Thiền Tông Bản Hạnh - Phần II

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần II
Giảng kệ lời mào - Thiền Tông bản hạnh

GIẢNG:

1. LỜI MÀO:

Thời vừa đầu tiết xuân thiên,

Khí dương đầm ấm dân yên thái hòa.

Bụt sinh Hoàng Giác Lê gia,

Thánh chúa vỗ trị gần xa lai hàng.

Bốn phương khói tắt lửa lang,

Phong điều vũ thuận dân khang thái bình.

Được mùa hải yến hà thanh,

Gia gia nghinh chúc Thánh Minh cửu trường.

Dân nông thịnh vượng tàm tang,

Thóc Hán gạo Đường đại nậm phong niên. Tuệ Đăng Hòa thượng Chân Nguyên,

Trụ trì Long Động tự Thiền Dược Am.

Vốn xưa cổ tích danh lam,

Trần triều khai sáng đỉnh nham tu Thiền.

Yên sơn cảnh tựa Tây Thiên,

Phần hương chúc Thánh khỏe bền đế đô.

Việt Nam bốn bể cửu chu,

Hưng sùng đạo Bụt chợ quê khắp miền.

Gió thông thổi lọt am hiên,

Tinh thần sảng nhớ lòng Thiền chép ra.

* * *

Lời mào là lời mở đầu.

Thời vừa đầu tiết xuân thiên,

Khí dương đầm ấm dân yên thái hòa.

Bụt sinh Hoàng Giác Lê gia,

Thánh chúa vỗ trị gần xa lai hàng.

Thời gian ngài Chân Nguyên viết quyển sách này là vào đầu tiết xuân, khí trời ấm áp, dân chúng yên hòa.

“Bụt sinh Hoàng Giác Lê gia”. Đây là chỗ nhiều người thắc mắc. Bụt là Phật, sinh Hoàng Giác Lê gia là sinh trong gia đình dòng họ Lê, tức là triều đình nhà Lê. Triều Lê có ai tu xứng đáng mà gọi là Bụt?

Nguyên là vào thời vua Lê Hy Tông có Thiền sư Tông Diễn(*) (1640 - 1711) thuộc tông Tào Động, sanh trước ngài Chân-Nguyên 7 năm. Ngoài Bắc gọi Ngài là Hòa thượng Cáy, tức Hòa thượng Cua, Ngài lập ra chùa Hồng Phúc còngọi là chùa Hoè Nhai ở Hà Nội hiện nay.

Lúc bấy giờ vua Lê Hy Tông không biết gì về đạo Phật, nghe lời các nhà Nho chê bai nhà Phật, nên vua ra lịnh tất cả tăng ni đều phải lui vào rừng núi ở, không được ở nơi thành thị. Biết được tin này, ngài Tông Diễn rất đau lòng, nghĩ rằng: '' Dù cho ai có tài ba lỗi lạc gì, hiểu đạo lý thâm sâu đến đâu, nếu ở trong rừng núi thì biết dạy ai đây, xem như đạo Phật hết cơ giáo hóa, làm sao độ được chúng sanh trong bể khổ!” Ngài mới tìm cách để khuyên can nhà vua.

Ngài đến kinh đô Thăng Long, vào ở trọ nhà của một người lính gác ngục để xin phép được triều kiến vua. Ngài nghĩ ra một kế, báo cho các quan giữ thành nói rằng: '' Tôi ở núi được một viên ngọc quí vô giá, mang đến đây để hiến tặng vua, xin cho tôi đem ngọc dâng cho vua ''. Các quan vào triều tâu lên vua Lê Hy Tông. Vua không chịu tiếp và nói nếu có ngọc quí thì cho quan ra nhận ngọc đem vào vua xem, chớ không cho Sư vào trong cung. Trải qua ba tháng, Ngài không vào được triều đình, biết bao giờ gặp được vua để can gián. Ngài suy nghĩ viết một tờ biểu rất là chí lý, thí dụ đạo Phật như hòn ngọc quí soi sáng mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối. Viết xong Ngài để tờ biểu vào hộp dán kín cẩn mật và yêu cầu vị quan tâu lên vua: Nếu vua không cho Sư gặp, thì xin cho một vị quan văn trung trực thanh liêm, trai giới ba ngày đến nhận ngọc quí. Vua liền chọn một quan văn tín cẩn, thành tâm trai giới ba ngày, rồi đến chỗ Sư nhận ngọc. Ngài trao hộp đựng ngọc, dặn dò đừng mở ra và đến trước triều dâng tận tay vua. Vị quan cung kính nhận hộp ngọc đem về, đến giữa triều mở hộp cho vua xem, không thấy ngọc đâu, chỉ có tờ biểu. Vua bảo đọc tờ biểu, nghe thấy lý lẽ rõ ràng lời văn sáng suốt ý tứ thâm trầm, vua liền có tỉnh, biết đạo Phật là quí mà mình lầm. Vua ra lịnh cho mời Sư vào triều. Nhân đó Ngài giảng dạy đạo lý, vua thức tỉnh, thu hồi lệnh trước không còn đày tăng ni vào núi rừng nữa, lại cho trở về chùa tùy duyên giáo hóa.

Sau khi đã thấm nhuần đạo lý, vua Lê Hy Tông thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên tạc hình vua quì mọp để tượng Phật Thích Ca trên lưng để tỏ lòng sám hối. Tượng này hiện còn thờ tại chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) bên cạnh chánh điện.

Như vậy người cảnh tỉnh được vua Lê Hy Tông là Thiền sư Tông Diễn. Sau này khi tỉnh rồi, nhà vua biết tu hành và kính trọng Phật pháp, cho nên Thiền sư Chân Nguyên khi viết quyển Thiền Tông Bản Hạnh là lúc nhà vua lớn tuổi, nên tôn xưng là ông vua giác, gọi là Hoàng Giác. “Bụt sinh Hoàng Giác Lê gia” là ông vua Phật, ông vua giác ngộ đời nhà Lê.

Bản in 1932: “Bụt sinh Hoàng đế Lê gia”, một bên là chữ giác, một bên là chữ đế.

