đậu Thạc sĩ ai học được!". Thật ra ông Thạc sĩ lúc đầu tiên cũng học lớp năm như ai vậy. Tuy biết rằng đường dài, nhưng từy theo sức mình, tu được bao nhiêu, sẽ được lợi ích bay nhiêu. Như người học lớp năm; khi lên nhứt, thì vẫn thấy lợi ích học ở lớp nhứt, cho đến khi lên trung học, đại học, v.v... thì đều có lợi ích ngang các cấp ấy; học được lớp nào cũng đều có lợi ích cả. Dù Bác sĩ hay Thạc sĩ, trong lúc đầu tiên cũng học ở lớp thứ tư lớp năm như ai. Như quý vị đạo hữu thọ ngũ giới thì chỉ thấy ích lợi ở ngang năm giới; đến khi thọ giới Bồ Tát, thì được lợi ích ở giới Bồ Tát. Dù thành quả Phật cao siêu, song lúc đầu tiên, quý ngài cũng như chúng ta vậy. 

Thưa quý vị! 

Thắng được giặc phiền não, không phải là một việc dễ, phải trải qua một thời gian lâu xa đến ba vô số kiếp mới hoàn toàn thắng được; có thắng được mới thành Phật. Vậy chúng ta trong lúc thấy những người tu hành còn tham sân v.v... chớ nên trách họ. Vì còn phiền não cho nên họ mới tu. Nếu hết phiền não thì họ đã thành Phật rồi, cần gì phải tu nữa. Cũng như còn kháng chiến tức là còn giặc; đã còn giặc thì có khi thắng trận, mà cũng có lúc bại trận. Người ở trong vòng tu hành cũng thế, có khi thắng được giặc phiền não, mà cũng có lúc giặc phiền não thắng. Vậy chúng ta không nên trách: "người tu sao còn tham, sân v.v..." 

Thưa quý vị! 

Chúng ta từ hồi nào đến giờ , bị giặc phiền não xâm chiếm, cướp mất chủ nhơn ông (chơn tâm). Nó trói cột, xiềng xích, làm cho ta mất tự do; bị nó sai sử, đầy đọa bắt ta làm nô lệ cho thất tình lục dục, mất độc lập. Vậy chúng ta phải nổ lực dùng đạo binh hiền từ, kháng chiến cho thắng được giặc phiền não ở nội tâm, phá tan xiềng xích nô lệ, lấy lại thành giải thoát, đem trở về chủ nhơn ông (chơn tâm) như thế mới thật là độc lập, mà có độc lập, ta mới được tự do. 

Nếu như nước nhà được độc lập, dân chúng được tự do, mà tâm ta hãy còn bị phiền não trói buộc, thất tình lục dục sai sử, gây tạo những điều tội ác, thì ta không sao khỏi bị gông cùm tù tội. Dù cho nước nhà có thật độc lập, dân chúng được tự do hoàn toàn, mà ta vẫn bị xiềng xích gông cùm nô lệ cho vật chất như thường, không được tự do và độc lập chút nào cả. 

Vậy dám mong, tôi cùng quý vị, cố gắng kháng chiến cho hoàn toàn thắng được giặc phiền não ở nơi tâm mình, để khỏi làm nô lệ cho thất tình, lục dục, để được giải thoát như Phật. Như thế mới hoàn toàn tự do độc lập. Và được như thế, là do chúng ta biết "Tu tâm". 

Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật 
Giảng sư 
Thích Thiện Hoa

 

Tác giả bài viết: Giảng sư - HT Thích Thiện Hoa