“Thánh chúa vỗ trị gần xa lai hàng”. Thánh chúa là chỉ chúa Trịnh, cai trị xa gần đều quy phục. Thời ấy trong là triều đình nhà Lê, ngoài là dinh chúa Trịnh, gọi là thời vua Lê chúa Trịnh. Cũng như ngày nay các nước tổ chức theo quân chủ lập hiến, trên là vua, dưới có thủ tướng điều hành việc nước.

Bốn phương khói tắt lửa lang,

Phong điều vũ thuận dân khang thái bình.

Được mùa hải yến hà thanh,

Gia gia nghinh chúc Thánh Minh cửu trường.

“Bốn phương khói tắt lửa lang”. Chữ lang là chỉ con chó sói. Khi xưa những người ở đồn binh biên giới thường lấy phân chó sói phơi khô để dành. Lúc có binh biến liền đốt phân đó, lửa bốc lên cao, khói bay thẳng báo hiệu cho các đồn binh nơi khác biết tin để đến cứu trợ. “Khói tắt lửa lang” là chỉ thời thái bình. 

“Phong điều vũ thuận dân khang thái bình”. Gió hòa mưa thuận nên dân chúng được an khang thái bình.

“Được mùa hải yến hà thanh”. Được mùa là trúng mùa, hải yến là biển yên, hà thanh là sông trong, tức là ngoài biển yên lặng không sóng gió, nước sông trong trẻo không ngàu đục. Đây diễn tả thời tương đối thái bình.

“Gia gia nghinh chúc Thánh Minh cửu trường”. Nhà nhà đều chúc mừng đức vua được sống lâu mãi mãi.

Dân nông thịnh vượng tàm tang,

Thóc Hán gạo Đường đại nậm phong niên.

Người nông phu làm ăn thịnh vượng về nghề nuôi tằm trồng dâu. Lúa Hán gạo Đường là nói thời Hán thời Đường là hai thời phồn thịnh, dân chúng làm lúa được mùa. Đại nậm hay đại nẫm là được mùa hay trúng mùa, tức được nhiều lúa.

Phong niên là năm an ổn phong nhã. Đây là chỉ thời an khang thịnh vượng.

Tuệ Đăng Hòa thượng Chân Nguyên,

Trụ trì Long Động tự Thiền Dược Am.

Vốn xưa cổ tích danh lam,

Trần triều khai sáng đỉnh nham tu Thiền.

Điểm đặc biệt ở đây là ngài Tuệ Đăng tự nói tên mình. Mới đọc qua tưởng như người khác viết chớ không phải Ngài. Tuệ Đăng là pháp danh, Chân Nguyên là pháp hiệu của Ngài. Ngài làm trụ trì chùa Long Động và cũng ở Thiền Dược Am tức am thuốc Thiền. Nơi này là cổ tích danh lam thời Trần, nên triều Trần khai sáng đỉnh núi để tu thiền.

Yên sơn cảnh tựa Tây Thiên,

Phần hương chúc Thánh khỏe bền đế đô.

Cảnh núi Yên Tử rất đẹp giống như bên Tây Thiên Trúc. Phần hương là thắp hương chúc tụng nhà vua mạnh khỏe, kinh đô vững bền.

Việt Nam bốn bể cửu chu,

Hưng sùng đạo Bụt chợ quê khắp miền.

Nước Việt Nam bốn bể chín châu, từ thành thị đến thôn quê, nơi nào cũng tôn sùng đạo Phật.

Gió thông thổi lọt am hiên,

Tinh thần sảng nhớ lòng Thiền chép ra.

Ngồi nghe gió thổi vào am mát rượi, tinh thần sảng khoái, Ngài liền nhớ chép lại sự tích này.

Đây là lời mở đầu ca tụng thời bình yên. Thật ra thời đó đất nước chia ra Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đàng Trong có chúa Nguyễn, Đàng Ngoài có chúa Trịnh và vua Lê. Hai bên đang ngưng chiến, cho nên chỉ tương đối chớ chưa thật sự bình yên.

"2. CỖI GỐC THIỀN TÔNG

Trước kể tông phái Thiền gia,

Ai ai học đạo xem hòa biết hay.

Tây Thiên Thích Ca là thầy,

Truyền cho Ca Diếp cùng thầy A Nan.

Tính được nhị thập bát viên,

Hai mươi tám Tổ Tây Thiên thuở này.

Đạt Ma Tổ mái phương Tây,

Vượt sang Đông Độ truyền nay kệ rằng:

“Ngô bản lai tư thổ,

Truyền pháp cứu mê tình.

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành.”

Nguồn cơn tao đến chưng đây,

Mở truyền giáo pháp làm thầy cứu mê.

Một cây nở được năm chi,

Khai hoa kết quả đều thì chứng nên.

Tuệ Khả, Tăng Xán tục liên,

Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, lục Thiền Huệ Năng.

Chư Tổ truyền dõi Tâm đăng,

Tây Thiên Đông Độ thiệu long khắp trời.

Ngũ gia tông phái mọi nơi,

Kéo đèn chong ngọn đợi người hữu duyên.

Chư Phật trỏ bảo căn nguyên,

Khẩu thụ tâm truyền Bát Nhã chính tông.

Tứ mục tương cố nhãn đồng,

Thầy tớ trao lòng đăng chúc giao huy.

Bổng đầu cử nhãn ấn tri,

Cơ quan thấu được thật thì tri âm.

Đến khi phó pháp truyền tâm,

Vận dụng trí tuệ thiển thâm nhiều bề.

Hoặc là nghiễm tọa vô vi,

Hoặc là thuấn mục, dương mi, dao thần.

Hoặc hiện sư tử tần thân,

Quát thét một tiếng xa gần vang uy.

Ai khôn xem đấy xá nghì,

Hội ngộ tự tính tức thì chứng nên.

Thuở xưa hội cả Kỳ Viên, Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày.

Ca Diếp trí tuệ cao tay,

Liễu ngộ tự tính bằng nay mỉm cười.

Trần trần sát sát Như Lai,

Chúng sinh mỗi người mỗi có hoa sen.

Hoa là vốn tính trạm viên,

Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng.

Hậu học đà biết hay chăng?

Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời.

Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi,

Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.

Chân hoa sắc tức thị không,

Không tức thị sắc thể đồng như như.

Tam thế chư Phật Tổ sư,

Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ.

Ai chưa tín thụ còn ngờ,

Thỉnh Kinh Lăng Già quyển nhị hòa trông.

Tự nhiên đốn ngộ Tâm tông,

Kẻo tìm kinh giáo luống công lâu ngày.

Giáo là kinh lục kể bày,

Giấy mực văn tự chất đầy hà sa.

Tông là nguyên tự tính ta,

Vốn vô nhất vật lặng hòa hư linh.

Thuở xưa trời đất chưa sinh,

Cha mẹ chưa có thật mình chân không.

Chẳng có tướng mạo hình dung,

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.

Thánh phàm vô khiếm vô dư,

Bất sinh bất diệt như như Di Đà.

Liễu tri vạn pháp không hoa,

Văn tự ngôn ngữ ấy là vọng duyên.

Chân như tính vốn thiên nhiên,

Vô tạo vô tác căn nguyên của nhà.

Xem kinh Bụt thốt còn xa,

Nghiệm cơ Tổ bảo sát na biết rồi.

Ngộ tính không tịch thì thôi,

Chẳng lạ chi lời vấn đáp tiêu hao.

Cơ quan thuận nghịch thấp cao,

Những sự huyễn trí chiêm bao đặt làm. Đại vi thuyết pháp chỉ nam,

Cho ta ngộ đạo kẻo đàm kinh lâu.

Cho hay Phật pháp lẽ mầu,

Bất quan văn tự bất cầu đa ngôn.

Khuyên người học đạo trí khôn,

Giác tri tự tính chớ còn tìm đâu.

Phật Tổ phó chúc bấy lâu,

Pháp ấn như thị làu làu chân không.

Cùng truyền Bát Nhã Tâm tông,

“Ngộ vô sở đắc” thật dòng chân tăng.

Thiệu Phật kế Tổ liên đăng,

Tương truyền y bát thừa thằng thiệu long.

* * *

Trước kể tông phái thiền gia,

Ai ai học đạo xem hòa biết hay.

Tây Thiên Thích Ca là thầy,

Truyền cho Ca Diếp cùng thầy A Nan.

Đây nói về nguồn gốc Thiền tông.

Tông phái nhà thiền từ buổi đầu, ai học đạo cũng nên biết rõ. Ở Tây Thiên tức là Ấn Độ, đức Phật Thích Ca là thầy, kế đó Phật truyền cho Ca Diếp, và Ca Diếp truyền cho A Nan.

Tính được nhị thập bát viên,

Hai mươi tám Tổ Tây Thiên thuở này.

Đạt Ma Tổ mái phương Tây,

Vượt sang Đông Độ truyền nay kệ rằng:

Bản này là chữ ''mái'', bản in 1932 là ''mới'', có thể chữ mới đúng hơn. Ở Ấn Độ, tính ra có 28 vị Tổ, Tổ thứ 28 là Tổ Đạt Ma từ phương Tây là từ Ấn Độ, vượt sang Đông Độ là Trung Hoa, truyền bài kệ rằng:

Ngô bản lai tư thổ,

Truyền pháp cứu mê tình.

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành.

Đây là nguyên bản chữ Hán, nghĩa là:

Tôi xưa đến cõi này,

Truyền pháp để cứu độ những kẻ mê,

Một cành hoa nở ra năm cánh, Kết quả thành tựu một cách tự nhiên.

Nguồn cơn tao đến chưng đây,

Mở truyền giáo pháp làm thầy cứu mê.

Lý do Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa là để mở truyền giáo pháp cứu độ những kẻ mê lầm, truyền mãi cho đến ngày nay.

Một cây nở được năm chi,

Khai hoa kết quả đều thì chứng nên.

Tuệ Khả, Tăng Xán tục liên,

Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, lục Thiền Huệ Năng.

Đây nói một cây có năm nhánh hay nói một hoa nở được năm cánh, hoa quả đều thành tựu. Năm cánh là năm vị Tổ ở Trung Hoa, trước tiên là Tổ Tuệ Khả, kế là Tổ Tăng Xán, đến Tổ Đạo Tín, Tổ Hoằng Nhẫn và Tổ Huệ Năng.

Chư Tổ truyền dõi Tâm đăng,

Tây Thiên Đông Độ thiệu long khắp trời.

Ngũ gia tông phái mọi nơi,

Kéo đèn chong ngọn đợi người hữu duyên.

Bản này là “Kéo đèn”, bản in 1932 là “khêu đèn”. Có lẽ chữ “khêu đèn” hay hơn và rõ hơn. Chư Tổ truyền ngọn đèn tâm từ Ấn Độ sang Trung Hoa làm cho hưng thịnhkhắp nơi. Tiếp đến là Ngũ gia tông phái tức là năm tông phái được lập ra ở Trung Hoa sau Lục Tổ, đó là tông Lâm Tế, tông Tào Động, tông Qui Ngưỡng, tông Vân Môn và tông Pháp Nhãn. Năm tông phái này làm cho Thiền tông truyền khắp mọi nơi, khêu sáng ngọn đèn trí tuệ đợi những người hữu duyên đến phát tâm tu hành.

Chư Phật trỏ bảo căn nguyên,

Khẩu thụ tâm truyền Bát Nhã chính tông.

Trỏ bảo căn nguyên là chư Phật chỉ bảo cội nguồn. Miệng trao tâm truyền tức là trao truyền chánh tông Bát Nhã. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng có trình với Ngũ Tổ bài kệ trong đó có câu ''Bản lai vô nhất vật'', đó là tinh thần Bát Nhã. Bát Nhã cứu kính cùng tột là bản lai vô nhất vật.

Tứ mục tương cố nhãn đồng,

Thầy tớ trao lòng đăng chúc giao huy.

Tứ mục là bốn mắt, tương cố là nhìn nhau. Bốn mắt nhìn nhau có thông cảm, có nhận định tường tận nên nói là nhãn đồng. Sự truyền thừa đơn giản như trường hợp ngài Chân Nguyên đã ngộ nơi thầy là Thiền sư Minh Lương. Khi đệ tử hỏi, thầy chỉ cần nhìn thẳng đệ tử, đệ tử nhìn lại thầy, hai thầy trò thông cảm, trò liền đảnh lễ. Thông cảm cái gì mà được truyền tâm ấn? Đó là chỗ rất thiết yếu.

Trong Thiền tông, khi xưa đức Phật đưa cành hoa sen.., sau này chư Tổ có khi đưa cành hoa, có khi đưa cây gậy hay phất trần, là để chỉ nương từ một vật nhận ra tánh thấy nơi mình.

Khi xưa trên hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa sen nhìn thẳng đại chúng để xem ai nhìn Phật thông cảm. Khi nhìn đến Ca Diếp, thấy Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười, Phật liền ấn chứng. Nếu Phật không nhìn đại chúng, làm sao thấy Ca Diếp mỉm cười? Cho nên khi đắp tượng Phật cầm hoa sen, phải sửa lại mắt Phật không phải ngó xuống mà nhìn thẳng đại chúng.

Ở thế gian những người có tình ý, khi bốn mắt nhìn nhau, họ cũng cảm thông nhưng cảm thông theo thế tục.

Trong đạo, thầy nhìn thẳng trò là muốn đem tâm tư nguyện vọng của mình, chỗ mình thấy biết trao lại cho đương sự hiện có mặt. Thế nên khi ngài Tuệ Đăng hỏi Thiền sư Minh Lương: Viên ngọc giấu trong đãy, hiện đây phải làm sao để biết? Thiền sư Minh Lương nhìn thẳng Tuệ Đăng, Tuệ Đăng nhìn lại, hai thầy trò cảm thông nhau. Chính ngay lúc thầy trò nhìn nhau là lúc thấy được hòn ngọc giấu trong đãy. Đến đây chúng tôi chỉ nói bóng thôi, chớ không nói hết được.

“Thầy tớ trao lòng đăng chúc giao huy.” Thầy tớ là thầy trò, trao lòng là trong lòng thông cảm nhau, giống như ánh sáng của cây đuốc và ánh sáng của ngọn đèn giao hợp nhau không chống nghịch.

Bổng đầu cử nhãn ấn tri,

Cơ quan thấu được thật thì tri âm.

Đến khi phó pháp truyền tâm,

Vận dụng trí tuệ thiển thâm nhiều bề.

Bản này là “phó pháp truyền tâm”, bản 1932 là “phó pháp truyền tôn”, chữ tâm đúng hơn.

“Bổng đầu cử nhãn ấn tri”. Bổng đầu là đầu cây gậy, cử nhãn là mắt nhìn, ấn tri là biết để truyền tâm ấn.

“Cơ quan thấu được thật thì tri âm.” Những người thấu triệt, cảm thông được những thủ thuật đặc biệt đó mới thật là người tri âm của mình.

“Đến khi phó pháp truyền tâm”. Đến khi đó mới trao pháp và truyền tâm ấn.

“Vận dụng trí tuệ thiển thâm nhiều bề”. Vận dụng trí tuệ khi cạn khi sâu, tùy theo hoàn cảnh tùy theo trường hợp. Cạn sâu như thế nào?

Hoặc là nghiễm tọa vô vi,

Hoặc là thuấn mục, dương mi, dao thần.

Hoặc hiện sư tử tần thân,

Quát thét một tiếng xa gần vang uy.

Chư Tổ vận dụng trí tuệ khi cạn khi sâu để trao truyền .

Như khi có thiền khách đến hỏi: “Bạch Hòa thượng, thế nào là Phật?” Ngài ngồi im lặng không nói, gọi là nghiễm tọa vô vi.

Hoặc thuấn mục là chớp mắt, dương mi là nhướng mày, dao thần là dao động đôi môi mà không nói lời nào. Khi hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Hay hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Các Ngài chỉ chớp mắt, hoặc nhướng mày hay máy động đôi môi mà không nói.

“Hoặc hiện sư tử tần thân, Quát thét một tiếng xa gần vang uy”. Tức là hét lên như tiếng gầm sư tử. Như khi có người hỏi Thiền sư Lâm Tế: Thế nào là Phật? Ngài im lặng không đáp, chỉ hét một tiếng muốn điếc tai, đó là sư tử tần thân.

Như vậy chư Tổ ngày xưa truyền thiền, các Ngài không nói lời nào, có khi im lặng, có khi chớp mắt nhướng mày, có khi chuyển động đôi môi, có khi hét v.v...

Ai khôn xem đấy xá nghì,

Hội ngộ tự tính tức thì chứng nên.

Người có trí tuệ khi thấy những hiện tượng như nhướng mày chớp mắt hoặc dao động môi, liền nhận ra yếu chỉ, nghĩa là ngộ được tự tánh.

Thuở xưa hội cả Kỳ Viên,

Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày.

Ca Diếp trí tuệ cao tay,

Liễu ngộ tự tính bằng nay mỉm cười.

Bản này là trí tuệ cao tay, bản in 1932 là trí tuệ khôn thay. Chữ cao tay là cao tay ấn có thể hay hơn.

Hội Kỳ Viên thuở xưa là ở vườn ông Cấp Cô Độc. Còn sự tích Phật đưa cành hoa sen, Ca Diếp mỉm cười là trong hội Linh Sơn, trên núi Linh Thứu. Hội Kỳ Viên và núi Linh Thứu ở hai nơi khác nhau, nếu nói “Thuở xưa hội cả Linh Sơn” thì đúng hơn.

Thuở xưa ở hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen, ngài Ca Diếp do trí tuệ sâu, do tài phi thường, Ngài nhìn thấy liền ngộ được tự tánh nên mỉm cười.

Trần trần sát sát Như Lai,

Chúng sinh mỗi người mỗi có hoa sen.

Trần là bụi, sát là cõi. Khi ngộ rồi, cõi Phật nhiều trùng trùng điệp điệp như cát bụi. Chúng sinh ở các cõi đó người nào cũng có hoa sen, không phải chỉ riêng Tổ Ca Diếp mới có. Hoa sen là gì?

Hoa là vốn tính trạm viên,

Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng.

Bản in 1932 là Hoa là bản tính tự nhiên, nhưng ở bản này là Hoa là vốn tính trạm viên, câu này hay hơn. Trạm viên là lặng lẽ trùm khắp, hoa sen là chỉ tánh lặng lẽ trùm khắp, tánh ấy bao trùm cả trời đất, trên dưới không thiếu sót. Đó là chỉ thể tánh chân thật của mỗi người, tượng trưng bằng hình ảnh hoa sen. Tất cả chúng sinh dù ở cõi nào, trên cõi trời hay dưới cõi phàm, đâu đâu cũng đều có tánh giác, không nơi nào thiếu vắng.

Hậu học đà biết hay chăng?

Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời.

Những câu này nói lý đạo rất là thiết yếu. Ngài hỏi kẻ hậu học có biết chăng? Kẻ hậu học là chúng ta hiện nay, chúng ta là những người học sau, có biết chăng?

“Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời”. Do tâm hoa ứng ra nơi miệng nên chúng ta biết nói, biết ăn, biết uống trà v.v..., chớ tự cái miệng nó không biết.

Đúng như câu chuyện Thiền sư Huệ Hải đến hỏi đạo với Mã Tổ.

Tổ hỏi: Đến đây tính cầu việc gì?

Sư thưa: Đến cầu Phật pháp.

Tổ bảo: Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có  một vật, cầu Phật pháp cái gì?

Sư lễ bái, thưa: Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

Tổ bảo: Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

“Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi”. Nay tôi hỏi lại: Có người nào không có kho báu không? Có người nào không biết hỏi, không biết nói, không biết uống nước ăn cơm không? Ai cũng biết uống nước ăn cơm, ai cũng biết nói biết hỏi, thế sao chỉ thấy có nước có cơm mà không thấy được kho báu, không thấy được tâm hoa? Chính ngay nơi uống nước, ăn cơm, nói năng đều từ tâm hoa ứng hiện. Không có nó thì những cái kia cũng không.

Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi,

Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.

Ở đây ngài Chân Nguyên cũng nói rõ ràng, không có giấu giếm. Cái tâm hoa đó rất thiêng liêng ứng hiện khắp mọi nơi, sáu căn vận dụng mà không chướng ngại, đó là thần thông.

Sáu căn của chúng ta có hai tên, một tên là lục thông, một tên là lục tặc. Khi nào sáu căn là lục tặc? Khi mắt nhìn sắc luôn luôn thích cái đẹp ghét cái xấu, vì thích cái đẹp nên đi tìm, đó là lục tặc. Tai nghe tiếng thì thích lời khen ghét tiếng chê, mũi ngửi mùi thì thích hương thơm ghét mùi hôi, lưỡi nếm vị thì thích thức ăn ngon chê món ăn dở..., đó là lục tặc. Sáu căn làm chúng ta mệt cả ngày, dẫn chúng ta chạy từ chỗ này đến chỗ kia không cho yên nghỉ, không phải lục tặc là gì?

Còn nếu sáu căn thông suốt, tự tại không dính mắc, đó là lục thông. Thông là thông suốt không dính mắc. Thấy sắc là sắc, nghe tiếng là tiếng..., cái gì rõ ràng cái ấy mà không dính mắc gì cả, dù đi giữa chợ về mà không biết người ta nói gì, không biết cái gì trước mắt, như vậy không thông là gì?

Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan hỏi về nguồn gốc của phiền não và nguồn gốc của Bồ đề, đức Phật trả lời: “Chính sáu căn của ông là nguồn gốc của phiền não sinh tử, cũng chính sáu căn của ông là nguồn gốc của Bồ đề giải thoát”. Nơi sáu căn mà chúng ta dung dưỡng lục tặc, đó là nguồn gốc phiền não. Cũng chính nơi sáu căn mà chúng ta sống đúng với lục thông, đó là nguồn gốc Bồ đề. Vậy tìm Bồ đề ở đâu? Ở ngay nơi mắt, tai, mũi, lưỡi... Làm sao khi nghe tiếng khen tiếng chê, mà chúng ta vẫn thản nhiên tự tại, đó là Bồ đề, không phải tìm kiếm đâu xa. Khi thấy cái đẹp cái xấu, chúng ta cũng thản nhiên không dính mắc, đó là Bồ đề ngay trước mắt. Đâu phải bịt mắt bịt tai để được yên, chính mắt thấy tai nghe mà vẫn yên, đó là yên thật sự. Nếu bịt mắt bịt tai mà được yên, chỉ là yên 

giả hiệu, tạm thời, mở mắt buông tai thì hết yên. Thế nên chúng ta tu phải tu cho thật, tập cho đúng, đừng đi sai lệch.

Như vậy sáu căn là lục thông, sáu căn cũng là lục tặc. Nếu hiện giờ ai lỡ để sáu căn thành lục tặc, thì nên chuyển thành lục thông. Nếu để thành lục tặc suốt đời, thì sau khi nhắm mắt sáu chú giặc sẽ dẫn chúng ta đi vào các cảnh địa ngục.

Nếu chuyển thành lục thông thì khi nhắm mắt được thong dong tự tại khắp muôn cõi, không dính ở cõi nào.

Chân hoa sắc tức thị không,

Không tức thị sắc thể đồng như như.

Chân hoa là chỉ tánh giác hay trí tuệ. Thấy sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, đó là thấy với mắt trí tuệ chân hoa. Còn thấy sắc riêng, không riêng, sắc không phải không, không không phải sắc là thấy theo mắt mê muội phàm tục. Nếu thấy đúng với mắt trí tuệ chân hoa thì thể các pháp sắc không đều là như như.

Tam thế chư Phật Tổ sư,

Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ.

Ba đời chư Phật chư Tổ đều dùng bốn mắt nhìn nhau làm máy thiền. Ngài Chân Nguyên ngộ từ Tứ mục tương cố, cho nên mỗi đoạn Ngài đều dẫn việc nầy làm gốc.

Ai chưa tín thụ còn ngờ,

Thỉnh kinh Lăng Già quyển nhị hòa trông.

Bản nầy là hòa trông, bản in 1932 là hòa nung. Nếu ai chưa tin nhận, còn nghi ngờ thì xin xem kinh Lăng Già quyển hai sẽ biết. Thật ra chúng tôi đọc tới cuối quyển ba mới thấy đoạn nầy. Phật dạy Bồ tát Đại Huệ: Không phải tất cả cõi nước trong vũ trụ nầy đều dùng ngôn ngữ để thuyết pháp, mà có những cõi nước chỉ nhìn rồi ngộ đạo, hoặc thấy cành hoa rồi ngộ đạo, có cõi nước mời ăn bữa cơm hay xúc chạm rồi ngộ đạo v.v... Như vậy không phải chỉ có ngôn ngữ mới nói được đạo lý.

Phật dạy tiếp: Như ở thế gian, những con kiến có nói gì với nhau đâu, mà chúng tổ chức thành tổ rất chu đáo, mỗi nhóm kiến có việc làm riêng, đâu phải sử dụng lời nói. Những tổ ong tổ mối cũng như vậy.

Thế nên ngôn ngữ là phương tiện, không phải chỉ có ngôn ngữ mới thuyết pháp được, mà tất cả hành động đều có thể thuyết pháp, vì tâm hoa ứng hiện trong các hành động không riêng gì ở miệng và lưỡi.

Tự nhiên đốn ngộ Tâm tông,

Kẻo tìm kinh giáo luống công lâu ngày.

Muốn hiểu rõ, nên xem kinh Lăng Già Tâm Ấn cuối quyển ba, liền ngộ được Tâm tông. Nếu xem các kinh khác thì luống phí nhiều công. Vậy muốn đốn ngộ Tâm tông hay Thiền tông, không phải chỉ ở ngôn ngữ mà ở mọi hành động. Như ngài Hương Nghiêm nhân nghe tiếng hòn sỏi chạm trúng cây tre mà ngộ đạo, ngài Linh Vân nhìn hoa đào nở liền ngộ đạo. Như vậy đâu có nói lời gì, đâu có nói pháp gì, mà các Ngài cũng ngộ đạo. Nếu nơi sáu căn chín muồi rồi, khi duyên đến bỗng dưng sáng ra.

Giáo là kinh lục kể bày,

Giấy mực văn tự chất đầy hà sa.

Nói giáo là để đối với tông. Giáo là những quyển kinh Phật dạy và những quyển lục của chư Tổ giải thích. Những quyển nầy là giấy mực văn tự viết thành tập sách, chất đầy cả tủ cả kho, đọc không hết.

Tông là nguyên tự tính ta,

Vốn vô nhất vật lặng hòa hư linh.

Bản nầy là “lặng hòa hư linh”, bản 1932 là “sáng hòa hư linh”. Tông là thiền, là chỉ thẳng tự tính của chính mình, còn gọi là tánh giác hay tâm hoa, ai cũng sẵn có. Tự tính của mình vốn không phải một vật, nó lặng lẽ rỗng sáng.

Thế nên chúng tôi chủ trương ngồi thiền không phải ngồi mãi cho đến già còng lưng, nhưng vì chúng ta ngồi càng lâu càng sáng, nên càng phấn khởi thích ngồi. Tại sao phải ngồi thiền? Vì sáu căn của chúng ta ngày nay thành lục tặc.

Thật ra mắt tai mũi lưỡi thân không phải là giặc, chỉ có ý hợp tác với năm căn mới thành lục tặc. Như hiện giờ mắt chúng ta nhìn bình hoa hồng, nhìn thấy vậy thôi thì không phải lục tặc. Nhưng chúng ta đâu có ngừng ngang đó, nhìn hoa rồi hỏi hoa hồng nầy tên gì, hiệu gì, đẹp hay xấu, rồi khen hoặc chê, đó là thành lục tặc.

Thấy đẹp xấu rồi khen chê là có sự cộng tác của ý, chớ tự các căn kia không thành lục tặc. Ý luôn luôn chạy ra mắt tai mũi lưỡi... chạy liên tục, không lúc nào ngừng nghỉ.

Có nhiều người nói tại sao Thầy bắt chúng con ngồi thiền hoài. Khi ngồi thiền chúng con thấy vọng tưởng lăng xăng, sao không cho chúng con ra ngoài rừng thông nhìn cây cối chim chóc, có lẽ thoải mái yên lặng hơn. Thật ra khi nhìn cây thông rồi khen thông đẹp là lúc ý đang hướng ra mắt để nhìn thì đâu thấy vọng tưởng. Khi nghe chim kêu thì lắng nghe xem tiếng chim gì hay, lúc đó ý đã chạy ra tai, đâu còn thấy vọng tưởng nữa.

Còn khi ngồi thiền ngó xuống, mắt không thấy gì, tai không nghe gì, mũi cũng chẳng ngửi gì..., thì đâu có gì để ý hợp tác, cho nên nó nhảy lên nhảy xuống chạy ngược chạy xuôi. Nếu cho con khỉ ý chạy theo hợp tác với các căn kia, khi ấy nó đang dựa đang níu người vật thì nó yên. Nhưng nếu không cho nó níu cái gì hết, có một mình thì nó quậy. Trong khi con khỉ đang lăng xăng nhảy nhót, mà mình chinh phục được nó thì gọi là con khỉ ngủ. Khỉ ngủ rồi nó hết hợp tác với các căn kia thì lúc đó mới là thảnh thơi tự tại. Giai đoạn đầu là đang xiềng con khỉ ở rừng - con khỉ đang nuôi mà xiềng còn không được, huống nữa là con khỉ ở rừng - cho nên nó mới nhảy tứ tung không cho mình yên. Ngồi một tiếng đồng hồ không có phút nào yên, hết nghĩ cái nầy đến cái kia, hết cái kia đến cái khác, đó là vì không có chỗ cho nó chạy thì nó phải quậy ở trong, chớ có gì lạ đâu. Thấy nó quậy chúng ta chỉ cười, không theo nó. Quậy mệt rồi nó ngủ, thì không có gì để sợ.

Như vậy để giải thích vì sao mình đi chơi không có vọng tưởng, còn ngồi một chỗ vọng tưởng quá nhiều. Tưởng đi là hay, không ngờ lúc đi nó đang chạy theo các căn kia để ngắm nhìn hoặc nghe ngóng thì đâu có rảnh để quậy! Còn khi ngồi không có chỗ nào để tựa thì nó phải nổi loạn, nó nổi loạn mình thấy cho nên mình mới điều phục được. Như thế mới hiểu tại sao khi ngồi thiền, nó còn đang quậy thì thật là khổ, vừa đau chân, vừa nó lăng xăng kiềm không được, muốn xả thiền đi chơi cho rồi. Nhưng mình cố gắng bình yên trong lòng được chút nào nhẹ chút ấy, khi nó ngủ rồi thì ngồi bao lâu cũng thấy thảnh thơi tự tại. Đến khi đó chúng tôi không khuyên ngồi, quí vị cũng mang bồ đoàn đi ngồi, vì ngồi nó thảnh thơi tự tại, nếu không ngồi thì uổng quá!

Thế nên sau khi thành Phật, đức Phật vẫn ngồi thiền. Đi khất thực về, thọ trai xong, Ngài đem tọa cụ đi vào rừng ngồi thiền. Các Tỳ kheo hỏi Phật: Bạch Thế Tôn, Ngài đã thành Phật còn ngồi thiền làm gì? Chúng con chưa ngộ đạo, chưa thành Phật, nên Thế Tôn dạy chúng con ngồi thiền để được định, rồi trí tuệ sáng và ngộ đạo. Còn Thế Tôn đã ngộ đạo, ngồi thiền chi cho dư? Phật bảo: Ta ngồi thiền với hai mục đích: một là cho khỏe, hai là để đệ tử ta thấy Phật đã thành Phật mà còn tọa thiền. Phật mà còn tọa thiền huống mình là chúng sanh lại không chịu tọa thiền hay sao? Cho nên noi gương đức Phật, chúng ta phải ngồi thiền.

Như vậy đức Phật ngồi được khỏe, nên Ngài thường ngồi thiền. Còn chúng ta hiện nay ngồi nhọc quá, bị bắt buộc tới giờ phải ngồi, cho nên mỗi khi nghe rung chuông ngồi thiền thì đi chậm chậm, trễ được phút nào mừng phút ấy, làm cho người có trách nhiệm phải rầy hoài. Đến khi nghe lắc chuông xả thiền thì xả rất nhanh, không có chậm nữa. Hai thái độ rất rõ khi bắt đầu vào ngồi và khi xả thiền cho biết tinh thần chúng ta như thế nào thì nó hiện ra thế ấy. Hiện giờ con khỉ chúng ta đang lăng xăng nhào lộn, mình ngồi nhìn để chế phục nó. Vì thế khi mới bắt đầu ngồi, tâm còn lăng xăng, vừa phải cố kềm chế, vừa bị đau chân, cho nên trong ngoài bức bách nhọc nhằn. Đến khi bên trong yên lặng thảnh thơi, bên ngoài cũng nhẹ nhàng, lúc ấy thích ngồi hơn là ở ngoài. 

Chúng tôi nói ý nghĩa ngồi thiền cho quí vị hiểu thật rõ để khi thực hành không có chán mỏi. Tóm lại thiền là tự tính của mình, chớ không có gì lạ. Tự tính đó không có một vật chất hình tướng, cho nên nó lặng lẽ rỗng sáng.

Thuở xưa trời đất chưa sinh,

Cha mẹ chưa có thật mình chân không.

Như vậy cái vô nhất vật nầy đã có khi chưa có trời đất, đã có khi cha mẹ chưa sanh. Lúc đó gọi nó là gì? Là chân không. Tại sao? Vì nó không hình tướng, cho nên nói là không, nhưng nó là một cái lặng lẽ sáng suốt, cho nên là hiện tiền chân thật, vì vậy mà gọi là chân không.

Chẳng có tướng mạo hình dung,

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.

Thể chân thật hay tự tính của mình không có hình dung, tướng mạo, nên nó sáng khắp mọi nơi, tròn đồng như hư không. Phàm cái gì có tướng thì có giới hạn, dù to như quả núi cũng có giới hạn của quả núi. Cái không tướng mạo, lấy gì làm giới hạn? Không giới hạn thì trùm khắp. Như vậy tâm chân thật hay tự tính của mình sáng suốt không hình tướng, trùm khắp không có gì ngăn che, nên nói tròn đồng như hư không.

Thánh phàm vô khiếm vô dư,

Bất sinh bất diệt như như Di Đà.

Thể tánh trong sáng không hình tướng đó, nơi phàm không thiếu nơi thánh không thừa, vì ai cũng sẵn có.

Thể tánh ấy không sinh không diệt, nên gọi là “như như Di Đà”. Vì sau nhà Trần, nhà Hồ, thì nhà Minh qua cai trị, cho nên đến đời Hậu Lê, Thiền đã suy yếu, người dân hướng về Tịnh độ. Ở đây tuy nói về Thiền, nhưng ngài Chân Nguyên cũng xoay qua từ ngữ của Tịnh độ là Phật A Di Đà. Song không nói Phật A Di Đà ở Tây Phương mà nói Phật A Di Đà của tự tánh. Chữ A Di Đà là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, nghĩa là sống lâu vô lượng và sáng suốt vô lượng. Sống lâu vô lượng là bất sanh bất diệt, sáng suốt vô lượng là luôn luôn thường giác. Như vậy tự tánh Di Đà là tánh giác bất sanh bất diệt của mình chớ không gì khác.

Liễu tri vạn pháp không hoa,

Văn tự ngôn ngữ ấy là vọng duyên.

Nếu chúng ta thấu suốt rằng muôn pháp ở giữa thế gian nầy như hoa đốm trong hư không, không có gì là thật, thì ngôn ngữ văn tự cũng là vọng duyên không thật.

Chân như tính vốn thiên nhiên,

Vô tạo vô tác căn nguyên của nhà.

Tánh Chân như vốn là sẵn vậy, không phải cái gì làm ra, không do cái gì tạo tác, cho nên nó là cội nguồn của chính mình. Tánh sáng suốt ấy mỗi người ai cũng sẵn có.

Trái lại tất cả vọng tưởng, tất cả hành động vì do duyên khởi, vì do duyên sinh nên đều là sinh diệt, không thật. Thấy rõ các pháp không thật, chúng ta không còn bị mê lầm, bị mù tối và sẽ sống trở lại cái sẵn có thanh tịnh sáng suốt của chính mình.

Tôi thí dụ: Như mắt chúng ta hiện giờ nhìn hoa hồng, có người nào thấy nó màu trắng hay màu xanh không? Ai cũng thấy nó là hoa hồng màu vàng. Như vậy cái thấy hoa màu vàng giống nhau, nhưng qua sự phân biệt đẹp xấu thì có khác.

Người đánh giá nó đẹp, người đánh giá nó xấu. Tại sao có sự khác biệt? Đó là do chúng ta đem ký ức ra để so sánh. Nếu hôm trước mình thấy hoa hồng nở to, hoa hôm nay nhỏ hơn, thì nói hoa to đẹp, hoa nhỏ hôm nay là xấu. Còn nếu thấy hoa hôm nay đẹp là vì từ trước đến giờ mình chỉ thấy hoa hồng nhỏ xíu rời rạc, nên cho hoa hồng sum sê hôm nay là đẹp. Như vậy nói xấu, nói đẹp là không còn cái thấy chân thật lúc ban đầu, mà qua chặng thứ hai đem ký ức ra để so sánh đối chiếu. Đó là những cái sinh diệt hư dối do bóng dáng của sáu trần còn tích lũy, mình đem ra so sánh, nên không thật. Còn nếu chỉ nhìn hiện tượng đó thì ai cũng như ai, một trăm người nhìn hoa hồng cũng thấy như nhau. Ở chặng đầu, tánh đó đồng nhau. Như thế chúng ta có một tánh hằng hữu giống nhau, song vừa khởi so sánh liền thành sai biệt! Vì vậy so sánh là nghiệp, là thói quen đối đãi, cho nên có khác, còn thực thể không khác.

Hiểu như vậy chúng ta mới thấy nơi mình có sẵn tự tánh thiên nhiên không phải làm ra, còn cái phân biệt đối đãi là cái làm ra, là đem cái nầy so sánh cái kia.

Thế mà chúng ta chỉ nhớ cái so sánh đối đãi cho đó là mình, lại quên đi cái thật sẵn có. Vậy chúng ta tu là dẹp cái so sánh để cái chân thật hiện bày, chớ không phải tìm Phật ở đâu xa. Thế nên nói Phật tánh là tánh giác sẵn có của mình.

Xem kinh Bụt thốt còn xa,

Nghiệm cơ Tổ bảo sát na biết rồi.

Bản nầy là Bụt thốt, bản 1932 là Bụt thuyết.

Xem kinh Phật nói phải suy gẫm xa xôi, còn nghiệm lại cơ Tổ dạy chỉ trong sát na liền biết.

Ngộ tính không tịch thì thôi,

Chẳng lạ chi lời vấn đáp tiêu hao. Ngộ được tự tính là đủ, không còn tìm kiếm gì nữa. Đối với những lời hỏi qua thưa lại nghe lạ lùng kỳ đặc nhưng ngộ rồi thì thấy rất dễ.

Cơ quan thuận nghịch thấp cao,

Những sự huyễn trí chiêm bao đặt làm.

Cơ quan là chỗ thấy nghe hiểu biết của mỗi người, chỗ ấy thuận nghịch, cao thấp khác nhau. Song những sự hiểu biết đó đều là trí huyễn giả dối như giấc chiêm bao, thấy đó rồi mất đó không có thật.

Đại vi thuyết pháp chỉ nam,

Cho ta ngộ đạo kẻo đàm kinh lâu.

Ở đây là đại vi, chỗ khác là đại vì.

Thuyết pháp chỉ nam là phải nhắm thẳng chỗ thuyết pháp chỉ cho mình thấy cái chân thật. Chư Tổ thuyết pháp chỉ rõ cội gốc để chúng ta ngộ đạo, khỏi phải bàn luận kinh cho xa xôi, mất thì giờ.

Cho hay Phật pháp lẽ mầu,

Bất quan văn tự bất cầu đa ngôn.

Chỗ mầu nhiệm của Phật pháp không có dính dáng với văn tự, cũng không phải nói nhiều. Chỗ đó một tiếng hét hay một cái đánh cũng có thể ngộ được, không bắt buộc phải nói nhiều.

Khuyên người học đạo trí khôn,

Giác tri tự tính chớ còn tìm đâu.

Ngài Chân Nguyên khuyên chúng ta, những người học đạo phải có trí khôn ngoan, phải ngộ được tánh giác của mình, chớ đừng tìm kiếm ở đâu xa. Tánh giác là Phật, ở ngay nơi mình, đừng tìm trên non trên núi, đừng tìm chỗ nầy chỗ kia, phải ngay nơi tâm mình dứt hết loạn tưởng thì tánh giác hiện bày.

Phật Tổ phó chúc bấy lâu,

Pháp ấn như thị làu làu chân không.

Đó là chỗ Phật Tổ dặn dò lâu nay. Pháp ấn là như thế, thể chân không sáng tỏ làu làu, không cần tìm kiếm ở đâu khác.

Cùng truyền Bát Nhã Tâm tông,

“Ngộ vô sở đắc" thật dòng chân Tăng.

Bát Nhã Tâm tông là chỗ chân không, chân không là do “Bản lai vô nhất vật”. Đã là “vô nhất vật” thì còn gì có sở đắc! Cho nên “Ngộ vô sở đắc thật dòng chân Tăng”. Vì vậy người tu chân chánh là phải ngộ chỗ vô sở đắc.

Thiệu Phật kế Tổ liên đăng,

Tương truyền y bát thừa thằng thiệu long.

Bản nầy là liên đăng, bản kia là truyền đăng. Tức là nối dòng Phật Tổ trao truyền ngọn đèn sáng cho đời sau.

Bản nầy là “Tương truyền y bát thừa thằng thiệu long”. Bản kia là “Tương truyền y bát Huệ Năng vô cùng”, câu nầy bị lỗi rất lớn. Tại sao? Vì khi Ngũ Tổ trao y bát cho Lục Tổ có dặn: “Y bát đến đời ngươi không được truyền nữa”. Như vậy đến Lục Tổ Huệ Năng là không còn truyền y bát, mà chỉ truyền tâm ấn thôi.

Cho nên khi Lục Tổ sai ngài Hành Tư đi giáo hóa có nói: “Y bát để lại nơi đây, ngươi sang nơi khác để hoằng hóa”. Vì thế y bát ngang đây không còn truyền nữa.

Thế nên bản kia nói: “Tương truyền y bát Huệ Năng vô cùng”, về ý thì không sai, nhưng về hình thức thì sai. Còn bản nầy nói: “Tương truyền y bát thừa thằng thiệu long”, có nghĩa là mình phải kế thừa Phật Tổ để truyền ngọn đèn trí tuệ và y bát làm cho hưng thịnh mãi ở đời, chớ không phải truyền y bát của Lục Tổ Huệ Năng mãi về sau.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